LCK 105A - CHUẨN BỊ LỚP CHÁNH TƯ DUY - QUÁN THÂN TỨ NIỆM XỨ - CÁCH THỨC XẢ TÂM - ĐỨC BI TÂM
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Thời gian: 07/05/2006
Thời lượng: [46:38]
(00:00) Trưởng lão: Cái bài này làm tiếp đi. Đức Bi Tâm ngắn như thế này
Phật tử: Thưa Thầy, khi Thầy nhắc những cái bài này, Thầy cho cái chủ đề để thực hiện (00:07 nghe không rõ) cái tâm, cái …
(00:15) Trưởng lão: Tất cả mọi bài, cả bài hát chúng ta viết thì Thầy cho là mười lăm bài, thì Thầy sẽ cho những cái đề tài trở lại nếu mà người nào chưa làm xong thì sẽ làm lại cho đầy đủ, nhưng những người mà còn làm bài thì mấy con sẽ tu sẽ rất khó tại vì vô lớp Chánh Tư Duy, không còn nghe băng, không còn nghe cái gì hết. Hoàn toàn, mấy con không được nói chuyện, không được nghe băng lại, chỉ chuyên tu. Thầy sẽ dạy cách thức cho mấy con nhiếp tâm, mấy con quan sát gọi là quán thân đó. Nghĩa là người nào mà tu về cái Tâm Xả thì Thầy sẽ hướng dẫn lại những cách xả tâm. Còn người nào mà tu về Tứ Niệm Xứ thì Thầy dạy quan sát bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp.
Cho nên, Thầy kiểm tra lại, Thầy hướng dẫn kỹ lưỡng. Khi mình vào đó thì mình tu, không có thì giờ mà nghỉ. Nghĩa là tu liên tục. Tu như nghỉ, nghỉ như tu chứ không có gì khác hơn, nghĩa là tu tận cùng để cuối cùng là chúng ta hoàn toàn là chứng đạo thôi. Giờ chỉ còn cái tu để chứng đạo. Ở trên Tứ Niệm Xứ thì đức Phật đã xác định những cái điều đó, chỉ còn cái là ráng tu mà thôi.
Còn cô Tịnh Bản “Con xin Thầy những cái đề tài con làm chưa đủ”. Thì nó là mười lăm cái đề tài. Cái lớp Chánh Kiến là mười lăm cái đề tài. Cái giai đoạn này thì cần phải cố gắng tu tập, thật sự tu để đạt được kết quả tốt, chứ nếu mà không mấy con sẽ ở lại với khóa sau chứ con không thể tiến tới tu được.
(02:02) Các con, hôm nay, thì coi cái số bài, các con sẽ làm đây… tới khi cái tâm Xả là hết rồi, không còn làm nữa. Coi như chấm dứt, bắt đầu vào tu cái lớp Chánh Tư Duy, chuyên tu cách thức quán thân, Thầy xin nhắc lại để mấy con rõ. Ở trong Định Niệm Hơi Thở thì đức Phật cũng đã nhắc cho chúng ta biết cách quán thân: "Cảm giác toàn thân, tôi biết tôi hít vô. Cảm giác toàn thân, tôi biết tôi thở ra". Thì mấy con nương vào cái hơi thở mà mấy con cảm nhận cái thân, cảm nhận cái thân. Thì lúc bấy giờ, khi các con nhìn vào cái thân của mình thì dường như cái tâm của mình nó quay vô, nó quan sát từ trên đầu xuống dưới chân. Theo cái câu tác ý, rồi mình tác ý một lượt hai cái câu đó liên tục một lượt rồi mới thở ra… thở vô, thở ra … thở vô khoảng độ chứ không đếm, khoảng độ năm hơi thở mình lại tác ý một lần để nhắc cho nó quay vô, nó nhìn, cho nó quen. Nó tập quen quan sát ở trên thân. Nó có hai cái giai đoạn tu tập của Tứ Niệm Xứ.
Giai đoạn thứ nhất là tập quan sát cái thân. Tức là nó quan sát cái thân, nó nương cái hơi thở, nó quan sát chứ nó không tụ trong cái hơi thở. Nó không tập trung trong hơi thở mà nó quan sát cái thân. Cho nên, cái câu mà đức Phật dạy: "Cảm giác toàn thân" toàn thân chứ không phải một chỗ nào, "Tôi biết tôi hít vô. Cảm giác toàn thân, tôi biết tôi thở ra" thì mình tác ý cái câu đó rồi thì mình hít vô. Mình cảm nhận từ trên đầu xuống dưới chân rồi mình thở ra từ dưới cái chân trở lên trên đầu. Rồi hơi thở thứ nhất, rồi hơi thở thứ hai cũng kĩ lưỡng như vậy. Hơi thở thứ ba cũng kĩ lưỡng như vậy. Thì mấy con nghe cái câu kinh mà đức Phật dạy trong Tứ Niệm Xứ á: "Trên thân, quán thân để nhiếp phục tham ưu", để khắc phục tham ưu, nghĩa là mình quán cái thân như vậy thì ưu phiền nó không còn có tác động vô trong cái thân mình nữa.
(04:05) Chứ không phải như Tứ Chánh Cần. Tứ Chánh Cần á, thì mình tu tập nó có những sự trải ra trên thân và tâm của mình cho nên mình dùng các pháp như Định Niệm Hơi Thở, như là Định Vô Lậu mình sẽ xả. Còn ở trên Tứ Niệm Xứ như Thầy dạy cho mấy con từ lâu đến giờ đó, khi mình tu Tứ Niệm Xứ và tu Tứ Chánh Cần á, thì ngay bây giờ nó có một cái niệm, mình mới đưa một cái niệm đó mình quán, mình xả. Đó là cái Tứ Chánh Cần.
Hoặc là trên thân mình có đau bệnh gì đó, thì mình tác ý, mình đuổi cái bệnh, thường mình nương vào cái câu tác ý: "An tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay ra. An tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay vô" hoặc là "An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô. An tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra". Đó là mình dùng để cho mình đẩy lui bệnh, còn cái này tâm nó nhiếp phục tham ưu ở trên đó luôn. Nó quán thân, trên thân quán thân để nhiếp phục tham ưu. Nó quán cái thân của nó. Nó nhiếp luôn cả ưu phiền ở trên đó luôn. Không có ưu phiền nào mà chen vô đó được. Đó là Tứ Niệm Xứ. Vì vậy, cho nên, mình tu kĩ lưỡng, hẳn hoi, hoàn toàn từng.
Bây giờ ví dụ như Thầy tu từng hơi thở như thế này: "Cảm giác toàn thân, tôi biết tôi hít vô. Cảm giác toàn thân, tôi biết tôi thở ra", thì các con sẽ hít vô, các con cảm nhận từ trên đầu xuống dưới chân, rồi hít thở ra từ dưới chân lên trên đầu. Cứ hơi thở ra vô, thì mình cảm nhận từng hơi thở kĩ lưỡng, đừng quên. Mà nếu quên, thì coi như là có cái niệm khởi vào và có cái cảm thọ sẽ đánh vào. Còn nếu mà mình tỉnh táo trên từng cái hơi thở đó, không bao giờ có những cái cảm thọ, có những cái niệm đó nữa. Bởi vì nó nhiếp phục được những cái ưu phiền, tất cả những cái ưu phiền trên cái thân của chúng ta sẽ không tác động được các ưu phiền trên đó nữa. Nó làm cho không còn có ưu phiền.
(06:03) Mà nếu mình không kĩ, mình không có tu tập kĩ như vậy đó, thì mình không có chịu quan sát để mình quên á, thì nó mới có niệm vô. Cho nên, hầu như mấy con tu là thường tu Tứ Niệm Xứ ở trên Tứ Chánh Cần chứ không phải Tứ Niệm Xứ trên Tứ Niệm Xứ.
Còn Tứ Niệm Xứ trên Tứ Niệm Xứ thì mấy con đã tu cái lớp Chánh Kiến rồi tự cái tri kiến của mấy con hiểu á. Nó đã xả rồi. Nó đã xả những cái niệm, tất cả mọi cái niệm. Mấy con viết từ cái bài xả tâm mấy con thấy, ái kiết sử có cái gì mấy con cũng viết trong đó hết rồi. Cho nên, nó có cái niệm gì thì mấy con cũng tự hiểu, nó tự hiểu, nó cũng xả hết à. Cho nên, nó không qua mặt được mấy con nữa, coi như nó không qua được cái màng, cái màng trí Tuệ của mấy con. Nó không lọt, cái ác pháp nào nữa nó không lọt qua được. Đó thì, mấy con thấy …
Còn bây giờ, mình nhiếp tâm, mình quán Thân, Thọ, Tâm, Pháp của mình, định tỉnh, tỉnh thức ở trên cái thân của mình để cho cái tâm nó định tỉnh trên thân của nó. Thì tâm định tỉnh, nhu nhuyến, dễ sử dụng. Khi nó Định tỉnh được tức là nó bám trên cái thân của nó, nó quan sát ở trên đó. Nó cụ thể, nó rõ ràng ở trên cái thân của nó, thì lúc bấy giờ không có cái ưu phiền nào mà xảy vô trong tâm, các pháp nào tác động vào thân tâm nó được. Cho nên, cuối cùng mấy con tu như vậy thì trong vòng vài hôm, một tuần lễ là chứng đạo.
Đó là bằng chứng sự thật đó mấy con, nếu bởi vì tu không đúng cho nên mình nhiếp phục không được, tức là mình quan sát không được thân, tức là quán thân. Quán thân tức là quan sát, xem xét nó từng phút, từng giây ở trên cái thân của mình cho kỹ. Cho nên, mình tu tập rất kỹ, tu tập rất kỹ trên Tứ Niệm Xứ. Nó đòi hỏi ở cái sức tỉnh giác của chúng ta rất là kỹ. Khi mà sức tỉnh giác chúng ta quan sát kỹ như vậy thì cái tâm nó sẽ định tỉnh trên đó. Nó định tỉnh trên thân của chúng ta, bởi vì nó quan sát thân nó. Mà thân nó thì nó có tâm ở trên đó, nó có thọ ở trên đó. Nó có các pháp, khi có các pháp tác động nó thì nó tác động ở đâu, trên thân, thọ, tâm của nó chứ đâu.
(08:07) Các con thấy chưa, nó đủ hết. Chỉ cần quan sát cái thân là có đủ bốn cái Thân, Thọ, Tâm, Pháp chứ không phải mình đi lòng vòng chạy chạy, sự thực ra mới đầu thì mình chạy lòng vòng, mình đi từ Thân, Thọ, Tâm, Pháp của nó, sự thật mình chạy lòng vòng. Nhưng mà sự thật ra thì ở đây đức Phật dạy chúng ta "Cảm giác toàn thân, tôi biết tôi hít vô. Cảm giác toàn thân, tôi biết tôi thở ra". Đó vậy, các con thấy Phật dạy đơn giản, có bài bản đàng hoàng, nương vào hơi thở. Rồi sau đó, thì khi mình cần tác ý như thế nào "*tâm quay vô, quan sát thân"* thì tự nó nó … Tự mình tác ý rồi mình ngồi im như vầy thì mình thấy cái tâm mình nó quay vô. Nó không phóng dật ra. Tức là nó không phóng ra ngoài mà nó mắc, nó bận, nó ở trong này nó nhìn cái thân của nó, nó quan sát cái thân nó. Cho nên, khi mà cái tâm của mình nó quan sát cái thân của nó, mà nó định tỉnh á thì tâm nó không phóng dật. Mà tâm không phóng dật thì chứng đạo rồi còn gì nữa.
Mấy con thấy có khó không? Đâu có khó đâu, nhưng mà bây giờ mình phải … trước tiên thì mình dừng cái hơi thở để mình tập nó quan sát, bởi vì đức Phật có cho mình, khởi sự cho mình tu cái Tứ Niệm Xứ để cho mình quan sát được cái thân của mình, trên thân quán thân mà. Cho nên "Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô". Cảm nhận được toàn thân của mình, nương vào hơi thở mà cảm nhận tức là mình quan sát thân rồi. Mà mình quan sát thân mình được rồi, lúc nào mình cũng quan sát được rồi thì nó sẽ định tỉnh. Mà nó định tỉnh mà khi nó định tỉnh được thì nó nhu nhuyến, dễ sử dụng. Lúc bây giờ nó nhu nhuyến, dễ sử dụng tức là nó có Tứ Thần Túc. Ta gọi là Bảy Giác Tri: bảy năng lực của giác tri.
Có gì đâu, không có khó khăn. Cho nên, mấy con tu nó không có khó đâu. Thầy nói, nếu mà làm bài vở kỹ hầu như những cái bài vở mà mấy con làm ở đây. Thí dụ như cô Huệ Ân này, chính cô Huệ Ân, một lát nữa, lúc nữa là mấy con sẽ đọc cái bài cô Huệ Ân. Cô lớn tuổi mà cô làm cái bài này Thầy thấy … nghĩa là làm ở trên kinh nghiệm bản thân tu tập của mình. Cô biết, cô viết thôi.
(10:08) Thì một lúc nữa thì Thầy sẽ cho đọc cái bài của cô Huệ Ân. Một người lớn tuổi như cô Huệ Ân là tám mươi mấy tuổi. Tám mươi tám tuổi, có phải không các con? Cô Huệ Ân tám mươi tám tuổi, còn hai tuổi nữa là chín mươi tuổi rồi. Mà tu tập đẩy lui được bệnh và bây giờ từ hôm mà mấy con nghe Thầy dạy cô Huệ Ân tới nay là tịnh chỉ hơi thở chứ gì? Tập tịnh chỉ hơi thở. Thời gian mới đây chứ đâu có lâu, mà cô Huệ Ân tịnh chỉ được năm phút rồi. Hơi thở ngưng được năm phút, làm chủ được năm phút rồi. Nhưng mà cứ bền chí mà tập, tập cho đến khi mà mình ra lệnh thì nó tịnh chỉ, mình muốn bỏ thân mình thì nó tự tại lắm. Chỉ có mình tập chứ mình không có nín thở. Tập rồi tự động cái phương pháp tác ý nó giúp cho cái hơi thở của mình nó ngưng. Đầu nó nhẹ nhàng rồi nó ngưng. Cũng không có gì mà khó khăn hết. Cho nên, trong cái sự tu tập của đạo Phật phải bền chí, lòng tin mình trọn vẹn vào Phật pháp thì nó đỡ cho mình biết bao nhiêu.
Đối với cô Huệ Ân, các con thấy không, cô rất yếu mà vẫn còn ngồi ở trong lớp học của chúng ta để tu tập. Tám mươi tám tuổi còn ngồi ở lớp học, còn làm bài được như thế này, còn làm bài luận văn rất hay.
Đó thì, Thầy thấy trong cái vấn đề tu tập không có cái tuổi tác nào hết, chỉ ở đây tu và đồng thời bây giờ dạy cái lớp Chánh Tư Duy. Chúng ta tư duy trên tư duy để chúng ta hoàn toàn, chúng ta nhiếp phục tất cả những tham ưu, sự đau khổ trên thân tâm của chúng ta, tức là quét nó ra cho khỏi thân tâm của chúng ta để tâm của chúng ta được định tỉnh hoàn toàn. Mà Thầy tin rằng trong lớp học của chúng ta không phải ít người tu chứng đâu, cũng rất nhiều người, nhưng mà phải bền chí mấy con.
Đừng có vội vàng lắm khi chúng ta làm bài còn thiếu thì chúng ta làm thêm cho được đầy đủ, tri kiến chúng ta được đầy đủ, đừng vội vàng. Làm một cái bài nào chúng ta phải cho lột hết tất cả các ý nghĩa của nó. Vội vàng, chúng ta làm lấy có thì nó sẽ không đạt. Còn nếu mà các con mà không có đủ ý thì mình mượn bài vở của những người khác. Vừa rồi thì Thầy có cho mấy con cái dàn bài của sư Từ Quang thì mấy con đọc cái bài có cái dàn bài đàng hoàng mấy con làm đâu có sai đâu.
(12:38) Rồi bây giờ mấy con muốn biết như vậy, mấy con đọc cái bài của sư Từ Quang thì nó gợi cho mấy con có cái ý để cho mình làm, rồi từ đó khi mình nắm được cái ý đó, rồi mình làm theo cái dàn bài đó thì Thầy tin rằng mấy con làm rất hay chứ không có dở nữa và đồng thời khi mà mình được mớm cái ý rồi mà mình muốn nó thấm nhuần thì mình đọc vài ba lần để cho cái tư tưởng, cái hiểu biết đó nó thấm vào trong tâm của chúng ta.
Bây giờ, Thầy ngồi, Thầy viết thì dòng tư tưởng của Thầy có thể viết ra những cái bài như vậy, nhưng nó chưa thấm nhuần đâu, mặc dù là tự Thầy viết ra nhưng chưa thấm nhuần đâu. Thầy đọc năm ba lần nó thấm nhuần hơn, huống hồ là bài của người khác viết phải không? Chúng ta nên cố gắng đọc để thấm nhuần cái ý tứ. Cũng như cái bài kinh của Phật mà mình đọc lướt qua thì mình hiểu nhưng nó chưa thấm nhuần cái ý, cái lý của Phật muốn nói đâu, rồi mình đọc nhiều lần mình mới thấy sao mà nó hay quá, có phải không?
Mấy con đọc một lần thì mấy con chưa thấy hay đâu, nhưng mà nó thấm nhuần mới thấy nó hay, đó là cách thức mà chúng ta đã triển khai cái tri kiến hiểu biết của chúng ta. Tức là chúng ta có chánh kiến. Mà có chánh kiến thì tà kiến làm sao mà xen được vào ở trong cái thân tâm của chúng ta được. Các con hiểu không? Đó là cái lớp đầu tiên chúng ta học, nó đem lại lợi ích rất lớn. Nhằm bây giờ chúng ta không xả gì hết. Tự cái hiểu biết đó nó cũng làm cho chúng ta ly dục, ly ác pháp, nhưng cái nghiệp chúng ta còn bởi vì cái nghiệp là cái lực vô hình, chúng ta biết rất rõ, nhưng nó rất mạnh. Khi mà nó … bây giờ mình nói cái nghiệp sân, thì mình biết cái sân là cái ác pháp, mình biết đó nhưng mình hiểu biết nhiều lần cách thức để mà xả cái tâm của mình, cách thức để mà xả cái tâm sân của mình, mình đọc đi, đọc lại nhiều lần.
(14:35) Do đó, khi mà cái tâm của mình nó đụng cái ác pháp sân lên, thì ngay đó cái sự hiểu biết nó hóa giải được. Mà nhiều lần hóa giải thì sau này nó không cần hóa giải nữa, nó sẽ tiêu tan hết. Nghĩa là ai nói gì nói, tâm của chúng ta như cục đất. Nhưng mà tâm chúng ta như cục đất thì mấy con biết tâm lúc bấy giờ mấy con nó sẽ nằm đâu con? Định tỉnh ở trên thân mấy con như Tứ Niệm Xứ.
Bây giờ, mấy con tu cái pháp xả mà Thầy nhắc rồi, bây giờ mấy con tu cái pháp xả. Vừa rồi, hôm qua, Thầy chia hai lớp bên nam nghĩa là cái lớp tu Tứ Niệm Xứ .và cái lớp tu Tâm Xả. Tại vì những người tu Tâm Xả, Thầy trực tiếp, Thầy xem xét coi họ tu Tâm Xả và đồng thời sau khi năm phút trôi qua, Thầy cho họ xả. Thầy hỏi từng người.
Vậy thì Thầy cho một cái điểm như bây giờ ái kiết xử mình nhớ về gia đình của mình, nhớ con cái của mình hoặc là mình nhớ cha mẹ của mình vậy mình dùng cái nào để mình xả? Nói cho Thầy nghe. À, cái đó là Thầy hỏi thật mà. Thầy đọc, Thầy hỏi thật. Như bây giờ đó mình đang không có giấy tờ tạm vắng, tạm trú, mà công an đến hỏi mình mà bây giờ mình đang ngồi đây có một cái niệm nó lo lắng vấn đề đó, vậy mình lấy cái gì mình xả. À mình phải nói ra cho các con cái tư tưởng của mình xả, bởi vì cái xả mà, mình xả ra cho nó bình an cái thân của mình thì đó là xả.
Cho nên, bây giờ đó, thí dụ như bây giờ, cái tâm của mình nó khởi đói bụng, nó muốn ăn này. Vậy thì, làm sao xả cái đói bụng này? Thì mình nghĩ sao mình xả này? Thì cái người tu Tâm Xả đó, họ khởi niệm ý Thực phẩm bất tịnh Phải không? họ chỉ cần nói "Thực phẩm bất tịnh. Đồ đó mà tham ăn nữa sao?" thì ngay đó nó dừng tỉnh. Đó là xả. Xả ngay liền cái hiểu biết ngay liền bởi vì mình muốn đối trị cái tâm tham ăn của mình thì chỉ có Thực phẩm bất tịnh. Mà mình đã viết cái bài Thực phẩm bất tịnh nghe nó nhàm, nó chán, nó ớn, nó thúi tha vô cùng rồi thì bây giờ nghe nói thực phẩm bất tịnh là nó đã hết muốn ăn rồi. Có phải không mấy con?
(16:42) Còn mấy con chưa làm thì mấy con nói thực phẩm bất tịnh chứ chưa bao giờ biết nó thúi, nó tha như thế nào hết. Vậy cho nên còn thèm, nhưng mà đã làm rồi thì nhớ cái bài làm thực phẩm bất tịnh rồi thì nó nhớ cái bài đã viết có phải không? Nó nhanh chóng … Đó là xả.
Còn cái tu Tứ Niệm Xứ, thì nó khác hơn là quan sát thân rất kỹ, ít có khi nào mà để cho nó khởi niệm, thì mấy con đó, cái người tu Tứ Niệm Xứ. Cho nên, ở đây Tứ Niệm Xứ để nhiếp phục tham ưu, tức là tự trên sức tỉnh thức của nó để mà nhiếp phục tham ưu. Chứ mình tu lơ mơ như Tứ Chánh Cần chưa tới đâu. Bởi vì, đức Phật nói tu Tứ Chánh Cần ngăn ác, diệt ác pháp, sanh thiện, Tăng trưởng thiện mới sống đời sống đạo đức không làm khổ mình, làm khổ người chứ không bao giờ có tâm định tỉnh nhu nhuyến.
Nhưng mà đến Tứ Niệm Xứ đó, thì đức Phật nói: "Tâm định tỉnh nhu nhuyến, dễ sử dụng. Tu bảy ngày, bảy tháng, bảy năm chứng đạo". Tứ Niệm Xứ thì đức Phật xác định rõ ràng mà Tứ Chánh Cần thì Đức Phật không có xác định bảy ngày, bảy tháng, bảy năm đâu. Anh luôn luôn ngăn ác, diệt ác, sanh thiện, tăng trưởng thiện chứ anh chưa có đạt được cái chỗ mà chứng đạo. Cái pháp nào tu chứng đạo thì đức Phật đã xác định rất rõ rồi.
Cho nên, trong cái sự tu tập của chúng ta thì nó phải biết rất rõ để mà chúng ta làm chủ cái sự sống chết của mình.
Đó thì pháp nó rõ rồi. Bây giờ còn cái thực hành nữa. Nhưng mà trước khi thực hành, thì ai đọc được cái bài này? Tú đọc được không con? Hay là con mắt mờ quá, nên đọc không được. Linh đọc dùm Thầy cái bài của cô Huệ Ân đi con.
Tu sinh: Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Con kính chào Thầy!
Con kính thưa đại chúng!
Con xin đọc bài làm của cô Huệ Ân viết về chủ đề Đức Bi Tâm.
(18:46) Định nghĩa đức bi tâm: Bi vô lượng là lòng thương vô bờ bến trước nỗi khổ của chúng sanh. Người có lòng bi không đành làm ngơ. Đã biết rằng sự đau khổ của con người thế gian là cái duyên nhân quả, nhưng lòng bi không cho phép chúng ta làm ngơ, phải dùng lời thăm hỏi và có hành động giúp đỡ bằng mọi cách, đừng sợ mất thì giờ. Đức Bi Tâm là một trong bốn đức Tứ Vô Lượng Tâm. Đức Bi Tâm gồm có:
- Bi Tâm đối với mình.
- Bi Tâm đối với người.
- Bi Tâm đối với vật.
- Bi Tâm đối với thiên nhiên và thảo mộc.
(19:31) Trước hết là:
1, Đức bi tâm đối với mình
Đức Phật đã từng nói "Đời là bể khổ", nên là con người sống trong cuộc đời rất là khổ đau. Khổ từ vật chất, đến tinh thần. Khổ từ tâm bệnh đến thân bệnh, nên con phải biết thương con, giúp đỡ con thoát khổ. Con thấy thân con già yếu hay đau bệnh, nên mỗi thời tu Tứ Niệm Xứ con có tu thêm Thân Hành Niệm và tác ý một câu trong khi Định Niệm Hơi Thở là: "An tịnh thân hành, tôi biết tôi đưa tay ra. Cái đau nhức, theo tay đi ra. An tịnh thân hành, tôi biết tôi đưa tay vô, cái thân mạnh khỏe, tỉnh táo theo cái tay đưa vô". Con lặp đi lặp lại nhiều lần đến hết giờ tu là ba mươi phút.
Từ nhỏ đến lớn, con chưa bao giờ dám ở nhà một mình nhưng khi về Tu viện, con hết sức cố gắng, nghe lời Thầy, nghe lời cô Út ở trong cốc giữ độc cư để lo tu tập, không đi nói chuyện với ai.
Thân con thường già yếu, đau nhức. Hễ quét sân là đau lưng, thì con ám thị: “Cái lưng phải bình thường, không được đau nhức”, thì có kết quả liền. Cái chân con hay gập bẻ, con ám thị: “Cái chân đi lại bình thường, không đau nhức nữa”, nó cũng có kết quả. Có lúc nhức tay và cánh tay con ám thị cũng có kết quả. Lúc khác lại đau ngực, con ám thị gần năm phút thì nó hết. Có khi đau ngực kéo dài quá lâu, chịu muốn hết nổi thì con nghĩ là đến lúc sắp ra đi rồi nên con mở thẳng chốt cửa. Con mệt, con nằm kiết tường ngay ngắn và nhắc tâm: “Tâm phải thanh thản an lạc, vô sự. Tâm không sợ hãi một điều gì, không nuối tiếc một điều gì nữa”. Con sẵn sàng ra đi và con nguyện theo chánh pháp của Phật, của Thầy được trường tồn mãi mãi với tâm thanh thản an lạc, vô sự, con sẵn sàng ra đi. Lúc đó, cái ngực còn đau và con mệt, con ngủ thiếp đi, khi tỉnh giấc thì đã sáng rồi.
Con không có tu hai thời khuya và cái đau nó hết lúc nào cũng không biết. Thật trong đời con chưa có cái mừng nào vui bằng cái vui hôm nay. Thật là pháp của Phật, của Thầy rất là hy hữu. Có đau mới thấy được rõ sự màu nhiệm của pháp Phật.
(22:32) Tới lần khác, con đau nhức hai bắp chân nặng, con cũng muốn dùng Thân Hành Niệm và con tác ý: “An tịnh thân hành”. Con đuổi một đêm tới sáng, bước xuống nghe nhẹ nhõm không còn đau nhức nữa. Tới lần trên mặt con, ở dưới cái mí mắt có mọc cái nốt ruồi, hồi nào con không để ý. Bữa đó, cô Út và mấy cô đến thăm Mỹ Thiện bị thương. Con bước qua ngồi đó, cô Út nói: “Sao cô Huệ Ân khóc?”, mới biết là mụn ruồi nó mọc ở dưới mắt. Vậy mà con tác ý đuổi gần ba tháng nó cũng rụng luôn.
Năm kia con đau nặng cả tháng, nên nó liên tục sáng tối. Sáng là tim và vùng đầu đau nhức dữ dội. Con không còn ăn uống được gì, các trưởng tử, tính về thăm gặp mặt lần cuối, con cũng quá kiệt sức và chỉ còn đảnh lễ Thầy, đảnh lễ Út để ra đi. Nhưng nhờ sự khuyên răn, sách tấn của Thầy: “Con hãy giữ đúng giới luật, luôn sống trong thiện pháp và ôm pháp vượt qua”. Mặc dầu muốn ngất xỉu vì kiệt sức, nhưng tinh thần cố gắng nghe lời Thầy, suốt ngày ôm pháp, sống trong thiện pháp. Thật là đại phước cho con được gặp minh sư tu chứng chánh pháp, chỉ dạy cho con biết cách trị bệnh, để tự trị con, con rất đội ơn Thầy và cô Út.
Trước cảnh thân già đau bệnh, nhờ biết thương mình nên con luôn nghe lời và tin tưởng lời Thầy chỉ dùng tâm không dao động, không sợ hãi trước cái chết và luôn luôn tin nơi chánh pháp.
2, Đức bi tâm đối với người
(24:36) Bi Tâm đối với Thầy: Trước tiên con thấy Thầy là người tu chứng chánh pháp của Phật, có Tứ Thần Túc, có Tam Minh, làm chủ được sự sống chết. Hơn nữa là tuổi đã tám mươi mà ngày đêm vẫn miệt mài viết sách để nhắc nhở, dạy bảo chúng sanh và còn mở lớp đào tạo cho tu sinh có được vô lậu để chứng quả Alahán. Để có dẫn dắt người sau, Thầy rất vất vả, cực khổ, lòng Bi con rất kính thương, xót xa, không biết phải làm sao? Chỉ biết cố gắng nghe lời Thầy, nghe lời dạy của Thầy mà lo tu cho thân, tâm con được giải thoát đó là con giúp đỡ Thầy.
Lòng Bi con đối với cô Út: Con thấy cô Út quá vất vả ngày đêm, hy sinh cuộc đời cho Phật pháp, giúp Thầy lo từng việc nhỏ đến việc lớn. Con rất kính thương và tán thán công đức của cô Út. Con cũng nghe lời chỉ dạy và cố gắng tu cho được giải thoát để cô vui. Khi thấy huynh đệ không lên lớp được, con hỏi thăm và động viên. Đó là lòng Bi con đối với huynh đệ, khi thấy thí chủ cúng dường, con kính thương và tán thán công đức của quý vị. Con ước ao mong sao quý vị sớm tu đúng chánh pháp để được giải thoát.
(26:08) Lòng bi con đối với người ngoài: Không phân biệt lạ quen, những tai nạn khổ đau, sẵn sàng giúp đỡ bằng mọi cách, không kể công lao, không kể thời gian, miễn sao giúp người được an vui là lòng bi con rất hân hoan và hứng khởi. Con ví dụ, có bốn mẩu chuyện dưới đây, có liên quan bản thân con lúc còn ở Long Hải.
CHUYỆN THỨ NHẤT: “Hãy thương người đang bệnh khổ”:
Có một người đàn bà hai con không nhà, ở đậu, nương nhờ bán chè. Bữa nọ, cô đến nhà con than thóc và đưa hai bàn tay lở lói (loét) và nói:
- Bị bệnh như vậy làm sao? Nay bán không ai dám mua ăn, nên ăn hết vốn rồi. Chết tới nơi, nếu về được thành phố, con có bà con giúp đỡ mà con không có tiền đi.
Nghe vậy, con viết cho cô ít dòng chữ, xin lòng bi của chủ xe, tài xế và hành khách trên xe giúp đỡ ba mẹ con này. Khuya cô ra đón xe và được mọi người giúp đỡ đi luôn.
(27:26) CHUYỆN THỨ HAI “Hãy thương người đang sân”
Có một gia đình nọ, đánh vợ con mắt sưng bầm đen, vợ qua nhà con nói bác Ba ơi, bác thức dậy qua cản giùm anh con, anh cuốn gói ra đi, con nói không được. Con bước qua, con nói:
- Chú Định phải đi, đi đâu? Đánh người ta như vậy phải ở lại săn sóc, lo thuốc, chú đi đâu?
Chú ấy trả lời:
- Con phải đi bác ơi. Sáng ra con không chịu nổi với mấy đứa em vợ.
Con nói:
- Chú không nên đi. Nếu hai người nghe lời tôi khuyên. Thím ba thì nên lựa lời nói sao cho yên nhà, lợi nước. Cũng một lời nói ra mà ly tán gia đình.
Một lát thì ông cha vợ tới, ông hỏi:
- Thằng nào đánh con tao ra nông nỗi?
Nó nói:
- Thưa thưa ba con đập con. Đó là lời của người vợ vì anh đi chơi hoài, con nói không nghe, con giận định đánh con cho chết.
Ông ta nói:
- Về nhà, mày mua hột gà luộc, lột vỏ lăn con mắt. Tao tưởng thằng nào đánh mày thì chết với tao.
Rồi ông mới ra về. Thế là người chồng cô đó không có bị người cha đánh.
CHUYỆN THỨ BA “Hãy thương người đang buồn khổ”
Hai vợ chồng cãi cọ. Chồng đốt nhà, có người báo cảnh sát tới hỏi giấy tờ.
Chồng hỏi vợ:
- Em cất ở đâu?
Vợ nói:
- Em cất ở trong gối, anh đốt hết rồi.
Cảnh sát mời chồng đi, đến chiều con đi ra, con bảo:
- Làm đơn lãnh (đón) nó về đi.
Nó nói:
- Con không biết, con hồi nào giờ, con có làm đơn gì đâu?
Vì thương người, nên con viết tâm đơn giùm. Con nói là:
- Lỗi tại tôi, vì tôi bắt anh đốt, nên tôi xin cho chồng tôi được về, chồng tôi về để mà nuôi con.
Nạp đơn xong, vài phút sau thì được thả về. Người có nhà cháy, không có ai cho vô nhà, họ nói xui lắm, nên phải ngủ ở chuồng bò, mới sớm hốt được sáu trăm bỏ vô túi quần, móc vô chuồng bò bị lấy mất hết. Con thương quá cho ở đậu, nấu cháo đi bán.
(30:11) CHUYỆN THỨ TƯ “Hãy thương người đau khổ”
Vào lúc một giờ khuya, con đang ngủ, con nghe tiếng:
- Làm sao cô bác Ba ơi?
Con liền ngồi dậy, đốt đèn, rửa mặt, bước qua, thấy người vợ chuyển bụng, ôm mặt nhăn nhó. Chồng thì có vẻ luýnh quýnh. Con nói:
- Có ai đi rước mụ chưa? Hãy chở ra trạm xá.
Người chồng trả lời:
- Giờ như vậy, dễ gì con đi rước được bà mụ đó.
Con đi thì không có phương tiện đi. Con thấy là mình phải lấy lòng thương người trong cơn đau hoạn nạn. Con nói:
- Thôi, chú lại nhà tôi mượn cái đèn ống khói lớn. Con khăn áo bước đến thăm bụng biết là sanh. Con bảo:
- Nấu nước đi, trụng cái kéo và thau nước nhiều để tắm em.
Lần đầu tiên con mới làm việc này, con leo lên giường một bên, ngồi một bên, tay cứ xoa xoa cái bụng cho sản phụ. Con xem có biết chút chút nên con ấn cái bụng, đứa bé lọt ra, con hứng và cắt rốn, tắm em và băng rốn và quấn đứa bé vào trong cái áo thun của ba nó … Chưa xong … Chưa hết đau vì nhau chưa ra. Con cứ xoa và ấn cái bụng. Khi nhau ra rồi. Con bảo:
- Chú bước lại xem giùm tôi coi cái nhau có nguyên không? Có thiếu sót không?
Nó trả lời là:
- Tốt lắm.
Con bảo nó cứ đốt than cho thím nằm và gói lá nhau chôn đi. Sáng rồi, có lối xóm đến thăm, con về bưng qua một ly nhỏ rượu với muối tiêu cho uống. Con dặn nấu cơm cho ăn và để lửa than cho nằm. Con đi về nhà.
(32:22) Kết luận: Giúp được người thể hiện lòng bi, người được an ổn, mình cũng vui. Rút ra bài học bản thân là con người phải có lòng bi biết thương yêu nhau, giúp đỡ nhau trong lúc khổ đau, hoạn nạn. Đừng vì cái ta mà làm mất lòng bi giúp người. Sự ích lợi của Tâm Bi rất là quý giá. Hơn ngọc vàng, châu báu. Có gì bằng đem hạnh phúc cho người, con nguyện cầu sách Đạo Đức Nhân bản - Nhân quả sớm ra đời để chúng sanh dựa vào đó mà sống, để giảm bớt khổ đau, vui an, để chúng sanh được an vui, hạnh phúc.
3. Đức bi tâm đối với con vật
(33:04) Con vật cũng có tình cảm, cũng biết tham sống sợ chết như mình vậy, cho nên mình là con người mình phải lấy lòng bi thương chúng. Khi chúng khổ đau, bệnh tật hay tai nạn ta phải thường xuyên chăm sóc như những đứa con của mình vậy. Lòng bi ta phải tận tình, con vật như con chó, nó còn biết thể hiện tình thương đối với chúng ta. Chủ nhà có việc gì hay cần đi đâu, ở nhà, nó tự kiếm ăn mấy ngày, khi chủ về chạy tới ngoáy đuôi và nhảy tới liếm tay, liếm chân. Con mèo cũng vậy, nên chúng ta phải mở lòng bi thương nó, giúp đỡ nó khi nó đau bệnh.
Trước sân con có cái hang nhỏ bằng ngón tay, có một đàn kiến đen lớn, ở dưới đó nó lên nó đi tới hàng dài cỡ hai thước. Bữa đó lúc mặt trời lặn có con ễnh ương. Nó ngồi trên miệng hang, hễ kiến lên con nào là nó liếm nuốt hết. Con mới đuổi nó đi, cách xa, bữa sau cũng thấy nó nữa. Lòng bi rất thương xót, con đuổi nữa và đuổi xa hơn. Đàn kiến còn lại rất là ít.
Rồi tối, hôm khác con nghe tiếng con gà kêu vì nó kẹt hàng rào không ra được. Nó kêu la rồi nằm yên. Lòng bi không làm ngơ được, con nghĩ nếu lỡ chó ra, không cản được thì con gà phải chết. Con cố gắng dẹp cái sợ ban đêm, tìm lần ra gỡ con gà, thả ra ngoài hàng rào trở vô ngủ mới yên và trong lòng rất vui mừng vì đã giúp được cho con vật của ai cũng như của mình. Con thấy hai con chó hiếp con mèo, con dừng múc nước táp đuổi chó vô. Con mèo leo lên cây an ổn. Sau mỗi lần cứu được một con vật, con thấy lòng bi tăng trưởng. Rất hân hoan vui vẻ việc làm của mình. Lòng thương cứu giúp loài vật, giúp con diệt được tâm sợ hãi, sợ hãi rắn, chàng hiu, sâu, bọ, … và ngày càng thương chúng hơn.
(35:29) 4. *Đức bi tâm đối với thiên nhiên*
Thiên nhiên gồm có: Không khí, bầu trời, trăng sao, mây gió, đất đá, núi rừng, thảo mộc, chim thú, suối nguồn, sông biển, ao hồ, thiên nhiên rất cần thiết cho cuộc sống của con người và vật như không khí, ánh nắng và nước. Cho nên là con người phải biết yêu quý và bảo vệ thiên nhiên. Lòng bi tâm trước cảnh cháy rừng. Ở Long Hải con thường thấy cảnh cháy rừng, nhất là ban đêm nhìn lên núi đỏ rực, thấy rất là nóng ruột, làm hư hại đến bao nhiêu cây lớn nhỏ và biết bao thú rừng không chạy kịp, phải chết. Nhất là các con vật ở dưới hang, ở dưới đất như trăn, rắn, kỳ đà, thỏ,… đều phải chết. Mặc dầu không cứu được chúng nhưng lòng bi con rất là đau lòng, xót xa.
Ở Long Khánh mỗi lần con thấy ai giết cá bằng cách lấy chất độc của cái lá buông đập dập đổ trên vùng nước là con khuyên:
- Các chú đừng nên làm vậy. Bà con đi rừng ở dưới nguồn nước, uống vào đau bệnh tội nghiệp họ lắm. Nhất là nước sẽ chảy về xóm làng đông dân cư tội cho người ta lắm.
Lúc nào thấy mấy cháu ở nhà nó bẫy chim, bẫy sóc, con hay khuyên chúng:
- Nên thả ra hết đi, tội nó lắm con!
Thấy con nào, con cháu nào săn bắn thú rừng, bắt cá biển, con đều khuyên ngăn:
- Đừng nên như thế nữa, giết hại bầy đàn nó sau này gia đình mình cũng gặp phải bệnh đau, chia cắt, chia rẽ tai nạn.
(37:13) Con thấy cây bông ở trước cái mả ở trước sân nó khô héo. Con cho nó mỗi ngày một lon nước nó tỉnh lại. Con thấy, nóng bức, nóng nực, con để cái bình nước này dưới gốc cây cho những con chim nó tắm.
*Kết luận:* Thiên nhiên đem lại rất nhiều nguồn sống cho con người như không khí, ánh nắng và cho nhiều cây gỗ làm nhiều vật dụng. Loài thảo mộc cỏ cây làm thuốc, làm thức ăn cho loài vật. Ta hãy thương yêu thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên, chăm sóc thiên nhiên. Sự lợi ích từ thiên nhiên quý báu vô cùng. Bảo vệ thiên nhiên là bảo vệ sự sống.
*Rút ra bài học bản thân:* Con thấy nếu hủy hoại thiên nhiên là hủy hoại chính mình. Con nguyện cầu tất cả mọi người đều có đạo đức, biết tu chánh của Phật để ai ai cũng phát triển Đức Bi Tâm. Nhờ có Đức Bi Tâm Vô Lượng mà con người sẽ yêu thương, giúp đỡ nhau hơn trong cơn hoạn nạn. Và nhờ có Đức Bi Tâm mà con người yêu thương, cứu giúp các loài vật không nỡ giết hại chúng, và cỏ cây, thiên nhiên đều được bảo vệ giữ gìn cẩn thận hơn nữa, không nỡ để chúng bị tàn úa hay cháy lan ra nữa.
Dạ con xin hết.
Trưởng lão: Sau khi nghe đọc cái bài của cô Huệ Ân, cô viết bằng cái sự tu của cô. Cô cũng dựa vào cái dàn bài để mà viết theo cái sự tu tập của mình và cái kết quả của cái hiệu quả tu tập nó rất là lớn, mấy con. Nếu mà không có chịu khó mà tu tập như cô Huệ Ân thì chắc gì mà được bình an cho tới hôm nay mà ngồi yên ổn. Cho nên, đây là nguồn khích lệ rất lớn cho chúng ta trong cuộc đời tu tập. Chúng ta còn sức khỏe nhiều, khỏe hơn cô nhiều thì chúng ta phải nỗ lực tu cho đúng vào và lại được Thầy hướng dẫn cho chúng ta cách thức làm chủ được sinh, già, bệnh, chết.
(39:32) Cái cụ thể, bằng chứng là chúng ta làm chủ được bệnh rồi. Khi mà có bệnh đau là chúng ta đẩy lui được bệnh rồi. Mình khỏi cần uống thuốc rồi. Nó rất là lợi ích. Tự trong bản thân của mình, tự trong cái khả năng của mình mà mình trị được cái thân bệnh của mình tức là mình chuyển được cái nhân quả, thì cái sự làm chủ cái chết cũng đâu có khó khăn gì.
Các con cũng nghe trong cái đoạn mà cô Huệ Ân đã nói mình tập tịnh chỉ hơi thở, nó đã ngưng được chút ít rồi, có phải không? Nếu mà bây giờ tập một năm thôi coi nó ngưng được bao nhiêu? Thì chắc chắn là nếu mà cái hơi thở mà nó ngưng được một giờ, hai giờ mà mình sống trở lại thì mình làm chủ được sự sống chết chứ gì? Thử bây giờ mình bịt mũi, miệng mình lại, mình không có cho thở năm phút đi, coi mình có chết không? Mà cô Huệ Ân bây giờ năm phút không thở mà còn sống thì như vậy là hơn mình nhiều rồi. Cố gắng tập thêm, coi vậy chứ mình cứ lần lượt tập chút, tập chút, lần lượt tập chút, rồi cái thời gian nó sẽ tăng dần lên. Như vậy rõ ràng là chúng ta tập vẫn làm chủ được chứ không phải đợi đến khi có Tứ Thần Túc. Nhưng mà có Tứ Thần Túc còn hơn nữa, nhưng mà dù sao đi nữa đó là cũng là nhờ cái tâm đã xả rất nhiều, nó có sự thanh tịnh trong đó chứ chưa phải … Nếu mà không có sự thanh tịnh, mấy con sống phạm giới, mấy con cứ tác ý đi, bảo nó ngưng, nó có dám ngưng đâu. Ít ra nó cũng thanh tịnh được giới luật.
Tu sinh: Thầy, con không thấy cái tờ nào của cô Huệ Ân viết.
Trưởng lão: Nó có trong này hay không? Ờ, cô Huệ Ân cô nói cái gì, cái phần mà cái hơi thở …
Tu sinh: Chỉ có tờ thứ ba, không có tờ thứ hai.
(41:12) Trưởng lão: Thứ ba mà không có thứ hai. Chắc nó có lẽ nó rớt đâu rồi … Ở đây này con. Có số hai này, mình xếp lại này. À con không có đọc tờ số hai. À, không có đọc số hai bị nó xếp vô này. Con không có thấy số hai, thấy số ba là con đọc thôi. Quên, quên lật ở trong này ra. Thôi vậy cũng được mấy con.
À, cô Huệ Ân có nói vấn đề mà tập hơi thở như vậy có dừng. Thì mấy con thấy trong vấn đề tu tập như vậy nó đơn giản nhưng mà đến cái lúc nào Thầy dạy. Chứ bây giờ con đừng có tập. Chưa phải lúc mấy con tập tịnh chỉ hơi thở đâu. Bây giờ, tập đẩy lui bệnh hết, có bệnh tập đẩy lui bệnh cho nó mạnh khỏe thôi, rồi tới chừng mà tâm mấy con thanh tịnh á, thì nó được thanh thản, an lạc, vô sự, sung mãn được Tứ Niệm Xứ thì mấy con không tập thì chừng đó mấy con ra lệnh nó cũng ngưng đâu cần hỏi, bởi vì tâm Định tỉnh nhu nhuyến, dễ sử dụng.
Thầy chỉ lo cô Huệ Ân là lớn tuổi, già yếu rồi. Cô không có đủ sức đi tới Tứ Niệm Xứ thanh tịnh, sung mãn được. Cho nên, tập như vậy để khi cái thân của mình sắp sửa nó ra đi, thì mình điều khiển cái hơi thở của mình bằng phương pháp tác ý, thì nó ngưng hơi thở, rồi mình tác ý bỏ thân đi, ra đi, thì cô rất bình tĩnh. Các con nghe cái bài này thì thấy cô rất bình tĩnh, nghĩa là thấy như sắp chết rồi, cô mở cửa chốt để thấy mấy tụi nó có vô, nó khỏi có bị đập cửa, chứ không khéo chết trong này rồi, nó không có làm sao mở cửa được. Nó đập cửa, nó vô. Nên cô mở cửa sẵn, rồi bắt đầu mới leo lên giường nằm kiết tường để rồi cho nó đi. Đàn con nó có vô, sau này nó tẩm liệm, nó chôn nó khỏe. Nó khỏi cần đập cửa, cài cửa gì hết. Chắc cô Huệ Ân khi ngủ thì chắc cô gài cửa lại. Bữa nay sắp chết rồi thì cô không có gài nữa, thành ra nằm ngay thẳng để cho nó chết. Thì đó là cái ý của cô nghĩ vậy đó mà.
(43:25) Thì Thầy thấy đọc cái bài này, nó rất là … lớn tuổi rồi mà cầm bút viết được như thế này, thì các con biết cái đầu của cô còn minh mẫn, sáng suốt lắm. Chứ mấy người lẫn lộn rồi, chưa chắc đã viết được đâu, phải không mấy con có hiểu không? Các con cứ nhìn cô Huệ Ân đi, mà cô còn viết được như thế này, còn mấy con thì thấy cái tuổi trẻ mặt non choẹt mà viết không được thì quá tệ có phải không? Mấy con cứ nghĩ đi, người ta già gần chết mà viết còn được.
Còn qua những bài của Tú viết, rất là đầy đủ, qua cái sự tu tập bản thân của mình và cố gắng tích cực tu tập hơn nữa. Những bài mà Tú viết, sau này, Thầy sẽ mượn cái bài này. Hồi nãy thì chú Thanh Trí có hỏi mượn những cái bài nào là để chú đánh vào cái diễn đàn Chơn Như. Đây là những cái bài học của mấy con tự viết ra và tự kinh nghiệm bản thân viết ra. Khi được đánh trên diễn đàn Chơn Như đánh vi tính, để in ra thành sách thì nó có lợi ích rất lớn là vì người ta đọc, người ta cũng thấy cái sự tu tập của mình có hiệu quả, có kết quả.
Cũng như cái bài của chú Tần thì không biết mấy con có nghe không, chứ cái bài của chú Tần cũng rất là thực, rất là thực trong cái cuộc đời tu rồi mình xả tâm, mình làm từ thiện, đem đến cái thực tế do đó nó không có lý luận cao siêu, nhưng mà nó thực tiễn hơn là mình xả được cái tâm mình rất lớn đem lại sự hạnh phúc cho mình. Những bài đó, sau này đều được đăng trên đó và đồng thời thì xin hết các bài của mấy con hết, không có người nào mà không xin, chứ không phải riêng người nào hết.
Mấy con có nhiều người viết bài đầy đủ, ý nghĩa lắm, không có thiếu đâu, có những người mà viết ít thôi, nhưng những cái bài ít đó thì Thầy sẽ đọc và đồng thời Thầy sẽ chỉnh lại. Nếu mà mấy con chưa có văn viết chưa được thì Thầy sẽ cố gắng hiệu chỉnh lại bài dựa theo cái ý của mấy con để ở trong cái lớp học của mấy con cũng nói lên được những kinh nghiệm bản thân của mình trong sự tu tập, nó đem lại ích lợi cho mình mà sau này nó thành cái bài học cho những người sau nữa mấy con.
Nó đem lại ích lợi cho những người sau nữa, cho nên nó trở thành những thứ, những cặp diễn diễn đàn Chơn Như trong cái khóa học lớp Chánh Kiến, trong cái lớp Bát Chánh Đạo của chúng ta. Thì coi như là Thầy sẽ … sau khi bắt đầu vào cái lớp Chánh Tư Duy thì Thầy xin mấy con cho Thầy mượn lại hết sau khi đánh vi tính xong rồi, Thầy trả lại cho mấy con để kỉ niệm vì những cái bài này nó trở thành bài kỉ niệm cho lớp tu tập làm chủ sinh, già, bệnh, chết. Cái lớp đầu tiên của mấy con học, rút tỉa những kinh nghiệm.
Thì Thầy mong rằng cái điều đó và đồng thời đưa vào cái diễn đàn Chơn Như, rồi mọi người, người ta sẽ đọc thấy cái lớp học của chúng ta.
HẾT BĂNG