00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

CK 060A - 49 NGÀY CỦA ĐỨC PHẬT - PHẢI TRIỂN KHAI CHÁNH KIẾN LY DỤC LY ÁC PHÁP - VẤN ĐẠO PHÁ HÔN TRẦM - ĂN UỐNG

CK 060A - 49 NGÀY CỦA ĐỨC PHẬT - PHẢI TRIỂN KHAI CHÁNH KIẾN LY DỤC LY ÁC PHÁP - VẤN ĐẠO PHÁ HÔN TRẦM - ĂN UỐNG

Trưởng lão: Thích Thông Lạc

Thời gian: 14/01/2006

Thời lượng: [42:59]

1. 49 NGÀY CỦA ĐỨC PHẬT

(00:00) Trưởng lão: Thầy xin nhắc lại, hôm nay tuy chỉ có mấy người nhưng mà tiếc rằng mấy vị đó không hiểu. Trong lúc này, mỗi lần gặp Thầy là mỗi lần có lợi ích rất lớn. Các thầy sẽ đọc lại trong kinh Trung Bộ, cái đoạn kinh mà đức Phật dạy khi mà đức Phật khổ hạnh. Đức Phật khổ hạnh cho đến khi mà đức Phật đứng dậy không có nổi do ăn ít quá, rồi đức Phật mới nằm đó mà suy nghĩ. “Nếu mà chúng ta ly dục ly ác pháp và đi con đường này thì chúng ta mới chứng đạt”. Do đó thì đức Phật nói: “Bây giờ sức khỏe ta phải được bình phục lại thì chắc tu mới được”. Vì vậy mà đức Phật ăn uống trở lại, ăn không có ăn ít như trước nữa.

Khi mà cơ thể đã được bình phục, được bình phục trở lại. Thì trong 49 ngày ngồi dưới cội Bồ Đề. Người ta cứ ngỡ tưởng đức Phật cứ ngồi đó không ăn uống. Điều đó sai, đã ăn uống trở lại mà. Chúng ta phải hiểu! Có nhiều người hiểu lầm. Rồi người ta nghĩ rằng đức Phật không có ngủ; nó ngủ si cho nên không có dám ngủ.

Trong cái bài kinh đó có một vị ngoại đạo hỏi đức Phật: “Có ngủ không? ”

Đức Phật nói: “Có ngủ”.

Rồi vị ngoại đạo nói: “Nó ngủ như vậy là si thì sao?

Đức Phật nói: “Si như thế này. Nó có ba cái lậu hoặc. Dục lậu khởi lên mà chúng ta không diệt nó; đó là si. Vô Minh Lậu khởi lên mà chúng ta không hiểu nên chúng ta không diệt nó; đó là si. ”

Dục lậu và Hữu Lậu. Ví dụ như đức Phật có cái bình bát mà có người đến xin mà đức Phật khư khư giữ thì đó là Vô Minh Lậu, là si, tức là Hữu Lậu. Cho nên những cái mà chúng ta xả hôm nay, chúng ta học để xả, tức là ly dục ly ác pháp.

Cho nên vì vậy mà trong suốt 49 ngày không phải đức Phật ngồi bất động, đức Phật đã nhiều lần ngồi tu hơi thở. Trong cái bài kinh đó, chúng ta sẽ nghe thấy rất rõ đức Phật ngồi, coi như là ức chế tâm mình trong hơi thở, đầu như ai lấy dây buộc siết.

(02:34) Vì vậy chúng ta phải biết rằng khi nó thức, khi mà chúng ta thức là do tứ đại chúng ta đã sung mãn Tứ Niệm Xứ; nó không còn buồn ngủ, chứ không phải ép chúng ta đừng cho nó ngủ, điều đó sai.

Đọc lại bài kinh đó thì Thầy thấy rằng hầu hết chúng ta đã hiểu lầm. Thật sự ra chúng ta phải chế ngự thân tâm chúng ta, khi giờ giấc chúng ta tu mà buồn ngủ thì chúng ta phải thắng chứ không phải là chúng ta không cho nó ngủ. Còn cái mà chúng ta không ngủ là tự chúng ta làm hại, mà chúng ta nói nếu mình ngủ là si. Nhưng mà sự thật mấy con thấy như Thầy Chơn Thành lại thức. Có hết si không? Đâu có hết. Bởi vì mình đâu có ly dục ly ác pháp được, mình đâu có xả tâm được.

Cho đến hôm nay thầy mới thấy rằng, thầy có trình Thầy chiều hôm qua. Từ khi con viết bài, con viết cái bài “Thực phẩm bất tịnh”, bây giờ con ghê gớm, nó không còn thích nữa. Là tại vì từ cái chỗ, từ cái đống phân mà con vật nó ăn, thì nó thành thịt, người ta sẽ ăn. Người ta gián tiếp ăn đống phân đó chứ có gì khác.

Từ cái cây; nó ăn trên cái đống phân, rồi nó ra cái trái, chúng ta gián tiếp chúng ta cũng ăn phân chứ có gì. Như vậy là thực phẩm bất tịnh chứ có gì đâu. Và vì vậy mà khi con viết như vậy là con thấy quá ớn.

Đúng là chúng ta huân sự bất tịnh mà từ lâu chúng ta không hiểu. Mà chính cái đó, cái hiểu đó nó sẽ làm chúng ta ly. Mà ly thì chúng ta ly dục, ly ác pháp thì đức Phật đã nói ly dục, ly ác pháp nhập Sơ Thiền.

(4:06) Còn bắt đầu bây giờ các con thấy hồi khuya này, 11 giờ rưỡi, 12 giờ, Thầy đi xem xét những người thức tu như thế nào. Sự thật ra thì sư Thiện Thảo không dám nằm ngủ, mà ngồi. Thầy thấy ngồi mà ngủ gà ngủ gật kiểu này thiệt là nó phí uổng.

Thức là thức, mà ngủ là ngủ, giờ giấc đâu nghiêm chỉnh. Đâu có cái chuyện là đạo Phật bắt buộc chúng ta phải ngồi như vậy, ép chúng ta như vậy. Trừ ra chúng ta biết rằng tâm tánh của chúng ta lười biếng, quá lười biếng, chúng ta phải cố gắng khắc phục nó. Nhưng mà khắc phục nó trong giờ giấc chúng ta tu chứ không phải ép buộc như vậy. Chúng ta làm chúng ta khổ chứ làm gì. Ngủ mà không dám nằm ngủ, cứ ngồi như vậy, muỗi mòng rồi cứ trùm cái y lên, nó cứ nhúc nhích, nhúc nhích đừng cho nó ngủ. Sự thật ra tu như vậy không có tỉnh, làm vậy Thầy thấy sai. Bật đèn sáng. Hễ tới giờ ngủ thì tắt đèn đi ngủ, khỏi cần gì hết. Mà vẫn tu bằng ánh sáng để cho mình tu, cho nên tỉnh táo, thì như vậy đúng.

Cái tu không đúng cũng đưa đến cái sai. Và đồng thời như chúng ta cũng nghe tin tức ở trên thế giới. Ở Ấn Độ, có một cậu bé 16 tuổi, ngồi thiền 6 tháng không ăn uống. Đó đâu phải hay! Đạo Phật đâu có dạy chúng ta cái kiểu cách đó đâu, có phải không?

Chúng ta đọc hết kinh Phật không thấy đức Phật dạy chúng ta ngồi thiền 6, 7 tháng không ăn uống. Sự thật ra ngồi thiền 6, 7 tháng không ăn uống, điều đó dễ chứ đâu có phải khó đâu. Chúng ta lọt vào tưởng thì chúng ta thấy chúng ta sẽ ngồi một thời gian dài chúng ta vẫn thấy không ăn uống. Điều đó là điều rất là dễ.

(05:51) Khó là chỗ chúng ta ly dục, ly ác pháp. Khó là chỗ chúng ta làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Chúng ta làm những chuyện kỳ đặc, thần thông, phép tắc, không ăn uống, ngồi thiền, nhập định 7, 8 tháng, 1 năm, 2 năm…​ Điều đó đều làm cho người ta hao tốn tiền của. Bởi vì kỳ lạ cho nên người ta mới bỏ tiền của, người ta mướn xe cộ đến chiêm ngưỡng. Hoặc là thị hiện thần thông biết chuyện quá khứ vị lai thì người ta mới tập trung đến. Làm cái chuyện có lợi ích gì cho ai đâu? Đạo Phật không phải điều đó đâu.

Đạo Phật dạy chúng ta ly dục ly ác pháp để chúng ta được giải thoát, chuyển đổi được nhân quả của chúng ta. Cho đến khi mà chúng ta làm chủ được bốn sự đau khổ của thân người, của kiếp người là sanh, già, bệnh, chết. Đó là mục đích của đạo Phật, chứ không dạy chúng ta làm những trò lừa đảo.

Chúng ta mê tín thần thông; từ trong thân chúng ta có nhiều sự việc mà chúng ta không ngờ, từ đó nó lại sanh ra cái thế giới siêu hình.

2. THẦY GIẢI THÍCH NHỮNG HIỆN TƯỢNG LẠ - MỤC ĐÍCH CỦA ĐẠO PHẬT

(06:53) Trưởng lão: không biết các con có đọc báo chí của các những nhà mà du hành, những nhà đi ra ngoài hành tinh. Nghĩa là người đi ra ngoài hành tinh; người ta nghe thấy tiếng kêu, những tiếng lạ lùng lắm.

Họ thuật lại, nghe cái người mà đi trên phi thuyền ra ngoài cái hành tinh của chúng ta.

Họ nghe và họ thấy những cái bóng dáng kì lạ lắm. Nhưng mà đâu phải ở trong vũ trụ chúng ta có những cái loại này, đâu có loại đó. Mà chính ở trong thân của chúng ta nó lưu xuất ra, cái tưởng của chúng ta lưu xuất ra. Trong khi các nhà du hành hành tinh, họ đi ở trên cái phi thuyền của họ; họ ra khỏi cái sức hút Trái Đất của chúng ta, đi ra ngoài thì tự cái thân của họ đang sống nó lưu xuất ra, nó tiếp nhận cái từ trường ở bên ngoài đó như thế nào thì nó sẽ xuất hiện ra như thế nấy; nó làm cho chúng ta …​. Ở trong đó, các nhà hành tinh họ thuật lại họ nghe tiếng chó sủa nữa. Mà làm sao trên không gian mà chó đâu sủa? Có phải là từ trong tâm của họ đã lưu, đã ghi những âm thanh ở dưới thế gian chúng ta tiếng chó sủa không?

Các con thấy, như vậy ở đâu mà mang theo cái âm thanh đó? Có phải từ cái tưởng của chúng ta ở trong này đã huân cái âm thanh ở cái thế gian không? Rồi những bóng dáng của con người có phải là ở dưới thế gian chúng ta có hay là trong không gian có? Nếu có thì trên cung trăng cũng đã có người rồi. Mà Thầy nói rằng trên cung trăng có người thì cái người của nó có 8 sừng sao; nó đâu có giống mình. Bởi vì môi trường đó nó khác chứ đâu phải, con người nó mọc sừng chứ nó đâu có giống mình đây. Như vậy là họ biết cái con người…​ Nói chung thì cung trăng không có người; nó là hành tinh chết rồi, nhưng phỏng chừng nó có sự sống thì nó khác chứ đâu phải nó giống như chúng ta.

Như vậy chúng ta hiểu rằng những cái mà chúng ta đang sống ở trong những cái bóng dáng mà ở thế gian mà chúng ta đã huân tập; chúng ta lên đó…​ Vậy mà các nhà hành tinh cũng không hiểu, các nhà khoa học về cũng tìm không ra: “Tại sao kỳ, ra khỏi hành tinh lại có những hiện tượng đó? Có phải có thế giới siêu hình ở đó hay không? ”

(9:00) Các con thấy, khi tu chưa tới nơi, chúng ta không biết gì hết. Cho nên những hiện tượng lạ đó không ngờ là từ trong thân của chúng ta lưu xuất ra, chứ không có ở chỗ nào khác. Bởi vì Thân Ngũ Uẩn mà, nó năm cái uẩn chứ đâu phải một uẩn. Nhưng mà Thầy làm sao Thầy nói bây giờ đây.

Thật sự ra Thầy thấy một cậu bé mà ngồi thiền 6 tháng không ăn uống; người ta nói tuyệt vời quá trời. Theo điện đài, báo chí thì đăng mỗi ngày có 10 ngàn người đến chiêm ngưỡng cậu bé này. Các con cứ tính cái số tiền mà 10 ngàn người mà đi xe mà đến từ chỗ này đến chỗ kia thì số tiền đó là bao nhiêu. Rồi họ đến thì công sức của 10 ngàn người này bỏ trong một ngày đi đó, thí dụ đi, bao nhiêu tiền bạc mấy con biết không?

Cái hiện tượng đó có lợi ích gì đâu mà làm hao tốn tiền bạc người ta đến mức độ như vậy. Đó là một cái sai, đem mà dẹp đi. Rồi lại những bạn hữu của cậu bé đó, lại làm cái trò che đậy bằng cách này kia, không cho ai đến xem, có mục đích là làm cái trò. Thế mà người ta không biết.

Cũng như cái giường trị bệnh ở bên Long An cũng như vậy. Đó là cái trò ảo tưởng. Cái trò lừa đảo. Thật sự ra, Thầy nói thiệt ra, chính quyền họ cũng không hiểu cho nên họ không dẹp; chứ mà Thầy dẹp phắt ba cái thứ này hết; những cái thứ này không lợi ích. Làm hao tốn tiền của của đồng bào, nhất là tại địa phương đó. Rồi cả bao nhiêu người trên thế giới nữa. Đó là cách thức.

(10:33) Thầy thấy rất tội, nhưng mà từ lâu Thầy cũng được tin đó, nhưng mà vì họ ném cái tài liệu đó vào cái mạng, rồi Thanh Trí mới in cái tài liệu đó đưa Thầy, Thầy nói đúng là duyên để Thầy trả lời, chứ cỡ ai đừng có nói thì chắc Thầy không trả lời. Mà Thầy trả lời thì chắc đụng chạm ba cái ông ngoại đạo mà tu bậy bạ. Bởi vì đó là phương pháp tu thiền bậy bạ mà, làm hại người ta chứ có làm ích lợi gì. Thầy gọi đó là mê tín thần thông. Cái đó là gây sự mê tín thần thông cho kẻ khác, chứ nó lợi ích gì.

Mục đích của đạo Phật phải hiểu là đức Phật ra đời là nhằm nói cái sự thật để mà chúng ta được giải thoát, làm chúng ta không còn đau khổ nữa. Cái mục đích của đạo Phật thiết thực như vậy chứ đâu có phải là dạy chúng ta những cái mê tín. Cho nên đức Phật thoát ra cái thế giới siêu hình; xác định cho chúng ta đó là những cái loại tưởng tri chứ không phải liễu tri đâu. Thế mà chúng ta không biết.

Cho nên khi mà về đây, mấy con học với Thầy là học một sự thật để làm chủ một cái sự khổ đau của chúng ta. Một sự thật chứ không có còn mê tín, mê mờ nào hết. Ở đây không cúng bái, không cầu khẩn, không tụng niệm. Mà chính đi vào cái sự hiểu biết để chúng ta khắc phục được những nỗi đau khổ trong tâm ta thôi. Chỉ có hiểu biết mới làm chủ được cái sự đau khổ của chúng ta, không hiểu biết thì không bao giờ làm chủ được. Mà hiểu biết không phải chúng ta một mình hiểu biết toàn diện được, mà chúng ta phải tích tập, tích lũy sự hiểu biết đó bằng những cái hiểu biết của đức Phật, bằng những hiểu biết của xung quanh chúng ta. “Nói như thật, thấy như thật để mà chúng ta huân tập lại, tích tập lại cái sự hiểu biết đó thành ra một cái sự hiểu biết giải thoát. Có những sự hiểu biết không giải thoát mà có những sự hiểu biết giải thoát.”

Ở đây, mục đích của chúng ta là Chánh Kiến, “là làm chúng ta có sự hiểu biết giải thoát. Sự thật từ khi chúng ta hiểu biết được thì chúng ta chế ngự được tâm mình dễ dàng, hàng phục được tâm mình, nhiếp phục được sự đau khổ của mình dễ dàng. Thiếu sự hiểu biết là chúng ta không nhiếp phục, không khắc phục được nó.”

3. PHÁ HÔN TRẦM

(12:55) Trưởng lão: Bây giờ, Thầy sẽ trả lời các con, quý thầy, các Phật tử sẽ tu tập như thế nào. Hỏi Thầy kỹ trên vấn đề tu Tứ Niệm Xứ và còn học hỏi trên vấn đề Định Vô Lậu. Bởi vì Định Vô Lậu triển khai sự hiểu biết chơn chánh, Chánh Niệm, Chánh Kiến. Cho nên vì vậy mà chúng ta cần phải hiểu biết cho rõ, cụ thể, thực tế của sự học của chúng ta, để giúp chúng ta chế ngự và hàng phục được tâm mình, nhiếp phục được sự khổ đau của bản thân mình.

Tu sinh: Thưa thầy, con tu Tứ Niệm Xứ mới vô 5 phút đầu nó tỉnh táo, thấy rõ Tứ Niệm Xứ lắm, nhưng đến khi buồn ngủ đến thì lo đuổi ngủ, mà đuổi nó không đi. Còn bệnh cảm thọ thì con nhiếp tâm vào hơi thở, an tịnh đuổi nó đi khỏe lắm. Vậy cái hôn trầm làm cách nào đuổi? Xin Thầy từ bi chỉ dạy!

Trưởng lão: Về hôn trầm thì chỉ có đi kinh hành hoặc là động thân. Nghĩa là thí dụ như con đi khó khăn thì con ngồi lại động thân, đưa tay ra, đưa dài ra vậy, động thân đừng cho nó ngủ. Mặc dù lúc bấy giờ nó rất khó chứ không phải dễ, nhưng cố gắng động thân để chiến đấu với nó cho nó hết giờ mình đi ngủ thôi. Sau khi thức dậy thì mình cũng vận động cho thân, cơ thể của mình hoạt động một lúc, rồi bắt đầu mình thấy tỉnh rồi thì bắt đầu ngồi lại mình tu Tứ Niệm Xứ.

Khi tu Tứ Niệm Xứ, nó không phải ngay liền mà chúng ta thanh thản, an lạc, vô sự được. “Nếu thân không bị hôn trầm, thùy miên thì có niệm này, niệm kia. Mà không có niệm này, niệm kia thì có các cảm thọ. Chừng nào tất cả chướng ngại pháp đó không còn có nữa, gọi là chứng đạt.”

Bây giờ, chúng ta là những người hộ trì Chân Lý chứ chưa phải là người chứng đạt Chân Lý; cho nên chúng ta đang chiến đấu. Nhưng vì cái phương pháp, cái chiến thuật, chiến lược để chiến đấu với những tâm niệm đó; với những cảm thọ đó; với những trạng thái hôn trầm, thùy miên đó, chúng ta chưa đầy đủ. Cho nên vì vậy mà bắt đầu hiện giờ chúng ta phải học về Định Vô Lậu, khai triển tri kiến cho được được đầy đủ.

(15:22) Chúng ta còn 5 bài học nữa, tạm đủ. Còn một số nữa, mà Thầy thấy thời gian nếu kéo dài nữa thì mất thời gian nhiều quá, cho nên Thầy không kéo dài nữa. Nhưng còn 5 bài nữa, một bài nữa “Quán thực phẩm bất tịnh”; rồi “Quán Tâm Từ”; “Quán Tâm Bi”; “Quán Tâm Hỷ”; “Quán Tâm Xả”, tức là còn 5 bài nữa.

Các con ráng viết và đồng thời mình biết khả năng mình triển khai được đến mức độ hiểu biết nào thì ở mức độ nấy thôi đừng có ráng nhiều lắm. Nhưng mà chúng ta vẫn lắng nghe tất cả các bài vở của các huynh đệ của mình. Người hiểu góc độ này; kẻ hiểu góc độ khác, để giúp chúng ta hiểu.

Bên Đại thừa, họ có dạy chúng ta những cái rất là căn bản, như cái bộ giới luật mà thường người tu sĩ mà lúc còn nhỏ tuổi mà vào học ở các chùa, thì gọi là cái bộ “Tứ Phần Luật”; nó gọi là bốn bộ luật bắt người tu sĩ phải học.

Tu sinh: Bốn bộ luật Trường Hàng phải không ạ?

Trưởng lão: Bốn bộ luật Trường Hàng. Người tu sĩ nào cũng phải học. Con thấy, đầu tiên là vô dạy chúng ta sống tỉnh thức trên từng cái hành động. Đó là cái bộ Tỳ ni. Rồi kế đó là cái bộ Tỳ ni, Sa di, rồi Oai nghi, nó dạy tới cái Oai nghi, rồi mới đến Cảnh sách. “Tỳ ni”, “Sa di”, “Oai nghi, “Cảnh sách” - tức là bốn bộ phải học thuộc lòng. Nghĩa là người tu sĩ nào vào cũng phải học bốn bộ luật Trường Hàng đó hết.

Nghĩa là vừa học chữ Hán mà vừa học chữ Việt: “Tỳ ni”, “Sa di”, “Oai nghi, “Cảnh sách”. Chúng ta học chữ Hán rồi đọc ra chữ Việt, bắt buộc.

Hồi Thầy còn nhỏ Thầy vào chùa ở thì bị bắt học thuộc lòng cái đó với học cái chú Thủ Lăng Nghiêm. Có nhiêu đó thôi. Mà bây giờ nghiệm lại bốn cuốn luật này; nó rất có giá trị chứ không phải là không có giá trị đâu. Các Tổ cũng hay lắm. Nhất là những cuốn “Cảnh sách”. “Cảnh sách” tức là cảnh giác cho mình. Cho nên cái người nào mà học mà nói các pháp vô thường thì cảnh giác trong cái sự vô thường thì học cái bộ “Cảnh sách”. Thì chúng ta sẽ thấy rất rõ, các Tổ thấy được cái sự vô thường của thân con người.

(18:02) Còn cái sự tỉnh thức hằng ngày như “Dĩ thủy tẩy thủ”, lấy nước rửa mặt hay hoặc đi cầu hay hoặc ăn cơm, hoàn toàn đều là có những cái câu chúng ta đọc để nhắc nhở chúng ta nhớ để mà chúng ta tỉnh thức, rồi phát nguyện cầu cho chúng sanh được như mình vậy. Thì tất cả các cuốn “Tỳ ni” đầu tiên vào học thì dạy chúng ta tỉnh thức, tỉnh thức từng hành động. Tức là trong các Tổ cũng có biết được sự tỉnh thức đó chứ không phải là không, cho nên áp dụng vào những câu “Dĩ Thủy Tẩy Thủ”.

Thầy nhớ cái câu:

Dĩ thủy tẩy thủ,

Đương nguyện chúng sanh.

Lấy nước rửa tay,

Cầu cho chúng sanh”.

Nghĩa là mình muốn rửa tay thì mình phải đọc câu đó để cho nhắc mình nhớ. Thì mấy con thấy đấy, hồi xưa các Tổ dạy mình cũng rất kỹ lắm, nhưng mà không dạy áp dụng, dạy học thuộc lòng chơi thôi. Nhưng mà biết chứ không có áp dụng. Còn bây giờ chúng ta không phải vậy, mà áp dụng, cho nên chúng ta tác ý đó. Những cái câu đó cũng là những câu tác ý đó, ở trong Tỳ Ni Nhật Dụng đó.

Cái câu đầu mà vô dạy chúng ta ở trong cuốn “Tỳ ni” đó là:

Thùy miên thụy ngộ,

Đương nguyện chúng sanh. ”

Nghĩa là mình thức dậy rồi, mở con mắt ra thì cầu cho chúng sanh trước. Bởi vậy mấy con thấy, dạy mình rất kỹ. Ngủ rồi thức dậy, rồi mình bắt đầu phải cầu cho chúng sanh, nhắc nhở cái vấn đề mà tu tập, cái vấn đề này kia. Cho nên cái cuốn đó mà đọc lại thì chúng ta thấy rất hay.

Cho nên ở đây tất cả những điều mà chúng ta tu tập ở trong Tứ Niệm Xứ là cái “chiến trường” mà chúng ta để đánh với “giặc” sanh tử. Cho nên hiện giờ mấy con ngồi lại một lúc thì quên, một lúc thì nhớ, một lúc thì niệm này, một lúc thì niệm khác. Nó không bao giờ yên đâu. Cho nên vì vậy mà đừng ngại. Vì chúng ta tập cho nó cụ thể, nó thực tế. Cho nên vì vậy còn 5 bài nữa thì mấy con đủ cái Tri Kiến - Định Vô Lậu để sử dụng, để áp dụng được, xả được những cái tâm niệm.

(20:24) Còn về nhiếp tâm và an trú tâm trong một phút, mấy con đủ sức để mà xả các cảm thọ. Về Chánh Niệm Tỉnh Giác - đi kinh hành và pháp Thân Hành Niệm, mấy con đủ sức để chiến đấu với hôn trầm, thùy miên.

Vì vậy mà hôm nay, mấy con tập cho nó quen dần quen dần với tất cả các pháp này, để khi mà chúng ta tu tập Tứ Niệm Xứ thì chúng ta biết cách xả tất cả các chướng ngại pháp, gọi là nhiếp phục tham ưu ở trên đó.

Cho nên hiện giờ con muốn làm sao cho hết hôn trầm thì phải tập luyện. Nếu đi kinh hành được thì mấy con cố gắng bước đi. Như thầy Chơn Thành bây giờ đó, buồn ngủ có chứ không phải không, hôn trầm thùy miên có, nhưng mà đánh thầy không có gục thầy được đâu. Cho nên thầy biết, cho nên vì vậy mà thầy đi, đi pháp Thân Hành Niệm. Pháp Thân Hành Niệm thầy chế tác ra, áp dụng vào Chánh Niệm Tỉnh Giác, và một nửa là Thân Hành Niệm. Nghĩa là thầy đi với một hành động tỉnh giác trên cái thân hành, còn cái tác ý rất ít. Cho nên hai cái hợp lại để thành cái pháp mà trong cái đặc tướng để thầy phá cái buồn ngủ, hôn trầm.

Còn nếu chúng ta mà ôm được cái pháp nào cũng được. Ví dụ như Chánh Niệm Tỉnh Giác thì mấy con cứ đi kinh hành tới lui, để cho nó động thân; nó đừng ngủ. Còn nếu nó có buồn ngủ quá thì mấy con áp dụng pháp Thân Hành Niệm, tác ý từng hành động. Nếu buồn ngủ nhiều quá thì các con tác ý lớn. Mọi người xung quanh, ở gần mà nghe tác ý thì cảm thông đến sự khó khăn của người đang phá hôn trầm, thùy miên. Mình cảm thông, đừng trách “vì sao tu mà la lớn quá!”, làm cho mình động. Cho nên cùng cực lắm, vì hôn trầm thùy miên mình mới tác ý lớn để nó át, cái âm thanh nó làm rung động thân.

(22:26) Ví dụ như: “Đưa tay ra!”. Nó bị la như vậy, nó rung cái thân của mình đi. Còn nếu mình nói nhỏ nhẹ: “Đưa tay ra”, nó không có rung động thân. Mà không rung động thân thì nó khó tỉnh lắm. Còn mình cả cái âm thanh và tiếng nói, nó làm cho rung động thân và cả cái hành động mình. “Đưa tay ra!” Thì ở bên kia động rồi. Nhưng mà lúc bấy giờ mình đang khổ sở vì buồn ngủ. Mong các bạn cảm thông, mong những người xung quanh mình cảm thông cái nỗi khổ của hôn trầm, thùy miên. Nếu không la lớn vậy thì mấy con không thắng nổi đâu. Cho nên nói nỗi khổ, cái bệnh mà.

Kêu đó là cái bệnh ngủ, tham ăn tham ngủ, nó nằm trong cái bệnh tham; nó tham ngủ. Cho nên nó đã quen đi. Cũng như mình tham ăn; nó quen đi.

Cho nên vì vậy mình cố gắng mình la cho lớn và đồng thời mình cố gắng mình: “Đưa tay ra, đưa tay vô!” Mình la cho lớn rồi mình đưa tay vô. Đưa tay ra cho thẳng. Khi buồn ngủ phải đưa cho thẳng, đưa thiếu điều muốn chặt tay mình, cho nó nhức một cái, Thầy nói phá nó mới được.

Cho nên đó là một cái ý chí, cái nghị lực. Chứ lúc bấy giờ nó rất lười biếng; nó không muốn làm gì hết, nó chỉ muốn ngồi nó ngủ thôi. Cho nên phải cố gắng khắc phục.

Rồi tới hết giờ tu thì mình đi ngủ chứ có gì đâu. Và đồng thời sau đó rồi nó sẽ quen và đồng thời nó sẽ hết ngủ, trong giờ tu mình sẽ tỉnh thức được. Cho nên trong cái sự tu tập, phải cố gắng, cố gắng! Nghị lực hết sức mới thắng được, chứ còn nếu không nghị lực mình không thắng nổi được, mình không thắng được cái hôn trầm.

Mấy con còn hỏi Thầy gì nữa không?

Còn tu Chánh Niệm Tỉnh Giác thì Thầy mới dạy.

4. HẠNH KHẤT THỰC VÀ VẤN ĐỀ ĂN UỐNG TRONG TU VIỆN

(24:12) Tu sinh: Thưa Thầy! Con thấy thực phẩm mà mình ăn lâu nay dường như nó thiếu dinh dưỡng nhiều lắm. Đầu tiên thì con thấy huynh Thiện Trí xin Thầy chữa bệnh, rồi đến Minh Thiền gặp Thầy cũng xin hai lần chữa bệnh, rồi con cũng vậy. Con xin Thầy mua mấy viên đường ruột con uống cũng hết một ngày qua, thì buổi chiều con uống con cũng đỡ được 50%, con bạch Thầy.

Trưởng lão: Rồi, rồi, mấy con ngồi xuống. Thầy giải quyết về vấn đề ăn uống.

Vừa rồi, ở bên nữ đó, họ tập trung họ nói nào là ăn ỉa chảy này kia. Thì bây giờ cái gì mình ăn không được thì mình bỏ chứ có cái gì đâu. Người ta đã có công người ta nấu cho mình ăn, mình có cực khổ gì đâu, cái gì người ta cúng dường thì mình ăn. Ngày xưa lúc đức Phật đi xin ăn có nói: “Cái này tôi ăn không được, cái này tôi ỉa chảy, thôi đừng có cho”. Các con thấy không? Còn bây giờ người ta nấu ăn, người ta đem đến tận mình, sự thật ra, Thầy nói thật sự Thầy không bao giờ Thầy muốn ở trong chùa nấu ăn.

Cái mục đích của Thầy là bao giờ cũng muốn sống cái hạnh của Thầy là sống đi xin thôi. Ai nấu ngoài làm cái gì làm, không cần biết, cứ cho Thầy ăn là Thầy khỏe re à. Mà cái gì Thầy ăn được Thầy ăn, mà ăn không được Thầy bỏ. Thầy nhận cái lòng của họ, nhưng mà cái độc Thầy không ăn. Các con hiểu điều đó! Chứ Thầy không làm reo đấu tranh mà đòi hỏi. Bởi vì chúng ta đi xin mà. Chúng ta là người đi xin chứ không có đòi hỏi được. May là người ta cho chứ không khéo mình phải đi từ nhà này, nhà khác.

Thầy nói có lần Thầy đi xuống An Giang, Thầy đi xin. Thầy xuống dưới chợ Mới, Thầy đi xin. Thầy đi trong xóm, họ cho Thầy cơm không, không có cho hạt muối nữa, bởi vì đi trong xóm đó mấy con. Còn ra chợ, họ không có cho cơm; họ cho bánh mì, cho xôi, cho những thứ đó không à. Thì ở tịnh xá, người ta đi xin, người ta về, rồi người ta phân ra, người ta chia ra. Còn Thầy thì đi xin như kiểu đó thì đâu có tịnh xá đâu, về có gì ăn nấy. Cho nên không có nói rằng phải cho tôi nước tương này kia, không có xin, mình cứ làm thinh đó, cho gì mình mang về ăn nấy, miễn sống thôi.

(26:41) Cho nên cái mục đích chúng ta tu để sống. Do đó chúng ta mới thấy cái tâm của chúng ta. Do vì vậy mà chúng ta cố gắng xả tâm như vậy mới thực tu. Có đi xin, có khất thực rồi mới biết được. Thầy, một thời gian Thầy sống. Ở thành phố các con biết không? Thầy đến xin, họ cho cải, cho này kia, họ chất một đống. Trời đất ơi! Đi xin cơm ăn có một bữa mà họ cho một đống cải. Nào là cải tươi, nào là cải muối, đủ loại cải thôi. Đi vô cái chợ bán cải thì họ cho đâu có gì. Cho cải.

Thầy nói: “Thôi, Thầy xin cái gì ăn được liền”.

Họ nói: “Thầy ở chùa nào? ”

Thầy nói: “Thầy ở chùa Giác Ngộ”.

Họ nói: “Thôi được, Thầy cứ về đi, tụi con kéo tới một xe cho Thầy”.

Thầy đi xin nhiều lắm các con. Còn bánh mì thì khi Thầy đi ngang qua tiệm bánh mì; nó chạy ra, chắp tay xá “Thưa Thầy cho con cúng dường”. Tưởng nó cúng mình một ổ; nó làm một bao.

Rồi Thầy nói: “Thầy không có xin như vậy, Thầy xin chừng đủ Thầy ăn thôi”.

“Thầy ở chùa nào? Không lẽ có mình Thầy? ”

Các con thấy đấy. Rồi nói cái chỗ ở rồi thì nó kêu xe chở đến chùa. Ở Thành phố nó vậy. Cho nên nó cho có một thứ à. Nó cho có bánh mì không à. Mình về mình ăn mà nóng thấy mồ đi, chứ đâu phải là dễ chịu gì. Tại vì cơ thể mình không phải là cơ thể của người Tây Phương cho nên ăn bánh mì không có được.

(28:08) Cho nên Thầy nói thật sự ra, trong cuộc đời người tu sĩ, đã là đi theo Phật pháp rồi, thì chấp nhận mọi cái sự cuộc sống, nó không có đơn giản. Chính chỗ đó là chỗ giải thoát. Người nào mà sống được cái phạm hạnh đó mới giải thoát.

Cho nên “mấy con thấy mấy con đau là do nghiệp chứ không phải do ăn đâu, Thầy nói thật sự là do nghiệp”. Tại sao mọi người nói ăn không đau, mà mình lại đau. Chứ phải chi nó đau hết nói thì mới nói: “Chắc cái bà này nấu thức ăn bỏ thuốc độc trong”. Có phải không mấy con? Tại sao mình đau mà xung quanh những người khác không đau?

Bữa mấy cô nữ cũng vậy, tập trung cũng họp đông lắm, nói về ăn uống. Thầy nói: “Muốn xuống bếp nấu phải không? ”. Bây giờ người ta đem đến người ta dâng tận chỗ mình ăn mà mình không chịu ăn, mình còn đòi hỏi. Tại sao bên nữ ăn vô tiêu chảy, mà bên nam người ta có ai đi cầu không? Chỉ có mấy cô à. Như vậy cái món ăn đó làm riêng cho mấy cô phải không? Người ta cũng đem chung, người nào cũng y như nhau, có người nào khác đâu, mà tại sao bên nam người ta im re, người ta tu người ta đâu có đi cầu, đi kiệt. Còn mấy cô đi cầu, đau bụng đồ hết ráo. Bộ mấy cô ăn cái gì ấy?

Cho nên Thầy nói thật sự ra, nhiều khi làm những cái cuộc đấu tranh chống như vậy để làm gì? Có lợi ích gì? Thầy đuổi ra khỏi Tu viện Thầy ấy, Thầy không chấp nhận vấn đề đó đâu. Người ta cúng dường mình, mình nhận hết. Cái này là cúng dường, mấy cô biết sao không? Không ăn rồi bỏ đó. Kiểu cách mà đấu tranh, đấu tranh mai mốt Phật tử không cúng dường nữa cho mấy người xuống bếp mà nấu, cho biết cái thân mà nấu bếp, đừng có tưởng, đâu có được, đâu có sung sướng đâu.

(30:00) Ở đây có cô Út cô đài thọ, chứ ở các chùa khác Thầy đuổi mấy cô đó ra khỏi, không có nấu nướng trong chùa đâu. Hằng ngày ở ngoài, Phật tử cho cái gì thì mình ăn cái nấy để mà sống. Mình có làm gì đâu, có lợi ích gì cho ai đâu, chỉ tu có lợi ích cho mình thôi. Mà tu còn ăn cái này, ăn cái kia nữa. Như vậy là tu cái gì? Có xả không? Có xứng đáng không? Cái gì ăn được mình ăn, cái gì ăn không được thì thôi, chứ cũng không ai ép mình ăn hết; mình cứ mang về hết để trong thất của mình. Sự thật là mình tu là mình phải như vậy đó. Đừng có đòi hỏi gì hết. Nghĩa là người ta cho cái gì thì mình cũng lấy; tức là cái sự giải thoát ngay chỗ đó.

“Còn đau bệnh là tại thân nghiệp”. Nghĩa là chung quanh hết người nào cũng ăn mà đau có chúng thì chắc chắn người này nấu có gì rồi. Có phải vậy không các con? Bởi vì bụng dạ ai cũng vậy chớ? Còn tại sao mình đi cầu mà người khác. Hay hoặc là mình bị đau bệnh, thì đừng có đổ thừa đồ ăn mấy con. Chừng nào mà mấy con thấy Thầy ăn mà Thầy đi tiêu chảy ấy, rồi Thầy hỏi mấy con coi có người nào tiêu chảy hết đó, à như vậy được. Chứ một mình Thầy tiêu chảy chắc tại trời hôm nay trở gió nên Thầy tiêu chảy chứ mấy con không có thì chắc Thầy bị trở gió.

Cho nên mình phải suy luận cho đúng, suy nghĩ cho đúng. Mình suy nghĩ không đúng thì trái lại mình lại chạy theo cái ăn uống. Thí dụ như mình ăn quen có rau cải, thí dụ hôm nay không có rau cải thì “Trời ơi mình ăn không được”. Muốn đòi hỏi thêm rau cải. Sự thật mình cứ tập quen đi. Cái chỗ mà không rau cải, người ta ăn thịt không, không có gì hết thì người ta cũng ráng mà nuốt chớ. Còn mình có rau cải, mình ăn quen rồi thì mình cũng đòi hỏi. Sự thật ra, tất cả những cái này đều là chạy theo cái DỤC.

Rồi mình cứ nghĩ theo lời nói, nghĩ rằng mình phải ăn có đủ chất, cái này, cái kia, cái nọ. Thật ra cái cơ thể chúng ta nó tự biết nó; nó tự bào chế. Con thấy bây giờ thí dụ như con bò ăn cỏ, có bao giờ nó chế dầu, chất mỡ trong đó không? Mấy con thấy có phải không? Con heo nó ăn cám nó có bao giờ ăn dầu, ăn mỡ đâu mà nó cũng có dầu, mỡ trong bụng nó có quá nhiều chứ đâu có ít. Cho nên nó tự chế ra. Nó ăn cái đó; nó chế ra. Mình ăn cơm, ăn gạo, ăn này kia, đều là mình ăn được, tự cơ thể mình chế ra. Bữa đó mình ăn mình thấy mình ăn ngon, ăn no thì tự nó chế ra đủ thứ: đường, này kia…​trong đó có đủ hết, không có gì đâu con, cứ mình ăn bình thường.

(32:39) “Khi mình hiểu đúng thân mình có bệnh đau là do cái nghiệp của mình chứ không có gì hết”. Còn khi nào mình ăn trúng phải chất độc, thì người khác cũng đều bị độc như mình hết, thì cái đó là cái món ăn độc. Còn khi mà ăn mà không có gì hết thì thôi.

Cho nên ở đây, chúng ta dùng TRÍ TUỆ chúng ta, sáng suốt! Mình là người đi xin, không có đòi hỏi gì hết, người ta cho gì ăn nấy, ai làm gì mặc.

Sự thật ra thì cái người Phật tử khi cúng dường họ muốn mình ăn cho được để họ được phước chứ không phải họ có tâm ý gì xấu. Còn cái người mà họ nhận để mà họ làm nấu ăn, họ cũng cực lắm mấy con. Nhưng mà vì cái cuộc sống họ làm để sống, họ có lời nên họ làm. Thì chúng ta thấy cái cuộc sống là như vậy. Họ cũng không muốn hại mình đâu. Sự thật ra họ nấu ăn, họ muốn làm sao họ có cái mối hàng mà nấu ăn hoài. Chứ mà nấu ăn mà ỉa chảy, tiêu chảy, hay hoặc bệnh đau này thì riết cái tiệm này chắc phải đóng cửa quá, có ai dám đến ăn đâu. Có phải không mấy con?

Cho nên vì vậy chúng ta nên hiểu và thông cảm cho mọi người. Bây giờ nội trong Tu viện của chúng ta, kẻ ăn vầy, người ăn khác, nói điên đầu cái tiệm; nó cũng không biết sao mà nấu được. Nó khó lắm.

(33:55) Sư Chơn Niệm: Kính thưa Trưởng lão! Con có ý kiến về chỗ vấn đề ăn uống. Thì con không muốn đề cập đến cái chuyện này, nhưng mà bây giờ thì Trưởng lão cũng có nói về cái vấn đề này thì con mới có một cái ý kiến. Tất cả ở đây là ý thức tự giác của mọi người nên mình không có nói được. Từ khi bắt đầu tổ chức đời sống tu tập như bữa nay thì rồi sau đó ngoài kia chứ không khất thực trong này nữa. Thì một hai ngày đầu đó, Cô Út cô để đồ ăn trên kia nhưng sau đó Trưởng lão nói là tất cả đồ ăn không được lấy, vì là tập trung khất thực một chỗ chứ không được lấy hai chỗ thì thôi không lấy mấy chỗ nữa.

Rồi bây giờ cô Út cô để ngoài kia, mà cái lời Trưởng lão nói chỉ lấy một lần thôi chứ không có lấy hai lần tức là "không được lấy bất cứ gì cô Út cô để" tức là Trưởng lão có ý là để cho cô Út cô không lo nghĩ về cái vấn đề nấu nướng nữa hết trơn. Để cô có thời gian rảnh rỗi Trưởng lão hướng để cô tu tập. Bây giờ cô cứ làm cái này cái kia thì cô không có một thời gian cô tu tập. Cho nên bây giờ để đó, mình không lấy đồ gì của cô Út để đó, tức là mình thương cô chứ không phải ghét cô đâu. Mà mọi người không hiểu mà vô đó lấy, lấy những đồ ăn đó thì cô Út có điều kiện để cô nấu nướng, rồi cô phải đi mua sắm cái này cái kia nữa. Con thấy người nào cũng lén vô lấy hết trơn.

(35:40) Tu sinh: Tại sao cứ thưa hỏi về vấn đề ăn uống? Ví dụ như sư Phước Tồn cũng thưa hỏi: “Lấy đồ ăn đó hay không? ” Trưởng lão đã nói không được lấy. Tại sao vẫn cứ thưa hỏi về những chuyện đó.

Tu sinh: Thường thường con thấy cô Út để ngoài đó là rau và dưa là do người ta cúng dường chứ không phải cô nấu. Mà con cũng có phạm mấy lần. Con bị kiết đi cầu nó hơi bón nên con phải lấy thêm dưa và rau cải. Con xin sám hối điều đó ạ. Lần sau con không lấy nữa.

Sư Chơn Niệm: Con có ý kiến này để con nói cho hết ý con. Tại vì nó có một cái niệm này thì nó sẽ dẫn tới cái niệm khác; một cái hành động này thì sẽ dẫn tới những hành động khác. Ví dụ như giờ mình ra mình lấy sẽ dẫn cô tiếp tục đi sâu vào trong cái bị động; cô sẽ tìm mọi cách để tổ chức lại nấu nướng. Mà cô tổ chức ra nấu nướng thì có người liên kết với cô, không phải đơn giản. Nó từ một cái niệm này sẽ dẫn đến niệm khác nữa. Đó là một hình thức của cô tổ chức riêng. Trưởng lão là không có muốn làm như vậy. Nói đúng hơn là hình thức cô muốn lập riêng cho mình một nhóm ở trong này. Đó là cái ý nghĩ sai lầm của cô Út mà cô Út không hiểu được ý của Trưởng lão. Trưởng lão muốn là cô dẹp hết đi để Trưởng lão hướng dẫn cô tu tập. Đó là cái ý chính nhưng mà có nhiều người muốn liên kết với cô Út để dựng nên nhà bếp lại, con hiểu vấn đề đó chứ không phải không, nhưng mà cái duyên của cô để đó. Con có ý kiến nhiêu đó.

Tu sinh: Sự thật cô đưa ra hồi lâu…​ (nghe không rõ)

(38:11) Trưởng lão: Thì thật sự ra thì cái ý của Thầy thì như Chơn Niệm đã nói đó, thì đúng đó! Thầy không muốn bao giờ có 2 cái chỗ nhà bếp. Thầy chỉ muốn tập trung vào vào cái chỗ mà chúng ta đứng và cùng đi khất thực. Phật tử ở đâu người ta tới cúng dường chứ mình không muốn ở trong cái chùa có cái chuyện nhà bếp như vậy. Thì đó là cái ý muốn của Thầy. Nhưng mà vì Thầy muốn Tùy Thuận cho nó yên ổn ở trong chùa. Cho nên vì vậy mà mấy con lấy thì Thầy cũng lấy đó làm tùy thuận thôi. Nhưng mà lần lượt thì từ cái chỗ mà đơn giản đó cũng đi đến cái chỗ khác, nhưng mà chắc không qua mắt được Thầy.

Cho nên Thầy dập ngay bên nữ liền tức khắc, Thầy không để tập trung để mà tạo thành nhà bếp thứ hai đó đâu. Cho nên bắt đầu ở bên nữ họ nói nào là đau bụng, nào là nhức đầu, nào này kia, ăn uống đồ này kia đó, Thầy dập liền. Thầy không có cho mà phát triển cái lớn đó đâu.

Cho nên cái vấn đề cô Út mà thêm rau cải thì thật sự ra thì cũng có một cái người mà cúng dường cũng có, cô Út thì có mua. Cũng được, nhưng mấy con nhận lấy những cái rau cải thôi.

Sự thật Thầy biết đó cũng là cái mầm nó sẽ sanh ra cái nhà bếp thứ 2 chứ không phải không. Thầy cũng hiểu đấy. Nhưng mà không qua mắt được Thầy đâu. Nghĩa là có cái gì là Thầy dập cái nấy hết, Thầy không có để đâu.

Thầy đã tuyên bố rồi, cái lớp này mà nỗ lực tu đúng theo cái sự hướng dẫn của Thầy, chứ mà sai một chút, bất kì một người nào Thầy cũng đuổi ra khỏi Tu viện hết. Thầy không có cần thiết. Cho nên vì vậy Thầy dập rồi.

5. KHÔNG CHỊU HỌC HỎI LÀ NUÔI BẢN NGÃ

(39:57) Trưởng lão: Cũng như về vấn đề bài vở của Nguyên Thanh; nó có trình độ Phật học chứ không phải không. Nó có cái kiến thức đọc rất nhiều sách chứ không phải không. Trong khi chúng ta chưa có cái thì giờ để đọc sách vở đó, cũng chưa có dịp mà để đọc, và cũng chưa có cái thời gian mà chúng ta học Phật học căn bản ở trong các chùa. Thì lúc bấy giờ nó viết ra, Thầy thấy những cái này cũng là những cái điều cần phải học hỏi.

Thế mà lại có nhiều người không chịu học hỏi, thậm chí như có người không cần nghe nữa, chỉ muốn ở thất mà tu cho yên thôi, cũng như Thiện Thảo. Mà bài viết của Thiện Thảo, con thấy có ra gì không? Chẳng có ra ôn gì hết. Coi như là một người dốt chứ chưa biết gì Phật pháp hết, chỉ vì vô chùa ở, tụng niệm, cúng bái rồi thôi chứ có biết gì hơn. Sự thật ra thì cái hiểu biết của Thiện Thảo quá cạn cợt, khi mà viết cái bài Thầy thấy chưa đủ cái trình độ tri kiến để mà giải thoát. Ở đây mình mới học cái lớp Tri Kiến để mà hiểu biết cái Chánh Kiến mà thôi.

Thì các con cũng biết rằng khi cái Chánh Kiến của mình hiểu đúng. Nhưng mà bên nữ họ lấy cái này, họ nói: “Những hành động của Nguyên Thanh chưa có xứng đáng để cho họ học hỏi”. Sự thật ra trong huynh đệ mà Thầy nói, có người hay chỗ này, mà có người dở chỗ khác. Bây giờ chúng ta khoan nói về cái hạnh đã. Nhưng mà chúng ta mới học có cái lớp Chánh Kiến, chúng ta chưa có học lớp Chánh Tư Duy, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng. Nếu mà học tới Chánh Nghiệp, Chánh Nghiệp tức là cái hành động đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín của chúng ta, tất cả các hành động đó, thì làm sao còn có những hành động mà lóc chóc đó nữa, bởi vì cái lớp người ta đào tạo mà.

(41:43)Còn đằng này, đào tạo trong cái lớp đào tạo Chánh Kiến, làm cho mình có cái sự hiểu như thật. Trong khi tất cả những điều đều hiểu như thật, đúng như thật như vậy mà mình không chịu học, mình cho đó là mình không có học với những người như vậy. Như vậy là mình mang cái NGÃ của mình chứ gì? Vậy thì mình đến đây để mình xả ngã, ly dục, ly ác pháp mà mình không chịu học hỏi, như vậy mình biết gì?

Không lẽ bây giờ chỉ có Thầy soạn thảo những bài vở này kia ra thì mấy con mới chịu học, còn những người khác thì không chịu học. Như vậy thì mấy con biết cái hay của người khác thì mình thu thập để cho mình hiểu. Đợi cho Thầy soạn thảo mấy con mới chịu học, như vậy là mấy con học ở chỗ nào? Học cái NGÃ.

Học với Thầy thì tin tưởng, mà học với người khác, người ta hay thì không chịu thu thập. Còn cái dở của người khác thì mình đừng có học, đừng có thu thập cái dở, mà lấy cái dở của họ làm cái nơi để cho mình biết đây là cái dở để mình tránh, mà phải học cái hay của người khác. Trong huynh đệ các con, có người hay cái này, có người hay cái khác chứ đâu phải là dở hết đâu.

Con người chúng ta người nào cũng vậy thế nên cái sự học chúng ta nó phải như vậy. Cái này nó đủ thứ chuyện hết mấy con. Bây giờ Thầy nói Thầy đứng trên đầu sóng, nếu mà Thầy lơ mơ nó dập nát hết không còn.

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy