00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

CK 045C (NỮ) - VẤN ĐẠO TỨ VÔ LƯỢNG TÂM - NHÂN QUẢ - TU TỐT - ĐẮC ĐẠO -HỘ TRÌ CHÂN LÝ - TÌNH THƯƠNG - ĐỊA NGỤC - TỨ NIỆM XỨ

CK 045C (NỮ) - VẤN ĐẠO TỨ VÔ LƯỢNG TÂM - NHÂN QUẢ - TU TỐT - ĐẮC ĐẠO - HỘ TRÌ CHÂN LÝ - TÌNH THƯƠNG - ĐỊA NGỤC - TỨ NIỆM XỨ

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu sinh

Ngày giảng: 01/01/2006

Thời lượng: [47:57]

1- PHÒNG HỘ SÁU CĂN TRONG TỪNG GIAI ĐOẠN TU CỦA MỖI PHÁP TU

(00:00)

Trưởng lão: Bây giờ Thầy sẽ trả lời cho mấy con qua những câu hỏi, Tịnh Hạnh hỏi Thầy:

“Kính bạch Thầy, kính xin Thầy giảng rõ thêm cho con hiểu đoạn văn sau đây ở trong tập 4, ở trang 41, tập 2 Những Lời Phật Dạy bộ mới. Ví dụ: “Trong lúc chúng ta đang tinh cần tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác thì bỗng có tiếng kêu la cầu cứu, tức thì chúng ta tinh cần tu tập hộ trì nhĩ căn”. Kính thưa Thầy! Như vậy khi độc cư hay khi tu tập phần gì thì được phép chạy ra cứu con ếch đang bị con rắn tha, còn ở đoạn văn trên thì không thấy được chạy ra cứu, dù có tiếng kêu la, con xin cảm ơn Thầy”.

Ở đây Tịnh Hạnh hỏi Thầy trong cái đoạn văn của Những Lời Phật Dạy, tập 2, khi chúng ta đang tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác bỗng dưng nghe tiếng con rắn bắt con nhái kêu thì chúng ta vẫn hộ trì nhĩ căn, không có chạy ra.

Đúng vậy, bây giờ chúng ta đang tập tỉnh giác mà nếu chúng ta để tâm phóng dật thì không đúng, nhưng khi chúng ta tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác mà câu hữu với Tứ Vô Lượng Tâm, tâm Từ. Thì ngay khi tỉnh giác mà câu hữu với Tứ vô lượng tâm thì chúng ta được quyền chạy ra cứu con nhái. Các con hiểu, pháp nào phải ra pháp nấy chứ không thể tu lộn xộn được.

Và bây giờ, hiện giờ chúng ta đang tu Tứ Niệm Xứ, ở giai đoạn đầu, Thầy nói Tứ Niệm Xứ ở giai đoạn đầu, vì tâm chúng ta đang ào ạt những niệm và thân chúng ta đang ào ạt những cảm thọ, ngồi một chút thì có niệm này, có niệm khác, ngồi một lúc thì có mỏi mệt vì điều này điều khác hoặc hôn trầm, thùy miên. Do đó khi chúng ta tu ở giai đoạn đầu Tứ Niệm Xứ bỗng nghe tiếng con nhái kêu do con rắn bắt, do đó chúng ta có quyền chạy đến để cứu con nhái. Còn nếu khi chúng ta tu đoạn thứ hai của Tứ Niệm Xứ để chứng đạt được chân lý thì chúng ta không chạy, vì đó là nhân quả của loài chúng sanh chứ không phải của chúng ta.

(02:27) Cho nên ở đây chúng ta tu Tứ Vô Lượng Tâm thì tất cả những tiếng kêu la đau khổ từ loài vật nào đều là chúng ta thực hiện lòng Từ mà đến cứu khổ chúng sanh. Còn khi chúng ta tu Chánh Niệm Tỉnh Giác để nhiếp tâm và an trú tâm thì chúng ta không được quyền làm động tâm của chúng ta. Vì động tâm như vậy thì các pháp sẽ làm động tâm và cuối cùng thì chúng ta chẳng được nhiếp tâm, an trú tâm. Đó là chúng ta tu chẳng kết quả.

Còn tu Tứ Niệm Xứ để chứng đạt được chân lý mà nếu mà cứ bị phóng tâm bằng các pháp bên ngoài tác động vào thì Tứ Niệm Xứ không sung mãn, và Tứ Niệm Xứ không sung mãn thì không đủ Tứ Thần Túc, không đủ Tứ Thần Túc thì không thể làm chủ sự sống chết và cũng không thể chấm dứt được tái sanh luân hồi.

Cho nên ở pháp nào thì tu ở pháp nấy. Trong trang 41, tập 2, Những Lời Phật Dạy bộ mới, là dạy chúng ta đang tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác chứ không phải dạy chúng ta câu hữu Tứ Vô Lượng Tâm, hiểu chưa?

Như vậy là chúng ta đọc phải hiểu được cái lời dạy trong đoạn kinh đó dạy chúng ta tu tập cái gì thì chúng ta biết phải tu tập đúng. Cho nên nhiều khi chúng ta tu pháp này mà chúng ta chưa câu hữu với Tứ Vô Lượng Tâm mà chúng ta vội đi cứu con nhái thì điều đó sai.

Chúng ta nên nhớ rằng, tất cả các pháp trên thế gian này đều là do nhân quả, do nhân quả thì mọi vật đều chịu sự khổ đau của nhân quả đó. Có làm ác thì chúng ta mới chịu sự khổ đau đó. Có nhân duyên với con rắn, con nhái có nhân duyên với con rắn do quả ác của từ kiếp trước, cho nên kiếp này gặp con rắn đó để mà trả quả. Vì vậy mà tiếng kêu cứu của con nhá - mà lúc bấy giờ chúng ta tu tập tâm Từ, đấy là duyên - duyên của chúng ta với con nhái để cứu khổ cho nhau trong một quãng đời từ trong kiếp trước và kiếp này nữa cho nên chúng ta không thể bỏ. Còn bây giờ chúng ta đang tu Chánh Niệm Tỉnh Giác mà chúng ta không câu hữu với, tức là không kết hợp với tâm Từ, thì nhất định là chúng ta phải phòng hộ, tai chúng ta không được nghe tiếng động đó mà phải quay vào, tất cả đều quay vào để nhiếp tâm và an trú tâm, tỉnh giác.

(04:55) Như vậy Thầy sẽ trả lời con hiểu khi tu pháp nào phải thực hiện theo đúng pháp nấy, vừa cứu khổ mình, vừa cứu khổ người. Mình chưa cứu khổ mình thì mình cũng chết như con nhái kia vậy. Thời gian các pháp vô thường sẽ nuốt chửng mình như con rắn đã nuốt con nhái. Chúng ta nên nhớ rằng bây giờ chúng ta sống, nhưng vô thường sẽ không tha chúng ta chút nào, chúng ta sẽ mất đi. Mình chưa cứu mình mà đi cứu người tức là mình tự giết mình.

2- THẾ NÀO LÀ TU TỐT?

(05:31) À, bây giờ Thầy sẽ trả lời kế tiếp những câu hỏi của Út Phương: “Thế nào thì được gọi là tu tốt theo đúng nghĩa của đạo Phật? ”

Tu tốt theo đúng nghĩa của đạo Phật là tu Định Vô Lậu là phải triển khai tri kiến của nó đầy đủ, không thiếu. Thí dụ như triển khai tri kiến về nhân quả thì phải triển khai đầy đủ, hiểu rõ nhân quả như thật; triển khai các pháp vô thường thì phải hiểu tất cả các pháp vô thường như thật; triển khai thân vô thường thì phải hiểu rõ thân vô thường như thật. Nhiếp tâm an trú từng một phút mà đạt được chất lượng gọi là tu tốt. Ngồi tu Tứ Niệm Xứ tâm thanh thản, an lạc, vô sự, luôn lúc nào cảnh giác từng tâm niệm, từng sự cảm thọ nơi thân thấy rõ ràng đó là tu tốt.

Câu hai: “Đắc đạo và đạt thông chân lý có cùng nghĩa nhau không? ”

Đắc đạo tức là đạt chân lý, đắc chân lý, sống chân lý, đều là đắc đạo. Cho nên chữ đắc đạo và chữ đạt thông chân lý, đạt thông chỗ này là đạt chân lý, chứ không phải là đạt thông chân lý, đạt chân lý có nghĩa là sống trong chân lý chứ không phải hiểu chân lý, còn đạt thông chân lý có nghĩa là mới hiểu chân lý mà thôi. Nghĩa là từ lâu tới bây giờ chúng ta chưa hiểu chân lý như thế nào, chân lý giải thoát như thế nào, hôm nay được một bậc đã giải thoát chỉ bảo cho chúng ta thấy, chúng ta hiểu, chúng ta thông suốt được cái trạng thái chân lý đó.

Thí dụ như đức Phật nói Diệt Đế là cái chân lý giải thoát, là chỗ tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ. Do đó những cái danh từ mà gọi là bất động trước các ác pháp và các cảm thọ thì chúng ta khó hiểu hơn là chúng ta nhận ra trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự. Khi nhận ra trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự đó là chân lý của đạo Phật, tức là tâm bất động. Nếu tâm còn động thì làm sao mà thanh thản, an lạc, vô sự được? Cho nên trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự thì chúng ta dễ nhận, còn nói tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ chúng ta khó nhận.

(08:17) Nói tâm bất động lúc nào tôi thấy tâm tôi bây giờ không giận hờn, không phiền não. Nhưng có những điều mà tâm không động mà tôi đang động, tôi đang suy tư, tôi đang nghĩ nhưng nó không động, cái động của nó là cái động gì? Cái động của khởi niệm hoặc là cái động của phiền não, của sân hận, của tức giận, thì chúng ta chữ "động" nó mênh mông quá. Cho nên ở đây chúng ta muốn chỉ định cho rõ ràng là trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự.

Khi mà thông được chân lý còn có thời gian phải hộ trì chân lý mới là chứng đạt chân lý. Mà chứng đạt chân lý mới gọi là đắc đạo. Đạo là chân lý chứ có gì khác hơn, chứ không phải là thần thông. Cho nên chỗ tu học của chúng ta là phải đạt được chân lý, mà đạt được chân lý là phải ở trên Tứ Niệm Xứ để hộ trì để bảo vệ bốn chỗ Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Bốn chỗ ấy không chướng ngại thì đó là chân lý, bốn chỗ ấy còn chướng ngại thì không được gọi là chân lý.

3- SÁCH TẤN LỚP CHÁNH KIẾN

(09:22) Cho nên Tứ Niệm Xứ đức Phật đã dạy, tu trong bảy ngày, bảy tháng, bảy năm sẽ chứng đạo. Hôm nay chúng ta đã học được hai tháng rồi, vậy thì chúng ta còn năm tháng nữa để thực hiện Tứ Niệm Xứ, để đem lại sự bình an cho chúng ta. Do đó nghĩ rằng trong còn năm tháng nữa, nơi lớp học của chúng ta sẽ có người đạt được chân lý này. Như thế chúng ta được sống trong chân lý đó là đạt được chân lý, còn chúng ta đang tu Tứ Niệm Xứ tức là hộ trì chân lý, hay là bảo vệ chân lý. Nghĩa là chúng ta đang bước đầu qua tháng thứ 3 này là chúng ta hộ trì chân lý và bảo vệ chân lý bằng pháp Tứ Niệm Xứ. Các con có nghe rõ không, có biết pháp tu hành không? Nghĩa là trong năm tháng phải luôn luôn bảo vệ và hộ trì chân lý.

Ở đây lúc nãy trong lớp chúng ta, trong giờ chúng ta đang lặng lẽ để tu học, thì chúng ta tự nhiên có những người làm chúng ta mất giá trị, vì chúng ta nói chuyện để làm chúng ta mất giá trị, các bạn sẽ khinh chê chúng ta đấy, các con. Cho nên các con nên nhớ kỹ khi chúng ta tu tập là - hạnh Độc Cư đệ nhất - dù bất cứ ở trong thất hoặc nơi đâu, đến lớp học, đều là giữ độc cư chứ không được nói chuyện vì nói chuyện giá trị chúng ta bị kém đi. Người xung quanh chúng ta sẽ xác định giá trị chúng ta không còn và như vậy thân giáo của chúng ta không có, mà thân giáo của chúng ta không có thì làm sao chúng ta đứng lớp được. Và có nghĩa là thân giáo của chúng ta không có thì cuộc đời tu hành chúng ta cũng phí mà thôi.

(11:06) Từ ngay phút đầu chúng ta phải cố gắng giữ gìn đúng đức hạnh, "Giới luật ở đâu thì tri kiến ở đó, tri kiến ở đâu thì giới luật ở đó". Nghe lời đức Phật dạy mà Thầy mong rằng ở trong lớp học của chúng ta từ cái sai chúng ta hãy cố gắng sửa, đừng vui vẻ một phút nào đó mà nói chuyện, bàn bạc. Từ nơi trong lớp học mà chúng ta không còn nể nang Thầy, không còn nể nang những người khác mà thực hiện những điều không đúng thì như vậy rõ ràng là chúng ta không tin lời Phật dạy, không tin giới luật Phật, cho nên chúng ta tự phạm một cái lỗi để cho tất cả mọi người khinh chê chúng ta. Chúng ta giữ gìn giới luật thì mọi người kính trọng, chúng ta không giữ gìn giới luật thì mọi người sẽ coi rẻ.

Chúng ta nhìn các thầy Đại thừa họ phạm giới, phá giới, cho nên hôm nay chúng ta được học giới luật Phật thì chúng ta rất khinh dễ những người phạm giới, phá giới, những người đã giết Phật giáo bằng cách phạm giới, phá giới. Tại sao chúng ta nỡ tâm lại phạm giới, phá giới trong lớp học của chúng ta để đem lại sự đau khổ cho mọi người, mọi người rất đau khổ. Vì thương mình, thương bạn; mình nói chuyện làm động người khác, người khác không tu được; điều đó là điều tai hại chung cho nhau trong lớp học.

Cho nên Thầy ước ao rằng chúng ta có lỗi thì nên sửa lỗi, đừng vì một lý do mà chúng ta bỏ hết cuộc đời. Vì trên thế gian này làm gì có những lớp học để đạt được sự giải thoát bốn chỗ Sanh, Già, Bệnh, Chết như lớp học của chúng ta. Làm gì có những nơi nào để đem đến sự cứu cánh như thế này cho nên quá hiếm, quá ít. Vì vậy mà chúng ta hãy cố gắng! Có những lỗi lầm hãy cố gắng khắc phục, điều đó là điều tốt. Thánh nhân không phải tự dưng mà Thánh nhân được, từ chỗ sửa lỗi lầm mà trở thành Thánh nhân. Hãy cố gắng khắc phục, mấy con đừng để mọi người khác khinh bỉ mình.

(13:13) Cái thứ hai, là các con nhớ rằng những điều các con viết được, nói được thì mấy con phải thực hiện được; không khéo mấy con nói được, không thực hiện được, người ta chỉ xem mấy con như con vẹt nói tiếng mà thôi. Các con hiểu, nói được phải sống được, nói được phải làm được thì mới xứng đáng là đệ tử của Phật; mới người giữ gìn Giới Luật, chứ còn nói được mà không làm được thì thôi nói làm gì, nói như vậy chẳng qua là vọng ngữ mà thôi.

Ở đây Thầy muốn mấy con trở thành những người giải thoát thật sự. Bây giờ các con chưa làm chủ được sự sống chết, năm tháng trôi qua, nếu người nào sống đúng, tu tập đúng, mấy con sẽ làm chủ được sự sống chết của mấy con cụ thể, rõ ràng, không phí uổng cuộc đời tu hành của mấy con. Thời gian không lâu đâu mấy con, rất nhanh- 5 tháng trôi qua quá nhanh - nhưng mấy con nỗ lực thực sự, đúng đắn, thì bảo đảm kết quả của mấy con trước mắt mấy con. Thầy, sáu tháng mà thực hiện được; còn các con, có bảy tháng mà thôi, thế mà các con không nỗ lực!

Bây giờ tri kiến đã thông suốt lý nhân quả, các pháp vô thường và đồng thời xây dựng cho mình một nền tảng đạo đức nhân bản; như các con đã vừa nghe đọc đạo đức nhân bản xong, các con thấy từng phần của bài mà nói lên đạo đức của nó thì con người ai lại không thích sống đạo đức, thế tại sao chúng ta chê đạo đức để rồi chúng ta sống những gì? Đó, cho nên những điều mà Thầy khuyên răn các con: hãy cố gắng, cố gắng hơn nữa, để thực hiện trong năm tháng. Thời gian rất ngắn mà chúng ta đạt được là một hạnh phúc lớn!

(15:10) Nghĩa là những người hôm nay ngồi trước mặt Thầy chưa làm chủ được bệnh, chưa làm chủ được tâm, còn phiền não giận hờn, còn bao nhiêu điều tham muốn, chưa làm chủ được tuổi già, mấy con sẽ lụm cụm, mấy con sẽ quên trước quên sau, mấy con sẽ lẫn lộn, mấy con sẽ run rẩy bước đi không vững vàng. Mấy con chưa làm chủ được tuổi già đâu và mấy con cũng chưa làm chủ được bệnh, mấy con chỉ tác ý, nương vào pháp bằng ý thức lực đẩy lui được chút ít bệnh đau nhưng chưa làm chủ hẳn. Chừng nào làm chủ hẳn, trong ý các con khởi muốn thân không đau là thân sẽ không đau, đó là các con có Dục Như Ý Túc, nếu chưa có làm sao mấy con làm chủ được điều này. Nên phải nhiếp tâm và an trú, rồi tuần tự đẩy lui bệnh từng chút như người dụng pháp dưỡng sinh, khí công để trị bệnh, thì những phương pháp chúng ta sơ khởi thì cũng như phương pháp dụng khí công, nhân điện để trị bệnh mấy con mà thôi, thì có hơn gì những pháp dưỡng sinh ấy, có gì đâu.

Còn trái lại, pháp của Phật làm chủ bệnh. Nghĩa là thân chúng ta là thân vô thường, có sự thay đổi là có bệnh khổ, nhưng bệnh vừa bén mảng ý chúng ta khởi muốn không bệnh là ngay thân chúng ta không bệnh chứ không phải dùng pháp để đẩy lui bệnh. Các con thấy pháp Phật thật là vi diệu. Mấy con làm chủ được hơi thở chưa? Muốn sống chết hồi nào được chưa? Còn xa lắm. Xa lắm không có nghĩa là thời gian xa mà có nghĩa là mấy con tu tập sai pháp. Cho nên hôm nay các con đã học đúng pháp của Phật, trên Tứ Niệm Xứ, còn 5 tháng nữa phải làm chủ được sự sống chết, làm chủ được hơi thở. Nếu mấy con tu lơ mơ thì mấy con sẽ ở lại và Thầy sẽ ra đi, và muôn đời mấy con không còn người hướng dẫn.

Thầy nói thẳng nói thật, cuộc đời của Thầy đến đây Thầy đã đem hết sức lực của mình lo cho loài người được hạnh phúc. Bằng cách mấy con tiếp nối ngọn đuốc của Thầy, Thầy biết rằng mình sẽ không bao lâu và sẽ ra đi, mà nếu mấy con không nỗ lực, Thầy đi rồi ai là người nối tiếp ngọn đuốc, các con biết không? Thầy đâu cần danh, đâu cần lợi trong thế gian này, Thầy chỉ cần có người thay Thầy làm công việc. Từ bộ sách Đạo Đức này các con sẽ được mọi người kính trọng, bộ sách Đạo Đức này các con không phải viết mấy tép như thế này đâu.

(17:57) Thầy rất ca ngợi một thời gian ngắn trong một tuần lễ mà mấy con viết như thế này, thiệt ra tập trung hết sức lực mình mà viết, chứ nếu mà ít mấy con không viết được như thế đâu. Các con thấy từng xấp giấy như thế này, từng trang chữ như thế này mấy con viết cả tuần lễ chứ đâu phải ít. Có nhiều khi mấy con phải chép đi chép lại rất nhiều lần, mồ hôi công sức của mấy con đổ vào sự tu tập Định Vô Lậu rất là kiên cố, không tiếc một chút nào. Thậm chí có người viết cả nặng đầu, nhức óc vẫn nỗ lực tu tập. Nhưng hôm nay còn phải cố gắng hơn nữa để thực hiện làm chủ được sự sống chết: "muốn đi hồi nào là đi, muốn sống hồi nào là sống".

Cho nên ở đây Thầy kêu gọi tha thiết các con hãy nỗ lực, đừng vì vui, đừng vì nghĩ mấy con còn trẻ tuổi, sống còn dai. Chưa đâu mấy con, sống còn tuổi còn dai, còn trẻ tuổi mà sống không đạo đức thì có nghĩa lý gì, các con nên nhớ phải sống có đạo đức. Đạo đức không làm khổ mình, khổ người. Mấy con nói chuyện là làm khổ những người đồng tu, mấy con nói chuyện là làm khổ cho mấy con tu không được, mấy con có biết không? Cho nên nhớ những lời Thầy dạy, vì thương mấy con mà Thầy răn dạy, vì thương mấy con mà Thầy không nề tiếng nói khô họng, rát cổ (để) kêu gọi mấy con từng chút, thế mà mấy con không thấy.

Cô Út, khi những người làm công, họ làm sơ có hai cánh cửa, họ (làm) suốt một ngày để rồi họ ăn tiền của Phật tử như vậy sao, cô Út phải đem công ra mà cuốc mà làm đường. Mấy con động lòng thương cô Út mấy con đến tiếp với cô Út. Thật sự ra mấy con thương cô Út là phải. Cô Út nghĩ làm sao cho mấy con được con đường đi nhẹ nhàng, dễ dàng thì phải ra công làm, sức cô Út cũng già cả, vì thương mấy con có chỗ đi kinh hành để phá hôn trầm, thùy miên. Cô Út còn lo xây dựng khu dưỡng lão cho các cụ, các bác lớn tuổi về đây được an dưỡng và được học khóa tu tập để tâm an ổn trước khi ra đi mà không khổ sở. Cô Út đang lo khu an dưỡng cho những người già thì mấy con biết rằng cô Út cũng đem hết sức lực của mình trong tuổi già, vừa lo cơm nước, nghe nói thế này thế khác thì vừa làm điều này thế này thế khác. Mặc dù Phật tử ở thành phố họ trợ giúp rất lớn cho chúng ta có một bữa cơm mà không cực khổ cô Út nhiều.

(20:47) Cho nên ở đây chúng ta hãy cố gắng thực hiện, còn 5 tháng nữa phải đạt được để đền đáp công ơn của mọi người. Từng lộ trình đi kinh hành, từng khu chung cư của bên nữ hôm nay các con thấy các thất khang trang đẹp đẽ, đường xá không còn lầy lội như trước nữa là công của ai, là sự điều khiển của ai. Các con thấy ngày xưa khu nhà bếp của nữ mà hôm nay trở thành những ngôi thất khang trang cho mấy con ở thì mấy con phải biết tu tập như thế nào để đền đáp công ơn ấy. Các con thấy việc làm còn nhiều, còn nhiều việc làm mà cô Út phải gánh vác. Gánh vác không những riêng ở trong nội bộ mà còn đối mặt ở ngoại viện, nghĩa là muốn bảo vệ được sự yên ổn phải làm sao để cho mấy con được yên ổn tu, mấy con có biết công lao không, rất là khổ!

Thầy lo lắng từng phút giây, mong sao mấy con đạt được để nói lên tiếng nói của Phật pháp, để thắp sáng lên ngọn đuốc đạo Phật ngày một sáng tỏ hơn. Thế mà mấy con cứ mỗi lần vui chơi, nói chuyện, tiếp duyên nhau mấy con đã làm Thầy mất hi vọng ở các con. Các con đã bỏ hết cuộc đời về đây, còn gì nữa mà vui mấy con. Chỉ cái vui của chúng ta là cái vui của nhân loại, cái hạnh phúc của chúng ta là cái hạnh phúc của nhân loại, của mọi người chứ không phải còn chúng ta nữa. Chúng ta không vui sướng gì cho bản thân của chúng ta nữa mà chúng ta hãy vui vì thấy nhân loại vui, chúng ta hãy vui vì thấy sự sống của muôn loài trên hành tinh này đang sống trong yên vui, bình an, hạnh phúc. Đó là chúng ta vui mấy con.

(22:32) Thầy ước ao rằng những lời nói của Thầy còn mãi mãi, vang mãi muôn đời để nhắc nhở con cháu chúng ta sống mãi trong tình thương. Hiện giờ mọi người chúng ta đang còn ở ác pháp thì đó là những lỗi lầm, chúng ta phải thương họ, đừng vì một lý do gì mà chúng ta lại nổi lên phiền não tức giận, buồn phiền, mấy con. Hãy thương tất cả, thương như ông Phú Lâu Na đã thương mà Thầy đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều. Vậy Thầy mong rằng những đứa con trước mặt Thầy là những ông Phú Lâu Na sau này, là người đệ tử của Phật và mấy con là những người đệ tử của Thầy, là những đứa con của Thầy, là những ông Phú Lâu Na. Hãy thương! thương tất cả những người, mấy con! Chỉ có tình thương mới đem lại sự bình an và hạnh phúc cho mình, cho người. Còn chúng ta có sự gì ghét cay đắng trong lòng là chúng ta đã tự diệt mình và tự diệt người, mấy con nhớ chưa?

4- CÁC CẢNH GIỚI LUÂN HỒI LÀ GÌ?

(23:37) Câu 3: “Như Thầy dạy, sáu cảnh giới luân hồi chỉ là trạng thái Trời, Người, Atula, Ngạ quỷ, Súc sinh…​”.

Trong cuộc sống hàng ngày mỗi người đều lãnh thọ, cảm nhận đầy đủ trạng thái đó như buồn, vui, no, đói, khỏe mạnh, ốm đau v. v …​ Như vậy địa ngục đâu có đợi khi chết mà địa ngục luôn ở trong ta và luôn được diễn ra trong từng giờ, từng phút, từng giây.

“…​ Như trong kinh Pháp cú đức Phật dạy, những kẻ tạo ác nghiệp khi lâm chung sẽ đọa địa ngục, chảo sôi. Vậy Thầy hãy cho con rõ điều này”.

Đức Phật dạy trong kinh rất rõ ràng, là những người tạo ác nghiệp khi lâm chung thì hiện tượng của họ đó là cận tử nghiệp. Câu kinh Pháp cú này đức Phật đã xác định địa ngục của những người làm ác là cận tử nghiệp. Còn chúng ta nói về quy luật của nhân quả, làm ác là nhân ác là có quả ngay liền và tiếp tục tái sanh ngay liền những nhân quả.

Còn câu kinh Pháp cú này đối với mấy con chỉ hiểu quá cạn cợt, tưởng rằng đức Phật nói mới chết là sẽ lâm chung (đọa) địa ngục, không phải. Các con sẽ thấy một người mà làm ác lâm chung sẽ đọa địa ngục, tức là từ chỗ làm ác cho đến khi cận tử nghiệp, trong giờ phút sắp chết họ sẽ đau khổ vô cùng. Là tại sao vậy? Các con có thấy những người làm đồ tể giết hại chúng sanh không, khi sắp sửa chết họ như thế nào không? Các con thấy những điều đó, bằng chứng cụ thể trong cuộc sống của chúng ta, những người giết người, những người là những đao phủ khi họ chết họ như thế nào các con biết không?

Đây câu kinh Pháp cú đức Phật nói: “Lâm chung sẽ đọa địa ngục và đồng thời những người ác đó luôn luôn tiếp tục tái sanh trong cảnh giới đau khổ luôn luôn”.

(25:50) Các con có thấy những người sinh ra nằm lê liệt, từ tuổi nhỏ chỉ lớn mà bây giờ có những trẻ em nằm lê liệt không? Đó là những người ác mà đã ở trong địa ngục mãi mãi, tái sanh còn ở trong những bệnh trạng đau khổ. Cái thân này sanh ra luôn luôn bị đau bệnh, đó là địa ngục của câu kinh Pháp cú này. Nghĩa là cận tử nghiệp và cận tử nghiệp đó tái sanh làm người, làm vật đều bị bệnh tật khổ đau. Cho nên đó là trạng thái địa ngục và đồng thời địa ngục luôn luân hồi, chữ luân hồi của đức Phật đây không phải đợi chúng ta chết mới luân hồi mà chúng ta đang luân hồi từng phút từng giây, từng sát na. Bây giờ thanh thản, một lúc có sân hận thì ngay đó luân hồi Atula, một lúc có đói khát là Ngạ quỷ, một lúc đau bệnh, đau nhức làm cho chúng ta khổ sở đó là Địa ngục, luôn luân hồi. Chữ Luân hồi có nghĩa là luôn luôn vô thường, thay đổi, bây giờ bình an một lúc nữa không bình an, gọi là luân hồi. Các con hiểu chữ Luân hồi, chứ không phải luân hồi đợi chết rồi mới luân hồi, nghĩa cạn cợt, các con hiểu nghĩa đó là nghĩa cạn cợt, nghĩa đen, không phải là nghĩa bóng, nghĩa rõ ràng.

(27:14) Đạo Phật một chữ nhiều nghĩa, mà chỉ có người tu mới hiểu được nghĩa, mới giải thích được trọn vẹn. Còn người không tu thì mới nói có cảnh địa ngục, khi lâm chung mới đọa xuống địa ngục. Nơi đó có vua Diêm vương, có Ngưu đầu Mã diện bắt họ, mới cưa hai hoặc là đốt thiêu hoặc là mổ xẻ. Những điều đó các con thấy có chứ không phải không, mỗi lần mà chúng ta bị sốt như ai đốt, có phải không? Mỗi lần mà chúng ta bị sốt rét lạnh từ trong xương sống lạnh ra làm chúng ta như ở núi băng, có phải không? Những trạng thái địa ngục mà được xây dựng qua kinh sách của Đại thừa, nó tưởng tượng ra, nhưng chúng ta nhớ rằng khi chúng ta cảm nhận thì như ở trong núi băng chứ gì, khi chúng ta đang cơn sốt thì như ở trong núi lửa chứ gì.

Rõ ràng là chúng ta đang sống trong khổ đau của địa ngục, thì ở đây địa ngục là cái nơi mà chúng ta đau khổ, bệnh tật, đó là địa ngục. Cho nên câu kinh Pháp cú ở đây là chỉ cho cận tử nghiệp để tiếp tục sống trong những thân khác đều là thân bệnh đau. Cho nên những người sanh ra mà bệnh đau, bệnh ngặt nghèo, những đứa trẻ mà sanh ra nằm lê liệt như vậy đều là ở địa ngục cả hết. Vì vậy mà chúng ta có thiện có ác, cho nên nó chuyển biến. Chứ nếu mà toàn ác thì chúng ta luôn sống trong địa ngục, không có giờ an ổn.

Đó là trả lời những câu hỏi của con khi mà suy ngẫm cho kỹ, hỏi lại cho Thầy như vậy mới biết rằng câu kinh của đức Phật dạy hiểu nghĩa như thế nào đúng và hiểu nghĩa như thế nào sai. Cho nên như hồi nãy hỏi lại Thầy cái câu trong Những Lời Phật Dạy để biết pháp chúng ta tu đúng, pháp tu không đúng, lúc nào cần cứu khổ chúng sanh, mà lúc nào không cần cứu khổ chúng sanh. Do chúng ta tu pháp đó phải thực hiện đúng pháp, nếu không thì sai pháp. Cũng như câu kinh nào để hiểu rõ nghĩa, để thực hiện được sự giải thoát thì mấy con cần phải hỏi lại Thầy kỹ lưỡng để Thầy giải thích để hiểu biết cho rõ ràng mà chúng ta tu tập cho có kết quả.

5- NHIẾP TÂM TRONG PHÁP THÂN HÀNH NIỆM

(29:53) Thầy sẽ trả lời tiếp tục: “Con tu Chánh Niệm Tỉnh Giác, đi 40 bước một phút, mặc dù có niệm xen vào, có khi không niệm, có khi có niệm nhưng đều tỉnh thức ở trên đó gọi là nhiếp tâm”.

Nhiếp tâm nhưng mà mình vẫn biết được những cái niệm mình thì đó là nhiếp tâm, còn có niệm là chưa an trú được. Cho nên trong vấn đề mấy con hôm nay là Thầy bảo tu là bảo tu một phút mà thôi. Mà một phút có niệm là mấy con chưa an trú được trong một phút mà chỉ mới nhiếp tâm được mà thôi, nhớ kỹ điều đó. Còn khi mình đi kinh hành, trong 5 bước thì cái sức của mình nhiếp tâm và an trú được trong 5 bước, như vậy mình chưa đủ là một phút. Bây giờ chỉ cần cố gắng tập như thế nào, khi mình tập Chánh Niệm Tỉnh Giác đi thì phải một phút nhiếp tâm và an trú. Và ngồi hơi thở hít thở thì một phút cũng nhiếp tâm và an trú cho được 1 phút. Chỉ tu 1 phút thôi, đừng tu nhiều, chỉ cần 1 phút mà thôi.

Trong cái thời mà tu Thân Hành Niệm là tu cái lệnh chứ không phải là tu cái chỗ có niệm hay không niệm, tu cái lệnh, đừng quên cái lệnh. Hễ mình truyền lệnh là mình đưa tay ra, truyền lệnh mình đưa tay vào, theo cái lệnh. Chừng nào cái lệnh đó trở thành Tứ Thần Túc, nghĩa là Tứ Thần Túc là nó có lệnh, chỉ toàn cái lệnh mà chúng ta sai bảo thân tâm của chúng ta. Cho nên pháp Thân Hành Niệm là pháp truyền lệnh chứ không phải pháp ức chế cho hết vọng tưởng.

(32:06) Nhưng chúng ta tu mà không vọng tưởng thì cũng tốt, mà có vọng tưởng thì cũng không sao. Đối với chúng ta vì có vọng tưởng là chúng ta biết rằng pháp Định Vô Lậu, pháp Thân Hành Niệm chúng ta chưa viên mãn, chưa sung mãn cho nên còn niệm. Cho nên chúng ta trở lại về cái pháp Tứ Niệm Xứ để thực hiện, còn pháp Thân Hành Niệm chẳng qua là thực hiện lệnh mà thôi, thực hiện Tứ Thần Túc mà thôi, chứ không phải nó nhiếp phục ức chế tâm không vọng tưởng. Còn muốn tâm không niệm khởi thì chỉ có pháp Tứ Niệm Xứ tâm mới không niệm khởi. Còn nếu mà tu bất cứ một pháp nào khác chúng ta đều bị ức chế tâm, và như vậy chúng ta sẽ rơi vào định tưởng, tức là sai pháp.

Nghĩa là nhiếp tâm trong hơi thở, nhiếp tâm trong bước đi, nhiếp tâm trong pháp Thân Hành Niệm, nhiếp tâm từ 30 phút, 1 giờ, 2 giờ mà không niệm là chúng ta đã bị ức chế tâm. Trái lại muốn không niệm khởi thì chúng ta ở trên Tứ Niệm Xứ mà thực hiện tâm thanh thản, an lạc, vô sự, bất động trên đó, luôn dùng Định Vô Lậu xả tâm để không niệm thì đó là chúng ta tu đúng. Còn dùng Định Niệm Hơi Thở, Chánh Niệm Tỉnh Giác hoặc Thân Hành Niệm mà nhiếp tâm cho hết vọng tưởng từ 2 phút trở lên 30 phút, 1 giờ, 2 giờ mà không vọng tưởng thì mấy con tu pháp ức chế tâm. Trừ ra 1 phút mấy con nhiếp tâm và an trú tâm để làm căn cứ điểm tâm tỉnh giác, còn nếu tu hơn thời gian đó thì mấy con sẽ bị ức chế tâm.

Nhớ kỹ những lời Thầy dạy, không khéo chúng ta sẽ ức chế tâm chứ không phải xả tâm. Mục đích của đạo Phật là xả tâm, ly dục ly ác pháp chứ không phải ức chế tâm. Cho nên muốn xả tâm thì phải ngay từ trên Tứ Niệm Xứ mà xả tâm.

6- PHÒNG HỘ SÁU CĂN

(34:37) Con nói rằng: "có ngày tu tập thì niệm khởi liên tục". Những sự khởi liên tục ấy là do tâm con chưa có tu Tứ Niệm Xứ cho nên chưa biết cách xả tâm, và đồng thời chưa biết cách áp dụng đúng pháp Định Vô Lậu. Tức là triển khai, mấy con chưa đủ sức để mà xả mà cũng chưa biết áp dụng vào, cho nên tâm con bị động, bị khởi niệm rất nhiều. Hoàn cảnh xảy ra một điều gì mà có Định Vô Lậu thì các con phải dẹp ngay liền, không bao giờ có niệm khởi trong tâm mấy con. Trái lại khi mấy con chưa biết áp dụng mà chỉ học nói như một con vẹt thì các con sẽ bị niệm khởi lăng xăng. Trái lại nếu mấy con biết áp dụng những điều mấy con học trong Định Vô Lậu thì niệm sẽ không còn tác dụng được đến tâm con, nghĩa là không còn khởi niệm được. Bởi vì mỗi niệm đến đều bị tri kiến của con đón và quét ra, không bao giờ còn tác động được tâm con.

Cho nên trong lúc đang tu Tứ Niệm Xứ thì niệm rất nhiều mà các con có phương pháp, có tri kiến thì các con chẳng hề sợ, do đó 5 tháng sau thì mấy con sẽ thấy rằng không niệm. Còn bây giờ thì mấy con đang có niệm và có niệm nhiều hơn nữa.

(36:04) Trong hoàn cảnh xảy ra xung quanh bạn bè của mình, người tu như thế này, kẻ tu như thế khác, bỗng dưng trong nghe trong thất người đó tác ý “Hôn trầm thùy miên phải cút đi, ở đây không được vào đây”, mà la lớn rồi bằng từng hành động đưa tay ra, đưa tay vào, đưa chân lên, đưa chân xuống thì mấy con nói rằng sao người đó la lối mình nhiếp tâm không được, mà cứ la lối. Các con nên nhớ rằng khi người ta la lối vậy là người ta đang tu, mình nên thương xót họ đang bị hôn trầm thùy miên đó. Và đồng thời tại sao mình lại chướng ngại pháp đó? Trong khi có pháp đó mình phải nỗ lực “Tai phải quay vô, phải nghe bước đi, phải nghe từng tâm thanh thản, tại sao lại nghe tiếng tác ý của kẻ khác làm gì?

Đó thì lúc bấy giờ chúng ta phải nỗ lực, khi mà có tiếng động vậy chúng ta nỗ lực, tại sao chúng ta lại chướng ngại? “À phải chi như thế này tôi đổi cái thất lại kia cho nó yên chút tôi tu, ở đây sao mà la quá trời tôi làm sao tôi tu? ” Cái điều này mấy con đã sai mất đi mấy con, có ác pháp, có chướng ngại pháp, có pháp tại sao lại trốn chạy. Mấy con có pháp chứ, Thầy dạy mấy con có pháp chứ, tại sao mấy con trốn chạy? Phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng con ở đâu; pháp Như lý mấy con ở chỗ nào mấy con trốn chạy, người ta làm gì mặc người ta, tại sao mình lại để chướng ngại tâm mình?

Cho nên mấy con phải dùng pháp Như Lý Tác Ý mà tác ý “Tai phải quay và; nghe tâm thanh thản, an lạc, vô sự; nghe từng tâm niệm của mày không được nghe ra ngoài”. Mỗi lần bên kia tác ý thì bên này tác ý, hai bên đều đấu tranh coi bên nào thắng, có gì đâu. Bên kia người ta thắng hôn trầm, bên đây thì mình thắng ác pháp chứ gì, có gì đâu. May có ác pháp để chúng ta thực hiện, hàng ngày tác ý liên tục để đấu tranh từng tâm niệm, từng chướng ngại pháp đang tác động vào tâm thì đó là tu tập chứ gì, mà con đi tìm cái thất khác, đi tìm cái chỗ khác để yên tu thì mấy con là tu sai hết rồi. Mấy con tránh né, tránh né ác pháp sao.

(38:24) Các con mang trong thân các con một ác pháp, một cái nghiệp trong thân của con quá là nhiều, các con trốn chạy khỏi không? Các con đi tới đâu mang nó theo tới đó à, có lúc nào mấy con bỏ nó được đâu. Cho nên sự trốn chạy không phải là sự tốt của người tu mà trực tiếp ngay chỗ tu tập người ta nói gì, người ta làm gì, người ta chửi mình, người ta mắng mình, mình còn khởi sự thương xót, huống hồ là mình thấy người bạn mình đang hôn trầm, đang tác ý mà mình muốn tránh né - mình nói "sao người này làm động quá vậy!", như vậy là mình là như thế nào? Mình có biết pháp chưa? Biết pháp tại sao lại tránh né, đó là những điều sai!

Hôm nay con đã nghĩ được, đã nghe được, đã hiểu được tất cả những ác pháp bên ngoài tác động vào tâm con. Con biết con xả con được an ổn và con biết ơn những người làm ra những ác pháp đó để chúng ta xả tâm. Người ta làm ồn náo, người ta nói chuyện nhau các con đừng trách họ mà chúng ta hãy lo tu cho mình. Họ làm động thì rất đáng thương họ, chúng ta hãy thương họ, đừng có ghét họ. Nhiều khi mấy con cứ nghĩ rằng hai người này cứ nói chuyện hoài tu tập không được, phải chi nói cô Út cho họ đi chỗ khác cho rồi. Sự thực ra đối với Thầy, người nào nói chuyện, người nào làm động thì người đó chịu, còn riêng mình mình lo thân phận mình, mình hãy cứu mình. Và đồng thời có những điều làm động mình thì mình phải phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng; mình có pháp phòng hộ rồi, các con có pháp phòng hộ.

(40:00) Khi đi khất thực mấy con nhắc “Mắt ngó xuống, đừng nhìn qua nhìn lại”, đó là phòng hộ mắt chứ gì. Khi có nghe tiếng động, có gì đó “Tai nghe vô trong thân, nghe bước đi, đừng nghe ra ngoài”, tức là phòng hộ chứ gì. Mà cái ác pháp nó cứ đập vô hoài thì tác ý hoài, thử coi ai hơn, mấy con tác ý lia lịa thì coi ai thắng, có phải không? Chứ mấy con tác ý một câu rồi cứ ngồi lắng nghe người ta thì mấy con tu cái kiểu gì kỳ vậy? Trong khi ác pháp thì ào ạt nó tác động vô tâm, mà ngồi đây mà tác ý bảo "lỗ tai quay vô, đừng có nghe" rồi cứ ngồi đó lắng nghe; trời đất, tu gì kỳ vậy! Bảo nó đừng có nghe thì phải tác ý hoài chứ, bây giờ nó còn đang tác động đây thì mình phải tác ý “Tai đừng nghe, quay vô, tai đừng nghe, quay vô”, thì lúc bấy giờ mình tác ý như vậy thì nó có nghe được bên ngoài không mấy con? Biết áp dụng chứ, học hành gì, tu hành gì mà không biết áp dụng?

Bây giờ là lúc ác pháp tác động thì luôn luôn lúc nào cũng phải tác ý, tác ý không kẽ hở để cho ác pháp tác động không được. Như vậy một lúc nào đó mình tác ý mình thấy hoàn toàn bên ngoài không tác động được tức là ý của mình nó quay vô rồi, tai của mình nó quay vô rồi, nó không nghe bên ngoài thì sự thật ra mình đã có đạo lực rồi. Còn nó càng nghe thì phải ôm pháp chứ sao.

Thầy đã từng nhắc các con ôm phao vượt biển, phải không mấy con thấy rõ ràng à. Bây giờ là sóng gió ba đào, nó đang nói chuyện, nó đang tác ý nó đuổi cái hôn trầm, nó làm cái thất mình ở gần bên nghe trời ơi nó chát chúa lỗ tai mà ngồi nhiếp tâm, bảo nó an trú nhiếp tâm làm sao được. Bây giờ lúc này là không còn nhiếp tâm an trú nữa mà chỉ còn pháp phòng hộ lỗ tai, các con nghe chưa? Vậy thì phòng hộ lỗ tai các con tác ý một câu rồi ngồi lắng nghe người ta à, như vậy là phòng hộ cái gì, có phải không? Các con tu như vậy là sai, phải biết áp dụng, phải biết thiện xảo chứ. Mình tác ý hoài cái lỗ tai mình mắc nghe mình tác ý đây làm sao nó nghe bên ngoài được thì nó làm sao mà nó lắng nghe ở bên ngoài, mấy con phải hiểu cái chỗ tu tập.

(42:08) Đó thì hôm nay có những câu hỏi, Thầy nhắc nhở để chúng ta biết cách phòng hộ. Sự thật phòng hộ mà có pháp như lý, tuyệt vời mấy con! Không có một ác pháp nào tác động vô chúng ta. Hôm rồi có cái đám ma ở gần đây, kèn trống suốt đêm, thầy chùa tụng kinh như là mấy ông hát bội, làm cho chúng ta động tâm vô cùng. Nhưng mà chúng ta phòng hộ chứ, bây giờ đâu phải là tu nhiếp tâm và an trú tâm được, đâu phải bây giờ là lúc ngồi đây mà để tu Tứ Niệm Xứ được. Ở bên ngoài kèn trống nó đập hoài, giọng tụng kinh niệm Phật của cái ông thầy chùa trời đất ơi nghe nó làm sao, nó như người ta ca hát giọng cao giọng thấp. Làm sao bây giờ đây, phải phòng hộ cái lỗ tai chứ. Thì phòng hộ mấy con bây giờ ở ngoài đó nó đờn ca bao nhiêu thì trong này mình cũng tác ý bấy nhiêu chứ, thì như vậy mấy con mới phòng hộ được chứ. Chứ không khéo mấy con đâu có phòng hộ được, các con hiểu chưa?

Cho nên vì vậy mà chúng ta ở đây xung quanh đều có ác pháp. Chúng ta chạy trốn “Ôi bây giờ sao tôi ở gần cái thất này quá, nghe sao nó đờn ca quá, thôi tôi chạy ra ngoài kia tôi tu”, như vậy mấy con trốn chạy chứ mấy con có dùng pháp đâu, nó không có kết quả đâu mấy con. Cho nên chúng ta thực hiện ngay cái ác pháp nó đang đánh chúng ta. Cũng như bây giờ trong thân chúng ta có người hỏi “Sao thân chúng ta nó đau như thế này thì con tác ý rồi con không có tu được các pháp khác thì con có kết quả gì không? ” Không, chính nó đang đau đó là mấy con đang tu đó là mấy con đã có kết quả đó, hơn là mấy con tu Tứ Niệm Xứ.

Bởi vì tu Tứ Niệm Xứ như thế nào: “Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu”. Bây giờ thân các con đau nhức, đây là cái trường hợp giặc sinh tử nó đánh mình rồi, nó làm cho thân mình không có an lạc cho nên mình đưa cái phương pháp tác ý ra, dẹp nó bằng cái phương pháp đưa cánh tay hoặc hít thở của mấy con. Thì mấy con tu suốt ngày suốt đêm thử con cái bệnh đó còn tác động được mấy con không? Hay hoặc là mấy con chạy vô uống thuốc? “Ôi thôi đau quá để chạy vô uống thuốc, ăn thêm chút gì đó để không đây nó xót ruột chết thì làm sao? ” Như vậy mấy con học vô thường là vô thường chỗ nào mấy con? Chúng ta áp dụng được vô thường không? Cái thân vô thường bộ tiếc nó quá à? cho nó chết đi cho rồi chứ ở đây mà tiếc!

Cho nên vì vậy bây giờ chỉ còn pháp mà đánh lại giặc mà thôi, giặc sinh tử mà. Cho nên biết pháp rồi thì Thầy thấy thiệt là hạnh phúc vô cùng, biết cách chiến đấu rồi thì còn gì nữa mà đầu hàng. Thầy nhắc nhở mấy con rất là tận tình những điều kiện để áp dụng chiến đấu giặc sinh tử của mấy con, thì có chỗ nào là mấy con thua đâu. Mấy con sẽ là người dũng sĩ, người chiến thắng.

(44:53) Còn về cái tội mà hay buồn ngủ thì quá dễ, không có khó gì. Mấy con cứ chặt một cái roi tầm vông vầy đi, rồi tự tay mấy con đánh cho nó đau. Thật sự ra mấy con đánh cho nó nổi lằn bằm như thế này đi, rồi nó sẽ hết, đừng có sợ. Mấy con đi kinh hành mấy con lười biếng quá, cho nên vì vậy mấy con rút cái roi mà ních nó: “Tao bảo đi kinh hành, không có được ngồi đây mà gục”, thì mấy con trị nó mấy roi à, quất cho nó 3 roi, mà quất thẳng tay, đừng có nhờ ai hết, chỉ mình đập mình mà thôi, thì một lần nó tởn tới già. Bởi vì mình mà bị hôn trầm nữa thì tự nó đập nó chứ có ai đâu, thì coi chừng mà chết với nó.

Cho nên vì vậy mà Thầy nói rằng Thầy bảo mấy con sắm cây tầm vông hoặc là cây gì đưa Thầy đánh nhưng thiệt ra Thầy không nỡ đánh mấy con đâu. Nhưng mà mấy con là người thấy lỗi, mình lỗi mình phải tự trị mình thì cái đó nó mới hết. Còn Thầy có đánh các con một ngàn roi đi nữa mà các con cũng không có hề hấn, mấy con chỉ lỳ chịu đau đó thôi rồi nó cũng vậy thôi. Nhưng mấy con tự phạt mấy con, đó nó mới có giá trị rất lớn của sự tỉnh thức.

Cho nên về hôn trầm thùy miên, nếu mà nó siêng năng nó đi thì thôi, mà nó lười biếng nó muốn đứng lại nó ngủ, thì rút cây roi mà quất nó mấy roi thử coi. Con thấy con ngựa chứng người ta đánh nó còn phải chạy mà, có phải không? Mấy con thấy xe ngựa hồi xưa không, mấy con ngựa chứng đó, nó quất mấy cây mấy roi con ngựa phải chạy bay thôi, nó hoảng chứ đâu phải không. Con người mình cũng là như con ngựa chứ có gì, cho nên chúng ta mượn ngựa mà đi Tây phương mà. Cho nên đánh nó thẳng tay đi rồi nó sẽ trị hết.

Đó là những cái điều mà tu tập chúng ta phải gan dạ, bởi vì các con đã học các pháp vô thường. Các con nói hay lắm, vô thường hết rồi, không có gì hết, mà hở chút thì nó thường, có phải không mấy con? Bởi vậy nó thường cho nên đâu có dám đánh nó đâu, sợ nó đau. Cho nên ở đây mấy con phải gan dạ, phải nỗ lực, phải thực hiện cho được.

Bây giờ ở đây cái lớp của chúng ta mấy con thấy cái thời gian còn 5 tháng nữa, nó không có còn lâu đâu. Cho nên khi mà tu tập thì mấy con phải nỗ lực hết mình để tu tập. Thầy biết các con rất là cố gắng hết sức bởi vì mấy con tuổi trẻ mà 5 tháng nữa mấy con còn trẻ chứ chưa hết đâu, nếu mà tu không được mấy con cứ ra đời đi, Thầy để cái lớp khác (47:43…​không nghe rõ). Còn nếu mấy con nghe lời Thầy mấy con tu mấy con sẽ thấy lợi ích rất lớn. Thầy bảo đảm mấy con thực hiện cho đúng cách hẳn hòi, hôm nay là tháng thứ 3 mấy con áp dụng cho đúng cách, nghĩa là tu Tứ Niệm Xứ nhiều…​

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy