LCK 012B - KIỂM TRA CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC - THIỆN XẢO ĐUỔI BỆNH - KHAI THỊ TÂM BẤT ĐỘNG
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Thời gian: 11/2005
Thời lượng: [38:34]
(00:00) Trưởng lão: Con nghỉ đi con. Con cố gắng ôm cái pháp đó, chuyên cái pháp đó thôi, rồi con sẽ đợi lúc nào mà Thầy thấy thuần thục, Thầy thấy được Thầy sẽ cho con chiến đấu với hôn trầm, thùy miên một vài đêm, cho nó sạch, cho nó không còn hôn trầm, thùy miên nữa. Với lúc này thì con tập Tứ Niệm Xứ để biết cách để cho mà thanh thản, an lạc, vô sự. Đồng thời thì lúc nào cũng dùng cái Định Vô Lậu cái tri kiến giải thoát để cho mình quét cho sạch các tâm niệm của mình, có cái niệm gì lo lắng buồn phiền thì con dùng cái Định Vô Lậu mà quét nó ra cho hết.
Cuối cùng thì đến một lúc nào đó Thầy thấy được ,Thầy sẽ cho suốt một thời gian một ngày cho đến mười ngày hoặc là một tháng phải chiến đấu cho sạch ba cái hôn trầm, thùy miên.
Mặc dù là con lớn tuổi rồi ít ngủ chứ nhưng mà vẫn còn hôn trầm, thùy miên chứ chưa phải hết, cho nên phải quét sạch.
Trưởng lão: Bắt đầu Trang đi được không con? Con đi cái pháp nào mà con hợp nhất về cái phương pháp mà đi kinh hành thì con sẽ tu tập cái pháp ấy.
Tu sinh: Thưa Thầy con đi pháp thứ hai, tức là đi hai mươi bước, con dừng lại giữ tâm thanh thản, rồi con nhắc tâm an trú trên bước đi thì con tiếp tục con đi.
Trưởng lão: Rồi được. Tới đây Thầy xin lưu ý với mấy con, khi tu mà đi giữ tâm thanh thản, an lạc, vô sự tức là tu theo cái kiểu mà đi pháp Tứ Niệm Xứ đấy con mà giữ tâm bất động, nhưng mà vẫn đi kinh hành, nó vẫn phá được hôn trầm, thùy miên đó mấy con, chứ không phải không phá đâu. Tại vì đó là cái chân lý của đạo rồi. Cho nên cái đó, nó nhẹ nhàng hơn những phương pháp khác.
(02:12) Tại vì mình đi mình phải đếm bước đi, còn này không có đếm, mà chỉ có mình tác ý thì mình giữ tâm thanh thản của mình thôi. Ví dụ như mình đứng lại mình tác ý "Tâm thanh thản an lạc vô sự", rồi bắt đầu mình bước đi, đó là cách thức đi kinh hành trên pháp Tứ Niệm Xứ nhưng nó vẫn phá được hôn trầm.
Rồi tới Diệu Giang con, con tu cái pháp nào mà đi kinh hành con cứ trình đi con, trình cái pháp của con.
Diệu Giang: Kính bạch Sư Ông! con làm cả bốn phương pháp luôn luôn làm. Tại vì con chia tùy theo cái điều kiện đặc tướng của cái pháp của con. Tại vì chẳng hạn hôm qua con tính đi buổi tối, nhưng mà bên ngoài trời mưa, thành ra con leo lên giường con đi phương pháp thứ ba. Còn thường thì con làm buổi tối từ hai giờ đến năm giờ con đi phương pháp thứ ba, từ bảy giờ đến mười giờ sáng con làm phương pháp thứ nhất, rồi từ hai giờ cho đến năm giờ chiều con làm phương pháp thứ hai, và cũng tùy tại vì nếu trời không mưa thì hai giờ đến năm giờ có thể con làm phương pháp thứ nhất.
Nhưng mà có nhiều khi, con chuẩn bị con làm phương pháp này thì nó có việc xảy ra, thành ra con phải đổi liền. Như ngày hôm kia thì con tính đi ngoài buổi tối và con ra thì con thấy con rắn thành ra thôi con đi vô giường luôn, thành ra con tập trên giường. Có nhiều khi buổi trưa con tính làm nhưng con ra con thấy cái này cái kia, con thấy động tâm quá nên con đi vô thôi không muốn làm theo những điều dự định nữa nên con bỏ.
Với lại phương pháp thứ nhất, con đi con đã có kinh nghiệm đi cả một đêm tỉnh giác với phương pháp thứ nhất, nhưng mà con đi cứ mỗi câu là một cái ý, chẳng hạn như con đi theo như cái ý: "Tâm như cục đất" mỗi bước là một chữ và: "Im lặng như Thánh, ly dục ly ác pháp", tập phòng hộ sáu căn. Con cứ ra ý liên tục và con đi như một bài văn vậy, con đi hết khoảng cả tiếng mất giờ là xong, thành ra con không biết giờ trình lên sư ông là bốn phương pháp luôn hay là một thưa ông.
(04:56) Trưởng lão: Con cứ trình mọi phương pháp đi bởi vì đó là cái khéo léo thiện xảo khi mà đi kinh hành, nó áp dụng từng cái thời điểm của nó đúng hợp với mình, bây giờ thấy kiến thì thấy bắt đầu mình không đi, hoặc là thấy côn trùng, hoặc là mưa gió thì mình phải đi cái phương pháp nào cho nó hợp trong cái thời điểm đó, thì con biết khéo léo thiện xảo con cứ đi cho Thầy. Ở đây, thì coi như là mình áp dụng bốn những điều kiện con đã thiện xảo con tu, con áp dụng con đi. Bắt đầu bây giờ con đi con biết con đi kinh hành cái phương pháp nào đó thì con nhắc. Con nói bây giờ con đi, để cho mọi người thấy sự thiện xảo của con trên bước đường, để mà khắc phục cái tâm của mình. Con cứ trình bày cho hết những pháp con tu tập thôi. Để mà Thầy kiểm điểm lại.
Diệu Giang: Dạ con xin trình bày phương pháp thứ nhất đến phương pháp thứ tư.
Trưởng lão: Để Thầy kiểm tra lại coi cách thức tu đi như vậy nó hợp với cái đặc tướng của con không, Thầy giúp đỡ cho.
Diệu Giang: Con còn phương pháp không phải thứ tư nhưng mà con dậm tại chỗ.
(05:55) Trưởng lão: Rồi con dậm tại chỗ đó con, khi mà trường hợp mà bất đắc dĩ mình đứng trên giường mình tu cũng được. Ở đây con thấy tất cả những cái phương pháp của Phật mà mình biết tu tập nó, mình khéo léo, thiện xảo, từng phút từng giây để đối lại những cái tham, sân, si của chúng ta. Chúng ta biết áp dụng cách thức để mà chúng ta thắng được cái tâm của chúng ta, thắng được cái nghiệp của chúng ta.
Cho nên trong cái sự tu tập. Thường thường trong kinh sách của đức Phật nói: "thiện xảo", cho nên đó là những điều kiện mình thiện xảo để cho mình biết cách, chứ còn nếu mình cứ cố chấp rằng Phật dạy như vậy tôi làm vậy thôi.
Cũng như thí dụ như đức Phật dạy: "An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra" để mà đối trị với cái tâm, thân của mình đang bị bệnh đau. Nhưng mà bây giờ hơi thở của mình mình bị khó thở hoặc là hay bị rối loạn hơi thở thì mình không thể nào kéo dài tâm nhiếp trong hơi thở được, thì mình sử dụng thân hành ngoại, như mình đưa cánh tay ra, cánh tay vô, đó là cách thức thiện xảo đó mấy con.
Chứ không phải là đợi đức Phật dạy chúng ta đưa tay ra, tay vô là chúng ta mới biết. Nhưng mà có những thân hành là hơi thở của chúng ta hít vô thở ra, cũng giống như cánh tay chúng ta đưa ra đưa vô chứ có gì. Cho nên chúng ta thiện xảo là chúng ta sẽ đạt được kết quả tu tập rất tốt. Cho nên cách thức tu tập theo đạo Phật nó không phải chết cứng một chỗ, nhưng mà đừng có dạy người khác mà một cách kiến giải qua một cái tưởng đó nó sai.
(07:34) Còn ở đây, thí dụ như mình biết áp dụng, bây giờ thay vì cái thân Thầy thì bị bệnh đau, mà cái hơi thở Thầy thở rất khó khi mà thở thì nó bị tức ngực, cho nên Thầy không thở được. Thì bây giờ không thở được thôi, Thầy không dám tu pháp nào khác thì như vậy Thầy không linh động, không thiện xảo. Cho nên Thầy biết thiện xảo, do đó Thầy cũng đẩy lui được bệnh Thầy bằng cái cánh tay Thầy đưa ra đưa vô, hoặc cái chân Thầy duỗi ra duỗi vô cũng được, hoặc là Thầy bước đi cũng được, chứ đâu phải cần có cái hơi thở.
Nhưng cái pháp tác ý phải giữ đúng, không được sai, bởi vì cái lệnh, cái ý của mình muốn cái đó, muốn dẫn cái tâm của mình vào chỗ đó: "Ý làm chủ, Ý tạo tác" mà ý dẫn vào chỗ thiện, thì bắt đầu bây giờ cái thân mình bị bệnh đau, thì mình dụng cái thân hành, không hơi thở thì cái bước đi của mình, cái cánh tay của mình thì mình vẫn vận dụng được những cái thân hành đó, để mình đẩy lui được bệnh chứ không có gì đâu khó, mình vẫn khắc phục được những ưu phiền ở trên thân tâm của mình, chứ đâu phải không có.
Đó gọi là thiện xảo. Chứ không phải đợi trong kinh Phật dạy như vậy, chúng ta mới làm như vậy, không phải, chúng ta thiện xảo, nhưng thiện xảo không sai. Còn chúng ta thiện xảo sai. Thí dụ như chúng ta nghĩ tưởng rằng mình sẽ có Phật tánh, tánh thấy, tánh biết, tánh nghe, do đó mình giữ tánh thấy, tánh biết, tánh nghe.
(08:45) Chứ mục đích người ta hiểu là cái tâm thanh thản, an lạc, vô sự, nhưng mà cứ cố gắng để giữ tánh thấy, tánh biết, tánh nghe để cho thanh thản, an lạc, vô sự chứ gì. Nhưng mà không ngờ nó bị ức chế. Các con hiểu không? bởi vì mình hiểu sai một chút, mình nghĩ rằng, chắc có lẽ cái đó là Phật tánh nhưng mà, như Thầy đã nói tâm thanh thản, an lạc, vô sự, nó là cái chân lý rồi, cái trạng thái rồi.
(09:06) Nhưng mà mình giữ nó, mình cố gắng mình giữ nó thì mình bị ức chế. Cho nên vì vậy là khi mình tác ý ra rồi thì mình để tự nhiên, để tự nhiên cái sự thanh thản, an lạc, vô sự, mà mình chỉ quan sát bốn chỗ Thân Thọ Tâm Pháp của mình. Để thấy có chướng ngại thì mình đẩy lui, mà không chướng ngại mình để tự nhiên, chứ không phải mình cố gắng mình giữ nó. Cho nên người ta cố gắng người ta giữ nó thanh thản, an lạc, vô sự là người ta không cho niệm thiện niệm ác khởi ra, cho nên nó đi lạc đường, bị chệch đường.
Vì vậy, mình có mục đích là mình làm cho cái ý thức của mình đừng khởi niệm thì nó sai. Mà cái chỗ này, cái niệm, không niệm nó không quan trọng. Mà cái chỗ mà tâm chúng ta bất động là cái chỗ quan trọng, mà hễ nó bất động là nó thanh thản, an lạc, vô sự. Chứ không phải là trong đầu chúng ta nó vắng bặt, nó không có niệm. Nhưng mà nó đâu có niệm bậy bạ vì vậy cho nên nó thanh thản, an lạc, vô sự. Bởi vì nó ly dục, ly ác pháp thì nó đâu còn niệm gì nữa. Còn chúng ta còn dục ác pháp, còn tham muốn, còn thích ăn sang mặc đẹp, thì do đó chúng ta muốn cho nó đừng có niệm thì chúng ta bị ức chế đó.
(10:07) Cho nên, mục đích chúng ta thấy còn niệm thì chúng ta biết tâm tham, sân, si chúng ta còn. Còn hôn trầm, thùy miên thì chúng ta biết rằng còn hôn trầm, thùy miên, phải tu tập cái pháp nào để đối trị. Còn này hôn trầm, thùy miên chúng ta còn, mà chúng ta cố gắng để giữ cho được cái tâm bất động của chúng ta thanh thản, an lạc, vô sự, thì không cho niệm nó khởi, thì chúng ta cho đó là cái chân lý của chúng ta, thì chúng ta ức chế chứ không phải là chúng ta có cái sự thật ở chân lý nó hiện ra.
Cho nên chúng ta hiểu biết là khi mà tu tập rồi, thì người mà có kinh nghiệm người ta biết cái đó sai, cái đó là thật, vì cái tâm chúng ta còn tham, sân, si mà chúng ta lại muốn cho chúng ta đạt được cái chân lý thì không thể được. Còn cái tâm của chúng ta hết tham, sân, si thì cái chân lý nó hiện tiền. Nó hiện lên cái trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự.
Cho nên mục đích chúng ta tu tập là "Ngăn ác diệt ác, sanh trưởng tăng trưởng thiện" là làm sao cho tham, sân, si chúng ta ly cho hết. Để rồi cái trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự nó hiện ra. Thì coi như là bên kia thì nghĩ nó là Phật tánh. Nhưng sự thật Phật tánh bị ức chế. Còn bên đây, chúng ta không cho nó là Phật tánh. Nhưng nó là cái chân lý của chúng ta, cái trạng thái giải thoát của chúng ta nó không còn tham, sân, si nữa. Cho nên nó hiện ra trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự.
(11:12) Vì vậy mà họ nghĩ rằng cái này thường hằng. Sự thật nó không thường hằng, nhưng đó là cái trạng thái cho nên chúng ta chết đi thì cái này nó vẫn mãi mãi. Cái trạng thái bất động đó nó vẫn mãi mãi. Nó không có gì hết mà không phải nó là Phật tánh. Mà đó là cái trạng thái không có tham, sân, si mà thôi. Như vậy chúng ta hiểu như vậy nó mới đúng, chứ không khéo chúng ta hiểu đó là Phật tánh. Cái hiểu, mà cái danh từ Phật tánh họ hiểu, họ đặt ra cái tên đó thì chúng ta thấy nó cũng không sao đâu, nhưng mà có cái điều kiện là chúng ta bị ức chế cho nên nó sai pháp. Nó làm cho tâm chúng ta không có ly tham, sân, si được.
Vì vậy, nó sai cái chỗ tu. Cái tên của họ đặt, người ta đặt như thế nào cũng được. Thí dụ bây giờ chúng ta đặt cái tên của nó là cái đó là cái như đức Phật đặt nó là cái chân lý Diệt Đế, cái nơi mà nó không còn tham, sân, si không còn dục nữa, cái đó là cái trạng thái Diệt Đế. Thì ở bên Thiền tông có thể nói đó là Phật tánh đi cũng được. Nhưng mà cái phương pháp để mà thực hiện được cái trạng thái đó, nó không phải là cái phương pháp của Thiền tông.
(12:09) Bởi vì, Thiền tông mục đích nó dừng cái ý của nó. Nó không có cho Niệm Phật, nó ức chế. Vì vậy cho nên cái tâm tham, sân, si nó không ly, mà nó không ly thì nó làm sao nó đạt được cái này, cho nên nó bị ức chế. Do đó nó sai cái chỗ pháp hành. Vì vậy mà không đạt được. Còn trái lại chúng ta không cho, không nghĩ nó là Phật tánh, không nghĩ nó là gì. Nhưng mà chúng ta nghĩ đúng như đức Phật nói đó là cái trạng thái Diệt Đế, cái chân lý Diệt Đế, tức là chúng ta nhận ra chúng ta biết đó là thanh thản, an lạc, vô sự,
Cho nên chúng ta nghe, nhận ra nó gần na ná, nó giống như Thiền tông nhưng mà không phải. Bởi vì Thiền tông nó ức chế, nó không cho niệm.
Còn chúng ta không có, chúng ta đối, chúng ta tu Định Vô Lậu, chúng ta đối với cả tham, sân, si, chúng ta nên tu Chánh Niệm Tỉnh Giác để mà chúng ta đối trị cái tâm hôn trầm, thùy miên, tức là tham, sân, si của chúng ta.
Vì vậy mà cuối cùng chúng ta diệt tham, sân, si thì chúng ta đạt được cái chân lý không tham, sân, si. Mà chúng ta không có dụng nó là Phật tánh để làm chúng ta ham muốn mình phải kiến tánh thành Phật. Cho nên, chúng ta là không còn cái dục nữa. Còn trái lại chúng ta đặt nó là Phật tánh thì chúng ta lại muốn cho mình đạt được. Thì cái sự muốn cho mình đạt được cái chỗ đó tức là mình còn ham muốn.
Trái lại chúng ta biết, đây là cái chân lý thanh thản, an lạc, vô sự, mình cố gắng mình giữ gìn để cho tâm mình hết tham, sân, si, như thế nào không còn tham, sân, si thì cái trạng thái đó nó hiện tiền, cho nên chúng ta cũng không ham muốn cái trạng thái đó, mà chúng ta mục đích là chúng ta đối trị cho hết cái tham, sân, si của chúng ta thôi, thì cái trạng thái đó chúng ta biết đó là cái chân lý của chúng ta chứ không gì hết.
Cho nên cái đường đi chúng ta biết chúng ta diệt cái gì, để mà chúng ta đạt được cái này. Chứ không phải là chúng ta diệt cái ý thức của chúng ta để mà chúng ta đạt được. Thì đó là cái sai của Đại thừa, của Thiền tông. Vì vậy mà họ không làm chủ mà trái lại chúng ta tu chúng ta làm chủ được cái đời sống của chúng ta.
(13:52) Trưởng lão: Bây giờ kế tiếp, con mới vào tu con đi được không con? Con đi được không?
Tu sinh: Dạ được.
Trưởng lão: Được, con đi đi con. Con đi kinh hành đi, con đi kinh hành như thế nào đó con đi được con cứ đi để tập. Có duyên mà về đây thì phải ráng con. Con cứ đi, để rồi Thầy kiểm tra lại coi.
Con đi vậy được không con? Ráng mà tập đó là đi cái Chánh Niệm Tĩnh Giác.
Nếu con lớn tuổi rồi, con nên đi một pháp thôi con. Con cứ đi để mà cho nó đừng có ngủ thôi, rồi khi nào nó buồn ngủ con đứng dậy con đi như vậy coi có được không, chứ đừng đi mấy cái pháp kia. Con đứng lên ngồi xuống, cái sức khỏe của mấy con nó không có chịu được nổi đâu. Cứ đi kinh hành xuôi như vậy trong cái thất của con. Con coi cô Kim này tu tập cái pháp nào. Như vậy là con đi Thầy xem thử coi.
Thôi được rồi con, Thầy quan sát được rồi, con vào nghỉ đi con.
(15:17) Hôm nay, Thầy thấy như thế này, bây giờ mà nếu mà, mấy con thì có người lớn tuổi rồi, mà bắt ngồi xếp bằng như thế này. Mấy con mỏi lưng chắc chết. Mà đợi mà kiểm tra hết thì mấy con mất cái thì giờ mình tu tập nữa. Cho nên trong cái số các con còn lại đây, để mà đúng mười giờ các con đi khất thực rồi. Thì như các con đã biết rằng, nãy giờ thì mấy con thấy mỗi người đều đi kinh hành theo một cái đặc tướng của mình, Thầy kiểm tra Thầy thấy mọi người đều có đi một cái cách thức riêng của mình chứ không giống nhau.
Như các con thấy rằng. Quán về cái nhân quả, thì các con thấy mọi cái hình dáng, mọi cái đặc tính, đặc tướng của mọi vật, thảo mộc. Nó không có giống nhau. Và khi mà một pháp tu tập, thì mấy con thấy người thì hợp pháp này, người thì hợp pháp khác. Mà cách thức đi thì nó cũng không có giống ai đâu. Người nào thì nó cũng có cái khác nhau, mặc dù là một cái pháp tu,
Ví dụ như vừa rồi thì trong mấy người mà đã thực hiện, thì người nào nó cũng có cái dạng khác nhau, chứ không có giống nhau.
Như đầu tiên cô Nguyện đi, thì cô thích đi kinh hành cái kiểu đó. Vì vậy mà các con nhớ rằng, khi cái sở thích của mình thích. Bởi vì phương pháp kinh hành nó khó lắm. Mình thích mình mới tu mới được, mà mình không thích thì nó sẽ sanh lười biếng, nó nhát quá nó không muốn đi, nó không muốn tập. Cho nên nó sẽ bỏ, nó không có tu tập được.
(16:53) Vì vậy mà muốn tu tập được nó phải thích cái pháp đó. Cho nên chắc chắn là mình ôm pháp vô mình tu mình thấy nó thích, thì mình nên ôm cái pháp đó tu. Cho nên mình chọn lựa, đưa ra bốn cái pháp Chánh Niệm Tĩnh Giác mà mình chọn lựa pháp nào mà nó hợp với mình. Mình thích thì mình lấy cái pháp đó mình tu.
Như cô Vân đó, thì cô tu tập cô thay đổi theo từng cái thời điểm mà cô tu tập, đấy là cái thiện xảo, thiện xảo trong những cái pháp tu của mình thì do đó cái thiện xảo nó cũng rất là khéo léo. Vậy mà nếu mà chúng ta biết áp dụng trong mọi thời điểm, mọi cái thời gian của chúng ta để mà tu tập. Thì nó hợp cái thời điểm, thời gian nào đó thì mình áp dụng về Chánh Niệm Tĩnh Giác, bây giờ đi kinh hành nó đòi hỏi mình phải động thân, cho nên mình linh động. Thì đó là cách khéo léo của mình trong áp dụng từng cái sự tu tập, trong cái pháp Thân Hành Niệm.
(17:46) Như vậy thì mấy con cũng thấy rõ rằng, trong khi chỉ có mấy người thôi, ở đây chỉ có năm người. Mà thời gian chúng ta đã chiếm rất nhiều. Nhưng mà chúng ta đã thấy được cái pháp hành, về Chánh Niệm Tĩnh Giác. Qua rút tỉa những cái kinh nghiệm này, thì chúng ta biết áp dụng lấy từ người bạn, suy ra cái sự tu tập của mình, coi mình thích hợp với cái nào, và mình nhiếp tâm được và mình an trú tâm được trong cái thân hành của mình. Đó là cái điều quan trọng và mình, cái pháp nào mà mình tu tập mình thấy hôn trầm, thùy miên nó lui dần và nó vắng bóng thì cái pháp đó nó hợp.
Thí dụ như đi Chánh Niệm Tĩnh Giác giai đoạn một, pháp thứ nhất mà mình thấy mình đi như vậy mà đuổi được hôn trầm, thùy miên, làm cho mình ít ngủ. Rồi cái pháp thứ hai mình thấy nó giảm đi, hoặc là tới cái pháp thứ ba mình thấy nó, mình ôm cái pháp này mình thích hơn.
Hoặc là mình đứng tại chỗ mà mình tu tập. Theo Thầy thấy tùy theo cái địa điểm của mình, nó hẹp, thì mình đứng tại chỗ, mà nó rộng thì mình đi, và tùy theo cái thời tiết mưa gió, trời nắng nữa, tùy theo cái thời tiết mà các con áp dụng. Chứ không khéo thì mình cố định, mình bắt buộc mình phải có khoảng địa điểm như vậy, và cái thời gian phải như vậy thì mình không bao giờ mình làm theo được cái ý của các pháp bên ngoài được đâu.
(19:15) Cho nên mình khéo léo mình áp dụng cho cái phương pháp Chánh Niệm Tĩnh Giác để đạt được cái sự tu tập của mình. Đạt được sự thực tập của mình là cái gì, tức là mình đẩy lui được hôn trầm, thùy miên và đạt được kết quả của mình và đồng thời khi nhiếp tâm, khi nhiếp tâm mình thấy cái tâm mình nhiếp được hoặc là không nhiếp được. Như Thầy đấy nói cho con biết được. Mình nhiếp được là luôn lúc nào cái bước đi của mình, mình cũng thấy bước đi. Mặc dù có niệm, có một cái niệm khác chen vô, thế mà vẫn không mất cái bước đi. Vẫn không mất cái hành động của mình. Tức là mình nhiếp tâm mình được ở trong cái đó, cho nên nó không mất. Còn mình an trú là nó không niệm, còn mình chưa an trú là nó có niệm. Bởi vì mình an trú là mình chỉ duy nhất có một cái bước đi mà thôi, nó không có cái niệm nào khác trong đó, cho nên cái giai đoạn nhiếp tâm và giai đoạn an trú hai cái nó có khác nhau .
Mà nó khác nhau bằng cái chỗ nào để mình hiểu, để mình biết mình nhiếp tâm được, mình an trú được. Do đó bây giờ tui nhiếp tâm được, tui thấy khởi sức tui nhiếp tâm là tui tỉnh thức được ở trong ba mươi phút. Nhưng tui an trú được chỉ trong có năm phút thôi, mười phút mà thôi. Tức là mình biết được cái kết quả của sự tu tập. Chứ còn mình tu mình không biết được kết quả thì con như làm mình tu mù, tu không biết mình tới đâu. Còn cái này mình tu tới đâu mình biết mình tới đó.
(20:31) Đó là phương pháp của Phật, cho nên Phật nói: "Pháp ta không có thời gian đến để mà thấy" , mình thấy cái gì? thấy cái kết quả của nó đó con. Đó mới thật sự là pháp Phật. Chứ còn mình tu mà hy vọng là tui tu đây, ngày mai ngày mốt hay là một kiếp, hai kiếp tui sẽ chứng đạo, thì cái chuyện đó là cái chuyện mơ hồ, không có thật. Tui tu ngay liền tui tu tui biết được, tui sẽ nhiếp được. Tui sẽ làm được cái này, thì đó là cái kết quả của đạo Phật.
Cho nên đức Phật đã xác định câu nói rất là tuyệt vời: "Pháp ta không có thời gian đến để mà thấy". Dù là một phút giây mình nhìn thấy được cái sự an lạc, cái sự giải thoát của mình, cái sự làm chủ của mình. Đó thì vì vậy chúng ta không sợ mà chúng ta tu sai, còn nếu mà tu mà một cách mơ hồ, mờ mịt, thì cái đó là chúng ta tu sai.
Ví dụ như bây giờ Niệm Phật để cầu vãng sanh. Mà cái vãng sanh đâu thì mình không thấy. Nhưng mà bây giờ cứ Niệm Phật thì như vậy rõ ràng là chúng ta tu mờ, tu mù, không có rõ ràng. Còn cái này không, tui Niệm Phật tui thấy được kết quả đó là cách thức đúng. Cho nên ở đây Thầy muốn nói như vậy để chúng ta biết được khi mà chúng ta tu pháp nào, chúng ta phải thấy kết quả của pháp đó.
Mà mình linh động, khéo léo, thiện xảo mình cũng mang được kết quả y như nhau. Kết quả thì phải giống nhau nhưng mà khéo léo thiện xảo. Cho nên vừa rồi chỉ có năm người mà các con đã thấy được các phương pháp đi kinh hành. Rồi lần lượt Thầy sẽ kiểm tra lại tất cả mọi người, không có người nào là không kiểm tra. Và đồng thời thì mấy con về tu tập sau một tuần lễ thì Thầy kiểm tra lại một lần nữa. Coi cái sự nhuần nhuyễn của các con đến mức độ nào.
Nói như vậy mới biết được, giống như bây giờ Thầy kiểm tra như vậy các con biết mọi người có cái hành động nào, tu như thế nào và sau khi nó nhuần nhuyễn.
Hễ nói nó nhuần nhuyễn tức là nó có Niệm Giác Chi đó mấy con. Cái bước đi của mình nó nhịp nhàng, nó đều đặn là cái người đó đã có cái kết quả của cái Niệm Giác Chi .
Còn cái bước đi mà chúng ta phải vận dụng để mà bước đi, thì chắc chắn cái bước đi sẽ không đều đặn. Cái người mà người ta quan sát người ta biết được cái Niệm Giác Chi có hay không có.
(22:29) Cho nên trong khi mà muốn xét được cái Niệm Giác Chi, người ta có bước đi đều đặn, thì ít ra mỗi người, ít ra Thầy cũng phải tốn hao ít nhất là trong cái khoảng mấy con đi Chánh Niệm Tĩnh Giác, đi kinh hành. Ít ra Thầy cũng phải mất ít hơn mười phút hoặc hai mươi phút để xem xét cái bước đi của các con.
Chứ mới đầu vô các con bước đi, chưa bao giờ có Niệm Giác Chi được đâu, mà mấy con cứ bước đi, Thầy cứ ngồi lẳng lặng mà Thầy xem và cứ coi như là, có mọi người xung quanh mà các con coi như là không có ai hết thì từ đó cái Niệm Giác Chi nó mới xuất hiện. Chứ mình đi mà trong bụng mình ngại ngại là Niệm Giác Chi nó không xuất hiện đâu mấy con, mình phải hiểu, do như vậy mà thời gian nếu mà càng tu sâu thì thời gian mà mấy con Thầy kiểm điểm lại cho mấy con tu tập đó, cái thời gian kiểm điểm nó lại càng dài ra.
Vì vậy mà, trong khi bây giờ kiểm điểm trong thời gian một buổi vậy thì được năm người, mười người hoặc là mười lăm người. Nhưng mà lần lượt thì cái thời gian đó thì dài ra. Thì cái sự kiểm điểm lại mấy con, thì lại ít người đi.
Ví dụ như bây giờ một buổi Thầy kiểm điểm một người mười phút, hai mươi phút thì cái thời gian đó thì mấy con còn được có năm đến sáu người. Để kiểm điểm cho chặt, cho chắc để bảo đảm sự tu tập của mấy con phải có kết quả. Chứ không khéo thì mấy con tu hoài mà không có chất lượng.
Mà trong cái thời gian mà Thầy ngồi đây hoặc mười phút, hai mươi phút. Thì Thầy kiểm điểm thì tức là mấy con thấy Thầy ngồi đây thì mấy con phải ráng nỗ lực tu. Nếu mà mấy con không ráng nỗ lực tu thì mấy con sẽ bị loạn tưởng, sẽ bị động.
(24:04) Vì vậy, cho nên các con cứ chuyên tu, và đồng thời khi mà Thầy ngồi đây quan sát cho mấy con tu, thì mấy con cứ tự nhiên lần lượt, nó quen đi, nó quen rồi mấy con nhiếp tâm, rồi khi có Thầy dường như nó có sự sách tấn. Cho nên các con nỗ lực nhiều hơn, cố gắng nhiều hơn. Cho nên các con nhiếp tâm được tốt hơn.
Cho nên vì vậy mà Thầy cũng muốn sách tấn để mà khích lệ mấy con trên bước đường tu. Mấy con phải đạt được. Vì đây là một lớp đào tạo. Cho nên phải đào tạo làm sao cho các con nhiếp được, chứ không phải là để tự mấy con nhiếp. Cho nên từ cái chỗ tri kiến, triển khai tri kiến cho mấy con. Bây giờ triển khai cái sự tu tập Chánh Niệm Tỉnh Thức của mấy con, chứ không phải để cho mấy con tự tu thì cái sự Chánh Niệm Tỉnh Thức của mấy con nhiều khi nó bị loạn tâm tưởng đấy.
Cho nên Thầy phải trợ giúp cho mấy con. Đào tạo cho mấy con chứng được sự giải thoát hoàn toàn. Chứ không khéo là được cái này mà mất cái kia, nó không trọn vẹn.
Nếu không trọn vẹn thì Tứ Thần Túc nó không xuất hiện. Mà Tứ Thần Túc nó không xuất hiện thì mình chưa đủ cái sức làm chủ sanh, già, bệnh, chết của mình. Cho nên vì vậy mà cái lớp này thì mấy con phải chịu cực khổ nhiều về tu tập rốt ráo. Cho nên nó phải qua những cái sự mà sách tấn khích lệ và qua những cái sự đôn đốc mà làm cho các con phải nỗ lực tu. Chứ nếu mà để mà tu cầm chừng thì không biết thời gian nào mấy con sẽ đi đến nơi đến chốn.
(25:28) Cho nên, vì vậy mà các con phải cố gắng, cố gắng lên. Cho nên ở đây Thầy nói như vậy để mấy con lưu ý từng cái bước đi của những người, của bạn đồng tu của mình, của bạn đang tu tập với mình.
Họ đi theo cái kinh nghiệm của họ. Còn riêng mình, mình đi theo cái kinh nghiệm của mình. Mỗi người đều có mỗi khác trong đó. Nhưng cái nào mà mấy con đạt được kết quả chứ mà mấy con đi để biểu diễn, thì mà không có kết quả thì thôi đừng có đi.
Theo Thầy thấy đi phải có kết quả. Kết quả đó các con nhận ra được cái kết quả của sự tu tập của mình. Thì như vậy mới đúng, mới đúng ý nghĩa của nó.
Đây là cái lớp đào tạo. Thì mấy con phải thật tu, phải thật sự làm cho đúng pháp. Chứ không khéo mấy con cứ thức khuya dậy sớm, rồi mấy con tu mãi, con không đạt được gì thì phí công quá lớn, rồi chúng ta chẳng có. Cuộc đời chúng ta bỏ hết rồi, chẳng hưởng thụ được cái gì hết. Chỉ ngày một bữa cơm như thế này mà tu tập mà không đạt được, thì phí bỏ một đời người quá đúng không mấy con?
(26:27) Cho nên phải làm cho được. Quyết định là phải tu tập cho nó nên. Cũng như tu sinh Thiện Thảo nói với Thầy: Nó chỉ mong rằng sau khi tu xong rồi đó. Nó sẽ giúp Thầy, phụ Thầy nhiều công việc, chứ không phải riêng một công việc. Thì Thầy mong rằng, mấy con cũng là những người đệ tử của Thầy, nỗ lực mà tu được. Thì mấy con giúp Thầy rất nhiều trong việc cho Thầy đỡ bớt đi công việc của Thầy.
Còn nếu mà các con tu chưa xong, làm sao các con giúp Thầy được. Vì chính mình chưa giải thoát, thì mình làm sao mình giúp Thầy được.
Cho nên mấy con ráng cố gắng để dựng lại Chánh Pháp, đem lại nền Đạo đức cho loài người. Thì điều đó là điều mơ ước của Thầy.
Cho nên, Thiện Thảo cũng có cái tâm ghê gớm. Vì muốn giúp Thầy, cho nên mà nỗ lực mà nhiệt tình mà tu tập, ngày đêm rèn luyện. Cho nên, thậm chí như con tới tuổi thanh niên mới lớn lên, còn trẻ khỏe mà mới vào tu được pháp Thầy thì rất là nhiệt tâm. Cho nên trong cái nhiệt tâm đó mà Thầy thấy thắng được cái hôn trầm, thùy miên. Chứ cỡ mà người lớn tuổi một chút đó không chịu nổi với hôn trầm, thùy miên.
Cho nên trong lúc mấy con mà còn tuổi trẻ. Nếu mà không khép mấy con vào cái khuôn khổ này. Để mấy con thắng được giặc hôn trầm, thùy miên thì khó mấy con. Trong này người ta khó thắng lắm. Cho nên cái tuổi trẻ của mấy con, còn cái sức nhiệt huyết, cái cơ thể còn sức mạnh, sức trẻ nhiều. Thì mình chiến thắng nó dễ dàng, nó không có khó.
Cho nên đừng có để mà đợi tuổi mà nó hơn nữa. Đời người tu nó khó. Cái sức khỏe của mình nó yếu kém. Như này giờ Thầy thấy mấy con ngồi. Mà những người lớn tuổi thì nó mỏi mệt lắm. Thầy chỉ mong sau cái lớp học này thì Thầy sẽ xin Phật tử, hoặc là có ít tiền Thầy sẽ mua một số bàn ghế như Thầy ngồi như thế này.
Chắc nó cũng không đắt lắm đâu. Mỗi người được cái ghế ngồi. Đôi khi mấy con lớn tuổi rồi mấy con dựa lưng như Thầy như thế này nó cũng đỡ lắm mấy con. Chứ bắt mấy con ngồi xếp bằng dưới đất chắc riết rồi mấy con khọm lưng hết. Người nào cũng bắt đầu nó cũng vẹo xương sống hết. Người già thì càng khòm lưng hơn. Mà người trẻ thì bắt đầu nó khọm xuống nữa.
(28:39) Thì do đó, theo Thầy thấy đây là lớp học mà, đâu phải là lớp ngồi thiền mà bắt mấy con ngồi cái kiểu này chắc không chịu nổi. Cho nên vì vậy mà Thầy mong rằng, có một ngày nào đó, Thầy sẽ sửa sang lớp học của chúng ta. Có hai dãy ghế, bên đây hai dãy, bên kia hai dãy. Để cho mấy con khi vào cái ghế con ngồi đỡ hơn.
Có khi mỏi mấy con ngồi dựa lưng cũng đỡ hơn. Mình không sắm được cái ghế sang đẹp. Nhưng mà mình sắm được cái ghế đơn giản để cho mình được ngồi tu. Nhưng mà làm sao cho nó bền bỉ. Bởi vì từ cái lớp này, sẽ có những lớp học khác. Chứ không phải là một lớp này không. Cho nên vì vậy mà Thầy đang nghĩ không biết thiết kế cái bàn ghế như thế nào để cho phù hợp. Trong lớp của mình đây là ba mươi hai người thì có ba mươi hai cái ghế.
Thầy thấy Minh Tâm có mua cho Thầy cái ghế có mặt bàn như là sinh viên ngồi học đó, thì để cho mình để giấy lên mình ghi chép cái gì nó cũng tiện. Nhưng mà để Thầy hỏi thử coi bàn ghế như vậy là bao nhiêu. Nhưng mà nó không đơn giản. Bởi vì nó làm bằng sắt, cái lưng nó làm bằng mút, có cái nệm mình ngồi cho êm. Nhưng mà điều kiện mình có tiền mình mới sắm được cho mấy con ngồi tu, học ngồi học để mà về minh tu tập đó mấy con.
Đó là cách thức mình tạo ra một lớp học thật sự. Chứ không phải là như thế này đâu. Bây giờ bắt mấy con ngồi mà Thầy ngồi trên ghế, thỉnh thoảng Thầy dựa lưng còn mấy con cứ còm lưng xuống vầy, Thầy thấy nó xót xa quá.
(30:19) Cho nên Thầy có ý lâu lắm rồi mà mình chưa có đủ điều kiện. Do đó Thầy sẽ cố gắng, Thầy khắc phục làm sao cho có điều kiện. Để khi mấy con ngồi đây, những người trẻ thì ráng được, nhưng mà Thầy thấy mấy con ngồi riết rồi mà về để ngồi thiền thì chắc mấy con ngồi hết nổi. Tại vì vô trong lớp học mấy con ngồi cả buổi như thế này mấy con ngồi hết nổi.
Cho nên vì vậy mà Thầy nghĩ rằng, Thầy phải cố gắng Thầy khắc phục để giúp đỡ cho mấy con. Khi lớp mấy con ra rồi thì lớp nam, người ta vào ngồi người ta cũng có ghế. Mình lợi ích mà, mình nhiều lớp lắm. Buổi sáng, buổi chiều nữa, các con thấy như bây giờ buổi sáng, buổi chiều nữa, rồi ngày mai, buổi sáng, buổi chiều nữa, lớp học chúng ta liên tục mà nên đâu có mà mình ngồi một chút là cả tuần mới ngồi tiếp đâu.
Cho nên lớp học của chúng ta sẽ luân phiên. Nhóm này rồi tới nhóm khác. Ngày xưa Thầy cất cái thiền đường cái Tổ đường này nó hơi hẹp một chút, nó rộng ra chút. Nhưng mà Thầy thấy nó cũng vừa với bốn cái dãy bàn, cũng vừa đó con, không cần phải rộng lắm. Mình để hai cái hàng sát như thế này mình vào ngồi, thì nó rất tiện.
Thì Thầy mong rằng, Thầy sẽ thực hiện cái ý này. Không bao lâu nữa các con sẽ có được cái ghế này ngồi, thì mấy con yên tâm, Thầy sẽ cố gắng Thầy làm sớm việc này, để giúp cho mấy con có cái ngồi. Nhất là mấy người lớn tuổi. Thầy thấy mấy con ngồi mấy con mỏi lưng lắm, Thầy biết mà, nó rất là khổ. Mình tu giải thoát mà mình không tìm cách để cho mình giải thoát mà cứ để khổ như thế này thì không đúng.
Vừa tu thoát khổ thì phải tìm cách để cho mình thoát khổ, ở đời người ta chỉ đi học thôi mà người ta còn có bàn ghế, huống hồ là mình vừa tu, mình vừa học. Thì mình phải có một phương tiện để nó tiện lợi hơn. Mình đừng có nghĩ mình so sánh với thời đức Phật, Thật sự thời đức Phật rất khổ mấy con. Thầy thấy rất khổ.
(32:04) Vậy mà người ta còn tu được. Người ta không có những cái nhà mà gạch như thế này, bằng đất không đó mấy con. Chứ không phải đức Phật không cho. Tự vì nó dính mắc, dính mắc những cái sang hèn. Mà chúng ta bỏ hết rồi chúng ta quyết tâm tu rồi thì chúng ta xá gì những cái điều này. Nhưng mà cái tiện lợi chúng ta tạo cái sự học tu tiện một chút thôi. Chứ chúng ta không dinh mắc nó đâu. Chúng ta không có cần giàu sang đâu.
Cho nên vì vậy mà muốn cho mấy con được sử dụng cái sức lực của mấy con, đừng có hao tốn mà để cho dụng vào cái công phu tu tập. Chứ không phải là chúng ta làm như vậy mà để biến cái lớp học của chúng ta nó sang đẹp. Nó không phải vậy đâu. Đơn giản, nhà trang vách lá. Nhưng mà trong lớp học của chúng ta có điều kiện để các con ngồi suốt cả buổi, mà nó không đỡ mệt nhọc mấy con, cho các con tu tập.
Đó là Thầy sau những ngày mở lớp cho tới bây giờ đó. Đầu tiên Thầy nghĩ cũng bình thường, ngồi vậy mình học cũng được rồi. Nhưng mà bây giờ thì Thầy mới nghĩ Thầy thấy được cái sự mỏi mệt của mấy con ngồi nhiều quá. Trong khi về mình còn ngồi thiền nữa. Trong khi ngồi mình nhiếp tâm thì đỡ, còn mình ngồi đây mình nghe thì tức là mình không có nhiếp tâm.
(33:16) Cho nên cố gắng để tìm cách để tìm cách khắc phục cho lớp học của chúng ta hoàn chỉnh hơn. Thầy thấy là ở đây mình chỉ có ba mươi mấy người thì mình tạm đủ. Rồi buổi chiều thì quý thầy cũng cỡ khoảng đó phải không? Mình chỉ có ba mươi mấy cái bàn, ghế như thế này nó không đến độ quá sức mình lắm đâu, nên Thầy có thể làm được cái đó.
Trưởng lão: Bây giờ mấy con có góp ý gì không con?
Tu sinh: Kính bạch Sư Ông! Con có loại ghế mà có cái mặt bàn quay vô để lấy vô để ra (…)
Trưởng lão: Vậy hả con?
Tu sinh: Dạ! Ở Đại học, có trung tâm thỉnh ghế nó rẻ lắm.
Trưởng lão: Vậy hả con?
Tu sinh: Khi nào mình muốn viết thì mình quay cái mặt bàn vô xong. Mình để mặt bàn gập xuống, đó là cái mặt bàn là miếng ván(…tiện lợi của loại bàn ghế)
Trưởng lão: Cái đó nó tiện con. Thí dụ như bây giờ cái mặt bàn của mình giờ đó, mình xài thì kéo nó vô, mình không xài thì mình kéo nó ra, mình xếp nó xuống. Cái đó nó tiện lợi.
Tu sinh: Mà bộ ghế đó rất là rẻ, ở sinh viên Đại học trung tâm đều có.
Trưởng lão: Để Thầy hỏi coi ở đâu nó sản xuất đó.
Tu sinh: Trên thành phố, chứ con không biết ở dưới này.
Trưởng lão: Để Thầy sẽ hỏi những người, người ta biết đó con. Người ta sẽ đặt cái mặt hàng đó. Nói chung là trong khoảng ở đây ba mươi mấy cái ghế như vậy, thì theo Thầy thiết nghĩ mình sẽ mua chừng ba mươi hai người, nhưng mình sẽ mua bốn chục cái con. Lỡ có phật tử nào người ta tham dự đó, không lẽ mình ngồi trên ghế mà để cho người ta ngồi dưới đất thì coi cũng không được.
Cho nên mình có thừa một số, khi đó các phật tử đem những cái ghế đó họ cũng ngồi tham dự trong những lớp học của mình cũng được. Không có sao. Cho nên mình có thể mình sẽ mua bốn chục cái.
Tu sinh: Mình khỏi đóng bàn.
Trưởng lão: Mình khỏi con, thì đúng rồi. Thầy thấy cái bàn của Minh Tâm. Thì nó không có xếp vậy đâu, mà nó xếp lại. Thí dụ như mình ngồi là nó xếp là hết nhưng mà cái mặt bàn nó cũng xếp xuống vậy, nhưng mà khi mình kéo ra nó bật ra hết, chứ nó không kéo riêng cái mặt bàn xuống, mà khi xếp nó lại cũng như cái ghế xếp vậy. Để dựng vậy rất gọn, khi banh ra thì nó có ghế ngồi, nhưng mà con nói cái bàn mình kéo ra vầy, mình kéo xuống thì còn có cái ghế không. Thì cái này Thầy chưa thấy.
(36:03) Nhưng mà điều kiện nó có. Nó cũng tiện lắm con, cách thức của người ta làm, thiết kế người ta làm đó. Thì do đó nếu mà cái bàn vừa xếp được, mà vừa kéo lại được mà vừa xếp xuống. Nếu mà mình không cần dùng viết, mình sẽ kéo cái mặt bàn xuống để xếp nó lại để bên hông. Thì Thầy thấy nó cũng tiện con, vừa dễ viết được cái điều kiện, cần viết thì mình kéo lên. Còn không cần viết mình hạ xuống. Cái đó thì mình rất tiện. Nhưng mà, lại không cần nữa để dẹp cho căn phòng này trống. Thì mình lại xếp nó cái mình dẹp vô trong vách, nó lại trống căn phòng.
Bây giờ họ thiết kế những cái bàn để đó rất là hay, và Thầy thấy khi mà Thầy ngồi Thầy viết ở trên cái bàn như thế này. Khi cái tay của Thầy nó bị mỏi. Còn cái bàn đó nó có, nó làm có cái cán ra vầy, Thầy để cái tay Thầy ở trên cái cán đó mà Thầy ngồi Thầy viết, thì nó rất là, không có mỏi tay. Cho nên Thầy ngồi suốt cả ngày mà Thầy viết không có mỏi tay. Còn mỗi lần nó không có cái bàn đó đó, như cái bàn này mà Thầy để Thầy viết như vầy nè. Thì Thầy để cái tay nó ngoài này nó hổng, nó mỏi tay.
Cho nên nó thiết kế một cách rất là lợi ích, thiết thực. Do đó Thầy cũng mong rằng cái lớp học của mình sẽ có những cái bàn đó để chúng ta học tập cho tốt hơn.
(37:12) Như vậy, bây giờ thì tiếp tục nữa mấy con. Bây giờ tiếp tục còn giờ, đến mười giờ mình mới nghỉ, mình tiếp tục để mình kiểm tra. Còn mấy con bây giờ theo Thầy thiết nghĩ, mấy con lớn tuổi mấy con ở bên đó mấy con về nghỉ trước đi. Còn bên đây, cái dãy bên đây còn ở lại để kiểm tra, rồi buổi chiều thì mấy con đến nữa. Chứ bây giờ bắt mấy con ngồi như thế này, chắc chắn là mấy con bệnh luôn.
Cho nên mấy con, mà nếu mấy con muốn ở lại xem thì cũng được mà không muốn thì mấy con cứ về, về nghỉ rồi lo vào thất tu tập. Còn ở bên đây thì các con ở lại, nhưng mà chắc chắn là cái khoảng thời gian còn một tiếng đồng hồ nữa là đi khất thực rồi. Do như vậy thì số người ở lại cũng không bao nhiêu đâu. Nhưng mà mấy con muốn ở lại hết cũng được hoặc là muốn về nghỉ.
Nhất là những người tuổi già rồi đó. Thì mấy con nên về nghỉ đi. Rồi còn số người ở lại đây để cho rộng rãi có đường cho mọi người, người ta đi mới được, chứ không khéo đi không được. Bây giờ mấy con đã tập xong rồi mấy con về nghỉ đi. Lo tu tập đi con, còn những người nào chưa đó, thì đương nhiên là mấy con ở lại đây để mà đi kinh hành Thầy kiểm tra lại nữa.
HẾT BĂNG