00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

LCK 057B - VẤN ĐẠO LÀM CHỦ BỆNH, QUÁN THÂN BẤT TỊNH, TỨ NIỆM XỨ, ĂN UỐNG - NHÂN QUẢ

LCK 057B - VẤN ĐẠO LÀM CHỦ BỆNH, QUÁN THÂN BẤT TỊNH, TỨ NIỆM XỨ, ĂN UỐNG, LÀM CHỦ THÂN NHÂN QUẢ

Trưởng Lão Thích Thông Lạc

Thời gian: 11/01/2006

Thời lượng: [44:21]

1- VẤN ĐẠO LÀM CHỦ BỆNH

(00:00) Tu sinh: Dạ thưa Thầy! Cho con xin hỏi.

Trưởng lão: Ừ! Con hỏi đi con.

Tu sinh: Câu hỏi của Diệu Vân, con cũng thắc mắc như trong bài con trình, xưa nay con cũng thắc mắc con nói: Như cái thân này nó bệnh tại vì nó không phải của mình thôi đừng để ý nó mình bỏ.

Trưởng lão: Cái đó là cái ý của Thiền Tông từ lâu rồi mấy con, khi mà tu Thiền Tông cái ý đó của Thiền Tông nó đã hướng dẫn mình như vậy rồi, nghĩa là mình đừng để ý nó, chứ không phải làm chủ, cái đó không làm chủ đâu mấy con. Còn cái này người ta tu để người ta làm chủ hẳn hoi mà. Bệnh đau đến, người ta biết cái thân này là thế nào, dù người đó có tu chứng nó vẫn bệnh chứ không phải, bởi vì nó là thân nhân quả mấy con.

Chừng nào người đó nhập Niết Bàn người ta không còn thân nữa thì người ta không còn bệnh đau, người ta ở trong trạng thái bất động rồi, còn bây giờ mình đang mang cái thân này thì, dù Đức Phật đi đến cái ngày cuối cùng, con thấy Đức Phật còn bệnh mà chứ đâu phải không đâu, có mang thân này là thân nhân quả thì phải bệnh nhưng Đức Phật làm chủ, đuổi bệnh đó.

Mấy con đọc lại cái cuốn bốn Thầy đưa cái bài kinh Thầy giải thích đuổi bệnh, làm chủ bệnh mà, mà chính làm chủ sự sống chết nữa mấy con. Đức Phật giữ cái sức tỉnh thức đó cho nên mới giữ được cái thân, mà nếu thả cái sức tỉnh thức đó ra là chết liền tức khắc, biết cái thân của mình nó sống tới giai đoạn đó, mình làm việc như vậy là bao giờ nó cũng mòn mỏi rồi, mà nếu mà trong cái thời Đức Phật, Đức Phật thuyết giảng liên tục như vậy nó hao sức khoẻ lắm, mà sống trong cái thời Đức Phật mà 80 tuổi rồi. Đức Phật chỉ cần xả cái sức tỉnh thức của mình ra là cái thân hoại diệt liền tức khắc.

(01:36) Cũng như Thầy bây giờ đứng lớp dạy như thế này, cái tuổi của Thầy bây giờ 80 như vậy mà Thầy đứng lớp, cái ngày mà tu hành khổ hạnh tới giờ, cơ thể của Thầy nó tiêu hao rất là nhiều, nó không sống đến 80 tuổi này đâu. Nhưng mà bây giờ Thầy xả cái sức tỉnh thức của Thầy ra, thì ngay đó thì cái thân thầy nó chỉ còn cái xác khô thôi.

Như vậy là các con biết người ta làm chủ được cái sự sống của người ta đó, còn mấy con có đủ sức tỉnh thức không? Cho nên mấy con chưa đủ sức tỉnh thức thì mấy con sẽ bị hoại diệt cái thân của mấy con, tới cái nghiệp nó hoại thì mấy con không làm sao mấy con giữ được đâu. Cho nên người ta làm chủ được cái sự sống của người ta rõ ràng mà.

Cho nên mấy con đọc lại kinh Niết Bàn, mấy con thấy Đức Phật xả cái sức tỉnh thức ra là Đức Phật nhập diệt liền tức khắc chứ đâu phải không. Nhưng mà có sức tỉnh thức nhưng cái thân vô thường vẫn bị bệnh chứ đâu phải sức tỉnh thức đó, nhưng người ta có phương pháp tác ý người ta đẩy lui, tức là Dục Như Ý Túc, người ta đẩy lui bệnh, người ta làm chủ được bệnh, chứ không phải không nhưng mà người ta đang giữ.

Như Thầy bây giờ đang giữ cái sức sống, cho nên Thầy mong cái lớp này xong là Thầy có thể nói rằng Thầy đi mà. Mấy con mà tu xong là Thầy đi, bởi vì Thầy biết Thầy xả ra cái Thầy đi. Ở đây ăn ba cái đồ bất tịnh, danh lợi gì ở cái cõi đời này mấy con thấy không?

Mấy con ngồi xuống đi con!

Bởi vậy mấy con chưa hiểu đâu, chưa biết cách thức đâu. Thầy mong rằng mấy con tu rồi mấy con sẽ biết cách thức đó nó rõ ràng lắm.

Tu sinh: (03:04 - 03:30)

(03:30) Trưởng lão: Con thấy như vậy là bị tưởng đó con thực sự cái hơi thở thì nó phải ở mũi của con nhưng con cảm thấy trong thân con thở. Đó là bị tưởng đó con, cho nên vì vậy cái duy nhất của ý thức mà để nhận là nó thấy thở từ cái lỗ mũi. Bởi vì nó thở từ phổi nó hít vô ra ở phổi, nó không đi chỗ khác được nhưng mà con thấy từ thân con nó thở ra thở vô như vậy, đó là bị tưởng thôi, cái tưởng nó thế, cái cảm nhận nó thế. Nhưng mà từ đó mấy con thấy, bây giờ đó chỉ cần các con nhìn lại cái thân con để tu Tứ Niệm Xứ thôi và đồng thời các con sẽ nương vào biết cái hơi thở. Có khi nó không còn thấy cái hơi thở nữa, nó vẫn thấy Bốn chỗ thân - thọ - tâm - pháp vì cái hơi thở nó rất nhẹ, nó không thấy.

Nhưng mà mới đầu thì mình còn nương vào hơi thở chứ sau đó thời gian sau thì cái sự thanh thản, an lạc, vô sự của mấy con nó không còn niệm, nó không còn bị cảm thọ nữa, nó tác động con nữa thì nó chỉ còn có trạng thái một giờ, hai giờ hay ba giờ thì lúc bấy giờ mấy con không thấy hơi thở đâu mà chỉ còn có sự tỉnh ở trên cái thân của con thôi. Cái gì mà động dụng ở trên thân tâm con thì nó biết liền tức khắc à, ở tại chỗ đó, nó nằm ở chỗ đó tại chỗ đó.

Thời gian sau mấy con tu tới mấy con thấy kỳ lạ. Đầu tiên thì mình nương vào hơi thở nhưng mà sau đó coi như là cái tỉnh thức của các con nó nằm trên thân các con, nó nằm ở trên đó à, nó nằm trọn vẹn ở trên đó. Cho nên ai động dụng gì trên đó, tác động gì trên đó thì nó đều biết ngay liền tức khắc, mà cái sức đó lúc bây giờ mấy con không có buồn ngủ nữa mấy con, nó hết buồn ngủ rồi. Nó không còn ham ngủ nữa, cái si nó mất rồi cho nên nó tỉnh lắm.

(05:06) Bây giờ mấy con còn ham ngủ còn thấy buồn ngủ đó thì vì cái si nó còn cho nên cái sức tỉnh thức của mấy con nó bị mất đi, nó không có trọn vẹn đâu. Nhưng mà khi mấy con thấy nó không còn buồn ngủ gì hết thì bây giờ cái sức tỉnh thức đó nó trọn vẹn, nó nằm ở trên thân con chứ nó không có nằm ở đâu, tức là gọi là sung mãn Tứ Niệm Xứ.

2- QUÁN XÉT GIỮ GÌN GIỚI LUẬT

(05:23) Tu sinh: con ngồi kiết già con ráng.

Trưởng lão: được con. Con ngồi ghế cũng được, con ngồi bình thường cũng được không có cần ngồi kiết già đâu chỉ có những người gom tâm không được thì buộc lòng người ta phải ngồi kiết già người ta gom lại, còn con gom được rồi thì thôi khỏi cần nữa. Không quan trọng gì vấn đề đó đâu, nhưng mà ở đây thì mấy con xét như thế này nè. Có nhiều người họ cũng lý luận hay lắm nhưng đời sống giới luật của họ không nghiêm chỉnh thì coi chừng họ tu sai.

Ví dụ Thầy nói như thế này nè, người ta cũng nói ví dụ như bây giờ người ta cũng xem tivi nhưng xem thời sự tin tức thôi nhưng mà đã xem tivi là không thể thoát ra khỏi, phạm vào cái giới luật rồi đó, thì họ tu gì cũng không tới đâu hết, nghĩa là họ còn đắm đuối với cái tivi thì họ cũng không có tu gì tới đâu đâu. Cho nên những cái điều kiện đó, bởi vì cái tivi nó là cái hình ảnh rồi nó lại cái âm thanh, rồi có những cái ca nhạc trên đó nữa, coi chừng mình đã làm thành lý luận. Rồi vả lại ví dụ như ngày ăn một bữa tức là chúng ta ly cái dục rồi đó mà chúng ta thấy: ờ đâu có gì đâu mình uống ly sữa buổi sáng hay hoặc này kia cũng bình thường thôi cũng đâu có gì, bởi vì đời nay vật chất đủ nhiều chứ đâu có gì đâu, tại vì ngày xưa nó không có, đức Phật làm sao mà có ăn uống vậy được.

Không phải đâu con mấy người đó họ lý luận đó, chứ sự thật ra khi cái người ta ăn ngày một bữa mà người ta quen rồi, người ta thấy đúng giới luật rồi người ta thấy người ta thoải mái người ta không có muốn uống cái gì nữa, người ta không có muốn ăn cái gì nữa, người ta không thèm, tức là người ta ly dục. Còn mình còn ăn còn uống là còn dục. Vì vậy mà dục còn thì mình tu coi chừng mình lọt vô tưởng không có chạy đâu khỏi đó là cái sai.

Cho nên mình xét mình thấy sáng mình cũng không thèm ăn uống, cho nên tại sao mà mình quán thực phẩm bất tịnh mấy con để nó làm cho chúng ta nhàm chán để chúng ta không còn thích, chính nó cái tự nhiên, cái bản chất của chúng ta nó có cái dục, dục ăn, dục uống. Cho nên nó cứ còn thích hoài à, mà tại vì mình không thấy như thật chứ mình thấy như thật rồi mình nhàm chán lắm, mình không còn muốn ăn uống cái vấn đề đó, ăn thì tới giờ trưa mình ăn gì đó để sống, để mình tiếp tục mình tu thôi chứ mình cũng nhàm chán cái thân nữa. Khi quán thân bất tịnh rồi mấy con cũng không ưa cái thân này nữa, người ta nghe cái thân bất tịnh, người ta muốn tự tử, muốn chết đi cho rồi, ai mà mang cái đồ bẩn thỉu này mà cứ đeo theo hoài, bỏ ra cho rồi.

(07:52) Còn bây giờ đó mình tuy là mình quán nhưng mà chưa có sâu đâu, tại vì nó có những phương pháp quán mấy con. Cái bài đọc của Nguyên Thanh bữa đó, mấy con thấy nó ghi chép rất kỹ về tất cả những phương pháp quán trong đó mà, người ta tu tập người ta quán chứ không phải nghe hiểu không đâu, người ta còn tập những cái pháp quán đó nữa chứ không phải không đâu. Áp dụng vào đó rồi mấy con sẽ thấy nó nhàm chán cho nên sáu chục vị tỳ kheo trong thời đức Phật người ta quán về thân bất tịnh, người ta muốn tự tử, người ta muốn chết, ai mà muốn mang cái thùng rác theo đâu.

Các con cứ nhớ rằng bây giờ Thầy cho mấy con mang cái thùng rác đựng phân nó hôi thối mấy con mang được không? Mấy con ném nó ra rồi mấy con mới thấy nhẹ nhàng chứ, để hít thở ba cái thứ đó thiệt là khổ, mà bây giờ mấy con đang mang cái thùng phân đây nè, mà mấy con có thấy chán không? Mà lại còn chuộng còn ham thích cái thùng phân nữa, còn đem vải sồ đồ cho đẹp lên để phủ cái thùng này nữa, có phải không? Rõ ràng là mấy con đang mang cái thùng phân, cái thùng bẩn thỉu hôi thối đó, nó thối hơn là cái chất gì nữa.

Thầy nói thật sự bây giờ cỡ mổ cái bụng chúng ta ra, thiên hạ họ chạy hết đó, nội cái bao tử chúng ta mà banh ra một cái là cái mùi của nó là người ta sợ luôn đó. Rõ ràng là mình đang mang cái thùng bất tịnh chứ đâu phải tốt lành gì. Như vậy là Thầy nói bây giờ cỡ sức mà Thầy cho mấy con có cái thùng đeo lên vai nè, rồi trong cái thùng này Thầy để hai ba con chuột chết ở trong đó đi, rồi mấy con mang đi, xem mấy con dám mang không? Mà bây giờ mấy con mang đi tùm lum tùm tà la hết, mấy con không sợ gì hết, trời đất ơi!

(09:22)Tu sinh: con bạch Thầy! Như bây giờ cái tâm con, cái thân con nó muốn (09:26)

Trưởng lão: Đúng rồi, nghĩa là con quan sát được cái thân con, nó không có sai. Tức là Tứ Niệm Xứ có nghĩa là nó luôn luôn nó ở trên cái thân của nó thôi mấy con. Nó chỉ sai hơi thở, nó thấy thở ra thở vô. Bởi vì khi cái người mà tu tập cái câu mà Định Niệm Hơi Thở: “Cảm giác toàn thân, tôi biết tôi hít vô. Cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”, thì khi mà mình cảm giác mình hít vô mình thấy rung động cả thân mình thì coi như là mình tưởng như là cái hơi thở nó chạy vô trong thân. Sau đó mình hít vô mình thấy cái thân của mình từ cái lỗ chân lông hít vô, thở ra - đó bị tưởng con.

Từ cái chỗ đó nó đi dần đến chỗ tưởng của hơi thở, nó không có đúng với cái vị trí của nó, nó sai. Nhưng mà cái cảm nhận do cái cảm nhận thân con thì đúng, con hiểu không? Cho nên từ đó mà con tu Tứ Niệm Xứ lần lượt cái hơi thở con, con đừng có cảm nhận nó thở trong thân con như vậy đó, thì bắt đầu bây giờ chỉ còn Tứ Niệm Xứ không thì đúng rồi không có trật nữa, nghĩa là xả bỏ cái hơi thở là con đúng.

Rồi con hỏi đi.

3- PHƯƠNG CÁCH TÁC Ý KHI MỘNG TƯỞNG

(10:26) Tu sinh: Thưa Thầy gần đây con cứ bị mộng tưởng, nó cứ diễn hoài con biết làm sao!

Trưởng lão: Cái mộng tưởng của con, con bị mộng tưởng là sợ hãi đó, đó là một cái phần mà con kêu gọi ba cái tưởng của con nó sống dậy nó hay bị mộng chứ không có gì và đồng thời con tác ý bảo nó dừng, lấy phương pháp tác ý bảo: “Nằm xuống ngủ thì không được mộng mị”, con nhắc nó vậy đó. “Không được mộng mị, từ đây về sau chấm dứt mộng mị". Và coi cái phần tu tập của con có bị ức chế gì không mà bị chiêm bao đây. Nó bị ức chế là nó có chiêm bao nó đi qua cái ngõ chiêm bao. Cho nên xét lại trong cái tu tập của con, coi thử coi nó có phần nào bị ức chế không?

Cho nên nếu mà không có ức chế mà bị chiêm bao là không bao giờ có đâu. Còn nếu có bị chiêm bao thì tác ý bảo: “Ngủ thì phải ngủ cho say ngủ cho ngon không được mộng mị chiêm bao, nhớ nha, cái tâm mà còn mộng mị chiêm bao là không được”. Con nhắc con hướng dẫn, con dạy bảo cho nó kỹ lưỡng, con khuyên lơn cái tâm của con thì nó không có bị chiêm bao. “Tao không chấp nhận chiêm bao đâu, ngủ thì không chiêm bao”, con nhắc nó đi, con dùng pháp Như Lý Tác Ý con nhắc nó sẽ hết, nó có phương pháp mà mấy con, nó có cách thức để mà chúng ta hàng phục được, nhiếp phục được những cái điều nó không đúng.

4- VẤN ĐẠO TU TẬP KHI THÂN BỆNH

(11:47) Cái Diệu Tâm hỏi Thầy: “Con bị thoái hoá và gai cột sống đau thần kinh tọa, mỗi khi thời tiết thay đổi cột sống đau. Khi con ngồi ba mươi phút, đứng lên đi ba mươi phút, chân đau con phải đi cà nhắc, nằm thì bị hôn trầm. Trong thời tu con cứ loay hoay ngồi đi không, thấy như cột sống của con nó muốn gãy. Thưa Thầy, con tác ý liên tục khi con đi nó cũng không hết, khi ngồi con dùng hơi thở để đẩy lui có khi nó hơi dịu đau lưng thì chân nó nhức tê buốt, con tác ý đuổi nó chưa hết đau thì hết giờ tu, lúc này xả nghỉ như vậy có phải đầu hàng giặc không thưa Thầy hay là phải ngồi xả khi nào hết đau mới được nghỉ? ”

Không phải, lúc này con tu tập theo giờ thôi, sau này cái thời gian mà đi đến cái giai đoạn chiến đấu đó thì nhất định còn đau là nhất định là còn đánh, nghĩa là đánh suốt đêm, còn bây giờ không phải đâu, bây giờ còn đang tập sự, còn đang tập.

(13:15) Về cái Định Vô Lậu thì mấy con chưa xong, chưa hết bài đó là một. Hai là về cái nhiếp tâm và an trú tâm nó chưa sâu, nó chưa có thời gian dài. Cho nên bây giờ con chưa có phải tác chiến được, cho nên khi hết giờ thì con nghỉ mặc dù cái thân con còn bệnh còn nhức, còn đau chưa hết nhưng mà vẫn đi ngủ. Tới chừng nào mà Thầy cho lúc bây giờ là một chết hai là sống, thì lúc bây giờ mà thân có bệnh là đánh rốc từ ngày này qua ngày khác, chỉ một pháp ôm đánh quét cho sạch cái đất bệnh của con, chừng nào hết bệnh thì mới xả nghỉ mà còn bệnh là còn ôm pháp đánh hoài, đánh không ngủ nghĩa là không có ngủ.

Ví dụ như giờ con bị cái thần kinh toạ vậy đó mà nó đau nhức vậy đó, thì nhất định tới chừng mà chiến đấu tận cùng của nó rồi thì nhất định là con không có ngủ nữa đâu, không có nghỉ nữa. Không phải nói giờ nào hết bây giờ không có giờ, mà giờ nào cũng phải (đuổi) giặc ra khỏi cái thân của con hết, đuổi cái cảm thọ đó ra. Thì tới sau này một thời gian Thầy hướng dẫn cho mấy con đủ bài bản rồi, cách thức đúng, tu tập đúng rồi thì lúc bây giờ là lúc mà quét giặc sanh tử đó. Nghĩa là bệnh đau trên thân con hoàn toàn là phải quét ra, một là chết hai là phải chiến thắng. Có vậy thôi. Chấp nhận một là con sẽ chết ở trên chiến trường chiến đấu này, hai là đuổi giặc ra khỏi chiến trường này, chứ không có lơ mơ, không có chuyện mà nửa giặc nửa mình ở trong đó, không có. Mà phải tập sự.

(14:46) Coi như bây giờ mấy con đang ở trong trường quân sự mà rèn luyện những chiến thuật chiến lược tác chiến thôi, cho nên bây giờ chưa phải đánh giặc đâu. Vậy mà các con còn thấy khó khăn còn thấy cực khổ, huống hồ là tới chừng tác chiến là một chết một sống đó. Nghĩa là khi mà Thầy hướng dẫn cho con đủ sức rồi, nghĩa là tất cả phương pháp mấy con tập đầy đủ rồi thì bây giờ mở chiến dịch giải phóng đó, giải phóng cái sự sống chết của mấy con đó, nghĩa là phải giải phóng cái mặt trận sinh tử này liền tức khắc khi mà đủ lực lượng, khi mà tập đủ sức rồi thì coi như mấy con phải giải phóng. Như thế nào cũng phải giải phóng hết.

Cho nên lúc bây giờ mà mấy con giải phóng, mấy con thức suốt đêm thì Thầy cũng phải thức suốt đêm chứ không bao giờ ngồi nghỉ; nghĩa là theo dõi đệ tử của mình, nhìn coi cái mặt trận của nó, coi nó đánh thắng hay nó bại, hay nó bật ngửa nó chết giữa đêm nữa không chừng. Nghĩa là luôn luôn lúc nào Thầy cũng phải theo dõi chứ.

Các con biết khi mà mở chiến dịch mà đánh trận Điện Biên Phủ, Bác Hồ đâu có ngủ, nghĩa là luôn luôn ở trong một cái phòng điều khiển chứ đâu phải mà tìm một cái giường ngủ cho thẳng cẳng đâu. Nghĩa là luôn luôn theo dõi từng chút ở ngoài mặt trận, để cần thiết một cái gì là ra lệnh cái đó; điều lệnh, huy động cái lực lượng về đó để mà tác chiến.

(16:08) Còn bây giờ ví dụ cái trận mà con bị cảm thọ nó đánh con, mà suốt ba tiếng đồng hồ nó không hết, mà giờ một ngày một đêm chưa có thắng nữa thì Thầy là cái người tiếp viện cho tinh thần mấy con chiến đấu tận cùng chứ, chứ để cho mấy con như vậy là nó đánh như vậy mà được hai ngày hai đêm rồi, sức nó mòn mỏi rồi, cái đau nó còn gia tăng hơn nữa làm sao.

Con hiểu chỗ đó không? Cho nên Thầy đến ngay liền Thầy sách tấn liền, Thầy hướng dẫn cho tinh thần mấy con lên cao, động viên tinh thần mấy con mạnh mẽ hơn, bây giờ giặc nó sắp sửa thua rồi, phải chiến đấu tận cùng, đừng có sợ hãi. Thì hai ngày hai đêm rồi nó chống cự với mình như vậy là hai ngày hai đêm rồi, chắc chắn là trong một ngày nữa nó sẽ lui, nghe Thầy nói vậy thì tinh thần con phấn khởi lên liền tức khắc, ôm pháp đánh liền, con hiểu không? Chứ mà nếu Thầy hỗ trợ thì hai ngày hai đêm coi mình mệt quá. Các con biết trong cái trận chiến này nó đâu có thường đâu, nó đâu phải dễ đâu.

(17:08) Cho nên khi mà Thầy cho mấy con thì mấy con mới đánh, còn bây giờ chỉ mới tập sự thôi, nó có chướng ngại trên thân của mấy con thì mấy con tập sự thôi. Còn mấy người mà bị bệnh đau nặng nề không có thể nhiếp tâm ở trong Tứ Niệm Xứ được thì do đó bây giờ phải trị bệnh của mình trước, còn những cái bệnh như bệnh của con thì sơ sơ không có sao đâu, chưa có gì đâu. Cái thứ mà thần kinh tọa này mai mốt quét tiêu hết chứ không có để nó đâu.

Thật ra thì thần kinh tọa mấy con biết nó đau cái chân, nó đau cũng khó chịu lắm chứ không phải không đâu. Thầy cũng biết chứ không phải không đâu nhưng không có sao đâu, cái thứ này nó không có chết đâu, nó đau nhức vậy chứ không có sao, rồi nó sẽ hết. Bây giờ mấy con biết nếu không có phương pháp này thì thần kinh tọa nó kéo dài hoài con đó, gặp mà thời tiết này kia thì nó sẽ đau nhức con.

(17:57) Tu sinh: Con thưa Thầy khi mà con đau nó nhảy, tim nó đập rất là nhanh, nó nhanh.

Trưởng lão: Đúng rồi, vì nó đau đó.

Tu sinh: Lúc nó nhanh thì đồng thời ở nhà con có máy huyết áp con đo thì lên 140/90~100, nhưng đây con không có máy huyết áp con đo nhưng cái mạch của con con đếm lúc đó 100, nếu mà con ráng lên chút nữa nó lên 130 thì con không thể lết được, vì ở nhà con có đợt con lên 145 lận con không bò được nổi luôn Thầy, thế là nhà con mới sợ gọi thằng con nó đến. Vậy nên con sợ con không gắng lên nữa, con cứ ham 120 phút là con bừng tỉnh.

Trưởng lão: Rồi con đi hả? (Thầy nói với Phật tử khác hỏi)

Tu sinh: Thưa Thầy cái bệnh tim của con, nó là cái thần kinh thôi chứ còn cái cơ tim hoàn toàn bình thường, nhưng mà tác động của những cái đau này thì nhịp tim nó lại lên mạnh, khi nó lên thì nó mệt lắm Thầy.

(19:00) Trưởng lão: Đúng rồi, Thầy biết rồi, Thầy hiểu rồi, nói vậy Thầy biết rồi. Nó không phải là đau tim mà nó thuộc về thần kinh tim. Tức là khi mà bị đau gì đó thì tim con nó hoạt động mạnh, nhưng mà điều kiện không có sợ đâu, cho mày đau tao đã chuẩn bị hết các phương pháp đó rồi, tao sẽ đẩy lui mất tiêu, không có cần, không có sợ, đừng có sợ nó. Thầy nói không có sợ gì hết, chứ còn mà cứ sợ sợ nó coi chừng nó tăng cường.

Con cứ nói “Tao chuẩn bị sẵn sàng khi cần thiết là tao tác chiến, tụi bây phải rút lui hết, trả lại cái thân bình thường, cái thân mạnh khỏe chứ không phải trả lại cái thân như bãi chiến trường đâu. Tao bắt buộc tụi bây rút ra mà thành phố phải được bình an không hư một cái mái nhà nào trong đó, chứ không phải tụi bây rút ra mà tim gan phèo phổi tao tiêu hết thì không được”. Thành ra trong khi đó cái phương pháp của Phật khi mà đẩy lui cái giặc nghiệp ra khỏi thân thì hoàn toàn nó để lại một cái thân bình an chứ không có còn đau khổ.

Cho nên mấy con thấy Thầy lớn tuổi rồi nó để lại cái thân bình an mà trong lúc Thầy chiến đấu nó giống như sắp chết với nó chứ đâu phải dễ đâu. Nhưng mà nó rút lui rồi nó để lại cho Thầy cái thân bình an, không có gì hết, coi như là lầu đài của Thầy nó còn nguyên ở trong đó hết, nó không có hề sứt mẻ, nó không còn bị bom đạn sập một cái nào hết. Toàn bộ y chang, lúc cha mẹ sinh ra thì giờ nó cũng còn y mới vậy, nó không có hư hại chút nào hết, chứ còn của mấy con ở trong đó bác sĩ có nhiều khi nó cắt ruột cắt gan của mấy con trong đó, nó thẻo bớt ở trong đó hết. Bây giờ có người bị cắt ở trong đó rồi chứ đừng có nói.

Cho nên trong khi đối với cái sự tu tập của Phật pháp, khi mà chúng ta đối trị với bệnh thì tất cả toàn bộ cái cơ thể nội tạng chúng ta đều là y nguyên hết, không có bị sứt mẻ một chút nào ở trong đó hết khi mà đuổi nó ra rồi, đuổi cái nghiệp nó đó mấy con. Cái thân chúng ta đau là cái nghiệp chứ không có gì, cái nghiệp do cái nhân quả thì nó có tạo thành cái nghiệp, mà cái nghiệp thì nó hoàn toàn nó ở trên cái thân vô thường. Vì do vô thường thì nó mới có nghiệp được, còn nó có thường thì nó không có nghiệp được.

Cho nên chúng ta đã học, đã hiểu thì chúng ta biết rất rõ rồi, cho nên không có cái gì mà làm chúng ta hiểu lệch được, hiểu sai được, chúng ta hiểu rõ.

5- TU TỨ NIỆM XỨ

(21:20) Trưởng lão đọc lại câu hỏi: “Khi con tu Tứ Niệm Xứ ngồi kiết già 20 phút, đầu thì con thanh thản nhẹ nhàng lắm, đến phút thứ 21 cho đến phút 30 (thì) cột sống đau, chân tê. Con ngay sau tu Tứ Niệm Xứ mà chuyển qua Định Niệm Hơi Thở đẩy thọ mười phút, sau khi…​ sau mười phút sau như vậy có đúng không Thầy? ”

Đúng rồi khi đẩy thọ thì con dùng Định Niệm Hơi Thở con đẩy, dù tu Tứ Niệm Xứ mà sau khi cái thọ nó hiện ra thì con nương vào cái pháp khác chứ không phải ở trên cái Tứ Niệm Xứ nữa đâu. Nghĩa là cái Tứ Niệm Xứ rất hay, là khi có một chướng ngại gì của nó là sử dụng pháp khác liền. Bởi vì Tứ Niệm Xứ là không có pháp, cho nên trên thân có chướng ngại thì mấy con sử dụng như bây giờ. Về cảm thọ của thân tức là bệnh đau nhức trên đó thì mấy con chuyển qua Định Niệm Hơi Thở mà tu tập liền tức khắc.

Nếu mà về hôn trầm thì mấy con chuyển qua Thân Hành Niệm đánh luôn, còn nếu mà về những cái tâm mà nó khởi niệm này niệm kia thì mấy con chuyển qua Định Vô Lậu quét. Còn về các pháp bên ngoài tác động vô thì các con phòng hộ mắt tai mũi miệng bằng pháp tác ý. Nó có pháp gìn giữ bảo vệ hết, coi như hộ trì bảo vệ chân lý của mấy con bằng phương pháp đó.

Cho nên hiện bây giờ mình nói mình sống trong Tứ Niệm Xứ chứ chưa phải đâu, mình mới tập nhìn nó biết cách thức để quan sát nó thôi chứ chưa phải là mình bảo vệ được nó đâu. Nó sẽ bị giặc nó chiếm tới chiếm lui đủ loại hết. Cho nên trong lúc này là trong lúc mấy con đang ở trên phương pháp ngăn ác diệt ác để cho nó đừng xâm chiếm mấy con thôi.

Cho nên mấy con thường xuyên mấy con dùng nhiều pháp lắm, mà những cái pháp đó điều là mấy con được tập luyện, được hướng dẫn kỹ lưỡng để mấy con tác chiến nó. Cho nên khi mà xảy ra chỗ nào thì là mấy con ôm pháp đó.

Dù là suốt cái thời gian này là mấy con tu ba tiếng đồng hồ đi, trên Tứ Niệm Xứ đi nhưng mà vì cái bệnh của con mà con có thể ba tiếng đồng hồ là ở trên cái Định Niệm Hơi Thở mà con tác chiến với nó, hoặc là cái thân con bây giờ nó bị hôn trầm, có thể con ôm cái pháp Thân Hành Niệm suốt ba tiếng đồng hồ này, con ở trên pháp Thân Hành Niệm, con phá đi cái hôn trầm thùy miên mấy con. Chứ nói như vậy là “tôi làm sao tôi tu Tứ Niệm Xứ”. Đang tu Tứ Niệm Xứ để phá để nhiếp phục những tham ưu, những chướng ngại trên Tứ Niệm Xứ chứ gì mà không phải tu Tứ Niệm Xứ, các con hiểu không? Đó là mấy con đang tu Tứ Niệm Xứ chứ đâu phải gì.

(23:54) Cho nên những điều kiện chướng ngại trên thân, thọ, tâm và các pháp tác động vào thì mấy con đều là ở trên các pháp đó, đều là đang ở trên Tứ Niệm Xứ mà chiến đấu đó chứ, chứ đâu phải ngoài Tứ Niệm Xứ đâu. Nhưng mà các con thấy mình cứ ôm pháp này, cứ ôm pháp tác ý hoài, đuổi bệnh hoài, mình thấy Tứ Niệm Xứ không có gì hết thì như vậy đâu có tu Tứ Niệm Xứ. Không phải đâu mấy con, đang tu Tứ Niệm Xứ đó, mà ở trên cái pháp đó để khắc phục tham ưu ở trên thân của chúng ta, ở trên tâm hoặc là trên các pháp chứ không phải là không tu Tứ Niệm Xứ đâu. Chính tu Tứ Niệm Xứ đó.

Nhưng mà bởi vì cái chướng ngại đó có thể kéo dài ba, bốn tiếng đồng hồ thì phải ở trên pháp đó chứ. Mình bỏ mình nói: “Thôi bây giờ tôi bỏ, tôi trở về Tứ Niệm Xứ”. Trở về Tứ Niệm Xứ làm sao được mà trở, nó đau nhức ở đây làm sao trở, mấy con hiểu không? Cho nên chúng ta tu Tứ Niệm Xứ chứ thật sự ra chúng ta đang thực hiện các pháp khác để bảo vệ Tứ Niệm Xứ, khi mà chúng ta ở thật sự trên Tứ Niệm Xứ rồi thì hoàn toàn là các ác pháp đó đâu còn chướng ngại trên thân tâm chúng ta nữa, nó thanh thản - an lạc - vô sự hoàn toàn. Đó là cách thức chúng ta tu như vậy đó mấy con.

(24:56) “Mỗi thời tu ba giờ, con tu ba mươi phút Tứ Niệm Xứ, ngồi kiết già tiếp ba mươi phút Chánh Niệm Tỉnh Giác an trú một phút, sau lại ba mươi phút tu Tứ Niệm Xứ. Cứ như vậy chỉ hai pháp này thay nhau nó rất tỉnh thức, như vậy có đúng không thưa Thầy? ”

Đúng, con tu vậy được, thay đổi nó đi. Trong cái giai đoạn này mấy con tu tập vậy là để cho mình giữ được tu tập trong cái khoảng thời gian tu Tứ Niệm Xứ và Chánh Niệm Tỉnh Giác để cho nó tỉnh thức thôi. Con tu tập như vậy trong một thời gian sau thì mình sẽ có cái lúc mình sẽ tác chiến cái bệnh mà thần kinh tọa con sẽ hết chứ không có gì, đừng có lo, đừng có sợ ba cái bệnh này, cái đồ đó vô thường chứ có gì đâu mà sợ. Mình không phải nói vô thường để rồi mình tự an ủi mình đâu, mà sự thật ra mình đang xem thường nó thật đó con, mình chẳng có sợ nó đâu. Khi mà mình học tu đầy đủ rồi, thì mình sẽ đủ, nó xách gối nó chạy đi nó không còn chút xíu nào đau trong thân con đâu.

6- THẢO LUẬN VỀ THỌ DỤNG THỰC PHẨM

(26:04) Trưởng lão: Con hỏi thầy gì nữa con?

Tu sinh: Thưa thầy! Trong cái bữa ăn, hôm mà ăn ở ngoài (26:10). Tại vì trong thức ăn có cái màu đỏ, con thấy nhuộm nhiều màu quá thì con phải bóc cái màu đỏ đó ra con không ăn, có những cái mà hầu hết thức ăn phải bỏ đi, thế con hay bị rối loạn về tiêu hóa, con cứ lấy cái muối con ăn thêm, (26:37) không cho. Như hôm nay, con cứ xúc nhiều vào để con ăn thêm cho những hôm khác, con cũng biết là con tham nhưng nếu con không lấy thì các cái kia con đổ đi, nhiều khi con cũng muốn cho ai nhưng mà Thầy nói là mình không ăn thì đổ, cho con vật nó ăn con bỏ! Con kính bạch Thầy, con bỏ thỉnh thoảng họ cho cái chè, gói chè để uống. Khi bữa ăn con ăn cơm rồi, con biết cái mức của con là cứ khoảng 3 xới cơm. Con ăn cơm rồi thì xong nó no, nước đó con không uống, uống ngay lúc đó thì nó căng bụng không thể uống được nữa, để sau uống thì thưa thầy nó lại là chất có màu hoặc là có đường rồi thì thưa Thầy như vậy có phải là phi thời không hả thầy?

(27:24) Trưởng lão: Phi thời, không được con, nghĩa là uống lúc đó mà không uống thì thôi bỏ luôn.

Tu sinh: Thưa thầy con vẫn bỏ nhưng con bỏ lại 1 tập, như là mì gói, con đem cúng cho (27:35).

Trưởng lão: Đem trả lại. Mì gói đem trả lại, ăn cơm thì tốt ba cái mì gói này ăn riết thì đổ ghèn chứ ở đó. Nó làm cái chất độc lắm.

Tu sinh: Còn việc uống nước, con cũng không khát nước nhưng mà cái bệnh sỏi thận của con cho nên là đến 2, 3 giờ thì con cứ phải uống một cái ly nước. Con bảo: nó không khát mà con coi như cái nghĩa vụ con uống để lọc thận.

Trưởng lão: Được, không có sao. Con uống nước bình thường không sao hết. Bây giờ con uống một lu Thầy cũng không nói nữa nhưng mà đừng uống nước ngọt thôi. Nước lã đun sôi để nguội vậy đó. Nước đun sôi vậy đó, là tốt thôi, không có gì đâu. Đó là bình thường, không có gì sợ.

(28:11) Còn cái vấn đề mà uống thêm đường sữa này kia thì thôi đừng, nhất là mấy con lưu ý về cái phần chè đó mấy con. Thầy cũng sợ lắm mấy con, bởi vì ở đời người ta làm ăn, người ta không có thật tình đâu người ta mua mấy cái đường hoá học mấy viên nhỏ người ta bỏ mình thấy ăn ngọt thì mình cứ ăn. Coi chừng ba cái đó độc lắm mấy con. Thầy chẳng biết họ là người tốt hay người xấu đâu, Thầy không hiểu đâu nhưng mà cái người làm ăn thì họ muốn làm giàu cho nên họ đâu cần gì cái sức khoẻ của mình đâu, họ đâu có cần đâu. Thay vì họ mua một ký đường cát họ bỏ vô họ nấu cho mình ăn cũng đỡ đi, còn đằng này họ mua chừng vài ba viên đường hoá học thôi, thì mình cứ nuốt thôi, mình thấy ngọt thì mình nuốt thôi. Nhưng mà Thầy thấy nhiều khi nó có nhiều cái Thầy thấy nó không có lợi ích mấy con, cho nên những cái chất ngọt không cám dỗ được Thầy đâu. Thầy thấy nó lấy củ mì nó nấu, trời đất ơi ba cái củ mì là nó độc nhất đó mấy con. Nó độc lắm mấy con, ăn ba cái củ mì, mấy người mà nghiền nghiền củ mì là nó mang bệnh liền đó. Cho nên gặp ba cái củ mì thì thôi làm ơn bỏ đi, nhất là mấy củ cải đó con, đừng nuốt ba cái thứ đó mấy con bị chết với nó đó. Củ cải đừng có nghĩ (nó tốt), ăn cái đó nguy hiểm lắm mấy con, dẹp đi.

Con hỏi Thầy gì con.

(29:25) Tu sinh: Con thấy rong biển, dai dai mà trắng đó là sao?

Trưởng lão: Thôi thôi cái đó là rễ tre rồi con, ăn ba cái đó không biết nó vô trong rồi sao.

Tu sinh: Con thấy bữa ăn nào ngoài rau có một chút, nhưng mà các cái thứ như đồ Đài Loan, rong biển, chè, hũ dừa. Nếu mà bỏ hết thì có khi không có gì để ăn.

Trưởng lão: À lấy hũ muối, với ít rau, vô xin cô Út mấy cái dưa.

Tu sinh: Thưa thầy con hỏi đem mấy cái đồ ăn đó về mình nhận ạ?

Trưởng lão: Cứ đem về đi, đồ người ta cúng dường mình cứ nhận đi con. Bởi vì cái lòng của người ta cúng dường thì mình cứ nhận thôi nhưng tại vì Thầy biết rõ ràng người ta nấu cơm vậy đó, người ta làm như vậy thôi chứ sự thật ra thì họ cũng nghĩ rằng mình cũng như thực khách vậy thôi, chứ thật ra họ không có hiểu đâu. Hiểu cái người tu của mình quá sáng suốt rồi, không có nhầm lẫn với cái vấn đề của họ đâu, cho nên chúng ta ăn hay không ăn, con cứ đem về con bố thí chúng sanh đi, đừng có tiếc đừng có gì hết, coi như mình nhận cái lòng của người Phật tử cúng dường. Còn cái vấn đề đó mình đừng có tiếc mình bỏ lại cho chúng ăn, họ còn bệnh họ còn khổ nữa. Thôi tốt hơn mình nhận đi rồi mình…​

Tu sinh: Mình cho ý kiến với họ.

(30:38) Trưởng lão: Mình cho ý kiến sao được con, nghĩa là bây giờ người ta có cái lòng cúng dường mình, người ta sẽ nói mình như thế này, tôi ý kiến như thế này thế khác à. “Trời ơi! Tu sĩ mà đòi ăn ghê gớm quá”. Phải không? Thôi tốt hơn người ta cho gì mình ăn gì mình ăn nấy, mình biết cách nào mình ăn bình an cho mình thì mình cứ ăn thôi, rồi mình nhận hết cái lòng cúng dường của người khác. Bởi vì người ta có cái lòng rồi. Còn mình nói vậy rồi ba cái người mà họ nấu cơm đó, họ nghe nói vậy họ nói: “Tu tưởng tu cái gì tu ăn. Bây giờ mình nấu vậy cũng chê tới chê lui nữa”. Người ta nói mình chịu không nổi đâu.

Tu sinh: Người ta hỏi ý kiến mình sao Thầy?

Trưởng lão: Gì chứ?

Tu sinh: Người ta hỏi ý kiến mình thì sao Thầy

Trưởng lão: Cái người mà hỏi ý kiến mình thì mình nói thẳng thật. Bây giờ cô Liên Châu, cô cúng dường thì mình sẽ nói thẳng nói thật với cô Liên Châu là vì những đồ ăn mà cúng như vậy, ở trong tu viện người ta tu hành mà cúng như vậy người ta ăn không có được, người ta bỏ, thì đương nhiên là cô có lòng cúng dường mà người ta thọ dụng không hết thì cô không đủ phước đâu nha.

(31:41) Tu sinh: Tại vì cái ông chủ quán cơm, ông cũng thường hay hỏi con là ăn uống, ông nấu vậy có vừa không hay như thế nào đó. Con thì con trả lời: chú cứ hỏi mấy cụ già đi, mấy cụ già khó ăn hơn con cho nên con cũng không có ý kiến gì hết thưa Thầy.

Trưởng lão: Nói vậy, hỏi con chắc biết rằng con quen với cô Liên Châu đặng con có nói để chú phòng ngừa để không con chê một cái là chết chú đó, phải không? Cho nên con cứ nói thẳng, chú làm cái kiểu này chắc thiên hạ ăn không nổi rồi đó. Bữa nào mà chú làm măng chắc người ta ngứa chết người ta đó.

(32:24)Tu sinh: Con định góp ý…​ vì có những cụ già để cho người ta ăn dễ. …​khi con quán tâm từ, bi …​ con không biết con nói vậy có đúng hay không? (…​ không nghe rõ)

Trưởng lão: Tại vì người ta hỏi thì mình mới nói, mình cũng nói trước, mình cũng phòng hờ trước, “tại vì chú hỏi thì tôi mới nói nếu chú không hỏi thì tôi không nói đâu, tại tôi là người tu mà, ai có hỏi thì tôi nói, nhưng tôi nói thật thì chú đừng có buồn nha. Tụi này ăn chay mà chú làm tôm cá trong này sao tụi tôi dám ăn, ba cái này đem bỏ hết ấy”.

Tu sinh: Dạ với mấy cọng rong biển trắng. Sợ mấy cụ già mà nhức chân răng ăn không có được đó thầy.

Trưởng lão: Đúng rồi, nói cái vấn đề này, mấy cọng rễ tre này mà chú nấu cái kiểu này chắc ăn lủng ruột người ta hết, ba cái cao su này mà nuốt vô thì phải chết người ta chứ sao, nó giống cao su lắm mấy con, giống ba cái nhựa mà nó làm chứ đâu phải không đâu, ăn cái gì mà sực sực, Thầy nhai cái rồi Thầy nhả chứ Thầy có dám nuốt nữa đâu, Thầy nói rễ tre, đừng có cho ăn ba cái thứ này. Nói chú ơi! chú đừng cho ăn ba cái thứ này.

Tu sinh: Chúng con thấy như là món mì xào đó Thầy, cái nước mắm chú làm rất là cay trong khi có người không thể ăn ớt được, mà làm cay như vậy nó cũng khó đó Thầy, con có nhiều cái con cũng có định góp ý mà con không có nói.

Trưởng lão: Thôi! Người ta hỏi thì con cứ nói. Cứ nói cho họ để cho họ biết.

Tu sinh: Con cứ đùn đẩy cho mấy ông, thôi chú hỏi ý kiến người già, con sao cũng được. Thành ra vừa lòng với họ, không ca thán gì hết.

(34:15) Trưởng Lão: Đúng rồi, đến khi mà hỏi thì trả lời đi con, trả lời cho người ta biết cách, những cái gì ăn được mình nói, những gì ăn không được thì thôi, những gì có hình dáng như tôm hoặc cá, thịt gì đó thì thôi dẹp đi.

(34:33) Tu sinh: Đậu hũ trắng đó luộc lên (34:36 -34:40)

Trưởng lão: Ừ! Nói thẳng đi con

Tu sinh: Rau luộc cho mấy cụ ăn nó khó chấp nhận.

Trưởng lão: Cho đậu hủ trắng người ta chấm người ta ăn cũng được. Chứ ba cái đồ Đài Loan đó thì thôi, nó đắt tiền lắm mà nó ăn không có được đâu. Họ nghĩ là mấy cái món đồ đó là mình thích lắm, đắt tiền lắm nhưng sự thật ra mình là những người tu mình không thích ba cái đồ Đài Loan đâu, mình không có chơi với Đài Loan. Nên cái đồ ăn nó mình thấy ghê quá ăn không nổi. Thành ra trong khi có hỏi thì con góp ý con.

Tu sinh: Để con ghi tờ giấy con đưa cho, dạ dạo này ông chủ con không thấy, con thấy người làm phụ ông thôi à. Con viết tờ giấy đưa cho ông chủ.

Trưởng lão: Ừ! Thôi được rồi, con ghi cái miếng giấy khi mình đi khất thực đó con đưa cái tờ giấy cho chú đó chú đem về cho cái ông chủ để cho người ta làm đúng, và nhất là ba cái nấm đó, thôi. Thầy nói thật sự nấm rơm nè, nấm đông cô nè nó đắt tiền lắm chứ không phải rẻ đâu nhưng mà ăn ba cái thứ đó riết là Thầy nói chắc cái mình mấy con sẽ sưng lên bằng cái bao bố đó, nó ngứa.

Tu sinh: Vậy là mình hạn chế nó?

Trưởng lão: Nó bị dị ứng nó ngứa đó mấy con

Tu sinh: Hay là không dùng luôn?

Trưởng lão: Thôi không dùng luôn ba cái nấm đó đâu. Bào ngư nữa mấy con.

Tu sinh: Đậu hủ trắng, muối mè…​.

Trưởng lão: Con có điều kiện con đề nghị đi.

Tu sinh: Cho ăn rau củ luộc. Cho tất cả đồ lạt, dạ con có thể nói được. Thầy có thể góp ý ghi tờ giấy rồi Thầy đưa cho con.

Trưởng lão: Bộ Thầy là đầu bếp hay sao?

Tu sinh: Thầy giúp cho tụi con, con không biết cái gì tốt hay xấu trong thực phẩm đó Thầy. Thầy nói con mới biết đó là rễ tre chứ nào đó giờ con tưởng nó là rong biển không à.

(36:47) Trưởng lão: Nó rễ tre đó con, nó cạo ra mấy cái đen đen ở ngoài để cái trắng ở trong, nó độc lắm mấy con.

Thôi bây giờ về cái vấn đề ăn uống thì sau này sẽ bàn bạc nói với cái chú nấu cơm, chú biết là thực phẩm của Tu Viện Chơn Như là thực phẩm của chú chắc chắn bán bên Đài Loan chứ ở Việt Nam này nó không mua đâu. Nhất là cái Tu Viện Chơn Như này nó ăn cái đó không được. Nó thấy sao giống cá, giống thịt, giống ba cái gì đâu không, nó nuốt không vô đâu. Phải không? Khuyên lơn họ vậy đi.

(37:27) Tu sinh: Mứt rong?

Trưởng lão: Có thể mứt rong ăn được con, rong biển đó con, rong đen đen nó vớt lên nó phơi khô lại đó, rồi cái đó nó đem nó làm cho chúng ta ăn được, bởi vì cái chất rong. Nhưng mà cái đó mà nấu canh ăn thì ăn hết vô mấy con, tại vì nó tanh mấy con, cho nên nó chiên thôi chứ ấy thì ăn không được, nó bị tanh nuốt không vô đâu. Để rồi Thầy gợi ý những cái điều kiện cần thiết những cái gì ăn được thì con sẽ viết con gởi cho chú đó con.

Tu sinh: Dạ Thầy góp ý con viết con gửi, tại vì nói cái nhớ cái quên.

(38:12) Trưởng lão: Viết nó nhiều hơn, đủ hơn, còn mình góp ý mình nói nhiều khi cái nhớ cái quên, còn viết cái giấy người ta về người ta đọc người ta sẽ nhớ, kỹ lưỡng hơn.

7- HIỂU ĐÚNG VỀ THÂN NHÂN QUẢ, LÀM CHỦ THÂN NHÂN QUẢ

(38:22) Trưởng lão: À! đây bây giờ Thầy sẽ đọc cái (câu hỏi), Uyên Phương hỏi Thầy. Thực sự ra khi học về cái nhân quả rồi thì hỏi Thầy cái câu hỏi như thế này nó không có đúng, mà sẵn đây nó không có, nhưng mà Thầy cũng trả lời để cho mấy con hiểu chung.

​​“Kính thưa Thầy, con xin phép hỏi đã chứng đạo bậc A La Hán, còn tiền khiên tật không? ”. Nghĩa là cái người mà tu chứng quả A La Hán, bây giờ thí dụ như cái người đó bị mù con mắt, nghĩa là cái tật mù mắt chứng quả A La Hán rồi cái tật đó hết không?

Đã nhân quả rồi mà cái thân nhân quả này thì nó mang cái nghiệp của nó là cái tật đó nó mù con mắt thì giờ có chứng quả rồi cũng mù mắt chứ làm sao bảo chứng quả rồi thì nó hết mù con mắt, mấy người bộ cái thân nhân quả này chỉ có nước bỏ nó thôi chứ ai mà xài nó mà làm cho nó đừng mù con mắt. Cho nên hỏi như vậy là không có hiểu nhân quả, cách thức hiểu như vậy là không hiểu nhân quả. Cho nên vì vậy nói tu chứng rồi thì không có tật gì hết, không có đâu. Cho nên cái đó là cái hiểu sai, không có đúng. Bởi vì nhân quả, mang cái thân nhân quả cái người dù tu chứng quả A La Hán là vẫn bị mù mắt là vẫn bị mù mắt.

(39:37) Như các con nghe cái ông Ưu Ba Ly, do ông cố gắng ông thức tu tập nên ông bị mù mắt. Ông bị mù mắt ông mới ngồi ông vá đồ, vá cái y, ông đâu có thấy đường ông xỏ kim, cho nên ông mới nói ai làm phước xỏ kim cho ông, phải không? đức Phật thì ở cái phòng kế bên, cho nên đức Phật mới nói đưa ta làm phước cho ta xỏ dùm cho sợi chỉ.

Do đó câu chuyện thì đơn giản nhưng chứng tỏ, ông đã tu chứng rồi mấy con, tu chứng là có thiên nhãn rồi đó, nghĩa là người ta tu chứng quả A La Hán rồi. Nhưng mà cái thân của người ta đâu bao giờ nó hết, bởi vì nó mù mắt thì đâu bao giờ nó hết được.

Cho nên cái tật của nó, cái thân này nó đã bị tật, bây giờ nó cụt cái chân đi, phải không? Thì bắt đầu tu rồi cái chân nó mọc ra hay sao mấy con? Nó đâu có cái chuyện đó đâu, không phải.

Nó vẫn là cái nghiệp của nó, nó đang còn mang cái thân nghiệp của nó, thì cái nghiệp như thế nào thì cái người đó họ vui vẻ họ không có mặc cảm với cái nghiệp trên cái thân của họ. Đó là cái thông hiểu nhân quả.

(40:43) Trưởng lão: Câu hai: “Đã làm chủ sự sống chết hiện còn sống còn mang thân nghiệp, có bị nhân quả chi phối không?”. Lẽ đương nhiên còn mang thân nghiệp là con bị sự vô thường chi phối chứ làm sao mà trật, đã học rồi mà còn hỏi Thầy cái điều này là coi như là người chưa có học. Cho nên vì vậy mà dù cái người đó có đã tu chứng rồi - làm chủ sự sống chết.

Cho nên ở đây làm chủ. Con biết làm chủ chứ không phải thay đổi cái thân làm cho cái thân nó mới nó không có bị. Không phải như vậy đâu.

Cho nên ở đây hiểu làm chủ, bây Thầy mang cái thân này mà Thầy làm chủ nó, nó muốn đau muốn bệnh Thầy bảo hết; nó muốn ăn Thầy cho ăn, mà nó muốn ăn Thầy không cho ăn là nó phải không có cho ăn; nó muốn ngủ, Thầy bảo không có ngủ là nó không ngủ, gọi là làm chủ, con hiểu chỗ làm chủ không?

Cho nên cái thân này nó không phải là của Thầy đâu nhưng mà bây giờ Thầy có sức sai khiến nó, làm chủ nó được. Đó như vậy, chứ không phải là người tu chứng rồi làm chủ sự sống chết, hiện còn sống còn mang thân nghiệp có bị nhân quả chi phối không? Nó vẫn chi phối trên thân bởi vì hằng ngày cái thân của Thầy vô thường, nhưng mấy con thấy Thầy có đủ sức tỉnh thức để mà Thầy giữ cái thân của Thầy, các con thấy Thầy như thế này là như thế này, nó không hơn không kém đâu nhưng mà Thầy xả ra là Thầy bỏ thân, xả ra cái sức đó là Thầy bỏ thân.

(42:15) Cho nên ở đây cái quy luật nhân quả nó chi phối trên thân Thầy cũng từng phút từng giây chứ đâu phải là nó không chi phối đâu. Nhưng vì Thầy có đủ cái lực để Thầy giữ gìn nó, để cho nó được mạnh khỏe thôi, nó không có yếu nó không run rẩy như cô Huệ Ân thôi. Chứ không khéo nó cũng sẽ run rẩy, nó cũng yếu đuối chứ đâu phải không đâu.

Nhưng mà cái sự yếu đuối thì cái sự run rẩy ấy, Thầy già mà Thầy là chủ được là nhờ vào cái sức tỉnh thức của Thầy có. Còn nếu mà Thầy không có thì quy luật của vô thường thì nó vẫn bị run rẩy, nó vẫn bị cái sự yếu đuối của nó, nó không thể nào mạnh khoẻ như một cái người còn sức khoẻ được. Đó là theo cái quy luật nhân quả là như vậy.

(43:01) Bây giờ tức là vẫn chịu tác động của nhân quả, nghĩa là đang chịu sự trả vay. Sự thật là đối với Thầy bây giờ không có sự trả vay nữa, nghĩa là không có trả vay cái nhân quả nữa. Bởi vì nhân quả làm sao nó trả Thầy được. Thầy có lo gì về cái thân Thầy sợ chết nữa đâu mà Thầy trả. Thầy có ngại gì chết sống hay bệnh đau, Thầy có lo đâu. Thầy không có lo nữa bởi vì Thầy làm chủ nó rồi. Nó đau Thầy muốn sống Thầy hét cái nó sống lại, mà nó bệnh, Thầy bảo đi là nó đi.

Cho nên Thầy đâu còn lo nữa, Thầy không lo thì không bị nhân quả, không bị quy luật nhân quả. Cho nên vì vậy mà Thầy nói mọi cái ác pháp nó đến, mấy con bất động tâm thì mấy con không cần phải lo nó nữa, thì tức là nhân quả không chi phối mấy con. Còn bây giờ mấy con bận tâm, mấy con lo lắng mấy con sợ hãi.

Đó là mấy con bị nhân quả chi phối, còn nếu mà mấy con không có lo lắng, không bận tâm, đã biết nó là nhân quả rồi mà lo lắng làm cái thứ gì cho nó mệt, do đó thì mấy con không bị chi phối, tức là mấy con vượt qua nhân quả rồi đó, tức là chuyển nhân quả đó. Tức là có nhân quả chứ không phải không, nhưng mà không còn vay nữa, không còn nợ không còn trả nữa, hết rồi, xong rồi.

Nghĩa là bây giờ tôi đã làm chủ được nó rồi là tôi không còn nợ nó nữa rồi. Cho nên không còn vay nợ của nhân quả nữa.

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy