LCK 091B - ĐỨC TỪ TÂM (TU SINH THANH QUANG)
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Thời gian: 14/02/2006
Thời lượng: [39:59]
(00:00) Trưởng lão: Thanh Quang hãy đọc bài của con: Đức Từ Tâm.
Thanh Quang: Kính bạch Thầy, thưa Thầy, con xin phép đọc.
ĐỨC TỪ TÂM
Hằng ngày, khi gặp gỡ, tiếp xúc nhau người ta thường lưu ấn tượng và khen những người sống hiền từ, đạo đức. Người sống hiền từ đạo đức, ai cũng muốn gần. Hiền từ là nếp sống quý nhưng từ tâm còn quý hơn nhiều.
Từ tâm là cốt lõi, là chất liệu cơ bản của đạo đức làm người. Từ tâm là lòng yêu thương chân thật, mênh mông, vô tận của con người với thiên nhiên, với cỏ cây, đất đá, sông núi, muôn vật, với con người và cuộc sống của con người. Đó là nơi bắt nguồn của mọi hành động sống tốt đẹp để cuộc sống con người trở nên an vui, hạnh phúc.
Ngược lại con người không có Đức Từ Tâm, quan hệ giữa con người và con người trở nên khô khan, nóng bỏng và giá buốt như sự sống giữa sa mạc. Mọi bất hạnh thật khủng khiếp nhất do từ con người mang đến cho con người. Nó còn tai hoạ, tối tăm hơn mọi loại địa ngục.
Đức Từ Tâm của con người trải mênh mông khắp vạn vật, cũng như không khí trong lành có ở khắp mọi nơi.
Ở đây chúng tôi xin đề cập đến Đức Từ Tâm của con người trên hai lĩnh vực:
(01:50)1. Đức Từ Tâm của người với thiên nhiên và loài vật.
Con người có thông minh, trí tuệ và năng lực mạnh mẽ như hôm nay, song ban đầu cũng từ những đơn bào, đa bào, từ rong rêu, thực vật mà ra, cũng bắt nguồn từ những sự sống đơn giản qua quá trình tiến hoá hàng vạn triệu năm để đến con người hiện đại. Không có đấng tối cao hoặc Thượng Đế nào có thể tạo ra con người. Cuộc sống con người là do con người quyết định, do cảm ứng nghiệp lực, do những hành vi thiện ác của con người quyết định tương lai, số phận của con người. Tiến trình tiến hoá của con người là tiến trình đẫm máu và nước mắt. Con người đã tự dẫn dắt và cũng tự đày đọa con người.
(02:40) Cỏ cây, muông thú, trời biển, sông núi, đất đai tưởng như trường tồn muôn thuở nhưng cũng đều biến đổi từng giây, từng phút dưới hai luật cơ bản: luật nhân quả và luật tác động của con người.
Hành tinh này xanh, sạch, đẹp với những công trình kiến trúc nguy nga, lộng lẫy, khắp nơi, khắp chốn như cảnh trời Tây Phương Cực Lạc mà con người đã khéo tưởng tượng. Hoặc mặt đất màu xanh tàn lụi, nước ngọt khô kiệt, sa mặc hoá, hành tinh chết dần cũng do con người mà ra. Cũng như câu thành ngữ nôm na, hàm súc thâu tóm đầy đủ thói đời và sự đời: "Yêu nên tốt, ghét nên thù"
Con người có từ tâm thì mọi cái xung quanh ta sẽ đẹp lên, không có lòng từ, tức ghét bỏ, đối xử ác với nó thì nó tàn lụi, hư hoại. Từ vạn triệu năm trước khi con người biết ý thức về vai trò môi trường sống là lúc con người biết yêu rừng, biển, sông, núi, nắng, mưa, ruộng, vườn với tình yêu thắm thiết. Nhờ nơi đó, con người có miếng ăn và sự sống được duy trì:
"Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy bát cơm đầy
Lấy khúc cá to"
(04;05) Hoặc câu:
"Muốn tắm mát lên ngọn sông đào
Muốn ăn sim chín thì đào rừng xanh"
Với con người, mẹ là tình yêu thiết tha, thiêng liêng, sâu sắc nhất, gần gũi nhất. Từ xa xưa người nguyên thuỷ đã coi rừng là mẹ, biển là mẹ, đất trời là mẹ. Phải chăng như vậy nên tín ngưỡng nguyên thuỷ mới có 4 Mẫu: mẫu Thượng Thiên, mẫu Thượng Ngàn, mẫu Thoải, mẫu Địa Hoàng; dưới mẫu nhỏ hơn là các Thần: Thần Núi - Cao Sơn, Thần Sông - Hà Bá, Thần Đất - Thổ Thần và Thần Sét - Thiên Lôi.
Xuất phát từ biết ơn, yêu thương, tôn kính, người ta đã làm lễ Thượng Điền- Xuống Đồng khi bắt đầu vào vụ cấy, lập miếu thờ ở cửa rừng và làm lễ khi vào thay rơm rạ. Lễ Long Vương, thuỷ thổ khi ra biển, ra khơi. Thật ra Thần linh chẳng qua chỉ là cách con người bày tỏ lòng biết ơn, sự kính quý; để rồi con người bày ra, con người phải chịu chính sự chi phối đó.
(05:17) Thiên nhiên với con người là cơm ăn, nước uống, khí thở không thể thiếu. Hàng ngày, con người phải quan sát thiên nhiên để nhận biết nắng mưa, gió bão. Trông vào cỏ cây, sâu bọ để biết thời tiết, nông vụ gieo trồng.
"Bao giờ đom đóm bay ra
Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng"
Trông sao Thần Nông, ông ngồi thẳng lưng thì làm đất, tháng Sáu khi ông cúi rạp thì bắt đầu cấy. Trông sao Hôm, sao Mai, sao Vợt, sao Tua Rua, bóng nắng để biết sớm muộn, ước độ việc làm.
Cũng là:
"Trông trời, trông đất, trông mây
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm"
Thiên nhiên đã che chở, đùm bọc, nuôi dưỡng, chia sẻ, gần gũi hòa quyện với con người nên tình người và thiên nhiên là tình sâu sắc, là tình yêu sâu nặng.
Thiên nhiên với con người như mẹ, như cha nhưng lại như người bầu bạn tâm tình, chung thuỷ và rất tin cậy. Khi gặp khổ đau, mất mát, tuyệt vọng thì suốt đêm kêu Trời; gặp điều oan ức không thể giãi bày, nước mắt dài, nước mắt ngắn cũng chỉ còn biết lấy trời đất ra để thề thốt, xin Trời Đất làm chứng. Đồng lúa xanh rờn, cánh cò thẳng cánh, dòng sông, cây đa, bến nước, con đò đã làm những chất liệu tạo nên tâm hồn Việt Nam.
Hàng ngàn năm liên tục chống ngoại xâm, bao thế hệ đã âm thầm đổ máu. Họ lặng lẽ ra đi để bảo vệ bằng được cuộc sống yên lành cho cha mẹ vợ con, người thân, làng xóm, trong đó có tình yêu tha thiết với quê hương, với đất đai sông núi, cõi bờ.
Xưa nay nhiều người Việt vì hoàn cảnh khi phải ra đi rời bỏ quê hương Tổ quốc đã gói nắm đất mang theo. Nắm đất quê hương vẫn bên họ cho đến khi nhắm mắt, vĩnh biệt cuộc đời, mắt tuy nhắm vẫn nỗi khắc khoải, đau đáu về một miền quê có con đê mùa xuân cỏ non xanh rợn, con kênh nước đục lờ lờ, chiếc cầu tre lắt lẻo, một tiếng gọi đò, tiếng chim trong vòm lá trong trẻo thánh thót, ríu ran, như trong đó có tiếng ai gọi tên mình.
(07:45) Đức Từ Tâm của con người với loài vô tri vô giác thảo mộc đất đai còn đến thế. Tình yêu với loài vật, chim muông, cầm thú còn sâu nặng hơn nhiều.
Trong tất cả các loài vật được con người chăn nuôi, có lẽ có hai loài được người nuôi sớm nhất. Hai con vật này gắn liền với miếng ăn, sự sống hàng ngày, và những bước phát triển của đời sống con người. Nó đã cùng con người chung sức, tận lực giúp con người lao động để kiếm miếng ăn, cùng dựa vào nhau, nương vào nhau để sống. Đó là con chó, hai là con trâu hoặc bò ở phương Đông - nơi làm lúa nước còn ngựa ở phương Tây.
(08:28) Khi đời sống con người hàng ngày trông vào săn bắn, hái lượm thì sự đánh hơi lùng sục mách bảo của con chó có vai trò rất quan trọng. Thậm chí chó còn xông vào tấn công con mồi, bắt cho con người không những chồn cáo mà còn cả nai hoẵng. Người đi săn biết công lao của chó và bày tỏ bằng cách chia phần thịt săn được trong các buổi, chia đều cho mọi người tham gia, có cả phần của chó.
Khi con người biết tụ lại, không di chuyển theo hái lượm, họ tiến xuôi theo con thuyền sang sông, trồng trọt, cấy lúa nước, làm nghề chăn tằm thì con trâu là vật đầu tiên ghé vai gánh vác phần nặng nhọc nhất cho con người. "Con trâu là đầu cơ nghiệp" hoặc "Làm ruộng không trâu, làm giàu không thóc". Những câu tục ngữ ấy đã nói rõ vai trò của con trâu với đời sống nông nghiệp cổ truyền ở nước ta.
Thành ngữ có câu "Miệng ăn, núi lở". Một gia đình một năm thóc ăn hết cót đầy, bồ vơi; thóc nhà vua chứa đầy trong kho lẫm. Tất cả đều từ hai bàn tay một nắng hai sương của con người cùng đôi vai kéo cày của con trâu ngày này qua ngày khác. Ruộng có thời vụ, lúa có thì, nếu không có trâu, dùng tay cuốc chân dẫm làm sao con người có thể làm nổi số đất để cấy đủ lúa nuôi sống con người. Các triều đại phong kiến khi cường thịnh, nơi thôn ấp trù phú, bách gia trăm họ yên vui, nhà nhà no ấm, ngẫm ra công của con trâu không nhỏ.
(10:07) Với chó khi con người sống bằng hái lượm, săn bắn, chó giúp người đắc lực trong từng miếng ăn. Người rời khỏi rừng, xuống đồng bằng, vật lộn với sông nước, bờ bãi, làm ra lúa gạo nuôi mình, tạo ra của cải dư giả thì con chó cũng về theo, ngày đêm bảo vệ tài sản cho con người.
Ngày đông tháng giá, miền Bắc sương muối, rét đến cắt thịt da. Đêm đêm, người và muôn vật yên giấc, chó nằm trong sân, cúi đầu cụp tai, lắng mình xuống đất run rẩy trông nhà. Động đậy chỗ nào là chạy quanh địa giới của chủ, bất cứ con chó nào cũng biết rất rõ về địa phận đất đai của chủ nó.
Chủ vắng nhà lâu, nó biết nhớ, chủ về nó mừng cuống quýt chạy ra chào đón. Chủ vui hỉ hả, chó chạy lên hai chân trước bám chặt chủ rối rít, thấy chủ đăm chiêu hoặc có chuyện bực, chó lặng lẽ nằm một chỗ, mắt lại lấm lét quan sát chủ rồi lân la bò đến liếm chân, liếm giày như an ủi sẻ chia. Nhiều khi ông chủ vũ phu bực mình, thuận chân cho cú đá thục mạng, chó kêu rú lên rồi khập khiễng tìm xó nằm không hề bao giờ tức giận chủ. Thế nhưng với người ngoài dù một lần cầm hòn đất ném dẫu đã một vài năm chó vẫn không hề quên chuyện cũ, có dịp là trả nợ ngay, nếu không thì cũng gầm ghè, lồng lộn.
(11:41) Chủ giàu sang phú quý, nhà dãy dọc, toà ngang, chó vẫn chăm sóc, chạy ngược chạy xuôi, không có sót chỗ nào. Bữa ăn vẫn chỗ cơm hớt mặt nồi lẫn tro bụi, gặm miếng chủ bỏ đi. Chủ thất cơ lỡ vận, công nợ ngập đầu, đói rách, chó vẫn sống với chủ như cũ chẳng đổi thay, trước sau như một. Chủ đi đâu, chó vẫn theo đấy, gặp khi chẳng còn miếng ăn, chó đói trơ xương, trơ sẹo, dẫu chết vẫn không bỏ chủ mà đi. Đúng là "Con không chê cha mẹ khó. Chó không chê chủ nghèo"
Dẫu chủ có mang cho đi bán xa cách biệt dăm cây số, có con mấy ngày sau, chó vẫn tìm về với chủ cũ. Có khi xa cách dù đã vài năm, bất ngờ gặp lại chó vẫn mừng quýnh, nhảy chồm lên, ôm lấy chủ của nó ngày nào.
Chúng tôi có bà cô ở Thuận Thành, Thanh Hoá. Một lần về thăm bà, được biết và nhớ mãi câu chuyện về con chó của nhà bà. Khi sinh thời, chồng bà rất quý con chó được nuôi, nó cũng bình thường chẳng có gì khác con chó khác. Thế rồi trận ốm năm ấy, ông ốm nặng và ra đi, suốt mấy ngày, quan tài ông quàng ở giữa nhà, hương khói nghi ngút chờ mai táng. Trong cơn đau đớn, người nhà chẳng có ai còn bụng dạ để ý, nhưng hàng xóm đến ai cũng thấy con chó nằm phủ phục ở dưới gầm quan tài.
(13:16) Khi đã mồ yên mả đẹp, một hai ngày sau, người nhà mới nhận ra là mất chó, mất từ hôm đưa đám. Thời buổi, kẻ đánh bả chó hoặc chạy honda, ném dây thòng lọng siết cổ chó suốt ngày diễn ra nhan nhản nên ai cũng cho là chó đã bị mất.
Phải đến hàng tuần sau có người hàng xóm đến mách bảo gia đình, hãy ra chỗ mộ xem sao, hình như họ thấy có bóng con chó ở ngoài bãi. Bà cô tôi nửa tin, nửa ngờ rồi cũng xới bát cơm mang theo. Đến nơi, bà thấy con chó đang nằm phủ phục ở phần mộ, thân gầy rộc, bụng lép kẹp dán xuống đất, nó đã nhịn ăn bao nhiêu ngày.
Con chó mệt mỏi đưa mắt nhìn chủ nhà, và vẫn nằm im như thế. Bà khóc, đặt bát cơm trước mặt rồi nói với nó mà như nói với bạn: "Thôi mày ăn đi, cố mà ăn, đằng nào người cũng chết rồi, mày ăn mới sống được chứ". Chả biết nó có hiểu không nhưng nghểnh cổ liếm láp mấy hạt rồi buồn bã đứng lên rồi lững thững đi theo bà về. Nếu không ai biết chắc con chó cũng chết ở đó.
Đó là cái tình giữa người và vật, giữa vật với người. Đó là Đức Từ Tâm mà nên chuyện.
(14:41) Ở đời phàm có tình là phải có nghĩa. Tình là cái yêu mến, cái rung động, là cái cảm xúc nảy sinh trong quan hệ hai chiều. Tình là cảm tính thì nghĩa là phần đáp lại tiếp theo, là bổn phận, trách nhiệm, nên nghĩa đã thiên về lý tính. Có tình yêu thương mênh mông, rộng khắp, yêu thương hết thảy mọi vật, mọi loài từ một nhánh cây, ngọn cỏ, con sâu, con kiến là có Đức Từ Tâm.
Nhưng không phải mọi tình yêu đều là từ tâm. Từ tâm phải xuất phát từ cái gốc tư duy chân chính mới thực sự là đức từ. Có nhiều việc trên đời "Yêu nhau lại hoá bằng mười hại nhau". Hoặc có khi yêu có động cơ, yêu cho mình, yêu một chiều. Đó là tình cảm ích kỷ hẹp hòi, yêu mang đến cái khổ cho đối tượng.
Chúng tôi nhớ lại việc hồi nhỏ, có lần mua một đôi ngan con về nuôi. Ngày ngày cày nắng bắt giun dế cho ngan ăn, ngan lớn như thổi, chẳng mấy chốc ngan đủ lông bóng mượt, suốt ngày ngồi ngắm rồi ôm ngan để chơi. Hôm ngan bị cúm, lăn ra chết, tôi cũng lăn ra khóc, khóc đến hết nước mắt, khóc giãy trời đến không ai khuyên can được. Sau này lớn mới nhận ra lúc ấy khóc thương ngan thì ít, mà hóa ra khóc vì mình, mất ngan là mất sự thích thú, mất ngan là mất của, mất sạch vốn riêng.
(16:13) Chúng tôi cũng đã có những ngày yêu thích cây cảnh, sớm tối đánh lên, hạ xuống, từng bước đưa cây vào chậu, sớm tinh mơ đã dậy ngắm, nửa đêm vẫn đứng sát chậu ngó nghiêng. Lúc trăng thanh, gió mát cùng bạn bè bên ấm trà tấm tắc xem cây. Nào thế trực, thế hoành, nào đầu long, long giáng, nào phu tử, nào huynh đệ đồng khoa… Nhưng hoá ra cũng là cái thích ích kỷ của mình. Chính mình càng nghĩ càng thấy ác. Cây đâu phải hòn đá, nó cũng biết ăn, biết uống nước, biết hút nhả khí trời, biết ưa sống gần người, ưa tự do phát triển.
(16:56) Khi ở đất tự nhiên, cây thảnh thơi, tươi tốt nở cành xanh ngọn, khi bị khoanh bộ rễ theo chậu, cây héo hon, vắt veo. Người không để cho cây chết, bắt phải sống nhưng sống kiểu nửa chết, nửa sống. Hàng ngày, tay phải tay trái, ngắm chán lại đem ra cắt tỉa cành, đục thân cây thành hang hốc, ép cho lá thật nhỏ, làm cho gốc và thân cọc còi, xù xì, già cỗi, càng già cỗi, càng teo càng tốt, để người ngắm cho đã cái ý thích của riêng người.
Người coi đó là tài hoa, là sự sáng tạo là nghệ thuật. Làm gì có thứ nghệ thuật lại đớn đau sự sống dù đó là cây, là lá, đi ngược lại quy luật tự nhiên để phục vụ cho sở thích cá nhân. Nếu gọi đó là nghệ thuật thì là thứ nghệ thuật độc ác, cầm tù giam hãm, làm đau, làm chột sự sống cỏ cây.
Đấy không phải là cái thế giới thứ hai rất thú vị mà con người đã tạo ra như có người đã ca ngợi. Những thứ cảnh ấy là đồ giả, là mơ hồ, có người nào sống trong thế giới ấy. Ở đời ai chẳng biết cảnh cá chậu chim lồng là khổ. Vậy cây trong chậu có khác gì cá trong chậu, chim trong lồng.
Người ta lấy sự khổ sở, bức bối bị giam hãm của con chim làm thích thú, lấy tiếng kêu khổ đau khắc khoải sớm tối trong lồng gọi bạn làm sự thưởng thức. Và cho đó là thanh cao thì thật là cá với cơm lẫn lộn.
(18:40) Ấy là chúng tôi đã tự nghĩ như vậy nên thả chim không nuôi nữa. Yêu nó là phải cho nó tự do về với trời xanh, về với đồng loại chứ không phải cưỡng bức, chiếm hữu. Xưa nay cưỡng bức và chiếm hữu sao được gọi là tình yêu. Đấy chỉ là sự thích thú, ích kỷ đáng thương của kẻ có quyền thế.
Cũng là nuôi thú vật, có người đêm hôm rét buốt, nghĩ thương con trâu con lợn, họ trằn trọc không ngủ nổi, lúc thì đến dắt cho nó nắm rác để nằm, cho nắm cỏ để ăn, có khi tìm mảnh vải, tấm bố che gió hoặc đắp lên lưng trâu, mong cho nó đỡ rét đôi phần.
Những hành động đó được xuất phát từ lòng yêu thương loài vật. Nó là Đức Từ Tâm, là tự nhiên chân thật trong lòng. Nó ấm áp mang đến an vui cho muôn vật. Người có Tâm Từ, họ biết coi thân mình như thân muôn vật, muôn loài vật cũng được quý trọng như thân mình. Ở đấy là sự bình đẳng và tôn trọng sự sống.
Cũng là chăn nuôi nhưng với người không có Tâm Từ, họ nghĩ cách nuôi chỉ cần lợi ích cho họ. Đó là kiểu lợn thả, gà nhốt. Người ta đóng một cái chuồng tre bằng gỗ thật nhỏ, nhốt con gà sống mới biết gáy độ một kg vào đấy, gà đứng chứ không thể quay qua, quay lại được, chỉ có thể thò cổ ra một phía, mổ thức ăn.
ứ thế gà bị ngày đêm đày đoạ, chân xuống máu không hoạt động lâu ngày, đụn thịt, béo tốt, và đến lúc được giết để ăn, người ta tấm tắc khen xương mềm, thịt ngọt.
Sống không có từ tâm với thiên nhiên, với sự sống muôn loài là sự sống lạnh lùng độc ác, không yêu sự sống, không yêu loài vật, loài vật cũng không yêu ta. Tình người với vật thờ ơ nhạt nhẽo.
Nhân nào quả ấy, mọi bất hạnh đều có thể xảy đến. Khờ như con gà được ta yêu, ta chăm sóc, đi đâu cũng chạy theo quấn quít. Những con vật nhỏ bé yếu đuối dại khờ ấy, cũng chính nó có lúc dám xông vào mổ cả ta. Tình yêu thương mọi sự sống chính là sự giàu có, là sức mạnh không thể coi thường.
(21:11) 2. Đức Từ Tâm của con người với con người.
1.Con người với bản thân con người. Dân tộc ta có truyền thống "Thương người như thể thương thân". Thân là cái chủ thể, người là khách thể. Chủ thể và khách thể là hai mà bảo cùng thương như một. Nói như thế tức là đề cập đến đạo đức sống, mối quan hệ giữa ta và người. Xét cho cùng, cái cốt lõi của bản chất nền đạo đức chân chính là ở chỗ sống không làm khổ mình, khổ người.
Điều đó rõ ràng là một chân lí. Sống không làm khổ mình, khổ người là đạo đức, không sống như vậy là vô đạo đức, đã vô đạo đức thì không bao giờ có từ tâm.
Như thế nào là thương mình và làm khổ mình? Điều này thật không đơn giản. Thương mình ai cũng biết thương, cái khó ở chỗ là thương như thế nào cho đúng, thương như thế nào là sai?
Con người đã sinh ra ở trời đất thì phải sống như thế nào? Từ tấm bé, rời lòng mẹ khi ta đã biết chạy, biết nhảy, biết tự ăn, biết đi chơi. Mỗi người chúng ta đã được nghe cha mẹ, các bậc thầy, người trên giảng về luân lí đạo đức, dạy từ việc "ăn trông nồi, ngồi trông hướng", từ việc đi qua mặt người và rồi đến lượt chúng ta cũng lại hàng ngày dạy bảo con em cách sống.
Đó là trách nhiệm bổn phận loài người, là sự giáo dục thường xuyên ngoài nhà trường mang tính xã hội. Nhưng thực ra mỗi xã hội, mỗi hệ tư tưởng của giai cấp cầm quyền lại có những nội dung, những quy tắc, chuẩn mực khác nhau, và có những mẫu người khác nhau. Thế nên thương người như thế nào cho đúng, xưa nay chưa ai có thể đưa ra một mẫu hoàn chỉnh.
Nếu có ai đưa ra được chuẩn mực thương mình như thế nào cho đúng thì đã có một nền tảng cơ bản của đạo đức làm người. Sinh ra làm người ai cũng biết thương mình.
Từ khởi thuỷ đến nay con người vẫn thương mình theo kiểu bênh vực mình, chiều mình, nghe theo ý muốn ở trong mình mách bảo đến mê muội. Không phân biệt nổi việc thiện, việc ác; những điều nên và không nên làm. Cứ xem lũ trẻ, anh chị em cùng cha mẹ đẻ ra có ở đâu thoát khỏi cảnh tranh giành nhau, đánh lộn nhau, tranh miếng ăn, miếng đồ chơi, tranh nhau mọi thứ mà nó thích.
(23:47) Không chỉ trẻ, bao nhiêu gia đình, bố mẹ vừa nằm xuống, anh em đã tranh giành nhau quyết liệt về tài sản, đơn từ, kiện cáo, đánh nhau đến toạc đầu chẳng phải vì quá thương mình, mong mình được hơn người đó sao? Ngay cả đến khi đại diện công lý là luật pháp đứng ra phân xử, việc xử thì phải chịu chứ lòng tham cho mình, vì thương mình đâu có dễ thừa nhận lẽ phải.
Lối thương ấy nghĩa là chỉ thấy mình đúng, mình phải là sống chết phải bảo vệ mình. Nếu ai động đến mình, có nguy cơ xâm phạm danh dự tài sản, những cái mà mình yêu thích thì quyết chống lại. Hiểu như thế thì đích thực là không thương mình. Và ngay lúc đó cũng mất luôn cả lòng thương người.
Chỉ còn lại cái duy nhất là ác độc và ích kỷ. Kiểu thương đó là phản ứng trả đũa, có tính truyền thống, họ mắng mình thì mình mắng trả, họ chửi mình thì mình chửi theo, họ tấn công mình bằng nắm đấm ta cũng tấn công bằng vũ lực.
Đó là kiểu lấy hận thù trả hận thù, đời đời hận thù con mãi không hết.
Đó là con đường đưa mình, đưa người tới khổ đau, đến bất hạnh và tù tội.
Đó không phải là thương mình. Ngược lại là sự làm khổ mình. Nó là chứng bệnh mang bản năng tự vệ từ loài vật từ xưa còn rơi rớt lại. Chúng ta vẫn còn tính thú “tuốt đuôi cầm thú chưa trở thành người”.
Kiểu thương mình đó xuất phát từ tham dục, cũng là gốc của sân si. Không đánh được người, không trả được hận thì lồng lộn, uất ức, phiền não, la hét. Trạng thái đó đưa mình đến chỗ khốn khổ, nhưng sự thật không biết khi trả đũa rồi, tỉnh rồi lại một lần nữa làm khổ mình.
Đó là hậu quả những điều đã gây ra, không tù tội thì cũng đau đớn vì người khác đánh lại hoặc tổn thất tâm thần, xót xa. Đúng là "Không đánh được người thì mặt đỏ như vang, đánh được người thì mặt vàng như nghệ".
Sống không sân hận, tức giận, sống vui vẻ, hoà nhã, biết tha thứ buông xả, lòng tràn ngập yêu thương, sống tỉnh giác, luôn ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện là biết thương mình không làm khổ mình. Đây là Đức Từ Tâm với mọi người.
Trong các thói xấu của con người có một thói xấu rất phổ biến mà nguy hại, đó là sự sân hận. Đã sân hận tức thiếu Đức Từ Tâm. Cuộc sống hàng ngày là cuộc vật lộn mưu sinh, là chiến đấu quyết liệt với đủ thứ, cái thuận thì ít, cái nghịch thì nhiều.
(26:41) Nếu ta cứ bình tĩnh nhẫn nhục, tùy thuận thì sẽ liên tục nổi sân hận. Lúc sân hận không còn tỉnh táo sáng suốt. Sân đi liền với si như gió bão đi kèm với mưa lớn. Khi sân nổi lên, mống mắt long sòng sọc, dữ tợn, da mặt có người tím bầm, có người đỏ hai mắt, cũng có người sắc tái nhợt, máu bốc lên đầu, hai thái dương giật thình thịch. Khắp toàn thân căng chặt như chiếc đồng hồ vặn thật căng dây cót, như chiếc đàn lên hết cỡ dây. Sự mất bình tĩnh là khi đập tiếng đàn rối loạn, chân tay có khi run rẩy. Những khi đó con người dẫu thường hàng ngày nhút nhát, nhu nhược, lúc này cũng sẵn sàng nhảy vào lửa hoặc hung tợn như con mãnh thú bất thần lao vào con mồi.
(27:34) Cơn sân lên làm cho chân tay người ta vung vẹo, múa may, miệng gầm thét mép sùi bọt trắng, họ lồng lộn dẫm bàn đạp ghế, vớ gì văng lấy, túm ngực, dứt cúc, phanh áo, có khi đập đầu vào tường, túm gậy, túm dao sẵn sàng đâm mình chém người, sắc gọn như chém chuối. Cơn sân với con người thật kinh khủng, ghê sợ, người xưa đã tổng kết: "Nhất niệm tâm sân khởi, bách vạn chướng môn khai".
Cơn sân lui là nhà cửa tan hoang, không đến mức độ dập nát thì người cũng mệt mỏi, rời rã, buồn khổ hoặc sân hận ê chề. Sân đến bất cứ lúc nào, không từ bất kể ai một khi gặp cảnh trái ý, nghịch lòng. Kể từ người vô học, đần độn, ngồi đâu im như đống đất đến người học cao, nhiều hàm, nhiều vị, quyền thế ngất trời. Có khi quyền thế càng to, cơn sân hận càng lôi đình sấm sét, vô minh, vô lý đến tột cùng.
Xã hội ngày càng phát triển, văn minh tri thức con người càng mở mang. Sự hiểu biết có thể đưa con người đến sao Kim, sao Hoả nhưng cái ngu của sân hận thì không thay đổi. Thậm chí xã hội càng hiện đại, sự sân hận của con người lại càng nhiều hơn xã hội thời nông nghiệp cổ truyền.
(29:00) Đã sân si lúc đó là toàn ác, là đối lập với từ tâm và đạo đức. Sống sân hận, là sống làm khổ mình, không biết thương mình. Không có ai trên đời này chỉ thương người mà cấp nhất không yêu thương mình. Các bạn sống với Đức Từ Tâm cao cả, nó là cội nguồn của yêu thương, là chất liên kết keo sơn, gắn bó sống còn giữa con người và con người. Thì phải tẩy rửa gột trừ thói giận dữ, sân si. Thương nhau mới không làm khổ nhau, thương nhau là mang đến cho nhau những lời ngọt ngào, những cử chỉ âu yếm, mới có sự cảm thông, trân trọng. Mọi người sống với nhau trong tin cậy, ấm áp, yên vui trên hành tinh này. Điều con người cần đến trước nhất, sớm nhất với con người là Đức Từ Tâm. Mấu chốt của cuộc sống bình an phát triển và hạnh phúc là từ đó.
(30:00) Thời đức Phật tại thế, có một hôm đức Phật đến trú xứ, Ngài hỏi các đệ tử:
- Các ông sống chung có an vui tu tập không?
Một vị đệ tử thưa:
- Con sống theo ý các bạn đồng tu chứ không sống theo ý con.
Mấy vị khác cũng đáp tương tự như vậy.
Đức Phật khen:
- Như vậy tốt lắm. Đây mới thật là độc cư.
Truyện ngắn gọn mà bài học thật thấm thía, sâu sắc. Chúng ta mỗi người một khuôn mặt, mỗi người một nết, chẳng ai giống ai. Trong sự giao tiếp, gặp gỡ công việc không thể tránh khỏi những trái ý, bực mình. Và ngay chính ta đối với ta cũng nhiều lúc mâu thuẫn, tự ta không vừa lòng với ta, huống chi là với người khác.
Nếu chỉ nhìn người, xét người bằng cảm tính, và những quan niệm của mình thì khó mà gặp gỡ đồng cảm với nhau. Kiểu sống liên tục đưa đến cho ta những va chạm chia rẽ, những cái nhìn hẹp hòi, thiển cận, có khi một nết đi, một dáng đứng cũng làm cho người ta khó chịu, một điệu cười cởi mở, vô tư của người khác cũng làm mình chối tai. Tính hay hát, thích bông đùa của người cũng làm ta căng thẳng. Có khi sự mau mồm miệng, hay chào hỏi khi gặp gỡ cũng làm cho người khác bực mình.
Chúng ta hoàn toàn có lý khi trách người khác tại sao họ không tự lao tác quét dọn vệ sinh buổi sáng nơi trú xứ. Quét dọn vệ sinh, là làm sạch môi trường là quy định cũng là trách nhiệm của mỗi Tu sinh trong Tu viện. Mọi người ai ai cũng làm, làm một cách tự giác siêng năng, quét tước vừa là hoạt động chân tay, thư giãn đầu óc mà vẫn giữ được tỉnh giác, mình làm biết mình đang làm, lòng thư thái nhẹ nhàng, cùng hoà nhập với nhau trong nếp sống thanh tịnh, từ bi.
(31:54) Trong khi đó lại có những người chưa chan hoà, họ sống dửng dưng, mặc ai làm cứ làm.
Với đức Trưởng Lão, sáng sáng dù mưa hay nắng, trời ấm hay rét, dù nhiều việc đến đâu, dù suốt đêm làm việc miệt mài, vừa tinh mơ, đến giờ lao tác, người ta đã thấy Ngài trong tay chiếc chổi đơm lá thừa, loại to và nặng vẫn đều đều thư thái, lặng lẽ quét hết nơi này đến nơi khác, Ngài quét thực sự, có khi quét còn nhanh hơn những người còn trẻ khoẻ, Ngài luôn có mặt ở những nơi ít ai quét đến, luôn xuất hiện ở những buổi, những khi ít người làm.
Ta tự hỏi tại sao lại như vậy? Trước nhất, tuổi đời Ngài đã vào vòng tám mươi. Ngài chưa được thanh thản Niết Bàn, đang phải thầm lặng từng phút từng giờ làm việc, làm việc vì niềm hạnh phúc, vì cuộc sống của con người với một nền đạo đức nhân bản - nhân quả.
(33:02) Trong tương lai, sứ mệnh lịch sử vĩ đại nay mới bắt đầu. Con đường tám nẻo đang được triển khai. Thời gian từng giờ từng phút đã từ lâu không còn là của riêng Ngài. Tất cả mọi thứ Ngài đã thuộc về tài sản vô giá của chúng sinh trên toàn hành tinh. Ngài rất rõ việc Ngài làm, cái gì sẽ thành, cái gì phải đến Ngài biết rất rõ sự quý báu của thời gian. Nhưng với lòng yêu thương mênh mông vô tận Ngài vẫn trong tay cái chổi cùng với đàn con sáng sáng cùng làm.
Từ gương hạnh thân giáo của Ngài, khi đức Từ Bi trong ta khởi sắc, cũng vấn đề quét dọn, tự nhiên ta lại thấy nó hoàn toàn khác.
(33:46) Ta không còn vướng víu chuyện người có làm hay không làm. Trước hết ta xét ta làm là ta biết ta làm. Ta làm vì việc cần phải làm, ta không so sánh, nhìn ngó một ai. Nhiều người quét xong việc sớm cũng vậy; những hôm mưa gió ít người quét, xong muộn cũng không sao. Nếu giờ sắp lên lớp, ta tỉnh thức ngừng tay, không để việc đó ảnh hưởng đến việc kia.
Được làm phần việc giúp người khác là niềm vui, lòng ta bỗng trở nên nhẹ nhõm, thích thú, biết họ lười quét có khi ta lại bật cười xòa, đầy lòng cảm thông, châm trước. Có khi lại vui, mỉm cười khi nghĩ về họ. Ta không còn nhìn sự việc theo kiểu của kẻ phân tích, quy kết, không quan sát theo kiểu bới vết, tìm lông; không rơi vào quen thói xét lỗi người với những hẹp hòi, khe khắt, chấp nhặt. Khi đã nhìn người với ấn tượng và định kiến tất nhiên ta càng thấy thêm những lỗi, những thiếu sót của người. Điều đó không khác mang chiếc kính râm màu xám, nhìn vật gì cũng ra màu xám.
(34:58) Ta và mọi người còn trong tham dục, vô minh ai cũng đầy những cái ác. Tại sao ta không tìm những cái tốt ở người lại cứ để tâm khoét những cái lỗi của người. Ngay lúc đó, bản thân ta có thể đẹp chăng.
Với Đức Từ Tâm đầy lòng yêu thương người, quan tâm chăm sóc đến niềm vui cuộc sống những người xung quanh, ta sẽ thấy ở họ rất nhiều mặt tốt, những điều thật đáng yêu. Nếu không yêu, không thể nhìn thấy.
Cũng là việc họ không quét dọn nhưng khi có Đức Từ Tâm, tự đáy lòng ta nảy mầm thiện, những ý nghĩ trong sáng, cao đẹp, bừng lên; ta có ý nghĩa khác. Có khi lại cảm phục, lại nể sự say mê học tập, say mê viết lách của họ đến quên cả thời gian, quên cả quét dọn.
Cái mà ta ngứa mắt, ta bực dọc với họ trước kia, tự nhiên biến mất, còn lại là nỗi cảm thông, mọi chuyện trở thành bình thường, thấy đáng yêu. Thậm chí ta còn nói với ta: bạn cứ tiếp tục đọc sách, cứ ngồi mà viết đi, chẳng có vấn đề gì, đã có chúng tôi quét dọn.
(36:08) Trong cuộc sống, Đức Từ Tâm thật ngọt ngào êm ái, nó thẩm thấu, nhu nhuận, thấm đượm đến mọi vật, từ cỏ cây hoa lá, đất đai muông thú vạn vật. Từ tâm tỏa đến đâu, ở đấy cảnh sắc xanh tươi chim chóc ríu ran, lòng người phơi phới, hoan hỉ. Cuộc sống an bình. Nó hoá giải mọi khổ đau oan trái, mọi thù hận, mang đến cho con người với con người sự tin yêu, tâm hồn thanh thản và sức mạnh không ngờ.
Đức từ tâm là một trong Bốn Đức Tứ Vô Lượng Tâm. Là bốn pháp tu độc nhất. Một trong bốn pháp đó sung mãn đều có đủ Tứ Thần Túc, đưa ta đến dứt trừ lậu hoặc, giải thoát viên mãn. Trau dồi Đức Từ Tâm là sự tu tập hàng ngày.
Ở đâu, chỗ nào cũng có thể dùng tri kiến quán xét mọi sự, mọi việc để ta luôn sống trong Chánh Kiến, có Chánh Kiến Đức Từ Tâm sẽ ngày càng tăng trưởng, từ tâm là Ngăn ác, Chặn ác. Muốn ngăn ác phải luôn tỉnh thức, sống trong Chánh Niệm Tỉnh Giác, chính là đang bồi đắp Đức Từ Tâm. Thiếu Chánh Niệm Tỉnh Giác, ta luôn phạm lỗi, làm điều ác trên ba nơi thân – khẩu – ý tức luôn phạm giới luật.
(37:31) Muốn có Chánh Niệm Tỉnh Giác, ta đã có pháp tu. Tu các pháp này điều quan trọng là phải tập kỹ lưỡng từng hơi thở, từng bước đi một cách cơ bản, phải tiến chắc từng bước; được bước thứ nhất mới đến bước thứ hai.
Thiếu bền bỉ, thiếu cơ bản sẽ rơi vào tập chiếu lệ, sẽ dậm chân tại chỗ.
Hàng ngày trong Bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi không được buông lung; lúc nào cũng tỉnh thức trên Ba nơi thân, khẩu, ý.
Về thân, từng cử chỉ của mình, bước chân phải xem mặt đất có côn trùng không, hoặc uống nước, xem xét kĩ trong đồ ăn, nước uống; ngả lưng xuống giường cần phải xem chiếu xem chăn; từng nhát chổi cũng phải tỉnh thức, giữ gìn lo mạng sống của các loài bé bỏng. Không có tỉnh thức, đang làm bị muỗi cắn đau, phản xạ tự nhiên đưa tay đập giết muỗi thì sự tu tập Đức Từ Tâm không thể trọn vẹn.
Về khẩu, phải im lặng độc cư, khi cần nói hãy nói những lời từ ái, yêu thương, chân thực, không làm đau lòng người, không nói những lời ly gián chia rẽ. Phải để ý, luôn tỉnh giác xem ý khởi niệm, thiện hay ác; là tri kiến giải thoát hay dục vọng tối tăm. Ý khởi, đó có hại gì cho mình, cho người.
Tu tập Đức Từ Tâm là học hỏi suy tư nhìn nhận về sự vật hiện tượng đều trong thiện pháp. Từng cử chỉ, hành động dù nhỏ nhất cũng phải tránh động chạm làm đau khổ chúng sinh.
Áp dụng Đức Từ Tâm vào cuộc sống là biết thương mình, thương người, thương vạn vật cỏ cây, muông thú.
Đứng trước mọi nghịch cảnh không giận dữ, buồn phiền, biết độ lượng, tha thứ, buông xả. Từ sự hiểu biết về nỗi khổ đau của muôn loài như thật nên lòng ta sinh khởi yêu thương.
Lòng yêu thương chính là Đức Từ Tâm cho nên Đức Từ Tâm xuất phát từ sự tư duy chân chính. Có Đức Từ Tâm sự sống con người sống con người trở nên cao thượng. Mọi người biết sống với Đức Từ Tâm, cuộc sống sẽ tươi đẹp biết bao. Mọi nỗi khổ đau sẽ được giảm thiểu và tiêu diệt.
HẾT BĂNG