LCK 074A - ĐỨC HỶ TÂM ( NGUYÊN THANH ĐỌC BÀI GIỚI THIỆU )
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Thời gian: 29/01/2006
Thời lượng: [43:29]
(00:00) Trưởng lão: Hôm nay, cái lớp học của chúng ta, cả nam lẫn nữ, đều được đầy đủ trong ngày đầu năm. Thầy mong rằng cái lớp học này cố gắng để mà chúng ta tu học được những cái sự học sự tu của mình càng ngày càng cụ thể, rõ ràng hơn.
Có đủ ghế ngồi không con? Còn thiếu! Trong cái lớp học này chúng ta triển khai cái tri kiến của chúng ta - tri kiến giải thoát. Mà cái tri kiến để giải thoát thì chúng phải biết rằng vấn đề xả tâm là rất quan trọng. Mỗi mỗi tâm niệm của chúng ta có gì mà gọi là ác pháp hoặc là chướng ngại pháp, thì chúng ta cố gắng dùng cái sự hiểu biết mà xả. Đừng để tâm của mình, nó tạo cho mình những cái khổ đau trong lòng của mình. Càng xả tâm bao nhiêu thì con đường đi tới cứu cánh giải thoát nó dễ dàng bấy nhiêu. Còn nếu không kịp xả tâm, thì mấy con có tu gì cũng không tới hết.
Cho nên ở đây, cái cần thiết là chúng ta, trong khi mà tu tập để xả tâm, chỉ cần biết là chúng ta phải ngăn chặn trước, bằng cái cách thức mà chúng ta sống độc cư, đừng có tiếp duyên với nhau. Mà tiếp duyên với nhau nhiều thì chúng ta sẽ không phòng hộ được mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý của mình. Thì tu tập nó rất lâu và nó cũng không xả tâm được nữa.
Cho nên cái mục đích chính của chúng ta hôm nay tu là vì chúng ta bỏ hết cái sự việc ở ngoài đời, để chúng ta vào đây học tu, để được giải thoát. Mà học tu để được giải thoát, mà chúng ta cứ tiếp duyên thì chúng ta sẽ không giải thoát được.
Cho nên phải nhớ kỹ, vì vậy hôm nay là bắt đầu qua một cái năm mới, khi chúng ta thương những cái tuổi đời, và nó thu ngắn cái con đường vô thường của chúng ta, sắp tới chúng ta rất là ngắn ngủi, do như vậy thì trong cái sự tu tập phải cố gắng, phải cố gắng xả tâm nhiều.
Mỗi mỗi tâm niệm của chúng ta, thấy có chướng ngại là chúng ta sẽ xả nó, đừng có dính mắc. Đừng để cho nó đau khổ, đừng để nó bị chướng ngại. Cho nên chúng ta cố gắng mỗi mỗi đều phải có sự tư duy suy nghĩ để mà xả. Tới đây thì Thầy cũng sẽ cho những bài làm để chúng ta áp dụng vào xả tâm. Chứ chưa hẳn để cho quý thầy và quý cô tự mình xả, mà phải áp dụng vào cái tri kiến giải thoát, bằng cái bài luận của chúng ta, để xả cái tâm của chúng ta.
(02:50) Trưởng lão: Như hôm nay thì trong cái dịp mà xuân về, thì chúng ta cũng học. Bây giờ chúng ta đang học tâm Từ, tâm Bi. Mà tâm Từ, người nào đã có tâm Từ, thì lúc nào chúng ta cũng được an vui, cũng được giải thoát. Mà chúng ta thực hiện được tâm Bi thì chúng ta cũng sẽ được sự giải thoát hoàn toàn. Nếu chúng ta thiếu Từ-Bi thì chúng ta không bao giờ xả. Mọi ác pháp sẽ làm chướng ngại chúng ta, nhưng mà người có Tâm Từ, Tâm Bi thì người đó sẽ không bao giờ mà có chướng ngại nữa. Bởi vì mình biết thương xót và mình tha thứ tất cả những lỗi lầm của người khác. Và cái tâm giận hờn, phiền não, ganh tị qua cái tâm Bi hoặc tâm Từ, chúng ta đều được hóa giải không còn sót chút nào trong lòng.
Có nhiều người thì nói Từ Bi nhưng mà sự thật trong tâm không từ bi, cho nên yêu thương mà bị sống trong chướng ngại, không xả. Do đó cho nên cái sự tu tập của chúng ta nói một lẽ mà sống thì một lẽ. Cho nên có người viết bài rất hay nhưng mà sống chưa hay. Còn trái lại chúng ta viết dở mà chúng ta lại sống hay, thì chúng ta thấy cuộc đời chúng ta ở chỗ cái hay là cái giải thoát, cái chỗ có sự thương yêu chân thật.
Cho nên vì vậy mà chính chúng ta biết, có Tâm Từ biết Tâm Từ. Thì ngay cái đầu tiên mà để từ bi, thì đối với chúng ta hơn hết. Bởi vì mình đối với người khác mình có lòng thương yêu họ, nhưng mà trái lại mình đã thương yêu mình, là vì mình không khổ. Còn mình không thương người khác tức là mình không buông xả những cái ác pháp của người khác để rồi tâm mình nó rất là đau khổ. Cho nên khi mà có tâm Bi tâm Từ thì chúng ta sẽ xả tâm rất lớn rất nhiều.
Vì vậy hôm nay những cái tâm mà chúng ta đang viết: Tâm Từ và Tâm Bi. Vậy thì Tâm Từ và Tâm Bi thì các con cũng đã hiểu rồi. Từ thì không có làm động đến sự sống của mọi loài mọi vật. Còn bi thì trước cảnh đau khổ của mọi loài mọi vật, thì chúng ta săn cái áo lên mà chúng ta cứu vớt, chúng ta an ủi làm cho hết đau khổ. Đó là tâm Bi. Bây giờ chúng ta đã hiểu rồi, cho nên khi làm bài, viết bài, hay tư duy suy nghĩ thì chúng ta biết cái nào là tâm Từ, cái nào là tâm Bi. Chúng ta đã thông suốt rồi.
(05:05) Trưởng lão: Vì vậy bây giờ đó thì chúng ta tới tâm Hỷ. Tiếp tục chúng ta tới tâm Hỷ. Bởi vì Tâm Hỷ nó cũng không đơn giản. Mình làm sao vui? Vui như thế nào? Vui bằng cách nào? Thì chúng ta thấy từ cái vui của một cái người bình thường, thí dụ như chúng ta làm ăn khấm khá thì chúng ta mừng. Bây giờ chúng ta chưa cất nhà được, nhưng mà khi chúng ta cất được cái nhà vừa ý mình thì mình mừng. Hoặc là mình trúng vé số mình mừng. Những cái điều kiện làm hỷ. Nhưng mà cái hỷ này nó còn nằm ở trong cái thế gian.
Nhưng mà chúng ta từ trong cái chỗ hỷ của thế gian, để mà chúng ta chuyển dần đến cái hỷ mà ly dục, ly ác pháp. Do ly dục sinh hỷ lạc. Cái hỷ lạc đó ở trong chỗ ly dục. Còn bây giờ chúng ta ở trong cái dục, mà chúng ta cũng nhận ra thấy cái hỷ của chúng ta. Do đó cái hỷ nó có nhiều phần để mà chúng ta biết. Nhưng không khéo thì chúng ta không biết cách nào mà chúng ta biết cái tâm Hỷ của chúng ta.
Thí dụ như bây giờ như một cái người tu hành như Thầy, mà không có vật dụng gì hết, như vậy là Thầy sẽ không hỷ sao? Thầy vẫn thấy an vui. Cái cuộc sống Thầy thấy nó an ổn, thì tức là nó có cái niềm vui ở trong đó gọi là Tâm Hỷ. Chứ không phải là cái người mà không có vật chất là cái người đó họ không có hỷ.
(06:21) Hoặc là cái người đó họ kiến thức họ cùng nhục, nhưng mà họ vẫn không tự ti mặc cảm đối với mọi người. Cũng như trong lớp học của chúng ta, có người thì rất dở là vì không có làm bài được. Rồi do đó mình thấy mình cứ thua suốt người này người kia, mình buồn, thì tức là mình không hỷ. Nhưng người đó không thấy thua, mà người đó thấy mình thấy mình sống mình rất là vui vẻ, mừng cho cái người mà người ta giỏi, mà mình không có mặc cảm với cái dở của mình, do đó là cái người đó có hỷ.
Chứ không phải mình lúc nào cũng cười hề hà là mình hỷ. Cho nên nhiều khi chúng ta thấy cái tướng chúng ta cười, nhưng sự thật khi đó là nước mắt chúng ta khóc ở trong lòng chúng ta, thì cái đó cũng không phải là hỷ.
Cho nên đầu năm thì chúng ta mang cái lòng vui đến với mọi người. Thì hôm nay sẵn trong cái bài học Tứ Vô Lượng Tâm: Tâm Từ, Tâm Bi, Tâm Hỷ cho đến tâm Xả; nhưng mà ngay khi mà cái đầu năm chúng ta học cái bài học Tâm Hỷ.
Vậy thì Thầy mong rằng cái chương trình của Tâm Hỷ, thì rõ ràng là nó có những cái điều kiện. Thầy sẽ hướng dẫn cho mấy con có cái dàn bài. Ở đây thì Thầy cho Nguyên Thanh, khi mà nó đưa cái bài Tâm Bi xong rồi, thì Thầy có cho cái đề tài mà Tâm Hỷ. Thì nó có viết qua cái hiểu biết của nó. Nó đưa ra cái nội dung của Tâm Hỷ. Thì nó đưa ra là tới chín cái điều của Tâm Hỷ. Nó còn hơn nữa. Bởi vì cái Tâm Hỷ nó có những cái điều kiện cần mình phải có cái niềm vui ở trong đó. Cho nên nó có đưa ra chín cái điều của Tâm Hỷ, nhưng mà để rồi Thầy sẽ hướng dẫn cái dàn bài đó sau này cho mấy con.
(08:11) Muốn làm cái bài này, thì Thầy thiết nghĩ rằng đầu năm chúng ta lập cái đức hỷ tâm, đem lại cái nguồn vui cho chúng ta; từ đây về sau chúng ta không còn có cái sự đau khổ trong tâm của mình nữa.
Vậy thì Thầy mong rằng cái bài này được đọc để chúng ta nghe, để mà chúng ta nương vào đó, mà chúng ta đi từ cái hỷ của cái cuộc sống bình thường của chúng ta, cho đến cái hỷ của ly dục ly ác pháp. Để chúng ta thấy cái đoạn đường mà tu cái tâm Hỷ của đức Phật như thế nào. Và đồng thời thì cái bài này của Nguyên Thanh viết rất nhiều, vì vậy mà Thầy chỉ đưa ra một đoạn mà thôi. Để chúng ta hiểu biết để mà nắm vững về cái tâm Hỷ.
Vậy thì Nguyên Thanh có đây không?
Con sẽ lên đọc cái bài Đức Hỷ Tâm, cái đoạn giới thiệu của nó thôi, chứ mình không có thì giờ nhiều. Con lên đọc.
(09:27) Nguyên Thanh: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính bạch Thầy và kính thưa đại chúng. Học trò Nguyên Thanh học lớp Chánh Kiến, con xin đọc bài viết số 15, chủ đề Đức Hỷ Tâm.
Mục đích chung của cuộc sống là hướng tới hạnh phúc và cảm thọ hạnh phúc. Vấn đề cảm thọ hạnh phúc là kết quả của một quá trình sống đầy nỗ lực với những hành vi chân chánh thiện ích. Nó không thể là một sự ngẫu hợp tự nhiên, lại càng không phải là do một sự chiếu cố ban ơn nào đó từ một thế lực siêu nhân ngoài vũ trụ. Mà chỉ có thể là do chính bàn tay và khối óc khôn ngoan của con người trong nhu cầu mà cuộc sống chân chánh đem lại.
Nói đến tiêu chuẩn về Đức Hỷ Tâm thì không thể có một chuẩn mực đồng nhất từ nhiều quan điểm của các học thuyết và tôn giáo. Bởi lẽ một người học thuyết dù của ai thì cũng có những nền tảng và cơ sở riêng biệt của nó để đưa ra một mức chuẩn về Đức Hỷ Tâm. Đó không chỉ là sự khác nhau trong quan điểm nhận thức, mà thực chất còn có sự khác biệt mang tính đặc thù về quan điểm nhận thức, và nhất là những hành động và phương châm sống được biểu hiện cụ thể, trong quá trình thực hiện các quan điểm về Đức Hỷ Tâm giữa các học thuyết và tôn giáo.
Ở đây chúng tôi không đi sâu vào lĩnh vực so sánh đối chiếu, mà chỉ thuần túy trình bày về một đời sống thanh thản bao gồm những tiêu chuẩn và những điều kiện, cũng như các mặt đối lập để cấu thành một đời sống thanh thản hoặc phá hủy đời sống thanh thản ấy.
Không một nhu cầu cảm thọ về đức hỷ tâm chung nhất của toàn nhân loại, đạo Phật đã đưa ra những tiêu chuẩn để xác nhận đời sống được gọi là thanh thản và an lạc trong sự tuyệt đối có thể đạt được từ cuộc sống vốn tương đối. Điều quan trọng trong những tiêu chuẩn này các yếu tố của Đức Từ Tâm, của Đức Bi Tâm, của Đức Hỷ Tâm, và của Đức Xả Tâm.
(12:05) 4.1. ĐỊNH NGHĨA
Đức Hỷ Tâm nghĩa là vui, hay muốn nói cho đủ là tùy hỷ, tùy theo vui theo, cùng vui với người khác. Phản nghĩa của hỷ tâm là ưu, là buồn phiền.
Hỷ tâm của đạo Phật không có nghĩa là vui đùa một cách vô tư, không phải là không có cái gì là quan trọng, không phải là phớt qua tất cả để được vui cười một cách ồ ạt sôi nổi, rồi ngày mai ra sao thì ra. Hỷ đây không phải là buông thả cõi lòng để vui theo những cảnh dục lạc ở đời, cũng không phải là tán thành tùy hỷ để cho người ta làm quấy làm ác.
Đức Hỷ Tâm của đạo Phật là vui theo những điều chân thiện mỹ, là vui vì thấy người khác tạo nhân lành được quả tốt, là vui vì mình làm cho người và chúng sanh được vui. Cái vui ở đây phát sinh từ lòng từ bi bình đẳng chứ không phải vì một lý do ích kỷ nào khác. Cái vui bao la rộng lớn, toàn thiện, có tính cách giải thoát thanh tịnh, chứ không phải hẹp hòi nhỏ mọn thiển cận.
Do đó người có đức hỷ tâm bao giờ nét mặt cũng vui tươi, nụ cười luôn luôn được nở trên môi, tâm hồn thanh thản phóng khoáng như một gian phòng rộng, mà tất cả các cửa sổ đều mở toang cho ánh sáng và không khí tràn vào. Người có đức hỷ tâm luôn luôn được cảm mến và được tiếp đón nồng hậu khắp nơi vì đã gây được tín nhiệm và đem không khí hòa vui lại cho mọi người.
Riêng đối với mình người có đức hỷ tâm không bao giờ bị phiền não quấy nhiễu, không có thù địch ngăn ngại, được nhiều trợ duyên, cho nên dễ tiến bước trên đường đạo và mau chứng quả A La Hán làm chủ bốn sự khổ đau sinh, già, bệnh, chết giải thoát viên mãn.
(14:17) 4.2. NỘI DUNG CỦA ĐỨC HỶ TÂM
Muốn sống rèn luyện đức hỷ tâm, trước hết chúng ta phải hiểu và phân biệt cho rõ ràng về nội dung như sau:
Đức hỷ tâm tùy thuộc vào tâm của người.
Sử dụng đức hỷ tâm để giải phóng tâm hồn khổ đau.
Sử dụng đức hỷ tâm để có sự bình an nội tại.
Sử dụng đức hỷ tâm đến với những người lớn tuổi.
Đức Hỷ Tâm về tài sản và danh sắc khi thân thể không bệnh.
Đức Hỷ Tâm về nếp sống có giới đức và phạm hạnh.
Đức Hỷ Tâm về người thiện chí cho bạn bè kiến thức và trí tuệ.
Đức Hỷ Tâm biết rõ thực tướng các pháp và đời sống con người tu tập mười điều thiện.
Áp dụng Đức Hỷ Tâm vào bản thân.
Để thực hiện Đức Hỷ Tâm, chúng ta hãy xem xét cho tận cùng và xác định thực chất, thiết thực, đúng đắn. Nhờ thấu rõ Đức Hỷ Tâm chúng ta mới xây dựng nền tảng đạo đức Nhân Bản- Nhân Quả trên đó. Có được như vậy mới đem lại cho con người một cuộc sống an vui và hạnh phúc chân thật.
Trong cuộc sống của con người, có những tiêu chuẩn đạo đức, vậy những tiêu chuẩn đó như thế nào? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu xem những tiêu chuẩn của đạo Đức Hỷ Ttâm như sau:
1, Đức Hỷ Tâm tùy thuộc vào tâm của mỗi người: Đức Hỷ Tâm tùy thuộc vào tâm của mỗi người thật vô cùng quan trọng để hiểu được điều này. Chúng ta có thể nghĩ và xác quyết rằng hỷ tâm phát sinh từ một nội tâm là một điều sai, chuyện đó thật là mâu thuẫn. Nhưng khi tra xét cho cẩn thận ta có thể thấy rằng đó là sự thật. Nói chung người ta thường tin rằng hỷ tâm tùy thuộc vào tài sản và sở hữu vào sự có bạn bè hoặc có một địa vị xã hội khả dĩ. Đối với người thường trần thì gọi quan điểm này là đúng. Nghĩa là người thường quả có lệ thuộc vào những ngoại vật như tài sản và các quy ước xã hội, để có hỷ tâm.
(16:49) Phần đông người không được sung sướng vui vẻ nếu không có những thứ này, vì họ không hiểu sự tình theo Phật pháp. Bởi người thường trần không biết làm sao để phát sinh hoan hỷ từ trong tâm. Nên dường như đối với những người như vậy, niềm hoan hỷ chỉ phụ thuộc vào các điều kiện bên ngoài. Nhưng đây là một thứ hỷ tâm tương đối, không phải hỷ tâm tuyệt đối. Bề ngoài có thể rằng sự hiện hữu của những hỷ tâm tương đối này, một thứ bị tâm rất lệ thuộc vào tài sản, vật sở hữu, việc làm khả quan, dường như ngược lại với sự xác quyết rằng hỷ tâm sinh khởi từ nội tâm và chỉ tùy thuộc vào tâm. Nhưng sự thật là hai quan điểm này về hỷ tâm bổ túc lẫn nhau chứ không mâu thuẫn nhau. Ngay cả cái hỷ tâm có vẻ lệ thuộc vào nguyên nhân bên ngoài sự thật cũng phụ thuộc vào tâm ta.
Ví dụ một người trúng số độc đắc nhận được một số tiền thật lớn thì sẽ cảm thấy sung sướng vui vẻ, nhưng nếu xét kỹ thì cái gì cảm thấy sung sướng vui vẻ chính là tâm sở thọ cảm giác, đã khiến cho người ấy cảm nghiệm hỷ tâm. Nếu không có cảm thọ hay cảm giác thì không một lượng tài sản nào có thể đem lại hạnh phúc. Dù ta có tưới nước kỹ một thửa ruộng, và nếu trong đất không có hạt giống, thì không thể gặt hái được gì trên thửa ruộng ấy. Cũng thế dù một người có nhận được một số tiền lớn đi nữa, nếu không có sự sinh khởi mạnh mẽ của cảm thọ, thì sẽ không có gì gọi là sung sướng.
Tình cảnh này cũng như thửa ruộng ở đây không có hạt giống mà chỉ có nước. Có những người nắm giữ những địa vị quan trọng và sở hữu nhiều của cải vật chất, nhưng họ vẫn không được Đức Hỷ Tâm dù có tài sản và thế lực. Thay vì thế họ vẫn bị nỗi đau khổ ghê gớm có thể dẫn họ đến chỗ tự sát. Mặc dù những người như vậy bề ngoài rất giàu có, song họ không phát sinh mạnh mẽ những cảm giác tích cực. Họ thiếu sự phát sinh mạnh mẽ những cảm giác tích cực là vì họ rất thiếu thốn trên phương diện tâm hồn.
(19:18) Thỉnh thoảng xảy ra sự kiện rằng có người sau khi chết đã để lại thật nhiều tiền cho một con chó hay con mèo. Con vật này sẽ không bao giờ cảm nghiệm được Đức Hỷ Tâm do tài sản đó đem lại. Vì nó không có sự cảm giác mạnh mẽ vào trước tài sản ấy. Vậy ta có thể thấy rằng: Đức Hỷ Tâm không tùy thuộc nhân bên ngoài như tài sản, mà còn thuộc cảm thọ của chúng ta và những tâm khác tương tự.
Nếu xét kỹ điều này, ta có thể hiểu rằng Đức Hỷ Tâm tùy thuộc vào tâm của mỗi chúng ta. Như là Trưởng lão Thích Thông Lạc sống nhiều năm trong những cái thất cũ kỹ bằng liếp tre tầm vông, ngủ trên tảng đá lạnh. Ở đây có rất ít sở hữu và thực phẩm. Mặc dù những điều kiện bên ngoài nghèo nàn như thế, nội tâm Ngài vẫn cảm nghiệm được niềm hỷ lạc vô biên. Điều này chứng tỏ rằng Đức Hỷ Tâm là một cái gì hiện hữu bên trong và tùy thuộc vào cảm giác nội tâm của con người. Ta nên xem xét phương pháp của Trưởng lão Thông Lạc phát sinh hỷ lạc nội tâm mãnh liệt, rồi nếu có thể ta nên cố gắng để thực nghiệm hỷ lạc nội tâm ấy nơi chính mình.
Ở Việt Nam có một vị Trưởng lão ở Tây Ninh rất nghèo nàn về sở hữu vật chất. Ngài bảo người khác đều thấy Thầy là một người héo hắt, già nua, nghèo khó, nhưng trong tâm hồn Thầy có niềm hạnh phúc của sự hoan hỷ. Đối với một vài người, họ cho rằng dường như Trưởng lão Thông Lạc có vẻ kiêu căng hoặc khoa trương sự chứng đắc của mình, nhưng họ đã lầm. Điều Ngài muốn nói là *Đức Hỷ Tâm của Ngài không do nhân tố bên ngoài nào tạo nên, mà nó phát xuất từ công năng thiền định ly dục ly ác pháp. Từ thái độ hỷ lạc do ly dục sanh mà tu chứng Thánh quả A La Hán của Ngài.*
(21:28) Nếu ta suy nghĩ về những tâm sở và nhiệm vụ của chúng, thì việc làm này sẽ giúp chúng ta phát sinh tâm mình. Quán sát Đức Hỷ Tâm tùy thuộc vào tâm ta như thế nào, sẽ giúp ta nỗ lực phát sinh hỷ tâm, một nội tâm lâu bền. Sự tư duy về những đề tài ấy làm tri kiến ta tăng trưởng.
Tóm lại muốn được Đức Hỷ Tâm là bỏ ra ngoài những sự buồn phiền dằn vặt, không chấp nhặt trong lòng những lỗi lầm của kẻ khác. Có như thế tâm hồn mới thanh thản vui vẻ được và quý vị mới trong sáng thanh tịnh. Vậy chúng ta hãy cùng nhau cố gắng rèn luyện Đức Hỷ Tâm mỗi ngày.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Con xin đọc xong rồi.
(22:18) Trưởng lão: Hôm nay là cái ngày đầu xuân chúng ta nói về cái Hỷ Tâm. Thì đầu tiên chúng ta nghe qua cái bài đó, nói về cái hỷ tâm do cái tâm bình thường của mọi người, khi mà chúng ta có đầy đủ vật chất. Rồi đến cái người tu, thì cái người tu qua cái Hỷ Tâm như ở đây có nhắc đến Trưởng lão Thông Lạc, thì do đó do ly dục mà sanh hỷ lạc. Do cái chỗ tu tập đó mới chính là Hỷ Tâm thật sự của đạo Phật. Do từ cái bình thường, cái hỷ, để chúng ta nhận xét cái hỷ bình thường, để chúng ta đi đến cái hỷ của ly dục. Cuối cùng cái hỷ của ly dục mới thấy rằng, chúng ta mới thực sự là cái người tu tập giải thoát hoàn toàn.
Cho nên ở đây, tuy rằng cái dẫn nhập vào cái giới thiệu của cái Tâm Hỷ, thì Nguyên Thanh đã chỉ cho chúng ta có một cái hướng rất là rõ ràng cụ thể, để sau này chúng ta làm từ cái hỷ của một cái con người bình thường, cho đến cái hỷ mà của một cái người tu giải thoát. Mà qua cái điều chỉ dẫn thì chúng ta thấy rất rõ. Từ cái người bình thường cho đến người tu, cũng như lấy cái gương hạnh qua Thầy mà Nguyên Thanh khéo nhắc. Tuy rằng ngắn nhưng mà nói rất là rõ ràng.
Thầy xin đọc lại một cái đoạn đó, để mà chúng ta thấy rất rõ: “Đức hỷ tâm của Ngài không do nhân tố bên ngoài nào tạo nên, mà nó phát xuất từ công năng thiền định ly dục ly ác pháp. Từ thái độ hỷ lạc do ly dục sanh và sự tu chứng Thánh quả A La Hán của Ngài”.
Đó là, chúng ta thấy từ cái chỗ mà để xác định ở trên, nó do vật chất mà đem đến cái hỷ của chúng ta, sau đó tới cái khi mà mình tu tập rồi, thì cái hỷ nó do ly dục sanh hỷ lạc. Do cái do ly dục sanh hỷ lạc đó là cái hỷ lạc của cái người tu hoàn toàn. Cho nên ở đây trên cái phần hỷ, thì chúng ta phải xác định cho được rõ hai cái phần cụ thể. Chứ không thì chúng ta chỉ nhắm vào cái hỷ của cái đời sống bình thường, mà quên đi cái hỷ của một người tu chứng. Cái hỷ của người tu chứng, nó không giống cái hỷ của người bình thường. Vì vậy mà nếu hiểu rõ được thì cái bài chúng ta sẽ trọn vẹn, còn nếu mà không rõ thì nó sẽ đi có một góc độ của một cái bình thường của cái hỷ.
(25:00) Cho nên có nhiều bậc Tôn túc hiểu qua cái tâm hỷ của Tứ Vô Lượng Tâm của Phật, thì hiểu có một góc độ của bình thường mà thôi. Cho nên vì vậy mà tập chúng ta vui và cười, tập chúng ta mỉm cười trước những cái đau khổ. Nhưng mà tập như vậy là chúng ta bị ức chế. Do đó cho nên vì vậy mà cái cuối cùng để mà chúng ta thực hiện được là do chúng ta phải ly dục ly ác pháp. Mà ly dục ly ác pháp tức là ly tham sân si. Chúng ta hiểu được như vậy là cái tâm Hỷ chúng ta mới trọn vẹn của cái tâm Hỷ của đức Phật đã dạy.
Vì vậy mà trong cái bài này nó rất nhiều. Đưa ra nó tới chín cái đề mục mà nó còn nhiều hơn nữa. Nó khoảng chừng hai mươi cái đề mục của Tâm Hỷ. Hai mươi cái đề mục của Tâm Hỷ, nói về tâm Hỷ của chúng ta. Chứ nó không phải ít. Vì vậy mà nó thực hiện được cái đạo đức của hỷ tâm, chứ nó không có thường.
Bởi vì nó đức hỷ tâm, tức là cái đạo đức của nó, chứ nó không phải đơn giản. Cho nên khi mà chúng ta đi vào cái hỷ của một cái giải thoát, thì bắt đầu tất cả những cái phương pháp hoặc Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo của Phật dạy đó, đều nằm ở trên cái để mà tập luyện để mà chúng ta có cái ly dục ly ác pháp. Tức là hỷ lạc do ly dục sanh. Thì như vậy trong cái sự tu tập của chúng ta, nó phải đi lần lượt từng bước một, để nhận xét từng cái Tâm Hỷ, từ cái chỗ hỷ của phàm phu cho đến cái hỷ của một cái người tu giải thoát.
Chứ không phải, lấy cái hỷ, cái trạng thái hỷ của phàm phu mà đem cho đó là cái hỷ của sự giải thoát thì không đúng. Cho nên ở đây có hai phần rất rõ ràng. Nếu mà cuộc đời chúng ta mà tu tập mà từ cái hỷ, mà chúng ta đã dùng cái tri kiến mà chúng ta hiểu biết, để chúng ta do ly dục. Do ly dục. Mà hễ chúng ta ly được một cái dục một cái ác pháp thì chúng ta có cái hỷ. Chứ không phải đợi mà chúng ta cười mà có cái hỷ. Vì chúng ta ly được một cái ác pháp thì chúng ta có cái sự an ổn.
Cho nên đầu tiên thì Nguyên Thanh giới thiệu chúng ta thấy rằng rõ ràng là chúng ta thanh thản, an lạc, vô sự, đó là cái hỷ rồi. Chứ không phải đợi chúng ta cười vui như là cái người đời, mới vui mới gọi là hỷ. Mà đây là chúng ta thanh thản, an lạc, là chúng ta đã có hỷ trong đó rồi. Mà thanh thản, an lạc, vô sự được thì tức là chúng ta đã có ly dục. Nếu mà không có ly dục thì không thể nào có thanh thản, an lạc, vô sự.
(27:12) Hiểu rõ như vậy thì đầu năm chúng ta sẽ mang đến cái niềm vui cho mọi người, tức là hỷ. Vậy thì hôm nay đầu năm chúng ta đã học cái hỷ, vậy thì Thầy mong rằng từ đây đến cuối năm chúng ta sẽ luôn luôn hỷ chứ không có buồn. Mà nếu mà người nào buồn thì chắc chắn là Thầy sẽ cho ở lại lớp. Không có lên lớp được. Người nào vui thì mới lên lớp, mà người nào buồn thì không có lên lớp.
Vì hôm nay là cho chúng ta biết là bắt đầu qua một năm vui. Cho nên bài học đầu tiên của năm nay là, thay vì ngày mai mới vào tới cái giờ học, nhưng hôm nay là vì lấy cái ngày Mùng Một mà các thầy có ý kiến, muốn cho cái ngày nay giữa nam và nữ, đồng thời trong cái ngày Mồng Một, để chúng ta mang cái tâm Hỷ đó, mà chúc thọ Thầy. Có phải không? Mấy con mang cái Tâm Hỷ chúc thọ Thầy, Thầy mới sống dai chứ mấy con mang cái tâm mà buồn phiền đau khổ mà chúc thọ Thầy, chắc Thầy mau chết. Phải không?
Cho nên vì vậy mà hôm nay, cái buổi học này, thì chúng ta lại đem cái Tâm Hỷ, và đồng thời thì Nguyên Thanh cũng viết cái Tâm Hỷ cũng đúng lúc trong cái buổi học này. Chứ cỡ mà không có, thì chắc chắn là Thầy cũng nói cho các con nghe về cái Tâm Hỷ mà thôi, chứ không khác gì hơn hết. Có để đọc, chúng ta thấy vừa rồi cái bài đọc đó, nó cũng nhắc nhở chúng ta biết cách thức để mà chúng ta soi vào mình, để mà nhìn cái Tâm Hỷ từ cái tâm phàm phu, bước sang qua một cái giai đoạn của tâm giải thoát do lý dục sinh hỷ lạc. Mấy con thấy nó đi từng bước một để chúng ta có cái hướng, để nhắm vào triển khai cái Tâm Hỷ.
Như vậy thì mấy con đã thỏa mãn được cái hiểu biết về cái Tâm Hỷ rồi chứ gì? Biết cách làm chứ gì? Nhưng rồi Thầy cũng sẽ cho cái dàn bài để cho nó tiện lợi hơn. Nương vào cái dàn bài của Nguyên Thanh làm thì chắc chắn là nó sẽ nói theo cái ý của nó ở trong này rồi, Thầy thì cho cái dàn bài, chứ nó cũng không có sai đâu. Nó cũng như vậy, nhưng mà nó cụ thể nó rõ ràng làm cho mấy con dễ hiểu hơn, để mà làm bài cho dễ.
(29:16) Còn riêng Nguyên Thanh thì nó hiểu nó ghi. Chứ còn Thầy chưa có cho dàn bài mà nó ghi ra được chín cái đề mục của tâm Hỷ. Nó làm xong chín cái đề mục đó rồi, mà đây chỉ mới có đọc một cái đề mục một thôi. Chứ chưa có đọc tới đề mục hai, ba của nó trong này, nó còn nhiều lắm.
Thật sự ra mà khi nó ngồi nó viết như thế này thì Thầy thấy cũng là phát mệt, cũng là phát mệt. Đọc cũng thấy mệt rồi, chứ đừng có nói mà viết. Mà cả viết mà cả cái đầu óc mà suy tư ra để viết như vậy, thì cũng quá là mệt nhọc chứ không phải không. Cho nên Thầy thấy rằng là trong cái vấn đề mà tu học, mà đem hết cái sức lực của mình ra mà tu học mà để áp dụng được cái đời sống, thì thầy nghĩ rằng cái sự giải thoát nó không khó đâu mấy con. Bởi vì mình hiểu rồi mà.
Còn chỉ ra mình nói được mà mình không áp dụng được thì nó rất uổng. Mà cái người mà nói được mà áp dụng được thì rất hay. Mà nói được mà không áp dụng được thì rất uổng. Nhưng mà Thầy nghĩ rằng một cái người mà nói được, dù ít dù nhiều người ta cũng có xả tâm người ta nhiều, chứ không phải không.
(30:16) Trưởng lão: Xả, nhưng mà vì cái lớp học chúng ta nó còn đi tới, cho nên bây giờ chúng ta biết xả cái tâm của mình, nhưng từ cái Chánh Nghiệp, Chánh Ngữ, chúng ta còn phải học, từ đó cái oai nghi tế hạnh của chúng ta từ ngôn ngữ đến hành động của chúng ta hàng ngày, nó mới trở thành cái đức hạnh. Chứ bây giờ mình chưa học mình cũng đâu có biết được.
Chẳng hạn bây giờ mấy còn nói được, nhưng mà khi mà đến Chánh Nghiệp, tức là cái hành động của cái thân của các con, từ đi đứng nằm ngồi nói nín hoặc là cúi nhìn ngó ngước, tất cả mọi cái hành động đó đều được huấn luyện qua oai nghi tế hạnh, thì bắt đầu mấy con mới tập luyện được những cái oai nghi tế hạnh. Nó mới tỏ ra được những cái hạnh của cái người mà tu tập.
(30:58) Chứ còn nếu mà không có được huấn luyện những cái oai nghi tế hạnh thì mấy con sẽ sống ở trong những cái tà nghiệp của mình, cái thói quen của mình từ lâu tới giờ mình quen. Đi thì đi như thế nào thì mình quen như vậy thì không có đi cái cách thức cho đúng cách của nó. Hoặc là ngồi nói nín là cũng thói quen của mình. Cho nên mỗi người đều có cái đi đứng nó khác nhau là tại vì đó là cái thói quen. Nhưng mà được huấn luyện nhau thì chúng ta sẽ đi nó đúng với nhau.
Như mấy con thấy hôm đó có các cô khất sĩ đó, họ đi khất thực họ đi nhịp nhàng lắm phải không mấy con? Đó là người ta được huấn luyện đó. Chứ còn lẽ ra thì ba cô này phải người đi cách, chứ sao lại đi giống nhau như vậy. Thì đó là được huấn luyện nó đi như vậy. Do đó ở đây Thầy không phải huấn luyện cái kiểu đó đâu mấy con.
Không phải đi theo kiểu mà tập lính đâu. Lính nó được huấn luyện nó đi y nhau đó. Còn ở đây thì không có, Thầy không có huấn luyện như vậy. Mà Thầy dạy đúng theo đặc tướng của mấy con. Cái người đi nhanh thì đi nhanh, nhưng mà đi như thế nào đúng oai nghi tế hạnh. Và cái người đi chậm thì đi chậm, nhưng mà đi thế nào đúng oai nghi tế hạnh của nó. Đó là lớp Chánh Nghiệp mà chúng ta chưa học tới.
(32:03) Chúng ta còn trải qua mấy lớp chúng ta mới tới lớp Chánh Nghiệp. Bây giờ chúng ta mới Chánh Kiến à, rồi còn Chánh Tư Duy nè, rồi mới Chánh Ngữ nè, rồi mới tới Chánh Nghiệp mấy con. Chứ đâu phải, nó còn tới cái lớp thứ tư nó mới là Chánh Nghiệp nó mới dạy oai nghi tế hạnh của mình.
Cho nên ở đây chúng ta triển khai cái hiểu biết của chúng ta. Nhưng mà cái hiểu biết của chúng ta nó với lợi ích cho chúng ta. Hiện giờ chúng ta mới xả tâm nhiều ở trên cái hiểu biết đó. Cho nên cái lớp Chánh Kiến nó lợi ích trên cái phần của Chánh Kiến. Chứ không thể nói là tôi học Chánh Kiến mà tôi có Chánh Định hoặc là Chánh Nghiệp. Đâu có được, mình phải học tới mình mới biết chớ. Cho nên lần lượt rồi mấy con học hết tám cái lớp này rồi thì mấy con sẽ, nó là bây giờ Chánh Định đủ biết nó là như thế nào rồi.
(32:43) Trưởng lão: Còn bây giờ chưa học Chánh Định, mà mấy con nói Chánh Định làm sao mấy con biết ở đâu. Cho nên dường như người ta không hiểu Chánh Định. Cho nên người ta bị hoang tưởng, người ta bị Không Tưởng. Người ta tưởng rằng những cái đó là cái Định, chứ thật sự là họ đã lọt vào cái Định Tưởng, Không Tưởng mất rồi. Nó sai rồi. Chừng nào mình học tới lớp Chánh Định rồi mình mới biết cái Định nào đúng mà cái Định nào sai. Chừng đó Thầy sẽ dạy. Còn bây giờ là hầu hết người ta hiểu cái Định chung chung như kiểu đó thì coi như là người ta hiểu sai không đúng đạo Phật. Đạo Phật đi từ tám cái lớp học của người ta, mà bảy lớp học xong rồi người ta mới thấy được cái Chánh Định của người ta. Còn mình chưa có Định mà mình dám mình hiểu mình nói Định này Định kia, mình lượm mình viết sách đủ thứ Định hết.
Thậm chí như Thầy đọc sách của các nhà khoa học, cũng đọc theo kinh sách thiền, cũng đọc theo ba cái thiền, cũng viết ra rồi nói là khoa học thiền như thế này như thế khác. Mấy ông này bộ điên sao. Mấy ông viết tầm bậy tầm bạ như thế này, mà ông biết Thiền Định như thế nào. Tại sao mấy ông không lật tám cái lớp học Bát Chánh Đạo ra, mấy con, cái lớp Chánh Định của người ta nó nằm ở chỗ nào, mà mấy ông dám nói ngang nói xương vậy. Mấy ông còn mang một bụng tham, sân, si mà mấy ông nói chuyện Chánh Định, làm sao mấy ông biết được Định ở chỗ nào mà ông nói. Phải không mấy con thấy, còn cái tâm mình tham, sân, si một đống, mình chưa có ly dục ly ác pháp chút nào hết mà dám nói về Chánh Định. Giới chưa thông mà nói Định, làm sao có Định. Giới sanh Định trớ. Tức là ly dục ly ác pháp nó sẽ có Định, chứ đâu phải là cái chỗ mà nói Định suông được.
(34:08) Cho nên ở đây cũng như mình bây giờ mới học Chánh Kiến à, mà mình nói nào là Chánh nào là Chánh Ngữ, nào là Chánh này kia. Là sao Chánh Ngữ, ai dạy mình Chánh Ngữ đâu. Cho nên tôi còn nói lời nói như thế này lời nói như thế kia chứ. Nó chưa học tới. Ở đời cái gì cũng vậy, do mình học, rồi mình được tập luyện, được huấn luyện thì do đó mình mới làm được. Cũng như bây giờ bắt Thầy đi như mấy cái ông lính kia, Thầy đi sao cho được. Phải không? Nó phải được huấn luyện Thầy mới đi được chứ. Các con thấy cái đó là một điều thản nhiên. Cho nên tất cả con người chúng ta đều luyện tập được hết, đều luyện tập được hết. Nhưng mà được huấn luyện.
Thí dụ như bây giờ Thầy không biết võ, mà Thầy học võ người ta dạy Thầy đánh múa may, Thầy đánh riết rồi Thầy cũng giống cái ông đánh võ vậy. Thì cho nên nó quen. Còn bây giờ không học mà biểu đánh, ra đánh múa chân múa tay bậy bạ làm sao được.
Đó cho nên mấy con thấy trong cái sự học tập là phải có cái sự tập luyện hẳn hoi đàng hoàng. Cái lớp Bát Chánh Đạo chúng ta cũng như vậy mà, Phật dạy cũng như vậy mà. Thì mình phải học tập được huấn luyện như vậy thì mình mới trở thành một cái người hoàn thiện, toàn bộ thân hành. khẩu hành, ý hành chúng ta mới hoàn toàn là toàn thiện.
(35:17) Cho nên trên cái bước đường mà tu học thì mấy con lần lượt, Thầy sẽ dạy tới đâu mấy sẽ con sẽ tiếp thu và học tới đó, đừng vội vàng, đừng có lật đật. Học dược chỗ nào thì áp dụng ngay chỗ nấy mà thôi.
Cho nên hôm nay nhân cái dịp mà đầu xuân, thì chúng ta học cái bài học Đức Tâm Hỷ để chúng ta biết làm như thế nào để đem lại một cái nguồn vui chân thật đối với mình. Từ cái tâm còn phàm phu cho đến cái tâm ly dục ly ác pháp, tâm Thánh, thì nó sẽ có những trạng thái hỷ đến với chúng ta.
Hiện giờ mà chúng ta ngồi thiền nhiếp tâm, an trú được tâm mình chút ít, nó có cái trạng thái hỷ lạc, khinh an hỷ lạc, như vậy chúng ta biết rõ ràng cái trạng thái khinh an hỷ lạc đó là trạng thái tưởng, chứ không phải thật sự do ly dục sanh hỷ lạc đâu. Bởi vì bụng mình nó còn một bụng tham, sân, si mà làm sao mà gọi là do ly dục sinh hỷ lạc được. Mình phải hiểu. Cho nên cái hỷ lạc đó, mình biết cái hỷ lạc đó trong cái tưởng, nó còn sai chứ chưa phải đúng. Đừng lấy cái chỗ đó mà làm cứu cánh. À bây giờ tôi tu, bữa nay tôi an ổn, an lạc hỷ lạc quá, thích tu như vậy, như vậy vậy, thì coi chừng mình bị lừa đảo mất rồi. Mình bị sai rồi.
Cho nên ở đây cái sự tu tập là lần lượt mình theo các lớp học này, mình sẽ tu, đến chừng mình thấy cái chỗ mà ly dục ly ác pháp mà sanh hỷ lạc nó tuyệt vời. Chứ nó không phải là như cái trạng thái tưởng.
Như vậy là trên cái lớp học của mình đi vào cái sự thực tế, chứ không phải là cái sự mơ hồ, cái sự ảo tưởng. Bởi vì nói ảo tưởng không có nghĩa là mình ngồi đó mình tưởng tượng ra, mà cái trạng thái tưởng của chúng ta nó xuất hiện ra, chúng ta cảm nhận cái trạng thái. Nhưng mà nó là tưởng, chứ nó không phải thật. Bởi vì đức Phật ngay từ đầu đức Phật đã xác định cho chúng ta biết. Chúng ta biết do ly dục sanh hỷ lạc, mà mình chưa ly dục mà hỷ lạc này là hỷ lạc cái thứ gì? đức Phật đã xác định cho rõ ràng, chúng ta đã thấy rồi mà.
Mà từ cái chỗ mà muốn ly dục ly ác pháp để có hỷ lạc thì chúng ta phải ở trong một cái giai đoạn của tâm bất động. Không bất động, nếu mà không bất động làm sao mà gọi là ly được. Mà muốn bất động đó thì chúng ta phải tu tập như thế nào để tâm bất động, bất động như thế nào? Bây giờ Thầy nói Thầy đang ở trong cái dạng bình thường, bây giờ có người chửi Thầy, Thầy cũng giận hay không giận, thì đó là bất động. Bây giờ cơ thể của Thầy bình an như thế này, bỗng dưng đau Thầy cũng bất động, Thầy cũng đâu có lo lắng gì nó. Còn này, đau rên la thì nó còn gì bất động. Có phải không?
Đó tất cả những cái bất động trước, thì khi mà bất động rồi thì mới ly dục ly ác pháp được. Mà chưa bất động thì chưa ly dục ly ác pháp.
(37:51) Trưởng lão: Cho nên Thầy nói thí dụ như vừa rồi thì bên nam thì như các con cũng biết mà, thầy Chơn Thành có trình bày lại cái sự xảy ra cho Thầy. Nếu mà thầy không tu tập, thì cái cơ thể của thầy nó sẽ bị bán thân. Các con đâu có ngờ, nếu mà con người mà không tu tập thì thầy Chơn Thành hiện giờ là thầy đã bán thân thầy nằm tại chỗ rồi. Khi mà Thầy đến, thì thầy trình bày cho Thầy cái sự kiện xảy ra, thì cái tay của thầy nó co như thế này. Thầy cầm cây viết, Thầy đưa cây viết cho thầy cầm, thì thầy muốn viết cái chữ a nó kéo dài xuống vậy chứ nó không có theo nó viết chữ a được đâu. Nó không có điều khiển được nữa, coi như nó liệt rồi. Thì do đó mà tới hôm nay thì hoàn toàn thầy đã bình phục trở lại cánh tay của thầy hoàn toàn rồi. Mà nếu mà thầy không tu pháp Thân Hành Niệm thì chắc chắn là thầy bị bán thân rồi. Nhờ cái pháp Thân Hành Niệm. Bởi vì cái nghiệp của thầy nó tới đó. Nhưng mà nhờ thầy giữ hạnh độc cư cũng trọn vẹn, giữ giới cũng nghiêm chỉnh, cho nên nó chuyển, nó chuyển rất là nhẹ, là nó còn liệt hết một cái cánh tay của thầy. Cho nên khi đó, thầy sử dụng cái pháp Như Lý Tác Ý.
Thầy có trình bày trong cái sự tác ý cánh tay mà đưa ra đưa vô như thế này. Đưa ra đưa vô như thế này, để trị bệnh mình. Thì bắt đầu mới đầu nghe còn mát, sau đó nó nóng dần lên. Cánh tay nó nóng dần lên. Nó nóng dần lên. Cái nhiệt lượng nó tăng dần lên. Nó tăng dần để nó đối trị cái cảm thọ cái bệnh của nó, nó làm sống lại cánh tay. Nó không còn liệt nữa. Đó là cái trường hợp mà thầy Chơn Thành từng chút từng chút mà thầy Chơn Thành trình bày và Thầy theo dõi từng lúc để cứu lấy người đệ tử của mình trong khi gặp cái nghiệp, đang xảy ra cái nghiệp.
(39:42) Thầy mong rằng trong cái lớp học của chúng ta, hiện giờ có những cái gương hạnh mà làm chủ được bệnh. Đây là nó chưa phải là chúng ta đầy đủ được Tứ Thần Túc, nhưng vẫn làm chủ được bằng cách chúng ta nhiếp tâm và an trú trong cái pháp của Phật.
Thầy Chơn Thành thì sử dụng cánh tay của thầy: “An tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay ra, an tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay vô”. Đó thì các con thấy. Rồi thầy đưa ra đưa vô vậy, không tác ý nữa, nhưng rồi một thời gian thỉnh thoảng thầy lại tác ý một lần nữa, rồi đưa ra đưa vô như thế này, mà bắt đầu cơ thể thầy, cánh tay nó nóng lên, rồi cơ thể nóng lên và lần lượt cái cánh tay.
Bây giờ thầy đưa lại bình thường, hồi đó nó quắp như vầy, thầy không thể nào đưa ra. Bữa đó mà thầy trình bày ở đây, thầy đưa ra như thế này, chứ thầy không có quặp đằng sau gì được hết. Còn bây giờ nó đã đưa ra sau vậy được rồi. Như giờ á, thầy Chơn Thành đang ngồi trước mặt mấy con đó.
(40:42) Trong khi cái tuổi đời chúng ta lớn, chúng ta cũng có thể dễ lắm mấy con, dễ bệnh lắm. Nhất là bán thân, thì rất khổ chứ không phải mà dễ. Bởi vì khổ người chăm sóc, mà cũng khổ cho bản thân của người bệnh. Mà bán thân thì cũng có những phương pháp người ta trị, người ta châm cứu này kia, nhưng mà cũng tùy cái phước. Chứ sự thật ra nó cũng khó mà hết. Cho nên có nhiều người bán thân thời gian rồi, sáu bảy tháng một năm sau họ chết. Đó là cái người đời, ăn thịt cá nhiều, thì không thể nào mà trị cho họ hết.
Còn chúng ta vì sống đúng cái giới luật của đức Phật cho nên chúng ta nhờ pháp mà chuyển. Còn nếu mà người không biết pháp thì họ cũng nhờ thuốc thang, nhờ châm cứu này kia, họ cũng giảm đi. Nhưng cái pháp của Phật rất tuyệt vời. Rất tuyệt vời. Không uống một giọt thuốc, không gì hết. Cho nên khi mà thấy cái trạng thái của thầy Chơn Thành vừa rồi, thì tất cả những người mà bệnh đau, dù ung thư, dù tất cả những gì, thì chúng ta biết pháp của Phật đều là trị được hết. Đem lại cái nguồn vui chân thật.
Vì vậy mà bây giờ thầy Chơn Thành đã thoát ra cái bệnh của mình, được bình phục rồi, thì cái này không phải là cái Đức Hỷ Tâm sao? Nghĩa là mình đã tự cứu mình, bây giờ mình đã mạnh khỏe rồi, mình sống thấy an ổn rồi. Không phải đây là một cái niềm vui sao? Các con thấy đây là cái hỷ tâm mà mấy con.
Cái hỷ tâm không có nghĩa là chúng ta ngồi chúng ta cười hoài mới gọi là hỷ. Mà nó đem lại cái sự an lạc, cái sự thanh thản, đó là cái hỷ tâm của chúng ta. Các con hiểu chưa? Cho nên phải hiểu một cách đúng đắn, đừng có hiểu sai. Mình chỉ thấy người ta nhe răng cười hoặc là mình thấy người ta nghĩ mình cười mà mình nói rằng là hỷ thì đó là cái hỷ của phàm phu. Nhưng mà cái hỷ thật sự của con người tu thì người ta thanh thản an lạc vô sự. Trong thanh thản, an lạc, vô sự, nó có một cái niềm vui của nó ở trong đó. Cho nên nó gọi là hỷ. Cho nên hiểu đúng thì chúng ta mới diễn tả đúng, mà hiểu sai thì chúng ta sẽ diễn tả sai.
Như có một cái người mà hiểu sai cho nên dạy chúng ta cứ tu tập để mỉm cười thì đó là cái hiểu sai. Hiểu sai tưởng là cười đó mới là hỷ còn không cười thì không hỷ. Nó tự nhiên nó có cái nguồn vui ở trong tâm của chúng ta đó là cái hỷ.
Có một sự bình an cho thân tâm chúng ta đó là cái hỷ. Cho nên khi mà Tâm Từ chúng ta có, thì chúng ta tha thứ những lỗi lầm, chúng ta không làm đau khổ con người khác, thì chúng ta thấy chúng ta có cái niềm vui ở trong lòng, tức là Hỷ. Chứ đâu phải là chúng ta cười hề hề mà chúng ta hỷ. Cho nên trong cái vấn đề mà tu tập chúng ta phải hiểu rõ được cái trạng thái đó thì chúng ta mới xác định được nó do cái sự tu tập của chúng ta.
HẾT BĂNG