00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

CK 044 (NAM) - PHỤC HỒI TRÍ NHỚ - ÁP DỤNG TRI KIẾN VÀO TỨ NIỆM XỨ - VẤN ĐẠO TỨ CHÁNH CẦN TRÊN TỨ NIỆM XỨ - THÂN HÀNH NIỆM

CK 044 (NAM) - PHỤC HỒI TRÍ NHỚ - ÁP DỤNG TRI KIẾN VÀO TỨ NIỆM XỨ - VẤN ĐẠO TỨ CHÁNH CẦN TRÊN TỨ NIỆM XỨ - THÂN HÀNH NIỆM

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu sinh (nam)

Ngày giảng: 01/01/2006

Thời lượng: [42:57]

1. PHỤC HỒI TRÍ NHỚ

(00:00) Trưởng lão: Con lớn tuổi rồi, cái trí nó hay quên. Bây giờ ngồi đây, định - mình đi ra nhà sau mình lấy cái hộp quẹt, rồi đứng dậy đi xuống đó không biết lấy cái gì, đứng ngơ ngẩn quên mất không biết lấy cái gì? Thì lớn tuổi rồi cái trí nhớ nó hay quên.

Thì mình phục hồi lại bằng pháp Như Lý Tác Ý. Mình biết cái trí của mình nó như vậy thì mình nhắc: “Cái trí phải nhớ, không có được quên, bây giờ phải phục hồi trở lại!”. Mình nhắc nó, để cái trí của mình nó phục hồi trở lại.

Rồi mình bảo: “An tịnh thân hành, tôi biết tôi hít vô; an tịnh thân hành, tôi biết tôi đang nghĩ gì”. Bởi vì cái thân của con nó già rồi, cái trí nó không còn nhớ, nhớ đây rồi cái bước ra cái nó quên. Đó là cái trí của mình nó lớn tuổi, nó cùn nhụt rồi, nó không còn nhớ như hồi xưa nữa, nó dễ quên lắm!

Cho nên vì vậy con phục hồi lại: “Cái trí không có được quên, phải nhớ! Tất cả mọi sự kiện gì xảy ra đều là phải nhớ hết, không được quên!”. Con nhắc như vậy, sau đó con muốn lấy gì đó con đi tới đó, con còn nhớ trong đầu con hoài. Bởi vì mình phải nhắc để cho nó phục hồi lại, nó phục hồi những cái phần tế bào thần kinh; những tế bào mà nó cằn cỗi quá rồi, nó phục hồi lại; nhờ cái pháp Như Lý Tác Ý mà nó phục hồi lại.

Cho nên con biết - có nhiều người, người ta già mà người ta không lẫn lộn là tại cái trí của người ta nó tươi nhuận, nó còn khỏe, nó không có như con. Con thấy như con là suy sụp rồi đó, suy sụp về cái trí nhớ! Rồi sau đó nó suy sụp rồi tới khi mà con còn cái tuổi thọ còn kéo dài nữa, nó quên đó con - ăn vừa rồi nó tưởng chưa ăn, cho nên vì vậy mà nó quên hết à!

(01:50) Theo Thiền tông thì cho nó là vô phân biệt. Chẳng hạn như con đi tắm rồi cái con để trần truồng đi vô luôn, quên mặc quần áo luôn - nó quên vậy đó, thì tới đó là vô phân biệt thiệt rồi! Nó không phân biệt là mình ở truồng hay mặc quần áo; ăn rồi cũng quên luôn, cũng không nhớ là mình ăn chưa nữa? Nó tới cái chỗ mà nó quên vậy đó, gọi là vô phân biệt.

Nhưng mà vô phân biệt là nó không phải là còn con người nữa - nó là một cái cây, cái cỏ gì đó không có biết nữa. Cho nên con người phải phân biệt, mà cái trí nó lẫn lộn nó quên rồi đó thì mình phải phục hồi nó bằng cái phương pháp Như Lý Tác Ý. Mình tác ý nó riết thì nó phục hồi lại; nó bền chí, mặc dù nó già.

Cho nên vì vậy, cái người mà sống tâm thanh thản - an lạc - vô sự - người ta thường nhắc: “Tâm thanh thản - an lạc - vô sự; an tịnh thân hành…​”, để cho khi mà tới chết, người ta giữ được cái con người mà bình thường không có quên - nó quắc thước, nó khỏe mạnh.

Cái pháp Như Lý Tác Ý nó quan trọng lắm! Cho nên vì vậy mà đức Phật dạy đó: “Ý làm chủ, ý tạo tác, ý dẫn đầu các pháp”. Mình dẫn nó vào cái tốt thì nó sẽ tốt, mà dẫn vào cái xấu thì nó xấu; dẫn vào cái ác thì nó sẽ khổ, mà dẫn vào cái thiện thì nó an ổn. Đó, thì con nhớ cái bài kinh Pháp Cú của Phật, đó là cái bài thực hành thật sự tốt mà! Cho nên cố gắng mà thực hành thì Thầy thấy quá tốt. Đó là những điều mà cần thiết!

2. ÁP DỤNG TRI KIẾN VÀO TỨ NIỆM XỨ

(03:25) Hôm nay, Thầy xin nhắc lại cho mấy con biết là chúng ta đã học 2 tháng rồi. Bữa nay là 1 ta (mùng 1 âm lịch) rồi con, tức là bắt đầu qua tháng thứ 3. Có phải không? Tháng Mười, tháng Mười Một, bữa nay là 1 ta tháng Mười Hai; tức là qua tháng thứ 3. Tháng thứ 3 thì tới bữa thứ Ba mấy con mới học; thì cái ngày đó mấy con phải bắt đầu áp dụng rồi đó!

Từ 2 tháng nay, mấy con triển khai cái tri kiến của mình. Sau đó thì tới cái tháng thứ 3 này thì bắt đầu mấy con áp dụng rồi đó! Áp dụng tới suốt 1 thời gian dài là 5 tháng, tức là đúng 7 tháng để thấy cái tâm mình xả làm sao mà nó xả cho đến khi mà thanh thản - an lạc - vô sự. Nghĩa là còn 5 tháng nữa, 5 tháng nữa áp dụng để xả. Để xả nghĩa là mấy con sẽ tu Tứ Niệm Xứ đó - mấy con giữ tâm thanh thản - an lạc - vô sự, có niệm nào thì mấy con dùng cái tri kiến đó, cái mà mấy con đã học được - mấy con xả.

Và đồng thời, trong lúc đó mấy con tiếp tục triển khai thêm về cái phần mà Định Vô Lậu. Phải không? Con thấy không? Tới áp dụng rồi đó! Tháng thứ 3 là tháng để cho mấy con áp dụng, mấy con sẽ áp dụng cái sự tu tập của mình. Nghĩa là mình học rồi, tuy rằng trong những cái bài học, nó triển khai cái tri kiến của mấy con thì ngầm trong đó mấy con có xả; nhiều ít thì mấy con vẫn có xả nó.

Nhưng mà bây giờ là áp dụng. Học rồi, áp dụng bài học của mình vào tâm niệm của mình, vào đời sống của mình, để cho mình hoàn toàn tâm bất động, đạt được mục đích của tâm bất động; nghĩa là không có ác pháp nào mà làm động tâm, không có tâm tham muốn, sân hận nào mà làm cho con động tâm được, bởi vì con có cái tri kiến đó.

Cho nên đức Phật nói: “Giới luật ở đâu là tri kiến ở đó, tri kiến ở đâu là giới luật ở đó”. Giới luật, tức là đức hạnh của mình, cho nên mình đã có những cái tri kiến, thì cái tri kiến đó làm thanh tịnh cho đức hạnh. Mà mình sống được ở trong đức hạnh thì nó làm cho cái tri kiến mình thanh tịnh - 2 cái nó bổ sung cho nhau.

Mà hôm nay, Thầy triển khai cho mấy con có cái tri kiến rồi, mấy con thấy bây giờ nhân quả mấy con hiểu sâu lắm! Mọi sự việc ở trong cuộc đời chúng ta đều là do nhân quả, từ mọi vật sanh ra cũng đều do nhân quả; mà hễ nhân quả là vô thường. Mấy con học bài pháp vô thường rồi mà, vũ trụ mấy con thấy có vật gì mà không vô thường, cho nên có cái gì mà thường hằng đâu? Mà thấy nó là vô thường thì biết là không có cái gì là của mình hết: “Không có cái gì của ta, là bản ngã của ta”.

(05:56) Rõ ràng mấy con đã hiểu rồi, hiểu rồi phải áp dụng chứ không phải hiểu rồi để mà chơi! Hiểu để mà hiểu thì không có lý! Hiểu để mà áp dụng vào đời sống để được giải thoát, cái này là quan trọng! Mà nếu như vậy là phải có phương pháp tu; áp dụng thì phải có phương pháp tu chứ! Cho nên vì vậy mà áp dụng vào Tứ Niệm Xứ.

Phương pháp Tứ Niệm Xứ các con thấy không? Thầy dẫn dắt mấy con đi từ từ mấy con sẽ thấy rõ ràng; càng lúc mấy con thấy phương pháp của Phật nó thực tế, nó cụ thể; nó đem đến cho chúng ta 1 đời sống giải thoát thật sự! Mà nếu trong 5 tháng áp dụng mà đầy đủ, thì tâm mấy con sẽ thanh thản - an lạc - vô sự 12 tiếng đồng hồ.

Mà nếu mấy con áp dụng không đúng cách, tu không đúng cách - bị ức chế thì không những 7 tháng mà còn kéo dài 7 năm, mà 7 năm chưa chắc đã được! Còn nếu mấy con tu đúng, nghĩa là vào đầu mấy con học 2 tháng rồi, bây giờ áp dụng 5 tháng là 7 tháng chứ gì? Nếu được thì trong 7 tháng, đúng như cái tiêu chuẩn của đức Phật đã nói: “7 ngày, 7 tháng, 7 năm” thì mấy con sẽ thành tựu.

Nhưng mấy con tu sai, áp dụng sai thì tâm của mấy con sẽ không hết tham, sân, si, không hết niệm; mà không hết niệm thì tâm không thanh thản - an lạc - vô sự thì mấy con không thể chứng đạo được; thì mấy con phải tiếp tục mấy con tu 7 năm. Nếu mà không sửa mấy con tu cho đúng thì mấy con áp dụng 7 năm chưa chắc đã được; còn nếu được chuẩn bị đúng thì mấy con sẽ 7 tháng mấy con chưa được thì mấy con sẽ trong vòng suốt 7 năm thì mấy con sẽ được. Không có gì mà khó đâu!

Nhưng mà Thầy nghĩ rằng, 5 tháng này, bắt đầu bữa nay là mồng Một rồi; mà bắt đầu vào tháng 12 này cho đến suốt thời gian chúng ta sẽ tu tập 5 tháng kế tiếp, chắc chắn chúng ta áp dụng từng giờ, từng phút sống độc cư trọn vẹn. Nghĩa là bắt đầu tháng thứ 3 này mấy con sẽ cố gắng sống độc cư trọn vẹn, nếu người nào mà còn nói chuyện, còn tiếp duyên với nhau thì buộc lòng Thầy phải cho mấy con ra khỏi cái lớp học này.

Tại vì còn có 5 tháng để chứng đạo, mà mấy con nói chuyện là không làm cho mình chứng đạo mà không làm cho kẻ khác chứng đạo! Bởi vì khi mà mấy con nói chuyện là bị phóng dật, cho nên do cái vấn đề đó thì không chấp nhận cho mấy con ở trong cái lớp học này nữa, buộc lòng phải cho mấy con rời ra. Bởi vì cái lớp này là đang áp dụng cái tri kiến để được giải thoát; áp dụng tri kiến được giải thoát mà thời gian nhất định là 5 tháng. Bởi vì mấy con học tri kiến là 2 tháng cộng với 5 tháng áp dụng thì mấy con thấy có 7 tháng mà thôi. 7 tháng phải đạt được!

(08:34) Các con nghe đức Phật tu 6 năm khổ hạnh chẳng đạt được gì hết - 49 ngày dưới cội bồ đề xả tâm mà thành tựu chứ đâu phải 49 ngày ngồi đó mà nhập định liên tục sao? Nghĩa là xả tâm ly dục, ly ác pháp hoàn toàn.

Trong khi đức Phật tu khổ hạnh cho đến khi mà ăn ít quá, cho đến khi đứng dậy không có nổi thì lúc bây giờ Ngài được người chăn dê đổ cho Ngài 1 bát sữa, Ngài mới tỉnh. Ngài mới nghĩ rằng tất cả các pháp này không giải quyết được sự khổ đau mà càng làm cho mình khổ đau! Ngài mới nhớ đến chỗ ly dục, ly ác pháp của Sơ Thiền. Ngài nói: "Nếu mà cơ thể này được hồi phục mạnh khỏe thì cái lộ trình này chúng ta đi được kết quả!" Thì do cái chỗ nghĩ ngợi đó, khi đức Phật phục hồi lại, ăn ngày 1 bữa đầy đủ lại thì cơ thể khỏe mạnh, thì đức Phật đến cội Bồ đề, đi tìm cái nơi.

Thì khi mà các anh em Kiều Trần Như thấy đức Phật ăn uống trở lại, không còn khổ hạnh nữa thì họ rời xa đức Phật, họ không còn chấp nhận đức Phật. Họ rất mong đợi đức Phật khổ hạnh để chứng đạt, nhưng mà cuối cùng đức Phật phải ăn uống trở lại bình thường - ăn ngày 1 bữa no đủ không còn thiếu hụt nữa thì họ tách lìa đức Phật liền. Do đó đức Phật mới tìm đến cội Bồ đề, ngồi dưới 49 ngày chứng đạt - 6 năm khổ hạnh không ra gì mà chỉ có 49 ngày!

Các con tu theo Thầy cũng rất lâu mà không biết áp dụng, không biết triển khai được tri kiến của mình; mặc dù là nói Định Vô Lậu nhưng mà các con tu quán sơ sơ, thành ra không thâm sâu làm cho tri kiến của mấy con xả tâm cũng không hết. Cuối cùng hôm nay được học, được thấu suốt rõ ràng. Bây giờ tới cái giai đoạn áp dụng, trong 5 tháng áp dụng.

(10:18) Đức Phật có 49 ngày à, chúng ta còn được 5 tháng kia mà! Thì chúng ta phải chứng đạo chứ sao, lẽ đương nhiên! Hay dùng danh từ chứng đạo thì mấy con nghe như là nó cao siêu quá, sức khả năng của mình không thể làm được! Nhưng không ngờ - Thầy nói không ngờ mấy con sẽ làm được!

Bởi vì đức Phật đã làm được, Thầy đã làm được trong 6 tháng; thì mấy con 7 tháng - mấy con dở hơn Thầy 1 tháng có gì đâu, chuyện đó là tầm thường - nhưng có Thầy hướng dẫn! Còn Thầy không có thầy hướng dẫn, đức Phật không có người hướng dẫn - tự mình mà nỗ lực để làm chủ được sự sống chết của mình, thì các con thấy sao? Cái tự (tu) nó khó lắm, nó không biết rồi đi tới đâu? Còn bây giờ các con được đào tạo, được hướng dẫn như vậy thì Thầy thấy 7 tháng đâu phải là dài, có người hướng dẫn mà! Cho nên Thầy thầy 7 tháng phải đạt được chứ, nếu mấy con biết cách áp dụng!

Hằng ngày mấy con làm gì đây, ngồi không chứ có gì? Ăn cơm rồi ngồi không mà tu mà xả cái tâm - dùng cái tri kiến mà xả từng tâm niệm của mình hằng ngày thì làm sao mà không được? 5 tháng mà ngồi đó xả thì làm sao mà không thanh tịnh? Chứ mình có bận công chuyện gì đâu - có lo cho con cái, có lo cho ai đâu, chỉ có cái tu này mà thôi! Ngày ngày đều áp dụng vào cái chỗ này thì làm sao mà tâm không có thanh tịnh? Chắc chắn là chúng ta có phương pháp, có cách thức để mà chúng ta giúp cho tâm chúng ta thanh tịnh một cách rõ ràng. Vậy thì mấy con phải cố gắng!

Cho nên vì vậy các con đừng có lo, chỉ lo mà tu! Mà Tứ Niệm Xứ sung mãn tức là tâm thanh thản - an lạc - vô sự - thì tất cả cơ thể mấy con sẽ thay đổi và phục hồi lại hết! Trí nhớ mấy con cũng phục hồi, cơ thể già yếu lụm khụm cũng phục hồi lại khỏe mạnh; đi đứng vững vàng không còn sợ té, không còn lụm khụm nữa! Như con bây giờ con đi con sợ té đó - bởi nó yếu, cho nên đi nó rất khó khăn. Nhưng mà khi con tu Tứ Niệm Xứ mà nó sung mãn được rồi, tâm con ở trong trạng thái thanh thản - an lạc - vô sự thì toàn thân con nó phục hồi lại hết, nó khỏe mạnh, nó đi vững vàng lắm, nó không có sợ té đâu!

Tu sinh: Dạ thưa Thầy! Nghĩa là luôn luôn phải nhớ tâm thanh thản - an lạc - vô sự phải không Thầy?

Trưởng lão: Đúng rồi, nó luôn luôn nó sẽ ở trong trạng thái đó! Ở trong trạng thái đó chứ không phải là nhớ cái danh từ đó - mà nó ở trong trạng thái thanh thản. Nó không khởi niệm mà cơ thể nghe nó sung mãn, không có mỏi mệt, không có nhức mỏi ở chỗ nào hết. Còn cơ thể con nó nhức mỏi, nó không đau chỗ này thì nó đau ở chỗ khác; mà nó mệt nhọc, nhiều khi nó thấy uể oải, nó thấy khó chịu trong người là do cái chỗ đó!

3. TRÁNH XA NGƯỜI PHÀM PHU ĐỂ GIỮ HẠNH ĐỘC CƯ

(12:59) Tu sinh 1: Thưa Thầy! Khi con ở trong thất mình mà người ta tới người ta hỏi chuyện rồi mình làm sao thưa Thầy?

Trưởng lão: Mình sẽ cúi đầu chào họ rồi mình đóng cửa thất lại!

Tu sinh 1: Rồi ví dụ đương đi ngoài đường tới gần kế nhau thì họ nói chuyện, vậy mình làm sao thưa Thầy?

Trưởng lão: Mình cúi đầu chào họ rồi mình bước đi, chứ mình không có đứng lại. Họ nói chuyện hoặc họ đi sau lưng của mình, mình giai lại; họ đi sau lưng mình họ hỏi gì đó, cái mình giai lại, mình đứng lại mình cúi chào họ rồi mình đứng qua một bên. Mình đứng mình giai cái mặt vô trong rào đó, giai cái lưng ra ngoài là họ đi luôn.

Nghĩa là mình cúi chào họ chứ không phải mình không cúi. Mình rất là lịch sự chứ không phải là mình làm thinh hoặc là mình dùng dằng thế này thế khác - không! Mình cúi chào khi họ nói, cái mình giai mặt lại mình cúi chào họ đoàng hoàng. Rồi mình cúi chào họ rồi cái mình giai lưng vào trong hàng rào đó; mình giai cái mặt vô hàng rào, mình đưa cái lưng ra, rồi mình đứng đó chờ cho họ đi qua. Cách thức của mình từ chối không có nói chuyện bằng cách đó!

Còn họ đến thất mình họ làm bộ mượn, họ nói cái gì đó hay hỏi là: “Bác hay là chú hay là Thiện Trí cho mượn coi cái bài làm mà Thầy dạy mà tôi không có biết, Thiện Trí biết chỉ cho tôi chút!” Thì mình cúi chào họ chứ mình không nói gì, rồi mình đi vô thất mình đóng cửa lại. Thì họ biết rằng mình không có nói tức là mình giữ hạnh độc cư, bởi vì đây là ai cũng biết rồi!

Còn hễ hỏi cái mình nói, hỏi cái mình nói thì cái kiểu đó tự mình mình giết mình đó! Tức là mình sẽ tu không tới mà nó sẽ phóng tâm, phóng dật! Cho nên mình giữ trọn, ai nói gì nói!

Bây giờ 5 tháng mà chứng đạo mà tôi không giữ trọn - chắc chắn 5 tháng này tôi chưa làm được cái gì đâu! Cho nên mình tu phải tu cho nhanh, cho mau chứ, không lẽ để tu hoài như thế này sao? Thức đêm, thức khuya có sung sướng gì đâu! Tu rồi mặc sức mà sống, còn bây giờ chưa có tu rồi - con biết nó lo lắng, nó áy náy trong lòng lắm!

Tại sao vậy? Bữa nay mạnh cái mai đau, mình làm sao đây? Bữa nay mạnh mà mai chết, mình làm sao đây? Càng tu sớm bao nhiêu thì mấy con hạnh phúc bấy nhiêu! Mình làm chủ được rồi mình khỏe lắm, không còn lo nữa! Các con nhớ như vậy!

Cho nên vì vậy mà Thầy dặn trước: Ai muốn nói chuyện với mình thì ngay đó mình cúi đầu chào họ rồi mình lẳng lặng mình đi chỗ khác, không đứng gần họ! Thấy cái người này là không được rồi - cái người này phạm giới rồi! Cái người này không phải là người tốt, cái người này là cái người vô minh, cái người không có tri kiến giải thoát mà là tri kiến phàm phu!

Đó, mình thấy mình hiểu biết liền, cái người này là cái người tệ lắm, cái người này không xài được đâu! Ở gần mấy người này chắc chắn là mình thành phàm phu hết, cho nên mình cố gắng mình tránh những cái người phàm phu này đi!

Cái người muốn làm Thánh thì phải khác, mà cái người phàm phu khác lắm! Hai cái người - mình thấy rõ lắm! Cái người mà hay nói chuyện là người phàm phu! Rồi mình thấy cái người này mà ngủ phi thời thì mình cũng biết là phàm phu hết, phàm phu mới ham ngủ nè!

Cho nên trên cái sự tu tập thì cẩn thận về cái giới hạnh độc cư. Mình tránh xa chừng nào tốt chừng nấy! Hầu hết là - Thầy nói nếu mà không nghe lời Thầy thì kể như là Thầy bỏ lớp Thầy đi chỗ khác Thầy ở, Thầy không có cực khổ nữa. Nên cố gắng lên mấy con!

4. VẤN ĐẠO TỨ CHÁNH CẦN TRÊN TỨ NIỆM XỨ

(16:27) Tu sinh 2: Kính thưa Trưởng lão! Con xin hỏi chỗ này: Muốn tu Tứ Niệm Xứ thì ta phải hoàn chỉnh cái giai đoạn của Tứ Chánh Cần. Mà trong khi Tứ Chánh Cần chưa hoàn chỉnh được thì làm sao 5 tháng tu hoàn thành được ạ?

Trưởng lão: Bởi vì ở đây Thầy hướng dẫn cho mấy con là nói Tứ Chánh Cần nhưng mà sự thật ra từ lâu tới giờ mấy con đã từng sống trong Tứ Chánh Cần rồi nhưng mà chưa hoàn thành Tứ Chánh Cần, nhưng mà mấy con đều biết pháp Tứ Chánh Cần hết!

Mấy con biết trên pháp Tứ Chánh Cần như thế nào không? Định Vô Lậu các con cũng có rồi phải không? Trong Tứ Chánh Cần nó có Định Vô Lậu; Định Niệm Hơi Thở mấy con cũng biết rồi, 16 cái đề mục mà Thầy viết ra 19 cái đề mục của nó là Định Niệm Hơi Thở, mấy con cũng biết hết rồi - không có người nào mà không thông cái pháp mà trên Tứ Chánh Cần. Rồi cái Định Sáng Suốt mấy con cũng biết rồi; rồi cái Định Chánh Niệm Tỉnh Giác cũng biết. Đó là 4 loại định trên Tứ Chánh Cần, các con thấy 4 phương pháp tu trên Tứ Chánh Cần người nào cũng biết hết rồi.

Bây giờ Thầy triển khai cái Định Vô Lậu, các con thấy Thầy triển khai ra, tức là trên Tứ Chánh Cần rồi đó! Rồi bắt đầu bây giờ các con thấy nè, khi mà triển khai được cái tri kiến hết rồi, áp dụng trên Tứ Niệm Xứ mà bằng cách là Ngăn ác, Diệt ác trên Tứ Niệm Xứ - có niệm nào mấy con đẩy lui ra, có chướng ngại nào trên thân thì mấy con thấy Thầy dạy mấy con nhiếp tâm, an trú tâm, đó là ở trên cái hơi thở. Con thấy không? Hoặc là trên bước đi để con đẩy lui chướng ngại pháp - đều là ở trên cái áp dụng.

Trong 7 tháng này, trong 5 tháng còn lại, chúng ta áp dụng tất cả phương pháp Tứ Chánh Cần - Ngăn ác, Diệt ác chứ còn gì nữa mà còn không hoàn thành Tứ Chánh Cần!

Con thấy luôn luôn lúc nào chúng ta bây giờ đang ở trên Tứ Niệm Xứ là 4 cái chỗ. Nói tu Tứ Niệm Xứ chứ sự thật ra Tứ Niệm Xứ trên Tứ Chánh Cần. Rồi đồng thời trong những tháng cuối cùng của nó là quét vi tế mới thực sự Tứ Niệm Xứ trên Tứ Niệm Xứ. Còn những tháng đầu tiên - đây Thầy chưa nói, mới áp dụng vào tháng thứ 3 sau khi triển khai được cái Định Vô Lậu chứ gì, tức là tri kiến giải thoát. Bây giờ mới áp dụng vô Tứ Chánh Cần nè. Con thấy không? Bây giờ con ngồi lại giữ tâm thanh thản tức là 4 chỗ Thân - Thọ - Tâm - (Pháp) của con thanh thản - an lạc - vô sự thôi. Mà nếu có chướng ngại gì trên đó là ngay đó con phải dùng nó quét thì không phải là Tứ Chánh Cần sao? Không phải Ngăn ác, Diệt ác sao? Có đúng không?

Đây rõ ràng là Thầy áp dụng cho Tứ Chánh Cần đàng hoàng đó! Cho nên khi mà Tứ Chánh Cần nó hết rồi, nó còn cái vi tế, nó không còn cái niệm mà nó thô nó hiện ra nữa; những cái tướng thô: Hôn trầm, thùy miên, này kia - không còn thô nữa thì lúc bây giờ còn cái vi tế thì chỉ 6 tiếng đồng hồ, 7 tiếng đồng hồ hay là 8 tiếng đồng hồ vẫn thanh thản - an lạc - vô sự.

Nhưng mà nó còn những trạng thái vi tế của nó, nó không phải là những cái niệm mà mấy con thấy đâu, vi tế lắm! Cho nên lúc bây giờ mới trên Tứ Niệm Xứ mới gạn lọc cái đó thì tới đó sẽ dạy những cái phương pháp. Chứ bây giờ thì đang trên Tứ Chánh Cần - Thầy không nói đâu. Con hiểu không?

(19:22) Tu sinh 3: Bạch Thầy! Ví dụ như trường hợp trên thân, như hiện tại về Định Vô Lậu thì con tư duy, quán xét thì trên thập thiện thì con chưa có rành hết. Nhưng mà trên mỗi cái niệm tâm khởi lên thì con biết rõ là tham, sân, si, con cũng có thể dùng tác ý và tác ý đuổi nó đi.

Trưởng lão: Chứ bây giờ con học về cái Định Vô Lậu, con triển khai cái tri kiến mình về nhân quả con biết hết rồi phải không?

Tu sinh 3: Về nhân quả thì con chỉ mới có làm gần xong cái bài quán thân vô thường.

Trưởng lão: Các pháp vô thường chưa?

Tu sinh 3: Các pháp vô thường, dạ chưa!

Trưởng lão: Rồi đạo đức nhân bản cũng chưa?

Tu sinh 3: Dạ chưa!

Trưởng lão: Chưa? Như vậy là tới ngày mai mà cho học là chắc chắn mấy con chưa biết quán gì hết! Vậy thì ở lại. Cái người nào mà được thì Thầy cho lên lớp, còn người nào chưa xong thì ở lại. Được không?

Tu sinh 2: Cái người nào mà làm bài chưa xong phải không Thầy?

Trưởng lão: Chưa xong, chưa có thông suốt hết cái vô lậu của nhân quả, rồi chưa thông suốt hết cái vô thường của các pháp, rồi chưa viết được cái bài đạo đức nhân bản - nhân quả nữa. Cái bài đạo đức nhân bản - nhân quả nó xác định đủ cái đức hạnh của nó tức là giới luật của nó rồi. Con hiểu chưa? Mà chưa xong thì kể như mấy con ở lại rồi! Ngày mai Thầy sẽ cho những người mà người ta làm xong rồi người ta ở đây người ta tu để người ta áp dụng vào Tứ Niệm Xứ, còn mấy con chưa xong thì ở lại.

Tu sinh 2: Ngày mai

Trưởng lão: À tới thứ Hai đó con! Thứ Hai, thứ Ba sẽ áp dụng!

Tu sinh 2: Tới thứ Ba mới áp dụng còn thứ Hai là bên nữ.

Trưởng lão: Thứ Hai, bên nữ.

Hễ cái người nào được, họ xong thì cho họ vào cái lớp áp dụng. Còn mình chưa xong, tức là cái tri kiến của mình chưa triển khai hết, chưa đủ thì mình phải ở lại mình tu cái lớp sau.

Tu sinh 2: Tới ngày thứ Ba là còn hạn nộp bài không Thầy?

Trưởng lão: Còn hạn nộp bài! Nhưng mà điều kiện là Thầy biết đó là cái cuối cùng của nó rồi. Nhưng mà người nào mà đã nộp trước đó rồi thì người ta sẽ áp dụng vào trước. Còn người nào sau thì 1 tuần sau, mà nếu mà được thì cũng cho áp dụng vào, nếu mà không được thì mấy con còn rớt lại nữa thì phải chờ thôi, chờ khóa sau.

Tu sinh 2: Chờ 1 khoá sau tức là chờ năm sau hả Thầy?

Trưởng lão: À không! Mấy con cũng vẫn tu tập nhưng mà nó ở lại cái lớp sau. Lớp này người ta áp dụng trước do người ta xả tâm nhiều hơn; còn mấy con thì áp dụng sau, hơn 1 tháng hay nửa tháng thì áp dụng sau, cho nên người ta đi trước hơn 1 chút mình thôi chứ không có gì.

Nhưng mấy con cũng tiếp tục mấy con tập; cũng ở trong cái lớp này, mấy con tiếp tục tập. Người ta có thể đạt trước mình trong 1 tháng, 2 tháng, mình có thể mình theo sau 1, 2 tháng sau. Nó cũng tiếp tục nhưng mà có điều kiện là phải biết áp dụng đúng cách chứ còn áp dụng không đúng cách thì tâm mấy con không thanh tịnh. Cho nên Thầy dạy mấy con mà Thầy thu ngắn cái thời gian rất ngắn mà để đào tạo cho nó kịp thời, kịp lúc.

5. KHẤT THỰC

(22:30) Tu sinh 4: Mô Phật! Bạch Thầy! Thường ngày con đi khất thực thì thấy cô Út cũng có để cái rổ rau hay rổ dưa leo như vậy, thì lúc đó con đi ngang thì con thấy như vậy thì cái tâm con nó khởi lên nó muốn lấy nhưng con không có lấy. Nhưng mà trong trường hợp con lấy như vậy thì con có lỗi hay không?

Trưởng lão: Không có lỗi gì hết! Bởi vì trên con đường đi khất thực có người muốn cúng dường mình, tức là cô Út muốn để đó là cô Út muốn cúng dường cho các con thì các con cứ lấy đâu có sao đâu, tại vì cái giờ mình đi khất thực mà mình đâu có tham đâu!

Thí dụ như con ra ngoài đó con khất thực, con khất thực ngoài đó nếu mà thấy nó vừa đủ thì thôi, mà con thấy rằng bây giờ mình cần thiết trong cái bữa ăn của mình thì mình nhận vì mình đang còn đi trên đường khất thực mà.

Cho nên cô Út cô để trước chứ không phải là con đợi. Thí dụ con đi ra như vậy đó thì bây giờ cô để trước đây, thì mình thấy bữa nay mình cần ăn có rau cải hay dưa thì mình sẽ nhận cái này bỏ trong bát mình, ra ngoài đó mình trút vô mình đi.

Bởi vì trên con đường khất thực, mấy con chưa hiểu - đi lại nhà này họ cho mớ, lại nhà kia cho mớ, nhà nọ cho mớ chứ đâu phải là họ xúm nhau họ cho mình 1 lần đâu! Thầy đi khất thực chỗ này cho bánh mì, chỗ kia cho bánh ú, chỗ khác nó cho muối, chỗ nọ nó cho tương, chỗ khác cho chao; nhiều khi nó cho mình chai chao nữa. Mình ăn có hết đâu! Đủ thứ hết à con!

6. THỨ TỰ LÀM BÀI

(24:05) Tu sinh 2: Kính thưa Trưởng lão! Cho con hỏi là cái bài Đạo đức nhân bản thì con làm xong rồi nhưng chưa có hoàn chỉnh thì có thể về trong ngày nay hay ngày mai con hoàn chỉnh con nộp được không?

Trưởng lão: Được rồi! Cái đạo đức nhân bản mà làm xong thì hay lắm rồi, nó đầy đủ rồi đó!

Tu sinh 2: Dạ, con làm đầy đủ rồi, bây giờ chỉ có chép lại rồi con lên con nộp vẫn kịp thưa Trưởng lão?

Trưởng lão: Kịp chứ đâu có sao mấy con, cứ nộp không sao hết! Coi như Thầy đọc mà Thầy thấy mấy con được thì áp dụng vào tu hết.

Tu sinh 2: Tức là con vẫn được trong cái lớp này?

Trưởng lão: Được chứ sao không! Mặc dù là con chưa được Thầy đọc nhưng mà con đã viết được đạo đức nhân bản - Thầy biết mấy con sẽ viết 1 cái bài chứ mấy con chưa có biết phân ra những cái đoạn đạo đức trong đó.

Nhưng mà Thầy thường nhắc nhở mấy con là khi mình viết 1 cái bài dài 8 - 9 trang người ta đọc người ta nhác; mình phải phân ra làm nhiều đoạn. Thí dụ như cái đức Hiếu Sinh thì mình nói toàn là Hiếu Sinh; rồi đến cái đức Thành Thật thì mình phải nói nó 1 cái bài về Thành Thật; như vậy nó mới hay, nó có từng phần, từng phần nó rõ ràng. Mình viết đạo đức nhân bản mà! Đó, thành ra nó như vậy, mấy con viết được như vậy là mấy con áp dụng dễ rồi.

Tu sinh 2: Bữa trước Trưởng lão nói cái bài này phải viết cho nó chi tiết nên con chưa có hoàn chỉnh được, nên cho con từ từ con hoàn chỉnh sau!

Trưởng lão: Thì mấy con cứ yên tâm, bây giờ trên cái vấn đề đó, thí dụ mấy con chưa có hoàn chỉnh xong hết thì từ từ mấy con sẽ hoàn chỉnh xong những cái tri kiến của mình, tức là mình tư duy mình hoàn chỉnh cho cái tri kiến của mình xong. Còn cái phần áp dụng thì Thầy sẽ hướng dẫn áp dụng, mà Thầy tin rằng mấy con sẽ hoàn tất được nhưng mà chậm hơn 1 tuần lễ sau. Thì tuần lễ tới này mấy con vô học để áp dụng, thì qua tuần nữa thì mấy con phải nộp bài hết cho Thầy. Nghĩa là nộp cái bài về Nhân Quả nè, không có còn sót nè; rồi về đạo đức nhân bản nè; rồi thân vô thường, các pháp vô thường đều là mấy con xong hết rồi.

Tu sinh 4: Như vậy là con làm nhân quả trong thập thiện con phải hoàn chỉnh; kế đó là ái ngữ phải không Thầy?

Trưởng lão: Ái ngữ. Có nhân quả ái ngữ con!

Tu sinh 4: Rồi thứ 3 là quán thân vô thường hay là…​

Trưởng lão: Quán thân vô thường, quán các pháp vô thường, 2 bài đó.

Tu sinh 4: Và cái bài đạo đức là cuối cùng phải không Thầy?

Trưởng lão: Cái bài đạo đức là cuối cùng để chung kết cho cho đường đi của nhân bản - nhân quả.

Tu sinh 4: Vậy là con còn thiếu nhiều lắm!

Trưởng lão: Con còn thiếu nhiều, thôi ở lại đi con!

7. THÂN HÀNH NIỆM

(27:00) Tu sinh 5: Mô Phật! Bạch Thầy cho con xin hỏi! Khi đọc cuốn Những Lời Phật Dạy của Thầy viết, trong đó có nói tu Tứ Niệm Xứ trong đoạn cuối áp dụng trong Thân Hành Niệm đó Thầy, đi kinh hành Thân Hành Niệm giai đoạn cuối đó Thầy, là quét những cái niệm vi tế để chứng đạt giải thoát 4 chỗ. Con xin hỏi về cái vấn đề đó con chưa hiểu?

Trưởng lão: Khi nào mà con tu Tứ Niệm Xứ - tâm thanh thản - an lạc - vô sự suốt 12 tiếng đồng hồ mà con không thấy Tứ Thần Túc; nghĩa là Tứ Thần Túc không hiện, phải không? Thì lúc bây giờ con ôm pháp Thân Hành Niệm đi 1 đêm, đi 1 đêm 12 tiếng đồng hồ ôm pháp Thân Hành Niệm đi. Lệnh tác ý, hành động nào tác ý hành động nấy.

Bởi vì cái pháp Thân Hành Niệm là cái pháp tu tập lệnh - cái lệnh: "Đưa tay ra!" - con sẽ đưa tay ra; "Đưa tay vào!" - con sẽ đưa tay vào; "Cúi đầu xuống!" - cúi xuống; "Ngửa đầu lên!" - con ngửa đầu lên. Lệnh con đâu thì hành động theo đó! Thì trong 1 đêm khi mà tâm thanh thản - an lạc - vô sự - Tứ Niệm Xứ đã sung mãn mà không có Tứ Thần Túc thì lúc bây giờ ôm pháp Thân Hành Niệm sẽ có đủ Tứ Thần Túc ngay liền tức khắc! Đó là cái pháp cuối cùng của Thân Hành Niệm!

Mà phải thấy được cái pháp Tứ Niệm Xứ đã sung mãn rồi, mà tại sao Tứ Thần Túc không hiện? Tức là trong khoảng thời gian tu tập Tứ Niệm Xứ - mình thiếu phương pháp tác ý, cho nên không có đủ ý thức lực; vì vậy mà bây giờ ôm pháp Thân Hành Niệm để tạo thành cái lệnh, tức là ý thức lực của nó.

Ý thức lực là lực truyền của nó, cho nên nói Dục Như ý Túc - như ý mình muốn mà, cho nên mình muốn cái gì nó làm cái nấy! Tôi muốn nhập định nào là nó nhập định nấy, cho nên nó gọi là Tứ Thần Túc - 4 cái thần lực như thần, thì chỉ có cái pháp Thân Hành Niệm sẽ có lực như thần.

Tại vì tâm tôi thanh tịnh mà sao cái lực này không hiện? Buộc lòng tôi phải tập cái này chỉ 1 đêm thôi thì đủ. Cho nên cái pháp Thân Hành Niệm là cái pháp rất là độc đáo nhưng nó phải chờ cho Tứ Niệm Xứ sung mãn đã. Chứ mà Tứ Niệm Xứ chưa sung mãn mà con tập nó thì nó có những cái thần lực nhưng mà thần lực tưởng - nó không đúng; bởi vì mình chưa ly dục, ly ác pháp hoàn toàn.

8. XẢ TÂM ĐỂ TỈNH THỨC KHÔNG BỊ ỨC CHẾ

(29:21) Tu sinh 5: Dạ con xin hỏi như những vị mà họ tu suốt ngày, suốt đêm thì làm sao biết được 12 tiếng đồng hồ hả Thầy?

Trưởng lão: Lẽ đương nhiên là tới chừng đó nó lần lượt nó tỉnh bơ, nó không có ngủ nữa thì nó phải tới 12 tiếng đồng hồ chứ sao! Tự nó thanh tịnh mà! Con cứ xả tâm đi, con bây giờ con tu tới đó nó xả tâm rồi nó tỉnh rồi, nó không ngủ là buộc lòng mình cũng phải tu Tứ Niệm Xứ hoài chứ! Chứ con làm sao mà con không tu? Bởi vì nó có ngủ đâu! Tự nó ly, nó sẽ không niệm thì bắt đầu nó tỉnh, nó tỉnh rồi - nó còn niệm thì con còn phải phá.

Cho nên vì vậy mà mình tu như bây giờ 7 giờ tối mà tu cho tới 10 giờ, mà tu tới 10 giờ mà hoàn toàn nó không niệm thì nó thức luôn à! Tôi không muốn thức chứ nó cũng thức luôn à, bây giờ tôi đi nằm nó cũng không ngủ nữa, nó tỉnh bơ à! Thì như vậy là tôi tiếp tục tôi xả nữa, tôi xả riết cho tới 12 tiếng. Cho nên tôi đâu có cần phải tập, tự nó sung mãn Tứ Niệm Xứ là nó phải tỉnh thôi! Con hiểu chỗ đó chưa?

Tu sinh 5: Dạ cho con hỏi là con ít có đi lắm, tại vì con đi nhiều thì nó bị ức chế, đến lúc trưa ngủ thì nó bị ác pháp nó đến, bị nằm mộng; con không đi thì nó bị ít, trưa ngủ thì nó không bị. Cho con hỏi là tại sao thầy Chân Thành đi nhiều mà sao không có bị vấn đề đó?

Trưởng lão: Thầy Chơn Thành hôn trầm. Thầy không có bị là thầy đi mà cách thức của thầy nó không bị ức chế, nó cũng đi nhưng mà thầy đi rất là tự nhiên. Cho nên thầy chỉ cần tập luyện cái tác ý thôi, thầy chỉ tác ý chứ thầy không chú ý quá cái bước đi, quá tập trung. Còn con thì tác ý mà con chú ý quá, cho nên nó căng con, cho nên con nói bị ức chế đó! Cho nên trưa con nằm nó vô mộng liền - nó đi qua cái ngõ mộng, cho nên nó là bị ức chế.

Còn thầy Chơn Thành - ông đi vậy là ông phá cái hôn trầm, ông còn hôn trầm ông đi đó, nhưng mà không hôn trầm là ông ngồi đó, ông sợ quá cho nên ông phải đi thôi, đi với cách tự nhiên không có ức chế. Chứ mà ức chế là ông bị mộng luôn đó chứ không có chạy đâu khỏi!

Tu sinh 5: Thưa Thầy! thầy Chơn Thành tu pháp Thân Hành Niệm đi suốt luôn.

Trưởng lão: Không phải con. Bởi vì thầy sợ buồn ngủ nên buộc lòng phải đi để mà tránh ngủ. Nếu bây giờ mà thầy ngồi lại mà nằm xuống là nó ngủ ngay liền, đi nó không ngủ đó.

(31:56) Tu sinh 5: Nhiều lúc con tu tới được 10 giờ, con thấy vấn đề mà thức đêm, con sợ kéo dài mà lâu nhiều tháng, nhiều năm, 7 - 8 năm mà chưa chứng đạt, thì nó kéo dài quá thì con sợ nên nhiều lúc con phải ngủ ngồi cỡ khoảng nửa tiếng.

Trưởng lão: Cái đó không được con! Ngủ thì cứ nằm, đừng ngủ ngồi! Thực sự ra bây giờ tự nó tỉnh, còn mình cố gắng mình khắc phục bằng cách nhiếp tâm mình đó - nó tỉnh nhưng nó tỉnh bằng cách ức chế.

Tu sinh 5: Con tu Tứ Niệm Xứ cũng để bình thường?

Trưởng lão: Để bình thường, nó tỉnh được thì mình cứ tiến tới mà tu. Nó tỉnh - mà bây giờ con muốn nó ngủ nó cũng không ngủ nữa! Nó nằm xuống nó cũng không ngủ; nó tỉnh mà nó ở trong trạng thái thanh thản - nó tự nó ở đó à, không có làm sao mà con ra khỏi nó đâu! Bởi vì nó thuộc về dạng bất động tâm.

Thí dụ như bây giờ Thầy không nói chuyện - Thầy ngồi tự nó nó bất động, nó không thèm nghĩ cái gì hết mà nó thanh thản - an lạc - vô sự. Tự động nó cứ vậy, nó vậy à! Còn hễ ai lại nói chuyện gì đó thì nó trả lời, còn không nói - mình Thầy thì nó yên tịnh vậy đó! Nếu mà Thầy ngồi đâu thì nó bất động tới đó, nó thanh thản - an lạc - vô sự - nó bất động tâm vậy đó, tự nó.

Mà Thầy suy tư, Thầy làm cái gì đó Thầy viết sách hay Thầy đọc bài, Thầy chấm bài thì cái đầu óc Thầy làm việc, mà Thầy ngồi nghỉ là nó bất động. Tại vì nó quen cái đó rồi! Còn mấy con ngồi nghỉ không được, ngồi nghỉ nó không nghỉ. Hoặc là ngồi nghỉ hơi cái nó ngủ; hoặc là ngồi nghỉ hơi là nó niệm này, niệm kia nó xen vô. Còn Thầy thì nó không có, bởi vì coi như nó hết tham, sân, si rồi nó không còn cái niệm đó nữa, tự nó hết.

Cho nên khi mình tu Định Vô Lậu mình áp dụng vào đây thì mình quét ra, quét ra cho hết ba cái niệm này bằng cái tri kiến của mình chứ không phải bằng ức chế; cho nên mình không bị mộng, bị gì hết à. Con thấy không?

Tu sinh 5: Dạ! Có phải nếu mà chưa chứng đạt được mà ráng 12 tiếng đồng hồ đi, là còn nằm trong ức chế hả Thầy?

Trưởng lão: Còn ức chế đó con, không khéo là bị ức chế hết đó con!

Tu sinh 5: Lúc trước con tu suốt đêm thì khoảng 4 giờ sáng thì con bị hôn trầm rất là nhiều nên con phải đi suốt. Còn lúc này con ngồi tu tới sáng luôn thì nó cũng không bị sao hết trơn. Con xin hỏi Thầy buổi chiều con ra tưới mấy gốc cây thì có sao không Thầy?

Trưởng lão: Không có sao hết, mình tưới, mình tỉnh thức trên cái hành động của mình. Chánh Niệm Tĩnh Giác trên hành động, có cái niệm suy nghĩ gì thì mình dùng Định Vô Lậu quán xả thôi, thì nó tốt lắm!

Tu sinh 5: Như vậy là không có sai hả Thầy?

Trưởng lão: Như vậy là không có sao, con. Nhớ mà giữ tâm!

9. TƯỞNG TIẾP NỐI Ý THỨC TƯ DUY - TÁC Ý TỈNH THỨC TRƯỚC KHI TU

(34:36) Tu sinh 6: Kính thưa Thầy! Trong trường hợp như con hổm rày con thực tập, thí dụ con đang ngồi tư duy về cái phần con đang viết bài thì nó rơi vào mộng nhưng cái mộng đó vẫn đang tư duy về cái niệm đó; rồi lát sau nó lạc vô cái tưởng, rồi bắt đầu khi cây bút rớt 1 cái nó mới giật mình.

Trưởng lão: Nó giật mình tức là nó thiếp vô ngủ nhanh quá!

Tu sinh 6: Nhưng mà trong lúc đó thì con biết nó đang tư duy trong cái niệm đó, thay vì cái ý thức của con thì đang suy nghĩ, thì nó vô vào trong cái mộng thì nó không hay; nhưng vào trong mộng thì nó vẫn đang tư duy cái niệm.

Trưởng lão: Nó đang tư duy, nó đang tiếp nối, cái tưởng của con nó đang tiếp nối cái ý thức của con cho nên con không hay; vô mộng rồi mà ngồi đó cứ tưởng mình đang làm bài, chừng cây bút nó rớt nó mới hay.

Tu sinh 6: Vậy thì con phải khắc phục như thế nào?

Trưởng lão: Cách khắc phục là trước khi con làm bài thì con phải dùng cái pháp tác ý: “Không có được nghe, ngồi đây không có được lặng vô chiêm bao nghe, phải hoàn toàn tỉnh táo để mà làm bài chứ không có làm bài trong tưởng được đâu nhe!”, nhắc nó vậy đó cái lần lượt nó hết. Bởi vì có pháp Như Lý Tác Ý rồi, chúng ta có cách thức dẫn tâm rồi. Chứ cái này rất khó đó chứ không phải dễ, nếu mà không có pháp Như Lý Tác Ý là con không dẫn được; cứ ngồi nó rớt trong mộng, ngồi nó rớt trong mộng đó.

Tu sinh 6: Dạ! Trường hợp này xảy ra cách đây cũng vài ngày. Trong lúc con đang ngồi hít thở ra - vô thì trong đầu có cái niệm khởi lên, ngay lúc đó con tư duy cái niệm đó, bắt đầu nó vô trong mộng rồi. Tới chừng nghĩ cái niệm hết mình giật mình, mình dậy mới biết mình đang mộng.

Trưởng lão: Biết mình đang mộng. Cho nên vì vậy con phải phải tác ý trước khi con ngồi tu, bởi vì mình thấy cái trạng thái đó bị chiêm bao, bị mộng đó, tức là nó đã rớt vào trong ngủ rồi. Thì mình phải tác ý: "Phải tỉnh táo!", nhắc trước khi mình tu tập cái pháp gì. Hoặc là con ngồi con viết, tu cái Định Vô Lậu con tư duy viết con cũng nhắc nữa: “Phải tỉnh táo, phải sáng suốt, phải rõ ràng, không có được chiêm bao, không có được thùy miên!” Phải nhắc nhở nó vậy thì lần lượt nó hết.

"Tác ý 1 tướng khác thì tướng đó nó sẽ hết" - đức Phật nhắc nhở như vậy mà!

Cho nên mình thường mình bị lắm! Mình tu hành nếu mà không có phương pháp Như Lý Tác ý thì mình không làm sao mà khắc phục được. Cho nên phải ráng!

10. THÂN HÀNH NIỆM - TẬP LỆNH VÀ TẬP TRUNG

(37:10) Tu sinh 6: Pháp Thân Hành Niệm, ban đêm con tu tập nhiều thì nó có ảnh hưởng gì hay không đối với tưởng?

Trưởng lão: Không có con, không có gì đâu! Pháp Thân Hành Niệm là mình tu cái lệnh thôi, mình đừng có tập trung quá nhiều mà ức chế. Mình chỉ lệnh, lệnh đâu thì mình đưa tay đó thôi, đừng có đưa tay mà chăm chăm nhìn cái hành động đưa tay đó. Tại vì trong lúc mình bị hôn trầm nhiều thì mình phải tập trung nhiều để cho nó đừng có ngủ.

Nhưng mà khi nó bình thường thì mình tu cái pháp Thân Hành Niệm để cho nó tu cái lệnh thôi để cho mình điều khiển nó, thì mình cũng biết bình thường thôi. Như con bảo: "Đưa tay ra!" thì mình đưa, "Đưa tay vào!" - đó, thì mình biết sơ sơ vậy thôi. Tức là mình biết - không phải quá tập trung trên cái hành động đưa ra, đưa vô thì nó sẽ không bị ức chế con.

Để chờ cho cái Định Vô Lậu này áp dụng để mà xả tâm cho nhiều thì cái này nó rất cụ thể, nó tự nhiên, chứ không khéo nó nhìn cái hành động đưa vậy nó có sự tập trung trong đó!

Tu sinh 6: Bây giờ thì con thấy đưa tay ra - vào thì nó không có tập trung như lúc trước nữa nhưng mà nó biết rõ ràng. Nó biết rõ ràng nhưng nó không còn ức chế như lúc trước nữa và cái đầu con nó ít có căng hơn.

Trưởng lão: Đó là nó đỡ rồi đó con! Nó không có bị ức chế nhiều - nó không căng.

Tu sinh 6: Bài quán thân vô thường bữa nay con làm xong nên chiều nay con có thể nộp cho Thầy được không?

Trưởng lão: Có thể 2 giờ chiều con làm xong hay ngày mai con có thể đem nộp sớm. Con vô đây con quét, con đem sớm rồi con cứ để đây. Cũng như cái cô nào họ đi sớm họ để đây.

Tu sinh 6: Con làm, tại vì cái bài quán thân vô thường con làm nó đã được 1 xấp như vầy.

Trưởng lão: Được mà! Bởi vì cần phải quán nhiều chừng nào để nó sâu sắc chừng nấy để cho nó hiểu, thực sự hiểu đó! Thì nó không có gì đâu con, con cứ viết xong rồi đem để đây. Để Thầy xem cái tri kiến của mấy con triển khai đến mức độ nào!

(39:17) Tu sinh 6: Như vậy cái phần cảm thọ trên thân con, thường vào buổi khuya từ 10 giờ đến 11 giờ và từ 1 giờ đến 2 giờ thì trong cái phần này con mới có tăng giờ lên thì hôn trầm, thuỳ miên thì nó đánh con…​2 cái giờ này rất là nhiều nên con tu tập cái pháp Thân Hành Niệm. Có khi con tu tập về pháp Thân Hành Niệm và đổi sang pháp Chánh Niệm Tĩnh Giác…​ Con kéo dài 2, 3 tiếng đồng hồ.

Trưởng lão: Được, không có sao hết! Tăng lên để không hôn trầm, thùy miên nó tăng đó.

Tu sinh 6: Nên cái phần quán Định Vô Lậu thời gian rất là ngắn. Như có bữa thì con đi suốt cả buổi, đi 4 tiếng đồng hồ luôn mà viết không đầy 2 trang giấy.

Trưởng lão: Không có sao hết! Bởi vì cái đó mình phòng ngừa để mình đánh ba cái hôn trầm, thùy miên chứ con ngồi lại là nó ngủ đó. Con ngồi lại con tu Định Vô Lậu, con ngồi lại con viết, con tư duy viết là nó cũng thiếp vô. Như con bây giờ đọc cuốn kinh, cuốn sách gì thì đọc 1 trang, 2 trang là nó ngủ đó. Bởi vì mình quán mà nó còn ngủ nữa mà!

Thành ra nó biết cái dạng đó thì mình đi kinh hành, đi Thân Hành Niệm; áp dụng vậy nó mới tỉnh. Còn ban ngày mình có thể là mình tu cái Định Vô Lậu làm bài, viết bài.

Tu sinh 6: Dạ. Như vậy con đã hiểu!

11. PHÁP DANH

(40:50) Tu sinh 7: Mô Phật! Bạch Thầy! Con là người mới đến, coi như là con đến đây, không biết Thầy có cho pháp danh không hay là xài pháp danh cũ?

Trưởng lão: Con cứ dùng pháp danh cũ thôi con, không có gì đâu! Chừng nào mà giới luật mà nghiêm chỉnh mà để thọ giới thì Thầy thấy bây giờ giới luật trở lại rồi thì mấy con cần thọ giới trở lại, thì lúc bấy giờ mới cho cái pháp danh, coi như là mấy con xuất gia trở lại đó!

Tu sinh: Dạ, con cũng xin phép Thầy, đi đến đây thì Thầy chưa mở lớp mới thì con coi theo sách của Thầy mà con tập luyện từ từ.

Trưởng lão: Con sẽ đọc theo Thọ Bát Quán Trai, coi theo sách đó, con tập từ từ theo những phương pháp đó. Chứ còn con theo lớp người ta thì theo không kịp, bởi vì người ta qua độ 2 tháng rồi con. Người ta bây giờ đã áp dụng vô để mà tu Tứ Niệm Xứ rồi, thành ra mấy con tập từ từ.

Tu sinh: Mô Phật! Bạch Thầy! Thầy cho con xin 1 cây viết với 1 cuốn tập mới nghe Thầy! Cây viết con mực nó lợt quá! Để viết cho rõ, con viết cái chữ con cũng xấu lắm rồi Thầy đọc cũng khó!

Trưởng lão: Được rồi, Thầy sẽ cho!

Tu sinh: Cây viết này mực nó lạt lắm rồi!

Trưởng lão: Rồi, bây giờ hết rồi phải không mấy con? Mấy con nghỉ ha! Ra mà đọc sách của Thầy, hỏi xin cô Út mấy bộ sách của Thầy, con nghiên cứu con đọc. Trong cái giờ mà còn ở lại đây mà tập tu đó, thì con tập như vậy từ từ, rồi sau khi mà cái khóa Thầy mở tới thì mấy con được dự vào những cái khóa mà rèn luyện tu tập.

Con sẽ về ngoải lo giấy phép đồ đó con. Giấy tờ đồ xong đó hen, rồi con sẽ vào trong này rồi Thầy sẽ chỉ cho! Lớn tuổi rồi con, để không khéo không kịp! Vô thường nó đến thình lình lắm!

Tu sinh: Cho con cuốn tập với cây viết mực đậm đó Thầy!

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy