00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

LCK 082A - CHÁNH TƯ DUY XẢ TÂM - ĐIỀU KIỆN TRƯỚC KHI VÀO LỚP CHÁNH TƯ-DUY - SẮP LỚP

LCK 082A - CHÁNH TƯ DUY XẢ TÂM - ĐIỀU KIỆN TRƯỚC KHI VÀO LỚP CHÁNH TƯ DUY - SẮP LỚP

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu sinh

Thời gian: 06/02/2006

Thời lượng: [24:02]

1. CHÁNH TƯ DUY - SUY NGHĨ CHÂN CHÁNH ĐỂ XẢ TÂM

(00:00) Trưởng lão: Chánh Tư Duy, suy nghĩ để xả tâm mình mà mấy con suy nghĩ quá cạt, không xả được tâm, bị ức chế tâm, thì lớp học đó, những người đó sẽ được tách ra một lớp khác để hướng dẫn cho họ trở về lớp Chánh Kiến. Còn hiện giờ nếu bỏ cho mấy con ở lại thì hầu hết có một số người đều đến xin Thầy cho lên được học lớp Chánh Tư Duy, đừng bỏ họ ở lại, họ quyết tâm tu tập để xả tâm. Vì vậy mà Thầy rất là thương nhưng không biết các con có quyết tâm tu tập để được giải thoát hay không?

Nếu sự thật mấy con quyết tâm, nó không phải khó, mặc dù tri kiến mấy con không thể lý luận như những người khác, nhưng mấy con biết cách xả thì mấy con cũng xả được như thường, chứ không phải khó khăn gì cả. Nếu mấy con biết cách xả thì cũng dễ dàng chứ không có khó.

Ví dụ như mấy con tu Tâm Từ, khi mấy con tư duy suy nghĩ để mà xả tâm của mình bằng Tâm Từ hoặc là Tâm Bi của mình. Khi bình thường mình không sân, không giận, không tham muốn, mà có tham muốn, có giận hờn thì đó là mình không có Tâm Từ với mình. Nếu mình để tâm sân, tâm tham, tâm si có nơi mình xảy ra, mà mình không đẩy lui, không ngăn được tâm tham, sân đó thì mình không có Tâm Bi với mình. Đó là cách thức để chúng ta xả tâm, nhắc tâm mình.

Nếu mình thương mình thì mình đừng để cho tâm mình sân, tham, si, thì đó mình thương mình. Còn mình không thương mình thì mình để cho tâm mình có tham, có sân si. Chỉ cần hiểu như vậy thì mình đã tu được Tâm Từ. Còn mình đã lỡ cho tâm mình có sân, có tham muốn, có si mê mà mình không ngăn diệt, mà mình để cho tâm mình kéo dài, thì đó mình thiếu Tâm Bi đối với mình. Còn Tâm Hỷ và Tâm Xả thì rộng rãi hơn.

2. ĐIỀU KIỆN TRƯỚC KHI VÀO LỚP CHÁNH TƯ DUY

(03:02) Trưởng lão: như vậy trong lớp này, Thầy sẽ căn cứ vào những bài của mấy con viết, người nào được lên lớp Chánh Tư Duy thì Thầy có đề trong bài là mấy con được lên lớp Chánh Tư Duy. Còn những người nào chưa được ghi trong bài, chưa có Chánh Tư Duy thì mấy con sẽ được Thầy kiểm tra lại nếu đủ tiêu chuẩn, Thầy sẽ cho mấy con vào lớp Chánh Tư Duy.

Như bài này của Mỹ Thiện: “Con được nhận vào lớp Chánh Tư Duy, phải cố gắng tu tập con ạ. Bài này sẽ được đưa vào Diễn đàn Chơn Như”. Bài của mấy con mà được ghi đưa vào Diễn đàn Chơn Như, thì sau này những bài này mấy con giữ lại, đồng thời sau đó Thầy sẽ mượn và cho người đánh vào vi tính và in ra để thành tập Diễn đàn Chơn Như. Do mấy con, từ sự tu học của mấy con mà mấy con được đọc lại những bài vở của mấy con in thành sách. Ví dụ như bài này, và có nhiều bài trong này chứ không phải có riêng một bài nào hết nhưng mà nó cũng được khép vào trong Diễn đàn của Tu viện Chơn Như.

Bây giờ mấy con nghe Thầy đọc những điều kiện cần thiết trước khi vào lớp Chánh Tư Duy. Nếu chúng ta không biết những điều cần thiết để chúng ta tu tập thì chúng ta sẽ không có đủ điều kiện, tri kiến để xả tâm mình thì đương nhiên mình bị ức chế.

(04:50) Ở đây pháp đầu tiên mà chúng ta ghi nhớ: “Thế nào một pháp có nhiều tác dụng? ” Pháp đó nó có tác dụng cho con đường, cái lớp chúng ta sắp sửa tu tập.

Các con sẽ ghi: "Thế nào một pháp có nhiều tác dụng? Tâm không phóng dật đối với các ác pháp, thiện pháp". Các con ghi luôn câu đó để nhớ: "Tâm không phóng dật đối với các ác pháp và thiện pháp”, nghĩa là thiện và ác không có phóng dật. Tâm không phóng dật đó là một pháp có nhiều tác dụng. Như vậy mấy con biết tâm không phóng dật là tâm sẽ quay vào nhìn bốn chỗ Thân, Thọ, Tâm, Pháp của nó chứ không có gì hết. Như ở đây có người tu tập đã nhìn thấy cái tâm không phóng dật của mình rồi. Đó là một pháp thứ nhất.

(06:01) Pháp thứ hai: “Thế nào một pháp cần được tu tập?Niệm thân câu hữu với khả ý. Chắc có lẽ mấy con đã biết niệm thân là niệm như thế nào rồi chứ. Tức là niệm thân hành đó mấy con. Câu hữu luôn luôn mình tu tập trong pháp Thân Hành Niệm hoặc là hơi thở hoặc là đưa tay hoặc là đi kinh hành Chánh Niệm Tỉnh Giác, đều câu hữu với khả ý.

Rồi pháp thứ ba: “Thế nào một pháp cần phải đoạn trừ?Nghĩa là cái pháp đó cần phải đoạn trừ, không có để cho nó sống chút nào được. “Thế nào một pháp cần phải đoạn trừ? Tâm ngã mạn”, mấy con! Nghĩa là một người nào còn ngã mạn là không bao giờ tu chứng được đâu. “Thế nào một pháp cần phải đoạn trừ? Ngã mạn”.

Câu bốn: “Thế nào một pháp đưa đến thù thắng?Chơn chánh tác ý! Đó là pháp Như Lý Tác Ý, như cái lý mà tác ý. Đây đức Phật dạy chúng ta chơn chánh tác ý. Chơn chánh tức là mình tác ý những pháp để mình diệt trừ các ác pháp. Nó làm cho tâm chúng ta được bình an gọi là chơn chánh tác ý.

(08:31) Câu năm: “Thế nào một pháp cần được sanh khởi? ” Bất động trí. Bất động trí là gì? Mấy con biết không? Là im lặng như Thánh đó. Nghĩa là ai nói gì thì nói mà mình cứ im lặng như Thánh là bất động trí đó. Cái trí bất động, cái ý thức của chúng ta bất động, không hề cho nó động, nghĩ một cái gì đó là bất động. Thế nào một pháp cần được sinh khởi? Luôn luôn nó phải khởi cái trí bất động, tức là luôn luôn lúc nào chúng ta cũng im lặng như Thánh trước ác pháp và thiện pháp.

Câu sáu: “Thế nào một pháp được tác chứng? ” Tác chứng có nghĩa là chứng nghiệm được sự giải thoát của mình. Tác chứng là chứng đạo đó. Thế nào một pháp thấy được, cảm nhận được sự chứng đạo? Thế nào một pháp cần được tác chứng, cần được chứng nghiệm đó, để mình thấy được cái sự giải thoát của mình như thật đó. Đó là Bất động tâm giải thoát!.

Sáu pháp này mấy con đã đủ rồi, đã đủ để mà nghiệm lại con đường tu tập mà lớp Chánh Tư Duy bắt đầu tu tập, để các con sẽ biết cái nào quan trọng và cái nào không quan trọng, để chúng ta đi đến cứu cánh giải thoát hoàn toàn.

(10:23) Trong sáu pháp này chiêm nghiệm để coi hàng ngày chúng ta có “bất động trí” không, có “chơn chánh tác ý” không, còn “ngã mạn” hay không, “niệm thân có khả ý” không, “tâm có còn phóng dật” hay không? Và luôn luôn chứng nghiệm được sự “bất động tâm” của mình nghĩa là luôn luôn chứng nghiệm được sự bất động. Nếu mà tâm chưa bất động thì hãy tu tập, hãy dẹp trừ để cho nó được bất động.

Bây giờ cái căn bản của sáu pháp các con đã thấy được sự tu tập của mình rồi, trong cái lớp Chánh Tư Duy. Nếu mà trong lớp Chánh Tư Duy mấy con giữ gìn được sáu pháp này tu tập thì con đường giải thoát không có xa.

3. HƯỚNG DẪN VIỆC SẮP LỚP VÀ CÁCH THỨC TU TẬP

(11:11) Trưởng lão: Bây giờ về phần sắp lớp thì người già lớn tuổi theo người già, người nhỏ tuổi theo người nhỏ tuổi, tuổi trẻ để giờ giấc nó có thay đổi. Còn nếu người già mà thức như người trẻ thì Thầy sợ e rằng không có đủ sức mà đi con đường này dài và cái sức lực của mình không có đủ sức để đi tới cứu cánh giải thoát. Cho nên phải tập theo người già để chúng ta phải tập với cái đặc tướng, cái sức khỏe của mình cho nó hợp với cái pháp tu.

Người già tu Tứ Niệm Xứ bằng cách ngồi chơi mà người trẻ tu Tứ Niệm Xứ bằng cách quan sát bốn chỗ Thân, Thọ, Tâm, Pháp.

Các con biết điều này chưa?

Mình ngồi chơi, mình chẳng làm gì hết nhưng mà có chướng ngại trên bốn chỗ Thân, Thọ, Tâm, Pháp thì dùng các pháp đẩy lui, dùng Định Vô Lậu tư duy suy nghĩ xả từng tâm niệm để chúng ta thực hiện sáu pháp này, trong cái điều mà Thầy đưa ra.

Nhớ trong sáu pháp này khi chúng ta thực hiện thì tâm chúng ta nó không lọt vô pháp này thì nó cũng ở trong pháp khác, nó không chạy đâu khỏi hết. Phải nhớ kỹ trong cái vấn đề này, ghi kĩ, nhớ kỹ khi áp dụng trong suốt một giờ, một giây, một phút, lúc nào tu tập chúng ta cũng chiêm nghiệm coi trong sáu pháp này chúng ta đã thực hiện được chưa.

Và đồng thời người tu tập Tứ Niệm Xứ lớn tuổi, sức mình yếu. Mình tu theo người lớn tuổi thì ngồi chơi không có tập trung, không có tập trung mà nhìn Tứ Niệm Xứ. Hồi nào tới giờ thì mấy con tập trung nhưng bây giờ thì mấy con xả ra bởi vì lớn tuổi rồi. Không có sức tập trung mà làm cho nó mỏi mệt, làm cho nó phí sức mình nhiều.

Ngồi chơi. Các con biết ngồi chơi như thế nào không?

Phải biết ngồi chơi chứ không biết ngồi chơi, nó ngồi nó không chơi nữa, nó lại làm việc nữa mới chết. Đã cho ngồi chơi mà không chịu ngồi chơi, mà lại làm việc thì như vậy là không có được, phải biết cách thức ngồi chơi.

Phải nhớ kĩ cách thức ngồi chơi, là chúng ta không làm việc gì hết, không tập trung chỗ nào hết mới gọi là ngồi chơi.

(13:22) Bây giờ ngồi như thế này, chơi như thế này nhưng mà rất tỉnh táo chứ không phải ngồi ngủ. Để ngồi chơi rồi ngồi ngủ nữa, nó không làm việc rồi nó ngủ thì như vậy cái kiểu này tu sai. Ngồi chơi cũng khó lắm chứ không phải dễ đâu. Vốn chúng ta là con người siêng năng lắm cho nên ngồi mà nó cứ làm việc hoài, không suy nghĩ cái này thì cũng suy nghĩ cái khác rồi không ấy thì lười biếng, rồi gục tới gục lui chứ không có gì, ngồi chơi khó hơn hết.

Còn cái tuổi trẻ đó dùng sức của mình để mà nhìn bốn chỗ Thân, Thọ, Tâm, Pháp, dùng sức đó, Thầy nói như vậy là phải biết cách dùng sức đó.

Mà nếu mà chưa biết thì mình nên dùng phương pháp Chơn chánh tác ý như đức Phật nói, mình không biết thì mình dùng pháp chơn chánh tác ý thì mình nhắc: “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”, rồi cứ để cho tự nó, cái tâm không phóng dật nó quay vô.

Còn các bác, các cụ lớn tuổi thì nhắc nó, mình cũng tác ý nhắc nó, ngồi chơi chứ không có làm việc nhưng mà tỉnh táo chứ không có được buồn ngủ nhen thì bắt đầu để cho nó lắng nghe, nó ngồi chơi, thì nó không có chỗ pháp bám cho nên nó không có cái cực nhọc, cho nên để cho nó ngồi chơi. “Với tâm giải thoát tôi biết tôi hít vô, với tâm giải thoát tôi biết tôi thở ra”, người lớn tuổi, người sức yếu dùng câu đó.

Nghĩa là với cái tâm tôi nó giải thoát, tôi ngồi tôi chơi chứ tôi không có làm việc, đó là giải thoát thì dùng cái câu: “Với tâm giải thoát tôi biết tôi hít vô, với tâm giải thoát tôi biết tôi thở ra”, nhắc nó như vậy chứ không nhắc nó thanh thản, an lạc, vô sự nhưng mà nó thanh thản, an lạc, vô sự.

Còn hiện giờ mấy con nhắc nó thanh thản, an lạc, vô sự thì nó sẽ bị ức chế, nó sẽ bị nhìn vào nó. Bởi vì lớp này là lớp Chánh Tư Duy chứ chưa phải Chánh Niệm mà nếu nó là Chánh Niệm thì chúng ta nhắc tâm thanh thản, an lạc, vô sự.

Còn bây giờ nó là lớp Chánh Tư Duy cho nên chúng ta nhắc với tâm giải thoát, cho nên hai phần rất rõ ràng.

(15:26) Bắt đầu bây giờ tập thử sau khi phân ra lớp rồi thì người già tu theo người già mà người trẻ tu theo người trẻ. Và sau khi cô Út cất xong cái khu Dưỡng Lão cho người già thì tất cả người già đều được qua phía bên đó ở hết, người lớn tuổi thì đều được qua, nhất là bên nữ.

Còn bên nam thì Thầy sẽ có chỗ, Thầy nói cô Út để dời người nam lớn tuổi, già sẽ cho ở một khu. Đồng thời cái khu nào ra khu nấy, người trẻ thì ở riêng ra chứ không được già, trẻ, bé, lớn ở chung nhau thì không ổn, không tốt.

Cho nên vì vậy mà cái người già sẽ tu theo cái giờ giấc của họ, còn người trẻ thì tu theo giờ giấc khác. Chứ không khéo cái người trẻ thì phải tu cái thời gian nó dài.

Thí dụ như họ thức từ mười một giờ rồi đến một giờ, hai giờ họ dậy thì lúc bấy giờ, người già họ thấy vậy rồi thì mình tu mình cũng phải ráng theo thì nó sẽ mất sức rất nhiều. Cho nên với người già thì phải tu khác hơn, cho nên giờ giấc nó khác hơn miễn là làm sao mà chúng ta tu tập được giải thoát thì điều đó là điều tốt.

Ở đây chúng ta viết bài rất hay nhưng khi áp dụng phải rất hay nữa chứ nếu viết hay mà áp dụng không hay thì trong cái lớp Chánh Tư Duy này sẽ bị rớt ra đó. Coi như bây giờ muốn lên nữa thì cũng không lên được nữa đâu, bởi vì lớp Chánh Tư Duy là lớp thực hành của lớp Chánh Kiến.

Cho nên trong Chánh Kiến mình tư duy để cho mình hiểu, mà trong lớp Chánh Tư Duy là tư duy để xả tâm, để được giải thoát.

Cho nên lớp Chánh Tư Duy là lớp thấy rõ được tâm bất động của mình như sáu cái pháp mà Thầy đã kê ra để chúng ta thấy rằng trong sự tu tập của lớp Chánh Tư Duy nó sẽ nằm trong cái sáu pháp này, mà cái pháp cuối cùng nó chứng nghiệm được sự giải thoát của chúng ta.

Người nào tu cũng thấy được chứng nghiệm, chứng nghiệm chỗ bất động tâm giải thoát, chúng ta sẽ bất động tâm trước ác pháp, trước cảm thọ.

(17:27) Trong lớp này, chúng ta tu đến cái lớp này mà còn tâm ganh tỵ, hơn thua, sợ mình viết bài thua, sợ mình này kia thì cái này sai mất hết rồi. Ở đây dù dở dù giỏi gì ăn thua ở chỗ xả tâm này, chỗ cứu cánh này.

Chúng ta lớp Chánh Kiến thì chúng ta học hiểu, tích tập lại những sự học hiểu chúng ta cho thấu suốt để chúng ta có sự quán triệt, quán triệt được những ác pháp để xả được tâm chứ không phải hơn thua nhau.

Ở đây là đi tìm sự giải thoát chứ không phải sự hơn thua cho nên có nhiều người ráng lo viết bài cho hay để cho đừng có thua thì cái này không phải đâu.

Mấy con viết để cho đủ cái sức hiểu, Thầy nói có nhiều người viết rất ít nhưng mà hoàn toàn nói ở trên cái sự xả tâm, còn có nhiều người lý luận rất hay nhưng mà lý luận để mà xả tâm thì rất giỏi nhưng mà lý luận mà không xả tâm thì rất dở, cái đó là lý thuyết suông.

Cho nên ở đây những cái điều mà chúng ta cần hiểu biết là phải căn cứ vào những sự lý luận đó, nó có cái dàn bài, nó có để tránh chúng ta lý luận một cách cạn cợt, còn theo cái dàn bài mà chúng ta lý luận thì chúng ta sẽ không sai.

Cho nên bữa nay Thầy sẽ trả những bài cho bên nữ đã gửi Thầy một số bài rất nhiều, do đó thì Thầy đã chấm coi như là suốt đêm cho nó xong cái số bài của bên nữ. Và khi mà Thầy ghi ở trong này có những chỗ nào sai thì chúng ta sẽ coi theo đó mà chỉnh đốn lại cái tư duy của mình, còn cái chỗ nào mà không sai thì cái chỗ đó là cái chỗ mà chúng ta tu tập được. Con sẽ gửi, có một cái số bài mà Thầy chưa gửi, chưa có ghi để mà được lên lớp thì Thầy cũng cho mấy con lên lớp luôn, nhưng mà mấy con phải cố gắng hơn để mấy con tu tập.

(19:26) Còn bây giờ tới bài Tâm Hỷ, Tâm Xả là cái bài cuối cùng mấy con, mà cái bài cuối cùng, Tâm Xả nó mênh mông lắm, nó không thường, từ cái Xả thấp cho đến cái Xả cao. Xả cao như Xả lạc, Xả khổ, Xả niệm thanh tịnh, Xả hơi thở đó, đó là xả cái cuối cùng để mà chúng ta làm chủ sự sống chết của chúng ta.

Cho nên từ cái thấp mà chúng ta mới bước đầu vào, tất cả ác pháp và thiện pháp chúng ta đều xả, như ở trong sáu pháp này, chúng ta vừa nói.

Nghĩa là chúng ta, sáu pháp chúng ta vừa nói. Nó nhằm mục đích thực hiện Tâm Xả của chúng ta mà cái Xả thì cái pháp Như Lý Tác Ý này, cái pháp tâm không phóng dật, tất cả những cái đó đều là ở trong cái xả hết.

Rồi cái niệm thân câu hữu với khả ý cũng là pháp Xả, bất động trí cũng là pháp Xả cho đến chứng nghiệm là bất động tâm giải thoát cũng là Xả.

Tất cả những phương pháp đó như độc cư, rồi diệt cái ngã mạn của chúng ta, rồi cái bất động trí, im lặng như Thánh, tất cả những cái đó đều là pháp Xả hết. Cái hành động đó đều là xả hết.

Cho nên trước khi để mà chúng ta bắt đầu làm cái bài để Tâm Xả, ở đây cũng có nhiều người làm bài Tâm Xả nhưng mà rất là ngắn cho nên Thầy thấy rằng nó còn nhiều cái điều kiện mà nói về Tâm Xả lắm, chứ không phải nó có một ít để nói sơ sơ rồi cái nó hết, mà nó rất nhiều.

Ở đây, Nguyên Thanh viết như thế này mà chưa đủ mấy con, nói về Tâm Xả, bởi vì mình xả mà, tất cả những cái gì mà xảy ra trong đời sống của mình xả hết, mà khi mình luận thì với một số như thế này chưa đủ, chưa đủ về nói hết cái Tâm Xả.

(21:23) Cho nên nó vô lượng tâm mà, vô lượng Tâm Xả, mà mình thực hiện Tâm Xả thì nó toàn triệt, ác cũng xả, mà thiện cũng xả chỉ còn duy nhất sáu cái điều kiện mà Thầy nêu ra để mà chúng ta nghiệm thấy được những pháp để chúng ta xả.

Vậy thì hôm nay đã được phân làm hai lớp, lớp người già và lớp người trẻ. Sau khi thực tập được một thời gian thì người nào mà Thầy thấy không được thì buộc lòng mấy con phải trở về lớp Chánh Kiến, chứ còn nếu mà mấy con ở đây thì mấy con không có thể nào mà tư duy để mà xả được tại vì ức chế tâm.

Còn bây giờ bỏ mấy con lại thì mấy con không biết là mình có tu được hay không. Chừng áp dụng vô mình mới thấy mình tu được hay không, mình có bị ức chế hay không, chừng đó mới thấy được cái khả năng của mình.

Chứ bây giờ bắt buộc mà cho mấy con ngồi lại thì quá tội, người nào cũng muốn Thầy xin lên tu hết, mà giờ cho ngồi lại mà không tu thì tội mấy con quá. Cho nên vì vậy mà Thầy cho nhưng mà cho mấy con phải ráng xả đó, phải ráng xả thì chỉ có xả tâm mình mới không bị ức chế tâm thì mới thấy được cái sự giải thoát, còn không xả tâm thì mình sẽ không thấy được sự giải thoát. Nhớ những lời Thầy nói.

Còn đây có thể nói rằng cái bài mà chúng ta đọc để mà thấy, để mà nghe, để mà tiếp tục chúng ta làm bài cho nó chuẩn của cái bài pháp Xả.

Dựa vào cái dàn bài, cái bài này Thầy thấy Nguyên Thanh viết có cái lý luận về pháp Xả, cho nên Thầy nêu lên để nghe, để mà chúng ta nương vào đó mà chúng ta làm bài chung, để mà nó không bị lệch đường mà thôi chứ còn mọi người đều có cái lối suy tư, cái lối luận để mà chúng ta xả thì nó không giống nhau.

Nhưng mà nó là cái dàn bài để chúng ta dựa vào đó mà chúng ta viết không có sai. Cho nên vì vậy mà hôm nay thì Thầy sẽ kêu Nguyên Thanh lên đọc cái bài của nó, nó dễ hơn bởi vì chữ nó viết thì nó đọc còn người khác đọc thì khó lắm.

Cho nên bây giờ sẵn đây có Nguyên Thanh, con hãy lên đọc giùm cái bài của con. Con đọc được không đây? Bệnh đau thì có đọc được không, con? Con đọc được không đó? Sao mấy con không xin cái ghế ngồi mấy con? Ở trong kia còn ghế mà. Vô trong nói với Út cho.

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy