LCK 031C (NỮ) - VẤN ĐẠO TU VỪA SỨC - NHIẾP TÂM - ĐỊNH VÔ LẬU XẢ TÂM - NGHỊ LỰC - ÁI KIẾT SỬ - NHÂN QUẢ - TRUNG TÂM AN DƯỠNG
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Tu sinh
Thời gian: 12/04/2005
Thời lượng: [47:51]
(00:01) Trưởng lão: Mấy con còn hỏi Thầy điều gì nữa không mấy con?
Tu sinh: (Không nghe rõ)
Trưởng lão: Mình đặt cái niệm này rồi, mình quán xét cái niệm này rồi, thì nó ra một lượt hai ba niệm: "Để đó, tao quán niệm này, rồi tới niệm này. Tao xếp nốt cho". Nghĩa là con phát số 1, số 2, số 3. "Bây giờ số 1 tao quán, rồi tới số 2, số 3 tao quán nữa. Tao chịu khó tao quán, Định Vô Lậu tao đã học rồi tao quán". Vậy đó yên tâm chứ không có gì hết. "Cho mày ra cho nhiều thiệt đi, bị tao quán hết". Cũng như con phát thẻ, phát số để mà con bắt mạch vậy thôi. Đó! Vậy thì nó sẽ hết thôi.
(00:44) Tu sinh: Bạch Thầy con có câu hỏi. Dạ, Thầy không có cho đi qua, đi lại nhiều vì sợ mệt và làm phiền người khác. Nhưng mà ví dụ như là con bị đau đầu, hay là bị gì khác, con muốn đi ra cánh đồng ngồi cái chỗ cỏ cây để cho nó bớt. Vậy con có được ra không?
Trưởng lão: Được chứ con! Bởi vì cô Út đã làm cái chỗ cái cánh đồng, chỗ cái cao su, chỗ cái vườn đó rộng rãi lắm. Con đi vòng vòng cái khu đó để cho nó thoải mái một chút, chứ để không ở trong đó nó ức chế đó con. Cho nên con đi ra đó được chứ không có sao hết. Chỗ làm mấy cái đường đi đó con.
Tu sinh: Còn câu thứ hai nữa là: Ví dụ như con bị trúng gió, hay bị cái gì đó mà con không có tác ý để con đẩy lùi được, thì con có thể nhờ một người nào đó giúp cạo gió hay làm cái gì đó, con có thể nương nhờ được không?
Trưởng lão: À! Mới đầu thì con có thể nương nhờ được, nhưng mà con sau này con nói như thế này: "Bây giờ cứ nhờ cạo gió hoài thì nó quen đi. Bây giờ tao cho mày chết một bữa đi, cho mày sốt, mày cảm mày chết đi, chứ tao nhất định là tao không cạo gió nữa. Tao ngồi đây tao tác ý: "Thọ là vô thường, cái cảm phải đi đi, cái nóng lạnh này phải đi đi, cái sốt này phải đi đi, không có được ở đây nữa". Rồi con cứ ngồi định tỉnh như vậy đó, rồi con nhiếp tâm ở trong cái cánh tay của con. Hay hoặc là con nhiếp tâm trong hơi thở của con, con tác ý.
Bây giờ đây là Thầy dạy cho mấy con tập định tỉnh để mà nhiếp tâm và an trú, mục đích là để mấy con đuổi bệnh. Còn bây giờ thì thôi cạo gió được, chứ mai mốt mà nhiếp được 30 phút rồi, các con nhiếp tâm an trú trong đó thì các con đẩy nó ra mất hết. Còn bây giờ thì còn cạo gió chút ít đi, mai mốt mà Thầy thấy được rồi là Thầy cấm không có cho cạo gió nữa, không cho uống thuốc nữa. Chết bỏ! Chứ còn không có để bệnh nó hoành hoành con. Hiểu chưa?
Thầy không có để cái bệnh nó hoành hoành mấy con đâu. Còn bây giờ chưa nhiếp tâm được thì còn cạo gió chút ít, nhưng mà khi đã nhiếp tâm được rồi thì không cần cạo gió nữa. Con hiểu không? Rồi con yên tâm đi!
(03:05) Tu sinh: Con kính bạch Sư Ông! Ví dụ như mình hết hồn, có phải là mình bị phóng dật không ạ?
Trưởng lão: À! Mình bị giật mình, mình hết hồn đó hả? Đó là cái trạng thái vô ký đó con. Khi không mình ngồi mà giật mình một cái đó là…
Tu sinh: Không phải! Tại vì con nhái nó nhảy vô, con đang ngồi cái nó nhảy vô cái con giật mình. Con nói là phóng dật rồi.
Trưởng lão: À! Không phải phóng dật đâu con. Đó là cái trạng thái phản ứng tự nhiên của cơ thể của con khi một con vật gì nó nhảy vô, cái con giật mình. Đó là cái phản ứng tự nhiên của cơ thể, chứ nó không phải phóng dật đâu.
Nó phóng dật là như thế này nè. Nó thấy cái vật đó, cái bắt đầu nó nghĩ tới vật đó là nó bị phóng dật. Còn cái này thình lình ở đâu nhảy vô con giật mình một cái, đó là cái phản ứng tự nhiên của cơ thể của con.
Tu sinh: Cái con chim nó nhảy tới nó đậu ngay cửa sổ chỗ con, cái con kêu hello một cái. Như vậy là con có phóng dật không thưa Thầy?
Trưởng lão: À! Cái đó là con phóng dật.
Tu sinh: Tại vì lúc đó là con nghỉ ngơi, thành ra là nó nhảy vô, thì con nói như vậy.
Trưởng lão: Đúng vậy đó con, cái đó là con phóng dật! Tại vì con chào nó là con phóng dật.
Tu sinh: Còn nếu mà mình giật mình là mình không phóng dật hả Thầy?
Trưởng lão: À! Không phóng dật.
Rồi mấy con ở dưới bây giờ còn hỏi gì nữa không? Trời mưa mấy con lấy cái micro mấy con nói nó nghe mới rõ được.
(04:20) Tu sinh: Thưa Sư Ông!… Sao con thấy trong vấn đề tu thiền, thì cơ thể con nó mệt mỏi.
Trưởng lão: Trong vấn đề tu thiền mà con thấy cái cơ thể mình mệt mỏi quá phải không? Như vậy là con tu quá sức con rồi. Thay vì bây giờ con tu từ 7 giờ sáng cho đến 10 giờ, rồi đi khất thực. Rồi chiều từ 2 giờ tới 5 giờ. Rồi tối 7 giờ đến 10 giờ. Rồi 2 giờ thức dậy tu đến 5 giờ sáng. Thì như vậy cái thời khóa đó nó không có phù hợp với cái cơ thể của con, vì con ráng tu, con quá sức. Con phải giảm cái thời gian lại, con sẽ không thấy mệt mỏi. Chứ không khéo con mệt mỏi thì con sẽ bị bệnh đó.
Bởi vì mình dùng quá sức của mình tu rồi. Trong khi đó cái cơ thể của con nó cần phải có đủ cái sức khỏe, mà con dụng pháp tu con hao cái năng lượng của con rất nhiều. Cho nên vì vậy mà con lui lại. Thay vì bây giờ 7 giờ tối con tu tới 9 giờ thôi, rồi con đi ngủ, đừng có tiếc. Bởi vì tuổi con còn trẻ, con sẽ tu từ từ con tăng lên. Rồi cái cơ thể của con nó thích nghi, thì do đó nó không còn bị mỏi mệt. Chứ còn không khéo con tu tập mỏi mệt riết rồi con sẽ bị bệnh. Nghe không?
Rồi 2 giờ thì thay vì mọi người thức dậy, thì con 3 giờ thức dậy, rồi con tu tới 5 giờ. Rồi sáng thì 7 giờ con tu tới 9 giờ, là con mới xả nghỉ, còn người ta 10 giờ, con tu ít thôi. Tại vì cái sức khoẻ của con hiện bây giờ, cái cơ thể của con là cơ thể đang lớn, nó đòi hỏi ở cái ăn và cái ngủ. Mà cái ăn con lại ít và cái ngủ lại ít nữa, thì do đó nó sẽ làm cái cơ thể của con mệt mỏi. Bởi vì nó đang phát triển, mà nó bị hạn chế đi, cho nên nó làm cho con mệt mỏi. Cái sức phát triển nó không có đủ, cho nên vì vậy mà nó ko được phát triển, mà nó lại hụt đi. Cho nên con lại lui bớt để cho mình tu trong khoảng thời gian ngắn đó, mà nó đạt được cái chất lượng kết quả tốt hơn. Con hiểu không?
Cho nên con lui lại, con đừng có sợ thua, đừng có sợ giờ này hai giờ họ thức hết mà mình còn ngủ, họ cười mình: "Ờ! Mấy người cười cười, chứ tôi đi sau chứ tôi tới trước mấy người đó. Tôi dưỡng sức tới chừng tôi chạy một cái là tôi hơn đó, chứ không có thua đâu". Nghĩa là con bây giờ con dưỡng sức của con, mà tới cái lúc con đua là con đủ sức con chạy vượt qua, con chứng đạo trước đó. Con hiểu như vậy không? Chứ đừng có vội! Mình tu tập cho có chất lượng, tu ít. Một buổi người ta tu 3 tiếng, thì một buổi mình tu 2 tiếng, nhưng mà 2 tiếng đó mình tu chất lượng. Bởi vì con dụng công con tu để đạt được cái chất lượng đó đó, là con bị hao sức.
Thầy biết con ráng tu, con cố gắng lắm chứ không phải là con không cố gắng. Nhưng mà trong cái cố gắng đó nó phải đúng với cái sức lực của mình, đúng với cái khả năng của mình. Chứ nếu mà không đúng với khả năng của mình thì con sẽ không thành tựu, coi chừng nó chết giữa đường là khác. Bởi vì nó hao sức quá, mấy con chưa chứng đạo là đã chết giữa đường. Bây giờ về thay đổi cái thời khóa lại, rồi khi nào mà viết cái thời khóa xong rồi thì đưa cho Thầy để Thầy xem lại, Thầy giúp đỡ cho.
(07:22) Tu sinh: Dạ, khi Sư Ông nói con bị tưởng, thì con về con có tác ý. Sư ông có thể cho con trình lại cái lượt đi kinh hành của con, coi thử nó…, hết vọng tưởng…, có được không thưa Sư Ông?
Trưởng lão: Được! Con cứ đi kinh hành lại đi, rồi Thầy sẽ xem xét coi thử cái nhiếp tâm của con có bị tưởng hay không.
Tu sinh: Dạ!
Trưởng lão: Được rồi con! Tu như vậy được rồi. Con cứ tu như vậy đi, không có bị tưởng đâu con. Bởi vì nhiếp tâm như vậy là Thầy thấy quá tốt rồi, không có gì đâu con. Khi nào mà nó có hiện tượng cái trạng thái tưởng nào, bởi vì khi mà con nhiếp tâm liên tục trong cái thời gian mà tu đó, thì nó có xảy ra. Thí dụ như một giờ, hay hoặc là nữa tiếng đồng hồ mà nó có xảy, thì lúc bây giờ con có pháp tác ý rồi mà, con biết cái trạng thái đó là tưởng, thì con tác ý con đuổi đi. Chứ còn con đi như vậy con thấy nó có tưởng không?
Đó! Vậy là tốt rồi con. Tu như vậy là nhiếp tâm, an trú tâm được, chứ không có khó đâu con.
(08:19) Tu sinh: Dạ, Sư Ông chỉ cho con cách mà khi nào mà con không ngủ được, con không có buồn ngủ thì con (08:33) … Lúc đó thì con thấy là nó lăng xăng nghĩ tới nghĩ lui, rồi nằm đó suy nghĩ tùm lum, tà la hết.
Trưởng lão: À! Khi mà cái thời giờ mà gom lại tu nhiều thì nó bị hao sức, mà nghỉ thì nó không chịu nghỉ, nó chỉ nghĩ lăng xăng điều này điều kia. Thì không có gì hết, thì bắt đầu bây giờ cái thời gian con tu mỗi buổi chỉ có hai tiếng thôi, phải không? Còn cái thời gian mà con nghỉ thì nó nhiều. Thì bắt đầu bây giờ con để cái tâm con tự nhiên, nó nghĩ những cái gì thì nó nghĩ, nhưng mà nó làm cho cái tâm của con có lo lắng, phiền não, thương nhớ gì ở trong lòng của con, thì con tác ý con bảo: "Ở chỗ này thì phải bình an, thanh thản, an lạc, vô sự, chứ đâu có nghĩ tầm bậy bạ như vậy".
Còn nếu mà nó nhớ về gia đình của con, ba mẹ hay hoặc là các anh chị em của mình, thì con tác ý: "Đây là ái kiết sử, hãy đi. Chỗ này là chỗ tu hành, để sau khi thực hiện được giải thoát về mà độ cha mẹ, anh em của mình, thì mày phải ráng, chứ tại sao mày ngồi đây mày nhớ. Rồi phỏng chừng mày nhớ mày về, mày giúp đỡ được gì đây?" Con nhắc nhở như vậy thôi, rồi tự nó bình an, chứ không có gì đâu mà sợ. Mình khéo, mình tu Định Vô Lậu, mình dùng cái tri kiến của mình để mình quan xét những cái niệm đó. Mình nghĩ, rồi mình quán xét để mình xả tâm nó. Tại vì nó có niệm, buộc lòng mình phải tư duy nó để cho mình xả.
Và khi mà xả riết không còn có nữa, thì con thấy đem lại sự bình an cho con, thì nó nằm đó nó nghỉ ngơi để cho nó khỏe, rồi sau đó tới thời gian mà nó tu tập thì nó tu sẽ tốt hơn, chứ không có gì hết. Con biết cách để xả tâm mà. Cái Định Vô Lậu là lúc nào nó cũng ở trong cái đời sống của con hết. Nghĩa là con xả nghỉ, là cái Định Vô Lậu nó cũng sẽ nằm trong cái đời sống của con. Vì cái tri kiến của con mà, nó giúp cho con được bình an. Mà nếu mà con biết áp dụng nó thì lúc nào cái Định Vô Lậu nó cũng ở gần bên con hết, nó giúp cho con được cái sự bình an, nó không làm cho con bị những ác pháp, hoặc là những cái niệm làm cho con đau khổ.
Con sẽ về xả hết được bằng cái Định Vô Lậu mà Thầy đã dạy, con hiểu chưa? Con cố gắng triển khai thêm những cái điều mà hiểu biết. Thầy thấy mấy con viết bài Thầy thấy mấy con cố gắng rất nhiều đó, rất nhiều! Mình cố gắng hơn nữa con, để mà mình triển khai được cái hiểu biết của mình, để mình xả những cái niệm đau khổ.
(10:56) Tu sinh: Thưa Sư Ông, con còn có một thắc mắc. Trong đầu con suy nghĩ là chỉ có nghị lực thì mới vượt lên tất cả, mới chiến thắng được. Như vậy có đúng không thưa Sư ông?
Trưởng lão: Muốn có nghị lực phải tập luyện. Mà có nghị lực cũng phải biết sử dụng đúng lúc. Mà nếu mà có nghị lực mà không biết sử dụng đúng lúc, mình đem cái nghị lực của mình mà sử dụng không đúng, thì cũng là tự mình giết mình nữa, cho nên mình phải biết áp dụng.
Vì vậy mà trong cái lớp học này khi mà có người họ thấy họ có cái nghị lực, họ có thể thức suốt đêm được, họ sẽ chiến thắng được cái sự buồn ngủ hôn trầm của họ. Nhưng mà Thầy thấy họ dùng cái nghị lực đó như vậy, để mà ức chế được họ như vậy là họ sẽ thất bại, chứ không có thành công được. Cho nên cái nghị lực đó để dùng để mà đương đầu với cái gì, chứ không phải cái nghị lực đó để mà ức chế. Cho nên nhiều khi mấy con có cái nghị lực, mấy con quyết tâm ức chế làm cho cái tâm mình để cho nó đạt được những cái này kia, thì cái đó là coi chừng mấy con sẽ tu sai. Có nghị lực sẽ dễ thành công, nhưng mà nghị lực cũng phải biết áp dụng. Chứ nghị lực mà áp dụng sai là mình cũng đi vào đường sai.
(12:06) Trưởng lão: Rồi con còn hỏi gì nữa không?
Tu sinh: Thưa Sư Ông, con thấy cái tâm con nó còn sợ cái con chàng hiu (chẫu chàng). Nhiều lúc con vô trong thất con thấy nó, con không có dám vô ngủ. Con không biết làm sao để cho con không sợ cái con chàng hiu đó.
Trưởng lão: À! Như vậy là con muốn không có sợ nó, thì con lấy tay con sờ nó đi. Con nói với con chàng hiu: "Mày là em cưng tao đó, cho nên bây giờ mày vô thất tao mày ở chung. Vì vậy tao sờ mày coi". Thì con cứ sờ nó đi, sờ đại, nó không có chết đâu. Nói: "Tao bây giờ là một cái người tu theo đạo Phật thì chẳng sợ gì hết". Rồi, nếu con quá sợ thì con nhắm mắt lại con rờ nó một cái, thì nó sẽ hết sợ, rờ vài ba lần cái là nó hết à.
Cho nên đức Phật nói khi mà chúng ta còn sợ hãi, thì chúng ta hãy ra gò mả mà chúng ta ở, thì cái sự sợ hãi đó nó sẽ hết. Và đồng thời nếu mà chúng ta sợ hãi, thì chúng ta vào trong rừng ở một mình thì nó sẽ hết. Tức là đừng để sợ hãi và khiếp đảm nhiếp phục chúng ta, mà chúng ta hãy nhiếp phục sợ hãi và khiếp đảm. Con hãy nhiếp phục.
Nhiếp phục bằng cách nào? Con biết con chàng hiu nó đâu có cắn đâu mà sợ nó cắn mình. Mình sờ thử cái đầu nó coi, con sờ nó đi, rồi một lần, hai lần, con thấy sau này con không sợ con chàng hiu nữa. Thầy nói thật sự nếu mà có ma thật, thì Thầy nói như thế này, nếu mà có ma thật, thì đi lại con ma đó mình sờ cái đầu nó cái, thì mai mốt là mình hết sợ con ma. Có phải không? Còn mình chưa dám sờ cái đầu con ma thì mình còn sợ, chứ nếu mình sờ nó thì mình hết sợ à.
Bây giờ con thấy con rắn con sợ: "Được rồi, tao sẽ sờ cái đầu con rắn. Mày cắn một miếng thôi chứ bộ mày cắn hai miếng sao". Thì do đó con chưa có sờ nó, nhưng mà con vẫn là nó cũng vẫn sợ con nó chạy đi rồi. Nhưng mà con sẽ sống quen với nó đi, rồi con sẽ thấy con rờ nó nó không có cắn con đâu. Coi vậy chứ con vật nó hiền lắm. Khi mình không có giết hại nó, thì từ đó nó trở thành những người thân thiết của mình. Không có gì đâu mà sợ!
Thành ra con sợ chàng hiu là con cứ rờ chàng hiu, mà con sợ chuột là con rờ chuột, sợ cái gì là rờ cái nấy đi. Không có sợ, thì do đó lần lượt nó hết sợ à con. Đó là cái thực tế mà. Con thấy đức Phật dạy mình nhiếp phục sợ hãi và khiếp đảm. Nhiếp phục bằng cách nào đây? Mình rờ đầu nó thì mới nhiếp phục. Con càng sợ thì con càng rờ cái đầu nó thì nó hết sợ.
(14:33) Tu sinh: Kính thưa Sư ông cho con hỏi một câu nữa. Con thấy mấy ngày gần đây thì cái tâm của con tự nhiên nó nhớ thầy con, thì con biết cái đó gọi là ái kiết sử. Kính nhờ Sư ông giúp con!
Trưởng lão: À! Con thấy cái gì con?
Tu sinh: Dạ kính thưa Sư ông, con thấy nhớ thầy con.
Trưởng lão: Đúng rồi! Con nhớ thầy con là ái kiết sử rồi đó. Bây giờ vắng thầy mới được có một tháng, mà bây giờ nó nhớ. Thì đúng rồi đó là ái kiết sử chứ sao. Tình nghĩa thầy trò mà, thầy con thương mấy con dữ lắm, khi mà mấy con rời một thời gian thì tức là cái tình nghĩa đó nó sống dậy, tức là con nhớ. Đó là ái kiết sử. Thì con cũng nhắc rằng: "Bây giờ cái tình thương này, thì mày phải ráng mày tu chứ, thầy đang mong đợi mày tu đó. Mà mày bây giờ mày ngồi đây mày nhớ thầy, rồi chẳng hạn mày về gặp ông rồi mày làm cái gì đây? Tốt hơn là mày phải ráng mày nỗ lực tu".
Cho nên con thấy bây giờ sư Tâm Pháp sư muốn đi tu lắm, thầy con đó, sư muốn tu lắm, nhưng mà bây giờ bỏ chùa cho ai bây giờ? Mà để cho mấy đệ tử của mình tu, tức là thầy hi sinh nhiều lắm đó mấy con. Cho nên vì vậy con nhớ đến thầy mình phải ráng tu. Đó là mình đền đáp công ơn cái tình của mình đối với thầy mình phải nỗ lực mình tu, như vậy là mới đúng nghĩa. Phải không?
Khi nào mà ái kiết sử nó đến: "Mày ráng tu, chứ ở đây mày nhớ thì phỏng mày làm lợi ích gì cho thầy? Hay mày về giữ chùa cho thầy mày đi tu đi, mày giỏi thì mày về ngoài đó mày ở mày giữ, còn để cho thầy mày vô tu". Con nhắc nó như vậy đó, thì nó sẽ luận đó. Nó nói: "Hãy ráng tu đi để về rồi mình giữ chùa cho thầy đi tu cho nó tiện hơn. Chứ còn mày tu không xong là mày về giữ chùa, mày thành ra ông từ đốt nhang, chứ không làm được gì đâu". Cho nên con phải nhắc con như vậy.
Tu sinh: Tại vì con thấy mấy lần buồn ngủ, thì con cứ lấy thầy con ra để con phá cái hôn trầm, thì con thấy nó hết. Tại vì con nhớ thầy con. Khi con buồn ngủ thì con lấy thầy con ra để so sánh về cái sự lo lắng của thầy con, thì con thấy cái buồn ngủ của con nó không còn nữa. Cho nên con không biết cái đó là do con sử dụng nhiều quá, như vậy thành ra nó… Chính trong tâm con, con cũng không biết nữa Thầy.
Trưởng lão: Nó không phải đâu con! Chính mình biết lấy cái đó để áp dụng vào mà trong khi buồn ngủ mình nhớ đến thầy mình, mà mình nỗ lực mình ráng cố gắng mình tỉnh tâm thức mình tu. Cái tình thầy trò quá là thắm thiết, nó giúp cho con vượt qua những cái hôn trầm, thùy miên. Nhưng mà cũng đừng vì cái đó mà mình để tâm mình bị động, bị cảm động qua cái tình cảm của người thầy. Cho nên do đó mình cũng phải biết cách áp dụng nó để mà thực hiện được phá hôn trầm, thùy miên là tốt. Nhưng mà đừng để cho nó quá kiết sử, thì nó đi đến cái sai pháp đi.
Cho nên nó vắng bữa cái nó nhớ, vắng bữa là nó nhớ, cũng như vắng mẹ nhớ tới mẹ hoài, thì cái không có được. Cái đó nó cũng bị kiết sử nó trói buộc rồi. Mới có đi ba bữa mà bữa nay nhớ mẹ bù lu, bà la rồi, thì cái đó là kiết sử quá nặng. Còn con mới đi có một tháng mà bây giờ cứ nhớ thầy mình hoài, ngồi đâu cũng khóc hù hù, thì không được.
Tu sinh: Con không có khóc!
Trưởng lão: Không có khóc hả? Rồi đây tới khóc à!
(17:43) Tu sinh: Thưa Sư Ông, còn cái mà dứt ái kiết sử là mình cắt đứt cái tình cảm đó làm sao? Sư ông chỉ rõ cho con.
Trưởng lão: À! Nó không phải cắt đứt cái ái kiết sử. Mà phải thực hiện cái lòng thương yêu đúng cách đối với cái ái kiết sử đó. Chẳng hạn bây giờ đối với cha mẹ, thì mình phải nỗ lực mình tu để đền đáp công ơn sinh thành, để về hướng dẫn cha mẹ. Còn đối với thầy tổ của mình, mình thương yêu thầy tổ thì mình hãy ráng mình tu, để đem về những cái gì lợi ích cho thầy tổ mình mừng, mình đã tu tập được. Đó là mình dứt ái kiết sử bằng cách hướng đến cái tình thương cao đẹp hơn. Chứ không phải dứt ái kiết sử là: "Từ đây về sau tôi không thương nữa, ông đó cái mặt dữ tợn quá!" Hay hoặc là: "Thầy tôi trời ơi, mỗi lần ông giận, ông thấy sợ quá!" Đó! Mình nhắc như vậy là mình cắt đứt cái ái kiết sử thì không phải. Biến cái ái kiết sử đó nó trở thành cái lòng thương yêu của một người đệ tử đối với thầy, thì nó có đạo nghĩa.
Đối với lòng thương yêu của mình đối với cha mẹ, thì mình phải nỗ lực mình làm cho đúng cách là hiếu đạo, thì cái tình thương của mình nó mới đúng. Cho nên dứt kiết sử mà nó không có cắt đứt. Cũng như Thầy thương mẹ Thầy, Thầy trở về Thầy núp dưới bóng mẹ Thầy, Thầy tu mà Thầy thành tựu được. Thì như vậy là Thầy có cắt, Thầy có bỏ mẹ Thầy đâu. Con hiểu chỗ này chưa? Nhờ mình núp dưới bóng mẹ, mình không nhớ mẹ nữa thì mình nỗ lực mình tu, thì quá yên ổn rồi. Thì do đó mình đền đáp được cha mẹ mình. Con hiểu chưa?
(19:06) Tu sinh: Dạ thưa Sư Ông! Con thấy sao con tu Định Vô Lậu, bây giờ con thấy ai chửi lộn ở ngoài kia, tự nhiên cái tai con nó nghe, thì con thấy kiểu như thấy thương người ta. Con không biết cái đó là phải làm sao?
Trưởng lão: À! Tại vì đó là con đã thấm nhuần được cái lý của vô lậu rồi. Thấy mọi người mà mắng chửi nhau, mình thấy thương tội nghiệp họ không hiểu. Chứ họ hiểu, chắc là họ không có chửi mắng nhau đâu. Mình thương họ là đúng đó con! Mà chính cái chỗ Định Vô Lậu đó nó giúp cho cái tâm từ bi của chúng ta nó triển khai rất lớn, biết thương mình và thương người.
Trong các ác pháp mà xảy ra thì mình rất thương, mà mình thương mình và mình thương người nữa mấy con. Thấy họ khổ mình biết ngay liền, mình không có còn mà giận hờn ai được nữa mấy con. Chính chỗ đó là chỗ vô lậu đó mấy con. Đã nói vô lậu mà, làm sao mà không thương người đang đau khổ.
(20:04) Trưởng lão: Rồi mấy con còn hỏi Thầy gì nữa không con?
Tu sinh: Kính bạch Sư Ông! Con muốn hỏi là: Con rất là phù hợp với cái xả tâm. Mỗi lần con xả thì con lấy cuốn sổ ra con ghi hết những cái niệm nào con phóng dật là con ghi ra hết. Nhưng mà cũng có một số cái vượt ngoài khả năng của Định Vô Lậu của con. Chẳng hạn như con muốn xả cái niệm đó, nhưng mà nó không phải là nhân quả thảo mộc, mà cũng không phải là nhân quả con người, mà nó rơi vào vũ trụ thời tiết, con tới đó là con bế tắc. Vậy con phải xả như thế nào?
Rồi ví dụ như con xả mà con thấy hình như cái này cũng không phải, cái kia cũng không phải. Rồi Tứ đế cái gì tùm lum hết, rồi bắt đầu con thấy con không hiểu nữa, con thấy bế tắc, con nói tới đây là nín rồi, không xả được nữa. Vậy thì con phải làm sao ạ?
Trưởng lão: À, thì con phải học tiếp tục Định Vô Lậu nữa chứ sao!
Tu sinh: Vậy là những cái niệm mà để xả đó là phải dừng lại ạ?
Trưởng lão: Mình phải dừng lại, chứ bây giờ con biết đâu mà xả. Định Vô Lậu con mới học có nhân quả à, con còn nữa mà, nhiêu đó chưa có đủ.
Tu sinh: Nó còn nhiều quá, hễ con đụng chuyện gì xoay quanh cuộc sống thì Sư Ông cũng kêu xả, thì còn rất là khoái con đem ra con xả, mà xả nó không có tới.
Trưởng lão: À! Thì tại vì nó không có đúng cái nhân quả, nó chỉ xả một cái số nào đó thôi. Hay hoặc là nó tạm thời để nó ức chế cái niệm đó cho chúng ta được bình an thôi. Chúng ta còn đang học Định Vô Lậu mà, Định Vô Lậu nó nhiều lắm, chứ nó không phải có một góc độ mà ở trên nhân quả đâu.
Tu sinh: Như vậy thì những cái đó là làm cho mình như thế nào, rồi lúc mình chưa xả được thì mình phải làm sao?
Trưởng lão: Thì chưa xả thì cũng như hồi nào tới giờ mình chưa biết cách xả nó cũng vậy thôi. Nhưng mà mình học rồi lần lượt là mình biết rồi, tới đó thì xả nó mới bảo đảm. Chứ bây giờ chưa biết mà con học trước thì nó nói nó cũng không đâu. Cũng như nói nhân quả là nói chung chung thì con cũng xả chưa được đâu, để tới chừng đó mình triển khai cái tri kiến của mình đã học về cái phần nào của nó cụ thể rõ ràng, mà cái niệm đó nó nhằm ở trong đó thì con xả nó nhanh lắm, bởi vì đang trên con đường đang học tiến tới. Cũng như bây giờ con muốn làm ông luật sư, mà những cái pháp luật con chưa có thuộc, rồi con biết làm sao mà con áp dụng được cái tội nhân đến khi mà xảy ra, con phải thuộc được pháp luật con mới biết cái tội này nó như thế nào. Còn bây giờ con chưa biết, mà con muốn kết tội người ta thì làm sao con kết được, phải không? Cho nên phải còn học nữa.
Tu sinh: Như vậy thì con có nên dùng pháp Như Lý Tác Ý để mà con tạm dừng, hay là tác ý đuổi nó luôn, hay là như thế nào?
Trưởng lão: Không! Tác ý đuổi luôn thì không được, mà chỉ tạm dừng đó thôi. Để nó không còn tác động tới con trong hiện tại, mà khi con chưa đủ cái Định Vô Lậu để mà quán xét nó.
Tu sinh: Vậy Sư Ông cho con một câu để tác ý dừng những cái quả này đi.
Trưởng lão: À! Bây giờ con nói: "Đây là ác pháp". Khi mình thấy nó đến nó làm cho động tâm mình, mình nói: "Đây là ác pháp, hãy đi đi. Ở đây là thanh thản, an lạc, vô sự". Đó là mình tác ý chung chung.
Tu sinh: Nó đi lát nó lại thì sao ạ?
Trưởng lão: Thì nó lại, nhưng mà điều kiện mình chưa có chỗ mà hoá giải nó thì phải còn học nữa thì mới hóa giải nó được. May là nó đi nó cũng phước, chứ cỡ mà nó không đi nữa mới tắc. Con nhờ tác ý đó để cho nó đi, để cho nó đỡ niệm, rồi con bắt đầu con áp dụng vào cái phương pháp khác. Còn nó có đến đi, tại vì mình chưa hoá giải được nó nên chưa chuyển. Bởi vì mình còn học trên cái lớp này nữa. Chờ học nữa, học cho nhiều nữa, mấy con còn làm bài vở nhiều nữa chứ không phải ít đâu, cái Định Vô Lậu.
(23:40) Tu sinh: Dạ! Con còn một cái nữa là: Ma thì con không sợ, mấy con vật thì con cũng không có sợ. Nhưng mà con không biết ma chết thì sao, chứ con thấy ma sống con sợ quá. Tại vì con ở ngay cái hàng rào, con thấy mấy người mà cứ giống say xỉn rồi cái té vô hàng rào, mỗi lần như vậy con giật mình con hết hồn. Té vô hàng rào lải nhải nói lời văng tục, thành ra là con sợ mấy cái ma sống. Con không biết làm sao bây giờ.
Trưởng lão: À! Bây giờ con mới quán nhân quả: "Nếu mà mấy cái con ma sống này mà nó có nhân quả với mình thì nó mới có chuyện với mình. Chứ còn không nhân quả thì nó té hơi rồi nó cũng đi à". Con luận về nhân quả, nó có duyên nhân quả nó mới đến quấy rầy mình, còn không có nhân quả với nó thì tự nó rút lui à, chứ không có gì đâu. Kệ, nó muốn làm gì đó nó làm, chẳng sợ mấy con ma sống này đâu: "Mày có nhân quả với tao thì mày sẽ đến, còn không có nhân quả thì đi". Có vậy thôi.
Tu sinh: Rồi lỡ họ làm cái gì rồi sao?
Trưởng lão: Không có sao hết, sẽ có nhân quả. Nhất định là cái đời sống của con, con sẽ sống trong thiện pháp thì không có cái ác pháp nào mà tác động được, chẳng sợ. Con hiểu không? Mình quán cái nhân quả mà. Cuộc sống của mình từ đó tới giờ mà mình tu hành mình có làm điều gì ác đâu, cho nên những cái này không bao giờ tác động được hết.
Tu sinh: Dạ, nhưng mà lúc con ngồi con theo dõi, con chờ đợi xem họ làm cái gì thì con phóng dật ạ.
Trưởng lão: À! Tại vì con quá sợ cho nên con chờ đợi. Chứ còn con thấy: "Đây là nhân quả, nó tới thì tới chứ chẳng có ngồi đó chờ".
Tu sinh: Con phải chờ coi họ làm cái gì tiếp, chừng nào họ đi thì con mới yên con tiếp tục con tu. Còn họ chưa đi là con phải ngồi con chờ coi coi sao.
Trưởng lão: À! Thay vì bây giờ con ngồi chờ, thì tốt hơn là con để cái tâm con an ổn con tu con khoẻ hơn. Vì sớm muộn rồi mình không có nhân quả xấu thì họ vẫn đi mất à. Cuối cùng con thấy họ rồi rốt cuộc rồi cũng đi mất, chứ không có gì hết. Thì do đó những lần rút tỉa qua kinh nghiệm thì biết mình không có nhân quả xấu rồi, cho nên chẳng sợ. Họ làm gì làm ngoài hàng rào thì làm, mình ở trong này cứ lo tu thôi.
Mình quán xét mình tư duy như vậy để tâm mình nó bất động, nó an ổn, rồi nỗ lực con tu. Để không con sợ hãi, mà con cứ len lén, len lén cứ nhìn qua thử coi hễ nó hở ra cái gì đó là ba chân bốn cẳng chạy, thì cái chuyện này con cứ như vậy là động tâm. Đó! Cho nên vì vậy mà mình chẳng sợ gì hết, chừng nào tới rồi hay. Không có gì đâu mà sợ! Còn không ấy thì cho nó một chưởng để cho nó tiệp đi chứ gì.
(26:05) Tu sinh: Thưa Sư Ông! Ví dụ như có một cái ông già đó, ông ưa đi chặt cây ông làm cây gậy. Mà ngày nào ông cũng đi chặt cây tre chỗ con hết, ông tỉa riết bụi tre nó gọn ghẻ mà ngày nào ông cũng tỉa. Con học nhân quả thảo mộc con nói: "Tội quá ông già này ông cứ chặt cây tre, riết sợ ông thành cây tre". Ông đi kiếm cây gậy mà ngày nào cũng có người đi ngang hỏi ổng: "Ông Năm chặt tre làm gì? " Ông nói: "Ông Năm chặt tre làm gậy". Con nghe riết hình như một cái bài thuộc luôn, ngày nào cũng ông Năm chặt tre làm gậy. Con thấy mà khổ ghê, ông không có lựa được cây gậy nào, mà nó một tháng trời 30 cây rồi. Con nghĩ một ngày ông chặt chừng 10 cây, mà coi cũng chẳng có cây nào vừa ý hết. Thì như vậy là sao?
Trưởng lão: Bởi vì cái thân của ông yếu, ông đi coi bộ yếu rồi, cho nên ông nghĩ rằng có cây gậy nó bảo đảm cái bước đi. Mà cây gậy nào ông chặt vô rồi ông coi bộ không vừa ý, rồi đi ra kiếm nữa.
Tu sinh: Vậy là cái nghiệp chặt gậy này sẽ thành cái gì Sư Ông?
Trưởng lão: Cái nghiệp mà chặt gậy thì ông thành gậy chứ sao! Thì chứ sao? ông chặt gậy thì ông phải thành gậy, chứ không lẽ ông thành cái gì được.
Tu sinh: Con thấy tội quá. Mà con không biết là mình học ở đây, mình ngồi ở đây mình làm cái gì mà mình giúp được. Con quán ra con thấy ông sẽ thành cái cây đó. Nhưng mà con thấy là con suy nghĩ như vậy ác quá.
Trưởng lão: Thì mỗi lần ông chặt cây gậy đó thì cái từ trường của ông nó sẽ thành cây gậy khác chứ sao. Chứ có gì đâu, cái chuyện đó là hẳn nhiên. Rồi cái cây gậy đó mai mốt ông già khác cũng chặt lại. Thì những cái từ trường đó đều là những từ trường ác chứ đâu phải thiện. Bởi vì ông chặt cái cây, chứ đâu phải là cái cây đó nó tự ở đâu dưới đất nó chết rồi ông sách vô ông làm gậy đâu, ông đi chặt. Rồi ông về ông chặt, ông sửa coi cây gậy coi vừa ý không. Mà nó không vừa ý là ông quăng, ông bỏ, ông đi kiếm nữa. Nhưng mà ông không hiểu được nhân quả, cho nên ông cứ ông chặt hoài, ông chặt sao mà cho cây gậy cho vừa ý ổng, ông muốn thành cây gậy đầu đoàn, đầu rắn gì đó, mà bây giờ nó không thành, cho nên ông chặt ông bỏ. Con hiểu không? Cho nên cuối cùng là ông chặt hoài.
Đó cũng là cái nghiệp của ông, cái nghiệp của ông mang cái thân run rẩy rồi bây giờ kiếm cây gậy cho vừa ý đặng chống đi. Mà chống đi cho ông già cũng có cây gậy quắc thước, cho ngon lành. Nhưng mà kiếm không được, nó không vừa ý ông. Mà làm sao để vừa ý ông, tại cái ông đó ông ham muốn như vậy mà. Bây giờ một cái cây gậy trúc, một cái cây suông, một cái cây gì đó ai bỏ đó mình lượm, mình chống đi cũng được rồi, có gì cần phải đẹp. Nhưng mà mấy ông già đâu phải dễ. Thầy nói chứ mấy ông tìm cây gậy phải cong queo như thế nào đó, nó vừa ý ông mới thích đi hàng xóm để ông khoe, chứ đâu có gì.
(28:40) Tu sinh: Sư Ông ơi! Vậy thì con phải xả cái ông đó làm sao ạ? Tại vì khiến sao mà hễ con đi ra con phơi đồ là con gặp ông chặt, con ra phơi đồ là con gặp ông chặt.
Trưởng lão: Tại con có cái duyên với ông. Cho nên vì vậy mà con chặt cho ông cây gậy đi, con nói: "Thôi ông ơi! Để tôi chặt cho ông cây gậy. Cây gậy này nó sẽ tốt nè".
Tu sinh: Như vậy thì con có tu được không?
Trưởng lão: À! Con như vậy là con giúp ông. Thì do đó thì ông có cây gậy ông vừa ý, con chặt mà vừa ý ông rồi, đó là cái duyên nó như vậy, đó là con giúp ông. Từ đó về sau ông không có chặt nữa.
Tu sinh: Nhưng con ở trong hàng rào, còn ông ở ngoài hàng rào.
Trưởng lão: À! Thì con mới nói: "Ở trong tôi có cây gậy tốt hơn nè, ông đưa đây tôi chặt cho ông cây gậy, ông về ông chống đi thì ông khoẻ lắm. Tôi là ngươi tu, mà tôi chặt gậy cho ông thì ông chống đi ông khoẻ hơn là cây gậy ông chặt".
Tu sinh: Như vậy là con sẽ thành cái nghiệp chặt gậy à?
Trưởng lão: À! Thì lẽ đương nhiên. Là tại vì con cứ thấy chặt gậy đó, thì con phải thành cái nghiệp chặt gậy. Chứ nếu mà con không có lưu ý đến cái chuyện đó thì con sẽ không thành cái nghiệp chặt gậy. Con hiểu không? Mà con cứ lưu ý thì tức là con bị cái nghiệp đó rồi đó. Con hiểu cái nghiệp từ cái chỗ mà nhìn thấy nó không? Nó huân đó.
Tu sinh: Vậy Sư ông chỉ cho con phải làm sao?
Trưởng lão: Thôi bây giờ đừng thấy, rồi đừng nghe. Thí dụ như bây giờ ai có hỏi: "Ông làm gì đó ông Năm?" À, ông Năm nói: "Chặt gậy". Thì tại vì con nghe, rồi con thấy. Tức là nghe, thấy nó tạo nghiệp.
Tu sinh: Nhưng mà nó kế bên lỗ tai con. Có lúc con quán là: "Nghe như không nghe, thấy như không thấy". Mà rốt cuộc nó thấy rõ như vậy mà mình nói dối là thấy như không thấy, nghe như không nghe.
Trưởng lão: Không phải! Mình nói như vậy nó không có đúng, mà bảo: "Cái lỗ tai quay vô, ai biểu mày nghe cái chuyện chặt gậy, chặt gộc này kia". Mình cứ nhắc nó như vậy đó. Tức là con phòng hộ cái lỗ tai của con. Còn con mắt thấy thì con bảo: "Thấy chi cái chuyện chặt gậy. Mày già cả đâu mà mày coi, để mà chặt gậy cho mày hay sao mà mày dòm. Mày lo tu trong này chứ, sao mày dòm cây gậy của ông già kia chi". Con nhắc nó đặng phòng hộ mắt, tai của con chứ. Con không nhắc để giảo lỗ tai nghe, rồi giảo con mắt để nhìn, thì như vậy nó bị cái nghiệp gậy đó. Con hiểu chưa? Những chuyện ở ngoài đó mà con cứ huân vô cho con, con ôm ấp ba cây gậy, thậm chí như biết 5, 10 cây gậy rõ ràng.
Tu sinh: Tại vì lúc đó Sư ông nói là thấy cái gì phải xả. Thì con thử con để con thấy như vậy rồi con xả như thế nào, rồi con coi cái cách con xả, rồi con mới trình với Sư Ông. Thì con xả bằng cách là ông làm gậy thì ông sẽ thành cái nghiệp gậy. Thì con ngồi con dùng Định Vô Lậu, con lấy cái đó làm Định Vô Lậu con quán, con xả. Thì như vậy thì có đúng hay là sai?
Trưởng lão: Đúng, cái đó là con làm đúng! Nhưng mà có điều kiện là con phải phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng. Ở gần đường thì như vậy là con phải phòng hộ nó.
Tu sinh: Cám ơn Sư Ông!
(31:21) Trưởng lão: Rồi con hỏi gì không?
Tu sinh: Kính bạch Thầy! Con hỏi về cái sự tu tập của con. Ví dụ như trong lúc con ngồi kiết già con tu Định Niệm Hơi Thở thì con an trú được 2 tiếng. Một ngày con chỉ tu thời thôi, vào buổi khuya, còn thời gian của con thì con dùng để viết bài. Con vẫn tiếp tục duy trì những cái cách tu như vậy, hay là phải tu lại…, là tu 1 phút như hồi nãy Thầy dạy?
Trưởng lão: À! Như hồi nãy Thầy dạy là mọi người hiện bây giờ tu 1 phút. Còn con nhiếp tâm và an trú tâm được rồi, bây giờ con tu 1 phút nó vẫn là thừa rồi. Cho nên đừng có tu lại 1 phút mất công. Mà bây giờ con tập trung về cái phần mà con tu Định Vô Lậu này. Mình tập trung vào nhiều cái vô lậu để triển khai cái tri kiến giải thoát của mình.
Bây giờ giữ cái giờ 1 giờ, hay hoặc là 2 giờ tu trong Chánh Niệm Tỉnh Giác này thôi, để giữ cái mức mà định tĩnh đó thôi, chứ còn không có nên tăng thêm nữa. Cũng như pháp Thân Hành Niệm thì con tu cũng vừa với 30 phút, hay 1 giờ thôi, chứ đừng có tu lâu, tu lâu nó bị tưởng. Con nhiếp tâm nó vừa với từ một tiếng trở lại thôi, chứ đừng có tăng lên, mà tăng lên thì con sẽ bị lọt trong tưởng. Bởi vì trong khi đó cái Định Vô Lậu của mình nó chưa hoàn tất được, cho nên tâm mình nó chưa vô lậu, tức là chưa ly dục, ly ác pháp hoàn toàn.
À! Do đó hiện giờ con dồn hết cái sức tu của con vào cái Định Vô Lậu, con triển khai từng chút, từng chút, từng cái tâm niệm của mình để cho mình xả tâm cho hết, mình áp dụng vào đời sống của mình, mình tư duy. Bây giờ con vào đây con nhớ mẹ, hay hoặc là mình nhớ những cái gì, hoặc là có những cái ác pháp gì mà tác động từ những cái ngày mà con đã bị những cái tác động đó, con dùng cái Định Vô Lậu, cái tư duy quán xét xảy ra cái nhân quả, con xả cho sạch, thì tâm con càng thanh tịnh. Thì nó cộng với ở bên kia cái tỉnh thức của con mà bị rơi trong tưởng, thì bắt đầu bây giờ bên đây nó xả tâm thì cái tưởng nó sẽ bị mất, bởi vì cái tưởng dục nó sẽ hết.
Bởi vì cái ý thức dục của chúng ta bên đây nó đã bị cái Định Vô Lậu nó quét ra hết rồi, thì cái tưởng dục bên đây nó cũng sẽ hết thôi. Bởi vì cái ý thức dục của chúng ta là cái chính, chủ thể, mà cái tưởng là cái bóng dáng của nó, mà bên đây nó hết thì bên kia nó cũng hết. Cho nên vì vậy mà cái tưởng mà con vào cái Định tưởng, nó bị những cái tưởng lực đó thì nó sẽ bị hết đi. Nó hết đi, cho nên hai cái nó song song nhau thì con trở về Tứ Niệm Xứ con tu.
Bây giờ cái Định Vô Lậu con chưa xong, cho nên nó chưa xả hết tâm con. Nên bây giờ con làm bài, rồi con áp dụng con xả, con xả để cho hoàn toàn cái tâm con thanh tịnh nó ly dục, ly ác pháp hết. Thì bây giờ cái mục đích của con là tu ở trên cái Định Vô Lậu là nhiều nhất, để xả tâm của con. Con ráng triển khai cái này nghe con.
(34:06) Tu sinh: …. (Nghe không rõ)
Trưởng lão: Được! Con sẽ áp dụng những cái bài viết của con vào cái đời sống của con để con xả tâm, thì cái đó là quá tốt rồi.
(34:48) Tu sinh: …(không nghe rõ)
Trưởng lão: Cái gò mả đó nó không có mả nhiều đâu, con sẽ tu cái không có sợ ma đó thì bữa nào đến cái gò mả mà ngày nào người ta cũng chôn năm ba người đó. Đang chôn đó, nghĩa là lúc bây giờ nó mới khiếp sợ, chứ còn cái gò mả này nó có mấy cái mả nó không có sợ đâu. Mà mấy cái ông đó ở gần quá nó không sợ. Cho mấy con ở mấy cái đồng mả mà có nghĩa là không có ai ở đó, nó xa lắm, thì lúc bấy giờ mới tu được.
Nhưng mà sự thật ra thì con là một đứa trẻ gan góc, không có sợ rắn, rết, bọ cạp gì hết, con gì con cũng bắt được hết. Thì do đó mà bây giờ bỏ con đâu mà con còn sợ nữa. Thôi bây giờ tốt hơn là lo xả tâm đi là tốt nhất rồi. Phải chi như hồi nãy Quảng Trí hay là đứa nào đó, nó sợ vì vậy mới bắt nó bỏ đồng mả. Còn con không sợ mà bắt bỏ đồng mả con đâu có sợ. Cho nên về con khỏi cần lo, con nhiếp phục được khiếp đảm sợ hãi rồi, bây giờ cứ lo để xả tâm. Coi cái phần xả tâm rất là quan trọng lắm con.
Tu sinh: (36:13) (Nghe không rõ…)
Trưởng lão: Thôi bấy nhiêu đó được rồi, đừng có tăng lên nữa. Tăng lên nữa là bắt đầu nó điên. Bấy nhiêu đó thôi con. Rồi nhớ chưa?
Tu sinh: Dạ, con xin cảm ơn Thầy!
(36:46) Trưởng lão: Con hỏi gì con?
Tu sinh: Dạ, con kính bạch Thầy! Ngoài cái do ăn nhiều, ngủ nhiều, thì cái hôn trầm, thùy miên nó còn do nguyên nhân nào nữa không bạch Thầy?
Trưởng lão: À! Nó bấy nhiêu đó thôi, ăn nhiều, ngủ nhiều là nó hết rồi con, không có nguyên nhân nào nữa đâu. Nhưng mà còn một cái nguyên nhân nữa đó là tu tập quá sức nó cũng bị hôn trầm, thùy miên. Hoặc là mình làm quá sức nó hay dễ bị ngủ lắm con. Cho nên nó quá sức, tức là hao cái sức khỏe của mình nó sẽ gây ra buồn ngủ. Nghĩa là ăn nhiều, ngủ nhiều, thì còn một cái điều kiện nữa đó là quá sức. Cho nên mấy con tu nhiều thì coi chừng do cái sự mà căng sức của mấy con làm cho con buồn ngủ. Nên cái chỗ đó là cái chỗ mà mấy con phá là mấy con…
Tu sinh: Dạ, con thấy trong cái phá hôn trầm thì con cũng vất vả lắm. Với lại là Thầy nói là khi mà bị nhiều quá thì mình đi Thân Hành Niệm từng hành động. Mà con đi cái đó con lại càng buồn ngủ thêm nữa, con đi nó không được. Như là dở chân bước, đạp. Như là tác ý như vậy thì nó lại buồn ngủ thêm.
Trưởng lão: À, tại vì đứng chậm quá, tác ý mà đứng có một chỗ lâu quá. Cứ chân này dở lên đưa tới, rồi nó ngủ gục, rồi con đưa chân nữa. Còn con đi lào xào, lào xào, đi cho lẹ lẹ thì nó đỡ hơn. Có lẽ là con đi kinh hành nhiều, cách thức Chánh Niệm Tỉnh Giác mà đi kinh hành nhiều thì nó hơn. Chứ còn con đứng một chỗ mà con dở chân lên, con đưa chân tới, thì như vậy thì con bây giờ hễ khi nào mà không buồn ngủ thì con tập cái pháp Thân Hành Niệm đó. Mà khi buồn ngủ thì khoan hãy tập, đừng có tập. Mà khi tập cho nó nhuần nhuyễn rồi thì lúc bấy giờ thì con mới sử dụng nó con mới phá được buồn ngủ. Chứ còn bây giờ mà chưa có gì mà con tập cái là nó buồn ngủ, tập là nó buồn ngủ. Nó cản trở để cho con không có tập được cái pháp Thân Hành Niệm.
Cho nên vì vậy mà hiện giờ con chỉ đi kinh hành bình thường thôi, Chánh Niệm Tỉnh Giác thôi, khi buồn ngủ con mới phá nó con đi. Con tránh ra khỏi thất rồi con đi tới, đi lui để cảm nhận cái bước chân của mình đi được phút nào hay phút nấy, chứ không phải là chú ý tập trung đâu.
(38:56) Tu sinh: Dạ, thưa Thầy! Thầy cũng có dạy con là nếu có buồn ngủ thì tác ý lớn lên ra thành tiếng luôn. Mà con tác ý thành tiếng thì con buồn ngủ. Thành ra nó khó.
Trưởng lão: Vậy thì cố gắng, nếu thấy buồn ngủ thì con đứng chổng khu con la làng coi thử nó có buồn ngủ nữa không. La cho lớn.
Tu sinh: Dạ, bây giờ con muốn xin Thầy một cái câu gì, hay một cái pháp gì để về con nương theo đó mà con…
Trưởng lão: À! Bây giờ con tập cái pháp này: "Với tâm định tĩnh tôi biết tôi hít vô. Với tâm định tĩnh tôi biết tôi thở ra". Con tập cái pháp Thân Hành Niệm. Khi đó con cứ tác ý câu đó nó sẽ an trú được thôi.
Tu sinh: Vậy là con nhờ cái hít thở đúng không Thầy?
Trưởng lão: Ờ, phải rồi! Con sẽ nương vào cái hơi thở để mình tập cái đó để mà phá hôn trầm.
Tu sinh: Vậy là con phải vừa đi và vừa hít thở?
Trưởng lão: Con vừa đi mà vừa tác ý với tâm định tĩnh mình nương vào hơi thở mà đi. Chứ không được ngồi, ngồi nó sẽ ngủ. Chừng nào mà thật sự nó phá được, nó có cái lực của nó rồi thì con ngồi được. Chứ bây giờ con đi con tác ý nó cũng ngủ, con la làng nó cũng ngủ, đâu có còn sài được nữa với pháp tác ý đâu. Cho nên bây giờ mình dùng cái pháp hướng.
Tu sinh: Dạ, con cảm ơn Thầy!
(40:02) Trưởng lão: Sao mà mấy con đau bệnh quá vậy nè, bệnh đủ thứ bệnh. Người thì la nó thì buồn ngủ nó đi, người thì la buồn ngủ không đi. Thiệt khổ! Bởi vậy thiệt là đa bệnh chứ không phải ít đâu. Nếu mà đức Phật mà không có 37 Phẩm Trợ Đạo này thì chắc là con người tu không vô đâu. Chỉ có một pháp mà ngồi thiền không thì chắc là đầu hàng nó luôn, cũng nhờ nhiều pháp đó. Cho nên thật sự chỉ có đạo Phật mới có 37 Phẩm Trợ Đạo này.
(40:28) Trưởng lão: Thôi bây giờ đến đây hết rồi mấy con, mình lo nghỉ. Ngày mai là Thầy còn dạy bên nam nữa.
Tu sinh: Vậy là tụi con sẽ học lại khi nào vậy Thầy?
Trưởng lão: À, chừng nào mà Thầy báo, Thầy kêu gọi mấy con. Bởi vì Thầy sẽ gọi mấy người lớn tuổi trước mấy con, để mà Thầy hướng dẫn cho họ, rồi sau đó là mấy con.
(40:49) Tu sinh: Vậy khi nào gặp lại Sư Ông?
Trưởng lão: Thầy sẽ báo cáo sau. Nếu không thì tuần sau gặp Thầy, Thầy sẽ báo cho mấy con biết. Cho nên trong cái vấn đề mà báo cho mấy con biết, thì gần đây thì nó có công chuyện mà Thầy cần đi thành phố để giải quyết cái Trung Tâm An Dưỡng, cho nên Thầy sẽ đi mấy hôm, mà nếu mà không đi thì không giải quyết được.
Cái tình trạng hiện giờ Thầy báo cáo cho mấy con biết, mấy con ngồi xuống hết đi. Là vì ở Hà Nội, thì hiện bây giờ cái giấy phép để xin chỗ Trung Tâm An Dưỡng ở ngoài Hà Nội, thì cái chú Tuấn đã làm giấy tờ coi như là nó đã thuận hết rồi. Bây giờ còn cái tài khoản cho nên Thầy sẽ viết một bức thư Thầy gửi ra Hà Nội, để ở ngoài đó các cái hội từ thiện ở Hải Phòng, Hà Nội, Miền Bắc coi như người ta tập trung người ta thành lập cái hội từ thiện ở ngoài đó để mà người ta góp thành một cái tài khoản để xây dựng cái Trung Tâm An Dưỡng ở ngoài đó. Còn giấy phép đồ thì đàng hoàng hẳn hoi rồi đó.
Còn ở miền Nam của chúng ta cái tình trạng hiện giờ thì có người cũng đứng ra xin phép để thành lập ở thành phố Hồ Chí Minh. Cái Trung Tâm An Dưỡng thì cũng không có khó khăn, do đó thì Thầy sẽ đi bàn bạc cái vấn đề đó. Mà ở thành phố cái tài khoản thì coi như là Thầy cũng kêu gọi những Phật tử ở miền Nam họ sẽ đóng góp vào cái tài khoản. Nhưng cái tài khoản ở thành phố thì người ta thừa sức rồi, chứ không phải như ở Hà Nội. Ở Hà Nội thì nó chưa có cái tài khoản đủ, còn ở thành phố Hồ Chí Minh thì nó có đủ rồi. Và đồng thời bây giờ phải xuống để mà Thầy gặp bàn bạc để những Phật tử ở đó người ta làm giấy tờ cho xong để thành lập cái Trung Tâm An Dưỡng từ thiện.
Thì cái Trung Tâm An Dưỡng từ thiện đầu tiên, thì cái khu mà dưỡng lão, những cái người mà vào cái khu nhà dưỡng lão cho những người già được về an dưỡng. Cũng như ở Hà Nội thì cái khu đó phải cất trước, cái người già phải cất trước. Và đồng thời cái khu Tăng, Ni thì sau mấy con. Rồi tới khu nam nữ cư sĩ, thì lần lượt nó có những cái khu. Và đồng thời thì cái khu công nhân viên mà để làm việc trong cái Trung Tâm An Dưỡng, thì nó có cái khu nhà của công nhân viên nữa, các anh chị em người ta ở đó người ta làm việc. Thì như vậy là lần lượt thì ở thành phố của chúng ta và ở Hà Nội đều có những cái khu An Dưỡng.
Bây giờ ở ngoài Hà Nội thì lo xin phép ở ngoài Hà Nội. Ở thành phố Hồ Chí Minh thì lo xin phép ở thành phố Hồ Chí Minh. Bây giờ như vậy chắc chắn là một, hai ngày nữa thì Thầy phải đi về thành phố để mà Thầy họp với các Phật tử, để Thầy gợi ý như thế nào. Hiện bây giờ ở thành phố thì chỉ cần Thầy về đó để gặp các kiến trúc sư để vẽ cái đồ án mấy con. Cái phương án của Thầy đã đưa ra rồi mà, bây giờ vẽ cái đồ án. Tức là cái khu đó phải vẽ cất nhà cửa như thế nào, đường xá như thế nào trong cái khu đó. Thì Thầy về thành phố để mà họp để mà Thầy gợi ý cho họ vẽ đúng 15 cái khu nhà cửa ở trong cái phương án đó, mình vẽ thành cái đồ án. Cho nên vì vậy mà nó sẽ thành lập.
Sau khi mà thành lập rồi thì ở đây cái lớp này của chúng ta có thể là một số người Thầy đưa về đó học tu được mà. Yên ổn mà, đâu có gì đâu. Và đồng thời ở thành phố mấy con biết cái số người Phật tử mà từ khi mà Thầy mở cái lớp này rồi thì người ta được nghe băng và hình ảnh. Mà mấy con thấy cô Liên Châu không? Về đây cô quay hình ảnh và được dân thành phố người ta đã thấy và người ta được nghe được những cái bài học của Thầy. Cho nên người ta rất mong muốn làm sao mà Thầy về được thành phố Thầy giảng dạy cái lớp học đạo đức làm người, vì người ta rất mong cái điều đó. Cho nên vì vậy mà người ta ước ao rằng mỗi một tuần lễ được một ngày thôi, đặng họ nghỉ một ngày đó để họ học đạo đức.
Mà nếu được cái khu Trung Tâm An Dưỡng mà nó thành hình, thì nó có cái khu học tập như cái khu trường học vậy đó mấy con. Cũng như mình lên đây thì mình có cái lớp học, thì ở đó cái khu học tập thì nó cũng có những cái lớp học như thế này. Thì do đó trong một tuần lễ thì họ sẽ được đến học tập ở đó. Mặc dù là hiện giờ là mấy con tu chưa xong, nhưng mà Thầy cũng có thể đài thọ trong một tuần lễ Thầy dạy ở đây hai ngày, rồi Thầy về đó Thầy dạy một ngày ở đó để giúp cho Phật tử ở đó người ta rất thích và đồng thời người ta có thể thọ Bát Quan Trai.
Thì như vậy là cái hướng của mình đi lên rất tốt, dựng lại cái nền đạo đức rất tốt. Và đồng thời Thầy nghĩ rằng cái lớp của chúng ta mấy con còn tuổi trẻ phải nỗ lực tu chứ, sau này mấy con sẽ về những cái trung tâm đó mấy con đứng ra mấy con thay Thầy mấy con dạy cho đỡ Thầy chứ. Thầy bữa nay thì ở thành phố, ngày mai thì phải ở Hà Nội rồi, ngày mốt phải về Chơn Như, thì thấy Thầy chạy lăng xăng nó mệt cho Thầy. Mà Thầy còn phải soạn những cái bộ sách Đạo Đức nữa mấy con. Bởi vậy mấy con phải ráng nỗ lực tu.
Thầy nghĩ rằng cái Định Vô Lậu này sẽ giúp cho mấy con hoàn tất được cái đạo đức nhân bản - nhân quả rồi đó mấy con. Và đồng thời cái sự định tỉnh của mấy con mà mấy con đã nhiếp tâm sẵn rồi, nó có cái căn bản rồi đó, thì bên đây xả tâm thì bên đây nó sẽ không bị tưởng nữa mấy con, nó hết. Thì do đó thì mấy con đi song song thì mấy con định tỉnh rồi. Mà khi định tỉnh thì nhu nhuyễn dễ sử dụng thì mấy con phải đạt chứ. Nó đâu còn lọt ở trong tưởng, đâu còn dậm chân tại chỗ nữa đâu, buộc lòng mấy con phải đạt rồi.
Bởi vì con đường hướng dẫn, đào tạo nó phải đi cái hướng đó, thì mấy con phải thành thôi, chứ làm sao. Ví dụ như cái chương trình học kiến trúc sư, hay hoặc là cái chương trình học luật sư, thì mấy con học hết bộ luật mấy con thông suốt, mấy con sẽ ra làm luật sư được rồi, thì còn cái gì nữa. Thì cái này nó cũng như vậy thôi. Bởi vì mình học rồi thì làm sao mà mình để, mình đã học mình biết xả được cái ác pháp, làm sao mà còn ác pháp trong tâm mình nữa. Mấy con hiểu không? Làm sao mà mình còn đau khổ được. Tại vì mình hiểu mà, mình hiểu hết rồi, chứ đâu phải mình chưa hiểu.
Cái Định Vô Lậu nó làm cho mấy con được giải thoát mà, đó là cái chương trình đào tạo mà. Nên mấy con cũng phải hiểu như vậy. Bây giờ người ta chửi mình, mình biết nó là ác pháp, mà mình biết cái đó là nó sai chỗ nào, nhân quả như thế nào là mấy con biết rồi, thì mấy con đâu còn giận. Tại vì mấy con chưa biết nên mấy con mới tức giận chứ. Rõ ràng là tu tập bằng cái tri kiến của chúng ta. Cho nên mấy con hiểu.
Vì vậy mà bây giờ chúng ta thấy cái duyên nó có mà. Cũng như bây giờ ở thành phố người ta cũng báo cho biết rồi, Nhà nước người ta chấp nhận mà, người ta đọc cái phương án của Thầy người ta thấy người ta chấp nhận, có lợi ích mà. Bây giờ ở Hà Nội người ta cũng chấp nhận rồi đó. Ngay bây giờ, cái thời gian này mà chấp nhận rồi thì Thầy thấy nó quá là cái duyên. Vậy thì mấy con phải nỗ lực tu, tu cho xong đặng mấy con mới làm công việc lợi ích cho mọi người nữa, chứ không phải là riêng mấy con đâu. Mấy con được giải thoát rồi thì còn nghĩ đến những nỗi khổ của người khác nữa.
À! Mấy cái cô mà lớn lớn tuổi này mà đi ra làm giáo sư dạy, mà mấy con tu xong rồi. Cũng như cô Từ Đức, cô Liễu Châu mà đứng ra lớp dạy: "Trời ơi! Thầy Thông Lạc sao mà có những bà già dạy lớp hay quá!" Phải không? Mấy con phải ráng mà tu đi.
Đó! Mấy con nhớ đi. Coi như là cô Nghiệm nè, cô tóc già như vậy, cô ốm nhom ốm nhách như vậy mà đi ra đứng lớp dạy đạo đức thì mấy con thấy không. Phải không, mấy con hiểu chưa? Chứ đừng nói tôi tu rồi, thôi tôi đi nhập diệt. Mấy con thấy còn một hơi thở là mấy con giúp người được thì mấy con cứ giúp. Ráng tu đi mấy con! Tri kiến của mấy con sẽ giải thoát mà, đâu có cái trí kiến đó mà để cho mấy con đau khổ đâu. Vì vậy mà buộc lòng mấy con trở thành những con người đạo đức của đạo Phật.
Thôi bây giờ là chúng ta chấm dứt, nghỉ nhé mấy con.
HẾT BĂNG