00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

CK 057A - VẤN ĐẠO PHÁ HÔN TRẦM - TỨ NIỆM XỨ - QUÁN THỰC PHẨM BẤT TỊNH - ĂN CHAY - LÀM CHỦ BỆNH - CHẾ NGỰ VÀ ỨC CHẾ

CK 057A - VẤN ĐẠO PHÁ HÔN TRẦM - TỨ NIỆM XỨ - QUÁN THỰC PHẨM BẤT TỊNH - ĂN CHAY - LÀM CHỦ BỆNH - CHẾ NGỰ VÀ ỨC CHẾ

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Thời gian: 11/01/2006

Thời lượng: [52:48]

1. VẤN ĐẠO PHÁ HÔN TRẦM

(00:00) Trưởng lão: trong vấn đề hôn trầm đó con, muốn phá nó đầu tiên thì mình chỉ còn có đi kinh hành thôi. Tức là mình chịu khó khi mình thấy nó có cái dạng hôn trầm thùy miên mà giờ tu mình nó còn nó chưa phải giờ ngủ nghỉ thì mình đi kinh hành hoặc là mình ôm pháp Thân Hành Niệm mình tập cho nó nhuần nhuyễn thì nó mới tỉnh chứ còn không khéo không tỉnh đâu, nó rất khó. Sau đó khi mà nhờ pháp Thân Hành Niệm mình tu tập nó tỉnh được rồi thì lúc bây giờ mình chỉ cần mình ngồi tác ý thì nó mới đi. Nhờ cái pháp đó mà nó giảm đi cái sức mà hôn trầm thùy miên nó giảm nhiều lắm thì mình mới tiến tới mình tu tập mới được.

Còn nếu mà mình thấy mà mình ngồi tại chỗ mà mình đuổi nó bằng cái phương pháp tác ý không thắng nó được nó rất khó con. Bởi vì nói đến hôn trầm thùy miên ai cũng quá sợ nó, nó không đánh vô thôi chứ đánh vô rồi nó uể oải, nó rã rời nó muốn đi nằm không à, nó lười biếng lắm. Cho nên khi đó ráng cố gắng, mình biết rằng mình phải cố gắng, ráng cố gắng khắc phục được cái tâm si của mình thì cố gắng chỉ còn có đi kinh hành thôi.

(01:13) Đi nếu mà Chánh Niệm Tỉnh Giác mà mình đi không thắng được thì chỉ có pháp Thân Hành Niệm. Pháp Thân Hành Niệm mình tập nhiều ví dụ biết mình hay bị hôn trầm thùy miên thì những cái buổi đó mình toàn là nó chưa có hiện tượng đó mà trong cái thời tu tập đó mình biết nó sẽ xảy ra như buổi tối hay buổi khuya vậy đó, thì con ôm suốt toàn bộ pháp Thân Hành Niệm con đi suốt hai tiếng hay ba tiếng đồng hồ.

Thì mình tập mình ngừa trước hết, hễ nó thật tỉnh thì con ngồi lại tu Tứ Niệm Xứ, mà nó chưa tỉnh thì con đừng có ngồi. Thấy hơi hơi là buổi đó mình biết nó sẽ xuất hiện, xuất hiện cái buồn ngủ thì cứ tập đi pháp Thân Hành Niệm đi từng bước từng bước của mình. Mình tác ý đâu mình đi đó, có niệm hay không niệm thì mình không cần, nhưng mình tác ý rồi làm theo cái hành động thôi.

Nó có niệm thì mình tác ý thì cái hành động đó nó sẽ cán nát cái niệm đó chứ mình đừng có đưa nó ra làm thành cái đề tài mình quán nó nữa, cứ tác ý là cái hành động mình theo đó liên tục hết hành động này đến hành động khác. Suốt cái thời gian mình tập luyện vậy thì cái hôn trầm thùy miên nó sẽ giảm đi. Giảm đi vậy chứ mình cũng đề phòng lắm để cho nó đừng có xảy ra ngủ. Do đó thì lần lượt nó mất đi, rồi khi mà mình thấy nó giảm nhiều rồi thì mình ngồi lại mà có hôn trầm thùy miên thì mình tác ý nó sẽ đi.

Còn bây giờ, cái lực của nó còn mạnh lắm, cho nên cố gắng nhiều hơn nữa, cố gắng siêng năng đi kinh hành nhiều là tốt. Khi nào mà hôn trầm thùy miên mà đến, con thấy cái sức của mình mà mình tác ý đuổi nó không đi thì con đi kinh hành, con đi Thân Hành Niệm. Còn tạp niệm thì con chỉ cần dùng cái phương pháp tác ý thôi bởi vì nó nhiều quá. Nó tuôn trào ra nó nhiều quá thì mình chỉ còn tác ý thôi.

(03:09) Tác ý mình bảo: “Tâm phải bất động không có tuôn trào những cái niệm, phải vắng bặt không có tuôn trào ra”, con tác ý: “Tâm phải thanh tịnh, không có niệm”, con cứ tác ý ra để hễ có cái niệm thì mình tác ý bảo nó bất động, bảo nó im lặng đừng có tuôn trào ra nữa. Chứ còn thỉnh thoảng nó còn một cái niệm nó khởi ra thì mình đưa cái niệm nó thành cái đề tài vô lậu, mình quán xét rồi mình xả nó.

Còn nó tuôn trào nhiều quá, niệm này nó liên tục tới niệm kia, nó nhiều quá thì con cứ tác ý đuổi nó thôi. Dùng cái pháp tác ý ngắn gọn để mỗi niệm đến thì con tác ý đuổi thôi. Cứ như vậy thì nó mới thắng nó được chứ không khéo nó làm mình rối loạn, mình không có biết đâu mà mình quán, vừa đưa cái đề tài này quán cái nó có cái niệm khác nữa rồi.

Nó tuôn ra nhiều thì do đó, con chỉ cần tác ý để cho nó dừng lại hay hoặc là con chỉ tác ý một câu trong Định Niệm Hơi Thở: “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra”, nó tuôn trào nhiều con tác ý cái câu đó.

Tác ý riết một hơi nó mới yên, cứ mỗi một hơi thở, mỗi hai hơi thở con tác ý một lần, nó liên tục để tâm nó không có tuôn trào. Bởi vậy bây giờ cái tâm mình nó còn nhiều, tác ý liên tục con. Nhờ pháp ý nó sẽ ngăn cản, chừng nào thấy nó yên lặng nó thanh thản thì từng niệm nó đến thì mình phải dùng cái Định Vô Lậu mình quét ra chứ mà nó nhiều quá thì mình quét không được đâu, dùng tư duy mình xả nó.

Cho nên vì vậy mà cái Định Vô Lậu các con tư duy, các con viết ra thành bài, các con suy nghĩ tự nó nó cũng giảm cái niệm con. Nghĩa là nó có xả tâm của mình, khi mình hiểu biết nó xả tâm mình nhiều lắm, cho nên tất cả những cái niệm nó giảm để cho tâm mình nó thanh tịnh, nó dễ dàng hơn.

2. CÂU HỎI VỀ TU TẬP TỨ NIỆM XỨ

(5:15) Khi mình không tu thì thôi, mình tu thì nó có những sự tấn công bởi vì cái nghiệp của mình nó đâu có để yên cho mình. Cho nên, càng tu Tứ Niệm Xứ mấy con mới thấy càng khó khăn nhất là trong cái giai đoạn tu tập này làm sao chúng ta biết cách, nó không phải đơn giản khi mà chúng ta ngồi quan sát bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp của mình để khắc phục tham ưu trên đó. Nó đúng thì nó không bị ức chế tâm mà nó không đúng thì nó bị ức chế. Nó khó là khó ở chỗ nó trật là nó bị ức chế mà nó đúng là nó không bị ức chế, nó thoải mái, nó dễ chịu.

Khi mình ngồi tự nhiên mình quan sát mình nương theo cái hơi thở của mình mà trái lại không bị tập trung trong hơi thở cho nên không khéo thì mình bị tập trung trong hơi thở, ức chế tâm mà không khéo giữ tâm thanh thản cũng bị ức chế nữa. Cho nên, chỉ có quan sát nhẹ nhàng nhìn bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp.

Cho nên, những điều kiện mà sắp sửa tới đây để mà hướng dẫn cho mấy con đi đến cái chỗ Định Vô Lậu để mấy con quán xét từ cái Thân Bất Tịnh đến cái Thực Phẩm Bất Tịnh rồi tới Tâm Từ, Tâm Bi, Tâm Hỉ, Tâm Xả xong rồi qua một lần kiểm nghiệm lại Tứ Niệm Xứ để coi thử coi mấy con.

Mỗi người đều được Thầy kiểm nghiệm lại cái quan sát Tứ Niệm Xứ của mấy con coi mấy con quan sát đúng hay sai và trình bày lại cách thức của mấy con ngồi tu Tứ Niệm Xứ để mà quan sát bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp. Và đồng thời khi mà trình bày cho Thầy xong rồi, mấy con ngồi lại để mà quan sát bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp.

Trước tiên các con tác ý hoặc không tác ý nương vào hơi thở để nhiếp tâm an trú rồi bắt đầu mới nhìn lại bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp. Nghĩa là một phút mà thầy dạy mấy con từ lâu tới giờ, một phút nhiếp tâm và an trú đó, bắt đầu mấy con vô nhiếp tâm và an trú tâm trong một phút, khi nhiếp tâm và an trú được một phút thì mấy con lại xả cái một phút nhiếp tâm và an trú mới quay lại nhìn cái Tứ Niệm Xứ của mình.

Chỉ nương vào hơi thở để thấy được Tứ Niệm Xứ bốn chỗ Thân, Thọ, Tâm, Pháp của mình. Chừng đó, nó mới có từng niệm mà nó hiện lên trên bốn chỗ Thân, Thọ, Tâm, Pháp thì mấy con dùng Định Vô Lậu mà xả, dùng sự an trú mà xả các cảm thọ ở trên thân và dùng pháp phòng hộ Mắt, tai, Mũi, Miệng, Thân, Ý để xả các ác pháp tác động vào thân tâm.

(07:43) Cho nên, nó có cách thức để mình tu tập để mình đi đến chỗ rốt ráo, làm cho tâm thanh thản an lạc vô sự của mình nó hiện tiền, nó không bị mất nữa. Cho nên vì vậy mà còn một lúc Thầy giảng dạy cho mấy con trong vòng một tháng, hai tháng nữa là khi mấy con làm xong cái bài Tứ Vô Lượng Tâm, tức là làm cái bài Tâm Từ, Tâm Bi, Tâm Hỉ, Tâm Xả xong rồi, khi Thầy thấy mọi người ở trong lớp này làm xong hết thì Thầy sẽ kiểm điểm lại tất cả những điều kiện mà mấy con từ lâu tới giờ tu Tứ Niệm Xứ coi mấy con tu đúng hay sai.

Nếu đúng coi như là mấy con tự tu được rồi thì Thầy để cho mấy con yên tu chứ không còn đến đây mà giảng dạy mấy con nữa. Mà mấy con tự tu cho rốt ráo sống cho đúng hạnh độc cư đúng giới luật không có còn vi phạm một cái lỗi nhỏ nhặt để cho mấy con tiến tới chỗ mà rốt ráo cuối cùng. Tại vì cái thời gian tu Tứ Niệm Xứ vậy nó không có lâu đâu.

Còn trái lại, khi sự tu tập mà không đúng cách, chưa biết cách thức tu Tứ Niệm Xứ, cứ bị ức chế thì mấy con tu không được. Mấy con tu nó không thành tựu được là vì bị ức chế tâm của mình, nó sai sót một chút xíu là nó bị ức chế.

Cho nên, ví dụ như bây giờ thay vì mình nương vào hơi thở để nhìn Tứ Niệm Xứ thì trái lại thì mình nương vào hơi thở để biết hơi thở, tập trung trong hơi thở thì đó là sai. Hoặc là khi nhìn vào Tứ Niệm Xứ Thân, Thọ, Tâm, Pháp của con, để giữ tâm thanh thản lại cố gắng để giữ tâm thanh thản của mình lại bị ức chế ở trong thanh thản đó nó cũng sai nữa. Cho nên, điều kiện cần phải kiểm điểm lại sự tu tập của mấy con trên Tứ Niệm Xứ có đúng hay không.

(09:33) Đó là vấn đề quan trọng, mà khi mà kiểm điểm lại đúng rồi thì mấy con về tu chứ không có được đi tới, đi lui, nói chuyện. Suốt ngày đêm mình ở trong thất của mình, không tiếp duyên ra ngoài, không làm công việc gì hết, dẹp hết tất cả mọi cái, chỉ ở đây mà quét tâm mình thôi. Mấy con đã đủ điều kiện, tức là cái người lính biết bốn cái cửa thành mà gác đúng rồi, nó không còn sai nữa. Cho nên mấy con không để cho giặc nó xâm chiếm vào bốn chỗ Thân, Thọ, Tâm, Pháp của mấy con nữa coi như là mấy con xong.

Còn bây giờ thì mấy con còn đang trên con đường tập cái Định Vô Lậu, còn đang quán năm cái pháp nữa, tức là: quán Thực Phẩm Bất Tịnh, Quán Tâm Từ Bi Hỷ Xả, năm cái pháp quán nữa. Năm cái pháp quán nữa thì Thầy nghĩ cao lắm năm tuần lễ nữa thì mấy con xong. Năm tuần lễ nữa thì chỉ có một tháng mấy, cho nên mấy con cũng xong rồi.

Do đó xong rồi thì sẽ có một ngày Thầy kiểm nghiệm lại cho mấy con tu tập cho rốt ráo hơn. Và đồng thời chuẩn bị cái Pháp Thân Hành Niệm, để chuẩn bị nó các con cũng nên tập Pháp Thân Hành Niệm. Tập ít thôi, tập để chuẩn bị cho phá cái hôn trầm, thùy miên mấy con. Có đi Thân Hành Niệm mới phá được, chứ không có Thân Hành Niệm thì không phá được. Nhưng mà khi mà nó vừa đủ cái sức tỉnh rồi thì không có tập nó nữa để mình ở trên Tứ Niệm Xứ mà tu suốt ngày đêm.

Đó là vấn đề tu tập cũng vậy, những cái điều mà con ghi trong này, những cái pháp tác ý nó đúng con áp dụng như vậy được chứ không có gì sai con.

(11:20) Trưởng lão đọc câu hỏi tu sinh: “Kính bạch Thầy, con đang tu tập cảm giác toàn thân và xả tâm, khi có một niệm khởi lên, con đưa niệm đó vào trong đầu cho rõ ràng rồi con phân tích. Ví dụ như hình ảnh má con, con nói bây giờ má không có ở đây, vậy thì hình ảnh này là niệm vô thường, là ảo ảnh, là tưởng. Bạch Thầy, tức thì niệm đó biến mất sau một cái lướt nhẹ, thật dễ dàng, không khó khăn giống như lúc trước, cứ một lần xả một niệm như vậy thì trong đầu con nặng nặng mà nó tan ra dễ chịu. Hơi thở bắt đầu lại cũng nhẹ hơn, lần nào cũng y như vậy. Kính bạch Thầy con làm như vậy có phải xả tâm không và có đúng sai chỗ nào không? ”

Trưởng lão: đúng đó con bởi vì mình đưa ra cái niệm đó ra mình quán xét để mình xả bằng cách như vậy là đúng chứ không có sai đâu con. Tức là nó đem lại sự bình an cho thân tâm của con không có để niệm đó, mình xác định từng cái hình ảnh, từng cái sự vô thường của cái niệm hiện đến hiện lui những cái ảnh nó đều do tưởng của mình thôi. Trên cái ái kiết sử, cái tình thương mẹ cho nên nó còn lưu lại, cho nên nó hiện ra cho con trong lúc đó thành cái niệm. Cho nên, con tác ý con đuổi nó như vậy là đúng chứ không có sai đâu con. Tư duy, suy nghĩ để con đuổi cái niệm đó đi không có gì là sai. Đó là cách thức tu đúng ở trên Tứ Niệm Xứ.

(13:03) Trưởng lão đọc câu hỏi tu sinh: “Hồi đêm hôm con tu yên ổn lắm, sao thời tu khuya này con không có tu gì được. Con ngồi tập cảm giác toàn thân con không có nhắm mắt mà làm như nãy giờ con bị chiêm bao giật mình lại thì vẫn tỉnh táo như thường, con bị rơi vào trạng thái gì bạch Thầy? Nguyên nhân gì mà thời tu này tốt, thời tu khác tu không được?

Trưởng lão: ví dụ như cái thời mà tu tốt là con thấy nó nhẹ nhàng, dễ chịu. Còn cái thời tu xấu tại vì trong lúc đó nó có một cái ác pháp, nó làm cho con không có tỉnh. Nhưng mà lúc bấy giờ như cái trường hợp của con trình bày thì con phải cảm nhận thế này kia, mình thấy cái trường hợp đó thì con nên đi kinh hành cho tỉnh thật tỉnh con mới vô. Bắt đầu, bây giờ bắt đầu qua cái câu hỏi này thì các con nhớ kỹ là chúng ta không phải tu lúc tốt, lúc xấu đâu, nhưng mà tại cái lúc xấu là lúc nó đang có chướng ngại pháp nó đang ngự trị trên thân tâm của mấy con rồi.

Cho nên, muốn mà được cái tâm mấy con tỉnh thức hoàn toàn thì vô đầu mấy con tu thì mấy con thấy giờ này mình ngồi đây chắc có lẽ mình lơ mơ rồi. Nó sẽ lọt vào cái giấc chiêm bao của mình rất nhanh chóng. Ví dụ như con ngồi vậy chứ nó lọt vô con không hay đâu. Con thấy, con vẫn thấy mình đang tu nhưng nó tu ở trong mộng con, có nhiều khi nó xảy ra như vậy con. Hoặc là nó quên mất đi thì khi mình chợt tỉnh dậy mình thấy nó không có gì hết nhưng mà thật sự mình thấy nó có cái gì chướng chướng ở trong đó, nó không đúng. Thì do đó, nếu là như vậy thì khi thấy con chỉ có đi kinh hành thôi.

(14:57) Con đi kinh hành cho thật tỉnh, nhất là trong những cái buổi khuya mà dậy hoặc là trong những cái buổi tối mà nó sắp sửa nó bị hôn trầm thì mấy con ôm cái pháp nào tập cho nó rất tỉnh rồi mấy con mới ngồi lại tu. Còn không thì mấy con đừng có tu Tứ Niệm Xứ vì Tứ Niệm Xứ nó đòi hỏi ở cái sức mình, nó không có một cái chướng ngại gì hết. Nó không có buồn ngủ, nó không có hôn trầm gì, nó không có cái mờ mịt gì hết thì mấy con mới ngồi tu, còn nếu mà nó đang ở trong cái trạng thái nó không yên ổn mà ngồi tu Tứ Niệm Xứ thì nó mắc công mấy con lắm.

Nó không có chủ động đâu, nó khó lắm bởi vì Tứ Niệm Xứ là mình chỉ là một cái người đứng ở ngoài mà nhìn chứ không có pháp cho nên nó không có pháp để mình bám. Mà hễ mình bám thì mình ức chế cho nên vì vậy mình không bám được. Do đó, rất tỉnh thì mình tu không tỉnh thì đừng có tu. Mình tu Tứ Niệm Xứ mà không tỉnh thì kể như là mình mất công chứ tu không có kết quả gì đâu. Cho nên thấy nó bất ổn, nó không có an ổn, cho nên có thời tu tốt, thời tu xấu.

(15:57) Sự thật ra tu Tứ Niệm Xứ thì mấy con sẽ hoàn toàn thời nào cũng tốt nếu cái sức tỉnh của mấy con có. Thì mấy con ngồi mấy con nhiếp tâm và an trú vô liền nó rất nhẹ nhàng, nó làm như người vô sự nó không có còn cái gì mà nó bận tâm, nó lo lắng. Cho nên, nó rất dễ lắm nhưng mà có điều kiện là mình phải nhận ra lúc này mình tu Tứ Niệm Xứ được hay không. Đó là cái câu hỏi mà để đặt trong đầu của mấy con. Con xét qua mình, bây giờ mình ngồi đây mình nhiếp tâm an trú mình thấy thoải mái, vào rất dễ dàng thì đó mình tu được. Mà bây giờ, thấy không được, nó không được thì thôi xả ra tu cái khác tu cái pháp khác. Mình tập luyện cái pháp khác chứ đừng có ép buộc nó phải tu Tứ Niệm Xứ, như vậy thì mấy con phí công lắm. Bởi vì Tứ Niệm Xứ nó không có cái chỗ bám, nó không có cái phao ôm đâu, còn tất cả các pháp khác thì nó có cái phao ôm.

Ví dụ như con tu về Định Niệm Hơi Thở thì nó có cái hơi thở nó ôm còn con tu về Chánh Niệm Tỉnh Giác, con đi kinh hành nó có cái bước đi kinh hành con nó ôm, nó có cái pháp nó ôm. Còn con tu pháp Thân Hành Niệm nó cũng có cái tác ý nó ôm cho nên nó có pháp, nó ôm phao mà, cho nên nó vượt cho nên sóng gió nó không sợ. Còn cái pháp Tứ Niệm Xứ nó không có phao, nó không có gì hết, nó như người bình thường cho nên vì vậy mình ôm cái phao nào vô mình cũng bị ức chế hết.

Nó khó ở chỗ đó cho nên mình thấy bây giờ mình nhiếp tâm, mình an trú vô, mình thấy nó an ổn được, ờ biết là bây giờ nó đang quan sát mà nó an ổn được là đúng, nó đang tỉnh đó, còn nếu mà nó mờ mịt hoặc nó có gì chướng ngại là mình biết không phải, lúc này mình dùng cái pháp khác mà đánh. Cho nên trên Tứ Niệm Xứ con thấy khi mình đang ngồi nó an ổn bỗng dưng nó có chướng ngại gì đó là ôm pháp khác rồi chứ không thể ôm Tứ Niệm Xứ mà phá được nó. Ôm pháp khác mà phá những cái chướng ngại đó.

(17:43) Cho nên, tu Tứ Niệm Xứ có nghĩa là mình sống ở trong cái chân lý, cái trạng thái chân lý, tức là trạng thái thanh thản an lạc vô sự tức là Diệt Đế đó, sống ở trong cái trạng thái đó. Mà bây giờ nó có cái chướng ngại thì coi như cái trạng thái đó mình không có sống rồi, mình không sống được rồi. Cho nên, mình ở trong pháp khác để đánh lui cái chướng ngại, cho nên trên thân quán thân để khắc phục tham ưu. Mà thân có ưu phiền, tâm có ưu phiền, thọ có ưu phiền, các pháp tác động vào thì coi như là Tứ Niệm Xứ của mình nó không có còn nữa, nó bị mất đi.

Cho nên vì vậy mình phải ở trên các pháp khác mà tác động, đuổi cho cái chướng ngại đó ra cho khỏi. Cho nên vì vậy mà các con thấy phải biết thời gian mà tu được, thời gian mà tu không được. Cho nên có lúc mình ngồi thấy thanh thản an lạc vô sự từ một phút cho đến ba mươi phút thấy nó dễ dàng lắm nhưng mà có lúc vô không được. Vô cái bị chướng, vô cái bị chướng, không phải là mình không tu Tứ Niệm Xứ đâu mà chính bây giờ tâm mình bị chướng cho nên vì vậy mà mình cố gắng mình dùng các pháp khác để phá cái chướng đó.

Tu sinh: Thầy cho con đổi cái …​ cho cô Diệu Vân

Cho nên khi mà nỗ lực mà tu thì mấy con phải lưu ý lúc nào tu Tứ Niệm Xứ được? nghĩa là tâm thanh thản an lạc vô sự là mấy con tu được. Mà nó an trú, an trú một cách rất là rõ ràng, nó tỉnh táo lắm, không có mờ mịt, mà khi mà thấy nó mình vô rồi mình thấy mình nhiếp tâm và an trú không được rồi, à thì bắt đầu mình biết là bữa nay dùng pháp khác để phá chướng ngại này. Nó có chướng ngại ngay từ đầu, ngay từ đầu mình vô là mình thấy chướng ngại mình biết đây nó bị chướng rồi thì lúc bấy giờ mấy con sử dụng pháp khác liền tức khắc để mà đẩy lui chướng ngại pháp đó.

(19:44) Cho nên câu hỏi thầy: “Nguyên nhân gì mà thời tu này tốt, thời khác tu không được? ”, nó không có nguyên nhân gì bởi vì ác pháp nó tác động vào bốn chỗ thân, thọ, tâm của con rồi. Nó không tác động ở thân thì nó cũng tác động ở tâm cho nên vì vậy mà con vô con tu thời nãy tốt quá mà thời giờ tu không được. Không phải bị chướng ngại pháp, vì mình đang tập tu ở trên Tứ Niệm Xứ là mục đích của mình là dẹp ba cái chướng ngại pháp. Cho nên ngay từ đầu nó đã hiện ra cái tướng chướng ngại của nó rồi thì ngay đó mình phải sử dụng ngay liền chứ chưa nhiếp vô được Tứ Niệm Xứ chút nào hết, mà đã đánh nó liền rồi.

Tức là nó đã ngự trị ở bốn chỗ Thân, Thọ, Tâm, Pháp, nó tác động trên đó rồi. Cho nên mình vô mình thấy cái thời này sao tu không tốt, tức là mình bị chướng, vì các ác pháp rồi chứ không có gì hết. Cho nên, coi như mình đẩy lui cho được ba cái chướng này ra thì nó mới bảo vệ được cái trạng thái Tứ Niệm Xứ.

3. QUÁN THỰC PHẨM BẤT TỊNH

(20:39) Trưởng lão đọc câu hỏi tu sinh: kính bạch Thầy con không biết nấu ăn, không biết trồng trọt, làm sao con quán được Thực Phẩm Bất Tịnh? Nếu quán thức ăn thiu nhớt thì dễ rồi, con thấy con nói được còn bây giờ con không làm bài thực phẩm bất tịnh được, kính mong Thầy giúp con.

Trưởng lão: con sẽ làm bài Thực Phẩm Bất Tịnh nó dễ lắm con, con không có trồng trọt nhưng mà con vẫn quan sát được từ một cái cây đu đủ mà nếu trồng được trên một cái đất chai thì cái cây đu đủ đó nó không có lớn được và đồng thời nó cũng không ra trái được nữa. Rồi bắt đầu bây giờ con muốn cây đu đủ này tốt con đem cái đống rác mục, con đem phân bón con đổ thì cái cây đu đủ này bắt đầu ăn được cái phân đó thì nó sẽ bắt đầu tốt lên. Lá nó tốt, cây nó lớn lên rồi nó ra bông, kết trái, đậu trái, trái đó lớn lên rồi nó chín, nó ngọt. Đó là từ cái đống phân con đem con đổ dưới đất thì cây đu đủ đó sẽ do cái chất bẩn dơ đó, nó sẽ hút lên, nó làm cái trái. Từ đó chúng ta ăn chúng ta cứ ngỡ rằng nó thanh tịnh chứ sự thật ra nó bất tịnh bởi vì nó ăn từ cái đống dơ mà nó lên thành cái trái. Tuy rằng mình chỉ lược qua cho nên người ta dùng cái câu nói rằng lấy nước làm sạch, chứ sự thật ra nó không có sạch cái gì hết đâu, nó rất là bất tịnh nó dơ lắm.

(22:12) Nhưng vì chúng ta phải sống, chúng ta thấy bây giờ cần sống, chúng ta ăn, nhưng mà chúng ta biết nó là bất tịnh, nó ngăn chặn, nó làm cho chúng ta không có thèm khát, chứ không là nó sinh dục, ăn ngon quá nó thích. Còn mình nghĩ quán xét đồ bất tịnh có gì đâu mà ngon, mà dở nữa. Do đó, nó ngăn chặn được cái tâm tham, nó ly được cái tham ăn của mình. Cho nên vì vậy mà người ta đắm đuối vì cái ăn uống mà người ta không thấy cái thức ăn của chúng ta bất tịnh chứ không phải chỉ có đồ ăn để nó thiu lên mà nó hôi, nó chua chát lên hoặc là nó lên meo mới là bất tịnh. Đã ngay từ chỗ nó xuất phát ra cái thực phẩm cho chúng ta ăn đều là bất tịnh. Con thấy những người mà người ta trồng rau cải, người ta tưới ngay cả phân người.

Ở miền Bắc, người ta dùng phân người người ta ngâm, người ta quậy người ta tưới lên cây cải. Cây cải đó tốt bắt đầu họ cắt, họ tưới trực tiếp đó chứ đừng nói. Do đó, họ cắt cây cải họ đem ra bán, chúng ta về chúng ta rửa chúng ta ăn chứ sự thật ra cây cải đó ở cái phân ta mà ra. Từ ăn cái phân đó, từ tưới trên cái mình của nó rồi bây giờ chúng ta rửa, chúng ta ăn vô thì chúng ta thiệt thấy. Từ nó ăn thành lá cải, rồi từ ở trên cái lá cải đó họ lại tưới ở trên lá cải chứ họ không có để cái phân ở dưới đất không đâu. Cho nên chúng ta ăn những cái đồ bất tịnh ghê gớm lắm. Rồi bây giờ các con thấy nó còn có những cái chất độc nữa, người ta phun xịt ở trên cái lá cải rồi người ta cho ở dưới gốc nó cái thuốc chống rầy để cho nó ăn ở trong cái cây cải nó lên để mà con sâu, con rầy không ăn được nó nữa.

(24:01) Các con thấy nó từ cái chất bẩn mà cho đến cái chất độc nữa, vì vậy mà chúng ta toàn sử dụng ba cái đồ độc đó. Cho nên, nó gây đến cái cơ thể rất nhiều cái khổ đau. Do như vậy chúng ta quán xét cái vấn đề bất tịnh từ cái cây lúa. Con biết cây lúa không, nó cũng rải phân rải tro, cây lúa nó mới lên cái hạt thành ra hạt cơm. Hạt cơm mình ăn thấy ngon chứ thật ra nó bất tịnh lắm con, nó từ phân đó. Từ cái chất bẩn nó thành cái hạt cơm, cho nên toàn bộ thực phẩm chúng ta đều nằm chất bẩn, cho nên con không trồng, con không có làm cái nghề rẫy con không thấy cái sự dơ bẩn của nó nhưng mà sự thật quá bẩn.

Cho nên, chúng ta xét từ cái gốc chúng ta mới thấy mình nuốt ba cái dơ bẩn chứ còn không khéo mình thấy nó ngon, thơm tho này kia chứ sự thật. Nghe nói như thế này trong chiến tranh khi mà giặc Pháp nó ở ngoài miền Bắc, nó không phải thương dân mình đâu. Nó vô là nó cướp hết lúa gạo, nó đem đốt hoặc là nó đổ cho xe lửa nó đốt, dùng lúa gạo của mình nó làm than nó đốt ở miền Bắc là như vậy đó. Cho nên, miền Bắc người ta chết đói đó con. Nó lấy lúa gạo hết cho nên gia đình của những người nào người ta sợ đói, người ta mới đem lúa người ta cho vô bao, người ta bỏ dưới mấy cái đìa, mấy cái ao, chôn nó dưới để cho nó bị nước nó không có thấy.

(25:30) Mà cái thời gian họ móc lên con biết không? cái gạo đó nó thúi mấy con, mà nếu mình không ăn cái đó làm sao sống, cho nên khi đó người ta nấu cơm rồi đó, người ta mới đem cái nong nia, người ta mới đổ ra chứ nó bốc cái mùi thối lắm. Người ta đổ ra cho nó bốc hết cái hơi thối, Thầy nói người miền Bắc người ta biết chứ người Nam mình không biết cái đó đâu. Nghĩa là nó bốc hết cái hơi thối đó đi rồi mới xúm nhau mà ăn. Ăn sùm sộp sùm sộp vậy đó, ăn vậy chứ nó không ra gì hết, ăn để sống.

Cho nên gạo mình mình ngâm nó thúi, cơm mình ngâm nước đi rồi mình sẽ nghe cái mùi thối kinh khủng lắm chứ không phải. Mình thì để bây giờ mình nấu rồi mình ăn nó vậy chứ mấy con không tin mấy con đem đổ chỗ cái vũng nước nào đó đi, ba bốn ngày mấy con thấy cơm nó thúi ghê gớm lắm chứ không phải sạch sẽ gì đâu, đồ bất tịnh. Nhưng mà cái hạt gạo, mấy con thấy, nếu mà cái thân chúng ta mà không có cơm, đối với người Việt mình mà không có cơm, chắc chắn là mình sẽ chết mất đi. Cho nên vì vậy mà cơm là một cái chất bất tịnh ghê lắm, Thầy nói ghê lắm.

(26:34) Cho nên có một lúc mà ở trong cái nhà ở phía sau đó nó có cái ao, rồi mấy người đó không biết hay là cô Út gì cho chó ăn rồi cứ rửa. Trời ơi, cái ao gì mà nước bây giờ nó thối kinh khủng. Bao nhiêu cơm rửa xuống đó mà nó thối đó mấy con, cho nên vì vậy mà Thầy nói cơm nó thối ghê chứ đâu phải không. Cho nên, chúng ta phải quán, quán như vậy mỗi khi ăn nó nằm ở trong đầu chúng ta. Mình phải ráng mình thoát ra khỏi cái thân mình. Mang cái thân này phải mang những cái đồ bất tịnh vô trong cái thân này nghe nó ghê gớm quá. Cho nên, khi mà quán thân Bất Tịnh rồi mới thấy mình ăn vô cũng là bất tịnh. Cho nên toàn bộ cơ thể chúng ta chẳng có gì quý giá hết, toàn là bất tịnh. Cho nên Thầy nói như vậy để mà con móc từ gốc cây lên thì con thấy nó đưa lên thành cái trái cái quả cái rau cái cải nó đều là bất tịnh rồi đến hạt lúa. Cho nên từ đó con thấy nó toàn là bất tịnh.

(27:27) Còn nói về thịt của động vật, mấy con thấy rõ ràng là một con chó nó ăn cái đồ bất tịnh, nó ăn phân thì sao? Con gà nó ăn phân thì sao? Rồi bắt đầu cái phân đó nó thành thịt con gà chứ gì? Nó ăn cái đồ bất tịnh nó sẽ thành cái thịt con gà.

Do đó, mấy con thấy nó là bất tịnh, để Thầy nói để rồi mấy con hiểu để con làm cho nó tốt. Những người khác ăn thịt con gà này ngon quá hay thịt con chó này ngon quá, sự thật ra là họ ăn cái bất tịnh đó mấy con. Đâu có gì đâu. Mấy con thấy bây giờ một trái đu đủ, một trái xoài mấy con cứ để cho nó thối đi, nó chín quá rồi, bây giờ thối bất tịnh đó. Bây giờ mấy con bốc mấy con ăn thử coi nó ra sao mấy con biết. Ghê quá, thấy cái trái cây mà nó rục rủ như thế này bỏ trong miệng còn muốn ói còn đâu mà nuốt được. Thật sự bất tịnh có phải không mấy con thấy nó có cái gì đâu mà không bất tịnh đâu?

Cho nên, từ cái gốc cây mà nó đi lên thành cái trái đã thấy bất tịnh rồi. Từ đó nó chín vừa thì mình ăn mình thấy ngon ngọt thiệt nhưng mà sự thật ngon ngọt thì nó ở trong càng cổ mình chứ nhả ra một cái là thấy bất tịnh rồi. Có phải không? Mấy con nhai đi, trái đu đủ hay trái xoài mấy con nhai đi, nhai nát đi rồi mấy con nhả ra đi có ai dám ăn lại không? Đó là bất tịnh rồi. Đó mấy con thấy không? Rồi bắt đầu bây giờ mấy con để trái xoài hay trái đu đủ đó cho thúi đi rồi mấy con bốc cái thúi đó mấy con ăn thử coi bất tịnh không? Đó thì mấy con thấy bất tịnh rõ ràng. Cho nên vì vậy mấy con biết cái này, mấy con tư duy, suy nghĩ ra mấy con.

Phải biết những cái bất tịnh để làm gì mấy con? Để tư duy suy nghĩ để thấy cái sự bất tịnh rất là bất tịnh của mọi vật, chúng ta sống ở trong cái bất tịnh không à. Cho nên, vì vậy mà chúng ta ngao ngán chúng ta thấy chúng ta không cần muốn sống nữa. Mà không cần muốn sống để nương vào cái sống này để thực hiện giải thoát ra khỏi bất tịnh này. Chứ nếu mà không nương cái chỗ bất tịnh này thì làm sao mà đi ra khỏi cái chỗ bất tịnh? Đi tìm cái thanh tịnh. Cho nên nhờ cái bất tịnh này mà chúng ta mới vượt ra nương tựa vào nó, cũng như nương tựa vào hơi thở mà quan sát bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp mấy con thấy không!

(29:27) Cho nên khi mà tu tập về cái Định Vô Lậu nó làm chúng ta thấy như thật, nó phơi bày hết, nó không còn che khuất cái sự dơ bẩn của nó được với cái tri kiến của chúng ta. Cho nên, chúng ta hiểu biết rồi chúng ta không còn đắm đuối nó nữa đâu. Không còn đắm đuối nó nữa, do đó bữa nay cho ăn ngon chúng ta cũng không ham đâu. Cho ăn dở, ăn cơm với muối, rau chúng ta cũng không chê đâu. Đây là chúng ta hiểu biết rồi mà. Cho nên chúng ta hiểu biết rồi thì không có cái gì lừa dối chúng ta được hết. Hoàn toàn là chúng ta chủ động hết từ cái ăn uống.

Không thấy, bữa nay cho ăn như vầy nuốt không được, không phải. Ngon cũng là bất tịnh mà dở cũng bất tịnh có gì đâu mà nuốt không được. Do đó chỉ cái ý chí chúng ta mạnh mẽ một chút xíu chúng ta đã chủ động rồi. Con thấy trong cái vấn đề tu tập của Phật giáo nó dạy chúng ta cái tri kiến, để như vậy thì con sẽ sử dụng nó, con sẽ viết được cái bài bất tịnh như Thầy đã nói. Viết rất hay chứ không có dở đâu.

4. ĂN CHAY BỊ DỊ ỨNG.

(30:36) Khi ăn chay mà bị dị ứng là tại vì cái cơ thể chưa thích nghi với môi trường ăn chay mới bị dị ứng. Tức là nó bị thiếu thịt, thiếu cá cho nên nó mới bị dị ứng. Tất cả những cái người mà mới bắt đầu ăn chay bị những cái trường hợp đó xảy ra làm cho họ. Cũng như bây giờ con đang ăn mặn đi, con chuyển qua ăn chay con ăn rau cải không ăn thịt tức là cơ thể con nó chưa thích nghi với cái đó nó sẽ sanh ra những cái dị ứng, nổi mụt hay này kia, hay hoặc là nó có những cái cảm thọ đau nhức cái gì đó. Hoặc là nó sụt ký sụt cân con nữa. Nghĩa là mình thay đổi thì bao giờ cái cơ thể mình chưa thích nghi với cái mới thì nó bị cái hiện tượng đó xảy ra gọi là dị ứng chứ sự thật ra nó chưa thích nghi. Mình làm gan một thời gian sau nó thích nghi nó hết luôn thôi con.

Tu sinh: dạ không phải. Má con ăn mười mấy năm rồi đó bạch Thầy.

Trưởng lão: vậy hả con?

Tu sinh: dạ

Trưởng lão: mà bây giờ nó lại dị ứng hả con?

Tu sinh: dạ

Trưởng lão: ăn chay nếu mà thời gian lâu rồi mà bây giờ nó có những cái dị ứng, có những cái bệnh hay là nó có những cái mụn này kia nổi lên, mà thời gian mình ăn chay lâu rồi mà, người mới ăn mà nó có dị ứng hay phản ứng lên thì là nó chưa thích nghi. Còn người ăn chay lâu rồi mà nó bệnh đau, đâu phải người ăn chay lâu rồi là nó không bệnh con. Nó có bệnh chứ không phải, bởi vì cái thân mình là thân vô thường rồi nên nó có bệnh nhưng mà nó có bệnh theo kiểu của nó, chứ không phải do ăn chay mà bệnh đâu. Nghĩa là cái thân người nào cũng bệnh hết bởi vì nó là thân nhân quả mà con, nó thay đổi, cái thân mình nó vô thường nên nó bệnh chứ không phải ăn chay là mạnh. Không phải, nó ăn chay là không có tạo ác, cái thân nó không có tạo ác. Cái bệnh của nó cũng nhẹ nhàng. Còn cái người mà tu tập thì người ta mới chuyển được cái nhân quả của người ta. Còn như mẹ con ăn chay thì mới chuyển được cái thiện pháp, không có nuôi dưỡng cái thân bằng xương máu của chúng sanh nó mới thiện thôi. Nhưng mà nó vẫn bệnh con.

(32:49) Con thấy quý thầy Đại thừa họ cũng bệnh gần chết, họ cũng ăn chay chứ đâu phải không ăn chay nhưng mà họ cũng bệnh gần chết họ. Nhưng mà mình tu tập, mình có đủ lực mình mới chủ động điều khiển, mình đẩy lui nó thôi. Chứ sự thật cái người ăn chay, hay ăn mặn cũng bệnh. Người ăn mặn thì thứ nhất là cái Tâm Từ của người đó nó không có. Cái thứ Hai là cơ thể về tiếp thu cái vấn đề rau cải hoặc vấn đề thịt cá cũng vẫn là cái thân tứ đại thôi, nó vẫn bệnh nhưng mà nó nhẹ hơn cái người ăn mặn thôi.

Coi vậy chứ đau cái người ăn chay dễ trị hơn cái người ăn mặn, ăn mặn khó trị, nó có nhiều cái chất độc hơn. Cho nên vì vậy mà mẹ con ăn chay trường lâu rồi phải không? Nhưng mà hôm nay nó bị dị ứng phải không? Đừng có sợ, dị ứng cũng như là cái sự vô thường của cơ thể, cho nên đó là cái nghiệp quả của cái nhân quả trong cái thân chúng ta thôi chứ không có gì sợ hãi. Cũng bình thường, cũng đi uống thuốc cũng đi trị bệnh như thường vậy thôi nhưng mà nó nhẹ hơn con. Thay vì người ta ăn mặn đó thì cũng bệnh đó mà thời gian nó kéo dài năm, mười ngày thì mình chỉ một hai ngày nó sẽ hết.

(34:00) Bởi vì cái thiện nó chuyển được cái ác. Nó làm cho cơ thể mình có bệnh là để nó trả nghiệp, trả nghiệp vô thường của nó nhưng mà bệnh nó sẽ mau hết lắm, nó không có lâu hết đâu. Do cái đó mình bền vững mình đừng có sợ, khi như vậy có nhiều người bị bệnh như vậy, thì có bác sĩ đến bảo: “Bà phải ăn thịt trở lại chứ bà ăn vậy thiếu chất không có được”. Có nhiều người người ta bảo như vậy, cuối cùng mình sợ quá mình cũng ăn mặn trở lại thì cái đó là cái tai hại rất lớn. Thà là chết tôi vẫn sống trong thiện pháp nhưng mà cuối cùng mình hết.

Đó là cái nghiệp nó xui khiến, cái nghiệp nó khiến cho cái người đó cám dỗ mình, ông bác sĩ ông nói: “Cái bệnh này là bà phải ăn thịt chứ bà ăn chay là trị không có hết đâu”. Cái mình về quýnh rồi mình về mình sợ, do đó mình mua thịt, mua cá mình ăn để cho nó mau mạnh, nhưng rồi nó mạnh rồi, rồi ít bữa nó sẽ bệnh trở lại, không hết đâu mà nó còn có thể khổ hơn nữa. Đó thì trong cái vấn đề đó phải trì chí, phải bền khi mà gặp phải cái trường hợp như mẹ con thì phải cố gắng nhưng mà vẫn trị bệnh vẫn này kia được hết chứ không có sao hết.

(35:07) Chứ không phải mình ăn chay, nhưng trong cái ăn chay mà bị dị ứng, bị những cái sự kiện xảy ra mà coi chừng mình ăn cái gì đây. Trong cái thực phẩm của chay đó nó có những cái chất độc chứ không phải không. Như nước tương hoặc là bột ngọt hoặc là những cái thứ mình ăn rau cải coi chừng người ta xịt thuốc rầy hay mình ăn những cái trái cây mà do những cái chất độc mà người ta đã làm trong đó nó mới có cơ thể mình. Chứ thật sự ra ăn chay mà cỡ mà bình thường đừng có bị những cái hoá học, những cái chất độc mà người ta trồng trong cái rau cải hay hoặc là trong trái cây thì không có bệnh như vậy đâu con.

Cho nên con biết không? Đối với Thầy, Thầy có khả năng làm chủ nó được rồi đó nhưng mà Thầy vẫn ăn, Thầy vẫn thấy: Ờ cái này không ăn là không ăn, cái này là biết không ăn chứ không phải đụng thứ nào cũng ăn đâu, không phải. Ngon cũng không thèm đâu. Cho nên bây giờ Thầy nói như thế này. Chay có những cái món ăn mà các con thấy họ làm dai dai giống như thịt, ăn nghe cũng ngon đó chứ. Họ ướp, họ làm coi cũng ngon đó thì coi chừng tất cả những cái chất đó là chất hàn the. Các con ăn vô là coi chừng chứ không có chạy khỏi nó đâu, nó là chất độc đó, nó làm dai dai. Cũng như bột mì mà làm mì căn đó con, thấy dai dai chứ gì, đó thì coi chừng đó. Rồi những cái nấm mấy con đừng có nghĩ nó bổ nha, mấy cái nấm lạ là ăn độc lắm đó. Cho nên Thầy nói ăn ba cái nấm này sao nó giống ốc quá thôi không ăn.

Nghĩa là mình thấy nó mềm mềm, do đó không ăn, nó độc. Cho nên những chất này là chất độc, cho nên những cái nó làm cho mình thấy ăn dai dai đồ đó, coi chừng mấy chất đó là hàn the đó. Mấy con ăn vô thì coi chừng cơ thể mấy con sẽ bệnh. Mình nói tôi ăn chay mà sao bệnh? Tại vì mấy con ăn đồ độc ở trong đó thì làm sao không bệnh cho được? Mình phải sáng suốt chứ, nước tương không ăn. Con thấy không, muối ăn mà nước tương không ăn. Nước tương ăn nó ngon chứ nó đâu có dở nhưng mà không ăn là tại sao? Tại nước tương nó có chất chống mốc, mà chất hoá học chống mốc là rất độc nên không ăn. Còn chao mấy con biết tại sao Thầy không ăn không? Tại vì nó ủ, phải không? Nó ủ thì có chất độc Thầy không ăn. Cho nên không thèm ăn mấy thứ đó.

(37:23) Bây giờ cứ ăn muối cho chắc ăn thôi, còn rau cải thì cũng ăn được, dưa đồ này kia cũng ăn được nhưng mà coi chừng họ cũng xịt thuốc rầy ở trong đó, cũng độc. Cho nên những cái ăn mình cẩn thận hơn. Ví dụ như con thấy, cái rau dền cơm mà họ nhổ họ làm thì cái đó nó ít có thuốc độc lắm. Bởi vì họ nhổ cái cây dền nó dễ lắm, đất xấu nó cũng lên. Cho nên trong cái bữa ăn đó, họ cho Thầy bữa ăn phải tốn bảy tám ngàn đồng một bữa ăn. Cái gì ăn được Thầy ăn, cái gì không ăn được Thầy bố thí chúng sanh. Chúng sanh nào mà khoẻ cứ ăn, còn Thầy yếu lắm, Thầy sợ. Cho nên, Thầy chỉ ăn đơn giản lắm mấy con, không có gì nhiều đâu.

(38:20) Do cái chỗ ăn chay nhưng mà ăn chay cũng phải trí tuệ chứ không phải ăn chay mà không trí tuệ. Nhiều khi mình tiếc, có nhiều món ăn mình tiếc mình ráng mình ăn coi chừng mình bị bệnh. Cho nên đừng tiếc gì hết, cuộc đời này cái gì cũng bất tịnh, cái gì cũng vô thường hết, không tiếc gì hết. Nghĩa là mình ráng mình tu là mình đền đáp công ơn của đàn na thí chủ, còn cái vấn đề mình nhận là nhận cái công của họ. Còn cái mình ăn hay không ăn là quyền của mình. Tức là cái chất độc là mình không ăn có vậy thôi. Nghĩa là mình ăn vô là mình tiêu mình sao? Ít bữa mình chết trước cho nên Thầy không ăn. Cho nên, phải khéo, về ăn chay con cũng phải biết.

Mẹ con ăn chay trường được tốt, khuyên bà đừng có ăn mấy cái đồ Đài Loan, đó là ba cái hàn the trong đó không chứ không có gì đâu. Nó đập ba cái vỏ điều rồi nó cho hàn the vô đó rồi bắt đầu cho một ít bột ngọt trong đó, rồi bắt đầu mình ăn nghe cũng ngon ngon, thực chất ăn ba cái vỏ điều không à. Vỏ điều vỏ gòn, nó bỏ cái vỏ xanh lấy cái vỏ gòn đó, bởi vì vỏ gòn nó làm như chất xơ, tơi tơi rồi bắt đầu ướp vô rồi mấy con ăn thấy cũng ngon. Nhưng mà sự thật ra mấy con ăn vỏ cây thôi mà. Cho nên đối với Thầy mấy cái này không thèm xài, không ăn đâu. Mà nó ướp đỏ đỏ nó làm giống miếng thịt nữa chứ, trời đất ơi nuốt sao cho vô.

(39:43) Còn con biết không, nó lấy tàu hủ ky nó quấn vô một cục nó làm như con tôm. Ôi thôi, ăn cái thứ này nó là ba cái hàn the trong đó nó dai dai, mấy con ăn coi chừng nhiều quá mấy con bệnh đó. Nói sao mà mình ăn tại sao mà nó bệnh? Sự thật ra mình phải dè dặt cẩn thận lắm con. Tốt hơn mình ăn mà mình thấy ăn mà nó nhẹ nhàng, nó tốt thì mình ăn. Bởi vì mình đã nhìn được cái thực phẩm, bởi vậy Thầy muốn cho mấy con làm cái bài Thực Phẩm Bất Tịnh để làm gì? Đừng có thấy ngon mà mình ham, tức là mình vẫn còn dục, hai là mình thấy cái điều kiện mình có cái trí mình quan sát, tất cả những cái đó đều là bất tịnh hết. Cái gì mình ăn để mà mình sống cho mình đừng có bệnh đau, đừng có khổ cái thân của mình thì mình nên ăn còn cái gì khổ thôi không ăn. Dù ngon cách gì cũng không ăn. Cám dỗ món ăn ngon cách gì cũng từ giã không ăn. Bởi vì dục không có làm chủ mình được.

Cho nên cái sự tu tập do cái câu hỏi của con mà sẵn Thầy giải thích cho con để hiểu. Trong khi mẹ con ăn cái chi để mà nổi như vậy đó có cái trường hợp đã ăn lầm một cái chất độc gì đó ở trong cái rau cải gì đó mà nó dị ứng trong khoảng thời gian. Đúng là chúng ta không khéo thì cái cơ thể chúng ta nó bị dị ứng.

5. TU TẬP NHÌN VÀO THÂN

(41:09) Tu sinh: bạch Thầy cho con hỏi thêm về cái sự tu tập. Nếu mình ngồi mình nhìn nếu cái thân mình an ổn thì mình khỏi quán xét từng chỗ phải không bạch Thầy?

Trưởng lão: đúng rồi. Mình chỉ cần mình chỉ nhìn nó thôi chứ không phải quán xét từng chỗ.

Tu sinh: cái hơi thở thì mình không nằm theo cái hơi thở mà mình ra ngoài cái hơi thở mà mình biết cái hơi thở vô ra như vậy là đúng hả Thầy?

Trưởng lão: đúng rồi. Đúng đó con. Cái đó đúng, coi như mình không có chú ý trong hơi thở mà mình chú ý ở cái thân của mình. Chỉ thấy cái thân của mình, cảm nhận cái thân của mình thôi nhưng mà mình không mất hơi thở. Không mất hơi thở, không chú ý hơi thở mà lại chú ý cái chỗ khác. Chú ý cái thân mà hơi thở có bởi vì lúc bấy giờ cái thân mình nó yên lặng cho nên mình cảm nhận có hai chỗ: một là mình hướng cái hơi thở, hai là mình quay cái đầu mình vô, mình cảm nhận như cái đầu mình nó quay vô nó nhìn cái thân của nó.

Tu sinh: nó nhìn cái thân liên tục luôn hả Thầy?

Trưởng lão: nó nhìn liên tục luôn. Bởi vì con nghe cái câu mà đức Phật dạy: “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”. Con hít vô lúc nào hơi thở con cũng hít vô, thở ra liên tục như vậy cho nên mỗi sự hít vô thở ra đều là cảm giác toàn thân. Cho nên, lúc bấy giờ con cảm nhận cái thân của con không à.

Tu sinh: là như suốt một thời đó.

Trưởng kão: suốt một thời chứ không phải là có những cảm nhận chứ không phải không có. Mới đầu thì con cảm nhận một chút cái nó quên, nó quên cái nó chạy lăng xăng ở đâu đó rồi mới quay nó trở lại rồi thấy nó cảm nhận lại. Một hơi rồi không biết nó đi đâu, rồi ta lôi nó lại nữa. Cứ tập riết rồi bây giờ nó mới chịu đứng nó nhìn lại cái thân của nó như vậy. Mới đầu thì không nhìn được, sau đó thì nhìn được. Tập riết là nhìn được.

6. LÀM CHỦ BỆNH LÀ NHƯ THẾ NÀO?

(42:53) Tu sinh: thưa Thầy con không hiểu cái làm chủ bệnh đó Thầy, có nghĩa là mình quên cái bệnh, tác ý mình đuổi mình quên cái bệnh đó hay là ví dụ như mình đau cái tay phải mình nói may quá cái tay trái không đau hay là mình làm chủ như thế nào ạ?

Trưởng lão: mình làm chủ là nghe mình bảo, mình bảo như thế này: “Thọ là vô thường, cái tay trái của con bị đau con, thọ là vô thường cái tay trái đau nhức này phải đi ở đây cái thân này không có được đau”, đó là con dùng cái lệnh con đuổi nó đi rồi bắt đầu bây giờ con biết rằng cái đuổi như vậy chứ sự thật ra cái lệnh của mình nói chứ chưa phải nó đi. Bởi vì, con chưa có Tứ Thần Túc tức là Dục Như Ý Túc con chưa có, cho nên con muốn nó chưa có nghe theo con đâu cho nên vì vậy mà con nhiếp tâm an trú trong hơi thở. Con chỉ cần biết hơi thở thôi, hít vô thở ra, mặc dù là con dẫn tâm vẫn biết hai chỗ, vừa hơi thở vừa ở chỗ đau chứ không phải là cái chỗ đau con mất đâu. Nhưng mà con cứ cố gắng con tập trung trong hơi thở rồi con lại tác ý, rồi con lại cố gắng con tập trung lần thứ Hai rồi con lại tác ý lần nữa con lại tập trung trong hơi thở lần thứ Ba. Ba bốn lần như vậy thì cái tâm con nó nhiếp ở trong hơi thở được hoàn toàn thì cái đau này mất rồi.

(44:06) Tu sinh: thưa thầy con muốn hỏi là việc làm chủ sanh, già, bệnh, chết đó thầy, thì làm chủ được cái bệnh đó. Con không biết sanh già là sao con không biết cái bệnh đó. Ví dụ như làm chủ là mình không có nghĩ về nó một cách tiêu cực, có nghĩa là mình vẫn biết cái thân vô thường nó có bệnh, con ví dụ mình đau cánh tay trái thì mình nói may quá cánh tay phải không đau, có nghĩa mình chẳng để ý đến chuyện đau bệnh của mình, đó là mình làm chủ hay là mình làm chủ là mình bắt nó không được bệnh là nó không được bệnh?

Trưởng lão: nó có bệnh mình làm chủ nó bảo nó đi là nó đi đó là làm chủ.

Tu sinh: là nó không có bệnh thật sự hay là mình không có thèm để ý đến nó?

Trưởng lão: không con. Mình phải ý thức đàng hoàng chứ không phải. Còn mình không để ý tới nó coi như là có là có, không là không, mình không có cần để ý thì cái chuyện đó không phải làm chủ. Làm chủ là nó có bệnh, đuổi đi, bảo đi là nó đi tức là mình làm chủ. Cũng như bây giờ mình đang làm chủ cái nhà, có người đến: “Tao làm chủ cái nhà, mày phải ra khỏi nhà tao chứ mày ở đây tao không chấp nhận”. Đó là mình làm chủ cái bệnh, làm chủ cái thân.

Tu sinh: nghĩa là làm chủ là đuổi đi chứ không phải làm chủ là bắt nó phục tùng theo mình. Nghĩa là nó bệnh thì mình bắt nó không được bệnh, thì nó không được bệnh.

Trưởng lão: nó không được bệnh. Đó là mình làm chủ.

Tu sinh: con không hiểu hai cái. Một là mình huấn luyện nó theo ý mình, hai là mình làm lơ nó hay là ba là mình đuổi nó?

(45:38) Trưởng lão: làm lơ cũng không được, chỉ có đuổi nó là đúng thôi. Nghĩa là tao làm chủ cái thân này mà bây giờ cái bệnh này là do sự vô thường mà mày có. Tao bảo mày không có được đau thì mày phải nghe là không được đau, đó là mình làm chủ. Bởi vậy làm chủ sống chết này. Bây giờ, nó có cái bệnh con bảo cái bệnh đó phải đi thì nó đi cũng như bây giờ con làm chủ cái sự chết này, con bảo: con biết rằng hơi thở ngưng là con mới chết, hơi thở còn thở thì không chết vì vậy mà con đâu có thể nào con ngồi đó con quên hơi thở mà con chết được. Con hiểu không? Con nói là: tao bảo mày chết nhưng mà tao không nhớ hơi thở nữa lát nó nín thở được không? Không. Tôi làm chủ hơi thở bảo hơi thở tịnh chỉ ngưng, thân này phải bỏ thì con ra lệnh con làm nó mà, cho nên hơi thở ngưng.

Ví dụ như cái bệnh đó con làm lơ được, con nói: bệnh thì bệnh nhưng con không thèm để ý tới nó. Con làm lơ được nhưng nó hết thì nó hết, nó còn thì còn thì cái chuyện đó không phải làm chủ đâu tại vì con làm lơ. Còn cái này ta làm chủ, cho nên từ cái chỗ làm chủ cái bệnh, làm chủ hơi thở. Con thấy làm chủ hơi thở nó rõ ràng hơn. “Bây giờ hơi thở tịnh chỉ, ngưng!”, con chỉ ra lệnh vậy thôi thì tự nhiên cái hơi thở lần lượt phải ngưng, nó không dám cãi. Còn con chưa làm chủ, con bảo hơi thở ngưng mà nó cứ thở hoài tức là con chưa làm chủ.

(47:02)Tu sinh: nhưng mà không phải là con làm lơ giống như là cái thân nó bệnh thì nó cứ bệnh thôi giống như là khách đến nhà thì mình không để ý, ai cứ làm gì thì làm. Mình cứ lo công việc của mình.

Trưởng lão: mình như vậy là cái nhà của con nó bị xâm chiếm rồi. Con làm lơ vậy rồi bắt đầu nó vô nó bày hàng, bày này kia, nó vô nó ngồi đầy ở trong đó. Tức là con làm lơ mày làm gì thì làm thì tức là từ cái bệnh này cho đến cái bệnh kia nó bắt đầu nó rủ nó nhau: “Cái người này họ không làm chủ mình đâu, bây giờ mình vô đây mình xâm chiếm, tức là mình bày ra đủ thứ bệnh cho nó ớn đi”. Bắt đầu nó bày ra đủ thứ từ cái bệnh nhẹ đến bệnh nặng, đủ thứ bệnh ở trong đó đúng không? Bây giờ bệnh nặng bệnh nhẹ gì tao cũng đuổi hết chứ đừng có nói chuyện mà vô nhà tao mà ngồi đó chứ ở đó mà làm bệnh.

Đó thì cái đó là làm chủ, con hiểu cái làm chủ là nó có Tứ Thần Túc, nó có bốn cái lực của nó. Bởi Dục Như Ý Túc, cái thân này bị nhức, tao bảo cái nhức này phải đi, không có cãi. Cũng như bây giờ con là chủ nhà: “Nhà này tao làm chủ mày không có được ở đây, đi ra, quải gói đi ra mau!”, mà nó cãi nó ở hoài thì tức là con chưa có làm chủ nó. Còn bây giờ con làm chủ thì tức là con bảo thì nó phải xách gói đi ra, con hiểu cái chỗ làm chủ chưa? Nó có cái quyền, cái lực của cái người làm chủ. Cũng như bây giờ, Thầy là một vị cai trị đất nước này mà giặc nó đến đây xâm chiếm: “Tao bảo mày mà còn xâm chiếm là tao giết tụi bây chết hết” phải không? “ Mà bay còn mang quân đội đến đây bị tao cản ở ngoài biên cương hết, không cho vô đây”, tức là cách thức làm chủ, không có cho người ta xâm chiếm vô đây được, đó làm chủ.

(48:44) Đó mấy con thấy chưa? Cái đó là cách thức làm chủ, mà bây giờ mình đang học làm chủ bởi vì mình chưa làm chủ nó được. Cho nên biết cái thân này là cái thân vô thường là bữa này không đau, mai đau. Biết cái thân này còn thở chứ ngày mai nó sẽ hết thở.

Mà giờ muốn nó bắt đầu nó hết thở bảo nó thở mà nó không nghe thì kể như là mình chết luôn, còn bây giờ nó thấy là nó không muốn thở nữa, muốn chết thì mình bảo: “Thở, mày phải nghe mày thở chứ mày không có được chết, nhất định tao chưa có cho mày chết”, thì nó vẫn thở đó là cái làm chủ sự sống chết mà.

Cho nên mình phải làm chủ được cái tâm của mình, rồi mình làm chủ được cái bệnh, rồi mình làm chủ được cái già, rồi mình làm chủ được cái chết. Như cô Huệ Ân bây giờ không làm chủ cái già cho nên run rẩy, cô làm chủ cô bảo: “Hai cái chân này mạnh, đi cho đàng hoàng không có run rẩy, không có chống gậy này”, thì bắt đầu đứng dậy nó đi vững vàng, đó là làm chủ.

7. ỨC CHẾ VÀ CHẾ NGỰ

(49:41) Tu sinh: nhưng mà mình điều khiển nó thì nó có bị ức chế không Thầy?

Trưởng lão: coi như là mình điều khiển, mình chế ngự hết chứ con, bởi vì đạo Phật có chế ngự chứ không phải ức chế, còn con ức chế là con sai. Mình chế ngự tức là mình không có cho nó làm theo cái kiểu của nó được, đó là mình chế ngự nó. Cho nên, đức Phật dạy mình có cách thức chế ngự. Mình chế ngự bằng cái nội lực của mình, bởi vậy cho nên bây giờ mình tu mình có cách thức chế ngự chứ. Nó ham muốn mình bảo: “Không có được ham muốn, giờ này mày không có đói bụng!”, đó là mình chế ngự con. Còn mình ức chế nó tức là mình ép buộc nó, mình chịu đựng thì cái đó bị ức chế. Còn này mình bảo vậy chứ mình không có làm theo thì coi như là mình chế ngự chứ không phải ức chế. Mình ức chế tức là tự mình làm khổ lấy mình, còn chế ngự thì mình thấy không có gì khổ.

(50:30)Tu sinh: con chưa rõ giữa ức chế với chế ngự.

Trưởng lão: ức chế như thế này con thấy rõ. Bây giờ con ngồi hai cái chân con nó đau nhức mà con ráng con ngồi con chịu đựng nó. Con chế ngự cái thân con, con cột chặt nó đau quá mà con cũng ráng, ráng bây giờ còn năm phút nữa, ráng nữa đó là con ức chế nó, con quá chịu đựng. Còn Thầy chế ngự, Thầy bảo nó: “Cái thân ngồi không có được đau nghe không, đau là mày chết đó nha”, thì đó là Thầy chế ngự nó, Thầy bảo, Thầy nói. Nhưng mà Thầy biết cái sức của Thầy ngồi mười lăm phút, Thầy không có ngồi ba mươi phút đâu, mà ba mươi phút tức là Thầy ức chế nó, còn Thầy chỉ có ngồi mười lăm phút Thầy xả ra tức là Thầy dặn nó như vậy rồi Thầy ngồi, Thầy thấy nó ngồi thoải mái tới đó Thầy xả ra rồi.

Con thấy không? Thầy không có bị chỗ khổ đau, còn con ngồi con ức chế nó là con chịu khổ ghê gớm với nó lắm, buộc nó, trói buộc nó, chặt chịa nó. Còn Thầy nói: “Bây giờ ngồi mười lăm phút nghe, không có được đau nghe không, đau là không được, tao nói trước cho mày nghe”, mà Thầy cũng biết được cái sức của Thầy là khoảng mười lăm phút, nó chỉ gần muốn đau thôi chứ chưa đau cho nên Thầy đã dặn trước rồi Thầy ngồi thấy nó thoải mái, nó dễ chịu. Nó có thể tăng lên ví dụ như mười lăm phút Thầy có thể tăng lên năm phút được, cái sức Thầy có thể tăng lên năm phút được. Thầy không có đến ba mươi phút đâu, để cho nó đau quá đau mà ngồi chịu.

Đó con thấy cái ức chế và cái chế ngự. Chế ngự là Thầy làm cho nó thấy và đồng thời cứ lần lượt như vậy mà Thầy tăng lên ba mươi phút, nó vẫn bình an như thường, nó không bị đau, nó không có khổ, còn hễ mà mình ức chế nó là mình chịu khổ đó và nó sẽ bẻ quẹo qua một cái đường khác. Nó làm cho, thay vì nó làm cho ức chế cái tâm con không vọng tưởng thì nó bẻ quẹo qua giấc mộng con, con mộng mị tùm lum tà la hết, nó đi ra đường khác. Tại vì ức chế nó nó phải tìm cách đi ra, còn mình chế ngự nó, nó không có đi ra đường nào mà lần lượt mình thích nghi nó, coi như là mình huấn luyện nó cho đến khi mà mình giải thoát. Phải hiểu con, cho nên Thầy nói mình tu sai coi chừng mình ức chế mà mình tu đúng thì mình chế ngự nó.

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy