00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

LCK 072A - VẤN ĐẠO TỨ VÔ LƯỢNG TÂM

LCK 072A - VẤN ĐẠO TỨ VÔ LƯỢNG TÂM

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Thời gian: 26/01/2006

Thời lượng: [40:45]

1. PHÂN BIỆT TÂM TỪ VÀ TÂM BI

(00:04) Trưởng lão: Vừa rồi mấy con học tới cái bài Tứ Vô Lượng Tâm - tâm Từ, Từ tâm. Mấy con biết cách làm, nếu không biết cách phải hỏi cho kỹ. Bởi vì nó là cái pháp độc nhất để đi đến cứu cánh hoàn toàn. Nếu mà chúng ta thấy cái đặc tướng của chúng ta hợp với tâm Từ thì chúng ta tu Từ tâm, hợp với Bi tâm thì chúng ta tu Bi tâm, hợp với tâm Hỷ thì chúng ta tu với tâm Hỷ, hợp với tâm Xả thì chúng ta tu với tâm Xả. Cho nên đó là những cái pháp độc nhất. Vì vậy mà các con cần phải làm cho kỹ, chứ nếu không, mấy thì con sẽ hiểu sai, làm sai thì nó sẽ không đúng với cái hiểu biết của mình.

Bởi vì trong kinh Bát Thành nó có tám cái pháp độc nhất. Ôm một cái pháp là chúng ta sẽ đi đến cứu cánh hoàn toàn. Do như vậy thì chúng ta biết trong Tứ Vô Lượng Tâm, tâm Từ, tâm Bi, tâm Hỷ, tâm Xả, mỗi tâm nó có một cách thức của nó để thực hiện đi đến rốt ráo. Mà nếu chúng ta không hiểu thì chúng ta sẽ không biết cách. Thường thường là Thầy giảng chung chung, nhưng bây giờ nó tới cái giai đoạn chúng ta áp dụng để tu tập, thì nó phải hiểu cho rõ ràng, nó sâu sắc. Chứ còn không phải hiểu sơ sơ.

Con hỏi Thầy gì con?

Tu sinh: Thưa Thầy cho con hỏi là tâm Từ với tâm Bi, chỗ nào nó giống nhau và khác nhau?

Trưởng lão: Hai điểm này khác nhau xa chứ không có giống nhau. Bây giờ coi chừng mấy con sẽ lầm lộn đó, lầm lạc đó, tâm Từ với tâm Bi khác nhau.

Tâm Từ - cái mục đích của nó là không động chạm đến sự sống của muôn loài, là cái lòng thương yêu của nó.

Còn tâm Bi là trước cái cảnh đau khổ của người khác, thí dụ như mình thấy một con vật hay một người đang lăn lộn trên sự đau khổ, thì mình khởi lòng thương yêu để giúp cho sự đau khổ cho nó hết đau khổ. Đó là tâm Bi. Cho nên nhiều khi mấy con viết lẫn lộn, từ với bi nó hay lẫn lộn. Cho nên không khéo, phải phân biệt như vậy viết mới đúng.

Tu sinh: Con thấy hai cái Từ và Bi cũng dùng đối trị với tâm sân

(02:32) Trưởng lão: Không phải. Khác xa lắm con. Nó không có đâu. Tâm Từ là nó đối trị với tâm sân mà cái tâm sân của chúng ta. Còn cái tâm Bi nó đối trị với tâm sân của người khác. Con phải phân biệt. Người ta sân tức là người ta đang khổ đau người ta mới …​ Người mà tu tâm Bi người ta thấy người ta thương cái người đó liền, tội, không phải cái đó là từ mà đó là bi. Còn bây giờ mình biết mình sẽ có mang trong thân này những cái tham sân si, bây giờ mình tu tập lòng Từ để đối trị với tâm tham sân si của mình, cho nên người ta chửi mình không giận. Mình không giận, đó là lòng Từ. Mà thấy người ta đau khổ, mình không có mắng chửi, không làm cho người ta đau khổ, thì đó là tâm Bi. Cái đối tượng đó.

Thí dụ như vua Lý Thái Tổ, Ngài nghĩ đến những tù nhân đang ở trong trời lạnh như thế này những tù nhân mà ăn thì không đủ, mà áo thì cũng không đủ mặc ấm, Ngài khởi lòng thương, thì đó là tâm Bi. Bởi vậy mình thấy người ta đau khổ mà mình khởi sự thương, đó là tâm Bi. Phải phân biệt cho rõ chứ không phải Từ Bi một chùm với nhau, mà mình hiểu chung chung không được. Bởi vì đây là cái pháp độc nhất đi đến cứu cánh, cho nên chúng ta phải hiểu cho rõ.

Rồi mấy con viết mỗi một cái tâm Từ mà đối với cái gì đó, thì mấy con tìm những mẫu chuyện mấy con đem những mẫu chuyện đó ra để xác định hành động đó gọi là Từ hay hành động đó là Bi cho nó rõ ràng. Chứ còn nếu mình nói lý luận chung chung thì cũng được, nó hay, nhưng khi áp dụng vô tu thì mình không biết - áp dụng để xả tâm.

(04:30) Còn tâm Xả nó khác, tâm hoan hỷ cũng khác con; cách thức tu cũng khác nhau nữa. Chứ không phải có từ bi hỷ xả là chung chung, có từ là có bi có hỷ có xả. Nó đúng vậy, nhưng bây giờ nó là pháp độc nhất, nếu bây giờ mình có tâm Từ thì ngay đó có tâm Bi. Bởi vì hễ mình Từ mình không giận, mình có tâm Bi thì mình không mắng chửi không nói nặng người khác; tức là tâm Bi của mình có rồi. Mà hễ mình có từ bi thì nó có hoan hỷ, có tâm hoan hỷ. Có tâm hoan hỷ thì nó phải xả, chứ nó không xả làm sao nó hoan hỷ được.

Đó là cách thức của nó vậy chứ sự thật ra bây giờ nó là pháp độc nhất rồi. Chúng ta không nói những tâm kia mà tự nó có, kệ nó, không phải chúng ta tu nó cho nên không cần thiết nói. Nó phải xả, phải bi, phải xả trong đó thôi, nhưng mình không quan trọng, mình chỉ lo mỗi một tâm tâm Từ của mình mà nó có đủ hết. Hễ mình tu một cái nào đó thì bốn cái này nó có đủ, chứ không phải chúng ta tu cả bốn. Con hiểu không?

Bây giờ Thầy tu tâm hoan hỷ. Ai chửi Thầy, Thầy cũng vui vẻ tức là Thầy có từ có bi trong đó có đủ, nhưng không phải Thầy tu tâm Từ tâm Bi đâu mà Thầy tu tâm hoan hỷ. Coi như là tu tâm Hỷ. Cho nên thầy Nhất Hạnh dạy "Hít vô, tôi mỉm mỉm cười; thở ra, tôi mỉm mỉm cười" nghĩa là mình tập hoan hỷ, mình tập cười đó. Nhưng sự thật nó không phải vậy, tập như vậy sai, vì mình ráng cười, cho nên người ta nói ông này ổng vui vẻ quá. Nhưng sự thật trong bụng nó không được vậy, ngoài mặt làm vậy nhưng mà trong bụng nó không phải vậy. Còn cái này không, nó thực hiện đúng, trong ngoài nó y như nhau.

Con ngồi xuống đây đi, con hỏi đi.

Tu sinh: Kính bạch Thầy, thí dụ như là con thấy người già con thương, đó là tâm Từ. Con thấy thương cái hoàn cảnh đó con muốn trực tiếp giúp đỡ cho nên con …​ đó là tâm gì? (nghe không rõ)

(06:37) Trưởng lão: Cái đó là tâm Bi, con. Con thấy người già họ yếu, họ thiếu thốn gì đó hoặc họ không được sự chăm sóc của con cháu hoặc không có con cháu, con thấy tội, mà mình thì đáng như con cháu của người, thấy người khổ; đó là tâm Bi chứ không phải tâm Từ. Bi, đối lại cái khổ của người khác.

Còn bây giờ mình đối với thân mình - bây giờ nó có bệnh đau nhức, bệnh gì nó đang đau khổ, mình đang thương mình đó, nó là cái tâm Từ. Thí dụ mình biết cái thân mình giờ chưa có bệnh đó, mà nó sẽ có bệnh đó, bởi vì nó vô thường, bây giờ mình phải tập để ngăn ngừa như thế nào; đó là tu tập tâm Từ.

Tu sinh: Thưa Thầy, thí dụ như con thấy cái dây này nó vắt vô cái cây nhiều quá, thí dụ vậy đó. Con muốn biết cái cây nó có đau hay không, dĩ nhiên con thấy nó con khó chịu. Dĩ nhiên trước tiên con thương mình trước cái đã, là con mở cái dây đó ra là mình thấy dễ chịu rồi. Còn cái cây đó nó có đau hay không thì mình không biết, mà con đi qua đi lại con muốn mở cái cây đó là mình khó chịu nơi mình. Thì khi mở cái dây đó rồi, con thấy người mình nó khỏe, không có còn chướng nữa. Vậy có phải là tâm Từ không?

Trưởng lão: Cái đó thuộc về tâm Bi hay tâm Từ, để Thầy giải thích cho mà nghe. Con ngồi xuống đi con. Bây giờ mình đi ngang mình thấy có người đó lấy dây kẽm hay cái đinh họ đóng vô cái cây, mình thấy tội nghiệp. Nó có đau hay không đau, mình không thấy nó rên la. Nhưng mình thấy cái cây bị đóng như vậy, mình thấy tội, do đó thì mình làm lơ qua, mình không có bỏ luôn thì mình thấy như thường, không có gì hết. Tức là mình không có tâm Từ tâm Bi gì hết.

(08:25) Khi mình thấy như vậy một vài lần rồi thì mình tư duy suy nghĩ. Mình thấy tội nghiệp cái cây quá, cũng như có cái dây kẽm quấn cái cây, thấy cái da nó lớn lên bị dây kẽm cứ xiết vô, mình thấy tội nghiệp cái cây này quá. Khi mình bỏ lơ qua tức là mình không thực hiện tâm Từ tâm Bi của mình. Bây giờ mình thấy cây đó bị xiết mà mình không cứu khổ cây đó là mình không có tâm Bi. Đúng không? Nhưng mà mình để mình tư duy suy nghĩ, mình lo lắng, thương xót nó là mình không có tâm Từ với mình. Cái nào từ và cái nào bi rõ ràng. Vì vậy mà nó thúc đẩy con đến mở cái dây kẽm ra, thì đó là con đã giúp cho cái cây đó không bị dây xiết vô. Có phải không? Tức là tâm Bi. Nhưng mà cái hành động làm đó giúp cho con thoải mái, cởi mở, như là con thấy con không còn suy nghĩ nữa, không suy nghĩ về vấn đề dây kẽm quấn trên cái cây. Tức là con có tâm Từ với con. Nó từ bi.

Cho nên con muốn tu tâm nào, con muốn tu tâm Bi hay con muốn tu tâm Từ?

Tu sinh: Con muốn tu tâm Từ.

Trưởng lão: Con muốn tu tâm Từ thì ngay đó con thấy nó suy nghĩ, nó tội nghiệp. Thì con tu tâm Từ thì tất cả mọi sự việc con đều khởi sự thương yêu. Khi thấy một cái gì trước mắt có sự đau khổ mà ngay đó thực hiện mà không được, gọi đó là tâm Bi. Chính nó làm cho mình cứu giúp, làm cho những con vật, những người khác không có sự đau khổ nữa, và đồng thời hằng ngày con tránh những điều kiện con làm đau khổ; đó là con thực hiện tâm Từ. Nghĩa là mình tránh những điều kiện không xảy ra để làm tâm mình đau khổ, đó là tâm Từ. Vì mình lỡ mình có thấy một cái sự đau khổ, mà mình muốn cho cái tâm mình đừng bị chướng ngại trên cái cảnh đau khổ đó nữa, cho nên vì vậy mình thực hiện, tức là tâm Từ của con.

(10:30) Còn bây giờ vì con nghĩ, thấy cái sự đau khổ đó, muốn cho cái cây đó đừng có bị cái dây đó quấn nữa, tức là con thực hiện tâm Bi. Nghĩa là mấy con nắm rõ, bây giờ mình thấy rõ sự đau khổ của người ta là mình thực hiện tâm Bi, thì ngay tâm mình nó tự giải thoát rồi; tức là có Từ rồi, nhưng mình không tu tâm Từ. Con tu tâm Bi vì tâm Bi có đối tượng rất rõ, thấy sự đau khổ của mọi vật: con kiến, một cái cây mà bị quấn như vậy, tôi thấy như vậy tội, tôi làm, tôi thực hiện cho cây đó không bị dây đó quấn, tức là tôi tu tâm Bi của tôi. Tôi thực hiện tâm Bi, nhưng mà nó ở trong lòng tôi nó cởi mở, nhưng tôi không nói vấn đề cởi mở này là tôi tu tâm Từ đâu, tôi không tu tâm đó đâu. Nhưng mà tôi tu tâm Bi tại vì trước mắt tôi thấy cây đó khổ, tôi tháo dây đó ra, tức là tôi thực hiện tâm Bi. Nhưng mà tôi giải thoát. Con hiểu không?

Cho nên mình nói mình thực hiện tâm Từ thì hai cái nó lộn xộn. Nó vừa bên đây vừa bên kia, tôi không thực hiện hai cái này chung, bởi vì nó là pháp độc nhất. Các con có nghe tới pháp độc nhất. Cho nên mấy con sẽ thực hiện cái tâm của mấy con ngay trên cái đối tượng của mình. Thường thường hầu hết là con người có tình cảm thì người ta thực hiện tâm Bi, tình cảm của mình mình thực hiện tâm Bi, nhưng mình thực hiện tâm Bi đem lại, nhưng tâm Bi rất nguy hiểm. Không khéo thì mấy con đi vào thất tình lục dục. Thấy người ta khổ đau quá thì mình cũng hút theo đó thì thôi, kiểu đó không được.

Còn tâm Từ thì mình cứ giữ cho mình được bất động, thương yêu, cho nên đối với sự vật mình rất tỉnh thức gọi là Chánh Niệm Tĩnh Giác, tu trong các hành động, tu trong các tỉnh thức của mình, không giẫm đạp lên hạnh phúc của muôn loài, không làm cho sự sống của muôn loài bị đau khổ. Cái đó là mình tu; mà nó tu hai cái khác, con. Cái kia nó thấy khổ nó mới tu, thấy chúng sanh khổ mới tu, cho nên luôn luôn nó thấy có gì đau khổ là nó thực hiện tâm Bi của nó; chứ nó không thực hiện tâm Từ, nó không có tỉnh đâu, nhưng nó nhìn thấy mọi vật có sự đau khổ là nó tới cứu khổ.

Tu sinh: Thưa Thầy, vậy thì, như vậy con tu hai pháp không được?

2. VỪA TU TÂM TỪ, VỪA TU TÂM BI THÌ KHÔNG ĐI ĐẾN RỐT RÁO

(12:39) Trưởng lão: Không, không được con. Bởi vì nó là pháp độc nhất, đức Phật nói là pháp độc nhất mà. Con phải ôm chặt một pháp, bởi vì cái kia con tu tỉnh thức. Tu tâm Từ, con tu tỉnh thức cho nên lòng từ của con tỉnh thức, nó sẽ không bao giờ làm cho chúng sanh đau khổ - tức là tâm Từ. Nghĩa là chúng sanh đang sởn sơ, đang không có đau khổ, vì vậy mình cố gắng giữ gìn đừng có làm cho nó đau khổ. Còn ai làm thì kệ, mình không biết. Còn đối với mình, mình hoàn toàn tỉnh thức. Cho nên cái sức tỉnh thức nó cao đi đến cái chỗ mà định tĩnh, nhu nhuyễn dễ sử dụng. Cái tâm Từ đó, nó đi đến định tĩnh, nhu nhuyễn dễ sử dụng bởi vì nó tỉnh thức, bởi vì nó lo lắng, nó sợ làm cho chúng sanh đau khổ, tức là tâm Từ. Nó ngăn ngừa hết không để cho chúng sanh đau khổ.

(13:24) Còn cái tâm Bi là có sự đau khổ của chúng sanh là nó tới. Mà nó tới, tâm Bi nó thực hiện vậy. Xung quanh chúng ta nhiều sự đau khổ của chúng sanh lắm, cho vì vậy mình cứ tu tâm Bi thì rốt cuộc mình cũng tới, nhưng mà nó đi qua cái góc độ khác. Mình thực hiện một pháp mà gần chết rồi đó.

Tu sinh: Thí dụ, con gặp một cái người già đó mà - bình thường thí dụ như cái tâm Bi, mình chưa có sống trực tiếp với họ thấy họ đau khổ, nhưng mà con thấy cái người già đó con thông cảm cái hoàn cảnh này kia của họ, rồi sau đó tâm Từ mới khởi lên. Từ cái chỗ đó, mình mới tìm cách tìm hiểu họ cần gì thiếu gì thứ này thứ kia đó. Rồi khi ấy mình mới trực tiếp mình muốn giúp họ, thì cái đó là tâm Bi mới khởi?

Trưởng lão: Không phải con. Không phải tới giúp đỡ con. Bắt đầu con khởi sự con thấy cụ đó, thì bắt đầu từ đó cái diễn biến của tâm Bi là con tìm hiểu coi cái này có phải đúng như vậy không, rồi con mới bắt đầu tìm vào sự diễn biến của tâm Bi.

Tu sinh: Dạ thì đó tâm Bi

Trưởng lão: Bi không hà, con thấy đối tượng mà. Con tìm cái đối tượng là tâm Bi. Còn cái tâm Từ là chuẩn bị không có làm đau khổ chúng sanh.

Tu sinh: (nghe không rõ)

Trưởng lão: Ai con?

Tu sinh: Như vậy có liên quan.

Trưởng lão: Ai, cái gì liên quan?

Tu sinh: .. (không rõ) nếu cụ già đang cần giúp đỡ .. bây giờ mình tìm hiểu …​. để mình giúp họ, như vậy có phải là tâm Từ không…​ (không rõ)

Trưởng lão: Tâm Bi không, con. Từ cái chỗ thấy cụ già - bây giờ là cái đối tượng rồi - mình thấy cụ già có cái dáng gì khổ đó, thì bây giờ mới tìm hiểu. Thì cái diễn biến của tâm Bi nó đi tìm hiểu để nó giúp đỡ, thực hiện cái lòng bi đó.

Tu sinh: Con hiểu đó là tâm Từ ạ, vì nếu giúp đỡ thì,

(15:12) Trưởng lão: Không phải con. Không phải tâm Từ. Con hiểu ra ngoài rồi. Nó tỉnh thức. Ví dụ ý con muốn nói nó cũng đúng chứ không phải không nhưng mà nó trật con. Bởi vì nó diễn biến. Bây giờ là gì đó. Bây giờ con ví dụ như bây giờ bình thường cái tâm Từ là con không có sự động chạm đến sự đau khổ, con không có làm cụ già đó già khổ đâu. Tại vì sự vô thường của các pháp nên cái thân cụ già đó già đau khổ. Bây giờ cái hình ảnh già đau khổ mà cụ sống thiếu hụt cái gì đó, vừa đập vào mắt mình thấy thì tâm Bi khởi ra vì nhìn thấy đối tượng đó. Còn tâm Từ - tôi có làm cho cụ già đâu, tôi có làm cho cụ thiếu hụt đâu. Hiểu không? Tôi có làm các gì đó đâu cho nên không gọi đó là tâm Từ. Tâm Từ nó hoàn toàn không có làm cho người ta khổ, mà nó không làm cho mọi người khổ thì nó cũng không làm cho nó khổ. Cho nên mình thực hiện tâm Từ nó không có bị khổ. Bao giờ nó cũng cẩn thận.

Rồi, con hỏi gì thêm đi. Con hỏi trước đi con

Tu sinh: Con có một cái tâm như thế này không biết là tâm Từ hay tâm Bi. Con thấy ai khoẻ thì con mừng, con vui, hoặc ai mà làm một cái gì có kết quả thì con vui, hay là điều thứ tư là ai làm một cái bài hoặc người ta có một cái kết quả gì đó, tự nhiên con thấy vui. Cái đó là tâm gì?

Trưởng lão: Cái đó là tâm Hỷ

Tu sinh: Tâm Hỷ? Con chưa học

Trưởng lão: Chưa học tới. Rồi con hỏi?

Tu sinh: Bạch Thầy là, (nghe không rõ)

(17:36) Trưởng lão: Đó là tâm gì phải không con?

Tu sinh: Dạ đó là lòng Từ.

Trưởng lão: Con thì nghĩ nó là lòng Từ. Nó là lòng Bi, tại con lộn, con đối với người khác. Bởi vì hầu hết chúng ta hiểu qua từ bi chúng ta hay lộn xộn lắm. Hay lộn.

Bởi vì cái hiểu của mấy con nếu không được học về cái Định Vô Lậu thì cái hiểu của mấy con hiểu lộn xộn, không có đúng. Cho nên mình biết phân biệt tâm Từ với tâm Bi. Bởi vì cái tâm Từ nó giúp chúng ta rất tỉnh, rất tỉnh giác, nó cẩn thận, nó kỹ lưỡng lắm, nó không bao giờ làm đau khổ cho những vật, những người xung quanh mình, những cây cỏ nó cũng không làm đau khổ. Nó không bao giờ ném một nắm rác ra ngoài đâu, nó biết vệ sinh lắm, bởi vì nó là tâm Từ. Nó không bao giờ làm cái gì để lại sự tai hại cho những người xung quanh.

Thí dụ như bây giờ có bụi cỏ đó mà con đem một đống rác hay cái cây ra quăng trên đám cỏ đó, thì tâm Từ không cho phép con làm điều đó đâu. Nghĩa là đám cỏ người ta đang xanh vậy, tự nhiên lấy cây quăng đè lên đám cỏ xuống, cái đó là con thiếu tâm Từ. Cái hành động mấy con ném cái cây lên đè bụi cỏ là mấy con thiếu tâm Từ. Tất cả những điều đó mấy con phải hiểu cho rõ.

(18:53) Còn tâm Hỷ nữa. Không phải lúc nào cũng hề hề cười hoài đó như thằng điên chứ đâu còn thứ gì, có phải không? Con hỏi đi

Tu sinh: Bạch Thầy, con hiểu cái tâm Từ như thế này không biết có đúng không? Thưa Thầy, thí dụ như là cái tâm sân trong người con nó hay, người ta đụng tới là con hay sân. Thế thì để chấm dứt tâm sân, hằng ngày con phải luôn luôn tác ý những câu con đã được học ở Thầy để con ngăn ngừa cái sân của con. Cái đấy là cái tâm Từ của con con thương con, con ngăn cái đấy. Thế, đấy là cái thứ nhất. Cái thứ hai, bây giờ con của con nè, nó là thằng con trai, xã hội bây giờ có những thanh niên theo phong trào ăn chơi, hút hít cái này cái khác. Con thường xuyên lo sợ con của con mắc vào những cái đấy, thế thường xuyên hằng ngày con nhắc con của con "Bây giờ xã hội nó như thế, con phải sống như thế này thế này để không mắc vào". Con nghĩ cái này là tâm Từ của con thương con của con, thương bản thân con; như vậy có đúng không ạ?

Trưởng lão: Cái đầu tiên là tâm Từ. Còn cái sau đó mà con lo lắng cho con của con là tâm Bi, nó có cái đối tượng. Bởi vì tâm từ, Thầy nói thí dụ, Thầy biết cái tâm của Thầy tham sân si ở đây, ở trong bụng Thầy nè, Thầy biết bây giờ nó không hiện ra, nhưng mà chút nữa có gì là nó hiện ra. Thì Thầy nói: "Tâm như cục đất, đất ly tham ly sân đi". Đó là tâm Từ đó con. Nó ngừa cho nó đừng có xảy ra; bây giờ nó chưa có xảy, cho nên nó ngừa cho nó trước. Nó ngừa cho bản thân nó là tâm Từ.

Còn tâm Bi là nó có cái đối tượng để nó thực hiện cái lòng thương trên đối tượng đó; nó là tâm Bi. Mình lo cho con cái của mình, coi chừng đó, nó là tâm Bi mà mình cứ "Tôi tu tâm Từ" đó.

Tu sinh: Dạ thưa Thầy, như vậy có phải tâm Từ như là mình phòng bệnh, về tâm Bi là chữa bệnh?

3. TU TÂM BI PHẢI CÓ ĐỐI TƯỢNG

(20:52) Trưởng lão: Lẽ đương nhiên là cái đó do con luận nó như vậy. Nhưng mà nó là cái phương pháp, một cái phương pháp tu, cho nên nó không có ngừa cũng không có trị. Mà đây là cái phương pháp để mình tu cái tâm của mình để nó vượt lên cái cứu cánh. Sự thật ra nhân quả xảy ra cho mọi người, mình thương cũng không hết đâu, mình bi cũng không hết đâu. Nghĩa là mình bi cái này rồi nó tới cái khác, nó không hết, nhưng mà mình thực hiện để cái tâm giải thoát đến cuối cùng nó đến cái cứu cánh đó con. Nó cứu mình đó. Cho nên mình thấy tại sao mình dễ xúc động trước cảnh đau khổ của người ta hơn. Nghĩa là mình chỉ biết mình có đặc tướng tu tâm Bi.

Còn mình là người phòng ngừa như con nói, thì từ đó là mình thích cái đặc tướng của mình, hay cẩn thận, dè dặt, kỹ lưỡng, phòng ngừa. Đó là tâm Từ. Phải hiểu như vậy mình mới viết bài mới thấy rõ được. Rồi con? Khoan con, con chờ chút xíu. Câu hỏi là sao con?

Tu sinh: Kính thưa Thầy, thí dụ có người chửi rủa mình. Nhưng ban đầu thì …​ (nghe không rõ) …​ . Như vậy là tâm Từ hay tâm Bi?

(22:02) Trưởng lão: Con nghĩ đến người ta như vậy, để con phân biệt, người ta chửi con, con bực tức là con thiếu tâm Từ đối với con cho nên bây giờ con mới bực. Con hiểu không? Mà khi người ta chửi con, con không giận không gì hết là con đã ngừa trước, con tỉnh thức trước. Cũng như bây giờ nó chưa có ai đụng chạm gì hết, thì mình giữ gìn cho nó khi có ai đụng chạm vô mình, thì con hoàn toàn không bị động nữa, không bị sân lên. Tức là con đã tu tâm Từ.

Con hiểu cái Pháp Độc Nhất mà. Nghĩa là bây giờ mấy con chưa có sân mà mấy con đã chuẩn bị tu tất cả những cái này để tỉnh thức đó để khi có người ta nói cái gì, chửi mình mình không sân, tức là mình đã tu tâm Từ. Còn đợi cho mình giận rồi thì tức là mình bị cái ác pháp bên kia, mình mới khởi sự mình tu thì đang trong bi, bi cho mình và bi cho cái khác. Mình đang khổ rồi mới tu là bi.

Mình thương mình quá, bây giờ để cho nó giận quá nó khổ thì bây giờ phải nghĩ cách làm sao xả cho cái tâm sân ra; đó là mình đang bi. Còn cái mình chưa có gì hết, mình chuẩn bị như Thầy nói, Thầy biết Thầy có sân có tham nè nên Thầy nói: "Tâm như cục đất, ly tham ly sân ly si hết". Bây giờ Thầy chưa có, mà đây là Thầy tu tâm Từ thôi. Đây là pháp độc nhất để đi đến, mình biết cách tu, mình biết cách để cái Từ chỗ nào và cái Bi chỗ nào. Còn đợi nó tới khổ rồi, đó bây giờ mới bi đó, mình thương mình là bi rồi, bởi vì mình đang đau khổ. Cũng như bây giờ Thầy nói: "Cái thân này phải bình thường nhe, không có bệnh đau nhe, không có nhức nhối chỗ này chỗ kia"; đó là tu tâm Từ.

(23:32) Còn đợi nó nhức nhối rồi, mấy con nói xả: "Cái đầu này nhức phải đi đi". Đã nhức rồi thì mình tu tâm Bi. Mấy con hành động đó là Bi tâm. Mấy con hiểu chỗ này không? Con hỏi Thầy gì? Khoan! Rồi con.

Tu sinh: Thưa Thầy, thí dụ như gia đình đang đi thấy miểng chai …​ lượm lên .. (nghe không rõ)

Trưởng lão: Cái đó là tâm Từ đó con, chứ không phải tâm Bi. Bởi vì chưa có ai đạp nó, chưa có ai gây đau khổ cho nó, nhưng mình lượm cái đó bỏ vô chỗ nào có chỗ không ai đạp, thì đó là tâm Từ. Nói kiểu ngừa bệnh hơn trị bệnh theo Liễu Huệ nói. Đó là tâm Từ đó. Con!

Tu sinh: Thưa Thầy, nếu như vậy thì hồi nảy như cô Thoa nói con cô Thoa nó chưa có ăn chơi gì hết, cô Thoa cũng ngăn ngừa, cô dặn dò ngăn ngừa trước, vậy là tâm..?

Trưởng lão: Tâm Bi của cô đối với con cô. Phải chi con cô nó tu thì nó giữ gìn nó chưa có nghiệp ngập, bây giờ nó ngăn ngừa thì đó là nó tu tâm Từ - cái đứa con của cô, là tâm Từ. Còn bây giờ cô lo lắng, cô nhắc nhở nó, đó là tâm Bi của cô đối với nó. Cô ngừa cho nó, nó chưa có gì hết nhưng mà cô khuyên lơn nó thì đó là tâm Bi của cô. Bi là phải có thương người khác. Mặc dù nó chưa có, nhưng cô thấy cái thời đại thì con cô sẽ có, cho nên cô tu cái tâm Bi, nó ở trên cái sự ngừa chứ không phải là gì.

Còn chính tu tâm Từ là nó ngay đó, nó không có cái gì hết mà đối với mình. Còn hễ mình khởi sự mình thương xót người nào bên ngoài đều là Bi hết. Bi là thương xót, mình thương xót trong cái phòng ngừa. Còn cái này mình thương, mà mình tỉnh thức, đừng có để nó xảy ra. Còn cái kia là tại cái đối tượng chứ không phải riêng cô, nhưng nếu cô để cho con cô bị nghiện thì cô sẽ mất cái lòng từ đối với cô.

Cho nên cô từ với cô mà cô bi với con cô. Cô khuyên con cô. Nếu mà con cô có sự gì nghiện ngập thì cô khổ, cho nên cô ngăn ngừa trước là cô từ với cô, nhưng mà bi với con. Nhận xét vậy phải không, mấy con thấy rõ? Mặc dù nó chưa có mà nếu không khéo nó có thì bắt đầu mình khổ, con của mình cũng khổ.

(26:11) Con hiểu vậy chưa? Bởi vì nó là cái pháp chứ không lẽ đức Phật đưa ra nói từ bi hỷ xả là cái gì? Từ phải hiểu theo Từ chứ. Mấy con cứ lộn xộn Từ với Bi hai cái nó dính chùm với nhau à. Rồi mấy con còn nói nữa tâm Từ tâm Bi, có Từ phải có Bi. Tại mấy con hiểu lộn xộn, chứ nếu Từ Bi có một cái thôi thì lấy một cái tên gì đó cho chắc ăn đi, chứ sao mà hai tên lộn xộn quá vậy. Tại sao mà nó có bốn pháp mà bây giờ có một à? Nhưng mà sự thật ra trong một cái pháp này khi thực hiện, tức là nó có từ bi hỷ xả trong đó hết, nó mới giải thoát chứ. Nhưng cái pháp mình đang tu nó độc nhất, mình phải nắm cái chỗ độc nhất này, chứ không mình lộn. Lát tôi tu tâm Bi, lát tôi tu tâm Từ, lúc tôi tu tâm Hỷ, rồi lúc tôi tu tâm Xả hay sao. Tu như vậy nó lộn xộn, đâu có được. Đã Tứ Vô Lượng Tâm là bốn pháp hẳn hòi chứ, thì mình ôm một pháp nào thôi, mà đức Phật đã xác định nó là Pháp Độc Nhất. Ôm một cái thôi chứ ai đâu ôm hai, ba cái.

Phải chi đức Phật nói ôm một cái thành bốn cái thì thôi soạn như vậy cũng đúng đi. Đằng này ông Phật đâu chấp nhận, đâu có chịu. Ông nói pháp độc nhất, bây giờ mình tu tâm Từ là tâm Từ, mà tâm Bi là tâm Bi, tâm Hỷ là tâm Hỷ, mà tâm Xả là tâm Xả.

4. HỢP TÂM NÀO THÌ TU TÂM ĐÓ

(27:21) Tu sinh: Thưa Thầy trong bốn cái tâm này tu tâm nào cũng được?

Trưởng lão: Tu tâm nào cũng được, miễn nó hợp. Tôi thấy mọi người đau khổ, tôi xót tôi thương quá là tôi biết tôi tu tâm Bi. Còn tôi chuẩn bị tôi ngăn ngừa, tôi không có tình cảm, tôi không có ai đau khổ gì tôi cũng thản nhiên hết, tôi biết tôi không có đặc tướng tâm Bi. Con hiểu không? Cho nên vì vậy mà tôi biết tôi hay cẩn thận, coi nhà cửa, sắp xếp này kia, kỹ lưỡng, cẩn thận, mấy người này tu tâm Từ được. Tại vì cái bản tính đó, cái tính đó, có người họ bừa bãi, phải không? Mấy người đó họ không tu tâm Từ được đâu, mà nên tu tâm Bi. Tu theo đặc tướng mà, mấy con.

Khi mình học những cái pháp này rồi, mình biết mình đang tu tâm gì. Còn cái người đang vui vẻ, đụng tới gì họ cũng vui vẻ, biết là họ tu tâm Hỷ được. Còn cái người nào "Thôi kệ, kệ", mấy người đó họ tu tâm Xả. Hướng dẫn cho họ, họ kệ riết, họ bỏ sạch hết. Chuyện lớn chuyện nhỏ gì họ cũng "kệ, kệ" hết, đó là tâm Xả đó. Cái đặc tướng đó, họ gì cũng bỏ qua được hết. Bởi vì có người vậy chứ bộ Thầy nói không có sao. Còn có người họ không chịu bỏ qua đâu, họ tu tâm Xả không được, họ không chịu bỏ qua; cái đặc tướng họ như vậy thì làm sao tu được.

5. TU SINH THƯA HỎI TÌNH HUỐNG THỰC TẾ

(28:38) Tu sinh: Thưa Thầy, có hai tên chuyên môn đi ăn trộm chó. Có một khu ở trên con họ mất nhiều chó quá họ bực, họ vây thế thì họ bắt được hai anh đi xe máy đến, thế là họ đánh. Thật ra lúc đầu thì bản thân con cũng thấy họ sân lên, bởi vì họ mất nhiều quá họ sân lên nên họ bắt được họ đánh. Thế thì con ra nhìn thấy họ đánh, con mới bảo thôi đừng đánh nữa, khuyên người ta thôi. Thế nhưng mà cứ mỗi người một cái mà họ đánh chết một anh. Còn một anh cũng sắp sửa đưa đi bệnh viện cũng chết nốt đi, thế con mới nghĩ tự nhiên con thương. Con nghĩ cũng như là cái tâm Bi khi lúc đầu con can ngăn họ. Con can ngăn họ là tâm Bi hay tâm Từ?

Trưởng lão: Con ngăn là tâm Bi đó con. Con thấy họ đánh, con ngăn đó là tâm Bi. Tâm Bi nó thực hiện, bởi vì mình thấy trước cảnh khổ của người khác, bao nhiêu người xúm đánh hai ông ăn trộm chó, cho nên con chạy ra con ngăn con cản, con nói lời nào ra tức nhiên là con thực hiện tâm Bi hết. Ngay khi con thấy hai người này bị bắt bị đánh, con xót xa, cũng là tâm Bi đã thực hiện ra đó. Tâm Bi đó.

Tu sinh: Thưa Thầy, ở trong Tứ Vô Lượng Tâm cũng có nói là nên thương người ăn trộm, thế thì thương vào lúc nào à?

Trưởng lão: Thương lúc nó chưa ăn trộm, thương lúc nó chưa bị bắt đánh. Mình thương nó như vậy đó, con khởi sự cái tâm Bi con khuyên nó; để khi thấy nó bị bắt, bị bỏ tù, bị đánh con khởi sự đau xót là con thiếu tâm Từ với con. Con ngăn ngừa trước, đợi mà thấy nó là Bi thôi, không còn gì hết. Cho nên mình biết lúc nào mình bi lúc nào mình từ, nhưng mà ở đây mình tu pháp độc nhất, nó hóa giải hết tất cả những pháp kia. Có vậy thôi.

Bây giờ mà đây Thầy hướng dẫn cho mấy con đi vào cái đặc tướng của mấy con , ở đâu thì mấy con thực hiện tâm đó ở đó. Còn nếu mấy con thấy tâm mình không có bốn cái này nó không có thì mấy con phải tu theo Tứ Niệm Xứ.

Tu sinh: Thưa Thầy, nếu như mà mình giữ được cái tâm Từ nó rốt ráo, lúc mà mình tu tâm Từ thì cái tâm mình nó bất động phải không Thầy?

(30:58) Trưởng lão: À, nó bất động.

Tu sinh: Nếu mình tâm Bi thì nó vẫn cứ bị động?

Trưởng lão: Thì nó bị đối tượng động. Nhưng thực hiện tâm Bi đến cuối cùng nó cũng bất động. Tu tâm Bi nó có đối tượng cho nên nó dễ làm động mình. Còn tu tâm Từ bây giờ trong thân con chưa có bệnh, mà con biết nó sẽ bệnh. Cho nên mỗi khi mà mình chưa bệnh thì mình tác ý trước. Đến chừng nó bệnh rồi, mình tác ý thì nó là tâm Bi thôi, cho nên tâm Từ nó ngừa hết, cho nên cuộc đời tu của mình nó ít xảy ra. Nó lo nó ngừa rồi, nó chưa bệnh mà nó bảo "Thọ là vô thường, cái thân này bình thường nhe. Không có được đau bệnh, không được nhức đầu, nóng lạnh, không được mỏi tay mỏi chân nhe. Bữa nay là tao tu Nhất tâm An trú, mày vô đây là mày chết". Đó, mình hăm doạ nó như vậy, cho nên cái bệnh nó không tới. Còn mấy con đợi nó bệnh rồi mấy con mới dùng "Đưa tay ra tôi biết..", "An tịnh thân hành, tôi biết tôi đưa tay ra, đưa tay vô.." đó là mấy con tới bệnh rồi.

Còn bây giờ người ta chưa có bệnh, người ta tác ý, người ta chuẩn bị cho nó đừng có bệnh. Bởi vì cái thọ nó vô thường lắm con. Bữa nay con mạnh chứ ngày mai nó xụi một cánh tay. Bữa nay tôi còn cầm viết viết được, mà bữa nay tôi hết viết trời đất ơi, sao cầm mà nó không điều khiển được vậy? Nắm cây bút lên không được! Mấy con đừng tưởng mình mạnh đâu nhe, bây giờ tôi cầm cây viết lai lải, ngày mai nó xụi mấy ngón tay này rồi. Tôi cũng còn đưa lên đưa xuống nhưng mấy ngón tay nắm bút không được, mấy ngón này nó cứng quíu quíu lên như vậy, nó như cái cào cỏ rồi. Cái kiểu này chết rồi!

Rồi lúc đó bây giờ không biết làm sao, nó rối loạn nghĩ không biết trên đầu nó rối loạn thần kinh, kiểu nào đây mà bây giờ mấy ngón tay nó cứng quíu như vầy. Nó không có chịu.. Trường hợp này có chứ đâu phải không. Coi chừng đó. Bởi vậy Thầy nói chuẩn bị cho sự tu tập của mình để mình làm chủ được. Mà mấy con hợp với tâm nào, tâm Từ hay tâm Bi?

Tu sinh: Tâm Từ

(32:50) Trưởng lão: Tâm Từ thì mấy con phải chuẩn bị cho nó từng mặt hết. Còn tâm Bi thì mấy con cứ đợi đó, tới đau rồi thì mấy con mới tác ý. Thì tác ý năm ba ngày nó mới hết, chứ đâu phải một ngày mà hết đâu.

Tu sinh: Như vậy tâm Bi nó chậm hơn tâm Từ hả Thầy?

Trưởng lão: Tâm Từ nó ngừa hết, nó không có xảy ra. Còn tâm Bi, nó đã có rồi, nó chậm hơn.

Tu sinh: Dạ thưa Thầy, thí dụ như hồi đó ba con kiểu như có một cái tiệm da giày. Xung quanh đó người ta gởi thú, gửi đồ ra giêng đó, thưa Thầy, xung quanh đó. Ba con nghe cọt kẹt cọt kẹt thì mở cửa ra ngoài, thì thấy có một chú cũng trạc tuổi ba con vậy đó, đang dọc bao để ăn cắp (thú??), ăn cắp vác mấy cái như vầy nè. Ba con ra thì ông thấy, ông hoảng, ông ôm ông chạy. Ba con mới theo kêu quá chừng kêu, kêu nói chuyện thì ổng mới đứng lại. Ba con mới nói không sao ông lấy thêm mấy khúc về ăn đi, chứ tại vì ông không có ông mới ăn cắp. Ý là ba con nhìn thấy chú đàng hoàng, ăn mặc cũng sạch sẽ mà đi ăn cắp vậy, ba con mới nghĩ chắc hoàn cảnh ổng khó khăn, thấy tội, cho thêm mấy khúc. Như vậy cái đó là tâm gì?

Trưởng lão: Tâm Bi con. Cái suy nghĩ đó, cái suy nghĩ "Chắc chú này chắc là gặp trường hợp nào khó khăn cho nên chú mới lấy", đó là tâm Bi nó thực hiện đó. Thực hiện qua cái tư duy, cho nên mới kêu chú tới lấy thêm mấy bắp nữa đi. Đó là tâm Bi. Chứ có nhiều người thấy như vậy là họ la làng "Làng nước ơi, có người ăn cắp! Bắt nó dùm tôi!". Cái đó là ác tâm chứ không phải là tâm Bi tâm Từ gì hết. Rồi con hỏi Thầy?

Tu sinh: Thưa Thầy, con ở bên cạnh một người đó có tính khó hoặc là nóng tính. Nhưng con nghĩ người này mà mình theo ở với họ thì là rất có khả năng là họ căng thẳng với mình, thì con nghĩ là con tìm cách …​(nghe không được)

(35:07) Trưởng lão: Con khéo léo, bởi vì họ chưa có giận con mà con biết "Cái ông này hay giận nè, bây giờ mình khéo léo mình ở gần ổng mình phải khéo léo". Đó là tâm Từ. Đó, mình phải hiểu từng chút, từng chút cho đúng cách để cho mình biết cái tâm Từ mà khi đó mình chỉ ôm một cái pháp độc nhất. Mình phải hiểu rõ chứ không khéo không biết cái tâm Bi tâm Từ ở chỗ nào. do đó mình không áp dụng được rốt ráo. Nên cuối cùng thì tu lộn xộn, mà tu lộn xộn thì nó không tới đâu.

Bởi vì ở đây là những cái pháp mà Thầy dạy mấy con là độc nhất để sau khi áp dụng vào từng cái tâm niệm của mấy con để mấy con biết được đây tôi tu tâm Từ, hay lúc này tôi thực hiện tâm Bi. Chứ còn không khéo, thì mấy con lúc thì lúc tôi tu tâm này, tôi thực hiện một pháp một như tâm Từ tôi phải tu như thế nào? Suốt ngày tôi phải tu tâm Từ, rồi ngày hôm sau tôi tiếp tục tôi tu tâm Từ, lúc nào tôi cũng tu tâm Từ để tôi đi đến rốt ráo, nó không lộn xộn. Nó lộn xộn, nó làm cho cái sức nhiếp tâm, sức tu ở trên cái pháp đó yếu đi, bời vì lúc mình tu thế này, lúc mình tu thế kia thì nó sẽ bị yếu. Mình chỉ thực hiện tâm Từ của mình thôi.

Nhưng mà Thầy nói thật sự là hầu hết chúng ta trước mặt chúng ta là luôn luôn lúc tu tâm Từ, lúc tu tâm Bi, lúc tu tâm Hỷ, lúc tu tâm Xả, nó luôn luôn. Nhưng khi mình vào ôm thấy cái đặc tướng của mình thế nào rồi, thì bắt đầu mình ôm một pháp đó thôi, ôm một pháp tới chuyên nhất. Chuyên nhất không lẽ bây giờ tôi vừa học kỹ sư cầu cống, tôi vừa học luật sư, tôi vừa học bác sĩ nữa sao. Đó, mình học như vậy nó lộn xộn hết sao mấy con, có phải không? Không phải đâu.

Tôi học kỹ sư cầu cống thì tôi chuyên môn làm cầu cống đi, rồi tôi ra nghề tôi làm chuyên đó, tôi thành công lớn. Còn bây giờ lát tôi làm bác sĩ lát tôi cầm kim chích, rồi một lát tôi đi cãi tội cho người ta. Như vậy tôi làm đủ thứ rồi tôi sẽ không bằng ai hết. Con?

Tu sinh: Kính bạch Thầy, ở nhà con thì ông chồng con rất nóng tính. …​nghĩ như thế thì con không có nói gì .. lúc ổng vui vẻ thì con mới phân tích. Thế thì con chưa hiểu cái tâm Từ nó ở đâu. (nghe không rõ)

(37:29) Trưởng lão: Bởi vì con thấy ông hay giận nên đau khổ, con chờ cho cái cơn đau khổ xuống, con phân tích cho ổng, phải không? Tức là con đang thực hiện tâm Bi với ông ta để ông ta chuẩn bị đừng có giận nữa. Bởi vì con khuyên ông ta mà, chờ cho ông ta hết giận. Chứ hồi ông đang giận, mà con tới khuyên coi chừng ông nện cho con một cây à. Đối với ông là con muốn cho ông đừng giận nữa, cho nên con khuyên là tâm Bi. Còn đối với con là con thực hiện tâm Từ, con hiểu không, mà con nhẫn được, con giữ được con không giận trước khi ông ta sân. Con giữ được, đó là con có tâm Từ đối với con; chứ mà con la một cái là con hết Từ.

Bởi vì khi mình tu, mình giữ mình được trước cảnh người khác sân, giữ được thì đó là mình tu tâm Từ, nó không có khởi cái sân của mình. Ông sân, ông tức ông la lối nhiều cái cũng làm mình tức lắm, nhưng mình cố gắng giữ tâm của mình nó không có giận. Mình biết cái người sân giận họ không còn sáng suốt nữa đâu, đụng đâu họ nói đấy, họ muốn cơn sân của họ là họ cứ dập ở trên đầu mình. Họ lôi những chuyện gì ở trong nhà, con làm chuyện phải họ cũng lôi ra nói bậy, để con tức cho họ hả cái giận để hễ có người nào cãi họ một cái là họ thấy họ nhẹ xuống, còn nếu ai cũng im lìm thì họ càng tức lên. Nhưng họ làm một hơi thì nó hết, vì vậy họ muốn chọc cho người khác tức lên như họ vậy, họ mới mau hết.

(39:17) Thành ra do đó mấy con đừng để cái tâm sân của mấy con theo cái đối tượng sân đó; do đó mấy con (thực hiện) tâm Từ. Rồi khi ông ta hết sân rồi, con thấy ông ta vui vẻ, con mới phân tích những điều kiện đó, là tâm Bi của con giúp cho ông ta. Đó là con thương ông ta. Đó là tâm Bi, biết cơn sân đó là quá khổ. Còn mình giữ được mình rồi, mình tu tâm Từ của mình rồi mà mình không thực hiện tâm Bi là mình không khuyên nữa, ông làm gì ông làm, tôi không biết nữa, tôi chỉ biết tôi không giận, không tức ông thôi. Là tôi tu tâm Từ của tôi, tôi thấy tôi không có mống gì hết, tôi thấy chuyện ông giận này kia là nhân quả, ông tạo nhân nào thì ông phải chịu thôi. Tôi giờ có khuyên ông ông cũng không nghe đâu, mà tôi có bi bao nhiêu thì ông cũng không nghe tôi đâu. Mai mốt ông cũng vậy à, tôi có nói mỏi miệng thì ông cũng vậy thôi. Do đó tôi cố gắng thực hiện tâm Từ của tôi, đặng tôi chuẩn bị mai mốt ông có chửi nữa tôi cũng bình thường.

Đó là con thực hiện tâm Từ, chứ còn không khéo con vừa thực hiện tâm Từ vừa thực hiện tâm Bi. Con thương xót nên con thực hiện tâm Bi của mình liền, thì nó làm cho nó bị phân tâm rất nhiều cho nên mình không có chuẩn bị. Mình biết rằng bữa nay ông chửi, ngày mai ông chửi nữa à, không thế nào trật với ông này, ông hay sân lắm, cho nên vì vậy mình chuẩn bị cho mình là không bao giờ mình để cho mình khởi cái tâm sân lên.

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy