LCK 095C (NAM) - VẤN ĐẠO TƯỞNG - NGŨ TRIỀN CÁI, THẤT KIẾT SỬ - DỤC LẬU, HỮU LẬU, VÔ MINH LẬU - VÔ NGÃ - TỨ NIỆM XỨ - NHÂN QUẢ - CHƯƠNG TRÌNH BÁT CHÁNH ĐẠO
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Thời gian: 18/02/2006
Thời lượng: [40:21]
(00:00) Trưởng lão: còn nếu vô minh thì chúng ta chẳng biết gì hết, học Phật pháp mà không rõ được những danh từ của đức Phật dạy thì chúng ta sẽ không làm chủ.
Tu sinh: Thưa Thầy, khi mình còn thức, ai nói chuyện mình nghe, khi mình ngủ, ai nói chuyện mình không nghe. Làm sao mình lấy cái đó để mình làm việc, họ nói gì thì nói để mình đang viết bài để nó đừng có nghe ở đó, thưa Thầy?
Trưởng lão: Con nói như thế nào? Bây giờ mình ngủ thì mình không nghe?
Tu sinh: Ngủ không nghe.
Trưởng lão: À!
Tu sinh: Thức mình nghe.
Trưởng lão: Thức mình nghe, rồi con viết bài là sao?
Tu sinh: Dạ mình viết bài, ai nói gì thì nói, mình lo mình viết cái đó đừng có nghe cái đó đó, làm sao?
Trưởng lão: Vậy con muốn không muốn nghe phải không? Dễ thôi, lấy bông gòn nhét hai lỗ tai. (Thầy cười) Ở đây là bảo con tập để cho cái tâm nó đừng có phóng dật chứ đâu phải bảo nhét cái lỗ tai, con bảo như ngủ thì thôi lấy bông gòn nhét lại, còn không bịt hai cái lỗ tai lại.
Tu sinh: Tại sao mình ngủ cũng còn đó mà lại không nghe?
Trưởng lão: Không nghe tại vì cái lỗ tai mắc ngủ. Chứ nếu nó thức, nó phải nghe.
Không, cái đó sự thật con. Khi mà con ngủ, thì sáu cái căn của con nó ngưng hoạt động. Nó hoạt động với cái mực sống của nó thôi, nó không có còn lưu ý nó nghe bên ngoài đâu. Cho nên nhiều khi cái tiếng động con ngủ, nó còn hoạt động chứ không phải là diệt tầm tứ - nó diệt hết, nó không phải như là người nhập định đâu, nó còn hoạt động.
Cho nên nhiều khi người ta giã gạo mà con ngủ, con nghe y như đánh trống. Con nhớ không? Mấy cái người mà họ ngủ, rồi bắt đầu họ nghe cái người giã gạo ở bên.
Hồi xưa người ta giã gạo nghe: “Bịch, bịch, bịch”. Rõ ràng là: “bịch”. Mà trong giấc mộng con lại nghe ở đình ngày hôm nay nó hát, nó đánh trống, lật đật để mà đi xem đình. Hồi xưa nó ít có hát cho nên Thầy nghe những ông bà, họ nói lại: “Sao nằm chiêm bao người ta giã gạo mà mình nghe là tiếng trống đình chứ?”. Họ nói thật con, tại vì cái lỗ tai mình nó còn hoạt động chứ chưa phải ngưng cho nên vì cái tiếng mà nghe đó nó lại lệch đi, nó không còn đúng nữa. Nó còn nghe nhưng mà nó nghe cái kiểu nó nghe trong cái tưởng của nó, vì ngủ mà. Tiếng giã gạo mà nó nghe tiếng trống. Nó nghe lệch đi chứ không phải là nó ngưng hoàn toàn đâu, nó còn hoạt động, nhưng mà hoạt động thay vì nó mười thì bây giờ nó hoạt động chừng hai thôi, nó còn đang sống, nó còn đang hoạt động.
Cho nên do nó còn hoạt động đó, mà cái tưởng nó có thể chiêm bao, nó cộng với ý thức tưởng của chúng ta mà nó hoạt động qua cái mong muốn của mình mà nó thực hiện cái giấc mộng đó. Bởi vì ban ngày mình muốn trúng vé số mà mua hoài nó trật, ban đêm nằm chiêm bao nó thấy trúng vé số là do cái ý thức của chúng ta muốn đó mà nó sanh ra cái mộng đó.
Cũng như mình nhớ cha mẹ mình, thương cha mẹ của mình, cái tình cảm thương đó nó thực hiện qua giấc mộng cho nên mình gặp ông bà ở trong giấc mộng của mình, đó là cái lòng thương của mình qua cái ý thức tưởng của mình mà nó thành cái mộng.
MỘNG DO TƯỞNG UẨN VÀ MỘNG DO Ý THỨC TƯỞNG
(02:56) Trưởng lão: Còn cái mộng mà thực sự của cái mộng mà do tưởng nó thực hiện ra đó là nó giao cảm đúng sự thật đó.
Cho nên có giấc mộng mà hồi nãy có người hỏi Thầy giấc mộng tại sao nó đúng sự thật. Đó là cái tưởng nó không phải qua ý thức tưởng của chúng ta đâu. Mà nó giao cảm, cái tưởng uẩn của chúng ta giao cảm nó thành ra cái mộng đó. Còn bây giờ chúng ta hầu hết là cái tâm dục của chúng ta bao nhiêu là nó thực hiện qua cái mộng. Con ức chế tâm con không có cho nó khởi niệm rồi con nằm mộng lia lịa. Tại vì cái bụng mình nó còn ham muốn, mà bây giờ bị ức chế quá không cho nó nghĩ được thì nó phải thực hiện qua giấc mộng thuộc về ý thức mộng.
Ý thức mộng qua cái tưởng nó làm cho cái mộng của con qua cái ý thức của con, cái dục của ý thức. Còn cái kia nó giao cảm, tự cái tưởng của chúng ta nó giao cảm nó thực hiện giấc mộng, nó báo động qua cái thiện pháp của chúng ta, nó có cái căn duyên thiện pháp nó báo động. Còn nó không có thiện pháp, nó không báo động đâu. Xe đụng chết bỏ chứ không báo cho con biết trước đâu. Còn có người, do cái thiện pháp, thực hiện giấc mộng, cái tưởng của con nó lưu xuất chiêm bao. Ngày mai này đi đường, đi cái xe đó là bị thì do đó ngày mai mình cũng ra đó, mình có công chuyện mà mình phải đi thôi. Đi ra đó, mình định đón cái xe đó nhưng mà cái xe đó nó đầy, nó chạy luôn, nó đầy rồi nó không rước. Nhưng mà mình đi cái xe sau, tới đó trời đất ơi nó đụng với nhau, nó chết, nó đổ máu tùm lum, tà la hết, mình hết hồn: "Phải nãy mình đi xe này chắc chết!". Nhưng mà nó đã báo mộng cho mình biết trước. Đó là cái thiện pháp nó qua cái tưởng, nó giao cảm, nó báo.
(04:29) Tu sinh: Có khi mình nằm chiêm bao thấy trước bốn, năm bữa, thấy người đó chết rồi bốn, năm bữa người đó chết?
Trưởng lão: Cái đó nó cũng giao cảm của cái tưởng, con! Đó không phải người đó con thấy chết họ về báo con.
Tu sinh: Bốn năm ngày sau họ mới chết.
Trưởng lão: Họ mới chết.
Tu sinh: Mà thấy trước.
Trưởng lão: Mà thấy trước. Thì cái đó là cái tưởng của con nó giao cảm. Nó giao cảm qua cái tưởng của người ta, nó tương ưng với con nó giao cảm nó báo cho con biết vài ngày sau nữa là người đó chết. Cái đó là cái một sự thật thôi chứ không có gì đâu.
(04:58) Tu sinh: Thưa Thầy, xin Thầy giảng lại dùm con cái chỗ niệm Dục Lậu, Hữu Lậu và Vô Minh Lậu! Ví dụ như mình xem xét cái đó nó không phải trong ba niệm đó nữa thì nó không còn niệm hay mình hết luôn.
Trưởng lão: Nếu mà nó không có nhằm ở trong ba cái đó thì cái niệm của con là niệm thiện rồi. Nó không có thuộc về niệm ác nữa rồi. Mà còn ba cái đó là niệm ác bởi vì nó lậu hoặc mà, nó đau khổ cho nên nó niệm ác. Còn cái niệm mà con xét ở trong ba cái này nó không có nữa thì đó là cái niệm thiện rồi.
Tu sinh: Thưa Thầy, cái đó mình có phát triển lên không hay là…?
Trưởng lão: Thì sẽ đương nhiên tăng trưởng thiện đó rồi. Càng lúc càng phải nuôi dưỡng nó đó.
Con biết cái niệm thiện đó là niệm thiện gì không? Thanh thản - An lạc - Vô sự đó! Nó vô lậu đó, cái niệm nó tăng trưởng. Cho nên đức Phật nói: "Ngăn ác, diệt ác, sanh thiện, tăng trưởng thiện".
Tưởng là mình nghĩ bây giờ ngồi đây tôi nghĩ: “Tôi phải đi cứu trợ đồng bào, tôi phải kêu gọi bà con đóng góp, đi làm cho bà con mổ mắt, hoặc tôi kêu gọi bà con đóng góp nhau để nuôi trẻ mồ côi, có một số lang thang nè”.
Cái đó là thiện Hữu Lậu mà chứ đâu phải thiện của Phật đâu. Phật đâu có bảo mình đi đem gạo chỗ này, đem lại chỗ kia cho đâu, đức Phật đâu có dạy. Đức Phật bảo mình ngăn ác, diệt ác, sanh thiện, tăng trưởng thiện - cái thiện của vô lậu chứ không phải là Thiện Hữu Lậu. Hữu Lậu nó được phước nhưng mà phước nó ở trong đau khổ chứ nó đâu phải hết đau khổ. Còn cái này nó không còn đau khổ nữa. Tu tập đúng thì mấy con sẽ thấy. Cho nên mình phải hiểu thiện, thiện nào đúng và thiện nào sai. Rồi con!
(06:31) Tu sinh: Kính thưa Thầy, hồi nãy Thầy giảng về tham triền cái, tham về ý và tham kiết sử. Vậy khi mà tham kiết sử xỏ mũi mà mình tỉnh thức, mình ngưng lại thì lúc đó tham triền cái - cái gốc nó có hết không?
Trưởng lão: Cái gốc nó còn con, chưa hết nhưng mà nó giảm. Bởi vì khi mà cái triền cái nó che khuất, bây giờ nó hiện ra cái kiết sử, nó xỏ mũi rồi, cái mình bứt cái dây xỏ mũi. Cái tâm mình đang sân bắt đầu nó hết sân. Nó hết sân thì tức là cái triền cái này nó mòn đi. Nó làm không được rồi, cho nên nó mòn, cái tham này nó mòn.
Cứ mỗi lần cái kiết sử nó tác động mình bứt riết, cái triền cái này bắt đầu lần lần nó tiêu mòn, nó cũng sạch rồi. Bởi vì cái tướng của nó sân nó lộ ra rồi. Nó lộ ra mà mình không để cho nó sân. Đầu tiên thì trong vòng năm, ba phút thì mình mới bứt nó ra. Sau đó nó chỉ trong vòng chừng một phút bứt ra.
Cuối cùng, nó hiện ra mình thấy thản nhiên. Đó là nó mòn hết cái tham của triền cái rồi, nó hết rồi, nó tác động không được nữa. Nó hết rồi. Cho nên kiết sử nó bị bứt hết, nó không còn.
Tu sinh: Thưa Thầy, nãy ví dụ như là thất kiết sử về xỏ mũi, về kiếm ăn, mình thấy rồi mình tỉnh thức rồi mình ngưng lại, thì cái tham triền cái nó cũng mòn lần?
Trưởng lão: Nó mòn lần hết rồi, nó mòn hết rồi nó tiêu luôn. Bởi vì bây giờ tiêu luôn là mình thấy sáng mình đâu có còn thèm ăn, uống gì nữa, nó tiêu rồi. Về cái vấn đề mà dục tham ăn, nó tiêu rồi, nó hết rồi. Chiều mình cũng không thấy muốn ăn gì hết, tức là ông tiêu rồi. Cái triền cái tham ăn nó tiêu rồi nhưng mà nó còn cái khác con, chứ không phải là nó sạch đâu, nó còn những cái khác nữa chưa hết đâu. Nó một đống đủ thứ ở trong đó đó. Kêu là một bồ đủ thứ, đủ thứ tham trong đó chứ không phải có một thứ tham đâu. Cho nên mình cứ hàng phục, dẹp lần dẹp lần những cái tham. Cuối cùng tất cả những cái tham nó hết, cái triền cái nó sạch thế rồi mình giải thoát.
(08:23) Tu sinh: Vậy là trong cái tham triền cái thì mình phải đánh giặc, đánh từng vấn đề chứ không có phải đánh chung được, mà đánh từng đề mục?
Trưởng lão: Từng đề mục, từng vấn đề của nó con. Cho nên vì vậy mà mình ngồi mình tu Tứ Niệm Xứ cho nó lòi mặt ra, mình đánh sạch. Nó tham gì ra mình cũng đánh. Mà sân gì ra cũng đánh. Mà si gì ra mình cũng đánh hết. Đánh dẹp hết. Cho nên nó Dục Lậu, Hữu Lậu, Vô Minh Lậu đó là ngồi đó mà tu Tứ Niệm Xứ để diệt ba cái này này.
Cho nên khi mình diệt nó không còn nữa, nó thanh thản, an lạc, vô sự kéo dài là tụi thức bị diệt hết rồi. Giặc nó chết hết rồi, nó rút về nước hết rồi, nó không xâm chiếm nước mình nữa. Coi như là mình giải phóng rồi . Thầy nói Tứ Niệm Xứ là mặt trận của mấy con, mấy con sẽ dẹp nó sạch ba cái tham, sân, si này hết. Bởi vì nó phải ló mặt nó ra, mà nó không ló mặt là nó đi rồi thì mình thanh bình, đất nước mình giải phóng rồi, chủ quyền mình rồi.
Tu sinh: Là giờ ngồi yên, nó không ló mặt là nó mới bình yên?
Trưởng lão: Nó bình yên rồi.
Tu sinh: Nếu mà còn là khi ngồi yên là nó sẽ…
Trưởng lão: Nó sẽ nhảy ra, nó sẽ đánh mình à. Nó không có tha mình đâu. Mà nó hết, nó đi rồi thì bắt đầu con ngồi bây giờ suốt ngày nó cũng vậy. Nó bất động dữ lắm. Chứ không phải, con không có còn tư tưởng nào, mà nó không có đến nữa. Nó bất động. Nó không đánh con được nữa.
Tham, sân, si ly hết rồi, nó ly dục, ly ác pháp mà lúc bấy giờ nó ly hết rồi con người của mình như thế này mà cái thần lực nó ghê gớm lắm. Kỳ lắm, nó không phải là như con người bình thường.
Cái đầu óc của nó chứa một cái kho tàng mình không ngờ còn bây giờ nó vô minh nó chứa cái gì nó không biết, trong đó nó không có cái kho nữa. Nó làm như mình có mớ nào đó rồi mình kết tập theo mớ mình hiểu biết đó thôi chứ mình không có cái gì là của mình hết à. Nhưng mà khi nó hết tham, sân, si rồi, cái đầu của mình là một cái kho tàng.
(10:12) Nó hay lắm mấy con, cái gì nó cũng biết hết, Thầy nói nó lạ lắm. Mấy con cứ triển khai nó đi rồi cái đầu của mấy con là cái kho tàng của con người trên ở thế gian này. Nó muốn cái gì nó cũng biết hết.
Ai cũng có cái đầu tốt mà không biết sử dụng. Nghĩa là người nào cũng có cái đầu tốt hết, cái bộ óc của chúng ta tốt hết, người nào Thầy thấy cũng tốt hết mà mấy con không biết xài, không biết sử dụng. Có của quý mà không biết xài, tới chừng chết đem chôn bỏ uổng. Còn mình tu tập rồi bắt đầu mình biết xài: "Trời ơi cái đầu mình ngon thiệt chứ không phải chơi", được thân người cũng quý chứ. đức Phật nói: "Được thân người là khó", được cái đầu của Thầy còn khó hơn, nếu mà về cái đầu của con bò hay con trâu thì nó ngu. Cái đầu con người này nó không có ngu. Triển khai cho nó được thì mình thấy nó sử dụng tốt lắm mấy con.
Bởi vậy triển khai chỉ có Tứ Niệm Xứ là triển khai tốt nhất. Cái pháp Tứ Niệm Xứ là triển khai cái đầu chúng ta tốt nhất. Cho nên làm người mà không tu là Thầy nói uổng cuộc đời. Rốt cuộc rồi chúng ta cũng đem vùi xuống lòng đất mà chúng ta không sử dụng được gì hết.
Cũng như thầy cái máy vi tính để khoe chơi: "Thầy có máy vi tính", "Trời, máy tôi thật tốt, tôi mua đầy đủ tốt, nào là máy in này kia đủ", mà tôi không biết bấm ở trên đó coi như để khoe chơi. Mai mốt nó cũ rồi cũng đem quăng đống rác chứ cái làm gì? Ví dụ đó, con hiểu chưa? Còn mình phải biết sử dụng chứ.
Mà mấy con là người nào cũng có cái máy rất tốt đấy thôi mà tiếc gì Phật giáo đã dạy chúng ta để sử dụng cái máy của chúng ta để làm chủ sự sống chết của chúng ta. Cho nên phải cố gắng mấy con, cố gắng chứ không khéo mấy con cứ tu cái kiểu mà ương ương gàn gàn của mấy con chắc không tới đâu hết.
Cái đầu của mấy con chỉ là cái đồ vô dụng. Phải nỗ lực thật sự đó! Mà thầy triển khai cho mấy con đủ pháp để con triển khai, mở mang cái đầu của mấy con ra. Chỉ cần nó thanh tịnh được một chút thôi. Nỗ lực tu đi mấy con, Thầy nói được mà không có gì đâu.
(12:03) Trưởng lão: Như sư kia già rồi kìa, vẫn tu được đó nhưng mà phải gan chút chứ mà nhát gan mà sợ chết thì thua ông Hiếp Tôn giả. Ông Hiếp Tôn giả tám mươi tuổi, con năm nay chắc bảy mấy, tám mươi chưa?
Tu sinh: Dạ con thưa bảy mươi ba.
Trưởng lão: Bảy mươi ba. Con còn nhỏ quá mà coi bộ già hơn Thầy nhiều, ốm sộm rồi. Ráng tu. Thôi bây giờ xong rồi đó mấy con, nghỉ nghe, để rồi Thầy còn làm công việc nữa. Rồi, ngày mai chủ nhật nghỉ nghe con. Cái gì con? Bây giờ ai chưa có? Thầy cũng mới có được bao nhiêu đây chứ còn nhiều lắm nhưng mà điều kiện xén.
Rồi mấy con phát giùm Thầy con! Người nào phát trước, hôm rồi Phật tử họ cứ xin ba cái cuốn này.
Tu sinh: Không ấy quý thầy nhường cho bên cư sĩ trước đi…rồi mình chịu hẹp trước đi!
Trưởng lão: Chưa, quý thầy chưa đâu, quý thầy người nào cũng trí tuệ hết mà cần gì phải đọc.
Tu sinh: Bạch Thầy, cuốn này đã sửa lại được chưa ạ?
Trưởng lão: Coi như là chưa có sửa con ơi, chỉ có bản cũ đó thôi chứ không có ai có làm gì nổi.
(13:18) Tu sinh: Thưa Thầy có một lần con nghe nhà con nói chuyện vô ngã thiện pháp với vô ngã ác pháp. Thì người xưa bảo: "Tôi có Phật tánh mà Phật tánh tôi làm sao mà ác pháp được?". Thì như vậy nó khác nhau thế nào, thưa Thầy?
Trưởng lão: Phật tánh của ông thì nó ở trong tưởng mất rồi còn ở đây tôi là con người có thiện, có ác à. Cho nên tôi phải chấp nhận thiện, vì vậy mà: "Hữu ngã thiện pháp, mà vô ngã ác pháp".
Nếu mà nó hữu ngã ác pháp nữa thì chắc tôi khổ. Nghĩa là tôi muốn giải khổ thì tôi hoàn toàn tôi ở trong thiện. Cho nên như vậy mà tu phải xả cái ngã ác của tôi ra thì tôi mới giải thoát.
Còn ông nói cái chuyện mà không thiện, không ác đó thì chắc chắn là ông ở cõi nào chứ ông ở cõi người này không có điều đó đâu. Cho nên mình trả lời vậy thôi. Cái đó là cái cõi tưởng của mấy ông thôi. Phật tánh của ông là Phật tánh tưởng. Mấy ông tu tới đó rồi mấy ông sẽ biết thôi chứ còn tôi giờ không nói đâu. Tôi ở trong thiện pháp không ai làm động tôi giải thoát, tôi được rồi.
Cái này cái đúng, cái đắn. Chính tôi là con người, tôi không muốn biến tôi thành ông thần, ông Phật chỗ nào hết. Tôi chỉ muốn con người tôi không làm khổ mình, khổ người là đủ rồi.
Đạo Phật là đạo như thật mà, đạo để biến con người nơi cảnh thế gian này mà sống được giải thoát. Biến cảnh thế gian này là Cực Lạc, thiên đàng chứ không có cần đi chỗ nào khác nữa hết.
(14:38) Trưởng lão: Sân si triền cái và sân si kiết sử nó rất rõ, cái triền cái là cái màn ngăn che chúng ta không thấy cái sân, si của chúng ta đâu. Nhưng mà nó lộ cái tướng nó ra. Ví dụ như bây giờ si nó lộ cái tướng ra, nó gục tới gục lui, buồn ngủ là cái tướng nó ra rồi. Nó là kiết sử rồi. Kiết sử là cái dây nó hiện, nó trói chúng ta, nó kéo cái đầu chúng ta gục xuống, ngửa tới ngửa lui gục. Đó là si.
Cái tướng của nó hiện ra đó là kiết sử. Còn cái tướng của nó chưa có hiện ra gì hết thì nó ngầm ở trong tâm của chúng ta nó có cái trạng thái lười biếng là cái si trong đó. Đó là triền cái. Hiểu như vậy chưa?
Bây giờ cái sân cũng vậy. Người nào nói: "Tôi tức giận, tôi sân ầm ầm, tôi tức quá, tôi muốn chửi người ta đó, trong bụng tôi, mặt tôi nó muốn đỏ ké lên mà tôi muốn đánh người ta đó" thì đó là kiết sử, còn cái sân triền cái thì hiện giờ tôi có sân nhưng mà không có tướng nó lộ ra thì đó là triền cái.
Nghĩa là bây giờ trong chúng của chúng ta ở đây, người nào cũng có cái sân triền cái hết nhưng mà bây giờ không có ai mặt đỏ. Nhưng mà tới cái kiết sử thì cái mặt nó đỏ lên rồi. Hiểu như vậy là lúc cái tướng nó hiện ra, nó đang sân đó thì đó là kiết sử. Còn nó không có thấy cái tướng sân nó ra thì cái đó mấy người đang sân triền cái. Nó chôn vùi, nó ngủ ngầm ở trong đó.
(16:01) Trưởng lão: Như khi quán thực phẩm bất tịnh, quán sâu thấy thực phẩm là ớn, ăn không được. Vậy vị ấy có tác ý ngược trở lại hay không?
Trưởng lão: Mình quán, mình ớn, mình không ăn rồi thôi, tới đó mình dừng lại đừng quán nữa. Quán nữa rồi mình nghỉ không ăn luôn thì mình đi chầu Diêm Vương luôn. Bởi vì không ăn mà.
Mình quán tới khi mình nhàm chán rồi thôi mình đừng quán nữa. Ngày xưa, mà quán cái thân vô thường, cái thân bất tịnh có một số vị Tỳ kheo, người ta thấy cái thân của người ta rồi người ta tự tử, người ta chết thì đức Phật cấm. Mình quán tới đó vừa đủ thôi chứ mình đừng quán quá thành ra mình nhàm chán quá rồi, mình mượn cái thân mình tu chứ.
Hôm nay mình có cái thân này là phải có một cái sự chết của loài khác. Như mình ăn chay thì những cái loài thảo mộc như là cây rau cải, nó có cái sự chết của nó mình mới sống. Do đó, vì sự sống của chúng ta là để đi tu chứ không phải sống để mà sống, để mà ăn cho nên chúng ta sống để nỗ lực ra khỏi cái thân, cái thân nhân quả nó không còn chi phối chúng ta được.
Cho nên chúng ta mượn cái sự sống của chúng ta thì trong đó nó có sự chết của các loài vật khác, các loài thảo mộc khác nhưng mà chúng ta quyết tâm là nhờ đó mà chúng ta vượt ra khỏi cái sự sống trong cái sự chết.
Có cái chỗ này sống thì có cái chỗ kia chết cho nên ở cái thế gian này nó đau khổ lắm. Cho nên cái người mà xét, cuối cùng xét về sự sống chết, thì chúng ta quá rõ ràng. Bây giờ thân chúng ta có được sống là chúng ta phải ăn mà bây giờ chúng ta không ăn loài động vật thì chúng ta phải ăn thực vật. Do đó, chúng ta sống là phải có sự chết của thực vật.
Vì vậy mà chúng ta biết rằng mình không thế nào mà mình cứ mang cái thân này từ kiếp này đến kiếp khác để sự sống của mình là có sự chết cho nên mình quyết định mình phải ra khỏi cái thân sống chết, cái thân sinh tử này.
Hễ có sanh thì phải có tử, mình sanh thì có kẻ khác tử. Có vậy thôi. Cho nên vì vậy mình phải nỗ lực, mình mượn cái thân này để mình ra khỏi cái sự sanh tử, chấm dứt sanh tử. Cho nên mình nỗ lực mình tu tập để ra khỏi thì như vậy nó mới đúng nghĩa.
Trưởng lão: Còn quán thực phẩm bất tịnh thì đừng có quán tới cái mức mà nó ớn, không muốn ăn, mình quán để cho mình nhàm chán, mình thấy nó không còn thích ăn nữa thôi là đủ rồi. Còn con ớn mà con ụa, thấy đồ ăn thấy cơm mà ụa, ói, nó nuốt không vô, rồi sắp sửa tiêu rồi. Cái kiểu này sắp sửa chết, quán cái kiểu đó là quán tới chết.
(18:31) Tu sinh: Kính bạch Thầy, sân triền cái với sân trong ý. Hai cái này nó khác nhau hả Thầy?
Trưởng lão: Cái sân triền cái là cái ý nó chưa khởi đó con, cái sân triền cái là cái trước, nghĩa là trước khi cái ý. Cái ý mà khi có năm dục trưởng dưỡng nó khởi, cái ý nó bắt đầu nó khởi lên thì cái sân của ý nó khởi lên.
Ví dụ như bây giờ đó, có người đó chửi mình mà cái ý nó không khởi ra thì nó không sân, con. Mà cái ý nó khởi lên nó sân thì ngay đó là kiết sử nó xỏ mũi mình lại liền. Nó do ý.
Cho nên cái triền cái thì chưa thấy mặt nó đâu nhưng mà người ta chửi mình cái mình khởi lên tức giận liền, ngay đó thì sân triền cái nó vô nó xỏ mũi mình. Giận ầm ầm, ầm ầm lên liền. Nó xỏ mũi mình nó kéo cái đầu mình xuống, sân lên. Nó bảo mình sân mạnh lên, cái kiết sử thì nó mạnh lắm, còn cái triền cái thì nó chưa có gì hết.
Mà cái ác pháp nó tác động vô thì cái ý bắt đầu khởi, mà cái ý không khởi thì cái triền cái nó nằm yên, cái sân triền cái nó nằm yên. Cái ý mình không khởi vì vậy mình làm chủ cái ý, mình tỉnh thức, vì vậy mình nghe người ta chửi mình chưa có sân đâu, mình chậm.
Còn cái sân nó mạnh quá, nó nhanh quá, vừa họ mở miệng họ chửi mình: "Chó!", là trời đất ơi nó ở đâu nó lẹ quá. Đó là cái sân nó nhanh quá mà cái tỉnh thức của mình nó chậm.
Cái ý tỉnh thức của mình nó chậm, cho nên buộc lòng mình phải tập tỉnh thức. Cái ý mà nó được tỉnh thức rồi người ta chửi chưa giận đâu, cho nên mình kịp thời đối phó hết. Còn cái ý mình nó chậm quá, nó mất tỉnh thức, nghe người ta chửi nó mất tỉnh thức rồi cho nên cái sân của ý, cái sân của Thập Thiện là cái sân tham, sân, si của ý. Mà nếu tu tập được cái ý nó tỉnh thức rồi thì nó không có sân nữa. Cái kiết sử nó không có vô được nữa, còn cái triền cái nó nằm đó.
(20:17) Mà nó không vô được nữa thì coi như đó cái triền cái nó bị hoá, nó tiêu rồi. Cho nên tỉnh thức là nó tiêu cái triền cái rồi.
Tu sinh: Kính bạch Thầy, sân là mình chặn ngay chỗ cái ý chứ không phải chặn ngay chỗ triền cái?
Trưởng lão: Bởi vì triền cái đâu có chặn nó được đâu mà mình thường nhắc để cái tâm tỉnh thức của mình, cái ý tỉnh thức ấy: "Tâm như cục đất, ly tham, sân, si đi!". Để khi người ta chửi cái bắt đầu nó nhảy ra nó nói: "Tâm như cục đất". Cái ý nó nhớ đó nó mới tỉnh.
Bởi vì phương pháp tu nó có bài bản chứ, mấy con tưởng muốn cho cái ý nó tỉnh nó đâu có dễ đâu. Nó phải nhờ cái pháp tác ý để nó ngăn chặn cái triền cái nè. Chứ không khéo, cái ý nó vừa phóng ra, cái triền cái nó lộ mặt thì kiết sử nó vô nó xỏ mũi. Nó xỏ mũi mình nó lôi.
Nó lôi cũng như con trâu mà có dàm (dây thừng) vậy đó. Rồi lúc bấy giờ sân thì bắt đầu cứ thỏa mãn cái sân thôi, lúc bấy giờ đấu đá hết trơn, không thua ai nữa.
(21:11) Tu sinh: Cho con hỏi, câu chuyện này nó hơi ngoài sự thật của mình. Như con trâu thì mình dùng cái trí khôn ngoan mình bắt nó đi làm việc cho mình, không trả lương mà khi nó già, nó yếu, đi không nổi mình đánh đập, kìm cho nó đi cho mau. Nói: "Con trâu này làm biếng". Vậy có phải là mình làm ác? Nó đâu có vô nó lãnh cày ruộng cho mình mà hồi đó giờ sống mình bắt nó cày ruộng cho mình không đó Thầy?
Trưởng lão: Thật sự ra thì coi như là mình ăn của đàn na thí chủ mà mình không tu được đó, thì mình sẽ làm con trâu thôi chứ sao. Bây giờ chúng nó đánh mình, bắt mình làm. Nói thì nói vậy chứ sự thật nó như thế này này. Cái người chủ mà nuôi trâu thường thường con nghe cái bài ca dao của người nông dân của mình:
"Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công."
Sự thật ra con trâu với người nông dân là đôi bạn đó con. Người ta thương yêu lắm đó con. Thậm chí như là nuôi trâu mà người ta làm cái mùng, người ta giăng cho nó đó con, để muỗi khỏi cắn nó đó. Người ta chăm sóc con trâu như người bạn.
Còn mình thật sự ra, thì có nhiều người không có, họ bắt con trâu cày, họ đánh đập đủ thứ hết, nó đi chậm, nó mệt, nó đói nữa, trưa rồi mà đánh đập nó dữ lắm. Mấy người đó ác lắm đó con. Họ không thương. Mình có được cây lúa, hạt gạo mình ăn là cái công sức của con trâu rất lớn. Còn nó thì nó ăn cái gì, thả ra rồi cho nó ăn ba cái cỏ ngoài đồng.
Mình có siêng năng, mình thương thương mình cắt được giỏ cỏ. Còn nếu không thì thôi mày ăn đại mày sống, ngày mai cày nữa. Thật sự ra nông nghiệp của chúng ta nó thấm thía được cái con trâu với cái người nông dân đó con, tình nghĩa lắm.
Tu sinh: Mình bắt nó cày ruộng cho mình ăn vậy có mang tội không thưa Thầy?
Trưởng lão: Tội gì? Thì hồi đó mình ăn người ta quá trời rồi thì bây giờ nó mới làm con trâu chứ đâu phải khi không. Nhân quả mà con. Con cứ nhìn nhân quả thì biết. Mình ăn quá tay.
Nhất là mấy ông thầy mà tu tập ở trong chùa là thành trâu hết, Thầy nói thật sự. Mình tu mình làm cái gì đây cho người ta lại. Thì bây giờ phải làm trâu rồi cày cho mấy người Phật tử. Còn không, bây giờ trâu bò nó không cày nữa thì mấy ông thầy này họ tu, họ có làm gì, họ còn tham, sân, si thì tương ưng, họ sẽ sanh ra làm mấy đầy tớ rồi sáng phải dọn hàng, dọn này kia. Lơ mơ thì bà chủ bà chửi cho tan nát.
Không, Thầy nói thật mà, mình phải trả cái của đàn na thí chủ chứ đâu phải. Mình nhân, mình ăn của người ta bộ mình tránh khỏi à.
(23:49) Tu sinh: Rồi mình phải mang cái tội mình bắt nó làm việc, mình không trả lương cho nó, cho nó ăn của mình?
Trưởng lão: Thì nhân nào quả nấy à. Ví dụ như bây giờ, nó trả quả của nó là phải cày ruộng cho con mà con biết thương nó, con chăm sóc nó này kia, thì cái nhân đó con sẽ khỏi. Mà còn không khéo con tạo cái nhân ác, con tiếp tới, nữa sau thì con làm tôi tớ cho người ta thì người ta cũng quất, đánh con như trâu. Chứ con khỏi đâu. Cái chuyện mình làm là nhân nào thì quả nấy là con đã học nhân quả rồi thì không có chạy đâu khỏi hết à. Cho nên khi biết nhân quả rồi, mình biết rằng con trâu là nó cày hoặc là cái người tôi tớ trong nhà của mình, mình ngọt ngào từng cái lời nói ái ngữ của mình. Mình an ủi, mình cho thêm tiền bạc này kia, cái công lao của nó, giặt giũ, lo cơm nước của mình. Mình giúp đỡ nó bằng cách này hay cách khác, tức là nhân quả thiện không.
Còn nếu mà con không biết, con ke re, cắt rắt trả lương nó mà còn bớt tới, bớt lui này kia, còn đánh đập nó đủ điều hết, còn sai vặt nó đủ thứ hết thì coi chừng. Nhân nào thì quả nấy đó, không khỏi.
Tu sinh: Bây giờ người ta phát minh ra làm cái máy cày để cày, đâu còn cày trâu nữa thưa Thầy. Vậy thì cái nhân quả đâu còn, thưa Thầy?
Trưởng lão: Thì nó không còn trâu nó thành tôi tớ, nó thành lính, rồi cũng chạy vòng vòng vô đó chứ không có trật đi đâu được hết. Bởi vì bây giờ mình phát minh ra cái cày cho nó nhanh chóng thì con trâu bây giờ nó chỉ thịt thôi, nó không còn gì nữa hết, nó không có làm cái chuyện đó. Nó thoát kiếp cái chuyện đó nhưng mà nó sẽ làm cái chuyện khác nó trả nợ.
Bây giờ ví dụ như con ngồi không, con ăn, con tu đi, con trả nợ đàn na thí chủ như thế nào? Ít ra là con cũng phải tiếp tục tái sanh, con phải làm công nhân cho một ông giám đốc nào đó. Ông đó bóc lột con tận xương trắng của con. Thay vì trả con một triệu, ông trả chừng năm trăm thì đủ biết rồi. Ông bắt con làm cho dữ tợn chứ để con ngồi không nữa à. Mà nếu con không làm thì con chết đói. Bây giờ nông nghiệp thì đâu có còn làm nữa được cho nên buộc lòng con phải đi làm công nhân.
(25:47) Mà là công nhân thì chúng sai thôi tối cái đầu của con. Thì con cũng ăn sao thì nợ vậy, phải trả thôi chứ làm sao con chạy cho khỏi.
Mà người ta mà cái người có phước thì gặp cái ông giám đốc đó ông thương, ông trả tiền lương cao, còn con sao lại đi tìm mấy cái chỗ đó người ta không nhận mà cứ mấy thằng cha quá rít rắm như thế này mà nó nhận con vô làm. Thì tại con hồi đó làm sao nó mới vậy chứ.
Cho nên nhiều người mà người ta làm thì người ta lương thưởng đầy đủ, còn có người vô cái sở đó làm cái ông giám đốc này nó ke re, cắt rắt một cái cách gì, đối với công nhân nó lường từng đồng, từng xu, từng cắc. Cái phước của con nó tập trung vô cái số người này, số người mang nợ. Cho nên phải trả nợ, chứ con thấy bây giờ công ty, xí nghiệp nhiều chứ mà cái người vô cái chỗ đàng hoàng ít lắm con, cái chỗ bóc lột thì nhiều. Cho nên cái tâm của chúng ta tham lam thì chúng ta sẽ bị cái ảnh hưởng đó.
Tu sinh: Vậy mà xứ Việt Nam, xứ Đông Dương hồi đó làm cái tội gì cho nên bị Pháp nó bắt, nó cai trị 80 năm, thưa Thầy?
Trưởng lão: Chứ sao, nó hiểu không có nhân quả làm sao nó qua đây nó cai trị được. Mình cũng là độc địa lắm chứ, mình cũng bắt ba cái dân Chiêm Thành, mình cũng đày ải nó cũng tự mất nước luôn con không thấy sao? Cả cái nước Campuchia mà mình lấy gần hết nước người ta, con không thấy sao? Mình làm riết, người ta ở không được cho nên như vậy Pháp cai trị mình cũng vừa chứ, đâu có phải vừa. Việt Nam mình cũng ghê lắm, thua Tàu, thua Pháp chứ còn mình có thua Chiêm Thành, có thua Campuchia đâu?
Mình cũng đàn áp người ta, mình làm người ta mất nước thôi chứ bộ? Bây giờ còn có giống dân của người ta thôi mà coi như là kế hoạch hóa gia đình, trời đất ơi! Nó không có đẻ được nữa.
Lẽ ra cái dân người ta thiểu số thì cho vợ chồng người ta được đẻ năm, bảy đứa con, này cũng cho có hai đứa. Vậy có chết người ta không? Dân người ta sắp diệt chủng rồi. Con thấy không? Cái nhân quả mà chứ đâu phải vừa đâu.
Thầy nói thật sự đó, cái gì nó cũng có nhân quả hết, mà cái nước Chiêm Thành nó bị diệt nó cũng độc đáo lắm chứ đâu phải không độc. Nó ghê gớm lắm chứ. Những cái Bà La Môn của nó cũng độc lắm chứ đâu phải là thường.
(27:59) Cho nên Thầy nói thật sự, ví dụ cái nước Ấn Độ là cái nước của đức Phật, đức Phật sanh ra ở đó. Mà cái dân Ấn Độ bây giờ nó khổ sở đến cái mức độ đó là con biết. Nó bẩn thỉu, nó dơ dáy, nó bẩn như đó mà đức Phật đã dạy vệ sinh như thế nào? Thế mà bây giờ dân nó không biết. Thì như vậy rõ ràng là cái dân nó ở nó không có đạo đức. Mà nó không đạo đức là do gì? Nó diệt Phật giáo tại nước nó mà nó đâu có để cho nên nó phải mất cái đạo đức.
Nhưng mà không ngờ khi nó đến Việt Nam của mình, nó triển khai được những cái Chương trình học tập đạo đức của nó, thì đây là cái phước của dân tộc mình. Tuy rằng mình có ác nhưng mà trong ác mình có thiện chứ không phải là mình toàn ác hết đâu.
Cho nên mình còn đỡ một chút. Nhờ ở tinh thần của dân tộc của mình, nó có một cái tình sâu sắc. Mình thấy dân tộc mình có cái tình sâu sắc lắm. Chứ nó không phải thường đâu. Ví dụ như mình biết ông bà, cha mẹ. Con biết cái dân tộc ở ngoài Hà Nội, một cái dòng họ của họ mà có người nào bị người ta ăn hiếp là cả cái dòng họ của họ người ta ra người ta bênh hết. Nó có cái tinh thần đoàn kết của họ dữ lắm. Chứ không phải như dân miền Nam mình ấy thì nó xìu xìu, nhà nào bị nhà kia ăn hiếp thì mình cứ ngó chơi thôi chứ còn không phụ đâu. Còn miền Bắc học không có đâu, họ tập trung, họ có đoàn kết.
(29:16) Cho nên ở đây, cái dân tộc của mình là cái dân tộc rất tốt đó. Thật sự ra, sau những cuộc chiến tranh, dân tộc mình cũng có hao hớt, nhưng mà về cái tinh thần mà đạo đức dân tộc mình. Nó tiếp thu cái đạo đức của Trung Hoa nó đưa qua Việt Nam mình. Nó tiếp thu được cái đạo đức của Khổng, Mạnh.
Rồi Pháp nó đưa vào đây, mình cũng học Pháp, mình cũng tiếp thu được những cái hay của Pháp chứ đâu phải. Còn những cái xấu của Pháp thì mình không có tiếp thu đâu, mình bỏ. Cho nên con người Việt của mình nó rất tốt. Thì do đó mà cho đến cuối cùng nó tiếp thu cái Phật giáo mà đến đời nay, đến đời Thầy mà Thầy dựng lại cái đạo đức nhân bản - nhân quả là dân tộc chúng ta có phước lắm.
Nếu mà Thầy ở một cái nước nào đi nữa, thì cái dân tộc này có được như ngày hôm nay mà chúng ta có được những cái lớp học này đâu. Cho nên Thầy thấy rằng dựng lại cái nền đạo đức của Phật giáo là một cái hạnh rất lớn cho loài người. Mà dân Việt Nam của mình, có người đứng ra dựng, mà lại đầu tiên dựng lại cái đạo đức này.
(30:14) Trưởng lão: Các con thấy từ khi đức Phật đến giờ, có bao giờ mà người ta hiểu rằng Bát Chánh Đạo là tám cái lớp như vậy đâu, cái chương trình học, cái giáo trình học mà cái lớp Chánh Kiến học như vậy đâu. Họ có nghĩ đâu.
Họ nói Định Vô Lậu là họ cứ dạy Định Vô Lậu thôi chứ họ có nghĩ rằng đây là triển khai cái tri kiến của người ta không. Bằng chứng Thầy triển khai thì mới thấy rằng cái tri kiến của mấy con về Vô lậu của mấy con là số không. Hiểu lam nham, hiểu chung chung chứ chưa phải đi sâu, mà triển khai rồi mới thấy được cái chỗ hiểu của mấy con. Bởi vì có học, có hiểu, có đào tạo mấy con mới có được cái tri kiến đó chứ, còn không khéo mấy con hiểu chung chung thôi thì làm sao mấy con được cái chỗ Vô Lậu được.
Đó, thì cái lớp học của chúng ta sẽ triển khai và từ đây về sau chúng ta có cái giáo trình học tập của nó rồi. Nó làm sao mà sai được? Bây giờ những cái bài vở của mấy con học, mấy con viết đó là những cái giáo trình sau này mấy con sẽ gom góp những cái đó mà con soạn ra cái giáo trình thì nó cụ thể, nó rõ ràng quá còn gì nữa. Nó hiện ra.
Bây giờ Thầy đã soạn ở trong cái đầu của Thầy phải dạy mấy con cái bài gì, bài gì rồi. Nhưng mà nó chưa thành sách vở. Nhưng bây giờ mấy con làm rồi thì nó đã thành ra cái giáo trình rồi chứ còn gì nữa mấy con thấy không. Mấy con học cái bài nào đầu tiên? Cho đến bây giờ cái Tâm Xả, Vô Lượng Tâm của mấy con là cái bài cuối cùng của lớp Chánh Kiến rồi mấy con biết chưa? Giáo trình của người ta đàng hoàng chứ đâu phải là muốn học ngang xương chỗ nào cũng được đâu. Đó mấy con thấy không?
Tại sao Thầy không dạy cái đạo đức nhân bản - nhân quả của con người trước mà Thầy dạy nhân quả thảo mộc trước? Tại vì cái chương trình học nó phải như vậy chứ nó không thể nào mà cái kia trước được. Các con thấy nó phải đi lần lượt từng cái bài học chứ. Mà tại sao Thầy không dạy Tâm Xả trước mà lại dạy Tâm Xả cuối cùng, nó phải theo đúng cái giáo trình, Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo của đức Phật mà. Đức Phật nói: "Tứ Vô Lượng Tâm, Tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả", chứ bao giờ mà xả trước? Đâu bao giờ? Cho nên Thầy theo đúng cái lộ trình của đức Phật dạy, đâu có làm sao mà sai được.
Đó thì bắt đầu mấy con thấy chưa? Mình học nó có đàng hoàng rồi, bây giờ tới lớp Chánh Tư Duy, mấy con chưa hiểu cái giáo trình của lớp Chánh Tư Duy tu như thế nào. Nhưng rồi mấy con sẽ thấy cái giáo trình của nó sẽ học cái gì, tu cái gì.
Bây giờ nó khởi sự, chừng mà vô rồi mấy con sẽ thấy cái giáo trình của nó. Còn bây giờ học cái lớp Chánh Kiến rồi mấy con mới hiểu được cái giáo trình rồi chứ gì? Bây giờ tới cái lớp Chánh Tư Duy. Thầy không nói trước đâu bởi vì bài vở Thầy đâu có Bộ Giáo Dục đâu mà soạn sẵn. Cái Bộ Giáo Dục của Thầy nó nằm ở trong cái đầu của Thầy đây nè, thì bây giờ cứ lấy ra mà dạy thôi, có gì đâu. Nó ở trong đầu của Thầy chứ đâu cần phải kinh sách đâu.
(32:46) Lẽ ra trước khi mở cái lớp này mà Thầy có thì giờ, bởi vì Thầy thấy cái tuổi đời của mình nó sắp hết rồi. Mà nếu mà để mà soạn thành cái giáo trình cho tám cái lớp này xong thì thật sự ra mà nếu mà soạn xong rồi thì cái người mà của Thầy mà để mà tu chứng mà đứng lớp để dạy thì chẳng có ai. Soạn ra rồi mà người ta cũng vẫn bỏ. Mất công Thầy.
Tốt hơn bây giờ, vừa đào tạo mấy con, vừa giảng dạy cho mấy con, vừa ở trên giáo trình này dạy cho mấy con thì do đó nó còn tiện lợi, nó ngắn cái thời gian hơn.
Và có những cái người, ví dụ như bây giờ cái lớp mà mấy con học lên cái lớp Chánh Tư Duy này, mấy con tu xong cái lớp Chánh Tư Duy đi thì bây giờ ở kia nó có cái Trung Tâm An Dưỡng thì đề cử mấy con về đó mấy con nhận dạy lớp Chánh Kiến, mấy con bây giờ dạy được rồi đó.
Mấy con dựa theo giáo trình này mấy con dạy người ta lớp Chánh Kiến được rồi. Các con thấy chưa? Thầy đào tạo cho mấy con đứng ra dạy được mà. Nhưng mà cái thân giáo của mấy con chưa xong cho nên vì vậy mấy con phải ở trong cái lớp Chánh Tư Duy này mấy con học. Đây bây giờ nội đây mấy con ở đây mấy người, mấy con biết mấy người đứng ra dạy lớp được không?
Đó thí dụ như mấy con, hầu hết là mấy con viết bài đó, cái người nào Thầy đề cử ra mấy con đi dạy đó coi mấy con dạy sai không? Không bao giờ sai trong cái giáo trình này đâu. Nghĩa là mấy con dạy lớp Chánh Kiến được rồi đó. Còn mấy người còn yếu, làm bài, viết bài chưa được thì Thầy chưa mấy con ra dạy đâu. Bởi vì mấy con chưa có cái khả năng mà viết cho nó mạch lạc, cho nó lập thành cái dàn bài, cho nó cụ thể rồi đến đó mấy học sinh nó hỏi mấy con, mấy con không biết làm sao trả lời được.
Còn như mấy con hiện giờ đó Thầy mà đưa ra, những cái người tu mà học về cái lớp Chánh Kiến hỏi gì, mấy con cũng biết trả lời trên cái lớp Chánh Kiến hết. Hỏi cái dàn bài sao, cách thức như thế nào, mấy con gợi ý ra được hết, không có chỗ nào mấy con không biết. Đó thì mấy con thấy chưa? Cái lớp đào tạo của Thầy mà, đào tạo những con người để đứng ra dạy đạo chứ không phải là đào tạo con người xong mấy con chết, mấy con nhập diệt, mấy con đi luôn. Không phải! Chương trình của Thầy mà nó như vậy đó. Vì vậy mà mấy con chưa có thâm sâu được, thì mấy con lớp Chánh Kiến chưa có rồi thì mấy con phải ở lại tu học cái lớp Chánh Kiến. Nó không đơn giản, không dễ đâu.
Nhiều khi mấy con viết bài nó chưa có đầy đủ, có nhiều người viết Tâm Xả chưa đầy đủ, nhiều người viết Tâm Từ chưa có đầy đủ, nhiều người viết Tâm Bi chưa đầy đủ, chưa hết, còn nữa mà chưa hết, viết chưa đủ, còn có người viết đầy đủ.
Nó phải có pháp hành ở trong những cái phương pháp đó để mà áp dụng vào cái đời sống của lớp Chánh Tư Duy để mà xả tâm. Chứ không phải là nó thiếu, bây giờ mấy con viết cái bài nhiều khi mấy con nói mà các pháp hành nó không có, mà nó không có thì làm sao mấy con biết áp dụng cái đó để mà con xả cái tâm của mình. Cho nên bài nào các con cũng có pháp hành hết. Nếu mà thiếu pháp hành là mấy con không biết cách.
Tu sinh: Thưa Thầy, nghe cái lớp Chánh Tư Duy thứ hai thì khi nào mới đủ, sau chỉ một thời gian chừng vài tháng thôi chứ không có phải đợi đến tháng 10 tới?
Trưởng lão: Cái lớp nào, cái lớp Chánh Tư Duy?
Tu sinh: Cái lớp Chánh Tư Duy thứ hai, tức là cái lớp Chánh Tư Duy mà những người ở lại?
(35:54) Trưởng lão: Những người ở lại đó thì coi như là sau ba tháng, để cái lớp Chánh Tư Duy được lên. Thầy theo dõi cái lớp Chánh Tư Duy, thì những người mà còn ở lại làm bài thì họ cứ làm bài cho đúng từ cái bài Nhân quả thảo mộc cho đến bài Xả Tâm Vô Lượng đó. Họ phải làm lại hết những cái bài của họ. Tức là có nhiều bài họ làm chưa có được cho nên buộc lòng họ làm lại.
Còn cái lớp Chánh Tư Duy thì mấy con đang học thì Thầy theo dõi, còn những bài họ thì Thầy không có chấm nữa đâu. Đợi đó cho đúng tới tháng 10, mà sắp sửa mở đó thì trước đó một tháng hoặc là hai tháng Thầy sẽ chấm bài của mấy con hết. Nếu được thì các con sẽ lên lớp Chánh Tư Duy mấy con tu còn không được thì mấy con ở lại tu học với cái lớp mới vô, lớp Chánh Kiến.
Nghĩa là coi như là mấy con ở lại trong cái lớp Chánh Kiến nhưng mà mấy con rèn luyện cái tri kiến của mấy con ở trong những tháng này. Còn những người mới vào đây, thì họ tiếp tục họ cũng làm bài như mấy con.
Nhưng mà mấy con chỉnh đốn lại mấy cái điều sai của mấy con, điều mà chưa có thấu triệt của cái lớp Chánh Kiến thì mấy con ở lại mấy con làm bài cho nó thông suốt. Thấu triệt được rồi thì chừng đó mấy con mới được lên lớp Chánh Tư Duy.
Thì trong khi tới tháng 10, trước đó chừng hai tháng thì Thầy sẽ đọc lại tất cả các bài của các con. Các con đưa Thầy, Thầy đọc lại, kiểm tra nếu mà người nào mà có đủ Chánh Kiến, có đủ điều kiện thì Thầy cho lên lớp Chánh Tư Duy.
Thì cái lớp Chánh Tư Duy này họ sẽ đi lên lớp khác chứ họ không có ở lớp Chánh Tư Duy đâu. Thì do đó chúng ta lại còn có một lớp Chánh Kiến, một lớp Chánh Tư Duy rồi lớp Chánh Ngữ. Nó đi lần mà, nó đi lần chứ nó không có mất. Chứ bây giờ cái lớp Chánh Tư Duy nó lên lớp Chánh Ngữ rồi bây giờ mấy con còn ở lại lớp Chánh Kiến thì như vậy cái Chánh Tư Duy nó không có, lớp kia nó lên Chánh Ngữ rồi, nó đâu còn ở Chánh Tư Duy nữa. Cái chương trình người ta tu học nó vậy.
Còn bây giờ mấy con ở lại mấy con làm thì sau khi mấy con làm xong thì cái số người này được lên cái lớp Chánh Tư Duy thì lớp Chánh Tư Duy nó lên lớp Chánh Ngữ rồi. Nó thành hình từng lớp rồi đó mấy con, nó có từng lớp rồi. Do đó, cái lớp Chánh Kiến là cái lớp mà mấy con còn ở lại, mà làm bài chưa được thì mấy con còn ở lại cộng với một số người sẽ vào xin tiếp tục. Có một số người xin mà Thầy không cho họ về đó, do đó cái số người này họ sẽ trở lại trong một tháng 10 thì cũng như là chúng ta sẽ có những lớp.
Trong một năm nay chúng ta học, chúng ta thấy lớp Chánh Kiến có, lớp Chánh Tư Duy có, rồi Chánh Ngữ có. Cái lớp mấy con mà Thầy cho lên đó là mấy con sẽ lên lớp Chánh Ngữ, còn cái lớp mà ở lại làm bài đây thì sẽ lên lớp Chánh Tư Duy. Các con thấy chưa? Nó có thành hình, nó lần lượt nó đi thành hình, nó tới cái lớp Chánh Định luôn.
(38:38) Nó có một cái sự tổ chức dạy đi lần lên, nó có từng lớp, từng lớp lên. Tới cuối cùng nếu mà cái lớp Chánh Định nó chỉ còn có một người thì cái người đó chứng đạo chứ sao? Còn mấy con có rớt lại thì mấy con ở lại. Ví dụ, như là Chánh Niệm, mấy con ở lại thì Chánh Định mấy con lên không được thì mấy con ở lại Chánh Niệm tu một năm nữa, tu ba tháng hay sáu tháng nữa.
Khi nào mấy con đủ Tứ Thần Túc thì mấy con sẽ lên Chánh Định chứ có gì đâu. Mà Chánh Định thì tốt nghiệp ra trường, xong rồi thì ra trường thì cái lớp khác nó lên nó thế vô nó học.
Vậy chúng ta có tám lớp, liên tục chúng ta có học sinh tám lớp. Đương nhiên cái Tu viện Chơn Như nó sẽ thành tám lớp học lận. Còn bây giờ nó mới có được hai lớp Chánh Kiến với Chánh Tư Duy. Bây giờ mấy con sắp sửa lên Chánh Tư Duy thì chúng ta ở đây có hai lớp. Sau đó thì mấy con lại lên lớp Chánh Ngữ thì cái lớp mà còn đang ở lại đây làm bài thì nó lên lớp Chánh Tư Duy thì chúng ta có ba lớp. Các con thấy chưa? Thầy lần lượt Thầy mở nó đi tới tám lớp đủ đó.
Thì mấy con thấy đồng thời mấy con vô đây một lượt mà coi chừng có người mà người ta ở lớp Chánh Định còn có người con ngồi ở lớp Chánh Kiến nữa là khác. Tại vì mình không đủ khả năng thì mình không được lên. Mình lên trên đó thì cũng có làm gì đâu. Tu chơi chơi vậy thôi cho có hình thức: "Tôi cũng ngồi Đại học ấy chứ", kêu là học đại chứ nó có được cái gì? Nó có kết quả gì đâu, tu chơi chứ nó có kết quả gì đâu. Bởi vì cái kết quả nó cụ thể, nó rõ ràng nó phải có Tứ Thần Túc nó mới lên lớp Chánh Định chứ còn nó chưa có Tứ Thần Túc thì lên lớp Chánh Định sao được.
Thôi rồi ha, bây giờ mấy con còn hỏi gì hay không? Lần lượt rồi Thầy sẽ cho in cái tập báo Xuân đó, gửi cho mấy con.
HẾT BĂNG