00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

CK 047D (NAM) - VẤN ĐẠO NHÂN QUẢ TÁI SANH LUÂN HỒI - CẬN TỬ NGHIỆP - TỨ-NIỆM XỨ - ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN-NHÂN QUẢ

CK 047D (NAM) - VẤN ĐẠO NHÂN QUẢ TÁI SANH LUÂN HỒI - CẬN TỬ NGHIỆP - TỨ NIỆM XỨ - ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN-NHÂN QUẢ

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu sinh

Thời gian: 02/01/2006

Thời lượng: [45:54]

1- VẤN ĐẠO NHÂN QUẢ TÁI SANH LUÂN HỒI

(00:00) Trưởng lão: Đó là cái phần mà Thầy trả lời về sư Pháp Ngộ, còn cái phần Thầy trả lời tiếp cho Thiện Trí.

Con xin Thầy vui lòng giải nghĩa cho chúng con được học hỏi cho rõ!

Ví dụ: Chúng con ăn thịt 1 con cá, rồi sau đó, con phải đền mạng 10 con hoặc nhiều hơn. Trong chỗ đền mạng sống đó, ai đứng ra phân xử để đền? Chỗ này con chưa hiểu rõ, con xin Thầy chỉ dạy cho chúng con hiểu!”.

Bây giờ Thầy chỉ dạy cho. Nếu ở ngoài pháp luật thì con làm 1 cái tội giết người thì có toà án lại xử con ở tù hay hoặc là tử hình, có phải không? Còn bây giờ, luật nhân quả không thấy ông nào hết mà nó xử con không sót 1 chút đâu!

Bây giờ con đi bắt con gà, cắt cổ; cái hành động của con mà cắt cổ con gà đó, thì nó sẽ phóng xuất ra cái từ trường, rồi cái từ trường đó như thế nào - cái hành động của con ác mà, phải không, phải của con không? Nó phóng ra cái từ trường, từ trường đó nó sanh làm con gà, để làm gì? Để chúng bắt cắt cổ lại. Phải cắt cổ con lại không? Hay là con phải chết, làm con gà rồi chúng mới cắt cổ con? Có phải không?

Đây là nó sanh trong nhân quả, chứ đâu phải là sanh ở trong cái linh hồn con đi tái sanh đâu mà đợi con chết rồi con sanh làm con gà, rồi chúng mới bắt con, cắt cổ.

Mà 1 đời con mà cắt cổ gà, con biết mấy con không? Ôi thôi, ăn biết bao nhiêu, bao nhiêu lần đám giỗ, giết biết bao con gà chứ đừng nói 1 con! Có phải không? Do đó mà các con cắt - cái từ trường ác đó nó tương ưng. Bởi vì trong nhân thì có quả mà trong quả nó có nhân (có hạt) - nó sẽ sanh ra những con gà đó!

Bởi vì con cắt cổ con gà này là cái nhân ác của con gà; mà cái hành động ác của con làm nó sẽ làm con gà, tự con làm sanh ra con gà. Thì con gà đó, cũng lớn lên - người ta cũng nuôi đủ năm, đủ tháng rồi cắt cổ làm thịt để cúng giỗ ông bà người ta. Thì con chứ ai - bị cắt cổ! Mà con chịu đau hay là con gà chịu đau? Bây giờ con có biết đâu - Con gà, họ cắt cổ - tôi đâu có biết đâu! Con gà mà con nắm con cắt cổ ở đây - là cái người nào, họ cũng cắt cổ con gà đó - họ thành con gà, con cắt cổ lại đây chứ gì?

Trong khi con thấy con gà giãy giụa chứ con có thấy con ngồi đó con đau không? Nếu mà đau thì chắc con không dám làm điều đó đâu! Nếu mà con đau thì không phải sanh ra trong quy luật của nhân quả.

(02:29) CHO NÊN CÁC CON LÀ THỪA TỰ CỦA NHÂN QUẢ - TỪ NHÂN QUẢ SANH RA.

Các con hiện giờ có thân này cũng từ nhân quả sanh ra - một cha mẹ chúng ta sanh ra; con gà kia cũng từ nhân quả sanh ra - nó cũng một cha mẹ. Tại sao chúng ta nỡ cắt cổ nó? Do ai mà có đây? Do nhân quả chúng ta mà có con gà này!

Do ai mà có con cá này - mà người ta đập đầu con cá? Thử ai lấy cái cây gõ cái đầu của mình, mình nghe trong đó ra sao? "Trời đất ơi! Cái lỗ tai tôi nó lùng bùng, cái đầu tôi nghe cái gì đó dữ tợn lắm!", các con hiểu chỗ đó không? Ai - ai đã làm điều này? Chính mình đã làm cái điều này mà mọi người đều thọ khổ!

Các con thấy, tại sao mà mình chửi người ta để rồi có người khác sanh ra để bị người ta chửi lại? Cũng như bây giờ, mình sanh ra do người nào hung dữ, cũng chửi lộn mà bây giờ mới đẻ ra mình, mới sanh ra mình! Bây giờ mình bị người ta chửi cái mình cũng chửi lại nữa, thì do đó mình lại sanh ra cái người khác bị chửi nữa!

Các con thấy đi cái lòng vòng như vậy trong cái quy luật lòng vòng của nhân quả! Con hiểu nhân quả chưa? Nó đi cái vòng của nhân quả, cho nên đức Phật gọi là luân hồi - luân hồi nhân quả! Nghĩa là nhân quả thì phải có khổ thôi, không có chạy đâu cho khỏi hết! Con thấy không?

Cho nên vì vậy, nó đâu có dính dấp gì con - thôi cứ cắt cổ nó mà ăn - rồi nó sanh ra bao nhiêu con gà thì họ cắt cổ nó chứ có gì đâu mà sợ! Nhưng mà mình có nỡ lòng nào - khi cầm dao cắt cổ con gà mà thấy con gà giãy giụa, đau đớn mà chúng ta nỡ sao?

Các con thấy, mà do ai mà có con gà này?

Chúng ta đặt câu hỏi: “Biết đâu chừng, cha mẹ mình ngày xưa đã từng cắt cổ con gà, làm giỗ cúng ông bà, rồi lấy cho con mình ăn cái giò, cái cẳng, cái gan, cái mề nó đây!”. Chính cha mẹ mình làm cái điều đó thì cha mẹ mình có tránh khỏi cái hành động này không? Có thành con gà không? Bây giờ mình cắt cổ con gà, biết đâu chừng, cha mẹ mình là con gà đó thì sao? Có phải mình cắt cổ cha mẹ mình không? Nếu quả thật mà cha mẹ mình - mặt mày y như cha mẹ mình thật, mình cắt cổ có được không? Các con cứ nghĩ đi!

Vì qua 1 lớp nghiệp của nhân quả, cho nên chúng ta thấy đó là con gà, nên chúng ta cắt cổ được! Nhưng mà không ở trong cái lớp nghiệp con gà, mà ở trong lớp nghiệp của hình dáng của cha mẹ mình thì các con nắm tóc mẹ mình cắt cổ - làm được không? Mấy con có làm được không? Con gà thì làm được - nhưng hình dáng con gà mà từ trường của cha mẹ mình - cái đó là vô hình nhưng mà nó thật!

(05:08) Thì đức Phật đã nói như thế nào? Trong Thân Ngũ Uẩn của con gà cũng như trong Thân Ngũ Uẩn của con người - nó có 5 cái uẩn, thì cái sắc uẩn là chúng ta thấy thôi còn 4 uẩn kia nó vô hình, không có thấy - nó có chứ không phải không!

Bây giờ cái thọ, mấy con có thấy cái thọ không? Nhưng mà sao nó đau nhức hoài? Các con hiểu - có chứ đâu phải không!

Rồi cái tưởng - mấy con thấy, ngồi đây mà tưởng cái chuyện hồi hôm qua, hôm kia như vậy mà tưởng được à! Là nó có chứ đâu phải không - nó là tưởng uẩn mà! Đó là ý thức tưởng mà! Các con thấy chưa, nó có mà!

Còn bây giờ, tại sao "cái biết" tôi có thấy nó đâu, mà tại sao ai nói gì tôi cũng biết? Các con có thấy "cái biết" - lấy "cái biết" để ra đây cho Thầy xem coi! Có phải không? Nhưng mà nó có "cái biết" chứ! Nếu không "biết" thì làm sao Thầy nói chuyện với các con được? Như cây kia - không có "cái biết" thì làm sao nó cảm nhận được, nó phải biết chứ!

Tất cả mọi vật đều có "cái biết" chứ không phải không có cái biết - nhưng "cái biết" đó nó vô hình! Cho nên, có 4 cái vô hình trong Thân Ngũ Uẩn của con người, của loài vật. Mọi vật đều có năm uẩn thì chỉ có sắc uẩn là có thấy hình dáng mà thôi, còn tất cả cái kia - nó vô hình.

Cho nên, đứng trong duy vật biện chứng thì chúng ta thấy - có vật thì chúng ta nói, còn không vật thì chúng ta không nói - nói là chúng ta sai!

Có cái vô hình, đưa 1 cánh tay ra như vầy, có 1 cái lực của nó chứ làm sao không có lực được! Các con hiểu? Đưa như vầy nó phải có cái lực chứ, nhưng cái lực chúng ta thấy được không? Nhưng mà có chứ! Rồi cái từ trường chúng ta thấy - phải có chứ làm sao không có được cái này! Đó là tất cả những cái vô hình.

(06:47) Cho nên con thấy không ai phân xử, cái này nó không có phân xử! Anh làm điều ác, anh phải gặt lấy quả khổ anh thôi - anh cắt cổ con gà thì mai mốt anh phải sanh làm con gà cho người ta cắt cổ lại thôi!

Anh đập đầu con cá, nó giãy giụa, anh làm thịt nó anh ăn rồi chứ vậy chứ cái hành động đó của anh nó sẽ thành con cá đó! Coi chừng, nó sẽ sanh ra con cá con, nó lớn dần lên - đúng cái chỗ đó đó, người ta bắt được con cá đó về, người ta cũng đập cái bốp vậy đó! Thôi, không có gì hết!

Mà của ai làm con cá này? Là (hành động) của con đập con cá chứ ai! Con hiểu chỗ đó không?

Nhưng mà cái liên hệ của nó - là cái đau khổ của nó, nó đau khổ trên cái nhân quả của nó, chứ nó không phải liên hệ ở con! Chứ nếu mà cỡ mà con cá đó bị đập đầu - mà ở đây con nhức cái đầu, chắc con không dám làm, có phải không?

Đó là những cái mà chúng ta phải hiểu ở trong quy luật của nhân quả. Ở trong nhân quả cho nên nó đau khổ trong nhân quả.

Con hiện giờ, con đau khổ là con đau khổ trong nhân quả của con; nhưng mà cái từ trường sanh ra thì đau khổ con vật đó, chứ không phải là con có liên hệ! Cũng như cha của con - ông cha ông đau gần chết mà con đâu có đau! Phải chi mà con chịu đau cho cha được thì con chịu hết! Nhưng sự thật - có ai chịu đau cho ai được không? Nó là nhân quả mà, ai mà chịu ai được! Đã nói nhân quả thì con làm sao con chịu đau cho người khác được!

Cho nên nói đức Phật Quan Âm cứu khổ - trời đất ơi, cứu khổ sao được! Nhân quả của người ta làm, mà bà đưa tay vô cứu được à! Bộ Bà muốn chết sao? Đó là cái sai - lý luận như vậy là không đúng! Cho nên phải hiểu đúng, phải hiểu như thật! Cho nên đứng trên nhân quả - chúng ta thấy như thật, quá như thật rồi - cho nên chúng ta hiểu rõ!

Như ngày xưa tới bây giờ, người ta nghĩ rằng con người chết có linh hồn, linh hồn đi sanh làm 1 con người hoặc là làm 1 con vật thôi. Nhưng bây giờ chúng ta đã học nhân quả, chúng ta hiểu rằng 1 người - không phải sanh 1 người mà từ trường của nhân quả sanh. Bởi vì chúng ta từ nhân quả sanh ra, chứ đâu phải là con người đi sanh bằng cách là có cái quy định của sự sanh đâu hay là có đấng tạo hoá nào đẻ chúng ta ra! Cái bà tạo hoá nào đẻ chúng ta ra chắc bà ấy cũng chết điên chứ đừng nói!

Cho nên ở đây, chúng ta tu học, chúng ta thấy như thật! Cho nên vì vậy mà nó không có toà án nào xử phạt nhưng mà nó công minh lắm - không có trốn chạy được! Con bây giờ có tiền, vàng bạc, con lo lót; con làm ác rồi con lo lót cho con thoát khỏi cảnh khổ này đi - nó cũng không có nghe đâu, bao nhiêu tiền con đưa nó cũng không có lấy đâu, mà quả thì con phải trả thôi!

Đó, như vậy Thầy trả lời câu hỏi của con như vậy, như vậy được chưa, nghe hiểu chưa?

Từ đây về sau phải cố gắng! Bởi vì học nhân quả rồi, phải cố gắng giữ gìn - sống trong thiện pháp. Bởi vì mình đã hiểu nhân quả rồi mà còn sống trong ác pháp thì sẽ đem đến sự khổ cho loài vật và cho chính bản thân mình thọ những cái quả đó!

2- CẬN TỬ NGHIỆP

(09:38) Tu sinh: Kính thưa Trưởng lão! Cho con hỏi chỗ nhân quả này: tức là giữa con người mình với tất cả những loài vật và từ trường tạo ra những con vật đó, nó không có liên hệ với nhau. Thì như vậy thì sau khi mình chết, thì nghiệp lực của mình nó đâu có tương ưng được với tất cả các loài vật đó được; tương ưng với loài người nên mới tái sanh làm người, nhưng mà sanh vào chỗ khổ đau hay hạnh phúc - do những nghiệp lực tạo ra thôi. Ý con muốn nói là loài người chỉ tái sanh trong loài người thôi chứ không thể tái sanh trong loài vật được!

Trưởng lão: Đâu được! Con còn cái nghiệp cận tử nghiệp nó chờ con đó chứ! Nếu mà các con thường bắt gà, ăn thịt - cá, giết chúng sanh thì cái cận tử nghiệp của con - lúc bây giờ nó thèm cá, thèm gà là nó đi tái sanh làm gà, làm cá chứ còn gì nữa, chứ nó làm sao làm người được!

Con cứ ăn thịt nó thành ra cái nghiệp nó thèm cá, thèm thịt. Tới chừng đó gần chết rồi nó bắt đầu: “Bây giờ ba ăn không được, mà ba muốn miếng thịt quay để ngửi 1 cái - ba chết cũng được!". Thì lúc bây giờ, rõ ràng con (ba) phải thành con heo quay chứ sao! Con chạy đâu cho khỏi, đừng có nói mà làm người được, nó còn cái cận tử nghiệp của con!

Tu sinh: Con nghĩ là đức Phật nói như vậy là để cảnh giác cho mọi người đừng có làm ác thôi chứ.

Trưởng lão: Đức Phật mà nói cảnh giác để làm gì? Nói như thật, không có nói cảnh giác đâu, mà nói như thật! Bởi vì đức Phật đưa ra Bốn Chân Lý mấy con - Chân Lý là sự thật! Chứ đức Phật đâu có nói để cảnh giác được! Đâu có nói chuyện mà…​ Rồi con nói đi!

Tu sinh: Thưa Thầy, con có ý kiến, bạch Thầy! Trong vật lý học thì họ cũng đưa ra 1 cái lực để mà họ phân tích. Chẳng hạn 1 lực tác động, ví dụ như vật này tác động vào vật kia, giống như hồi nãy Thầy nói “cái lực đưa cánh tay ra” nó vô hình, thì trong vật lý học cũng đưa ra 1 cái lực nhưng người ta không chứng minh sâu về nhân quả, người ta không rõ nhân quả, thì người ta chỉ nói: “Vật này tác động vào vật kia 50 newton, vật kia sẽ tác động lại vật này 50 newton”, họ chỉ nêu ra tới đó thôi.

Trưởng lão: Thì nó đưa ra, thì nó có sự tương ưng nó nữa. Các nhà khoa học - vật lý học thì họ không thấy sự tương ưng đó, cho nên họ không thấy sự tái sanh; còn mình lại thấy được sự tương ưng. Nó tác động, chứ nó tương ưng với vật khác đó; nó sẽ hợp nhau, nó sẽ tương ưng nó thành. Mình thấy xa hơn - đôi mắt của Phật thấy xa hơn, cho nên có bộ kinh Tương Ưng.

(12:06) Cho nên cái cận tử nghiệp là nó chờ cho mấy con bỏ cái thân này, là cái nghiệp cận tử đó, mấy con coi chừng nó đi sanh cái gì đó biết liền!

Cho nên tại sao mà Thầy hướng dẫn các cụ giữ tâm bất động của mình lúc cận tử nghiệp? Các con thấy, nếu mà giữ được thì do cái quá trình tu tập mình giữ tâm, và phải sống thiện chứ sống không thiện thì các con giữ đâu được, nó dễ gì!

Cứ ăn thịt chúng sanh, cứ thích ăn ngon, cứ thích ngủ coi! Trời đất ơi, chừng đó nó ngu si đến mức độ mà không thể làm sao mà gọi là thanh thản - an lạc - vô sự được đâu! Không phải dễ, cái nghiệp nó không phải giữ được đâu!

Cho nên, ngay bây giờ mình phải giữ đúng giới hạnh! Cho nên mình mới tu Tứ Niệm Xứ, mình mới tác ý, mình mới giữ được cái tâm mình thanh thản - an lạc - vô sự chứ! Tới chừng mà nó sắp chết rồi, mấy con tưởng, cái cận tử nghiệp nó không để cho thân mấy con yên đâu!

Cho nên người tu làm chủ được sự sống chết, người ta bảo: “Thọ là vô thường, đi!”, nó đi. Còn mấy con la rách cái miệng mấy con, chưa chắc nó đi đâu! Bởi vì mấy con chưa có đủ đạo lực, mấy con thét làm sao nó đi được! Cái thọ của mấy con là cái nghiệp của mấy con rồi, làm sao đi!

Tu sinh: Bạch Thầy! Như vậy là mình phải luyện tập dữ lắm đó, chứ không thì con cảm nhận như là - con chưa chết nhưng mà con thấy rằng là mình chết không đơn giản đâu! Cả cơ thể run bắn lên, các cảm thọ này nó dữ dội!

Trưởng lão: Cái nghiệp mà! Tới chừng đó cận tử nghiệp nó dữ dội lắm, mà ác nó còn dữ hơn, con thiện nó êm re đó! Mà con sống ác thôi, trời đất ơi! Chuyên môn mà bắt cá, chuyên môn mà săn bắn coi thì biết; chuyên môn đâm heo, đập bò thử coi thì biết! Thầy nói những người đó không có yên đâu, tới chừng chết nó la hét!

Tu sinh: Nó thích cái gì nó phóng vô đó, cái rồi (xong)! Thí dụ như con thích đi quá, cái nó làm con chim bay.

Trưởng lão: Thì đúng vậy đó, nó làm chim bay chứ không phải làm người đâu!

Trong cuộc sống tu hành, ngay từ bây giờ, mình chuẩn bị cho mình có sức lực; mà trên thời gian các con dùng phương pháp Như Lý Tác Ý và Định Vô Lậu để xả tâm thì nó trở thành cái đạo lực rất lớn! Bởi vì hằng ngày khi mà có niệm khởi trong đầu mấy con, có chướng ngại trong thân của mấy con thì mấy con phải tác ý - dùng pháp tác ý liên tục để đối trị với cảm thọ đó!

Các con tác ý, mấy con ngồi đó, mấy con chịu đau thôi chứ làm sao hết! Bây giờ tác ý 1 câu nè, chưa hết - tác ý 1 câu nữa , tác ý 1 câu nữa; mà càng đau nhiều thì tác ý liên tục! Để nhờ cái tác ý đó mà nó át đi cái khổ của mấy con! Và đồng thời, cái đau giảm lần xuống thì tác ý thưa dần, thưa dần cho đến khi không tác ý nữa là hết.

Cái niệm cũng vậy, niệm này vô rồi - tác ý quán - đi ra rồi; niệm khác vô, rồi niệm đó trở lại nữa, nó cứ tới lui mãi! Suốt 5 tháng, các con ngồi đó mà quét! Cho nên ăn no, ngồi không, đi xin ăn rồi ngồi không mà quét, chứ không phải nói là sung sướng đâu!

Tu Tứ Niệm Xứ - ngồi đây mà quét, quét chừng nào mà bụi bặm sạch bóng hết, tham - sân - si không còn ở trong tâm mấy con nữa thì trạng thái thanh thản nó mới hiện ra! Và như vậy, kết quả của mấy con mới viên mãn!

3- TỨ NIỆM XỨ

(15:12) Tu sinh: Kính bạch Thầy! Theo con tu thì 1 phút, con tác ý 1 lần. Nhưng mà ví dụ, mình đang bị hôn trầm, có mấy kì - 1 phút con tác ý 1 lần, nhưng con tác ý 1 chập là nó ngủ mất tiêu! Con nói: “Ủa! Sao 1 phút/tác ý 1 lần nó lại ngủ?".

Lâu ngày, con suy tư, con nói: “Thôi bây giờ 1 phút/tác ý 1 lần không được! Thôi bây giờ nửa phút/tác ý 1 lần mà nó cũng không được! Thôi bây giờ là nửa phút/tác ý 2 lần!", thì nó có kết quả hơn, bạch Thầy!

Trưởng lão: Bây giờ mình mới thu dần lại pháp tác ý để xem cái khả năng, đặc tướng của mình như thế nào? Bây giờ mình thu dần vô, mình thấy nửa phút mình tác ý 2 lần thì mình thấy êm, cái ngủ nó không vô được thì mình phải tác ý như vậy!

Sau 1 thời gian tác ý như vậy, thì trên cái sự tác ý để cho nó có thời gian kéo dài cái trạng thái thanh thản của mình, để cho nó tỉnh táo, để khi các niệm khác có đến thì mình dùng Định Vô Lậu phá vỡ nó đi. Chứ còn con cứ ngồi ngủ hoài thì thôi làm sao có niệm nào xen vô đây mà đuổi! Tức là cái niệm si nó đón đường con hết rồi!

Cho nên vì vậy, bây giờ con mới tập Chánh Niệm Tĩnh Giác, con hiểu chỗ tập Chánh Niệm Tĩnh Giác không? Để khi áp dụng vô trong này mà cứ ngồi tác ý không thì làm sao mà có niệm gì mà nó rớt trong này mà tu? Có phải không?

Cho nên, buộc lòng con phải tu tập Chánh Niệm Tĩnh Giác bằng hơi thở hoặc bằng đi kinh hành, thì con tĩnh giác được! Do sự Tĩnh Giác đó, con sẽ ở trên vị trí nào để mà quan sát! Chứ con cứ tác ý hoài thì thôi rồi, nó động tâm con quá rồi làm sao?

Cho nên Thầy nói, Tứ Niệm Xứ - phải đứng trên 1 cái đỉnh của Tứ Niệm Xứ để nhìn xuống Tứ Niệm Xứ mà quan sát nó! Cho nên chúng ta chỉ đứng trên đỉnh đó thôi, chứ chúng ta không có tác ý; chứ con tác ý hoài - thôi, thôi rồi, làm sao tu nữa được! Mà không tác ý thì ngủ thì làm sao tu?

Tu sinh: (17:23)Dạ, Thầy cho con hỏi 1 câu: Thầy đang dạy về mình đứng trên 1 cái đỉnh, để mình quan sát trên 4 chỗ Thân - Thọ - Tâm - Pháp. Nếu mình đứng trên cái đỉnh đó thì lúc đó tâm mình phải là ít bị các chướng ngại pháp, không bị phóng tâm, phóng dật nhiều. Chứ nếu mình phóng tâm, phóng dật mà đứng ở trên đó thì chắc có lẽ mình cũng bị lung lay phải không, bạch Thầy?

Trưởng lão: Đúng rồi, nó không bị ngủ, không bị phóng tâm, phóng dật nhiều. Chứ con đứng, con nhìn 4 cửa thành mà người ta cứ chạy ra, chạy vô thì con gác cửa thành cái gì? Đi ra đi vô hoài tối ngày thì làm sao được!

Buổi chiều nay đến đây, Thầy kiểm tra rồi Thầy sẽ dạy cho! Chứ bây giờ, ở đây chưa có biết pháp Tứ Niệm Xứ, rồi ngồi đó mà quan sát cửa thành, cứ để cho người ta cứ chạy ra, chạy vô; còn không ấy thì ông lính gác cửa thành này ông ngồi ngủ, mặc cho người ta muốn đi đâu thì đi chuyện đó đâu có được!

(Thầy đọc câu hỏi của Tu sinh) “Tứ Niệm Xứ, quán 4 chỗ Thân - Thọ - Tâm - Pháp không có ức chế, không có tác ý như Định Niệm Hơi Thở: “Hít vô, hít ra" nhưng khi không có niệm thì thấy hơi thở ra - vô một cách tự nhiên còn có ác pháp và cảm thọ - dùng Định Vô Lậu đuổi đi. Nhưng trong băng Thầy giảng khi ngồi tu Tứ Niệm Xứ - có dục sai mình đi, mình không đi; bảo mình làm, mình không làm; bảo mình ngó, mình không ngó. Nhất định - chết bỏ! Phải ngồi sừng sững để đẩy lui ác pháp. Còn trong quyển 4 - Những Lời Phật Dạy - trong đoạn chú giải pháp hành Tứ Niệm Xứ, Thầy có dạy, trong khi an trú thanh thản - an lạc - vô sự, nhưng tâm hướng đến đi - chúng ta đi, hướng đến đứng - chúng ta đứng. v. v…​ Như vậy, 2 ý này có phải là 2 giai đoạn thực hành của pháp môn Tứ Niệm Xứ; hay 2 ý trên là đặc cách của từng người? Xin Thầy chỉ dạy!”.

Trưởng lão: (19:36) Thật ra, trong 2 ý này là 2 giai đoạn tu tập, chứ không phải 1 giai đoạn, chứ không phải đặc tướng đâu, mà đây là 2 giai đoạn!

Buổi chiều, Thầy sẽ kiểm nghiệm lại sự tu tập của mấy con, rồi Thầy sẽ hướng dẫn cách thức đứng trên 1 cái đỉnh, để mà chúng ta nhìn mà chúng ta không phải dùng cái đỉnh đó mà ức chế tâm, thì nó mới được.

Để rồi Thầy hướng dẫn lần lượt, để đi đến cái chỗ hướng dẫn, vì trải qua 1 ngày hôm qua Thầy đã kiểm nghiệm mấy cô, Thầy thấy có cái sai nên Thầy biết quý thầy cũng sẽ đi con đường chung này chứ không có trật đâu! Cho nên Thầy sẽ kiểm nghiệm, hướng dẫn lại cho mình biết cách thức mình gác bốn cửa thành của mình để cho không có người giặc nào vào phá cái cửa thành này được, không tiến vào 4 cửa thành này được!

Ở đây thì, tại sao trong sách Thầy có nói: "Phải như vậy!", thì cái giai đoạn đó phải như vậy! Còn có sách Thầy nói: "Biết đứng, biết đi, biết ngồi đều là như vậy!", đức Phật cũng dạy đúng như vậy đó, mấy con có đọc Những Lời Phật Dạy tập 4 không? Bốn oai nghi đều đi - đứng - nằm - ngồi lúc bây giờ thì cái giai đoạn nó cái niệm thô không còn nữa, còn lúc niệm thô còn thì phải khác rồi. Tứ Niệm Xứ nó linh động, nó thay đổi từng lúc.

Bây giờ Thầy kiểm điểm lại mấy con, coi mấy con đứng cái vị trí nào để mấy con quan sát 4 chỗ này? Bởi vì mấy con lầm tưởng rằng, khi Thầy dạy thì Thầy dạy có lúc rất rõ ràng, Thầy bảo mình quan sát thân, quan sát thọ, quan sát tâm, quan sát các pháp cứ chạy vòng vòng quan sát hoài, giống như là 1 người lính chạy bốn cửa thành, chạy vòng vòng hoài như vậy thì quá mệt! Đó, mấy con phải hiểu điều đó!

Nhưng bây giờ thì nói cho đúng cái nghĩa của bài kinh Tứ Niệm Xứ: trên thân quán thân - trên thọ quán thọ - trên pháp quán pháp - trên tâm quán tâm, các con thấy đức Phật bảo mình trên đó mình quán mà! Thì giống như mình chạy vòng vòng mình quán, mình xem xét nó là quán chứ gì! Rõ không?

Cho nên vì vậy, cái ý của nó là muốn nói vậy, nhưng khi áp dụng vào thì mấy con sẽ thấy như thế này, Thầy nói để cho các con nhận xét rõ - khi mấy con nhắc: “Tâm như cục đất, ly tham - sân - si hết đi!", đó là mấy con tác ý đầu tiên. “Tất cả những cái niệm quá khứ, vị lai không có được khởi lên trong cái tâm thanh thản - an lạc - vô sự!”, bảo nó dừng lại hết, các con tác ý trước. Rồi các con mới tác ý: “Tâm thanh thản - an lạc - vô sự!”, bây giờ mình mới ngồi chơi. Ngồi chơi thì các con sẽ thấy tâm của mình ở đâu? Chứ ngồi coi chơi rồi mấy con không biết cái tâm hà! Phải không? Mấy con thấy cái tâm chứ!

Ngồi chơi chứ không có tập trung, mấy con có tu Định Niệm Hơi Thở đâu, nhưng mà lúc bây giờ tâm nó định trên thân mấy con đó! Vậy nó định ở chỗ nào mấy con biết không? Trên hơi thở - nó phải định ở trên cái động; chứ cái tâm mà, nó định ở đâu được? Nó phải định trên hơi thở, cái hơi thở là cái lô-cốt của nó chứ gì! Cái đài nó đứng ở trên cao mà nó nhìn xuống để nó xem 4 cửa thành, chứ nó đứng chỗ nào được? Mà nếu nó cứ chạy lòng vòng nó quán vậy, nó chạy lòng vòng nó mệt, nó chết làm sao?

4- CHỖ TU SAI TỨ NIỆM XỨ CỦA CÁC TỔ

(23:02) Cho nên nó phải đứng trên hơi thở! Nếu mà đứng trên hơi thở thì mấy con thấy bắt đầu quen cái tật hơi thở rồi đó, không có lo quán sát 4 cửa thành, không có lo quan sát cái này mà cứ lo nhìn cái hơi thở thì chết, mấy con sai!

Cho nên Thầy kiểm nghiệm, Thầy nói: "Trời đất ơi! Tu cái gì mà cứ hơi thở - cứ hít ra, hít vô như thế này mà gọi là tu Tứ Niệm Xứ? ". Các con hiểu chỗ Thầy muốn nói không? Bây giờ các con biết cái đỉnh mà đứng trên cao đó, là hơi thở chứ không có gì khác! Và đồng thời, từng cái mạch máu trong người của mấy con, nó đang nhảy như thế nào, nó biết rất rõ, không phải riêng hơi thở đâu!

Cái bụng phình xẹp như thế này, nó lên xuống như vầy - mà các con cứ tập trung cái phình, xẹp này thì già đời - mấy con cũng chẳng phải Tứ Niệm Xứ nữa, mà bắt đầu đây là Minh Sát Tuệ rồi đó!

Cho nên nó đẻ ra tầm bậy, tầm bạ cái chỗ mà tu Tứ Niệm Xứ này sai nè! Minh Sát Tuệ cũng từ Tứ Niệm Xứ mà ra chứ bộ chỗ nào khác mấy con! Rồi nó đẻ ra quán hơi thở, rồi Sổ - Tuỳ - Chỉ - Quán - Hoàn - Tịnh, từ cái chỗ tu sai của Tứ Niệm Xứ này mà ra.

Cho nên các Tổ đều lọt vào cái vòng của sai này, cho nên nó không phải ở chỗ đứng trên cái đỉnh đó để mà nhìn lại Tứ Niệm Xứ - đằng này, tôi đứng ở đỉnh đó, cái bắt đầu tôi nhìn có chỗ đó thôi, tôi quên, tôi bỏ Tứ Niệm Xứ của tôi đi. Cuối cùng tôi nhiếp tâm vô, tôi lọt vô tưởng rồi tôi nói: “Trời ơi! Chỗ này là chỗ chứng đạo rồi!”.

Có phải không mấy con? Sai là sai ở chỗ này nè - người ta đứng ở chỗ đó mà người ta nhìn! Bởi vì tâm định trên thân - thân định trên tâm mà!

Các con nghe câu đức Phật dạy mà: "Tâm định trên thân" - vậy nó định chỗ nào? Không lẽ nó định trên chỗ yên lặng, bất động - làm sao nó định? Nó phải định trên cái chỗ động chứ!

Con thấy cái tâm của con nó còn “biết” không? Đi nó biết; còn nó phóng dật thì nó không biết chứ gì! Nó phóng dật là nó khởi niệm ra, hoặc là nó thấy người nào đi, nó chạy theo, tức là nó không biết chứ gì!

Rồi, con hỏi!

5- CÁCH QUAN SÁT VÀ GIỮ TÂM TRÊN TỨ NIỆM XỨ

(25:00) Tu sinh: Kính bạch Thầy! Trong lúc con đang đi Chánh Niệm Tĩnh Giác Định thì tâm mình lúc đó nó yên lặng tốt lắm! Nhưng mà sao mỗi lần đi là cái hơi thở, nó thở ra, thì cái niệm nó cũng chạy theo hơi thở, nó ra; cái tưởng nó cũng chạy theo hơi thở phải không, bạch Thầy? Nếu mà con thở nhè nhè hoặc thở từ từ, ít ít lại thì nó lại ít bị, mình giữ bớt cái niệm lại; nếu mà mình thở mạnh, sao nó lại chạy niệm?

Trưởng lão: Vậy thì thở mạnh cho cái niệm nó ra đặng xả! Vậy là con có cách thức quậy cho nó ra, ráng thở mạnh cho nó ra niệm để diệt nó!

Tu sinh: Trong lúc đi phải không, thưa Thầy?

Trưởng lão: Trong lúc đi! Bởi vì con nên nhớ rằng đi cũng dùng Tứ Niệm Xứ được! Để rồi Thầy kiểm nghiệm lại rồi Thầy sẽ dạy cho mấy con tới, lần lượt rồi mấy con sẽ đi đúng chứ không có sai đâu!

Bây giờ đứng cái chỗ mà để quan sát 4 cửa thành mà mấy con chưa nắm vững mà! Đây, thôi Thầy gợi ý cho mấy con thấy được 1 chút là khi mình nhắc tâm: "Thanh thản - an lạc - vô sự", tác ý xong rồi, bắt đầu mình giữ thanh thản thì mình thấy cái tâm mình ở chỗ nào, nó đứng ở đâu? Bắt đầu thấy nó đứng chỗ đó thì mình đừng bám chỗ nó đứng; đừng có nhìn, quan sát chỗ đứng mà hãy nhìn 4 chỗ Thân - Thọ - Tâm - Pháp của mình.

Khi 1 người mà thấy, cảm nhận được hơi thở của mình, rồi quan sát 4 chỗ thì dường như con mắt họ nó đứng tròng nó không có tập trung ở chỗ đó, mà dường như nó muốn đứng tròng để nó lo 4 chỗ Thân - Thọ - Tâm - Pháp của nó, các con hiểu chưa? Vì vậy mà các con nhúc nhích 1 cái là nó mất liền, mất cái quan sát liền!

Tu sinh: Bạch Thầy! Nó khởi niệm lên nó cũng mất liền, bạch Thầy?

Trưởng lão: Cái gì nó cũng mất hết! Nhưng mà nó khởi niệm là mình biết liền, có cái thằng vô cửa thành này, tôi biết liền; do đó tôi lấy pháp này, tôi đẩy nó ra - bởi vậy nó rõ ràng lắm, nó tỉnh lắm!

Tu sinh: Nó vô tiếp nữa, bạch Thầy!

Trưởng lão: Nó vô tiếp thì mình làm nữa mà nhiều bao nhiêu, vô bao nhiêu tao làm hết.

Tu sinh: Rồi bắt đầu nó khiến mình ngứa, nó khiến mình cựa quậy tay chân, cái tưởng nó muốn mà Thầy!

Trưởng lão: Thì đó nó đủ thứ bởi vậy Thầy nói phòng hộ bảo vệ Tứ Niệm Xứ mà bây giờ giặc vô, bao vây mà mình lại rút lui chạy sao! Thầy đã trang bị cho các con đủ pháp, đủ cách thì bắt đầu bây giờ mấy con ngồi đó mà nó tuôn vô bao nhiêu thì mình dùng các loại vũ khí tối tân nhất để mà đuổi ra.

Bây giờ dùng cái Định Vô Lậu thấy nó chậm chạp quá - bắn tỉa từng thằng không được mà nó ào ạt cả bầy vô, thì pháp Như Lý Tác Ý - các con đánh rát nó ra liền, bằng pháp Như Lý Tác Ý: “Tâm thanh thản - an lạc - vô sự!”, nhắc liền!

Lúc bây giờ nhắc liền: “Tâm thanh thản - an lạc - vô sự, Tâm thanh thản - an lạc - vô sự!" thì nó vô được nữa không?

Tu sinh: (27:42)Bạch Thầy! Con bị thất bại cái chỗ là khi nó khởi lên cái muốn gì đó, cái dục gì đó thì mình thắng; nhưng khi khởi lên 2, 3 cái dục thì tự nhiên nó bắt mình phải đi làm theo nó.

Trưởng lão: Vậy là con đầu hàng. Mà ở đây, con nhớ rằng khi đó, khi mà con tu Tứ Niệm Xứ mà Thầy đã dạy rồi, con biết rồi đó thì bám ngay vào cái lô-cốt của con, bám ngay liền tức là ngay mà bị nó đánh như vậy rồi là ôm hơi thở liền, ôm lại hơi thở liền tức khắc; nhiếp tâm vô hơi thở, an trú vô liền để rồi định trong hơi thở!

Sau khi cái bọn này nó đánh con không được rồi, nó đi vắng rồi bắt đầu con xả. Bởi vì con nhiếp vô an trú thì nó không vô đâu, nó vô đâu được! Do đó, thấy tụi nó rút lui rồi, bắt đầu mình xả hơi thở, tu Tứ Niệm Xứ cách thức chiến đấu mà! Không! Bây giờ mấy con chưa học cách thức chiến đấu trên Tứ Niệm Xứ! Bắt đầu bây giờ mới dạy nè! Tháng thứ ba , thứ tư này mới dạy bây giờ nói sơ sơ thôi!

Sắp sửa tới giờ ăn cơm rồi phải không? Chờ buổi chiều nay Thầy kiểm điểm, rồi bắt đầu mới biết cách thức tu; rồi lần lượt mới chỉ dẫn các con cách thức.

Ở đây, phần nhiều mấy con nhờ có tu mới có những kinh nghiệm mới có hỏi. Hỏi hoàn toàn là hỏi lợi ích trong sự thật tu; chứ nếu hỏi mà chưa có tu thì không biết đâu mà hỏi hết! Bởi vì đâu có tu đâu mà làm sao biết cái tâm mình làm sao mà hỏi, mà có biết mình đứng chỗ nào đâu! Nói chỉ nghe chơi cho vui vậy, chứ thật ra họ không tu thì không biết cách thức đâu!

Còn có tu rồi, nói mấy con sáng suốt có tu rồi, có trải qua rồi, biết cái chỗ này trật, cho nên mấy con sẽ tu đúng thôi! Thầy tin rằng sự hướng dẫn của Thầy sẽ đưa mấy con đi tới nơi, tới chốn!

6- ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN - NHÂN QUẢ

(29:31) Trưởng lão: Có gì không con? Hỏi tiếp đi

Tu sinh: Mô Phật! Bạch Thầy! Những bài về nhân quả khẩu hành, con chưa làm hết, con tiếp tục làm ạ?

Trưởng lão: Con viết trở lại, để làm cho cái bài nó càng viết càng hay con! Cho nên Thầy đọc 1 cái xấp bài của con, Thầy thấy quá nhiều! Nhưng mà không sao, đó là triển khai tri kiến của mình. Nhưng mà con nên nhớ là triển khai quá nó thành điên đó! Nhưng ở đây không có sao đâu, có điên thì có Thầy - không có sao đâu mà sợ!

Do đó thì cố gắng con! Sau này triển khai cái đạo đức nhân bản nhằm thực hiện cái đạo đức cho bản thân của mình, mình nói ra cái điều kiện đó, cái đạo đức đó thì mình phải cố gắng mình khắc phục, mình sống trong cái đạo đức đó!

Và nó rất nhiều cái đạo đức; mấy con sẽ viết rất nhiều đạo đức, những cái sách Đạo Đức của mấy con, mỗi người viết một cách khác nhau chứ không có giống nhau đâu! Người thì nói góc độ này, người nói góc độ kia đều nói trên đạo đức hết. Vấn đề gì đó thì Thầy gợi ý cho mấy con nắm vững; sau đó qua cái lý luận của mấy con, để mấy con xác định đạo đức làm người.

Tu sinh: Kính thưa Trưởng lão! Cho con hỏi: Cái đề tài đạo đức nhân bản, là con thấy tất cả những bài đã được đọc, thấy nó chưa đi vô đúng cái điểm của đạo đức nhân bản - nhân quả, chưa định nghĩa đúng đề tài của nó, chỉ nói một cách chung chung thôi. Như vừa rồi, cái bài của Nguyên Thanh, bài của thầy …​ - thì bây giờ chắc chắn là con sẽ dựa vào đó con làm, con triển khai trong cái bài làm của con cho nó chính xác!

Trưởng lão: Lẽ đương nhiên là mình phải lần lượt - mình phải chính xác hơn! Thí dụ, bây giờ là nói về đạo đức nhân bản - nhân quả thì đầu tiên mình phải giới thiệu, mình nói về cái vấn đề của cái đạo đức rõ ràng, giới thiệu cho người ta biết mình nói về đạo đức gì.

Và đồng thời, khi mà mình đại khái cho người ta thấy cái đường đi nhân quả là qua khẩu hành, qua ý niệm, (qua) thân của mình. Đó là cái đường đi của đạo đức nhân bản - nó đi đường đó!

Do đó, người ta biết được cái đường đi rồi, thì bắt đầu bây giờ mình muốn nói cái đạo đức nào trước cũng được hết, không có cần vào …​ cái đạo đức nào mình thấy cần, hợp với mình, cái mẩu chuyện mình thấy thiết thực, cụ thể thì mình đưa mẩu chuyện ra.

Trước khi mình đưa mẩu chuyện ra thì mình phải có giới thiệu về cái đạo đức đó, rồi mình mới vô cái mẩu chuyện để dẫn người ta đi vào 1 cách thích thú hơn! Để người ta thấy từng hành động trong mẩu chuyện đó, rồi mình kết luận mình phải nói được rõ ràng cái đạo đức đó, cái hành động đó là đạo đức như vậy, như vậy làm cho người ta chú ý hơn nhiều, để hướng dẫn cho họ đi vào cái hành động thiện.

Tu sinh: (32:15) Thưa Thầy! Con viết từng phần như vậy nó chưa có rộng, nó còn bó hẹp quá! Bây giờ con phải viết rộng ra?

Trưởng lão: Một cái mẩu chuyện thì nó có một hành động đạo đức thôi, còn nếu mà con lý luận nhiều quá làm cho người ta hoảng nữa. Chỉ xoáy làm sao cho người ta thấy hành động đạo đức một cách rất là rõ ràng, cụ thể; người ta thấy cái này có lợi ích lớn cho bản thân của họ. Đó là cách viết sách Đạo Đức rất hay!

Còn nếu mà mình luận trong đạo đức đó - thí dụ như về Nguyên Thanh viết cái này thì nó hơi dài dòng. Đọc 1 cuốn sách mà có lý luận nhiều thì nó làm cho chúng ta loãng mất cái ý tập trung - những lý luận khác làm cho chúng ta mất tập trung của cái đề tài đó.

Lần lượt Thầy sẽ hướng dẫn các con cách thức để mà viết, đừng có làm cho người đọc loãng đi ý chính của đạo đức, hành động đạo đức.

Tu sinh: Thưa Trưởng lão! Ý con muốn hỏi, như vậy, bài viết của con nó đúng vô cái đề tài?

Trưởng lão: Đúng đề tài! Cái bài nó tuỳ theo bài dài hoặc là bài ngắn nhưng mà làm sao thu hút được, nó lôi cuốn được cái tâm người đọc, mà người ta bị hút vào mẩu chuyện, để dẫn dắt cho họ đến cái hành động đạo đức thì cái đó là cái hay!

Còn nếu chúng ta không có mẩu chuyện, mà chúng ta lý luận suông suông thì làm cho người khác bị trong cái lý luận của chúng ta - cũng nói lý luận đạo đức đó, nhưng mà nó không hấp dẫn, lôi cuốn họ đâu!

Thậm chí họ đọc câu chuyện đạo đức rồi, họ rất xúc động! Nó gây cái xúc động đó mà nó biến thành cái hành động đạo đức của họ mà họ không ngờ luôn! Nó đã chôn sâu vào tiềm thức của họ, khi đọc mẩu chuyện chúng ta đưa ra đồng thời, trong lúc đó nó biến trở thành cái hành động đạo đức của người đó, mà chính người đọc - họ đã biến thành đạo đức.

Khéo léo của người viết sách Đạo Đức để dẫn người ta vào cái hành động đạo đức bằng 1 câu chuyện rất là xúc động, làm cho người ta không thể làm cái hành động ác được nữa. Đó là cái hay của người viết sách Đạo Đức!

(34:31) Cho nên Thầy nói, Thầy bây giờ lớn tuổi rồi, mà nếu Thầy được ở không để mà viết sách Đạo Đức thì Thầy nghĩ rằng mấy con sẽ thấy khi Thầy viết bộ sách Mười Giới Đức Thánh Sa di - mấy con đọc, mấy con thấy xúc động! Mấy con sẽ xúc động trước những cái hành động của bà Da-du-đà-la trước cái hình ảnh của đức Phật; trong khi các con xúc động trước chú bé mà được đức Phật giáo dục trên những đạo đức đó! Các con thấy không? Nó làm cho chúng ta sống động thật sự! Cho nên, ai đọc cuốn Mười Giới Đức Thánh Sa di mà không xúc động mấy con!

Mấy con thấy, đó là Thầy dẫn dắt mấy con đi vào chỗ để mấy con thực hiện cái đạo đức đó, cái đó là cái thực tế! Muốn viết một bài đạo đức nào đi nữa, mình cũng gây được cái xúc động! Cho nên, tại sao Thầy cho thầy Chơn Thành đọc cái bài của thầy Chơn Thành, xúc động lắm con! Cái hoàn cảnh đó tự nhiên nó nhắc nhở mình làm cái gì phải có trọng trách, cái Đức Trọng Trách, trách nhiệm của mình mà!

Thành ra mình thấy 1 sự đau khổ của cả gia đình người ta! Hai chục năm trời mà gà trống nuôi con, các con thấy cái khổ ghê gớm lắm chứ, mấy con biết! Nghĩa là con còn nhỏ, rồi ỉa đái của nó mà người cha phải làm tất cả những cái này, mấy con biết cả cuộc đời sống nữa, thì các con biết nỗi khổ! Chỉ có 1 cái giấc ngủ tầm thường như vậy mà để lại cái hậu quả to lớn chứ đâu phải ít!

Mình đọc vậy đó, mình thấy xúc động chứ đâu phải là không xúc động mấy con! Mà cái sự thiếu trách nhiệm có một chút xíu, chỉ có mấy giờ đồng hồ, mà ham ngủ có chút xíu thôi! Đó là cái Đức Trách Nhiệm của mọi người khi chúng ta làm cái gì đó thì chúng ta phải có trách nhiệm!

Do đó, con thấy cái này quá cụ thể, rõ ràng rồi! Mà khi một người đọc rồi, mà một người mà có tâm hồn, thấy nỗi khổ đó thì bắt đầu chúng ta làm gì chúng ta đều phải thấy trách nhiệm để đừng đem lại nỗi khổ cho người khác!

Đó, mấy con thấy chưa? Đó, như vậy mới viết sách Đạo Đức chứ!

Vì vậy mà Thầy muốn hướng dẫn mấy con trở thành những cái ngòi bút đạo đức để thay Thầy, chứ không lẽ Thầy cứ ngồi viết đạo đức hoài sao?

Tu sinh: (36:37) Kính bạch Thầy! Các cái mẩu chuyện vừa rồi của tụi con rất là hay! Ai cũng có một mẩu chuyện hay nhưng tụi con có cái là chưa có đi sâu vào; thứ hai nữa là cái giải thích của tụi con nó còn rời rạc, thì bây giờ làm sao mà sửa lại những mẩu chuyện, những giải thích cho nó súc tích thì đó là những sách Đạo Đức con thấy rất là tuyệt vời!

Trưởng lão: Đúng đó con! Mọi bài viết của các con Thầy đều đọc hết, những mẩu chuyện các con đưa ra rất là hay!

Thầy nói bây giờ mà Thầy ngồi viết sách Đạo Đức là những mẩu chuyện của các con là mỗi chuyện thực đó! Thầy đem vô, Thầy áp dụng vô, Thầy viết sách Đạo Đức của Thầy nổi bật đó!

Chuyện của mấy con viết, nó không có gợi cho người ta xúc động, chứ mà Thầy viết, ngòi bút của Thầy viết là người ta sẽ khóc đó, chứ không phải không! Cái khéo léo đó mấy con! Cho nên vì vậy mà mấy con tập luyện dần, thì mấy con sẽ làm được điều này thay Thầy, mấy con!

Thật sự, Thầy nghĩ rằng mấy con sẽ thay Thầy làm công việc này để đem lại cái nền đạo đức cho con người. Bàn tay của mấy con, trí óc của mấy con mà được Thầy đào nắn, đào luyện thì mấy con sẽ trở thành cái điều đó!

Những người có sẵn rồi thì cần khéo léo để mà hướng dẫn từng chút. Thí dụ như những cái thừa được Thầy hướng dẫn sẽ gạt bỏ để xoáy cho mạnh; lần lượt rồi mình sẽ quen dần, cái ngòi bút của mình từ từ thành tốt! Cho nên những người cầm bút được ở trong này Thầy thấy nhiều lắm!

Tu sinh: Thưa Thầy! Cái bài của thầy Chơn Thành vừa rồi, thầy Chơn Thành đọc con thấy cảm động lắm! Nhưng con xin nói một chút xíu: những cái giải thích của tụi con nó còn rườm rà, không riêng gì thầy Chơn Thành, tụi con cũng vậy! Nhưng mà cái bài viết rất là xúc động, tụi con đọc mà cảm động lắm!

Thưa Thầy! Đợt tới này tụi con phải viết bài gì?

Trưởng lão: (38:22) Đợt tới thì mấy con sẽ viết về bài, coi như là về đạo đức các con viết rồi phải không? Ở đây nộp bài Thầy thấy các bài đạo đức không nè!

Tu sinh: Bài này là quán các pháp vô thường, thưa Thầy! Còn quán các pháp vô thường.

Trưởng lão: Quán các pháp vô thường, Thầy trả bài lại cho các con là các pháp vô thường đó!

Tu sinh: Còn các pháp vô thường, thưa Thầy!

Trưởng lão: Còn các pháp vô thường? Vậy người nào còn quán các pháp vô thường thì các con còn ở lại lớp chứ không có được học lớp Tứ Niệm Xứ!

Người nào mà học các pháp vô thường rồi thì mấy con sẽ được dự buổi chiều nay, học về Tứ Niệm Xứ. Các pháp vô thường mà chưa rồi, thì mấy con không được dự lớp Tứ Niệm Xứ! Bởi vì từ nhân quả đến các pháp vô thường, thân vô thường là các pháp vô thường chứ gì? Thì mấy con dự vào lớp Tứ Niệm Xứ để dùng tri kiến đó mà xả từng tâm niệm của mình.

Còn mấy con chưa rồi, thì đồng thời mấy con tiếp tục viết đạo đức nhân bản - nhân quả. Bây giờ các con chưa viết đạo đức nhân bản phải không?

Tu sinh: Dạ, viết rồi, thưa Thầy!

Trưởng lão: Có rồi à! Rồi thì bây giờ mấy con sẽ viết tới thân bất tịnh - quán thân bất tịnh, nói về cái thân bất tịnh.

Khi mà quán thân bất tịnh rồi, thì mấy con sẽ viết tới bài quán Tâm Từ, quán Tâm Bi, quán Tâm Hỷ, quán Tâm Xả - 4 điều kiện này thì mấy con sẽ tiếp tục học Từ - Bi - Hỷ - Xả; mục đích của chúng ta để học cho rộng cái Tâm Từ - Tâm Bi - Tâm Hỷ - Tâm Xả; để mấy con xả tâm này, xả cái niệm này!

Đó là cách thức đường đi để dẫn dắt vô Định Vô Lậu, để quét sạch tham - sân - si này ra hết!

Tu sinh: Thầy cho con hỏi! Thời gian mà Thầy nói 5 tháng để quán và làm bài như Thầy nói thì con thấy thời gian cũng vừa đủ; mà nếu làm bài đạo đức nhân bản mà Thầy nói 1000 trang dài quá sao làm kịp!

Trưởng lão: Thầy nói vậy, chứ nhưng mấy con phải 5 tháng khi mà đến Định Vô Lậu rồi thì mấy con còn chỉ có quán thân bất tịnh để đối trị tâm sắc dục.

Rồi mấy con sẽ quán Tứ Vô Lượng Tâm, tức là Tâm Từ, Tâm Bi, Tâm Hỷ, Tâm Xả. Tới đây thì thay vì mấy con quán Thập Nhị Nhân Duyên, quán Thập Thất Kiết Sử, quán Thân Ngũ Uẩn, tất cả cái này các con quán nhưng mà Thầy dừng lại đây 5 tháng phải đạt được đạo rồi chừng đó sẽ quán sau chừng đó mấy con rõ như thật rồi!

(40:52) Bây giờ bắt đầu phải lo xả cái tâm mình cho rốt ráo, cho hẳn hòi hoàn toàn ở trên Tứ Niệm Xứ nè, cho biết cách thực hiện Tứ Niệm Xứ nè.

Còn 5 tháng nữa, nếu chứng đạo rồi, thì mấy con đủ thần lực rồi, lúc bây giờ chỉ cần các con triển khai cái đạo đức nhân bản - nhân quả, mới viết cho Thầy 1000 trang.

Còn bây giờ, Thầy chỉ nêu lên cho mấy con thấy cái dàn bài, cách thức để mà soạn thảo cái bộ đạo đức đó thôi và gợi ý cho mấy con phải viết cả ngàn trang, phải không? Nhưng mà 5 tháng sau rồi sẽ viết, chứ bây giờ chưa có viết; bây giờ ngồi đó mà viết thì chắc chắn là không có thì giờ! Hiểu chưa? Bây giờ lo quán thân bất tịnh cái đã!

Thầy Thanh Quang: Kính bạch Thầy! Con đã nộp bài Đạo Đức Hiếu Sinh rồi, bây giờ con dừng lại để quán Tứ Niệm Xứ ạ?

Trưởng lão: Phải về lo Tứ Niệm Xứ, con; Thầy đã hướng dẫn các con quán Thân Bất Tịnh, mấy con chưa quán thân bất tịnh mà!

Còn đạo đức mấy con dừng lại! Ở đây, Thầy chỉ gợi ý cho mấy con nắm vững thôi! Có thì giờ rảnh thì mấy con giới thiệu về đạo đức nhân bản - nhân quả còn không có thì thôi.

Các con viết từng bài chứ đâu phải, nhưng bây giờ lo tu thì thôi, dẹp hết xuống để mà lo tu Tứ Niệm Xứ nè, cái này là cái quan trọng!

Rồi, con hỏi Thầy!

Tu sinh: Bạch Thầy! Bài làm của con, Thầy nói chưa có áp dụng vào Tứ Niệm Xứ để xả tâm, ly dục, ly ác pháp. Như vậy chiều nay con có tham dự được không?

Trưởng lão: Có chứ, con phải tham dự để nghe, để mà áp dụng vào Tứ Niệm Xứ. Lẽ ra thì con chưa xong nhưng mà thôi, Thầy đặc cách cho mấy con; chứ thiệt ra mấy con bị làm đi làm lại đó! Lẽ ra đầu tiên bài đó các con làm thì bây giờ đã xong tất cả những cái nhân quả, các pháp vô thường rồi. Nhưng vì mấy con lặp đi, lặp lại cho thấm nhuần, mấy con viết nhiều lần, thì do đó mấy con cũng đã hiểu rồi chứ không phải không đâu! Có người nào học trong lớp này, mà trong 2 tháng này mà không hiểu về nhân quả với các pháp vô thường đâu, các con hiểu hết rồi, nhưng mà cạn - sâu thôi!

(43:03) Bây giờ áp dụng, rồi lần lượt mấy con sẽ quán thêm, và đồng thời Thầy gợi ý cho mấy con. Các con đang là những người học đạo đức nhân bản, và những người đang sống trong đạo đức nhân bản - mà cách thức để viết là như vậy; chứ bây giờ đợi các con viết 1000 trang, chắc là ít ra cũng 2 năm nữa Thầy mới dạy các con tu Tứ Niệm Xứ được!

Thầy muốn các con phải tu chứng ngày mai, ngày mốt Thầy ra đi rồi! Thí dụ như năm nay Thầy còn sống, Thầy hướng dẫn mà sang năm Thầy đi rồi, mà mấy con chưa chứng Tứ Niệm Xứ thì làm sao đây? Phải không? Cái này quan trọng hơn là cái bộ sách Đạo Đức mấy con chứng rồi thì đạo đức mấy con dễ viết chứ đâu có gì khó!

Chứ Thầy có ai dạy Thầy viết sách Đạo Đức đâu, có ai dạy Thầy soạn cái giáo trình tu học bằng cái đạo đức này đâu! Nhưng mà từ cái trí thông minh, Thầy quan sát, rồi tìm ra được cái hướng đi và cách thức để mà giáo dục đào tạo.

Đức Phật đâu để lại cái tám cái lớp học, Bát Chánh Đạo như thế này, cái chương trình 3 cấp Giới - Định - Tuệ như thế này!

Chưa có ai dạy Thầy, nhưng mà tại sao Thầy biết được? Là do cái chỗ trí tuệ của Thầy đã thấy được cái đường đi của đạo Phật là cái chương trình giáo dục đào tạo. Có ai bao giờ nói điều này, nhưng cái Tam Minh của Thầy quan sát, Thầy thấy đúng là đức Phật đã đưa ra cái chương trình giáo dục này, chứ không phải là cái pháp sơ sơ.

Cho nên vì vậy mà Thầy triển khai theo cái hiểu biết của trí tuệ của Thầy, Thầy triển khai thành ra cái lớp học, Thầy mới vẽ ra trong đầu cái giáo trình phải học bài nào trước, bài nào sau, chứ không có lộn xộn được! Mấy con hiểu chưa?

Cho nên bây giờ, Thầy cũng dạy mấy con để viết đạo đức, đang ở trong cái môn học đạo đức nhân quả, rồi các pháp vô thường; thì mấy con sẽ nắm vững được cái nhân quả, để rồi viết nó được thâm sâu.

Nhưng mà Thầy thấy bây giờ cần thiết là mấy con tu, vì thời gian của Thầy nó không đợi, cái tuổi già của Thầy nó không đợi; các con thấy Thầy mạnh khỏe như người khác nhưng ngày mai Thầy chết thì sao? Thầy là người chết tốt chứ đâu phải chết xấu đâu mà phải lụm cụm, đi hết muốn nổi rồi, da Thầy xanh ẻo, vàng khè chắc thấy sắp chết.

Sự thật mấy con thấy Thầy có da xanh, mặt ẻo bao giờ đâu! Nhưng mà nó dễ chết chứ đâu phải là không chết đâu - mấy con đừng có tưởng! Mấy người mà người ta tu đàng hoàng rồi khi chết, da người ta hồng hào chứ đâu có da xanh, mặt vàng. Chỉ những người phù thủng đó, uống rượu nhiều mới da vàng, mới mặt ủng chứ còn đối với Thầy làm sao có chuyện đó được! Nhưng mà sự chết, nó vẫn chết chứ, bởi vì vô thường mà!

Cho nên vì vậy mà Thầy lo lớp này, đào tạo cho được! Không lẽ bây giờ cứ ngồi chờ viết 1000 trang giấy này thì thời gian đâu mấy con tu! Các con hiểu?

Rồi, thôi hết giờ! Nhớ kỹ, chiều nay các con sẽ đến đây dự lớp kế.

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy