00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

LCK 047B (NAM) - ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN - NHÂN QUẢ (ĐỌC BÀI NGUYÊN THANH)

LCK 047B (NAM) - ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN - NHÂN QUẢ (ĐỌC BÀI NGUYÊN THANH)

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu sinh (nam)

Thời gian: 02/01/2006

Thời lượng: [54:08]

1- HƯỚNG DẪN VIẾT SÁCH ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN - NHÂN QUẢ

(00:00) Trưởng lão: Để tiếp tục, các thầy và quý cư sĩ sẽ soạn thảo và viết cái bộ sách Đạo Đức Nhân Bản để nhuận cho đúng cách, không làm sai. Cho nên cái cách mà Thầy hướng dẫn trong khi có Nguyên Thanh đã làm và đã đánh trên vi tính và đồng thời đưa ra Thầy in ra, tức là nó đánh trên vi tính riêng của nó rồi nó đưa ra. Cho nên hôm qua, Thầy có hướng dẫn bên nữ theo cách thức này cho nó rõ ràng.

Đây, các con thấy vào cái đầu, đề tựa của nó là "Lời Đầu Sách". Nghĩa là bắt đầu chúng ta viết bộ sách, tức là cái giáo trình học đạo đức của chúng ta rồi đó. Nghĩa là chúng ta viết đạo đức nhân bản là cái bộ sách Đạo Đức để dạy. Vì vậy mà dựa vào cái nhân quả, dựa vào các pháp vô thường chúng ta được học thì chúng ta sẽ viết thành cái bộ sách Đạo Đức Nhân Bản - Nhân Quả. Đó, thì chúng ta thấy đây là cái tựa đề - cái bài của nó cái tựa đề, rồi kế tới, chứ không có phải viết lu bù.

Rồi bắt đầu cái tựa đề giới thiệu rồi thì tới cái bài giới thiệu ba nơi xuất phát đạo đức nhân bản. Cái tựa đề, dưới này là cái bài, ở trên là cái tựa đề, rồi bắt đầu nó đi lần lượt - bây giờ hết cái giới thiệu rồi thì bắt đầu tới nói về đạo đức.

Thì chúng ta thấy cái tựa đề: "Đức Từ Bỏ Lấy Của Không Cho". Nó không có còn theo cái thứ tự bắt đầu đó - như mình phải nói theo cái Thập Thiện: phải Đức Hiếu Sinh, rồi mới Đức Từ Bỏ Lấy Của Không Cho, mới nói đến Đức Chung Thủy hoặc là nói Đức Tịnh Hạnh (cái hạnh thanh tịnh không dâm dục đó). Thì cái đó mình đặt cái tên cho nó hợp, còn đây là Đức Từ Bỏ Lấy Của Không Cho.

Đó, thì chúng ta thấy lần lượt những cái đức nó sẽ ra đời để dạy cho chúng ta biết được cái đức như thế nào? Bởi vì đạo đức thì phải nói về cái đức!

(02:08) Rồi bây giờ đây là 1 cái đức nữa: đức Không Giận Hờn. Cái người mà không giận hờn thì có cái Đức Không Giận Hờn chứ, đó là cái đức nữa! Do đó chúng ta thấy lần lượt nó có những cái đức nó ra đời mà nó nói quanh ở trong cái nhân bản - nhân quả của nó thôi, nó không có ra khỏi cái con người của nó.

Bây giờ tới cái Đức Sáng Suốt - Đức Minh Mẫn đó! Rồi bắt đầu các con thấy, đó là mới mấy cái đức rồi đó, mà chỉ có mấy trang đó.

Rồi bây giờ Đức Thanh Tịnh - Đức Thanh Tịnh tức là đức không dâm dục đó! Cái người mà còn dâm dục là không thanh tịnh mấy con, còn cái người mà giữ gìn được cái đức thanh tịnh là không có dâm dục - tức là Vô Sắc Dục, tức là Đức Thanh Tịnh.

Khi nói hết mấy cái đức đó rồi thì tới Đức Ngôn Ngữ Thành Thật mấy con. Đức Ngôn Ngữ Thành Thật tức là không nói dối đó! Cái người mà không nói dối - cái lời nói, cho nên thêm cái chữ Đức Ngôn Ngữ Thành Thật; cái ngôn ngữ không thành thật là ngôn ngữ nói dối; nói hết về cái ngôn ngữ thành thật.

Rồi đây tới Đức Hiếu Sinh mấy con, tức là lòng thương yêu sự sống của chúng ta đối với muôn loài - gọi là Đức Hiếu Sinh.

Nó lần lượt, cái đức nó sẽ phơi bày ra hết, những cái hành động đó để nhắc nhở chúng ta biết cái đó là cái hành động đạo đức; còn cái hành động mà không đạo đức nó sẽ làm khổ mình, khổ người.

(04:08) Đây tới 1 cái đức, cái đức này, đức Từ Bỏ Lấy Của Không Cho. Rồi bắt đầu, đó là mấy cái đức nó làm hết xong rồi đó thì tới cái kết luận của nó. Là tại vì ngày hôm qua là ngày Thầy đã 80 tuổi, nghĩa là cái ngày 1 tháng Giêng, tức là ngày mà Thầy đã 80 tuổi rồi, thì cuối cùng nó chỉ làm cái bài để dâng lên để kính mừng tuổi của Thầy thôi chứ không có gì! Nhưng mà đạo đức không phải chỉ có bấy nhiêu đâu, không phải chỉ có một trăm mấy chục trang này đâu. Nó còn nhiều lắm, cả ngàn trang lận, chúng ta sẽ tiếp tục viết thêm cái đạo đức đó!

Thì chúng ta thấy rằng cái sự phân ra từng đạo đức như vậy. Vậy thì bây giờ chúng ta nghe qua một lần, bây giờ ai đọc một vài đoạn thôi đừng đọc nhiều bởi vì chúng ta không có thì giờ. Vậy thì có ai đọc giùm mấy con?

Đây, chữ này dễ đọc lắm, không khó đâu! Ai đọc được đọc giùm Thầy coi, ai đọc được con?

Con đọc đi con!

Con đọc Lời Đầu Sách, Lời Giới Thiệu, rồi đọc 1 cái lời đạo đức thôi! Đọc chút ít để chúng ta thấy được cái sự trình bày của Nguyên Thanh!

Nguyên Thanh chẳng qua chỉ là con người nhớ! Thầy xin nhắc lại cho mấy con biết Nguyên Thanh có cái đầu óc nhớ như Thầy Thông Uyển (tức là thầy Chân Quang). Mà trước kia thầy Chân Quang về đây ở với Thầy 1 năm - Thầy biết con người này có tài, mà Thầy không giữ được! Cho nên bây giờ Thầy Chân Quang tổ chức 1 cái chùa rất lớn và Phật tử rất đông - kinh khủng lắm chứ không phải không! Nếu mà thầy Chân Quang được đào luyện thầy trở thành tu sĩ tu chứng hẳn hòi hoàn toàn thì thầy Chân Quang đem lại lợi ích rất lớn cho mọi người!

Ngày xưa, Thầy hy vọng thầy Chân Quang là cái ngòi bút của Thầy - Thầy không bao giờ viết vì Thầy không cầu danh ở trên sách vở; Thầy giao phó hết cái sự viết cho thầy Chân Quang, Thầy quyết định đào tạo thầy Chân Quang nhưng cái duyên nó không đủ. Vì vậy mà cuối cùng thầy Chân Quang chỉ đứng ra 1 góc độ, bây giờ thầy Chân Quang dẫn dắt người ta rất đông nhưng đi đến cái chỗ mê tín rất là khổ và đồng thời phá giới. Thầy thấy rất đau lòng mấy con! Không phải là 1 chuyện dễ!

(06:34) Mà Nguyên Thanh bây giờ có khả năng như thầy Thông Uyển - nhớ dai. Mấy con nghe qua những bài đọc của Nguyên Thanh chứ gì - cả 1 cái đầu óc tích tập tất cả những sách vở; nghĩa là đọc đâu nhớ đó, mà nhớ rất kỹ! Do đó nếu mà Thầy không khéo léo thì Nguyên Thanh sẽ đứng 1 góc trời và từ đó cũng là 1 cái tai hại cho những người khác, chứ không phải dễ!

Cho nên cố gắng đào tạo làm sao cho được những cái người có tài này, để họ đem lại cái chánh pháp của Phật thì nó lợi ích rất lớn cho người khác. Coi vậy chứ không phải dễ đâu mấy con!

Thầy Thông Uyển khi mà thầy về Chơn Không. Cái đầu óc của thầy Thông Uyển rất hay, là cái chỗ như cái máy cát sét mấy con! Ai nói rồi - nói trở lại không sai 1 chữ, đó là những cái đặc biệt của thầy Chân Quang bây giờ.

Thầy nói thật sự hồi đó còn nhỏ, thầy ở trên Chơn Không, ở Thường Chiếu, khi mà Thầy về nói rồi, thầy (Thông Uyển) nói lại vanh vách những cái gì nói qua rồi - thầy nói lại không sai! Cho nên cái cuốn Cuối Hàng Dương, Người Chiến Thắng đều là do thầy Thông Uyển ghi lại.

Đó, thì những người có cái đặc biệt có cái đầu óc nhớ dai và cũng có cái khả năng thì mấy con nên đọc lại coi Nguyên Thanh - cái đầu óc mà nghị luận như vậy Thầy thấy nó cũng có khả năng lắm rồi! Nhưng mà điều kiện phải làm sao hướng dẫn tu cho đạt được để đem lại cái sự lợi ích lớn cho mọi người. Thầy biết nếu mà không giúp đỡ Nguyên Thanh, không an ủi được nó thì nó sẽ đứng qua 1 cái góc khác chứ không thể nào khác. Mà 1 cái góc khác thì Phật pháp nó sẽ lệch mất đi!

Cho nên con đọc đi để cho các thầy nghe 1 cái đoạn của nó. Và đồng thời cái viết của nó mấy con thấy Thầy chỉ hướng dẫn nói chung chung thôi mà nó viết rõ ràng, cụ thể. Nghĩa là y như Thầy đã viết, các con thấy, đó là cách thức nhớ dai, biết cách. Con đọc đi!

2- ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN - NHÂN QUẢ (ĐỌC BÀI NGUYÊN THANH)

(08:37) Tu sinh:

“ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN

Lời Đầu Sách

Một gia đình luôn luôn hòa thuận, vui vầy; 1 thôn xóm quanh năm an cư lạc nghiệp; 1 quốc gia đồng tâm nhất trí; 1 thế giới hòa bình, thịnh trị. Đó là hoài bão tha thiết của con người từ khi biết đau khổ và ước mơ.

Nhưng khổ thay! Hoài bão ấy đã mấy lần được thực hiện? Khi nói đến 1 phạm vi nho nhỏ như gia đình chẳng hạn sự hòa thuận, tin yêu, vui vẻ, sự kính trên nhường dưới, sự đồng tâm đồng chí cũng là 1 điều khó khăn, ít khi được thực hiện.

Và gia đình càng bất hòa, thôn xóm càng rối loạn, quốc gia càng chia năm xẻ bảy. Thế giới càng bất an, giặc giã càng tung hoành thì lòng người lại càng khao khát được học nền đạo đức làm người.

Đạo đức nhân bản - nhân quả là một nền tảng luân lý mà con người cần phải học tập. Là một môn học đạo đức hay nhất và tuyệt vời nhất rất cần thiết cho đời sống tâm linh của loài người. Trong mỗi thời đại và nhất là trong thời đại văn minh phát triển công nghiệp hiện đại hóa. Vì thế, đạo đức rất quan trọng cho cuộc sống của chúng ta!

(10:05) Nhưng đạo đức là gì?

Từ xưa đến nay, người ta đã nói rất nhiều về đạo đức. Nói đến đạo đức là nói đến phẩm cách con người đối xử với nhau có tình có nghĩa, có những hành động cao đẹp và cao thượng v.v…​

Nhờ đó con người mới có khác hơn loài cầm thú; nhờ đó con người thoát ra khỏi bản năng hung dữ, ác độc của loài động vật; nhờ đó con người mới trở nên những bậc Hiền nhân, Thánh triết; nhờ đó con người mới có những năng lực màu nhiệm làm chủ được SANH - GIÀ - BỆNH - CHẾT và trở thành 1 bậc Thánh A La Hán - tâm vô lậu giải thoát hoàn toàn.

Nói về đạo đức, chúng ta đã biết Việt Nam và Trung Hoa được truyền thừa nền đạo đức Khổng - Mạnh. Đạo đức Khổng - Mạnh gồm có Tam Cang Ngũ Thường.

Tam Cang gồm có: Quân thần cang, Phụ tử cang, Phu thê cang.

Ngũ Thường gồm có: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

Đạo đức này đưa ra để dạy cho con người nhằm mục đích bắt buộc phải tuân thủ theo trật tự tôn ti của giai cấp chế độ phong kiến, biến con người thành công cụ để phục vụ cho Vua Chúa: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”.

Ở đây, chúng tôi không muốn nói đến thứ đạo đức phong kiến này, mà nói đến một thứ “đạo đức bình đẳng” mà mọi người rất cần thiết như cơm ăn, như nước uống, như áo mặc và như hơi thở. Vậy, đạo đức này thuộc về đạo đức gì?

Kính thưa các bạn! Chúng tôi muốn nói đến đạo đức này - chứ không phải nói đến đạo đức Tam Cang, Ngũ Thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, mà chúng tôi đã nói ở trên hay bất cứ một thứ đạo đức nào khác như đạo đức tộc họ của gia đình; đạo đức phong tục tập quán của mỗi dân tộc, của một xứ sở quê hương, của một đất nước hay là những thứ đạo đức mơ hồ, trừu tượng của các tôn giáo từ xưa đến nay - mà chúng tôi nói đến đạo đức thường xuất phát nơi những hành động sống hằng ngày của các bạn, mà các bạn thường trực tiếp lắng nghe và tiếp xúc với mọi người, mọi việc làm, mọi đối tượng và mọi pháp v.v…​​

(12:24) Đạo đức này xuất phát từ những hành động thân, miệng, ý của các bạn. Hành động thân, miệng, ý của các bạn khi xuất phát sẽ không làm khổ mình, khổ người - đó là ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN - NHÂN QUẢ mà trên đời này ai cũng cần phải học hỏi và hiểu biết! Vì nó là chính hành động sống của các bạn hằng ngày đem đến sự an vui cho các bạn và mọi người, mọi vật xung quanh các bạn.

Nếu các bạn không học, không hiểu đạo đức nhân bản - nhân quả làm người, vô tình những hành động của các bạn, các bạn sẽ làm khổ mình, khổ người, khổ cho muôn loài vật khác. Và như vậy, các bạn là người thiếu đạo đức!

Nói thiếu đạo đức là nói 1 cách nhẹ nhàng đối với các bạn, nếu không nói như vậy thì sẽ nói thẳng rằng các bạn là một người vô đạo đức! Có nghĩa là vô đạo đức đối với mình, đối với mọi người và cũng như đối với tất cả mọi loài chúng sanh.

