00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

LCK 028D (CHUNG) - HỌC TẬP ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN NHÂN QUẢ - ĐỪNG THEO KIẾN GIẢI ĐẠI THỪA - VẤN ĐẠO LÀM CHỦ NHÂN QUẢ

LCK 028D (CHUNG) - HỌC TẬP ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN-NHÂN QUẢ - ĐỪNG THEO KIẾN GIẢI ĐẠI THỪA - VẤN ĐẠO LÀM CHỦ NHÂN QUẢ

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu sinh (chung)

Thời gian: 02/12/2005

Thời lượng: [46:05]

1- NHỮNG ĐIỀU PHI ĐẠO ĐỨC TRONG KINH PHÁP HOA, DUYÊN GIÁC, KIM CANG

(00:00) Trưởng lão: Bây giờ ở đây, có 1 số Phật tử theo chúng ta, được nghe Thầy giảng ngày hôm nay. Thầy muốn nói về vấn đề Đại thừa và Tiểu thừa để các con hiểu.

Các con đã từng đọc kinh sách của Đại thừa, 1 loại kinh tưởng, các con biết tại sao tưởng không?

Thường thường, Phật tử theo Đại thừa thì thường tụng kinh Pháp Hoa, thì trong kinh Pháp Hoa có phẩm Phổ môn dạy chúng ta rất rõ ràng: "Nếu mà ai gặp tai nạn gì đó thì niệm đức Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn". Cho nên từ xưa tới giờ ai có gặp khổ đau, gặp tai nạn, gặp tù tội thì đều niệm đức Quan Âm. Đó là 1 điều sai, sai đạo đức, phi đạo đức - buộc cho 1 vị Bồ Tát làm 1 cái điều sai!

Thí dụ như Thầy bây giờ ăn cắp, ăn trộm; rồi Thầy bị bắt bỏ tù hoặc bị đánh đập Thầy, Thầy cầu Quan Âm để cứu khổ Thầy thoát ra tù; thì mấy con thấy cái xã hội này mà nếu mà có 1 vị Bồ Tát làm điều này thì cái xã hội ra sao?

Các con đừng tưởng nghĩ - đó là điều phi đạo đức! Cho nên kinh Pháp Hoa nói như thế nào, trong bài kệ của kinh Pháp Hoa: “Dù cho tạo tội hơn núi cả, Diệu Pháp Liên Hoa tụng mấy hàng.”

Nghĩa là mình tạo tội như thế nào - như núi, như non; nghĩa là giết người cũng không sợ, giết gà, giết vịt, giết heo, giết dê…​giết hàng loạt nhưng mà chỉ cần tụng kinh Pháp Hoa vài hàng là tội đó tiêu hết! Kinh nói vậy đúng không mấy con? Như vậy làm sao đúng được, có phải không? Như vậy kinh sách Đại thừa có đúng không?

(01:54) Đây, bây giờ Thầy nói về kinh Duyên Giác - kinh Duyên Giác là chỉ cho cái Phật tánh của chúng ta. Mà bây giờ trong kinh Duyên Giác có 25 pháp tu, dạy mình như thế nào: dạy phải viết từng pháp lên từng cái thẻ, để rồi chúng ta mới thọt cái tay vô trong cái thùng để mà rút ra coi cái thẻ nào để cho nó hợp với chúng ta thì chúng ta tu pháp đó!

Các con thấy kinh Duyên Giác gì mà dạy lạ lùng vậy? Biến chúng ta trở thành bói toán, biến chúng ta trở thành mê tín như thế hay sao? Đặc tướng của chúng ta hợp với pháp nào thì chúng ta biết ngay, cần gì mà phải rút thăm, sóc thẻ! Như vậy các con thấy có đúng không? Tánh duyên giác nó có đúng không?

Cho nên ở đây, rất nhiều điều sai trong kinh Đại thừa. Thí dụ như kinh Kim Cang dạy chúng ta: “ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm”. Bây giờ cái chỗ nào mình giữ cái tâm của mình, giữ cái tâm đừng trụ chỗ nào thì cái đó là Phật tánh của chúng ta - cái tâm kia nó sanh ra.

“Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo”. Nghĩa là: đừng lấy âm thanh sắc tướng mà cầu ta. Cái người nào mà lấy sắc, lấy tướng mà tu tập thì người đó hành tà đạo. Cho nên ở đây không có sắc tướng gì hết, cho nên giữ tâm bất động, giữ tâm không niệm thiện - niệm ác, do đó là chúng ta kiến tánh thành Phật. Những điều này có đúng không? Khi mà chúng ta giữ tâm mình như vậy thì trong khi đó tâm tham, sân, si của chúng ta có hết không?

Cho nên người mà giữ tâm thanh tịnh như vậy sẽ lọt vào tưởng, cho nên ngỡ tưởng là chúng ta giải thoát. Sự thật có giải thoát không? Như vậy kinh Kim Cang dạy có đúng không? Bao nhiêu người đã tu tập gần muốn chết - cuối cùng được những gì, có làm chủ được không?

(03:55) Bằng chứng để xác minh cho Phật tử thấy rõ ràng. Đạo Phật dạy chúng ta trong giới luật rất rõ ràng: “cạo bỏ râu tóc đắp áo cà sa.” Đó là 2 cái giới để chúng ta thấy:

Giới thứ nhất: Người tu sĩ cạo bỏ râu tóc tức là xả thân cầu đạo. Xả cái thân mình cầu đạo, đó là giới thứ nhất.

Giới thứ hai: đắp áo cà sa. Áo cà sa các con cứ nhìn quý sư - quý thầy đắp áo cà sa đẹp lắm mấy con! Còn y áo cà sa thời đức Phật là lượm vải thây ma, vải rách rồi chắp vá lại rồi mặc lên, vải xấu lắm mấy con! Cho nên mặc thì mặc đồ xấu, thì như vậy là xả phú cầu bần! - Cà sa như vậy làm sao mà cầu bần!

Cho nên cái hình ảnh đức Phật bỏ ngai vàng, bỏ cung điện mà đi tu - đó là xả cái sự giàu sang của mình. Còn chúng ta bây giờ sự giàu sang có bằng đức Phật không?

Cho nên 1 người cạo bỏ râu tóc rồi thì đắp áo cà sa, sống không nhà cửa, không gia đình.

Bây giờ nhà cửa chúng ta cũng không có nữa, thế mà chúng ta nhìn kinh sách Đại thừa: "Ai bỏ tiền cất chùa thì được phước báu". Cho nên chùa bây giờ nổi lên như nấm, mà chùa nào cũng cất hàng tỷ bạc, mà thầy nào cũng ở trong những chùa sang cả vậy. Thì các con nghĩ đó có đúng của Phật không?

Phật dạy chúng ta: cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, sống không gia đình, không nhà cửa, chỉ còn ba y - một bát, sống 1 đời sống không còn 1 vật gì hết, gọi là buông xả. Có như vậy mới tìm được sự giải thoát. Bởi vậy mới gọi là ly dục, ly ác pháp - còn 1 vật mang theo làm sao ly dục, ly ác pháp?

Như vậy kinh sách Đại thừa dạy đúng không?

2- ĐẠO PHẬT LÀM CHỦ SANH, GIÀ, BỆNH, CHẾT

(05:42) Cho nên từ xưa đến giờ, chúng ta nhìn lại các Tổ - họ tu, họ có nói được cái phương pháp làm chủ sống chết chưa? - Chưa!

Rồi hiện tại bây giờ chúng ta thấy các Hòa thượng, các thầy mỗi lần tu tập - họ là những bậc cao Tăng như vậy thì ít ra phải làm chủ bệnh chứ? Đằng này không - đau bệnh thì vô nằm nhà thương.

Mà quý thầy làm trụ trì, làm lớn, thì vào nhà thương mướn phòng rất là sang đẹp, cho riêng mình ở 1 cái phòng. Bằng chứng như vậy quý Phật tử thấy cái đó đúng không?

Đạo Phật nói làm chủ bốn sự đau khổ: sanh, già, bệnh, chết. Thế mà quý thầy hở 1 chút đi nằm nhà thương, là kêu bác sĩ, uống thuốc đủ loại. Bây giờ quý thầy đau bệnh như vậy, mang hình sắc này đi tu thì nghĩ như thế nào? Có phải là làm nhục Phật giáo không?

Trong khi đạo Phật dạy chúng ta làm chủ sanh già bệnh chết.

"Thiên thượng thiên hạ

Duy ngã độc tôn

Nhất thiết thế gian

Sanh - lão - bệnh - tử".

Câu nói của đức Phật như vậy, nghĩa là đức Phật nói: "Trên trời, dưới trời - con người là duy nhất làm chủ sanh, già, bệnh, chết". Mà cái phương pháp của Phật quá thực tế, cụ thể, cho nên được gọi là chân lý. Vì vậy mà hiện giờ cái pháp làm chủ sanh, già, bệnh, chết này chúng ta có thấy không?

Đọc kinh sách Đại thừa, có dạy chúng ta làm chủ bằng phương pháp nào không?

Nhưng đọc kinh sách Nguyên Thủy, chúng ta thấy rõ ràng: nhập Tứ Thiền - tịnh chỉ hơi thở. Có đúng không? Cách thức chúng ta muốn nhập Tứ Thiền, mà tịnh chỉ được hơi thở, thì phải có Tứ Thần Túc là lực như thần để sai khiến được thân tâm của chúng ta; 1 người tu tập có Tứ Thần Túc thì muốn chết hồi nào chết, muốn sống hồi nào sống, bệnh đau trên thân chỉ hướng tâm thôi, chứ chưa cần tác ý.

(07:51) Như Thầy thường dạy mấy con tác ý: thí dụ như người đau nhức đầu, thì cái người mà mới tu họ tác ý: “Thọ là vô thường, cái đầu này không được nhức, đi!” Thì an trú trong hơi thở; hoặc an trú trong thanh thản, an lạc; hoặc không giao động tâm thì cái đầu họ lần lượt sẽ hết đau.

Còn người có Tứ Thần Túc thì như thế nào? Tức là họ có Dục Như Ý Túc - muốn là phải ngay liền thì người đó thấy cái đau đâu, họ chỉ muốn cái đầu hết đau thôi! Bởi vì nó là Dục Như Ý Túc - muốn chứ không phải tác ý, nhưng mà cái muốn đó là do tác ý - tế nhị đến mức độ chúng ta muốn cái đầu không đau là không đau.

Còn bây giờ, Thầy đang sống như thế này mà Thầy muốn chết, Thầy tịnh chỉ Thầy chết, không phải tác ý cái câu thô như mấy con thấy. Thầy tác ý: “Tịnh chỉ hơi thở, hơi thở - nhập Tứ Thiền, bỏ xác thân này!" Thầy tác ý như vậy. Còn Thầy nói trong ý Thầy muốn bỏ thân này thì ngay hơi thở Thầy sẽ ngưng. Đó là cái thần lực của 1 người tu!

Như vậy chúng ta tu pháp nào có thần lực? Đức Phật đã nói rất rõ ràng: "Tứ Niệm Xứ là thực phẩm của Tứ Thần Túc". Thầy nói như vậy, các con có thể khó hiểu; trong kinh thực sự nói như thế này: “Tứ Niệm Xứ là thực phẩm của Thất Giác Chi", mà năng lực của Thất Giác Chi là Tứ Thần Túc.

Cho nên Thất Giác Chi nó không phải tu nữa, bởi vì đó là năng lực từ Tứ Niệm Xứ mà sinh ra. Do tu sung mãn Tứ Niệm Xứ mà có Thất Giác Chi -Thất Giác Chi là Tứ Thần Túc. Cho nên cái lực của Tứ Thần Túc giúp chúng ta làm chủ được sự sống chết.

(09:52) Cho nên các con thấy cụ thể: đức Phật chết, đức Phật nhập vào Tứ Thiền - tịnh chỉ hơi thở, do đó đức Phật bỏ xác thân và nhập vào Niết Bàn. Các con thấy rõ! Khi đức Phật nhập Niết Bàn thì đức Phật nhập Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền.

Các Tổ thêm bốn Định Vô Sắc trong đó - nhập Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ; rồi nhập đi, nhập lại 3 lần như vậy, đó là các Tổ thêm.

Sự thật - nhập Tứ Thiền là đủ rồi, chứ không có lý nào mà nhập vô sắc tưởng để làm gì rồi cuối cùng cũng phải nhập Tứ Thiền để tịnh chỉ hơi thở. Mình thấy rõ ràng cái điều này là cái điều sai!

Đức Phật muốn thị hiện qua Tứ Thiền để tịnh chỉ hơi thở để rồi nhập vào Niết Bàn. Không lẽ nhập Phi Tưởng Phi Phi Tưởng thì tịnh chỉ hơi thở - trong kinh đâu có dạy điều này đâu! Nhưng mà Tứ Thiền - đã có dạy tịnh chỉ hơi thở.

Cho nên ở đây chúng ta biết rằng cái sai của người sau, họ thêm thắt làm cho lệch lạc kinh. Xưa kia đức Phật đã nhập tới Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ - còn ném bỏ; bây giờ các Tổ lượm vô, kết vô trong kinh - cái này có phải là sai không mấy con?

Các con thấy Đại thừa rất sai! Và các Tổ còn kết tập vô trong kinh sách Nguyên Thủy làm điều sai đó nữa! Cho nên các con đọc tập 04 Những Lời Phật Dạy, các con thấy rất sai, rất nhiều điều sai!

Đó thì các con thấy Tiểu thừa và Đại thừa, cái nào đúng - cái nào sai? Cái nào được làm chủ sống chết - cái nào không làm chủ được sống chết?

Bằng chứng hiện giờ chúng ta thấy các bậc Tôn túc, người nào cũng thông hiểu kinh sách. Thậm chí có người có bằng tiến sĩ Phật học ở các trường, họ về đây họ dạy trong các trường Đại học - Cao đẳng Phật học của chúng ta. Thế họ có làm chủ được sanh, già, bệnh, chết không? Hay là đau - họ phải đi vào nhà thương họ nằm?

Rồi nhìn lại cái đời sống của họ như thế nào? Những người mà đã học Phật giáo như vậy đó - họ sống giới luật như thế nào? Họ ăn uống phi thời phải không? Họ nghe ca hát phải không? Họ tụng niệm ó é phải không?

Trong khi kinh sách của Phật, các con đọc lại kinh Nguyên Thủy - Phật dạy chúng ta không có tụng niệm, Phật loại trừ sự tụng niệm của Bà La Môn ra!

Phật chỉ còn dạy chúng ta: “Tri kiến ở đâu là giới luật ở đó, giới luật ở đâu là tri kiến ở đó. Tri kiến làm thanh tịnh giới luật, giới luật làm thanh tịnh tri kiến.”

Đó, mấy con thấy lời đức Phật dạy - có dạy chúng ta tụng niệm, cúng bái không? - Không! Dẹp bỏ! Xả bỏ ba cái tụng niệm, cúng bái, chú thuật của Bà La Môn - Đức Phật dẹp sạch xuống hết, hoàn toàn không chấp nhận!

Vậy mà chùa bây giờ chúng ta lại tụng niệm, cúng bái như vậy đúng không? Ai làm sai những lời Phật dạy này? Lời Phật dạy Nguyên Thủy đúng hay là lời kinh sách Đại thừa đúng? Các con thấy đúng không?

3- ĐẠI THỪA DẠY LO LÓT PHI NHÂN QUẢ - NUÔI DƯỠNG DỤC THẾ GIAN LÀM HƯ HOẠI PHẬT GIÁO

(12:34) Bây giờ các con thấy - người ta dạy rất sai! Câu chuyện Mục Liên Thanh Đề ở trong bản kinh Vu Lan Bồn - mấy con thấy sai không? Dạy người ta ngày báo hiếu, mà báo hiếu như vậy sao? Báo hiếu bằng cách lo lót!

Nghĩa là Phật tử phải lo lót cho quý thầy, cho Phật rồi mới được cứu độ! Như vậy có đúng không?

Các con nghe câu chuyện khi mà ông Mục Kiền Liên tu đắc Lục thông - mẹ ông chết, ông mới đi tìm mẹ ông ở dưới địa ngục; ông mới thấy mẹ ông ngồi ở trong địa ngục Ngạ quỷ, đói khát, khổ sở; ông mới bưng bát cơm cho mẹ ông ăn; mẹ ông vừa bốc cơm ăn thì lửa cháy - ăn, nuốt không được. Cái cảnh quá khổ!

Cho nên, ông cũng không đủ sức của mình để cứu mẹ. Cho nên ông về xin Phật dạy cho ông cách nào để cứu mẹ ông thoát khỏi địa ngục Ngạ quỷ này.

Đức Phật nói: "Ông hãy về sắm tứ sự…​".

Rồi sắm tứ sự rồi thì để làm gì? Các con hiểu - khi đó phải đem đến cúng Phật và cúng chư Thánh Tăng - nhờ công đức tu hành của họ, sau 3 tháng an cư kiết hạ, tức là rằm tháng Bảy là người ta giải hạ ra, cho nên ngày đó gọi là ngày báo hiếu.

Vì vậy cho nên lấy cái câu chuyện Mục Liên Thanh Đề để làm ngày báo hiếu. Bây giờ chúng ta có cái ngày rằm tháng Bảy là ngày báo hiếu, do đó chúng ta lấy cái tích lịch sử của Mục Kiền Liên.

Mà thử hỏi, bây giờ phải cúng dường trai Tăng cho chúng Tăng và Phật, rồi nhờ công đức của các Ngài đó mới cứu độ bà Thanh Đề thoát khỏi địa ngục. Như vậy trước khi cứu độ là ông Mục Kiền Liên có phạm cái tội lo lót! Đứng trên pháp luật mà! Đại thừa dạy chúng ta có sự lo lót rõ ràng!

Vậy kinh sách đúng không? - Không đúng! Dạy chúng ta làm điều sai - đâu phải dạy chúng ta làm điều đúng!

(14:35) Bà Thanh Đề tạo tội thì bà phải trả cái tội đó cho đến khi bà trả hết tội đó. Thí dụ như bây giờ mình làm cái tội mà mình ở tù 10 năm, thì phải ở tù 10 năm thì Nhà nước sẽ thả mình ra.

Còn bà Thanh Đề làm tội thì bà phải ở tù bao nhiêu năm, chịu khổ đó bao nhiêu để trả cái tội của bà - cớ sao lại làm cái chuyện phi đạo đức như vậy? Rồi Phật và chư Thánh Tăng lại ăn lo hối lộ - nhận của đó mới cứu.

Vậy thì trong địa ngục Ngạ quỷ này đâu phải có 1 mình bà Thanh Đề, có nhiều bà Thanh Đề chứ không phải 1 bà Thanh Đề! Không lẽ mở địa ngục ra chỉ có nhận bà Thanh Đề, còn bao nhiêu những người không làm ác?

Vậy thì ở địa ngục đó rất nhiều người - đức Phật là 1 người công bằng chứ, đạo lý chứ! Bà Thanh Đề khổ thì những người khác cũng khổ y chứ! Tại sao không cứu độ? Các con có nghe chưa? Mình có công đức cứu được mà tại sao không cứu hết những người này, lại chỉ có cứu bà này thôi?

Tại vì cái lý do là những người kia không có lo lót! Có phải không? Nếu mà lo lót như ông Mục Kiền Liên thì chắc chắn là phải cứu hết chứ gì?

Thôi, như vậy là các thầy Thánh Tăng trong lúc đó với Phật - chắc là tiền của chất đâu cho hết! Bởi vì đụng ai cũng ăn lo lót hết thì phải giàu chứ sao? Bây giờ mới cất villa - biệt thự mà ở.

Như vậy hiện giờ chúng ta thấy villa - biệt thự của các chùa như thế nào mấy con thấy không? Cái sự ăn lo đó bây giờ chúng ta thấy chùa hàng tỷ bạc! Chùa nào mà cất dưới tỷ bao giờ đâu? Cái cửa cổng họ vô, Thầy thấy trời ơi nó sang còn hơn!

Lấy số tiền đó mà cho đồng bào, cho những người bất hạnh trong xã hội - nội cái cửa cổng của họ thôi, thì Thầy thấy cũng đem lại hạnh phúc cho biết bao nhiêu người. Có đúng không? Mấy con thấy chưa?

Những điều dạy phi đạo đức vậy mà chúng ta cho kinh sách Đại thừa là đúng sao? Các con cứ suy ngẫm đi!

(16:34) Bây giờ Thầy nói về vấn đề Tịnh Độ: các con thấy Đại thừa dạy chúng ta tu tập Tịnh Độ chứ gì? Nghĩa là người nào mà Niệm Phật để cầu về Cực Lạc - dễ dàng quá! Như 48 lời nguyện của đức Phật Di Đà, mấy con có nghe không? “Thiện nam tín nữ các người chí thành tưởng Phật niệm mười tiếng ra. Ta không rước ở nước ta, thệ không làm Phật, chắc đà không sai".

Các con có nghe cái lời nguyện của đức Phật Di Đà không? Mấy con chỉ cần niệm 10 tiếng thôi, đừng có niệm nhiều, cũng đủ rồi. Vậy thì mấy con niệm 10 tiếng quá dễ rồi chứ gì?

Cho nên bây giờ, tôi niệm cả ngàn tiếng chứ tôi không niệm 10 tiếng đâu! Chắc chắn là Phật Di Đà sẽ sắp xếp cho tôi có cái nhà đâu ở trển rồi đó, mà tôi vừa tắt thở là mang tôi về trển rồi. Vì có 10 tiếng mà ông còn rước, mà bây giờ tôi niệm cả ngàn tiếng rồi, thì chắc ăn rồi chứ còn gì! Các con thấy đúng không? Như vậy quá đúng rồi! Cho nên mọi người đều cùng nhau mà cố gắng niệm Phật.

Nhưng thử hỏi, khi mà tâm mấy con còn tham, sân, si, giận hờn mà ông Phật Di Đà mà ông rước về nước ông - chắc chắn mấy con sẽ đánh lộn trên đó hết! Có đúng không?

Thì bây giờ ông Phật Di Đà mới thành lập cái tòa án - nước người ta thuở giờ hoàn toàn không có người tham sân si; mà bây giờ rước cái chúng sanh ở dưới thế gian này lên, bây giờ nó có tham, sân, si rồi; cho nên đất thì lát vàng - Thầy nghe trong kinh Di Đà nói mà, đất lát vàng, hàng rào thì âm nhạc; lúc bây giờ chúng ta nghe hát hay quá chúng ta ra nhổ hàng rào đem vô nhà cất hết, bởi vì chúng ta muốn sử dụng mà! Thì các con thấy cái đó có đúng không?

Rồi vàng mà lót ở dưới đất như vậy đó, các con thấy vàng ở thế gian này đắt quá; cho nên vì vậy mình cạy, mình cất để mai mốt mình trở về thế gian mình đem bán; thì bây giờ vàng lên quá cao, cho nên mình sẽ giàu sang.

1 lần mà đi lên trên đó về, mình ước ao trở về thế gian chứ: "Đặng tôi còn đem bán cái này chứ! Để ở trên tôi đi gom góp, tôi về tôi bán!". Thì như vậy mấy con thấy cái đó đúng không mấy con?

Con người chúng ta phải dọn sạch - tâm chúng ta hết tham, sân, si thì chúng ta sẽ được về đó. Mà tâm chúng ta còn tham, sân, si thì chúng ta về đó sao được mấy con? Làm sao ai chứng cho mình được về đó! Cho nên đâu có dễ dàng được! Mấy con biết các thầy vật lộn với tham, sân, si của mình dường nào không?

Các con cứ thử nghĩ cái tâm si của chúng ta nó hiện ra cái tướng hôn trầm, thùy miên, buồn ngủ - mấy con thức 10 giờ, 11 - 12 giờ; chừng mấy con dậy 1 - 2 giờ, mấy con dậy nổi không? Hay là nó lăn qua lộn lại, nó lười biếng, nó nằm đó để nó ráng ngủ thêm? Các con thấy cái si ghê gớm - cái si là tướng lười biếng!

Mà ở đây chúng Tăng và quý cư sĩ ở đây tu tập gay go với nó lắm mới thắng nổi! Vậy mà thắng nổi nhưng chưa hẳn đúng pháp thì chưa hẳn nó dứt cơn đâu - nó còn đó, hở ra 1 chút là nó đánh nhẹp liền tức khắc! Tức là chúng ta bị hôn trầm, thùy miên. Các con thấy chưa?

(19:36) Như vậy chúng ta biết rằng kinh sách Nguyên Thủy đúng hay là kinh sách Đại thừa đúng? Đức Phật dạy: "Ngăn ác, Diệt ác - Sanh thiện Tăng trưởng thiện" - sống trong giới luật nghiêm chỉnh thì mới ly dục, ly ác pháp được; mà sống ngoài giới luật thì làm sao ly dục, ly ác pháp được!

Mà bây giờ chúng ta sống trong dục lạc, nghe cõi Cực Lạc quá đẹp đẽ - ham mê, thì chúng ta mong chúng ta về đó! Nhưng lòng tham chúng ta hết không - mà không hết thì thử hỏi làm sao chúng ta sống được?

Thầy nói thẳng, nói thật thì sẽ mích lòng nhưng phải nói thẳng, nói thật! Dựng lại Phật giáo mà không dám nói thẳng, nói thật thì người ta vẫn cho đó là đúng; mà cho nó là đúng thì người ta sẽ đi theo cái sai.

Cho nên Thầy nói như vậy các con sẽ suy ngẫm, tự suy ngẫm; đúng thì mấy con theo - Thầy không ép buộc; được thì mấy con hữu duyên, mà không được thì mấy con chịu chứ không phải riêng Thầy.

Còn ở đây Thầy khuyên các thầy nên tu tập đúng theo Thầy hướng dẫn; mà tu tập sai theo kiến giải, tưởng giải của quý thầy thì quý thầy chịu trách nhiệm cái sai của quý thầy.

Các Thầy phải hiểu Thầy là 1 người đã kinh nghiệm đi qua trên con đường này, làm chủ được sự sống chết của mình, mà bây giờ đem truyền dạy lại cho quý vị làm chủ sự sống chết cho quý vị. Thì quý vị phải hiểu biết người có kinh nghiệm như vậy, dạy mình sẽ không sai!

Cho nên trong kinh sách Phật dạy, bảo mình tìm thiện hữu tri thức - người đó phải hết tham, sân, si; người đó phải chứng đạt được chân lý - đó là Thầy của mình! Người đó phải sống đúng giới luật - giới luật còn là Phật giáo còn, giới luật mất là Phật giáo mất.

Cho nên chúng ta tìm 1 vị thầy mà giới luật nghiêm chỉnh, không hề vi phạm 1 lỗi nhỏ nhặt nào thì đó là Phật giáo còn. Còn nếu tìm không được thì đương nhiên - dù có trăm ngàn danh từ nói Phật giáo thì Phật giáo đó vẫn sai! Vị thầy chúng ta phạm giới, phá giới mà chúng ta theo tu tập thì chúng ta chẳng làm chủ sanh tử luân hồi. Tại sao vậy? Tại vì tâm không ly dục, ly ác pháp cho nên mới phạm giới. Còn tâm ly dục ly ác pháp thì không bao giờ phạm giới!

(21:36) Cho nên quý Phật tử cũng như các thầy nghe Thiền tông nói: Tự tại vô ngại, đói ăn, khát uống, mệt đi ngủ; rồi thõng tay vào chợ, nào là xách cá quải thịt, nào là uống rượu đủ thứ hết! Cho những vị đó là tự tại rồi, sống vô ngại rồi, không có còn chướng ngại nữa, gọi là giải thoát. Thực sự tu hành rồi mà trở lại sống còn hơn 1 người bê bối - rượu chè say sưa. Sống như vậy có đúng không?

1 người tu phải có hạnh của người tu! Người tu gì mà lại rượu chè say sưa - gọi là tự tại; muốn ăn, muốn ngủ hồi nào cũng được hết sao? Giống như người phàm phu - người phàm phu họ cũng muốn ăn, muốn ngủ hồi nào cũng được, có gì đâu!

Cho nên ở đây, cái danh từ mà gọi là “tự tại vô ngại” thì Thầy thấy thật sự không phải áp dụng cho người tu sĩ của đạo Phật mà áp dụng cho cái người vào cái sự sống hiện sinh của họ, sống trong cái dục lạc của họ để họ thỏa mãn trong đời sống của họ - họ nói chết là hết rồi, chỉ có đời nay thôi, mình hưởng cho hết dục lạc trên thế gian này, chết thì người nào cũng chết hết. Đó là cái hiểu biết không đúng, cạn cợt, không đúng - chết chưa phải là hết!

Và sống không phải có nghĩa là chúng ta sống mà không tái sanh luân hồi. Do học bài đạo đức nhân quả vừa rồi đã xác định cho mấy con thấy 1 hành động của chúng ta là sẽ tái sanh làm 1 con vật hoặc là làm con người.

Quý vị nhớ kỹ những bài học nhân quả này mà khắc ghi trong lòng để thực hiện đạo đức nhân bản - nhân quả, sống không làm khổ mình, khổ người; tất cả những hành động ác - chúng ta không làm nữa!

Cho nên đức Phật nói: “Ngăn ác, Diệt ác - Sanh thiện, Tăng trưởng thiện" hoặc là "Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành". Lời nói của đức Phật dạy như vậy, chúng ta hãy cố gắng mà tu tập!

Đến đây Thầy xin chấm dứt. Và buổi học hôm nay, mấy con có hỏi gì thì giờ này cứ hỏi, Thầy sẽ trả lời. Bây giờ ai có thắc mắc những gì thì hỏi, mà không thắc mắc thì chúng ta về, vì giờ chúng ta sắp sửa đi khất thực.

4- NGŨ VỊ TÂN

(23:34) Về vấn đề câu hỏi này, thì Thầy sẽ xin nói riêng với người nấu ăn thôi. Để tránh vấn đề họ bỏ tỏi, hành, củ kiệu trong thức ăn của chúng ta. Bởi vì cái thực phẩm đó không phải là động vật, mà là thực vật, nhưng vì thức ăn đó có cái kích thích dục.

Bởi vì hành, tỏi, hẹ nó là chất kích thích dục. Cho nên chúng ta là những người ly dục, cho nên chúng ta không ăn những vật đó thôi. Vì vậy chúng ta sẽ nói lại với người nấu cơm cho chúng ta thì họ sẽ không bỏ những chất đó vào. Chứ không phải những món ăn này là do thịt chó mọc lên mà chúng ta không ăn, không phải đâu!

Nó là thực vật, nhưng thực vật kích thích, làm cho tâm chúng ta dễ khởi dục, cho nên chúng ta không ăn nó. Bởi vì chúng ta biết, mặc dù là thảo mộc - thực phẩm thực vật nhưng mà nó gây cho chúng ta khó khăn để mà nhiếp phục tâm mình, cho nên chúng ta không ăn. Vậy thì vấn đề này để Thầy bàn lại với cái người mà họ đã lãnh nấu cơm cho chúng ta.

Bởi vì chúng ta là những người tu mà, những người mà diệt dục - những người ly dục, ly ác pháp thì chúng ta không nên ăn những cái điều mà kích dục.

Đến đây thì mấy con còn hỏi Thầy gì thêm không?

(25:02) Tu sinh: Bạch Thầy! Con muốn hỏi là sắp tới cái lớp học sẽ như thế nào?

Trưởng lão: Cái lớp học phải không con? Bây giờ các con sẽ về làm bài, rồi tới thứ Hai thường lệ thì tới đó Thầy sẽ sắp lớp của mấy con. Rồi bắt đầu Thầy sẽ hướng dẫn cho mấy con về Chánh Niệm Tĩnh Giác.

Bây giờ mấy con tập cho căn bản từng phút, từng phút để rồi Thầy kiểm tra lại. Thầy kiểm tra, Thầy sắp xếp lớp Chánh Niệm Tĩnh Giác cho mấy con.

Bên nữ hả con? Để Thầy sắp xếp cái lớp Chánh Niệm Tĩnh Giác này xong rồi thì 1 tuần lễ Thầy gặp mấy con 1 lần; để vừa trả bài làm cho mấy con và nhận xét qua những điều mấy con làm đúng - sai để mấy con triển khai tri kiến của mấy con.

Và đồng thời, Thầy gặp mấy con Thầy sẽ xác định sự tu tập của mấy con, coi người nào tiến bộ trên sự nhiếp tâm đến chỗ nào; để Thầy phân cái lớp của mấy con để nằm trong cái lớp cho nó chung, để khi đó Thầy kiểm tra cho nó dễ dàng. Chứ người 1 phút, người 10 phút, người 20 phút thì rất khó khăn cho Thầy!

Cho nên vì vậy mà thứ Hai sau, mấy con sẽ gặp Thầy. Và đồng thời hôm nay có 1 số bài ở bên nữ thì Thầy đã chấm hết nhưng vì bận quá cho nên bên nam Thầy chưa có chấm, thì Thầy sẽ chấm rồi kỳ tới Thầy sẽ trả hết cho mấy con.

Bây giờ mấy con còn hỏi Thầy gì không? Phật tử ở Thành phố, mấy con còn cái gì mà thắc mắc, hỏi Thầy! Còn 15 phút nữa mấy con, để hỏi hết cái 15 phút này.

Còn quý thầy với các con mà không có hỏi Thầy thì tự nhiên mấy con cứ về, không sao hết! Bởi vì cái giờ mấy con đi khất thực gần tới rồi. Còn không thì mấy con ngồi đây khoản độ mười mấy phút nữa cũng được, nó trễ chút cũng không sao! Thì mấy con ngồi lại để khi nghe Phật tử hỏi điều gì thì Thầy trả lời cho mấy con trong vòng không có bao lâu nữa.

Các con còn hỏi Thầy gì không?

5- ÁI NGỮ - CHÁNH NGỮ

(27:05) Tu sinh: Kính thưa Trưởng lão cho con xin hỏi! Trong thời gian từ đây cho tới tuần sau thì thời gian còn dài nhưng bài cũ thì chưa trả thì trong thời gian này chúng con nên làm bài gì?

Trưởng lão: Nếu mấy con đã làm bài ý hành rồi, tức là khẩu hành xong rồi thì bắt đầu bây giờ mấy con sẽ làm bài nhân quả ái ngữ - cái lời nói êm dịu. Hồi nãy Thầy cho đọc sơ cái bài đó để mà gợi ý cho mấy con cái đúng - cái sai của ái ngữ.

Cho nên cái ái ngữ - nó có cái chánh ngữ và tà ngữ, cho nên phải viết cho đúng chánh ngữ. Bởi vì mình là tu sĩ, mình phải viết cho đúng chánh ngữ, thì các con lưu ý trong vấn đề viết bài.

Thầy gợi cho mấy con đến cái ái ngữ rồi, để cho mình tập luyện cái lời nói, ngôn ngữ của mình. Sau đó mình dễ dàng khi vào lớp Chánh Ngữ; bởi vì cái lớp Chánh Kiến - Chánh Tư Duy - Chánh Ngữ chứ gì, để chuẩn bị cho ở trên cái nhân quả của chúng ta có cái Chánh Ngữ rồi đó. Để khi mà vào cái lớp học, nó dễ dàng hơn.

Rồi bắt đầu bây giờ mấy con có hỏi gì không?

Nghĩa là bây giờ ở trong lớp chúng ta, nam cũng vậy, nữ cũng vậy, chúng ta đang đi về cái Chánh Ngữ rồi, đang học về Chánh Ngữ.

Cho nên Thầy đưa cái bài đó ra để mà chúng ta nhận xét chánh ngữ - tà ngữ; cái ái ngữ mà ái ngữ trong chánh ngữ, ái ngữ trong tà ngữ để mà chúng ta viết không sai. Chứ không khéo, nếu không gợi ý như vậy mấy con viết sẽ sai hết! Nó không đơn giản đâu, cho nên Thầy gợi ý trước rồi, thì chắc chắn là mấy con sẽ ít có phạm cái lỗi đó!

Rồi, mấy con còn ai hỏi Thầy nữa hay không mấy con?

6- HỌC TẬP ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN - NHÂN QUẢ

(28:42) Phật tử: Dạ thưa Thầy! Chúng con là Phật tử tại gia, chúng con cũng muốn tham dự cái lớp Bát Chánh Đạo này. Có thể qua Tết hoặc là 1 thời gian nào đó, Thầy sắp xếp cho chúng con 1 tuần/1 ngày tu học có được không Thầy?

Trưởng lão: Cũng được, để rồi Thầy sẽ sắp xếp cho cái lớp của mấy con; trong 1 tuần có 1 ngày nào đó mấy con về đây mấy con sẽ học 1 ngày.

Phật tử: Khi nào Thầy có thể sắp xếp cho chúng con được thì Thầy cho chúng con biết!

Trưởng lão: Thầy sẽ cho mấy con biết! Chắc có lẽ là khi qua Tết rồi đó, thì mấy con sẽ không có bận rộn nhiều. Trong cái dịp Tết này thì cái tục lệ - thì chắc chắn là nhà ai, mấy con cũng có cái gia duyên của mấy con thì nó bận rộn. Để qua Tết rồi Thầy sẽ mở cái lớp mà cho mấy con học được mỗi tuần có 1 ngày học lớp Bát Chánh Đạo này.

Phật tử: Dạ thưa Thầy! Chúng con còn ở ngoài đời, chúng con học lớp Chánh Kiến có kết quả không Thầy?

Trưởng lão: Sẽ có kết quả rất lớn! Vì cái lớp học Chánh Kiến này nó giúp cho mấy con có đạo đức để sống trong cuộc sống của mấy con mà sống không làm khổ mình, khổ người. Cái lớp đạo đức này Thầy đã từng nói với mấy con trước kia đó, nghĩa là nếu Thầy có duyên về Thành phố, Thầy sẽ tổ chức trong ngày Chủ Nhật để cho mấy con được nghỉ ngơi trong ngày đó, không có đi làm đó, để cho mấy con được học.

Vì vậy mà trong 1 tháng mấy con được 4 ngày học; rồi trong 4 ngày học đó mấy con sẽ có cái sự hiểu biết để đối phó trước những ác pháp; mà đem lại sự an ổn cho bản thân mình và gia đình và xã hội xung quanh nữa. Đó là cái thực tế!

Chứ còn bây giờ mấy con dự thính trong lớp học cũng như quý thầy ở đây - thì coi như họ bỏ hết cuộc đời của mình rồi. Ở đây là cái lớp đào tạo cho họ trở thành những bậc chứng quả A La Hán, bậc Vô Lậu.

Cho nên mấy con được học về lớp Chánh Kiến, là học đạo đức để mình sống trong cái cuộc sống của mình, chung đụng với mọi người trong gia đình của mình - đem lại sự hạnh phúc an vui, đem lại sự bình an cho chính bản thân mình và gia đình và xã hội.

Đó là mấy con cần học cái đó, đó là lớp đạo đức cho mấy con rồi, đạo đức cho mấy người còn sống trong gia đình. Còn ở đây là cái lớp học đào tạo để cho người ta đi sâu của đạo Phật, làm chủ sự sống chết của họ mà!

Còn mấy con chỉ cần học đạo đức mà thôi! Cái duyên của mấy con học được đạo đức, mấy con thấy cái duyên mình đủ thì bắt đầu mấy con mới trở thành những người bỏ hết - rồi mấy con mới đi tu, thì coi như mấy con mới đi sâu vào. Chứ bây giờ mấy con bỏ hết cái cuộc sống của mấy con rồi mấy con vô tu, thì chưa chắc đã là mấy con tu được. Nó khó lắm!

Cho nên vì vậy mà Thầy phải tạo cho mấy con có điều kiện học hỏi đạo đức, từ đạo đức đó nó đem lại hạnh phúc cho mấy con, rồi sau đó mấy con đi sâu hơn là mấy con sẽ tập Chánh Niệm Tỉnh Thức như cái lớp mà Thầy nói tháng này Thầy dạy tỉnh thức đó.

Cái tháng đầu tiên mà Thầy dạy cho mấy con, nhưng mà tháng này thì mấy con không học. Tại sao không học được cái tháng này? Tại vì mấy con không có thì giờ ngồi mà nhiếp tâm, mấy con còn đi làm. Cho nên mấy con học cái tháng đầu, là mấy con đem tri kiến giải thoát đó mấy con áp dụng vào đời sống của mình - mấy con đem lại hạnh phúc.

Còn tháng kế đây mà Thầy dạy cho chư Tăng là họ sẽ đi sâu vào định tỉnh, Nhu nhuyễn, Dễ sử dụng. Làm cho tâm họ định tỉnh, làm cho tâm họ dễ sử dụng tất cả những điều kiện gì - muốn là nó sẽ làm được! Thì mấy con chưa được, mấy con chỉ cần sống đạo đức mà thôi! Đó mấy con hiểu rồi.

7- VẤN ĐẠO LÀM CHỦ NHÂN QUẢ

(32:02) Tu sinh: Thưa Thầy cho con được hỏi! Như Thầy nói chứng quả A La Hán thì làm chủ được nhân quả. Vậy sao con đọc trong tiểu sử thì có Ngài Mục Kiền Liên đã chứng quả A La Hán mà cuối cùng lại trả cái quả bị ngoại đạo giết chết vậy Thầy?

Trưởng lão: Đó là bởi vì họ muốn phỉ báng đệ tử của đạo Phật! Thì con cứ đọc trong kinh Duy Ma Cật con sẽ thấy sự phỉ bán của kinh Duy Ma Cật rất lớn. Đối với ông Xá Lợi Phất là 1 người đại trí tuệ, mà đức Phật gọi là người đại đệ tử mà trí tuệ nhất của đức Phật. Thế mà đối với ông Duy Ma Cật thì coi như là số không, mà còn phải khúm rúm sợ hãi nữa.

Con thấy như vậy là cái trí tuệ của đệ tử Phật - là ông Xá Lợi Phất chúng ta thường thấy là cánh tay mặt của đức Phật trong cái giữ gìn giáo đoàn; là con người đầy đủ trí tuệ. Khi chúng Tăng hỏi những điều gì thì ông Xá Lợi Phất trả lời không sót cái gì mà không hiểu. Thế mà gặp ông Duy Ma Cật thì kể như là cái hàng “trải hoa mà dính”, nghĩa là ông còn dính mắc. Cho nên đối với cái hành động đó là cái hành động phỉ báng đệ tử của đức Phật để diệt Phật giáo!

Cho nên ông Mục Kiền Liên bị ngoại đạo giết đó là cái câu chuyện đặt bịa chứ không có thật! 1 người mà người ta có đủ Tam Minh như ông Mục Kiền Liên làm sao mà người ta không biết mà để cho ngoại đạo đánh!

Nhân quả mà đức Phật dạy là chuyển biến, chứ đâu phải là cố định - sao mà ông Mục Kiền Liên chịu người ta đánh mình?

Mà khi tu như ông Mục Kiền Liên, mà đã trở thành 1 người đệ tử cánh tay trái của đức Phật như vậy, thì các con biết đủ cái thần lực của người ta, chứ đâu phải họ để ngoại đạo đánh! Mà khi người ta tu là người ta chuyển nhân quả nhiều đời nhiều kiếp chứ đâu phải - người ta mới thành tựu được chứ!

Con cứ nghĩ tưởng người ta có Thần Túc Thông, đâu phải người ta không chuyển hết cái nghiệp của người ta - làm sao mà người ta thanh tịnh được để mà người ta chứng đạt quả A La Hán?

Cũng như bây giờ mấy con thấy nè: trước cái hôn trầm, thùy miên mấy con thấy nó khó khăn vô cùng! Mỗi bước đi của mấy con nó khổ sở vô cùng! Tức là mấy con chiến đấu với nhiều đời ngu si của mấy con chứ đâu phải chiến đấu 1 đời nay đâu!

Con hiểu cái hôn trầm, thùy miên của các con nó nhiều đời si chứ đâu phải 1 đời si. Mà bây giờ mình nỗ lực mình bước đi từng bước mà nó lảo đảo bên đây - bên kia như người say rượu; đó là con chiến đấu với nhiều đời! Mà con chiến đấu bây giờ nó đã hết rồi thì đó là con đã diệt hết, tức là con đã chuyển hết cái nhân quả si của con rồi, con mới đạt được chứ đâu phải dễ!

Cho nên bây giờ, 1 giờ tu mà chúng ta tập trung tu ở đây để mà chúng ta phá tham, sân, si là chúng ta phá tham, sân, si của nhiều đời!

Như vậy là ông Mục Kiền Liên ông đã chuyển hết những cái nhân quả của ông - làm gì mà có ngoại đạo mà phục kích mà giết ông!

Điều đó là điều đặt điều của Đại thừa mà thôi! Họ không hiểu được đạo Phật - họ tưởng đạo Phật là thuyết định mệnh, nhân quả định mệnh; nghĩa là số Thầy chết là phải chết, dù Thầy ở thiện thì sau này Thầy hưởng cái thiện đó, chứ bây giờ là số của Thầy đã định như vậy rồi thì Thầy không chuyển nổi nó. Đó là cái hiểu sai của Đại thừa, họ dựa theo thuyết định mệnh của Trung Hoa, chứ không phải là của Ấn Độ đâu!

Đó thì các con thấy mình đọc kinh, mình phải hiểu cái sai - cái đúng; chứ đâu có lý nào cái chuyện nó như vậy! Người ta đặt điều như vậy để mà người ta phỉ báng Phật giáo, phỉ báng đệ tử của Phật - phỉ báng đệ tử của Phật tức là phỉ báng giáo lý của Phật! Đó, các con hiểu chưa?

8- ĐỪNG THEO KIẾN GIẢI ĐẠI THỪA - NÓI SAI VỀ ĐỆ TỬ PHẬT ĐỂ DIỆT PHẬT GIÁO

(35:23) Tu sinh: Thưa Thầy! Câu thứ 2 con định hỏi Thầy là trong thập đại đệ tử của Phật thì có Ngài Tu Bồ Đề là Giải Không đệ nhất, nhưng mà con đọc trong tiểu sử thì nói cái Giải Không của Ngài Tu Bồ Đề là Giải Không của Bát Nhã. Mà trong khi kinh Bát Nhã thì Thầy lại nói là Tổ chế ra. Vậy cái Giải Không của Tu Bồ Đề nên hiểu như thế nào cho đúng thưa Thầy?

Trưởng lão: Giải Không của Tu Bồ Đề - đệ tử của đức Phật thì ở trên Tứ Niệm Xứ mà tu cái không đó, tức là Bất Động Tâm chứ đâu phải là Không - Bát Nhã đâu! Còn bây giờ người ta cũng lấy cái đó mà người ta vẽ ra 1 cái, đẻ ra Bát Nhã. Đó là cái sai của Đại thừa, con hiểu không?

Cho nên họ lấy từ đệ tử của đức Phật như Tu Bồ Đề mà vẽ ra, rồi nói ông Tu Bồ Đề đi khất thực bằng cách là chọn nhà giàu, còn ông Ca Diếp thì chọn nhà nghèo. Tu hành mà còn chọn nhà giàu nhà nghèo à!

Ai đẻ ra cái này - để làm sai? Trong khi mình là người tu hành rồi thì dù người nghèo - người giàu nếu có duyên, hóa duyên độ chúng; đi xin mà cũng chọn lựa thì như vậy có nghĩa như thế nào? Cho nên ở đây “hóa duyên độ chúng” thì người giàu có duyên cúng dường mình thì mình hoá duyên mình độ họ - người nghèo có duyên thì mình độ họ.

Tại sao mà lấy 2 người đệ tử của Phật mà làm ra như vậy? Ai làm ra như thế này? Trong thời đức Phật thì không có điều này! Nhưng sau này người ta đã muốn diệt Phật giáo, người ta đã đưa những đệ tử của Phật ra mà người ta diệt, coi như là người ta bắn hết - bắn hết cái đám đệ tử của Phật hết!

Cho nên từ ông Mục Kiền Liên cũng bị, qua câu chuyện Thanh Đề, qua câu chuyện Mục Kiền Liên bị ngoại đạo giết, đó là đã đem những đệ tử của đức Phật để đập, đó là cái khéo léo của các Tổ Đại thừa họ đã làm như vậy đó mấy con; họ đã đem từng chút, từng chút họ đặt ra.

Con muốn hỏi gì?

Phật tử: Dạ bạch Thầy! Con có 1 sự…​tất cả những điều mà Thầy giảng dạy về con người trong các tập sách Đường Về Xứ Phật, Những Lời Gốc Phật Dạy - chúng ta nên nghiên cứ những tập sách đó để hiểu biết hơn và chúng ta nên hỏi những điều có liên quan đến sự tu tập của mình. Và nên đọc lại những gì Phật dạy…​

9- THẦY GIẢI THÍCH HIỆN TƯỢNG NGÁP VÀ BA GIÁ TUẦN

(37:38) Diệu Vân: Con kính bạch Sư Ông! Xin Sư Ông giải thích cho con về: thứ nhất là ngáp, thứ 2 là Ba Giá Tuần khác xa Thích Đề Hoàn Nhân. Con chưa hiểu!

Trưởng lão: Bây giờ về cái ngáp: thường thường chúng ta khi mà buồn ngủ thì nó có cái hiện tượng là chúng ta ngáp; tức là cái hôn trầm, thùy miên nó đến rồi - bắt đầu chúng ta ngáp 1 hơi rồi chúng ta đi ngủ.

Còn cái ngáp của người bệnh nữa con! Nó cứ ngáp hoài mà, đó là hiện tượng của người đó bệnh ở trong cơ thể.

Còn cái ngáp của các con hiện giờ là hiện tượng buồn ngủ. Khi mà các con tu tập mà 1 hơi mà thấy nó ngáp đó, thì đó là hiện tượng nó bị mệt mỏi - nó ngáp. Do đó chúng ta phải xả bớt chúng ta nghỉ thì nó sẽ hết. Bởi vì đó là cái hiện tượng báo trước cho chúng ta biết rằng nó mỏi mệt, nó muốn đi ngủ. Cho nên nó ngáp mà mình cứ ráng nên nó có cái hiện tượng.

Còn cái câu hỏi về Ba Giá Tuần, là người ca nhạc của cõi Trời, là người nhạc sĩ của cái cõi Trời. Ở đây thì dựa trong kinh Thập Thiện Đạo mà Thầy viết ra. Đồng thời trong kinh A Hàm có cái bài kinh nói về Thập Thiện - chỗ ông Tu Bồ Đề ngồi mà khi ông Tu Bồ Đề bị bệnh, do đó mà Ba Giá Tuần mới đến nhắc nhở ông sống trong Thập Thiện mà hết bệnh. Thì đó là ở trong kinh A Hàm và trong kinh Thập Thiện.

10- KINH A HÀM BỊ CÁC TỔ THÊM THẮT RẤT NHIỀU

(39:16) Mà trong kinh A Hàm thì các con biết phần nhiều là các Tổ đã viết - bởi vì nó thuộc về Hán Tạng cho nên các Tổ viết ra, dịch từ kinh Pali ra Hán Tạng, thì các Ngài có thêm thắt rất nhiều ở trong kinh Tiểu thừa - tức là kinh A Hàm. Do khi Thầy viết cuốn Hành Thập Thiện thì dựa vào kinh A Hàm mà Thầy viết ra.

Mà cái lúc bây giờ có cái điều khó là Thầy không nói thẳng nói thật được là vì Thầy đang ở núp bóng dưới các vị Tôn túc Hòa thượng của Đại thừa. Nếu nói thẳng ra "cái này không có" thì chúng ta sẽ bị đụng chạm rất nhiều. Cho nên buộc lòng Thầy viết để cứu khổ 1 người đang bị bệnh thôi. Mục đích là viết Mười Điều Lành để cho người bệnh này họ giữ được điều lành đó để họ thoát ra nghiệp bệnh của họ mà thôi.

Chứ thật ra câu chuyện đó có dịp Thầy sẽ lật lại những kinh này - Thầy sẽ lật những cái bề trái của nó ra hết, Thầy sẽ xác định cho mấy con thấy đó là cái đúng hay là cái sai. Còn bây giờ thì chúng ta không có nhiều thì giờ để nói nhiều về vấn đề này. Chứ sự thật ra thì ngày nào đó các con sẽ thấy Thầy lật ra hết tất cả những cái sai.

Nhưng mà Thầy mong rằng khi mà lật ra những điều này - Thầy mong rằng đệ tử của Thầy sẽ chứng được sức Tam Minh để rồi cùng Thầy hợp nhau mà làm công việc. Bởi vì kinh sách bây giờ quá nhiều cái sai mà 1 mình Thầy thì làm sao mà nói hết!

Con đọc lại cuốn Những Lời Gốc Phật Dạy tập 4 - Thầy đã xác định 1 số rất sai, mặc dù là kinh sách Nguyên Thủy, chứ chưa nói gì kinh sách Đại thừa! Thầy chưa nói kinh sách Đại thừa sai đâu, Thầy chỉ nói khơi khơi những cái phi đạo đức của nó thôi. Chứ còn nếu mà Thầy vạch ra những cái sai của nó thì rất nhiều cái sai trong kinh sách Đại thừa.

Vì vậy mà nếu sau này quý thầy tu chứng rồi, hợp tác giùm Thầy để chúng ta cùng kết tập lại kinh sách - bổn phận của chúng ta phải kết tập lại kinh sách! Cái gì của đạo Phật là chúng ta giữ gìn; mà cái gì không đúng của đạo Phật là chúng ta dẹp! Coi như đó là Bà La Môn, coi như đó là ngoại đạo - chúng ta dẹp!

Người nào cứ tin thì cứ theo Bà La Môn đó mà tu! Còn người nào tin đạo Phật thì phải đi vào con đường của đạo Phật thực sự của nó - đây là những lời Nguyên Thuỷ!

11- THẦY KHOẺ LÀ DO SỨC ĐỊNH TỈNH

(41:30) Cho nên vì vậy mà những điều mà Thầy dạy ở đây là 1 sự thật! Cho nên mấy con hỏi đó là những cái điều rất là cần thiết nhưng vì chúng ta không có thì giờ mà nói nhiều. Nhất là về kinh sách - nó còn bàn bạc rất nhiều điều; mà chúng ta phải nói cái sai, cái đúng của nó bằng cách thức là bằng chứng cụ thể.

Mà mình nói cái sai của người ta mà mình nói phải có bằng chứng, chứ mình nói không có bằng chứng thì không được! Con hiểu không? Cho nên bây giờ con hỏi ngang thì mình phải lấy bằng chứng chỗ nào để nói cái chỗ này không có. Thì do đó cho nên, vì vậy mà sau này có những bài kinh mà Thầy sẽ viết rất nhiều để chấn chỉnh lại Phật giáo chứ không phải bây giờ.

Nhưng mà chắc chắn là, chắc là Thầy không còn đủ sức để mà nói cái sai này được! Vì Thầy biết cơ thể của mình suy yếu rồi; và đồng thời Thầy đào tạo cho mấy con tu xong là mấy con sẽ thay thế Thầy làm công việc này tiếp tục chứ không phải là Thầy nữa đâu!

Mấy con cứ nghĩ là Thầy khỏe, không phải đâu! Thầy rất khoẻ, nhưng mà cái khỏe của Thầy là do cái sức an trú được cái tâm của mình - nó khoẻ. Nhưng nó sẽ không khỏe - khi nào mà Thầy xả sức định tỉnh của Thầy ra thì nó sẽ hoại diệt, nó chỉ còn là bộ xương mà thôi! Đó là cái sức của Thầy hiện giờ đó! Nó nhờ…​

Mấy con thấy Thầy ngồi lớp dạy, Thầy chấm bài của mấy con là nhờ cái sức định tỉnh của Thầy! Nếu mà Thầy xả cái sức định tỉnh của Thầy thì Thầy sẽ như là còn cái xác không! Các con hiểu chứ?

Cho nên khi đức Phật xả sức định tỉnh - đức Phật mới nhập Niết Bàn chứ không phải không đâu! Thầy cũng biết cái điều đó chứ không phải không biết! Bây giờ Thầy - thấy mạnh khỏe, nói chuyện rổn rảng vậy; mà Thầy xả ra rồi thì hết nói rồi, xả ra thì nó còn cái xác khô à - cái sức định tỉnh nó hay vậy đó!

Bởi vậy Thầy nói: "định tỉnh, nhu nhuyễn, dễ sử dụng" mà! Mình chỉ có sức định tỉnh thì mình mới làm chủ được! Bây giờ Thầy mới dạy các con lớp định tỉnh các con hiểu chưa? Chứ hồi nào tới giờ mấy con tu tập chứ mấy con có định tỉnh đâu! Mấy con chưa biết cách mà, làm sao định tỉnh được! Cho nên cái học của chúng ta còn nhiều!

Con hỏi gì Thầy nữa không?

1 số thực hành phải không? Thì Thầy đang sắp xếp cho con để mà đi vào cái tháng thứ 2 này.

12- NHIẾP TÂM - AN TRÚ TÂM MỘT PHÚT CHO KỸ MỚI TIẾN NHANH ĐƯỢC

(43:32) Tu sinh: (Tu nhiếp tâm 1 phút)…​

Trưởng lão: Bây giờ 1 phút, con nhiếp trong bước đi hoặc trong hơi thở, nhiếp trong bàn tay đưa ra - đưa vô vầy. Con nói: "đưa tay ra, tôi biết tôi đưa tay ra; đưa tay vô, tôi biết đưa tay vô" thì các con đưa ra - đưa vô vầy. Trong 1 phút mà mấy con thấy nó không có niệm gì thì đó là con đã nhiếp tâm và an trú được 1 phút. Có 1 phút thôi, chỉ nhiêu đó thôi, đừng có tu nhiều hơn!

Rồi bắt đầu nếu mà đi kinh hành thì con nhắc: “Tôi đi kinh hành, tôi biết tôi đi kinh hành. Bước!” Thì các con bước. Mà khi các con bước, các con cảm nhận được bước đi của con. Tu 1 phút thôi, đừng nhiều, nhiều là mấy con sẽ có lộn xộn, mấy con không biết tu dược mấy phút đây?

Tu 1 phút thôi, rồi 1 phút đó rồi Thầy sẽ căn cứ vào 1 phút, Thầy sẽ dẫn mấy con đi lên! Nếu mấy con đã có sự nhiếp tâm và an trú tâm tốt thì Thầy sẽ dẫn các con nhanh! Các con hiểu chưa?

Từ đó nếu mà mấy con xấu - mà mấy con bị tưởng thì Thầy sẽ gạt bỏ những cái nhiếp tâm mà không có niệm mà các con bị rơi vào tưởng - Thầy sẽ gạt bỏ cái thời gian đó ra! Thầy sẽ lấy cái ý thức của các con làm chủ được định tỉnh nó! Thì lúc bây giờ Thầy mới căn cứ vào chỗ đó để dẫn dắt mấy con đi. Chứ còn không khéo thì mấy con bị tưởng: "Tôi cũng không vọng tưởng, tôi ngồi 30 phút không vọng tưởng gì hết!" Nhưng mà các con lọt trong tưởng mà các con đâu biết được!

Cũng như mấy con viết - thí dụ như mấy con quán vô lậu, mấy con sai, mấy con cũng đâu biết được! Bây giờ về định tỉnh - mấy con sai, mấy con cũng đâu biết: "Tôi thấy tôi cũng nhiếp tâm, an trú tâm rõ ràng; tôi cũng thấy hơi thở ra - vô vậy, 30 phút vậy rõ ràng!" Nhưng mà các con đứng ở góc độ của mấy con thì mấy con biết được nó đúng - sai không?

Thay vì cái tâm ly dục, ly ác pháp hoàn toàn thì mấy con sẽ nhiếp tâm được an trú vậy là đúng! Còn cái này tâm mấy con còn tham ăn, còn tham ngủ, hở ra 1 chút nó ngủ gục tới lui - vậy mà con nhiếp tâm 30 phút, nhiếp tâm vậy thì làm sao Thầy tin là mấy con nhiếp tâm làm chủ được? Các con hiểu không?

Tâm định tỉnh của con là định tỉnh gì đây? Tại sao tâm nó còn chưa ly dục, ly ác pháp mà định tỉnh? Các con hiểu chỗ đó chưa?

Cho nên bây giờ mấy con trở về 1 phút, nhờ 1 phút đó mà Thầy dẫn mấy con. Bởi vì Thầy thấy qua sự ghi chép của mấy con - có nhiều người ghi chép 30 phút, 20 phút, 10 phút, nhưng mà trong 1 phút Thầy thấy…​

Bởi vì những người này Thầy biết rằng Thầy xét qua cái tâm của họ, thì Thầy thấy họ còn đang ở trong cái tâm của phàm phu chưa hết; hôn trầm, thuỳ miên chưa sạch mà sao lại nhiếp được tới chỗ này! Cho nên căn cứ vào chỗ đó mà Thầy biết mấy con chưa tới đâu!

Cho nên vì vậy Thầy phải hướng dẫn mấy con có căn bản hơn, có cụ thể hơn để cho mấy con đừng ức chế..

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy