LCK 097C - ĐỨC HỶ TÂM (THANH QUANG)
Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Thời gian: 21/02/2006
Thời lượng: [44:47]
(00:00) Kính bạch Thầy, con xin tác bạch:
Đề Bài Hỷ Tâm
(00:09) Hỷ Tâm là một trong bốn đức của Tứ Vô Lượng Tâm và là một pháp môn trong bốn pháp môn độc nhất của đạo Phật. Từ đó tu tập đến chỗ cứu cánh Niết Bàn không phải qua thiền định, tu tập trên bốn pháp này không cần đến năng lực Thất Giác Chi như tu bốn thiền. Tu Tứ Vô Lượng Tâm, ở đây chỉ cần Như Lý Tác Ý đánh thức lòng Từ tâm sâu kín theo đặc tướng của mỗi người thì tâm thành tựu, thì tham, sân, si, mạn, nghi không còn nữa, tâm vô lậu hoàn toàn. Thế nên Hỷ Tâm là một pháp tu có tầm quan trọng đặc biệt.
Hỷ Tâm là gì? Nói đến hỷ tức là vui. Hỷ Tâm là vui theo, vui cùng, tuỳ hỷ trùm khắp vô lượng. Vui là trạng thái tình cảm, là sự cảm thọ từ bên trong nội tâm hoặc những tác động từ bên ngoài gây cho nội tâm một trạng thái đó. Trong dân gian có câu “Vui từ trong bụng vui ra, buồn từ ngã bảy, ngã ba buồn về”. Thế nên nhìn qua, nhìn ngắn, vui là hiện tượng, là trạng thái tâm sinh lý. Nhìn kỹ, nhìn dài thì đó là biểu hiện cách sống, lối sống, phẩm chất sống đang mang tính đạo đức ở trong đó. Khi vui con người trở nên cởi mở, dễ tính, dễ cảm thông. Sống vui là sống cởi mở, chan hoà với chung quanh, sống vị tha, không chấp nhặt, biết buông xả và tùy thuận.
(01:57) Tượng ông Di Lặc là tượng người ta đã khái quát đức Hỷ Tâm trong sự thể hiện, ông cười thoải mái, cười hết cỡ, mắt gần như nhắm hết chỉ còn lại cái cười, mọi vấn đề cuộc sống lúc đó coi như chẳng còn gì, chẳng có gì đáng nói. Áo không cài khuy, cái bụng tố lô không cần giấu diếm, phanh tự nhiên đến mức quên cả ý tứ mà trong giao tiếp thông thường không thể cho phép, cái Hỷ Tâm thật nhiều kiểu, nhiều loại, xuất phát từ đủ mọi nguồn gốc. Có cái Hỷ Tâm do ly dục sinh, cũng có cái Hỷ Tâm do dục sinh chung quy có thể quy về hai loại đó là:
Hỷ của đời sống thông thường, phàm phu, dục lạc
Hỷ của giải thoát, thanh tịnh.
Chúng tôi xin đề cập đôi nét trong hai vấn đề trên:
(03:11) Đức Hỷ Tâm trong đời sống thông thường là cái vui phàm tục, vui xuất phát từ dục khi nó được đáp ứng. Thật đơn giản, như một đứa trẻ vài tháng tuổi, lúc đói thì nó cau có, ấm ách, đòi khóc, đòi ăn, ngậm vú vào miệng nó toe toét cười, cười thật hồn nhiên, bú no rồi cười khanh khách, ai bế, vần cũng được, đó là trạng thái vui hỷ tự nhiên. Vạn sự, vạn vật xung quanh ta đều tồn tại trong hai mặt đối đãi, hai cực đối lập: no và đói, sướng và khổ, buồn và vui … v. v …Trong sự vất vả, buồn khổ của đời sống, tiếng cười là toa thuốc điều chỉnh, là sự hoá giải, nếu không có Hỷ Tâm sao thành cuộc sống và sao con người có thể sống nổi. Loại hỷ này nó bắt nguồn từ dục nên vô thường, sinh sinh, diệt diệt. trùng trùng vô tận. Nó là thứ vui bao nhiêu lại khổ bấy nhiêu, càng vui khi có nó, tất càng buồn khi mất nó.
(04:24) Tuy nó là loại hỷ của đời sống thế tục, phàm phu nhưng nó cũng có hai. Một loại thuộc lĩnh vực tinh thần nó là Hỷ Tâm trong hoạt động tư duy, sáng tạo hoặc do hành động từ thiện, đạo đức mang lại. Đơn giản như một bài toán khó ta hay cố tìm cách giải mãi không được, nó làm ta mất ngủ, ăn mất ngon, lúc nào cũng nghĩ, có lúc sinh bực dọc, khó tính, ai động hỏi thì gắt gỏng. Bỗng lúc nào đó, bí quyết được gỡ ra, bài toán được giải, ta bật lên reo vui sung sướng, Hỷ Tâm làm ta khác thường, cười cười, nói nói, thấy người sảng khoái, nhẹ nhõm.
Đối với nhạc sĩ, người soạn nhạc, soạn ca khúc cũng thế, khi cảm xúc tuôn trào trước một vấn đề cuộc sống, họ dồn hết suy tư, tập trung vào đó, quên ăn, quên ngủ, có khi thẫn thờ nhưng khi một chủ đề âm nhạc vang lên ở trong đầu, họ bật lên như những người tâm thần, miệng xướng, tay đánh nhịp, chân nhảy như sáo, quên hết mọi chuyện xung quanh. Hỷ Tâm trong họ như ngọn lửa bén săn, họ cấm đầu viết ngoắng ngoằng như ma đuổi, vài chục phút sau xong bài hát. Nhà ở tập thể, cư xá nhưng họ quên hết, chẳng còn biết đến ai, Hỷ Tâm đang bừng bừng trên mười đầu ngón tay lướt như gió trên phím đàn. Họ đâu biết lúc đó đã một, hai giờ sáng. Người làm thơ, viết văn, vẽ tranh và lao động nghệ thuật khác cũng đều tương tự. Như vậy, đó là Hỷ Tâm từ lao động khám phá sáng tạo do ý thức tư tưởng, do tưởng thức sinh ra hoặc có khi Hỷ Tâm sinh ra từ thành công trong thi cử, đỗ đạt, vinh quang trong thi thố, đấu đá.
(06:20) Có khi Hỷ Tâm sinh từ việc làm thiện, từ lòng thương yêu loài vật khi gặp nguy hiểm tính mạng. Cách đây đã lâu, có lẽ đến gần chục năm, một buổi chiều tôi đi lững thững từ nhà ra ngõ, nhà tôi liền Quốc lộ số một, lại gần phòng trọ nên tình cờ gặp người đàn bà xách mấy đôi chim đi bán, những con chim cuốc và … bị trói chặt cánh vào chân với nhau từng đôi một, tôi chạnh lòng nghĩ chắc là chắc gia đình họ có người đi đánh bẫy. Họ đã bán gần hết, tôi nghĩ mình không nhanh, những con còn lại này sẽ bị người khác mua mất. Chúng sẽ chết trong buổi tối nay trong cảnh trên dao, dưới thớt. Tôi gọi người đàn bà lại, mua và xách về nhà. Tôi vội vã cởi trói cho chim, có con mừng quá, vừa rời khỏi tay tôi đã vụt bay nháo nhào, con thì chân tê, sưng … vẫn gắng thục mạng lết lần vào những bụi cây ở trước cửa. Sáu con đều sống trong đó có ba con chim cuốc. Chúng đi rồi tôi vẫn băn khoăn về nó đói, không biết đêm này liệu có kiếm được gì ăn, có hồi ức, có về gặp được đồng loại ở một nơi nào đó mà sinh sống. Chỗ tôi ở là thị xã, nhà tôi ở là ngoại vi không hợp với môi trường của chúng, cũng may nơi này khá êm ả, lại có mấy chiếc ao, cây cối tốt tươi. Nỗi băn khoăn ấy rồi ngày một, ngày hai rồi cũng nguôi đi.
(08:01) Mấy hôm sau, một buổi chiều tôi bỗng sững người, nghe tiếng chim cuốc gần nhà, tôi ngồi ngẩn người lắng nghe từng tiếng gióng giả trong những khóm cây lộc thần cạnh bờ ao. Lòng tôi tràn ngập một niềm vui, niềm vui thầm lặng chỉ mình tôi thấm thía “thế là cuốc sống rồi!” Nó vui rồi, nó đã báo cho tôi biết, trước đây tiếng cuốc trong thơ của Bà Huyện Thanh Quan và một số tác giả khác đã gieo vào lòng tôi một nỗi buồn da diết, khắc khoải. Tiếng cuốc tôi nghe hôm nay khác hẳn, nó trong trẻo, tha thiết, tươi sáng lạ lùng. Cứ vậy, ngày này qua ngày khác, chiều tối, đêm đêm, sớm mai; một, hai, ba con kêu. Cả xóm nhỏ gốc gạo đầu thị xã của chúng tôi, tiếng cuốc gióng giả điều mà xưa nay chưa từng thấy, không biết có ai cũng sững sờ vui mừng về tiếng cuốc tự nhiên xuất hiện như tôi đã vui? Suốt những năm sau đó, hầu như lần nào nghe tiếng cuốc tôi cũng mỉm cười, một cảm giác nhẹ nhàng, xen chút riêng tư, nó là niềm Hỷ Tâm, niềm tự hào thầm lặng trong tôi. Tôi biết cho đến nay ở đấy, sớm sớm, chiều chiều vẫn đều đều tiếng cuốc kêu, chắc là con cháu của những con cuốc ngày nào tôi đã thả, điều đó chỉ riêng tôi biết.
(09:30) Trong cuộc sống con người, tình cảm gắn bó gia đình, bạn bè, người thân là một tình cảm lớn, sức trói buộc của nó rất gớm ghê. Khi yêu thương nhau người ta ai chẳng muốn gần nhau, nhưng vì đời sống, vì sinh nhai nhiều khi phải xa nhau, tình cảm phải gián đoạn. Họ buồn khổ khi xa nhau bao nhiêu thì niềm Hỷ Tâm về sự trùng phùng, sum họp lớn bấy nhiêu. Đất nước ta hai mươi mốt năm chia cắt, năm 1975 được thống nhất, giọt nước mắt ngày gặp mặt từ hai miền Nam, Bắc của hàng vạn, triệu con người là cha mẹ, vợ con, anh em, bạn bè đằng đẵng mấy chục năm thật cảm động. Hỷ Tâm ấy không còn là riêng của những người trực tiếp chịu đựng chia ly mà còn là niềm Hỷ Tâm lớn lao của mỗi người, của toàn dân tộc.
(10:29) Ở trên chúng ta đã nói đến Hỷ Tâm thuộc tinh thần. Nó là Hỷ Tâm của sự trùng phùng, sum họp. Hỷ Tâm xuất phát từ việc làm từ thiện, Hỷ Tâm trong lao động sáng tạo nghệ thuật. Bên cạnh đó là những loại Hỷ Tâm thuộc về tài sản, vật chất mang lại. Loại này thật vô cùng tận, không thể kể hết, có khi đó chỉ là một bữa ăn ngon của gia đình, một cuộc liên hoan gia chủ về nhà mới, mua xe, tậu sắm tiện nghi… v. v …Đây là cái vui ngắn ngủi, một thoáng như lúc chợ đang buổi đông. Nó có sức cám dỗ, thu hút người như đèn sáng thu hút thiêu thân, nó ngọt ngào, êm ái, đam mê, cồn cào khát vọng, không riêng với tuổi trẻ. Con người, vốn vẫn biết lòng tham của con người như cái thùng không đáy, như biển nhận bao nhiêu nước cũng không tràn, cái muốn, cái nhu cầu của con người là phồn vinh vô tận không có điểm cuối. Khi không có cái mình ước, con người ngày đêm vật lộn để có, cốt sao có như người, có như người rồi lại muốn có hơn người, có một muốn có hai, tốt rồi muốn tốt nữa, tốt đến mức không có ai có thể tốt bằng của mình vậy mà vẫn chưa yên tâm, chưa thoả mãn.
(11:54) Đời người thì ngắn ngủi, sức con người là hữu hạn, cái muốn là vô hạn. Nguồn gốc sinh khổ đau là ở đấy. Thứ Hỷ Tâm dục lạc, cũng như ma tuý, nó cho con người ta những cảm giác, những sự thích thú đặc biệt, khó mà diễn tả. Phàm làm người đều bị dính vào nó từ rất sớm, đã sa vào nó là càng ngày càng lún sâu, là một cuộc đời ngập trong làn khói danh, lợi, tài sắc, ăn chơi, ngủ nghỉ, đắm chìm trong khổ đau, phiền não, bị nó hành hạ đến hơi thở cuối cùng. Gọi nó là Hỷ Tâm nhưng nó là hỷ giả, hỷ của sáu căn chạy theo sáu trần hư huyễn, có có không không. Còn cái thật vĩnh viễn không thể chối cãi của loại dục này là ê chề, khổ đau, dằng dặc không những trong kiếp này, trong lúc đang sống mà còn ô nhiễm kéo tiếp sang kiếp sau, dằng dặc luân hồi, sinh tử. Thăng quan, tiến chức, cất nhắc lên địa vị cao sang. Lúc lên, lên như diều, vui đến múa tay trong bụng, nhiều khi vui tràn trề đến mức chẳng cần phải ý tứ, công khai mở tiệc ăn mừng, nhận lời chúc tụng. Có lên thì có xuống, có sinh thì có diệt. Lúc lên như diều thì khi xuống cũng như nước rút, dù có vận đỏ suốt đời hay không thì cũng đến lúc phải cởi áo quan trường, trở lại thường dân. Từ đâu ra đi thì khi về lại gốc đa, chốn cũ. Ai cũng biết thế, nhưng mấy ai biết như thật mà lìa nó, cuối cùng đều tắc lưỡi "mưa lúc nào mát mặt lúc ấy". Sự Hỷ Tâm của cái được lúc ấy có khác gì người trong cảnh "cố đấm ăn xôi", kẻ trí nhận ra điều đó, xưa nay họ mỉm cười quay đi, không bao giờ mắc vào danh lợi.
(13:59) Cái Hỷ Tâm do tiền tài sinh cũng vậy, thế giới có chuyện cười lão hà tiện Arpagon, Việt Nam có chuyện phú ông với những tính cách điển hình keo kiệt, bủn xỉn đã là những chuyện cười muôn thuở. Không ai phủ nhận giá trị của cải, tiền bạc, châu báu. Con người cần phải sử dụng thứ đó làm thước đo, trao đổi hàng hóa hàng ngày. Nhưng sẽ bất hạnh cho những ai coi đó là mục đích sống. Của cải có ma lực hấp dẫn ghê gớm và luôn là động lực của Hỷ Tâm dục lạc. Nó cần thiết nhưng không bao giờ là hiện thân của hạnh phúc, nó chỉ là một mặt của chất liệu, nó cũng như con dao hai lưỡi trong khi sử dụng. Tiền tài như ngọn gió, với ai nó cũng thoắt đến, thoắt đi, như bụi phấn, như hương thơm, bắn vào người này rồi lại sang người khác. Có ai ở trên đời này, cột được nó vĩnh viễn ở với mình.
Món sắc cũng vậy, dẫu á hậu nào đã từng có Hỷ Tâm vào hàng thứ nhất trong thiên hạ, dù cỡ quốc gia hay thế giới với gương mặt và thân hình cho là riêng trời phú, nhưng một trận ốm thập tử, một bệnh nan y đến, một tai nạn bất ngờ xảy ra, cái Hỷ Tâm dục lạc lúc ấy còn không? Nếu không còn thì cái gì còn lại, cái gì còn lại ấy lúc đó nó sẽ thế nào? Đúng thật là “mặn này bõ nhạt ngày xưa”, thế nên ngũ dục lạc sự thật chỉ là ảo giác, nó mang đến cho ta những cảm thọ … Nó như thứ mật ngọt được đức Phật ví như mật ngọt trên đầu mũi dao nhọn. Nếu có sự bình yên thì đó là sự bình yên nơi mắt bão.
(16:02) Khác hẳn Hỷ Tâm do vật chất mang lại, đó là thứ hỷ dục lạc khổ đau, như thú vui của men rượu người ta mượn để giải sầu, hơi men lạc, mọi cái vui lâng lâng do thần kinh được kích thích cũng hết; Hỷ Tâm trên đường đến thanh thản, an lạc là Hỷ Tâm được sinh ra trong quá trình tu giải thoát, tiến trình đó là sự tự thanh tịnh, từng bước đến chỗ an lạc tuyệt đối, đến chỗ vĩnh hằng. Do đó, con đường đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã đi, đã đến cách đây hai mươi sáu thế kỷ, với lòng xót thương vô bờ bến nỗi khổ đau của con người. Ngài đã từ bỏ mọi vinh hoa, phú quý tột bậc để đi tìm con đường giải thoát cứu mình và nhân loại. Ngài đã mất sáu năm nghiên cứu, học hỏi nhiều thầy, nhiều tôn giáo và đã thấu tất cả những gì các thầy đã có, đã dạy nhưng không thể tìm thấy cách thức chấm dứt khổ đau. Bằng ý chí sắt đá, nỗ lực phi thường với lòng yêu thương, xót xa vô tận nỗi thống khổ của con người, với sự trau dồi, phấn đấu, tự thân mở mang trí tuệ, cuối cùng Ngài đã đạt được giác ngộ. Hiểu được nguyên nhân và cách diệt trừ nỗi khổ đau.
(17:25) Trong khi các tôn giáo đương thời, lúc đó tuyệt đối tin có Thượng Đế, họ cho rằng Thượng Đế là bậc chịu trách nhiệm tất cả mọi mặt về cuộc đời chúng ta, Thượng Đế ban thưởng hay trừng phạt, cho lên cõi Trời hay bắt xuống địa ngục. Thế nên mới nảy sinh sự cầu cạnh, cúng dâng, các nghi thức, nghi lễ ra đời và xin sự chở che của Thượng Đế. Hoặc là dạy các tín đồ chịu khổ hạnh để gột rửa sạch tội lỗi khi chết được về cõi Trời. Đức Phật đã bác bỏ tất cả những việc này, với Ngài tôn giáo không phải là sự tin tưởng mù quáng, không phải là việc trả giá, đạo Phật là con đường sống cao thượng để đạt đến giác ngộ và giải thoát. Ở đấy, công bằng, bình đẳng và an lạc chiếm vị trí tối thượng. Ở đấy là cuộc đấu tranh tự thân nâng cao phẩm giá và năng lực con người, thanh tịnh hay ô nhiễm trong tư tưởng và cách sống là ở chúng ta. Cái cần thiết cho hạnh phúc đời sống con người không phải ở tôn giáo với những lý thuyết mà là sự thấu hiểu bản chất vũ trụ, vạn vật và những tác động qua lại tất yếu của nó trong quy luật nhân quả. Cho nên, ta càng thấy rõ tại sao kiến thức, hiểu biết lại là quan trọng trong tu tập và đạo Phật là trí tuệ, là đạo đức nhân bản, nhân quả. Đạo Phật sinh ra vì con người, cho sự tiến hoá hoàn thiện của con người, con đường đó là sự độc bộ, độc hành, tự đi, tự đến, an lạc, thanh tịnh.
Đức Phật, Ngài đã chỉ dạy chúng ta con đường và cách đi mà thôi. Con người sẽ không thể có sự tiến bộ về tinh thần một khi không có cuộc sống trong sạch và Từ Bi. Hỷ Tâm được sinh ra từ chỗ vô lượng giải thoát.
(19:30) Để tới cuộc sống trong sạch và Từ Bi, giải thoát khỏi xiềng xích của dục lạc, đó là quá trình tự thanh tịnh hoá, là sự giác ngộ chân lý, là đức tin và những nỗ lực không ngừng. Đời là ôm vào đủ thứ, là đắm nhiễm trong dục lạc. Con đường đến thanh tịnh là buông xả, xả đến chỗ không còn gì để xả. Đời là hướng ra ngoài, tìm hiểu, khám phá, sáng tạo tìm những cái mới lạ, những hưởng thụ phồn vinh. Con đường tới thanh tịnh là quay vào trong, sống tri túc thiểu dục, tìm niềm vui bất tận. Hỷ Tâm của cuộc đời là Hỷ Tâm vật chất, dục lạc. Hỷ Tâm của người tu đạo Phật Nguyên Thuỷ là Hỷ Tâm ly dục, ly ác pháp mà thành. Ở đời, miếng ăn là thứ vui thú, là hạnh phúc, là mục đích. Nó cũng là cái mồi sai sử con người. Vì nó mà người ta chịu bao khổ cực, tục ngữ có câu “No với bụt, đói với ma” hoặc “sợ người ở phải, hãi người cho ăn” vì coi miếng ăn là lớn, là trọng nên đã hạ thấp ý nghĩa sống với những quan niệm “Sống ở trên đời ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không? ”.
Với người tu giải thoát, người ta nhìn rõ bản chất thực phẩm là bất tịnh, thân là vô thường nên không tham đắm sự ăn, người ta vẫn phải ăn, nhưng ăn để sống chỉ cần đủ sống để tu tập, không cần tính chuyện ngon dở, bổ dưỡng, quý báu, sang hèn. Ăn là biết ăn, không phải không biết chua ngọt, mặn nhạt nhưng không hề để những thứ đó dính mắc, chi phối, đam mê như thế là đã có giải thoát rồi. Vì tâm được sinh ra từ đó, từ chỗ ly tham, một trạng thái thảnh thơi, an lạc tuyệt vời, cái vị này thì ai đã qua mới biết còn nếu không chẳng khác gì nói về chiếc bánh ngon với người chưa được thấy, chưa được ăn bao giờ. Tu theo pháp tu nguyên thuỷ thời đức Phật tại thế, chúng tôi giữ tuyệt đối ba hạnh ăn, ngủ, độc cư.
(21:41) Về việc ăn: Mỗi ngày chỉ ăn một bữa ngọ trai, thực phẩm là lương thực, rau, quả, bánh trái nếu có. Ngoài bữa ngọ trai không ăn bất cứ một thứ gì khác vào bất cứ lúc nào trong bất kể hoàn cảnh nào. Dù đó chỉ là một hạt dưa, một ngụm nước hoa quả. Việc đó không phải giữ một tháng, một năm, mười năm mà là suốt đời người tu hành. Thế tục có thể có người không chịu được như vậy, họ cho đó là sự thiệt thòi, là sự khổ đau, đày ải một kiếp người. Chúng tôi lại thấy đó là niềm vui hỷ chúng tôi có được.
Thứ nhất, chúng tôi không còn tham của ngon, vật lạ. Thậm chí, nhiều người còn thấy nhàm chán, ngại ăn. Thứ dục lạc có sức hấp dẫn, cám dỗ làm cho con người khốn khổ đã bị chúng tôi vô hiệu hoá sự hấp dẫn và cám dỗ của nó. Thứ hai, chỉ một bữa ăn trong ngày nên chúng tôi có thời gian thoải mái, thảnh thơi dành thêm cho tu tập, không phải bận rộn nghi ngút khói lửa hai bữa sớm chiều. Ba là ly được sự tham ăn, trong lòng khởi lên niềm hoan hỷ, thích thú, thanh cao, thoát ra khỏi sự thèm thuồng trước kia đã mắc, đã bị nó túm gáy, sai khiến đến khổ. Ai đã từng qua những cơn đói khát, thèm ăn mà không có thì mới biết nó là thế nào? Bây giờ nghĩ đến thuốc lá, rượu bia, cà phê càng thấm thía niềm hạnh phúc của giải thoát. Thấy rõ hạnh phúc của tự do mà trước kia thuốc lá, rượu bia đã cướp đi và hành hạ, sai khiến mình đến khốn khổ, đấy là Hỷ Tâm do sự giải thoát ly tham ăn.
(23:28) Về ngủ tưởng chẳng có gì đáng nói nhưng ngủ, khoái lạc ấy trong đời sống con người đâu phải chuyện đùa. Dân gian có câu “Ăn được, ngủ được là tiên”. Người ta vẫn thường ước ao được như những người chạm lưng xuống giường là ngáy, ngủ được là mừng, là vui. Thế nên câu cửa miệng hàng ngày người ta vẫn chúc nhau “Ăn ngon, ngủ ngon và hạnh phúc”. Với người tu tập phải quyết chiến thắng thói tham lười nhác về ngủ. Một đêm chỉ ngủ hai tiếng rưỡi đến ba tiếng, phải tỉnh táo, phải hết hẳn hôn trầm, thậm chí tu đến đoạn suốt đêm người ta không còn ngủ nữa. Nghe vậy, chắc có người không khỏi ngạc nhiên nhưng tu là quá trình tự chiến thắng bản thân, là giải thoát thì tâm này do ly dục, ly ác pháp mà có, sự Hỷ Tâm do sự độc cư mang lại cũng vậy.
(24:25) Độc cư là sự sống một mình thầm lặng, không gặp gỡ, chuyện trò với ai, lúc nào cũng quay vào trong giữ tỉnh thức, không để tâm phóng dật. Độc cư trọn vẹn không phải dễ, một nhu cầu thiết yếu của con người hàng ngày là sự trao đổi thông tin đời sống, giao lưu tư tưởng, tình cảm, bày tỏ tình cảm, san sẻ buồn vui. Nhưng với người tu phải tuyệt đối giữ độc cư, không giao tiếp chuyện trò, ai ở thất nào biết thất đó. Thậm chí không được qua lại để mắt đến người khác, giữ không để sáu trần chi phối sáu căn. Khi sáu căn thanh tịnh, niềm hoan hỷ do tâm sinh cho ta sự thanh thản, an lạc tuyệt vời. Khi đã giữ ăn, ngủ, độc cư đủ ba hạnh trọn vẹn, tâm đã ly dục, ly ác pháp là đã tiến được một chặng đầu rất quan trọng trên đường Hỷ Tâm vô lượng giải thoát.
(25:22) Lòng Từ là lòng yêu thương, cởi mở, chan hoà vô cùng, vô tận, là sự trân trọng nâng niu đời sống muôn vật, muôn loài và luôn mang lại cho muôn loài sự an vui, tốt đẹp. Người có tâm về lòng Từ bao giờ cũng bình tĩnh, ôn hoà, khoan thai, tỉnh thức, luôn nhẹ nhàng, chú ý đến mọi cử chỉ, việc làm đối với muôn vật xung quanh. Họ sẽ sàng từng bước chân, tránh giẫm đạp lên côn trùng, màu xanh ngọn cỏ, tránh làm đau, làm hại sự sống. Hỷ Tâm về lòng Từ không tự nhiên mà có, muốn có ta phải thường xuyên trau dồi bằng hai cách:
Dùng Định Vô Lậu quán xét nhân quả thảo mộc, đường đi của nhân quả, nhân quả của con người, đức Từ Tâm của con người với thiên nhiên, với môi trường sống. Khi nhận biết rõ ràng như thật về lẽ sống, thấm nhuần sâu sắc điều đó thì tình yêu thương muôn vật, muôn loài trong ta ngày càng tăng trưởng. Hỷ Tâm về lòng Từ ngày càng rộng lớn bao la.
Phải trau dồi Tâm Từ thường xuyên trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi. Trước hết phải tỉnh thức mọi hành động nơi thân khởi phát như tay và chân. Tỉnh thức đây không phải là tập Chánh Niệm Tĩnh Giác mà là tu tập hạnh nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng. Đức kiên trì, bền bỉ tỉnh thức để thể hiện lòng Từ Bi, hạn chế thấp nhất những sơ suất gây đau khổ cho chúng sinh. Đồng thời với sự tỉnh thức trong hành động trao dồi đức Từ Tâm, thì phải ra sức mài giũa bản ngã, phải thấy như trong vạn vật có mình và như không có mình. Mọi sự sống đều bình đẳng, không còn tự lầm chấp thân này là ta, là của ta. Còn thân khi một con kiến đốt bất ngờ đau, một con muỗi hút máu đang no căng trên cánh tay ta nếu ta chưa biết bỏ qua và yêu thương thì Hỷ Tâm về lòng Từ còn nhẹ lắm. Tu tập pháp này, sự tự giác thường xuyên là cực kỳ quan trọng, phải thiện xảo tìm những câu tác ý có tác dụng lay động mạnh tâm trí của mình. Mỗi hành động của tay, chân đều không quên hướng tâm nhắc nhở.
(28:01) Đàn kiến sa xuống dòng nước chảy ta vớt lên, chúng lại được sống, lại chạy lăng xăng ngược xuôi. Con gà, con chó bị gãy xương ta ôm áp, vuốt ve, băng bó làm cho nó đỡ đau, mau khỏi, nó lành lặn trở lại bình thường. Nhìn nó nhởn nhơ chạy nhảy ta thấy lòng vui vui, một niềm vui thầm lặng, ấm áp. Đó là Hỷ Tâm về lòng yêu thương của ta đối với muôn loài. Hỷ Tâm về lòng Bi là tình yêu thương vô bờ bến trước khổ đau của chúng sinh, ta phải tìm cách giúp đỡ, sẻ chia, hạn chế thấp nhất bất hạnh mà chúng sinh phải chịu. Ta biết dành thời gian hy sinh sự riêng tư hoặc giúp đỡ tài vật cho người trong cơn hoạn nạn là rất quý, thương người ốm, yếu, tàn tật, người đang gặp tai nạn hoặc cảnh thương tâm thì việc đó dễ dàng hơn nhưng biết thương người đang cống cao ngã mạn cho mình là giỏi, là biết hơn người, sống hưu hưu tự đắc, chấp danh, chấp ngã, kinh người như rác, thương người đang tị hiềm với mình họ đang nói xấu, hoặc ác cảm và hại ta mà ta không giận, trái lại còn biết thương họ đó mới là khó, khó mà làm được, làm thanh thản, hồn nhiên, vô tư là khi Hỷ Tâm về lòng Bi của ta đã được vun bồi, tu dưỡng và thành tựu.
(29:30) Tu theo pháp môn Nguyên Thuỷ thì một trong những pháp hành của chương trình lớp Chánh Kiến là pháp Tứ Chánh Cần. Tứ Chánh Cần là ngăn ác diệt ác, sinh thiện tăng trưởng thiện. Ngay tên của pháp khi đọc lên ta đã thấy hành động xả, xả là bỏ, không dùng nữa, xả vô lượng là buông bỏ hết cả những pháp thế gian từ vật dụng, tiện nghi, nhà cửa, phương tiện đi lại. Tóm lại những thứ thuộc về đời sống vật chất cần phải có, cho đến những thứ cần thiết của đời sống tinh thần như sách vở, kiến thức học phật, những cái ta đã tích tập, đã hệ thống bao nhiêu năm cho đến những thói quen thú vui, những dục lạc trần thế ngay cả đến giáo lý kinh sách cũng không giữ lại trong tủ, trong đầu. Nếu những thứ trên, ta còn giữ lại hoặc xả chưa sạch thì còn chấp, còn so sánh, còn tranh đấu, còn nhìn sự vật, sự việc trong đối đãi, phải trái, đúng sai, tốt xấu, vướng vào đó là vướng vào lưới thiên la địa võng không thể thoát ra khỏi … , là tiếp tục khuấy lên để tâm liên tục động, tu như vậy sẽ giậm chân tại chỗ dù bao nhiêu năm cũng chẳng có gì đổi thay.
(30:50) Xả là quá trình thanh tịnh từ thấp đến cao, phải xả từng bước, trước nhất là năm món dục: tiền tài, vàng bạc, châu báu, đồ dùng, của cải, tài sản, danh tiếng, sự khen chê, sự kính trọng, nể bỉ của người đời. Tránh xa sắc dục và sự cám dỗ của nó, ăn những thứ ngon với sự thưởng thức, thói ham ngủ nghỉ, biếng nhác, chơi bời. Tiếp tục xả sáu món dục lạc là đối tượng của sáu giác quan: sắc là đối tượng của mắt thấy, các hình ảnh, sắc tướng, các pháp có sức cám dỗ, nó là dục lạc thế gian. Thanh là những âm thanh ngọt ngào, êm ái tạo hình tượng, tình cảm luyến ái. Hương là mùi thơm các pháp, có sức quyến rũ. Vị là mùi vị ngon ngọt, béo bùi. Xúc là sự cảm giác, cọ xát, va chạm, tiếp xúc êm ái, ấn tượng. Pháp là tất cả các hiện tượng tác động tới ta, tri thức, kiến thức thế gian người ta dựa vào nó, chấp vào nó. Nó tác động tư tưởng, tình cảm, hành vi của chúng ta.
Xả trong pháp tu Tứ Niệm Xứ, ở đấy xả thọ lạc, thọ khổ, thọ bất lạc bất khổ trên bốn nơi thân, thọ, tâm, pháp. Xả bốn pháp Tứ Vô Lượng Tâm với các đức Từ Tâm, Bi Tâm, Hỷ Tâm, Xả Tâm. Xả sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Quá trình tu tập là quá trình buông xả, buông xả tất cả những gì huân tập, đắm nhiễm, những thói quen, những hành vi tạo tác, những gì đã góp nhặt, đã có, hiện tại nó chính là khối nghiệp lực hiện hành của ta. Xả được đến đâu, nó giống như người đi bộ đường xa bỏ vợi được những vật nặng đang đè trĩu ở trên cổ, càng xả tâm ta càng thanh tịnh dần. Tâm sinh hỷ lạc đó là thứ vui, thứ an lạc, thanh tịnh chỉ có tu tập mới có được.
(33:04) Ly dục, ly ác pháp là kết quả tu Tứ Chánh Cần. Trong Tứ Chánh Cần có bốn pháp Chánh Niệm Tĩnh Giác Định, Định Vô Lậu, Định Sáng Suốt, Định Niệm Hơi Thở. Đó là những pháp ngăn ác, diệt ác pháp, sinh thiện, tăng trưởng thiện. Pháp môn Tứ Niệm Xứ có ba giai đoạn tu tập trên đây là giai đoạn Tứ Chánh Cần trên Tứ Niệm Xứ. Đây là giai đoạn tập cơ bản và rất quan trọng. Khi các ác pháp được chặn đứng, ác không có nữa, tức thiện sinh; tham, sân, si muội lược, tâm được yên tĩnh dần dần, tâm sinh hỷ. Trong lòng ta cũng thanh thản, khoan khoái, yên vui, phơi phới chỉ muốn bật lên hát, điều mà trước khi tu tập không hề thấy, nhờ tĩnh giác biết mình đang giữ hạnh Độc Cư và mười giới Đức Sa di, có một giới không ca hát nếu không ta đã không kiềm chế nỗi niềm phơi phới trong lòng. Đấy chính là Hỷ Tâm sinh do tu tập Tứ Niệm Xứ ly dục, ly ác pháp.
Giai đoạn thứ hai là tu Tứ Niệm Xứ trên Tứ Niệm Xứ, tu là ngồi chơi giữ cho tâm thanh thản, an lạc, vô sự. Ta tỉnh giác quan sát bốn nơi thân, thọ, tâm, pháp xem có chướng ngại gì không? Nếu có cảm thọ nào đến ta tìm cách khắc phục tham ưu, tìm câu tác ý thích hợp, tác ý rồi nương vào hơi thở an trú, nhất tâm trong hơi thở cho đến khi cảm thọ bị đẩy lui. Tu tập như thế tức là xả các cảm thọ, giữ tâm thanh thản, an lạc. Tức giữ tâm trong trạng thái Tâm Hỷ, tâm vui.
Giai đoạn thứ ba tu Thân Hành Niệm trên Tứ Niệm Xứ, là giai đoạn chủ yếu rèn luyện ý thức lực do lệnh phát ra có hiệu quả, có sức mạnh thực hiện Tứ Như Ý Túc. Muốn tu Tứ Niệm Xứ tốt thì phải chú trọng giới luật. Đức Phật dạy giới luật ở đâu tri kiến ở đó, giới luật làm thanh tịnh tri kiến, tri kiến làm thanh tịnh giới luật, đó là nền tảng vững chắc cho tu Tứ Niệm Xứ. Tứ Niệm Xứ là pháp môn làm chủ được nỗi khổ đau của con người, sinh, già, bệnh, chết. Một pháp môn tuyệt vời với nền đạo đức không làm khổ mình, khổ người.
(35:35) Hỷ Tâm do diệt tầm tứ là trạng thái ở Nhị Thiền. Nếu như ở Sơ Thiền do ly dục, ly ác pháp, giữ giới luật trọn vẹn, sống đúng phạm hạnh, tịnh chỉ ngôn ngữ, phòng hộ được sáu căn, tâm trở nên thanh tịnh, mọi cấu uế, mê lầm đã dứt. Nhờ nghiêm trì giới luật mà đạt tâm bất động định, định này do giới mà có chứ không phải do thiền định nên nhập Nhị Thiền là định sinh hỷ lạc. Trong Sơ Thiền lìa năm chi phần tham, sân, si, hôn trầm, trạo hối, nghi ngờ. Thành tựu năm chi phần tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm thì bước vào Nhị Thiền là gom ý thức diệt tầm, tứ. Ở Sơ Thiền mới diệt tầm, giữ tứ; tâm không phóng dật rồi dùng pháp hướng tịnh chỉ tầm, tứ, tịnh chỉ ý thức, lúc đó tâm định trên thân, tâm hướng vào trong nhờ giới luật nghiêm trì an trú trong phạm hạnh nên có oai nghi, tế hạnh. Ý thức lúc này ngưng hoạt động, tưởng thức bắt đầu hoạt động khiến ta sống trong trạng thái thảnh thơi, an lạc, vô sự. Đó là Hỷ Tâm sinh do diệt tầm, tứ.
(36:54) Do tu tập Tứ Chánh Cần “Ngăn ác, Diệt ác pháp, Sinh thiện, Tăng trưởng thiện”; do giữ ba đức "Nhẫn nhục, Tùy thuận, Bằng lòng", giữ ba hạnh "Ăn, Ngủ, Độc cư"; do giữ gìn giới luật nên tham, sân, si muội lược hết dần, tâm từng bước thanh tịnh, thường ngày vọng niệm đã ít sinh khởi, phần ý thức lắng, nên tưởng thức bắt đầu hoạt động.
Trên các mặt sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp có những xuất hiện của tưởng như: về sắc có người mắt thấy các hình bóng, thấy Phật, thấy hoa sen, thấy ma quỷ, tưởng như có cõi sắc giới siêu hình bên cạnh đời sống con người, trong vào mặt trăng thấy trắng, những đường gân trên mặt lá cây, mặt tường xây, nền nhà, những vết tự nhiên trên các đồ vật đều nhìn thấy hình người già, trẻ, lớn, bé, nam, nữ, mức độ mờ rõ khác nhau. Về thanh có khi nghe tiếng nói trong đầu rất rõ ràng, trong trẻo, có khi gọi hẳn tên của mình. Khi thì nhắc nhở làm việc này, việc khác, có khi lại báo trước những việc sau đó trong đời sống xảy ra đúng như vậy. Về hương tự nhiên ta thấy các mùi thức ăn, thực phẩm, hoa trái, các vật phẩm, các chất ta thường gặp hàng ngày, thấy rất rõ mùi hương của nó trong khi các thứ đó không hề có ở gần ta. Về vị có khi hàng ngày nước bọt tiết ra một vị ngọt ngào dễ chịu có liên tục suốt ngày. Về xúc là sự cảm giác nhạy bén, mạnh mẽ khi tay ta tiếp xúc các đồ vật với các cảm giác mềm, xốp, nhũn, mát. Xốp cảm giác ấy rất mạnh, đột ngột khiến ta giật mình, có khi với cảm giác thông thường do xúc giác sinh. Nó khác với các cảm giác thông thường khác.
Tất cả những hiện tượng trên đều do tưởng sinh ra trong quá trình tu tập, khi gặp một trong các loại tưởng đó hoặc trong một thời gian gặp nhiều loại đều là ta đã bị nó dụ và mê hoặc ta vào thế giới của chúng, làm ta mất tỉnh giác lúc ấy lập tức phải tác ý đuổi, đuổi liên tục, đuổi đến lúc tưởng lui hẳn thì mới thôi tác ý. Ta thấy lòng vui vui, thích thú về hiệu quả của sự tác ý của ta, đó là Hỷ Tâm do ly các trạng thái tưởng mà có.
(39:33) Khi tu tập các loại định tưởng hay nảy sinh ra các loại cảm thọ gây cản trở cho sự nhiếp tâm trong Chánh Niệm, Chánh Niệm là giữ cho tâm trong trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự. Tà niệm là sự đối lập với Chánh Niệm, tà niệm thể hiện trên hai nơi thân và tâm. Tà niệm về tâm tức lúc đó tâm buồn rầu, lo sợ, giận hờn, ghen tức, căm thù, phiền não, thương nhớ. Tà niệm về thân nghĩa là lúc đó thân bị bệnh khổ, đau nhức, mệt mỏi, ngứa ngáy, co giật, đi đứng khó khăn … v. v … Các tà niệm này thường xảy ra trên bốn nơi thân, thọ, tâm, pháp khiến cho chúng ta bất an, khổ sở. Vì thế ta phải luôn tìm cách giữ Chánh Niệm, diệt tà niệm. Muốn có Chánh Niệm phải tu Tứ Niệm Xứ mà giữ tâm thanh thản, an lạc, vô sự, khi có cảm thọ đến bốn nơi thân, thọ, tâm, pháp, ta thực hiện trên thân quán thân để khắc phục tham ưu, trên tâm quán tâm để khắc phục tham ưu, trên thọ quán thọ để khắc phục tham ưu, trên pháp quán pháp để khắc phục tham ưu. Khi ta nhiếp tâm, an trú tâm trong hơi thở đủ thời gian cần thiết với từng loại cảm thọ, các cảm thọ kia sẽ hết. Niềm thanh thản, an lạc, vô sự lại hiện tiền, ta thấy trong lòng khoan khoái, vui vẻ, thích thú. Như vậy là Hỷ Tâm sinh do xả được các cảm thọ, nhờ xả mà tâm được an vui.
(41:09) Như phần đầu bài của bài viết này, chúng tôi đã đề cập đến vai trò tầm quan trọng của Đức Hỷ Tâm. Hỷ Tâm là một trong bốn Đức Từ, Bi, Hỷ, Xả được gọi là Tứ Vô Lượng Tâm mà xưa nay người ta vẫn quen hiểu như là một pháp tu. Trong thực tế, đức Trưởng Lão Thích Thông Lạc đã chỉ rõ đó là bốn pháp tu độc lập đi đến giải thoát viên mãn, cứu cánh Niết Bàn.
Kinh Bát Thành trong tập 2 Kinh Trung Bộ, kinh đã nói đến gia chủ Damasa hỏi ông A Nan rằng "Bạch Tôn giả A Nan, có pháp độc nhất gì do Thế Tôn, bậc ký giả, kiến giả, bậc A La Hán chánh đẳng giác tuyên bố. Nếu có Tỳ kheo nào không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, sống hành trì pháp ấy thời tâm tư giải thoát của vị ấy được giải thoát hay các lậu hoặc chưa được đoạn trừ đi đến đoạn trừ, hay pháp an ổn khỏi các ách phượt chưa được chứng đạt được chứng đạt".
Ông A Nan Đà đã thay Phật trả lời câu hỏi này "Không phải có một pháp độc nhất mà có cả đến tám pháp độc nhất, pháp nào cũng tu tập đi đến kết quả giải thoát rốt ráo. Tám pháp ấy gồm bốn thiền hữu sắc từ Sơ Thiền tới Tứ Thiền, bốn pháp Từ Tâm, Bi Tâm, Hỷ Tâm, Xả Tâm của Tứ Vô Lượng Tâm cộng thành tám pháp gọi là Tứ Bát Thành. Như thế chúng ta thấy rất rõ tầm quan trọng và lợi ích của Đức Hỷ Tâm, nó là pháp độc nhất nằm trong nhóm bốn pháp độc nhất đã đi đến cứu cánh Niết Bàn mà không cần phải qua tu tập thiền định nào cả. Khi pháp môn này tu tập đến thành tựu, thì tâm trở nên vô lậu có đủ bốn thiền và Tam Minh. Tu bốn thiền hữu sắc con đường đó đến lúc sẽ có Tứ Như Ý Túc, có Bảy Năng Lực Giác Chi. Pháp Tứ Vô Lượng Tâm chỉ có dùng Như Lý Tác Ý tùy theo đặc tướng của mỗi người chọn pháp nào đó tác ý đánh thức lòng Từ tâm, Bi tâm, Hỷ Tâm, Xả tâm, những tình cảm sâu kín thắm thiết tận đáy lòng mỗi người được hiện bày sung mãn thì trạng thái thanh tịnh, an lạc, thương yêu hòa mình trong sự sống muôn loài hiện ra, Ngũ Triền Cái, Thất Kiết Sử đoạn dứt, lậu hoặc không còn, đường tu đến chỗ rốt ráo thành tựu.
Con đường này, ngày xưa em trai ông Cấp Cô Độc đã chứng đạt với pháp Đức Từ Tâm. Hôm nay con đường này đã được đức Trưởng Lão Thích Thông Lạc chứng nghiệm trong sáu tháng ly dục, ly ác pháp, Như Lý Tác Ý nhập Sơ Thiền và viên mãn công đức tu hành. Thật là đại phước duyên cho chúng ta và nhân loại. Hôm nay có đức Trưởng Lão với tất cả lòng Từ Bi vô lượng, Ngài đã ngày đêm dẫn dắt chúng ta trên con đường Phật mà Ngài đã qua để đến nơi không còn khổ đau, phiền não. Lòng thương yêu ấy của Phật, của Thầy tròn đầy mãi mãi, nó sẽ thành đạo đức nhân bản, nhân quả của loài người trong thiên niên kỷ ba này. Tất cả đang ở phía trước, ở duyên phước của chúng sinh và sự nỗ lực tu tập của chúng ta hôm nay mà đức Trưởng Lão đang từng ngày trông đợi.
HẾT BĂNG