00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

CK 038A - TRIỂN KHAI TRI KIẾN GIẢI THOÁT

CK 038A - TRIỂN KHAI TRI KIẾN GIẢI THOÁT

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Ngày giảng: 21/12/2005

Thời lượng: [20:52]

1- HIỂU NHÂN QUẢ VÀ CÁC PHÁP VÔ THƯỜNG ĐỂ KHÔNG CÒN CHẤP ĐẮM

(00:00) Trưởng lão: Hôm nay, sau một tuần lễ mấy con tu tập theo Thầy thiết nghĩ nếu mà tu tập đúng mấy con có kết quả nhiều lắm. Bởi vì mấy con biết được, học hiểu được cái nhân quả. Và đồng thời các con sẽ học được, quán xét được cái thân vô thường. Và kế đó thì mấy con sẽ thấy học đến các pháp vô thường nữa.

Hôm nay thì mấy con có nhiều người còn đang viết nhân quả con người, nhân quả ý hành, hoặc là ái ngữ. Những cái bài mà mấy con viết thật sự ra Thầy đọc rất là tuyệt vời. Tuy có khi có những cái bài ngắn gọn nhưng nó mang đầy đủ cái tính chất của nhân quả. Và cái tính thiện của nó để giúp cho chúng ta sống một đời sống toàn thiện. Nếu cái tri kiến của chúng ta hiểu thông suốt như vậy, mà chúng ta không sống được như vậy là chúng ta quá tệ!

Khi mà hiểu biết rồi thì chúng ta hoàn toàn áp dụng vào đời sống của mình qua cái sự hiểu biết đó. Chúng ta biết được cái nhân quả của con người và các pháp đều là vô thường thì không còn có nghĩa gì mà chúng ta ham sống trong cuộc đời này nữa. Mà chúng ta tìm cách để mà chúng ta làm sao ra khỏi cái cuộc sống này. Bằng cách là làm chủ lại cuộc sống này chứ không thể để cuộc sống này nó sai sử chúng ta bằng cách này, bằng cách khác.

(01:21) Cho nên theo Thầy thiết nghĩ cái lớp học chúng ta tuy hơn một tháng nay, nhưng dù sao đi nữa Thầy đã triển khai được cái tri kiến của các con. Các con cũng đem hết sức lực của mình ra làm bài chứ không phải là làm chơi, không phải là làm lấy có, mà làm thật sự. Thầy biết các con đào nặn cái óc của mình để mà viết ra những cái sự hiểu biết. Cho nên toàn bộ những sự hiểu biết của mấy con như là thuật lại cái đời sống của mình thật sự.

Có nhiều bài đọc rất xúc động, có nhiều bài rất hay. Nhưng áp dụng vào đời sống của chúng ta thực hiện. Nhưng có những bài thì chúng ta mô hình được cái vô thường của cái nhân quả của nó mênh mông vô cùng, vô tận lận. Diễn tả được những cái rộng rãi. Nhất là cái bài các pháp vô thường thì nó rộng rãi lắm. Nó không phải như cái thân vô thường của chúng ta.

Các pháp vô thường các con biết nói về các pháp thì trong đó có thân chúng ta, có thời tiết, có vũ trụ, có tất cả mọi hiện tượng xảy ra đều là hiện tượng vô thường mà thôi, tất cả những vô thường.

Vì nhân quả thì chúng ta đã biết nhân thì có quả. Mà nhân thiện thì nó phải quả lành, nhân ác thì quả khổ. Và vì vậy mà nhân quả thì nó phải có cái sự vô thường của nó thay đổi chứ không đứng yên một chỗ.

Cho nên trên con đường mà tu học nếu được triển khai cái tri kiến chúng ta thì Thầy bảo đảm là mấy con sẽ là những người giải thoát hoàn toàn. Và những người sống đức hạnh, đức hạnh sống không làm khổ mình khổ người, như mình hiểu quá.

(02:52) Cho nên những bài mà ái ngữ mấy con viết Thầy thấy rất là mấy con đã hiểu chứ không phải là không hiểu. Cho nên từ đây về sau Thầy mong rằng, Thầy mong rằng các con sẽ không bao giờ dùng cái ác ngữ mà luôn luôn dùng ái ngữ. Mà ái ngữ đúng Chánh Ngữ chứ không phải ái ngữ lừa đảo người khác. Ngọt trước mặt mà sau lưng nó có những cái điều ác trong đó thì chắc chắn Thầy tin rằng mấy con sẽ không nói những cái ái ngữ như vậy. Mà ái ngữ trước mặt cũng như sau lưng, nói thật.

Cho nên Thầy mong rằng cái lớp này chúng ta sẽ tiến bước thêm, giới luật nghiêm chỉnh hơn để chúng ta đạt được sự giải thoát hoàn toàn làm chủ bốn sự đau khổ.

2- CHỈ CẦN NHIẾP TÂM, AN TRÚ TÂM MỘT PHÚT

(03:33) Vì nếu mà chúng ta thấy rằng trong cái giai đoạn tu, những cái thời gian gần đây thì những cái giai đoạn mà chúng ta tu quán thì chúng ta thấy tâm mình như bị động, bị động là sau khi ngồi nhiếp tâm thì thấy từng cái niệm này niệm khác mà không yên như lúc trước nữa. Sự thật chúng ta hôm nay không phải còn tu nhiếp tâm và an trú tâm như lúc trước nữa.

Chúng ta hôm nay chỉ cần nhiếp tâm và an trú tâm chỉ một phút mà thôi. Chứ chúng ta không cần nhiều. Nhưng một phút vẫn làm chủ được một phút, chứ không phải tu nhiều mà chẳng làm chủ được gì hết thì như vậy cũng phí công. Cho nên sự tu tập chúng ta hôm nay càng tu tập thì càng thấy sự làm chủ của mình rõ ràng. Nếu không đi kinh hành, không nhiếp tâm trong thân hành, không nhiếp tâm trong hơi thở mà đã nhiếp tâm thì làm chủ rõ ràng là một phút. Không có một niệm nào xen vào được, đó là cách thức chúng ta làm chủ.

Còn sống trong cuộc sống của chúng ta, trong tâm hồn của chúng ta luôn luôn lúc nào cái tri kiến, cái sự hiểu biết chúng ta quán chiếu luôn luôn soi thấu tất cả những điều sai, điều không đúng của cuộc sống chúng ta, cho nên hóa giải tất cả những ác pháp làm cho chúng ta sống hoàn toàn được bình an, được thanh thản, được an lạc, vô sự; làm cho chúng ta sống một cuộc sống tràn đầy sự sống rất là an ổn.

Cho nên sự tu tập chúng ta không tu thôi, mà đã tu thì phải thấy kết quả như thật. Chứ không phải viết bài ra để lý luận hơn thua, tranh cao thấp, để viết nhiều viết ít; ở đây không cần!

(05:06) Một người có đem một cái câu chuyện ví dụ về một cái thân hành nào đó, chỉ cần một ví dụ thôi. Mà ví dụ đó áp dụng vào được đời sống của họ, nói lên được tâm niệm của họ, nói lên được sự quyết tâm của họ để sống được cái hành động đó là có giá trị rồi. Cho nên những bài vở mấy con viết nhiều khi Thầy đọc Thầy cũng rất xúc động, thấy thương tội nghiệp cho mấy con quá. Bởi vì mấy con viết thật sự cuộc đời của mấy con. Cuộc đời quá đau khổ, mà mấy con phải gánh chịu những cuộc đời đau khổ đó.

Vì cuộc đời chúng ta không có đạo đức cho nên người này làm khổ người khác. Mà dẫm đạp trên sự đau khổ của người khác mà họ rất là vô tình, họ rất vô tình, không hiểu biết sự làm như vậy là không đúng, nhưng họ vẫn làm. Đó là những tình nghĩa của vợ chồng, những người sống gần gũi nhau mà họ vẫn chà đạp lên cái sự yêu thương nhau của người này với người kia một cách rất tàn nhẫn. Sự thật ra ở đây Thầy dùng chữ tàn nhẫn thật đúng, họ vô tình đến mức độ mà tàn nhẫn. Người vợ cũng như một người chồng đau khổ họ không cần lưu ý. Họ chỉ thỏa mãn trong cái sự chạy theo dục lạc của họ mà thôi. Cho nên họ để lại biết bao nhiêu sự đau khổ cho chồng, cho vợ hoặc con cái của họ mà họ đâu ngờ.

Như mấy con triển khai ra Thầy thấy rõ ràng đời khổ quá. Vậy thì chúng ta hãy cố gắng mấy con, cố gắng mà vượt qua. Cố gắng thì chúng ta phải sống đúng đức hạnh của chúng ta, như ăn ngủ đừng phi thời mấy con. Và độc cư trọn vẹn đừng nói chuyện, vì mấy con nói chuyện là mấy con sẽ không đi tới. Giai đoạn thứ nhất thì mấy con còn nói chuyện được chút ít chứ giai đoạn thứ hai mà mấy con nói chuyện như vậy thì không bao giờ mấy con có đủ thần túc đâu. Thần túc nó chờ cho mấy con phải có sự nghiêm chỉnh về giới luật, nếu mấy con không nghiêm chỉnh thì chắc chắn không thể được.

(06:55) Thầy ước mong rằng lớp học của chúng ta bên nữ cũng như bên nam đều có sự chứng đạt hẳn hòi, cụ thể. Không phí sức uổng công lao của Thầy đã đứng ra dạy dỗ cho mấy con. Thầy nghĩ rằng cái lớp học này là cái lớp học để đào tạo những người có gương hạnh đạo đức hẳn hòi, để đứng ra dạy cho tất cả các lớp đạo đức khác.

Nếu mấy con sống không đúng đức hạnh thì mấy con dù có thần thông, dù có ngồi thiền bảy, tám ngày mấy con cũng không đủ khả năng để mà dạy người đâu. Vì đạo Phật là đạo đức! Cho nên chúng ta phải bằng hành động sống đạo đức thì mới là gương hạnh, mới làm người dạy người khác được.

Ví dụ như bây giờ ở trong lớp mấy con nói chuyện, tiếp xúc qua lại nói chuyện này chuyện kia thì như vậy thì mấy con có thấy xứng đáng khi mấy con tốt nghiệp cái lớp này ra trường mà mấy con cái hạnh như vậy thì mấy con đâu có xứng đáng mà dạy người. Bởi vì ít ra mấy con dạy người ta độc cư thì ít ra mấy con cũng phải là những người độc cư trọn vẹn để thực hiện được sự giải thoát thật sự.

3- CÁC BÀI VIẾT CỦA TU SINH SẼ ĐƯỢC IN THÀNH SÁCH

(08:00) Cho nên Thầy ước ao rằng lớp học chúng ta càng ngày càng lúc chúng ta tiến tới sự tu tập. Không nghĩa là chúng ta độc cư mà chúng ta không thương nhau. Chúng ta độc cư là chúng ta thương nhau, thương nhau rất nhiều để chúng ta mỗi người đều được yên lặng mà tu tập.

Hôm nay, những bài của các con Thầy ước mong rằng những bài mà viết như thế này, mấy con lưu lại ngày nào đó thì Thầy sẽ xin lại các bài của các con, nhờ một người đánh vào vi tính sẽ in ra những bài, chọn lấy những bài nào và tất cả các con đều là được chọn bài hết chứ không có người nào mà Thầy bỏ. Nghĩa là cái ý của mấy con viết như vậy, nhưng khi mà nhuận lại, chỉnh lại cho cái bài đó hoàn tất để nó trở thành bài học đạo đức thì sau này đúc kết thành một cái bộ sách Đạo Đức do mấy con học trong lớp này mà viết ra.

Sẽ được in thành sách và được gửi lại cho mấy con đọc, từ các con đọc các con thấy, bây giờ chúng ta không có thì giờ để đọc để chúng ta nghe những cái nhân quả, những cái vô thường mà các con đã từng tư duy quán xét qua đời mình. Sau đó mấy con được đọc cái bộ sách do chính đầu óc và bàn tay của các con viết ra. Và người nhuận lại, Thầy tin rằng nếu mà Thầy có đủ thì giờ mà Thầy nhuận lại từ cái bài các con viết Thầy chỉ dựa vào cái ý của mấy con, cái mẫu chuyện mà mấy con đưa ra mà Thầy chỉnh lại để nó trở thành một cái bài học đạo đức thì chúng ta sẽ có bộ sách Đạo Đức có giá trị rất lớn. Giá trị của mỗi con người, mỗi học viên, mỗi Tu sinh ở trong lớp học của chúng ta.

(09:46) Thầy mong rằng các con hãy gìn giữ lại những bài đó một ngày nào đó có đủ duyên Thầy xin mấy con trở lại. Và đồng thời Thầy cho đánh vi tính. Còn người nào mà có máy vi tính thì các con cứ đánh trên máy vi tính rồi chừng đó mấy con sẽ cho Thầy lại những cái đĩa, để rồi Thầy cho kết hợp lại thành một bộ sách đạo đức nhân bản - nhân quả.

Cho nên vì vậy mà cuối cùng như chúng ta học bài nhân quả, từ nhân quả thảo mộc cho đến nhân quả con người. Cuối cùng thì kết luận của cái bài học nhân quả thì đạo đức nhân bản - nhân quả mà Thầy đã cho mấy con viết. Nếu mấy con có đủ sức của mấy con mà viết thì các con phải viết nó thành ra một cái bộ sách, những cái đề tài, những cái tít nhỏ của nó là một cái bài nói về đạo đức thì mấy con hãy cố gắng mà viết trở thành bộ sách Đạo Đức sau này được Thầy nhuận lại, và được thành một bộ sách Đạo Đức do chính khối óc và bàn tay của mấy con viết ra. Thầy chỉ có công nhuận lại thôi, hoàn toàn những ý của mấy con, cái gì cần thiết thì Thầy sửa mà không cần thiết thì thôi. Để nguyên cái ý và văn của các con, từ cái phong cách viết văn của các con thì Thầy vẫn giữ nguyên, không bao giờ để sai cái phong cách viết văn.

(11:05) Bởi vì mỗi người có cái lối viết, để diễn tả được cái đạo đức, cái thiện pháp và cái ác pháp. Mấy con có cái lối viết mỗi người có khác nhau, không có người này giống người kia. Nhưng đó cũng nói lên được cái tập sách Đạo Đức của nhiều người viết chứ không phải một người viết. Mỗi người viết có cái hay của riêng mỗi người. Cho nên vấn đề mà lưu trữ những cái tài liệu này thì các con nên cất giữ lại đừng để mất. Một ngày nào đó thì Thầy sẽ xin các con tập hợp lại cho thành những cuốn sách Đạo Đức, nhiều lắm mấy con, sẽ rất nhiều. Nói về đạo đức thì chúng ta nói không bao giờ hết đâu. Thí dụ như nói về thân hành, thì mấy con chỉ nói nó có tham lam, rồi sát hại chúng sanh, rồi tà dâm thôi. Nhưng mà sự thật ra các con biết một con người chúng ta đó, trong cái hành động của chúng ta nhiều lắm mấy con. Làm một cái nghề nghiệp thì chúng ta cũng là thân hành rồi.

Một người mà làm nông dân, mà cày sâu cuốc bẫm thì đó là cái nghề nghiệp của người ta. Mà cái nghề nghiệp tức là thân hành rồi. Do vì vậy mà chúng ta nói ra nghề nghiệp thì người làm nghề này, kẻ làm nghề khác. Biết bao nhiêu là cái hành động đạo đức của nghề nghiệp rồi? Nói về đạo đức mà thân hành thì chúng ta chỉ gọn ở chỗ là không giết hại chúng sanh, không trộm cắp, không tà dâm thôi. Nhưng mà sự thật ra nói về cái đời sống của con người mà thân hành thì nhiều lắm, còn nhiều lắm. Chúng ta nói sao hết!

Cho nên mỗi nghề nghiệp đều là một cái thân hành của chúng ta. Một người làm nghề bác sĩ, một người làm nghề giáo viên, một người làm nghề buôn bán, một người làm nghề công nhân, một người làm nghề nông dân tất cả những nghề nghiệp đó nó nói lên được cái thiện cái ác của đời sống của họ để họ nuôi đời sống họ bằng cái tốt hay bằng cái xấu.

(12:56) Do như vậy mà chúng ta viết về đạo đức thì biết bao nhiêu mà cho cùng? Cho nên ở đây chúng ta tóm lại là có ba điều kiện thôi. Mà ba điều kiện mà chúng ta viết, còn nếu mà chúng ta hay nữa là chúng ta nêu lên một cái nghề nào đó rồi chúng ta nói ông A, ông B làm cái nghề đó. Những cái nghề đó nó sẽ gian xảo cái bực nào, và nó tốt bực nào. Thì chúng ta sẽ nói ra một cái hành động của cái nghề nghiệp cũng đủ thấy rằng đạo đức của con người.

Cho nên ở đây thì chúng ta cần phải nắm, hiểu cho rõ ràng để mà chúng ta viết. Nhiều khi chúng ta hiểu một góc độ nhỏ này chúng ta viết cái đạo đức đúng chứ không có sai, hay chứ không phải dở. Nhưng mà mênh mông ra thì chúng ta không thấy hết, không toàn diện hết. Như vậy chúng ta muốn thấy hết, muốn rộng rãi ra thì chúng ta phải có cái sườn để chúng ta thấy.

Thí dụ như nói về các pháp vô thường thì nó mênh mông lắm, nó rất là mênh mông. Nếu mà một cái người mà không chịu nghiên cứu sách vở, không chịu theo dõi tin tức sự kiện xảy ra thì chúng ta không biết được cái vô thường của các pháp đang xảy ra trên cái hành tinh của chúng ta.

Như bây giờ ở bên Pháp xảy ra điều gì, ở bên Mỹ xảy ra điều gì chúng ta không chịu theo dõi thì chúng ta đâu biết sự vô thường đó. Đó là sự vô thường thay đổi, thí dụ như động đất cũng là vô thường, rồi sóng thần cũng là sự vô thường chứ có gì. Do cái sự học hiểu mà chúng ta có hiểu biết như vậy thì chúng ta mới có thể làm bài nó mới có nhiều, có đầy đủ, còn nếu không thì chúng ta chỉ có cái vô thường có cái góc độ nhỏ mà thôi. Góc độ nhỏ mà thôi chứ chúng ta không thấy một ngọn núi lửa phun lên cũng là sự vô thường của hành tinh của chúng ta chứ đâu phải cái gì khác lạ. Cho nên tất cả những sự kiện đó xảy ra nếu mà chúng ta không được đọc, thì chúng ta không hiểu thì chúng ta sẽ thấy nó là một cái tai họa, nhưng mà sự thật đó là cái vô thường của nhân quả.

(14:59) Bởi vì cái sự vô thường của nhân quả nó sẽ đem đến khổ đau của chúng ta, của con người. Tại sao mà nó có sự vô thường của nhân quả vậy? Nếu mà con người làm thiện hết thì nó không có những hiện tượng đó, nó không có hiện tượng đau khổ vô thường đó. Mà vì chúng ta làm ác vì vậy mà chúng ta lãnh lấy cái hậu quả của cái sự đau khổ đó.

Ở đây thì chúng ta không thể đọc hết những cái bài vở của mấy con. Mỗi bài đều có cái hay, có cái hiểu biết về nhân quả, về vô thường của nó. Ở đây mấy con còn tiếp tục những người nào mà chưa làm bài thân vô thường thì tiếp tục làm bài thân vô thường. Người nào chưa làm bài đạo đức nhân bản - nhân quả thì hãy làm bài đạo đức nhân bản - nhân quả.

4- NHẬN DIỆN ĐẶC TƯỚNG, ĐẶC TÍNH CỦA HÀNH ĐỘNG ÁC

(15:43) Những cái điều mà Thầy đã hướng dẫn cho mấy con biết rằng chúng ta không viết, mà đạo đức thì chúng ta không rời đặc tướng, đặc tính, duyên hợp, duyên tan, chuyển đổi nhân quả. Thì những cái đó là cái căn bản nhất, cái dàn bài căn bản nhất để mà chúng ta dựa vào đó. Mặc dù chúng ta không nói ra, nhưng mà cái người đọc người ta vẫn hiểu cái đặc tướng của cái người đó. Nhưng nhiều khi chúng ta nói chung chung thì chúng ta lại không thấy cái tướng của nó, mà nhiều khi chúng ta lại nói sai cái tướng của nó nữa.

Thí dụ như bây giờ nói cái tướng mà giết hại chúng sanh. Thì cái tướng của nó là hai chân đạp chân con gà, kéo cổ con gà lên đó là cái tướng, cái hành động làm cái tướng đó. Còn cái tính của nó là cái tính hung ác, con gà giãy giụa mà chúng ta không có thương yêu. Chúng ta thấy đó là cái điều mà chúng ta làm với cách không có cái tình thương, tức là cái tính hung ác. Do như vậy từ cái hành động là cái tướng cho đến cái tính của nó, nó liên tục. Nhưng mà khi mà người mà nói ra thì người ta biết cái tính.

Tại sao mà chúng ta ngồi học cái đặc tướng, đặc tính như vậy để làm gì?

Để một khi mà chúng ta thấy cái sự kiện xảy ra chúng ta biết đây là cái tướng của nó, cái tướng hung ác của nó. Đây là cái tính hung ác của nó. Đó chúng ta thấy hiểu biết để làm gì? Để chúng ta ngăn chặn được cái tâm chúng ta không làm cái điều đó. Còn nếu mà chúng ta hiểu chung chung thì chúng ta không biết cái tướng, cái tính của nó thì do đó chúng ta không hiểu. Do đó chúng ta không ngăn chặn được tâm của mình, khi tâm mình nó khởi lên một điều ác.

(17:16) Cho nên vì vậy mà cái sự hiểu rõ như vậy thì chúng ta tu tập mới có thể kết quả, mới có thể giải quyết được tâm mình thanh thản, an lạc, vô sự. Còn nếu không thì chúng ta sẽ không bao giờ mà chúng ta có thể đạt được cái tâm bất động được. Cho nên sự tu tập cần phải hiểu biết như vậy.

Hôm nay có một cái bài quá dài. Nhưng mà cái bài làm này thì Thầy thấy về các pháp vô thường nó rất là đầy đủ. Cái bài này nó chỉ dùng làm cái tiêu đề quán xét vô thường vì đây là bản tin, bản tin tức mọi sự việc đã xảy ra trên hành tinh này. Cái bài này ghi lại tất cả những sự việc mà nếu mà cái người mà không có chịu nghiên cứu đọc tin tức, sách vở sự kiện xảy ra thì không thể nào ghi các pháp vô thường như thế này được. Vì vậy cái bài này chỉ chẳng qua nhắc nhở chúng ta hiểu biết một cách tổng quát của các pháp vô thường trên cái hành tinh của chúng ta, từ nước này đến nước khác. Từ đất nước Việt Nam cho đến tất cả các nước khác đều xảy ra, các pháp đều vô thường để chúng ta thấy rằng mọi hiện tượng mà xảy ra trên hành tinh của chúng ta đều là vô thường.

Cái bài này viết thì, thật sự ra cũng đem hết đầu óc của mình và cũng là một cái người đọc sách rất là nhiều, và theo dõi tin tức rất nhiều chứ nếu mà không khéo thì chúng ta chẳng biết mà nói hết.

Vậy thì hôm nay chúng ta học đến các pháp vô thường để chúng ta thấy rằng không có cái pháp nào trên thế gian này mà thường hằng, mà những sự kiện xảy chúng ta đều đó là thấy được cái sự vô thường của hành tinh của chúng ta, của môi trường sống của chúng ta, để chúng ta rõ ràng hơn.

(18:57) Vậy thì cái bài này thì nó không như những cái bài của mấy con viết. Mấy con viết những cái bài của mấy con đi sâu vào cái áp dụng vào đời sống. Cái bài này nó cũng nhắc nhở nhưng mà nó rộng rãi, quá rộng rãi. Cho nên nó không xuyên suốt bằng từng cái đề mục. Nhưng bài này rất hay, do cái người viết cũng có cái trình độ, nghiên cứu, học hỏi cho nên mới viết được chứ còn nếu mà không có nghiên cứu học hỏi thì chắc không viết được cái điều này. Quá, đọc rất nhiều sách vở. Vì vậy thì Thầy kêu cái người viết cái bài này đó thì lên đọc cho mọi người nghe để nương vào đó mà chúng ta thấy các pháp vô thường trong vũ trụ. Hầu sau này chúng ta làm nó không có bị lệch, chúng ta sẽ dựa vào cái bài này mà chúng ta làm nói về các pháp vô thường thì nó không thiếu. Chứ không khéo chúng ta sẽ thiếu rất nhiều.

Cho nên ở đây bây giờ thì cái người viết cái bài này đó là Nguyên Thanh, con hãy lên đây đọc cái bài này cho mọi người nghe để thấy được cái chỗ mà từng đọc trong sách vở, từng theo dõi tin tức những sự kiện xảy ra trên hành tinh này gọi là các pháp vô thường.

Đây, Nguyên Thanh lên đọc con. Đây, mấy con thấy viết một sấp như thế này Thầy đọc Thầy phát ớn! Quá trời!

Tất cả đông tây đều nó góp trong đó hết. Cái bộ bách khoa từ điển.

Con hãy đọc đi con! Chọn lựa những cái nào mà cần thiết đọc được đầy đủ đó con, còn những cái khác thì bỏ bớt, nhiều quá. Thầy đọc cái này hai, ba tiếng đồng hồ đó.

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy