00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

LCK 130 (NỮ) - THẤY LỖI MÌNH ĐỪNG THẤY LỖI NGƯỜI - VƯỢT LÊN SÓNG GIÓ - TRẢ LỜI TU SINH

LCK 130 (NỮ) - THẤY LỖI MÌNH ĐỪNG THẤY LỖI NGƯỜI - VƯỢT LÊN SÓNG GIÓ - TRẢ LỜI TU SINH

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu sinh nữ

Ngày giảng: 11/2005

Thời lượng: [31:54]

1. TU HỌC LÀ SỬA MÌNH THÀNH CON NGƯỜI CÓ ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN - NHÂN QUẢ

(00:00) Trưởng lão: Hôm nay là cái buổi mà chúng ta tập thực hành Chánh Niệm Tỉnh Giác. Nhưng mà trước khi học Chánh Niệm Tỉnh Giác thì Thầy cũng xin nhắc lại cho mấy con biết là trong tất cả chúng ta đều là được học vào một lớp. Lớp học dù nam hay nữ, tu sĩ hay là ni tất cả đều là anh chị em chung nhau trong một lớp. Chúng ta là những con người, thì chắc ai cũng có những cái lỗi lầm, những lỗi lầm chúng ta tu học đều là chúng ta biết sửa.

Bởi vì người tu là người biết sửa lỗi, người luôn luôn bao giờ cũng muốn tiến chứ không bao giờ người tu là người muốn thối lui; muốn làm cho mình tốt, muốn trở thành con người có đạo đức. Mà là đạo đức không làm khổ mình khổ người nữa!

Cho nên cái bước tiến của chúng ta là luôn luôn lúc nào cũng khắc phục những cái khó khăn, để tiến bộ. Cho nên chúng ta đừng có thấy những cái lỗi lầm cũ hoặc là trong những sự việc xảy ra cái điều gì đó mà chúng ta đem ra chúng ta trách cứ với nhau; thì chúng ta là những người quá sai! Bởi vì chúng ta không thấy nhân quả. Khi mà nhân quả nó đã đi qua rồi, cái thời gian qua rồi chúng ta đừng nhắc lại, chúng ta hãy xây dựng tốt lên, chúng ta làm tốt hơn, chứ đừng có làm xấu đi!

Tất cả những điều mà Thầy nói hôm nay, chúng ta là những người đang tu học; mà tu học pháp xả tâm, xây dựng mình là con người có đạo đức. Cho nên những điều mà chúng ta lầm lỗi, những điều mà chúng ta chưa lầm lỗi đều là chúng ta chuẩn bị để chúng ta sửa mình. Khi mà chúng ta đã lầm lỗi thì chúng ta sửa.

Nhưng mà, các con cũng đừng có nên nhắc những lỗi lầm của người khác, đừng có nhắc ! Cái gì đi qua rồi, bỏ ! Tất cả những gì đi qua đó là những cơn sóng gió để mà chúng ta thử thách trên cái nhân quả mà thôi ! Nếu mà chúng ta cứ nhắc những chuyện đã qua để gây lại những cái điều không tốt; và chính mình nhắc lại những cái điều xấu của người khác hoặc là những cái điều mình chưa biết chắc mà mình nói ra thì đó là mình đã tự làm cho mình trở thành con người vô đạo đức. Bởi vì tới đây các con còn sẽ học nhân quả về Khẩu hành.

(02:27) Bởi vì chúng ta khi mà phát ra một hành động thì người ta thấy mình được cái hành động, chứ người ta chưa nghe được cái âm thanh. Còn cái khẩu hành nó mới quan trọng. Cho nên các con thấy đạo Phật dạy chúng ta Mười Điều Lành thì thân hành nó có ba điều, cái ý nó có ba điều thôi mà đến cái miệng, cái khẩu hành thì nó tới bốn điều, mấy con ! Nó bốn điều kiện, cho nên nằm trong đó có bốn điều ác.

Cho nên về cái khẩu thì chúng ta rất dè dặt, cẩn thận. Cho nên thường thường Thầy dặn các con là nên “Im lặng như Thánh, thấy lỗi mình đừng thấy lỗi người” như đức Phật đã dạy. Thế mà chúng ta cứ thấy lỗi người vì vậy mà chúng ta bất an. Cho nên khi học đến đạo đức nhân quả mà về khẩu hành thì chúng ta học rất kỹ. Nói lời nói ra làm cho mình vui, người khác vui thì nên nói, mà nói ra lời nói làm cho người khác buồn thì đừng nên nói.

Cho nên trong những cái dịp mà sóng gió ở Tu viện Chơn Như thì Thầy là người duy nhất chỉ biết im lặng. Nhờ cái sự im lặng đó mà vượt qua biết bao nhiêu là sóng gió. Thầy nói như thế này các con biết vượt qua biết bao sóng gió, ngày hôm nay mà chúng ta, mọi người mà ôm được bình bát đi đó là một sự thay đổi rất lớn ở trong Tu viện này. Mà từ mười mấy hai chục năm nay mấy con có thấy thay đổi được điều này không ? Không ! Không thể làm được nữa.

2. SÓNG GIÓ CHƠN NHƯ - MỘT SỰ CHUYỂN BIẾN ĐỂ ĐI ĐẾN CÁI TỐT CHO PHẬT GIÁO

(04:00) Nhưng mà nhờ sóng gió đó, nhờ cái nhân quả đó mà chúng ta được chuyển biến, vậy thì chúng ta phải biết ơn chứ tại sao chúng ta lại trách cứ, lại trách cứ sóng gió Chơn Như ? Mà chúng ta lại biết ơn những cái sự thay đổi, cái sự chuyển biến.

Cho nên nếu mà không có sóng gió Chơn Như thì hôm nay nó vẫn bình yên, bình thường chớ nó đâu có chuyển biến như thế này. Làm sao mấy con trở thành những Tu sĩ đệ tử của đức Phật mà ôm bình bát đi xin mấy con ? Đây là cái hạnh rất cao quý, mà từ lâu Thầy ước ao đệ tử Thầy trở thành những người đệ tử ôm bình bát đi xin.

Một sự thay đổi rất lớn của Tu viện Chơn Như ! Mà hôm nay, mấy con mới thấy chứ sự thật ra nếu mà không có những cuộc sóng gió thì bây giờ mấy con đâu có thấy. Đây là một sự chuyển biến để đi đến cái tốt của Phật giáo, để xây dựng cho tốt của Phật giáo.

Rồi cái chuyển biến mới nữa các con có thấy không ? Nếu mà các con không thấy thì các con quá dở ! Hôm nay, các con thấy rõ ràng là cái chương trình đào tạo giáo dục của Phật giáo nó rõ ràng, chứ không phải như từ xưa tới nay. Nó thuộc về cái chương trình đào tạo - giáo dục để trở thành một bậc A La Hán, có phải không ? Chứ đâu phải là tự tu để chứng quả A La Hán nữa đâu ! Mà đây là cái chương trình giáo dục - đào tạo.

Nếu không có sóng gió Chơn Như thì ngày hôm nay không có cái lớp học này. Phải không ? Thầy nói, các con thấy, nó là một sự thay đổi, một sự chuyển biến của nhân quả. Từ cái nghĩ tưởng là mấy con thấy nó xấu quá, nó tệ quá, nó đi đến cái rất là tệ nhưng mà không ngờ lại là một cái vượt bậc trên sự tưởng tượng của mọi người.

Rồi biết đâu ngày mai, trong khắp cùng đất nước chúng ta có nhiều cái lớp học như thế này. Rồi biết đâu ở ngày mai với cái số người mà đang ngồi ở trước mặt Thầy là những bậc A La Hán đã thay Thầy kê vai gánh vác dựng lại chánh pháp của Phật ! Xây dựng nền đạo đức nhân bản - nhân quả cho con người ở trên hành tinh này. Thì các con biết sự chuyển biến, sự sóng gió không có nghĩa là sự đau khổ, mà là một tác nhân của nhân quả để thay đổi một cái gì - tốt hay xấu.

(06:09) Nhưng trước mắt khi mà sự kiện xảy ra thì mấy con quá xấu chứ gì - mấy con nghĩ rằng như muốn chết chứ gì? - Nhưng mà sự thật nó không phải vậy đâu ! Với đôi mắt của Thầy đó là một cái điều rất mừng. Nhưng Thầy biết Thầy là con người phải chịu cực khổ hơn; là phải lèo lái sóng gió. Cho nên chúng ta đừng đứng giậm chân tại chỗ mà nhắc lại những cái chuyện xảy ra. Nhờ những chuyện xảy ra mà hôm nay chúng ta mới được tốt đẹp như thế này, có phải không ? Mới có lớp học, mới có người cúng dường cho chúng ta từng bữa ăn mà ở trong Tu viện chúng ta khỏi có nấu. Có phải thay đổi một cách rất là tuyệt vời không ?

Nếu không chừng không có sóng gió ba đào thì Thầy đâu có ra khỏi Tu viện, thì làm sao hôm nay có người để mà cúng dường cho chúng ta, sáu, bảy chục người ! Người ta kê vai người ta gánh vác quá nặng chứ đâu phải là không nặng, phải không ? Mấy con thấy đâu phải không nặng ! Nếu bây giờ sáu bảy chục người cô Út với những người phụ với cô Út nấu nướng mấy con thấy như thế nào ? Cực không ? Có vất vả không ?

Còn bây giờ chúng ta tới giờ thì chúng ta ôm bình bát ra đi xin, mà chúng ta thấy rất là an ổn không còn lo đói lo no nữa. Có người lo cho chúng ta rồi, đây là một sự chuyển biến chứ đâu phải là một sự tai họa. Và vì vậy mình nên biết ơn, biết ơn những điều đã xảy ra, biết ơn đã bị người này chê, đã bị người kia mắng. Cũng như bây giờ người ta chê cô Út, người ta nói Nguyên Thanh, người ta nói như thế này, thế khác…​ Người ta nói Thầy đủ thứ ! Người ta nói gì người ta nói, mặc ! Mình cứ vượt lên, vượt trên sóng gió mà đi.

Thì hôm nay, chúng ta ở trên sóng mà chúng ta chỉnh đốn được con đường của Phật giáo càng sáng tỏ hơn. Và đồng thời ngày hôm nay có nhiều người đứng trước cơn sóng gió đó họ tưởng là bị sụp đổ, cho nên họ đem cái sức tận lực của họ, cố gắng để xây dựng cho được cái Trung Tâm An Dưỡng với cái ước nguyện của Thầy chứ gì, để làm sáng tỏ lại !

Hiện giờ, những người mà biết Thầy, mà được cái sự việc mà đã xảy ra thì họ đang dao động, họ không biết như thế nào ! Và khi mà họ được cái tin ở đây tất cả “ Chúng ” trở thành những con người khất sĩ, những con người ôm bình bát đi xin - cái sự thay đổi, thay đổi rất kỳ lạ mà không ngờ được ! Và đồng thời chúng ta lại có được học tập những cái phương pháp rất là cụ thể. Không còn chỗ nào mà chúng ta có thể chê được.

(08:40) Bởi vì từ xưa đến giờ Phật pháp thì chúng ta học chữ, học nghĩa để có cấp bằng. Còn hôm nay chúng ta không học chữ, học nghĩa mà học để được giải thoát, mà học để được chứng quả A La Hán! Cách thức chúng ta từ xưa đến giờ không có ai làm được điều này. Chúng ta vừa học để hiểu, vừa triển khai tri kiến chúng ta để làm chủ từng tâm niệm của chúng ta, từng đối tượng của chúng ta đó là những bài học Định Vô Lậu.

Rồi hôm nay chúng ta lại luyện tập để có cái sức định tĩnh. Nhờ sức định tĩnh chúng ta phá đi những cái ngu si, cái vô minh của chúng ta muôn đời ngàn kiếp, đó là cái tâm tham ngủ của chúng ta, si mê của chúng ta.

Hôm nay sự diễn biến, như vậy thì chúng ta thấy rõ ràng sự diễn biến của Tu viện Chơn Như là một bước tiến chứ không phải là một bước lùi ! Các con thấy rõ, bước tiến rõ ràng mà ! Cách đây một năm, hai năm các con về Tu viện này các con có ôm bình bát không ? Hoặc là các con thấy rất là tiện là các con chỉ cần bước ra vài bước là các con sẽ bưng cái mâm cơm các con ăn.

Nhưng mà các con không hãnh diện bằng khi bây giờ các con ôm bình bát đi từng bước, nhiếp tâm từng bước, tỉnh thức trên từng bước rồi đến nhận cơm do người ta nấu cơm ở đâu người ta đem đến đây để cúng dường mình. Thì thật là mình thấy hạnh phúc vô cùng giống như Phật ngày xưa đi xin từng nơi, từng chỗ để ăn mà thôi.

3. NGƯỜI TU HÀNH PHẢI CÓ TÂM LƯỢNG LỚN - BIẾT ƠN SÓNG GIÓ CHƠN NHƯ

(10:06) Hôm nay, chúng ta thấy như vậy chúng ta phải nỗ lực cố gắng tu tập. Và anh chị em chúng ta trong một nhà, chúng ta hãy thương yêu nhau. Thầy thường nói với mấy con, người ta chửi mình, mình nên suy nghĩ thương người chửi mình, chứ sao lại mình ghét người ? Tại vì người ta khổ quá, người ta khổ quá người ta mới chửi mình chớ ! Khi mình suy nghĩ vậy mình mới thương.

Bây giờ những sự kiện nó xảy ra, những người mà đang bị lồng trong cái nhân quả đó để chuyển biến cho chúng ta tốt, những sự kiện xảy ra thì chúng nên thương những người đó chớ. Những người đó bị tai tiếng, bị đủ thứ. Họ có thể, nếu mà họ gắng gượng họ còn sống được chứ còn nếu cỡ mà họ không gắng gượng họ sống được không mấy con ?

Khi mà họ bị tai tiếng người này nhìn họ với đôi mắt coi như là căm ghét, với đôi mắt như thù địch ! Nhưng mà nếu không có những người đó thì hôm nay chúng ta có những cái lớp học như thế này không ? Có những cái cuộc sống được thay đổi như thế này không? Nếu không có người đó chịu bầm dập, chịu lót đường làm đá trải cho chúng ta đi thì hôm nay chúng ta có được như thế này không, mấy con?

Cho nên hôm nay chúng ta nhìn lại, nhìn lại cái quá khứ thời gian mà hôm nay chúng ta được như thế này thì chúng ta biết ơn những người đã chịu đựng bằng nước mắt, bằng máu của họ. Để hôm nay họ trải đường cho chúng ta đi.

Thì những người mà làm đá, làm đường bằng máu, bằng nước mắt trong đó có Thầy chứ không phải không, mấy con ! Nhưng Thầy là một người tu chứng cho nên vì vậy đối với Thầy thì chẳng có gì. Nhưng mà tội cho những người, người ta tu chưa xong, mà người ta phải trải đường để cho những người khác đi, người ta đau khổ lắm ! Bởi vì người ta tu chưa xong tâm người ta làm sao bất động được. Người ta phải khóc âm thầm, người ta chịu đựng !

Rồi chúng ta thì luôn luôn có những cái đôi mắt khinh bỉ, cái đôi mắt coi rẻ, cái đôi mắt coi thường. Nhưng sự thật không nhờ những người đó thì hôm nay chúng ta không có lớp học này. Cái gì tốt nó phải tốt, mà cái gì xấu nó phải xấu; nhưng cái sự chuyển biến của nhân quả mà những người chịu đựng những cái quả khổ đó thì chúng ta phải nghĩ đến như thế nào ? Đặt thành vấn đề như chúng ta đứng trong vị trí đó, chúng ta còn sống được không ? Khi người ta nói những cái danh từ rất là tệ hại mà xã hội đều không chấp nhận những người đó. Trái lại chúng ta là những người tu, chúng ta là những người biết ơn thì chúng ta phải nhìn những người đó là như thế nào ?

(12:27) Hôm nay, Thầy nói để cho các con biết rằng người tu hành chúng ta phải có tâm lượng lớn, không phải cái tâm lượng hẹp. Sự kiện xảy ra rất nhỏ mọn mà chúng ta luôn luôn lúc nào cũng ôm ấp trong đầu, có một sự cay đắng, có một sự khổ đau, nói: " phải chi mà không có người đó, không có chuyện đó thì chắc chắn là đã được bình yên hơn không ! "

Nhưng mà Thầy nói với mấy con nếu mà sự bình yên như vậy chưa chắc đã là chúng ta hôm nay được triển khai như thế này. Và vì vậy lớp học chúng ta cũng chưa có. Và biết đâu ngày mai cũng chưa bao giờ có những cái Trung Tâm An Dưỡng. Và cũng chưa bao giờ có những người mà tha thiết đứng ra để mà lo giấy tờ để thành lập Trung Tâm An Dưỡng.

Sự nhắc nhở của Thầy, Thầy nói ra để cho mấy con hiểu ! Bởi vì sau những ngày gần đây thì Thầy thấy trong các con có những đôi mắt, cái nhìn không đúng đắn lắm, cái nhìn của một người chưa hiểu biết. Cho nên Thầy muốn gợi ý để mấy con thấy rằng, tất cả những sự đau khổ trải qua là một điều tiến bộ, là một điều vượt lên, là một điều chịu đựng những sự đau khổ để chúng ta vượt lên cho tốt hơn.

Hôm nay là những cái ngày mà chúng ta được một khoảng thời gian hơn nửa tháng nay, lớp học của chúng ta cũng được bình yên. Và trong nửa tháng nay tuy rằng các con thấy Thầy nói danh từ bình yên, chứ sự thật ra nếu không khéo thì chẳng bình yên chút nào, bao nhiêu cơn sóng gió nó chưa phải lặng đâu, nhưng nó sẽ lặng !

Thầy biết rằng sự lèo lái con thuyền này để bảo vệ cái lớp học - trước khi lớp học này mở, mở cái khóa học này Thầy có nói: “ Nếu cái lớp học này mà thành công thì có người chứng quả A La Hán. Mà không thành công, có người nào có cái sự việc gì thì coi như là Thầy sẽ đóng cửa và tất cả những sách vở Thầy viết, Thầy đều đốt sạch ! ” Sự quyết định của Thầy như vậy.

Nếu mà Thầy mở cái lớp học để đào tạo này mà không thành công thì Thầy sẽ ẩn bóng và những kinh sách của Thầy, Thầy đốt bỏ ! Thầy không cần một cái danh, cái lợi gì trên đời này ! Thầy đã đem hết sức mình, trong khi Thầy vượt biết bao nhiêu sóng gió để mà Thầy tạo nên cái nơi, cái môi trường tốt để dựng lại chánh pháp của Phật, để dựng lại cái nền đạo đức của Phật.

Mà nếu không được tức là chúng sanh thiếu phước. Và thiếu phước như vậy thì Thầy sẽ bỏ ra đi mà thôi ! Và từ đó thì mấy con sẽ tự tu, tự lấy với cái phận của mình. Chớ còn Thầy thấy như vậy thì Thầy không có đủ để lèo lái con đường này nữa thì Thầy sẽ ra đi ! Và đồng thời thì mấy con sẽ tu như thế nào thì tự mấy con mà thôi; chứ còn cái duyên của chúng sanh đã hết.

(15:16) Còn Thầy lèo lái tốt, bình an cho lớp học, đào tạo cho mấy con tới nơi tới chốn và sự phát triển tất cả những nơi trên đất nước của chúng ta đều có những cái khu An dưỡng, cái chi nhánh của Trung Tâm An Dưỡng; mọi nơi đều có những lớp học như hôm nay chúng ta được ngồi học.

Và những cái lớp học này nó không những ở đất nước chúng ta mà nó còn lan rộng đến cả các nước khác ở trên thế giới nữa. Bởi vì đây là một chương trình giáo dục - đào tạo cho nên nó phải được lan rộng ra. Và nó là con đường xây dựng nền đạo đức cho loài người thì nó phải được rộng rãi chứ nó không thể nào gói gọn ở trong phạm vi quê hương chúng ta, đất nước chúng ta đâu mà nó phải được lan rộng rất lớn.

4. PHÁT TRIỂN CHÁNH PHÁP CỦA PHẬT CHO VỮNG CHẮC NGAY TRÊN QUÊ HƯƠNG CỦA MÌNH - TRẢNG BÀNG TÂY NINH

(16:06) Vừa rồi ở nước ngoài có nhiều Phật tử, có một số người họ xin Thầy để trực tiếp đem cái máy vi tính của Thầy, Thầy thuyết giảng để thu tiếng nói Thầy phát ra trên mạng để họ ở đâu cũng được nghe cái buổi thuyết giảng của Thầy. Đó là cái ước vọng của họ nhưng mà Thầy không cho là tại vì cái phương tiện và điều kiện mà sử dụng thì đương nhiên là Thầy cũng chưa rành lắm. Nhưng mà có cái điều kiện là Thầy không thấy, nếu mình đem cái chánh pháp của Phật mà ngay bây giờ đó mình phổ biến như vậy thì chẳng qua là mình rao hàng quảng cáo, chớ không phải là một cái sự thật là mình đào tạo và giáo dục.

Chừng nào mình đào tạo - giáo dục thật sự có nhiều người tu chứng quả A La Hán, thì chừng đó mọi người đệ tử của Thầy họ sẽ đem cái khả năng họ để giáo dục người khác.

Còn bây giờ mà Thầy lên trên mạng, rồi Thầy ngồi đây rồi Thầy thuyết một cái bài giảng, Thầy nói thao thao điều tu hành thế này, thế khác đây là ngôn ngữ chứ không thật chứng. Mà nói như vậy chẳng qua là Thầy đưa cái danh của mình trên thế giới để người ta biết Thầy mà thôi. Người ta nghe nói hay nhưng mà gần bên Thầy mấy con tu còn khó khăn, huống hồ là ở xa làm sao người ta tu được ?

Cho nên cái yêu cầu đó thì Thầy nói để chừng nào mà hợp thời, chừng nào mà Thầy xem được thì Thầy sẽ báo cho có cái giờ trong mỗi tháng, mỗi tuần một ngày hoặc hai ngày mà Thầy thuyết giảng. Thầy hứa vậy thôi chứ sự thật ra Thầy không làm cái điều này. Bởi vì Thầy nói Phật pháp thì không bán rẻ. Cái duyên nó đến thì nơi đó phải xây dựng cái cơ sở và Thầy sẽ cho một người tu chứng hẳn hòi đàng hoàng họ sẽ đến đó, họ hướng dẫn trực tiếp. Chớ còn cái mà lên mạng quảng cáo thì chắc chắn là không làm cái điều đó, vì Phật giáo không bán rẻ những cái giáo pháp của Phật.

(17:58) Nhưng mà cái ước muốn của Phật tử thì họ ước muốn như vậy, bởi vì họ thấy ở trên mạng có nhiều nơi có nhiều thầy thường hay lên trên mạng mà thuyết giảng kinh này, kinh khác ở trên đó, thì họ cũng muốn những cái lời mà Thầy giảng, để rồi những cái câu hỏi để được Thầy trả lời cho nó cởi mở, cho nó xả đi những cái kiến chấp của người khác. Nhưng mà Thầy không chấp nhận.

Thầy không cầu danh, cầu lợi cho nên Thầy không chấp nhận những điều này. Và vì vậy mà Thầy muốn mình bước đi bước nào chắc chắn bước nấy nơi quê hương của mình. Nơi mà từ lâu mình được bình an ở đây để tu đến rốt ráo cuối cùng thì cái nơi này mới là nơi mình phát triển dễ dàng hơn bất kỳ một nơi nào khác. Vậy tại sao mình không về đây để mình cũng cố ? Để mình bỏ mình đi, điều đó là điều sai.

Cho nên Thầy về đây, thứ nhất là nhớ lại công ơn của em Thầy, cô Út cực khổ nuôi Thầy. Thứ hai là về đây thì Thầy nắm tất cả toàn quyền, điều khiển tất cả những sự việc này, cho nên tất cả mọi sự kiện xảy ra đều Thầy cố gắng khắc phục. Bởi vì mọi người đều có cái hiểu riêng, cái có cái nhiệm vụ làm riêng, nghĩ cái ý của mình nghĩ làm như vậy tốt, nhưng mà người khác sẽ nghĩ rằng không tốt. Cho nên cái điều mà cô Út nghĩ rằng cô Út làm cho tốt chứ không phải Cô Út nghĩ làm xấu, nhưng mà vì cái hiểu của cô Út nó ở trong cái tầm vóc của cô Út còn Thầy là người nhìn rộng ra mình phải biết điều khiển thế nào.

Nhưng vì những cái ý như vậy và những cái ý của Thầy như vậy thì nó có những cái nó không có phù hợp nhau cho nên nó có những sự kiện xảy ra, bằng chứng như mấy con thấy. Nhưng mà các con đừng nghĩ đó là cái chuyện có thể khó khăn, không khó khăn đâu ! Sóng gió Chơn Như đã trải qua nhiều lần mà hôm nay nó vẫn bình yên thì đâu có cái gì là gian khó, phải không mấy con? Đâu có gì khó !

Còn bây giờ như cái chuyện lặt vặt này mà đâu có gì khó đâu mấy con, cho nên nó không có khó. Vừa rồi mấy con thấy nè, có xảy ra nhiều chuyện nhưng mà rồi mấy con thấy có gì đâu. Rốt cuộc rồi nó cũng bình an, mà rồi Thầy và cô Út cũng hợp nhau chứ không có gì mà chống trái nhau. Các con thấy rất rõ chứ gì !

Lần lượt cô Út hướng, Thầy nói cô Út nghe, lần lượt cô Út thấy: “ À ! Cái này phải rồi, đâu có gì đâu ”. Cô Út lần lượt cũng phải nghe theo Thầy, có gì đâu! Vì vậy Thầy làm con người lãnh đạo nắm chắc trên con đường hướng dẫn của mình thì Thầy tin rằng lần lượt đều có thể tốt hết, và chúng ta vượt qua những cái khó khăn. Và vượt những cái khó khăn đó để chúng ta chấn chỉnh lại cái lớp học của chúng ta cho toàn diện.

5. TRƯỞNG LÃO TRẢ LỜI TU SINH

(20:37) Các con xích lên, các con ! Chia qua bên đây bớt đi, các con ! Nguyên Thanh lên trên này, mau ! Ở dưới có nghe đâu, xích lên gần đây này.

Cho nên trong cái sự học tập, tu tập hôm nay mấy con biết nhiều cái gian khổ, nhiều cái khó khăn lắm. Vừa rồi thì chú Thiện Thảo chú tu tập được, chú thắng được hôm trầm, chú muốn cho quý thầy, quý sư cũng học tu như mình để mau để chứng được đạo quả, để chứng được A La Hán. Cho nên những cái tâm niệm của chú rất tốt chứ không phải là xấu. Còn thầy Chơn Thành thầy nói: “ Con nói ra thì sợ mọi người họ học theo con thì họ lại tu lạc, cho nên con chưa dám nói, để con tu xong rồi, rồi con sẽ viết một cái tập để nói lên cái công phu của con như thế nào, để mọi người nương theo đó mà coi đặc tướng của mình như thế nào thì họ sẽ tu tập, thì nó tốt hơn. ”

Cho nên những người đều có một cái ý. Thầy mong rằng các con nhớ trên con đường tu tập chúng ta hỏi thưa những cái khó khăn của chúng ta là giúp cho người khác hiểu. Những cái tu được của chúng ta là giúp cho người khác rút kinh nghiệm để chúng ta tu tập.

Ở trong đây các con có những bài học rất là có giá trị, giá trị chúng ta. Vì chúng ta làm những cái bài, rồi chúng ta kê những cái nhật khóa, thời khóa tu tập của mình mà mình tu tập được thì cái đó là cái hay.

Cho nên ở đây các con thấy như hồi sáng các vị, như Diệu Vân áp dụng cho những cái thân hành của mình để phá hôn trầm bằng cách thức tại chỗ, bằng cách đi kinh hành bốn giai đoạn tu tập. Nhưng mà vẫn nỗ lực tu tập được, vẫn làm được những cái chuyện để mà chiến thắng được cái hôn trầm, thùy miên của mình. Thì các con cũng thấy rằng cái người mà biết áp dụng thiện xảo thì mình nên bắt chước và mình nên học những vị đó.

(23:05) Còn về cái vấn đề mà Định Vô Lậu thì mấy con cũng biết rằng mình sẽ dùng cái sự hiểu biết của ý thức của mình mà tư duy quán xét, để rồi khi mình viết một câu nào đó, một cái lời nào đó thì mình biết mình áp dụng cái lời đó vào đời sống của mình, cái tâm niệm của mình, để nó hóa giải đi trên cái nhân quả. Để cho mình càng biết áp dụng thì cái nhân quả mình học hiểu thì nó thông suốt, nó biết lợi dụng, nó biết áp dụng được cái hiểu biết đó nó đem lại sự bình an cho thân tâm của nó.

Chớ không phải chúng ta học rồi chúng ta ném bỏ. Mà chúng ta học rồi thì chúng ta lại áp dụng cho đời sống chúng ta hằng ngày, hằng phút, hằng giây. Từng tâm niệm của mình trong sự học hỏi về nhân quả. Đây là mới có bài nhân quả thôi, mà phải thấy nó một sự lợi ích rất lớn !

Và đồng thời kế tới thì mấy con thấy mấy con học nhân quả con người rồi và trực tiếp để mà chúng ta làm chủ được cái tâm của mình. Đó là một sự học thiết thực, một sự đào luyện cho mình trở thành những người tu tập tốt, càng lúc càng tốt hơn.

Về cái phần giải quyết cho mấy con xin hỏi Thầy, như Mỹ Thiện vì cái chân của con bị bệnh mà con phải đi bệnh viện để mà trị, thì bình an, con cứ trị đừng có lo lắng gì hết, rồi trong những ngày mà mình đi trị bệnh đó mình không tu được cái Thân Hành Niệm, Chánh Niệm Tỉnh Giác thì mình sẽ tu Định Vô Lậu ngồi tư duy nhân quả. Để rồi sau khi mình trở về thì những cái bài học mà về nhân quả nó còn tiếp tục thì mình sẽ làm những cái bài nhân quả về thân hành, về khẩu hành, về ý hành những cái bài đó là bài thiết thực nhất để chúng ta thực hiện được nhân quả của chúng ta.

Đó là cách thức chúng ta tu tập, như vậy thì mấy con nhớ kỹ trong cái vấn đề tu tập đó.

(25:26) Còn về phần giải quyết cho Liễu Ngọc, hoàn cảnh gia đình của con thì hiện giờ con cũng được dự cái lớp học chứ không có sao hết, nhưng mà có điều kiện về thì con cứ về giải quyết. Rồi chừng nào mà được yên ổn thì trở vào tu tập tiếp tục. Rồi sau khi mà những cái bài vở, những cái phương pháp tu chưa kịp thì phải hỏi lại, để học hỏi lại. Và đồng thời xin làm lại những bài mà mình đã vắng mặt, mình không làm ; thì Thầy cũng chấp nhận cho để tiếp tục mà tu tập. Vì có duyên trong cái dịp mà Thầy mở lớp, con được về. Mặc dù là nó trễ nhưng mà nó còn trong cái vòng thu nhận thêm người để mà học tập.

Vậy thì cái phần gia đình của con thì cố gắng. Còn về cái phần bệnh đau thì con cố gắng giữ tâm thanh thản, an lạc, vô sự và bất động. Con tác ý, bền chí mà tác ý cái bệnh thì cái bệnh vẫn lui. Chớ bây giờ mà bắt con nhiếp tâm an trú nữa, thì chắc chắn là con không thể nào an trú được. Con hiểu không ? Cho nên con có thể sử dụng những cái điều mà con đã biết, đã học con áp dụng vào cái bài học thì nó càng tốt.

Rồi mấy con làm bài thì mấy con đem nộp lên Thầy. Hôm nay, trong cái lớp học của chúng ta, chúng ta là những người tu học, chúng ta vượt lên trên những cái điều buồn bực, những cái điều xảy ra, chúng ta hãy cố gắng vượt lên trên để mà tu học cho tốt. Chứ nếu vì mặc cảm một điều gì thì chắc chắn là chúng ta không tu tập được, chúng ta không tiến bộ được. Bởi vì người tu thì chúng ta phải xả tâm; mục đích xả tâm mà không được thì tức là chúng ta tu không được.

Cho nên dù cuộc đời này nó có khổ đau đi cho mấy, có bị người khác mạt sát mình cho đến mấy, mình cũng phải vượt lên trên cái sự đó để mà tiến bước tu học. Dù ai có thương mình thì mình biết ơn những người đó. Dù ai có ghét mình, có mắng chửi mình, có phỉ nhổ mình mình cũng vui vẻ chấp nhận, thấy là nhân quả của đời trước mình gieo gặt, thì đời nay mình vui vẻ mình chấp nhận.

(28:01) Những người mà họ gieo cái nhân phỉ báng, chửi mình thì họ cũng sẽ gánh những cái hậu quả đó, họ không thể nào chạy khỏi. Vì lời họ nói ra nó thành một cái nhân mà trong cái nhân thì có quả, một cái quả làm cho người khác đau khổ thì cái quả kế tiếp họ phải gánh chịu đau khổ qua cái lời nói của mình. Vì nhân quả khẩu nghiệp nó cũng trùng trùng duyên khởi, nó không thể sai. Và trong cái quả thành cái từ trường và cái từ trường đó nó sẽ sanh làm những con người để chịu người khác cũng phỉ nhổ mình như vậy.

Cho nên trên con đường tu tập của chúng ta thì chúng ta biết trước nhân quả thì chúng ta không hề sợ hãi. Ai làm một điều không phải thì họ sẽ gánh chịu cái điều không phải của họ trong khi họ còn sống; và họ còn sống cái từ trường của họ vẫn sanh ra những con người khác để chịu những cái hậu quả đó. Cho nên đối với chúng ta thì khi chúng ta bị người khác nói xấu hoặc chửi mắng, chúng ta bình an, chúng ta không hề sợ hãi. Và không sợ hãi thì chúng ta đã chuyển được cái nhân quả của mình. Chúng ta đã thấy được nhân quả của mình cho nên mình bình an, không lo lắng.

Còn những người nào nghĩ biết thương " Mình " - biết thương " Mình " gánh chịu những hậu quả đó - biết thương " Mình "; thì mình cảm ơn những người đó. Còn những người mà nói mình thì mình vui vẻ mình cũng biết ơn họ để cho mình trả hết cái quả của đời trước đi, đó là luật của nhân quả.

Còn người nào nói sai thì người đó sẽ gánh chịu hậu quả, mà hậu quả đó thì chắc chắn họ không thể nào mà thoát ra khỏi. Bởi vì nhân quả một lời nói, một hành động, một ý nghĩ thì chúng ta đều chịu nhân quả đó hết, đều gánh chịu nhân quả đó. Cho nên cuộc đời chúng ta phải dè dặt, cẩn thận đừng nói một lời nói mà làm phiền lòng người khác thì rất là nguy hiểm !

Chúng ta chạy sao khỏi cái nhân quả của chúng ta ! Cho nên chúng ta cố gắng giữ gìn đừng để cho chúng ta phạm phải những cái lỗi về nhân quả. Mình biết cái điều đó sai của người khác nhưng không dám nói sai. Vì nói sai người ta sẽ phiền lòng, cho nên mình không nói. Đó là những điều Thầy căn dặn cho mấy con khi học nhân quả.

(30:30) Mà khi học nhân quả mấy con không biết áp dụng vào nhân quả thì mấy con sẽ rất là khổ tâm. Cho nên từng học về nhân quả thì chúng ta bình an, chúng ta không dao động, chúng ta không sợ hãi trước những cái điều thử thách nào cả. Mà chúng ta bình an chúng ta lo lắng cho cái sự tu tập của chúng ta. Cứ tiến bước tu tập, con đường tu tập của chúng ta sẽ tiến bộ.

Bây giờ trong cái thời gian này thì chúng ta sẽ tập cái pháp Thân Hành Niệm, buổi sáng người nào đã tu tập rồi thì thôi, còn buổi chiều người nào chưa tu tập thì mấy con sẽ bắt đầu đi kinh hành từ đây lại đằng kia để Thầy xem, để coi mấy con tu tập tốt hay không.

Bây giờ tới phiên ai giờ đây ? Ở bên đây đi, con ! Mỹ Châu đi trước đi con, rồi con đi đi !

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy