00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

LCK 033B (NỮ) - NHÂN QUẢ KHẨU HÀNH ÁI NGỮ

LCK 033B (NỮ) - NHÂN QUẢ KHẨU HÀNH ÁI NGỮ

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Thời gian: 07/12/2005

Thời lượng: [1:15:39]

1- TRƯỞNG LÃO TRẢ BÀI VIẾT NHÂN QUẢ KHẨU HÀNH ÁI NGỮ CHO TU SINH

(00:00) Trưởng lão: Bây giờ về phần mà các bài viết của mấy con về nhân quả, thì bắt đầu có những bài viết rất đúng cách, có những bài lý luận rất hợp tình. Và đồng thời các con cũng nghe từ người viết, mọi người đều có cái lối viết, cái cách thức viết, cái lý luận viết về nhân quả, mỗi vẻ nó có mỗi cái màu sắc của nó nói lên cái sự thực hành của nó trong những bài viết.

Kế tiếp, chúng ta lấy cái tâm để lắng nghe cho kỹ từng bài viết. Hôm nay, Thầy cho đọc rất nhiều bài chứ không phải ít. Những cái bài Thầy đã chọn lấy, nó đơn giản, nhẹ nhàng về cách thức xả tâm. Thầy mong rằng học cái lớp Định Vô Lậu này, triển khai cái tri kiến nhằm mục đích để chúng ta tâm được sống an ổn, tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ đối với cuộc sống tu hành của chúng ta.

(01:09) Cho nên hôm nay, hãy lắng nghe những cái bài của các con, các bạn đồng tu viết để chúng ta rút tỉa từng kinh nghiệm. Dù trong những bài đó có cái hay cũng có cái dở. Mà cái dở nhất là "nói thì phải cố gắng làm cho được những điều mình nói, đó là cái hay nhất; còn cái dở là nói mà không làm được thì rất dở" . Cho nên Thầy mong rằng, các con nói được thì các con cố gắng làm được. Thầy rất mừng! Vì làm được là tâm mấy con vô lậu, làm được là tâm mấy con giải thoát.

Cho nên khi đọc bài mấy con thì thấy cái ước vọng của Thầy là cái lớp đào tạo được những bậc A La Hán thực sự. Nghĩa là Thầy mở cái lớp này, cái ước vọng của Thầy là ngày mai, một năm, hai năm sau, Thầy sẽ có những người chứng quả A La Hán thật sự.

(02:07) Qua cái ngòi bút của các con viết với cái sự tư duy quán xét trong đầu các con nói lên nhân quả, Thầy đặt câu hỏi: “không lý các đệ tử của Thầy nói được như vậy mà sống không được sao?”. Nhưng Thầy biết nghiệp lực của mỗi con rất lớn, nó có thể chi phối các con rất nhiều, nhưng Thầy tin rằng triển khai tri kiến của mấy con bây giờ mấy con chưa nhiếp phục được, nhưng mỗi lần mà mấy con khắc phục không được thì mấy con rất xấu hổ khi mình nói được mà không làm được. Cho nên mấy con phải cố gắng khắc phục.

(02:41) Và Thầy ước ao rằng những bài viết của mấy con là trợ giúp cho tri kiến của mấy con có một lực rất mạnh, nhất là những cái lời cuối cùng của cái bài viết thường là những lời nhắc nhủ mình rất lớn để cho mình thực hiện được cái đạo đức sống không làm khổ mình, khổ người. Vậy thì hôm nay Thầy kêu Nguyên Thanh đọc cái bài của con. Đây là những lời luận của con nó có cái chính xác về cái ái ngữ.

Tuy rằng đơn giản nhưng nó có những cái luận của một người viết. Vậy Nguyên Thanh đến đọc cái bài này của con. Rồi lần lượt mấy con sẽ nghe từng cái bài của mỗi người viết, nó có một cái lối luận và cái lối áp dụng vào đời sống của mình một cách thực tế và cụ thể. Và đồng thời mình nói như vậy thì mình còn phải áp dụng cho thật thì sẽ được cái kết quả.

Đây là cái bài nhân quả khẩu hành ái ngữ. Và Nguyên Thanh sẽ làm cái bài này. Con ngồi xuống chứ đừng có đứng mỏi chân lắm. Đứng mỏi chân lắm, ngồi xuống đi!

2- BÀI VIẾT NHÂN QUẢ KHẨU HÀNH ÁI NGỮ CỦA TU SINH NGUYÊN THANH

(4:47) Tu sinh Nguyên Thanh: Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính bạch Thầy và kính thưa đại chúng. Trò Nguyên Thanh học lớp Chánh Kiến. Con xin đọc bài viết số sáu, chủ đề nhân quả khẩu hành ái ngữ.

Ta thường nghe câu tục ngữ nói: “Sống là đấu tranh.” Ta có thể học được điều gì từ câu tục ngữ này? Hãy thử đảo ngược lại nó xem sao, có gì nào: “Đấu tranh là sống”. Nhiều người trong chúng ta không ý thức được rằng chính vì nhận thức này mà ta đã, đang và sẽ tiếp tục đấu tranh. Có thể ta không thích khái niệm này, nhưng sự thật là đấu tranh làm ta cảm thấy cuộc đời mình đáng sống hơn.

Trong nhiều trường hợp chính tạo hóa đã luôn gửi thông điệp đó đến cho ta. Bằng chứng là những cây thảo mộc nào phải thường xuyên đối mặt với với các trận bão tố và cuồng phong, không những khoẻ mạnh hơn và rễ cũng ăn sâu vào đất hơn. Những cây nào phải đấu tranh để giành được ánh nắng mặt trời trong các khu rừng nhiệt đới rậm rạp, chắc chắn sẽ khỏe mạnh và cao to hơn các nhóm cây leo bám quanh chúng và những cây dương xỉ núp dưới tà của chúng.

Cũng vậy chúng ta đang đấu tranh giữa cái ác và cái thiện để giành lại cho chính mình những giây phút thực sự thanh thản. Chúng ta đang đấu tranh với nội tâm của chính mình để nói lên những lời ái ngữ, dịu dàng, khiêm hạ, chân thật, công bình, ngay thẳng và hợp lý.

(06:41) Đấu tranh giữa ngôn ngữ thiện và ngôn ngữ ác, buộc ta phải di chuyển khi ta muốn đứng lại và nó hướng ta đến một nhận thức. Hoàn chỉnh và thành công chỉ đến thông qua đấu tranh! Không có một trải nghiệm đáng giá trong cuộc sống có thể đạt được mà không qua sự rèn luyện nỗ lực đấu tranh với chính bản thân mình.

Nếu có được quá dễ dàng thì ai cũng có nó cả, phải không hỡi các bạn? Vậy thì chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu xem muốn có được khẩu hành ái ngữ, chúng ta phải đấu tranh như thế nào?

Nhân quả khẩu hành ái ngữ là gì? Là lời nói chân thật hợp lý, đúng lý, công bằng, lúc nào cũng ôn tồn, nhã nhặn, dịu dàng, từ tốn, khiêm cung và lời nói không làm khổ mình khổ người, và khổ tất cả chúng sanh.

Câu chuyện về nhân quả khẩu hành ái ngữ.

Chúng tôi xin nêu lên câu chuyện nhân quả khẩu hành ái ngữ về con người. Câu chuyện này có thật trong đời sống của chúng ta, câu chuyện này sẽ giúp cho các bạn hiểu rõ hơn về đường đi nhân quả khẩu hành qua lời nói ái ngữ.

(08:17) Câu chuyện lời nói ái ngữ.

Năm tôi hai mươi hai tuổi, cách đây năm năm, tôi đến Tu viện Chơn Như xin vào tu học. Khi đó tôi mới tốt nghiệp ra trường Đại học, được đi xa nên trong lòng tôi rất háo hức. Tôi đến Tu viện vào một buổi sáng, trời se lạnh, cảnh vật hai bên đường là cánh đồng lúa xanh rợp. Lần đầu tiên xa gia đình, xa bạn bè, trường lớp, đến nơi đây một thân một mình. Tôi cảm thấy thích thú vì bản tính từ bé trong tôi thích sống một mình, làm gì cũng thích cặm cụi một mình, đi đâu cũng thích đi một mình.

Bây giờ đến nơi đây cảm thấy cái tự do, trong tâm tôi thật thoải mái. Tôi được nhận vào đây tu học, được ở một cái thất bằng liếp tre tầm vông. Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với các phương pháp tu tập mà từ nhỏ cho đến lớn tôi chưa bao giờ được tu như vậy. Ngày ăn một bữa, sống độc cư, im lặng, không nói chuyện. Thế rồi nếp sống thanh bần cũng làm cho tôi quen dần đi và trở thành một nếp sống hoàn thiện như bao mọi người khác.

Điều kỳ diệu mà tôi được học hỏi ở nơi đây, đó là từ gương hạnh nhẫn nhục và tùy thuận của một vị Thầy. Thầy có giọng nói nhỏ nhẹ, từ tốn, dịu dàng, ôn tồn. Cảm hóa được trái tim cứng đầu, cứng cổ của tôi. Hồi còn ở trường Đại học, tôi là một đứa học trò hay tranh luận nhất lớp với các vị giáo sư ở trường. Nhưng đến ở đây, cái cứng đầu đó nó đã biến mất vì sự cảm hóa bằng những lời nói nhẹ nhàng, nhã nhặn, từ tốn, khiêm cung của Thầy.

(10:30) Nên tôi đã bắt đầu thay đổi về cá tính hay nói nhiều của mình, thay đổi sự tranh luận tay đôi với các vị giáo sư ở trường Đại học. Con người của tôi được lột xác như một cây chuối vậy; mỗi ngày mỗi tháng được lột từng lớp kiến chấp mà tôi đã nhồi nhét trong mấy năm qua ở các trường Đại học. Tôi cảm mến vị Thầy qua lời nói ái ngữ của Người và qua nếp sống của một người có giới hạnh, có đạo đức, có sự chứng ngộ. Nhờ sự cảm mến và tôn kính đó mà tôi đã được lột đi bao cái chấp thủ cứng ngắc ở trong nội tâm mình.

Tôi hay quan sát để học hỏi những đức tính nơi vị Thầy đó, điều làm tôi cảm kính nhất là thái độ nhã nhặn, ôn tồn của Thầy. Dù ở hoàn cảnh nào tôi cũng thấy Thầy rất bình thản. Tôi học được ở vị Thầy những lời nói ái ngữ, dịu dàng, khiêm cung, khiêm hạ. Tôi đang cố gắng học hỏi đức hạnh ái ngữ nơi bậc Thầy của mình.

Có một hôm, tôi đang ngồi trong thất tôi, tôi bị tưởng uẩn, nên bị tưởng lực đẩy, không thể đi kinh hành được. Vì mỗi lần đi là tưởng uẩn tạo ra một lực đẩy mạnh dưới đôi chân. Có hôm, nó đẩy tôi nhào té vào cửa sổ. Vậy là Thầy biết được cái khó khăn của tôi đang tu tập. Thầy gọi tôi ra Tổ đường giảng dạy với giọng nói nhẹ nhàng, từ ái, cảm thông. Thầy chỉ dạy cho tôi cách phá tưởng lực rất có kết quả. Thầy gọi tôi: “Nguyên Thanh con hãy tu tập trở lại, không khéo con sẽ bị mất.” Lời Thầy bao thân thương từ ái, an ủi cho tôi một phần nào đó. Vì lúc ấy tôi đang gặp khó khăn trong khi ôm pháp Thân Hành Niệm.

(12:44) Tôi nhập thất gần ba tháng không ngủ. Một đêm chỉ ngủ hai tiếng ôm pháp Thân Hành Niệm đi suốt ngày. Thầy dạy bảo tôi, làm cho tôi cảm động, Thầy quan tâm lo lắng cho mỗi đứa học trò đang nỗ lực tu như tôi. Có hôm tôi bị cảm nặng, Thầy gọi tôi lên Tổ đường và giảng dạy cho tôi nghe về thân vô thường, thân hoại diệt, phải cố gắng vượt qua khi thân có bệnh. Lời Thầy dạy thật ấm áp, sưởi ấm bao cái giá lạnh trong trái tim tôi, tôi uống ngọt từng lời dạy của Thầy. Lời nói của Thầy thật êm đềm, dịu dàng như một người mẹ tiếp sức cho đàn con trên bước đường tu tập đầy những khó khăn này.

(13:40) Nếu viết về nhân quả khẩu hành ái ngữ, điều trước tiên tôi phải viết về Thầy tôi, các bạn ạ! Vì Thầy tôi là một người có lời nói ái ngữ tuyệt vời nhất, cho nên tôi phải học hỏi từ người Thầy của mình trước. Đó là một sự thật đúng không hỡi các bạn?

Và tôi đã giới thiệu phần trên, sẽ kể nhiều câu chuyện về nói lời ái ngữ. Nhưng tôi thấy nếu tôi có kể thì cũng không ai có thể có lời nói ái ngữ như Thầy của tôi được. Vì người đời kém tu, nên lời nói của họ vẫn chứa đựng nhiều tham, sân, si. Như các bạn đã biết trong các thi ca văn chương cũng vậy, những lời nói ngọt ngào nhẹ nhàng như:

Cười cười, nói nói ngọt ngào

Hỏi chàng mới ở chốn nào lại chơi” của Nguyễn Du.

Hoặc như bài thơ của Huy Cận:

“Sóng gợn Trường Giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng.”

Hay câu ca dao:

“Em ơi ru ngọt đã từng

Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau.”

Hay bài thơ của Tản Đà nói:

“Quê hương khuất bóng hoàng hôn

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.”

Hay câu ca dao:

“Qua đình ngả nón trông đình

Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu.”

Hay bài thơ của Chinh Phụ Ngâm nói rằng:

“Chàng thì đi cõi xa mưa gió.

Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn.”

Đó là những bài thơ thi ca văn chương khiến lòng người tê tái nhớ thương khổ đau, chứ không phải là lời nói ái ngữ. Tất cả những lời nói yêu thương này nằm ở trong thất tình lục dục. Như chúng ta đã biết loài người thường chịu nhiều đau khổ là do thất tình lục dục tạo nên. Thế mà người ta thường tìm mọi cách làm cho nó sống lại để mà khổ, để mà đau.

(15:52) Lòng yêu thương trong thất tình lục dục là tình yêu hạn hẹp trong tình cảm cá nhân, tình thương ấy là thường làm khổ cho mình cho người khác. Nỗi đau của thất tình lục dục khiến cho trai gái đi đến nỗi tuyệt vọng phải tự tử, khiến cho con giết cha, cha giết con, mẹ giết con, chồng giết vợ, anh giết em, em giết anh. Nỗi đau ấy thúc giục chúng ta xả thân vào chỗ chết mà không hề biết sợ hãi và cũng không thấy trách nhiệm bổn phận đạo đức làm người của mình đối với mình, của mình đối với người khác.

Cho nên Đức Phật dạy muốn cho con người thoát khổ nên phải vượt thoát ra khỏi những lời ái ngữ của thất tình lục dục. Đối với đạo Phật lời nói ái ngữ thất tình lục dục là một loại tình yêu thương hạn hẹp, nhỏ mọn, ích kỷ. Phải được thay thế bằng lời nói ái ngữ thương yêu rộng lớn, đó là Tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả.

Lời nói ái ngữ mà chứa đựng Tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả thì đích thực là có lòng thương yêu rộng lớn và vô bờ bến. Vì thế nó không bao giờ làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh. Nhờ có tâm này được thay thế thì chúng ta mới thoát ra khỏi lời nói ái ngữ của thất tình lục dục.

Cho nên tôi không muốn đưa vào bài viết khẩu hành ái ngữ này nhiều. Tôi chỉ nêu lên một số bài để cho các bạn có thể so sánh phân biệt đâu là ái ngữ thất tình lục dục, đâu là ái ngữ của Tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả.

Vì vậy tôi chỉ xin viết về người Thầy của tôi để học hỏi những lời ái ngữ của Thầy. Còn những thi ca văn chương này không thể giúp cho tôi có được lời ái ngữ đúng theo tiêu chuẩn của đạo đức nhân quả khẩu hành được.

(17:46) Tôi nhớ có hai bài kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy rất hay về lời nói ái ngữ:

"Nói lên lời ôn tồn:

Lợi ích và chân thật

Không mất lòng một ai

Ta gọi Bà-la-môn.”

(Kinh Pháp Cú, phẩm 408)

Hoặc là:

“Chớ nói lời thô ác,

Nói ác bị nói lại,

Khổ thay lời thù hận

Hình phạt tất đến thân.”

(Kinh Pháp Cú, phẩm 133)

Đây là những lời nói ái ngữ hay tuyệt nhất mà Đức Phật đã để lại cho hàng đệ tử của mình. Đức Phật dạy chúng ta nói lời ái ngữ, tức là nói lời hiền lành, lời nói không làm khổ mình, khổ người; lời nói đúng sự thật, lời nói không thiên vị, không vi phạm, không nói chuyện phiếm, chuyện tào lao, không nói đùa, không nói lời chia rẽ, không nói mỉa mai, nói chơi, nói giỡn cợt, nói tranh luận hơn thua xỉ vả, nói lời chửi mắng nạt nộ, hù dọa la hét. Không nói thêm, nói bớt lỗi lầm của người khác. Không nói lời làm cho người khác tức giận. Không nói lời làm cho người khác buồn phiền, đau khổ, không nói lời giết hại chúng sanh, không nói lời xui khiến người giết hại chúng sanh, không nói lời trộm cắp cướp giật của người khác, không nói lời dâm dục tục tĩu, không nói lời bướm ong, trăng gió, mận đào.

Tóm lại lời nói ái ngữ là lời nói luôn luôn lúc nào cũng ôn tồn nhã nhặn, dịu dàng, từ tốn, khiêm cung, và lời nói không bao giờ làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai. Nếu chúng ta lỡ nói không ái ngữ khiến cho mình khổ, người khác khổ thì ta nhất định phải từ bỏ không được dùng lời nói đó nữa. Vì vậy mỗi khi nói một điều gì ta phải tư duy, suy nghĩ cho thật kỹ rồi mới nói.

(19:50) Trên đây đức Phật nhắc nhở chúng ta, vì những lời nói có hai bài kệ trong kinh Pháp Cú. Nếu ta nhìn đúng lời dạy trên đây, đó là ta đang tu tập nẻo về ái ngữ, lời nói ái ngữ rất lợi ích cho đời sống của chúng ta. Nếu ta biết cẩn thận, dè dặt, biết giữ gìn đúng ái ngữ như trên đức Phật dạy thì ta đã đem lại cho mình cho người thật sự an vui thanh thản an lạc, giải thoát dù bất cứ ở nơi đâu.

Đặc tướng của lời nói ái ngữ này là vi tế - vì thích tranh cãi với các vị giáo sư, cái giận ít khi bộc lộ ra bên ngoài vì - đặc tướng này rất khó thấy cái giận dữ vì cái thô đã giảm, cái vi tế vẫn còn.

Đặc tính này cái thiện nhiều hơn cái ác, vì ham tu ham học hỏi, cái ác chỉ còn vi tế chứ không bộc lộ ra bên ngoài.

Sau khi tốt nghiệp ở trường Đại học được đọc sách của Thầy thì tìm đến Tu viện xin tu học và cảm mến giới hạnh của Thầy qua ngôn ngữ từ ái, nhẹ nhàng, ôn tồn của những lời nói ái ngữ.

Duyên tan của lời nói ái ngữ.

Khi học được gương hạnh sống của vị Thầy hàng ngày thì bắt đầu thay đổi từ bỏ sự tranh luận hơn thua, bớt nói nhiều và cố gắng tu tập.

Sự chuyển đổi của lời nói ái ngữ.

(21:17) Chuyển đổi lời nói không ái ngữ thành lời nói có ái ngữ nhẹ nhàng ôn tồn khiêm cung, nói đúng lúc đúng chỗ, không bao giờ nói sai sự thật, không thiên vị thấy dở nói hay, không xuyên tạc nghe một đường nói một ngả. Người tu theo hạnh ái ngữ rất thận trọng lời nói, trước khi muốn nói gì phải suy nghĩ coi có lợi ích và chân thật không.

Vậy phàm những lời nói đúng lý hợp lẽ có lợi ích cho toàn thể mọi người là ái ngữ, những lời nói ấy chúng ta phải đi theo và tập nói cho đúng như thế.

Áp dụng lời nói ái ngữ vào bản thân.

(22:02) Con biết khi con ý thức được những khổ đau do lời nói thiếu Chánh Niệm gây ra, con cố gắng học theo hạnh ái ngữ và lắng nghe để dâng tặng niềm vui cho người và làm vơi bớt khổ đau của người. Biết rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc hoặc khổ đau cho người, con nguyện chỉ nói những lời có thể gây thêm niềm tự tin, an vui và hy vọng, những lời chân thật có giá trị, xây dựng sự hiểu biết và hòa giải. Con nguyện không nói những điều sai với sự thật, không nói những lời gây chia rẽ và căm thù. Con nguyện không lan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không phê bình và lên án những gì con không biết chắc. Con nguyện không nói những điều có thể làm tan vỡ gia đình và đoàn thể.

Khi con đến Tu viện Chơn Như tu tập thực hành giới thứ tư; con không nói chuyện thị phi của bất cứ ai và của bất cứ cơ sở nào trong đó có các quý sư thầy, các sư cô, và các chú tiểu.

(23:08) Con cũng không nghe chuyện thị phi; thời giờ của con là để thực tập thiền thở, thiền đi, thiền ngồi, thiền làm việc và ăn cơm trong Chánh Niệm. Để tự thực tập được phương pháp, con cần phải theo dõi hơi thở vì vậy con không nói chuyện, trừ những giờ pháp thoại khi thưa hỏi pháp với Thầy. Trong thời gian thưa hỏi đó, con trình bày lý tưởng tu tập mà thôi. Im lặng này không phải là một thứ im lặng tẻ nhạt hoặc nặng nề mà là một thứ im lặng linh động, đầy sức sống, gọi là im lặng như Thánh, hay gọi là im lặng hùng tráng, rất cần thiết cho khung cảnh thực tập của con.

Im lặng như Thánh tạo nên năng lượng chuyển hóa và trị liệu các vết thương tham, sân, si xói mòn và con sẽ cố gắng nỗ lực tích cực đóng góp cho phẩm chất tu học của đoàn thể về Tu viện này.

Phần kết luận

Nhân quả khẩu hành ái ngữ đem đến cho chúng ta sự hiểu biết đâu là con đường thiện, đâu là con đường ác để chúng ta tránh mọi điều ác, làm mọi điều lành, gội rửa nội tâm để trở thành một con người có lời nói ái ngữ, một con người hoàn thiện về đức hạnh và trí tuệ. Mỗi con người chúng ta đều có khả năng và bổn phận thực hành bức thông điệp đó, bức thông điệp bất hủ mà đức Phật đã trao cho loài người, cho mỗi chúng ta.

(24:36) Lời nói ái ngữ là lời nói của trí tuệ, có tình thương rộng lớn, đem lại cho mọi người nhiệt tình sống cuộc sống đạo đức, sống cuộc sống tâm linh cao cả, cuộc sống trong sáng thanh tịnh đầy lòng bao dung. Nếu tất cả mọi người đều vâng theo lời dạy minh triết của đức Phật, sống tỉnh táo luôn luôn quan sát và phân tích vững vàng vào các sự kiện thực tế của đời sống, kể cả đời sống nội tâm thì lịch sử nhân loại kể cả quá khứ và hiện tại sẽ giảm bớt bao nhiêu tội ác tan tóc và đau thương, bao nhiêu máu bớt chảy, bao nhiêu nước mắt đỡ tuôn rơi, bao nhiêu quả tim đỡ tan nát từ những khẩu hành ác này.

Giáo lý nhân quả dạy con người thức tỉnh trong các hành động tạo tác của mình để xa lánh các việc ác và nỗ lực làm các việc lành nhằm đem lại sự an vui, thanh bình cho cuộc sống. Và giáo lý nhân quả chú trọng đến vấn đề thiện ác, con người phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những tư duy và hành động của chính mình.

Hạnh phúc hay khổ đau là do mình tự tạo cho mình. Ở đây không hề có một sự trừng phạt hay ban thưởng nào, cũng không có một giáo điều hay tín lý nào có thể thiết lập trên cơ sở nhân quả của Phật giáo. Một nền luân lý đạo đức như thế, nhân bản và tích cực như thế, trí tuệ và đầy tình thương như thế. Nếu được áp dụng vào mỗi con người, gia đình, học đường và xã hội, ắt hẳn sẽ đưa đến một cuộc sống an lạc hạnh phúc.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Con xin hết.

3- BÀI VIẾT NHÂN QUẢ KHẨU HÀNH ÁI NGỮ CỦA TU SINH QUẢNG TRÍ

(26:47) Trưởng lão: bây giờ tới một cái bài nữa, mấy con sẽ nghe, rất là đơn giản. Con sẽ đọc, Quảng Trí con đọc cái bài này con.

Tu sinh Quảng Trí: Kính thưa Sư ông! Con xin đọc bài của con "Nhân quả ái ngữ."

Sống trên đời này thường con người hay nói ác ngữ thì nhiều mà nói ái ngữ thì ít. Nhưng nói ái ngữ nghĩa là gì, như thế nào? Xin thưa nói ái ngữ là lời nói lúc nào cũng ôn tồn, nhã nhặn, dịu dàng, nhẹ nhàng, từ tốn, khiêm cung. Là lời nói không làm khổ mình, khổ người, làm khổ tất cả chúng sanh. Lời nói ái ngữ xuất phát từ những ai có từ tâm có lòng yêu thương chân thật đối với người khác, đối với tất cả mọi loài chúng sanh, xuất phát từ những ai có đạo đức nhân bản, nhân quả. Lời nói ái ngữ thường thể hiện ở nhiều khía cạnh trong cuộc sống nên con chỉ nghe theo những gì con đã từng được nghe và thực hiện được thôi.

(28:37) Đó là lần đầu tiên con gặp sư ông ở Linh Sơn, sư ông đã nói với con những lời mà con không thể quên được: “Các con hãy ngồi xuống đi, đừng quỳ mỏi chân.”; “Sao các con biết Thầy ở đây mà tới vậy?” hoặc “Các con còn trẻ ráng tu nghe!” hay khi con khóc, sư ông nói: “Nín đi con, đừng khóc nữa!.”

Mà cũng chính nhờ những lời nói ái ngữ của Thầy con mà con mới xuất gia đó. Với bản tính cực hiền, nhút nhát, lần đầu tiên con gặp Thầy cứ lụi lụi sau lưng má, Thầy kêu ra hỏi: “Sao con sợ Thầy dữ vậy, Thầy có làm gì con đâu?”. Thầy con nói: “Con hiền lắm, khờ lắm, kiểu này ở đời là bị người ta ăn hiếp đấy.” Con thấy cảm xúc những lời ấy lắm!

Cộng với những cách xưng hô với Phật tử, Thầy con lại xưng “con” với mọi người lớn, người ngang tuổi Thầy xưng tên, còn đối với người nhỏ tuổi như con thì xưng bằng Thầy. Con nghĩ thầm sao một người tu hành mà lại xưng “con” với Phật tử vì con thấy mấy thầy mới xưng "tôi" trước còn kêu Phật tử là con lại xưng bằng thầy hoặc cô bất kể già, trẻ, bé con. Con thấy thích lắm về quyết định xin ba má ở với Thầy luôn. Nhờ vậy mà con thấy được, học được những lời ái ngữ đó. Nào là khi con bị bệnh, Thầy hỏi: “Con đau lắm phải không, để Thầy trị cho con đỡ đau nhé. Con phải ráng ăn uống vô để mà có sức còn đi học nữa chứ.

Khi con đi học bằng xe đạp về tối vì vá xe; Thầy bảo: “Mệt lắm phải không con, nghỉ một chút cho khỏe đi rồi ăn cơm tắm rửa.” hay: “Con đi cẩn thận nghen, đi từ từ thôi, đừng có đi nhanh mà mệt đấy!”. Hay những lúc bài vở quá nhiều con phải thức khuya để thanh toán, Thầy xuống bảo: “Con đi ngủ, từ nay về sau đừng làm gì nữa hết, hãy lo học đi, để đó cho Thầy.” Những lúc trời trở lạnh Thầy bảo: “Con lấy áo ấm mặc vào đi, để lạnh mất sức đấy.

(31:10) Nhưng có những lúc con lì với Thầy đòi bỏ tu, phiền não, lầm lũi, Thầy đều khuyên lơn động viên an ủi: “Tí à. Con phải ráng tu tập chứ! Đừng có nản nghe chưa, con mà về đời là khổ lắm đấy, về làm Thầy buồn, ba má buồn nữa, phải ráng tu nhen. Thôi,Thầy tha thứ cho con rồi đó, cố gắng lần sau đừng để vi phạm nữa nghe chưa, sao con khóc hoài vậy, nín đi chứ, đừng có khóc nữa, xấu lắm.”

Còn đối với những con vật xung quanh, từ con hiền lành đến con hung dữ, Thầy con kêu bằng “con” và xưng bằng “Thầy” nữa chứ! Chính vì vậy con học được những lời ái ngữ đó và khi con thấy Thầy buồn, đau bệnh sau những giờ làm việc mệt nhọc, con đều lân lê hỏi han: “Thưa Thầy! Con có làm gì cho Thầy buồn không? "; "Thôi, Thầy đừng có buồn con nữa! Thầy buồn thì con đâu có vui sướng gì đâu.” - đó là những lúc Thầy con buồn.

"Thưa Thầy! Thầy làm sao vậy? Thầy đau ở đâu để con xức dầu rồi đi mua thuốc cho Thầy"; "Phải chi con đau thế cho Thầy được thì hay biết mấy! Chứ con thấy Thầy đau, con xót xa quá!"; "Thầy đỡ đau được phần nào chưa?” - đó là những lúc Thầy con bệnh.

Thưa Thầy, Thầy có mệt lắm không?"; "Thầy nghỉ cho khỏe đi, để con làm cho.” Đó là những lúc Thầy con làm việc.

Hay những lúc con đi học về: “Thưa Thầy!" mà Thầy không trả lời thì vội quỳ xuống hỏi ngay: "Thưa Thầy! Ở nhà có chuyện gì vậy, hay là chị nào không nghe lời Thầy"; "Thưa Thầy! Thầy đừng buồn nữa, hãy ráng lên, mọi chuyện rồi sẽ qua thôi".

(33:08) Và con còn khuyên được ba má con, anh chị em con và cả thầy cô và bạn bè con nữa. Không những chỉ có vậy lời nói ái ngữ thể hiện ở những tiếng xưng hô hoặc lời lễ phép của con chào hỏi kính trọng; những lời đi thưa về trình; những lời nói trang nhã lịch sự dễ thương: “Kính thưa bà con cô bác trong buổi tang lễ hôm nay không làm sao tránh khỏi những điều sơ sót xin quý vị niệm tình tha thứ.” Hoặc: “Dạ, thưa bác! cho con hỏi nhà ông A ở đâu ạ.”

Và con còn thể hiện được đối với chúng sanh nữa chứ! Tuy rằng con sợ con “Chàng hiu” nhưng con nói: "Chàng hiu ơi! Em đi ra ngoài, chứ chị sợ em lắm". Khi những con muỗi, nó cứ vo ve bên con, con nói: “Muỗi ơi, đừng cắn chị, chị ốm yếu như vậy đấy mà em cắn hút máu hết thì chị còn sức đâu nữa để mà tu học”. Khi ăn cơm có những con kiến, con bảo: “Kiến ơi ra ngoài đi chứ! Chút nữa chị ăn xong, cho mấy em ăn.”

Ngoài ra những lời khen ngợi quê hương đất nước, những lời kêu gọi đoàn kết, hòa hợp, những lời kêu gọi giúp đỡ những người bất hạnh trong xã hội, những lời khen đúng chánh pháp đều là ái ngữ. Tuy không có biết, nhưng đó đều là của người khác, chỉ sách vở nên con không nêu ra, mà con biết chắc rằng những người nào mà nói lời ái ngữ thì đi đâu, sống ở đâu cũng được mọi người yêu mến, cuộc sống của họ sẽ được hạnh phúc yên vui.

Nhưng theo con nghĩ lời nói ái ngữ đó đôi khi cần phải đi đôi với những hành động như xoa đầu, vỗ vai, bắt tay, đặc biệt là với ánh mắt hiền từ cảm thông thì lời nói có giá trị hơn, nó sẽ bất diệt với thời gian, không gian. Nó sẽ luôn sống và tồn tại trong mọi người, cũng như Thầy con đối với con vậy. Nó rất có lợi ích như mẹ, những khi lười biếng buồn ngủ chán nản, mà nhớ lại những lời đó, nó làm con siêng năng cố gắng tu tập hẳn lên. Nó giúp con vượt qua mọi gian nan và thử thách.

Tóm lại lời nói ái ngữ rất quan trọng trong đường đời cũng như đường đạo. Việc tích tập để khẳng định rằng ái ngữ thắng ác ngữ.

Con xin hết.

4- BÀI VIẾT NHÂN QUẢ KHẨU HÀNH ÁI NGỮ CỦA TU SINH LIỄU HUỆ

(35:57) Trưởng lão: Giờ tiếp tục mấy con sẽ đọc bài ái ngữ để thấy rằng cái cuộc đời tu hành của chúng ta rất cần thiết những lời nói ái ngữ mà đúng Chánh Ngữ mấy con. Cho nên những cái bài này được đọc nhiều để nhắc nhở chúng ta sống bằng ái ngữ.

Bây giờ Liễu Huệ hãy đến con đọc cái bài của con. Mỗi người đều có một cái ái ngữ, nghe nó thâm trầm. Mỗi người có những cái lý luận, cái lý luận đó để đi sâu vào tâm hồn của chúng ta để chúng ta thực hiện những cái ngôn ngữ, cái ngôn ngữ rất cao đẹp.

Con đọc đi con.

Tu sinh Liễu Huệ: Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Nam mô Bổn Sư Trưởng lão Thích Thông Lạc. Kính bạch Thầy con xin làm bài ái ngữ.

Nói đến ái ngữ thì ai cũng hiểu: “ái” là thương, “ngữ” là lời nói; nghĩa là lời nói yêu thương chân thật. Và “Chánh ngữ” là lời nói đúng đắn, ôn tồn, nhã nhặn, an ủi, khuyên lơn, là thể hiện tình thương yêu thương muôn loài vạn vật. Còn ái ngữ ngọt ngào, trau chuốt để cầu lợi dưỡng đó là ái ngữ triền phược, hệ lụy, đau khổ.

Ví dụ, mình thấy chị ấy có món đồ quý giá mà mình yêu thích nhưng xin thì không cho, mà mua thì không bán, cho nên theo vuốt vai nói những lời ngon ngọt, khen những lời không đúng sự thật, với mục đích thỏa mãn lòng tham dục, đây là ái ngữ triền phược, hệ lụy, tà ngữ.

Và đây là một câu chuyện ái ngữ về lòng thương yêu chân thật.

(38:06) Bên nhà con có một cô giáo Loan. Cô có một cậu học trò tên Khánh rất thông minh nhưng không chịu học hành gì cả, suốt ngày chỉ theo đám bạn bè đi chơi điện tử, bi-a hoặc đi suối, đi hồ. Cô Loan khuyên hoài không được, cô nói: “nếu không học đàng hoàng thì cô đưa lên ban giám hiệu, cho em nghỉ học luôn”. Thế là cậu ấy về nhà mách lại với ba mẹ, nói: "Cô giáo ghét con, không cho bài con làm, lại còn đánh con, bây giờ con không đi học nữa."

Ba mẹ cậu Khánh suốt ngày bận rộn với công việc, không có thời gian quan tâm chuyện học hành của con mình, chỉ ngày phát mấy ngàn là xong. Khi nghe con nói vậy, hai vợ chồng kéo xuống nhà cô Loan, hùng hổ, đỏ mặt tía tai, môi run mắt trợn, kêu cô Loan ra. Cô bước ra lịch sự: “chào anh chị, mời anh chị vào nhà chơi.” Ba của Khánh hung hãn nói: “không vào nhà vào cửa gì hết, tôi là ba của thằng Khánh đến đây hỏi cho ra lẽ, con tôi có lỗi gì mà cô ghét nó, đánh đuổi không cho nó học, cô mà trả lời không xong, chúng tôi sẽ kiện cô.”

(39:32) Bất ngờ cô Loan reo lên vui mừng: “A! anh chị đã đến rồi đây, em mừng quá! Em không biết anh chị ở đâu nếu không em đã đến gặp anh chị về chuyện của em Khánh. Nhưng trước tiên mời anh chị vào nhà rồi hãy nói chuyện.” Ông bà không ngờ cô giáo gì mà vui vẻ, hiền từ như bụt. Cô Loan bắt đầu giọng nói nhẹ nhàng, êm ái của người Đà Lạt. Cô từ từ vừa cười vừa nói: “Anh chị biết không, Khánh rất thông minh, bài giảng là hiểu liền, rất nhanh nhẹn, lanh lợi. Nhưng có một điều em không chịu vào lớp đi lòng vòng ngoài đường xá, còn những ngày khác thì đi chơi điện tử hoặc bi-a. Em thương Khánh lắm chứ, khuyên dạy đủ điều mà Khánh không nghe. Nay anh chị đã đến đây, vậy cùng em hợp tác giáo dục Khánh. Em tin Khánh sẽ là học trò ngoan giỏi, và trở thành người tốt. Nếu không Khánh sẽ hư đời.

Hai vợ chồng nghe qua sững sờ, nhưng chưa biết thực hư thế nào. Ông bà xin lỗi cô Loan. Về nhà ông bà cũng không la rầy cậu Khánh mà chỉ nói: “Ba mẹ đã xin cô giáo cho con đi học lại rồi đó!” Sáng hôm sau cậu cũng xách cặp đi học đàng hoàng nhưng không tới lớp mà đến ngay điện tử vào chơi. Ba cậu theo dõi tới nơi lôi cậu về đánh cho một trận, trốn học lại còn nói dối. Để làm mát lòng cô giáo, ông bà đã ân hận về hành động thô lỗ của mình, nên chiều đó mua quà xuống xin lỗi cô giáo và nhờ cô giúp đỡ răn dạy giùm cậu Khánh.

Sáng ông chở cậu Khánh đến trường, chiều về nhà cô Loan học thêm. Tuy cô Loan rất hiền nhưng nề nếp gia đình rất nghiêm khắc. Do đó cậu ở từ năm lớp mười đến mười hai, cậu hoàn toàn thay đổi, học giỏi siêng năng lễ phép. Hiện giờ cậu đang học năm thứ tư Bách khoa Sài Gòn. Bây giờ nhà cô Loan là nhà của cậu, mỗi lần ở Sài Gòn về cậu chỉ tạt qua nhà cậu một tí rồi xuống nhà cô Loan ở luôn, kể cả Tết.

(41:51) Qua câu chuyện trên đây ta thấy ái ngữ là một việc làm tốt và thiện. Nếu không có những lời nói êm dịu nhẹ nhàng phát xuất từ tấm lòng chân thật và thương yêu cậu học trò, thì có lẽ Khánh nay là đại ca rồi cũng nên.

Do cô Loan quá hiền và tốt, nên phóng xuất ra từ trường thiện, thay đổi duyên; từ trường ấy sanh ra nhiều người thiện là duyên Sanh; những người hiền đó sống một thời gian tùy theo nhân quả thọ yểu mà chết đó là duyên nghiệp.

Nhân là lời nói chân thật ôn hòa, hưởng được quả an vui hạnh phúc được mọi người quý mến. Nhìn cô trông xinh đẹp, phúc hậu, miệng luôn cười, mắt hiền hòa từ ái, tâm tánh hiền lành đôn hậu dễ mến, nhìn thấy cô là thấy sự khoan dung thông cảm. Nhờ sự dịu dàng chơn thật của cô Loan mà chuyển đổi được tâm tánh của cha mẹ cậu Khánh từ hung dữ, hàm hồ trở thành người hiền lành, biết điều. Và chuyển cậu Khánh trở thành người có ích cho xã hội và người con hiếu thảo của gia đình.

Và một câu chuyện nữa về ái ngữ. Con có người em con ông chú, cô bị chửa hoang, gia đình chửi mắng đánh đập, dòng họ không nhìn, nói cô làm nhục bôi nhọ dòng họ, cô buồn quá muốn tự tử. Bất ngờ con ra thăm chơi. Đối với con chuyện không có chồng mà chửa thì cũng không có gì là quan trọng lắm, vì ai cũng muốn mình có chồng có con với gia đình hạnh phúc, nhưng vì nghiệp duyên của từng người mà họ phải chịu như vậy, thật là đáng thương hơn là khinh ghét.

Cô thấy con vui vẻ bình thường, không đả động gì đến cái bầu của cô; lúc ấy, cô mới dám tâm sự là cô quyết tự tử chứ không sống nổi một phần nhục nhã, một phần không chịu nổi những lời mai mỉa, nên cô quyết định dứt khoát tự tử không còn muốn sống nữa.

(43:56) Con khuyên lơn cô phải sống vì không ai thương mình bằng chính mình. Nếu nói có lỗi thì ai trên đời này không có lỗi, hơn nữa đứa bé có tội tình gì mà em nỡ giết nó, em hãy dõng mãnh vươn lên để mà sống, con kiến còn muốn sống huống là con người. Hơn nữa em tự tử đâu phải là xong, em sẽ tái sanh còn khổ gấp trăm ngàn lần vì em đã giết hai mạng người. Em hãy nghe lời chị. Em sinh con và nuôi lớn biết đâu sau này nhờ nó.

Mà đúng thật vậy, cô ấy chịu nghe, không còn có ý định tự tử nữa, con gửi cô ấy vào bà cô ở Sông Lũy, tá túc và giúp việc cho cô. Bây giờ thì đứa bé ấy hơn mười tuổi. Hai mẹ con sống rất hạnh phúc, có đất có nhà riêng, làm ăn cũng khá, con nghĩ nếu cô không có đứa con, có lẽ cuộc sống của cô nhạt nhẽo vô vị lắm vì không có niềm vui và nhựa sống.

Ái ngữ là nhu cầu cần thiết cho cuộc sống chúng ta. Ái ngữ sẽ đem lại cho mọi người an vui hạnh phúc và thành công trên mọi lĩnh vực. Chúng ta luôn trau dồi và tập sống với ái ngữ. Nếu ái ngữ có thì Tâm Từ có. Nếu không giữ được lời nói nhã nhặn, ôn hòa, vui vẻ là để cho tham, sân, si làm chủ. Tức là ác pháp xâm chiếm. Nếu ta luôn sống với ái ngữ tức là ta đã nuôi dưỡng lòng Từ, đẩy lui dần ác pháp, thiện pháp được tăng trưởng. Đó là đường đi của chúng ta đang đi. Nhưng ái ngữ phải nuôi dưỡng bằng chất liệu chân thật, bằng tình thương trong sáng, không vụ lợi.

(45:44) Muốn sống có ái ngữ thì hàng ngày ta luôn luôn tích tập thiện pháp, giữ gìn từng lời nói, phải luôn luôn sáng suốt tỉnh giác làm chủ lời nói. Nếu ta giữ được như vậy tức là ta đang sống không làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai. Và cũng là sống đúng nhân bản, nhân quả của con người. Ái ngữ ở đây là lời nói chân chánh thật thà, là xây dựng hòa hợp. Chứ không phải ái ngữ vị danh lợi, sắc tài, vinh hoa phú quý. Không cần phải trau dồi, trau chuốt mài dũa cho lời nói ngọt ngào sắc bén để làm lợi ích cho mình đó là ái ngữ triền phược khổ đau hệ lụy.

Và Chánh Ngữ ở đây cũng không phải là “trung ngôn nghịch nhĩ” vì tuy là lời nói thật nhưng không khéo léo sẽ làm cho người tức giận buồn phiền đau khổ, đó là lời nói làm khổ mình khổ người khổ cả hai.

Cuối cùng ta phải mổ xẻ tư duy cân nhắc kỹ lưỡng về ái ngữ để khỏi bị lạm dụng ngôn ngữ. Chỉ có ái ngữ mới xoa dịu nỗi khổ đau của con người. “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”

Mô Phật! Con xin hết.

5- BÀI ÁI NGỮ NHÂN QUẢ KHẨU HÀNH CỦA TU SINH DIỆU HIỀN

(47:00) Trưởng lão: Giờ các con sẽ đọc một bài ái ngữ nữa, đó là Diệu Hiền con hãy đọc bài ái ngữ của con.

Tu sinh Diệu Hiền: Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính bạch Thầy. Bài luận văn ái ngữ nhân quả khẩu hành.

Vào đề.

Trong khẩu nghiệp của chúng con có bốn điều ác là nói dối, nói lật lọng, nói thêu dệt, nói hung ác. Ngược lại bốn điều ác là bốn điều thiện: nói chân thật, nói đúng lý, nói hòa hợp, nói lời đạo đức và nói ôn tồn, hòa nhã, nhỏ nhẹ, êm ái, từ tốn, dịu dàng, lời hay lẽ phải, lời cảm ơn, xin lỗi, khen ngợi, những lời nói trên đây được gọi chung là ái ngữ.

(47:51) Câu chuyện thứ nhất.

Một tên trộm lẻn vào chùa của một vị Thiền sư trộm đồ. Vị Thiền sư ngồi đó nhắm mắt lặng im bất động. Tên trộm loay hoay cho bộ lư đồng vào túi, xong xuôi anh ta đứng nhìn ngó dáo dác xem còn gì nữa không. Vị Thiền sư mở mắt ôn tồn nói: “Thôi đủ rồi anh đi đi!” Tên trộm xách túi đi ra. Vị Thiền sư gọi anh ta lại và bảo: “Anh hãy cám ơn ta chứ.” Tên trộm cám ơn rồi quay lưng đi thẳng.

Không may cho anh ta quân lính đi tuần tra bắt gặp và bắt giữ hắn lại. Sáng hôm sau vị quan địa phương nhìn bộ lư biết là của trong chùa vị Thiền sư, nên mời Ngài đến nhận về. Vị Thiền sư đến nhìn bộ lư rồi Ngài ôn tồn nói: “Đúng là bộ lư của tôi. Nhưng tôi đã đồng ý cho anh ta và anh ta đã cám ơn tôi.” Thế là tên trộm được tha. Một thời gian sau người ta thấy trong chùa vị Thiền sư có thêm một người đệ tử hôm sớm bên thầy. Vị đệ tử ấy chính là tên trộm.

(49:31) Qua câu chuyện trên cho chúng con thấy đặc tướng của nó là giữa một người đời và một người đạo. Đặc tánh của nó là sự tham lam trộm cắp và lòng từ bi khoan dung tha thứ. Vị Thiền sư nhắc nhở tên trộm cảm ơn trước khi đi là duyên hợp cho sự trộm cắp. Vị Thiền sư nói “tôi đã đồng ý cho anh ta, và anh ta đã cám ơn tôi” là duyên tan của sự bắt giữ anh ta.

Đây là một lời nói chân thật đúng đắn và có sự hòa hợp do lòng từ bi đức độ của Thiền sư đưa anh ta lại. Do lòng từ bi đức độ của Thiền sư đưa anh ta đi và gọi anh ta lại dạy cảm ơn, đã giúp cho hành động của anh ta là đi xin chứ không phải trộm cắp. Cũng do lòng từ bi khoan dung tha thứ của vị Thiền sư đã cảm hóa được một người xấu ác trở về con đường tốt thiện, đạo đức là chuyển hóa nhân quả.

(50:27) Câu chuyện thứ hai.

Quyển sách “Một cuộc đời, một ngôi sao” của tác giả Minh Ðức Triều Tâm Ảnh, nói về cuộc đời của Ngài Tôn giả Xá Lợi Phất. Trong đó có một mẩu chuyện mà chúng con rất tâm đắc.

Ngài Xá Lợi Phất là một đại đệ tử và là một cánh tay đắc lực của Đức Phật. Ngài thuộc về hạng thượng thủ trong tăng đoàn, Ngài giúp ích cho Đức Thế Tôn rất nhiều trong công việc hoằng hóa độ sinh, trong tăng đoàn Ngài chăm sóc tất cả mọi việc từ nhỏ đến lớn.

Ngài rất tận tụy, ân cần, thương yêu, vui vẻ, từ tốn, ôn hòa, nhã nhặn đối với tất cả mọi người trong tăng đoàn; ai ai cũng đều quý mến Ngài.

Hôm đó ba tháng an cư kiết hạ vừa xong, các vị Tỳ-kheo chuẩn bị trở về trụ xứ của mình, Ngài Xá Lợi Phất đi một vòng để coi sóc công việc. Gặp các vị Tỳ-kheo, Ngài cười chào thân mật, gọi bằng sự khen ngợi vị ấy như: xin chào “Vị Đa văn đệ nhất”; xin chào “Vị giới luật đệ nhất”; xin chào “Vị Khổ hạnh đệ nhất”.

Có một vị Tỳ-kheo mới vào Ngài chưa kịp biết tên vị ấy, khi đi ngang qua vị ấy, Ngài im lặng đi qua vô tình một giáo y của Ngài đụng trúng vị ấy, vị Tỳ-kheo sinh lòng tức giận nghĩ: “Ông ấy ỷ mình làm lớn không thèm chào hỏi ta. Đã vậy cái y đụng trúng ta mà còn bỏ đi luôn. Ta phải làm cho bõ ghét!”. Thế là vị ấy lên bạch với Đức Phật: “Bẩm Đức Thế Tôn! Ngài Xá Lợi Phất ỷ mình làm lớn, đã mắng con, còn tát cho con hai tát tai trời giáng nữa.

(52:12) Thế là có một cuộc triệu tập gấp, các vị Tỳ-kheo đồng đến để nghe xử. Khi đã đầy đủ, an ổn xong, đức Phật kêu Ngài Xá Lợi Phất, nói: “Vị này nói rằng ông đã đánh, đã mắng vị ấy.” Ngài Xá Lợi phất quỳ xuống ôn tồn chậm rãi nói:

"Kính bạch Đức Thế Tôn, khi một người đã nhàm chán với tất cả dục lạc thế gian, sống một đời sống phạm hạnh, hết sức giữ gìn giới luật nghiêm túc, không hề dám vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào.

Vị ấy xem tâm mình như là đất. Ví như trên đất, dù có ai quăng đồ dơ sạch, thanh tịnh hay bất tịnh, như phân uế, nước tiểu, nước miếng, máu mủ, đàm nhớt hay các thứ hôi bẩn khác lên đất thì đất cũng an nhiên, bình thản, không phân biệt, không phiền hà than trách, không vui buồn, khen chê, không lo sợ, nhàm chán, không sân giận, dao động.

Vị ấy xem tâm mình như nước. Ví như trong nước người ta rửa sạch đồ tịnh hoặc bất tịnh, như rửa sạch phân dơ, rửa sạch nước tiểu, rửa sạch đàm nhớt máu mủ và các thứ hôi thối khác. Nước vẫn an nhiên bình thản, không phân biệt, không phiền hà, than trách, không vui buồn, khen chê, không lo sợ, nhàm chán, không sân giận, dao động.

(53:36) Vị ấy xem tâm mình như là gió. Ví như gió thổi các thứ tịnh và bất tịnh. Vị ấy xem tâm mình là lửa. Ví như lửa đốt các thứ thanh tịnh và bất tịnh. Vị ấy xem tâm mình là giẻ lau, ví như giẻ lau các thứ tịnh và bất tịnh dơ sạch, ô uế, nước tiểu, đàm nhớt, máu mủ và các thứ hôi bẩn khác. Thì tâm vị ấy như gió, lửa, giẻ lau vẫn an nhiên bình thản không phân biệt, không phiền hà than trách, không vui buồn, khen chê, không lo sợ, nhàm chán không sân giận, dao động.

Vị ấy xem tâm mình là con voi già. Ví như con voi già bị cưa mất cặp ngà, con voi già đã bị mất vũ khí bảo vệ, lúc nào nó cũng lo sợ phòng hộ giữ gìn cái vòi của mình.

Vị ấy xem tâm mình như là một tên đầy tớ. Ví như tên đầy tớ nô lệ trung thành với ông chủ của mình. Tên đầy tớ luôn luôn hoàn tất công việc và bổn phận của mình, luôn biết ý và làm vừa ý vui lòng ông chủ của mình.

Kính bạch Đức Thế Tôn! Tâm của chúng con ví như là vị ấy, làm sao chúng con dám nặng lời, nặng tay làm đau đớn một người mà toàn là huynh đệ của chúng con."

(54:56) Cả đại chúng lúc bấy giờ ngồi lặng im phăng phắc không nghe một hơi thở nhỏ. Cả đại chúng vô cùng xúc động trước những lời ôn hòa, nhã nhặn, khiêm hạ, chân thật, đúng lý lẽ và đạo đức của một bậc thượng thủ. Một thoáng im lặng trôi qua, Đức Thế Tôn lên tiếng: “Này vị Tỳ-kheo kia, ông nghe rõ chưa? Hãy đến nhận lỗi và xin lỗi ông Xá Lợi Phất. Ngài Xá Lợi Phất hãy tha lỗi cho ông ấy nếu không đầu ông ấy sẽ bị vỡ làm bảy mảnh vì quả báo lời nói độc ác của mình.”

Ngài Xá Lợi Phất nói: “Kính bạch Đức Thế Tôn, chúng con đã tha lỗi cho ông ấy rồi.” Rồi quay sang vị Tỳ-kheo, Ngài nói: “Này hiền giả, nếu tôi có vô tình sơ ý làm điều gì buồn phiền mếch lòng hiền giả, thì xin hiền giả hãy hoan hỷ tha thứ bỏ qua cho.

(55:50) Trái đất rúng động như không chịu nổi sự từ bi, khoan dung, rộng lượng cao cả, khiêm hạ, diệt ngã xả tâm của một vị đại trí tuệ.

Qua câu chuyện trên nói lên sự việc của các vị Tỳ-kheo; đặc tướng là sự vu oan, vu khống - lời nói độc ác của vị Tỳ-kheo và lòng từ bi độ lượng của Ngài Xá Lợi Phất. Đặc tánh: lời nói vu cáo là duyên hợp cho câu chuyện, lời nói nhã nhặn khiêm hạ của Ngài Xá Lợi Phất làm tan sự vu cáo đó. Lời tha thứ của Ngài Xá Lợi Phất với vị Tỳ-kheo là chuyển hóa nhân quả.

Câu mà Ngài Xá Lợi Phất nói: “Kính bạch Đức Thế Tôn, chúng con đã tha lỗi cho ông ấy rồi.” Câu nói này thật tuyệt vời làm sao! Cho chúng con thấy rằng Ngài Xá Lợi Phất có tâm rất thanh tịnh, không hề cấu nhiễm, dường như khi biết người vu oan, vu khống cho mình thì Ngài đã tha thứ cho kẻ ác ngay lúc đó, tâm Ngài không biết tức giận là gì, thật là một gương hạnh từ bi cao cả!

(56:58) Câu chuyện thứ ba.

Lúc trước chúng con hay đi theo đoàn từ thiện ở thị xã đưa những ông bà cụ già lên thành phố mổ mắt miễn phí tại bệnh viện An Bình. Một chuyến đi từ ba mươi lăm đến bốn mươi người. Sáu giờ tối bắt đầu đi, đến bệnh viện khoảng ba giờ sáng. Các ông bà cụ nghỉ ngơi vài tiếng rồi sáng bắt đầu vào viện.

Câu chuyện buổi sáng của ngày đầu tiên tại bệnh viện là bác sĩ khám mắt, lọc bệnh, ai không mổ được thì về, ai mổ được thì ghi phiếu xét nghiệm máu, nước tiểu, đo điện tim. Hai khâu này phải hoàn tất trong vòng buổi sáng, để buổi chiều tiếp tục những khâu khác, chuẩn bị cho hôm sau mổ. Bệnh viện khá lớn, phòng đo điện tim gần ngoài cổng, phòng xét nghiệm thì ở cuối bệnh viện, khoa mắt thì nằm ở giữa.

Chuyến mổ mắt nào cũng có cái cảnh các ông bà cụ dắt dìu tay nhau mò mò lần dò đi qua xét nghiệm; xét nghiệm xong trở ngược về đi ngang qua khoa mắt đến phòng đo điện tim. Đoạn đường cũng khá xa đối với các ông bà cụ. Phòng đo điện tim do một chị tên Kim đảm trách và một cô phụ tá, chị Kim khoảng bốn mươi tuổi, chị có một giọng nói đặc biệt mà chúng con ít gặp; lần đầu mới quen chúng con tưởng chị chỉ là xã giao. Lâu ngày mới biết giọng nói chị là như vậy, chị nói chuyện thật êm dịu, nhẹ nhàng, từ tốn, ngọt ngào, chậm rãi, đúng thật là như vậy!

(58:33) Mỗi lần chúng con lên đưa các ông bà cụ qua đo điện tim, chị hay ân cần thăm hỏi: "Em lên mấy giờ, em đi có mệt không" hoặc "các ông bà ngoại đi suốt đêm chắc mệt lắm hả, thấy thương các ông bà ngoại đi xa quá!". Rồi chị nói chuyện với các ông bà cụ: “ngoại ơi, ngoại lên đây nằm, con đo tim cho”; rồi “ngoại ơi đừng sợ, cứ hít thở đều dùm con”; rồi “ngoại ơi xong rồi, để con đỡ ngoại dậy”; rồi “ngoại ơi lên đây”. Chị gọi các ông bà bằng "Ngoại" ngọt ngào thân thiết, chúng con rất quý mến chị ấy!

Lòng vòng đến đây mới chính là chuyện chúng con muốn nói. Lần đó vì lý do công việc và bệnh nhân đông, nên đi ra phía xét nghiệm và điện tim thì gần trưa, chúng con vội vã tranh thủ chia ra một số đi xét nghiệm, một ít qua điện tim, cuối cùng khâu xét nghiệm xong mà bên đo điện tim còn khoảng hai mươi người.

Kim đồng hồ đã gần mười một giờ, chúng con lo lắng nếu hết giờ hoãn lại buổi chiều thì lu bu quá! Đi về, đi qua đi lại, rồi chạy thêm mấy khâu bên kia; buổi chiều thì bệnh nhân đông cứ chờ tới chờ lui, sợ không hoàn tất. Chúng con lo lắng nói: "Chị ơi, còn đến hai mươi người nữa, mà gần mười một giờ rồi!"

(59:58) Nhìn chúng con lo lắng chị cười vui vẻ: “Không sao đâu em, chị làm kịp mà! Chị sẽ ở lại không đi về. Chừng nào đo xong chị về. Để chị ráng làm thêm một chút không sao. Cho các ông bà ngoại đỡ đi tới, đi lui cực khổ và trời thì đang nắng, ông bà ngoại thì hoa mắt, rồi trưa hai giờ lại mò mò đi qua. Tội nghiệp các ông bà ngoại, nắng nóng mệt lắm. Em đừng lo!

Chúng con nghe xong, thở phào nhẹ nhõm. Các ông bà cụ mừng vui ra mặt. Cô làm chung với chị Kim thì đúng giờ đã về rồi, còn chị ở lại làm cho đến hết hai mươi người bệnh. Xong xuôi công việc cũng gần mười hai giờ, chị xoa hai tay cười với chúng con: “Đó, em thấy không! Xong rồi, chịu khó chút xíu đỡ các ông bà ngoại

(1:00:51) Từ đó về sau có những chuyến mổ mắt miễn phí, thỉnh thoảng chị cũng hay bị về trễ và vẫn vui vẻ như vậy. Qua cách sống nói chuyện của chị Kim, thấy gieo vào lòng chúng con một hình ảnh ấn tượng vô cùng tốt đẹp.

Trong thời buổi hiện nay, một y sĩ hết lòng tận tụy với bệnh nhân là hiếm thấy đó là đặc tướng. Một tình yêu thương con người và con người thật là đáng quý đó là đặc tánh. Chị làm công việc hoàn tất đúng giờ là duyên hợp. Chị cố gắng ở lại làm thêm ngoài giờ để giải quyết công việc không bị đình trệ là duyên tan, mà chị không hề đòi hỏi sự bồi dưỡng nào cả, chỉ một hành động lời nói của chị đem lại sự vui vẻ an ổn, không tốn công sức các ông bà ngoại già, công việc buổi chiều được trôi chảy, công việc xong chị vui, chúng con vui, các ông bà ngoại vui "cám ơn chị rối rít " mình vui mọi người vui.

Chỉ một ý nghĩ từ bi thương người, nghĩ đến mọi người, sống vì mọi người, nói những lời thương yêu mọi người mà ra những trái quả ngọt ngào an vui hạnh phúc.

(1:01:59) Qua những câu chuyện trên đây cho chúng con thấy những lời nói ái ngữ là đem lại cho người nghe một sự vui vẻ, yên tâm, tin tưởng, bình yên, an ổn, khoan khoái, dễ chịu và sinh lòng cảm mến quý trọng người nói ái ngữ. Những lời nói ái ngữ chỉ có phát xuất từ lòng từ bi thương yêu chân thật rộng lớn. Từ ngàn năm xưa cho tới thời đại ngày nay cuộc sống luôn có những con người xứng đáng là một tấm gương sáng cho chúng con noi theo.

(1:02:32) Kính bạch Thầy, từ nhỏ chúng con đã nghỉ học sớm. Trong đời chúng con nào có biết gì là luận văn. Một tháng đầu vừa qua Thầy cho làm bài, chúng con chưa nắm rõ một điều căn bản, chúng con làm mà không hiểu mục đích, cách thức bắt đầu kết thúc ra sao, dàn bài bố cục thế nào. Chúng con không có niềm tin với những bài làm của chúng con, mặc dù Thầy đã nhiều lần gợi ý dạy dỗ: “con hãy lưu ý đặc tướng, đặc tính, duyên hợp, duyên tan, chuyển đổi nhân quả.

Con ngu si không hiểu, cứ nghĩ đặc tướng, đặc tính là tướng mạo, tướng sắc của nhân vật trong câu chuyện. Nhưng không ngờ đặc tướng, đặc tính ấy ở đây là tướng tánh của câu chuyện đó. Hôm nọ trong lớp, nghe các vị bạch với Thầy: "Bạch sư ông! Cho chúng con một gợi ý để con làm bài khẩu hành, con không biết làm theo"; một vị nói: "Sư ông ơi, bây giờ con không biết phải viết làm sao?!".

Nghe những câu nói đó chúng con thấy thật là thương, chúng con thương các vị ấy như thương chính chúng con đồng một cảnh ngộ là không biết gì hết.

Ngày mùng hai vừa qua, chúng con xin biết ơn Thầy, cảm ơn Nguyên Thanh và Nguyệt Thảo. Chúng con biết ơn Thầy vì Thầy đã cho đọc những bài trên lớp, chúng con cám ơn Nguyên Thanh, Việt Thảo vì các vị làm bài hay, đúng có căn bản cách thức để được Thầy chọn đọc lên và để chúng con hiểu, để chúng con nương theo đó mà học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm. Một bài văn dù hay dù sai cũng đều có lợi ích của nó, chúng con mong ước sao tất cả các vị trong lớp nữ cũng như lớp nam đều triển khai tri kiến giải thoát giỏi, xuất sắc để không phụ lòng dạy dỗ và mong mỏi của Thầy.

Hôm nay bài văn này, con viết mà có sự ý thức hiểu biết và trách nhiệm trong đó. Những lời biết ơn trên đây xem như là kết luận cho bài văn ái ngữ nhân quả khẩu hành của chúng con.

6- BÀI ÁI NGỮ NHÂN QUẢ KHẨU HÀNH CỦA TU SINH DIỆU ĐỨC

(1:04:40) Trưởng lão: Giờ mấy con nghe tiếp một bài cũng luận về nhân quả ái ngữ. Bởi vì Thầy mong muốn sao những người đệ tử của Thầy luôn luôn có những lời nói đem lại sự an vui cho bản thân mình và cho mọi người, không nên nói những lời nói làm đau khổ mình, đau khổ người. Vì vậy mà Thầy dành hết cái thì giờ và Thầy chọn những bài có những lời ái ngữ. Mong rằng các con vui mà ngồi lắng nghe những lời ái ngữ mà từng sự tư duy suy nghĩ của những bạn của các con viết ra đây. Vậy thì cô Diệu Đức, con hãy đọc cái bài của con.

(1:05:25) Tu sinh Diệu Đức: Kính bạch Thầy! con xin đọc bài nhân quả khẩu hành - nhân quả ái ngữ của con.

Người đời thường nói: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Đó là câu ca dao trong dân gian nhắc nhở mọi người, khi nói lựa lời mà nói chứ đừng nói càn nói bướng mà mất lòng nhau. Còn đức Phật dạy: muốn nói thì phải Chánh Ngữ hay là dùng ái ngữ để độ chúng tăng. Vậy thế nào là ái ngữ đúng chánh pháp của đạo Phật và như thế nào là ái ngữ không đúng Chánh Ngữ?

(1:05:59) Chúng ta hãy cùng tìm hiểu. Mọi người thường nói chín người mười ý, do ý của mỗi người không ai giống ai nên lời nói phát xuất từ mỗi người còn không đồng nhau. Có người nói lời nhẹ nhàng dễ nghe, có người nói tiếng nghe to và hùng hồn nhưng cũng có người nói tiếng nghe the thé, có người nói tiếng nghe hiền dịu nhưng cũng có người nói tiếng nghe dữ dằn cục mịch.

Đặc tướng tiếng nói mỗi người khác nhau, bên trong những lời nói nó cũng mang tính chất khác nhau, có người nói lời nhẹ nhàng với tâm hiền hòa dễ mến, nhưng cũng có người nói nghe nhẹ nhàng mà chứa đựng những mưu mô quỷ kế.

(1:06:47) Có người tiếng nói nghe thanh tao, người khác nghe được trong lòng vui sướng. Nhưng cũng có người nói lời nói nghe thanh tao mà việc làm thì mờ ám. Có người tiếng nói nghe to hùng hồn thì giúp người khác phấn chấn hẳn lên. Nhưng cũng có người tiếng nói to hùng hồn mà chứa đựng sự tranh giành đoạt lợi. Có người tiếng nói nghe dìu dịu dễ cảm mến lòng người. Nhưng cũng có người tiếng nói nghe the thé lại chứa đựng sự dịu dàng. Có người nghe tiếng nói dịu dàng cục mịch nhưng chứa đầy sự chân thật hiền lương. Nhưng cũng có người tiếng nói nghe dịu dàng cục mịch lại có tính hung ác khiến mọi người phải sợ.

(1:07:35) Nói chung tiếng nói không ai giống ai nhưng ý tứ và tánh của lời nói cũng không đồng nhất. Vậy như thế nào là ái ngữ đúng Chánh Ngữ? Ái ngữ đúng Chánh Ngữ là lời nói đó làm cho đối phương phải khâm phục mà bỏ đi những lỗi lầm đã gây ra để sống cuộc đời hiền lương đạo đức không làm khổ mình khổ người khổ tất cả mọi loài.

Ví dụ, hồi còn nhỏ con thường ẵm em đi chơi. Gặp các bà hàng xóm rất nhiều con cũng ghé vào tham gia, sau câu chuyện đổ vỡ thì người thứ ba nghe được, nhưng hai bà không ai nhận lỗi về mình thế là kêu con ra làm chứng, vì còn nhỏ nghe sao thì nói lại vậy, thế là có một bà không đồng ý đi mách với ba mẹ con là con đã làm hại bà. Khi nghe được câu chuyện ba con kêu ra đánh cho một trận và bảo rằng từ nay về sau nếu còn nghe người lớn nói chuyện thì đuổi ra khỏi nhà chứ không phải chỉ đánh nữa. Đó là cái duyên ban đầu, từ đó về sau không bao giờ con dám nghe người khác nói chuyện nữa nên không mang phiền phức đến cho mình và ba mẹ, đó là cái quả. Việc nghe và tham gia với các bà hàng xóm nói chuyện là duyên hợp, khi bị ba đánh và dọa sẽ đuổi ra khỏi nhà sợ quá nên lần sau không dám tái phạm là duyên tan.

(1:09:08) Nhận xét hành tướng câu chuyện là dùng hành động không vị tình con nên tính chất là vì lòng thương, muốn dạy con nên người nên những lời la rầy hăm dọa là ái ngữ. Nếu lúc đó mà không dùng những hành tướng hung dữ để dạy thì con sẽ lờn nên dễ tái phạm, do đó cũng phải tùy theo đối phương dùng ái ngữ đúng Chánh Ngữ, chứ không phải ái ngữ là lúc nào cũng phải nói ngọt ngào êm dịu như câu chuyện dưới đây.

Ở trong chùa khi chúng con đi học Phật học về, ai cũng thấy mình đủ khả năng tự lực, nên xin Thầy ra ở riêng. Thầy chúng con bảo: “Các con lớn rồi ra ở riêng làm phật sự cũng tốt, đó là báo đáp ơn Thầy vậy. Các con nương Thầy để học để nên người là ơn của Thầy đối với các con nhưng Thầy cũng cám ơn các con vì có các con gánh vác việc lặt vặt trong chùa thầy cũng đỡ vất vã. Người thế gian có gia đình có con thì nhờ con, người tu thì có đệ tử. Cũng như con lên chùa, nên Thầy già rồi cũng nhờ các con giúp đỡ, cũng như các con nhờ Thầy mà khỏi phạm vào sai lầm vì luôn có Thầy nhắc nhở.

(1:10:30) Đây là cái duyên ban đầu của ái ngữ, khi nghe thầy nói với tấm lòng chân tình như vậy nên con nguyện xin ở bên thầy để phụ giúp đến hết cuộc đời của thầy là kết quả của ái ngữ. Các vấn đề trong chùa, được xin ra tự lực riêng là duyên hợp, con xin ở lại chùa không đi ở riêng nữa là duyên tan. Nhận xét hành tướng câu chuyện là dùng lời ái ngữ nên câu chuyện rất hiền hoà chứa đựng tình cảm giữa thầy và đệ tử. Tính chất của câu chuyện là con người tự phải nương nhau mà ở trên thuận dưới hòa nhưng cuộc sống an lạc đó là ái ngữ.

Qua hai câu chuyện trên chúng ta thấy lời ái ngữ không phải lúc nào cũng ngọt ngào êm dịu, mà có khi phải dùng lời la rầy mới thức tỉnh được đối phương.

(1:11:16) Cũng như Thầy vì thấy cái sai của Đại thừa nên nói thẳng nói thật. Cũng như cha mẹ la rầy con cái vậy, không sợ mang tiếng, không màng người chỉ trích. Đó cũng là lời ái ngữ nhân bản cố chấp họ không dám bỏ những gì mình có; hơn nữa đang có danh có lợi thì bản ngã càng cao nên luôn tìm cách để bảo thủ; họ lại cho Thầy dùng lời không ái ngữ để mạt sát họ. Đấy là cái nhận thức sai lầm trước Chánh Kiến ban đầu trong Bát Chánh Đạo mà Phật đã dạy vậy. Còn cứ nghĩ ái ngữ là những lời đường mật ngọt ngào để cho mọi người nghe theo để phục vụ cho bản ngã của mình như câu chuyện dưới đây.

Có một cô gái đi buôn, cô ta mua góp hàng từ quê hương vào bán cho những người xa xứ. Cô xin ở nhờ trong nhà ba mẹ con. Nhân dịp cô sắp về làng quê hương, ba mẹ cho con đi theo về để thăm bà nội. Cô ta dùng lời ái ngữ nói rằng: "con đi như vậy cũng uổng, nhân tiện cô đi thành phố lấy hàng, cô sẽ lấy giúp cho con một ít món hàng để kiếm tiền xe. Thế là ba mẹ con giao hết số tiền cho cô đến ngày hàng con lên thì cô đã đi rồi. Đây là cái nhân ban đầu, sau đó mọi người đều biết cô hay lừa gạt như thế thì hàng cô bán thất giá cũng đắt không ai mua nữa. Thế là cô phải bỏ nghề và từ đó không còn dám gặp gia đình con nữa là cái quả.

(1:12:50) Nếu cô ta không dùng lời nói để lừa gạt hay phạm rồi mà biết ăn năn sửa lỗi thì cô sẽ có nhiều khách hàng và không bị thất nghiệp. Vì lòng tham nên dùng lời nói để lấy được số tiền là duyên hợp. Khi sự việc xảy ra ai cũng biết nên không buôn bán được nữa là duyên tan. Nhận xét! Hành tướng của câu chuyện là dùng lời ái ngữ êm dịu để thuyết phục đối phương phải nghe để mình được lợi là ái ngữ để lừa gạt, không phải Chánh Ngữ mà đó là tà ngữ. Tính chất của lời ái ngữ là để lừa gạt, lấy của người làm của mình, nó thuộc về tính tham, thuộc về tà ngữ. Qua câu chuyện này thì chúng ta thấy khi nghe một lời nói ái ngữ hay không ái ngữ thì phải lấy Chánh Kiến để nghe thì không bị lừa gạt.

Lời nói ái ngữ đúng Chánh Ngữ là không làm khổ mình khổ người, lời nói tuy nghe không dịu, trái tai nhưng vì lợi ích cho mình, cho người nên cũng thuộc về ái ngữ đúng Chánh Ngữ. Lời nói ái ngữ mà lợi mình hại người là tà ngữ. Lời nói tuy là sự thực, lợi người, nhưng họ không tin, mình không đủ sức thuyết phục hay đánh đổ được đối phương thì cũng không nên nói. Nói chung ái ngữ đúng Chánh Ngữ rất là quan trọng, nhờ lời nói này thức tỉnh được những người con, những người đệ tử.

Những nhà lãnh đạo họ cũng nhờ những lời ái ngữ này mà thâu phục được nhân tâm, những bậc vĩ nhân như đức Phật, như Thầy cũng dùng ái ngữ này mà thức tỉnh được bao sinh linh đang lầm than trong đau khổ. Vậy những tập quán hủ lậu, những mê tín dị đoan, những tưởng giải của kinh sách ảnh hưởng bởi Bà La Môn giáo, muốn nhận chân được lời nào ái ngữ hay không ái ngữ thì chúng ta phải lấy Chánh Kiến mà đi theo và thực hành.

Nếu đối với sự thật không mơ hồ thì (1:14;53) nếu tư duy mà không đúng lúc thực tế trong cuộc sống hàng ngày thì đừng nên tin vội. Về những lời nói ái ngữ mà không Chánh Ngữ thì bỏ cả một cuộc đời uổng phí. Ái ngữ đúng Chánh Ngữ rất là quan trọng nếu chúng ta thực hành đúng thì giúp cho mọi người bớt khổ, thêm vui. Mọi người đều được tin cậy, do đó họ có những việc trong gia đình mà không giải quyết được họ sẽ nhờ mình đến giúp đỡ. Lời ái ngữ đúng Chánh Ngữ nghe thì tưởng chừng dễ nhưng thực hành rất khó vì nó phải phù hợp với đối phương trong từng hoàn cảnh, từng đối tượng mới có lợi ích thiết thực được.

Con xin hết.

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy