00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

LCK 051 (NAM) - VẤN ĐẠO TỨ NIỆM XỨ

LCK 051 (NAM) - VẤN ĐẠO TỨ NIỆM XỨ

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu sinh

Ngày giảng: 8/01/2006

Thời lượng: [28:21]

1- CÁCH THỰC HIỆN ĐỊNH SÁNG SUỐT

(00:00) Trưởng lão: Rồi con ngồi ghế đi con!

Tu sinh: Kính thưa Trưởng lão!

Con hỏi thêm mấy câu nữa. Tức là sau khi con tu 30 phút rồi, con sẽ đi kinh hành hoặc nếu con không đi kinh hành thì con ngồi thư giãn, trong khi thư giãn thì nó cũng là Định Sáng Suốt, Định Thư Giãn thì nó cũng là Định Sáng Suốt. Trong khi đó thì Trưởng lão nói rằng: trong cái thời gian đó thì không có quán một cái gì nhưng trong khi mà con thư giãn thì có những cái niệm nó nhảy ra thì con đem ra quán được không?

Trưởng lão: Được chứ con, nhưng có cái lưu ý đầu tiên mấy con ngồi vậy nè thì các con thấy lời đức Phật dạy: "Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra" nghĩa là mình nương vào hơi thở mà mình nhìn bốn chỗ: Thân - Thọ - Tâm - Pháp của mình, tức là mình nhìn cái thân của mình từ đầu đến chân, mình cảm nhận từ đầu đến chân của mình theo hơi thở chứ gì? Đó, mục đích như vậy. Đó là cách thức tu Tứ Niệm Xứ, nghĩa là mình quan sát trên Thân Thọ Tâm của mình, bằng cách quan sát cái thân của mình. Trong thân nó có tâm của mình, có cảm thọ của mình, nó có đủ. Rồi các pháp tác động vô thì bốn chỗ nó có đủ rồi, thì mình chỉ cần biết cái thân của mình, cảm nhận từ đầu xuống đến chân là được, y như cái đề mục của Định Niệm Hơi Thở vậy. Phải không? Đó là cách thức tu Tứ Niệm Xứ đó.

Cái đó là mới tu Tứ Niệm Xứ chứ còn mình không biết quán nó thì coi như là mình không biết tu. Cho nên danh từ quán là danh từ quan sát, nó có chướng thì mình đuổi, không có chướng thì thôi, không chướng nghĩa là thanh thản - an lạc - vô sự thôi chứ có gì đâu. Thành ra mình ngồi mình thấy nó nhẹ nhàng lắm, thấy nó thoải mái lắm. Nhưng mà mới đầu mình tập cho nó quen cái tâm để mình nhìn thì nó hơi cực chút, hơi khó, sau một thời gian nó quen rồi, nó thoải mái lắm. Mình vừa nhìn cái điểm đó là nó quay vô đó con, tức là nó thấy hơi thở là nó quay vô.

(02:01) Và đồng thời mình có Định Vô Lậu, có nhiếp tâm một phút để mình đẩy lui bệnh, đó là cái căn bản để đẩy lui bệnh, từ phút này nếu nó vẫn còn bệnh nữa thì mình nối phút khác, cứ phút này đến phút khác, thành ra nó có một loạt phút chứ không phải là một phút. Nhưng mà nó căn bản. Bởi vì mình đau rồi thì tức là mình chỉ còn có nhiếp, an trú cho nó trong cái hơi thở hoặc là cái thân hành của mình thì mình sẽ đẩy lui được những cái chướng ngại pháp đó. Thì như vậy là mấy con đã nắm vững được cái pháp Tứ Niệm Xứ tu rồi, nó không còn khó nữa.

Chỉ còn bây giờ mình triển khai cái tri kiến của mình thêm để khi có từng niệm gì đó, ngay đó là mình phát giác ra được, mình phá vỡ hoặc chuyển hóa nó liền tức khắc. Mà mình hàng ngày cứ siêng năng đẩy lui các niệm đó, đẩy lui các chướng ngại pháp trên Thân, Thọ, Tâm của mình, mới đầu thì nó ào ạt chứ sau nó thưa dần, nó thưa dần rồi nó hết. Mà mình thấy tâm mình nó quay vô nó nhìn, thì đó là tâm không phóng dật. Cách thức mình tập nó quen rồi bắt đầu nó quay vô, thậm chí ở ngoài có tiếng động gì nó không cần lưu ý, không cần nghe đâu, nó hay ở cái chỗ đó. Cho nên mình tập dần thì nó quen, nó quen thì nó quay vô.

2- HƯỚNG DẪN CÁCH THỨC QUAN SÁT THÂN HÀNH

(03:15) Tu sinh: Trong cái Định thư giãn đó nó quay vô, thì có niệm mình vẫn đem ra quán?

Trưởng lão: Mình vẫn đem ra quán, bắt đầu mình ngồi rồi sau đó tới chừng con đi. Con đi thì nó sẽ nương vào bước chân đi, chứ nó quan sát bốn chỗ nó cũng là Tứ Niệm Xứ. Cho nên là nó có niệm thì nó cũng dùng y như mình tu Tứ Niệm Xứ vậy, mà không niệm thì thôi.

Rồi tới đó bắt đầu mình đi, trước khi mình đi thì mình đứng. Đứng thì nó im lặng thì nó dễ quan sát, sau đó tới đi, đi rồi tới nằm. Tức là mình thấy sức tỉnh của mình nó càng cao lên ít bị hôn trầm, thì bắt đầu mình mới dám nằm.

Nghĩa là nói chung là thầy dạy đi từng bước, đầu tiên là ta ngồi trên cái ghế, sau đó mấy con ngồi kiết già hoặc bữa mà Thầy bắt mấy con ngồi trên ghế thoải mái để tự nhiên để mà nhiếp tâm, để mà tập cái đầu tiên để quay cái tâm mình vô để nhìn bốn chỗ Thân, Thọ, Tâm của mình. Sau khi mấy con nhận ra được rồi mấy con về tập rồi bắt đầu mấy con ngồi kiết già, mấy con thấy nó quay vô dễ lắm chứ không khó đâu.

Tu sinh: Con ngồi ghế thì con thấy dễ chịu lắm Con thấy cột sống nó bị cong…​

(04:25) Trưởng lão: Đúng rồi, nếu mình thấy đặc tướng của mình như thế nào, bởi vì cái vấn đề Tứ Niệm Xứ nó cũng không quan trọng về vấn đề ngồi kiết già, nhưng mình ngồi cái tư thế nào để cái tâm của mình nó quay vô được thì đó là nó hợp với mình, tức là đặc tướng của mình. Con ngồi ghế này mà bị hôn trầm thì con phải nên tránh không có được ngồi. Bởi vì hôn trầm là một tướng chướng ngại của thân tâm của con rồi. Cho nên con không có nên ngồi. Mà con ngồi kiết già không bị thì con nên ngồi kiết già. Mình tránh cái chỗ mà chướng ngại, có những ác pháp chướng ngại vào thân tâm của mình.

Tu sinh: Kính thưa Trưởng lão! Khi mà con đi kinh hành rồi con giải lao, con đi 30 phút xong rồi con qua con làm bài được không?

(05:14) Trưởng lão: Được chứ con! (chứ không mình để cái thời gian đó nó chết) nó uổng! Cho nên mình triển khai cái tri kiến của mình ra. Càng làm bài thì mình càng triển khai được tri kiến, nó càng thông suốt thì nó rất dễ phá những cái niệm, dễ chuyển hóa được những cái niệm, dễ diệt được những cái niệm cho nên gọi là mình ly dục, ly ác pháp dễ dàng.

Tu sinh: …​ Khi con viết bài xong con vô tu được không?

Trưởng lão: À, Con viết bài xong con vô tu liền được! không có sao! Hai cái cũng được, qua lại qua lại, mình không mất thì giờ. Coi như mình triển khai tri kiến, triển khai tri kiến xong bắt đầu mình quay vô. Tức là nó không có hoạt động nữa, cái đó được! Cũng như nó nghỉ ngơi, cái đó được thôi, không sao hết à!. Tới con, con hỏi Thầy gì?

3- KHI NÀO TĂNG THỜI GIAN TU LÊN ĐƯỢC?

(06:16) Tu sinh: Kính thưa Trưởng lão! Con hỏi thời gian tu, Trưởng lão có dạy tu 30 phút, có thể con tự tăng lên được không hay là phải chờ ý Trưởng lão cho phép?

(06:32) Trưởng lão: À, bây giờ đó, mấy con phải hỏi Thầy đó! Thầy cho 30 phút thôi, rồi bắt đầu muốn tăng lên mấy con hỏi Thầy. Sau khi 30 phút đó, mấy con xét thấy trong một buổi tu tập của con, rồi tới một ngày một đêm tức 24 tiếng đồng hồ, 24 tiếng đồng hồ mà con thấy nhìn quay vô mà nó không bị quên, nó dễ quên, con quay vô một lát cái nó quên, nó không chịu quay vô nó quan sát đâu. Mà trong suốt 30 phút này mà nó không quên thì con tăng lên được. Chứ nó còn quên thì không được! Nó còn quên tức là 30 phút mình chưa có trọn, con hiểu không? Con thấy là nó không có quên, tức là nó luôn luôn trong suốt 30 phút mà nó nhìn được cái thân của nó, nó nương vào hơi thở mà nó cảm nhận được thân lên xuống lên xuống rõ ràng. Nó cảm nhận cái sự rung động của thân nó.

Ví dụ như con hít vô thì nó có rung động nhẹ đó nó cảm nhận cái sự rung động đó thì tức là con đã quan sát nó chứ không có gì. Thì nếu như nó không có quên trong suốt 30 phút, con thấy không có quên thì tăng lên được được rồi. tăng lên 1 giờ đó. Chứ không phải tăng lên 5 phút 3 phút đâu, 30 phút này được rồi thì tăng lên 1 giờ để 1 giờ đó ta thấy nó luôn luôn chú ý. Nó nhìn được thân nó rồi thì tức là nó ở trên Tứ Niệm Xứ, nó quan sát được thì do đó là con tăng lên 1 giờ. 1 giờ con ráng tập cho được rồi con tăng lên 2 giờ.

(07:57) Bởi vì nó là Tứ Niệm Xứ thì nó suốt 3 tiếng đồng hồ liên tục, mà 3 tiếng đồng hồ liên tục nó tỉnh thức rồi thì con đi luôn đó con. Nếu mà mình thấy những chướng ngại pháp không tác động được nghĩa là mình đi luôn đó, chứ còn tác động thì mình giữ. Như bây giờ 30 phút con thấy con tập nó quay vô được rồi, tức là con không có quên, tức là không có quên cái chỗ mà nó quan sát cái tâm của nó, rồi bắt đầu còn tăng lên 1 giờ. 1 giờ đó con mới thấy từng niệm của nó ra. Trong suốt 1 giờ đó nó có niệm này niệm kia con cứ xả, xả chừng nào cái niệm đó trong một giờ hoàn toàn không có thì mấy con tăng lên. Không còn niệm nữa thì tăng lên, lấy 1 giờ làm cái chuẩn đó con. Còn lấy 30 phút làm cái chuẩn để quay vô nhìn, vì nhiều quá không được. Cho nên cái sức tập trung của mình trên 30 phút, mà mình được 30 phút rồi, nó không quên, thì mình cũng tăng lên 1 giờ nó quay vô được rồi. Nó quay vô được rồi thì bắt đầu mình mới xả, ly. Ly dục ly ác pháp, xả tất cả niệm. Niệm Thọ cũng xả, tức là đau nhức gì trên thân mình cũng xả. Dùng phương pháp mà xả.

Và tâm niệm của mình nó có niệm gì thì mình cũng xả, dùng cái Định Vô Lậu để mà xả, xả chừng nào mà khoảng 1 giờ đồng hồ mà con không thấy có niệm. Chỉ còn Thanh thản, an lạc, vô sự. Thì bắt đầu con tăng lên 2 giờ. Tăng lên 1 giờ kế đó là 2 giờ chứ không phải tăng lên 30 phút đâu. Cho nên từ cái căn bản này mà đạt được rồi mấy con sẽ thấy nhanh lắm không có lâu. Mấy con ráng tập, tập như vậy đó, nếu mà được thì cứ tăng lên còn nếu chưa được thì cứ phải ở chỗ 30 phút này.

4- CHIA SẺ KINH NGHIỆM CỦA TU SINH

(09:30) Tu sinh: Con bạch Thầy, khi mà con tập như ngày hôm qua sau khi mà con tu 30 phút xong thì vô khoảng chừng 10 đến 15 phút thì có cái trạng thái của Tứ Niệm Xứ con thấy là yên tịnh, tâm nó trụ ở trong, chỗ ở trong bất động yên lặng. (TL: Nó cảm nhận được cái thân của nó) Thì nó qua được 30 phút con thấy nó cũng tiếc vì cái thời gian đó nó vô tốt mà Thầy, thì con chuyển qua con đi Tứ Niệm Xứ chứ không có ngồi. Từ cái ngồi con chuyển sang đi, mà con giữ được cái tâm Tứ Niệm Xứ thì trong 30 phút con thấy nó im phăng phắc, rồi con nhớ tới lời Trưởng lão: “Coi chừng cái chỗ yên lặng của nó là nó bị tưởng”. Con quan sát thì thấy nó không có bị tưởng.

Con thấy nó luôn luôn quan sát cái thân mình, con thấy nó không có bị tưởng, mà nó rất im, lâu lâu thì nó có một cái niệm ngứa hoặc là niệm nhột chứ còn khởi niệm thì nó cũng không khởi, nó có một hai cái niệm, nó có khởi lên chút vậy thôi, con thấy vậy con đuổi ra thôi.

Con thấy vậy, hồi con chuyển 30 phút ngồi tới 30 phút đi, thì nó tỉnh lắm, nó vẫn yên yên như vậy, rồi con thấy đi 30 phút, rồi con lại vô con ngồi xuống. Nó vẫn giữ được 30 phút nó ngồi im luôn. Thấy vậy con cho vô luôn từ 30 phút nữa, có lần lên tới hai tiếng đồng hồ, có tới 4 lần vừa đi vừa đứng mà con vẫn giữ được trong cái trạng thái đó, vừa bước ra đi, đứng, ngồi xuống. Nhưng mà tới cái đoạn thứ tư tức là 30 phút sau sau cùng thì cái niệm hơi nhiều, nó có khởi niệm này niệm kia, mà vì con không biết như vậy con đứng dậy con đi có đúng hay không? Nó có quá lố nhiều không? Vì con thấy thời gian nó kéo dài được nên con kéo ra (kêu làm thử đó)

5- HƯỚNG DẪN CÁCH ĐIỀU CHỈNH THỜI GIAN ĐỂ TU TẬP ĐÚNG PHƯƠNG PHÁP

(11:41) Trưởng lão: Bắt đầu bây giờ con phải căn cứ vào một ngày một đêm, 30 phút …​ Khoan đã! để coi chứ không khéo con làm con hụt hẫng con đó, làm thử cái cái được rồi mà làm riết cái nó hụt hẫng. Vì cái khả năng của mình nó chưa đủ đâu.

Bây giờ con làm như thế này, con tu 30 phút, mặc dù nó được rồi nhưng mà không, con đừng có tiếc, để rồi tới cái thời kế mình làm nữa thử coi sao, mà suốt trong một ngày một đêm mình thấy 30 phút rồi, điều khiển chủ động được rồi thì bắt đầu bây giờ lúc đó mình mới tăng lên. Giờ con thay đổi, thay vì 30 phút con ngồi thì tới 30 phút đi. Con nhíếp tâm đi, rồi cũng thử coi xem trong lúc mình thay đổi như vậy, coi như cái ngồi 30 phút rồi đi 30 phút nữa là liên tục với nhau như vậy là 1 giờ rồi đó chứ không ít đâu. Do đó thì con cũng tu tới 1 giờ thôi. Rồi con cũng dừng lại coi thử coi sao.

Nếu được nữa thì con trở lại con ngồi thêm 30 phút nữa, tức là 1 giờ rưỡi, con hiểu chỗ đó không? Vậy đó. Tức là mình thay đổi và mình tu tập trong 4 oai nghi lận, phải tập trong oai nghi đứng nữa con. Ngồi rồi bắt đầu đi, đi rồi tập đứng, đứng rồi ngồi trở lại, nó có 4 oai nghi lận, tướng nằm nữa. Để mà phá hôn trầm thùy miên luôn đó. Mà khi con quan sát, con nhìn được thân của con rồi thì nó ít có bị lắm, nó hoạt động nó ít bị lắm.

Cho nên vì vậy mà trong khi đó đi rồi mình thấy cái niệm nó như thế nào, nó thưa dần dần thì mình sử dụng Định Vô Lậu để mình phá những cái niệm. Còn những cái cảm thọ thì mình dùng Định Niệm Hơi Thở, mình nhiếp tâm và an trú trong hơi thở để mình tác ý đuổi bệnh, đuổi chừng nào cái cảm thọ con nó hết. Bây giờ nó ngứa thì con đừng có gãi, đừng gì hết, mà cứ dùng cái pháp tác ý để mà nương vào hơi thở tác ý đuổi, đuổi chừng nào hết ngứa thì thôi, mà còn ngứa thì còn đuổi. Cũng như bị chướng ngại mà hết chướng ngại thì mới thanh thản được đó là cách thức của mình để đuổi; ly dục, ly ác pháp chứ không có gì hết. Ở trên Tứ Niệm Xứ.

(13:50) Tu sinh: Tức là con có thấy cái chỗ này: con đi khoảng chừng gần 2 tiếng đồng hồ không có niệm, con thấy cái lực của Tứ Niệm Xứ rất là mạnh, thấy nó rất là yên tĩnh thì lúc nào Tâm cũng trụ trên hơi thở. Chân con nó đau…​ (không nghe rõ). Con dùng tác ý thấy nó rất là hay, từ hồi đó đến giờ con tác ý mà nó không hết, mà hồi hôm con trị nó hết.

Trưởng lão: Nó an trú được đó con.

Tu sinh: Con nghĩ là do ở chỗ an trú nên bệnh nó hết, như vậy có đúng không Thầy?

(14:36) Trưởng lão: Đúng chứ, nó an trú được là nó hết. Bởi vậy Thầy dạy cho mấy con là phải an trú cho được. Mấy an trú trên Tứ Niệm Xứ là quan sát trên bốn chỗ, mà con an trú được, thành ra con tác ý là nó hết. Nó có cảm thọ, bởi vì ở trên cái chỗ Tứ Niệm Xứ đó mà mình tác ý để đẩy lui những cái chướng ngại ở trên thân của mình tức là mình nhiếp phục tham ưu trên đó thì nó hết chứ không phải không hết đâu, nó đem lại cái sự bình an cho mình để cho mình ở trên Tứ Niệm Xứ thanh thản, an lạc vô sự đó.

(15:06) Tu sinh: Con thấy cái đoạn mà con đứng con đi. Con tác ý: "Chỉ hai chân bước đi còn toàn thân bất động". Con đi xuôi tay xuống, con đi bình thường nhưng mà không có nhúc nhích, nghĩa là có cảm thọ gì đến, ví dụ ngứa thì con dùng ý thức đuổi, tác ý con đuổi chứ không có lấy tay phủi gì hết, cũng như mình ngồi vậy như vậy có đúng không ạ?

Trưởng lão: Đúng đó con, làm vậy đúng, không có sai

Tu sinh: Con tác ý: “Tay không có được nhúc nhích, thân bất động” mà nó bất động, nó im luôn.

Trưởng lão: Đó là khá lắm rồi, tiến bộ rồi đó con.

Tu sinh: Con tác ý: “Tâm như đất, không có tham”, con làm được, con chỉ ngồi, con tác ý tâm như đất là nó ngồi, con thấy thân mình…​

Trưởng lão: Đúng rồi, nó nghe lời, nó hiệu quả, mình cảm nhận ra liền khi mình tác ý rồi cái bắt đầu mình có cảm nhận được cái thân của mình.

(16:09) Trưởng lão: Đó là cái pháp tác ý nó hiệu quả đó con. Bởi vì con biết chỉ có phương pháp mà Phật dạy là pháp tác ý là pháp làm chủ, mình muốn cái gì là mình ra lệnh nó sẽ đi vô nó làm đúng như cái ý muốn của mình, cho nên mình làm chủ được sự sống chết của mình là nhờ cái pháp tác ý, chứ nếu mà không có pháp tác ý thì mình biết đâu mà mình làm chủ đâu. Mình đâu có điều khiển được đâu, mà mấy con tu tập có hiệu quả rồi đó.

Tu sinh: Như vậy con tu tập 30 phút thôi?

(16:38) Trưởng lão: 30 phút thôi con, rồi mình nghiệm trong một ngày đó, nếu được mình thay đổi cái oai nghi của mình, từ cái ngồi thì mình đứng dậy mình đi. 30 phút được thì mình thay đổi, tăng lên, còn chưa được thì chưa tăng lên, nó còn quên thì thôi con. Nó còn quên thì con tập cho nó đừng quên, rồi con tăng lên thì nó không quên, nó đi luôn được thì nó dễ. Nhất là 30 phút đầu tiên nó căn bản lắm, nó sơ sót cái là mình chết đó. Thời này con được, thời sau con không được là chưa được tăng đâu, nó phải đều đều nhau hết thì mới được.

6- CHỈ DẪN KINH NGHIỆM TU TẬP TRONG 4 OAI NGHI

(17:15) Tu sinh: Trong 4 cái tướng đó, nó đều đều là mình tăng phải không ạ?

Trưởng lão: Ờ mình tăng con! nó đều đó. Tức là mình điều khiển được không phải là do nó hứng, có khi nó hứng nó được có khi nó không được. Còn cái này mình điều khiển bằng phương pháp tác ý, cho nên Thầy dặn mấy con mình tác ý xong rồi mình mới vô.

Mình vô đó trong khi đó nó chưa chịu vô đâu, một lúc nó mới vô, mà nó vô thì nó an. An trú được thì là nó vô rồi đó. Lúc bấy giờ mình thấy hết giờ thì thôi. Mà mình cũng làm vậy sau đó cái thời gian vô nó nhanh hơn con. Mình tác ý xong rồi cái mình nương vào hơi thở mình có quan sát bốn chỗ Thân - Thọ - Tâm của mình, tức là mình quan sát cái thân của mình. Thì hơi cái là nó vô. Đầu tiên thì nó lâu hơn, lần lượt thì nó mau hơn, lần lượt mình tác ý rồi mình ngồi chút cái là nó vô, nó vô cái rồi nó an trú được liền.

Rồi thấy được vậy rồi, bắt đầu mấy con mới tăng lên, thay đổi oai nghi, tăng lên, cái này 30 phút cái kia 30 phút cho nó đều trong bốn oai nghi, thậm chí như nằm cũng phải nằm nữa, tới chừng tập nằm thì phải cảnh giác lắm chứ để không là nó ngủ đó.

Cả tập nằm nữa là bao gồm bốn oai nghi. Khi nào mình thật tỉnh mới dám nằm chứ mà nó còn lơ mơ thì chưa dám đâu, mà nằm vô là nó dễ đánh. Bởi vì mình muốn phá cái này mà nếu mình muốn phá cái tâm si của mình mà không nằm thì nó không lòi ra được đâu. Vậy cho nên mình càng cố gắng hơn trên cái vấn đề đó thì cuối cùng tham, sân, si mình ly hết. Nằm nó vẫn tỉnh!

Tu sinh: Thưa Trưởng lão! Trong khi mình đứng thì mình có cử động được không hay là mình chỉ đứng yên một chỗ

(18:53) Trưởng lão: Mình đứng yên một chỗ bất động đó con, cũng như ngồi, đúng rồi đó con. Cho nên tu bốn oai nghi: Đi, đứng, nằm, ngồi - Tứ Niệm Xứ đó, mà nó có một cái quan sát thôi. Nó đứng nó cũng quan sát tức là cái tâm không phóng giật. Cái chỗ đó là chỗ quan trọng. (Lúc nào nó cũng đứng trong cái hơi thở) Con đứng nó cũng ở trên hơi thở nó quan sát, con ngồi nó cũng quan sát, mà con đi thì nó cũng đứng ở trên hơi thở con nó quan sát, mà bước đi nó vẫn bước. Nó vẫn biết! Chóp bu của nó là cái hơi thở mà, nó đứng trên hơi thở, nó định trên hơi thở.

Tu sinh: Hồi tối mà con hành, con thấy trong thời gian đi mà bất động thì con thấy cảm thọ nó ra giống y hệt mình ngồi thì con mới nghĩ là do sự bất động của mình mà nó có…​ (Đó, vậy đó con)

Khi con ngồi con có thể xê dịch tầm mắt con tới lui được không thưa thầy?

(19:58) Trưởng lão: Được con! xê dịch nhưng mà ở trong này vẫn quan sát thì được, chứ mà con mất cái quan sát xê dịch cái nó mất đi thì không được.

Tu sinh: Xê dịch tới lui rồi qua lại vẫn được.

Trưởng lão: Vẫn được, nhưng con phải nhớ phải thấy được bốn chỗ Thân Thọ Tâm của mình, phải thấy cái tâm của mình còn quan sát chứ để mất là không được!

Tu sinh: Vậy con mở mắt, nhắm mắt có được không?

(20:20) Trưởng lão: Cũng được nữa, nhưng mà phải nói là mở mắt nhắm mắt phải cẩn thận lắm chứ không cái nó mất (quan sát) cái thân của con. Nó quên quan sát đó! Đừng có để mất cái chỗ mà bốn chỗ của mình là được, Có vậy thôi! Nó quên là không được! Nó luôn luôn phải thấy bốn chỗ đó; hít vô cũng thấy chỗ đó mà thở ra cũng thấy chỗ đó, mình nhìn chỗ khác cũng thấy chỗ đó, chứ nhìn chỗ khác mà thấy nó phóng theo cái nhìn của con thì không được. Lưu ý cái phần đó thì mấy con mới tu đúng

7- TRẢ LỜI VỀ CÁCH QUÁN TƯỚNG BẤT TỊNH

(20:54) Tu sinh: Bài làm về tướng bất tịnh, con đã đem ra cái tướng bất tịnh rồi mà không biết kể làm sao. Ví dụ như là tóc con không biết tả tóc như thế nào là bất tịnh. Con không biết đặt ra làm sao, rồi như móng tay. phân, nước tiểu thì dễ rồi, còn cái móng tay hay với tóc con không biết tả làm sao!

Trưởng lão: Cái đó nó thuộc về đất; Đất, Nước, Gió, Lửa đó. Móng tay mình nó thuộc về đất. Rồi cái tóc của mình cũng thuộc về đất; mấy cái vật có hình tướng sắc tướng của nó đó thì thuộc về đất. Còn nước thì nó thuộc về chất ướt nước, còn lửa thuộc về chất ấm nóng nhiệt lượng trong người của mình, còn gió là cái hơi thở ra vô. Thành ra cái đặc tướng, đặc tính của nó nằm ở trong đất, nước, gió, lửa hết. Bởi vì cái thân bất tịnh, cái thân tứ đại chứ có gì, bốn đại đó. Con dựa vào bốn đại mà con nói thì sẽ không trật cái chỗ nào hết. Con móc qua bốn đại con nói thôi thì nó không có sai. Phải nhớ bốn đại để nói về thân bất tịnh trong bốn đại chứ có cái cái gì khác.

Tu sinh: Cái bất tịnh nói thì dễ nhưng làm sao mà diễn tả không được!

Trưởng lão: Hiểu thì hiểu vậy, nói cho nó rõ ra thì nó khó. Nhưng mà nói bất tịnh thì phải nói làm sao cho người ta nghe nó thấy gớm quá thì mấy con nói đúng, nói hay. nghe nói bất tịnh mà thấy nó: “Ghê thiệt, ớn thiệt!” nói làm sao cho người ta thấy gớm cái thân quá thì đó là mình…​

Tu sinh: Con có thể nói những cái bên ngoài thân được không? hay chỉ nói trong thân thôi?

Trưởng lão: Cái thân con!

Tu sinh: Ngoài cái thân thì con nói những cái đồ ăn bất tịnh vẫn được chứ?

(22:57) Trưởng lão: Được, nhưng mà điều kiện (sắp) tới đây quán thực phẩm bất tịnh rồi, thấy cái thân bất tịnh rồi thì mới quán thực phẩm bất tịnh. Hai cái này nó sẽ đi đôi với nhau. Các con biết không? Bởi vì lấy cái bất tịnh này nuôi cái bất tịnh này cho nên vì vậy làm cho mình nhàm chán và không có thích cái ăn, nhàm chán cái sắc dục, làm cho nó gờm nhớm, thật ớn, tức là quán thân bất tịnh.

Tu sinh: Bây giờ con có thể con quán con nói là ví dụ khi mà tái sinh ở trong cái tử cung, con có thể nói cái đó có được không thưa Thầy?

Trưởng lão: Nói về bất tịnh ấy hả con? Đúng rồi, con nói được chứ, bởi vì một đứa bé nó nằm ở trong cái chất nhơ bẩn. Toàn bộ nó nằm ở trong cái phòng tối đen mà nó lại nhơ bẩn lắm, nước rồi những cái chất bất tịnh ghê gớm lắm. Con nói được chứ! Nghe nó nằm trong cái phòng nước nôi chứ không phải khô đâu, mà đứa bé phải nằm chịu đựng trong đó 9 tháng 10 ngày chứ đâu có ít, mà nằm trong cái chất bẩn dơ nữa chứ, mà phải chịu đựng trong suốt 9 tháng 10 ngày.

Cỡ mà bây giờ mình mà như vậy mà nhét vào cái nhà tường mà cho cái nước nhơ bẩn mà nhét mình vào trong đó, chắc tầm tiếng đồng hồ mình cũng chết, nó dơ mà nó hôi chứ không phải là nó dơ mà nó không hôi. Nó khó chịu lắm chứ. Mấy người nào mà có đi nhà bảo sanh thì biết, họ sanh thấy mà phát sợ. Người ta kêu là nước ối đó, nó tuôn ra thì đứa con nó mới ra, chứ đâu phải dễ đâu (nước ối đó). Nó bẩn ghê gớm lắm, Thầy nói cỡ mà con người của mình nhét nó chắc chừng tiếng đồng hồ, thế mà mình nằm ở trong đó 9 tháng 10 ngày rồi mới sinh mình ra, nó dơ lắm mấy con.

8- TRÌNH BÀY SỰ TU TẬP TRƯỚC MỌI NGƯỜI CÓ ĐÚNG KHÔNG?

(24:52) Tu sinh: Kính thưa Trưởng lão! Ví dụ như ở phía sau, có bài kệ trên bia đá: “Khi mình được những công đức gì thì nên che giấu”. Thứ hai nữa là: “Khi mình có những lỗi lầm gì thì phải xin phát lồ sám hối”, đó là trên bia đá. Còn trong quyển Thiền Căn Bản, Trưởng lão cũng có nói là: “Khi mình thưa hỏi thì phải thưa hỏi riêng, để sự tu tập của mình không nói cho người ta biết”.

Nhưng còn ở đây trong thời gian như vầy thì mình thưa hỏi những câu hỏi cá nhân của mình, người ta biết hết thì như vậy có chướng ngại không

(25:38) Trưởng lão: Nói chung là mình tự khoe thì bản ngã mình lớn. Còn ví dụ như bây giờ Thầy thấy cái bài của mấy con làm rất hay, để chung cho mọi người cùng đọc và nương vào chỗ đó, để mà lấy kinh nghiệm đó mà quan sát, nhất là cái Định Vô Lậu. Có nhiều khi có cái chỗ mình không có hiểu, mà nhờ những người có đọc sách đọc kinh, có nhiều khi mình nghiên cứu chưa hết đâu, cho nên nhờ đó mà mình thấy mình nghe được cái bài thì mình thấy mình hiểu thêm thì rất là lợi ích.

Nhưng mà tội là cái người mà được đọc lên, thì cái ngã của họ cũng lớn theo, cho nên vì vậy có Thầy thì Thầy biết cái cách thức. Cho nên khi đọc thì Thầy sống bên họ Thầy cố gắng khắc phục. Khi mình biết thì mình áp dụng. Để không mình nói mà mình làm không được thì mình xấu hổ lắm. Làm cho cái người nói được họ phải nỗ lực, họ ráng, cho nên nó không lỗi. Chứ mà con tự mà con nói: “Tôi tu được cái này cái kia”.

Ý bài kinh đức Phật dạy mình tu mình có được cái gì mà mình khoe là mình chết, tức là cái ngã của mình đó. Còn cái này tự Thầy đưa ra. Còn cái này mấy con trình bày lại cái sự tu học xem có đúng hay sai để mà Thầy ấn chứng cho mấy con xem tu vậy đúng hay sai. Cũng như nãy giờ mấy con trình bày không có nghĩa là tự mấy con khoe mà hỏi xem, mình đang nghĩ: “không biết mình tu như thế này có được không? Mình tăng vậy có được không? ” Hỏi Thầy để Thầy xác định: “À, Như vậy là được” thì mình biết mình về.

Chứ sự thật mình chưa có cái gì hết đâu, mình mới tu nên chưa có sao. Nhưng coi thử coi, thăm dò hỏi thử coi, Thầy chỉ là người biết, đi con đường đó Thầy đi trước rồi. Cái nào đúng cái nào sai thì Thầy biết, Thầy mới dạy các con kỹ lưỡng và đồng thời cùng chung nhau để hỏi, mấy con rút tỉa kinh nghiệm của nhau. Nó đỡ lắm mấy con. nó không có trở ngại. Còn nếu con tự con nói “Bây giờ tôi tu được cái này cái kia” coi chừng cái ngã của con, cái này là nguy hiểm lắm. Nên ý của đức Phật là cấm không được nói, khi mình tu được cũng không được nói. Nhưng mà mình hỏi để mình tụ tập trao đổi kinh nghiệm, nghe người này hỏi thì người kia chưa biết nhưng họ rút tỉa kinh nghiệm đó khi họ tu thì họ dễ dàng hơn. Cái đó không sao! Trong cái lớp học thì vậy.

(27:52) Nhưng mà đi ra nói chuyện với bạn “Tôi tu bữa nay được như vậy như vậy, hôm nay tôi thấy hào quang ánh sáng” cái đó là chết con đó. Thầy cấm!

Hết rồi hả con? Con ra, con!

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy