00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

LCK 031A (NỮ) - CHÁNH NIỆM TỈNH THỨC XẢ TÂM - VẤN ĐẠO NHÂN QUẢ NHẪN NHỤC - HÓA SANH - TỨ NIỆM XỨ

LCK 031A (NỮ) - CHÁNH NIỆM TỈNH THỨC XẢ TÂM - VẤN ĐẠO NHÂN QUẢ - NHẪN NHỤC - HÓA SANH - TỨ NIỆM XỨ

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Thời gian: 12/04/2005

Thời lượng: [50:16]

1- CHÁNH NIỆM TỈNH THỨC - THẦY NHẮC NHỞ BỀN CHÍ TU TẬP VÀ NHIỆM VỤ CỦA TU SINH TRẺ TUỔI

(00:00) Trưởng lão: Hôm nay buổi chiều, chúng ta sẽ tiếp tục học Chánh Niệm Tỉnh Thức để tập cái tâm Định Tỉnh cho được. Bởi vì Thầy biết rằng qua cái Định Vô Lậu chúng ta triển khai cái tri kiến giải thoát, thì hầu như là Thầy đã thấy được một số tuổi trẻ ở đây cũng có cái khả năng để sau này đào tạo thành những con người tu chứng để nối tiếp cái ngọn đèn của Phật pháp. Bây giờ Thầy thì cũng đã lớn tuổi rồi, nếu không mở cái lớp này đào tạo để cho có người tu chứng thì sẽ không còn có cơ hội nữa. Cho nên Thầy vội vàng Thầy mở cái lớp này. Mong rằng trong lớp này sẽ thấy được có một số các con còn tuổi trẻ, nhưng các con đã có những cái tư duy, những cái suy nghĩ đúng chánh pháp của Phật.

Qua sự hướng dẫn của Thầy trong mấy ngày, Thầy thấy mấy con sau này sẽ thay thế Thầy làm công việc Phật pháp, dựng lại nền đạo đức nhân bản - nhân quả của đạo Phật cho mọi người. Thầy biết rằng đây là một cái duyên mà Thầy phải chịu khó khăn vô cùng. Nhưng có điều Thầy khuyên mấy con chúng ta là những người tu, thì bao giờ chúng ta cũng phải gặp những cái khó khăn, trong những cái khó khăn không phải vì những khó khăn đó mà chúng ta lại đầu hàng trước nghịch cảnh, mà chúng ta phải sống yên lặng như Thánh, và vượt lên chúng ta biết nhẫn nhục, biết tùy thuận. Cho nên vì sự nhẫn nhục, tùy thuận và yên lặng như Thánh chúng ta làm theo nhưng để chúng ta thực hiện được tâm giải thoát của mình, chứ đừng vì một lý do gì mà chúng ta nản chí.

(01:50) Bởi vì chúng ta là những người đấu tranh cho nhân quả, đấu tranh với nghiệp lực chứ không phải là những người đấu tranh với đối tượng, với hoàn cảnh của chúng ta đâu, mà chúng ta đấu tranh với nhân quả của chúng ta. Đấu tranh với nghiệp lực của chúng ta đang, lúc nào nó cũng đang có ở trong chúng ta, xung quanh chúng ta. Cho nên đừng nghĩ rằng chúng ta sẽ đấu tranh với mọi mặt, cũng như đánh giặc là mình phải đương đầu với địch, nhưng ở đây chúng ta không đương đầu với mọi ác pháp mà chúng ta đương đầu với tâm của chúng ta. Chúng ta có thành công được hay là thất bại đều do nơi tâm của chúng ta mà thôi. Thế các con nhớ kỹ.

Cho nên Thầy từng nhắc các con, chúng ta đứng trên đầu ngọn sóng chứ chúng ta không đứng dưới chân của con sóng, cho nên chúng ta không bị phủ trùm, vì vậy mà phải cố gắng mấy con. Mấy con là những người tu theo đạo Phật mà, thấy lỗi mình không thấy lỗi người, vì vậy mà mình vượt qua những cái khó khăn, để rồi mình chứng đạt được chân lý là do chỗ này chứ không phải chỗ khác. Chúng ta đã viết được, đã nói được mà chúng ta không áp dụng vào đời sống của mình được sao. Thầy tin rằng mấy con nói được, mấy con hiểu được thì tất cả ác pháp xung quanh chúng ta không làm gì chúng ta được. Chúng ta là những bậc im lặng như Thánh. Có như vậy trên con đường tu của chúng ta mới thành tựu, có như vậy chúng ta mới đủ sức mà chúng ta dạy đạo đức.

Các con có nghe ông Phú Lâu La không? tất cả những sự đến với ông thì ông vẫn thấy người ta còn thương ông, ít ra chúng ta cũng phải nghĩ như ông Phú Lâu La. Mà trong bài Sóng gió Chơn Như Thầy đã nhắc nhở các con, mọi ác pháp đến thì chúng ta biết tất cả ác pháp đó đều là thương chúng ta, để chúng ta vượt qua tâm của mình, chứ không phải để cho mình chống đối lại ác pháp đó, mà để thấy tâm mình có vững chãi hay không. Điều mà chúng ta tu tập ở đây là sự chiến đấu với nghiệp chúng ta là vậy, chuyển nhân quả của chúng ta là vậy. Cho nên bài học đầu tiên là chúng ta đã học về nhân quả, là mục đích của lớp học chúng ta hôm nay.

(03:56) Có một câu hỏi mà hồi sáng Thầy chưa trả lời vì mắc đi họp, câu hỏi đó, câu hỏi cuối cùng mà Thầy chưa trả lời: “Kính thưa Sư Ông, có phải khi con làm một việc gì không được mà con buồn là con đã ôm ác pháp trong lòng không ạ? Nếu phải thì những lúc ấy con phải làm gì? như thế nào thưa Sư Ông?”.

Đây mấy con nghe, khi mà chúng ta làm công việc gì mà chúng ta không làm được, chẳng hạn như bây giờ các con nhiếp tâm và an trú tâm “Sao mà tôi tu cái này sao mà khó khăn quá, bây giờ xét lại thì một phút mà tôi cũng nhiếp tâm chưa được và an trú tâm chưa được nữa. Nghĩa là nếu 1 phút mà hiện giờ tôi chỉ tu 1 phút hiện giờ tôi làm được, nhưng mà tiếp tục mà tôi tu trong 30 phút thì trong 1 phút, trong 1 phút thôi tôi vẫn thấy tôi làm chưa được. Vì vậy mà tôi làm không được tôi thấy tôi buồn, tôi khổ”. Đúng là không phải không có pháp gì mà con người không làm được, nhưng mà chúng ta sẽ bền chí rồi chúng ta sẽ làm được.

Có khó khăn mới thấy được sự bền chí, có khó khăn mới thấy được nghị lực của con người. Chứ chưa chi mà chúng ta lại mặc cảm, chưa chi mà chúng ta lại tiêu cực, chúng ta thấy rằng khả năng mình làm không được. Là con người sinh ra ở đời không có cái gì là con người không làm được. Dù là lấp biển dời non, chúng ta vẫn làm được tất cả. Những sự thử thách gian lao trong cuộc đời, cái gì chúng ta cũng vượt qua được, không có gì chúng ta không vượt qua được, chỉ chúng ta là người có ý chí.

(05:25) Thầy mong rằng các con là đệ tử của Thầy, là những người đầy đủ ý chí, gan dạ, chiến đấu tận cùng không bao giờ chịu thất bại trước mặt trận sinh tử luân hồi. Thầy mong rằng các con là những người đệ tử của Thầy phải xứng đáng với điều này. Dù các con là những người già 80- 90 tuổi, dù các con là những người trẻ, nhỏ nhất trong này vẫn có gan lỳ, vẫn biết cách thức chiến đấu tận cùng với giặc sinh tử. Thầy mong điều đó để mấy con trở thành những tay chân của Thầy để dựng lại chánh pháp của Phật, dựng lại nền đạo đức của Phật mà hàng vạn vạn người trên thế gian này đang mong chờ. Và nhân duyên cũng có thể khi mấy con tu tập được thì biết bao nhiêu nơi để mấy con đứng ra dựng lại đạo đức. Đó là nhiệm vụ của các con tuổi còn trẻ.

Còn các con lớn tuổi các con tu được đó là một điều nói lên Phật pháp đã làm chủ được như vậy. Chúng tôi già như thế này chúng tôi vẫn làm chủ. Ở đây trước mặt như chúng ta thấy như cô Huệ Ân, ngồi trước mặt các con, tuổi rất lớn, nhưng mỗi lần có nhiều lần có nhiều người đến hỏi cô, cô nói thật tình cô bị đau chỗ này, bị nhức chỗ kia, cô vẫn tác ý và bệnh đau cô sẽ lui. Làm cho người ta ngạc nhiên, làm sao một người già như vậy mà đuổi được bệnh, tu như thế nào, làm như thế nào mà bệnh đẩy đi như vậy. Suốt thời gian cô ở đây thật sự các con thấy cô không đi bác sĩ, đi nhà thương gì hết, có bệnh thì đuổi đi. Mà tuổi như cô Huệ Ân làm sao không bệnh mấy con. Cô lụm cụm, cô đi ra đây để ngồi nghe thuyết giảng. Trước khi chúng ta chưa có những bàn ghế cô ngồi đây một lúc cô mỏi quá cô xin Thầy đi dậy đứng. Thầy biết rằng cơ thể suy yếu rồi, làm sao còn sức khỏe ngồi lâu như chúng ta được, chỉ có một cái ghế chúng ta ngồi dựa thì thật may chúng ta còn có thể ngồi kéo dài thời gian lâu hơn. Cơ thể đã suy yếu, sức lực mỏi mòn, mà pháp Phật giúp cho chúng ta được yên ổn như cô Huệ Ân, thì các con thấy như thế nào, các con có tinh tấn không mấy con.

Đó thì hôm nay trước cái câu hỏi của con, con đã ôm pháp ác trong lòng con mà con không biết xả, cho nên những điều này con phải gan dạ và cố gắng. Khi nào chúng ta thấy có những điều buồn phiền trong lòng chúng ta là ác pháp, phải cố gắng xả ra bằng tri kiến của mấy con. Tư duy suy nghĩ ác pháp nó như thế nào thì mấy con sẽ xả được bình an và đem lại sự an ổn cho các con.

(07:47) Ở đây Thầy xin nhắc lại một điều cho mấy con thấy, Thầy đang nhắm vào tuổi trẻ của mấy con. Ở đây có một số người còn tuổi trẻ, nam cũng vậy, nữ cũng vậy. Những người ấy là những người sẽ nối tiếp ngọn đuốc của Phật pháp, làm sáng tỏ lại đường đi của Phật pháp, dựng lại nền đạo đức của đạo Phật, sống không làm khổ mình, khổ người là những tuổi trẻ, trong đó có các con. Qua những bài mà các con đã đọc, với sự tư duy suy nghĩ viết ra những bài đó để thực hiện tâm hồn giải thoát, để thực hiện đạo đức làm người, không làm khổ mình khổ người, đó là tri kiến giải thoát. Mà mấy con mới được 1- 2 người đọc, còn những bài đó sau này các con sẽ tiếp tục đọc những bài đó rất hay, nói lên được cái sự tư duy suy nghĩ đúng đắn, làm cho mấy con được giải thoát.

Và tuần tới tuần tới nữa các con sẽ đọc những cái bài mà do trong các con một số người làm. Còn những người không làm được các con đừng tự ti mặc cảm rằng tôi sẽ tu không được, tôi thuộc về liệt tuệ, không phải đâu mấy con, mấy con sẽ làm được. Và Thầy sẽ giúp cho mấy con có tri kiến để nhìn vào ác pháp, hóa giải được ác pháp, chuyển biến được nhân quả không làm cho tâm mấy con đau khổ. Mấy con nhớ, ở đây đệ tử của Thầy không có người nào liệt tuệ, Thầy sẽ giúp đỡ họ không có người liệt tuệ. Thầy biết rằng trong số các con có nhiều người không đủ cái sức tư duy quán xét, mặc dù đời sống họ đã trải qua những cái đời đau khổ, những ác pháp đau khổ họ đã trải qua rồi. Nhưng bây giờ ngồi nghĩ lại viết thì họ không biết làm sao viết, không biết nói làm sao. Họ biết cái khổ đau đó nhưng họ nói không được, nhưng mà Thầy sẽ giúp các con tư duy được và các con viết được. Thầy sẽ cố gắng giúp mấy con, Thầy có khả năng làm điều đó mấy con. Từ cái liệt tuệ của mấy con sẽ thành cái thắng tuệ chứ không còn cái liệt tuệ nữa.

Ở đây chúng ta không viết văn chương đâu, nhưng mà ở đây chúng ta nói một sự thật, nói một vấn đề mà chúng ta đã có, cái gì trong thân chúng ta có thì chúng ta sẽ viết. Không cần phải là câu cú văn chương gì hết, chúng ta chỉ nói tâm trạng của chúng ta để chúng ta tư duy những ác pháp. Kế tiếp đây có những câu hỏi, đây có một câu hỏi Thầy xin đọc lại cho các con nghe:

(09:59)Kính bạch Thầy, bài cảm tác nhân quả của con lúc viết con có ý muốn xin phép Thầy cho con được gửi về nhà để con khuyên mọi người ăn chay mà con chưa dám. Sáng nay trong lớp, Diệu Vân xin con bài ấy phô tô và có vài vị cũng có ý thích, nay Thầy có cho phép con gửi về nhà và cho Diệu Vân không? Thầy không đồng ý thì con không dám, nếu Thầy đồng ý cho phép thì con xin Thầy nhờ thầy Mật Hạnh đánh vi tính ra tờ giấy nhỏ giống như tờ trả lời những câu hỏi của Phật tử hải ngoại. Chữ viết của con hơi khó đọc chứ không phải tham danh muốn khoe, con kính xin Thầy hoan hỉ”.

Đây là Diệu Hiền xin Thầy, thật sự qua những cái bài học mà các con viết về nhân quả điều này là điều rất tốt mấy con. Thầy cũng định là có thể in ra thành sách những cái bài của mấy con mà như những cái bài cảm tác, như cái bài của cô Diệu Vân, bài của Uyên Thông, tất cả những cái bài đó đều được cho in vào một cái tập sách và để gửi cho Phật tử người ta đọc lợi ích lắm mấy con. Bởi vì mình viết sự thật là mình viết trong cái đời sống tư duy của mình, cái tư duy, Chánh Tư Duy của mình, nó vừa gợi ý cho mình xả được tâm mà người đọc khác người ta cũng thấy thấm thía lắm, và đồng thời cũng giúp cho người ta xả được tâm.

Ở Trảng Bàng có một người chưa từng biết Thầy, chưa bao giờ mà biết Thầy hết. Nhưng mà qua Mật Hạnh cho mượn một vài tập sách của Thầy viết, nhất là Hành Thập Thiện, Tứ Vô Lượng Tâm, nhưng cái người này họ đọc đi đọc lại cho đến khi mà thuộc làu tất cả những cái bài kinh này. Và đồng thời từ một cái con người mà sa ngã bê tha rượu chè, thậm chí như bài bạc nữa, đủ cách, thế mà đọc sách Thầy rồi người này bỏ hẳn không có còn bê tha, làm cho gia đình cha mẹ rất mừng là đứa con họ trở thành một người con tốt. Cái cuốn sách không, không gặp Thầy mà chỉ đọc cuốn sách không mà đã gợi ý để giúp.

Còn những cái bài của mấy con viết hôm nay nó là những cái bài thật cuộc sống của các con. Nghe thấy biết, sống trong đó mấy con viết ra, chứ không phải là mấy con đặt điều ra. Bằng chứng là những câu chuyện, có nhiều khi là câu chuyện của các con, bản thân các con viết ra. Do đó mấy con được Thầy cho phép các con nếu có bạn bè hay là những cái người thân trong gia đình của mình, các con được phô tô, chép ra cái bài đó, được đánh lên vi tính hoặc là chép ra cái bài đó để gửi về cho trước tiên là cho những người thân của mình. Nhưng mà sau này những cái bài đó sẽ gom lại, và đồng thời sẽ in ra thành sách để mà gọi đây là cái bài đạo đức nhân bản - nhân quả chứ không gì khác mấy con. Nó có giá trị rất lớn.

Thầy mong rằng những cái tập sách hoặc là kỳ tới đây trong cái dịp Tết chúng ta sẽ có tập báo xuân trong những bài đó thì mấy con sẽ có trong cái đó, dịp Tết báo xuân. Vì cái lớp học của chúng ta, những bài của chúng ta cần có những phương hướng phổ biến cái tinh thần đạo đức này, giúp đỡ cho nhiều người chứ không phải riêng chúng ta học. Mà chúng ta học là chúng ta triển khai nó, và đồng thời chúng ta còn đi xa hơn nữa chứ không phải là chỉ có ở cái mức độ đó thôi.

2- PHƯƠNG PHÁP XẢ TÂM VÀ NHIẾP TÂM

(13:27) Cho nên bây giờ chúng ta học để mà chúng ta áp dụng vào cái phương pháp để xả tâm. Cách thức của chúng ta hiện giờ đó để tu tập cái tâm chúng ta Định Tỉnh, làm cho tâm chúng ta Định Tỉnh bằng cái phương pháp xả chứ không phải bằng cái phương pháp ức chế. Từ xưa đến giờ như các con cũng biết rằng cái người mà tu tập theo Phật giáo hay là một cái tôn giáo nào đó, thường thường họ gọi là thiền định, thì họ tu tập bằng cách ức chế tâm chứ không bằng cách xả tâm. Nhưng đạo Phật dạy chúng ta ly dục ly ác pháp, cách thức xả tâm rõ ràng cụ thể, và hôm nay Thầy đã triển khai để cho mấy con tu tập đúng pháp của Phật mà không bị ức chế.

Vì vậy mà cái tu tập Chánh Niệm Tĩnh Giác để giúp cho tâm chúng ta Định Tỉnh, thì chờ mấy con học xong cái Định Vô Lậu, tức là cái nhân quả để mấy con có cái chỗ dựa, cái chỗ tri kiến hiểu biết đó để mấy con dùng nó mà mấy con xả tâm. Nhờ cái tri kiến xả tâm chứ không phải nhờ ức chế tâm mà hết niệm khởi, đó là cái mục đích của đạo Phật là vậy. Cho nên vì vậy mà qua một tháng, thì qua những cái bài viết của mấy con thì Thầy thấy rằng mấy con có khả năng xả được tâm. Mặc dù mấy con còn học nhiều về Định Vô Lậu chứ không phải có một số bài học qua cái Nhân quả thảo mộc, qua cái Nhân quả con người mà còn nhiều nữa, như Nhân quả thời tiết, nhân quả vũ trụ, các con còn đi sâu và các con còn ngạc nhiên hơn nữa, khi mà học tới thì các con còn ngạc nhiên hơn nữa.

Thì như mấy con cũng đã biết khi mà học Nhân quả thảo mộc rồi tiếp qua học Nhân quả con người thì mấy con ngạc nhiên từ cái thảo mộc nó chứng minh cho nhân quả con người, một người mà sanh ra nhiều người thì mấy con rất là ngạc nhiên lạ lùng, từ xưa đến giờ chắc chưa ai mà nghĩ. Nếu mà bây giờ mấy con học tới Nhân quả vũ trụ, nhân quả thời tiết thì mấy con còn ngạc nhiên nữa. Thời tiết nắng mưa là do ai mà làm? Chừng đó mấy con nghĩ, chừng nào đến giờ mấy con nghĩ rằng chắc có lẽ là do một cái gì đâu, một cái đấng vạn năng gì đó biến hóa làm ra thời tiết này chứ không phải là do nhân quả mà làm ra, cho nên chúng ta sẽ lầm lạc mất đi.

Nhưng chúng ta chưa có đủ Tam Minh nên chúng ta chưa có nhìn thấu suốt nó cho nên chúng ta chưa có dám xác định mà thôi. Chứ nếu mà chúng ta có Tam Minh, người nào cũng có Tam Minh hết thì cái vấn đề mà hiểu Nhân quả thời tiết, nhân quả vũ trụ này không còn khó khăn đối với chúng ta nữa. Nhưng ở đây chúng ta muốn nói, và muốn làm cho cái người chưa có Tam Minh hiểu, đó là trách nhiệm của chúng ta. Để làm cho người ta thấy một cái kỳ lạ của nhân quả.

(16:02) Cho nên hôm nay thì buổi chiều nay thì chúng ta sẽ học Chánh Niệm Tỉnh Thức. Hiện giờ thì mấy con có người thì được 10 phút, an trú 20 phút thì nhiếp tâm, có người thì được 5 phút, có người thì được 1 phút. Nhưng theo Thầy thiết nghĩ dù mấy con có tu tập được 10 phút hay là 20 phút an trú thì chúng ta cũng bắt đầu trở lại từ 1 phút để từ đó chúng ta tăng dần lên nó có cái căn bản hơn và nó tiếp tục, cái sự tu tập của chúng ta càng căn bản hơn, nhất là chúng ta sẽ nắm được cái kết quả chúng ta cụ thể hơn khi chúng ta nhiếp tâm.

Do hiện giờ Thầy nhắc lại, chúng ta bây giờ hiện giờ có người thì có 30 giây, nhiếp tâm và an trú có được 30 giây thôi. Nhưng mà theo Thầy thấy, chọn lấy 1 phút ráng cố gắng tu 1 phút, người dở nhất chúng ta phải cố gắng vất vả trong 1 phút này để có căn bản, còn người mà 1 phút mà tu tập được thì chúng ta thấy dễ dàng không có khó khăn.

(17:07) Bây giờ Thầy dạy cách thức tu như thế này mấy con lưu ý về vấn đề tu. Bắt đầu bây giờ đó là nhìn cái đồng hồ, mấy con xem bây giờ là 2 giờ buổi chiều, bắt đầu vào tu cái Chánh Niệm Tĩnh Giác, chọn lấy 1 phút. Thì bắt đầu mấy con nhìn cây kim chỉ giây đó, thấy nó rung rinh nó nhúc nhích nó chạy mỗi giây mỗi giây nó một cái nhịp của nó đó, thì các con nhìn vào đó mấy con tu 1 phút. Thì từ số 12 cây kim nó chạy cho đến trở lại đúng số 12 đó là 1 phút mấy con, thì mấy con sẽ nhìn vào đó rồi mấy con sẽ tập 1 phút thôi, nhìn cái đông hồ mà tập 1 phút. Thì tại sao mà bắt buộc mấy con phải nhìn nó, trong khi đó mấy con sẽ thấy nó rất rõ ràng bởi vì mấy con chọn nó 1 phút. Và đồng thời bây giờ đó, nói thí dụ như mấy con nhìn nó rồi mấy con sẽ tu tập, thì bảo đảm cho mấy con rằng mấy con dùng cái hơi thở hoặc là dùng bước đi.

Như cái đầu này mấy con để cái đồng hồ từ dưới kia mấy con đi lên, mấy con bước đi từng bước đi mấy con đếm 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, thì các con thấy, các con vừa đi mà vừa nhìn cái đồng hồ để mình đếm từng bước đi của mình, chứ mình chưa có lắng nghe bước đi gì hết mà mình biết được thời gian của mình bước đi của mình bao nhiêu bước mà nó đúng 1 phút. Khi mà mình biết bước đi của mình như vậy rồi thì nói thí dụ như 10 bước đi là 1 phút thì các con sẽ đếm, bây giờ các con không cần nhìn đồng hồ nữa mà các con cảm nhận bước đi của mình mà con đếm đúng 10 bước đi là 1 phút. Rồi bắt đầu bây giờ mấy con tu 1 phút đó, rồi bắt đầu mấy con tu như thế nào nữa, các con sẽ từ cái chỗ này mà bước tới cái cửa kia là 1 phút, các con không đếm bước đi nữa mà các con chỉ tác ý “Tôi đi tôi biết tôi đi”, rồi mấy con từ đây bước tới đó mà các con cảm nhận bước đi mà không nhắc gì hết. Tới đầu đó mấy con đứng lại mấy con biết là 1 phút, dù nó có xê xích chút ít không sao đâu mấy con, phải không các con.

Bắt đầu các con đếm, đếm cho chắc chắn bước đi của mình bao nhiêu bước là 1 phút. Bởi vì mình tu kỹ, tu hẳn hòi đàng hoàng chứ không phải là tu chơi đâu, tu để tập Định Tỉnh tâm mà, tu để tập Chánh Niệm Tĩnh Giác cho được mà, nhiếp tâm cho được, an trú cho được mà, cho nên vì vậy mấy con tu 1 phút thôi đừng có tu nhiều. Rồi bắt đầu khi mà tu 1 phút như vậy rồi mấy con thấy chọn được 1 phút mà làm cái chuẩn rồi đó, thì lúc bây giờ mấy con sẽ tăng lên 2 phút. Nếu 1 phút mà mấy con tu như vậy không có niệm nào hết thì tức là mấy con nhiếp tâm và an trú được mấy con, cái căn bản và cái kết quả đầu tiên của mấy con để cho mấy con xét lại mình.

Thì Thầy thấy 1 phút ở đây mấy con thừa sức làm, cái người mà tu 1 phút mà không đạt được thì cái người đó chưa có tập tu lần nào, chứ ở đây mấy con sẽ làm được dễ dàng không có khó khăn gì hết. Rồi các con sẽ nghỉ 1 phút mấy con. Khi tu 1 phút không có niệm gì nhiếp tâm và an trú tâm rất kỹ rồi 1 phút, rồi ngồi nghỉ lại 1 phút. Nghỉ lại làm gì, nghỉ lại là làm như người bình thường đừng có tu tập gì hết, nghỉ lại, ngồi chơi nghỉ cho nó khỏe. Rồi bắt đầu tiếp tục đúng 1 phút đó rồi thì mấy con tu 1 phút nữa, cái đồng hồ luôn luôn lúc nào cũng kề.

Cho nên sau khi dạy thầy Chơn Thành thuật lại cho Thầy nghe coi. Thực sự ra con tu suốt đêm mà con thấy không mỏi mệt mà con thấy chất lượng con rõ ràng cụ thể, con có căn bản mà. Cho nên bây giờ lại được Thầy chỉ dạy kiểm rất là chắc, vì vậy mà từng niệm từng niệm mà nó khởi ra trong con thì con quán con xả, con không như trước mà con lướt qua, nghĩa là mình thấy nó an trú thôi nó có niệm xẹt mình lướt qua thôi nó không có gì. Nhưng bây giờ không, con cố gắng con xả tâm của mình nhiều hơn. Do đó con tu từng phút từng phút lên 5 phút, 10 phút và con thấy hoàn toàn trong cái thời gian đó thì con thấy con chiếm được trọn vẹn con làm chủ được thời gian nhiếp tâm và an trú.

(20:56) Thì đó là bên nam, còn Thanh Quang thì nói với Thầy: “Con rất là hạnh phúc, sau khi Thầy dạy vậy con mới thấy con nhiếp tâm và làm chủ được mình, nghĩa là con an trú được trong từng phút của con, con bây giờ hiện giờ con tu 1 phút, nhưng mà suốt thời gian con tu 30 phút cứ 1 phút tu, 1 phút nghỉ, phút tu, phút nghỉ con vẫn làm chủ được không có niệm gì xen vô con được. Nếu mà trong 1 buổi mà con tu được như vậy, thì buổi khác con tu được vậy, buổi khác con tu được vậy thì như vậy con có được quyền tăng lên hay không? ”

Thầy nói nếu mà con tu được như vậy đó thì ít ra con cái căn bản đầu tiên của con thì con phải tu 1 tuần lễ, 1 tuần lễ nhuần nhuyễn để mà thấy hoàn toàn sáng, trưa, chiều, tối, khuya, lúc nào con không tu thôi, mà tu 1 phút là con đã làm chủ được 1 phút của con, nhiếp tâm và an trú, không có một niệm nào xen vào đó được. Thì bắt đầu con hãy giữ gìn tiếp tục tu trong 1 phút và bây giờ ở đây các con cũng tiếp tục tu như vậy.

Thầy tiếc rằng chúng ta không có một cái điều kiện để các con tập từng người mà Thầy kiểm tra được, xem xét. Thầy nghĩ rằng trong trong 1 cái ngày nào đó, trong 1 tuần nào đó Thầy chịu khó Thầy kiểm tra từng người một thì bây giờ mấy con tu kỹ lưỡng. Chứ không khéo mà Thầy kiểm tra thì Thầy sẽ thấy được cái sai của mấy con. Cho nên bây giờ các con có nhớ được không, có biết không, nếu mà không biết thì Thầy sẽ cho một cái người nào mà nhiếp tâm được và an trú được sẽ thực hiện và đồng thời để Thầy hướng dẫn kỹ lưỡng để cho mấy con biết cách thức nhiếp tâm.

Bây giờ thí dụ như đây bước tới cửa đó là 1 phút, thì mấy con sẽ tu tập mấy con sẽ nghỉ 1 phút rồi mấy con tu tập. Cứ mình tu 1 phút mình nghỉ 1 phút, cứ tu 1 phút, nghỉ 1 phút, rồi chừng nào mà tăng lên Thầy sẽ cho tăng lên, chứ mấy con đừng vội tăng. Mấy con tự tăng thì không được, mấy con sẽ bị ức chế, khi 1 phút đầu tiên mình chế ngự nó, mấy con chế ngự cái căn bản của mấy con vào để nhiếp tâm và an trú. 1 phút nó không có làm cho mấy con vào tưởng được, mà 1 phút nó cũng không đưa đi đến rối loạn thần kinh mấy con được, nó làm căng mặt căng mày mấy con được, 1 phút không bao giờ có điều đó hết. Cho nên mấy con hãy tập lại rất kỹ lưỡng điều này thì mới có thể được.

Chớ còn không khéo thì mấy con sẽ tu dậm chân tại chỗ, rồi mình thấy 30 phút 1 giờ mình tu trôi qua rồi ngày nào cũng tu vậy rồ thỉnh thoảng có niệm, rồi có bữa không niệm, có bữa thì được hỷ lạc khinh an, có bữa thì không được, thì cứ như vậy mà ngày tháng trôi qua cuối cùng thì mấy con, mình chẳng đi tới đâu được. Còn bây giờ không, chúng ta đã có phương cách, chúng ta đi vào để chúng ta tập Định Tỉnh, thực sự Định Tỉnh, chúng ta hoàn toàn tập Định Tỉnh bằng cái phương pháp vừa xả tâm, vừa nhiếp tâm để chúng ta đạt được chất lượng Định Tỉnh rõ ràng.

Với cái thời gian mà mấy con đạt được thì không dài lắm đâu, 30 phút là xong. Mà khi 30 phút xong rồi thì mấy con chỉ còn tu 1 pháp duy nhất đó Tứ Niệm Xứ. Nghĩa là giữ tâm thanh thản của mình thôi chứ không tu các pháp khác, nhưng trong khi đó các con được dùng cái pháp để phá hôn trầm thùy miên đó là đi kinh hành, Thân Hành Niệm hoặc là Chánh Niệm Tĩnh Giác, chỉ còn giữ lại cái pháp để phá hôn trầm thôi. Chứ còn không có còn nhiếp tâm trong cái hơi thở hoặc là trong cái thân hành nào khác mà chỉ duy nhất là chúng ta còn có pháp Tứ Niệm Xứ để chúng ta bảo vệ và sống được trong cái chân lý thanh thản an lạc vô sự của chúng ta mà thôi.

(24:38) Khi nào mà tâm chúng ta được định tỉnh, nhu nhuyến, dễ sử dụng, sống trong trạng thái thanh thản an lạc vô sự, thì lúc bấy giờ chúng ta đạt được chân lý không có khó khăn gì. Bởi vì mình sống trong trạng thái thanh thản là mình đã đạt được chân lý chứ còn gì.

Do đó cái mục đích chúng ta thấy nó trước mắt chúng ta rõ ràng. Nhưng mà làm cho được, bảo vệ cho được sống cho được trong cái chân lý đó là đòi hỏi công phu chúng ta phải nhiều. Vừa tu tập Định Vô Lậu vừa tập Tỉnh thức để tâm định tĩnh, đó là 2 phương pháp mà chúng ta cần phải tu tập trong cái khóa tu này. Do đó mấy con phải cố gắng và cố gắng hơn.

3- THỰC HÀNH NHIẾP TÂM - XẢ NIỆM TRONG KHI ĐI KINH HÀNH VÀ NHIẾP TÂM BẰNG HƠI THỞ

(25:15) Như vậy thì hiện giờ hồi sáng nó có những cái điều mà mấy con muốn hỏi Thầy mà chưa được hỏi vì Thầy bận đi. Còn bây giờ là buổi chiều, thì trong khi đó thì buổi chiều hôm nay lẽ ra thì cuối cùng Thầy sẽ sắp xếp cái lớp người già, người lớn tuổi của mấy con sẽ vào một cái lớp riêng. Và đồng thời trong cái giờ này thì người nào mà nhiếp tâm được trong 1 phút, mà không nhiếp tâm được 1 phút, an trú được, nhiếp tâm được, thì mấy con, người nào có thể.

Trưởng lão: Con đi kinh hành ra để mà cho các bạn đều thấy được cái sự tu tập của con. Con cũng tác ý rồi con đi từ đây xuống đó, con tu 1 phút. Một phút con là bao nhiêu bước đi con?

Tu sinh: Dạ 1 phút của con là 40 bước đi.

Trưởng lão: 40 bước đi, rồi, con cứ đi.

Tu sinh: Con đi từ đây xuống đó 20 bước thì mới được có 30 giây, rồi con đi trở lại thêm 20 bước nữa thì đúng 1 phút.

Trưởng lão: Đúng rồi. Rồi con khỏi, con cứ đếm đủ 40 bước thì nó là 1 phút. Rồi con cứ tu rồi xem coi 1 phút của con đi…​

Tu sinh: Xong để con chờ cho kim dài đến số 12 rồi con bắt đầu…​

Trưởng lão: Được con. À con cứ đi như vậy đi, không có gì. Rồi như vậy mấy con thấy đi như vậy đâu có gì khó. 1 phút nó không có gì khó phải không con? Con đi lại một lần nữa đi con. Rồi con đi vậy con nhiếp được không, con thấy an trú không con? Cảm nhận được bước đi con rõ ràng?

Tu sinh: Dạ được, con không cần đếm bước chân, con cảm nhận được bước chân đi. Vừa rồi con có nhìn vào đâu đó mà cứ ngơ đi, chỉ biết bước chân đi hoặc là xung quanh nó có đối tượng gì con vẫn cứ nhiếp, vẫn cứ biết bước chân đi.

Trưởng lão: Được rồi, vậy là các con thấy mình nhiếp tâm một phút như vậy đâu có khó khăn gì đâu mấy con, không có khó đâu, nên phải cố gắng lên.

Có không, nếu mà đếm bước cũng được con. Bởi vì đây là mình tu tập rất căn bản con. Con lên con đi thử coi, con đếm bước thử coi được không? Con cứ tu tập như thế nào con lên tập đi con. Con cứ tác ý rồi con nhiếp tâm con đếm bước đi con. Bởi vì cái nhiếp tâm mà đếm bước thì nó tập trung dễ dàng để chế ngự tâm mình lắm. À như vậy mấy con thấy rồi các con sẽ nghỉ 1 phút mấy con, tu như vậy rồi mấy con sẽ nghỉ 1 phút.

(27:45) Tu sinh: Thầy cho con hỏi, giả sử mình đi trong 30 giây là có vọng niệm thì nên đi tiếp hay là dừng lại Thầy?

Trưởng lão: À coi như là khi, trong khi con đi 1 phút mà mới có 30 giây mà có niệm thì con cũng vẫn đi chứ con không có ấy, nhưng mà con đưa cái niệm đó thành cái Định Vô Lậu mà con quán xét cái niệm đó vừa đi vừa quán xét con. Hoặc khi có niệm rồi thì con ngồi xuống, con biến thành một cái đề tài để quán vô lậu. Nghĩa là con dùng để xả tâm, thí dụ như bây giờ trong 1 phút mà trong 1 phút đó có 1 cái niệm khởi vô, phải không, thì con ngồi xuống liền. Bây giờ bất kỳ ở chỗ nào đó con ngồi xuống con đặt cái niệm trước mặt rồi con dùng Định Vô Lậu con quán xét về nhân quả để xả cái niệm đó cho thật sạch.

Tức là xả là khi như đức Phật đã nói khi mình hiểu cái niệm đó rõ ràng thì đó là xả, chứ không phải mình xả bằng cái pháp tác ý đâu. Mình xả bằng pháp tác ý là mình nói đây là Ái Kiết Sử đi đi, thì đó là mình xả bằng pháp tác ý, còn cái này mình xả bằng sự hiểu biết tức là Định Vô Lậu, mình hiểu biết đó là nhân quả gì, mình hiểu rất rõ thì tự nó nó không chấp nhận cho mình cái niệm đó thì cái niệm đó nó sẽ đi, đó là xả bằng cái tri kiến của chúng ta. Cho nên mình đưa cái đề tài đó ra, mình đưa cái niệm đó ra thành cái đề tài mình quán, mình quán xong rồi thì mình đứng dậy mình đi, vì nó có từng niệm thì mình triển khai cái tri kiến mình nhiều hơn.

Cho nên ở đây đi như vậy chứ mà Thầy mong mấy con có nhiều niệm chứ đừng có nhiếp tâm được. Mà nhiều niệm được thì mấy con mấy con mới dễ xả tâm và từ đó cái tâm mấy con mới là thanh tịnh. Còn bây giờ mấy con nhiếp mấy con thấy nó an trú, coi chừng nó ức chế đó mấy con, nó không hay đâu. Cho nên nó có niệm càng tốt chứ không sao đâu. Mà chính những cái niệm đó mới chính mấy con thực hiện được cái Định Vô Lậu mà mấy con đã học để áp dụng xả nó đó.

(29:27) Cho nên ở đây Thầy không quan trọng cái vấn đề đó. Khi nào mà mấy con xả hết, thì mấy con được 1 phút mà xả hết không còn niệm xen vô 1 phút mà do xả thì mấy con tăng lên 2 phút dễ dàng, 3 phút dễ dàng, 4 phút dễ dàng, nó căn bản mà, nó đi vào rất là dễ, bởi vì do mình xả. Và đồng thời cái pháp mà Định Vô Lậu nó làm cho hết lậu hoặc bởi vì mình hiểu, mình quá hiểu như thật, mình minh rồi, cho nên cái vô minh nó không còn nữa, do đó tất cả ác pháp nó tác động con không được nữa thì nó không còn cái niệm, nó không còn cái tham trong lòng của con được nữa, cho nên nó không thành cái niệm ra được đâu.

Cho nên mấy con từ 1 phút căn bản mà mấy con phá được, mấy con xả được nó rồi thì 2 phút, phút thứ 2, thứ 3, thứ 4 nó rất dễ dàng, thậm chí như 30 phút mấy con rất dễ. Tự nó nó thanh tịnh chứ không phải chúng ta còn tu nữa đâu, nó không có còn cực khổ nữa đâu.

Cho nên ăn thua là cái khó của chúng ta là Định Vô Lậu, chúng ta tư duy suy nghĩ sao cho đúng, hiểu như thật, hiểu các pháp như thật. Hiểu như thật thì chúng ta không bị các pháp làm chúng ta mê hoặc chúng ta hay làm chúng ta say đắm, chúng ta có minh rồi mấy con. Cho nên minh nó mới diệt vô minh, mà nhân quả thì nó đi trong cái quỹ đạo vô minh chứ không phải minh. Cho nên chúng ta còn tham ăn tham ngủ là chúng ta vô minh, mà chúng ta hết tham ăn tham ngủ là chúng ta minh.

Mà minh thì nó đòi hỏi ở cái sự suy tư, cái tri kiến của mấy con hiểu biết, chứ không phải minh là mấy con từ Định mà sanh ra Tuệ thì cái chuyện đó không phải có đâu. Tuệ mà từ Định mà sanh Tuệ nó là tuệ Tam Minh chứ không phải là tri kiến của chúng ta nữa. Còn ở đây chúng ta dùng tri kiến để biến cuộc sống của chúng ta trở thành cuộc sống giải thoát, còn Tuệ Tam Minh thì chúng ta phải nhập tới Tứ Thiền, con người ngồi bất động chúng ta mới thực hiện tới Tam Minh đó chứ còn con người sống bình thường thế này mà nói Tam Minh thì không bao giờ có được. Đó thì hôm nay qua những cái tập luyện như vậy mấy con sẽ tập luyện trở lại.

(31:23) Tu sinh: Kính bạch Sư Ông trong cái an trú Chánh Niệm Tĩnh Giác có nương vào hơi thở thì sẽ đếm hơi thở hay sao ạ?

Trưởng lão: Nếu mà trong cái Định Chánh Niệm Tĩnh Giác thì có về hơi thở con. Bởi vì hồi sáng Thầy có đưa con cái bài có người hỏi để mà nhiếp tâm cho nó hết vọng tưởng đó, thì trong khi đó nó có những cái phương pháp nhưng mà hơi thở cũng là một phương pháp nhiếp tâm an trú tâm trong hơi thở, nhưng vẫn sử dụng Định Vô Lậu chứ không khéo chúng ta dùng hơi thở thì bị ức chế.

Tu sinh: Vậy là lúc mình ngồi 1 phút thì mình đếm mình bao nhiêu hơi thở…​

Trưởng lão: Bao nhiêu hơi thở như bước đi vậy con

Tu sinh: Còn nương vào cái tâm thanh thản, an lạc, vô sự thì sẽ phải canh như thế nào?

Trưởng lão: À nương vào cái tâm thanh thản, an lạc, vô sự thì hiện giờ mấy con chưa phải tu nó nhưng mà mấy con dùng nó để mà thư giãn nghỉ ngơi thôi, chứ chưa tu đâu. Khi nào mà Chánh Niệm Tỉnh Thức mà mấy con đạt được Định Tĩnh được 30 phút và cái Định Vô Lậu các con đã xong xuôi rồi, 2 cái phần này đã đạt được chất lượng rồi, nghĩa là 30 phút của Định Tỉnh của tâm Định Tỉnh, tức là nhiếp tâm và an trú 30 phút. Và đồng thời Định Vô Lậu thì các con phải quán xét thông suốt hết các pháp vô lậu, nghĩa là thông suốt hết cái định này rồi, thì lúc bây giờ mới áp dụng vào cái thanh thản an lạc vô sự tức là Tứ Niệm Xứ. Tu Tứ Niệm Xứ là cái phần sau cùng để mà chúng ta đạt được cái chân lý của nó, cho nên cái phần mà Tứ Niệm Xứ thì sau cùng. Nhưng bây giờ chúng ta tu Tứ Niệm Xứ là để thư giãn mà thôi, thư giãn nghỉ ngơi.

(32:53) Giờ chúng ta tu hơi thở hoặc là bước đi kinh hành hoặc là ngồi tư duy suy nghĩ triển khai tri kiến của chúng ta, thấy mệt mỏi chúng ta ngồi lại thư giãn nhắc tâm thanh thản an lạc vô sự. Còn chúng ta đang thư giãn nghỉ ngơi chứ chúng ta không có dám dùng cái gì mà để chúng ta phải dụng công để mà đối phó với ác pháp được. Cho nên ở đây chúng ta chỉ là dưỡng sức của chúng ta trong khi mà chúng ta tiếp tục tu cái Định Vô Lậu và tiếp tục tu cái định Chánh Niệm Tĩnh Giác. Cho nên vì vậy lúc này thì tu Tứ Niệm Xứ là chưa phải Tứ Niệm Xứ đâu mà Định Sáng Suốt.

Tu sinh: Vậy lúc mà con ngồi con thở, con đếm được 1 phút con bao nhiêu hơi rồi nghỉ 1 phút thì lúc nghỉ con làm cái gì, con đếm nữa?

Trưởng lão: À con sẽ, hoàn toàn con không nương vào hơi thở, con chỉ ngồi nghỉ xả coi như là thư giãn mà thôi. Hoặc con nhắc tất cả các cơ tinh thần đều thư giãn xuống nghỉ ngơi, rồi một chút nữa bắt đầu tu lại 1 phút, à con nhắc nghỉ. Để cho cái tâm con nó quen đi khi mà con xả ra thì nó ngồi nó chơi. Nó có niệm cũng được mà không niệm cũng được, con không cần phải dẹp nó đâu. Con không cần bảo nó cái gì tác ý cái gì trong khi mà con ngồi nghỉ thì không cần, không cần gì hết. Bởi vì cái thời gian mà nghỉ nó không lâu đâu nó 1 phút nó rất nhanh con, rồi trở lại con sẽ tu 1 phút.

4- NHẪN NHỤC VÀ NHẪN NHỊN - ĐƯỜNG ĐI CỦA NHÂN QUẢ QUA THÂN HÀNH, KHẨU HÀNH VÀ Ý HÀNH

(34:10) Tu sinh: Sư Ông con muốn hỏi câu hỏi hồi sáng con hỏi chưa được có được không ạ? Sư Ông ơi nhẫn nhục khác với nhẫn nhịn không ạ?

Trưởng lão: Nhẫn nhịn nó cũng gần như là nhẫn nhục, nhẫn nại, nó không khác lắm đâu. Nhưng mà nó khác, nhẫn nhục có nghĩa là người ta mạt sát mạ nhục mình quá sức, cho nên chữ nhẫn nhục là mình chịu nhục mà làm thinh không nói ra gọi là nhẫn nhục. Còn nhẫn nại chịu đựng những cái khó khăn, ví dụ như nhẫn nại bây giờ Thầy làm cái gì đó mà Thầy cố gắng Thầy làm mà Thầy không có bỏ cuộc gọi là nhẫn nại chịu đựng những khó khăn đó.

Còn con hỏi nhẫn gì, nhẫn nhịn là mình nhịn người ta nhưng mà mình không có thấy nhục, còn kia nhẫn nhục người ta mạ nhục mình quá xá. Còn cái này người ta nói người ta chửi mình hay gì đó không có mạt sát mình, người ta không có mạ nhục mình thì đó mình nhẫn nhịn. Mình nhịn người ta tức là nhẫn nhịn, nhẫn mà nhịn người ta, chịu thua người ta. Còn cái này nhẫn nhục, nhẫn mà chịu nhục, nghĩa là bây giờ người ta nói oan nói ức nói tức nói tối gì, mình không có làm điều đó mà người ta nói oan nói ức mình. Cho nên mình nhẫn nhục mình chịu cái nhục đó, khi người ta nói thì người khác cũng nghe, nói trời cái chị đó như vậy hoặc anh đó như vậy trời đất ơi tệ bạc như vậy. Mình nghe người ta nói như vậy như kim châm trong tim của mình, đau xót lắm nhưng mà biết mình không có, nhưng mà mình chịu nhục cái vấn đề đó gọi là nhẫn nhục.

(35:45) Tu sinh: Dạ, câu hỏi thứ hai là Sư Ông có thể giúp con. Tại vì con muốn biết là nhân quả nó từng phần hay toàn phần, giống như là chẳng hạn như là Sư Ông mở cái lớp Bát Chánh Đạo, cái hành động Sư Ông là cái hành động thiện, thì sẽ có những đứa bé sanh ra để mà nó lớn lên nó được gặp Bát Chánh Đạo, hay là ngay tại lúc này những cái người mà đang sống vậy đó, họ tự động họ dừng những cái ác họ lại để mà họ quay lại họ học. Con muốn hỏi tại vì khi làm thân hành, khẩu hành và ý hành, thí dụ như giờ cái khẩu hành thiện ác, thì khi bản thân mình sửa những cái thiện ác đó, thì phải có những người đang sống họ chuyển đổi theo luôn, hay là đợi có một từ trường tương ưng sẽ có một đứa bé nó lớn lên, tự nhiên nó thiện cái miệng theo như mình đang thiện hay là nó thiện cái thân theo như mình đang thiện, con chưa hiểu nó sẽ tác động từng phần hay là toàn phần trong cái nhân quả.

Trưởng lão: Trong cái nhân quả con ngồi xuống đi. Trong cái nhân quả nó có nhiều cái sự tác động, thí dụ như bây giờ Thầy hành một cái hành thiện trong một cái pháp nhẫn nại hay nhẫn nhục của Thầy đi, thì khi mà người ta mạt sát người ta mắng chửi Thầy người ta mạ nhục Thầy những cái điều quá đau khổ, nhưng mà thầy biết được nhân quả cho nên Thầy vui vẻ, Thầy Định Tỉnh được tâm của mình Thầy không để cho nó bị đau khổ trên cái ác pháp đó. Cái từ trường của Thầy nó vẫn tiếp tục phóng xuất ra, cái từ trường mà nhẫn nại của Thầy đó, nhẫn nhục của Thầy, nó sẽ phóng xuất ra nó sẽ có những đứa bé nó tương ưng với những người cũng có nhẫn nhục nhẫn nại như vậy nó sẽ làm con của những người đó. Mà nếu nó không có người nào hết thì những cái hạt đó, cái nhân đó, cái từ trường đó nó sẽ bị lép đi. Bởi vì, nó không có chỗ tương ưng cho nên nó bị lép đi nó không thành con người được.

Cho nên Thầy vẫn phóng xuất ra những cái từ trường thiện, nhưng mà từ trường thiện đó nó phải có người tương ưng với cái từ trường thiện đó. Thầy ở đây nhẫn nhục nhẫn nại thì ở kia nó phải có người nhẫn nhục, nhẫn nại thì những từ trường đó nó sẽ tương ưng nó sẽ tái sanh thành những đứa bé và những đứa bé đó có có được những cái tâm tánh nhẫn nhục, nhẫn nại, nó có những tâm tánh biết nhẫn nhục, nhưng mà tự nó nó có.

Cũng như bây giờ tại sao mà con lại nhẫn nại được mà có người khác lại không nhẫn nại được, con nhẫn nhục được mà tại sao người khác không nhẫn nhục được. Con cũng cha mẹ sinh ra nhưng mà con nhớ là cha mẹ mình có những cái đức nhẫn nhục, nhẫn nại, con hiểu không. Thì do đó mình sinh ra mình có mang dòng máu của người không giống cha thì cũng giống mẹ, cho nên những cái đặc tính đó nó sẽ có cái sự nhẫn nại, nhẫn nhục đó. Cho nên vì vậy nó phải có sự tương ưng, mà có sự tương ưng thì do một cái người nào đó họ đang nhẫn nhục nhẫn nại thì nó mới phóng xuất ra từ trường đó mà sanh ra những đứa con hiền lành đó.

(39:13) Tu sinh: Vậy mình phải đợi có đứa bé đó ra à Sư?

Trưởng lão: Không phải, rồi còn cái phần nữa, nó sẽ chuyển biến. Bây giờ thầy nhẫn nhục thì cái nhân quả nó chuyển biến trong những con người xung quanh. Nghĩa là người ta đã thấy đã nghe bởi vì nó thuộc về thân giáo rồi, người ta tự, cái con người mà sống gần bên Thầy họ có nhiều thay đổi, họ thay đổi. Họ thấy Thầy nhẫn nhục hay nhẫn nại kiểu đó, họ thấy Thầy thành công được mà đời sống Thầy rất an vui họ sẽ bắt chước. Tức là họ thay đổi là họ bắt chước. Cũng như bây giờ Thầy dạy mấy con, con thấy nó có kết quả mấy con mới thích thú, mấy con mới tiếp tục mấy con tập những tính nhẫn nại hoặc nhẫn nhục.

Do đó những cái đức hạnh đó nó sẽ thực hiện và đồng thời mấy con sống như vậy thì cái từ trường nó phóng ra thì trong khi con thực hiện con sống được vậy lại có những người nhẫn nại nhẫn nhục đó nó tương ưng với con, thì con lại sanh ra những đứa con nó cũng tương ưng như vậy. Cho nên nếu mà tất cả xã hội chúng ta đều tu thiện hết, thì toàn bộ chúng ta sẽ sanh ra những đứa con tốt, đứa con có đạo đức. Còn bây giờ chúng ta ác, chúng ta hung dữ, chúng ta đủ cách thì chúng ta sẽ sanh ra những đứa con đều hung dữ nhau hết bởi đó là cái từ trường.

5- CON ĐƯỜNG HÓA SANH.

(40:18) Tu sinh: Dạ con thắc mắc thí dụ như ai cũng tu hết thì không có phạm cái giới dâm dục thì làm sao có những đứa con để mà thực hiện được cái vấn đề đó.

Trưởng lão: Con nên nhớ rằng nó không phải chỉ có sanh vào con đường dâm dục mới là sanh con mà còn có con đường hóa sanh. À con thấy bây giờ đứng trong góc độ toàn bộ mọi người đều đi tu hết, thì làm sao có con người nữa có phải không? Bởi vì mình tuyệt cái dâm dục rồi thì làm sao có con nữa. Sự thật ra nó không phải đâu. Nó do duyên hợp, đầu tiên con người sinh ra chúng ta đâu phải khi không mà con người mà sanh ra, đầu tiên nó phải đi qua một cái góc độ duyên hợp đâu phải bằng con người. Cho nên người ta không ngờ tưởng tượng cái môi trường cái nơi đó nó có đủ sức, nhiệt độ, đủ sức và nó hợp được cái duyên để mà từ đó con người hóa sanh, hợp duyên nó hóa sanh. Cho nên đạo Phật có nói 4 cái loài sinh các con có nghe không, phải không? thai sanh rồi thấp sanh, noãn sanh, thai sanh, hóa sanh mấy con, nó hợp duyên nó mới sanh ra.

Cho nên chúng ta thấy như một cái đống rác ẩm thì một thời gian chúng ta lại mốc lên chúng ta thấy có những con vật li ti, đâu phải từ trong đống rác đó đã có những con vật đó sẵn đâu, phải không? Cho nên từ cái chỗ mà nó đi vào cái chỗ đó rồi thì nó vì vô minh cho nên nó chạy theo cái quy luật của nhân quả, do đó nó đi đến cái chỗ mà thai sanh, noãn sanh. Ban đầu đó thì nó hóa sanh thì trong đó 1 hoặc 2 người nào đó thôi, sau đó nó đi đến cái chỗ mà để mà sinh trưởng một cách dễ dàng hơn. Còn tìm một cái nơi đó bây giờ cái môi trường chúng ta nếu mà gọi là khí hậu và cái độ để sinh ra con người thì cái khuôn viên cái địa thế của chúng ta, cái nơi của chúng ta không thể sinh được, mà cái chỗ mà sanh đó nó có môi trường rất tốt, một cái hang nào đó, một cái vị trí nào đó nó có độ như vậy, tất cả những cái môi trường để tạo hợp con người, cái duyên hợp đó, nó đủ ở trên cái nhiệt độ đó thì nó sẽ hóa sanh ra.

Như Thầy nói trong đống rác nó ẩm ướt độ đó nó mới sanh ra những con vật nhỏ nhỏ đó. Cũng như bây giờ độ ẩm ướt nó mới sanh được cây rong cây rêu mấy con, còn nếu không có thì nó đâu, đó là cái môi trường đó. Cũng như bây giờ cái đám cát chúng ta để mà mọc cây rong thì nó rất khó, mà mảnh xi măng mà để có độ ẩm nó vẫn mọc cây rong cây rêu đó. Các con thấy không, cái môi trường sống nó duyên hợp. Cho nên ở đây nó còn thuộc về loại hóa sanh.

Cho nên hóa sanh thì nó sẽ phải tìm cái vị trí cho đúng cái độ nhiệt độ của nó cho đúng. Còn bây giờ mà thai sanh thì nó dễ, bởi vì nhiệt độ trong con người chúng ta nó sẽ, cái bào thai nó sẽ là cái nơi có thể dễ dàng để thai sanh. Cho nên vì vậy mà con người chạy theo, bởi vì cái quy luật của nhân quả mà chạy theo cái dục nó lại sanh ra trùng trùng duyên khởi, nó hợp duyên. Còn nếu mà cái nơi nào đó tất cả trên hành tình tìm được cái nơi mà để sinh con người đầu tiên, nó rất khó cái vị trí đó, cái độ ẩm đó để sinh ra con người, cái nhiệt độ đó thì rất khó.

Cho nên nó có bốn cái loại sanh mấy con. Hóa sanh không có nghĩa là đức Phật nói biến hóa tàng hình, mình hiểu như vậy là coi như mình làm trò ảo thuật, nó không đúng cái nghĩa của đạo Phật đâu. Cho nên nhiều khi mà chúng ta không hiểu chúng ta ngỡ tưởng hóa sanh có lẽ là chư Thiên, chư Phật biến hóa, không phải biến hóa như vậy đâu.

(43:40) Cho nên Thầy nói tại sao mà cái tâm lực con người nó rất mạnh như thế này mà họ dùng cái ý thức lực của họ, cái Dục Như Ý Túc họ hợp các gen lại, họ làm thành một con người họ hóa ra được con người thì các con biết cái đó là vấn đề hóa sanh rồi, chứ không phải là chúng ta.

Cũng như bây giờ chúng ta nghe ông Châu Lợi Bàn Đặc mà ông ngồi ông biến ra hàng ngàn người ngồi dưới góc cây đó là biến chơi chứ không phải là hóa sanh đâu. Kêu là dụng cái nội lực thần thông chúng ta biến chơi, cái hình ảnh đó là cái bóng. Cho nên Thầy nhắc lại có một vị, hai thầy trò của vị đó tu chứng quả A La Hán, thì cái ông học trò đó, ông thầy đó ông nói mày chứng quả A La Hán mày biến con voi cho tao coi có được không, nói con làm thì được nhưng mà sợ thầy sợ thôi. Thì lúc bấy giờ cái ông học trò ông biến ra con voi, thì ông thầy ông thấy con voi mà nó đi trong cái nhà mà nó vơ cái vòi như vậy thì cái nhà này sập mất, ông sợ quá thôi mày thu nó lại đi thì ông học trò ông nói không có sập nhà thầy đâu, thật sự con voi đó là cái hình bóng, cái bóng cũng như bàn tay chúng ta có cái bóng vậy. Mà chúng ta cứ giơ bàn tay chúng ta chặt cây cột này, mà ông thầy lầm tưởng cái bàn tay nó chặt cây cột thì sập cái nhà, sự thật ra không phải cái bóng mấy con, tại vì nó biến ra cái bóng, biến chơi vậy chớ, trò ảo thuật thôi.

Cho nên cái thần thông mà gọi là biến hóa, nó là cái trò ảo thuật, nó không thật. Còn cái này là duyên hợp nó hóa sanh thật sự, nó tạo thành thật sự cho nên đức Phật nói hóa sanh. Cho nên cái hóa sanh mà người ta không hiểu người ta tưởng là biến hóa, hóa sanh tức là duyên hợp mà thành chứ không phải biến hóa. Vì chữ hóa họ chỉ nghĩ rằng nó phải biến hóa mà thôi. Tại vì cái sức hiểu biết của chúng ta không hiểu nổi cái chữ mà chỗ hóa sanh.

(45:21) Nếu mà đức Phật nói hóa sanh thì đức Phật có nói như thế này, hóa sanh thì chúng ta cũng vẫn thấy như cây cỏ đó hôm nay chưa có mà sao bữa nay lại có loại cỏ đó, trên mặt đất này không có, đó là hóa sanh chứ sao. Tức là cái duyên hợp nó đủ, tự nơi đất đó nó sẽ lên một cái cây cỏ khác, cái cây khác. Cho nên một thời gian dài chúng ta không thấy cái loại đó mà sao bây giờ lại có, ai đem gieo nó đâu. Đó thì chúng ta thấy đó là thuộc về hóa sanh, bởi vì cái duyên hợp.

Chẳng hạn bây giờ mấy con thấy người ta phun thuốc rầy, người ta tạo kế cái không khí nó ô nhiễm như thế nào đó, nó lại sanh ra một cái loại sâu khác nó không giống loài sâu cũ, hoặc là cái loài cỏ khác mấy con, để nó chống lại cái thuốc mà diệt cỏ đó, nó lại lên một cái loại cỏ khác để nó chống lại cái thuốc diệt cỏ. Cho nên phun thuốc diệt cỏ nó không chết mấy con, đó là nó phải tự nó, nó phải cái môi trường đó nó phải lên một cái cây đó để cho cái môi trường đó có cái loại sống chứ không lẽ nó chết hết thì cái sự đó là hóa sanh.

Tu sinh: Vậy nhân quả là từng phần hay toàn phần?

Trưởng lão: Nó toàn phần con, chứ không phải từng phần, nó có liên hệ phần này đến phần kia, toàn phần chứ không phải từng phần con.

6- PHÁP NHIẾP TÂM CHO NGƯỜI GIÀ BẰNG GIỮ TÂM THANH THẢN, AN LẠC, VÔ SỰ.

(46:31) Đó thì hôm nay thì mấy con đã tập, vậy thì mấy con sẽ tập. Bây giờ có một người lớn tuổi mấy con tập được không, như hồi nãy cô Liễu Châu đã tập rồi, cô tập đơn giản đâu có gì. Còn cô Huệ Ân thì bây giờ con lớn tuổi rồi cái sức của con mòn mỏi rồi, con sẽ tập Tứ Niệm Xứ thôi, giữ tâm thanh thản an lạc vô sự, con đừng nương hơi thở con. Khi đau bệnh gì con cũng nương vào thanh thản an lạc vô sự mà tác ý đuổi bệnh mà thôi. Tâm thanh thản an lạc vô sự rồi con giữ cái tâm con an lạc được phút nào hay phút nấy chứ không nên cố gắng lắm. Và đồng thời cái chỗ nào đau nơi thân con thì con tác ý “Thọ là vô thường”, cái ngực đau hay hoặc là cái đầu đau con tác ý ngay chỗ đau đó thì con bảo nó, thì nó lần lượt nó sẽ đi, nó không còn có nữa.

Đó thì mấy con lớn tuổi nếu mà đau thì mấy con nhiếp tâm chưa có trọn vẹn được trong hơi thở nhiếp tâm thì mấy con bị rối loạn hơi thở. Còn nếu mà mấy con nhiếp trong tâm thanh thản thì mấy con không bị rối loạn, còn nhiếp trong bước đi mà mấy con đi thì bị mỏi chân. Cho nên mấy con chỉ có ngồi đưa tay ra đưa tay vô mà thôi và đồng thời hít thở. Mà hít thở thì bị rối loạn hô hấp cho nên mấy con đừng hít thở mà mấy con chỉ giữ tâm thanh thản an lạc vô sự mà thôi. Do giữ như vậy cũng là bảo vệ giữ gìn cái chân lý của mấy con nữa. Cho nên mấy con giữ được bao nhiêu hay bây nhiêu đừng cố gắng lắm, mà cố gắng tác ý cái gì đau nhức trong thân chướng ngại trong thân, chướng ngại của tâm mấy con thì mấy con dùng pháp tác ý mà tác ý thôi.

Có lúc mấy con thấy buồn ngủ thì mấy con đi 1, 2 vòng thôi đừng ráng quá mà cái sức khỏe của các con bị hao mòn. Do đó mấy con ngồi nghỉ mà thấy nó hơi buồn ngủ thì mấy con đứng dậy hoặc làm một cái động tác tay chân. Mấy con ngồi, mấy con đừng có đi nhiều phí sức, mấy con ngồi đưa tay ra vô như thế này để hết giờ thì mấy con ngủ. Còn nếu sức khỏe mấy con kém, mấy con cứ ngủ đi, không có sao, Thầy cho phép mấy con mà. Khi mấy con thấy sức khỏe của mấy con quá kém, nó buồn ngủ thì mấy con ngủ. Khi mà mấy con không ngủ mà nó thức thì mấy con cố gắng mấy con siêng năng đừng lười biếng đừng nằm đó, mấy con dậy mấy con tu ngồi tu Tứ Niệm Xứ mấy con, giữ tâm thanh thản an lạc vô sự. Có sự việc gì thì mấy con tư duy quán xét rồi mấy con xả những cái tâm niệm lo lắng, thương nhớ con cháu của mình, mấy con xả cái niệm đó đi, thì mấy con sẽ đem lại sự bình an cho mấy con.

(48:50) Và mấy con cũng cố gắng nhớ dù lớn tuổi đi nữa thì mấy con cũng cố gắng xem coi mình giữ tâm thanh thản an lạc vô sự của mình được mấy phút, báo cho Thầy để rồi từng đó mà Thầy nâng cái giờ của mấy con lên để cho nó có cái chất lượng, bảo đảm cho sự tu tập của mấy con có căn bản. Chứ còn nếu không mấy con tu dậm chân nữa, tu dài nhiều nhiều, tu từ 30 phút hoặc 1 giờ, 2 giờ nhưng mà rốt cuộc rồi thì ở trong đó nó không có chất lượng, không có chất lượng thanh thản an lạc vô sự của con, thì coi như là con bị dậm chân mất ở trạng thái này. Do đó bây giờ mình tu 5 phút, thì 5 phút phải thanh thản, an lạc, vô sự. Trong lúc đó thì luôn luôn lúc nào cũng có cái phần tác ý để giữ gìn nó chứ không có được mà cố gắng mà tập trung ức chế. Mình cố gắng giữ gìn. Mình tác ý tâm thanh thản an lạc vô sự rồi ngồi tự nhiên, rồi một lúc mình lại tác ý tâm thanh thản an lạc vô sự chứ không trụ trong hơi thở, không trụ ở đâu hết. Thì như vậy mấy con mới giữ được trọn vẹn trong cái thanh thản an lạc vô sự của mấy con. Mấy con lớn tuổi nhớ những điều đó.

Mấy con đừng có tu cái khác, mà mấy con cái khác thấy mọi người người ta trẻ mình còn hơi chút sức khỏe mình cũng ráng mình tu như tuổi trẻ thì không được đâu. Mấy con sẽ bị mòn mỏi sức khỏe của mấy con nhiều. Vả lại mấy con thức đêm nhiều thì cũng không tốt, bởi vì tuổi già của mấy con cần phải được yên nghỉ, cần phải được nghỉ ngơi để cho nó phục hồi lại cái sức khỏe. Nếu mấy con không phục hồi được sức khỏe thì mấy con sẽ tu không được và nó làm cho cơ thể mấy con bị mệt nhọc, và mệt nhọc thì không thể tu được, đó thì mấy con nhớ kỹ trong vấn đề đó.

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy