00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

LCK 033A - ÁP DỤNG ĐỊNH VÔ LẬU - GIỮ ĐỘC CƯ - OAI NGHI THƯA HỎI - HÃY QUAY VỀ VỚI CHÁNH PHÁP

LCK 033A - ÁP DỤNG ĐỊNH VÔ LẬU - GIỮ ĐỘC CƯ - OAI NGHI THƯA HỎI - HÃY QUAY VỀ VỚI CHÁNH PHÁP

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu sinh

Thời gian: 07/12/2005

Thời lượng: [36:24]

1. ÁP DỤNG ĐỊNH VÔ LẬU LÀM TÂM THANH TỊNH

(00:00) Trưởng lão: hôm nay, lớp học của chúng ta bắt đầu. Bây giờ Thầy nhắc lại.

Chúng ta biết rằng trong cái thời gian mà Thầy dạy trong một tuần lễ thì chúng ta lấy chọn 2 ngày, một ngày bên nữ và một ngày bên nam, và mọi người có thưa hỏi Thầy.

Thì trong buổi sáng 7 giờ, mặc dù cái giờ đó là giờ nghỉ, nhưng mà vì sự tu tập có nhiều người gặp rất nhiều cái khó khăn, lúc bấy giờ đó thì 7 giờ sáng mấy con sẽ đến ngay cái Tổ đường này để gặp Thầy, hoặc là 2 giờ chiều, giờ mà Thầy cho mấy con đến gặp Thầy, trong khoảng gặp Thầy chỉ 1 giờ thôi, bởi vì Thầy còn làm nhiều công việc lắm chứ không có ít.

Cho nên trong 1 giờ đó thì mấy con thưa hỏi trong vấn đề tu tập gặp những cái khó khăn để Thầy giải quyết. Bởi vì trong một ngày một đêm mấy con tu tập là có nhiều khi mấy con gặp những cái khó khăn, nhiều khi Thầy phải đến thất mấy con để mà trợ giúp cho mấy con, hướng dẫn cho mấy con cách thức để xả, không khéo thì mấy con bị ức chế tâm. Cho nên vì vậy mà.

(01:14) Trưởng lão có điện thoại gọi đến: A lô! Con phải không con? Có gì không con? Bây giờ là Thầy đang ở trên lớp dạy.

Có gì không, con cứ nói đi. Cứ nói đi con.

Đúng rồi con. Con nên tổ chức một cuộc họp Phật tử ở ngoài đó con, rồi mình mới tiếp quản cái khu đất đó. Con nên tổ chức cái buổi họp Phật tử ở ngoài đó con. Thầy sẽ gửi bức thư ra đó để thành lập cái tài khoản ở ngoài đó cho Phật tử người ta có chỗ người ta gửi về để mà thành lập cái khu an dưỡng ở đó con.

Có chứ con. Nhỏ nhỏ thôi con, đừng làm lớn.

(02:31) Có thể nói rằng đó là cái kỉ niệm. Và kế nữa đó, nó có đủ cái duyên thì mình cho nó lên trên mạng con, để nói lên nó là một cái phần cụ thể nhất để cho mình xây dựng cái Trung Tâm An Dưỡng Từ Thiện đó con. Nó là một cái điểm tựa cho cái Trung Tâm An Dưỡng ra đời mà, vì vậy mà nó cũng có những cái hình ảnh lịch sử đó con.

Đúng rồi, đúng rồi! Con tiếp tục làm cái phương án thứ 3 đó đi con.

Nó cũng có hội đủ cái duyên mới có người giúp con.

Đúng vậy con. Đúng vậy.

vậy hả con!

Thôi nó cũng đủ duyên, thôi con cố gắng đi con, để rồi Thầy cũng sẽ viết bức tâm thư Thầy gửi ra Phật tử ở Hà Nội con.

Thôi được rồi con. Để rồi Thầy sẽ gọi thành lập cái tài khoản con Trung Tâm An Dưỡng đó mới được, chứ còn không khéo không có cái tài khoản Trung Tâm An Dưỡng thì không làm gì được hết đâu. Khó lắm.

Thôi nhé con. Được rồi con.

(05:05) Thầy nhắn các con để các con biết rằng trong một đêm một ngày tu tập, ở đây chúng ta tu thật, làm thật. Chúng ta thực hiện để mà chúng ta đạt được chứng quả A La Hán, chứ không phải là chúng ta bỏ công lao chúng ta đến đây để mà học một cách đơn sơ rồi chúng ta cũng phí cả cái thời gian và cuộc đời của chúng ta. Bởi vì học phải làm được. Mà nếu ai thấy mình học mà không làm được thì nên tự rút lui, đừng để Thầy quá cực khổ.

Nghĩa là quyết tâm, bước vào cái con đường tu này là chúng ta phải làm chủ hoàn toàn bốn sự đau khổ của chúng ta. Nhất định là chúng ta phải làm chủ! Còn nếu mà chúng ta không có sự quyết định như vậy, chúng ta tu tập một cách để mà chơi, để mà thường, vì danh vì lợi gì đó, thì cái chuyện này không phải đâu. Cái chuyện này mục đích chúng ta là quyết tâm để mà thực hiện cho được sự giải thoát cho chúng ta.

Cho nên vì vậy nó là cái lợi ích rất lớn cho chúng ta. Nếu mà chúng ta không thấy được, coi như là chúng ta tu chơi. Bởi vì những cái bài của mấy con viết là cái công lao rất lớn, tư duy suy nghĩ, đầu tư rất nhiều ở trong những cái bài viết. Hôm nay có những cái bài viết mấy con có giá trị lắm. Nhưng mà viết để làm gì đây? Viết để áp dụng vào đời sống chúng ta, để cho tâm chúng ta bất động, làm chúng ta thoát ra sự đau khổ.

Chúng ta học nhân quả để mà chúng ta biết cái đường đi của nhân quả, chúng ta biết được cái hành động thiện ác của chúng ta để mà chúng ta ngăn chặn những cái hành động ác của chúng ta. Vì vậy mà chúng ta biết đây là một cái phương pháp, nó có cái sự huấn luyện và đào tạo chúng ta hẳn hòi để triển khai cái tri kiến chúng ta, để chúng ta nhìn thấy mọi vật ở trong cái Chánh Kiến, không còn bị tà kiến, giúp chúng ta giải thoát hoàn toàn về cái tâm của chúng ta.

(06:51) Nhưng mà khi tâm của chúng ta nó được bình an, nó được bất động, nó được thanh tịnh thì lúc bấy giờ tâm chúng ta nó mới có Định Tỉnh. Còn cái tâm của mình nó còn dao động làm sao mà tâm nó Định Tỉnh được? Nó dao động trước ác pháp, trước các cảm thọ. Cho nên mục đích của Định Vô Lậu là giúp cho cái tâm của chúng ta thanh tịnh, nó không còn một chút nào mà đau khổ trong đó, không còn một ác pháp nào tác động cho nó tham, sân, si được.

Cho nên những cái bài viết của các con dựa vào cái dàn bài mà viết, Thầy thấy nó không sai đường đi nhân quả. Nhưng có người thì diễn tả, lý luận dài dòng, nhưng có người thì diễn tả rất là gần gũi, ngắn gọn, xoáy mạnh vào những cái ác, cái thiện của nó để mà chúng ta biết được cái đó chúng ta không làm, và biết được cái đó là chúng ta nên làm.

Tất cả những cái bài viết của mấy con có cái giá trị rất lớn, mà Thầy thấy trong một tháng học tập qua rồi thì cái sự tiến bộ rất là rõ ràng.

(07:55) Cho nên vì vậy mà Thầy biết rằng không phải là mấy con nhiếp tâm từng phút để an trú từng phút từng giây để rồi mấy con từ đó mà tiến lên, không phải vậy. Mà bắt đầu, căn bản của các con nhiếp từng phút từng giây, để bên đây xả tâm thì bên kia tăng lên, chứ không phải là bên đây các con cứ ức chế tâm thì các con sẽ đi vào định tưởng. Mấy con cứ nỗ lực mà lo nhiếp tâm, an trú tâm để cho tâm đừng có niệm thì coi chừng mấy con đã sai.

Thầy chỉ cần mấy con 1 phút thôi, 1 phút nhiếp tâm và an trú tâm 1 phút, để khi mấy con xả được cái tâm thì cái thời gian đó nó sẽ tự tăng lên 2 phút, 3 phút mà không bị ức chế tâm. Cho nên đến khi mà các con xả hết tâm của các con thì nó sẽ Định Tỉnh. Cái tâm nó định tĩnh cho nên nó nhu nhuyến, nó dễ sử dụng. Các con hiểu cái lời đức Phật nói.

Đó là cái pháp mà từ xưa đến giờ người ta không có hiểu, người ta không có kinh nghiệm tu, cho nên người ta cứ bắt mình tu nhiếp tâm, ức chế tâm, đi vào cho hết vọng tưởng, nhưng không ngờ không phải. Do cái Định Vô Lậu chúng ta mới phá vỡ cái tham, sân, si của chúng ta. Vì vậy mà nó không còn niệm là tại vì nó hết tham, sân, si. Mà nó hết tham, sân, si, nó thanh tịnh thì tâm nó mới Định Tỉnh được.

(09:09) Còn bây giờ chúng ta còn tham, sân, si, làm sao bảo nó Định Tỉnh? Mà nếu mà ngồi nó hết niệm, tức là tham, sân, si bị ức chế mà, làm sao mà hết? Cho nên cái tu sai ngàn đời mà đến giờ phút này, Thầy triển khai ra cái lớp học, mấy con thấy rõ ràng. Đâu có phải tu như vậy mà đạt gì? Cho nên từ xưa tới giờ người ta tu rất nhiều nhưng mà người ta đạt được những gì, khi mà người ta tu sai?

Hôm nay Thầy dạy đúng, mà mấy con được cái phước duyên học đúng như vầy thì chắc chắn là mấy con sẽ làm chủ được bốn sự đau khổ của mấy con, tức là mấy con đã chứng đạt chứ gì?

Cho nên Thầy ước mong rằng mấy con đừng vì một lý do gì mà cuộc đời chúng ta đủ cái phước duyên mà học được cái lớp này để làm chủ được bốn sự đau khổ của chúng ta thì hạnh phúc vô cùng, hạnh phúc rất lớn.

(09:54) Mà cái hạnh phúc rất lớn của bản thân chúng ta nhưng cái nhìn mà chúng ta: cái hạnh phúc rất lớn là cho loài người trên hành tinh này. Bởi vì chúng ta đã làm được, và chúng ta sống đúng đạo đức không làm khổ mình khổ người, cho nên nó đem lại hạnh phúc cho loài người sống trên hành tinh. Một gương hạnh chúng ta đã sống, cái thân giáo của chúng ta, cái gương hạnh của chúng ta nó đã hướng dẫn biết bao nhiêu người khi mà chúng ta nói ra lời nói bằng đúng sự thật của chúng ta đã sống đúng.

Cho nên Thầy rất đau lòng là khi Thầy dạy mà mấy con không chịu xả tâm, mấy con luôn luôn ức chế tâm, Thầy rất đau lòng. Thầy muốn mấy con xả tâm. Bởi vì xả tâm ly dục ly ác pháp thì đem lại hạnh phúc cho mấy con, mà hở chút thì mấy con cãi cọ rồi đủ thứ chuyện làm cho Thầy bất an, làm cho Thầy phải giải quyết thế này thế khác.

Và các con phải cẩn thận lời nói của chúng ta, như chúng ta học về khẩu hành. Nhất về lời nói mà trong Hành Thập Thiện thì đức Phật đã dạy về khẩu hành nó có 4 cái nghiệp ác của nó. Cho nên về cái khẩu nghiệp ác thì chúng ta cẩn thận, dè dặt, nói ra một lời nói làm cho người ta suy nghĩ sai lệch.

(11:07) Thí dụ như bây giờ mấy con nói: "Con có chuyện riêng muốn nói riêng với Thầy", thì người khác sẽ hiểu sai lệch. Sự thật ra con muốn nói chuyện riêng với Thầy, thật sự con nói chuyện gia đình của con, cha mẹ con như thế này thế khác để nhờ Thầy an ủi, giúp đỡ cho cha mẹ con tu hành, đó là chuyện riêng. Còn nếu mà mình nói cái chữ "câu chuyện riêng" thì người ta nghĩ "chuyện riêng của nam nữ” thì nó rất là tai hại mấy con!

Cho nên khi mình nói, dùng lời nói, mình khéo léo, để không người khác người ta hiểu lầm. Mà chính mình nói không khéo léo để người khác hiểu lầm tức là tạo cho người ta có tội.

Cho nên cái ngôn ngữ rất khó mấy con. Các con thấy về cái nhân quả của con người thì cái ngôn ngữ nó tới 4 lận mấy con, về cái khẩu hành của chúng ta nó có 4 cái nghiệp của nó lận. Cho nên nó nặng hơn là cái thân hành và cái ý hành của chúng ta.

Cho nên khi mà mở miệng ra, chúng ta rất khéo léo, dùng lời ái ngữ. Mà ái ngữ không phải tà ngữ, mà ái ngữ Chánh Ngữ, cho nên đó là cái khéo léo của chúng ta dùng. Chứ không khéo chúng ta dùng ái ngữ, lại là ái ngữ của thất tình lục dục, nó là tà ngữ. Mặc dù lời nói rất là yêu thương, nhưng mà nó đem đến chúng ta đau khổ thì cái đó gọi là tà ngữ chứ không phải là Chánh Ngữ.

Cho nên ở đây hôm nay, mấy con sẽ được một cái số bài, mấy con đọc từ cái hiểu biết để mà xác định cho đến từ cái chỗ mà các con có cái sự lý luận áp dụng vào đời sống của mình, để biết.

Để biết làm gì? Những cái bài này được đọc để mấy con làm gì đây? Để mấy con rút tỉa từng kinh nghiệm đó để mà xả tâm, chứ không phải đọc để mấy con làm những cái bài văn cho hay, không phải vậy đâu. Mà chính đọc để chúng ta hiểu biết cách thức để xả tâm mình, để đem lại sự bình an cho chính bản thân mình mấy con.

Cho nên trong những cái bài này thì nó có nhiều cái điều kiện mà chúng ta cần phải lắng nghe để mà chúng ta tu tập.

2. GIỮ HẠNH ĐỘC CƯ MỚI THẤY ĐƯỢC TÂM TUÔN TRÀO

(13:11) Và đồng thời Thầy xin nhắc lại: về cái vấn đề hạnh độc cư nó rất là quan trọng mấy con, rất là quan trọng. Tại vì chúng ta giữ độc cư được thì chúng ta mới thấy được tâm tuôn trào.

Chúng ta huân quá nhiều, trong khoảng thời gian từ nhỏ chí lớn chúng ta huân vào trong tâm chúng ta rất nhiều. Hôm nay chúng ta xả mà chúng ta tiếp duyên thì nó không xả mà nó ở trong đó, cho nên chúng ta sống độc cư rồi chúng ta sẽ thấy nó tuôn trào. Nó tuôn trào, nó mang theo 3 cái tính chất, 3 cái cảm thọ của nó: thọ lạc, thọ khổ và thọ bất lạc bất khổ.

Thọ lạc: thì khi nó tuôn trào ra những cái niệm này, nó làm chúng ta hân hoan, vui, thì đức Phật cũng bảo chúng ta đừng có chấp nhận nó, bởi vì thọ lạc không chấp nhận.

Thọ khổ: nó làm chúng ta buồn khổ, những cái niệm nó tuôn ra, nó làm chúng ta nhớ da diết, nó làm cho chúng ta tức giận, nó làm chúng ta phiền não, những cái niệm đó nó làm chúng ta rất là đau khổ, thì cái thọ khổ này chúng ta cũng không chấp nhận.

Nhưng có những niệm nó cũng khởi ra, nhưng mà nó không thọ lạc thọ khổ - thọ bất lạc bất khổ. Nghĩa là nó không thọ lạc, thọ khổ, bất lạc bất thọ khổ. Nó bình thường, nó không có gì, nó là những niệm tào lao, nhưng đức Phật cũng không chấp nhận nó đó mấy con. Cho nên đức Phật đâu có chấp nhận ba cái cảm thọ.

Mà cảm thọ của cái gì? Của cái niệm của chúng ta, của cái niệm nó khởi ra, nó làm chúng ta có 3 cái trạng thái cảm thọ. Cho nên ở trên Tứ Niệm Xứ thì chúng ta thấy trên tâm quán tâm. Quán tâm trên cái cảm thọ của tâm thì bao giờ một cái niệm nó cũng mang đầy đủ 3 cái tính chất cảm thọ của nó, không thọ khổ thì thọ lạc, không thọ lạc thì thọ bất lạc bất khổ.

Chúng ta nhớ những cái điều mà đức Phật dạy chúng ta rất căn bản. Cho nên trong khi mà tu tập thì các con lưu ý về cái phần này.

Nhiều khi các con sống độc cư, các con tuôn trào nhiều quá, các con thấy khổ quá. Nó tuôn trào bao nhiêu cái niệm. Mà niệm tập trung lại, nó tập trung những cái niệm đau khổ: nhớ cái này, nhớ cái kia, nó nhớ những cái niệm đau khổ, nó nhớ lại, nó làm chúng ta chịu không nổi.

Mà cái niệm này nó vừa dứt thì nó tới cái niệm khác, nhiều khi nó 2, 3 niệm một lượt nó tuôn ra, nó không tuôn một lượt, nó đem đến cho chúng ta có nhiều cái sự đau khổ.

Mà chúng ta có cái pháp Như Lý Tác Ý, có cái tri kiến giải thoát, chúng ta quét, bền chí quét. Nhiều khi chúng ta thấy nhiều quá rồi chúng ta quá ngán, quá sợ, chúng ta đứng dậy đi cho nó thư giãn hoặc là nhìn trời nhìn đất cho nó thư. Các con làm cái điều đó hơi sai mấy con.

(15:38) Khi nó tuôn trào các con dùng cây chổi - pháp Như Lý Tác Ý các con quét. Những cái niệm nào chúng ta không hiểu thì tác ý bảo: “Đi”, còn những niệm nào hiểu thì chúng ta đưa thành đề tài quán vô lậu mà chúng ta xét.

Có những niệm mấy con chưa hiểu tại vì mấy con chưa học hết Định Vô Lậu, nghĩa là chưa thông suốt, mới học có được nhân quả mà thôi, chứ chưa có học được những cái bài pháp khác. Đây là mới 1 tháng học có nhân quả, mà nhiều khi các con còn có nhiều người chưa có thông suốt, chỉ hiểu sơ sơ một cách cạn cợt, chưa có thông suốt.

Có nhiều người thì đã thông suốt, nhưng cái thông suốt của mấy con Thầy rất hy vọng, Thầy đọc bài của mấy con, Thầy nghĩ rằng cái lớp của Thầy có lẽ là nỗ lực thực hiện một chút xíu thì các con dùng cái tri kiến mấy con cũng đã chứng quả A La Hán rồi, tức là các con sẽ ở bờ bên kia chứ không còn trở về bờ bên đây.

3. OAI NGHI TRONG THƯA HỎI

(16:35) Trước khi mà để đọc những cái bài này thì Thầy cũng nhắc mấy con là buổi sáng trong những ngày mà không có dạy, Thầy dành ra 1 giờ trong buổi sáng, tức là từ 7h đến 8h, trong một đêm mấy con tu tập, gặp cái gì khó khăn thì buổi sáng hôm sau, mấy con đến Tổ đường này để gặp lúc 7h, các con sẽ hỏi Thầy về cách thức tu tập, về cách thức xả tâm, khi nào mà mình xả không được hoặc là khi nào mình nhiếp tâm chưa được, để Thầy trực tiếp Thầy dạy cho mấy con cách thức để mà nhiếp tâm trong 1 phút cho đạt được chất lượng của nó mà không bị ức chế. Nghĩa là chúng ta có chế ngự chứ không phải ức chế nó.

Và đồng thời trên cái sự tu tập nữa, là trong 1 giờ buổi sáng mà con thưa hỏi thì Thầy sẽ dạy cho cách thức mấy con, người nào mà quán những cái tư duy, suy nghĩ về đề tài mà không thông suốt, mấy con thấy mình chưa có thông suốt.

(17:37) Tu sinh:... (Không nghe rõ)

Trưởng lão: được nhưng mà bây giờ bên nữ không con. Nói ông bên nữ không. Làm sao, phải chi có nhiều người thì được, có mình ông vô đây không được. Nói bây giờ có nữ không à, đâu có nam vô đây.

(18:06) Cho nên trong cái buổi sáng Thầy dành cho mấy con 1 giờ thì mấy con đến thưa hỏi Thầy. Còn buổi chiều 2 giờ mấy con cũng có thể đến thưa hỏi Thầy. Thầy rất là chịu cực khổ với mấy con.

Cho nên đến, mấy con hỏi về cái pháp tu, Thầy sẽ hướng dẫn cho mấy con tu tập để cho mấy con có kết quả. Cách thức mấy con chưa biết xả tâm, mấy con thấy có nhiều khi mấy con bực mà mấy con chưa biết cách tự xả, mặc dù mấy con có cái tri kiến hiểu biết rồi mà xả nó không có được. Vậy thì muốn cách thức mà xả được thì phải như thế nào? Thì tức là Thầy dành cho mấy con buổi sáng, 7h cho đến 8h, tới đó thì thôi dừng, để Thầy còn làm công việc khác.

Chứ nếu mà Thầy kéo dài như một buổi học như thế này thì Thầy không còn thì giờ để mà làm công việc khác. Nhất là bài vở của mấy con, mấy con thấy như thế này, mà bài người nào cũng dày như thế này nè, thì mấy con thấy cái bài luận của mấy con thiệt ra thì, nếu mà đọc hết tất cả thì Thầy nói không còn có cái thì giờ.

Bây giờ các con biết, giờ này ngồi đây mà bên nam một chồng như thế này, thì đủ biết là Thầy làm việc như thế nào. Mà còn phải đọc thư trên mạng, rồi còn phải soạn thảo những cái bộ sách nữa thì các con thấy Thầy còn thì giờ ở đâu mà làm việc? Mà cái đầu óc luôn luôn lúc nào cũng chữ với nghĩa ở trong đầu không à, cho nên thật sự ra cái đầu của Thầy nó cũng vĩ đại chứ còn nếu mà nó nhỏ chắc nó không đọc bao giờ hết cái này đâu, nó quá nhiều!

Do như vậy thì mấy con phải cố gắng, cố gắng mấy con. Thầy dành cho mấy con được 2 tiếng đồng hồ trong mỗi ngày, buổi sáng 7h, buổi chiều 2h, mấy con cứ tập trung đến đây, rồi có cái gì cứ hỏi Thầy, Thầy sẽ dạy cho mấy con vắn tắt, gọn để về thực tập. Như vậy là mấy con sẽ an ổn trên cái sự tu tập của mấy con.

(19:49) Và Thầy là cái người rất là chịu khổ. Coi như là, nhiều khi Thầy đi đâu mấy con cũng gặp Thầy hỏi, Thầy rất ngại. Bên nam cũng vậy mấy con, mình đứng giữa đường mình hỏi, coi nó kỳ quá, nó không lịch sự chút nào hết, nó rất khó mấy con, chứ đừng nói chi nữ.

Mấy con cứ nghĩ đi, bây giờ Thầy đi ra, Thầy không đi ra thôi, mà đi ra gặp quý thầy là đứng giữa đường hỏi: "Xin Thầy cho con hỏi cái này!" Mà không lẽ không đứng lại? Mà đứng lại, mặc dù là nam thôi mà thầy trò đứng lại giữa đường nói chuyện, Thầy thấy nó cũng thiếu lịch sự.

Có phải không mấy con? Thấy nó kì lắm chứ sao! Nó không có đúng cách đâu mấy con. Mình là người đạo đức mà. Nhưng mà quý thầy đâu có nhận xét cái điều đó, hay hoặc các con cũng không nhận xét điều đó, cứ nghĩ rằng mình cần thiết phải như thế nào.

Nói sự thật ra mấy con thương Thầy chứ sự thật ra mấy con vét Thầy từng mồ hôi nước mắt, từng sức lực của Thầy mấy con. Nhưng mà Thầy ban bố cho mấy con tất cả những sức lực của Thầy để đào tạo cho mấy con được trở thành những người thay thế Thầy, cho nên Thầy không quản cái cực nhọc đó đâu.

Nhưng mà mình phải giữ được đúng cách mấy con, chứ còn không đúng cách thì rất là nguy hiểm. Đụng đâu hỏi đó, đụng đâu hỏi đó thì Thầy thấy rất là ngại. Ngại mà không dám nói ra, sợ tự ái mấy con.

(21:02) Hôm nay Thầy nói chung để mấy con hiểu cái vấn đề đó để mà thông cảm với Thầy. Bởi vì Thầy là người tượng trưng dạy đạo đức nhưng mà Thầy đứng giữa đường nói với mấy con, thiệt là Thầy rất ngại mấy con, rất ngại. Thầy rất khổ tâm.

Và vì vậy mình mới thấy rằng cái nhiệm vụ của một vị Thầy dạy đạo đức rất khó. Cái oai nghi tế hạnh mình phải có, đúng lúc nào nói mà lúc nào không nói.

Cho nên vì vậy mà Thầy dành cho mấy con những giờ đó thì mấy con cứ đến gặp Thầy, Thầy sẽ trả lời cho mấy con. Và nghiêm chỉnh, Thầy ngồi đây, mấy con ngồi đó, nam cũng vậy, nữ cũng vậy, một người ngồi đây nói chuyện với Thầy cũng nghiêm chỉnh hẳn hòi, không sợ gì hết, chúng ta có chỗ nói chuyện đàng hoàng. Cho nên vì vậy mà mình khéo léo để mình giữ được cái hạnh mà không ai đánh giá trị mình được.

Rồi kế đó mấy con giữ lời nói khéo léo. Khi nói chuyện với Thầy hoặc là với một người nào đó, chúng ta đã học về ngôn ngữ nhân quả rồi, cho nên chúng ta khéo léo. Khi chúng ta nói rằng: "Tôi muốn nói, tôi phải đánh lưỡi 7 lần", nhưng mà sự thật mấy con nói đại chứ mấy con chưa có đánh lưỡi 7 lần đâu. Mấy con bắt chước cái câu đó mấy con nói vậy chứ sự thật là khi mấy con hay nói đại lắm.

Cho nên do cái sự nói đại đó nó ảnh hưởng đến không tốt cho chính bản thân mấy con, và cũng chính bản thân của Thầy nữa. Cho nên vì vậy mà mấy con phải dè dặt, cẩn thận, mình nói lời nói nào cho nó đúng cách mấy con.

4. HÃY QUAY VỀ VỚI CHÁNH PHÁP NGUYÊN THỦY

(22:35) Ở đây trong những cái bài này thì có một số câu hỏi, Thầy sẽ trả lời mấy con những câu hỏi. Trước khi trả lời những câu hỏi thì Thầy cho mấy con đọc những cái cảm nghĩ của mấy con sau một tuần mấy con học, mấy con sẽ đọc cảm nghĩ.

Bài cảm nghĩ đầu tiên mà Thầy cho mấy con đọc đó là bài cảm nghĩ của Tuệ Hạnh. Vậy bây giờ có ai đọc giùm, hay là Tuệ Hạnh đọc bài của con?

Đây con đọc cái bài cảm nghĩ trước đi. Con có micro rồi con, có không con?

Thôi con lấy micro này đi.

Con ngồi xuống đi con, ngồi xuống cũng được, con đứng mỏi chân lắm. Ngồi xuống đi!

(24:39) Tu sinh Tuệ Hạnh: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam Mô Bổn Sư Thích Thông Lạc Phật.

Con xin đọc bài: “Hãy quay về với Chánh pháp Nguyên Thuỷ”.

Tu là gì? Hầu hết tất cả mọi người ai cũng nghĩ chữ tu quá cạn cợt, cứ tưởng đâu ăn chay Niệm Phật là tu, hoặc tụng kinh, bái sám, cầu an, cầu siêu là tu. Lại có người hiểu chữ tu một cách sai lầm mà bảo: "Tôi chỉ tu tâm, không cần ăn chay cũng đủ rồi!"

Tu tâm ở đây là sao nhỉ? Là hằng ngày mình phải trau dồi Tứ Vô Lượng Tâm, quét tham, sân, si, mạn, nghi ra khỏi màn ngăn che vô minh của Ngũ Triền Cái, để trở thành con người có trí tuệ minh mẫn, sáng suốt hoàn toàn, đó mới thât sự là con đường tu giải thoát của đạo Phật.

Con rất may mắn tham dự lớp học Bát Chánh Đạo, hôm nay cũng là một duyên lành lớn được Thầy tuyển chọn. Vào lớp học này, ai nấy cũng đều hân hoan khi Thầy cho quán về đề tài Định Vô Lậu để triển khai tri kiến giải thoát. Thầy dạy Chánh Niệm Tỉnh Giác trên từng bước đi kinh hành quá cụ thể, rõ ràng, ai cũng thực hiện được.

Con rất thương cho những người dân miền Bắc vào đây, đặc biệt là người già. Những người già phải chịu thương chịu khó, thức khuya dậy sớm tu tập theo thời khoá của chúng con, thật vất vả vô cùng.

Con là người dân thành phố, được về Chơn Như cách thành phố không xa, ngoài con ra chẳng thấy ai tình nguyện về đây tham dự lớp học cả. Lòng con buồn con không thể nói ra, bởi những người dân nơi ấy họ rất mê tín, tu theo kinh sách tưởng giải của Đại thừa để rồi phải gánh lấy một hậu quả đau thương, bệnh phải đi nằm bệnh viện, có người thì chết trên sự đau khổ tột cùng của nghiệp lực sanh tử.

Tình cờ họ theo đoàn từ thiện Thành phố Hồ Chí Minh lên đây, biết được Thầy dạy đúng chân lý đường lối của đạo Phật. Khi ấy gặp con, họ bảo rằng: "Kinh sách Đại thừa là những kinh sách lừa đảo, chỉ giảng lý thuyết suông, không có pháp hành cụ thể, làm cho biết bao thế hệ nhiều đời điêu đứng. ”

(26:51) Họ cũng như con là rất đau lòng cho những vị Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức và các bậc Tôn túc tu chưa chứng mà đi thuyết giảng lung tung, tham danh, tham lợi, ham chùa to Phật lớn, đi xe cộ đời mới, sống đời sống phú tăng chứ không còn là bần tăng nữa, rất uổng cho cuộc đời tu hành của họ.

Hiện nay, ở thành phố Hồ Chí Minh, chùa Vĩnh Nghiêm là một trong những ngôi chùa được xếp vào hàng cổ kính, là nơi được được các Ban tri sự chọn làm Giáo hội Phật giáo tại đó. Trong khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người đầu tiên sáng lập ra đạo giải thoát, vậy mà ngôi chùa ấy chẳng thấy thờ Ngài đâu cả.

Nhìn xem khắp hướng thì con chỉ thấy thờ Di Đà, Quan Thế Âm và Đại Thế Chí Bồ Tát tại chánh điện. Bởi vì họ cho rằng đó là Tam Thế Phật để giúp họ cầu vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc khi họ khuất bóng.

Ôi đau lòng quá, đau lòng cho những người dân thành phố có đầu óc văn minh, tiến bộ, vậy mà sao không nhận ra những điều mê tín ấy? Cả Giáo hội Phật giáo nơi đây cũng vậy. Chẳng lẽ họ cố tình quét đức Phật Thích Ca ra khỏi ngôi nhà Phật giáo, đưa A Di Đà và đức Di Lặc lên làm Giáo chủ hay sao?

Điều này xin Giáo hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh hãy suy ngẫm lại. Người tìm ra chân lý giúp chúng ta thoát khổ là ai? Ai đã nhìn thấy được đời sống con người rất đau khổ? Đó là do các duyên hợp lại mà thành một thế giới đau khổ của kiếp người. Vậy mà ngày nay, ai lại nhẫn tâm cố tình diệt Phật giáo, dựng lên một thế giới tưởng, thế giới siêu hình, linh hồn, Phật tánh, v. v…​

(28:29) Khi biết được đường lối kinh sách Nguyên Thuỷ của đức Phật Thích Ca, con rất ngỡ ngàng: sự tu tập ấy có kết quả giải thoát hẳn hòi, và Thầy chúng con đã thực hiện, giữ gìn giới luật nghiêm túc, nhập được Bốn Thiền và chứng Tam Minh, làm chủ sự sống chết, chấm dứt sự đau khổ của kiếp người, giống như đức Phật Thích Ca xưa kia vậy.

Nếu như các bậc Hòa thượng, Thượng tọa chịu khó nghiên cứu lại bộ sách Nikaya trong kinh Nguyên Thuỷ do Hoà thượng Thích Minh Châu dịch thì sẽ rõ, nó lợi ích biết chừng nào so với những kinh sách kiến giải của Đại thừa mà quý Hoà thượng, Thượng toạ đã đem ra thuyết giảng!

Là một người tu chưa chứng, con chỉ nhìn thấy thực tế cái sai của kinh sách Đại thừa chứ không dám bình luận và phê phán ai cả. Con rất đau lòng cho Chánh pháp ngày nay, Thầy đã vạch sẵn, không ai chịu theo đó mà hành cho đúng pháp, để đạo Phật bị mai một.

Thương cho chúng sanh đang vật vã với những ác pháp mà đi sai đường lạc lối, biết làm sao để cứu họ ra bây giờ? Muốn cứu được họ, điều trước tiên con phải nhiệt tâm tu tập để chứng minh được sự giải thoát bằng con đường trí tuệ, làm chủ sanh, già, bệnh, chết thì mới nói lên được tiếng nói Phật giáo, giúp Thầy xây dựng lại Chánh pháp cho hoàn chỉnh.

Hỡi những ai đang là nạn nhân của Đại thừa, xin hãy quay về với Chánh pháp Nguyên Thuỷ, nơi đó có đức Phật Thích Ca và Thầy Bổn sư Thông Lạc đang chờ đợi chúng ta. Hãy nêu cao ngọn cờ Chánh pháp, cùng chung chí hướng đi lên cho nền văn hoá Phật giáo được phát triển rộng rãi trên khắp hành tinh này. Nhờ chính lòng người dân Việt Nam đoàn kết, hợp sức lại với nhau, giúp cho ngôi nhà Phật giáo được phồn vinh, thịnh vượng.

Người viết bài này trước kia cũng đã bị đi sai đường lạc lối bên Đại thừa, nay biết Chánh pháp mà quay về kịp lúc, lại được tham dự lớp học Bát Chánh Đạo, lòng rất vui mừng, không bút mực nào tả xiết, nên muốn nói lên tiếng nói để chia sẻ cùng các Phật tử gần xa hiểu được và tin tưởng nơi pháp Thầy Thông Lạc dạy là đúng với chương trình đào tạo của đạo Phật gồm 8 lớp và 3 cấp. Đó là con đường giải thoát của bậc Thánh Vô Lậu, nếu ai quyết tâm tu thì sẽ chứng đạt chân lý một ngày gần nhất.

Đây là lời bộc bạch chân thành của con. Kính xin các bậc Hòa thượng, Thượng tọa và các Phật tử gần xa hãy cùng nhau quay về với Chánh pháp Nguyên Thuỷ mà từ bao lâu nay đã bị tà sư ngoại đạo dìm mất. Chỉ có lòng tin tuyệt đối mới giúp chúng ta chiến thắng mọi ác pháp. Cố gắng lên! Cố gắng lên! Thầy Thông Lạc hiện đang thắp sáng ngọn đèn Chánh pháp Nguyên Thuỷ, chúng ta hãy vững tâm mà đi.

(31:24) Tu sinh Tuệ Hạnh: Con xin đọc tiếp bài: "Lời sách tấn các bạn đồng tu".

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam Mô Bổn Sư Thích Thông Lạc Phật.

Kính thưa các bạn! Tôi là một thiền sinh về Tu viện Chơn Như tu tập, hiện đang học lớp Bát Chánh Đạo mà Thầy Viện chủ đã mở.

Vừa nhận được quyển “Văn hoá Truyền thống Phật giáo” do Nhà xuất bản Tôn giáo Hà Nội ấn hành, đức Phật Thích Ca đã dạy mười giới Thánh Sa di rất rõ ràng, thực tế, không mơ hồ, trừu tượng, và Thầy Viện chủ nơi đây đã thực hiện nghiêm chỉnh các giới luật, chứng Thánh quả A La Hán, một con người bằng xương, bằng thịt như bao nhiêu con người khác nhưng lại là con người phi thường qua giới Thánh Hạnh Sa di.

Con thật sự quá xót xa cho những vị Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức, tăng, Ni hiện đang là giảng sư cấp bằng này bằng nọ trong các trường Phật học, vậy mà sống phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới, không còn xem giới luật Phật ra gì. Trong khi mình đang theo đạo Phật, miệng thì nói tôn trọng đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nhưng thật sự họ đưa ra những cõi Tây Phương Cực Lạc, thế giới A Di Đà, Bồ Tát Quan Thế Âm.

Và còn lộng hành hơn nữa, trong kinh Phật dạy không có đề cập đến ngài Duy Ma Cật, vậy mà họ lại dựng lên một Duy Ma Cật là một vị Bồ Tát có trí tuệ cao siêu không thể nghĩ bàn, để hạ bệ các đệ tử của Phật. Thật là đau lòng! Biết làm sao đây?

Trong khi hiện nay ở Thành phố Hồ Chí Minh, các chùa chiền mọc lên như nấm, giới luật Phật dạy họ lại phá thêm. Từ khi đức Phật nhập diệt đến nay, chưa thấy có một vị thầy tổ nào tu chứng. Đau lòng hơn nữa là những kinh sách ảo của Đại thừa tung ra khắp nơi làm cho đạo Phật bị suy thoái. Tôi chẳng biết làm gì khi thấy chúng sanh đang lặn ngụp trong biển pháp của Đại thừa.

(33:17) Tôi rất may mắn được về đây tham dự lớp học Bát Chánh Đạo do Thầy Viện chủ Chơn Như tổ chức, thật là một duyên lành lớn cho (33:24)…​ Phật dạy pháp hành cụ thể, Thầy chỉ rõ ràng, áp dụng vào đời sống thực tế, có giải thoát ngay liền.

Trong khi bao năm dài, tôi cũng như các bạn và các sư thầy đang lặn ngụp trong biển pháp của Đại thừa, tưởng đâu về Tây Phương Cực Lạc thật sự, ai dè một hôm tôi ngã bệnh, toàn thân tôi đau nhức khắp người, phải đi nằm bệnh viện điều trị cả tháng trời, trong khi đức Phật dạy tu giải thoát bốn sự đau khổ của kiếp người đó là sanh, già, bệnh, chết, chấm dứt luân hồi.

Khó khăn lắm tôi mới được về Chơn Như tu học. Khi về đây tu học, tôi phải trải qua cơn sóng gió cùng Thầy và các bạn huynh đệ, thật vất vả.

Giờ đây tôi đang được Thầy của mình triển khai tri kiến, trí tuệ Định Vô Lậu, dạy từng pháp hành Chánh Niệm Tỉnh Giác trên từng bước đi kinh hành. Chỉ một thời gian ngắn, tôi đã nhiếp tâm, an trú, tinh tấn và thiện xảo.

Nhìn Thầy tuổi đã 80 mà đứng lớp dạy từng ngày cho mỗi Tu sinh, tuy thế, có lần Thầy tuyên bố trước chúng: "Chỉ cần Thầy xả sức Định Tỉnh ra là Thầy còn một bộ xương khô mà thôi!” Nghe đến đây tôi thật sự xót xa quá!

Biết làm sao hơn bởi vì tôi cũng đang luyện tâm tu tập từng bước. Tôi hi vọng một ngày gần đây mình sớm chứng đạt chân lý giải thoát để giúp Thầy xây dựng lại Chánh pháp Phật giáo hiện nay đã bị dìm mất bởi những bậc Hoà thượng, Thượng tọa và các vị Tôn túc của các chùa Đại thừa phá giới, bẻ vụn giới. Đau lòng lắm các bạn ạ! Các bạn có thấy chăng?

Hiện nay, Thầy đang đứng ở đầu ngọn sóng, hễ sơ sút là bị ác pháp bên ngoài dập tơi bời. Thầy đang từng bước, từng bước dìu dắt những đàn con thơ dại của mình đến bến bờ giải thoát. Thầy đang là ngọn hải đăng soi sáng từng tâm niệm của mỗi người.

Và đặc biệt hơn nữa, Thầy đang lèo lái chiếc thuyền nan bé nhỏ chở chúng sanh vượt đại dương bao la nghìn trùng trước sóng gió dập dờn, chỉ cần Thầy buông tay lái là tất cả chúng sanh sẽ chìm xuống tận đáy sâu, không còn chiếc phao nào để bám víu nữa.

Hỡi các bạn đồng tu thương mến! Điều duy nhất tôi mong các bạn hãy rốt ráo tu tập có kết quả giải thoát hẳn hòi để cùng Thầy nói lên tiếng nói Phật giáo mà hơn 2500 năm nay đã bị mai một. Nếu thương Thầy, thương Phật và thương tất cả chúng sanh thì các bạn hãy nhanh chân lên, đừng quên phấn đấu tiến tu trên bước đường giải thoát!

Thầy đang đào tạo các bậc Thánh A La Hán vô lậu các bạn nhé! Hãy giữ vững niềm tin nơi Chánh pháp Nguyên Thuỷ của đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà Thầy và đức Phật đang chờ đợi chúng ta từng ngày đó các bạn ạ!

Hãy cố gắng lên! Xin các bạn đừng để thời gian trôi qua mà chậm trễ nữa! Hãy đồng lòng, chung chí hướng đi lên, cùng tôi góp phần xây dựng lại Chánh pháp trường tồn vĩnh cửu!

Dạ, con xin hết!

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy