LCK 001A - TÁC BẠCH CÚNG DƯỜNG - MỤC ĐÍCH LỚP HỌC - TRÁCH NHIỆM LÀM SÁNG TỎ PHẬT PHÁP
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Tu sinh nam, nữ
Thời gian: 02/11/2005
Thời lượng: [01:08:19]
(00:00) Trưởng lão: Ở trong này chật, ngồi ở ngoài hành lang cũng được mấy con. Rồi mấy con có tác bạch, cúng dường gì nói trước đi con!
(00:45) Phật tử:
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nam mô Bổn Sư Thích Thông Lạc Như Lai Phật!
Kính bạch Chư tôn đức.
Phật tử chúng con ở Thành phố Hồ Chí Minh vì phước duyên chúng con được có mặt trong ngày khai giảng lớp Bát Chánh Đạo tại nơi bảo tự này. Qua sự tìm hiểu của chúng con, chúng con được biết Chư tôn đức là những bậc thầy phạm hạnh, khả kính. Cuộc sống tu tập nơi đây vẫn còn nhiều vất vả, khó khăn. Với tất cả tâm tình tha thiết, gửi trọn niềm tôn kính đối với Chư tôn đức, cũng như để chia sẻ bớt phần nào khó khăn của Tu viện.
Hôm nay, đầy đủ phước duyên lành, chúng con xin thành tâm đóng góp chút tịnh tài, tịnh vật và cho phép chúng con được cúng dường bữa thọ trai hằng ngày cho các vị chuyên tu. Mong Thầy hoan hỉ chấp nhận cho chúng con kính cúng dường hiện tiền Chư tôn đức.
Nguyện hồng ân Tam Bảo gia hộ cho Chư tôn đức pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, mãi là bậc thầy khả kính luôn dìu dắt chúng con trên lộ trình giải thoát. Nguyện đem phước báu này, hồi hướng cho cha mẹ, thân bằng quyến thuộc chúng con được thân tâm thường lạc, phước thọ tăng long. Đồng cầu nguyện cho khắp pháp giới chúng sanh đều trọn thành Phật đạo. Ngưỡng mong trên, Chư tôn thiền đức, từ bi ai mẫn, lạc thọ cho chúng con được ân thêm công đức.
Nam mô công đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát.
(03:03) Trưởng lão: Bây giờ mấy con sắp ngồi xuống hết bên đây - nữ; bên đây - nam. Quý thầy, quý sư ngồi lên trên đằng trước.
Còn mấy con ngồi phía bên đây hết đi, còn một số phật tử nếu mà trong tổ đường chật quá thì ngồi hai bên hành lang.
Xích lên đi con! Bên nam, bên Tăng mấy con lên trên này hết. Dồn lên trên, ngồi trên hết đi! Đi đi!
Mấy con ngồi xuống đi con! Bên nam, mấy con ngồi xích trên này trước đi, con! Ngồi hai hàng. Bên nữ trong khu vực nữ mấy con có đủ mặt hết không con? Thầy thấy còn thiếu? Chắc có lẽ là do (ở) nhà bếp - trong đó nhiều.
(05:06) Hôm nay, đây là buổi học, tu học đầu tiên của đạo Phật - mà là một cái duyên tốt - cho nên Thầy mới tổ chức cái khóa tu học theo Bát Chánh Đạo từ thấp đến cao.
Vì trình độ của quý thầy, của quý cô hiện giờ chưa biết đang ở cái lớp nào (để) mà mình tu cái lớp nào (cho phù hợp). Là do cái sự tu tập không có sự hướng dẫn cụ thể rõ ràng, tu chung chung. Nên hiện giờ cần phải xếp đặt lại lớp học cho nó cụ thể rõ ràng để được đào tạo trở thành những Bậc Giải thoát Vô lậu.
Chứ không phải chúng ta đụng pháp nào tu pháp nấy; mà phải đi từ thấp đến cao; tu cho có chất lượng, học cho có chất lượng.
Chúng ta biết rằng, đạo Phật có tám cái lớp học, ba cái cấp. Nhưng cái lớp đầu tiên là Chánh Kiến. Hiện giờ, ai cũng hiểu biết sơ sơ về Chánh Kiến của Phật, nhưng thâm sâu về lớp Chánh Kiến thì chưa ai thâm sâu. Do đó hôm nay, Thầy mở cái lớp tu học này để giúp chúng ta bước vào cái lớp căn bản nhất đó là Chánh Kiến. Nhìn mọi pháp, mọi sự kiện xảy ra trước mắt chúng ta trong sự chân thật, như thật, không còn lầm lạc, không còn mơ hồ. Thấy mọi vật như thật thì chừng đó chúng ta mới có sự giải thoát thật.
(07:20) Ví dụ chúng ta nói rằng các pháp vô thường, nhưng sự hiểu biết vô thường như thật thì chúng ta chưa thực sự hiểu biết vô thường như thật. Chúng ta nói, các pháp do nhân quả sinh ra, sống trong nhân quả, chết về nhân quả. Ai nói cũng được nhưng sự thật thấy như thật, biết như thật của nhân quả thì chắc chưa ai biết. Cho nên lớp này học như thật, biết như thật, thấy như thật! Chứ không còn thấy mơ hồ, hiểu biết một cách trừu tượng, mơ hồ, không rõ ràng.
Hôm nay muốn học được vậy, thì mọi người phải được sắp xếp vào lớp căn bản. Nếu người nào chưa hiểu biết thì được học cái lớp để giảng dạy hiểu biết và đồng thời để được tự mình triển khai sự hiểu biết đó. Còn người nào đã hiểu biết thì được sắp xếp lớp cao hơn để chúng ta tiến tới sự hiểu biết thâm sâu hơn nữa, để đi vào thiền định.
Vậy muốn biết được sắp xếp lớp thì mọi người phải trình bày sự hiểu biết của mình, sự tu tập của mình. Có hai phần tu tập, phần thứ nhất "là sự hiểu biết bằng tri kiến giải thoát"; phần thứ hai: "là nhiếp tâm trong thân hành để an trú trong thân hành".
Vậy thì hai phần này, căn cứ vào hai phần này mà sắp xếp lớp. Vậy muốn căn cứ vào hai phần này sắp xếp lớp thì trước tiên, mọi người trình bày cho Thầy xem sự nhiếp tâm của mình. Khi chúng ta đi, chúng ta biết chúng ta đang bước đi. Biết bước đi bằng mắt nhìn, biết bước đi bằng lắng tai nghe bước đi. Biết bước đi bằng cảm nhận, cảm giác bước đi. Thì ai là người biết bước đi bằng cái thấy của mình thì cho Thầy biết rằng mình bước đi.
(10:11) Vậy thì, quý phật tử sẽ ngồi để chừa một cái khoảng trống ở giữa để mọi người đi kinh hành mà Thầy xem xét biết họ đang đi bằng mắt thấy biết đi, đi bằng tai nghe biết đi, đi bằng cảm nhận biết đi. Thì chỉ có xét qua bước đi mà biết người đó đang nhiếp tâm trong thấy, trong nghe hoặc trong cảm nhận.
Vậy thì quý thầy, với quý cô ở đây mọi người tu tập, mình đã tu như thế nào thì mình cứ đi kinh hành như thế nấy. Để Thầy kiểm tra biết được mà sắp xếp cái lớp cho quý vị biết cách tu tập đúng hoặc sai.
Còn về phần kiểm tra tri kiến của quý vị, sự hiểu biết của quý vị thì Thầy cho một cái đề tài. Sau đó quý vị sẽ làm một cái bài luận về cái đề tài đó, rồi Thầy đọc cái bài luận đó, Thầy xét qua sự hiểu biết của quý vị mà Thầy sắp xếp lớp cho mình, để đúng vào cái vị trí hiểu biết của mình. Nếu quý vị viết bài đó, suy nghĩ tư duy viết ra bài đó mà lạc đề thì Thầy sẽ cho vào cái lớp học "Những điều Đức Phật đã dạy" để biết, để hiểu, rồi từ đó, triển khai tri kiến mình ra mới dễ. Đó là hai điều kiện để chúng ta sắp xếp lớp.
(12:05) Nhưng hiện giờ, theo cái lớp học này, Thầy chỉ chọn hai mươi người. Nhưng nhìn ở đây, bên nam và bên nữ, thì cái số người được dự học lớp này có lẽ trên hai mươi người. Thầy cứ nghĩ rằng, cái sức của Thầy chỉ cần hướng dẫn hai mươi người. Nhưng hiện giờ, nhìn tổng quát thì Thầy đã thấy số lượng trên hai mươi người. Và như vậy, thì đầu tiên Thầy xin một người ở trong đây ghi danh sách của những tu sĩ bên nam và một người bên nữ ghi danh sách của bên nữ.
(13:00) Người nào chính thức được ghi danh vào lớp học đào tạo Bậc Giải Thoát, hoàn toàn được sự hướng dẫn của Thầy đào tạo. Thầy tin rằng, mãn cái khóa học này sẽ có những người thực sự chứng đạt được chân lý một cách cụ thể, rõ ràng với sự quyết định của Thầy. Nếu người đó siêng năng tu tập theo đúng lời Thầy dạy thì bảo đảm họ sẽ đạt được chất lượng như vậy.
Vậy thì, bên nữ có người nào làm công việc này thay Thầy không? Hay là ghi pháp danh của những người tham dự cái lớp học này. Phải có sự quyết tâm!.. Phải có sự quyết tâm!
(14:06) Như là bên nam, thì quý vị cho một người ghi danh người nào nhập học cái lớp đào tạo Chứng đạo chân lý của Phật giáo, thì quý vị ghi danh cho thầy chính thức, còn những người nào dự thính thì được nghe, nhưng không được chính thức vào lớp học. Tại sao? Tại vì vào lớp học thì Thầy phải kiểm tra chặt chẽ còn người dự thính thì không có kiểm tra. Để biết!
Dự thính thì mình được nghe và mình về học tu. Rồi sau này, những cái bài vở của các vị tu sĩ nam cũng như nữ đã hoàn chỉnh được cái sự hiểu biết thì sau đó quý vị được đọc và học những cái hiểu biết đó. Còn hiện giờ, thì quý vị được tham dự rồi về, cũng tự làm những cái tư duy quán xét về Định Vô Lậu, tức là Quán, tu Quán, tu Thiền Quán.
(15:12) Do đó, thì các vị nên ghi danh để cho Thầy biết được cái số người tham dự trong cái khóa tu này. Dù là người đó lớn tuổi mà quyết tâm tu; dù là người đó là cư sĩ quyết tâm tu vẫn ghi được vào trong lớp học này. Nếu số lượng mà đông, khoảng bốn chục, năm chục người thì Thầy sẽ chia ra làm hai lớp để Thầy kiểm tra cho chặt chẽ. Còn nếu ít, hai mươi người thì Thầy sắp vào một lớp để Thầy hướng dẫn cho dễ dàng. Nếu đông hơn nữa, Thầy sẽ sắp xếp làm ba lớp, bốn lớp.
Thầy chịu khó để hướng dẫn mấy con, nhưng phải thật tu, phải thật tu, phải đem hết sức mình! Tu không phải dễ, rất khó, sống một đời sống phạm hạnh không đơn giản. Vậy thì bây giờ, mấy con ghi danh cho Thầy để cho Thầy có cái sổ ghi danh - người nào mà quyết tâm tu học trong cái lớp này.
Bên Tăng cũng vậy, quý vị ai là người làm cái đảm đương bên Tăng, đảm đương công việc này cho Thầy, ghi danh giùm Thầy.
Thầy rất tiếc, là vì mình chưa …
( À, mấy con cứ ghi danh, còn mà Thầy nói chuyện cho mấy con nghe; để chúng ta vừa làm việc mà lại không mất cái thì giờ.)
…Thầy rất tiếc rằng Thầy chưa tổ chức được khu Trung tâm An Dưỡng - cái khu để cho chúng ta học tập đạo đức và tập luyện những phương pháp Phật đã dạy. Vì cái khu học tập, nó giống như một ngôi trường phải có bàn ghế, phải có chỗ ngồi để mấy con học.
(18:01) Không phải (như) chúng ta ngồi dưới đất, nhiều khi chúng ta viết hoặc chúng ta làm một cái điều gì mà chúng ta phải khom mình xuống thì như vậy nó sẽ ảnh hưởng đến cơ thể chúng ta rất nhiều, làm cho chúng ta dễ mỏi mệt hơn là khi chúng ta ngồi trên một cái ghế, có một cái bàn như các sinh viên ở trong đại học.
Chỉ ngồi thẳng lưng như thế này rồi cầm cái bút ghi chép lại những điều cần học và sự tư duy mà cần học ấy nó làm cho chúng ta có sự suy nghĩ dễ dàng hơn. Còn ngồi xếp bằng như các con mà học thì Thầy thấy bất tiện. Nhưng vì Thầy chưa đủ điều kiện để xây dựng những cái nơi để học tu cho cụ thể.
Ví dụ như đây, trong cái phòng này, mà có những bàn ghế như trường đại học. Mỗi một sinh viên có một cái bàn, cái ghế để ngồi, đó là cái lớp học. Và cái lớp chung thì có một cái ngôi nhà rộng để chúng ta tập đi kinh hành khoảng khoát (thoải mái) - có thể nó ngoài trời. Tất cả những phương tiện để chúng ta đào tạo, rèn luyện cho một người tu chứng nó không đơn giản.
Ngày xưa, đức Phật sống trong rừng; có lẽ là Ngài cũng phải có những điều kiện để giúp cho tu sĩ. Nhưng ngày xưa người ta tu tập, người ta quán mà người ta không ghi chép. Bởi vì ngày xưa, người ta đâu có giấy, đâu có mực mà chép, người ta cố gắng tu chứng. Còn hiện giờ, chúng ta tư duy, theo Thầy xét thấy, qua một vài bài viết về nhân quả, viết về các pháp vô thường, thì Thầy thấy hầu hết là ví dụ viết chung chung, chưa thâm sâu, cái hiểu biết chưa sâu.
(20:13) Nhưng không biết thời đức Phật người ta tư duy như thế nào để cho người ta xả được tâm người ta, nếu không thâm sâu thì không xả được tâm. Cho nên làm sao mình thấy biết được như thật. Thời đại chúng ta có đầy đủ phương tiện giúp người tu nhanh chóng lắm, không khó khăn như thời đức Phật, thế mà thời Đức Phật, nghe người tu sao dễ dàng quá vậy! Từ đó, chúng ta rút tỉa qua những kinh nghiệm, chúng ta tìm cách làm sao cho người thời nay phải tu, phải đạt nhiều hơn thời đức Phật mới xứng đáng vì chúng ta có đủ phương tiện.
Còn thời đức Phật, muốn nói mà phát âm như chúng ta hiện giờ quá khó, phổ biến những điều mình muốn dạy, đi sâu rộng thì không phổ biến được. Còn bây giờ, ngồi đây mà chúng ta phổ biến khắp thế giới được nghe, thấy, biết dễ dàng thế mà chúng ta tu chẳng ra gì hết. Là tại sao? Tại vì Đạo Phật là chương trình giáo dục đào tạo mà chúng ta biến nó thành pháp môn ngồi tu, cho nên nó không thực hiện được.
(21:45) Như vậy, hôm nay là một cái lớp học đầu tiên để đào tạo, Thầy mong rằng quý thầy phải cố gắng nỗ lực, thực hiện cho bằng được để không phụ công của Thầy.
Ở bên nam thì tu sĩ và cư sĩ mà tham dự cái khóa tu này là mười chín người. Như vậy là, bên nam đã gần bằng cái sự mà Thầy đã, cái lớp mà Thầy đã dự tính nhận vào để tu tập, nội bên nam không thì đã mười chín người. Vậy thì mong rằng mười chín người này hãy cố gắng tu tập, kỹ lưỡng học tập thông suốt để không phụ công ơn của đức Phật, công ơn của Thầy. Mà lại lợi ích cho chính bản thân mình được giải thoát, làm chủ bốn sự đau khổ; Thân - Thọ - Tâm - Pháp luôn luôn thanh thản, an lạc, vô sự.
Còn cái số bên nữ thì được hai mươi ba người. Như vậy là, chúng ta thấy, cả hai lớp này được chia làm hai lớp: lớp nam và lớp nữ.
Chứ một lớp mà nhập lại - Thầy, cái sự hướng dẫn và điều khiển để một lớp học - thì cái sức, khả năng của Thầy không đảm đang nổi. Cho nên, chia làm hai lớp, bên nữ tới hai mươi ba người, bên nam thì mười chín người. Tổng cộng là bốn mươi hai người. Thế là cái lớp học của chúng ta vừa nam nữ hết là bốn mươi hai người.
(24:16) Như vậy thì đến đây, Thầy xin khóa sổ này lại không có cho thêm nữa, ai muốn thêm thì không có cho vào nữa. Bởi vì, khi mà sắp xếp rồi thì cứ lo tu chứ còn Thầy không nhận thêm từ đây cho đến khi chứng đạo mà thôi. Nghĩa là người nào rớt thì ở lại và cuối cùng tu không nổi thì về. Còn người nào được thì cứ đi tới và cuối cùng thì chứng đạt chân lý xong thì mới thôi, chứ Thầy không thu lỡ dở mà cũng không mở lớp kế tiếp.
Chừng nào đào tạo xong lớp này sẽ mở, còn không đào tạo được cái lớp này - không xong - thì nhất định là không mở. Bởi vì đây là cái lớp đầu tiên, phải đào tạo cho người thực tu, thực chứng, rõ ràng cụ thể, làm chủ bốn sự đau khổ của kiếp người: sanh, già, bệnh, chết.
Người đó phải chứng minh bằng sự làm chủ thật sự, chứ không phải nói suông, chứ không phải nói để mà nói, mà đây là một sự thật để chứng minh giáo pháp của Phật là con đường thực tu, thực chứng làm chủ. Chứ không phải con đường tu tập để có thần thông, phép tắc.
Để chứng minh cho một bậc Vô Lậu là tâm không còn phiền não, đau khổ. Để chứng minh cho một bậc Vô Lậu là làm chủ được thân già của mình; làm chủ được bệnh đau trên thân mình và làm chủ được sự sống chết. Đó là mục đích của Đạo Phật. Chớ không phải Đạo Phật ra đời dạy cho chúng ta có thần thông, phép tắc, biết chuyện quá khứ, vị lai hoặc dạy cho chúng ta đi cầu một cõi giới siêu hình, cõi Trời nào hoặc Cực Lạc thiên đàng nào. Mà, chính đạo Phật ra đời giúp cho loài người thoát ra bốn sự đau khổ của kiếp người tức là sanh, già, bệnh, chết.
Và mục đích hôm nay lớp học tu của chúng ta là mục đích nhắm vào để làm chủ bốn sự đau khổ này. Chớ không phải rèn luyện thần thông hoặc là cầu khẩn đi vào một cái thế giới nào. Ở đây không có mục đích đó, mà mục đích làm chủ sự đau khổ bản thân của chúng ta mà thôi. Vậy thì từ đây về sau, các học viên, các thầy, các cô hãy cố gắng mà thực hiện đem lại sự lợi ích bản thân cho chính mình vì làm chủ bốn sự đau khổ là sự lợi ích rất lớn của đời người.
(26:52) Một con người mà làm chủ được bốn sự đau khổ này là hạnh phúc vô cùng. Ngay cả cảnh sống chúng ta trong thế gian mà người làm chủ được bốn sự đau khổ này là chúng ta đang ở cõi Cực Lạc.
Danh từ Cực Lạc không có nghĩa là cõi Cực Lạc mà (nghĩa của nó là): “ rất là hạnh phúc, rất là vui ”. Chữ Cực Lạc nghĩa là rất vui chứ không có gì cả. Vì vậy mà ngay trong cuộc sống chúng ta sống rất vui, không có buồn phiền, không có đau khổ, không có sợ hãi, không có lo lắng nữa. Đó là mục đích giải thoát của chúng ta.
(27:30) Trưởng lão: Vậy thì được danh pháp, Thầy xin báo đó là bốn mươi hai người; bốn mươi hai người Thầy chia làm hai lớp, một lớp nam và một lớp nữ tu học. Thầy mong rằng, với (bên) nam cố gắng tu cho đạt được để giúp Thầy; bên nữ Thầy mong rằng các con tu cho được để hướng dẫn người nữ. Thầy thấy rằng, với nữ cần phải có một người nữ tu xong, gần gũi với những người tu, hướng dẫn họ. Còn Thầy là một người nam mà gần gũi người nữ, điều này khó khăn vô cùng, hướng dẫn rất khó.
Khi các con bên nữ mà tu sai, thật ra thì Thầy biết sai nhưng mà đến để giúp đỡ các con hoặc khi tu sai, mấy con đến thất Thầy, rất khó! Cho nên, vì vậy Thầy ước mong các con hãy tu, tu vì bản thân mình, tu vì giới nữ. Nhiều người tha thiết tu hành để làm chủ bốn sự đau khổ nhưng không ai hướng dẫn họ, họ phải chịu nhiều sự âm thầm, đau khổ. Cho nên, Thầy mong rằng bên nữ các con hãy cố gắng nỗ lực, một người tu chứng để giúp cho bao nhiêu người. Người nữ khổ lắm mấy con, khổ hơn người nam nhiều lắm. Bao nhiêu sự gánh vác đổ trên vai, trên đầu mấy con rất nhiều. Phải ráng mà nỗ lực tu!
Còn các con bên nam, hãy tu! Tu để thắp sáng lại ngọn đèn của Phật pháp, giáo lý của Phật đã bị diệt mất. Các con biết! Nó mất đi đường lối người ta không biết đường tu. Cho nên người tha thiết tu, đem hết công sức mình tu nhưng cuối cùng được những gì? Chúng ta thấy người ta bỏ hết cuộc đời!
Như vậy hôm nay, cái lớp này giúp cho mấy con thực hiện làm chủ sự thật rõ ràng, cụ thể để cho người ta biết rằng Phật pháp không dối người. Thực chất của nó là giải thoát như vậy!
(29:37) Trong lớp này, Thầy tin rằng sự tu tập của mấy con cũng có nhiều kinh nghiệm. Những kinh nghiệm, từng kinh nghiệm các con thấy có sự làm chủ rõ ràng, cụ thể. Nhưng có người còn yếu lắm, phải tiến lên, phải cố gắng lên, phải vượt lên những nghiệp lực của mình đang đeo đẳng trong thân tứ đại của chúng ta. Phải cố gắng khắc phục!
Vậy thì chúng ta đã có hai lớp, Thầy cứ ngỡ rằng mình sẽ khai giảng một lớp mà thôi, nhưng không ngờ phải hai lớp. Như vậy, từ đây về sau mấy con có lớp, hai lớp học phải ráng, bên nam cũng như bên nữ cố gắng hơn mấy con! Cố gắng có nghĩa là tu đúng, chứ không phải cố gắng mà ráng sức để tu sai thì điều đó không được! Mà phải ráng. Có gì khó khăn thì Thầy sẽ gần bên mấy con mà giúp mấy con vượt qua những khó khăn đó, để mấy con đạt thành sự cứu cánh chính bản thân mấy con.
Khi mấy con tu được tức là mấy con thắp lại ngọn đèn Phật Pháp, làm sáng tỏ muôn hướng giúp cho mọi người biết đường đi. Các con hãy ráng, nhiệm vụ trọng trách của mấy con rất nặng, còn cực khổ, đường đi về phía trước còn nhiều gian khổ, không phải đơn giản.
Nói thì dễ nhưng làm không phải dễ, phải bền chí, phải gắng sức. Hãy vươn lên! Đừng chùn bước trước những sự khó khăn nào, phải tập luyện âm thầm. Nghĩ rằng, người tu hành sẽ chuyển được nghiệp quả vô đời, vô kiếp của mình, cho nên, ngay trong giờ này, phút này mấy con gặp nhiều khó khăn.
Về pháp tu thì không có gì khó, mấy con cũng đã biết rồi, mấy con đã biết hết rồi, đi kinh hành tức là Chánh niệm Tỉnh giác. Có bốn pháp tu tập Chánh niệm Tỉnh giác. Người nào đặc tướng hợp với pháp nào thì ôm pháp đó mà nhiếp tâm, mà đẩy lui những hôn trầm, thùy miên, vô ký và những lười biếng của mình.
(32:06) Thì mấy con biết, đi kinh hành có bốn pháp. Pháp thứ nhất: "Tôi đi, tôi biết tôi đi". Như mấy con thấy, nói thì dễ nhưng đi như thế nào mà " tôi đi, tôi biết tôi đi " cho đúng pháp. Mấy con thấy, khi mấy con đi mà mấy con cúi mặt xuống như thế này, đó là mấy con đi sai pháp - đi mà cúi đầu xuống đó là sai pháp.
" Tôi đi, tôi biết tôi đi! ", đi tự nhiên, thanh thản, an ổn, không bị ức chế, không bị gò bó. Đi mà cúi đầu xuống là gò bó rồi, đi sai pháp. Như Thầy thấy có nhiều người đi kinh hành cúi xuống, đó là cái sai.
Rồi mấy con biết! Khi mà ngồi mà nhiếp tâm, ngồi mà nhiếp tâm tức là nhiếp trong hơi thở hoặc nhiếp trong thân hành đưa tay ra, đưa tay vô như thế này. Nhất là nhiếp trong hơi thở, nhiếp hơi thở ra, hơi thở vô. Hay hoặc là nhiếp tâm trong tâm thanh thản, an lạc, vô sự, sự yên lặng của thân tâm của chúng ta. Đó là cái dạng tu Tứ Niệm Xứ. Ví dụ như bây giờ Thầy ngồi kiết già, lưng thẳng rồi Thầy nhiếp tâm, Thầy nhắc tâm thanh thản, an lạc, vô sự, rồi Thầy nhiếp tâm mà Thầy cứ cúi đầu xuống vậy, Thầy gom tâm mình lại, thì cái đó chúng ta tu sai, mấy con! Bị ức chế.
Cho nên mấy con ngồi thì lưng thẳng thản nhiên nhìn xa để đầu đừng cúi xuống không bị quên tâm, thì điều đó mấy con mới tu đúng. Đi cũng vậy, đừng cúi xuống, đừng cúi đầu xuống, đừng ngồi thụng lưng xuống rồi khòm như thế này, sai pháp nghe con! Mấy con có thấy các bậc Tôn túc đã tu sai pháp, lớn tuổi có nhiều người ngồi thụng xuống như thế này, không còn sức ngồi thẳng nữa, ngồi thụng xuống rồi cái đầu cúi xuống. Như vậy tu sai pháp, mấy con bị quên tâm và ức chế tâm, không đúng pháp! Cho nên mấy con phải cố gắng sửa lại cái tướng ngồi, tướng đi thì mấy con tu mới đúng.
(34:22) Do cái lớp mà Thầy dạy, chắc Thầy phải kiểm tra lại từ đi, từ ngồi, từ nằm, từ cách đứng của mấy con. Nếu không kiểm tra thì chắc chắn mấy con sẽ tu sai hết, không đúng. Mà tu sai thì không bao giờ mấy con đạt được, mấy con đạt được chân lý! Tu sai làm sao đạt được! Cho nên tu tập phải đúng. Phật pháp dễ, không khó, nhưng tại chúng ta hiểu lầm, chúng ta hiểu sai thì chúng ta tập sai, làm cho Phật Pháp khó chứ không phải khó.
Thầy nghĩ rằng, Đức Phật nói: "Thấy lỗi mình đừng thấy lỗi người". Câu nói thì nghe dễ nhưng thấy lỗi mình, mình có lầm lỗi mình thấy, điều đó khó, mấy con! Nhiều khi mình làm lỗi mà không thấy lỗi, mình cứ thấy mình đúng. Cho nên câu nói đó khó không phải dễ. Nói " đừng thấy lỗi người ", không nghĩa chúng ta là một người có chánh tri kiến mà cái người làm sai chúng ta không thấy sao? Thấy chứ, nhưng mà chúng ta không bị dính mắc, không nói ra những chuyện sai của người khác, chứ chúng ta biết người đó làm sai. Cũng như có một người sống bên Thầy, tâm họ sân hận dữ tợn, Thầy biết họ sân hận dữ tợn chớ, Thầy biết chớ, tức là Thầy cũng hiểu họ sai đó chớ, họ ác pháp chớ, Thầy biết chứ nhưng Thầy không nói ra mà Thầy rất thương yêu họ.
Cho nên thấy lỗi mình để mình sửa, thấy lỗi người mà mình có sửa được lỗi người đâu! Mình có khuyên được họ đừng sân đâu! Cho nên biết lỗi họ nhưng rất thương họ mà thôi chứ không giận hờn họ, không tức giận họ - đó là lời nói của Đức Phật: "Thấy lỗi mình, không thấy lỗi người". Có nghĩa là, mấy con cứ nghĩ là người đi theo đạo Phật không thấy lỗi người khác. Thấy chứ, người đó - bởi vì Đức Phật dạy chúng ta Chánh Kiến mà - thấy người đó sân biết sân, thấy người đó tham biết tham, thấy người đó ham ăn, ham ngủ, biết si mà! Mình thấy biết rất rõ chứ đâu phải.
(36:37) Ví dụ như bây giờ mấy con ở trong thất mà thấy người đó tu sai mấy con cũng biết sai chớ! Nhưng khả năng của mấy con không đủ để giúp đỡ họ đâu, mấy con nói họ không nghe đâu. Cái lời nói của mấy con chưa có trọng lượng là tại vì mấy con tu chưa xong. Cho nên, vì vậy mấy con phải tu cho mình; vì vậy mà Đức Phật bảo: "Thấy lỗi mình, đừng thấy lỗi người". Nghĩa là mình còn lỗi thì mình đừng nên thấy lỗi ai hết nhưng mình biết chớ, sao lại không biết!
Ví dụ như giờ này là giờ mấy con phải thức dậy tu mà mấy con còn ngủ, thì cái người mà thức dậy tu họ cũng biết mấy con sai đó chứ nhưng họ không nói. Chỉ có Thầy nói để mà Thầy hướng dẫn mấy con, để mấy con cố gắng khắc phục cái lười biếng, cái ham ngủ của mấy con mà thôi. Chứ họ biết chứ, họ biết hết, nhưng họ không có quyền nói bởi vì họ là người tu chưa chứng. Cho nên chúng ta phải cố gắng khắc phục từng chút, đừng để lỗi lầm, đừng để sai lầm mà con đường tu chúng ta không đạt được.
Hôm nay được phân lớp và được biết số lượng người tham dự trong lớp tu. Vậy thì, từ đây về sau tạo điều kiện, tạo mọi điều kiện để cho mấy con tu tập.
Thứ nhất là được vào cái lớp này rồi thì mấy con đã thông qua những người thân của mình. Khi vào lớp này tu thì những hạnh ăn, ngủ và độc cư phải được trọn vẹn. Mấy con nhớ, hồi nào tới giờ chưa mở lớp thì ăn ngủ chưa được trọn vẹn lắm đâu. Còn bây giờ thấy chúng ta phải có một cái trách nhiệm rất nặng là chúng ta gánh vác, gánh vác Phật Pháp - làm sao tu cho được mới gánh vác được Phật Pháp.
Cho nên chúng ta có cái trách nhiệm rất lớn làm cho Phật pháp sáng tỏ. Dựng lại chánh pháp của Phật là nhiệm vụ của mấy con, còn Thầy có nói gì đi nữa, có viết kinh sách gì đi nữa mà mấy con tu không được thì lời nói Thầy chẳng có giá trị gì cả. Kinh sách Thầy cũng chỉ là như các kinh sách khác mà thôi. Cho nên cái nhiệm vụ, trọng trách của mấy con rất nặng. Vì vậy mà Giới Luật phải nghiêm chỉnh: sống ăn một bữa, thà chết nhất định là sống không phạm giới. Do đó, các con ngủ không được ngủ phi thời, tùy theo ở lớp mấy con.
(39:17) Ví dụ như cái lớp bắt đầu từ bảy giờ tối đến chín giờ thì mấy con cứ giữ giờ khắc đó nghiêm chỉnh, đến chín giờ mấy con mới đi ngủ. Còn cái lớp mười giờ thì mấy con sẽ đi ngủ đúng mười giờ. Trước mười giờ, nhất định thà là chết, nhất định không được trước giờ đó. Lớp mười một giờ thì đúng mười một giờ mấy con mới đi ngủ. Mà nếu ngủ trước mười giờ hoặc mười giờ rưỡi, thà chết nhất định là không ngủ, dù chúng ta chết thì chúng ta không làm.
Vì trách nhiệm chúng ta rất nặng mà chúng ta lại đi ngủ, như vậy thì không xứng đáng. Tốt hơn khi thấy mình không đủ khả năng, không đủ sức tu tập, xin Thầy ra khỏi lớp. Để làm gì? Để cho còn lại những người làm gương hạnh, để họ sát cánh nhau; tu thì phải có bạn - Thiện hữu tri thức. Người tu - mà người sai đã làm cho cái người tu (đã) vất vả mà không được sách tấn lại còn bê trễ: “ Người đó tu vậy thì mình dại gì mà tu như thế này. Thôi! Mình cũng bắt chước người đó ”. Do đó cái lớp học còn gì nữa không?!
Cho nên thấy mình không nhiếp phục được, không khắc phục được cái sự mà giới luật, mình sống không đúng - phi thời - thì mình xin ra khỏi lớp. Thà là mình sống một đời sống đạo đức với bên ngoài mọi người; tiếp xúc với mọi người mà sống đạo đức không làm khổ mình khổ người, đạo đức nhân quả hơn là mình đi sâu vào con đường giải thoát hoàn toàn.
Cho nên ăn, ngủ không được phi thời; cho nên độc cư phải được trọn vẹn! Từ đây về sau các con đừng tiếp duyên nói chuyện, có muốn hỏi pháp thì hỏi Thầy, đừng nói chuyện với nhau. Vì nói chuyện tức là không phòng hộ ý căn, không phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý của mình thì con đường tu không bao giờ chúng ta đạt được. Mà Thầy thường nhắc: “ Bí quyết thành công của Thiền Định, đó là Độc Cư ”.
(41:35) Hôm nay vì trách nhiệm, vì gánh vác thiện pháp, vì gánh vác Phật pháp làm cho sáng tỏ thì độc cư là cái hạnh duy nhất đủ cách thức để các con gánh vác được việc lớn của một con người. Thì không lý nào mà mấy con gặp, tham dự vào cái lớp tu học này mà không kê vai gánh vác sự nặng nhọc này. Thầy tin rằng, mấy con sẽ thừa sức gánh vác! Và vì vậy, ăn, ngủ, độc cư phải ráng cố gắng giữ trọn vẹn. Thà chết nhất định không phạm giới độc cư. Bởi vì, độc cư là pháp phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân ý làm cho mắt tai mũi miệng thân ý thanh tịnh. Nếu chúng ta đã phá độc cư, thì mắt, tai, mũi miệng thân, ý mình không bao giờ thanh tịnh. Và không bao giờ thanh tịnh thì chúng ta tu ngàn đời cũng không được giải thoát.
Vui đời có gì mà vui đâu mấy con! Nói chuyện để cho vui mình, sự thật có gì đâu. Các pháp đều là vô thường, nay thì như thế này, mai như thế khác. Bữa nay các con được mạnh khỏe ngồi đây nghe Thầy nói chuyện nhưng ngày mai các con sẽ nằm trên giường bệnh mà đau, mà khổ. Ai thay thế cho sự khổ đau này cho các con? Bữa nay còn được ngồi nghe Thầy nhưng ngày mai một cơn bệnh, một cơn bạo bệnh mấy con sẽ ra đi, ra đi với nỗi đau khổ và tiếp tục tái sanh luân hồi làm thân chúng sanh, làm thân người. Khổ lắm mấy con, khổ lắm!
(43:36) Các con nhìn con kiến bò trên mặt sân, mặt nền nhà, chạy đi tứ tung tìm thức ăn quá vất vả; không có (thức ăn) chúng sẽ chết đói, mấy con! Mà chắc chắn trong cuộc đời mấy con không thể nào thoát ra khỏi làm thân chúng sanh khi các con giết hại chúng sanh, khi các con ăn thịt chúng sanh. Hành động giết hại chúng sanh, ăn thịt chúng sanh là nghiệp, là nhân, là quả thì mấy con tránh làm sao khỏi sanh làm loài vật. Nhưng có "những lúc mấy con cũng là một con người sống năm giới trọn vẹn, thì chắc chắn khi chết mấy con cũng được sanh làm người."
Như vậy, một người chết là sanh nhiều hoặc sự đi tái sinh đó là nghiệp của mấy con chứ không phải linh hồn, chứ không phải riêng có một cái gì trong con mà đi tái sanh. Cho nên, nghiệp ác khi các con mất, các con chết thì cái nghiệp ác của các con sẽ sanh ra làm loài vật. Và nghiệp thiện đúng tiêu chuẩn năm điều lành của Phật thì các con sẽ sanh làm người. Nhưng làm người chưa hẳn trọn vẹn vì cái duyên thiện mà sanh làm người đó cho nên con người của các con còn có những điều ác; cho nên lúc thiện, lúc ác, lúc phạm giới, lúc phá giới.
Hiện nay, những người ngồi trước mắt Thầy, nói về năm giới cũng chưa chắc mấy con đã trọn vẹn. Nhưng cũng có lúc mấy con giữ gìn năm giới được trọn, những lúc ấy là nghiệp tái sanh làm người. Những lúc mấy con giữ gìn không trọn vẹn, giết hại chúng sanh, vô tình dẫm đạp lên chúng sanh làm chúng sanh chết, nghiệp đó mấy con cũng phải trả, không thể nào mà không trả. Vì luật nhân quả công bằng, công lý, một hành động làm thì phải chịu quả khổ của hành động đó. Một hành động thiện thì sẽ hưởng phước của hành động đó.
(46:00) Cho nên mấy con không tránh khỏi vì mấy con từ nhân quả sanh ra, sống trong nhân quả, chết về nhân quả, làm sao tránh khỏi nhân quả?! Mấy con đang ở trong một cái lưới bao của nhân quả, làm sao mấy con ra khỏi nhân quả mà gọi là thoát. Cho nên đạo Phật ra đời giúp cho mấy con để thoát ra khỏi nhân quả, đi ngược lại nhân quả. Cho nên nhân quả đau, làm cho con đau khổ thì con bình tĩnh, vui vẻ, không sợ đau khổ - đó là chuyện nhân quả, nhân quả là phải có vui, có buồn, có tham, có sân, có si - trái lại mấy con không vui buồn, không tham, sân, si tức là nhân quả không tác động được mấy con, là mấy con đã ra khỏi luật nhân quả. Đó là Đạo Phật dạy cho chúng ta như vậy.
Thế thì các con phải cố gắng cứu mình, không khéo khi bỏ thân này, các con không tránh khỏi làm thân chúng sanh, làm thân loài vật; rồi trong đó có thân lành - thân người. Thầy quá sợ hãi! Cho nên Thầy mới thương những cụ già sắp sửa chết rồi mà không biết đường thì tức là sẽ phải tái sanh. Không những tái sanh một người mà tái sanh nhiều người; và không những tái sanh con người mà còn tái sanh con vật để trả cái quả đã từng gieo nhân ác đó, không thể nào tránh khỏi, mấy con! Tiếc vì ở ở đây, mấy con không có đôi mắt, không có đôi mắt Tam Minh cho nên mấy con không thấy được mà thôi.
(47:46) Đến đây Thầy nhắc nhở như vậy, rồi Thầy xin hướng dẫn cho mấy con cách thức đi kinh hành, cách thức ngồi thiền như thế nào đúng, rồi mấy con về sửa lại. Ngày mai Thầy sẽ - ngày mai lớp của người nam; và hôm nay - Thầy sẽ đặt cái ngày nào trong một tuần lễ để gặp Thầy. Ngày hôm nay, chúng ta là cái ngày đầu tiên khai giảng lớp học, chúng ta sắp xếp cho những người tu thành hai lớp: lớp nam, lớp nữ.
Vậy thì, Thầy mong rằng cái sự hiện diện của các con trong những cái ngày kế tới là đủ mặt, để tiếp tục trên con đường tu. Còn ngay khi tu tập thì trong cái giờ tu tập, mấy con tu thấy cái sức của mình không được thì xin Thầy rút ra thì Thầy chấp nhận để ghi vào sổ. Những người nào mà tu không được xin rút ra thì Thầy sẽ cho rút ra với là tự nhiên, không có gì đâu mấy con sợ! Mấy con ghi tên mà khi mấy con thấy tu không nổi thì mấy con sẽ xin Thầy trở ra thì Thầy sẽ chấp nhận.
Nếu quả chăng, trong hai lớp học này mà chỉ còn mỗi lớp có một người thôi, Thầy cũng giảng tận cuối cùng để dẫn dắt cái người cuối cùng đó đi tới nơi, tới chốn, Thầy không bỏ lớp. Nghĩa là, còn đủ số người thì Thầy cũng dạy như vậy, mà tất cả mọi người tu không nổi, mà chỉ còn mỗi lớp một người, Thầy cũng cố gắng dẫn dắt mấy con đi tới nơi. Đó là cái quyết định của Thầy. Còn hoàn toàn mấy con tu không nổi mà mấy con nghỉ không còn người nào hết thì Thầy sẽ khóa sổ và không hướng dẫn. Và Thầy thấy duyên hết, từ đó một là Thầy ẩn bóng hoặc là Thầy nhập diệt. Bởi vì Thầy thấy Phật Pháp không còn ai tu nổi thì dù có viết kinh sách, dù có để lại cũng làm rối loạn thiên hạ. Không ai tu nổi thì để lại làm gì?!
(50:12) Rồi người đời sau, người ta cũng chớp, người ta đọc người ta thấy hay nhưng mà làm có được không? Chính cái lớp mà trực tiếp Thầy dạy mấy con còn làm không được thì thử hỏi người sau người ta làm được không? Thì tất cả những sách vở khi mà Thầy hướng dẫn mấy con lớp này, Thầy tuyên bố, Thầy cho mấy con biết rằng - Thầy không phải là con người còn danh, còn lợi, còn ham sống đâu - nếu cái lớp này Thầy đào tạo mấy con tu không chứng thì những sách vở của Thầy, Thầy sẽ đốt sạch, không lưu lại cho đời sau.
Và Thầy tuyên bố, lời Thầy tuyên bố : " Tất cả những điều này không thể tu được, nếu sách vở này còn lưu hành, hãy đốt bỏ, để lại đời sau rất vất vả, khổ sở ". Thầy tuyên bố và đồng thời Thầy xin ra đi, từ giã thế gian. Từ đó, Thầy đi vào Niết Bàn, tự tại do sự tu tập, do duyên của mình hưởng được mà chúng sanh không hưởng (được). Cho nên ở đây cũng là cái lớp quyết định còn mất của Phật Pháp; chứ không phải là mở lớp này để rồi nghĩ những chuyện danh, chuyện lợi đó, không phải đâu!
Mà được thì Thầy sẽ ngồi trong một nơi yên tịnh soạn bộ sách Đạo Đức và bộ Giới Luật hoàn chỉnh và giáo trình học tập tám lớp. Mà lớp này, hướng dẫn mà mấy con tu không được thì Thầy sẽ ra đi và kinh sách Thầy đốt sạch, không để lại.
Không phải như Đại thừa, tu không được để tràng giang đại hải, làm cho người sau, cứ mỗi lần nó lặng xuống, không ai tu được thì nó phải lặng xuống thôi. Sau vài trăm năm thì người ta lại đọc thấy hay người ta triển khai ra đến các lớp tu không được vì họ lại chết mất hết rồi. Rồi chúng ta mò mẫm ra, rồi chúng ta kiến giải ra, giải thích ra, ai thấy cũng hay. Nhưng cuối cùng, lại bao nhiêu người trong cái thời mà hưng thịnh đó, lại bao nhiêu người tập trung tu tập, bỏ hết công sức tiền của mình ra tu tập, rồi cuối cùng chẳng được gì thì lại chìm xuống. Cứ thịnh suy cái kiểu đó là không đúng.
(52:34) Cho nên, cái thực hiện được là được, mà cái thực hiện không được là dẹp bỏ, để con người, để thế hệ đời sau quá khổ, mấy con! Chính Thầy là những thế hệ đi sau của các tổ; cho nên, Thầy tu được như thế này mà các con không tu được thì để lại cho đời sau không ai tu được, quá khổ! Mà chính trực tiếp Thầy đào tạo mà không được thì phỏng chừng đời sau đọc sách Thầy tu được không? Chắc chắn không được! Do đó, nếu được thì triển khai dựng lại chánh pháp; không được thì chúng ta dừng lại. Phật Pháp không thể có người làm được nữa, chúng ta nên đốt sạch và không nên để.
Từ đó, con người tùy theo duyên phước của họ, chúng ta không đủ khả năng để dạy đạo đức họ. Thôi! Từ đó họ như thế nào thì chúng ta cũng đành tại duyên phước của họ. Bởi vì đây là mình đem hết sức lực của mình, các con tu tập cũng hết sức lực của các con nhưng mà không làm được. Thì tức là duyên của chúng sanh không đủ hưởng phước báu của Phật Pháp thì Thầy có ra công làm cho nhọc nhằn cũng không ích lợi gì. Vì bản thân của mấy con đã bỏ hết, đã theo đến đây để mà tu tập, ăn ngày một bữa, sống đúng giờ giấc, hành hạ xác thân của mình đến mức độ như vậy, độc cư trọn vẹn, cô đơn chịu đựng thế này mà làm không được thì còn gì nữa! Dẹp hết đi những triết học, những giáo lý của tôn giáo.
Nhiều khi chúng ta xét nếu được thì lợi ích lớn; nếu không được thì đẹp đi, đừng để con người, con cháu chúng ta về sau quá đau khổ, quá đau khổ! Đời đã khổ lại thêm tôn giáo làm khổ đau hơn nữa. Đừng vì một lí do an ủi tinh thần chúng ta để rồi làm sai lệch cả một đời người. Rất uổng phí mấy con.
Cho nên hôm nay Thầy tuyên bố như vậy cũng là mục đích sách tấn cho mấy con; mà cũng là sự thật, là sự thật! Nếu các con đạt được, tu được thì tiếp tục triển khai, kinh sách sẽ tiếp tục viết và xin phép để phổ biến rộng rãi cho mọi người biết. Còn nếu không được thì chúng ta dẹp quách, bỏ luôn! Thầy không thể nào mà chịu nhìn thấy cái sự tu tập của mọi người không được mà phải vất vả, khổ sở như thế này.
(55:21) Thà là bản thân Thầy chịu khổ hơn là các con chịu khổ. Mà chịu khổ phải đạt được thì sự chịu khổ đó không uổng. Đã khổ, đã khổ mà không đạt được những gì thì quá uổng một kiếp người! Cho nên, chúng ta phải có hướng rõ ràng, cụ thể, không thể lừa đảo kẻ khác. Chúng ta không vì danh, vì lợi, nhất định là không lừa đảo. Cũng như bây giờ, cơm chúng ta ngồi ăn biết bao mồ hôi của người khác đóng góp; cũng như y áo chúng ta mặc, biết bao nhiêu người khác phải làm ra. Thế mà chúng ta ngồi tu không được mà lại lừa đảo người khác nữa sao? Nhất định chúng ta phải làm được! mà làm không được nhất định là không lừa đảo!
Chúng ta phải ra cày ruộng, phải ra cấy nếu chúng ta còn muốn sống. Chúng ta phải làm để mà sống, không nhờ vào giọt nước mắt, mồ hôi của kẻ khác, không biến chúng ta trở thành những cây tầm gửi ăn bám vào người khác một cách nhục nhã. Chúng ta phải làm thật, tu thật để xứng đáng như thế nào để thọ dụng của mồ hôi, nước mắt của người khác cúng dường chúng ta.
(56:36) Đến đây thì Thầy xin chấm dứt cái buổi nói chuyện này và đồng thời Thầy sẽ hướng dẫn cho mấy con hành động tu tập cụ thể hơn.
(À, các con sẽ chừa cho Thầy một khoảng đường đi để Thầy hướng dẫn cho mấy con đi).
Bây giờ thì mấy con tập, mấy con (chỉ nhìn) thấy thôi. Rồi ngày mai, ngày mốt - còn hai ngày - ngày mai, bên nam học trước, ngày mốt là bên nữ được hướng dẫn của Thầy để mấy con học cái lớp nữ; nghĩa là theo Thầy thiết nghĩ thì tự mấy con - Thầy thì nghĩ như vậy - nhưng tự mấy con (suy) nghĩ (cho) mình: bên nam nên học trước hay là bên nữ học trước. Bởi vì nam nữ bình đẳng. Còn nếu một lượt thì Thầy dạy mấy con làm sao được, các con hiểu không? Một mình Thầy mà giảng cái lớp đông, đồng thời phải kiểm tra mấy con từng người nữa, thì cái buổi dạy học của chúng ta nó có thể rớt lại buổi chiều nữa, các con hiểu không?
(57:50) Cho nên vì vậy đó, thì Thầy nghĩ rằng, trong các con bên nam cũng như bên nữ, hai bên đều bình đẳng. Nếu cho một lượt với nhau thì Thầy dạy không hết. Vậy thì các con, bên nam trước hay bên nữ trước? Đó là cái quyền của các con để các con cho Thầy biết, rồi Thầy sẽ cho. Chớ còn, nếu mà Thầy cho nữ, Thầy cho nam thì nữ nói Thầy trọng nam, phải không? Dù là một cái chuyện nhỏ thôi - là trọng nam. Mà nếu Thầy cho nữ thì các con nói Thầy thương bên nữ nhiều, Thầy biết nói làm sao hơn?
Vì giờ do cái chọn của mấy con là hơn, bởi vì ở đây, đối với Thầy thì nam nữ bình đẳng, không có bên nào hơn hết, không có bên nào trọng hết, bên nào cũng vậy. Thì do đó bây giờ, ý kiến Thầy xin hỏi mấy con, ý kiến của mấy con đó, người nào có ý kiến về cái lớp học này: nữ trước hay là nam trước.
Coi vậy, nó đơn giản chứ không khéo nó sẽ mang tiếng; nó không đơn giản đâu! Nó coi vậy, chứ phải có cái sự thấy, biết, hiểu để mà cái sự hướng dẫn cho nó đi vào cụ thể hơn; mà nó lại bắt đầu từ cái lớp chúng ta, nó phải có sự bình đẳng và công bằng hơn chứ không thể mà nói suông suông được.
Nhiều khi Thầy bảo thì mấy con nghe rồi: “ À! Thầy bảo: Thôi! Bây giờ nam học trước nữ học sau ”. Nhưng mà mai mốt bên nữ nói Thầy trọng nam lắm á! Khinh nữ, cho học sau. Các con hiểu điều đó! Cho nên hiện giờ Thầy xin nhường lại những ý kiến của mấy con. Bây giờ thì mấy con muốn bên nữ học trước hay muốn bên nam học trước là tuỳ ở mấy con. Vậy thì theo Thầy thiết nghĩ cái ý kiến đó - Thầy xin nói về bình đẳng hồi nào tới giờ đó thì người ta coi bên nữ là không có bình đẳng với bên nam - Thầy mong rằng các con vui vẻ để cho bên nữ có ý kiến hơn trước bên nam; bởi vì mình là người nam rồi, mình biết nhường người ta đi mấy con.
(59:53) Lẽ ra thì bên nam, Thầy cho mấy con có ý kiến trước; nhưng mà vì cái ý kiến của bên nam trước thì coi như là trọng nam khinh nữ nữa! Cho nên Thầy xin mấy con cho bên nữ ý kiến trước, để cho họ được đứng trước, để cho họ mừng chút! Tại vì hồi nào tới giờ họ bị áp chế, áp đặt họ quá nhiều, các con thấy rõ ràng mà! Trong đạo đức của Nho giáo cũng vẫn áp đặt họ mà: “ Trai thì năm thê bảy thiếp, gái chỉ chính chuyên ”, cho nên nó áp đặt họ một cách rất là đau khổ. Do đó chúng ta thấy cái nền đạo đức của con người như Khổng, Mạnh mà vẫn còn có những cái điều kiện đó.
Thì bây giờ chúng ta là Phật giáo - đạo đức không làm khổ mình, khổ người - chúng ta nhường cho người nữ một chút có gì đâu, có sao đâu, phải không mấy con? Bên nam mấy con phải hiểu điều đó, cho nên thông cảm được với Thầy; không phải Thầy thương bên nữ đâu mấy con, mà Thầy muốn có sự bình đẳng! Vì từ lâu người ta đã bị áp đặt quá nhiều. Cho nên bây giờ, theo Thầy trong cái lớp này, Thầy mong bên nữ các con sẽ có ý kiến.
Vậy thì cái người nào đại diện bên nữ mấy con góp ý kiến cho Thầy, để trong khi đó Thầy phân ra làm hai lớp, lớp nào trước, lớp nào sau để tiện cho Thầy dạy chứ.
Rồi! Mấy con bên nữ có ý kiến đi mấy con, người nào đại diện đi. Người nào đại diện, một người thôi, có ý kiến!
(01:01:12) Tu sinh nam: Người nào lúc nãy ghi sổ danh sách ấy, tự lên.
Trưởng lão: Rồi, con có ý kiến thì con nói đi!
Tu sinh nữ: Bạch Thầy, con muốn nhường (01:01:24 không nghe rõ)…
Trưởng lão: Giờ bên nữ họ muốn nhường cho bên nam trước, đó là cái sự tự ti của họ, họ thấy họ - bởi vì từ lâu người ta áp đặt thành một cái tư tưởng không có tự lực - cho nên họ cứ sợ là họ không bằng người nam cho nên có muốn nhường lại cho người nam. Hay hoặc là vì khiêm tốn mà họ nhường lại cho bên nam, cái đó các con hiểu không? Đó là, thứ nhất là họ cũng muốn họ bình đẳng chứ đâu phải họ không muốn bình đẳng, nhưng cái lịch sự khéo léo của họ nhường lại bên nam. Vậy thì bên nam có ý kiến gì thì mấy con cứ trả lời.
Người nào đại diện? Rồi con!
Tu sinh nam 1: Con xin bạch Thầy, con cũng nghĩ là nên nhường lại cho bên nữ thôi Thầy.
Tu sinh nam 2: Con cũng có ý kiến là nên nhường lại cho bên nữ.
(01:02:11) Trưởng lão: Rồi bên nữ, còn bên nữ sao, mấy con có người ha?
Tu sinh nữ: ((01:02:17 không nghe rõ)…
Dạ kính bạch đức Trưởng lão con xin có ý kiến là đức Trưởng lão quyết định.
Trưởng lão: À! Có một ý kiến là quyết định. Bây giờ đó, Thầy sẽ quyết định như thế này, nếu mà mấy con đồng ý thì Thầy sẽ quyết định cho nó rõ ràng, bởi vì Thầy là Thầy của mấy con rồi. Nhưng mà Thầy quyết định cho nó công bằng hơn, phải không? Và mấy con cũng nhận thấy cái điều mà thầy đã gợi ý như nãy giờ đó, Thầy muốn phá đi một cái tư tưởng, cái tư tưởng không có bình đẳng để cho có sự bình đẳng. Vậy thì các con bên nam, thì Thầy biết rằng các con cũng có cái tư tưởng rất là bình đẳng, cho nên nhường lại bên nữ để mà góp ý kiến đó, mà có hai người trong cái đại diện của cái phần này. Vậy thì, còn ai có ý kiến về cái phần này nữa không? Còn về cái phần này nữa? Con
(01:03:28) Tu sinh nam: Thưa Thầy, con muốn đầu phiếu cho nó công bằng, thưa Thầy.
Trưởng lão: À, đầu phiếu công bằng. Rồi, ai còn ý kiến gì khác không con? Con
Tu sinh Chơn Thành: Kính bạch Thầy, nếu mà chúng ta bây giờ bỏ phiếu thì nó trở thành như ngoài đời mất rồi, nên theo con là bên nữ ấy, thì dầu sao như Thầy vừa giảng là chịu nhiều cay đắng của phân biệt nam nữ thì họ sẽ được hưởng cho những lúc vui vẻ. Theo con, là bên nữ chứ con bản thân nhiều bệnh…
Trưởng lão: À, ý kiến của thầy Chân Thành, từ lâu tới giờ bên nữ gánh vác nhiều sự cay đắng và mỗi cái nền đạo đức đều coi như là người nữ bị áp đặt rất nhiều, cho nên hiện giờ trong cái lớp chúng ta thì với ý kiến của thầy Chân Thành, nên ưu tiên cho người nữ, ha. Vậy thì bên nam mấy con chắc cũng đồng ý với điều đó hết chứ?
Tu sinh nam: ((01:04:33 không nghe rõ)…
Trưởng lão: Ờ, mấy con cũng đồng ý hết rồi. Vậy thì, theo Thầy cái lớp nữ sẽ học trước, phải không mấy con? Như vậy là rõ ràng rồi, mấy con đã nhường rồi, đồng ý rồi! Thì lớp nữ ngày mai sẽ học, và cái lớp nam sẽ ngày mốt, được không? Như vậy chúng ta là người nam, chúng ta từ lâu được ưu tiên trên những cái nền đạo đức từ lâu đến giờ, cái nền đạo đức của phong kiến, chúng ta đã ưu tiên, quá ưu tiên rồi. Bây giờ, chúng ta muốn đem lại cái sự bình đẳng, chúng ta nhường lại, vì những người phụ nữ rất là chịu nhiều thiệt thòi và cay đắng trong cuộc đời họ quá nhiều.
Vậy thì, Thầy thấy cái lớp của chúng ta hôm nay về tinh thần Đạo đức không làm khổ mình, khổ người, mấy con đã thực hiện được một phần rồi đó mấy con. Cách thức đó chúng ta đã nói lên được cái tinh thần của chúng ta là bình đẳng thật sự.
Cho nên, Thầy thấy là các con cũng không có gì hơn là các con ngày mai được ưu tiên học trước, phải không bên nữ các con! Như vậy, các con không tự ti mặc cảm mà các con cũng thấy rằng mình xứng đáng. Và như vậy, khi mà bên nam nhường cho mình học trước thì các con phải là những người tu chứng quả trước, có phải không? Học trước tu chứng quả trước chứ sao?! Và bên nữ, cái khuyết điểm bên nữ là hiện giờ không có một người nữ tu chứng, mấy con! Vì vậy, mà gánh vác của mấy con rất nặng, rất nặng! Mấy con phải nỗ lực tu để hướng dẫn cho người nữ. Họ nhiều người lắm mấy con, Thầy thấy bên Ni tu đông, rất đông, người cư sĩ rất tha thiết tu hành nhưng không có người đứng lớp dạy. Vậy thì mấy con lãnh trách nhiệm rất nặng, là phải thực hiện!!!
Còn bên nam, dù sao bên nam cũng hãnh diện hơn, họ có Thầy tu làm chủ được bốn sự đau khổ kia mà! Còn bên nữ thì mấy con có người nào làm chủ được chưa? Cho nên mấy con phải bình đẳng, phải thực hiện được một người nữ tu chứng như Thầy, có được không??? Mấy con phải ráng nỗ lực đó! Để cho bên nam người ta có người tu rồi, phải không. Và mấy con cũng thấy rằng, đạo Phật ra đời cũng vẫn là một người nam. Hay ông Phật cũng là nam chứ không phải là cái bà Phật mà ra đời để mà dựng lại cái đạo Phật đâu!
(01:07:01) Nhưng mà đến đây thì chúng ta phải bình đẳng! Dù sao đi nữa cũng có bà Gotami đã dẫn dắt bên phái nữ tu hành bình đẳng, trong lúc đất nước Ấn Độ coi phái nữ có ra gì? Thế mà đạo Phật đã nâng, Đức Phật đã nâng cái người phụ nữ trong cái thời Đức Phật, bình đẳng tất cả đều chứng quả A La Hán như bên nam. Thì các con thấy rằng đạo Phật đã phá vỡ cái giai cấp và cái trọng nam khinh nữ rất là lớn. Và bây giờ, Thầy mong cho các con tu có một người trong thời Thầy, thì Thầy mong cho các con bên nữ phải có người tu chứng như bà Gotami đã lãnh đạo bên nữ.
Ngày xưa Đức Phật tu chứng về để hướng dẫn cho gia đình của mình thì trong đó có bà Gotami là người lãnh chúng ở trong đó. Vậy thì hôm nay, trong các số Ni, các con thấy bên nam thì có mười chín người chứ chưa được hai mươi người, mà bên nữ hai mươi ba người. Thì rõ ràng là nữ đông rồi, phải không? Cái nhiệm vụ của các con phải nỗ lực thật sự tu tập đúng đắn, lo lắng gánh vác việc lớn!
HẾT BĂNG