LCK 076D - SÁCH TẤN - VẤN ĐẠO MUỘI LƯỢC THAM, SÂN, SI - NHÂN QUẢ TÍN LỰC
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Tu sinh
Thời gian: 31/01/2006
Thời lượng: [37:20]
(00:00) Trưởng lão: Đây là những lời khích lệ của Thầy rất lớn đó mấy con! Sách tấn mấy con rất lớn. Thầy nói: "Đức Phật bốn mươi chín ngày mà mấy con bốn mươi lăm ngày hay bốn mươi ngày", đó là sách tấn mấy con dữ lắm đó. Phải ráng mà nỗ lực! Đừng nghĩ rằng: "Tôi thua ông Phật". Không phải đâu! Mấy con là con người là không thua ông Phật. Đức Phật đã nói rồi: "Trên Trời, dưới Trời, con người là duy nhất" mà. Mình là con người là duy nhất rồi, chứ không phải riêng có mình Phật đâu. Thì mấy con phải thấy rằng: "Mình là con người là phải làm được những chuyện mà ông Phật đã làm, không thua ông Phật chút nào hết".
Con biết Phật ở nước Ấn Độ mà hiện giờ người ta đi qua nước Ấn Độ người ta người ta thấy nó… Đức Phật dạy vệ sinh cách gì mà bây giờ qua nước Ấn Độ thì nó không có vệ sinh. Còn đất nước của mình còn vệ sinh đó chứ. Mình còn hơn đất nước Phật mà. Như vậy rõ ràng là trong thời đức Phật còn ở trong bộ lạc, còn đất nước của mình khoa học tiến triển như thế này, mình phải tu hơn Phật chứ. Tại sao mình tu thua?
Bây giờ nghe nói Phật bốn mươi chín ngày cái mình: "Trời ơi, sao Phật làm được chứ tôi làm không được?". Nghĩa là Phật bốn mươi chín ngày chứ tôi bốn mươi ngày thôi. Như vậy là trong cái thời đại mình phải tu nhanh hơn Phật chứ. Các con hiểu không? Cái đầu óc mình phải có kiến thức hơn chứ. Còn hồi đó ông Phật ông tu, ông cũng đâu có hiểu, cho nên vì thế ông tu lầm lạc gần chết. Ông tu hơi thở như là ai lấy dây siết cái đầu ông, phải không? Ông đâu có biết được. Rồi bây giờ mấy con tu mà hơi nặng đầu là có Thầy rồi. Có siết cái đầu mấy con không? Còn ông Phật đâu biết, may là nó không chết ổng chứ không ấy nó điên ổng rồi sao? Rồi ông nhịn ăn đến cái mức độ cuối cùng ông đứng dậy không nổi, còn mấy con bây giờ Thầy có cho mấy con nhịn ăn mà đứng dậy không nổi bao giờ không? Đâu có. Mấy con đâu có hao sức khỏe của mấy con. Còn ông Phật phải hao sức khỏe rồi phục hồi lại rồi mới tu được.
Như vậy rõ ràng là tu lầm lạc. Ông Phật còn vô minh hơn mình nhiều. Có phải không? Mà nhờ ông Phật mình đâu có vô minh. Ông đã nói cho mình biết được rồi, cho nên mình đâu có vô minh. Còn ông đang vô minh, ông đâu có hiểu cho nên ông tu lầm lạc, phí sức rất lớn. Còn mấy con đâu có phí sức rất lớn. Cho nên bây giờ mấy con mà thức khuya, tập trung tu nhiều là Thầy đã giảm thiểu mấy con xuống, không có cho mấy con tu tập. Phí sức của mấy con. Mà nó có đạt được gì đâu. Thầy đã giúp đỡ cho mấy con tận tình những cái điều kiện đó.
(02:01) Như mấy con thấy như thầy Chơn Thành thức nhiều, Thầy cũng nhắc nhở là mình tập phá hôn trầm thôi, từ từ tu tập.
Rồi tới Thiện Thảo cũng vậy, rồi nó kêu gọi mấy thầy cũng ráng thức đêm luôn. Thầy thấy hoảng hồn. Bây giờ nó tập trung nhau, nó thức đêm chắc nó tiêu hết rồi. Ít bữa nó nằm quẹt xuống đau hết. Phải không? Cho nên thầy chuẩn bị cho mấy con ở trên tư tưởng để mà phá dỡ cái hiểu lầm lạc đó. Để đi vào con đường đúng để chúng ta thực hiện đúng như đường lối của đạo Phật. Bây giờ tới cái giai đoạn chúng ta thực hiện rồi, tức là chúng ta áp dụng trong cái thực hành rồi thì chúng ta phải có cái hướng rất rõ ràng, có sự khích lệ rất mạnh mẽ. Không phải để thua. Cho nên lấy đức Phật mà làm cái chuẩn để cho mình nhắm vào đó mình tiến tới. Bây giờ, mặc dù Thầy nói cho mấy con thấy cái khả năng của mấy con. Mấy con tự ti, mặc cảm lắm: "Cái sức mình chắc không làm nổi!". Nghĩa là người nào ở trong bụng cũng nghĩ vậy.
Thầy nói thiệt ra, Thầy mà có một vị thầy mà dạy vậy, Thầy nói: "Ông Phật ông tu bốn mươi chín ngày chứ Thầy tu chừng mười ngày". Thiệt mà, có người khích lệ Thầy như vậy. Ngày xưa, Hoà Thượng Thanh Từ đã khích lệ thầy: "Phật giáo còn là còn một người tu chứng". Mà tới sức mà quyết định mà thầy Thanh Từ khích lệ Thầy như vậy, Thầy nỗ lực Thầy tu chết, tu sống đó mấy con. Tu không có còn nghĩ tới cuộc đời này nữa. Một lời khích lệ như vậy thôi. Hòa thượng nói với Thầy: "Cả một cái thế gian thế này mà không có người tu chứng thì Phật giáo mất rồi". Cho nên Hoà Thượng mong rằng một người tu chứng, một người tu chứng thì Phật pháp mới còn. Lời nói đó làm cho Thầy nói: "Như vậy, Phật giáo cả như thế này, bao nhiêu người như thế này mà không có người tu chứng sao? Mình là con người, phải làm cho được chứ! Nhất định là đem hết sức lực của mình, đem thân mạng mình ra làm". Cho nên ăn rau mà Thầy cũng không sợ. Chứ còn mấy con mà cho ăn rau chắc là nội cái mà phải thiếu rau tươi cũng đòi hỏi đủ thứ hết. "Trời ơi, ăn như vậy là không thể sống được". Nào là bột ngọt, nào là dầu nhiều quá, đủ thứ, trời đất ơi. Người ta mang, người ta cho cơm mình đã là phước rồi còn đòi hỏi cái ăn uống này kia nữa.
(03:54) Mấy con thấy Thầy ăn rau không mà Thầy sống, Thầy có đòi hỏi dầu, mỡ, bột, đường gì nữa đâu. Sống như rau. Mà rau sống chứ không phải luộc nữa đâu. Còn những năm tháng mà Thầy về ở Trảng Bàng, Tây Ninh, Thầy ăn toàn rau lang luộc với nước muối rưới cơm thôi. Không có gì hết mà không đòi hỏi thiếu dầu, thiếu đường, thiếu bông cái gì hết. Nhưng mà vẫn sống như thường. Đâu có gì đâu mà vẫn tu được như thường. Có gì đâu. Tại sao mình không lấy cái gương như vậy mình tu tập mà mình sợ. Cứ hở chút là lo bệnh tật, lo này kia. Có lúc mấy cô ở ngoài kia nói: "Trời ơi, tôi ăn tôi đau bụng quá trời!" hoặc là: "Chóng mặt quá, thiếu chất, thiếu này kia đủ thứ!". Mà năm, ba cô. Trời ơi, cái nhà mà nó nấu cơm nó cũng hoảng hồn ấy chứ. Mấy con nghĩ, đó là những cái điều nó không hay chút nào hết.
Cho nên ở đây, hỏi ngon thì mình nói ngon, mà nói dở thì tôi nói không dở tại tôi biết ăn thì làm sao có dở. Hỏi ngon không thì nói: "Ngon". Tại vì cái khẩu vị nó đâu phải… Người kia ăn ngon mà mình ăn không ngon rồi sao mình nói nó dở sao được. Dở sao người kia ăn hết. Phải không? Nó phải ngon thì người ta mới ăn chứ. Cho nên nói ngon thì tôi nói ngon mà nói dở thì tôi không có nói dở. Tại vì tôi biết ăn nên nó không có dở. Vì vậy mà mình biết thiểu dục tri túc là mình sẽ sống được. Đừng có nghĩ đến vấn đề mà sức khỏe của mình mà mình nghĩ đến tinh thần của mình mạnh mẽ vượt lên từ cái ăn, cái ngủ.
Thầy cũng nghĩ rằng trên cái tinh thần mạnh mẽ mà Thầy ăn rau Thầy sống được. Thầy cứ nghĩ: "Con bò ăn cỏ mà nó sống, trời ơi cái thân nó bằng ba, bằng bốn mình mà nó ăn cỏ nó sống. Còn mình ăn rau mà không sống sao?". Nhưng mà sự thật cơ thể của con người nó cấu tạo theo cái sự ăn có bột, có đường, có này kia mấy con. Nhưng mà mình tập nó vẫn được. Thầy thấy chín tháng ở trên Hòn Sơn, Thầy ăn vẫn được tức là thành con bò được rồi. Có gì đâu, nó vẫn được như thường. Cho nên cái con người của mình, các con thấy như vừa rồi cái bài luận của Nguyên Thanh nó nói, nó luận rất đúng mà. Con vật mà ăn thịt, cái nanh nó dài ra, để nó xé mấy con. Còn con người của mình nó ăn thịt được mà nó ăn rau quả được cho nên cái hàm răng nó bằng. Nó cũng có cái răng nanh nhưng nó không có dài ra. Có đúng không mấy con?
(06:04) Nó ăn cả hai thứ được. Thực phẩm thực vật và động vật nó ăn được. Nhưng mà nó xé không có được cho nên nó dùng cái trí của nó làm dao nó cắt. Rồi nó ăn sống nó thấy cũng không được. Mới đầu thì nó cũng còn ăn nướng rồi đó. Bây giờ nó làm ra thực phẩm nó kho, nó nấu, nó làm đủ cách ra nó ăn. Cho nên con người nó khôn lắm. Vì vậy mà nó cấu tạo cái cơ thể, sự tiêu hóa của nó theo cả hai cái phần thực phẩm: Động vật và thực vật. Cho nên cái hàm răng nó tượng trưng chúng ta thấy nó bằng, phải không? Cái răng nanh của nó không có dài. Đó tức là cái nhân quả nó cấu kết cái duyên hợp của nó để nó cấu kết cho đúng cái sự sống của loài vật đó, động vật đó. Cái nhân quả nó hay như vậy. Hễ nó cấu kết một cái loài vật mà xâu xé mà ăn thịt thì hai cái răng nanh phải dài ra. Nó là mấy con thấy cái đặc tướng của nó mà. Đó là những cái mình đã học về nhân quả mình thấy rất rõ.
Cho nên ở đây chúng ta quyết định là chúng ta sẽ thực hiện không cần cái ăn uống mà phải này nọ kia đâu. Cái gì mình ăn được thì mình ăn, cái gì ăn không được đừng có nghĩ rằng tôi bỏ uổng. Mấy con đừng có nghĩ như vậy. Người ta đã cúng dường cho mấy con là cái phần đó của mấy con rồi. Và đồng thời mấy con không phải đem phí bỏ, mấy con đem đổ, chà đạp đâu. Vì mấy con ăn không hết nhưng mà vì cái khẩu phần người ta lượng cho mình, người ta cúng dường cho mình. Bây giờ Thầy ăn không hết nhưng mà tuổi trẻ như Thiện Thảo hoặc như Mật Hạnh kia nó ăn gấp hai lần, nó làm hai cái vậy nó còn thiếu đó. Mà bảo nó để mà ăn như Thầy chắc nó chết rục nó sao? Cho nên người ta cho như vậy là vừa cái phần của mấy con. Nếu ít đồ ăn thì mấy con tăng cơm lên. Có gì đâu.
Còn Thầy thì bây giờ ăn ít, thì những món nào nó hiền lành thì Thầy ăn, còn món nào độc thì Thầy không ăn, Thầy bỏ ra. Do đó, Thầy ăn cơm với đồ ăn nó thừa. Ví dụ như cái khẩu phần thực phẩm thì thực sự ra Thầy chỉ ăn có một phần mười của cái thực phẩm đó thôi. Các con biết cái thực phẩm mà họ cho đó mà Thầy ăn có một phần mười thôi. Còn bao nhiêu thì nó còn nguyên à. Thầy ăn với một chén cơm, hai chén cơm sớt sớt chứ không ém lại. Hai chén cơm với một ít rau rồi gì đó họ chiên đó, bầu bí rồi đó thôi, mấy miếng đó thôi rồi ăn nhiêu đó thôi còn bao nhiêu để đó.
Cho nên bữa nào cái món ăn của Thầy nó cũng thừa. Mà bây giờ mà bắt Thầy ăn như vậy mà cho mấy con vậy thì mấy con chết hết hả? Đâu có sống nổi. Bởi cái cơ thể của Thầy nó tiếp thu ít rồi, nó già rồi nó không ăn nhiều được. Chứ còn nó còn trẻ thì nó ăn nhiều, cho nên luôn luôn Thầy nhờ Mật Hạnh ăn phụ giùm Thầy. Chứ còn Thầy ăn không có hết. Đó thì mấy con biết cho nên vì vậy mà cái cơ thể của mình nó suy yếu Thầy biết.
(08:46) Thầy sống bằng cái sức thiền định hơn là cái sức ăn uống. Phải nói rằng Thầy nhờ phục hồi. Chứ Thầy không phục hồi thì cái sức khỏe Thầy không có mà Thầy làm việc nổi đâu. Thầy phục hồi bằng cái sức thiền định để kéo dài cái tuổi thọ. Nhất là Thầy giữ cái tâm bất động của Thầy trước các ác pháp. Bất kì ác pháp nào đến Thầy vẫn để cái tâm Thầy bất động, không bị dao động. Nó dao động tức là Thầy mất tỉnh thức mà Thầy mất tỉnh thức thì cái tuổi thọ Thầy giảm xuống liền tức khắc. Thầy có thể sanh ra bệnh liền tức khắc. Cho nên duy trì được cái sức tỉnh thức của mình để nó bất động được tâm thì duy trì được cái tuổi thọ của mình. Chứ không có gì khó.
Cho nên khi mà con nghe đọc bài kinh Niết Bàn của Phật, khi mà Phật rút cái sức tỉnh thức của mình thì biết bấy giờ Phật nhập diệt. Bỏ thân đó mấy con. Mấy con đọc lại bài Niết Bàn mấy con coi. Đức Phật thu cái sức tỉnh thức của mình thôi thì ngay đó cái thân hoại diệt liền. Vào Niết Bàn liền, dễ dàng. Thầy bây giờ cũng cởi bỏ cái sức tỉnh thức của mình sao? Bởi vì cái sức tỉnh thức của mình thì không có cái gì mà ác pháp nó tác động được. Nó không có làm tâm mình bị dao động. Còn mình mất tỉnh thức, mấy con mất tỉnh thức là bị vô minh rồi mấy con. Cho nên vì vậy khi mà cái Từ tâm đó là tu tập cái sức tỉnh thức đệ nhất. Đó là pháp ngăn ngừa, tỉnh thức đó mấy con. Cho nên nói Chánh Niệm Tỉnh Giác là cái pháp tỉnh thức chứ có gì? Thì mấy con hiểu được, học được Từ tâm thì mấy con hiểu được cái pháp tỉnh thức là quan trọng đó.
Cho nên trong cái bài thầy Chơn Thành nhắc mình từng tác ý đó, để tỉnh thức chứ gì mấy con? Đó là tập tỉnh thức đó. Đó là cái pháp mà ngăn dục và ngăn ác pháp đó. Đó là cái pháp đó. Nếu mà chúng ta không tỉnh thức được thì chúng ta khó mà thực hiện được Tâm Từ. Cái hành động mà tỉnh thức đó là hành động Từ tâm. Từ tâm với mình mà Từ tâm với người khác, với mọi vật khác. Nhớ kĩ như vậy thì mấy con hàng ngày lấy cái Từ tâm đó mà như thầy Chơn Thành nhắc tác ý để cho mà thực hiện được cái Tâm Từ của mình trên cái tỉnh thức của mình. Đó là thực hiện Tâm Từ. Đó mấy con thấy chưa? Pháp của Phật nó logic trên cái sự tu tập của mình. Nó không có sai một cái bước nào hết. Để cho chúng ta thực hiện được cái sự giải thoát hoàn toàn.
(10:40) Cho nên đến đây thì mấy con thấy rằng trong sự tu tập của chúng ta nó thực tế, cụ thể và Thầy tin rằng cái thời gian mà nỗ lực tu tập của mấy con, hết sức mấy con tu và cái sự hướng dẫn của Thầy tận tình, Thầy nghĩ rằng mấy con sẽ tu kết quả và mau chứ không lâu nữa đâu. Nghĩa là cái thời gian ngắn chứ không lâu. Nhưng mà phải phân cái lớp ra. Ví dụ như bây giờ, lớp người già sẽ cho họ tu từ bảy giờ đến chín giờ. Còn cái lớp tuổi trẻ, Thầy cho sẽ tu từ bảy giờ tối, họ sẽ tu tới mười một giờ, một giờ họ thức dậy. Tuổi trẻ là tuổi ham ngủ lắm mà dậy kiểu đó là họ coi chừng. Nghĩa là Thầy sẽ hướng dẫn họ cái pháp Thân Hành Niệm, phá dỡ tất cả những mảng mà hôn trầm, thùy miên.
Còn cái tuổi già của mấy con thì Thầy không ép buộc như vậy. Ép buộc như vậy mấy con chết. Cái sức của mấy con không nổi đâu. Cho nên cái tuổi lớn tuổi của mấy con thì Thầy cho mấy con tu từ bảy giờ đến chín giờ. Mà hễ mà được tăng lên thì tới mười giờ thôi. Hai giờ thức dậy. Tu theo cái sức của người già và đồng thời cũng ở trên Tứ Niệm Xứ mà xả. Còn người tuổi trẻ thì càng ngày tiến tới để nối liền thời gian dài ra. Đức Phật bốn mươi chín ngày thì mấy con có bốn mươi ngày à. Phải lượng à, chứ không khéo rồi chết giữa đường chứ không phải dễ đâu. Cái cuộc chiến đấu này nó không phải thường đâu. Mấy con mà chết thì phải nằm trên Pháp mà chết ấy chứ Thầy không có cho mà mấy con chết mà rút chạy mà chết là không có được.
Khi mà vào tu rồi, áp dụng thực hành rồi mà Thầy chọn ra lớp rồi thì một là mấy con chết ở trên bãi chiến trường này chứ mấy con không được rút lui. Rút lui ở sau là Thầy lia tới đó, mấy con chết. Như vậy nó mới có sự quyết tâm chứ. Còn nếu không mấy con rút lui nó gặp khó mấy con chạy á. Nó không phải dễ dâu. Thầy biết mà. Nếu mà con người của Thầy không nghị lực, không đủ gan dạ, Thầy cũng rút bỏ, bỏ cuộc. Thì nó phải đi một lần chết đi một lần sống lại trên con đường này chứ nó không phải dễ đâu. Cái người gan dạ đến mực như đức Phật, ăn ít đứng dậy không nổi là gan dạ vô cùng đó. Nó hoành hành.
Các con cứ nghĩ tưởng đi. Khi mà ăn ít rồi, cái cơ thể nó hoành hành, nó đói khát, nó hoành hành ghê gớm lắm cho đến khi mà đứng dậy không nổi. Là cái người đó chịu đựng ghê gớm lắm chứ không phải là thường đâu. Cho nên khi mà sắp sửa chứng đạo, Ma vương nó đến, nó hành hạ Phật, Thầy nói thiệt ra cái người nào mà lơ mơ là rút chạy hết. Ghê gớm lắm. Phải một lần chết đi rồi mới sống lại. Tu theo đạo Phật nó thay da đổi thịt hết. Cũng như mà Na Tra mà trả thịt xương cho cha mẹ để rồi liên hoa hóa sanh đó. Mấy con muốn liên hoa hay là thịt xương của cha mẹ?
(13:03) Nghĩa là một lần phải chết đi rồi mới sống lại. Nó có như vậy mới đúng là người tu của đạo Phật. Chuẩn bị tinh thần này vững vàng mấy con. Chứ còn nếu mà không nhắc nhở mấy con thì mấy con nghĩ là chắc tu êm lắm, đi suông cũng như con đường dầu, xa lộ. Nó không có như xa lộ đâu. Nhớ kĩ trên con đường đó Thầy đã đi qua rồi. Chắc chắn ai chứng đạo cũng đều phải có gặp. Không có người nào mà trốn khỏi cái hầm hố này đâu. Người nào cũng phải gặp thôi. Cho nên chuẩn bị tinh thần của mấy con vững vàng. Xây dựng tinh thần ngay từ bây giờ. Mà Thầy xây dựng tinh thần của mấy con vững vàng rồi mới chiến đấu được. Chứ không khéo vô đó mấy con dao động tinh thần. Dao động rồi thì chỉ còn có nước mà chạy, không còn cách thức nào hết.
(13:43) Cho nên khi mà người ta mở mặt trận người ta đánh nhau đó, mà vào nổ súng một lát mà nó chết một loạt. Binh lính của mình nó chết, bạn bè, bạn chiến hữu của mình nó chết đống đống. Tinh thần dao động hết không dám tấn công rồi mấy con. Nó sợ đó. Vậy mà đi ra ngoài, cái người mà người ta hướng dẫn cho cái tinh thần mình mạnh mẽ trở lại, bắt đầu mấy con xuống mới nhào vô được chứ không phải đâu. Cái người gì…?
Tu sinh: Chính trị viên.
Trưởng lão: Ờ. Chính trị viên đó, mấy người đó đó. Họ hay lắm. Họ kích động tinh thần mình trở lại, quân đội trở lại cho mạnh mẽ. Bắt đầu ôm súng vô. Chết hàng loạt mà vẫn tiến bước vô. Đó là cách thức chiến đấu đó mấy con. Cho nên bây giờ Thầy chuẩn bị cho mấy con mặt trận này là Thầy chuẩn bị tinh thần của mấy con vững mạnh á. Chứ mà nếu mà lơ mơ mà vô đó thì mấy con chỉ con nước vứt súng mà chạy. Quăng súng mà chạy. Thầy biết cái mặt trận này nó cam go lắm. Cái giờ phút mà chúng ta sắp sửa chứng đạo là cái giờ phút rất là cam go. Chỉ có gan dạ, chỉ có lầm lì, chỉ có lì như là mấy thằng chai lì lắm mới chịu nổi. Chứ còn lơ mơ chịu không nổi. Nó đánh ghê, đánh rát lắm. Nhất là đánh cảm thọ, nó ghê lắm.
Coi như là mình ngất xỉu đó. Rồi mở con mắt ra thấy sống lại đó. Đánh như vậy đó mà vẫn ôm pháp mà chịu mà đến khi mình mất mình luôn đó. Mình không còn biết nữa. Mà vẫn ôm pháp mà mất chứ không phải là bỏ pháp mà mất đâu. Đến cái mức độ nó đánh mình cay như vậy chứ không phải là đánh ít đâu. Cho nên mấy con chuẩn bị tinh thần chứ chừng đó mấy con đau một chút thôi, mấy con rút mà chạy thì thôi lính này lính dởm.
(15:19) Trưởng lão: Con hỏi Thầy?
Tu sinh 1: Kính thưa Trưởng lão, con xin hỏi câu như này: Trưởng lão giảng cho con sự khác nhau giữa độc cư với độc trú?
Trưởng lão: Độc cư là mình sống một cái nơi còn độc trú là mình trú vào một cái điểm thôi. Cho nên độc trú nó hẹp lắm. Mà độc cư là mình sống. Tôi cư trú ở cái vùng đó. Con hiểu không?
Độc cư nó khác, độc trú nó khác. Bây giờ nó an trú, mình trú vào cái gì đó. Con bây giờ độc trú, con trú vào cái chỗ nào đó con độc trú chỗ đó. Cho nên nó không phải độc cư.
Độc cư tôi sống chung đụng với mọi người, tôi đi tới đi lui mà tôi không nói chuyện ai hết. Tôi độc cư. Tôi sống có mọi người. Cho nên độc trú là mình sống thấy người ta cái mình hoảng hồn, mình chạy không có cho ai thấy mình đó. Độc trú có một mình. Trú là ở. Cư cũng ở. Nhưng cư là cư dân, cư là sống chung có nhiều người. Phải không? Nó khác hai cái nghĩa, nghĩa nó khác, từ nó khác.
(16:14) Cho nên chữ trú là an trú, nhiếp tâm để trú vào cái chỗ nào đó. Thì cái đó trú, mình ở đó. Coi như là nói mình tự bỏ tù mình đó. Là mình trú. Còn cái kia là mình sống chung với mọi người nhưng mà mình sống cái hạnh không nói chuyện với ai. Cần thiết thì mình cũng nói chứ không phải là độc câm đâu. Nó độc cư mà. Cần thiết nói nhưng mà không cần thiết không nói. Không nói chuyện tào lao, nói chuyện tầm bậy đâu. Nó là độc cư. Cư là ở, trú cũng ở nhưng mà trú nó hẹp hơn còn cư nó rộng rãi hơn. Cho nên độc cư, độc bộ, độc hành. Bộ là đi đó con. Hành là đi.
Độc cư, độc trú, độc bộ, độc hành. Độc trú thì nó hạn hẹp. Độc bộ là cùng đi. Hành là đi có một mình. Bộ là đi cùng người này, người kia. Hai người, nhiều người là bộ. Cũng đi nhưng mà tôi độc bộ, tôi đi tôi không nói chuyện với mấy ông. Mấy ông đi trước, tôi đi sau mà đi sau là làm thinh chứ mình đi mà nói chuyện thì nó không có độc bộ. Còn bây giờ độc hành là tôi đi có một mình mình. Tôi đi trên đường này là có một mình tôi chứ không có ai - Độc hành. Hành là đi, bộ cũng đi nhưng mà bộ nó có những người cùng đi nhưng mà tôi không có nói chuyện với mấy người. Gọi là độc bộ.
Còn độc trú nó hạn hẹp, nó hạn hẹp hơn. Còn độc cư nó ở rộng hơn, nó có mọi người cùng ở với nhau.
(17:46) Tu sinh 1: Kính thưa Trưởng lão, con xin hỏi thêm câu này nữa! Tại sao người đời người ta thường hay nói câu để chỉ cho những người có can đảm là: “To gan, lớn mật” là sao Trưởng lão?
Trưởng lão: Thì bởi vì họ thấy mình can đảm, họ nói: "Chắc cái gan nó lớn cho nên nó to gan". Chứ Thầy nghĩ cái cấu trúc của cái cơ thể chắc cái gan người nào nó cũng vậy chứ không lẽ cái người mà can đảm là cái gan nó bự hơn cái người kia. Rồi nó nằm ở chỗ nào? Nhưng mà cũng không chừng, rồi mình cứ mổ bụng, mổ gan người ta đâu biết chừng mà cái người mà gan thì cái gan họ lớn thì sao?
Mình đâu có biết được. Bây giờ chỉ có hỏi mấy ông bác sĩ: "Cái người gan quá, xông trận như vậy mà không sợ đâu! Mổ nó ra coi lớn hay nhỏ!". Thì cái này là xác định bằng cụ thể mới biết được. Nhưng mà cái lời người ta nói, người ta ví cái người mà can đảm thì cái người này chắc cái gan lớn lắm, gan lớn nó mới can đảm còn gan nhỏ không. Thì đó là cái người ta nghĩ, người ta nói thôi. Như mình muốn áp dụng nó thực sự ấy thì cứ mổ mấy người mà gan dạ ra coi cái gan với người mà nhát thử coi hai cái gan nó so lại coi. Cái lớn, cái nhỏ cái đó mới thực tế. Còn bây giờ con hỏi, Thầy có phải là mấy người giải phẫu đâu mà biết mà trả lời.
(18:56) Trưởng lão: Bây giờ mấy con còn hỏi Thầy gì nữa không con? Nói chung là những từ như vậy đó mình cần hiểu nghĩa, hiểu nghĩa cho nó rõ chút để cho mình biết cách để cho mình áp dụng cho nó đúng với cách của những từ đó. Phải hiểu rõ nghĩa. Còn trong từ điển nhiều khi nó có những cái… Nó không phải là họ hiểu hết cái nghĩa đó đâu. Cho nên trong học phổ thông, trong từ điển Phật học như Đoàn Trung Còn hoặc là các nhà viết từ điển đó thì hầu hết họ có nhiều từ trong kinh điển mà họ không hiểu. Hoàn toàn không hiểu cho nên họ hiểu theo cái kiểu Đại thừa, kiểu chung chung họ giải thích. Thành ra nó sai nghĩa. Nó không đúng.
Tu sinh 1: Con thấy ở trong Hán Việt từ điển người ta giải thích không có đầy đủ hết. Ví dụ như Từ, Bi, Hỷ, Xả hoàn toàn người ta không nói, không có đầy đủ.
Trưởng lão: Tức là nó nói không đúng đó mấy con!
Tu sinh 1 : Nói một phần nhỏ thôi. Đôi khi nói sai nữa.
(19:46) Trưởng lão: Nó nói theo cái kiểu tâm phàm phu. Cho nên nói Từ, Bi, Hỷ, Xả nó cũng giải thích bằng chữ Hán của nó. Là nó sơ sơ thôi chứ nó không có sâu đâu. Cho nên nói các nhà từ điển đâu có nghĩa là các nhà tu đâu mà hiểu biết. Phải chi mà cái ông mà làm từ điển chứng đạo chắc ông làm sẽ không có sai đâu. Này ông chưa có chứng đạo, ông làm với cái tập thể nó nghĩ: "Ờ, cái đó nghĩ nó chung chung vậy thôi". Cho nên nó chưa có đúng nghĩa. Cho nên cái nghĩa mà được đúng là sau này có những bậc A La Hán mà tu chứng, chúng ta nên hợp tác với nhau làm lại cái gì lợi ích cho chúng sanh. Chứ một mình đức Phật ngày xưa còn sống ở trong bộ lạc, còn sống ở trong cái giáo dục, cái kiến thức nó còn hạn hẹp. Khoa học thì cũng chưa có. Cho nên vấn đề từ điển này kia nó chưa có đâu. Các con hiểu không? Còn bây giờ vấn đề ngôn ngữ, nếu mà các con mà tu xong rồi thì nhiệm vụ của các con rất nhiều lắm. Bởi vì ngôn ngữ của chúng ta phải có cái chính xác ở trong đó. Để giúp cho loài người người ta tiếp nhận một cách dễ hiểu. Mấy con trở thành những nhà làm từ điển chứ không phải là không đâu. Về ngôn ngữ mà, để mình diễn tả được cái ý của mình muốn nói cái gì để cho người ta hiểu cho dễ dàng mà không lầm lạc. Còn bây giờ mình lật từ điển ra mình không hiểu nghĩa đó, mình hiểu theo kiểu này mình hết tu nổi rồi. Cho nên nó sai rồi mấy con. Cho nên vì vậy nhiệm vụ của chúng ta rất nhiều. Nhưng mà đào tạo cho con người để chứng quả A La Hán nó cả một vấn đề gian nan, khó khăn. Mà Thầy đã sách tấn tinh thần của mấy con để cho mấy con vững vàng đi vào cái chỗ mà chết đi sống lại đó thì nó mới chứng đạo chứ không phải là nó thường.
(21:23) Do đó, Thầy biết rằng trong cái số người của mình, cái người mà được sách tấn khích lệ cho đúng mức thì nó mới chịu đựng nổi vượt qua chứ còn không khéo thì mấy con sẽ…
Là con người bằng xương, bằng thịt mà. Đau quá chịu sao nổi. Khổ quá chịu sao nổi. Mà lúc bấy giờ thì mình không nổi thì mình phải bỏ cuộc thôi. Nhưng mà cái tinh thần mình mạnh mẽ thì mình vượt qua được, còn tinh thần mình yếu đuối thì mình không vượt qua được. Nó khó!
Cho nên coi vậy chứ con đường tu Thầy nói để khích lệ mấy con. Thầy nói dễ thì dễ chứ nó khó vô cùng lận chứ nó không có dễ đâu. Nhưng mà con người chúng ta làm được chứ. Đâu phải là chúng ta hèn nhát làm không được. Vì Phật làm được, Thầy làm được rồi. Trong thời đại này, Thầy làm được, Phật làm được thì chắc chắn là… Ngày xưa, Phật làm được, bây giờ Thầy làm được mà đâu phải là cái chuyện khó đâu. Có con người làm được, Thầy đâu phải hơn gì mấy con đâu. Chỉ có ý chí của mình thôi. Quyết định thôi là mình sẽ làm được mấy con.
(22:15) Thầy nghĩ rằng mấy con cũng đầy đủ những ý chí, đầy đủ những cái quyết định của đời sống của mình. Không lẽ bây giờ mình bỏ mình đi tu rồi bây giờ mình ra đời làm gì đây?
Cả cái mà hiểu này, cái tư tưởng hiểu này nó sẽ đấu tranh với mấy con. Mấy con ra đời bây giờ mấy con khổ lắm. Tự nó đấu tranh. Thà là mấy con đừng hiểu Phật pháp đi, nó chạy xuôi theo cái dòng dục lạc của thế gian mấy con không khổ đâu. Nó khổ nhưng mà mấy con không có thấy khổ đó đâu.
Nhưng bây giờ mấy con đã hiểu biết rồi mà mấy con trở ra, cuộc đời của mấy con con thấy nó đau khổ nhiều hơn nữa. Cho nên mấy con sống không có được đâu. Sống không được thì thôi bây giờ phải đi tới thôi. Đường lui không được thì đi tới chứ sao. Không lẽ bây giở ở lưng chừng. Mấy con hiểu chưa? Phải đi tới thôi.
Cái đường của mấy con là đi tới. Đi không quay đầu trở lại mới được. Chứ mấy con bây giờ trở ra đi, mấy con cưới vợ. Trời đất ơi, biết khổ rồi bây giờ nhào vô. Trời đất ơi, thiệt khổ đúng mà. Trời đất ơi, con này, cái này, nó bệnh nó đau, vợ nó đòi hỏi cái này, cái kia mà trời ơi làm không lấy gì ra tiền. Bộ làm tiền bộ sướng hả con?
(23:11) Rồi đây bây giờ mà ôm đầu mà kể khổ: "Phải biết hồi đó ở tu cho sướng hơn!". Cho nên thà là mấy con đi tới chứ đừng có… Thầy khích lệ mấy con đi tới chứ đừng có đi lui. Đi lui là khổ. Không có chạy đâu khỏi cái khổ đó đâu. Nhớ kĩ đi! Rồi mấy con quyết tâm, quyết định cái đời sống của mình. Ngay từ bây giờ đó, mấy con thấy sức mình thôi, chắc cái tâm mình còn ham ham gì đó thôi. Đi ra đi, đừng có ở đây mà nửa đời mà nửa đạo thì không có được đâu. Tu không có vô đâu. Còn thấy được, quyết định là cuộc đời này hy sinh cho Phật pháp. Cuộc đời của con hy sinh cho con người để dựng lại cái đạo đức cho con người. Hy sinh cho họ đi! Coi như chúng ta chết vì con người đi! Thì mấy con mới làm được, chứ còn mấy con không dám hy sinh thì mấy con không làm được đâu. Phải ráng.
Thôi bây giờ thì chúng ta cũng sắp sửa gần tới giờ ăn cơm rồi. Có hỏi Thầy gì thêm không?
(24:04) Tu sinh 2: Con muốn biết chuyện mà Phật Di Lặc đó Thầy. Trong sách nói ông Bổn Sư hết nhiệm kỳ thì tới ông Phật Di Lặc. Bữa nay con đi lên đây, đi ngang cái chỗ cô Bích đó, cái chỗ chùa (Nhòa) cất tượng Phật Di Lặc. Tượng bự lắm à, bữa nay sẵn dịp con xin hỏi Thầy?
Trưởng lão: Bởi vì Phật Di Lặc là một người mà do người sau họ đặt ra để ông lật đổ Phật Thích Ca chứ không có gì hết.
Tu sinh 2: Dạ!
Trưởng lão: Cho nên đức Phật Di Lặc bây giờ ra đời rồi. Cho nên đó là cách thức mà lật đổ ông Phật Thích Ca. Thay chính phủ đó mà. Bây giờ như vậy là ông Phật Di Lặc lên thay ông Phật Thích Ca là thay chính phủ rồi. Chứ không có gì. Chứ nó hỏi có hay không thì Thầy cũng… Bây giờ đó là cái điều kiện mà người ta đưa ra để thay đổi thôi. Để ông Phật Thích Ca lâu quá, nó cũ rồi, ông này làm vua lâu rồi. Hai ngàn mấy trăm năm. Bây giờ thay ông vua khác cho nên thay ông Phật khác. Cái đạo Phật của mình bây giờ nó mới mẻ, nó có kiểu lật đổ nhau rồi. Thôi bây giờ mình không có nói cái chuyện đó.
(25:22) Trưởng lão: À. Con hỏi câu hỏi như thế này: "Nếu muội lược tham, sân, si chết ở trong cõi Trời đó có ảnh hưởng, tác động đến thế giới con người như các tông phái thêu dệt thế giới siêu hình, ảnh hưởng đến tư tưởng con người do đó mới sanh ra cầu thần Thánh, van xin thần Thánh?"
Không, không có! Khi mình muội lược tham, sân, si rồi mình ở trong cái từ trường đó rồi thì cái người đó họ luôn họ lo tu. Họ không có còn mà làm thần Thánh cứu độ ai hết bởi vì cái mục đích họ là đi vào giải thoát. Còn cái thế giới siêu hình của các tông phái khác, họ dựng lên á là cái tưởng của họ thôi. Để đưa cái tư tưởng của con người vào cái thế giới siêu hình, nương tựa vào cái thần lực, thần quyền. Do đó nó khác mà. Cái đó thuộc về cái ảo tưởng, cái tưởng của con người. Còn cái con người mà tu để vào cõi Trời chết mà ở trong cõi Trời tưởng, cõi Trời mà ở trong trạng thái tưởng của chúng ta. Nghĩa là coi như cái người chết đó họ ở trong giấc mộng của họ thôi. Họ ở trong cái giấc mộng của họ.
Vì họ không tái sanh được, bởi vì nó không có tương ưng được với mọi người, họ không tái sanh được. Buộc lòng họ phải ở trong cái trạng thái của giấc mộng của tưởng. Tưởng đây là tưởng của họ mà không phải tưởng thế giới siêu hình. Mà cái tưởng của sự giải thoát. Tưởng không tham, sân, si. Cho nên họ tiếp tục họ dùng cái tưởng mà đi tới cái chỗ vào Niết Bàn. Họ diệt hết tham, sân, si họ vào Niết Bàn. Đó nó vậy thôi chứ không có gì hết.
(26:48) Chứ không phải người đó đi vào cõi Trời đó, rồi họ trở thành ông Thánh, ông thần ở cõi đó rồi bây giờ người ta mới cầu ông. Không có! Ông không có làm cái chuyện mà cầu họ được. Ông không có ở cái thế giới đó mà cầu họ. Ví dụ như bây giờ cái người đó họ tu cái nhẫn nhục. Vì nhẫn nhục đó mà họ xả, giảm bớt cái tham, sân, si. Bởi vì có nhẫn nhục mới có xả được cái tham, sân, si của mình cho nên nó muội lược tham, sân, si đi. Vì vậy mà họ sẽ sanh vào cõi Trời Đâu Suất. Con hiểu cái cõi Trời Đâu Suất là chỗ mà nhẫn nhục đó. Do đó nói ở cõi Trời Đâu Suất chứ nó ở trong cái từ trường.
Bây giờ cái người đó họ ở trong cõi Trời Đâu Suất, họ là một vị trời Đâu Suất rồi. Cho nên bây giờ mình mới cầu vị trời Đâu Suất đó gia hộ, phù hộ mình thì cái đó trật, không trúng. Mà cái người đó đang ở cái trạng thái nhẫn nhục đó, họ tiếp tục sẽ thực hiện cái nhẫn nhục rốt ráo hơn, hơn nữa. Tức là họ ly dục, ly ác pháp hoàn toàn. Con hiểu không? Cuối cùng họ chứng đạo. Chứ họ không có phù hộ ai được hết. Họ không phù hộ.
(27:52) "Câu chuyện thật. Người ta kể bị quăng ném xuống biển vừa bơi vừa niệm Đức Quan Thế Âm Bồ Tát ở trên biển gần tám tiếng đồng hồ, vẫn bơi được rồi có người cứu."
Trưởng lão: Nghĩa là câu chuyện Đức Quan Thế Âm cứu hộ cho một cái người ở trên biển tám tiếng đồng hồ mà vẫn còn sống. Vẫn còn sống được.
Sự thật ra do cái nhân quả. Chứ Đức Quan Âm không có thọt tay cứu người này đâu. Cái nhân quả thiện.
Cho nên trong khi mà cái người này bị rớt xuống biển, bị ném xuống biển mà vẫn bơi được. Cái sức lực con người không làm được. Nhưng mà cái sức của nhân quả, của thiện ác nó hỗ trợ rất là mạnh. Cái từ trường đó nó hỗ trợ. Cái người này ít ra phải có sống thiện. Cái người này không sống thiện thì nó phải chết chìm dưới đáy biển rồi, cá ăn rồi chứ không có còn đâu.
Cho nên cái hiện tượng mà xuống đó rồi niệm. Cái niệm là cái tín lực. Cái người đó cứ niệm Quan Thế Âm bởi vì cứ nghe nói Quan Thế Âm cứu khổ, cứu nạn mà. Cho nên cái tín lực của ông ta nó hợp với cái nhân quả thiện của ông ta mà nó nâng cái thân của người này. Nó làm cho người này nằm ở trên mặt biển mà không bị cá nuốt. Con hiểu không? Mình phải hiểu qua cái nhân quả cho đúng cách chứ còn Quan Thế Âm không có thể cứu khổ cho người này.
Mà chính cái hành động sống thiện của của người này đã cứu khổ họ đó. Và cứu khổ qua cái niềm tin, qua cái niềm tin đức Phật Quan Thế Âm. Nếu mà lúc bấy giờ không có tin thì mình không có đủ sức. Cái duyên nghiệp thiện nó không đủ sức.
(29:23) Nghĩa là mình làm thiện tức là mình làm thiện phải có cái niềm tin. Cũng như bây giờ, Thầy dạy mấy con làm cái công chuyện thiện thì mấy con phải giữ cái tâm bất động, thanh thản. Trú ấy mà. Các con hiểu không? Bây giờ trú trong thanh thản hoặc trú trong hơi thở. Bắt đầu bây giờ lỡ các con lọt xuống biển đi, thì mấy con nói: "Bây giờ là cái tai họa mới đến rồi". Thì do đó mình phải an trú ở trong hơi thở hoặc là an trú ở trong một cái hành động nào đó hoặc là an trú cái tâm thanh thản, an lạc, vô sự. Bất động đi. Thì bắt đầu đó cái cơ thể mình nó tự nhẹ lên mà nó không bị chìm xuống nước. Con hiểu không?
Đó là cách an trú để đẩy lui các chướng ngại pháp. Để cứu mình thoát ra cái cảnh chứ không có Quan Âm, không có gì hết. Vì cái niềm tin, niềm tin của Thầy nói: "Tâm thanh thản, an lạc, vô sự" đẩy lui được cái khổ đau của mình. Cái niềm tin mà, tín lực mà. Do đó cái niềm tin, các con cứ ôm cái niềm tin đó đi thì nó được. Còn cái ông này, cái người này bị quăng xuống biển thì ông lại tin Đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Nhưng mà cái thiện pháp của ông có, cho nên vì vậy mà cái niềm tin đó nó thực hiện qua cái câu niệm của ông ta. Cho nên quăng xuống biển cả tám tiếng đồng hồ mà ông chưa chết, có người đến cứu ông. Lòng tin, tín lực.
(30:31) Cũng như bây giờ Thầy dạy các con. Bây giờ cái đầu các con nhức. Mấy con sẽ nương vào cánh tay đưa ra, đưa vô thế này. Mấy con tin Thầy. Mấy con tin thì mấy con mới làm, còn mấy con không tin mấy con làm hơi rồi thôi bỏ. Thấy không hết nhức đầu thôi đi uống thuốc. Thì như vậy mấy con mất niềm tin. Còn mấy con tin, mấy con làm một hơi, tiếng đồng hồ không hết, hai tiếng đồng hồ hết sạch.
Đó là cái lòng tin của mấy con mà mấy con nương vào cái chỗ cánh tay của con mà các con đẩy lui được bệnh. Đó là lòng tin. Nếu mà mình tin Quan Thế Âm thì mình cứ niệm. Niệm: "Quan Thế Âm, Thế Âm", mình tác ý: "Thọ là vô thường, cái đầu này không có đau, Quan Thế Âm đâu phải cứu khổ, cứu nạn cái đầu này đi". Bắt đầu niệm: "Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát, Nam mô Quan Thế Âm". Nhiếp tâm, an trú trong câu: "Quan Thế Âm Bồ Tát" đó mà đẩy được cái bệnh của mấy con. Con hiểu chỗ đó chưa?
Qua cái tín lực, nó thực hiện qua cái tín lực. Mà trong cuộc đời chúng ta, đức Phật nói là có Ngũ Lực. Tín lực là hàng đầu đó mấy con. Mà tín lực thì nó mới có tấn lực, mới có siêng năng. Cho nên có siêng năng thì mới có đẩy lui được. Phải không?
(31:28) Bây giờ mấy con hiểu hết rồi, còn có hỏi Thầy gì nữa không? Hết rồi hả? Ráng nỗ lực mấy con, ráng nỗ lực. Nếu mà mấy con lớn tuổi mà những người quyết tâm tu tập, sống chết, đừng sợ hãi thì Thầy sẽ cho học theo cái lớp của những người tuổi trẻ. Cho mấy ông già, lính già này chứ đánh mạnh lắm, không có thua đâu. Nhưng mà mấy con thấy sức mình yếu, mình chưa dám thì mấy con sẽ ở cái lớp để mà Thầy cho cái thời khóa của mấy con phù hợp với cái sức tuổi già. Còn mấy con không sợ, mấy con coi như bây giờ cũng sắp sửa chết rồi, cho nó chết một trận thì Thầy sẽ cho mấy con vào cái lớp tuổi trẻ. Để coi mấy đứa trẻ này nó hơn mấy con nổi không.
Bởi vì cái tinh thần nó mạnh hơn cơ thể của mấy con rất nhiều. Thầy biết cơ nó không bằng tinh thần đâu mấy con. Vì cái tinh thần nó mạnh lắm!
(32:18) Tu sinh 3: Ông bác ông trình Thầy ổng nói: “Người ta nói ông đó (bức ảnh) là thái tử Tất Đạt Đa”. Có phải không?
Trưởng lão: Thái tử Tất Đạt Đa cạo đầu chứ sao mà đeo vòng nữa mấy con?
(32:27) Tu sinh 2: Nói vậy là nói bậy.
(32:28) Trưởng lão: Ông Phật đã chế cái giới là cấm không cho đeo vòng, con. Mà cái hình này nó có đeo cái vòng tay rồi. Đây là con một. Mà cái ông này là ông Bà La Môn chứ không phải ông Phật. Cho nên tóc tai đồ dữ tợn. Ông Phật cạo tóc. Bởi vì ông Phật để tóc vậy là ông Phật của Đại thừa rồi con. Chớ ông Phật mà thật sự ông Phật Nguyên Thủy, ông cạo đầu như đệ tử của ông, như Thầy vậy đó, như mọi người cạo đầu vậy đó. Đó là ông Phật Nguyên Thủy.
Bởi vì trong kinh có một bài kinh mà. Khi mà cái mùa hạ năm đó Phật tử người ta đến cúng dường đó, trưa thì người ta mang cơm đi vào từng cái chỗ các vị tu sĩ đó. Người ta cúng dường. Thì lúc bấy giờ, đức Phật chắc bộ muỗi nhiều, lấy cái y cũng như mấy thầy nè, lấy cái y trùm cái đầu lại. Nghe người ta đi sột soạt, sột soạt, ông Phật ông mới giở cái y ra. Thì cái ông cư sĩ nói: “À, đây là Gotama”. Thì như vậy rõ ràng ông Phật cạo đầu chứ đâu phải ông Phật mà có tóc làm gì có. Phải không? Cái bài kinh đó để xác định được hình ảnh của đức Phật là cạo tóc. Cho nên cái hình ảnh mà để tóc quăn quăn vậy nè, đó là hình ảnh của đức Phật Đại thừa, của Nguyên Thủy thì cạo tóc hết. Nó giống như đệ tử của nó, ông Phật sao thì đệ tử ông vậy à.
Còn cái ông Phật này nói thái tử Tất Đạt Đa. Thực sự đây là ông Bà La Môn, đeo cái vòng mà con.
Giới luật của Phật đâu có trang sức kì cục vậy. Ông Phật mà đeo vòng vậy đâu có được. Như vậy là ông này ông phá giới đó con.
(33:54) Tu sinh 3: Dạ, ông này cũng có người ta thờ đó!
Trưởng lão: À. Thì người ta không biết người ta thờ chứ Thầy biết là mấy ông này thờ là thờ ông Bà La Môn.
Tu sinh 3: Họ nói ông này là ông thái tử Tất Đạt Đa mà?
(34:05) Trưởng lão: Coi như là cái hình mà còn thái tử thì còn chấp nhận chứ xuất gia rồi thì không có chấp nhận đâu. Xuất gia là phải cạo bỏ râu tóc.
Tu sinh 3: Họ nói ông này là khoảng bốn mươi tuổi mà?
Trưởng lão: Như vậy là ông thành Phật mất rồi.
Tu sinh 3: Đó làm sao ổng có tóc!
Trưởng lão: Như vậy ổng có tóc là sai rồi. Cái hình này trật rồi con không phải đâu. Không phải, sai rồi.
Tu sinh 3: Vậy con biếu Thầy luôn!
Trưởng lão: Vậy Thầy thờ Bà La Môn?
Tu sinh 3: Con cũng lỡ rồi, con biết để con tìm hiểu…
(34:33) Trưởng lão: Thôi vậy cũng được rồi. Mà con biết thôi chứ đừng có nói. Khi người ta có thờ đó, để cho người ta thờ ông Bà La Môn cũng được. Chứ có sao? Chứ đừng có nói, nói người ta tức người ta đánh con đó. Người ta thờ Phật mà con nói Bà La Môn là họ tức, họ đánh con đó.
Nghe lời Thầy, đừng có nói gì hết.
Tu sinh 3: Con cũng đâu có nói đâu.
Trưởng lão: Có ở đây Thầy nói thì thôi chứ con nói là họ đánh con đó.
Tu sinh 3: Nói như Thầy, hôm con đưa cái hình thái tử Tất Đạt Đa đúng không Thầy?
(35:00) Trưởng lão: Con đưa cái hình mà đúng thái tử Tất Đạt Đa thì thầy nói đúng, không thì Thầy nói không. Thôi được rồi đó mấy con, còn gì nữa không mấy con?
Con sẽ đưa cái ổ đĩa này cho Từ Quang, con! Thầy mượn cái bài của thầy Chơn Thành với của Từ Quang để photo cho nhanh. Hai con bữa nay về là không có bài. Thầy xin mượn.
Bắt đầu tuần tới mấy con làm cái bài Tâm Bi, mấy con! Đức Bi Tâm. Mấy con sẽ làm cái bài đó. Con nhớ Đức Bi Tâm là trước mặt mấy con có những vật, có con vật, có những người đau khổ hoặc là thân tâm con bị đau khổ. Đó là con thực hiện Đức Bi Tâm đối với con, đối với mọi vật thì nó đúng, không có sai.
Nhiều lắm, Đức Bi Tâm thì nhiều lắm.
(35:48) Tu sinh 4 : Bạch Thầy, còn tuần này là mình làm Tâm Hỷ hả Thầy?
Trưởng lão: Mấy con làm Tâm Bi rồi thì mấy con sẽ làm Tâm Hỷ. Còn mấy con chưa làm Tâm Bi thì phải làm Tâm Bi. Mà làm Tâm Bi rồi thì làm Tâm Hỷ. Mà người nào đã làm Tâm Hỷ rồi thì làm Tâm Xả. Có vậy thôi.
Khi mà thực hành ấy chắc có lẽ là Thanh Trí phải báo trước. Khép mình vô tu tập đàng hoàng chứ không khéo mà cứ thu âm không, người ta chứng quả A La Hán còn con cứ chạy lăng xăng là chết.
Cho nên Thanh Trí là phải sắp xếp đó con. Vào tu đàng hoàng á. Chứ không khéo người ta ngồi ở trên cõi Phật hết rồi con còn ở dưới phàm phu ngó lên á. Phải nỗ lực.
Cho nên vì vậy mà báo cho những người khác biết là lúc bấy giờ là lúc thực hành rồi. Thì mấy anh chị dừng lại cái khoảng thời gian này.
Nếu trong bốn mươi chín ngày mà tôi làm xong thì tôi sẽ báo cáo. Còn chưa xong thì tiếp tục tôi tu nữa. Phải báo trước chứ. Để bên đấy cứ hỏi: “Sao mà lúc này không thấy tin tức gì hết? Không thấy bài vở gì hết?”. Bây giờ tu mà còn bài vở gì nữa? Hôm đó thì học thì còn bài vở chứ còn tu thì làm sao còn bài vở được. Tôi ngồi cứng ngắc ở đây thì làm sao mà làm bài vở.
Thì phải ráng nỗ lực đó mấy con. Tới cái giai đoạn tu rồi. Được, không thì phải nỗ lực tận cùng để mà nói lên cái quyết tâm của mình chứ không khéo rồi mình tu rồi cuối cùng nó lương ương mà nó: “Đạo không đạo mà đời không đời”.
Rồi, xong chưa mấy con? Xả hết rồi chứ? Giờ bắt đầu tới giờ đi khất thực rồi.
HẾT BĂNG