00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

CK 091A - LẬP DÀN BÀI TRƯỚC KHI LÀM BÀI LUẬN QUÁN XẢ TÂM - ĐỨC HỶ TÂM (TỪ QUANG)

CK 091A - LẬP DÀN BÀI TRƯỚC KHI LÀM BÀI LUẬN QUÁN XẢ TÂM - ĐỨC HỶ TÂM (TU SINH TỪ QUANG)

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Thời gian: 14/02/2006

Thời lượng: [35:39]

1. SỰ CẦN THIẾT LẬP DÀN BÀI KHI LÀM BÀI LUẬN

(00:00) Trưởng lão: Làm bài, các thầy với cư sĩ nên nhớ mình làm cái dàn bài, tập làm cái dàn bài thì mình làm bài thì nó dễ hơn, nó không có khó khăn. Đây mấy con thấy thầy Từ Quang làm cái bài mà thầy ở trong cái ổ đĩa Thầy in ra. Đầu tiên mình làm cái dàn bài như thế này. Thành ra mình sẽ viết rất nhiều.

Trong cái dàn bài này thì nó có hai phần, cái phần Hỷ Tâm Về Ác Pháp, đây là nói về cái đức Hỷ Tâm. Cho nên về cái phần Hỷ Tâm Vô Lượng Dục Lạc thì nó có Hỷ Tâm Về Ác Pháp. Còn cái phần Hỷ Tâm Vô Lượng Giải Thoát thì nó thiếu một cái phần là Hỷ Tâm Tu Tập Tứ Niệm Xứ. Khi mình an trú ở trong Tứ Niệm Xứ thanh thản, an lạc, vô sự thì nó có các trạng thái hỷ nó sinh ra ở trên Tứ Niệm Xứ. Cho nên nó thiếu hai phần đó thôi. Nhưng mà cái cái dàn bài này rất là đầy đủ trong cái Hỷ Tâm Vô Lượng.

Còn cái xả tâm đó thì nó nhiều lắm, cái dàn bài nó rất nhiều. Bởi vì cái hầu hết là chúng ta đều, đối với đạo Phật đều tu cái Tâm Xả. Cho nên Tâm Xả, trong đó đụng cái gì nó cũng xả hết thì cái người đó sẽ hoàn tất được con đường của tu giải thoát của đạo Phật, rất là dễ dàng. Cho nên sau khi mà làm về Tâm Xả thì quý thầy nhớ Tâm Xả nó không phải ít đâu. Đụng cái pháp gì nó cũng xả hết cho nên nó rất nhiều. Vì vậy mà làm, lập cái dàn bài của nó đủ mọi mặt ở trong đó, thì cái Tâm Xả nó rất là đầy đủ.

(01:45) Cho nên ông Châu Lợi Bàn Đặc ông dốt mà chỉ tu có cái Tâm Xả thôi, đụng cái gì ông cũng xả hết, xả hết nó thanh tịnh chứ không có gì hết. Cho nên vì vậy mà thành lập một cái dàn bài rồi thì chúng ta sẽ tu tập rất dễ.

Ví dụ như bây giờ đó, nội dung cái bài này thì trong cái dàn bài nó có bao nhiêu mình đưa ra hết. Rồi từ đó mình phải làm cái bài mình dựa vào cái dàn bài đó mình làm cái bài thì không bao giờ nó lộn, đầu lộn đuôi, đuôi lộn đầu, cái nào nó đi ra cái thứ tự của nó hết, cho nên phải tập làm cái dàn bài. Nếu mà mình không có tập làm cái dàn bài mà tự Thầy làm, sau đó mình làm mình không có biết làm.

Cho nên chúng ta phải biết cách thành lập dàn bài như thầy Từ Quang thành lập dàn bài thấy rất rõ ràng. Kê dàn bài ra cũng như là cái mục lục. Cái dàn bài là cái mục lục của cái bài của chúng ta viết. Cho nên do như vậy mà chúng ta viết bằng cái Tâm Từ, cái Hỷ Tâm Từ nó như thế nào, hoặc là cái Hỷ Tâm Xả nó như thế nào, chúng ta viết nó không có sai. Hầu như chúng ta không có lập thành cái dàn bài. Mà có cái dàn bài chúng ta cũng nhiều khi chúng ta coi cái kiểu đề của nó trong cái bài của mình không quan trọng. Chúng ta viết cái chữ rất nhỏ thì chúng ta viết cái chữ lớn hoặc là chúng ta phải gạch đít cái dàn bài đó để khi chúng ta muốn nói cái đề tài đó chúng ta thấy rõ ràng.

(03:45) Ở trong những cái bài làm vừa rồi thì đây là cái bài Hỷ Tâm Vô Lượng. Về Đức Từ Tâm thì có quý thầy, có nhiều người viết rất hay, đầy đủ. Nhưng có nhiều người lại viết không có cái dàn bài. Có người có dàn bài mà không có nêu được cái dàn bài ở đầu đề để mà chúng ta thấy rõ ràng. Lập cái dàn bài trước sau đó rồi mình viết ra, lần lượt từng cái cái đề mục của nó. Cho nên Thầy mong rằng là mình làm đâu nó có cái thứ lớp như vậy. Thì sau này nó có những cái đề tài mà mình quán, mình xả tâm nó cụ thể, nó rõ ràng hơn.

Và cố gắng lập như vậy đó, sau khi mình có soạn thảo một cái giáo trình hoặc là cái giáo án, mình hướng dẫn người khác tu đạo đức, nó cũng rất dễ dàng mình lập thành. Còn nếu mình không có làm cái dàn bài không có làm cụ thể rõ ràng, sau này mình khi mình viết một cái giáo trình, hoặc là viết một cái giáo án để đứng lớp mình dạy đó, thì mình không có biết cách.

Cho nên vì vậy mà cố gắng thực hiện cho đúng cái cách thức bởi vì cái lớp này nó vừa đào tạo cho mình thuyết giáo, mà cũng vừa đào tạo cho mình thân giáo. Đây là lớp Chánh Kiến, là cái lớp mà đào tạo cho mình thuyết giáo. Mình đứng lên trên cái lớp của mình, mình có thể mình dạy mà mình bằng cách là mình soạn thảo chương trình giảng dạy nó cụ thể, rõ ràng.

(05:30) Và bước đầu hết cái lớp học này bây giờ ở đây là cái bài Hỷ Tâm. Có một số người đã viết đến cái bài xả tâm rồi. Nhưng mà Thầy thấy xả tâm viết như vậy là không có đúng, không có đủ. Nó chỉ quá ít, nó không có đủ, bởi vì xả tâm là cái bài cuối cùng của pháp độc nhất.

Như ông Châu Lợi Bàn Đặc rất là dốt nhưng mà cái cách thức xả tâm là đức Phật dạy. Cho nên đối với quý thầy mà không làm được cái dàn bài thì Thầy sẽ lần lượt Thầy hướng dẫn cho cách thức đi đến cái cách thức xả tâm của cái pháp cuối cùng. Nghĩa là bất cứ một cái tâm niệm nào mà mình xả bằng cách nào để cho mình đừng ức chế tâm chứ không phải ngưng cái niệm. Mà xả tâm như thế nào để cho trước mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng, mọi ác pháp tác động vào trong tâm chúng ta vẫn bất động, đó là cách thức để mà xả tâm.

Thế thì Thầy mong rằng, khi những người cầm cây bút được thì phải ý thức được cái vấn đề xả tâm: Tâm Từ, Tâm Bi là mình nuôi lớn cái lòng thương yêu, thương xót của mình đối với vạn vật, đối với sự sống của muôn loài. Nhưng mà đến Tâm Hỷ với Tâm Xả thì nó lại khác rồi. Bởi vì trước ngoại cảnh (nghịch cũng như thuận), mình đều có sự hoan hỷ nó cũng đem lại sự giải thoát cho mình nhưng nó không bằng Tâm Xả. Bởi vì Tâm xả mình biết tất cả các pháp trên thế gian này không có pháp nào là không vô thường. Pháp nào cũng là vô thường.

Cho nên đối với người tu vì thấy các pháp là vô thường cho nên không có dính mắc pháp nào hết, vì vậy mà đụng đâu xả nấy, xả bỏ hết không còn chấp một cái pháp nào mà mang ở trong tâm của chúng ta thì nếu mà người nào đủ duyên thì ngay từ trên Tứ Niệm Xứ chúng ta dùng Tâm Xả mà tu tập thì chúng ta sẽ nhanh chóng mà đạt được chân lý, nó không có khó khăn.

(07:36) Chơn Niệm thì hôm nay viết chữ Thầy đọc rất là rõ ràng và bài luận đầy đủ, cố gắng hơn nữa thì chắc chắn là sự tu tập sẽ tốt hơn và xả tâm tốt hơn nữa. Khi mà viết được thì phải xả tâm cho được. Cố gắng coi vậy chứ nó cũng còn khó ở trên cái phương pháp thực hành.

Hôm nay Thầy muốn mấy con sẽ đọc một cái bài. Hầu hết là có nhiều bài đáng đọc lắm. Có nhiều ý rất hay nhưng vì chúng ta không có thì giờ và Thầy mong rằng mấy con sẽ đọc để mà biết cái dàn bài, để hiểu qua cái dàn bài, để làm những cái bài, kế tới còn một bài xả tâm nữa.

Thế thì thầy Từ Quang, con hãy đọc cái bài của con mà Thầy in ra bài Hỷ Tâm. Cái bài này, con sẽ đứng con đọc dùm Thầy, để thấy cái dàn bài nó cụ thể, nó rõ ràng.

2. BÀI LUẬN HỶ TÂM CỦA TU SINH TỪ QUANG.

(08:45) Tu sinh Từ Quang: Kính bạch Thầy, kính bạch chư vị đồng Tăng, con xin đọc bài Hỷ Tâm Vô Lượng.

Trước hết về nội dung bài: Nội dung bài thì trong này có ba phần:

  • Phần thứ nhất là: Giải Nghĩa Về Hỷ Tâm

  • Phần thứ hai là: Những Dạng Thức Của Hỷ Tâm.

Trong Những Dạng Thức Hỷ Tâm thì có hai phần, đó là phần Hỷ Tâm Vô Lượng Dục Lạc và phần thứ hai là Hỷ Tâm Vô Lượng Giải Thoát.

Trong Hỷ Tâm Vô Lượng Dục Lạc thì gồm có:

(1). Hỷ Tâm Vật Chất;

(2). Hỷ Tâm Về Từng Phần;

(3). Hỷ Tâm Về Việc Thiện, Dục Lạc, Dục Lậu;

(4). Thứ tư là Hỷ Tâm Về Ác Pháp.

Về Hỷ Tâm Vô Lượng Giải Thoát thì có:

(1). Hỷ Tâm Về ly tham, ly ác pháp;

(2). Thứ hai là Hỷ Tâm Về Lòng Từ;

(3). Thứ ba là Hỷ Tâm Về Lòng Bi;

(4). Thứ tư là Hỷ Tâm Trong Kinh Bát Thành;

(5). Thứ năm là Hỷ Tâm Về xả tâm;

(6). Thứ sáu Hỷ Tâm Do Ly Dục, ly ác pháp (tức là Sơ Thiền);

(7). Thứ bảy là Hỷ Tâm Do Diệt Tầm Tứ (tức là Nhị Thiền);

(8). Thứ tám là Hỷ Tâm Do Ly Trạng Thái Tưởng (tức là Tam Thiền);

(9). Thứ chín là Hỷ Tâm Do Xả Các Cảm Thọ (tức là Tứ Thiền);

(10). Mười là Hỷ Tâm Do Tu Tập Tứ Niệm Xứ, Phần viết Tứ Niệm Xứ, Từ Quang Thực Hành Tứ Niệm Xứ, Từ Quang chưa viết được cái này.

  • Thứ ba phần kết luận: Sự Lợi Ích Của Hỷ Tâm.

Bây giờ Từ Quang xin đọc cái bài viết.

(10:47) Hỷ Tâm Vô Lượng

Thứ nhất: giải nghĩa. Kết quả của các hành động được thực hiện khiến chủ thể hành động thường có tâm lý thoải mái, an vui, thích thú hoặc là sung sướng, mừng rỡ, thì đó chính là trạng thái của Hỷ Tâm.

Bất kỳ hành động nào của tâm nhắm đạt tới một hay nhiều mục đích, rõ ràng hay là kín đáo, hành động đơn giản hay là phức tạp, kết hợp nhiều hành động của nhiều người qua nhiều thời gian dài hay chỉ trong một thời gian ngắn, và kết quả này của hành động đã được duy trì trong bao lâu, tác động lên nhiều hay ít đối tượng, làm biến đổi đối tượng theo hình thức này hay hình thức khác.

Như vậy, Tâm Hỷ có điều kiện, Tâm Hỷ chỉ hiện thực khi mà mục đích được hoàn thành từng phần hay là toàn phần, như Tâm Hỷ liên hệ đến từ trường bên ngoài của vật chất, hay là tinh thần, thể hiện lòng ham muốn bình thường, sự thành đạt trong năm lĩnh vực tranh giành trong cuộc đời tạm bợ (tài, sắc, danh, thực, thùy), thì đó là dạng Hỷ Tâm Vô Lượng Dục Lạc, nghĩa là vẫn còn liên hệ đến sự đau khổ, thô đến tế.

(12:23) Khi Tâm Hỷ là sự an vui hoan hỷ lớn lao không mạnh mẽ tràn đầy tâm hồn và nội thân và thoát ra khỏi nội tâm, trùm khắp vạn vật không gian, do công phu sống và thực hành tu tập các pháp, thì đó là Tâm Hỷ Vô Lượng Giải Thoát. Chỉ Hỷ Vô Lượng Giải Thoát của đạo Phật làm chủ sự luân hồi tái sanh mới đạt trạng thái tâm hoàn toàn thanh tịnh và vi tế không còn đau khổ nữa.

(12:53) Thứ hai: Những Dạng Thức Của Hỷ Tâm.

  1. Hỷ Tâm Vô Lượng Dục Lạc Thế Gian.

  1. Hỷ Tâm Về Vật Chất.

Sống trong thế gian, con người chạy theo dục lạc thế gian, trải qua từng quãng thời gian tâm lý thay đổi, khi vui mừng hớn hở, khi phấn khởi, tâm trí hy vọng tràn trề, cười hả hê sung sướng, khi thì buồn rầu, hại não, thất vọng, chán nản, ngã lòng, thối chí, khóc lóc bi ai. Hai thái cực như hai mắt xích không rời nhau, đồng thời ở trong cùng khoảnh khắc, trong cùng sự kiện, cái mình vui hàm chứa cái đau khổ ắt sẽ tới, mà cái đau khổ cũng hàm chứa cái mình vui khác sẽ theo sau.

(13:44) Hai thanh niên nam nữ cảm thấy hạnh phúc tràn trề trong ngày cưới thì liền sau đó họ phải đối diện với sự nợ nần trang trải tiệc tùng. Hay sự sung sướng lứa đôi thì chuẩn bị cho trò bận rộn con cái. Lao động cực nhọc thì cuộc sống nhiều tiện nghi thích ý, không bao giờ nhận đủ cái này mà không có bóng dáng phản hiện của cái kia, đó là đặc tính của Hỷ Vô Lượng Cực Lạc.

Hỷ Vô Lượng Cực Lạc đặt trong bản (14:20) là (sắc, danh, lợi, ăn và ngủ) rất ngắn ngủi tạm bợ và mê muội của người phàm phu. Họ chạy đuổi theo sáu đối tượng của sáu giác quan: mắt chạy theo sắc; tai chạy theo âm thanh; mũi chạy theo mùi hương; lưỡi chạy theo vị; thân chạy theo xúc chạm; ý chạy theo ý nghĩ, tư tưởng khả lạc, khả ý, khả hỷ, khả ái liên hệ đến dục hấp dẫn. Những cái đó con người thấy có tính chất vui vẻ, hân hoan thích ý, dễ ham thích làm cho người ta tham đắm, làm cho người ta bị lôi cuốn, hấp dẫn muốn hưởng thụ, càng hưởng thụ càng bị say đắm, được đằng chân lân đằng đầu.

Cho nên không bao giờ dứt khổ, khổ mà không biết vì cứ mãi tranh đua, giành giật với nhau, cứ cho vật chất càng nhiều thì càng sung sướng, thật là điên đảo, vì thế con người cứ mãi trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi, cứ chịu khổ đau muôn kiếp. Bởi vậy đức Phật thấy nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước trong bốn bể đại dương.

(15:30) Một người mới được khỏi bệnh từ một cơn bệnh ngặt nghèo, miệng đắng, cổ khô, ăn uống không tiêu, nay ăn uống ngon miệng, tiêu hóa điều hòa, đi đứng ngày càng mạnh khỏe, thấy yêu thích mọi thứ. Người này được tâm hoan hỷ nhưng vẫn chưa biết ngày nào khác sẽ bị bệnh chứ đâu có gì chắc chắn không còn bệnh, khỏe mạnh mãi hoài được. Cái hỷ theo dục lạc thế gian là cái hỷ vô minh là hỷ ảo giác chạy theo cái ngon trong ăn uống.

Nhưng cái ngon đó chỉ là giả tạm, rất ngắn ngủi, khi còn trong miệng thì còn cảm giác ngon dở, nhưng khi vừa nuốt khỏi cổ thì đâu còn cảm giác gì nữa, không nhận thức còn ngon, dở mà còn là thối tha bất tịnh, khi ói ra đằng trên hay tống xuất xuống đằng dưới, vậy thì đó không phải ảo giác giả tạo hay sao? Chạy theo những cảm giác đó chính là vô minh, đâu có thể cho là sáng suốt được, tuy là ngon miệng, tốt bổ cho cơ thể, nhưng cố ăn cho nhiều thì sẽ không tiêu hóa được, chúng thực chất (lo ăn16:42) như thế. “Cái ngon cái bổ là một độc hại. Hỷ của dục lạc là tai hại, là bệnh tật, là khổ đau. Vậy ta phải tránh xa cái hỷ này”, là câu tác ý để nhắc mình và mọi người đừng tham đắm hỷ dục lạc.

(16:58) Tuy nhiên, có được những loại dục lạc thế gian đó, chúng cũng đem lại cho người những niềm hỷ lạc thấp kém của thế gian vật chất. Mua một chiếc xe hơi mới, được người trầm trồ khen ngợi làm tình cảm nghe hoan hỷ, mát ruột mát gan. Ngồi vào xe lái đi đây đi kia cũng thấy sướng lòng hả dạ, nhưng liền đó gây tai nạn làm người bị thương, bị chết thì cảm giác vừa có kia sao còn, hay xe là khổ, là (17:30), bản thân bị thương tật, xe hư hỏng thì còn có gì nữa đâu là niềm vui. Làm những việc mới vừa mới mua đó, liền khổ đau nối tiếp ngay, thì rõ ràng cái vui vật chất chính là vui trong ác pháp.

Trường hợp này ta phải tác ý câu hướng tâm: “Hỷ của dục lạc là ảo giác, là thuốc độc, là rắn độc giết hại con người, ta hãy tránh xa các loại hỷ này”.

Cho nên không bị cuốn hút theo những yêu thích hưởng thụ, không đắm say dục lạc (sắc, danh, lợi, ăn, ngủ) chính là không chạy theo ác pháp, loại trừ ác pháp, chấm dứt (18:15) ở tương lai.

Tốt hơn hết ta nên tác ý câu: “Vui theo ác pháp là Hỷ Tâm vô lượng ác, làm đau khổ chúng sanh, làm giết hại chúng sanh. Ta hãy tránh xa hỷ này, yểm ly hỷ này, từ bỏ hỷ này”.

(18:25) Trong kinh đức Phật nêu ra vài ví dụ cho thấy Hỷ Tâm ở một vài trường hợp như sau:

Như một người mắc nợ liền làm các nghề. Những nghề này được phát đạt, người ấy không những đã trả được nợ cũ còn có tiền dư để nuôi dưỡng vợ. Người ấy nghĩ: “ta trước kia mắc nợ nên làm các nghề nghiệp. Những nghề này được phát đạt, ta không những trả được nợ cũ, còn có tiền dư để nuôi dưỡng vợ”. Người ấy nhớ vậy, được sung sướng, hoan hỷ.

Như một người nhốt trong ngục. Người ấy sau một thời gian được khỏi tù tội, an lạc, vẹn toàn tài sản không bị giảm thiểu. Người ấy nghĩ: “Ta trước kia bị nhốt trong ngục, nay ta được khỏi tù tội, an lạc vẹn toàn, tài sản không bị giảm thiểu”. Người ấy nhớ vậy được sung sướng, hoan hỷ.

(19:19) 2. Hỷ Tâm Từng Phần.

Gặp nhau, tay bắt mặt mừng, nói nói cười cười hớn hở, mừng vui là Hỷ Tâm Từng Phần. Chuyện dài, chuyện ngắn xảy ra trong suốt thời gian cách biệt được người này, người kia nhắc lại không ngừng để tỏ bày lòng nhớ thương khi xa vắng. Mắt nhìn mắt, tay nắm tay trao nhau vạn ý sum vầy. Tiệc lớn, tiệc nhỏ bày ra, (19:47) mừng nhau chúc tụng. Cùng nhau ngồi với tách trà hương (19:50) hương lài nóng ấm, hay vị cà phê đen đắng ngào ngạt hương, nghe lại bài nhạc, lời ca kỷ niệm cũ. Hình ảnh những buổi picnic cuối tuần, tập hợp anh em bạn bè trong công viên giữa trời xanh, mây trắng trong niềm vui tuổi trẻ, trong đầy đủ gia đình sum họp cháu con, đó là những khoảnh khắc ngắn ngủi của Tâm Hỷ vọng lại.

Sau bao ngày ở xứ lạ quê người phấn đấu học hành lao động trong thời tiết khí hậu đổi thay khắc nghiệt, thành quả mang về là quà tặng hội ngộ tương phùng. Lòng mừng vui tái hội chưa tròn thì phải chia tay, nhập cuộc trong guồng máy xã hội (20:35). Bạn bè cùng lớp cùng trường thời thơ ấu, thuở thiếu niên, tuổi học trò đầy hoa hồng vô tư, cách biệt lâu năm nay tình cờ gặp lại nhau trên phố, trong chuyến du lịch, trong cuộc hội nghị toàn quốc, hay trong một kỳ bồi dưỡng nghiệp vụ, làm sao tránh khỏi vui mừng hoan hỷ tận cùng. Nhưng rồi mỗi người một phương trời trở lại, đâu có gì bền.

(21:00) Bao năm bôn ba lưu lạc nay có dịp trở về chốn cũ quê nhà, lòng mừng vui, nhưng cũng pha trộn với bao nỗi bùi ngùi trước cảnh đổi, người thay. Người cùng quen biết không còn vồn vã như thời xưa mà lơ láo, lạnh nhạt. Người mới thì ngẩn ngơ, xa lạ, chẳng chút cảm tình. Tất cả các trường hợp từng lúc, đều đem đến Hỷ Tâm trong chốc lát chứ không bền lâu.

Cho nên cần nhắc tâm: “từ từ thôi, hỷ từ từ, rất chóng phai nhòa. Ta hãy giữ tâm bình thản, đừng để xúc động mạnh mẽ với người cũ cảnh xưa, hay đổi thay người mới (21:42)”.

(21:43) 3. Hỷ Tâm Việc Thiện.

Làm được một việc gì cho người, cứu người đang bị cơn sân được hết sân, hay họ sắp làm một việc gì có hại cho bản thân họ, hoặc gây đau khổ cho người được chặn đứng. Ta thấy họ sung sướng bằng lòng thì trong tâm ta cảm thấy hân hoan. Hay ta tự kiềm chế, không làm một điều gì có tính chất hại mình, hại người. Sau đó nhớ lại thì trong lòng tự cảm thấy an vui, đó là Hỷ Tâm Việc Thiện.

Chẳng hạn, ta vẫn quen khất thực hai nơi, nhưng sau khi được Thầy dặn làm như vậy là không đúng giới luật, ta từ bỏ thói quen đó. Mặc dù thí chủ soạn sẵn thí vật như mọi ngày, nhưng khi đi ngang qua chỗ đó, ta kiềm chế lòng tham dục ăn của ta mà đi thẳng. Làm được vậy ta sẽ thấy được niềm vui nhỏ trong tâm. Ta không thấy bị lỗi lầm nên rất tự tin không hổ thẹn với mình, với người.

(22:45) Chừng đó ta mới cảm thấy thấm thía câu đức Phật dạy: “Thắng trăm trận không bằng thắng mình”, dù cho có thắng chút xíu nhỏ nhất này, nhưng có cái gì hình thành to lớn mà không phải là tập hợp của những yếu tố nhỏ bé. Trong lúc đi kinh hành bạn chú ý chỗ bước chân đặt xuống nên không làm chết hay tổn thương những côn trùng, kiến, mối trên đường làm bạn thấy vui.

Tác ý thường hơn những câu tác ý thể hiện Tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả, tâm hỷ lại càng nhiều hơn: “Tôi đi kinh hành cẩn thận từng bước chân đặt xuống để giảm thiểu tối đa tổn thương chết chóc côn trùng. Tôi được vui hân hoan không tạo thêm ác nghiệp. Năng lượng Hỷ Tâm lưu xuất trong mỗi bước đi góp phần an vui môi trường”.

(23:42) Trong cuộc sống, việc làm có tính cách giúp người để họ vượt qua khó khăn thuộc vật chất lẫn tinh thần đều thuộc diện việc thiện. Nhưng khi hướng dẫn cho họ thấu hiểu đường chân chánh, lẽ chơn chánh, đạo đức nhân bản - nhân quả thì mới giãi bày đủ ý nghĩa của việc thiện. Việc thiện này sẽ chuyển hóa từ tham lam ích kỷ, từ tâm dành ngũ dục lạc thế gian thành người đạo đức giúp người, giúp đời, làm cho cuộc sống chung được an vui, có trật tự, xã hội ổn định.

Tác ý câu: “Chuyển hóa cho người có thiện tâm, có đạo đức thì đời sống họ và người khác được an vui, ta cũng được an vui”.

Bỏ ra một số tiền đóng góp cho đoàn thể thiện nguyện hay trực tiếp tham gia trong việc cứu trợ nạn nhân thiên tai bão lụt thì chỉ đem lợi ích nhỏ trong giai đoạn khó khăn đó thôi. Nhưng khi chỉ dẫn, giảng giải cho ai biết nên có suy nghĩ, nên có quan điểm về cuộc đời chân thật là khổ đau, là vô thường là chuyển đổi không ngừng, biến dịch theo thời gian, không gian, thì không thường hằng bất biến, thì đây là thực hiện các kết quả lâu dài, có ảnh hưởng trong từng hành động của người dân, nên lợi ích to lớn hơn so với giúp người trong cơn khó khăn giai đoạn hàng ngày.

(25:10) Đem lời Phật dạy, sống và hành động theo Phật thì chính là con đường chuyển đổi cuộc sống đời thế gian đau khổ không đạo đức thành một cuộc sống biết vì nền đạo đức, vì lợi ích của chính mình và còn biết làm lợi ích cho người. Từ hành động làm mất an ninh trật tự xã hội, sống với bản năng thấp kém của người chưa tiến hóa, trở nên hành động của người tiến hóa, đem lại sự an bình trật tự, hoặc chân lý của xã hội thăng tiến, niềm vui hay Hỷ Tâm này to lớn nhiều.

“Ta thường khuyến khích mọi người hãy hành Thập Thiện cho đời tươi sáng, bỏ việc ác cho đời quang đãng, đem nhân lành gieo rắc hạ nhân. Ta tùy hỷ với niềm vui của mọi người”.

(26:02) B. Hỷ Tâm Vô Lượng Giải Thoát

  1. Hỷ Tâm Về Ly Tham, Ly Ác Pháp.

Trước tiên nên xác định nghĩa của tham và ác pháp trong dạng thức hỷ của hành động này.

Tham chính là lòng ham muốn, lòng ưa thích, buông thả theo bản năng tự nhiên không hạn chế, không tự chế. Nhưng vì lòng tham không giới hạn, nên người mải được thỏa mãn ham muốn này thì tâm khởi ham muốn khác cao hơn, khác lạ hơn, vì thế mà cứ quanh quẩn trong vòng luân hồi, sanh tử.

Ác pháp chính là những sự việc đang làm khổ đau cho mình, khổ đau cho người. Ngoài nghĩa bình thường ác pháp là hành động do động cơ tham lam nói trên trong những thỏa mãn năm dục trưởng dưỡng, thì ác pháp ở đây còn có nghĩa là của những hành động mà nếu ta không hạn chế, không khắc phục thì chúng giữ ta trong đời sống theo bản năng tự nhiên, không thể thoát lên đời sống tiến hóa làm chủ được sanh tử, luân hồi của ta.

Cho nên một khi đã quyết định thay đổi cuộc đời phàm phu thì ta phải ly ra, rời ra khỏi những hành động bình thường đó để sống đúng theo lời đức Phật dạy, để hướng tới đời sống cao hơn, phù hợp đạo đức không làm khổ mình khổ người, tiến đến làm chủ thân, làm chủ tâm, làm chủ sự sống chết, làm chủ tái sanh luân hồi.

Những lời gốc Phật dạy chính là giới luật chúng ta phải theo, phải sống cho đúng, thực hiện cho được, thì đó là những thiện pháp đưa ta đến đích tột cùng của giải thoát khổ đau. Vậy thì ly tham, ly dục ác pháp chính là con đường ta phải đi bằng những pháp hành đã được đức Phật dạy, và nay được Trưởng lão Thông Lạc chỉ rõ lại cho chúng ta biết tối thiểu làm gì, để đạt mục đích trên mà Trưởng lão đã có cô đọng lại trong ba đức “ăn, ngủ, độc cư” và ba hạnh “nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng”. Nhưng nói quá cô đọng thì cũng khó hiểu, vậy nên triển khai sơ lược để nắm rõ vấn đề mà sống, mà tu sửa.

(28:25) Thứ nhất đó là sống và tu tập đúng theo mười Giới Đức Thánh Sa di, và 25 Giới Hành Thánh Sa di đã được Trưởng lão dạy kỹ trong Tập 1 Văn Hóa Phật giáo Truyền Thống.

Thứ hai là những giới luật Thánh Tăng, Thánh Ni cũng đã được Trưởng lão biên soạn trong Tập 2 Văn Hóa Phật giáo Truyền Thống. Tại các tập tiếp theo thì Trưởng lão đang biên soạn tiếp.

Thứ ba là giải thích các kinh cơ bản của người tu học, cũng đã được Trưởng lão biên soạn trong bộ sách nhiều tập Những Lời Gốc Phật Dạy.

Lần lượt học hiểu và sống đúng những giải thích lời đức Phật dạy của Trưởng lão thì nội tâm lần lần an tịnh, đạt trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự, từ đó tâm có năng lực của Bảy Giác Chi đủ sức hướng tâm để thực hiện các định từ Sơ Thiền cho đến Tứ Thiền và Tam Minh.

Sau đây, con xin tóm lược một số ác pháp cần phải ly trong từng giai đoạn công phu tu tập, rút ra từ trong các kinh sách nêu trên. Trong sách đã giải thích cặn kẽ các ác pháp này nên không được lặp lại ở đây, và tùy trường hợp trạch pháp ra một vài câu pháp hướng để trau dồi tâm.

(29:47) a. Giai đoạn trau dồi, giữ gìn giới hạnh.

Từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quí, có lòng từ, sống thương xót đến tất cả hạnh phúc của chúng sanh, loài hữu tình. Tác ý câu sau sẽ làm cho chúng ta biết quý trọng sinh mạng của chúng sanh: “Chúng sanh đều quý sinh mạng, ta không nên làm thương tổn sinh mạng của bất kỳ chúng sanh nào. Tâm ta phải vui hân hoan khi hành động không làm chết chúng sanh”

Từ bỏ lấy của không cho, tránh xa lấy của không cho, chỉ lấy những vật đã cho, tự sống thanh tịnh, không có trộm cướp. Tác ý và thấy tâm ta hoan hỷ thấy biết: “Tài sản là công sức mồ hôi nước mắt của người làm ra, không cho không được lấy”.

(30:39) Từ bỏ nói láo, tránh xa nó láo, nói lời chân thật, y chỉ trên sự thật chắc chắn đáng tin cậy, không lường gạt, không phản lại lời hứa đối với đời: “Ta phải nói lời chân thật. Được hỏi biết mới nói, không biết thì im lặng. Nhờ (giới hành) lời nói nên tâm ta an vui vì không làm khổ mình, không làm khổ người”.

Từ bỏ nói hai lời, tránh xa nói hai lời, hai lưỡi. Nghe điều gì chỗ này, không đến chỗ kia nói để phân chia rẽ những người này. Nghe điều gì chỗ kia không đi nói với người này để phân chia rẽ với người kia. Như vậy sống hòa hợp những kẻ ly gián, khuyến khích những kẻ hòa hợp, hoan hỷ trong hòa hợp, thoải mái trong hòa hợp, hân hoan trong hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp.

Tác ý câu: “Ta phải nói lời hòa hợp, nói như thế nào để người không hiểu lầm nhau”.

(31:39) Từ bỏ lời nói độc ác, tránh xa lời nói độc ác. Nói những lời nói không lỗi lầm, đẹp tai, dễ thương thông cảm đến tâm, tao nhã đẹp lòng nhiều người.

Tác ý: “Ta nên nói lời hòa nhã, không nói lời làm người đau buồn”. Đúng vậy, “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” cũng là một câu tác ý khác.

Từ bỏ lời nói phù phiếm, tránh xa lời nói phù phiếm. Nói hợp thời, nói những lời chân thật, nói những lời có ý nghĩa, nói những lời về Chánh Pháp, nói những lời về luật, nói những lời để đáng được giữ gìn, những lời hợp thời, thuận lý, có mạch lạc, hệ thống, có ích lợi. Tác ý: “Lựa lời đúng với chân lý, đúng là đạo, đúng người, hợp lúc mới nói”; “im lặng là vàng”.

(32:34) Từ bỏ làm hại đến các hạt giống và các loại cây cỏ; dùng một ngày một bữa, không ăn ban đêm; từ bỏ ăn phi thời; từ bỏ đi xem múa hát, nhạc, diễn kịch; từ bỏ trang sức, vòng hoa, hương liệu, dầu thoa, các thời trang; từ bỏ dùng giường cao rộng lớn; từ bỏ nhận vàng bạc; từ bỏ nhận các hạt giống; từ bỏ buôn bán; từ bỏ các nghề gian lận bằng cân, tiền bạc và đo lường; từ bỏ các tà hạnh như là hối lộ, gian trá, lừa đảo; từ bỏ làm thương tổn, sát hại, thôi thúc, bức đoạt, trộm cắp, cướp phá. Tác ý: “Phải từ bỏ mọi pháp thế gian, không chấp chứa bất cứ cái gì, giữ tâm hồn trắng bạch như vỏ ốc, phóng khoáng như hư không. Nhờ đầy đủ giới luật cao quý này, nên hưởng lạc thọ, nội tâm không vẩn đục”.

(33:29) b. Giai đoạn độc cư phòng hộ các căn.

Sau khi giữ được những giới luật cao quý có mặt trên vẹn tròn, không bị vi phạm, không bẻ vụn, ta mới tiến lên một mức nữa là hộ trì các căn tai, mắt, mũi, lưỡi, thân và ý theo lời dạy trong kinh bằng đời sống độc cư, bằng Giới Bổn Patimokkha.

Khi mắt thấy sắc: không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến nhãn căn không được chế ngự những tham ái, ưu bi, ác pháp, bất thiện pháp khởi lên, tự chế ngự nguyên nhân ấy. Hộ trì nhãn căn, thực hành sự hộ trì nhãn căn.

Khi tai nghe tiếng: không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến nhĩ căn không được chế ngự những tham ái, ưu bi, các pháp bất thiện pháp khởi lên, tự chế ngự nguyên nhân ấy. Hộ trì nhĩ căn, thực hành sự hộ trì nhĩ căn.

Khi mũi ngửi hương: không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến tỷ căn không được chế ngự những tham ái, ưu bi, các pháp bất thiện pháp khởi lên, tự chế ngự nguyên nhân ấy. Hộ trì tỷ căn, thực hành hộ trì tỷ căn.

Khi lưỡi nếm vị: không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến vị căn không được chế ngự những tham ái, ưu bi, bất thiện pháp trở lên, tự chế ngự nguyên nhân ấy. Hộ trì vị căn, thực hành sự hộ trì vị căn.

(35:06) Khi thân chạm xúc: không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến thân căn không được chế ngự những tham ái, ưu bi, các pháp bất thiện pháp khởi lên, tự chế ngự nguyên nhân ấy. Hộ trì thân căn, thực hành sự hộ trì thân căn.

Khi ý nhận thức các pháp: không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến ý căn không được chế ngự những tham ái, ưu bi, ác pháp bất thiện pháp khởi lên, tự chế ngự nguyên nhân ấy. Hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn.

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy