LCK 017 - TU TẬP CHÁNH NIỆM TĨNH GIÁC - TÂM THƯ CỦA TU SINH
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe : Tu sinh
Thời gian : 11/2005
Thời lượng: [00:37:22]
(00:00) Trưởng lão: Hôm nay bắt đầu giờ học của chúng ta là giờ này tập Chánh Niệm Tĩnh Giác. Tập cách thức tu tập để tập tĩnh giác. Nhưng trước khi mà tập tĩnh giác, Thầy cũng xin nhắc nhở lại cho chúng ta thấy những cái sự tu tập tĩnh giác rất là cam go chứ nó không phải dễ đâu.
Nhiều khi quý thầy nghe thầy Thiện Thảo nói thì tưởng là chỉ trong vòng chừng mười hôm là chiến thắng được hôn trầm, thùy miên. Nhưng mà cái lo lắng của Thầy, khi một người nỗ lực, nhiệt tâm mà tu như vậy đó thì phải tu đúng pháp. Chứ nếu không khéo thì nó không đúng pháp. Mặc dù là những lời Thầy nói, nhưng đúng pháp là phải đi từ thấp tới cao. Mà nhào vô một cái để mà tu để mà chiến thắng với hôn trầm, thùy miên tức là cái Vô Minh Lậu rất là khó chứ không phải dễ.
Nếu mình đẩy lui nó được thì coi chừng mình sẽ lọt trong cái tưởng. Không có dễ. Cho nên sự tu tập nó phải cảnh giác. Cảnh giác cẩn thận lắm. Chứ nếu mà không cẩn thận thì chúng ta sẽ bị lệch lạc. Ở đây Thầy xin đọc lại để thấy cái sự tu tập tĩnh giác cam go vô cùng chứ không phải như chúng ta tưởng là cứ tu là nó sẽ đạt được. Nó rất khó, khó khăn lắm
(01:23) Trưởng lão: Đây có một cụ già năm nay cũng lớn tuổi rồi nhưng mà được dự cái khóa tu tập của chúng ta. Năm nay là sáu mươi lăm tuổi. Cụ cũng được theo học tu ở đây. Nhưng cụ cũng gặp cái trường hợp là hôn trầm, thùy miên. Nó đánh mình cũng tơi tả. Và cụ cũng nói trong cái bức thư này để chúng ta thấy rằng người nào có tu tập thì mới thấy được cái mặt hôn trầm, thùy miên. Còn chưa tu tập thì nghe nói hôn trầm, thùy miên thì kể như mình tưởng tượng như là mình đang bị buồn ngủ chút vậy thôi. Chứ nó không phải dễ vậy đâu.
(02:02) Trưởng lão: Kính bạch Thầy, từ ngày vào Tu viện thực tập, tu học đến nay ngót nửa tháng, con vẫn thấy hôn trầm, thùy miên cứ đeo đuổi ráo riết. Đang đi kinh hành mà con hầu như không thể chịu nổi với đôi mắt cứ muốn sập xuống. Ráng rướn lên mà vẫn thấy lờ mờ như người sắp bị mù. Thân không muốn bước, tinh thần rã rượi, bủn rủn con vội tìm ghế ngồi tự nhủ thầm: "Thầy đã khẩn thiết nói với các con là Thầy sẽ mở khóa dạy tu học lần này, lần cuối này. Nếu các con không cố gắng tu tập thì Thầy sẽ nhập diệt". Nghe lời Thầy như trăn trối, con cảm thấy rất lo sợ. Mặc dù con nay đã sáu mươi lăm tuổi rồi. Nói quá trễ thì cũng đúng, mà nói có thể cố gắng tìm được giải thoát thì cũng ngại.
Vì thế con cũng quyết tâm nhân cơ hội cuối này sẽ phấn đấu nỗ lực tu tập dù chết cũng cam. Con tự nghĩ mình đã bỏ gia đình vào đây trước là mang ơn đức như biển cả của Thầy tôn kính, vì đàn con dại mà Thầy không nể công cực nhọc sớm hôm dìu dắt chúng con trong bước đường giải thoát. Mặc dù tuổi Thầy đã cao, sức Thầy đã yếu lắm rồi, bên cạnh có cô Út phải chịu bao lao nhọc, lo lắng, nấu nướng thức ăn, cơm nước, vun vén cho số đông người tu tập mà không than thở một lời nào. Kế đó, công đàn na thí chủ đã nhóm nhính nhúc tiền của để cúng dường chứ Tăng Ni mà không nệ mồ hôi, nước mắt.
(04:11) Ôi! Nói sao cho hết công ơn bao la này. Thật đáng tôn kính biết ngần nào. Thế mà mình lại ương ương, lười biếng chỉ ăn no, ngủ kĩ hay sao? Thật là đáng trách, đáng khinh. Nghĩ đến đây con tự gào thét trong tâm: "Hãy đứng lên và mạnh dạn đi kinh hành ngay!". Thế là con tác ý: "Hãy tiếp tục tu tập, đi kinh hành tôi biết tôi đi kinh hành, hãy đuổi con ma ngủ ra khỏi ngay!". Thế là cũng hơi lạ con đi kinh hành một cách tỉnh táo đến hết buổi tu mà không con hôn trầm nữa. Liên tục tới hôm nay tuy có lúc hơi tái lại là con tác ý ngay: "Không được lười biếng, hãy bước đi kinh hành!" thì cái thân lại thêm tỉnh ngay. Thậm chí những buổi nghỉ trưa, con bắt buộc nó ngủ quy định bốn mươi lăm phút mà thôi.
Thưa Thầy tôn kính! Đây là lời tâm đắc chân thành mà con tha thiết, mong Thầy xét duyệt và chọn lựa pháp tu theo đặc tướng của con, để con tiếp thu và triển khai pháp hành thế nào cho thuận lợi hơn. Con cúi xin Thầy chấp nhận cho con chọn thời khóa nội quy Tu viện hiện hành bốn thời, mỗi thời ba tiếng.
Kính thưa Thầy! Con xin trân trọng kính dâng lên lòng tôn kính cao quý nhất của con! Và ước nguyện Thầy mãi mãi vững bền sức khỏe để giúp đỡ chúng sinh thoát qua kiếp đời đau khổ này.
(06:11) Trưởng lão: Đây các con thấy, khi mà bị hôn trầm thì sự thật ra có tu mới thấy được cái trạng thái này mấy con. Ghê gớm lắm chứ không phải thường nhưng tại sao mà chỉ mình suy tư, mình lặp, mình nói lên những cái ý nghĩ, mình hiểu biết như vậy, rồi lại đứng lên rồi hồn trầm, thùy miên lại hết, lại tỉnh táo trở lại? Các con thấy cái pháp tác ý hay không? Và cái tư duy suy nghĩ nó làm cái nghị lực chúng ta mạnh lên mà cái hồn trầm, thùy miên chúng ta lại phá được. Đó thì các con thấy. Như vậy là trong khi chúng ta tu tập hôm nay, chúng ta làm từng cái bài học về nhân quả. Đó là cũng là một cái sự tư duy, suy nghĩ, suy nghĩ đúng. Cái lời của bác này suy nghĩ nói ra, đó là lời suy nghĩ đúng.
Thầy đã nói gì, bác lặp lại đúng và bác cũng suy nghĩ đúng: "Nếu mình đến đây tu tập thì phải cố gắng, ráng" nhưng mà chỉ tác ý như vậy rồi tỉnh, nỗ lực, hôn trầm đi mất. Và như vậy rồi thỉnh thoảng từ đó về nay thì cái hôn trầm nó cũng có nhưng mà nó lại chiến thắng dễ dàng. Đây là cái phương pháp tác ý và tác ý đúng như thật.
Thế thì hôm nay trên bước đường tu chúng ta thấy nó có nhiều cái khó. Và vì vậy, muốn chiến thắng được hôn trầm thì có pháp môn Chánh Niệm Tĩnh Giác. Bốn giai đoạn đi kinh hành, ai cũng biết pháp môn đó rồi. Nhưng muốn thực hiện được để mà đẩy lui được nó con phải ngay bây giờ, chúng ta giờ giấc nghiêm chỉnh, đừng để trễ giờ, đừng để quá giờ.
Nghĩa là đừng ngủ trước giờ chúng ta đã quy định mà chúng ta tu. Đừng vội vàng mà thức như Thiện Thảo. Theo Thầy thiết nghĩ, cái nỗ lực, nhiệt tâm như vậy thì tốt nhưmg phải biết trong cái giai đoạn mình tu có căn bản chưa, hay là chưa căn bản? Cái căn bản mà chúng ta vào tu là lớp Chánh Kiến. Mà Chánh Kiến nó đòi hỏi chúng ta phải triển khai tri kiến của chúng ta. Cái tri kiến chúng ta phải có một sự hiểu biết sâu sắc chứ không phải đi vào Chánh Niệm Tĩnh Giác mà thắng cái hôn trầm, thùy miên trọn vẹn.
(08:22) Bởi vì chúng ta sử dụng cái phương pháp Chánh Niệm Tĩnh Giác để mà thắng được hôn trầm, thùy miên thì chúng ta sẽ lọt vào trong tưởng. Tại sao? Tại vì cái pháp mà tri kiến để giải thoát đó là cái Định Vô Lậu nó sẽ dẹp cái dục lậu và cái hữu lậu. Mà nếu chúng ta không sử dụng như vậy thì tâm chúng ta chưa ly dục, ly ác pháp mà chúng ta ức chế, chúng ta phá hôn trầm tức là phá cái Vô Minh Lậu thì chúng ta sẽ rơi vào trong tưởng.
Các con chưa biết khi mà thầy Thiện Thảo trình lại với Thầy, thậm chí mà cái ly như thế này mà thầy cầm, cái tay thầy tự nó bóp cái ly này bẹp lại hết. Cái sức lực của tưởng đó. Hai cái ngón tay như thế này mà thầy bóp như thế này mà cái ly nó bẹp lại hết. Các con thấy ghê gớm chưa? Thì nó còn nhiều cái trạng thái tưởng nó xảy ra cho thầy chứ không phải là thầy tỉnh như vậy mà hoàn toàn. Nhưng mà sự thật ra là thầy tỉnh trong cái mê của cái tưởng.
Các con có thấy người mộng du chưa? Hai con mắt họ lim dim, lim dim chứ mà mình thấy họ đi trên nóc nhà coi dễ dàng mà không có thấy té. Chắc bao giờ mấy con thấy cái người mà mộng du chưa? Cho nên trong khi đó cái tưởng nó mạnh lắm. Nó điều khiển cái thân chúng ta rất dễ dàng. Một khi chúng ta ức chế, chúng ta phá cái ý thức không còn ngủ nữa tức là cái si của ý thức mà chứ đâu phải cái si của tưởng đâu. Nhưng mà cái si của ý thức nó đã bị diệt đi mà cái dục nó chưa diệt thì nó đâu phải là nó thanh tịnh.
Cho nên nó đâu có đạo lực đâu. Mà cái lực của nó là lực tưởng. Cho nên rất nguy hiểm. Hầu hết là một số người ở trên thế gian này đang tu thiền định mà bằng cách đi vào dẹp cái ý thức của chúng ta. Không lo cái tu quán, không có lo tu Định Vô Lậu. Mục đích của đạo Phật nói: "Người tu theo đạo Phật là chứng vô lậu", mà chứng vô lậu cái danh từ gọi là A La Hán. Cái danh từ A La Hán gọi là vô lậu chứ có nghĩa gì đâu. Cái nghĩa của nó là vô lậu. Mà cái người vô lậu là chứng quả A La Hán chứ gì? Mà vô lậu thì nó đâu có cái dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Nó có ba cái lậu hoặc. Mà một cái định mà đức Phật gọi là Định Vô Lậu, đó là cái thiền quán. Mình ngồi mình tư duy, mình triển khai cái tri kiến của mình chứ đâu có ức chế nó đâu.
(10:40) Cho nên ở đây chúng ta thấy thầy Chơn Thành, suốt từ cái thời gian dài, bảy, tám năm trời nay thầy mới thức được cái thời gian như vậy. Mà thầy còn lo, thầy còn sợ bị tưởng. Còn thầy Thiện Thảo mới đến đây có bảy, tám tháng, rồi mới có chiến đấu được trong mười mấy ngày gần đây, trong cái lớp học của chúng ta, quyết tâm nghe lời Thầy dạy cho nên thầy nhiệt tâm thầy ôm pháp đánh giặc. Hôm nay có Thầy cho nên bắt buộc là phải giữ gìn cái tâm thanh thản, an lạc, vô sự. Khi có một cái trạng thái nào đến thì phải tác ý xả bỏ liền tức khắc, không chấp nhận trạng thái đó.
Thậm chí như nó bắt rung người, nó bắt lúc lắc. Nó làm vậy nè. Cái miệng tự động nó. Cái môi nó đưa qua đưa lại, đưa qua đưa lại. Mình thì làm không được đâu, mà cái tưởng nó làm đó mấy con. Mấy con đừng nghĩ. Còn cái hàm răng vậy nè, tự nó đánh qua đánh lại, đánh qua đánh lại. Kêu là hành tưởng. Tự động nó làm. Cho nên mấy con bị vào tưởng là nó cứ ngồi lúc lắc, lúc lắc. Đó là nó tự động đó. Nó hoạt động cái thân của mấy con lúc lắc. Hoặc nó cúi lên cúi xuống, cúi lên cúi xuống. Trong khi mà nó bắt như vậy, nó làm cho chúng ta có cái sức tưởng hỷ lạc. Nó làm chúng ta thấy an lạc lắm, thích lắm. Càng cúi là càng thích. Còn khi tưởng mà nó gom cái tưởng mà nó an lạc, nó lúc lắc người ta cúi xuống vậy nè. Rúc xuống vậy. Mà càng rúc xuống thì nó an lạc.
Cho nên cái người mà tu tưởng khòm lưng. Nhìn thấy mấy cái tướng nó bị khòm lưng.
(12:18) Trưởng lão: Cho nên tu hành mình phải tu đúng, tu căn bản, có bài bản đàng hoàng, có từ thấp đến cao. Mà vào cái sự tu từ thấp mà đến cao, thì đức Phật đã dạy cái pháp Tứ Chánh Cần. Chúng ta thấy rõ trong pháp Tứ Chánh Cần: "Ngăn ác, Diệt ác. Sanh thiện, Tăng trưởng thiện". Vậy thì ngăn cái ác pháp đầu tiên đó thì Định Vô Lậu. Bởi vì Định Vô Lậu thì mới triển khai được cái tri kiến của mình, cái sự hiểu biết của mình để cho mình ngăn chặn tất cả các ác pháp. Nếu mà cái tri kiến mình không có, cái Chánh Kiến mình không có thì cái ác pháp đến, cái tà kiến mà mình cứ cho nó là Chánh Kiến thì làm sao mình tu được? Các con thấy chưa?
(12:53) Vì vậy triển khai căn bản nhất là triển khai cái lớp Chánh Kiến để làm cho chúng ta thấy mọi pháp đúng như thật, nó không còn sai. Chứ không phải ngồi ức chế tâm cho hết vọng tưởng mà đúng. Cho nên cái lớp này đức Phật đâu có dạy chúng ta… Này Chánh Kiến này, rồi mới Chánh Tư Duy rồi Chánh Ngữ.
Dạy chúng ta từ cái suy nghĩ cho nó đúng chứ đâu có dạy chúng ta ức chế suy nghĩ, không cho nó suy nghĩ, không cho nó phân biệt? Mà chúng ta hễ vào tu theo đạo Phật thì bắt đầu buộc cái ý thức chúng ta không có khởi niệm ra. Mà không khởi niệm rồi lấy cái gì mà suy nghĩ?
Đó là cái sai của thời đại chúng ta tu hành theo đạo Phật, đó là cách sai mà không theo đúng cái lộ trình của đạo Phật. Bát Chánh Đạo đức Phật đã vạch rõ rồi dạy chúng ta suy nghĩ đúng nè, rồi dạy chúng ta Chánh ngữ, chúng ta phải nói đúng lời nói, không được nói sai, không được nói những lời ác ngữ, mà nói những lời thiện ngữ, ái ngữ chứ không được nói cái lời ác ngữ. Buộc lòng chúng ta phải học cả những cái lớp mà ái ngữ học để học nói đó, chứ mình phát ngôn ra rồi nó đem đến những cái tai họa.
Cho nên trong cái nhân quả thì mấy con thấy cái nhân quả về con ngươi đó, thì cái lộ trình mà đi của con người thân hành, khẩu hành, ý hành. Thì khẩu hành của chúng ta là cái ngôn ngữ chứ gì?.
(14:06) Trưởng lão: Cho nên trong cái sự tu tập chúng ta, nó có sự kết hợp chặt chẽ trong những cái phương pháp để mà chúng ta biết, để mà chúng ta thực hiện. Cho nên về cái Định Vô Lậu nhằm nó triển khai hết, từ cái chỗ mà triển khai Chánh Kiến, Chánh Tư Duy rồi tới Chánh Ngữ, rồi Chánh Nghiệp, rồi mới tới Chánh Mạng, rồi Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, đều hoàn toàn nằm ở chỗ triển khai tri kiến của chúng ta. Làm chúng ta có cái sức làm chủ bằng tri kiến đó.
Coi như là mình đến chùa, mình niệm hương đó, năm cây hương mình thắp đó. Các con thấy cái bài niệm hương: “Giới hương, Định hương, Dữ huệ hương”.
Giới hương - “Giới, Định, Tuệ” nó là ba cây hương đầu, nhưng mà cuối cùng thì các con thấy: “Giải thoát, giải thoát tri kiến hương”* chứ gì? *“Giải thoát tri kiến hương”.
Cái chỗ mà tri kiến hương đó: “Giải thoát tri kiến hương”. Tới cây hương thứ năm đó mới chính là sử dụng cái đó để mà con người mình được giải thoát.
Nghĩa là dạy chúng ta sống một con người bình thường, chứ không phải dạy chúng ta ngồi thiền như gốc cây, như cục đá. Người bình thường mà tri kiến chúng ta có cái sự hiểu biết giải thoát, cho nên gọi là “Tri kiến giải thoát hương”. Cây hương tâm đó, cây hương tâm của chúng ta bằng cái sự hiểu biết giải thoát.
Cho nên Định Vô Lậu rất cần thiết. Vì thế mà hôm nay các con học tới cái bài làm, cái bài nhân quả con người. Rồi đường đi của nhân quả của con người đó là thân hành, khẩu hành, ý hành. Thì thân hành, khẩu hành, ý hành chúng ta thấy nhìn qua thập thiện thì chúng ta thấy. Về thập thiện thì thân có ba, ý có ba mà khẩu tới bốn lận, bốn cái thiện.
Mà nếu không học, không học nhân quả, trên con đường đi, ba cái nơi mà xuất phát của nhân quả này, mà không nhận ra được mười cái điều lành này, thì chúng ta không tu được. Bởi vì chúng ta không hiểu, sự thật ra thì đức Phật dạy thập thiện tức là dạy chúng ta biết cái lộ trình của nhân quả, nhân quả của con người.
(16:09) Một điều làm ác thì sẽ có cái quả, quả khổ của nó. Một điều làm thiện thì sẽ có phước báo của nó, cho nên dạy chúng ta không làm điều ác. Thân không làm ba điều ác, ý không làm ba điều ác, miệng không làm ba điều ác. Nó rõ ràng mà.
Cho nên vì vậy mà học về nhân quả con người, thì chúng ta học thân hành niệm là học thân hành, khẩu hành, ý hành. Ba cái này phải thông suốt và thông suốt mà còn phải biết khi mà thông suốt nhân quả của nó mà phải biết áp dụng. Áp dụng vào đời sống của chúng ta mới được gọi đó là tri kiến giải thoát. Mới được gọi là ngăn ác, diệt ác, sanh thiện, tăng trưởng thiện, đó là cái phương pháp tu của chúng ta như vậy.
(16:52) Cho nên hôm nay chúng ta thấy rằng, chúng ta thấy rằng trước cái sai lệch của một số người, và đồng thời chúng ta cũng thấy, thấy một người khi tu được thì mình cũng nôn nóng mình cũng nỗ lực mình cũng muốn tu được như người khác. Chứ đâu phải ai muốn tu để cho mình chậm, muốn cho mình mau để cho làm mình xong.
Nhất là thấy Thầy quá cực khổ cũng muốn mình tu cho xong để mà giúp Thầy, để một bàn tay giúp Thầy cho Thầy đỡ cực khổ. Đó là cái tâm nguyện của các con hiện giờ, người nào cũng vậy chứ không có riêng người nào, bao giờ muốn tu xong để giúp Thầy !
Nhưng phải căn bản mà đi vào, phải siêng năng, hằng ngày phải giờ giấc nghiêm chỉnh, rồi lần lượt mình tăng dần lên. Do cái sự xả tâm, xả tâm của Định Vô Lậu mà mình tăng lên thì mình không mất căn bản, mình không mất căn bản. Phải biết tu. Ở đây, đức Phật không dạy chúng ta thức đêm, thức khuya để mà phá hôn trầm, thùy miên. Mà đức Phật dạy chúng ta lần lượt: “Ngăn ác, diệt ác, sanh thiện, tăng trưởng thiện” tới khi nó không ngủ là nó không ngủ, nó phá hôn trầm, thùy miên là nó phá hôn trầm, thùy miên, chứ chúng ta đừng vội vàng.
Cho nên Thầy từ mười một giờ hoặc là mười giờ rưỡi mười một giờ, hoặc một hai giờ thì có bóng đi vào cái khu vực tu tập thì Thầy thấy mấy con thiệt vất vả. Thầy rất xót xa. Cái thất này còn bật đèn, thất kia còn bật đèn, nhiều khi mấy con tự làm cho mình khổ quá khổ để mà chiến thắng với hôn trầm. Các con chắc không nhìn thấy điều đó chứ Thầy đứng bên ngoài Thầy thấy được điều đó, mấy con đã tự làm khổ mình ghê gớm lắm.
Thầy thấy nó buồn ngủ quá mấy con tìm mọi cách, người thì làm thế này, kẻ thì làm thế kia để cho nó đừng ngủ, để cho nó thức. Trong khi đó mấy con gần như là trong cái cuộc chiến đấu gần như là rất khổ đau.
Nhưng đạo Phật nói: “Đạo của ta, pháp của ta đến để mà thấy”, thấy để giải thoát chứ không phải thấy mấy con cực khổ quá. Nếu ông Phật còn sống mà thấy mấy con chiến đấu với hôn trầm kiểu này chắc ông khóc chắc chết.
(19:00) Thật sự ra mà Thầy thấy mấy con quá khổ trong khi cuộc đấu tranh, chiến đấu này, thật sự tới cái giờ phút mà tận cùng Thầy bảo: “Một là chết hai là sống” thì mấy con hãy làm, chứ bây giờ mấy con quyết tâm như vậy thì Thầy thấy Thầy quá xót xa.
Thầy tu chín năm trời. Thầy chịu đựng cũng nhiều gian khổ nhưng Thầy thấy mấy con chịu làm gian khổ mà khi có Thầy, Thầy đã biết đường đi mà để cho mấy con hành hạ thân xác của mấy con vậy thì Thầy không có nỡ lòng. Thầy không có nỡ lòng.
Cho nên vì vậy, Thầy mong sao cái giờ ngủ thì Thầy đến những cái khu vực của các con thì điều tắt đèn ngủ hết, mà cái giờ thức thì mấy con điều đặn mấy con thức. Đó là mừng của Thầy. Nghĩa là mấy con chiến thắng được nho nhỏ với bản thân của mình, nó không đến đỗi làm cho mấy con quá cực khổ, khổ đau quá hằng khổ, còn mấy con quá khổ hạnh.
(19:53) Cho nên vì vậy mà chiến đấu với hôn trầm, thùy miên, trong khi đó cái tâm mấy con còn một đống tham, sân, si quá trời! Mà mấy con chiến đấu kiểu này chắc mấy con ức chế bữa nào nó bật ra một bữa thì mấy con khùng điên chứ nó đâu có sống nổi với nó.
Đó cho nên cái tu hành phải nắm cho vững cái đường lối tu, mà Thầy đã nói nó có bảy, nó có tám cái lớp tu, tu từ thấp đến cao mà do Thầy hướng dẫn. Mà do Thầy hướng dẫn bây giờ mấy con tự mà mấy con như vậy, thì chắc chắn là Thầy thấy đệ tử của Thầy sao nó gan quá, mà nó gan điên hay sao cái mấy bữa nó khùng hết.
Cho nên các con phải từ từ nghe theo lời Thầy mà nỗ lực tu tập, siêng năng đúng giờ giấc là đủ rồi. Chừng nào mà Thầy xét thấy cái người này lên lớp, lên được cái lớp thì giờ giấc mấy con sẽ đẩy lui được, đó là Thầy đã nói với mấy con họ phân lớp mà. Còn người nào mà chưa được ở lại thì mấy con cứ giữ giờ giấc như vậy mấy con tu. Rồi mấy con ở lại mà tu. Nếu mấy con dở nữa thì cái người kia ở ngoài người ta xin vô cái lớp thì người ta đồng học với mấy con, rồi mấy con dở mấy con ở lại họ hơn họ lên lớp, có vậy thôi.
Thì mấy con xấu hổ mấy con phải ráng mấy con tu để vượt qua có vậy thôi, chứ còn bây giờ đừng có lật đật, chưa có sắp cái lớp cao mà mấy con nhào lên cao coi chừng mấy con rớt xuống, mà Thầy đỡ không kịp, Thầy nói cho biết.
(21:16) Trưởng lão: Ở đây có một thiền sinh có gởi cho Thầy một bức tâm thư nói lên những cái cảm nghĩ của mình với cái lớp học Bát Chánh Đạo này, thì Thầy thấy đây cũng là một cái điều để mà chúng ta đọc lên để mà sách tấn tu hành. Thầy không nói bức tâm thư này của người nào nhưng mà là một thiền sinh trong cái khóa tu học này.
(21:39) Trưởng lão: (Đọc thư) Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, kính bạch Thầy !
Đến hôm nay là mười tám ngày con tham dự lớp Bát Chánh Đạo, tâm con rất vui vì mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày con mở rộng tầm nhìn, tầm hiểu biết của mình bằng tri kiến giải thoát. Đời học sinh của con đã trải qua ba trường học, nhưng không trường nào có nội quy, kỷ luật nghiêm khắc như trường này. Tuy vậy, nhưng con không có ý định trốn học bỏ học, vì những gì con đang học là đạo đức Nhân bản, vì trường học của con mang đến tình người thật sự cho con.
Con cũng biết một ông thầy giáo tuổi gần tám mươi mà đứng lớp dạy lại phải soạn giáo án, chấm bài vất vả, vì con đã từng làm cô giáo nên con hiểu điều này: “Lên non mới biết non cao, dạy trò mới biết công lao của Thầy”. Vì thương học trò mà Thầy tận tình chỉ dạy, đã không thu học phí mà Thầy còn chu cấp học bổng về ăn ở, sách vở, giấy bút. Thầy ban tặng lời khen cho những ai học tốt và lời sách tấn cho những ai chán nản, biếng lười.
Con tin rằng dưới sự đào tạo từng lớp căn bản của Thầy, tương lai không xa sẽ có người tu chứng quả A La Hán, thay Thầy chỉ dạy lại nền đạo đức Nhân bản- Nhân quả cho chúng sanh.
(23:20) Con thương những cụ già quên đi sự phụng dưỡng của con cháu ngoài đời, vào đây tu tập với tâm nguyện thiết tha, mong mình được giải thoát trong giây phút cuối cuộc đời. Con thương những thanh thiếu niên bỏ đi vui thú ngoài đời về đây tu học, với tâm nguyện độ mình và độ người. Con thương tất cả mọi người cũng như thương bản thân con, trước khi gặp Chánh pháp phải trải qua biết bao nhiêu luân hồi khổ đau.
Nhìn những người thiếu phước duyên gặp Phật pháp đang mê mờ, tạo ác nghiệp rồi thọ nhận quả ác mà tâm con nhói đau. Bởi từ trường ác của con người đã tạo hằng ngày, sanh ra nạn kiếp, con người hủy diệt con người, như sóng thần động đất thiên tai lũ lụt hạn hán bệnh tật. Hết vùng này đến vùng nọ, rồi tương lai con người sẽ ra sao?
Con cầu mong tất cả tu sinh tham dự lớp Bát Chánh Đạo, phải dốc tâm dốc sức tu tập cho chứng đạt chân lý, không phải vì mình mà vì tất cả chúng sanh. Vì những con người đang đau khổ, đang khao khát nền đạo đức nhân bản - nhân quả trên hành tinh này.
Chơn Như, ngày 19 tháng 11 năm 2005,
Kính bút.
(24:44) Trưởng lão: Đây là một bức thư của một thiền sinh cảm nghĩ về cái lớp học cũng là một sự ước ao, nhưng cái câu xúc động nhất là nhìn hồi buổi sáng, các cụ học cái lớp này tu tập Chánh Niệm Tĩnh Giác, tuổi lớn cũng nhiều. Cho nên cái câu nói rất đúng: *“Con thương những cụ già quên đi sự phụng dưỡng của con cháu ngoài đời, vào đây tu tập với tâm nguyện thiết tha, mong mình được giải thoát trong phút giây cuối cuộc đời*”. Thật sự ra các cụ bỏ về đây, thay gì tuổi các cụ được con cháu cung dưỡng đầy đủ, mà bỏ hết để vào đây tu tập.
Đó là cái nhận xét không sai, cho nên đứng trước các cụ, các bác mà lớn tuổi Thầy rất thương. Tội! Trong những phút cuối đời mới gặp được Chánh Pháp, sức khỏe không còn, nhiều cụ buổi sáng đi kinh hành ngồi xuống, Thầy thấy nghe nó năng nhọc vô cùng, rồi đứng lên. Vì vậy mà Thầy có khuyên thôi cụ nên nhắc một chiếc ghế, rồi khi mà ngồi thì mình ngồi xuống chiếc ghế, chứ ngồi xếp bằng để cái mình, mình ngồi xuống mà cái lưng nó còm như vậy, và nó yếu đuối như vậy, thật là khổ sở!
Nhìn thấy các cụ đi từng bước đi rung rung, mà vì sự giải thoát mà phải đem thân mình tập luyện trong lúc sức khỏe tàn tạ, chẳng còn bao nhiêu. Vì thế trước cảnh ấy chúng ta rất là đau lòng, thương xót. Những cụ già đáng cha, đáng mẹ, đáng những người anh chị chúng ta, thế mà ngày hôm nay vẫn tha thiết đến đây tu tập thì làm sao chúng ta không thương. Nhất là Thầy đã hướng dẫn những người con thân yêu của mình mòn mõi. Cho nên Thầy sẽ cố gắng sẽ hướng dẫn những người con của Thầy, những người đệ tử của Thầy, phải làm sao để thoát khỏi sự đau khổ của kiếp làm người.
(26:49) Trưởng lão: Cho nên qua bức thư cảm nghĩ lớp học này thì Thầy thấy đây là một sự nhìn nhận đúng sự thật, mà chính tâm trạng Thầy đang ở trong tâm trạng thương yêu những người đệ tử của mình, dám bỏ cuộc đời vào đây tu tập.
Thầy mong rằng các con hãy cố gắng vượt qua những khó khăn từng tâm niệm của mình, để thực hiện được con đường tu, con đường tu giải thoát. Để thắp sáng lại ngọn đuốc của đạo Phật, để thắp sáng để dựng lại nền đạo đức Nhân bản - Nhân quả của loài người. Đem lại hạnh phúc vô cùng cho con người trên hành tinh này, Thầy mong điều này lắm.
Nhưng Thầy biết các con sẽ cực khổ với Thầy nhiều trong sự tu tập, trong sự tu tập! Cho nên những gì mấy con thấy Thầy lo lắng làm sao cho đời sống mấy con ổn định, cho nên vừa rời khỏi lớp Thầy phải đến phòng ăn để coi sự ăn uống người ta phân phát như thế nào. Để giúp cho các con được vào cái nề nếp cho yên ổn, nếu có điều gì mà xảy ra lộn xộn thì làm cho các con động tâm thì khó mà tu.
Cho nên Thầy rất là vất vả, từ ở lớp dạy phải đi ra lo đời sống của con trong buổi trưa, mà không dám để cho một người khác, sợ bỏ lơ một chút thì có chuyện làm động tâm cho mấy con rất nhiều, cho nên Thầy phải chạy tới chạy lui coi thử coi như thế nào.
(28:23) Và đồng thời Thầy nghĩ rằng, với cái sự điều khiển của Thầy thì chắc chắn sẽ đem lại được sự bình an cho mấy con tu tập. Thầy mong rằng tất cả những sự việc đang và hiện xảy ra đều được bình an, đừng có điều gì xảy đến, làm cho mấy con trở ngại, khó tu hành. Thầy rất mong điều đó.
Nhưng nhân quả của các con cũng còn nặng, cho nên có nhiều khi gặp những sự chướng ngại Thầy mong rằng các con phải bình tĩnh, bình tĩnh, gặp những chướng ngại gì đó các con bình tĩnh. Thương Thầy nỗ lực tu, đừng dao động tâm, đừng dao động tâm.
Mọi việc điều có Thầy ! Thầy giải quyết rất là êm đẹp, không bao giờ làm đau khổ một người nào hết. Bởi vì cuộc đời của Thầy từ bất cứ một người nào Thầy cũng đều thương hết. Thầy đem sự thương yêu của Thầy ban rải tất cả mọi người. Không bao giờ làm cho họ chướng ngại, nhưng vì họ chướng ngại thì mình cố gắng khắc phục những cái chướng ngại trong tâm họ, vì sự hiểu lầm mà người ta tự làm đau khổ.
Sự hiểu lầm là tại sao mấy con biết không? Tại vì mình vô minh mấy con, mình không hiểu cho nên mình mới hiểu lầm. Chứ còn mình hiểu mình không vô minh thì mình không hiểu lầm, mà do hiểu lầm, do từ cái lòng tốt mà người ta hiểu lầm thì người ta lại đau khổ. Rồi do cái sự hiểu lầm đó, rồi người ta làm theo cái kiểu hiểu vì vậy mà nó làm động, nó làm động đến chúng ta.
Cho nên chúng ta hãy cố gắng bình an, vì mấy con tin rằng sống bên cánh tay của Thầy, trong cánh tay của Thầy che chở thì Thầy mong rằng, có những gì thì Thầy sẽ cố gắng khắc phục được bình an cho mấy con tu tập.
(30:11) Thầy đem lại một tình thương của một con gà mái mà dẫn dắt một bầy con, để cho đến khi các gà con trở thành trưởng thành những con gà lớn không còn lo lắng nữa. Chứ còn những con gà con còn nhỏ quá, lỡ có điều gì thì bị chồn tha quạ cướp đi. Cho nên Thầy xem mấy con như những đàn gà con, mà Thầy như con gà mẹ. Cho nên những gì thì các con cũng đều là dưới cánh tay của Thầy che chở, các con cứ yên ổn trong cái vòng tay của Thầy mà lo tu tập thôi.
Còn riêng Thầy, Thầy phải đương đầu và đối phó mọi cách, để làm sao bảo vệ cho con mình được yên ổn mà tu hành. Đó là cái điều mà hiện giờ Thầy đang gánh vác ở trên vai của mình. Vì thương đời, vì thương người mà Thầy phải gánh vác nặng nề như vậy, mà Thầy phải chịu đựng tất cả những điều có thể vượt qua mà Thầy tin rằng với một con người của Thầy không có gì khó đối với Thầy. Thầy đều vượt qua được hết và làm sẽ tốt và đem lại hạnh phúc.
Không riêng một người nào, nghĩa là không bỏ một người nào, không bỏ một người nào! Tức là Thầy sẽ đem lại hạnh phúc cho người nào, người nào càng đau khổ, càng vô minh hiểu lầm thì Thầy lại cố gắng gần gũi và đem cái lòng thương của mình chân thật. Và cũng có cái sự cương quyết chứ không phải là thương một cách mù mờ để làm lệch cái con đường chánh pháp của Phật.
Thầy không muốn một lần nữa Phật pháp sẽ bị mất đi, và giáo lý của nhà Phật sẽ không còn ở trên thế gian này, Thầy rất tội cho con người. Cho nên nhất định là Thầy cố gắng đem hết sức của mình duy trì, để bảo vệ nó, để dựng nó lại để làm cho mấy con một con đường sống một con đường đi, một lối sống hẳn hòi đàng hoàng, để trở thành những con người có đạo đức thật sự, đem lại hạnh phúc cho con người.
(32:08) Đó là ước muốn, mà ước muốn này Thầy mong rằng cái lớp này các con hiểu được Thầy. Đừng vì một lý do gì mà các con bỏ cuộc mà các con rời khỏi Thầy, thì muôn đời các con cũng vẫn chịu khổ mà thôi. Cho nên mấy con ráng cố gắng thì Thầy sẽ đem hết sức mình để giúp mấy con. Trừ ra duyên của chúng sanh không đủ, không đủ! Dồn dập tới tấp, hết điều này đến điều kia, với sự cố gắng hết mình của Thầy.
Nghĩa là phải đặt thành vấn đề, với sự cố gắng hết mình của Thầy mà không vượt qua được, thì Thầy đành bỏ, đành bỏ cuộc, thì chắc chắn là Phật pháp sẽ không còn dựng lại nữa, thì lúc bây giờ chúng ta mới đầu hàng.
Còn khi mà Thầy còn hơi thở, những hơi thở cuối cùng của Thầy, Thầy vẫn giữ vững lập trường, làm sao chấn chỉnh lại Phật giáo. Nền đạo đức mãi mãi trường tồn với con người trên hành tinh này, đó là một điều Thầy cương quyết với Thầy và với mọi người. Nghĩa là làm sao cho được những điều này để lợi ích cho loài người, chỉ có vậy mà thôi.
(33:16) Trưởng lão: Cho nên bây giờ, đến giờ phút mà các con phải cố gắng và Thầy kiểm tra từng người từng hành động. Sau khi những người nào mà được Thầy cho. Trước khi mấy con tu tập, mấy con cứ đi Chánh Niệm Tĩnh Giác.
Nó có bốn cái giai đoạn tu tập Chánh Niệm Tĩnh Giác. Mấy con tập được cái giai đoạn nào mà thấy an trú được, thấy nhiếp phục được, thấy phá được hôn trầm thì mấy con tu tập cho Thầy xem.
Người nào mà tu tập được thì Thầy cũng không nói được, mà người nào tu tập không được Thầy cũng không nói không được.
Nhưng sau đó người nào mà tu tập mà thấy sai, nhiếp tâm chưa được, thì Thầy sẽ có giấy mời mấy con, coi như mấy con tu sai mà thì phải mời chứ để mà sửa, chứ còn không mời mấy con rồi. Còn bây giờ mà giữa đám đông vầy đó, mà nói mấy con tu sai này kia thì mấy con là người lớn rồi mà nói vậy thì mấy con tự ái sao?
Cho nên khéo léo! Thầy không có nói như vậy được, mà Thầy sẽ âm thầm Thầy trò sẽ gặp nhau, Thầy trao đổi với mấy con: “Bây giờ mấy con sẽ sửa cái đó lại, tu vậy… vậy…!”. Để giúp cho mấy con đừng có tự ái với bạn bè của mình, vì vậy cho nên mọi người cũng chẳng biết mình tu đúng tu sai, đi đúng, đi sai, đi như thế nào hết.
Các con thấy, đây bây giờ các con sẽ nhìn thấy sự đi kinh hành của mấy con, người nào cũng không giống người nào đâu. Rồi mấy con biết tại sao nó không giống? Tại vì mọi người đều có cái đặc tướng, và có cái kinh nghiệm của bản thân của mình khi bước đi thì nhiếp tâm, thì người nào nhiếp tâm theo người nấy.
Tuy rằng Thầy dạy các con chung chung một cái pháp như vậy, đi kinh hành, tác ý rồi đứng lại hít thở, rồi ngồi xuống hít thở, rồi tác ý từng hành động. Đó là bốn cái pháp thực hiện để mà phá hôn trầm, thùy miên.
Nhưng mà các con thì kẻ đi như thế này, kẻ đi nhanh, người đi chậm, kẻ đi kiểu cách này, người đi kiểu cách khác. Các con đừng nói sao mà Thầy dạy người này đi không giống, bởi vì Thân Hành Niệm mà. Nghĩa là người nào đi cũng có hành động hết thì cứ đi mà tập trung thôi, có đâu mà chê người này đúng người này sai, nhưng mà ăn thua là ở chỗ nhiếp tâm được hay không đó.
(35:28) Cái điều kiện quan trọng là Thầy sẽ xem xét cái chỗ nhiếp tâm, coi đi như vậy là nhiếp được hay là không nhiếp được. Đi như vậy mà an trú được hay không an trú được, để giúp cho cái người đệ tử của mình họ nhiếp được và an trú được. Họ tu tập được, để họ đẩy lui cái trạng thái hôn trầm, thùy miên của họ.
(35:48) Đó! Thì bắt đầu, bây giờ đó thì cái người ngồi đầu tiên, con hãy đi Thân Hành Niệm. Bây giờ đi cái kiểu nào thì xin trình lại đây, cho mọi người nghe mình đi phương pháp nào, để cho người ta biết mình đi cái phương pháp đó, vì có bốn cái phương pháp lận mà. Phải không?
Tu sinh: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính bạch đức Trưởng lão cùng đại chúng!
(36:15) Hôm nay được Thầy cho phép đi kinh hành, để thực hành cái pháp Thân Hành Niệm, Chánh Niệm Tĩnh Giác của Trưởng lão dạy chúng con thì chúng con tu theo Trưởng Lão dạy đi hai mươi bước tác ý là "tôi đi kinh hành và giữ chánh niệm trên bước đi", thì khoảng thời gian con đi vậy là năm phút.
(36:44) Trưởng lão: Được rồi, rồi con sẽ đứng dậy con đi. Con tác ý lớn để cho mọi người nghe cách thức của mình đi cho nó rõ ràng, chứ con tác ý thầm chắc chỉ có mình Thầy nghe. Còn mấy người kia họ không có nghe được, rồi họ không biết là con có tác ý hay là không có tác ý. Họ nói ở đây là con đi âm thầm đó, cho nên con nhớ tác ý lớn ra để cho mọi người cùng nghe tôi đi như vậy đó.
Tu sinh: Tôi đi kinh hành tôi biết tôi đi kinh hành.
HẾT BĂNG