00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

HÃY TINH TẤN ĐỪNG TU SAI 02 - THÀNH ĐẠO NHỜ TÂM KHÔNG PHÓNG DẬT

HÃY TINH TẤN ĐỪNG TU SAI 02 - THÀNH ĐẠO NHỜ TÂM KHÔNG PHÓNG DẬT

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu sinh

Thời lượng: [01:21:47]

Tên cũ: Hãy tinh tấn đừng tu sai-Nu

1- NỀN ĐẠO ĐỨC RẤT QUAN TRỌNG CHO LOÀI NGƯỜI

(00:00) Trưởng lão: Bên nam trong ngày hôm qua, hồi chiều hôm qua, Thầy chỉ cho thấy được cái chỗ tu sai, tu đúng của mình. Do cái nhân duyên đó mà Thầy mới có cái cuộc mà gặp gỡ quý thầy, và cũng nhờ cái duyên đó mà hôm nay thì mấy con mới được gặp Thầy. Bởi vì đối với Thầy thì cơ thể của Thầy thì bây giờ nó cũng là như là cái chiếc bè nó đã mục. Mà nó lại chở với một cái số lượng rất là lớn. Cho nên nếu mà Thầy dụng cái sức của mình mà hằng ngày hay hoặc là mỗi tuần mà giảng hai ba lần. Hay hoặc là một tuần mà giảng một lần cho mấy con nghe, để sách tấn trên con đường tu tập của các con. Thầy giảng cái Giáo Án Đường Lối Tu Tập thì thông thường mấy con nghe Thầy ho, vì trong lúc mà Thầy còn trẻ tuổi Thầy đi dạy học đó, Thầy đã bệnh phổi một lần rồi. Cho nên khi mà nói nhiều thì nó bị cái bệnh phổi nó dễ trở lại. Cho nên suốt cái thời gian mà Thầy giảng cái giáo án thì thường mấy con nghe Thầy ho.

(01:27) Cho nên trong cái thời gian gần đây thì các con thấy Thầy vắng, Thầy không có thuyết giảng. Dù sao đi nữa nó cũng có cái sự tiếp khách. Cho nên Thầy thấy đó cũng là một cái điều nó làm cho Thầy cũng hao cái khí lực rất nhiều. Và vì vậy mà mọi lần mà nói chuyện hay hoặc mọi lần thuyết pháp thì đều là có cái sự phục hồi lại, để cho Thầy tiếp tục Thầy làm việc. Nhất là cái điều mà Thầy chú ý nhất đó là cái đạo đức nhân bản - nhân quả làm người.

Bởi vì Thầy xét trọn bộ cái đạo Phật chỉ có cái sự giải thoát của con người nó có cái đạo đức mà thôi, chỉ có cái đạo đức. Mà nếu mà không có cái đạo đức thì không thể nào…​ Vì thế sau khi Thầy tu hành xong thì Thầy xét thấy được cái điều này rất rõ. Đạo Phật đến với con người là đến với cái nền đạo đức nhân bản không làm khổ mình, khổ người. Mà hầu như người ta nghĩ đến cái đạo Phật quá cao siêu, đưa nó đi đến cái mức độ hơn tất cả các tôn giáo khác bằng cái hình thức siêu hình, quá tuyệt! Nhưng nó không phải đạo Phật, vì vậy cuối cùng Thầy biết là đạo Phật là cái đạo rất gần với con người. Xây dựng con người có một nền đạo đức, nhưng phải sống và tu tập như thế nào để nó có một cái nền đạo đức đó?

(03:04) Cho nên cái mục đích Của Thầy, Thầy đã biết được cái đạo Phật như vậy, cho nên đem hết, dốc hết toàn lực của mình ra để xây dựng cái nền đạo đức của đạo Phật cho loài người trên hành tinh này.

Một mặt thì cố gắng đào tạo con người tu thực tu, thực chứng. Nghĩa là thực sống đúng trong cái giới hạnh của Phật để làm cái gương hạnh tốt cho Phật pháp. Làm cái gương hạnh tốt cho mọi người để lấy đó họ sống. Nhưng nhìn trước, nhìn sau thì các con cũng nỗ lực tu hành chứ không phải không nỗ lực tu hành. Nhưng có cái là các con không hiểu rõ, cho nên sự tu hành của các con giậm chân tại chỗ, hoặc là còn lùi nữa. Chứ không phải là tiến tới.

2- THẾ NÀO LÀ PHÓNG DẬT

(03:57) Thầy thấy rất rõ là vì các con nên nghe, nghe lại coi thử coi cái lời của đức Phật ngày xưa, đức Phật không nói ta ngồi thiền mà chứng đạo, thành chánh giác. Ta không tu pháp này, không tu pháp kia mà chứng đạo. Trên bia đá Thầy có ghi cái lời của đức Phật sau cùng, sắp sửa cái giờ mà đức Phật sắp sửa chết. Chỉ còn đôi ba phút nữa thì đức Phật nói: "Ta nhờ không phóng dật mà thành chánh giác. Các pháp điều lành cũng nhờ chỗ tâm không phóng dật mà ra".

Phóng dật là phóng như thế nào? Bây giờ mình ngồi trong thất mình tu mà mình thấy người ta như thế này, thế kia thì đó là phóng dật. Thấy người ta tu sai, tu đúng. Mình tu mà mình thấy người ta đúng, sai là mình phóng dật. Còn tâm không phóng dật tức là tâm không thấy cái chuyện mà thiên hạ. Ai làm gì mặc, họ tu được họ nhờ, tu không được mặc họ.

(05:02) Mà chỉ có đức Phật nhắc chúng ta tâm không phóng dật. Tâm không phóng dật có nghĩa là như thế nào? Là phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý của mình. Đừng có để mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý mình nghe chuyện bên ngoài. Người ta nói, người ta làm mọi chuyện mặc người ta, làm ác thì họ chịu, làm thiện thì họ nhờ. Nó có mắc mớ gì mình đâu, mà mình điên gì mà để mình nghe, mình thấy để rồi tâm mình nó dính mắc, nó sanh ra những chướng ngại pháp trong đó. Phải không các con? Các con thấy cái sự tu của đạo Phật nó đơn giản, rất đơn giản.

(05:37) Thầy nói thiệt khi mà Thầy hiểu Phật pháp rồi, Thầy chỉ ngồi suốt trong 5 tháng, 6 tháng trong thất. Mà 5 tháng đầu tiên Thầy thấy quá dễ dàng là vì chỉ có ngồi giữ gìn trên bốn chỗ mà đức Phật gọi là Tứ Niệm Xứ. Tứ Niệm Xứ là Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Ngồi chơi, ngồi thiền tréo chân kiết già lên ngồi, cũng không phải là ức chế tâm, ngồi nhiếp cho hết vọng tưởng. Mà ngồi tự nhiên mà luôn luôn quan sát trên bốn chỗ Thân, Thọ, Tâm, Pháp của mình, coi bốn chỗ này nó có hiện một cái tướng, một cái niệm gì không ở trên bốn chỗ này không?

(06:26) Còn mắt, tai bao giờ cũng nhìn ngó vào bốn chỗ này, không bao giờ để ý bên ngoài. Cho nên tâm nó không phóng dật chứ gì? Mình có cái chỗ mình nương, mình nương vào bốn chỗ này để quan sát coi bốn chỗ này nó có khởi ra cái niệm gì không?

Bây giờ cái thân này nó bình thường, nó không đau, không nhức, không ngứa, không khổ sở gì hết. Thì đó là cái thân nó giải thoát, cái thân nó an lạc chứ gì? Mà cái tâm bây giờ nó không phiền não, nó không nhớ, không lo, không gì hết. Thì cái tâm thanh thản chứ gì? Mà nó nghĩ, nó nhớ, nó lo thì nó không thanh thản chứ gì? Mà nó không thanh thản tức là nó chướng ngại pháp rồi. Thì mình phải quán xét đẩy lui những chướng ngại pháp đó. Hoặc là mình dùng pháp Như Lý Tác Ý để mình tác ý mình đẩy lui đi.

(07:15) Mình lao động, mình suốt ngày mình làm công chuyện này, chuyện kia. Mình cũng không phải lao động để biết cái hành động lao động, mà nương vào cái hành động lao động đó để biết từng tâm niệm của mình, từng cái hành động này nó đi vào cái tham, sân, si hay không? Ví dụ, Thầy nói ví dụ để cho các con biết, thí dụ như mình đang ăn nè, không có nghĩa là tôi biết tôi đang nhai cái món ăn này biết tôi nhai không. Thì nó có nghĩa lý gì cho cái sự giải thoát đời mình?! Mình đang nhai cơm nè, mà mình biết rằng mình ăn miếng cơm này, cái món thực phẩm này nó ngon, nó thích. Mình biết nó ưa cái món ăn đó, thì mình biết đây là tâm tham của mình rồi. Mình ăn cái món ăn này, mình thấy món ăn này thấy nó không hợp với mình, mình ăn nghe nó ớn, nghe nó không ngon thì mình biết đây là cái tâm tham mình rồi. Nó tham nó mới chê cái này, nó tham nó mới thích cái kia. Đó như vậy rõ ràng trên cái hành động ăn của mình nó có ý nghĩ chỗ đó chứ.

(08:22) Bây giờ mình ra mình quét cái sân, nó có cái ý nghĩ dơ sạch ở trong đó chứ. Mình thấy nó dơ mình quét, vậy thì cái dơ này nó thuộc về cái gì đây? Đó thì tất cả những cái chướng ngại pháp đó mà tâm mình phóng lên cái dơ, cái sạch. Cho nên khi mình quét, mình đã hiểu biết như vậy là vì như thế nào mà mình phải quét? Tại vì mình ở không thể nào mình để người ta nói mình dơ hay sạch này kia. Nhưng chúng ta không nên trách dơ sạch. Một ngày nào đó thử hỏi cái thân của mình cũng bất tịnh, có gì sạch sẽ chỗ nào đâu mà để tâm dính mắc vô đó?!

Cho nên do đó mình làm với tánh cách mình làm thành một cái thói quen là mình quét cho sạch thôi, chứ không có khởi ra một chuyện khác nữa. Vì khởi ra chuyện khác nó sẽ có những cái chuyện tích lũy của tâm tham của mình trong đó, tâm chướng ngại của mình trong đó. Cho nên mình không làm chuyện gì ngoài ra cái nhiệm vụ hằng ngày mình sống ở trong chúng, mình làm cái việc đó mình làm, chứ giờ không có nghĩ là mình phải xách cái này ra trồng cái cây này, cây kia thì đó là cái thêm việc. Mà thêm việc tức là không vô sự, nó không vô sự thì không giải thoát.

(09:34) Tâm phóng dật, Thầy nói ví dụ tâm phóng dật như thế này. Thấy cái đống rác đó dơ, thì mình đã thấy đống rác dơ là tâm phóng dật ở trên đống rác. Cho nên ngăn chặn ngay liền. Vì vậy mà trong cái thời đức Phật tu, đức Phật rất đơn giản dạy cho chúng tất cả mọi cái trong cái cuộc sống của đức Phật, nay chỗ này, mai chỗ khác, nó không dính mắc chỗ nào hết. Cho nên đến đó ở đó năm ba ngày, một tháng, nửa tháng rồi về chỗ khác. Cho nên nó đâu bị dính chỗ đó, vì dính chỗ đó nó phải có dơ, có sạch.

3- TỔ CHỨC CHO TU VIỆN LÀ VẤN ĐỀ KHÓ KHĂN

(10:08) Cho nên Thầy mới nói với Phật tử Thầy, lúc nào cũng hỏi: "Chúng con không biết có cái duyên tu hành trong cái kiếp này hay không?" Thầy nói thật sự có duyên gặp được phật pháp, có duyên được thân người là có duyên rồi đó. Nhưng mà cái phước nó chưa đủ, cái phước cho cái duyên đó để mà nó thực hiện con đường chân lý.

Cũng như Thầy tuy tu hành như vậy, mở Tu viện này như vậy. Nhưng mà Tu viện này là một cái chùa của Đại thừa, mà Thầy chỉnh đốn nó lại đến như thế này nó cũng chưa đúng lắm đâu. Bởi vì nếu mà có học trò nè, có thầy giáo rồi nè, mà trường ấp nó không đủ thì cũng khó đào tạo con người lắm. Bằng chứng bây giờ chúng ta tự nấu ăn ở trong chùa như thế này, thì chúng ta là chùa Đại thừa chứ không phải là cái chùa của đức Phật ngày xưa đâu. Còn đức Phật ngày xưa là ôm bình bát đi xin, còn chúng ta thời đại này chúng ta khéo léo, chúng ta sẽ tìm cái cách mà chúng ta giúp cho mọi người có cách thức tu hành đúng. Bị vì chúng ta thí dụ như bây giờ mình tổ chức cho người cư sĩ nào đó, người ta sẽ mở ra một cái tiệm cơm chay, người ta nấu cơm chay người ta bán, để cho cái đời sống người ta có. Và đồng thời Phật tử cúng dường sẽ cúng dường vào tiệm cơm chay này. Người mà chủ tiệm cơm chay này người ta gian xảo thì người ta chịu tội. Còn riêng mình, mình cứ giao hết cho họ, tiền bạc tất cả mọi cái, họ chỉ nấu cơm rồi đúng giờ thì mình ôm bình bát đến đó thì xin họ bữa cơm mà thôi. Thì chúng ta chỉ chuyên tu dù nam hay nữ, chúng ta cũng là những bậc giải thoát hết rồi. Nó không còn phải lo ăn, lo uống. Người ta cho mình cái gì ăn cái nấy, mình không cần ngon dở, miễn ăn sống ngày đó để mình tu.

Nhưng trường lớp Thầy chưa có làm xong, chưa có làm xong được những cái điều đó. Nhất là cái hạnh mà đi xin mà không thực hiện được, thì Thầy thấy cả một vấn đề khó của sự tu tập. Đây là một cái giai đoạn thử thách.

4- TIN TẤN NHƯNG ĐỪNG TU SAI

(12:16) Đúng mấy con ham tu, nhưng mà cái tu của mấy con thì nó còn đang ở trong cái giai đoạn sơ khởi của sự xả tâm.

Thường thường trong cái sự tu tập, người ta đừng có hiểu nhiều, đừng có hiểu mênh mông. Cũng như thầy Thông Vân cách đây năm bảy ngày thì có gặp Thầy một lần, trong lần đó thì thầy Thông Vân có nói với Thầy như thế này: ''Con muốn Thầy dạy con cách thức nào mà nhập Tứ Thiền cho mau để mà con thực hiện''. Thì Thầy chỉ nói cái pháp hướng, cách thức để mà tịnh chỉ hơi thở. Nhưng Thầy có nói với thầy Thông Vân: “Con không nên tập ngay liền bây giờ, mà hãy đi kinh hành nhiều, đi tới đi lui nhiều, đừng có ở trong thất rất là nguy hiểm. Vì ở trong thất thì nó sẽ bị ức chế tâm của mình. Cho nên càng đi chừng nào lại càng tốt, mình đi để cho nó tỉnh, tỉnh để mình nhắc tâm, xả tâm của mình. Coi từng cái tâm niệm của mình, đừng có để cho cái tâm mình nó lặng lẽ, nó không niệm là nguy hiểm! Nó có niệm mình mới biết được cái chướng của tâm mà xả. Còn nếu không biết được cái tướng của tâm thì không bao giờ xả được”.

Thầy nhắc nhở như vậy thế mà thầy nghe cái lời Thầy dạy, bởi vì Thầy rất sợ về cái vấn đề, cái pháp Như Lý Tác Ý, nó là cái pháp màu nhiệm của đạo Phật. Cái pháp mà làm chủ được sự sống chết này là một cái truyền lệnh, nó là cái phương pháp ám thị nội tâm của chúng ta, nó không phải thường. Tâm mà của chúng ta nó yên lặng nó không vọng tưởng, ức chế nó bằng cách này, bằng cách khác. Thì nó vẫn có năng lực chứ không phải không. Như bây giờ mấy con thấy, mấy con chưa tới đâu hết, tâm mấy con chưa thanh tịnh đâu. Nhưng mấy con đã tập luyện nó, có khi mấy con thấy mấy con nhắc nó, nó có cái hiệu nghiệm mầu nhiệm chứ không phải không đâu. Vì vậy cho nên chúng ta mà ở trong cái thất, cái khu vực yên tịnh mà chúng ta luyện nó. Chúng ta coi chừng nhắc bậy một cái là chúng ta tiêu đó chứ không phải là một chuyện thường.

(14:25) Cho nên ở đây Thầy biết rằng Phật pháp có nhiều cái màu nhiệm đặc biệt. Tại sao cái lời của mình ra lệnh mà cái thân nó làm theo, nó làm cho cái thân nó rối loạn, làm cái thân nó phải dừng như vậy? Đâu có ai làm sao mà như vậy được, thế mà cái lực của nó, nó làm được. Như vậy chúng ta biết nó có màu nhiệm, nhưng chúng ta tu sai là cái màu nhiệm nó trở thành một cái tai hại cho chúng ta.

Cho nên bây giờ mục đích của chúng ta chỉ có cái quyền là chúng ta dùng cái pháp Như Lý Tác Ý đó ly dục ly ác pháp, đẩy lui tất cả tham, sân, si. Chứ không có quyền nhắc bảo tịnh chỉ cái này, cái kia. Nhưng chúng ta nhắc thì được, cho nên trước kia Thầy dạy hơi sớm cái điều này, bảo tịnh chỉ âm thanh, tịnh chỉ này kia. Thầy thấy nó hay là đối với Thầy, cho nên muốn đem một cái hay này mà nhắc. Cho nên vì thế mà Minh Tông phải bị ói ra máu, bị khạc ra máu, thì các con biết quá nguy hiểm.

Còn thầy Thiện Thuận bị rối loạn cơ thể, vừa rồi thầy Thông Vân bị rối loạn. Tại sao mà mấy người đó lại dễ như vậy? Đó là mấy người đó không có cái trường hợp. Như thầy Thông Vân có cái cơ thể bị thần kinh bại liệt, cái trạng thái bệnh mà người ta thường nói cái người đó mát mát. Bình thường mà cái người mà nó bị bệnh đó đó là họ hay mát mát, họ có khi họ nói mình nghe nó đúng mà có khi nó nói nghe lãng lãng, kỳ. Thì đó là cái lạ, cái hạng người nó bị bệnh thần kinh bại liệt.

Mà thầy Chơn Thành có hỏi Thầy, nhưng mà các con sẽ đọc tới cuốn 10, thì các con sẽ thấy cái câu trả lời của cái bệnh này. Thầy hỏi những cái người mà bị thần kinh bại liệt đó có thể tu hành được hay không? Thầy xác định là người mà bị thần kinh bại liệt tu hành theo đạo Phật đó, thì chỉ được có cái giai đoạn thứ nhất mà thôi, ly dục ly ác pháp, còn cái giai đoạn thứ hai là không thể được. Bởi vì cái thần kinh yếu quá, không thể thực hiện.

(16:35) Cho nên trong cái bài Bồ Đề Vương Tử, cái bài kinh Bồ Đề Vương Tử trong kinh Trung bộ, thì đức Phật nói có năm điều kiện. Có năm cái điều kiện mà con người không thể tu theo giáo pháp của ta được. Điều kiện thứ nhất là cái người không có trí thông minh, nói không có nhớ tu hành trật, làm không đúng là cái người đó không thông minh. Cái điều kiện thứ hai là con người có bệnh, cái người mà bệnh thần kinh bại liệt là không thể nào thực hiện con đường của Phật được. Đức Phật ở trong kinh Thầy nói chỉ nói bệnh thôi, cái thân mà bệnh thì không thể tu được. Mà đã là bệnh thần kinh nữa thì càng tu không thể nào tu được nữa!

Bởi vì các con biết rằng khi mà cái pháp mà độc cư, sống trầm lặng là cái pháp ức chế tâm đệ nhất của Phật. Chúng ta ngồi chúng ta gom tâm trong hơi thở tức là có ức chế tâm rồi đó. Nhưng mà cái độc cư lại còn ức chế hơn nữa, do đó các con chịu không nổi cái pháp độc cư, vì vậy mà buộc mình ngồi một mình mình thì phải ngó bên đây, ngó bên kia, ngó bên nọ chớ ngó trở lại một chỗ các con chịu không nổi. Cho nên cái tâm thường phóng dật theo pháp độc cư.

Do đó mà chúng ta tu hành chúng ta mới nhìn thấy được, chúng ta mới làm chủ được cái pháp này để mà xả được cái tâm của mình, là tâm mình nó dễ phóng dật khi mà mình độc cư. Bị ức chế nó phải bung ra, cho nên nó phải tuôn trào. Mình sống độc cư là nó tuôn trào, mình không sống độc cư là nó không tuôn trào, nó cũng tuôn ít thôi. Còn mình sống độc cư bắt buộc, không làm, không gì tất cả mọi cái. Cho nên Thầy mới chia ra cái hạnh độc cư nó có ba giai đoạn. Nếu mà chúng ta độc cư mà ức chế nó quá thì nó sẽ nó bùng ra, nó hưng phấn thì nó rối loạn thần kinh. Trường hợp cũng như là thầy Thông Vân từ ngày về đây cứ vô trong thất ngồi không, rồi tu mà đến khi mà cái tâm nó khởi ra cái niệm, cái niệm tham đắm mà không thấy cái niệm tham đắm. Tham muốn cho mình nhập Tứ Thiền, tham muốn mình cho tu mau, để cho thực hiện Tam Minh chứ gì? Để cho mau xong cái chứ gì? Đó là cái tham mà không thấy để mà xả.

(18:45) Cho nên khi một người tu mà ở trong thất mà mỗi niệm đều là xả hết, mình tham tốt chứ không phải tham xấu, nhưng mà cái tham tốt này vẫn là tham chớ. Ở đây hoàn toàn là không tham, không tham là mình phải thấy cái trạng thái không tham, sân, si của mình chứ, "thanh thản, an lạc, vô sự". Có tham gì được ở trong đó được. Còn cái này nó khởi ra: “mình ráng mình tu” thì mình ngay ráng tu là có tham, tu để làm gì đây? Có cái mục đích trong đó tham mới có nghĩ mình ráng chứ.

Còn ở đây mục đích mình đi tìm cái kết quả giải thoát. Mà kết quả giải thoát ở chỗ nào? Thì nó ở chỗ "tâm thanh thản, an lạc, vô sự". Ngồi đây mà không thấy "thanh thản, an lạc, vô sự" là không giải thoát. Mà không giải thoát thì một ngày đó mình xứng đáng không? Mình đâu có xứng đáng!

Bởi vì mình đi tu là đem lại cái sự giải thoát hằng ngày cho mình xứng đáng cái ngày mình thọ dụng bữa cơm của mình; xứng đáng đối với những người thân quyến thuộc của mình; xứng đáng với những người Phật tử cúng dường cho mình; xứng đáng với cái giáo pháp của Phật đã dạy mình. Thì như vậy mình mới xứng đáng để mà mình thấy rằng, bây giờ mình tu đi một giây, một phút mà mình thấy tâm mình thanh thản, an lạc không có một niệm gì hết, không có một sự gì mà phiền não trong lòng của mình hết. Thì đây là mình xứng đáng trong ngày đó đối với chư Phật, đối với Thầy, đối với cha mẹ người sanh thành, đối với dòng họ của mình, những người thân thương của mình, mình xứng đáng!

(20:15) Còn nếu mình không xứng đáng thì mình nghĩ chuyện này, mình nghĩ chuyện kia, mình nghĩ chuyện nọ. Hôm nay mình thọ dụng bữa cơm này mình xấu hổ, mình không xứng đáng! Tại sao? Mình đi tu để giải thoát, giải thoát để cái tâm thanh thản đó, để xứng đáng thọ dụng tất cả những công ơn của mọi người. Công ơn sanh thành của cha mẹ, công ơn thầy tổ, công ơn của đàn na thí chủ, công ơn của những người thân thương của mình. Đó mình mới xứng đáng, mà từng giây, từng phút cái kết quả này nó xứng đáng thì nó kéo dài từng giây, từng phút nó dài ra như thế này thì tâm sẽ không phóng dật.

Thầy nói thật sự ở đây toàn bộ ở đây chỉ có một người mà tu đúng mà thôi. Đó là thầy Mật Hạnh, tại sao mà luôn luôn lúc nào Thầy cũng ca ngợi thầy Mật Hạnh? Vì thầy Mật Hạnh là người đã làm đúng lời Thầy dạy, và thầy Mật Hạnh đã thấy được đường đi, và biết cách để thực hiện con đường đi. Tâm tự động quay vô hoàn toàn, tới giờ phút này thầy Mật Hạnh đang thấy là một con người ra đời rõ ràng, nhưng mà Thầy tin rằng thầy không đến đỗi. Thầy ra để mà thầy còn cái duyên thầy đi tiếp với mọi người, nhưng mà thầy không phải sa ngã ở trên cái cuộc đời của thầy tu hành đâu. Thầy có đủ cái khả năng của thầy để chống lại bao nhiêu sự cám dỗ của cuộc đời, Thầy tin điều đó! Cho nên Thầy luôn luôn gần gũi để mà sách tấn trên bước đường thầy tiếp giao. Thầy tiếp giao với bạn bè, thì bạn bè của thầy sau này trở những bậc tu hành tốt, để nối tiếp ngọn đèn của phật pháp. Thầy nói hôm nay các con không tin nhưng ngày mai mà khi Thầy tịch rồi, ai sẽ là người nắm ngọn đuốc này thì các con sẽ biết.

(22:06) Còn bây giờ ở đây Thầy thấy mấy con, Thầy nhắc nhở tới cái cuốn 9 mà Thầy đọc rồi thì các con biết, cái người mà làm cho chúng ta xả tâm, và cái người mà làm cho thầy Mật Hạnh xả tâm không phải ai khác hơn là cô Diệu Quang, cô Út. Nếu trên đời tu hành của chúng ta mà nó bình thản như mặt hồ nước, chúng ta không thấy tâm tham, sân, si của chúng ta đâu. Nhưng nó có những đời sống, có những cái cơn gió bão bùng, thì lúc bấy giờ chúng ta mới thấy được tâm của mình làm chủ hay không làm chủ. Có buông xả hay không buông xả, đó là cái ơn rất lớn!

Hiện giờ chúng ta không thấy cái ơn đó nhưng mà chúng ta thấy buồn khổ, thì đó là chúng ta quá phàm. Các con nên nhớ các con là giới nữ, các con không nghe bà Triệu Ẩu nói sao? Nghĩa là bà nói như thế này: "Cưỡi cá kình vượt sóng to, không làm thê thiếp cho người". Thế mà chúng ta ai là như bà Triệu Ẩu? Thầy tin rằng các giới nữ của các con là những người phải là con cháu của Triệu Ẩu, thì không thể nào khuất phục!

Các con hiểu Thầy muốn nói chứ? Mình khuất phục mình không phải là con cháu của Trưng Vương, Triệu Ẩu đâu! Chúng ta có những bậc anh thư, có những bậc anh hùng. Đất nước chúng ta toàn là những người gan dạ lầm lì, không chịu khuất phục một chỗ nào cả.

Thì chúng ta làm sao cho xứng đáng với những bậc đó. Người ta đâu có chịu cúi đầu mà làm thê thiếp cho người. "Cưỡi cá kình vượt sóng to". Chúng ta là những người làm những cái điều này, làm những cái điều mà đem lại cái nền đạo đức sống, thì phải thấy được tâm mình có đạo đức hay không? Mà cái đạo đức này rõ ràng là đạo đức giải thoát mà. Mà khi giải thoát hoàn toàn thì chúng ta thấy như thế nào? Có phải chúng ta xứng đáng không?

(24:23) Cho nên trong cuộc đời tu hành các con thấy Thầy nhắc rất nhiều, lấy cái gương của Thầy. Mà nói ra để cho các con thấy rằng khi lên Hòn Sơn, Thầy tu ở trên đó 9 tháng trời trên đó. Mới đầu còn xuống dưới chân hòn Thầy xin gạo của ông chủ tịch hòn, mới mang lên ăn, hằng nửa tháng mới xuống một lần. Nhưng các con biết cái hòn là như một cái hòn núi. Phải đi, phải trèo núi chứ làm sao mà đi đất bằng được như thế này. Mang chừng 15 kí lô gạo, là đi lên, đi xuống là đã thấy mệt rồi. Cho nên Thầy quyết định ăn rau mà sống, khỏi mắc công đi, vì vậy mà từ đó Thầy mới gây cái giống rau ở trên chỗ Thầy ở. Dựa vào cái mạch nước ở trên núi, rồi Thầy mới trồng rau Thầy sống.

Sau khi tập dần Thầy ăn rau được, mới đầu thì nó cũng làm khổ sở lắm. Nhiều khi Thầy suy nghĩ con người không thể ăn cỏ rau được. Nhưng Thầy nghĩ rằng con bò, con trâu, con voi. Những cái con vật lớn, to, mạnh nó lại toàn ăn cỏ, mà ăn cỏ nó sống được thì không lý con người không sống được. Chắc chắn phải sống được, đừng có nghĩ rằng chất bổ phải theo bác sĩ phải nói ăn có chất bột, chất này, chất kia mới được.

Con bò nó có ăn chất bột nào đâu, nó có ăn củ mì, củ lang đâu mà nó cũng sống; nó có ăn gạo, ăn cơm đâu mà nó cũng sống, mà nó cũng mập mà nó kéo cày nổi. Máu nó cũng đỏ như Thầy, máu nó có trắng đâu, có khác đâu? Nếu ăn cỏ mà máu trắng thì nó khác. Đằng này máu nó cũng đỏ như máu Thầy thì trong cỏ nó cũng có những cái chất bổ chứ.

Cho nên vì vậy mà Thầy quyết định sống bằng rau cải. Cuối cùng Thầy chiến thắng được mình, Thầy sống bằng rau.

(26:20) Thì cho nên các con thấy cái đó là cái ý chí của mình chứ gì! Còn bây giờ các con tu hành các con cũng phải có những ý chí của mình chứ, phải thắng được cái tâm mình chứ. Thầy đã nêu lên cái nhân quả cho các con thấy cái đạo đức nhân quả mà, người ta chửi mình để cho người ta thọ cái nhân quả đó chứ. Người ta nói sai, người ta nói láo, người ta nói cái gì đó để cho người ta thọ cái quả đó chứ. Mình làm gì mà mình giận, mình buồn, mình khổ, để cho mình không giải thoát? Tâm mình chướng ngại là một điều không hay cho mình.

Cho nên từng đó chúng ta mới hiểu được, mình phải vượt qua, vượt qua bằng những cái tâm niệm của mình. Gan dạ, lầm lì, không bao giờ Thầy nói sống là không bao giờ…​

Các con thấy tất cả những cái mà người ta hiểu lầm người ta nói thế này, thế khác. Đúng là ở ngoài xã hội thì người ta nói vậy đúng đó. Nhưng mà tu là mình thấy mình nói vậy là mình sai. Mình đâu biết rằng, bởi vì người ta đâu hiểu được luật nhân quả. Mà hiểu được luật nhân quả rồi thì người ta sẽ không sai.

5- TÂM KHÔNG PHÓNG DẬT ĐÓ LÀ ĐỊNH

(27:30) Theo Thầy thiết nghĩ không tu thì thôi, đã tu thì phải ráng tới nơi, tới chốn. Thầy hứa với các con, một khi mà các con tu đúng rồi, thì Thầy sẽ dẫn dắt các con đi tới nơi, tới chốn. Nghĩa là phải nhập Tứ Thiền, Tam Minh hẳn hòi đàng hoàng. Tại sao Thầy dám nói những cái điều này?

Thầy có nhập được, Thầy có làm được không? Mà các con có thấy Thầy nhập đâu. Thường dường như là hầu hết người ta nói Thầy không có ngồi thiền nhập định gì được hết! Người ta hay nói như vậy, nhưng mà các con biết nếu mà Thầy không có ngồi thiền, nhập định mà không có đạt được đó, thì cái đầu của Thầy không bao giờ thấy được cái sai của thiên hạ như vậy được. Các con thấy, Thầy đã thấy không có cái gì mà bây giờ, mà Thầy viết ra mà các con cho rằng Thầy nói sai.

Nghĩa là từ lâu tới giờ người ta không thấy được mà Thầy hôm nay thấy được không phải là cái người tu như thế nào sao? Không chứng minh được cho cái trí tuệ của Thầy sao? Các con hiểu điều đó.

Cho nên vì vậy nếu mà Thầy không thực hiện được cái trí tuệ vô hạn thì không thể thấy được cái vô hạn đó. Thầy nói cái nào, hiện bây giờ các con cứ đọc sách của Thầy bây giờ đó bằng giấy trắng, mực đen. Mà Thầy nó cái nào thì các con cứ suy ngẫm, có đúng hay không?

Bởi vì đây là một cái cụ thể mà, đây là con đường của Phật mà, Phật đã nói như vậy mà. Những cái danh từ đó người ta không hiểu.

(28:51) Cho nên Thầy gồm chung lại đạo Phật không có cái pháp môn nào mà tu mà gọi là Thiền định cả. Đặt những cái tên nó ra, tâm không phóng dật nghĩa là hằng ngày mình ngồi đây, mình giữ cái tâm mình đừng có cho nó phóng dật. Nó phóng dật nó theo cảnh này, nó theo pháp kia, nó theo tiếng nói nọ, nó nghe âm thanh này, nó nghe âm thanh kia. Mà cái tâm mà nó không phóng thì nó là định, mà nó định rồi thì tất cả các định khác nó rất dễ dàng. Tam Minh nó cũng không có khó khăn gì hết!

Cho nên đức Phật nói khi mà tâm ly dục ly ác pháp rồi thì nhập từ Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền cho đến Tam Minh nó không có khó khăn, nó không có mệt nhọc.

Nhưng mà cái giai đoạn của Sơ Thiền này nó cả một cái đời sống của một con người, nó không thường, nó là cái nền tảng đạo đức của đạo Phật. Cái đạo đức thật tuyệt vời, nhưng thật khó chứ không phải dễ!

Các con biết rõ ràng mà. Không làm khổ mình, khổ người. Người ta làm khổ mình mặc tình người ta làm, nhưng mà nhất định là mình không để cho người ta làm khổ mình được. Người ta nói gì mặc người ta, nhất định là không khổ. Một cái quyết định!

Bởi vậy Thầy mơi nhắc các con "Cưỡi cá kình vượt sóng to, không làm thê thiếp cho thiên hạ". Không cúi đầu làm nô lệ cho người khác, như vậy là xứng đáng là con cháu của Trưng Vương, Triệu Ẩu.

6- DẸP BỎ NHỮNG CÁI SAI ĐỂ DỰNG LẠI NỀN ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN - NHÂN QUẢ

(30:21) Bây giờ chúng ta là những người Việt Nam, là con cháu của các bà này thế mà chúng ta không có làm ra gì hết. Luôn cúi đầu làm thê thiếp người ta, người ta sai mình, người ta chửi mình, người ta mắng mình.

Các con ở đây các con có nghe vợ chồng thằng Phương, nó chửi mắng vợ, nó đánh, nó rên la, nó kêu, nó khóc. Thật sự ra nếu mà Thầy, thực sự nó là con cháu của Thầy chứ ai vô đây. Thầy xót xa lắm các con chứ không phải không. Thầy nguyện nhất định là Thầy sẽ viết cái bài đạo đức Nhân bản - Nhân quả đầu tiên là Thầy sẽ nói vấn đề này, Thầy sẽ dạy con cháu của Thầy. Nhưng trước khi mà cái đạo đức Nhân bản - Nhân quả này mà ra đời, là phải có một cái cuộc cách mạng, phá sạch hết cái thế giới siêu hình. Đập, dẹp tất cả những thần thông, phép tắc của ngoại đạo. Tại sao vậy?

Tại vì còn thần thông phép tắc thì cái đạo đức nhân quả nó không có nhân quả được, nó không công bằng được. Còn có thế giới siêu hình thì không công bằng được. Bởi vì các con thấy người ta dựa vào cái thế giới siêu hình Thần, Thánh người ta cầu khẩn, thì cái chuyện đó còn cái gì mà. Nếu mà có Thần, Thánh phù hộ, họ tin tưởng như vậy thì làm sao công bằng được cái nhân quả. Họ làm ác mà họ cầu khẩn thì làm sao được? Họ dựa vào thần thông đế mà họ lừa đảo người ta làm sao mà gọi là công bằng được? Cho nên không dẹp được những cái này thì làm sao?

(31:43) Cho nên tại sao từ lâu đến giờ mà các con về đây chưa thấy Thầy mà thực hiện thần thông, mà Thầy dám bảo rằng Thầy có thần thông. Các con không xét thấy được cái trí tuệ của Thầy nó đến cái mức độ người ta không ngờ được. Những điều mà Thầy lượm ra nó không sai một mảy nào ở trong cái thế gian này. Phật giáo sai như thế nào Thầy vạch ra hết tất cả những cái sai của nó. Các con thấy những cái điều đó các con phải chấp nhận rằng nó không công lý mà, không công bằng mà. Chứ đâu phải điều mà Thầy nói mà nó không có đâu, Thầy đâu có đặt ra Thầy nói.

Đó, thì các con đọc kinh sách của Thầy viết thì các con sẽ thấy những cái trí tuệ của Thầy. Cái trí tuệ của Thầy vô hạn, sao từ lâu các con không nhìn thấy? Mọi người sao không nhìn thấy, các tổ sao không nhìn thấy? Mà đến bây giờ đây để nhìn Thầy nói, thì không phải đó là cái trí tuệ của bậc tu hành như thế nào sao?

7- HÓA SANH

(32:38) Đó thì các con sẽ nhận xét qua cái điều này. Ngay khi Thầy thấy các con đọc cái cuốn 2 thì phải. Nó có bốn cái chỗ sanh chứ gì? Thai sanh, noãn sanh, thấp sanh và hóa sanh. Mà không có người nào mà dạy hóa sanh được hết.

Đâu phải biến hóa ra con người khác gọi là hóa sanh. Mà đây hóa sanh là phải có sự hợp chất như là cái sự hợp chất của thai sanh, của thấp sanh vậy. Nó có sự hợp, bởi vì nó là duyên hợp nó thành mà mình không hợp làm sao được. Mà khi người ta dùng cái năng lực của tâm, người ta hợp lại. Còn cái này người ta dùng cái duyên để mà tạo nó thành cái môi trường để nó sanh ra. Cũng như bây giờ nam nữ hai người họ hợp nhau lại, họ tạo thành một cái duyên đó nó mới sanh ra đứa con. Còn một người làm sao làm được?

Thấp sanh thì nó tạo thành một cái đống rác ẩm ướt, nó đủ cái môi trường ẩm ướt của nó, nó mới sanh ra con vật ở trong đống rác. Nếu không có sự ẩm ướt, không có đúng cái nhiệt độ của nó, thì cái đống rác này nó làm sao sanh ra những loài vi sinh vật ở trong cái đống rác? Các con hiểu điều đó.

Cho nên đây là nó phải có cái môi trường, mà ở đây người ta dùng cái năng lực, để người ta hợp mà nó thành chứ đâu phải người ta biến hóa. Người ta biến hóa là một cái ảo giác. Cho nên Thầy thường nhắc các con có một câu chuyện. Một vị thầy và một người học trò đều là tu có thần thông. Một hôm đó thì cái người học trò nó biến hóa ra một con voi. Con voi nó quơ vòi nó quất quắc nó đi vào trong chùa, thì ông thầy sợ quá, ông thầy nói: "Mày đừng có biến hóa nữa, mày hóa ra vậy nó hư cái chùa hết còn gì? Đi nó giậm hết". Thì người học trò nói: "Không sao đâu thầy". Mình nhìn thấy thì thật nhưng mà nó là cái bóng mà, người ta biến ra nó là cái bóng mà. Một cái bóng cũng như làm sao mà nó giậm cái bàn này gãy được? Đó là biến, các con hiểu chưa?

(34:47) Còn cái này nó thật, chúng ta hợp lại thành một con người thật. Nhưng mà con người đang ô nhiễm, mà đưa ra một con người mà như vậy đó. Đưa ra một con người mà thanh tịnh như vậy, thì các con nghĩ như thế nào, khi mà con người đó mà thanh tịnh như vậy đó thì họ phải thật thà, họ phải có đủ cái đức nhẫn nhục, tùy thuận. Con người này ra đời để làm gì, để bao nhiêu người ăn hiếp, có ích lợi gì?

Chỉ trả lời cho người ta biết rằng nếu mà thế gian này đều đi tu hết, không có người nào mà không đi tu, thì người ta không còn sanh đẻ nữa, phải không? Không còn sanh đẻ thì loài người sẽ không còn có gì nữa. Qua câu hỏi có ý nghĩ đó, cho nên vì vậy đừng hiểu những cái điều đó sai. Cái môi trường sống này nó đủ những cái gen, những cái từ trường của nó mà để hợp lại thành một con người. Thì khi toàn bộ mà đi tu rồi, người ta sẽ dùng cái hóa sanh mà người ta sanh ra con người rất toàn thiện. Chứ không phải như bên Thiên chúa giáo, người ta bảo rằng Chúa sanh ra muôn loài vạn vật. Nhưng mà Chúa sanh ra, Chúa là con người thanh tịnh hay là con người ô nhiễm nè? Mà sanh ra bây giờ chúng ta ô nhiễm?

Các con thấy, cái này là nói sai. Thầy bây giờ Thầy dùng cái năng lực của Thầy, Thầy sanh ra một con người thì con người đó phải là con người thanh tịnh chứ. Vì do cái tình cảm của cái người đó là cái tình cảm của Thầy chứ. Cũng như bây giờ hai vợ chồng nè, tình cảm của hai vợ chồng nè, mới hợp nhau lại mới sinh ra đứa con. Thì đứa con ít ra tình cảm cũng phải giống cha, giống mẹ chứ, có không?

Còn bây giờ nhà khoa học nó đem máy móc nó vô nó kết hợp lại những cái gen, những cái khí. Nó tạo thành một con trừu, một con bò. Nhưng mà con trừu, con bò nó trở thành cái máy. Nó không còn là một cái tình cảm của nó.

Bây giờ đó nó làm ra được con người, nhưng con người đó là con người máy, nó không có cái tình cảm. Bởi vì nó hợp bằng máy móc mà, chứ nó đâu phải hợp bằng cái năng lực của con người. Còn cái này hai vợ chồng người ta hợp nhau lại để người ta tạo ra đứa con, thì nó vừa có cái tình cảm của cha mẹ trong đó mà. Cho nên con cũng giống cha, giống mẹ chứ sao. Hễ nó không giống mẹ thì nó phải giống cha, không giống cha thì nó giống mẹ, đứa con nào cũng vậy. Cái tình cảm của nó là cái tình cảm của cha mẹ nó chứ ai vô đó, thì các con thấy nó rõ chứ gì?

(37:17) Còn Thầy bây giờ Thầy hợp chất này, Thầy dùng cái năng lực của Thầy, Thầy hợp nó lại nó thành, thì cái tinh thần của Thầy, cái tâm của Thầy, cái lòng thương yêu của Thầy. Nó được truyền sang qua ở cái từ trường đó, ở trong cái chỗ cái đứa con mà hóa sanh này chứ. Cho nên Thầy thiện thì nó phải thiện chứ. Còn Thầy ác nó phải ác chứ, mà Thầy ác làm sao Thầy hợp chất được. Toàn thiện nó mới được. Mà Thầy là con người toàn thiện Thầy mới sanh ra được hóa sanh chứ. Còn con người toàn ác làm sao sanh được, các con hiểu chưa?

Cho nên từ lâu tới giờ các con nghe người ta có giảng về hóa sanh được không? Có đúng không? Họ không hiểu biết. Mà Thầy thấy cái năng lực, như bây giờ các con thấy cái pháp hướng tâm của các con, các con gọi các con bảo nó, nhiều khi các con thấy nó có màu nhiệm. Thì cái màu nhiệm này mà nếu một người mà tu xong rồi cái màu nhiệm nó như thế nào các con biết không? Nó đâu có phải thường đâu, nhưng chúng ta phải biết rằng, cái việc làm đó là cái việc làm để mà nó cụ thể hóa cho cái vấn đề mà qua cái câu hỏi của người ta. Khi mọi người tu hết rồi thì thế gian này đâu còn con người nữa. Để trả lời câu hỏi đó thôi, chứ nó không phải là đúng cái mục đích của chúng ta để mà tu để mà nhầm để hóa sanh như vậy đâu. Chúng ta không phải làm cái chuyện đó đâu, chừng đó cái duyên của chúng ta tới đâu chúng ta làm tới đó, chứ chúng ta không có phải nghĩ cái điều đó. Nhưng mà vì câu hỏi phải trả lời.

8- DÙNG HƠI THỞ ĐẨY LUI CHƯỚNG NGẠI PHÁP

(38:44) Trái lại thì bây giờ cái mục đích chúng ta là những người đang đau khổ. Đang tham nè, sân nè, si nè, phiền não nè, bao nhiêu các pháp ác nó vây quanh mình, nó tạo cho mình một cuộc sống bất an. Nên chúng ta phải làm sao cho mình giải phóng cho mình được cái an ổn, không có còn khổ đau nữa.

Vậy thì đâu phải cần ngồi thiền, đâu có cần phải niệm Phật, đâu có cần phải lễ Phật mà nó thành tựu được cái điều này. Mà chỉ cần ở trên Tứ Niệm Xứ mà quan sát, đẩy lui từng tâm niệm, mà những tâm niệm đó là chướng ngại pháp. Rồi giữ gìn phòng hộ mắt, tai của mình đừng có cho nó theo, mắt, tai của mình mà nó phóng dật ra tất cả mọi thứ bên ngoài.

(39:29) Ví dụ như người ta đang nói một lời nói gì đó, người ta đang gây lộn nhau đó. Mà tai mình nó luôn luôn nó cứ tiếp nhận vào cái âm thanh đó, bảo: "Cái tai quay vô nghe chứ đừng có nghe ba cái thứ đó, đó là thứ bất tịnh đừng nghe!". Thì trong khi đó nó nhắc một lần rồi nó còn dảo ra nó nghe, bởi vì cái âm thanh nó cứ đập vô mà. Thì do đó mình nhắc lần thứ hai, nhắc lần thứ ba, bây giờ phải tập trung vô chỗ nào? “Ờ, bây giờ phải tập trung vô hơi thở nè, biết hơi thở ra vô nè, không có được nghe nữa!”. Thì bắt đầu mới nương vào hơi thở, thở ra, thở vô. Một hơi cái nó không có còn lưu ý đến cái lỗ tai nó nữa, mà nó chỉ nghe cái hơi thở của mình. Đó là cách thức mà để mình đẩy lui cái chướng ngại pháp ở ngoài đó luôn luôn nó lôi cái lỗ tai mình nó ra ngoài để nó nghe người ta nói cái này, nói cái kia, nó làm động tâm của mình.

(40:16) Cho nên cách thức, vì vậy mà Thầy dạy các con phải tu tập, phải cách thức gom tâm bằng hơi thở chậm nhẹ, để khi mà nó gặp cái chướng ngại, mà phòng hộ cái lỗ tai này, phòng hộ con mắt này, bảo nó gom như vậy là chúng ta chỉ cần dùng cái hơi thở chậm, nhẹ, để cho mình tập trung mình gom. Hễ mình gom được ngay liền thì hết nghe cái lỗ tai, không còn nghe cái âm thanh người ta chửi mắng, họ nói gì đó.

Ờ, bây giờ có người nào mà chửi mình đó, mà bây giờ mình không muốn nghe thì cái tiếng đó nữa. Bởi vì họ chửi mình một lúc mình dằn không được, mình nhẫn không được thì nó sẽ sân ở trong lòng của mình, nó làm cho mình khổ. Cho nên mình muốn nó không nghe cái lời nói đó, thì mình hướng tâm mình nhắc: "Cái tâm quay vô hơi thở đi, tập trung hơi thở đi. Cái lỗ tai không có nghe cái âm thanh đó nữa". Mình thầm mình nói, chứ khi mà người ta ở gần người ta chửi, người ta nói nặng, nói nhẹ mà mình nói cái kiểu đó đó mình chửi lại người ta đó. Không khéo thì người ta coi như là mình mắng lại người ta, người ta lại nói mình nữa.

Cho nên vì vậy đó bắt đầu mình sẽ hướng tâm nhẹ nhàng thầm ở trong lòng của mình tác ý ra để nhắc mình, để làm chủ lấy tâm mình, để cho mình được giải thoát.

9- LÒNG CUNG KÍNH ĐƯA ĐẾN SỰ GIẢI THOÁT

(41:23) Đó thì mình sẽ thấy rõ ràng, khi nào mình nghĩ rằng người ta đang nói mình một cái điều gì đó, đó là một cái…​(. . .).

Thầy nói như thế này, một khi mà các con còn cái sự tôn kính, kính trọng một cái người đó, thì khi người đó đó nói bậy các con cũng thấy là một cái lời quý. Mà các con mất cái lòng tin rồi người đó có nói đúng 100 lần, 100 phần trăm, cái lòng tôn kính của mình đối với người đó mà không có còn tôn kính nữa rồi thì người đó có nói đúng các con cũng thấy sai.

Cũng như bây giờ nếu mà thầy Chơn Huệ nè, thầy Chơn Tịnh nè mà ở ngoài đó mà Thầy có nói đúng 100 lần, quý thầy cũng vẫn thấy Thầy nói sai. Mà khi thầy có còn tin Thầy, thì Thầy nói bậy quý thầy đó cũng tin, phải không? Và cái sức tin đó nó làm cho quý thầy giải thoát. Mà quý thầy bây giờ Thầy có nói đúng quý thầy không tin, thì quý thầy cũng không giải thoát. Nhưng mà mình cứ nghe nó là đúng rồi thì mình đâu có thấy mà chướng. Các con hiểu cái điều mà đức Phật, nó xoay ngược trở lại. Mình thấy người ta nói bậy là mình chết rồi, tự mình đã làm khổ lấy mình rồi.

(42:35) Cho nên cái lòng cung kính nó đưa đến cái chỗ mà ly dục ly ác pháp rất tuyệt vời! Mà chúng ta thiếu lòng cung kính là chúng ta đã tự giết mình, chứ không phải là ông thầy giết mình đâu. Bởi vậy chúng ta cung kính Phật, cung kính pháp của Phật. Nhưng chúng ta cũng phải cung kính cái người nói pháp của Phật dạy mình. Bởi vì mục đích người ta dạy mình để cho mình được giải thoát chứ gì. Thì người ta nói bậy, nói bạ, nói như thế nào, mà cái tâm mình vẫn luôn trọng, cung kính thì ngay đó là mình không có chướng ngại rồi, thì không chướng ngại là giải thoát rồi. Mấy cái pháp đó mà mình thấy rằng tâm hồn thanh thản, an lạc, vô sự thì chúng ta phải tin cái pháp đó, và cung kính cái pháp đó.

Cho nên ở đây Thầy dạy nó rất rõ, là vì các con khi tu các con phải thấy được cái sự giải thoát ngay liền. Mà cái pháp giải thoát ngay liền, thì như vậy là mình xả được cái tâm của mình. Và như vậy bây giờ người ta nói sai, nói đúng, nói gì nói mà mình vẫn thấy đó là đúng hết, thì ngay đó là mình thấy giải thoát. Mình cung kính, bởi vì nói chung là mình, Thầy muốn nói thấy đúng hết là có nghĩa là như thế này, có nghĩa là giải thoát tâm mình, chứ không phải là toàn bộ họ nói đúng hết, mình biết chứ, họ nói sai biết hết, nói sao mình biết hết chứ. Biết nhưng mà cái lòng cung kính, người ta nói sai là mục đích người ta giúp cho mình, để cho tâm mình đừng chướng. Do cái lòng cung kính mình đối với người đó.

(44:01) Thí dụ như người ta nói láo đi, nói câu nói nào nó không thật mình biết cái nói này nói láo rồi. Nhưng mà người ta muốn nói như vậy, là mục đích để cho mình thấy cái lời nói người ta làm chướng mình. Thầy nói như vậy là Thầy nói láo rồi, phải không? Thì tức là mình nghĩ rằng ông thầy đó nói láo như vậy là không xứng đáng rồi thì mình đã chết rồi. Ông thầy nói láo như vậy đó, có nghĩa là làm cho mình thấy được cái chướng ngại của tâm mình không nhận ra, ông thầy muốn cho mình giải thoát trên cái nói láo của ông ta, phải thấy kết quả của nó ngay liền.

Nghĩa là bây giờ sao tâm mình nó bực bội nó, thấy nó không có còn mà giải thoát được nữa. Thì lúc bấy giờ đó mình mới nghĩ mục đích của mình đi tìm con đường giải thoát thì phải có giải thoát. Ở đây mọi chướng ngại nó đến xâm chiếm mình, thì mình phải bằng cách nào khắc phục để mọi chướng ngại này nó phải ra khỏi. Mình tìm cái sự giải thoát chứ đâu phải là mình đi tìm cái gì đó khác hơn. Hằng ngày, mình tu tập là cái mục đích mình được giải thoát.

10- THẦY SÁCH TẤN TU SINH

Cho nên Thầy nói thật sự ra khi mà biết tu rồi thì kinh sách, tất cả mọi cái dẹp hết, không có cần nghiên cứu, không cần đọc nữa. Chỉ luôn luôn sống, sống làm sao quan sát tâm mình, lúc nào nó không phóng dật, lúc nào mà hoàn toàn nó thanh tịnh, thanh thản là mình tu đúng. Ngồi chơi, một mình mình thơ thẩn ngồi chơi vậy chứ quan sát tất cả mọi cái tâm niệm của chúng ta hết. Chúng ta làm việc rất nhiều, rất nhiều với trong nội tâm của mình. Vô trong thất tu chúng ta sống đúng phạm hạnh, sống đúng giới luật. Tới giờ ăn chúng ta quan sát coi cái ăn của mình coi nó còn thèm khát cái này, kia. Nó còn lí luận ăn cái bổ, cái không bổ này kia nữa không, thì mình vạch cái mặt tham nó ra, thì mình biết rõ cái mặt của nó.

(45:58) Thầy ăn cỏ, ăn rau mà Thầy còn sống huống hồ ăn một bữa cơm mà chúng ta có cơm ăn vậy. Cơm với muối Thầy nói còn quý hơn là ăn rau gấp mấy lần. Thế mà người ta vẫn sống được thì đâu có lý nào mình ăn cơm, bây giờ tất cả đồ ăn mình ăn không được, mình ăn cơm với muối có sao đâu, có chết đâu!

Thầy nói thật ở trên đời này không có cần gì nữa, mà bây giờ mình nói: “Trời ơi, cơm sao mà nuốt không vô, không có đồ ăn, ăn muối ăn nuốt sao vô”. Các con thử bữa nào các con ăn cơm với muối các con ớn rồi, Thầy nói thậm chí bây giờ ớn như thế này, ăn cơm với muối ớn rồi, phải lấy ớt này kia ăn, đó là cái tham của mình. Để cho nó thật đói đi rồi ăn thử coi nó ngon không? Ăn cơm với muối cũng ngon nữa chứ đừng nói.

Cho nên vì vậy mà một ngày một bữa mà tới giờ ăn rau Thầy vẫn thấy ngon thật ngon, đâu có cái gì đâu. Mà ăn rồi nó khỏe khoắn, nó không có bị rửa bát này kia dầu mỡ đồ nó khó khăn. Còn cái này chỉ ra quậy cái là nó sạch bóng.

(47:01) Đó thì chúng ta trên cái sự mà tu tập theo đạo Phật chúng ta không quan trọng đối với thân. Còn đối với cái đau, cái thọ, thật sự ra Thầy nói Mật Hạnh mà đừng có sợ cái đau, thì Mật Hạnh đã xong rồi. Nhưng mà cỡ xong thì Thầy thấy cũng chưa hay. Chính bây giờ mà trên con đường của nó, mà Thầy cho nó hoàn tục hoàn toàn. Các con đừng nghĩ, tại sao Thầy không để nó chiếc áo tu sĩ, mà sống cũng theo quý thầy như người ta. Thầy có thể Thầy gởi nó vào như chùa thầy Minh Cảnh ở Huệ Quang thì nó đến đó nó ở trong đó nó đi chơi với quý thầy, ở trong chùa cũng tốt thôi chứ đâu có gì ở đó thì người ta sống phè phỡn đi chơi đủ thứ, ăn ngày ba bốn bữa, còn hơn là ở đâu, ở cái trường đó. Mà mình lại đến đó mình lại học được chữ nho đồ nữa. Mà Thầy gởi cho thầy Minh Cảnh là thầy nhận liền tức khắc, vô học liền chữ nho. Nhưng mà tại sao Thầy không gởi, mà Thầy bảo rằng: “Tu là tu, không tu thì thôi chứ còn không có được mặc chiếc áo này mà đi chơi như các thầy như vậy”. Đời không ra đời, đạo không ra đạo. Mượn chiếc áo đạo mà đi chơi đời như vậy người ta coi Phật giáo phỉ báng. Thà là bây giờ mặc chiếc áo cư sĩ, rồi tiếp duyên với mọi mặt. Chừng nào mà thấy nhàm chán hết rồi thì trở vào tu. Chừng đó là không ức chế tâm.

(48:22) Bởi vì Thầy đọc kinh sách của Phật, Thầy nhắc lại cho mấy con thấy. Những bài kinh ông Phật, Thầy so sánh nhiều lắm, nhiều cái bài kinh mà Thầy thấy rất tuyệt vời!

Tỳ kheo Shitta ông xin đức Phật vào tu trong sau cái thời gian giữ gì phạm hạnh, tức là giới luật. Bởi vì thời đức Phật thì bắt buộc giới luật phải nghiêm chỉnh rồi, sau thời gian giữ gìn phạm hạnh giới luật rất nghiêm chỉnh thì ông nhập được Sơ Thiền, tức là tâm ly dục ly ác pháp. Sau khi nhập Sơ Thiền rồi trình bày cho đức Phật, đức phật chấp nhận rằng ông nói rất đúng và ông nhập được Sơ Thiền. Nhưng ông xin đức Phật cho ông xin hoàn tục. Ông Phật nói: “được, cứ hoàn tục đi”. Thì ông ra ông hoàn tục, ông ra ông mặc chiếc áo đời, ông ra.

Một thời gian ông trở vào ông xin Phật cho ông tu nữa. Ông Phật nói được, bây giờ cho phép tu lại. Thì ông tu lại một thời gian, ổng lại nhập được Sơ Thiền, ông nhập Sơ Thiền rồi, thì khi mà nhập Sơ Thiền rồi thì ông tịnh chỉ tầm tứ hẳn hòi, đàng hoàng, âm thanh không nghe, mắt không thấy gì hết đàng hoàng rồi. Thì các con biết rằng nó còn những cái gút mắc gì của vị Tỳ kheo này chứ không phải không vì cuộc đời mà, cho nên nó gút mắc. Mà nếu mà bắt buộc ông này mà nỗ lực tu thì ông bị ức chế.

Cho nên sau đó thì ông xin đức Phật ra hoàn tục, thì đức Phật cho ra, cho đến Tứ Thiền ông cũng vẫn còn ra. Sau khi mà thực hiện Lậu Tận Minh rồi thì ông không còn ra nữa, hoàn toàn là trở thành bậc A La Hán. Tại sao vậy?

Tại vì pháp môn của đức Phật không ức chế, không bắt buộc ức chế tâm. Nếu mà mình buộc người ta ức chế, thì tức là sống trong cái khuôn khổ phạm hạnh, giới luật của Phật là ức chế đó. Cho nên nhiều khi mình sống mình ức chế thì mình có sự gian dối ở trong đó. Chẳng hạn bây giờ ăn ngày một bữa, mà mình ức chế nó thì mình phải ăn lén, thì tức là mình có sự gian dối trong đó rồi chứ gì? Nó sai, mình cứ nghĩ mình lý luận vầy: “Ăn vậy mình bây giờ mình thân mình yếu mình ăn một bữa mình ăn đâu có nhiều được, cho nên vì vậy mà đói, thôi chiều mình ăn miếng bánh hay cái gì đi”. Thì đó là mình sai rồi, mình đã phạm những cái lỗi rất lớn rồi, cái lỗi giả dối. Mình cũng nói với người ta là ăn ngày một bữa, nhưng mà lại ăn lén một cái bánh.

(50:51) Cho nên trong khi mà ở đây, thật sự chúng ở đây mà còn ở sau trai đường này, Thầy thấy đi ăn rồi họ khôn lắm. Cái bình bát, người nào cũng có bình bát vầy. Họ ăn rồi, bánh hay chuối họ bỏ lại cái bình bát, họ đậy lại rồi họ bỏ những cái vỏ chuối, vỏ này kia họ ăn họ đậy lên, rồi họ bưng về họ rửa. Nhưng mà họ để lại mấy cái đó để chiều họ có đói họ ăn thêm. Trời ơi tu hành giải thoát chứ mà sao mà lại tu giả như vậy? Mình lừa đảo mình, mình lừa đảo Thầy thì được chứ mình lừa đảo mình được không? Đâu có được, đâu có dối mình được, mình làm cái chuyện đó mà tại sao mình không xấu hổ? Mình phải thành thật chứ.

Cho nên đức Phật cũng rộng rãi cho chúng ta, về giới luật thì cho chúng ta Khai, Giá, Trì, Phạm. Khi mình bị bệnh đau thì mình có quyền khai giới để cho mình ăn, hay hoặc là uống thuốc thêm một cái phần nào đó. Thì nó đâu có lỗi đâu. Đức Phật đâu có khắc khe, đâu có ức chế bắt buộc mình phải giữ gìn, trong khi đó mình ép buộc mình quá.

Cho nên vì vậy mà đức Phật nói mình cần, mình thấy được con đường giải thoát thì mình tu mà mình không thấy thì thôi. Vì đời sống phạm hạnh là đời sống giải thoát. Mà đời sống phạm hạnh là mình, muốn tìm giải thoát thì cái tâm mình nó cởi mở. Còn mình không muốn tìm mà mình vô đó để mình sống cái đời sống phạm hạnh. Như vậy là mình đã phạm thêm nhiều cái lỗi của mình, mình gian dối, mình xảo trá ở trong đó.

(52:19) Cho nên hầu như bây giờ bên Nam tông hay bên Khất sĩ người ta cũng nói người ta ăn ngày một bữa. Nhưng mà sự thật có ăn ngày một bữa đâu. Hoàn toàn là không có. Cho nên đó là cái gian dối của họ gạt phật tử thôi chứ không phải là tu hành đâu.

Thà là như mấy ông Đại thừa ăn ba bữa là tuyên bố ba bữa, như vậy không có cái tội gian dối. Nó chỉ có cái tội là phạm giới thôi, phạm giới đọa thôi. Nghĩa là ăn phi thời là phạm giới đọa, thì mấy ông Đại thừa họ chỉ phạm giới đọa. Còn mấy ông mà Nguyên thủy với Nam tông đó, là phạm cả hai giới, giới vọng ngữ, giới dối trá, ăn lén. Thay vì mình ăn một bữa, mà giờ mình ăn như vậy mình dối trá, mình che đậy phật tử, mình thêm cái tội lừa đảo người ta, dối gạt người ta. Cho nên đã phạm cái tội phi thời mà thêm cái tội dối người, gạt người.

(53:19) Đó thì chúng ta thấy đứng trên một cái góc độ giới luật, thì chúng ta đã thấy được cái điều này rất rõ ràng, cái tội này rất rõ. Quý vị tưởng là cái phước của quý vị tu hành bây giờ nó hưởng như vậy. Nhưng mà cái ngày mà quý vị bỏ thân này rồi, thì cái phước đó nó có đến với quý vị không? Hay hoặc là đời đời quý vị phải thọ lấy những cái quả của ở trong cái gian xảo, cái dối trá này.

Cho nên chúng ta tu đúng để mà tìm thấy sự giải thoát. Bởi vì sự giải thoát nó ngay cái chỗ ăn, uống, ngay cái chỗ cuộc sống của chúng ta. Chúng ta tìm thấy sự giải thoát thì lúc bấy giờ chúng ta mới thích thú. Chúng ta thấy nó khổ thì chúng ta không có thích thú, mà chúng ta ép buộc chúng ta ăn ngày một bữa là chúng ta tự làm khổ lấy mình, nó có lợi ích gì đâu, mà nó còn gian xảo nữa.

Cho nên bây giờ chúng ta tìm thấy nè, ăn ngày một bữa nè, sáng khỏi bận tâm ăn uống, khỏi có rửa gì hết. Trưa mình ăn có một bữa thôi, rồi chiều mình cũng khỏe khoắn, ờ mình thấy như vậy giải thoát. Giải thoát thì phải ráng chứ, nó đã giải thoát thì nó phải ráng ăn cho đúng chứ. Sao mà giải thoát mà bây giờ chiều rồi mà còn pha ly sữa, bộ ly sữa pha không cực sao? Rồi uống rồi bây giờ phải đi rửa ly, chứ không rửa ly chứ bỏ đó được, ai rửa cho mình? Mà còn hồi hộp còn sợ không biết người ta có dòm thấy mình không nữa.

(54:33) Các con đọc cuốn 9 các con thấy nội cái tu không cũng giả dối nữa. Có người thì bật đèn sáng lên mà chống cẳng ngủ, để giả dối là mình tu. Trời ơi, mình tu cho mình chứ bộ mà tu cho Thầy sao mà sợ Thầy bắt, đó có phải giả dối không? Còn có người thì tắt đèn tối thui thì không có dám mở đèn. Thầy cũng không biết có tu hay không tu nữa.

Đó, mà thầy Chơn Thành đó, thầy ngồi đó mà thầy quan sát tất cả mọi cái thất thầy biết người nào tu, không tu thầy biết. Cái kiểu mà giả dối là mờ ám là phải có cái sự mờ ám ở trong đó chứ gì.

Mình tu giờ nào, giờ nấy thì mình bật đèn mình tu hẳn hòi. Người ta không tu mà người ta nói tưởng là người ta tu dữ tợn ở trong đó, để dối đó. Sự thật nó để đem lại cái kết quả gì cho mình không? Nó đâu có kết quả gì đâu. Còn mình tu thật thì cái kết quả đó nó sẽ đem đến cho mình, có phải không? Các con đọc cái bài đó nó có lợi ích, quá lợi ích mà Thầy vạch rõ hết tất cả mọi cái. May là người ta hỏi chứ còn cỡ người ta không hỏi, Thầy biết chứ Thầy không nói đâu. Ai tu được giải thoát nhờ, không giải thoát chịu.

(55:39) Đó thí dụ như bây giờ các con nè Thầy biết rõ ràng là cô Út chửi mắng nói nặng, nói nhẹ đủ cách như thế nào Thầy biết hết. Nhưng mà các con đau khổ cách nào Thầy cũng biết hết, Thầy cũng hiểu hết toàn bộ. Nhưng mà các con không thấy lấy cái đó để mà làm cái sự giải thoát cho mình, Thầy rất buồn! Thầy muốn ngay từ đó, mà các con cưỡi cá kình vượt sóng to đó, mới làm con cháu của Triệu Ẩu, Trưng Vương đó. Mà các con cưỡi không nỗi, sóng tới cái các con, dập các con xuống cái uống nước muốn chết nhau cả đám hết.

Rồi từng đó các con lại tạo thêm những cái tội lỗi, mà không thấy. Đọc cuốn 9 rồi các con thấy tất cả những cái điều mà các con sai hết, sai rất sai. Mà cái cô Liễu Tâm, cô ở ngoài Hà Nội, cô biết cô nghe những cái lời nói đó, cô bán tín, bán nghi không giải nổi nữa. Bởi vì người ta nhìn qua cái chỗ đó là người ta thấy quá sai chứ gì? Người ta thấy cô Út quá sai, không có còn chỗ nào sai hết. Nhưng mà không ngờ cô Út thể hiện trên cái vấn đề đó. Nghĩa là thể hiện không phải là biến hóa mà làm cái chuyện đó do cái vô tình của mình thôi. Thầy nói cô Út cô vô tình cô làm cái điều đó thôi.

(56:52) Nhưng mà cái duyên Phật pháp để tạo cho cái hoàn cảnh cô Út làm cái này để mà, thật sự các con cứ nghĩ đọc kinh sách Thầy tưởng Thầy ca ngợi cô Út là Thánh thần chứ gì? Cho nên các con nói cô Út là: "Thầy nói cô út quá" không phải đâu các con. Đây là một cái nhân duyên của Phật pháp, để chấn chỉnh Phật pháp. Nếu không có cô Út, ai mà làm như cô Út được. Thầy nói không người nào làm như cô Út được hết. Đây là cái duyên của Phật pháp để người ta trợ giúp cho cái con đường tu tập của Thầy đúng chánh pháp mà, để xả tâm mà nếu mà không có cô Út, thử từ ngày mà về đến đây, thì các con thấy có bao giờ mà nó xả tâm không? Thầy cứ nhắc nó, nói cô Út làm như thế này, thế khác để giúp con xả tâm chứ gì. Có phải cái cuốn Thiền Căn Bản là những cái băng mà Thầy giảng về cái sự mà xả tâm không? Thầy biết là các con chới với chứ không phải không đâu. Nhưng mà thường thường là Thầy thuyết giảng để mà Thầy an ủi các con, để các con ngoi lên chứ không ngay là lúc đầu các con đã đổ hết rồi đó, đâu phải dễ đâu.

Cho đến giờ này các con mới thấy con đường của Phật pháp nó rõ như bàn tay. Cô Út đập ai, đụng tới ai là người đó phải gần chết họ hết. Nam cũng vậy, nữ cũng vậy nữa, cho nên họ đi ra họ lôi, họ nói cô Út đủ thứ hết, Thầy biết lắm mà. Mà nếu mà không có cô Út thì không có thể chấn chỉnh được Phật pháp, không thể chấn chỉnh được. Thầy không thể, bởi vì toàn bộ đều tu ở trong cái im lìm của người ta, trong cái tránh duyên, tránh cảnh hết. Người ta nỗ lực người ta tu bằng cách đó người ta tưởng là thiền định. Nó giải quyết mà ngay cái sự tu tập đó.

Mà đức Phật, hôm nay các con thấy Thầy nói chướng ngại pháp, là vì cái bài kinh của đức Phật mà trong cái thời khóa tu tập của thời đức Phật. Mà đức Phật gọi là chướng ngại pháp, lấy cái danh từ trong kinh chướng ngại đó Thầy không có biết dùng cái từ nào mà để nói. Nhưng mà cái thời khóa của đức Phật trong cái thời đức Phật dạy chúng đó, mới có cái danh từ chướng ngại pháp. Thì đúng là cô Út tạo chướng ngại pháp cho chúng ta tu hành mà. Vì ngay cái chuyện cô Út làm là mình thấy chướng ngại rồi, mà chướng ngại thì chướng ngại ai đây, có phải chướng ngại mình không? Mà nếu không có cô Út thì đâu có chướng ngại thì ở đâu mà đẩy? Tối ngày thì thấy mình ở trong thất yên lặng vậy tưởng đâu mình giải thoát, không ngờ là mình ức chế tâm.

Đúng là đức Phật đã thấy được con đường đi rất rõ, mà cho nên mới trợ giúp cho cô Út trong một cái hoàn cảnh ngặt nghèo của Tu viện. Lúc thịnh, thì ở đây nó đông người, mà lúc suy nó ở đây nó cũng không có người, các con thấy? Bởi vì cái chuyện làm cô Út như vậy mà không suy sao được. Người ta cứ nghĩ một cái góc độ khác, cho nên phải suy thôi. Không ngờ là cái chuyện đó lại đưa đến cho mình giải thoát, không ngờ lại giúp cho mình những cái giải thoát cụ thể.

(59:41) Cho nên ở đây các con thấy những cái vấn đề đó làm nhằm mục đích để chúng ta thắp sáng lại ngọn đèn. Mà bây giờ tìm ở trong các con, người nào là người mà cưỡi cá kình vượt sóng to để mà thắp sáng ngọn đèn của Phật pháp, xây dựng lại cái nền đạo đức cho dân tộc Việt Nam này? Ai? Bên nữ thì chúng ta bây giờ chưa có người nào.

Hôm nay cái bài pháp mà Thầy sách tấn cho các con, Thầy sống nếu mà Thầy không phải là cái người mà có nghị lực, không có cái ý chí đó, không có bền chí thì cuộc đời tu hành của Thầy cũng chẳng ra gì. Con người có ý chí, có nghị lực. Thầy nói để cho các con biết cái nghị lực của Thầy. Ngay khi giải phóng về, nhà nước ngăn sông cấm chợ, ở đâu ăn theo đó, không có được mà chuyên chở. Cho nên cái chỗ nào mà không gạo, ăn toàn là củ khoai mì. Trời ơi! sống quá khổ, ăn toàn là thứ bo bo. Nhất là cái vùng mà vùng Tây Ninh này nó đâu phải như miền Hậu Giang đâu mà gạo. Còn gạo lúa ở dưới miền Hậu Giang chất đầy không có ai ăn hết, nó không có cho đi đâu hết hà, ở đâu ăn đó, ở đâu sản xuất ăn đó.

Cho nên vải sồ đó thì bắt mình mua thì phải ra sắp hàng, người nào có thẻ, có giấy mới mua được, không đó thì chợ búa đâu có bán. Trời ơi! bắt đầu rất là khổ sở, bột ngọt đâu có phải được mua mà tự do như bây giờ, muốn ăn hồi nào có đâu. Nhà nước họ bán cho mình sao mình mua nấy chứ không có được, quản lý hết tất cả hết mọi mặt.

(1:01:16) Thì các con biết Thầy là con người như thế nào không? Thầy nói nhất định là không đầu hàng, chúng ta phải tự lực sắm lấy. Thầy chế ra nào là Thầy tự cấy lúa nè, Thầy cuốc đất nè. Mặc dù là Thầy đang ở trong thất tu đó, nhất định là không nói chuyện nhưng mà ra lao động. Thầy cuốc đất cái dạng mà đất mà cất ở trước chùa là ruộng đó, mà Thầy đào cái mương mà Thầy đắp lên cao bây giờ cất nhà mà còn ngập nước, đó là ruộng như mấy đất ruộng ở trước của người ta đó, là ruộng không đó. Thầy cuốc hết mấy đám ruộng, cái dãy đất đó Thầy cuốc hết, Thầy cấy, Thầy làm lúa. Mà lúa Thầy cuốc nó lại tốt dữ lắm.

Rồi Thầy tỉa đậu, Thầy cũng cuốc Thầy tỉa đậu phộng, đậu phộng Thầy lại không bán một hột nào. Thầy nói Thầy không có bán cho nhà nước. Bà con đến đây người nào không có là Thầy lúa Thầy cho. Nghĩa là Thầy cho họ ăn đó, còn đậu phộng Thầy sẽ làm bánh, Thầy làm cái này, cái kia. Thầy kêu bà con ở xóm này lại Thầy cho. Rồi Thầy làm, Thầy dự định là Thầy sẽ làm vải sồ, Thầy sẽ giúp cho bà con. Để chi? Gây một cái điều kiện để bà con thấy mình phải tự lực sống, không có đứng sắp hàng đó mà đi mua đồ bằng cách như con chó mà chầu chực xương. Nhất định là Thầy phải sống như vậy.

(01:02:35) Cho nên Thầy tổ chức tất cả mọi cái. Bây giờ mấy con thấy máy cái máy mà ép dầu của Thầy, Thầy tổ chức Thầy làm cái máy mà ép dầu. Tức là đậu phộng Thầy sôi lên rồi, Thầy vô niền, rồi Thầy ép bằng tay, Thầy quay nó, là nó ra dầu Thầy xài. Thầy làm bột ngọt Thầy lấy củ mì Thầy rọc, Thầy cho bột vôi đó, Thầy cho vôi vô trong nước vôi Thầy quậy, nước vôi mà ấy Thầy lóng củ mì, Thầy ngâm củ mì, nó lên một cái lớp meo ở trên cái mặt nước nó, ba ngày sau nó lên một lớp meo rất dày vầy nè. Thầy vớt cái lớp meo đó Thầy cao lại thành bột ngọt. Nghĩa là nấu nếm gì nó rất ngon không thua gì bột ngọt, nhưng mà phải cao nó lại, nó khô rồi mới để trong bọc để dành. Đó là Thầy chế ra tất cả những cái mà sống, vừa lao động, Thầy dự định hô hào, tất cả mọi cái này ở trong cái ấp này đó. Bà con ở trên đây Thầy cho từ cái bánh bằng khoai lang, rồi củ mì mà Thầy hợp lại, Thầy chế ra những cái loại bánh để ăn mà không đói đó, để chống lại. Chừng nào mà nhà nước rộng rãi thì mới được chứ mà nhà nước không rộng rãi Thầy không chơi.

Vải sồ Thầy nói mình trồng cây bông vải nè rồi mình làm chỉ nè, mình dệt vải, mình làm khung cửi nè. Thầy đi xuống ở Hóc Môn Thầy nghiên cứu mấy cái khung cửi ở đó, rồi Thầy về đây Thầy định là Thầy làm những khung cửi, nhưng mà không ngờ thì nhà nước không ngăn sông, cấm chợ nữa. Bắt đầu có vải sồ mua tự do, thôi Thầy xả.

(1:03:57) Đó thì các con biết ý chí của Thầy, ý chí sống tự do chớ không có chịu lệ thuộc vào cái gì. Mặc dù là đất nước đã thanh bình rồi, nhưng mà khó khăn nhất định là phải sống.

Còn tu hành cũng vậy, mình không thể nào đầu hàng trước cái giặc sanh tử của mình. Nghĩa là mình chết mình không có kịp, mình muốn sống mà nó phải chết rồi nó không chịu sống nữa. Thì như vậy là mình đầu hàng nó chứ gì. Nô lệ nó quá chứ gì.

Bây giờ bệnh đau như thế này mình phải uống thuốc thì nó mới hết, còn không uống thuốc nó không hết. Mà uống thuốc có đôi khi nó cũng không hết nữa, mà cũng phải chịu ôm cái thân đau này. Không có, nhất định là không đầu hàng.

(01:04:32) Cho nên Thầy vì cái ý chí cương quyết và mạnh mẽ, gan dạ như vậy cho nên Thầy đã đạt được sự làm chủ. Và hôm nay các con có những cái pháp hướng mà như vậy đó là do cái chỗ tu tập của Thầy đã làm được. Chứ bây giờ trong kinh điển Phật nói Như Lý Tác Ý, biết như vậy mà có ai mà làm được đâu. Cho nên họ chẳng làm sao giải được cái Như Lý Tác Ý. Mà đến khi Thầy thấy cái năng lực của cái pháp Như Lý Tác Ý này nó quá tuyệt vời. Do mình thực hiện với cái nhiệt tâm của mình thì nó đạt được chứ gì. Nó đạt được thì đó là cái kết quả, mà kết quả cuối cùng Thầy thấy nó là cái pháp toàn diện thật sự.

Cho nên đem ra dạy cho mấy con là mấy con được cái phước rất lớn. Nếu mà không thì các con cũng nghe nói Như Lý Tác Ý, các con tác ý 1 lần thử, 2 lần thấy nó không có gì hết, thôi lại bỏ trôi luôn. Còn cái này Thầy là người bền chí, cho nên ngay cái chỗ mà đường tu tập của mình nó mất hướng rồi, chỉ còn ôm chặt cái pháp này thôi. Nhưng mà ôm chặt mà lại nhìn thấy được cái kết quả của nó, cho nên nó giúp cho mình tiến bước trên cái sự tu tập.

11- TU TẬP VỪA SỨC KHÔNG ỨC CHẾ

(01:05:37) Đó thì hôm nay các con thấy như vậy là các con phải đem hết ý chí của mình ra mình tu tập chứ. Nhưng tu tập không được quyền căng quá, tập nhiều quá nó căng thì nó sai. Bởi vì tu từng phút, từng giây chúng ta nhìn thấy cái sự giải thoát. Mà giờ mình tu quá nó mệt nhọc quá nó căng thần kinh mình, nó nặng đầu, nó mỏi mệt mà mình cứ ráng mình tu là mình tu sai rồi. Mặc dù tu đúng pháp nhưng mà cố gắng nhiều quá cái đặc tướng, quá cái sức của mình như vậy là tu sai rồi. Nó cũng trật rồi!

Cho nên đâu có phải nói là tui tu đúng là tôi ráng tôi tu cho nhiều được. Nó không phải đâu, cái sức của mình tu ở mức nào thì mình tu ở mức nấy.

Thí dụ như bây giờ một buổi sáng này Thầy tu, Thầy ngồi chỉ khoảng độ 30 phút để mà kiểm tra cái Thân, Thọ, Tâm, Pháp của Thầy, mà Thầy tu 1 giờ là Thầy sai, cũng tu đúng cái pháp đó mà quá cái sức của mình nó sẽ sai, thành ra mình không giải thoát.

Còn các con tu liên tục, giờ này tu định này, giờ kia tu định kia, tu liên tục buổi này cũng vậy, tới chiều cũng vậy, tối cũng vậy. Trời ơi, tu suốt 1 ngày đêm cái thấy mình muốn chới với rồi. Nó giải thoát cái chỗ nào đâu? Mà nó làm cho mình rã rời tay chân, mắt hoa, đầu choáng váng như thế này thì như thế nào? Bởi vì đó là tu sai không có đúng!

(01:07:01) Cho nên đừng có vội vàng, chúng ta tu đúng tuy một chút. Bây giờ mỗi buổi sáng Thầy tu, Thầy thấy thôi bây giờ mình xả ra, sống bình thường liền, đừng có ngồi khép nó nữa. Đừng có nói đi, đứng, nằm, ngồi đều thiền đó. Đừng có tu cái kiểu đó được, mình tu mình giải thoát trong những phút giây của mình tu ở trong một buổi sáng mình tu đúng.

Còn bao nhiêu cái chướng ngại pháp thì mình quán xét để cho cái tâm mình nó được an thôi. Chứ lúc bấy giờ mình còn sân, còn phiền não mà làm sao nó hết sạch được, sao mà khi mà nghe một cái gì mà nó trái ý của mình thì bất toại nguyện thì mình phải, có sự phiền não trong lòng của mình chứ gì. Cho nên mình không có ngại, không có ngại điều đó, mình cứ quán xét để mình nhẫn cho được. Rồi bắt đầu từng giờ, từng phút mình tăng dần, tăng dần lên mình thấy tu tới đâu mà nó có sự giải thoát, nó thanh thản tới đó thì mình cứ tu.

12- THẦY MẬT HẠNH

(1:07:51) Trong khi mà thầy Mật Hạnh ở trong thất, Thầy kềm thầy trong 3 năm, ở trong thất Thầy kềm. Do Thầy kềm đúng cái chỗ tu, cho nên mỗi tâm niệm Thầy nói, Thầy dặn trước mà. Thầy ở một cái thất khác, nhưng mà khi tu thì thầy đến thất Thầy hỏi: " Bữa nay có niệm gì không?” Có cái niệm, Thầy chăm sóc từng niệm mà. “Có cái niệm gì không? Niệm đó như thế nào? Trình cho Thầy nghe coi?" Thì nó mới trình bây giờ nó mới khởi cái niệm nó nhớ cái này, nó nhớ cái kia. Thầy nói phải quán như thế này nè, xả nó đi, rồi bắt đầu Thầy về thất Thầy.

Còn mà về hôn trầm thùy, miên đó thì Thầy bảo lại thất Thầy ngồi xuống đây tu cho Thầy. Thầy ngồi đây, bắt đầu bắt đi kinh hành vòng vòng vòng thầy phá cho sạch cái hôn trầm, thùy miên. Tất cả những cái này coi như là Thầy dồn tất cả những cái sức lực Thầy để đào tạo một con người cho được mà. Đâu phải chuyện dễ đâu.

Cho nên do cái sự mà ức chế của Thầy bắt buộc, mà 3 năm độc cư không nói chuyện với ai hết để mà thực hiện từng cái tâm niệm xả. Cũng như bây giờ các con xả là các con phải tự chứ làm sao mà Thầy hướng dẫn được từng tâm niệm của các con.

(1:09:03) Khi các con ngồi trong thất nè có một niệm, Thầy nói có một niệm thì phải chạy lại thất Thầy báo ngay rằng bây giờ tâm con khởi cái niệm đó cho Thầy. Mà nó nói vừa khởi niệm chạy báo Thầy cái niệm nó mất rồi, nó không còn nữa. Cho nên con cứ con dùng cái này thì con thấy cái tâm nó xả mau thiệt. Cho nên nó khởi ra con ngồi thanh thản thôi. Mà nó có niệm: “mày chết tao đi lại tao trình Thầy”, thì con vừa bước đi là con thấy nó tan biến hết, nó không có gì hết. Mà nhiều khi con tới Thầy con lại quên mất nó nữa, không có nhớ nữa. Còn có cái thì con nhớ con trình cho Thầy, nhưng mà con quyết định là cái pháp này hay thật, mà có Thầy trợ giúp như vậy con xả được.

Cho nên từng đó nó cứ trong 3 năm đó, cứ có cái gì mà khởi lên thì nó đến, thậm chí nó khởi cái niệm: “mình phải ráng tu có thần thông”. A, như vậy là ráng tu có thần thông, đây cũng là cái niệm để trình Thầy coi đúng hay sai. Phải không?

Thì đến Thầy nói: “xả xuống, không có được cái thứ này, cái thứ này cũng là cái tham của con. Mới có tu có chút chút tâm thanh tịnh là lo đã muốn làm thầy thiên hạ rồi, cái mặt này là cái mặt tham, tham dữ tợn đó, tham này là tham dữ đó, xả nó đi không có được, xả riết tất cả mọi niệm.”

(01:10:17) Có những niệm không dám nói Thầy, có những niệm phải nói, không có niệm nào mà không nói. Có những niệm mà về sắc dục, nó khởi tâm dục cũng vẫn phải nói với Thầy nữa. Đó cho nên vì vậy hễ có những cái niệm nào đều nói Thầy hết. Cho nên Thầy nói cái này như thế nào, quán bất tịnh như thế nào, Thầy giải hết mọi cái. Cho nên đẩy lui hết, bắt đầu từ đó tâm nó tự động nó quay vô liền.

Nó quay vô suốt cả ngày đêm nó nó quay vô, nó đã biết được cái này, do cái sự chăm sóc kỹ lưỡng của Thầy. Cho nên Thầy nói Thầy bây giờ Thầy mở được một cái Tu viện, mỗi một người có một cái hang đá mà sống tu, thì Thầy chăm sóc như kiểu Mật Hạnh. Thầy nói rằng người nào cũng tu đơn giản. Còn bây giờ Thầy không có cái cơ sở như vậy để mà dẫn dắt.

Còn bây giờ bên nữ các con phải có một người tu như Thầy chứ, để làm gì? Để chăm sóc những người khác người ta tu như vậy thì mới giải thoát. Người ta nhờ mình, người ta tin tưởng nơi mình. Mật Hạnh là người tin Thầy tuyệt đối!

Bây giờ Thầy nói như thế này nè, khi mà nó ra với cô Diệu Hảo, cô Diệu Hảo biết khi mà nó nói về Thầy nó nói như thế nào biết nó tin Thầy, phải không? Nó là người tin Thầy tuyệt đối, cho nên Thầy nói cái gì nó rất nghe, vì vậy mà nó là cái người…​ Ngay cả bây giờ nó tiếp xúc với đời. À, cái cô đó gửi thơ nó như vậy nó đem về trình Thầy, cái thơ này như thế này nè.

(01:11:37) Thầy nói như thế này để cho các con thấy rằng, thầy Mật Hạnh từ khi mà 8 tuổi về đây Thầy nuôi, trong cái lúc bé không có biết đời là cái gì hết. Rồi từ đó cho tới khi mà vào tu thì trong cái thời gian mà nhập thất với chúng, tập trung mà tu ở trước đó. Thì thầy bị buồn ngủ, cũng như mọi người. Bị vì lúc bấy giờ quý thầy ở đó họ hăng lắm, từ 10 giờ họ tăng lên 11 tới 12 giờ. Họ tăng họ tranh nhau họ ngồi thiền cho tới giờ đó, cho nên cái khoảng giờ đó là khoảng giờ mà nó, người nào mà ngồi im lìm thì nó dễ gục lắm. Hầu hết là quý thầy đều bị gục hết trong những cái giờ đó, còn riêng nó đã tăng lên rồi thì nhất định là phải làm cho được. Do đó vì vậy mà còn cái tuổi rất trẻ, lúc bấy giờ đó mười mấy tuổi, 15, 16 tuổi gì trong khoảng thời gian tu không có xuất gia.

Do vì vậy khi mà mọi người đều là ngủ khò hết, người thì ngồi, kẻ thì nằm. Chú Duy, chú nhỏ đó, chú nằm bật giữa cái tổ đường đó chú ngủ, ngủ ngay không có sợ ai nữa hết, bị vì buồn ngủ quá rồi.

Còn chú Mật Hạnh này chú lấy dầu chú tha mắt, nó cay mắt quá chú lăn lộn ngoài cái hành lang. Thầy đi Thầy gác thiền, cứ một lúc lâu Thầy mới ra. Nhưng mà Thầy đi ra Thầy thấy chú lăn lộn vậy Thầy hỏi: "Cái gì vậy? Sao mọi người ngủ hết mà con lại còn lăn lộn như vậy, có cái gì?" Nói: "Con thấy buồn ngủ quá, con lấy dầu con tha mắt, giờ nó cay quá làm sao cho hết Thầy?" Thầy mới lấy ly nước Thầy rửa, Thầy rửa rồi Thầy biết là chú này chú gan dạ, vậy là con người có ý chí, mọi người người ta ngủ rồi người ta thiếu ý chí, người ta không chiến đấu, còn chú này có thể đào tạo được.

(01:13:21) Từ đó về sau, sau cái mùa hạ năm đó thì Thầy tuyên bố Thầy nhập thất. Thầy nhập thất mục đích Thầy để dẫn dắt những cái người có ý chí, còn mấy người khác thì chỉ dạy đơn sơ thôi, chứ Thầy không có đem hết tận lực.

Cho nên sau 3 năm ở trong thất đó là Thầy đào tạo Mật Hạnh, chú nhập được Sơ Thiền hẳn hòi, đàng hoàng. Thậm chí như bây giờ chú ra lệnh chú nhập được Nhị Thiền, Tam Thiền được chứ không phải không. Nhưng mà Thầy chỉ cần cho chú phải sung mãn, bởi vì khi nhập Nhị Thiền rồi, thì cái thời gian kéo dài cái Nhị Thiền ra để cho chú sung mãn. Chớ nó chưa sung mãn, mình đi đại, mình tịnh chỉ đại thì tức là mình bị rơi trong tưởng. Bị vì cái ly dục ly ác pháp nó chưa sung mãn, tức là nó chưa hoàn chỉnh, nó còn cái ác pháp nó chưa hết.

(1:14:05) Cho nên đức Phật dạy chúng ta phải làm cho cái pháp đó sung mãn rồi mới tới cái pháp khác. Chứ không phải là tu bây giờ thấy được cái Sơ Thiền rồi, tâm quay vô rồi cái mình lo mình nhảy vô mình tu cái khác. Cái tưởng nó do cái còn tâm tham dục ở trong này, nó hiện cái tướng của nó ra nó làm cho mình ham thích, thì mình bị rơi rồi, bị rơi rồi chứ không có còn.

Cho nên nó phải sung mãn được cái pháp ly dục ly ác pháp. Cho nên hoàn toàn khi mình nhập Nhị Thiền cái tưởng nó không hiện ra nó cám dỗ mình được. Nó là cách thức như vậy. Cho nên do như vậy mà Thầy biết được chỉ có một người tu được, đó là thầy Mật Hạnh.

Cho nên bây giờ đi ra như vậy, mặc dù là thầy chưa có cái ăn nói khéo léo, thầy có cái lời nói nó ngay thẳng. Thầy dạy sao, ăn nói làm cho người ta mích lòng người ta. Nghĩa là thấy người ta sai Thầy nói thẳng, nói một cách mích lòng, không có khéo léo của cái người mà khéo léo cái ngôn ngữ.

(01:15:00) Cho nên Thầy biết đó là cái tự tin, và cũng vì vậy đó mà bạn bè của thầy rất nhiều. Bởi vì những người bạn mà tốt đó, nó mới nhận thấy được. Như đến học cái trường học đó, khi tất cả những cái người mà đến học đó họ tham lam, họ mở họ lấy chìa khóa họ lén họ lấy con ốc này kia của cái trường học đó. Thầy Mật Hạnh mới nói với cái ông giám đốc cái trường đó, mới nói: “Mấy cái người học sinh ở đây họ tham lắm, thầy phải cho cái người, người ta coi họ lấy ốc cái này kia trong nhà trường”. Họ lấy chìa khóa ở trong nhà trường. Thành ra thầy Mật Hạnh tố cáo mấy người đó nhưng mà không có chỉ mặt người nào. Nhưng mà nói chung là học sinh nó tham như vậy, thầy phải để ý để không mất của, bởi vì họ tham như vậy. Thì ngay cả cái lòng tốt Mật Hạnh đối với nhà trường như vậy, thì cái ông mà giám đốc trường đó, ông muốn Mật Hạnh học đó rồi ông sẽ nhận Mật Hạnh ở luôn làm việc ở đó cho ổng. Nghĩa là cái người tốt, khó tìm cái người tốt, mà bây giờ ông thấy Mật Hạnh như vậy. Nó cũng về nó trình với Thầy: "Bây giờ ông muốn con ở đó, sau khi học xong rồi thì ở đó làm việc ông sẽ trả lương cho con luôn." Thầy nói không, không có được, không phải mình đi làm công người ta, mình đi học để mình còn cái duyên, mình để tìm hiểu đời rồi mình tu chứ đâu phải mà mình ở đó mình làm nghề.

(01:17:54) Tại vì con đến đó con đem những cái lời của Thầy dạy con nói những cái điều thiện. Trước kia cái gia đình này nó có một cái chỗ, có cái cửa hiệu buôn bán, mà bán có khô, mắm cái này kia, con nói họ dẹp hết! Không buôn bán cái đó nữa, họ buôn bán những cái đồ mà không có giết hại chúng sinh, con thấy cái lời nói con cũng giúp họ được tốt. Rồi từng đó họ có cái sự mến đối với con.

Còn họ nói về sự tu, con nói: “Con không có tu hành, con ở gần cái chùa rồi con đến đó con nghe Thầy ở đó thuyết pháp, con nghe những cái điều hay, con không có tu, thì con cũng có muốn. Nhưng bây giờ thì con còn cái duyên chưa có tu thôi”. Nó nói vậy.

(1:18:34) Cho nên ở đây tất cả những cái sự kiện xảy ra Thầy nói thật sự mỗi cái gì, sợ điều kiện là nó che giấu Thầy thôi, nó không nói cho Thầy. Chứ còn nó nói cho Thầy hết, nhưng mà mỗi lần nó nói như vậy nó đều có những cái ý chí là trở lại con đường tu.

Vừa rồi hôm qua Thầy thuyết giảng ở đây cho quý thầy nghe, thì sau đó buổi tối nó đến nó làm nó phụ với Thầy để mà đóng mấy cái khung sách. Nó nói: “Thật sự ra theo con thấy, chắc quý thầy tu kiểu này chắc không có người thừa kế cho Thầy. Con quyết định rằng con sẽ, trong cái thời gian ngắn con sẽ trở về con nỗ lực, con thực hiện bằng được những cái điều này, để con đốt lại cái ngọn đuốc của Phật pháp. Chứ con không tin ai được hết. Cái sức của con, con đã làm được cái giai đoạn như thế này, thì còn tin vào người nào nữa.

Họ, ở đây Thầy nói hết lời, Thầy đem hết sức Thầy nói, mà họ đi lại thất này, thất kia họ nói chuyện. Con về đây con ở giữa cái thất đó con đã nhìn thấy người nào tu như thế nào con biết hết. Làm sao họ tu được? Không tu đúng làm sao tu được?.

Thì bây giờ ngoài ra con không nói là con sinh cái bản ngã của con, con nói đây là nói thật tâm. Là vì con thấy người ta tu không có đúng, không được đúng như lời Thầy dạy thì làm sao? Cứ ông này lại thất ông kia đi nói chuyện, ông kia lại thất ông nọ nói chuyện, rồi nghe băng đồ này kia mọi cái. Rồi thậm chí như đến nó, nhờ nó mua cái này, cái nọ kia. Thì thử hỏi còn cái gì nữa?

Thì trong cái sự này thì phải có cái sự ăn lén, ăn lút trong này rồi. Gửi mua như vậy bây giờ con mua như vậy thì con cũng phải lén lút con ăn. Tất cả những cái này là cái sai, tại sao mà Thầy dạy như vậy mà người ta tu như vậy? Còn con là Thầy dạy đâu con làm đó, làm đúng con mới thấy được cái này.”

(01:20:24) Thì các con thấy trong cái vấn đề mà Thầy dạy các con đừng có làm sai, Thầy dẫn dắt mấy con đi tới nơi, tới chốn. Mà các con làm sai, Thầy dạy các con Thầy nhắc lời nói cô Út, cái chuyện làm của cô Út là giúp cho các con giải thoát. Thì các con nghe đó là một cái đối tượng giải thoát. Con thấy cô Út phải đem cái sức lực của mình ra làm những cái điều đó, là cái nỗi khổ của cô Út rất lớn, phải không? La hét, mắng chửi mấy con mà không cực sao? Điên gì mà, Thầy làm vậy được không? Chắc chắn là Thầy làm không có được. Bây giờ làm sai Thầy cũng không chửi mắng ai được hết chứ đừng nói chuyện.

Thì các con thấy cái chuyện làm của cô Út làm cái chút xíu mà các con, hở ra là cổ nhận xét ờ…​ (. . .).

Đó cũng như con về, ví dụ như cô Út nói lời nói mà con thấy buồn trong lòng là cô nhận biết rồi đó. Cô biết là con phải xả tâm con chứ không khéo là như vậy. Còn huống hồ là mấy cô mà ở gần lâu rồi, cô sạt tan nát hết đó chứ đừng nói, cô làm cho bỏ cái tâm mà mình xả nó. Cô không tha thứ chuyện gì tùm lum đủ thứ hết. Cô nói có, nói không, cô làm đủ mọi cách. Nói làm cho mình tức, mình giận lên, cái không có cũng nói mình có, cho mình tức giận lên, để làm gì? Để cho mình xả chứ, oan ức gì chỗ này? Chỗ này đâu phải là chỗ oan ức đâu, mà chỗ này chỗ xả tâm.

Cho nên ở đây Thầy nói thật sự chúng ta tìm một người để giúp chúng ta giải thoát, không có phải là ai làm được hết đâu.

.

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy