00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

CK 099A (NAM) - TẦM QUAN TRỌNG CỦA MỘT DÀN BÀI ĐÚNG - BÀI LÀM ĐƯỜNG ĐI NHÂN QUẢ THÂN HÀNH

CK 099A (NAM) - TẦM QUAN TRỌNG CỦA MỘT DÀN BÀI ĐÚNG - BÀI LÀM ĐƯỜNG ĐI NHÂN QUẢ THÂN HÀNH

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Thời gian: 23/02/2006

Thời lượng: [49:15]

1. TẦM QUAN TRỌNG CỦA MỘT DÀN BÀI ĐÚNG

(00:00)

Trưởng lão: Hôm nay là bài Tâm Xả; Tâm Xả rất là quan trọng. Chúng ta tu trên Tứ Niệm Xứ cũng là dùng cái Tâm Xả; mà bất kỳ tu pháp nào thì cái xả cũng là pháp duy nhất để chúng ta tu tập đến sự giải thoát hoàn toàn. Cho nên tu Tâm Xả là rất cần thiết; cho nên mỗi bài làm được đầy đủ về Tâm Xả và những cái dàn bài của Tâm Xả rất là kỹ lưỡng để chúng ta hoàn tất được con đường Định Vô Lậu, Chánh Tri Kiến của chúng ta.

Cho nên hôm nay, ở trong bài Tâm Xả của Thầy Từ Quang có lập dàn bài kỹ lưỡng; có những điều còn hơi thiếu thì Thầy thêm chút ít, đủ như từ cái xả của Sơ Thiền, xả Sơ Thiền lên Nhị Thiền, xả Nhị Thiền lên Tam Thiền, thì thiếu cái phần đó Thầy có thêm.

Và cái xả của thân hành…​ Ụa, của ý hành còn thêm khẩu hành và thân hành nữa mới đủ. Để xả tham, sân, si thì ở trong tham, sân, si nó có cái phần ý hành nhưng nó thuộc về ý - còn cái phần ở trên khẩu hành và thân hành nữa.

Bởi vì từ "tâm tham, sân, si đó nó mới dẫn dắt chúng ta đi thân hành và khẩu hành. Chúng ta mới có những lời nói thô lỗ; có những lời nói hung dữ hoặc là lời nói dối. Còn thân hành thì dữ tợn, trộm cắp, giết hại chúng sanh hoặc là tà dâm".

Do chỗ đó, nó cũng do từ chỗ tham, sân, si mà ra những thân hành đó. Cho nên từ cái ý hành đó chúng ta phải thực hiện Tâm Xả của ý hành, mà Tâm Xả của ý hành thì xả khẩu hành và xả thân hành luôn. Đó là cho trọn vẹn, đầy đủ.

(02:18)

Trưởng lão: Như vậy thì hôm nay nó có một tí; Thầy đã phô tô được một ít; Thầy sẽ gửi lại cho mấy con để người nào chưa biết làm dàn bài thì chúng ta sẽ coi theo đây; chúng ta dựa vào đây để làm cho nó đầy đủ, trọn vẹn hơn. Tùy theo khả năng diễn tả của mình; chứ không phải người nào cũng giống người nào.

Nhưng bài của sư Từ Quang dựa vào ở trong kinh sách để viết như là một bản nghiên cứu, bản nghiên cứu về Tâm Xả. Cho nên do đó nó cũng là bước để chúng ta đi vào cái luận cho nó không có lạc đề, không có sai. Hầu hết các điều kiện Tâm Xả này hầu như đức Phật đã dựng lên rất cụ thể, rõ ràng. Mà sư Từ Quang đã từng đọc kinh sách nên đã thấy được những hiểu biết này cho nên đã ghi ra đây để mà chúng ta…​

Thật sự ra để tham cứu như thế này là chúng ta phải đọc rất nhiều kinh sách. Nếu mà không đọc nhiều kinh sách chúng ta không tham cứu được nhiều như thế này. Do đó, đây cũng là mà cái sườn bài của Tâm Xả, Thầy chỉ có phô tô được một số. Vậy thì Thầy sẽ gửi lại cho một số người nào cần thiết thì nhận số này; còn thiếu thì thầy sẽ phô tô thêm.

Tu sinh: Thưa Thầy! Con làm Tâm Xả được rồi, nhưng mà còn thiếu cái thân hành, khẩu hành, xong giờ con mượn lại con làm thêm được không?

Trưởng lão: Được chứ con! Bởi vì mình làm cho đầy đủ chứ con.

Tu sinh: Chỉ còn phần đó nữa thôi.

Trưởng lão: Để coi cái dàn bài mấy con làm không có sai, chứ không khéo…​ Cái dàn bài đó là cái sườn bài của đức Phật; dựa vào đó cái sườn bài của đức Phật đã lập trong giáo lý của đức Phật. Tất cả các kinh sách của đức Phật nằm trong dàn bài đó, các bài pháp ở trong đó. Để Thầy sẽ cho phô tô thêm, Thầy sẽ gửi thêm và ở đây còn một người nữa, một người đệ tử cũng tham dự lớp học này.

(04:39)

Mà người đó ở ngoại quốc; ở bên Mỹ lận; nhưng mà đã tham dự ở bên đây và gửi bài vỡ qua bên mạng; mà từ hôm đó đến nay Thầy chấm bài. Thi Thầy thấy cái bài mà cô đang làm bài đường đi nhân quả của thân hành. "Đường đi nhân quả của thân hành thì nó có sát sinh, rồi nó có tà dâm, rồi nó có trộm cắp, tà dâm". Đó là đường đi nhân quả của cái thân hành. Nhưng mà thấy một người đệ tử ở xa mà vẫn cố gắng làm những cái bài mà gửi về cho Thầy để Thầy chấm, thì Thầy thấy cũng là cố gắng hết sức.

Mà cô Mỹ Linh này cô làm việc rất nhiều, bởi vì cô đang làm công việc, cô đang bán hàng nhưng mà cô vẫn nỗ lực tu tập như chúng ta ở tại lớp học này. Cho nên Thầy thấy đây là một tinh thần khuyến khích, để cho những người ở xa người ta vẫn có thể tu học được. Ở đây, bài của cô làm, thì Thầy phê bình như thế này. Thầy phê cái bài đó như thế này:

"Bài làm đường đi nhân quả thân hành của con đầy đủ ý nghĩa đạo đức nhân bản - nhân quả, nhất là những mẫu chuyện thật, thật ác của con người để xác định nhân nào, quả đấy. Bài làm này như một lời khuyên răn rất thân thương của người cha đối với các con".

Chúng ta được nghe những mẫu chuyện mà cô đã trực tiếp thấy; mà cô viết vào đây; làm cho chúng ta thấy con người quá ác, thật quá ác, Thầy nói tàn ác, ghê gớm lắm mấy con. Đọc những bài này chúng ta mới thấy ở trên hành tinh này con người ác ghê lắm. Thầy mong rằng có người nào đọc dùm cái bài này của cô Mỹ Linh mấy con; để thấy sự tàn ác của con người chúng ta.

Con đọc dùm con; Chân Tịnh con đọc. Như vừa rồi chúng ta đọc bài của chú Cần; thì chúng ta thấy có nhiều câu chuyện Tâm Từ; chúng ta rất xúc động. Bây giờ chúng ta thấy đường đi nhân quả của con người, sẽ hành động cái ác của nó, nó ghê gớm lắm. Mà cô này đã thấy được những hành động quá ác; cũng là những bài học để chúng ta học thấm thía cái cuộc đời làm người của chúng ta; chúng ta cố gắng bởi vì đó thuộc về nhân quả.

2. BÀI LÀM CỦA TU SINH VỀ ĐƯỜNG ĐI NHÂN QUẢ THÂN HÀNH

(07:15)

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Con xin đọc bài thứ hai của cô Mỹ Linh là bài trên mạng, quán về đường đi nhân quả của thân hành

Lời phê của Thầy: “Bài làm đường đi nhân quả thân hành của con đầy đủ ý nghĩa đạo đức nhân bản - nhân quả. Nhất là những mẫu chuyện thật ác của con người, để xác định nhân nào, quả nấy. Bài làm này như một lời khuyên rất thân thương của người cha đối với các con. ”

2.1. ĐỊNH NGHĨA

(07:48)

Nhân là nguyên tố khởi đầu cho một vụ, việc để dẫn đến một kết quả nào đó, gọi vắn tắt là quả. Thân hành là hành động của thân. Vậy nhân quả thân hành là nguyên nhân và kết quả của những hành động thiện và ác của thân trong đời sống con người. Thông thường làm theo sự chỉ huy của ông chủ ý; do bản tính ác hay bị huân tập từ môi trường xấu ác xung quanh; ông chủ ý điều khiển ông thân làm ba việc ác như sau:

2.2. THÂN HÀNH THỂ HIỆN SÁT HẠI, GIẾT HẠI ĐỘNG VẬT

2.2.1. Đặc tướng:

(08:29)

Mỗi người có một hoàn cảnh riêng nên thân hành sát sanh cũng dị biệt. Như người ở gần dòng sông nước, thường hay hành nghề đánh bắt cá tôm. Ở trên đất liền, thường thường thích săn bắt hay lập chuồng trại để nuôi gia súc, rồi giết lấy thịt. Ở trong quân đội, thường nghĩ đến chiến lược, chiến thuật để giết người, tiêu diệt đối phương nhanh gọn. Dù có sự sai biệt trên hình tướng nhưng cũng gieo một nhân ác, vẫn sẽ phải gánh chịu một cái quả chẳng lành.

Thí dụ ở ngoài Huế, gần chùa của sư Bà Thuế Quán, có một em trai 22 tuổi, mang một bệnh lạ. em không cha, không mẹ, chỉ có một bà chị ở xa. Ngày ngày sai con đem đến vài củ khoai mì, họa hoằn mới được bát cơm độn. Em bị bại, nằm trên phân dơ, nhà rách nát bốn phía, chỉ còn vài tấm tranh lợp. Em chịu đói, rét, dơ uế bốn mùa, địa ngục, hàn băng, mưa lạnh, ngạ quỷ, đói khát, phẩn uế và bệnh tật, em đều nếm đủ.

Mấy vị ni cô trong chùa chia phiên mỗi ngày đến cho cơm và tẩy uế, chiều về mấy cô kể "Con đang đút cơm thì em ngất đi vài phút, máu trong miệng trào ra hộc hộc, lau sạch máu rồi, con mới cho em ăn tiếp". Nghe mấy bác ở gần đó kể rằng lúc trước em bắt chó giỏi lắm, lấy thép uốn cong như lưỡi câu, móc thịt vào đó, chó nuốt thịt xong bị kéo theo lưỡi câu nằm trong họng và em đem đi bán cho họ làm thịt. Nay em bị chịu quả báo hiện tiền, bị bại liệt, cổ họng bị lở loét, đau đớn hành hạ em triền miên, em chưa chết mà như ở trong địa ngục vậy.

2.2.2. Đặc tính:

(10:42)

Tuỳ theo tập khí ác của mỗi người, sâu, cạn và oan trái với nhau từ nhiều kiếp mà thân hành sát sanh cũng khác biệt. Có người sát sanh do sở thích nhìn con vật đau đớn, quằn quại, rên la. Trước khi giết chó, mèo người ta tra tấn chúng, đốt phỏng, đánh đập để rồi sau đó họ tin rằng thịt con vật khốn nạn sẽ ngon hơn. Trước khi giết dê người ta phải đánh cho nó chạy vòng vòng cho đến toát mồ hôi ra để khi nấu thịt nó không có mùi hôi. Có người làm việc giết chóc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên. Vì tham danh, họ giữ trái tim sắt đá, vô cảm trước sự sống chết của đồng bào.

Ở Trung Cộng, các viên tướng chỉ huy tuỳ tùng của Mao Trạch Đông thường tổ chức các vụ ám sát, thủ tiêu những thành phần chống đối, hay bị nghi ngờ, với chủ trương “thà giết lầm, hơn bỏ xót”. Có người phát minh ra chiến thuật “biển người” để đưa ra mặt trận hàng vạn thanh niên làm bia đỡ đạn. Những viên tướng đó chẳng bao lâu sau lại bị thanh trừng bởi chính Mao Trạch Đông, lại bị giam cầm, tra khảo tàn nhẫn và chết trong đau thương, không sót một người nào. Đó chẳng phải là nhân quả báo ứng sao?

Có người vì tham lợi mà bàn tay vấy máu; họ trở nên chai đá khi dùng dao bén cắt xẻ loài vật - khi chúng còn sống, treo ngược và rạch mổ, lột da chúng từ chân đến đầu. Khi hoàn tất, con vật vẫn chưa chết vẫn còn cố ngóc đầu lên trong một thân thể đẫm máu, giương mắt hiền lành nhìn lại người đã thảm sát chúng.

Các công ty thời trang ngày nay, vì thị hiếu của khách hàng, họ phải đi tìm nơi để đặt hàng như: da cá sấu, da thú có lông các loại. Một chiếc áo lông đắt giá may bằng hai mươi đến bốn trăm bộ lông thú. Những nơi sản xuất lông thú là những lò sát sanh đẫm máu. Càng khác biệt ở đặc tính, nhân quả càng vận hành sai khác, trùng trùng, điệp điệp, nhanh chậm theo mức độ tàn ác của con người.

(13:00)

Cũng ở cố đô Huế, vào dịp tết Mậu Thân, quân đội miền Bắc dưới quyền chỉ huy của một viên tướng tên là Lê Lý, đã tấn công và chiếm đóng thành phố Huế. Không biết vì oan gia nghiệp chướng đã gây từ đời nào, mà tên này đã ra lệnh bắt thanh niên xứ Huế lao công, gánh vác, rồi sát hại. Mặt khác còn ra lệnh bắt giết tập thể đồng bào cố đô vô tội lên đến 2000 người. Báo chí và dư luận thế giới không khỏi bàng hoàng và xúc động, vì thế tên Lý này cũng bị cắt chức tư lệnh và bị di chuyển về Hà Nội làm thanh tra trung tiểu học quèn, không còn cái uy phong lẫm liệt của viên tướng ở trận mạc nữa.

Một hôm ông đi thanh tra trên một chiếc xe đạp cũ kỹ trên những đoạn đường sỏi đá, đã mỏi mệt, nên giữa đường chàng đã đi nhờ một chiếc xe ben chở đầy gỗ nặng. Chiếc xe đang trên đà lên dốc, bỗng nhiên đứt thắng, xe trượt thẳng xuống hố, tên này đã bị gỗ đè lên thân xác, tan nát như một quả cà chua chín mùi bị đá đè bẹp nát. Trong lúc đó, tài xế xe và vài người lơ phụ cũng như những người tuỳ tùng của chàng ta chỉ bị thương nhẹ mà thôi. Chuyện này cho thấy quả báo nhãn tiền, nghiệp sát sanh nặng dẫn đến bị chết non, chết thảm khốc như chàng họ Lý kia vậy.

Cõi khổ thì vô cùng, có người vì tham gia mà hành hạ và tra tấn thú như nghề nuôi gấu lấy mật. Những con gấu khốn khổ, trong bụng mang một cái vòi sắt lúc nào cũng lòi ra ngoài, nhễu nhão mật tiết ra. Khi muốn lấy mật, phải dùng đến bốn người đàn ông to lớn tóm cổ con vật bằng kềm sắt. Con vật nghiến răng kêu la thảm khốc, hai mắt lòi ra, vãi phân ra vì sợ hãi. Bốn người kéo bốn chân con vật ra xong, đâm vào cái ống sắt một cây kim dài, rồi rút mật ra bằng ống chích to lớn.

(15:13)

Khi chất mật xanh xanh được rút ra con gấu mở toạc mồm, hai mắt lòi ra và toàn thân run lên bần bật. Mấy chục con vật kêu gào vang động cả một khu rừng. Mỗi sáng, cứ đến tám giờ là người ta bắt đầu rút mật, nhưng chỉ khoảng 7 giờ 45 là đàn gấu bắt đầu kêu khóc thảm thiết. Đôi khi chúng cũng biết tự sát bằng cách móc ruột, vướng theo bao tử lòng thòng trên tay đầy máu. Nó giơ lên, rống lên để rồi phản đối cách đối xử tàn ác của con người, lập tức người chủ hạ lệnh “phải chặt ngay chân, tay nó trước khi nó chết, chỉ có cách đó mới bán được tay, chân tươi”. Cửa chuồng mở ra trong vài phút chốc, tứ chi con vật bị chặt lìa.

Tại Trung Hoa, có bảy ngàn không trăm lẻ hai con gấu bị giam cầm để lấy mật. Chúng bị chôn thân trong cái chuồng nhỏ hẹp, bẩn thỉu, tối tăm như một cỗ quan tài. Suốt mấy chục năm trường, có nhiều con bị mù loà, những con gấu này đều bị chặt tay, bẻ răng, rút móng nên không thể trở về đời sống thiên nhiên được vì không có khả năng kiếm mồi.

Tại Việt Nam, có khoảng bốn ngàn chín trăm con gấu bị chung thảm cảnh. Những con gấu Việt Nam đặc biệt hơn là đều bị chặt đứt một bàn tay để bán trước. Mỗi bàn tay gấu có giá tám trăm đến một ngàn Mỹ kim.

Nay hội bảo vệ thú vật thế giới đã can thiệp, và cả hai nước Việt Nam lẫn Trung Quốc đều có luật cấm bắt gấu để bảo tồn chúng đang trên đà diệt chủng. Nhưng luật là luật, tệ nạn này vẫn còn nguyên. Cả hai dân tộc Việt Nam và Trung Hoa đã gánh chịu nhiều tan tóc và đau thương trong quá khứ, và hiện vẫn đang gieo các mầm đắng cay cho một tương lai đau đớn hơn xưa nữa.

2.2.3. Duyên hợp

(17:29)

Hiện nay trên thế giới, các ngành công kỹ nghệ phát triển cao độ, để phục vụ cho dục lạc của con người, thực phẩm, thuốc men dư thừa - thêm vào khâu giết mổ được hiện đại, nhanh chóng, thịt gà, heo, bò sẽ trở nên rẻ hơn. Ở các nước Tây Phương, mỗi ngày số giết gia cầm lên tới hàng tỷ con. Một thị trấn nhỏ có đến cả vài chục tiệm bán gà chiên với da giòn rụm, kích thích người tiêu thụ tối đa, lại thêm thịt bò nướng tái, nửa sống, nửa chín ăn với nước sốt thật là tuyệt cú mèo.

Dân Mỹ có thói quen ăn thịt nhiều hơn rau, củ nên tỷ lệ bệnh ung thư rất cao. Dân Nhật Bản nổi tiếng với thịt bò KoBe hảo hạng; một đĩa thịt bò bán ra cả trăm đô la, thêm vào hải sản tươi sống. Dân Nhật hay vướng phải một chứng ung thư đặc biệt, chết nhanh, do ăn nhiều hải sản sống. Do đời sống quá dư dả nên họ ăn uống thả giàn, dịch vụ giết mổ lên cao vùn vụt, đây là duyên hợp của nhân sát sanh .

2.2.4. Duyên tan

(18:46)

Vài năm gần đây, xuất hiện dịch bò điên, rồi gần đây nhất là dịch gia cầm, đã làm xảy ra các vụ thảm sát thú vật với số lượng cao. Thiên hạ giảm bớt ăn thịt bò, gà vì sợ lây bệnh. Đây là lời cảnh báo của nhân quả mà ít ai hiểu thấu. Nạn sóng thần cuốn đi hơn ba trăm ngàn mạng người, chưa kể một vài trận động đất xảy ra, là khoảng một trăm ngàn người vong mạng. Đã cho thấy quả báo sát sanh vẫn chưa thấm gì với con số hàng tỷ thú vật mỗi ngày bị giết mổ. "Ôi! Nỗi thống khổ bị giết cao trời núi, nỗi hận của chúng sâu trời biển". Nhân quả này chúng ta phải gánh nặng cỡ vài chục, vài trăm ngọn sóng thần như vậy nữa cũng chưa chắc

2.2.5. Chuyển đổi

(19:43)

Nhờ dịch bò điên, dịch gia cầm, mà hiện nay dân chúng đổi sang ăn chay rất nhiều, rất nhiều công ty ngoại quốc nắm bắt thời cơ, sản xuất thực phẩm chay, thương vụ tăng vùn vụt. Tiệm ăn chay ở Việt Nam cũng đắt khách hơn xưa, có sự chuyển đổi thầm lặng của nhân quả sát sanh.

Tóm lại, xưa và nay, nghèo và giàu, không khác nhau ở chỗ thiếu hiểu biết về đạo đức, mà sát sinh là giới trọng đầu tiên của con người. Ít người trong chúng ta hiểu biết rõ ràng, là sự giết chóc, gây đau khổ cho một sinh vật sẽ đem lại kết quả xấu ác cho kẻ gây tạo. Ta nên từ bỏ dao gậy, từ bỏ sát sanh để đem lại an vui cho muôn loài. Hành vi tốt đẹp ấy sẽ mang lại hạnh phúc cho mọi người.

Trên bình diện quốc gia, quả báo của sát sanh sẽ gây nên chiến tranh liên miên, thiên tai, lũ lụt, mất mùa, đói kém. Dịch gia cầm, dịch bò điên là hậu quả của việc giết hại. Người hay sát sanh, có mạng sống ngắn ngủi vì đã đoản mạng sống của loài khác, hay bị bệnh ngặt nghèo, không bao giờ sang cả nổi. Ta phải tích cực bảo vệ mạng sống của chúng sanh. Nếu gặp dịp cứu giúp phóng sanh, ta không từ nan, quả báo tốt cho người phóng thí như: được thọ mạng lâu dài, có được cuộc sống bình ổn. Không bị sóng gió như: nạn đao binh, chinh chiến, tên bay, đạn lạc, quyến thuộc sum vầy, không bị chia lìa, gãy cánh giữa đường.

Ta phải đem những bài học về hiếu sinh phổ biến trên báo chí, trên những phương tiện truyền thông như radio, truyền hình, phim ảnh để dựng lại nền tảng Nhân bản và Nhân quả cho con người. Tấm lòng người con Phật luôn trăn trở, thao thức nghĩ đến một tương lai, với trách nhiệm nặng quằn là làm sao giúp cho chơn sư dựng lại nền đạo đức chân chính cho nhân loại, mà giới sát sinh được đặt lên hàng đầu.

2.3. THÂN HÀNH THỂ HIỆN Ở VIỆC TÀ DÂM

(21:58)

2.3.1. Tà dâm lấy vợ, chồng người

(22:02)

Trong thời đại hiện nay, hôn nhân với quy ước một vợ, một chồng được hầu hết các quốc gia trên thế giới chấp nhận và đưa vào phong trào Hiến pháp. Nếu ai vi phạm sẽ bị nhiều biện pháp chế tài theo luật định. Ngay cả vị nguyên thủ quốc gia, nếu bị phanh phui có hành động tà dâm cũng bị truy tố ra toà. Tổng thống Clinton của Hoa Kỳ bị mất chức vì tội tà dâm, vụ án Monica.

Ở đây ta lại chỉ nhìn vụ việc trên đôi mắt nhân quả, không có luật pháp thế gian xen vào. Một gia đình sẽ êm ấm, tốt đẹp hơn nếu cả hai vợ chồng đều chung thuỷ trọn vẹn. Nếu một trong hai ngoại tình, thì sự êm ấm đó không còn. Ta thường thấy trên báo chí, nhiều vụ đánh ghen hung tợn gây thương tật, đổ máu.

2.3.2. Đặc tướng

(22:58)

Nhiều hoàn cảnh đưa đẩy con người vào tình huống tà dâm.

Thí dụ một người vì công ăn việc làm phải xa vợ hay chồng một thời gian dài. Họ cần bạn bè để tâm sự, để chia sẻ buồn vui, lâu ngày tình bạn trở thành tình yêu - họ đã vi phạm hôn ước. Dù đối tượng quyến rũ gây chuyện tà dâm, vì mục đích trục lợi như các cô gái quán bar rượu.

Thời hiện đại ở Nhật Bản, những công, tư chức, đúng giờ ăn trưa của mình để làm chuyện tà dâm với nhau cho mục đích thư giãn.

Có nhiều khách sạn đặc biệt hỗ trợ cho dịch vụ này, vấn đề này rất phổ thông bây giờ, khiến thuần phong, mỹ tục bị bại hoại, theo đường hướng Âu - Mỹ với quan điểm tự do, rộng rãi. Những cường hào, ác bá thời xưa thường tà dâm, cưỡng hiếp rất nhiều phụ nữ, mà không ai dám lên tiếng vì sợ bị trả thù.

Nói chung dù là có khác nhau trên hình tướng, kết quả vẫn gần giống nhau ở điểm gây mất hạnh phúc cho gia đình, cho người bạn đời của mình. Nỗi đau khổ bị phản bội, bị chia sẻ một phần hạnh phúc của họ đang có. Ở những người bị hại gây nhiều uất ức, khổ đau, đôi khi đi đến tự tử.

(24:28)

Ở Việt Nam, vì hoàn cảnh chiến tranh liên miên. Tình trạng trai thiếu, gái thừa khiến việc tà dâm rất phổ thông, vì cung cầu không tương ứng. Trong một xóm nhỏ, mà hầu như tháng nào cũng có vài vụ đánh ghen. Con nít thì khoái coi, mà người lớn thì cảm thấy não nề cho thân phận người đàn bà. Người đàn bà thường bị thiệt thòi vì quan niệm "trọng nam khinh nữ" ở nước ta. Hậu quả của hành động tà dâm rất nhiều và khác biệt tuỳ theo đặc tướng của mỗi vụ.

Thời đệ nhất cộng hoà của tổng thống Ngô Đình Diệm, vũ nữ Cẩm Nhung vì tà dâm với một sĩ quan cấp tá, bị bà vợ lớn tạt axít - cô bị mù loà và phải đi xin ăn cho đến hết cuộc đời. Nhiều ông vì tà dâm mà bị vợ cắt đi của quý. Nhiều bà tổ chức đánh ghen gây tử thương cho người tình nhân, việc này rất phổ thông ở nước Việt Nam ta.

Ngày nay do bệnh dịch Siđa, vấn đề tà dâm luông tuồng thường dễ bị lây nhiễm, một khi bị lây nhiễm thì tử thần đã gọi.

2.3.3. Đặc tính

(26:13)

Thường có sự che dấu, lén lút trong tà dâm, nên có thêm yếu tố gian trá trong hành động tà dâm. Do ý tham quá mạnh sai xử, nên có nhiều ông lấy cho mình nhiều vợ, sau đó mặc kệ những chuyện gì sẽ xảy ra khi các bà thanh toán nhau đổ máu. Đó cũng là hành động vô trách nhiệm. Do ý si xúi biểu, nhiều ông dùng mánh khóe để lừa gạt, hết cô này đến cô kia, kết cuộc bị công an bắt bỏ tù. Chưa kể bị tạt nước sôi, tạt axit do sự phẫn hận của gia đình các cô gái.

Nhiều Việt Kiều giàu có, có vợ con đàng hoàng ở Mỹ. Do tâm tham, về Việt Nam làm hại đời nhiều thiếu nữ, bị người ta chặn bắt ở phi trường, bị đánh đến thương tật. Sau khi về Mỹ, việc làm ăn bị gián đoạn trở nên nghèo khổ. Có phải chăng sự vi phạm đạo đức nghiêm trọng gây mất phước lộc cho người gây tạo.

Ngày xưa, dưới thời vua chúa, chế độ "tam cung lục viện", khiến ít có vị vua nào thọ quá năm mươi tuổi. Do ý tham và si sai sử, nhiều cô gái đã tà dâm với người thành đạt, có nhiều tiền của, không cần biết đến họ đã già và có vợ con đùm đề, kết quả bị mang nhục suốt đời, tai tiếng, khó lấy chồng vì Việt Nam rất khắt khe với phụ nữ.

2.3.4. Duyên hợp

(27:58)

Khi còn có chức quyền, ông A đã tà dâm với rất nhiều phụ nữ, đôi khi ông dùng quyền thế áp bức gây bao gia đình tan nát.

Khi còn nhan sắc cô Ba Trà - một người đẹp nổi tiếng ở miền Nam thời trước 1945. Cô sống buông thả, tà dâm với rất nhiều người, cốt lấy thật nhiều tiền của họ để bài bạc, hút á phiện, sống đời truỵ lạc, không quan tâm đến những khổ đau của gia đình nạn nhân. Có nhiều ông giám đốc ngân hàng bị tù tội do đụt két. Có nhiều điền chủ tan gia, bại sản để cung phục cho cô.

Cô Tư Nhị, cũng hoa khôi thời đó, tôn cô Ba Trà làm thầy, cũng theo vết xe của cô Ba.

2.3.5. Duyên tan

(28:48)

Khi mất hết chức quyền, lại bị tù tội. Ông A mang bệnh nặng do phung phí sức lực qua bao nhiêu năm tháng. Ông chết ở trong tù.

Cô Ba Trà ở tuổi trung niên tiền của không còn. Do cô đưa hết vào bài bạc, lại thêm vướng bệnh nghiện á phiện. Nhan sắc cô tàn phai; cô chết không nhà, ở tuổi còn quá trẻ.

Cô Tư Nhị lại chết sớm hơn, bởi mang một chứng bệnh lạ, lở lói, hôi hám, khiến cô trở thành kẻ ăn xin ở ngoài đường với gương mặt gớm ghiếc. Cô không còn một ai để nương nhờ, mặc dầu trước đó cô từng lên xe xuống ngựa với toàn những công tử tiền rừng, bạc biển.

Đó là quả báo nhãn tiền - do nhân tham lam vô độ, cuối đời bị nghèo khổ; do nhân trộm cắp, tình và tiền của các bà vợ khốn khổ; cuối đời các cô bị cô đơn.

2.3.6. Chuyển đổi

(29:56)

Cô Ba Trà có nhiều cơ hội hoàn lương, khi người chồng Tàu đầu tiên rất giàu có của cô quay lại tìm. Lúc cô mới bước chân vào truỵ lạc. Nếu cô quay lại, có lẽ cô đã có một đời sống nhung lụa, an ổn đến già. Lần thứ hai khi cô ăn tiền cờ bạc; cô trở thành triệu phú, nhưng cô lại đưa hết vào sòng bài, rồi lại cặp bồ với những người đàn ông khác để kiếm thêm tiền. Cô đã bỏ mất nhiều cơ hội hoàn lương.

Cô Tư Nhị cũng vậy. Cô cũng có thể hoàn lương lúc cô còn tiền của; tiếc thay cô mang bệnh hiểm nghèo quá sớm. Cô ân hận thì đã muộn.

2.3.7. Kết luận

(30:39)

Nhân quả tà dâm rất đa dạng, có thể xoay chuyển cả một đời người; từ tốt đẹp đi đến khổ đau; từ khỏe mạnh đến tử vọng; từ trẻ đẹp trở thành bệnh hoạn, xấu xí; từ có của cải đi đến tàn mạt. Nếu biết quay đầu, không quá trễ để làm lại cuộc đời.

Tuy nhiên, hiện nay, bệnh dịch Siđa là ngõ cụt cho nhiều đời người, một phen sa chân là không thể trở bước. Vậy ta nên tuyệt đối cảnh giác, tránh xa tà dâm, nếu muốn có một gia đình êm ấm, một xã hội bình ổn.

Ngay cả hành động dâm dục cũng không được chấp nhận trong Thánh đạo bởi vì nó ngăn che đạo Thánh. Vậy ngay việc gọi là chánh dâm cũng nên phải hạn chế, rồi từ từ tìm phương tiện dứt bỏ. Vì dâm dục là đầu mối của luân hồi, tái sanh nên chúng ta nên cẩn thận, chứ có mê say. Tuyệt đối không xem phim ảnh đồi truỵ, không nghe ca hát những bài tình tứ, lãng mạn để tâm rong ruổi theo dục lạc. Ta nên tự thanh lọc tâm ý trong từng giờ, từng phút để gieo nhân tốt thì mới mong gặt hái được nhiều quả tốt trong ngày vị lai .

2.4. THÂN HÀNH THỂ HIỆN Ở VIỆC TRỘM CẮP, LẤY CỦA KHÔNG CHO

2.4.1. Trộm cắp lấy của không cho

(32:02)

Hành động trộm cắp tức là lấy lén lút, không được sự đồng ý của người. Từ ngọn cỏ, lá rau thuộc sân nhà người - nếu thò tay ngắt cũng gọi là trộm. Xa hơn, do ý tham phối hợp với ý si; do sự suy nghĩ sai lạc rằng, kiếm được nhiều tiền để xài mà không phải đổ mồ hôi là một sự khôn ngoan, theo như câu nói trào phúng “Con ơi, nhớ lấy lời cha một đêm ăn trộm bằng ba năm làm". Thế là mất bao đêm, ngày tính toán, nghề trộm cắp, ăn cướp được hình thành.

Những người vô tâm không đề phòng sẽ bị mất trắng, bị cướp sạch. Ông chủ ý si, tà kiến này, trong đời nếu không có duyên may gặp được người tốt chỉ điểm, chỉ đường ngay, nẻo thẳng cho mà đi thì có ngày sẽ làm anh thân lâm vào cảnh bi đát, bị đánh đập đến chí mạng. Tùy theo việc trộm lớn, nhỏ bị án tử hình hay tù tội đến chung thân. Ngoài ra, luôn ở trong tình trạng nghèo khổ vì nhân tham sẽ cho quả thiếu thốn tài vật.

2.4.2. Đặc tướng

(33:18)

Sự trộm cắp có nhiều hình tướng khác nhau, qua từng hoàn cảnh và môi trường. Từ nhỏ như, hái trộm cây trái nhà người hàng xóm; đến đào tường, khoét vách, tổ chức băng đảng để ăn cướp lớn hơn. Thời hiện đại, có sự ăn cắp quy mô hơn. Trong các công ty, người ta làm sổ sách sai để ăn cắp. Số lớn hơn, như vụ án Tăng Minh Phụng đã biển thủ tiền của xí nghiệp lên đến nhiều tỷ; Minh Phụng bị án tử hình.

Các băng đảng lớn với những tay anh chị đã tổ chức nhiều đường dây cờ bạc, gian lận, cho vay ăn lời nặng lãi, có bạo lực hỗ trợ sau lưng như vụ án Năm Cam, đã lãnh năm bản án tử hình cho năm tay anh chị bự và hàng trăm án tù cho những đàn em.

Những nhân vật có thế lực trong chính quyền thường ăn cắp cho chính mình những món tiền, khối vàng lớn hơn, giấu kỹ hơn ai hết với bảo mật tối đa.

Thí dụ, vài chục năm trước, Tổng thống Phi Lục Tân bị truy tố ra tòa vì tội biển thủ tài sản quốc gia lên đến nhiều tỷ mỹ kim mà ông cất giấu ở Ngân hàng Thuỵ Sĩ.

Trong các ngành nghề thường có sự đi trễ về sớm, lấy của công đem về nhà xài riêng; lánh việc nặng tìm việc nhẹ; việc dễ mà làm trong khi vẫn lãnh lương bằng nhau; đó cũng là một loại trộm cắp vi tế khó nhận biết. Một người thợ có tính ăn cắp thường bị mất việc, với thành tích đó không ai dám mướn, lâm vào cảnh nghèo khổ.

(35:08)

Trong xóm có một gia đình nọ; mẹ thì sáng ra khăn gói lên đường để hành nghề móc túi trên các chuyến xe lam, xe buýt. Bà có hai con trai thường tụ tập đi cắp vặt quanh xóm. Ai cũng chạy mặt chúng, vì hở một chút là bay mất từ đôi dép, cái quần, cái áo phơi ngoài sân đến cái radio đang hát để trên bàn; cho đến xe đạp khoá vô gốc cây nó cũng tháo lấy cặp bánh. Lớn lên một chút, cậu lớn tổ chức cướp mấy nhà giàu ở Chợ Lớn, bị vô tù cả lũ, một năm sau được thả ra, về nhà nửa tháng sau thì chết, bởi vướng bệnh sốt rét ở trong tù.

Còn cậu nhỏ được người ta mướn đi đẩy xe lăn cho một anh thương phế binh ở làng Thương Phế Binh bên Thủ Đức. Quen thói ăn cắp vặt, cậu đi rảo quanh xóm và trổ nghề ăn cắp bị bắt gặp, cậu bị người ta trói lại, cắt nhượng tay, nhượng chân, rồi liệng xuống ao rau muống, chết thật thảm thương. Gia đình đó túng thiếu quanh năm, lúc nào cũng chờ sau hai giờ trưa là đi xin cơm dư của lối xóm.

Nhân quả trộm cắp đa dạng và không bỏ sót một ai. Tà dâm cũng là một loại trộm cắp tình cảm, kẻ cắp thường bị cô đơn ở tuổi xế chiều. Ăn cắp của thú vật, côn trùng như nghề lấy mật gấu, nghề gát kèo ong, lấy tổ chim Yến. Nghề gát kèo ong là một nghề trộm cắp trên công sức của đàn ong.

Người ta vô rừng tràm, chặt cây, tạo một cái khung thích hợp cho ong đến làm ổ. Vài tháng sau đến lấy cả ổ lẫn mật, khiến lũ ong phải ra công làm tổ mới.

Cứ thế năm này qua năm khác, loài ong cứ mải mê làm việc và người cứ hiên ngang đến ăn cướp mật. Ong non còn trong ổ, người ta đem về hơ trên lửa cho rớt xuống nồi nước sôi; họ vớt lên để trộn gỏi ăn chơi. Loài ong ruồi thường không chịu rời tổ, vì vậy người ta bắt luôn cả tổ lẫn ong về ngâm rượu. Loại rượu này trị phong thấp rất hay; họ tin như vậy.

(37:37)

Còn nghề lấy tổ chim Yến cũng là hành vi trộm cắp, vơ vét cái ổ làm bằng nước miếng dẻo, dính của con chim mẹ làm ra để chuẩn bị đẻ. Con người khôn ngoan, chờ khi chúng vừa làm xong, chưa kịp đẻ trứng là thu hoạch liền, báo hại loài chim mất tổ, phải cấp tốc vắt hết sinh lực để tạo ra một cái tổ mới chỉ bằng tám phần so với tổ cũ.

Khi chim con vừa biết bay thì người ta lại đến thu hoạch đợt nhì, loại này giá rẻ hơn vì có lẫn phân chim, lông chim. Có những tổ Yến lợn cợn máu, do chim cạn kiệt sức lực phải nhả cả máu ra để làm tổ, được người ta cho là quý, bán rất mắc gọi là Yến Huyết.

Có ba nơi tiêu thụ mạnh nhất trên thế giới đó là Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông, thương vụ hàng năm lên đến bạc tỷ mỹ kim.

Và những phái đoàn du lịch nào muốn đi thăm quan nơi sinh sống của loài chim này thường phải nộp tiền mãi lộ cho đám lục lâm mà họ thuê canh gác. Người ta tin rằng, ăn tổ Yến là tăng cường tình dục và làm da trẻ lại. Do ý si tà kiến đó đã xúi đẩy con người trở thành lục lâm, thảo khấu, cướp đoạt hang ổ, công sức, cả đến loại côn trùng, chim chóc. Quả báo này có thể thấy ở nhiều nơi trên thế giới rất nhiều kẻ không nhà, mặc dù được sinh đẻ tại nước Mỹ hoa lệ này. Những hành khất ngủ ở lề đường chắc cũng từng gieo nhân ác nêu trên.

(39:25)

Hàng năm, vài trận lũ lụt xảy ra đủ khiến cho cả trăm ngàn dân chúng lâm vào cảnh không nhà. Khi nước rút xuống, người ta lại trở lại xây nhà mới, rồi lũ lụt lại đến và trở thành không nhà lần nữa. Có người suốt đời lao đao lận đận vì không có nhà do thiên tai.

Trận sóng thần vừa qua đã làm cả triệu người lâm vào cảnh không nhà, chờ đợi, trông ngóng để có một cái lều để ở, như nắng hạn chờ mưa. Họ tụ tập ngồi chồm hỗm ngoài trời ngày này qua ngày khác, kiên nhẫn tối đa rất tội nghiệp.

Vậy ta nên lưu tâm tránh xa hành vi trộm cấp để không bị quả báo như trên. Đồng thời, ráng chia sẻ với đồng loại những gì họ cấp thiết cần đến, để bồi dưỡng lòng từ bi, đồng thời cũng gặt được những quả báo tốt đẹp trong tương lai.

2.4.3. Đặc tính

(40:26)

Do ý tham, ý si chỉ huy mà người ta trộm cắp, có nhiều tính chất trong việc trộm cắp như: trộm cắp do nguyên nhân nghèo túng quá, có câu "Bần cùng sinh đạo tặc". Trộm cắp do sở thích, có những người thích thú trong việc lừa đảo người để lấy của người. Trộm cắp do quá khôn ngoan, suốt đời chỉ lo tính toán nhiều mưu chước quỷ quái cho mình, cho người để thu lợi tối đa. Nhân quả của nó cũng trùng trùng, sai khác.

Trong lịch sử có những quốc gia phồn vinh như nước Pháp, Anh, Tây Ban Nha. Do tâm kiêu mạn ngất trời, họ đã đem quân đi xâm chiếm các nước láng giềng; đặt chế độ thuộc địa, mặc tình vơ vét của cải, tài nguyên của xứ bị trị.

Ở Pháp, có những viện bảo tàng trưng bày toàn cổ vật quý giá của các nước thuộc địa. Đây là bằng chứng cho một thời làm lục lâm, thảo khấu của họ. Hậu quả bây giờ, Anh, Pháp, Tây Ban Nha chỉ là những nước nghèo không đáng kể so với cường quốc khác, lại bị bất ổn chính trị liên miên. Đó đều là nhân quả báo ứng của sự cướp bóc và gây xáo trộn cho các nước bị trị.

2.4.4. Duyên hợp

(41:48)

Trong điều kiện quá thịnh vượng, cộng thêm ý kiêu mạn, nước Tàu đã xâm lăng các nước láng giềng trong đó có Việt Nam, đặt ách đô hộ hơn một ngàn năm. Trong khoảng thời gian đó, họ tha hồ thâu tóm của cải, gái đẹp, thợ giỏi các ngành nghề đem về nước. Đày ải dân ta, bắt lên rừng tìm sừng tê; xuống biển mò ngọc trai, nói sao hết thống khổ.

Những kẻ trộm cắp, ăn cướp lớn nhỏ gì khi bị bắt đều bị tập trung lại một nơi, gọi là nhà tù. Ở đó do duyên hợp tụ tập cùng các tay anh, chị, chỉ điểm lẫn nhau thêm kinh nghiệm, nên khi được phóng thích các tay trộm trở nên giỏi hơn trong nghề nghiệp, càng phát tán hung bạo chứ không cải sửa được gì tốt đẹp hơn.

2.4.5. Duyên tan

(42:46)

Sau hơn một ngàn năm đô hộ, quân Tàu bị đẩy lui do Lê Lợi khởi nghĩa; nước ta giành độc lập. Nhân quả trộm cắp đến với Trung Hoa là bị nghèo đói, bị thống trị kềm kẹp khổ sở một thời gian dài dưới thời Mao Trạch Đông. Chính phủ do họ Mao lãnh đạo đã đàn áp nhân dân họ tơi tả, dùng con người làm bia đỡ đạn trong chiến thuật biển người, áp đặt sự nghèo đói lên toàn lãnh thổ. Những tên cướp, sau khi được phóng thích lại tiếp tục nghề cũ, tinh vi hơn, nhưng cuối cùng cũng bị bắt lại và bị án tù nặng.

2.4.6. Chuyển đổi

(43:27)

Hy vọng các nhà lãnh đạo quốc gia trên thế giới có đủ từ tâm; biết dùng nhà tù làm nơi để dạy đạo đức cho những tên đầu trộm, đuôi cướp vì chúng đã không được dạy dỗ ở nhà và ở học đường. Sự thật mà nói, không dạy nhân đạo đức mà chỉ biết trừng phạt thì thật không hợp lẽ. Chính quyền nên lưu tâm đem đạo đức vào học đường từ cấp một đến cấp đại học; từ thấp đến cao để cải đổi vận mạng của một quốc gia được tốt đẹp hơn. Phương tiện truyền thông nên theo chiều hướng đạo đức, tránh bạo hành, giết chóc. Cải tổ lại hệ thống giáo hội, tuyển lựa Tăng Ni tài đức để chấn hưng lại Phật giáo.

2.4.7. Kết luận

(44:24)

Tóm lại, đường đi nhân quả của con người, lấy ý làm nền, hành động của thân được chỉ đạo đúng đắn sẽ cho kết quả tốt đẹp. Ta phải ráng canh chừng tâm ý, kiểm soát hành động của thân, để không làm khổ mình, khổ người. Đồng thời tích cực hỗ trợ những phương án có chiều hướng đạo đức lâu dài, như dự án thành lập Trung Tâm An Dưỡng của Trưởng lão Thích Thông Lạc. Hỗ trợ cho lớp tu học Bát Chánh Đạo được hoàn mãn; cùng tinh tấn thực hành những gì mà chơn sư đã truyền dạy. Con đường này có thể gọi là Phước Huệ song tu chăng? Kính xin Thầy chỉ dạy thêm.

Con Thích Nữ Mỹ Linh. Con nên làm tiếp đường đi nhân quả của ý hành theo bốn lành của Thập Thiện:

  • Không nói dối

  • Không nói thêu dệt,

  • Không nói lật lọng (không nói lưỡi đôi chiều)

  • Không nói lời hung ác.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

(45:30)

Trưởng lão: Các con vừa nghe bài của cô Mỹ Linh; cô đứng ở góc độ ở ngoại quốc; cô nhìn tổng quát mọi nước ở trên thế giới, tin tức. Nói lên cái bài, Thầy thấy đó là một cái lời khuyên răn, ước muốn và đồng thời cũng là điều lợi ích. Nếu cái bài này được phổ biến rộng thì nó cũng là một lời khuyên đối với con người.

3. TẦM QUAN TRỌNG CỦA XẢ TÂM TRONG TU TẬP TỨ NIỆM XỨ

(45:56)

Trưởng lão: Hôm nay thì, buổi chiều nay, sẽ có bốn người đến đây Thầy kiểm tra về vấn đề nhiếp tâm trong Tứ Niệm Xứ để dùng Định Vô Lậu để xả tâm.

Thì ở bên nam thì…​ Từ Thanh Quang, Chân Tịnh, Minh Thống và Từ Quang. Mấy con chiều nay đến gặp thầy, ở đây thầy kiểm tra coi cái sự nhiếp tâm của mấy con coi nhiếp như thế nào đúng, như thế nào sai, để thầy hướng dẫn cách thức nhiếp cho đúng trên Tứ Niệm Xứ - để rồi từ đó chúng ta sẽ áp dụng vào phương pháp tu cho lớp tới là lớp Chánh Tư Duy của chúng ta.

Chiều nay 2 giờ, mấy con đến đây Thầy kiểm tra bốn người, chứ làm nhiều quá Thầy kiểm tra không hết đâu. Kiểm tra từng người, rồi theo dõi cho kỹ rồi mới xác định được sự nhiếp tâm của mấy con có ức chế hay không, ở trên Tứ Niệm Xứ cho cụ thể, rõ ràng. Cho nên nhớ chiều nay.

Còn mấy con vừa nghe đọc bài rồi, các con thấy con người ở trên thế gian này, chúng ta thiệt là thiếu đạo đức quá độ, cho nên chúng ta quá tàn nhẫn. Thầy mong rằng đạo đức nhân bản - nhân quả ra đời được, thì nó sẽ đem lại sự bình an cho con người và loài vật ở trên hành tinh của chúng ta, đem lại tình thương của chúng ta.

Đối với bài vừa rồi của chú Cần, các con thấy nó cũng làm cho chúng ta xúc động với cái tình cảm rất lớn đối với hành động Tâm Từ, rồi còn cái bài Tâm Bi nữa.

(47:30)

Trưởng lão: Chỉ đọc mới có Tâm Từ thôi thì Thầy thấy rằng chúng ta theo đạo Phật mà thực hiện được lòng Từ Bi thì chúng ta thấy hạnh phúc lắm mấy con. Và đồng thời, cuối cùng thì cái bài Tâm Xả để chúng ta đi sâu vào đạo, để làm chủ sự sống chết của chúng ta, là bài Tâm Xả này.

Mặc dù Tứ Vô Lượng Tâm là Pháp Độc Nhất, nhưng sự thật ra chúng ta chưa có đủ duyên, chưa có đủ duyên mà Pháp Độc Nhất thì chúng ta phải thực hành theo Tâm Xả và trên Tứ Niệm Xứ, theo Thầy thấy tốt nhất.

Cho nên theo Thầy thiết nghĩ ở đây qua những bài mà các Thầy và các cư sĩ đã làm rồi, thì Thầy thấy tốt hơn hết là chúng ta đi từ Thanh Văn mà vào. Cho nên chúng ta đi từ Tứ Niệm Xứ, từ Chánh Niệm chúng ta vào để xả, xả tất cả các chứng ngại pháp trên Thân, Thọ, Tâm của chúng ta thì chúng ta sẽ thành tựu.

Chúng ta biết cách xả rồi, do đó bây giờ kiểm điểm lại cho sự nhiếp tâm để mà chúng ta tu tập trên Tứ Niệm Xứ. "Lúc mà thân tâm bình thường không có chướng ngại, thì lúc bấy giờ coi cái tâm ở dạng nào, có phải nó ở trong sự chỗ ức chế nó mà ở cái sự im lặng đó không, hay hoặc nó là ở trong sự tự nhiên".

Đó là cái để Thầy kiểm tra lại xem, nếu mà "ở trong sự tự nhiên mà không ức chế thì đó là đúng". Còn nếu mà có sự nhiếp tâm ức chế nào trong đó thì đương nhiên là chúng ta, nó sẽ sai, vì đi tới nữa, kéo dài thời gian ra nữa thì nó sẽ sanh ra những trạng thái tưởng, nó rất khó.

Còn trái lại, nó ở trong trạng thái bình thường; nó không có gì hết, nó không bị ức chế thì nó sẽ đi đến chỗ xả rốt ráo; cuối cùng để chúng ta xả sạch và chúng ta đạt được sung mãn Tứ Niệm Xứ.

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy