LCK 076A - ĐỨC TỪ TÂM (TỪ QUANG)
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Thời gian: 31/01/2006
Thời lượng: [49:18]
(00:00) Trưởng lão: Hôm nay, chúng ta tiếp tục học về Đức Từ Tâm. Thì thầy Chơn Thành viết được cái phần mà thực hành của Đức Từ Tâm mà những phần khác thì còn thiếu. Còn Từ Quang thì cái bài của con viết còn thiếu về cái phần bài làm Đức Từ Tâm chưa được đầy đủ lắm, nhưng mà cái luận muốn chỉ cho chúng ta thấy cái lối đi của đức từ tâm. Cái phần mà Tỉnh Thức Chánh Niệm thì nên bổ sung thêm cho được đầy đủ.
Bởi vì cái Đức Từ Tâm là giữ cái trạng thái tỉnh thức, đó là cái tâm Từ của mình chứ không gì. Bởi vì nó ngăn ngừa, từ nó ngăn ngừa những cái hành động ác. Cho nên mình tập tỉnh thức từ cái hành động đi, đứng, nằm, ngồi của mình để mình tránh vô tình mình làm cho chúng sinh đau khổ.
Tức là mình phải thêm cái phần Tỉnh Thức Chánh Niệm; vì Tỉnh Thức Chánh Niệm thì phải có sự cẩn thận, ý tứ trong mỗi hành động thân, khẩu, ý - đó là Từ Vô Lượng Tâm; cho nên con thiếu cái phần này. Nhưng một lúc nữa đọc cái bài này qua cái luận của con thì cũng thấy rất hay, nhưng mà điều kiện nó còn thiếu một chút nữa thôi, cho nên cần phải thêm cái phần đó nữa.
Còn về thầy Chơn Thành thì được cái phần mà tu tập, nói về cái phần tu tập, thầy Chơn Thành phải dựa vào những cái tiêu chuẩn sau đây:
Giới thiệu Đức Từ Tâm.
Từ Tâm đối với mình.
Từ Tâm đối với người.
Từ Tâm đối với loài vật.
Từ Tâm đối với cỏ cây.
Từ Tâm đối với thiên nhiên.
Pháp hành Từ Tâm.
Kết luận lợi ích của Từ Tâm.
Bài này chỉ nói lên được pháp hành Tứ Vô Lượng Tâm. Cả một cái pháp hành mà thầy Chơn Thành viết mấy con thấy rất là nhiều; tới 27, 28 trang giấy học trò. Đó là nội cái pháp hành thôi chứ chưa nói gì vấn đề khác - cái hành để mà tu tập Tứ Vô Lượng Tâm.
Do đó bây giờ chúng ta tiếp tục để mà chúng ta học cái bài Tứ Vô Lượng Tâm, bởi vì cái bài này rất là đặc biệt ở trong cái vấn đề "Một pháp mà duy nhất" để chúng ta đi đến cứu cánh giải thoát hoàn toàn thực sự. Nếu còn sơ sót thì chúng ta không thấu triệt được.
(02:47) Nó đi từ thấp đến cao; từ tâm phàm phu thực hiện cái tâm Từ, tâm Bi, Hỷ, Xả và cũng phân biệt được cái Từ - Bi cho rõ ràng. Từ là như thế nào? Từ là ngăn chặn như hồi nãy Thầy nói, nó phải có sự tỉnh thức. Muốn tập tâm Từ mà thiếu tỉnh thức thì không thể tu tập tâm Từ được. Muốn tỉnh thức thì chỉ có cái pháp Tỉnh Thức Chánh Niệm tức là Chánh Niệm Tỉnh Giác. Do như vậy thì chúng ta phải tập luyện nó mới quen; chứ nó không phải là một ngày, một giờ mà nó quen cái sức tỉnh thức được.
Cho nên trong đạo Phật thường hay nói tu trong các hành động. Còn trong Tỳ Ni Nhật Dụng thì mỗi một cái hành động nào dù đi, đứng, nằm, ngồi, lấy ăn cơm hay lấy vật gì, rửa mặt, rửa tay, đi cầu…tất cả mọi cái đều có những cái câu tác ý hết. Câu tác ý trên các hành động đó để chúng ta tỉnh thức chứ không có gì, đó là tu tập tâm Từ chứ không có gì khác hết.
Cho nên chúng ta nghe nói Chánh Niệm Tỉnh Giác thì chúng ta chưa có hiểu được Chánh Niệm Tỉnh Giác, chúng ta chỉ biết mình tu trong tỉnh thức thôi, nhưng mà không ngờ cái hành động Chánh Niệm Tỉnh Giác là cái hành động tu tâm Từ; bởi vì không làm khổ mình, không làm khổ người.
Mình tỉnh thức được từng cái hành động, từng cái khẩu hành, ý hành, thân hành của mình. Cho nên mình nói hoặc là mình làm cái gì nó không có đem tới cái khổ cho người, cho mình thì đó là tu tập tâm Từ chứ không có gì khác.
PHÂN BIỆT TÂM TỪ VÀ TÂM BI
(04:13) Còn Tâm Bi thì trước cái cảnh đau khổ của mình, của người khác mà thực hiện cái điều kiện cái hành động làm cho mình hết đau khổ, người khác hết đau khổ, thì đó là tâm Bi. Tâm Bi là có cái đối tượng đang đau khổ; mình hoặc người hoặc vật, hoặc là thiên nhiên đang bị ô nhiễm điều điều gì đó, đó là có cái đối tượng đau khổ.
Còn tâm Từ thì hoàn toàn không có cái đau khổ, chỉ trong cái sự bình an. Nhưng mà muốn cho nó không xảy ra đau khổ thì nó phải tỉnh thức, nó dè dặt, cẩn thận từng hành động; và cái sự dè dặt, cẩn thận từng hành động đó gọi là tu tâm Từ.
Đó là thực hiện tâm Từ, chứ không phải mình nói Từ là mình thương cái này, mình thương cái kia là Từ. Nhưng mà điều kiện là cái hành động chúng ta làm đó là tâm Từ. Còn cái hành động của tâm Bi là khi nào thấy người ta đau khổ, mình lại, cái hành động nói là "Tôi thương cái người đó!" hoặc là "Tôi thương con vật đó!" Mà khi thấy con vật hoặc cái người bị đang đau khổ đó thì mình giúp đỡ, mình làm cho họ bớt đau, làm cho họ an ổn được thì đó là tâm Bi. Đó, mình phân biệt được như vậy.
TỨ VÔ LƯỢNG TÂM NẰM TRONG TỨ CHÁNH CẦN
(05:19) Thì cái hành động mà tâm Bi và tâm Từ là những cái hành động để mục đích chúng ta ly dục, ly ác pháp; mà trong đạo Phật thường nói: "Ngăn ác, diệt ác". Vậy ngăn ác là tâm Từ - ngăn là không có cho ác pháp tác động gọi là ngăn, là tâm Từ; mà Bi là diệt, bây giờ nó có đau khổ rồi, bây giờ tôi diệt. Cho nên nói: "Ngăn ác, diệt ác, sanh thiện, tăng trưởng thiện", đó là trong Tứ Chánh Cần, nó rõ ràng mà.
Cho nên cái gì chúng ta tu tập theo đạo Phật thì không ngoài Phật pháp. Đức Phật đã chuẩn bị cho chúng ta tất cả các pháp để thực hành đúng đắn, chứ không còn sai nữa. Thầy dạy mấy con không bao giờ mà Thầy dạy ngoài Phật pháp. Những gì mà Phật đã dạy thì Thầy dạy đúng y, cho nên vì vậy mà chúng ta thực hiện đúng Phật pháp là đem lại sự lợi ích cho chúng ta rất lớn là sự giải thoát.
Ngăn ác, diệt ác - tức là từ tâm và bi tâm chứ không có gì hết. Chúng ta hiểu nghe những cái danh từ, ngày xưa đến giờ chúng ta nghe Tứ Chánh Cần nhưng mà hôm này chúng ta học Tứ Vô Lượng Tâm thì chúng ta biết rằng Tứ Vô Lượng Tâm nó sẽ nằm trong Tứ Chánh Cần rất rõ ràng - Ngăn ác, diệt ác.
Sanh thiện, tăng trưởng thiện - tức là hỷ và xả. Thì cái tiêu chuẩn của nó ở chỗ này rất rõ ràng. Và đồng thời qua Tứ Thánh Định thì xác định rất rõ: “Ly dục, ly ác pháp thì nhập Sơ Thiền”, do ly dục sanh hỷ lạc; cái hỷ lạc, cái trạng thái an lạc, cái trạng thái đó mới chính là cái chỗ mà chúng ta tu tâm Từ, tâm Bi.
Cho nên Từ - Bi để mà có thiền định thì Từ - Bi phải trong giới luật, ngoài giới luật thì không thể có Từ - Bi được. Bởi vì giới luật là cái tiêu chuẩn để chúng ta biết được cái thiện pháp hay là cái ác pháp.
Ví dụ như năm giới thì chúng ta biết rằng năm giới - cấm không cho chúng ta làm điều ác tức là có năm điều thiện. Mà thập giới thì chúng ta biết rằng có 10 cái điều cấm không có cho chúng ta làm hoặc hành động 10 cái điều ác thì chúng ta sẽ có 10 cái điều thiện. Như Thập Thiện, rồi 250 giới, 348 giới, đó là giới Bổn.
Mà chúng ta thấy rất rõ ràng những điều mà đức Phật dạy, mà nếu chúng ta không thông suốt, không có nắm cái tiêu chuẩn của giới luật thì chúng ta sẽ phạm phải những giới luật, mà phạm giới luật thì chúng ta sống trong ác pháp.
Vậy thì ngăn ác, diệt ác ở trong tâm Từ, nếu mà không có giới luật để làm cái tiêu chuẩn mình biết chắc chắn thì chúng ta sẽ phạm vào cái pháp ác. Thì như vậy không bao giờ tăng trưởng thiện pháp. Đó là cái sự tu tập của chúng ta hôm nay.
(08:05) Vậy hôm nay, để chúng ta đọc một vài bài, để chúng ta rút tỉa kinh nghiệm của nhau, mà chúng ta làm bài cho nó chính xác hơn, nó dễ dàng hơn. Bây giờ thì Từ Quang hãy đọc cái bài của con! Vì ở trong cái bài này thì nó ở trong cái đĩa cho nên vì vậy mà Thầy in ra chứ không phải như cái tập của Thầy Chơn Thành. Cho nên Từ Quang con hãy đọc, để thấy cái luận về cái Đức Từ Tâm của mình, nhưng mà chỉ có thiếu cái phần Chánh Niệm Tỉnh Giác mà thôi.
Từ Quang: Con Từ Quang, kính xin Thầy cho con đọc bài Từ Vô Lượng Tâm
ÁP DỤNG TỪ VÔ LƯỢNG TÂM
TỪ - BI - HỶ - XẢ
Tứ Vô Lượng Tâm hay là bốn tâm rộng lớn là đặc tính tâm lý một người vượt thoát tâm lý chật hẹp của tâm lý con người phàm phu để trở nên bậc Thánh - khi vị này phát triển cao độ bốn trạng thái tâm lý Từ - Bi - Hỷ - Xả.
Trước tiên xin nói đến “TÂM TỪ VÔ LƯỢNG"
1. LĨNH VỰC CỦA TÂM TỪ
Trong kinh, đức Phật cho biết tâm Từ đối trị tâm sân; tức giận hờn, oán ghét của ta đối với những gì làm ta bất toại ý, đau khổ, không hạnh phúc, mất an vui… nói chung là những gì làm ta không được thoả mãn về tinh thần cũng như vật chất. Tâm Từ còn có nghĩa là sự tha thứ những gì kẻ khác làm cho ta khổ về vật chất, khổ về tinh thần trong quá khứ, trong hiện tại, mà ngay cả trong tương lai.
(10:43) Như thế nào là tâm Từ? Nói ngắn gọn, Từ tâm là lòng thương yêu, lòng tha thứ. Thương yêu sự sống, thương yêu sự bình an, thương yêu sự hoà đồng, thương yêu hạnh phúc, thương yêu sự vẹn toàn, thương yêu sự tự nhiên. Tha thứ lỗi lầm, tha thứ lòng độc ác, tha thứ sự vô minh tham ái.
Chỉ khi còn sống mới hưởng thọ mọi thứ trong đời, trong đó có sự thương yêu của người, chứ khi đã chết rồi, Ngũ Uẩn tan hoại rồi, thì thương yêu còn lợi ích gì nữa đâu! “Sống thì không cho ăn, chết làm văn tế ruồi”. Cho nên mọi hành động chỉ có ích lợi khi đối tượng còn sống bình thường.
Tâm Từ thể hiện trước tiên là bảo vệ sự sống, dù sự sống của con vật to lớn hay nhỏ bé, dù đời sống dài lâu hàng chục, hàng trăm năm hay ngắn ngủi vài ngày, vài giờ. Sự sống, chỉ có sự sống là giá trị tột cùng. Làm chết một sự sống được chứ có ai làm sống dậy được từ cái chết.
Cho nên sự sống quý vô cùng. Chỉ có sống mới biết được, mới cảm nhận được cái này, cái khác; chết rồi thì vô tri vô giác, đâu còn thấy biết gì nữa. Người có tâm Từ không những quý sự sống mà còn bảo vệ sự sống được trường tồn, không làm hại bất kì một sự sống nào khác.
Tình mẫu tử là thí dụ rõ ràng nhất để thấy lòng thương yêu. Ở đây, người mẹ thương yêu con mình, dù con mình như thế nào; nó là đứa bé khoẻ mạnh, hay ốm đau liên miên, hay tàn tật suốt đời, mẹ vẫn tay ẵm nách bồng, “Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn”.
Đó là đứa bé 1,2 tuổi hay trưởng thành 40, 50 hay già lão tới đâu, thì lòng mẹ lúc nào cũng mong con sống khỏe mạnh. Nhưng lòng mẫu tử chỉ là lòng thương ích kỷ hẹp hòi, thương con mình mà không thương con người khác.
Lòng thương không vị kỷ mới thuộc tâm Từ, thương bất kỳ sự sống nào. Đây là con thú rừng hoang hay gia súc gia cầm lòng đều thương chung sống; đây là đàn chim hay kia là đàn cá cũng thương chúng, bảo vệ chúng sống an lành. Thương yêu sự sống của sâu bọ côn trùng, không sát hại sự sống của chúng.
Ta thường nghe đức Phật còn không dẫm đạp lên cỏ non, huống nữa là làm chết. Thức ăn dư, Phật còn bảo phải đổ ở nơi không có côn trùng, không chúng sanh hay cây cỏ để tránh chúng bị chết. Hành được như vậy là ta thể hiện tâm Từ.
(13:36) Thương yêu sự bình an sống. Cuộc sống muôn loài như thế nào là do nghiệp quả của chúng. Dù trong mắt chúng ta chúng dường như bất hạnh như thế nào, thì đó vẫn là cái bình an của chúng. Có loài sống an bình trong vùng tuyết băng, có loài sống an bình trong nắng nóng khô cằn.
Theo nghĩa của Từ Tâm thì ta thương yêu bảo vệ chúng, ta để chúng sống y như thế, ta chỉ gửi lòng thương đến chúng, săn sóc chúng mà không có thay đổi nào về điều kiện sống an bình của chúng.
Có người do lòng thương mà tưới nước nhiều cho cây vốn chịu khô đã làm cây bị úng nước, thối rễ chết. Có người thương chim bắt nhốt vào lòng cho ăn đủ thứ, chim mất sự bình an, sợ hãi hoảng loạn, bay nhảy lung tung khi có người tới gần.
Thương yêu hạnh phúc của chúng sanh. Trâu bò sống thành đàn trâu, đàn bò; ngựa, cừu sống thành đàn ngựa, đàn cừu; khỉ, voi sống thành bầy khỉ, đàn voi… Giống loài nào sống theo giống loài đó; khi sống như thế chúng mới thấy hạnh phúc, thấy được an lành. Tách chúng rời khỏi bầy, rời khỏi đàn chúng mất hạnh phúc, cảm thấy bất an.
Cạnh Tu viện có 5,6 con bò cho ăn chung một đám cỏ, mặc dù chúng bị cột dây vào cọc rời nhau. Nhưng khi đến chiều, một hai con còn lại trên bãi cỏ đã liên tục kêu với âm thanh bất an, thương nhớ mấy con kia vừa được dẫn đi cho đến khi chúng được nhập bầy trở lại. Tâm Từ thương yêu sự an lành hạnh phúc của muôn loài.
Thương yêu sự hoà đồng của muôn vật, sự sống chung hài hoà của mọi loài vật với nhau, tự chúng có trật tự của chúng, có quy luật sống còn của chúng, ta không thể hiểu biết hết. Rừng đủ loại cây, đủ lại muôn thú; cây này nương vào cây kia, thú này nương vào thú nọ mà sống còn.
Trật tự thiên nhiên có quy luật riêng của nó trong sự hoà đồng, hoà hợp, quân bình mọi mặt. Can thiệp vào sẽ làm mất sự cân bằng, quân bình, làm xáo trộn đời sống thú vật, cỏ cây.
(15:59) Thương yêu sự tự nhiên, chúng như thế nào hãy để chúng như thế ấy. Ta can thiệp vào làm mất tự nhiên. Phân đàn, rẽ nhóm là làm mất tự nhiên, gây tình trạng bất an. Thú vật, cây cối chỉ trong thiên nhiên mới là môi trường đúng của chúng.
Bao nhiêu thú được chăm sóc trong vườn bách thú, đâu cảm thấy thoải mái, thích thú gì; cọp nhớ rừng, cá nhớ sông nhớ biển, chim nhớ tổ nhớ cây. Dù con người cố gia công giả tạo cảnh thiên nhiên nhưng đâu làm chúng thoải mái bằng trong thiên nhiên thật sự.
Cây cối sống mọc trong thiên nhiên, toát ra nét tự nhiên của chúng; còn những cây trong vườn hoa, vườn bách thảo thấy chúng tốt xanh nhờ bón phân tưới nước, qua bàn tay con người chúng được phân thành khóm, thành loại trong những hàng, những luống. Tuy thấy đẹp mắt nhưng chỉ thấy tinh thần giả tạo, không có gì thể hiện được tính tự nhiên.
Đời sống, cuộc sống như thế nào, hãy để chúng như thế ấy, không nên thay đổi theo ý ta mà cho là tốt. Người có Từ Tâm là người chấp nhận hiện trạng với lòng thương vô bờ bao bọc toàn bộ.
Người đã làm ta đau khổ mà ta không có lòng sân hận, trái lại còn tha thứ lỗi lầm của họ là thể hiện tâm Từ. Đây chính là khía cạnh tích cực của Từ Tâm. Mấy ai bị tổn hại thân thể, vật chất hay tinh thần mà không sinh lòng oán hận, không lập tâm trả thù; mỗi một bất như ý thì lòng sân khởi lên, tức giận oán hờn người đã hành động như thế. Vừa thấy mặt đã khởi tâm sân, vừa nghe tiếng đã sinh lòng ghét:
“Thương ai thương cả đường đi
Ghét ai ghét cả tông chi họ hàng”
Đó là tâm lý bình thường của mọi người phàm tục. Người tu tập pháp giải thoát của đức Phật, phải vượt trên tâm lý này để đạt tới Từ Tâm xả bỏ lỗi lầm của người, dù lỗi nhẹ hay nặng cũng vẫn xem không có gì, vẫn bình thường, bất động tâm.
Lỗi như thế nào? Đó là thái độ, ngôn ngữ, cử chỉ trịch thượng, ngạo mạn, cố tình xúc phạm danh dự, hạ nhục, dựng chuyện đặt điều bôi xấu, khinh thị… Người tu tập tâm Từ lấy lòng từ đáp lại mọi thái độ trên cho dù người này như thế nào.
(18:34) Có nhiều người có lòng ác độc, thấy ta hơn hay sợ ta hơn; họ liền tìm mọi cách hãm hại, ly gián, cô lập, phá hoại chương trình kế hoạch của ta. Họ mua chuộc những người đang cộng tác với ta làm hỏng công việc, hay bỏ ngang giữa chừng khó kiếm người thay thế, yêu sách điều kiện làm việc…
Ta đang giữ gìn giới luật tu tập; họ tìm cách gây khó khăn, làm ta phải thối thất, nản lòng. Hoặc nếu có ai đang tu tập nhưng lại phá hạnh tu, trở lại đời sống phàm tục thì ta nên thương họ đã vô minh, bị yếu lòng, thiếu quyết tâm trì chí.
Nhiều người được nghe chuyện tiền thân của đức Phật, ở một đời quá khứ, Ngài tu hạnh nhẫn nhục đã bị chặt lần lượt hai tay, hai chân mà Ngài không khởi một niệm oán hờn, trái lại còn khởi tâm thương kẻ đang hại mình. Chỉ có đức Phật mới đạt trình độ này của Từ Tâm chứ chúng ta chỉ bị một vết thương thôi thì tinh thần đã dao động biến loạn, làm sao có thể giữ được tâm bất động khi bị chặt từ tay này đến tay kia, chân này đến chân nọ như đức Phật vào đời đó. Ngài tu tâm Từ đạt tới mức này thì trời đất rung chuyển, rúng động là phải.
Tha thứ sự vô minh tham ái của mọi người. Chính tham ái buộc chặt mọi người vào đường luân hồi khổ đau, không tham ái làm gì còn đau khổ. Nhưng vì vô minh nên không ai nhận ra điểm này, mà còn cho có tham ái mới đáng sống, sống mới có ý nghĩa. Hết tham ái thì lấy mục đích gì sống trên đời?
Tham ái khiến mình thương người, thương vật; có thương có tham, mới có ta có người. Có ta có người, mới có thương có ghét. Có thương có ghét thì cuộc sống đâu còn bình an, thanh thản mà chỉ còn khổ đau chồng chất, buồn phiền; buồn nhiều, vui ít.
Cho nên Phật dạy ta tu tập Từ Tâm, thương không giới hạn, không phân chia, không phân biệt. Chỉ có một tình thương rộng lớn bao la. Tâm Từ phải thường xuyên có mặt trong ta, làm sao để ta không rời tâm Từ. Tâm Từ chính là hơi thở, là sự sống của ta và ta đem tâm Từ phủ trùm vạn vật trong tất cả không gian.
(21:08) 2. PHƯƠNG PHÁP TU TẬP TÂM TỪ
Để có thể sống không rời tâm Từ thì phải tu tập từng giây, từng phút, kiên trì không biến trễ và phải biết phương pháp, biết cách thức tu tập chứ không phải tự nhiên mà sung mãn trong ta. Phương pháp được Trưởng lão tìm thấy khi nghiên cứu kinh Nguyên Thủy do đức Phật dạy chúng ta là pháp Như Lý Tác Ý.
Phải áp dụng thực hành pháp Như Lý Tác Ý càng nhiều càng tốt. Lúc nào cũng tác ý; hoàn cảnh nào cũng trạch pháp ra những câu tác ý đúng với hoàn cảnh, đúng với tâm lý của ta. Tác ý càng nhiều thì càng lợi ích lớn. Tác ý cho đến khi trở thành quen thuộc, tự động trong tâm khởi câu tác ý huấn luyện tâm làm cho tâm lúc nào cũng tràn đầy thương yêu, chỉ có thương yêu, chỉ biết thương yêu.
Tâm Từ cùng Tỉnh Giác trở thành một cặp đi liền nhau thì tâm sẽ không còn chướng ngại, không còn chật hẹp mà trở nên rộng lớn vô biên, sẽ trở nên lặng yên, tĩnh lặng, bất động.
Tâm Từ thể hiện qua ba nơi: thân - khẩu - ý. Thật ra hành động của thân và khẩu không thể không kèm theo ý, nghĩa là ý lúc nào cũng làm chủ nhân của hành động, có ý dẫn đầu thì mới có hành động kèm theo; những hành động được xem là vô ý thức, vẫn là những hành động có ý thức theo bản năng tự động. Chẳng hạn như khi ngã, tay chống đất mà không kịp hay biết.
Tập thường xuyên tác ý trước mỗi hành động tay, chân, thân mình. Ý thức không làm cho bất kỳ người hay thú vật có thiệt hại nào về thể chất hay tinh thần; không làm mất an vui, hạnh phúc của ai.
Đối với chúng sanh hữu tình: Trạch ra những câu tác ý sanh tâm Từ như: "Ta hãy thương yêu tất cả mọi người, mọi loài. Phải tránh làm mất an vui, hạnh phúc của chúng sinh", thường tác ý câu này, lâu ngày tâm Từ sẽ tăng trưởng; hay "Phải nhìn đất khi bước đi, ngồi, nằm; nhìn chỗ tay sẽ nắm vào hay đặt vật gì xuống để không đè lên kiến, côn trùng bé nhỏ", tác ý câu này tâm Từ sanh mà thêm sức tỉnh giác trong hành động.
"Phải cân nhắc, suy tư trước khi nói. Ta có được vui khi ai nói với ta như thế chăng?!" Tác ý câu này khiến ta bớt nhiều chuyện, bình tĩnh hơn, lắng nghe nhiều hơn nói; tránh được tâm hối hận, ăn năn vì lỡ lời.
(23:56) Để thực hành hạnh độc cư thì nên tác ý: "Chuyện của người, đừng dây vào. Hành động của người theo nhân quả của người, ta đừng can thiệp vào".
"Phải im lặng nghiệm suy, không được hỏi, không nói. Khi nói, nên nói ít thôi và nói lời hòa hợp, đoàn kết".
Thực hành Tâm Từ Vô Lượng thì theo lời đức Phật dạy trong rất nhiều bài kinh bằng cách : "An trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới; trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới; vị ấy an trú, biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân".
Thực hành nhiếp tâm và an trú tâm được trong trạng thái Từ Vô Lượng này chính là pháp độc nhất đưa đến thắng trí, giác ngộ Niết Bàn.
Tâm Từ càng phát triển thì bản ngã càng thu hẹp, ngã mạn bị tiêu trừ. Cho nên sẽ dứt trừ được ngũ triền cái - tham, sân, si, mạn, nghi; chúng là chướng ngại của tâm thanh thản, an lạc, vô sự. Khi ngũ triền cái không có mặt thì tâm Từ trở nên rộng lớn, đó là Từ Vô Lượng.
Đối với chúng sanh vô tình: Trong kinh, đức Phật dạy cách tu an trú tâm thì ta phải: "An trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới; trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới; vị ấy an trú, biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân".
Cách an trú tâm Từ này đức Phật dạy chung cho chúng ta thực hiện, không có phân biệt chúng sanh vô tình hay hữu tình. Cho nên càng dành nhiều thời giờ để an trú tâm trong trạng thái thương yêu rộng lớn thì tâm ta được quảng đại vô biên.
(26:14) 3. ĐỐI TƯỢNG CỦA TỪ TÂM
Tâm Từ là lòng thương yêu thì ai mà không có, nhưng mỗi người thương yêu mình là chính, lúc nào cũng lấy mình làm nhân để xét thương yêu. Đó là lòng thương yêu ích kỷ, cá nhân; ai hại ta thì ta ghét, ai giúp ta thì ta thương; ta có được thoả mãn, lợi ích thì ta mới bằng lòng; bằng không thì ai chết mặc ai, bình chân như vại. Đó không phải là Tâm Từ Vô Lượng.
Từ Vô Lượng là lòng thương yêu rộng lớn của chúng ta đối với tất cả chúng sinh hữu tình (con người, thú vật và cây cỏ) và chúng sanh vô tình (đất đá, núi sông, vũ trụ) thể hiện qua thân hành, khẩu hành, ý hành của chúng ta.
CHÚNG SANH HỮU TÌNH
Từ Vô Lượng là trạng thái tâm lý phát triển lòng thương yêu rộng lớn với mọi người một cách tự nhiên bình đẳng, không có sự phân biệt mình - người, thân - sơ, trẻ - già, nam - nữ, đẹp - xấu, giàu - nghèo…
Thương yêu mình
Thương yêu mình trải qua bao lần sung sướng, hạnh phúc ngắn như cái chớp. Thương yêu mình lành nguyên, tốt đẹp. Thương yêu mình bao lần tự hành hạ xác thân, bị nhọc nhằn lao khổ theo đuổi nhiều mục đích vượt ngoài tầm tay với, mất bao ngày tháng tuổi đời hiếm quý cho tranh danh đoạt lợi phù du.
Thương yêu mình trán nhăn mắt đỏ, tìm kế lập mưu hại người, tâng mình, đua chen chức vị, chiếm đoạt uy quyền, phô bày thanh thế. Thương yêu mình tối ngày gối mỏi lưng còng, mắt mờ tai lãng, da mặt gân nổi, run rẩy tay chân, đi đứng gậy chống thang vịn; nương nhờ cháu con thuốc men, cơm cháo.
Thương yêu mình chết không yên tâm, tiếc tham sự nghiệp công khó, nhớ thương cháu con non dại, tiếc nuối cuộc sống chưa tròn dục lạc thế gian; ăn năn lỗi lầm, chưa tròn thích thú thành công, chưa yên tâm mọi việc an bày xếp đặt.
Thương yêu mình về những quyết định sai lầm trong quá khứ, liên quan tương lai cuộc đời của mình đã đưa đến biết bao bất hạnh, khổ não cho mình. Nếu mình cương quyết hơn để từ chối cám dỗ vật chất hay tình cảm quyến rũ, mà lúc đó mình thấy rất đáng để chộp nắm lấy, đã làm mờ suy tính sáng suốt thường ngày, thì mình đã không bị những phiền toái quấy nhiễu bao ngày sau đó; sự dễ duôi buông thả của mình đã chạy theo ảo ảnh. Tôi thương sự dại khờ đó ở quá khứ bằng Từ Tâm tha thứ hôm nay.
(29:01) Thương mình về những sai lầm trong can thiệp vào quyết định của người. Thay vì để tự nhiên thì sự việc sẽ tiến diễn theo một chiều hướng nào đó nhưng vì có sự can thiệp của mình bằng những khuyên bảo thiệt hơn một cách nồng nhiệt theo cách mình suy nghĩ, tưởng rằng đem thêm lợi lộc, nhưng không ngờ mọi việc lại đổ vỡ thất bại, đã chẳng có thêm lợi lộc nào mà người nghe lời bàn quân sư của mình, phải bị mất thêm những thành đạt mà anh ta đã có trong tay. Cái mà mình tưởng tôi hay lại trở thành cái mình dại khờ, thiển cận, thật đáng trách. Nên vì Từ Tâm tôi thương sự ân hận đó của tôi hôm nay.
Thương mình có những cơn nóng giận, dù hợp lý hay vô lý đã khiến bao người lo sợ mình trút sự nóng giận của mình lên họ khiến họ bất an tinh thần. Nếu mình biết tự kiềm chế tình cảm và lý trí của mình để không bộc phát sự thịnh nộ, thì đâu làm khổ một ai, ngay cả cho mình sau cơn nóng giận về những ngôn ngữ hay hành động không hay. Vì Từ Tâm, tôi tha thứ sự ân hận về cơn nóng giận của tôi những ngày đó.
Tôi thương mình nổi cơn sân hận, oán thù trong quá khứ đối với người dù hữu ý hay vô tình đã đem bất hạnh cho mình, làm chương trình, tính toán của mình bị khó khăn thêm hay bị đổ vỡ hoàn toàn. Những mưu toan, những dự tính không có sự can thiệp, cản ngăn chướng ngại của họ sẽ chắc chắn đem đến thêm lợi lộc, tiền bạc hay danh tiếng cho mình. Bằng Từ Tâm hôm nay, tôi hoàn toàn tha thứ sự sân hận của tôi.
Tôi thương mình đã vụng về, chậm chạp bỏ qua bao cơ hội có thể đem lại may mắn thành đạt của mình, trong lĩnh vực này hay lĩnh vực khác. Tôi hôm nay hối tiếc đã không làm được việc đáng làm giúp ích cho người này, giúp cho người khác trong khả năng thừa có của tôi, trong phạm vi quyền hạn của tôi cho phép. Sự ân hận hối tiếc này cần được tôi tha thứ cho tôi bằng Từ Tâm.
Tác ý thường ngày: “Mọi pháp đều vô thường, hoại diệt, khổ đau. Hãy buông xả hết mọi cái đa đoan, phiền nhiễu thân, phiền nhiễu tâm, từ quá khứ hay trong hiện tại. Thân tâm thanh thản, một lòng thực hành tu tập chánh pháp”.
(31:36)
Thương yêu người
Thương yêu người thành công hớn hở, mừng vui; gia đình sum họp, con đàn cháu đống; cơ ngơi sự nghiệp thênh thang giàu có, ruộng vườn - nhà cửa, xí nghiệp - máy móc. Thương yêu người danh vọng cao sang, tiền hô hậu ủng, ăn trước ngồi trên, đứng đi bệ vệ, kiệu xe lộng lẫy. Đâu biết rằng phù du huyễn giả.
Thương yêu người không phân biệt , người trong xóm làng hay người xa lạ, người cùng khu phố thường ngày gặp mặt hay tình cờ mắt nhìn mắt trong chợ trong phố, trên đường; người bạn cùng sở làm, cùng giao tiếp công việc, khách hàng liên hệ làm ăn hay đối phương cạnh tranh nghề nghiệp.
Thương yêu người tình cờ giao tiếp khi mua sắm áo quần - vật dụng hay thức ăn bếp núc - nấu nướng. Thương yêu người gặp trên bãi tắm ngày hè nóng nực, trong lần du hí vũ trường - ăn nhậu tiệc tùng, trong lần du lịch đó đây, cùng xem trong cuộc triển lãm trưng bày. Thương yêu người đã giúp ta, từng làm hại ta nhiều ít, nhỏ lớn.
Thương yêu người cùng tranh danh lợi - tình - tiền - địa vị; thương yêu người cạnh tranh buôn bán, làm ăn; thương yêu cả những tử thù trên chiến địa đối diện chiến hào hay hậu phương chuẩn bị cung ứng, yểm trợ.
Thương yêu người không cần biết nguồn gốc chủng tộc, dân tộc, màu da tiếng nói; thương yêu không ý niệm địa phương, quốc gia, xứ sở. Họ là người da đen, da vàng, da trắng, da đỏ, da nâu, da ngăm…đều có cùng máu hồng, xương trắng; đều như ta - có người để thương, để nhớ, để ghét, để thù.
Họ là người mắt xanh, mắt lơ, mắt nâu, mắt đen nhưng nước mắt họ đều mặn, biết khóc khi buồn, biết cười khi vui, chẳng khác gì ta. Họ nói tiếng nước họ, tiếng chủng tộc họ; ta nói tiếng nước ta, tiếng dân tộc ta nhưng cả ta và họ cùng giống nhau trong tư tưởng, trong ý nghĩ, trong thái độ ứng xử mỗi lần đổi thay hoàn cảnh, tình trạng môi trường.
(33:49) Thương yêu Từ Tâm không chờ đợi một đền đáp báo ơn hay trao đổi cảm tình; thương yêu vô vụ lợi trước mắt hay lâu dài về sau. Thương yêu không hàm ý bán mua, đổi trao hữu tình vật chất hay vô hình danh tiếng. Thương yêu không ra giá, không đòi hỏi, không đợi chờ đền đáp điều gì "Tình cho không biếu không".
Thương yêu Từ Tâm không đợi đến khi họ được may mắn hạnh phúc, cũng đâu phải chúc tụng chung vui hay quà cáp tỏ bày tình cảm khi người ta thành đạt, hạnh phúc tốt lành. Từ Tâm chỉ thuần túy là lòng thương bao trùm mọi đối tượng.
Thương yêu đối với bất kỳ ai dù họ ưa ta hay ghét ta. Ai ưa ta, ta thương họ, ai ghét ta, ta thương họ nhiều hơn. Ai chửi ta, ta cám ơn họ, ai khen ta, ta bảo xin đừng.
Thương yêu không tham luyến, không đắm chấp thương yêu, không vui thú trong sự thương yêu. Có tham luyến là có bất công khổ đau; có ta, có người, có đắm chấp là còn tự ngã, ngã nhân, kỉ tha, bỉ thử.
Tác ý thường ngày: Để thực hành tâm Từ thương yêu, mỗi ngày tôi chọn một thời tu thoải mái, ngồi xuống ôn lại trong đầu hình ảnh, thái độ, âm thanh, lời nói, giọng cười của tất cả những người đã gặp, đã đổi trao câu chuyện, việc làm bằng tâm hoàn toàn trong sạch, vô tư, không thiên vị, chuyển tâm vào trạng thái yêu thương bất tận đến những người đó.
Tôi ước nguyện: "Mong cho mọi người được an vui khỏe mạnh, không gặp chướng ngại oán thù, được thành công trong công việc thường ngày của họ và họ chuyển đổi để có tâm tánh hiền lương. Thường bố thí cho người bất hạnh, bỏ bớt tranh danh, tranh lợi, cũng được may mắn được gặp chánh Phật pháp như tôi".
Giữ im lặng trạng thái Tâm Từ trong 1 phút đến 5 phút.
Tôi tin tưởng với tác ý này dù tôi không thấy rõ kết quả đến những người được tôi ước nguyện, đối tượng tuy ít mà xác định, nên tôi tin chắc chắn phải có chuyển đổi trong tâm họ. Điều tôi thấy rõ tâm tôi được an vui tự nhiên.
(36:08) Từ vô lượng cũng là trạng thái tâm lý phát triển lòng thương yêu rộng lớn đến mọi loài chúng sinh hữu tình thú vật, chim chóc, côn trùng.
Bình thường khi đi đứng hay làm việc gì, tay chân luôn phải từ tốn cẩn thận để tránh được càng nhiều hành động nhanh có thể làm hại đến con vật, côn trùng ở chỗ tay ta nắm vào, hay chân ta đạp lên. Tác ý những câu có mục đích khởi tâm Từ, gợi ý thức cẩn thận trong hành động tay chân. Tập làm gì cũng với ý thức tỉnh giác trong hành động, khởi sanh lòng thương yêu đến mọi loài.
Thương yêu tất cả mọi loài trên bộ. Thương yêu đây là những thú rừng hiền lành, nhút nhát đang nhởn nhơ gặm cỏ; vừa nghe tiếng động lạ thì đã bốn cẳng phóng nhanh. Kia là đàn khỉ khọt khẹt liến thoắng chuyển cành, tung tăng giỡn đùa trong tàng lá rậm, trên nhánh dây leo đu đưa. Im lặng rình mồi của mèo rừng, cọp beo, sư tử. Thương yêu hình vóc kỳ nhông, kỳ đà vẩy gai; kỳ lân đứng thẳng mang hình dáng của khủng long tiền sử.
Thương yêu loài chim hót vui bình an; chim cu, chim sáo, hay ầm ĩ náo loạn của quạ đen. Thương yêu treo đung đưa lộn ngược đầu của bầy dơi trên cành cây hay trong hang động sau một đêm săn bắt muỗi, côn trùng. Hoặc ăn trái cây chín: thơm, nhãn, ổi giữa ban trưa hay lúc hừng sáng.
Thương yêu những côn trùng rả rích tiếng trong đêm dài dưới đám lá khô mục trên vùng đất ẩm, hay tiếng ve réo rít đâu đó trên cành cây gìà, cây non giữa ban trưa hay lúc trời hừng sáng.
Thương yêu tổ ong, tổ kiến, tổ mối - nơi tụ hội bao trăm ngàn côn trùng, chọn cuộc đời ngắn ngủi vài tuần trong việc làm chuyên môn, cùng chung mục đích phò trợ con chúa làm sự nghiệp thiêng liêng lưu truyền bảo vệ nòi giống.
Thương yêu những côn trùng bé nhỏ sống trong hang, trong đất, trong nước, nơi ẩm, nơi khô hay trên thân cây, lá non, lá già; đời sống biến đổi qua nhiều trạng thái mà đoạn cuối đời chỉ vài ngày, vài giờ.
Thương yêu đàn bướm cánh vàng, cánh trắng, cánh đen, đốm đỏ, đốm xanh; nhiều vòng, nhiều lớp đẹp mắt bay lượn từng đàn nhởn nhơ quần thảo trên hoa, trên lá. Thương yêu loài én bay về báo trước mùa Xuân đất trời, loài hải âu sải cánh hướng về đất liền hải đảo.
(38:45) Thương yêu bao loài sống trong nước ngọt sông hồ, khe suối hay nước mặn hồ eo vịnh, đại dương mênh mông sóng vỗ. Thương yêu những đàn cá hằng ngàn, đàn tôm tép vạn triệu, hay đơn độc một mình cá voi, cá mập.
Thương yêu các loài thủy tộc sống ở những tầng nước mặt, hay tầng nước đáy sâu 5 - 10 ngàn thước, chịu sức nặng ép của chục ngàn kí-lô, không thấy ánh sáng, suốt đời đen tối dày đặc.
Thương yêu bao loài nhuyễn thể mực, sứa, bạch tuộc vòi dài bơi chậm, lửng lơ trôi theo thủy lưu hay các loài vỏ cứng ba ba, rùa, cua, ốc - nghêu, sò - hến.
Thương yêu chúng dù chúng có hình hài đẹp đẽ, màu sắc rực rỡ, mùi thơm dễ chịu, to con lớn xác hay chúng có hình hài nhỏ bé dị kỳ, thô xấu kệch cỡm ghê tởm, mùi hôi nồng nặc. Đời sống chúng năm này tháng nọ hay chỉ vài phút giây ngắn ngủi phù du.
Thương yêu chúng dù chúng hiền từ, vô hại hay hung dữ, dã man kinh khiếp. Thương yêu chúng dù chúng nhanh nhẹn, vui vẻ, liến thoắng hay lừ đừ biếng nhác.
Thương yêu không đòi hỏi đền đáp thương yêu trả lại.
(40:03) CHÚNG SINH CỎ CÂY VÔ TÌNH ĐẤT, NƯỚC, ĐÁ, LỬA
Từ Vô Lượng cũng là trạng thái tâm lý phát triển lòng thương yêu rộng lớn đến mọi loài chúng sinh vô tình cỏ cây, môi trường, đất đá, hành tinh, vũ trụ.
Thương yêu cỏ cây trong dáng vẻ mênh mông bát ngát thảo nguyên bình nguyên trải tận chân trời hay rừng cây cổ thọ bạt ngàn hoặc rêu phong bé tí ti khép nép trong hốc, trong hang, trong kẹt, trong kẽ hở.
Thương yêu cỏ cây trong mùa xuân màu xanh tươi mát, lộng lẫy sắc hương hoa nở, hay ảm đạm hoang sơ trong nắng nóng hè khô, thu đến lá vàng khô rụng trải rợp khắp nơi, cành cây trơ cành - sương băng tuyết phủ mùa đông giá lạnh. Thương yêu những cây đơn côi ở đầu núi, giữa biển khơi hay chênh vênh bên bờ vực thẳm, lặng yên vững vàng trong gió vút mưa tuôn.
Thương yêu cục đá nhỏ bên vệ đường, trơ vơ cô độc; đến núi non trùng trùng điệp điệp bạt ngàn. Đồi trọc núi đá chênh vênh trong gió rú mưa rào, sấm nổ chớp giông hay lặng lờ trong hơi rừng mây tím phủ chiều hôm.
Thương yêu sa mạc mênh mông cát vàng, cát trắng; ngày nóng thiêu đốt trong nắng chói chang, đêm lạnh giá băng trong sương, trong gió; lặng lẽ, âm thầm đổi thay trũng đồi chuyển đổi, mở rộng thể hiện sự sống, tiến vào làng mạc phố thị.
Thương yêu con đường tráng nhựa rộng rãi thênh thang nối liền thành phố đô thị sầm uất xe cộ tấp nập, đến lối mòn vắng vẻ trong rừng sâu núi thẳm đợi chờ thú hoang di chuyển hàng ngày, hàng đêm.
Thương yêu những đám mây trắng - đen bềnh bồng trôi bạt đến mãi chân trời xa xôi: Đông - Tây - Nam - Bắc hay cuồn cuộn kín bít bầu trời mưa tuôn xối xả.
(42:00) Thương yêu những cơn gió nhẹ thắm mát muôn loài, hay hừng hực nóng lửa thiêu đốt vạn vật; cũng như giá buốt cắt da, xẻ thịt của gió Đông, hay cuồng phong bão lốc nhổ cây bứng gốc phủ chụp không gian cuồng nộ.
Thương yêu nước mát suối sông trong vắt giải khát muôn loài hay đục ngầu phù sa phì nhiêu cho cây cối đồng bằng, mang thức ăn cho thủy tộc. Thương yêu nước biển mặn chát khô dần trong ruộng muối để lại trắng ngần hạt cho người.
Thương yêu đại lục nổi trên bốn bể đại dương sóng bủa rì rào hay khối đá sừng sững đứng trên nước; mặc cho gió rú, sóng gào, bủa giăng bốn hướng chảy trăm ngàn năm.
Thương yêu đại dương xanh thẳm nước sâu chở che thủy chủng, bảo vệ cỏ rong; âm thầm bền bỉ cung cấp nước hơi cho mây trôi, cho mưa rơi, cho dòng nước khe suối sông ngòi, cho ruộng đồng, núi đồi, cho dòng ngầm túi nước trong đất sâu.
Thương yêu sóng to, sóng nhỏ đại dương vỗ nhẹ bờ cát liếm mòn thềm lục địa. Thương yêu sóng thần phủ chụp đảo cao, đất liền tạo duyên cho người đổi thay tư tưởng để thấy chân tướng vạn vật vô thường.
Thương yêu hành tinh vận chuyển trong không gian bao la mà vẫn xếp mình trong quy luật thái dương hệ, quy luật vũ trụ vận hành triệu triệu tỉ tỉ năm không ngừng, không nghỉ; bảo vệ trật tự luân hồi chuyển đổi vô minh.
Thương yêu không gian vũ trụ lưa thưa sao lấp lánh, hay dày đặc bất động trong Ngân Hà lặng yên kỳ bí mà rõ ràng chân thật. Thương yêu cả sao chuyển, sao rời xé toạc màn đêm; sao chổi mòn thân bay xuyên vũ trụ không ẩn ý, không mục đích. Thương yêu không giới hạn không gian và thời gian.
(44:00) VÀI SUY TƯ VỀ THỰC TẾ
Những ngày còn nhỏ, tôi đi học trên đường đất nhỏ băng qua cánh đồng lúa thấy hai luống lúa mọc dọc theo đường đi xanh tốt hơn nơi khác. Hay những bụi chuối ở chái hiên hay sau lưng nhà, nơi thường có người qua lại; cây to, buồng nhiều nải, trái lớn hơn bụi chuối ở xa ngoài. Tôi chỉ biết, nhờ gần người mà tốt tươi chứ không biết xa hơn.
Nay hiểu thêm được rằng chính nhờ chúng hấp thu thêm năng lượng của người qua lại như một thức ăn phụ trội tốt lành. Con người lúc nào cũng phóng thích vào không gian những từ trường năng lượng sống chẳng khác gì trường điện từ sinh ra khi có dòng điện chạy qua dây dẫn; khi từ trường năng lượng này phối hợp với ý thức chủ động tỉnh giác hướng đến thì tác động thành kết quả rõ ràng hơn.
Cho nên khi ta với tâm Từ trải khắp mười phương, phủ trùm vạn loài chúng sinh thì chắc chắn vạn loài chúng sinh sẽ được sống được Từ Tâm mà triển khai tươi tốt, an vui, hòa ái. Từ Tâm càng thanh tịnh, tâm trí càng bình an thanh thản, đối tượng mục đích nhắm tới của Từ Tâm được xác định cụ thể thì các hành của năng lượng Từ Tâm càng mạnh mẽ sẽ có kết quả chuyển đổi rất tốt lành, rõ ràng.
Thời đức Phật chưa có những kiến thức khoa học này nên đức Phật không nói rõ mà chỉ khuyên dạy ta trải tâm Từ và an trú tâm Từ biến mãn mười phương để tu tập và Ngài cho biết kết quả mang lại là chúng ta sẽ chứng đắc tri kiến giải thoát. Chắc chắn Từ Tâm còn rất nhiều năng lực phi phàm mà con người hiện nay chưa đủ kiến thức hiểu biết hết.
Trưởng lão Thông Lạc cho biết từ trường thiện và ác do hành động thân - khẩu - ý của ta tái sinh ngay vào các sinh vật trong môi trường sống này, đồng thời có tác động trên môi trường khí hậu thời tiết.
Từ trường thiện có kết quả an vui, mát mẻ, mưa gió thuận hòa; tâm người, tâm vật thương yêu, giảm trừ sát hại chiến tranh. Từ trường ác ngược lại: thời tiết bất thường, bão mưa lũ lụt, chiến tranh, dịch bệnh. Đây là một ý niệm mới có tính khoa học về nhân quả tái sanh đang được triển khai áp dụng vào Đạo đức Nhân Bản- Nhân Quả.
(46:42) Cũng vậy, pháp môn Như Lý Tác Ý trong phương pháp tu tập Nguyên Thủy Phật giáo được Trưởng lão triển khai áp dụng thành công cho chính công phu tu tập của Người. Nay Trưởng lão đem ra triển khai, dạy cho chúng đệ tử và đã có nhiều người thấy được kết quả lợi ích lớn cho họ trong công phu tu tập; đặc biệt trong sự làm chủ bệnh đau, một trong bốn nỗi khổ của đời người. Mà pháp Như Lý Tác Ý lúc đầu chính là dùng ý thức tự kỷ ám thị chứ không là gì khác.
Tập luyện pháp môn Như Lý Tác Ý cho đến khi có được năng lực ý thức và bằng ý thức điều khiển năng lực này tiến vào khắc phục tham ưu của thân, tâm là một bước tiến sâu và vững mạnh trong công phu tu tập làm chủ sinh tử luân hồi. Người nào thực hành theo lời Thầy dạy, cố gắng siêng năng chuyên cần, kiên tâm trì chí thì công phu tu tập sớm được kết quả.
Trong các ngành chữa bệnh bằng năng lượng sinh học như Reiki, Khí Công hay Nhân Điện; người ta dùng tưởng thức tác động vào hệ năng lượng cơ thể con người nhằm mục đích bồi bổ năng lượng toàn cơ thể hay năng lượng của cơ quan bộ phận nào bị suy yếu do tác động của nhân gây bệnh (tai nạn, vi trùng, vi khuẩn…) thì cũng chỉ là ứng dụng khả năng tưởng lực của tưởng thức vào đời sống.
Tuy chưa được quần chúng hiểu biết rõ ràng, tuy chưa được chính quyền hỗ trợ nghiên cứu (đôi khi còn bị chống đối, ngăn chặn), tuy chưa được các ngành y học cộng tác trong việc săn sóc sức khỏe con người (cũng như ở Tây Âu, ngành châm cứu của y học Trung Quốc trước đây) nhưng vẫn có những nỗ lực cá nhân hay tập thể nghiên cứu và thực hành rút kinh nghiệm đem lợi ích cho đời. Phật giáo xem đời sống này chỉ là tạm bợ, đầy khổ đau nên cần hướng tới sự giải thoát.
(49:00) Trưởng lão: Bây giờ Thầy muốn cho đọc một cái bài nữa để biết cái pháp hành về Tứ Vô Lượng Tâm mà thầy Chân Thành đã ghi lại những cái pháp hành từ đầu chí cuối để nói đến cái pháp hành của Từ Tâm.
HẾT BĂNG