Đạo đức này không bắt buộc chúng ta phải phục vụ cho một giai cấp nào, cho một chế độ nào hay cho một hệ tư tưởng nào và cá nhân nào. Đạo đức này là một thứ đạo đức bình đẳng, luôn luôn phục vụ cho sự sống của muôn loài trên hành tinh này - không phân biệt màu da, thứ tóc; không phân biệt chủng tộc, tổ quốc, quê hương hay đất nước riêng biệt nào cả.

Đạo đức này dạy con người không những thương con người, mà còn biết thương yêu các loài động vật mà ngay cả cỏ cây. Đạo đức này nó sẽ mang đến cho muôn loài một sự bình an.

Thiếu đạo đức nhân bản làm người các bạn không bao giờ thoát ra khỏi bản chất của loài thú vật. Vì con người cũng là một loài động vật như bao nhiêu loài động vật khác trên hành tinh này. Con người chỉ hơn các loài động vật khác là nhờ có trí tuệ thông minh, biết phân biệt phải - trái, trắng - đen, tốt - xấu…​​ biết xấu hổ, biết sửa đổi và biết triển khai trí tuệ ấy để có những hành động không làm khổ mình, khổ người và làm khổ tất cả muôn loài có sự sống khác. Do đó, con người vượt hơn muôn loài vật khác vì biết ngăn chặn những thú tính trong tâm mình, biết tạo những hành động yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, biết chia sẻ ngọt bùi, cay đắng v. v…​​

Một người không có đạo đức nhân bản thì họ phải chịu đầy rẫy những sự khổ đau dù họ là Vua Chúa, quan to, chức lớn hoặc những nhà tỷ phú giàu nhất thế giới hoặc là những nhà bác học, bác sĩ, văn nghệ sĩ, thi sĩ, v. v…​ đều chịu chung số phận đau khổ, bất an, bất toại nguyện v. v…​

Một người nghèo cùng - cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc - nhưng nếu họ sống có đạo đức nhân bản thì họ cũng vẫn thấy an vui, thanh thản, không bao giờ ai làm phiền lòng họ được dù trước cảnh nghèo cực. Do vậy, một người muốn đi tìm chân hạnh phúc thì phải tìm ngay nơi mình 1 đạo đức nhân bản, sống biết cách không làm khổ mình, khổ người thì đó là chân hạnh phúc của cuộc đời.

(15:35) Giới thiệu ba nơi xuất phát đạo đức Nhân Bản.

Một người biết sống đúng đạo đức nhân bản - nhân quả thì phải đề cao cảnh giác 3 nơi trong thân của chúng ta:

1- Ý thức

2- Miệng

3- Thân.

Ba nơi này xuất phát đạo đức nhân bản. Đó là nơi hoạt động trên cơ thể của con người, quyết định được sự khổ vui của đời người.

Ý thức gồm có ba hành động thiện:

  1. Tham: tức là lòng không ham muốn.

  2. Sân: tức là lòng không giận hờn.

  3. Si mê: là tâm không mê mờ, không có hiểu biết - tâm rất sáng suốt.

Miệng lưỡi gồm có 4 hành động thiện:

  1. Lời nói không thật.

  2. Nói lời không thêu dệt.

  3. Nói lời không chia rẽ.

  4. Nói lời hiền lành.

Thân gồm có 3 hành động thiện:

  1. Không giết hại chúng sanh, không ăn thịt chúng sanh.

  2. Không trộm cắp, cướp giật của người khác.

  3. Không dâm dục.

Từ những hành động thiện này sinh ra vô lượng những hành động thiện khác và cứ như thế tiếp diễn mãi nên gọi đó là các pháp "trùng trùng duyên khởi" và "trùng trùng duyên sanh".

Chính bởi các thiện pháp nên sự sống trên hành tinh này rất an ổn như: không thiên tai, không có động đất, không có lũ lụt, không có sóng thần, không có núi lửa, không có chiến tranh, mưa gió thuận hòa, sâu rệp không có phá hại mùa màng v. v…​

(17:05) Tại sao lại gọi là Đạo Đức Nhân Bản - Nhân Quả?

Vì mỗi hành động thân - miệng - ý của chúng ta khởi ra là nhân, thì tiếp ngay sau đó liền có sự thọ chịu khổ hay vui là quả:

Ví dụ: khi chúng ta nói: “Mày là đồ chó, đồ trâu ngựa!” thì nói như vậy là “nhân”. Người bị mắng như vậy sẽ tức giận là “quả”. Khi tức giận như vậy, người ta sẽ chửi mắng lại hoặc đánh chúng ta là “nhân”, chúng ta bị chửi mắng lại hoặc bị đánh là “quả” - tức là thọ chịu sự đau khổ của sự mắng chửi hoặc bị đánh.

Còn nếu chúng ta không nói lời thô ác đó, thì nhân không có nên quả cũng không.

Tại sao gọi là Nhân Bản?

Vì hành động thân - miệng - ý của con người tạo ra nên gọi là Nhân Bản, tức là những hành động gốc nơi thân người.

Đạo đức Nhân Bản - Nhân Quả là nói lên những hành động của con người không làm khổ mình, khổ người. Hành động không làm khổ mình, khổ người là những hành động sống hằng ngày của con người đối xử với nhau, nó rộng rãi bao la và vô lượng vô biên không thể nghĩ lường được, không thể nói hết được…​​ Tùy trường hợp, tuỳ hoàn cảnh xảy ra - muôn vạn hình thái khác nhau, nhưng không ngoài thiện và ác.

ĐỨC PHẬT CHÚNG TA TUYÊN BỐ ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN CÁCH ĐÂY HƠN 2549 NĂM NHƯNG ĐẾN NAY VẪN MANG ĐẦY ĐỦ TẤT CẢ NHỮNG GIÁ TRỊ HIỆN THỰC CỦA NÓ.

Chân lý đó là: “Sống đạo đức là sống an lạc và hạnh phúc”.

Đức Phật còn nói cụ thể nữa: “Các người siêng năng tu tập các điều thiện; nhờ tu tập điều thiện mà được mạnh khỏe, sống lâu dài, nhan sắc thắm tươi, sống yên ổn, vui vẻ, của cải dồi dào, uy tín đầy đủ”.(Kinh Trường A Hàm - Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Tu Hành)

Đối với chúng ta những người Phật tử xuất gia hay tại gia, tu tập điều thiện chính là giữ giới.

Đối với tại gia là giữ 5 giới; và đối với người xuất gia là giữ 10 giới, 250 giới hay hơn nữa.

Nhưng đối với toàn thể những người Phật tử tại gia hay xuất gia: 10 điều thiện là căn bản nhất - là mức đạo đức nhân bản tối thiểu của 1 con người. Dù là Phật tử hay không - sống xứng đáng là một con người có nhân cách, có nhân phẩm.

Mười điều thiện của Phật giáo là chuẩn mực đạo đức cho loài người nói chung, có giá trị phổ biến của chúng, giá trị toàn cầu của chúng được các nhà đạo đức triết học, xã hội học trên thế giới công nhận.

Đáng chú ý nhất là sự đánh giá của A-lét-ten Ê-sơ-mon - nhà Ấn Độ học người Đức, ông viết: “Đức Phật đã sáng tạo ra một nền đạo đức nhân bản, là người giúp nội tâm hoàn thiện nhất. Và trong lĩnh vực này, đức Phật đã nói lên những chân lý đạo đức có giá trị bất hủ, nền đạo đức không phải của riêng đất nước Ấn Độ mà của cả loài người nói chung. Đức Phật là 1 trong những nhà đạo đức học vĩ đại nhất, kỳ tài nhất mà thế giới có được!”.

Đức Phật giải thích về lợi ích sống theo mười điều thiện như vậy. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu xem nội dung của mười điều thiện như thế nào, và những con người sống trong thời hiện đại này nên nhận thức mười điều thiện như thế nào?

(20:40) Đức Từ Bỏ Lấy Của Không Cho

Đức Phật luôn răn dạy con người không nên coi thường những hành động thiện hay ác, dù là nhỏ nhặt. Cũng như 1 đốm lửa nhỏ có thể đốt cháy đống rơm cao như núi. Như giọt nước mãi rồi cũng làm bình lớn đầy tràn!

Kinh Pháp Cú có bài kệ rất hay:

“Chớ chê khinh điều ác

Cho rằng chưa đến mình

Như nước nhỏ từng giọt

Rồi bình cũng đầy tràn

Người ngu chứa đầy ác

Do chất chứa lần lần”

Chớ chê khinh điều thiện

Cho rằng chưa đến mình

Như nước nhỏ từng giọt

Rồi bình cũng đầy tràn

Người trí chứa đầy thiện

Do chất chứa dần dần”

Thiện hay ác không dễ dàng đến với mình nếu không do sự tích lũy dần dần. Trong cuộc sống, một cuộc đời chứa đầy ác ấy là do thái độ xem thường của con người đối với các việc nhỏ nhặt được tích lũy lâu ngày trong cuộc sống.

Tương tự, người Phật tử chứa đầy thiện đấy là do thái độ biết trân trọng các điều thiện dù rất nhỏ, được nuôi dưỡng lâu dần trong nếp sống làm lành.

Tính cách thực tiễn của bài kinh khiến cho chúng ta tin tưởng rằng lời dạy của đức Phật không phải để dành riêng cho ai mà dành cho tất cả mọi người, cho những ai biết trân trọng và tìm thấy lợi ích hạnh phúc trong nếp sống có đạo đức giải thoát. Đạo đức được đề bạt trong bài kinh là thiết thực và dễ dàng liên quan đến đời sống hàng ngày của con người - lời nói, suy tư và hành động - do đó mọi người đều có thể ứng dụng.

SAU CÙNG, VÀ CŨNG LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG HƠN CẢ: LÀ VIỆC ỨNG DỤNG BÀI KINH VÀO CUỘC SỐNG HÀNG NGÀY CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ. BÀI KINH NÓI VỀ NẾP SỐNG THIỆN, NẾP SỐNG ĐẠO ĐỨC. NHƯNG ĐẠO ĐỨC KHÔNG CÓ Ở TRONG BÀI KINH - ĐẠO ĐỨC CHỈ CÓ Ở NHỮNG NƠI NGƯỜI CHUYÊN TÂM THỰC HÀNH NHỮNG LỜI KINH DẠY. DO ĐÓ, GIẢNG - NÓI VỀ ĐẠO ĐỨC LÀ CẦN THIẾT; NHƯNG QUAN TRỌNG HƠN, VẪN LÀ SỐNG 1 NẾP SỐNG ĐẠO ĐỨC THỰC SỰ, VỚI SỰ XEM XÉT VÀ PHẢN TỈNH THƯỜNG XUYÊN VỀ 3 NƠI THÂN - KHẨU - Ý CỦA MÌNH.

Chúng tôi giới thiệu đến các bạn về mẩu chuyện đạo đức Từ Bỏ Lấy Của Không Cho. Với giải pháp đạo đức thực tiễn, có thể nắm ứng dụng dễ dàng vào đời sống hàng ngày của mỗi Phật tử chúng ta.

(23:15) Có một người tính tình hiền lành, chất phác, đôn hậu, nhà nghèo lắm! Mỗi sáng, anh ta phải lên rừng đốn củi đem ra chợ bán. Hôm đó, mẹ của anh đang bệnh nặng mà tiền bạc trong nhà thì chẳng có là bao, cho nên rất lo lắng!

Sáng sớm, anh lên rừng đốn củi rồi cố gắng chặt được một gánh củi ở rừng về, anh liền ghé vào chợ để bán rồi mua thuốc cho mẹ. Thì bỗng dưng, có tiếng kêu la “cướp…​!”. Rồi tiếng chân chạy đuổi theo về phía anh. Có một tên trộm giật túi tiền của một bà lão; bị phát hiện, tên cướp vội bỏ chạy; hắn ta liền giấu túi tiền vào bụi cây ở sau đống rơm gần ở chỗ anh đang ngồi xếp củi, rồi tên trộm chạy mất.

Bà lão bị xô ngã, nằm lăn trên đất, khóc lóc thảm thiết. Lúc ấy, trong lòng anh xôn xao. Anh thấy tên trộm giấu túi tiền vào bụi cây gần chỗ anh ngồi; mà giờ này anh đang rất cần tiền mua thuốc cho mẹ, anh muốn lấy số tiền đó nhưng nghĩ tới nghĩ lui, lương tâm anh khiển trách - không cho phép làm điều ấy!

Bên kia đường, bà lão đang ngồi khóc. Bà lão bị tên cướp xô ngã nên bị trật khớp, không đứng dậy nổi. Tư tưởng anh đang tranh đấu giữa không lấy và cái phải lấy - nhìn sang bên kia đường thấy bà lão ngồi khóc, lòng anh nôn nao khó tả, anh nghĩ đến mẹ giờ này đang nằm trên giường bệnh thở thoi thóp trông ngóng anh về. Nhìn bà lão mà lòng anh thương xót! Anh nghĩ: “Bà lão cũng như mẹ mình, mất của thì cũng như đang có bệnh vậy. Tội nghiệp bà lão ngồi khóc!”.

Nghĩ đến chừng đó thôi, anh liền đi sang đỡ bà lão dậy rồi nhìn sang bụi cây sau đống rơm, lấy túi tiền mà tên cướp đã giấu ở đó trả lại cho bà lão.

Vui mừng vì nhận được của bị mất, bà lão mừng rối rít cảm ơn anh. Cầm túi tiền trên tay, cảm động vì nghĩa cử của anh, bà lão mời anh về nhà để cảm tạ, rồi hỏi gia đình anh ra sao? Anh thật thà kể lại nỗi khổ tâm trong lòng mình vì thương mẹ đang bệnh nặng mà lúc ban đầu anh có ý muốn lấy túi tiền đó để mua thuốc cho mẹ; nhưng lương tâm anh cắn rứt không yên khi thấy bà lão ngồi khóc và anh quyết định trả lại túi tiền đó cho bà lão.

Nghe anh kể đến như vậy bà lão càng thương mến và quý trọng anh hơn! Cảm kích vì tấm lòng chân thật của anh, bà lão đã giúp cho anh 1 số tiền lớn để anh chữa bệnh, chữa căn bệnh hiểm nghèo của mẹ. Rồi giới thiệu anh cho 1 người cháu của mình là quan tể tướng Đổng Tấn.

Ngưỡng mộ vì những việc của chàng trai nghèo trung thực, tể tướng Đổng Tấn giúp anh học hành đến nơi đến chốn. Sau này, chàng trai nghèo khổ không tham lam đó đã trở thành 1 trong những Tiến sĩ đứng đầu trong 8 tác phẩm gia lớn đời Đường Tống. Người đó chính là học sĩ Hàn Vũ Lễ Bộ Thượng Thư đời Đường - Tống.

Vì không tham lam nên anh đã chiến thắng được mình, anh đem trả lại cho người bị mất. Những hành động của anh làm cho bà lão thương mến, tin cậy và chính nguyên nhân này đã đưa tới kết quả làm anh thay đổi cuộc đời nghèo khó của chính anh.

(26:41) Như các bạn đã biết, những nguyên nhân của đau khổ và rối loạn không ở đâu khác hơn là giữa lòng người. Nguyên nhân của sự đau khổ là sự tham lam, chúng ta tham lam nhiều thứ: tham ăn, tham ngủ, tham danh, tham lợi và tham sắc.

Tham ăn, tham ngủ tất nhiên sẽ gây ra nhiều tệ hại nhưng những tệ hại ấy chỉ hạn cuộc trong phạm vi của cá nhân thôi. Tham danh có hại nhiều hơn nhưng cũng chưa nguy hại bằng tham lợi và tham sắc - 2 món này có sức mạnh phá hoại gia đình và xã hội không nhỏ!

Chúng ta hãy nói đến trước, sự tham lợi

Có phải không? Từ xưa đến nay, loài người đều sống trong sự tranh chấp quyền lợi từ trong phạm vi nhỏ hẹp như gia đình, xóm giềng, làng mạc cho đến phạm vi rộng lớn như quốc gia, xã hội, quốc tế. Mọi người, mọi dân tộc đều chạy theo danh lợi.

Vì tranh nhau một trái cà, trái ổi mà hai người láng giềng phải dùng đến quả thoi, cái đá. Vì tranh nhau một miếng vườn, sào ruộng mà hai gia đình thù nhau, tìm cách hại nhau từ đời cha, đời con, cho đến đời cháu. Vì tranh một dòng sông, một trái núi, một cửa biển, một mỏ dầu mà dân hai nước đem nhau ra chiến trường - quyết một còn một mất. Và cũng vì tranh nhau chiến trường thuộc địa mà hai trận thế chiến rùng rợn đã xảy ra và đã làm mồi cho tử thần hàng trăm triệu sinh linh.

Nhất là trong giai đoạn hiện nay quyền lợi ám ảnh con người một cách khủng khiếp, khiến cho bất luận nghĩ một điều gì, nói một điều gì hay làm một điều gì người ta cũng tự hỏi trước tiên có lợi hay không? Người ta đo cái giá trị, cái khả năng của một con người với số lợi tức mà người ta kiếm được. Với cái ô tô, với cái nhà lầu, cái gia tài mà người ấy đã tạo ra.

(28:38) Nhưng người ta đã tạo ra tài lợi bằng những phương tiện nào đó cũng là một vấn đề cần xét lại. Con người đã tạo ra gia tài, sự nghiệp với mồ hôi nước mắt, với tài trí của mình, với những hạng người làm ăn lương thiện này chúng ta thấy không có gì đáng trách. Trái lại, còn quý mến hơn nữa là khác. Nhưng bên cạnh những hạng người này, chung quanh những người này còn có bao nhiêu là người khác vì quyền lợi làm mờ mắt nên không từ khước một mưu mô gì, một thủ đoạn gì để thu hút tài lợi về mình.

Trong phạm vi cá nhân đối với nhau: họ dùng mưu mô để lường gạt nhau, dùng sức mạnh để khuynh loát nhau; họ bóp chẹt nhau trong cơn túng thiếu - cho vay nặng lãi, làm chợ đen, cân non - đong thiếu, đổi xấu lấy tốt; họ bày cờ gian bạc lận, gài bẫy những kẻ dại khờ; và nếu không còn mưu chước gì khác - họ dám trèo tường, khoét vách, mở rương, cạy tủ; hay đáng sợ hơn nữa: đón đường, chận ngõ, bày trò cướp giật.

Trong phạm vi quốc tế: nước mạnh tìm cách khuynh loát nước yếu. Hôm nay họ xâm phạm biên giới, ngày mai đem máy bay xâm phạm không phận, ngày kia thì chặn bắt 1 chiếc tàu bè đánh cá hay thuyền buôn. Hết đổ thừa cho nước láng giềng nhỏ bé này những lỗi tày trời đến vu khống đất nước nhược tiểu kia cho những mưu mô vô cùng đen tối. Với mục đích cuối cùng là làm sao cho nước khác phải nhượng cho mình 1 số quyền lợi, nếu không phải là tất cả mọi quyền lợi.

(30:13) Lòng tham lợi đã gây ra bao sự xáo trộn, đảo điên cho cá nhân - đoàn thể như thế đó! Nhưng lòng tham sắc cũng không kém thua nguy hiểm - sắc đẹp có 1 tác dụng lớn lao trong sự sinh hoạt của loài người!

Bạn hãy đi dạo 1 vòng trên đường phố hoặc vào các khu vui chơi giải trí hay các siêu thị chẳng hạn, thì bạn sẽ rõ có phải không? Quá nửa hàng hóa trưng bày trong tủ kính hay bên đường là để cung phụng cho người phụ nữ, cho phái đẹp: này giày, này sắc, này gấm, này nhung, này khăn quàng, lược vắt, này nước hoa, này phấn son, này vòng, này kiếng, này dây chuyền, này hoa tai, này ngọc ngà, này kim cương hột xoàn v. v…​

Hơn 1 nửa năng lực và hoạt động của loài người đã được đem ra để phụng sự cho cái đẹp; và 1 điều vô cùng mâu thuẫn là những vật không cần thiết, những xa xỉ phẩm lại là những vật đắt tiền nhất!

Loài người, cả phái nam và phái nữ đã đều phụng sự cái đẹp tận tâm, tận lực hơn một thứ gì khác ở trên đời. Nhưng ngược lại sắc đẹp đã tàn phá cuộc đời nhiều hơn một độc dược nào hết, nhiều hơn một sức mạnh tàn phá nào hết.

Người xưa thường có cái thành ngữ: “Sắc đẹp nghiêng nước, nghiêng thành”, mới nghe qua thì tưởng chừng như nói ngoa, nhưng đó là 1 sự thật mà lịch sử đã chứng minh, bao nhiêu triều đại - ngai vàng đã sụp đổ vì 1 mỹ nhân; bao nhiêu thành trì - đất nước tiêu vong vì 1 tiếng khóc, giọng cười hay cái liếc mắt của người ngọc.

May thay trong thời đại dân chủ này, 1 người đẹp dù quốc sắc thiên hương đến bậc nào cũng không có thể tác oai tác quái như xưa được! Tuy thế, ảnh hưởng tai hại của họ trong quyết sách, trong chính trường vẫn không nhỏ.

Có người sẽ cãi: “Sắc đẹp đâu phải là tội lỗi, tội lỗi là tại lòng say hoa đắm sắc kia chứ!”

Vâng, chúng tôi cũng kết luận như thế!

SẮC ĐẸP CHỈ LÀ NGUYÊN NHÂN PHỤ THUỘC. NGUYÊN NHÂN CHÍNH CỦA SỰ ĐỔ VỠ TỪ NHỎ ĐẾN LỚN, TỪ CÁ NHÂN ĐẾN GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI ĐỀU TẠI LÒNG THAM ĐẮM SẮC DỤC MÀ RA!

(32:38) Vì sắc dục mà 2 người yêu trở lại đâm chém nhau; vì sắc dục mà người mẹ đành đoạn thả trôi con theo dòng nước hay vứt vào bụi rậm cho kiến tha, gà mổ; vì tham đắm sắc dục mà chồng vợ xa nhau, cha con ly tán, hạnh phúc gia đình tan vỡ; vì tham đắm sắc dục mà sanh ra lường gạt, thụt két, mang công mắc nợ; vì tham đắm sắc dục mà sức khỏe hao mòn, chết non, chết yểu; vì tham đắm sắc dục mà mang bệnh suốt đời và nguy hại cho con cháu về sau, 50 % những bệnh điên dại trên thế giới là gốc ở bệnh tình mà ra các bạn ạ!

Như các bạn đã biết, 1 người không tham lam thì họ có dung mạo rất cao quý, sắc mặt tươi vui, đẹp đẽ. Hành động của thân và lời nói đến sự suy nghĩ của họ đều chân chính, hợp lý, đúng lý cả. Sự nghiệp và tài sản của họ rất đầy đủ, không bị ai làm tổn hại được. Tâm tánh của họ luôn luôn vui vẻ, hòa nhã, khiêm cung, khiêm hạ như chàng trai nhặt được của rơi mà trả lại cho bà lão bị cướp mà chúng tôi vừa kể ở phần trên.

Cái đặc tính của người không tham lam nó có sự khiêm hạ bên trong, nó có lòng từ đối với mọi loài khi thấy kẻ khác bị thương tổn. Đặc tính câu chuyện của anh chàng đốn củi - cái tính thiện nhiều hơn tính ác; tuy cái ác còn vi tế nhưng cứu được một người, trả số tiền lại cho người bị nạn cũng là một gương hạnh chúng ta đáng học hỏi.

Vì lên chợ bán củi để mua thuốc cho mẹ nên anh gặp bà lão đang bị cướp, anh liền nhặt của rơi trả lại; an ủi, vỗ về, giúp bà lão đứng dậy rồi đưa tận về nhà. Vì cảm mến qua nghĩa cử, hành động biết thương người, kính trọng người lớn tuổi, nên bà lão đã giới thiệu anh cho người cháu của mình làm quan tể tướng Đổng Tấn.

Từ cái gieo nhân thiện nên kết quả đã thay đổi cuộc đời anh. Chàng trai nhà nghèo năm xưa đó, bây giờ là 1 Tiến sĩ đứng đầu, 1 trong những tám tác phẩm gia nổi tiếng của đời Đường Tống. Cho nên chúng ta gieo nhân nào thì gặt quả đó các bạn ạ!

(34:55) Tham lam hay ích kỷ là 1 đặc tính của 1 người luôn tìm cách nắm giữ, hay che giấu những gì mà mình có thể, tránh phải chia sẻ cho người khác. Khi tham lam có mặt thì chia sẻ là điều không thể nào có được! Tham lam biểu lộ sự đê tiện và 1 cái tâm co rút, nó mang tính cách chiếm hữu và đeo bám cùng cực, nó không muốn cho những người khác nghe thấy hoặc biết 1 điều gì mà đang mang lại cho ta hạnh phúc, sợ rằng ta phải chia sẻ nó với người khác.

Chúng ta có thể tham lam nhiều thứ khác nhau: bạn bè, vật chất, học vấn, ý tưởng, phẩm chất…​ Ví dụ như sự thông minh hay sắc đẹp. Khi lòng ham muốn sở hữu độc quyền một vật nào mà đủ sức mạnh chúng ta tức tối những người có cùng một tính chất như vậy. Chúng ta không muốn cho một ai có cái mà mình đang có.

Nói về việc dạy học, cũng như các nhà giáo cùng một truyền thống như bạn, bạn cũng thường cảm thấy bực tức khi nghe một đồng nghiệp sử dụng một câu trích dẫn thích hợp mà bạn đã khám phá ra; hay kể một câu chuyện mà bạn dự định dùng trong bài nói chuyện đúng vào buổi sáng lên lớp; hoặc là bạn cảm thấy bực tức, khó chịu khi thấy 1 người bạn học cùng lớp với mình làm bài luận văn xuất sắc hơn bạn trong khi bạn không làm được, suy nghĩ không ra.

Để ý mà xem, bạn thấy mình muốn vơ vét trí tuệ như thể nó là 1 món hàng mà bất cứ ai cũng có thể chọn lọc chiếm hữu. Tham lam gây ra đau khổ to lớn, không còn sự bình yên ở đây nữa. Trong trạng thái này, chúng ta liên tục nhìn quanh quất, đề phòng giấu cái mà ta đang có để không ai có thể hưởng nó được và chúng ta khổ sở khi thấy có người nào đó có được nó.

(36:50) Gốc rễ của ganh tị, tham lam là sự thù ghét người khác và bám giữ lấy đối tượng cả vật chất lẫn trừu tượng. Niềm vui chia sẻ, tinh túy của tâm hoan hỷ sẽ nhổ tận gốc lòng ganh tị và tham lam khi tâm hồn tràn ngập phẩm chất của sự sung sướng và trân trọng người khác, và ao ước cho họ hạnh phúc.

Chúng ta chuyển đổi và áp dụng vào bản thân bằng cách từ bỏ ý nghĩ tham lam sang ý nghĩ thương người; chúng ta không tham lam, ích kỷ, nhỏ mọn; ta luôn phòng hộ ý, làm chủ ý để tạo nhân tốt, gieo trồng những hạt thiện; chúng ta tưới tẩm mỗi ngày với ý nghĩ tốt đẹp, thuần thiện, trong sáng để cho tâm hồn thanh thản, vui tươi hơn.

Một con người mà luôn có những tư tưởng nghĩ xấu về người khác, hay ganh tị, hơn thua, nhỏ mọn, ích kỷ v. v…​ là một con người rất đau khổ các bạn ạ! Chúng ta nên thương xót cho những người đó và rải tâm Từ Bi thương yêu đến họ; vì họ đang bị vô vàn vô minh, chấp thủ trói chặt như vướng vào mạng nhện không có lối thoát.

Khi thấy người kia bị tai nạn của lòng tham lam, ích kỷ, nhỏ mọn đó - chúng ta lấy đó làm bài học cho đời mình, luôn phản tỉnh lại nội tâm mình, phòng hộ ý căn cho thật tốt, ngăn và diệt các tư tưởng xấu xa muốn hãm hại người khác.

Chúng ta hãy nghĩ đến cái tốt, cái hay - giỏi của người khác để cho tâm mình thuần thiện và trong sáng hơn; để cho tâm mình khỏi phải tham lam, ích kỷ, nhỏ mọn, hơn thua, hờn ghen với người khác. Chính vì chúng ta luôn thấy cái kém dở, cái ngu dốt về mình nên tâm ta sẽ rất an ổn, thanh thản và vô sự.

(38:31) Đức Phật dạy rằng:

“Người ngu nghĩ mình ngu

Nhờ vậy thành có trí

Người ngu tưởng có trí

Thật xứng gọi chí ngu”.

(Kinh Pháp Cú - Phẩm số 3)

Đúng vậy, hàng ngày chúng ta nên xét lại mình, thấy những điều làm cho mình khổ, làm cho người khác khổ thì hãy mau mau ngăn chặn và diệt chúng cho tận gốc bằng tư duy, quán xét; và phải luôn luôn xấu hổ cho một hành động, một lời nói hay một ý nghĩ làm cho mình khổ, làm cho người khác khổ hay tất cả chúng sanh khổ - thì phải hối hận, ăn năn, từ bỏ!

Người biết tu tập những việc này là người biết mình ngu, tức là người có trí các bạn ạ!

Trong một đời tu hành theo Phật giáo, chỉ cần tư duy, suy nghĩ, tìm cái ngu của mình để lần lần khắc phục, sửa sai những lỗi lầm đấy là người có trí các bạn ạ!

Xin các bạn cứ suy ngẫm lại thì xét thấy lời nói thẳng của chúng tôi là một lời chân thật, đầy lòng thương yêu của chúng tôi gửi đến các bạn, để cho đời này chúng ta không còn là những người ngu nữa! Phải không hỡi các bạn?

(39:43) Đức Không Giận Hờn

Mục đích của đạo Phật là diệt khổ và đem vui cho mọi loài. Nhưng phải là người có trí mới biết được con đường đưa đến an lạc và hạnh phúc. Mục đích của đạo Phật là giải thoát và giác ngộ; và chỉ có trí tuệ mới là phương tiện duy nhất, đưa loài người đến bờ giải thoát và giác ngộ.

Do vậy, vai trò của người trí và vai trò của trí tuệ chiếm vị trí then chốt trong mọi lời dạy của đức Bổn Sư chúng ta.

Và chúng ta có thể nói: đạo Phật là đạo của người có trí, là đạo của tuệ giác, đã đem cho được 1 định nghĩa thỏa đáng cho đạo Phật.

Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu xem "đạo đức Không Giận Hờn" là như thế nào?

Hễ người nào mà còn giận hờn là người thiếu trí tuệ trong đạo Phật, chúng ta gọi là liệt tuệ. Đức Phật dạy trong bài kinh Pháp Cú về lòng Từ Bi diệt hận thù rất hay:

“Hận thù diệt hận thù

Đời này không thể có”

Lời dạy này là 1 chân lý không thể ai thay đổi được, bởi vì cuộc đời này không thể lấy hận thù diệt hận thù được mà chỉ có lòng thương yêu của chúng ta mới diệt được hận thù. 2 câu dưới đây mới thật sự là Chánh Tư Duy:

“Từ Bi diệt hận thù

Là định luật thiên thu”

Sự tư duy này giúp cho chúng ta thấu rõ định luật bất di bất dịch của loài người, duy chỉ có lòng thương yêu mới diệt được hận thù khi chúng ta tư duy suy nghĩ, nhờ vậy giúp cho chúng ta lớn mạnh trong nền đạo đức nhân bản - nhân quả.

Một bài kệ trong kinh Pháp Cú là 1 viên gạch xây tòa lâu đài đạo đức nhân bản loài người. Mỗi viên gạch Pháp Cú sẽ làm tăng trưởng tri kiến giải thoát trong ta, sẽ giúp đời sống chúng ta gắn chặt vào nền đạo đức nhân bản - nhân quả.

(41:43) Chúng tôi muốn gửi đến các bạn mẩu chuyện về đạo đức không giận hờn. Câu chuyện này có thật trong đời sống chúng ta; câu chuyện này sẽ giúp cho các bạn hiểu rõ hơn về đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình, khổ người.

Một người em gái tính tình rất nóng nảy và cộc cằn. Một hôm người anh trai đưa cho em gái một túi đinh và dạy rằng: “Mỗi khi em nổi nóng hay nặng lời với ai hãy đóng 1 cây đinh vào hàng rào gỗ phía sau vườn và suy nghĩ về việc mình đã làm”. Hôm ngày đầu tiên, người em gái đã đóng 12 cây đinh vào hàng rào. Những ngày sau khi cố gắng kiềm chế cơn giận của mình thì số đinh người em gái đóng trên tường rào ngày 1 giảm. Và người em gái nhận ra rằng, việc giữ bình tĩnh có lúc dễ hơn là việc đóng những chiếc đinh. Cho đến một ngày, khi không cần phải dùng đến chiếc đinh nào thì người em gái xem lại mình đã thay đổi và không còn nóng nảy như trước nữa. Người em gái kể với người anh trai về điều này và người anh trai ra một đề nghị: “Mỗi ngày em giữ được bình tĩnh hãy nhổ 1 chiếc đinh đã đóng trên hàng rào”. Nhiều ngày trôi qua, cuối cùng người em vui mừng thông báo với người anh rằng tất cả những chiếc đinh đều đã được nhổ. Người anh trai dẫn người em gái đến hàng rào và nói: “Em đã làm rất tốt em gái ạ! Nhưng em hãy nhìn vào cái lỗ trên hàng rào, hàng rào sẽ chẳng bao giờ còn nguyên vẹn như lúc xưa, như những lời em thốt ra trong lúc giận dữ sẽ để lại trong lòng những người khác những vết thương giống như những vết đinh này. Cho dù em có nói lời xin lỗi bao nhiêu lần thì vết thương đó vẫn còn. Vết thương tâm hồn rất khó hàn gắn và chỉ có thể lành được khi có tình thương yêu chân thành và thực sự!”

Vì hay nóng giận nên người anh mới khuyên người em mình hãy đóng những chiếc đinh vào tường rào mỗi ngày, nhờ như vậy mà người em lần lần giảm bớt tính nóng nảy; khi giảm bớt rồi, người anh khuyên em mình hãy nhổ từng cây đinh trên tường rào và phân tích cho em thấy rõ cái giận hờn sẽ đưa tới như những vết đinh này.

Câu chuyện thật có ý nghĩa phải không hỡi các bạn?

(44:10) Như các bạn đã biết, khi gặp cảnh trái ý nghịch lòng, như lòng tham không được toại nguyện thì giận hờn nổi lên như 1 ngọn lửa dữ đốt cháy lòng ta. Thế là mặt mày cau có, đỏ tía hay tái xanh; bộ dạng thô bỉ, nói năng hung dữ; có khi dùng đến võ lực hay khí giới để hạ kẻ làm trái ý, phật lòng ta.

Vì nóng giận mà cha mẹ, vợ con, anh em xa lìa, bạn bè ly tán; vì nóng giận mà đồng bào trở nên thù địch, nhân loại đua nhau ra chiến trường; vì nóng giận mà kẻ bị tàn tật người vào khám đường, kẻ mất địa vị, người tan sự nghiệp.

Người xưa có nói: “Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai”, nghĩa là 1 niệm sân hận nổi lên thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra.

Sách cũng có nói: “Nhất tinh chi hỏa, năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn”, nghĩa là 1 đốm lửa giận có thể đốt hết nguyên mẫu rừng công đức. Thật vậy, lửa sân hận đã bừng lên giữa lòng nhân loại và đã đốt thiêu không biết bao nhiêu là công lao, sự nghiệp mà nhân loại đã tốn hao biết bao nhiêu mồ hôi và nước mắt để tạo nên.

Đặc tướng của câu chuyện này có 2 phần: vi tế và thô. Khi cái tâm giận hờn có mặt, dung mạo rất xấu xí, đôi mắt háy nguýt, bộ dạng thô bỉ, nói năng hung dữ, mặt mày đỏ tía hay tái xanh. Còn người đã làm chủ được cơn giận - họ rất bình tĩnh, cái giận không lấn át được họ, nói năng từ tốn và giải thích mọi chuyện cho người kia hiểu biết. Tập tính này, cái ác nhiều hơn cái thiện; và hễ nỗi giận lên là tự làm khổ mình, khổ người; tuy chưa làm tổn thương đến ai, nhưng đó cũng là nguyên do gây nên hậu quả cho người khác.

Duyên hợp của câu chuyện này là vì người anh sau khi tu chứng, thấy em mình tâm tính như vậy, nếu không sửa đổi thì sẽ không làm chủ được 4 nỗi khổ đau của kiếp người: sanh, già, bệnh, chết. Nên đã khuyên nhủ và hướng dẫn để thoát khỏi cái sân hận đó bằng cách đóng từng cây đinh lên tường rào mỗi ngày. Khi nào thấy làm chủ được cái giận hờn thì hãy nhổ từng chiếc đinh ra.

Duyên tan là khi thấy cái nóng nảy, hung dữ đã giảm bớt, người em liền vui mừng kể cho người anh nghe. Người anh liền giải thích cho người em thấy rằng, nếu tiếp tục sân hận, nói những lời gây chia rẽ khi giận, những chuyện không có thật; nói lời nóng nảy, hung dữ, thì nỗi đau của mọi người cũng sẽ như những lỗ đinh đóng trên tường rào kia. Và từ đó, người em bắt đầu thay đổi và làm chủ được cái tâm nóng nảy hay giận hờn của mình.

(47:11) Qua bài học thiết thực từ những chiếc đinh trên tường rào, nếu chúng ta muốn chuyển đổi và áp dụng vào bản thân mình thì chỉ có 1 phương thuốc thần diệu và hay nhất - diệt được tâm giận hờn đó chính là tâm Từ - Bi - Hỷ - Xả của chúng ta. Nên lấy phương thuốc này để áp dụng vào đời sống của chính mình. Chúng ta hãy lấy lòng Từ Bi để đối trị với tâm giận hờn; chỉ có lòng Từ - Bi - Hỷ - Xả mới làm cho chúng ta không còn thù hận nhau nữa!

Cho nên đức Phật dạy:

“Nó mắng tôi, đánh tôi

Nó hại tôi, cướp tôi

Ai ôm ấp niệm ấy

Hận thù không thể nguôi. ”

“Nó mắng tôi, đánh tôi

Nó hại tôi, cướp tôi

Không ôm ấp niệm ấy

Hận thù sẽ tự nguôi. ”

Đọc qua bài kệ kinh Pháp Cú, chúng ta thấy rõ kinh Pháp Cú là 1 bài kinh dạy về đạo đức làm người, có pháp hành cụ thể, đưa dắt con người vào cuộc đời đầy tình thương yêu mình và người. Nếu chúng ta cố gắng thực tập sẽ biến cảnh thế gian thành cảnh giới Niết Bàn rất thực tế.

Nếu hàng ngày chúng ta sống với những câu kinh Pháp Cú này, thường xuyên như lý của nó mà tác ý ra thì chúng tôi xin bảo đảm cùng các bạn - con đường giải thoát của đạo Phật đang ở trong tầm tay của các bạn.

Đức Phật cho rằng Từ Bi là trạng thái tâm tốt đẹp nhất ở thế gian này; và khuyến cáo học trò mình và tất cả mọi Phật tử - dù là đi, đứng, nằm ngồi đều an trú niệm của mình ở lòng từ, lòng bi không hạn lượng đó; và muốn trau dồi tình thương thì phải gần gũi cảnh khổ.

Đức Phật lúc còn là thái tử trong cung vua mà cứ đòi nằng nặc, đòi xin phụ vương ra xem ngoài 4 cửa thành là vì thế! Có thấy, có cảm, có chia sẻ cái khổ cho nhau mới thương nhau; có thương nhau mới tìm cách cứu khổ cho nhau; có cứu khổ được cho nhau thì tình thương càng phấn khởi và phát triển thì ta còn cảm ơn những kẻ đau khổ đã tạo nhân duyên cho tình thương của ta rộng mở và hoạt động mạnh mẽ.

(49:28) Chính những kẻ đau khổ là phước điền nuôi dưỡng lòng Từ Bi phát sinh và lớn mạnh. Đất hoạt động - đất sống của Từ Bi là cảnh khổ. Ly cảnh khổ - cây Từ Bi sẽ mất hết sinh lực và không thể đâm hoa kết trái được. Cảnh khổ không phải chỉ có trong loài người mà chung cho cả sinh vật.

Cho nên, người thực hành tâm Từ Bi không phải chỉ cứu giúp cho loài người đỡ khổ mà còn biết thương yêu muôn loài vạn vật, xem chúng như những người giúp việc trong nhà, tránh làm đau khổ chúng 1 cách vô ích. Hãy nghĩ rằng, chúng cũng có tình mẫu tử, có dạ trung thành, biết đau khổ, biết lo sợ; chúng ta không nên hắt hủi, hành hạ chúng nó; chúng ta cũng không nên tìm thú vui trong những cuộc săn bắn hay câu cá. Những ai có thể vui thích được trước những cảnh tượng đau đớn hãi hùng của những con thú, con chim, con cá bị bắn giết sẽ quen dần những cảnh giết chóc tàn bạo giữa người và người.

Cho đến cỏ cây - người có tâm Từ Bi cũng không nên tàn phá 1 cách vô ích! Nên nhớ rằng, nó cũng có sự sống; và đã có sự sống - tất nhiên, muốn bảo tồn sự sống. Những kẻ bứng cây sống trồng cây chết, bứt hoa, bẻ lá, phá cành mà không có một mục đích gì cả chỉ để thỏa mãn cái tính ưa thích tàn phá - những việc ấy cũng đã làm tổn hại lòng Từ Bi của mình nhiều lắm! Lòng thương yêu cây cỏ giúp cho ta nhận thấy được lẽ huyền vi của sự sống, thông cảm với cái chung cùng của muôn loài và trực nhận được nỗi đau của mọi loài.

(51:08) Muốn đối trị với tâm giận hờn thì ta phải thực hành tâm Từ Bi: ta phải làm việc lành, tránh các việc dữ - dù lớn hay nhỏ, dù trước mặt muôn người hay chỉ một mình ta, dù được khen hay bị chê, dù dễ hay khó. Hạt giống Từ Bi đã nằm sẵn trong tâm hồn của chúng ta, nhưng nó đang bị vùi lấp dưới bao lớp giận hờn, tham lam, ích kỷ, tật đố nên không thể đâm chồi, nảy lộc, trồi nổi lên được.

Vậy công việc đầu tiên của người thực hiện tâm Từ Bi là phải phanh gỡ lần những lớp chướng ngại để cho mầm Từ Bi nảy lên. Khi nó đã nhô lên khỏi mặt đất, chúng ta phải tìm mọi nhân duyên, mọi cơ hội thuận tiện cho nó chóng đâm chồi, nảy lá. Công việc không phải chỉ nằm trong ba ngày, một tháng, một năm, mà suốt cả đời cũng không phải chỉ chăm sóc nó trong những cơ hội thuận tiện lớn lao mà bỏ mặc nó trong những hành vi, cử chỉ nhỏ nhặt, tầm thường hằng ngày.

Có nhiều người có thể làm được những việc từ thiện lớn lao như mở bệnh viện, tốn tiền hàng tỷ đồng thế mà khi thấy một người đau, một người đói lạnh đang đứng trước mặt mình, lại đành đoạn làm ngơ. Có người có thể nhảy xuống sông cứu người chết đuối, bỏ tiền bạc ra để mua chim, mua cá phóng sanh thế mà vẫn điềm nhiên ngồi nhìn con kiến vô tội chết chìm trong nước hay một con chuồn chuồn sắp bị em nhỏ của mình bứt đuôi; hoặc vì tính hay đa nghi, ganh tị, hơn thua, nhỏ mọn, ích kỷ, hờn ghen với người chị, người em của mình rồi có thái độ háy nguýt, thì thầm to nhỏ, nói xấu sau lưng người khác v. v…​

Chúng ta hãy coi chừng, hãy tìm hiểu lí do tâm trạng, hành động nói trên. Đôi khi đó là những quan niệm sai lầm - tưởng rằng làm những việc vĩ đại, lớn lao mới là từ thiện, mới là Từ Bi, còn những việc nhỏ nhặt thì ai cũng làm được, có làm hay không làm cũng không có hậu quả gì; có khi là do tính háo thắng, ham danh, vụ lợi mà làm. Nếu thế thì không phải là người đang thực hành tâm Từ Bi, mà trái lại là vùi dập nó sâu thêm dưới những lớp si mê, dục vọng của lòng mình hoặc nhỏ mọn, ích kỷ phải không các bạn!?

Thiếu tâm Từ - Bi - Hỷ - Xả cho mình và cho người, những kẻ như vậy, luôn tự làm khổ mình và khổ người. Thật sự đáng thương xót!

Tóm lại, làm được tất cả việc trên từ nhỏ đến lớn, từ dễ đến khó, không bao giờ thối chuyển, ngả lòng, mở rộng mãi lòng Từ - Bi - Hỷ - Xả cho nó bao trùm khắp cả pháp giới - như thế là thực tập được tâm tính Từ Bi của Phật mà mỗi chúng ta đều có sẵn hạt giống Từ Bi trong tâm mình.

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy