00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

CK 035B (NAM) - TÂM THƯ DIỆU VÂN - LÒNG YÊU THƯƠNG - ĐỊNH VÔ LẬU - ÁP DỤNG NHÂN QUẢ

CK 035B - ( NAM ) - TÂM THƯ DIỆU VÂN - LÒNG YÊU THƯƠNG - ĐỊNH VÔ LẬU - ÁP DỤNG NHÂN QUẢ

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Thời gian: 12/2005

Thời lượng: [38:47]

1- TÂM THƯ CỦA CÔ DIỆU VÂN

(00:00)Trưởng lão: Hôm nay Thầy đọc một bức thư hôm qua Thầy dạy cái lớp nữ mấy con. Có những cái điều kiện cũng bức xúc.

Cho nên Thầy thấy ở đây chúng ta sống thì chúng ta đem cái lòng thương yêu đối với huynh đệ với nhau, đừng có nghi kỵ, đừng có điều gì hết. Mọi việc đều có Thầy có thể giải quyết, mấy con không có thể giải quyết. Nhưng đừng thấy như thế này hoặc như thế khác mà làm khổ cho nhau hơn.

Hôm qua có những cái điều mà Thầy đã giải quyết trong cái lớp học bên phái nữ. Thì có một cái người đệ tử của thầy Nhất Hạnh tức là cô Diệu Vân, cô đã từng học bên đó. Cô đã nghe Thầy nói cái sự việc nó xảy ra cho bên nữ, thì cô có viết bức thư gửi cho Thầy.

(00:50) Con kính bạch Sư ông! Khi nghe Sư ông đọc thư sư cô Nguyên Thanh, con rất đồng cảm vì chính con đôi lúc cũng có chuyện riêng muốn thưa hỏi với Sư ông vì con đã từng bị tưởng áp đặt và ức chế tâm khi con ở với Sư ông Nhất Hạnh.

Một người đã từng ở thế giới tưởng cao siêu đó, giờ đến thế giới Tu Viện Chơn Như để được xả tâm thì sướng lắm. Con hiểu lắm, vì con đã từng ở thế giới đó, lãnh hội tư tưởng của sư ông Nhất Hạnh, nhưng sư ông Nhất Hạnh có lần đã nói: Vị A La Hán còn xuất tinh, còn nơi đây tức là làng Mai là nơi toàn là Bồ Tát với các vị Phật không hà, đầu óc non nớt của con không bao giờ biết thật giả đâu. Biết hỏi ai đây? Chỉ biết rời khỏi mà đi thôi. Chỉ biết đi tìm vị A La Hán để hỏi xem thực hư thế nào.

Con là một con chim đã bị thương, không phải bị thương trầy da, chảy máu bên ngoài. Mà là bị thương vì tư tưởng, vì bị nhiễm ô mà không dám thưa hỏi. Mỗi lần sư ông Nhất Hạnh giảng pháp xong có nhiều điều con bị rơi vào tưởng nên con đi hỏi y chỉ sư của con.

Nghĩa là y chỉ sư là, ở bên làng Mai có người y chỉ, khi mà thầy Nhất Hạnh giảng rồi, cái gì thắc mắc thì mình hỏi cái người y chỉ sư là cái người gần gũi bên mình để giúp đỡ mình. Chứ không có hỏi lại sư ông Nhất Hạnh.

(02:44) Y chỉ sư con không lắng nghe nỗi lòng con, mà bảo con phải biết nghe lời dạy thôi, cứ bảo con nín, không được nói mà hỏi gì hết. Cứ phải im lặng mà thực tập chứ không cần hiểu. Con thật khổ, vì không hiểu mà cứ tưởng rồi thực tập.

Thầy ơi! Con thưa thẳng ra rồi Thầy có muốn trả lời câu hỏi của con không thì con không còn quan trọng nữa. Nhưng con tha thiết mong Sư ông hãy đừng để sư cô Nguyên Thanh trở về với sư ông Nhất Hạnh, thì khổ lắm!

Vì con thoát ra được vô cùng khó khăn, phải im lặng hùng tráng cả tháng, còn phải đi bộ cả đêm trong rừng, đường phố bên Pháp như một con Ma đói vậy. Đừng để sư cô quay lại làng Mai! Con tha thiết cầu xin Sư ông!

Con kính thư! Diệu Vân.

(03:46) Đây, mấy con thấy có thể Nguyên Thanh sẽ đi qua bên Pháp theo thầy Nhất Hạnh tu tập. Cho nên cái lòng thương của Diệu Vân đã viết lên bức thư này để nói với Thầy làm cách nào, vì sự thật ra trong chúng có cái đôi mắt đối với Nguyên Thanh nhìn cay cú. Coi như là Nguyên Thanh là một người đến đây phá hoại, coi như Nguyên Thanh là một người Đại thừa tổ chức vào đây phá hoại. Cái đôi mắt của họ nhìn như vậy.

Cho nên vì vậy mà mỗi mỗi nó đều đem đến một cái sự khó khăn vô cùng đối với Thầy. Thầy muốn làm sao cho những người đệ tử của Thầy luôn luôn tu tập xả tâm, đừng có nhìn ngó nhau. Thậm chí như có người đến mức vầy mấy con thấy. Thầy nói đây là bằng cái sự thật, người ta thấy Nguyên Thanh người ta khạc nước miếng người ta nhổ trước mặt.

Chúng ta là con người mấy con, con vật chúng ta còn không nỡ làm như thế, huống hồ là con người chúng ta đối xử nhau như vậy sao mấy con? Các con hiểu điều đó! Mình làm cho người ta khổ để làm gì? Có ích lợi gì đâu!

Mình cố gắng mình khuyến khích người ta tu hành. Thật sự ra Thầy thấy trước cảnh khổ, cực khổ lắm. Thầy là một người rất khó khăn chứ không phải là không khó khăn. Nhưng mà Thầy rất thương yêu đệ tử của Thầy, Thầy làm sao cho họ tu được mấy con. Họ tu được.

Thì Thầy thấy rằng Thầy rất nâng đỡ Nguyên Thanh nhiều là trong những cái bài viết của nó, và khi nó thưa hỏi thì gợi ý đúng cách để cho nó viết bài được, để nâng đỡ, nó không thấy mặc cảm. Chứ không khéo nó mặc cảm, rất là mặc cảm đối với bên nữ họ có những hành động rất là ác đối với nó.

(05:31) Họ không biết thương, Thầy nhắc nhở bài sóng gió Chơn Như. Thầy nêu lên cái gương hạnh của ông Phú Lâu Na. "Người ta chửi ông, ông vẫn trả lời với Phật rằng người ta còn thương ông. Người ta đánh ông, ông vẫn còn bảo là người ta còn thương ông. Người ta giết ông chết, ông vẫn còn bảo người ta thương ông". Thật sự chỉ có lấy tình thương mà chúng ta mới chan hòa được những sự khổ đau. Giúp những người bạn thân thương của mình, vì mình hiện giờ cái nhìn của mình là cái nhìn hạn hẹp lắm, không thể thấy được người khác đâu.

Cho nên vì vậy mà những lúc mình dùng cái khẩu hành, cái thân hành của mình, cái ý hành của mình trong lúc mình gặp nhau. Nhân quả, mà mình sử dụng những cái lời nói, cái ánh mắt nhìn, cái hành động, Thầy nói nội cái ánh mắt nhìn cũng làm người ta cũng muốn chết người ta nữa chứ đừng nói chi tới lời nói, tới cái hành động. Cho nên những điều đó mình tự làm khổ mình mà mình không thấy.

Cho nên hôm nay ở đây Thầy muốn đọc lại cái bức thư của Diệu Vân, là tại vì Diệu Vân là cái người đã trực tiếp sống trong cái khổ của pháp tưởng. Và hôm nay về đây được Thầy chỉ dạy cho cách thức xả tâm, để phá đi cái tưởng.

Nguyên Thanh ngày xưa các con biết khi trình Thầy, nếu không có Thầy thì Nguyên Thanh cũng đã điên chứ không thể nào không, tu đến mức như vậy. Thì Thầy nói hiện giờ cái tâm tánh của Nguyên Thanh nó cũng chưa có được ổn định. Bị tưởng, các con nhớ những người bị tưởng hoàn toàn hiện giờ cứ ngỡ mình bình thường nhưng mà sự thật ra không bình thường.

Đây, Thầy nói như thầy Chơn Tịnh đây nè, cũng chưa chắc là bình thường. Còn sư Duyên nè cũng chưa chắc bình thường nữa mấy con, chứ mấy con tưởng Thầy biết hết. Bởi vì cứ nghĩ tưởng thế này thế khác là bị tưởng hết. Chớ không phải, mình nói bữa nay vầy lát nói khác là bị tưởng hết.

Qua cái đôi mắt nhìn Thầy ở đây quý thầy đều bị tưởng nhiều lắm mấy con. Tại vì quý thầy ham tu, rồi quý thầy không biết cách tu, tu không đúng pháp cho nên quý thầy tưởng.

Đây Thiện Thảo nè, là con người bị tưởng đó. Nếu mà Thầy không lôi ra thì hiện giờ có thể nói rằng điên chứ đừng nói chuyện. Cho nên đâu phải dễ đâu mấy con!

2- NỖI LÒNG CỦA THẦY

(07:58) Thật sự ra, những người học trò của Thầy được theo Thầy, Thầy rất sợ, lỡ có một điều gì là đem đến cái khổ đau cho cái người đệ tử của mình. Từ đây, họ mang cái thân mà họ đau khổ, mà chính họ đâu biết họ đau khổ. Họ cứ ngỡ tưởng là mình Thần Thánh không hà, chứ đâu phải họ biết họ đau khổ. Một cái người đang điên họ không bao giờ họ biết họ điên. Thầy nói như vậy mấy con hiểu biết.

Cho nên, Thầy mấy con biết không. Từ 11 giờ, 1, 2 giờ là thường xuyên Thầy đến những cái thất của mấy con mà đang nỗ lực tu, con cứ hỏi Thiện Thảo là biết như thế nào. Nghĩa là Thầy thấy nó ngồi nó lấy cái y nó trùm như thế này, rồi nó ngồi có khi Thầy thấy nó đi. Thì Thầy đi ngang qua thì nó chấp tay nó chào Thầy. Nhưng mà Thầy rất lo, rất lo!

Một con người phải có ăn, có ngủ. Ngày xưa đức Phật cũng có ăn có ngủ chớ. Chứ đâu phải là đức Phật tuyệt thực, đức Phật không ngủ. Cho nên vì vậy khi nào không ngủ là lúc bây giờ chúng ta ở trong trạng thái gì? Nhập định gì? Chứ khi không mà bây giờ chúng ta con người bình thường như thế này mà bắt đầu ép không cho nó ngủ thì mấy con muốn chết sao? Muốn điên sao? Đâu có phải đâu!

Cho nên những điều kiện mấy con làm coi chừng, coi chừng, Thầy rấy lo! Các con làm một cái gì sai Thầy lo lắm. Sợ, mấy con sai lạc có thể nguy hiểm.

(09:23) Cho nên khi mà Thầy đến thất thầy Chơn Thành Thầy thấy thầy Chơn Thành ngồi viết Thầy mừng. Mà Thầy thấy nhiếp tâm, đi, đứng này kia Thầy quan sát rất kỹ, Thầy theo dõi từng chút mấy con. Trong khi mình nhiếp tâm Thầy rất lo, rất sợ!

Bởi vì Thầy biết, hầu hết là từ xưa đến giờ nhiều người tu nhiếp tâm mà không ra được gì hết! Mà hầu hết là lạc trong tưởng.

Thầy là một con người từng đi qua những cái giai đoạn tu tập đó rồi Thầy biết rất rõ. Mà nếu mà Thầy để các con, các đệ tử của Thầy điên loạn như vậy Thầy không xứng đáng là Thầy của mấy con. Cho nên Thầy nhắc nhở rất nhiều, tại sao hôm nay Thầy triển khai Thầy không triển khai cái pháp đầu tiên cho mấy con tu là Chánh Niệm Tỉnh Giác? Mà Thầy triển khai cái pháp Định Vô Lậu? Các con biết.

3- ĐỊNH VÔ LẬU

(10:12) Cho nên Thầy triển khai pháp Định Vô Lậu tức là lấy từ giới mà đi ra. “Giới luật ở đâu là Tri kiến ở đó, Tri kiến làm thanh tịnh Giới luật, Giới luật làm thanh tịnh Tri kiến”. Đúng như lời đức Phật đã dạy!

“Và bờ bên đây, bờ bên kia. Bờ bên kia giải thoát, bờ bên đây đau khổ”. Thì rõ ràng đức Phật đã xác định cái hướng đi của chúng ta rõ ràng rồi. Mà muốn ở bờ bên kia để được giải thoát, thì cái gì mà ở bờ bên kia? Có phải Tri kiến của chúng ta không? Hay là chúng ta nhập định là chúng ta ở bờ bên kia?

Cho nên, ở đây đức Phật bảo: “Ngăn ác, diệt ác…​”, mà ngăn ác diệt ác đâu phải lấy thiền định mà ngăn, lấy nhiếp tâm mà ngăn. Mà lấy Tri kiến của chúng ta ngăn. Cho nên mới: “Giới luật ở đâu là Tri kiến ở đó, Tri kiến ở đâu là Giới luật ở đó”. Hai cái này phải kiềm nhau!

Mà kiềm nhau thì tức là ngăn ác diệt ác chứ gì. Mình phạm giới là ác pháp, mà không phạm giới là thiện pháp chứ sao.

Mà các con thấy đức Phật nói: “Tri kiến ở đâu là Giới luật ở đó, Giới luật ở đâu là Tri kiến ở đó”. Không phải đúng sao?

Cho nên mấy con theo Thầy mấy con không bao giờ tu sai một chút nào hết! Phật dạy như thế nào Thầy lập luận rất đúng, không bao giờ sai. Và cuộc đời của mấy con càng ngày mấy con sẽ tiến bộ trên con đường giải thoát rất rõ ràng.

Rồi bắt đầu bây giờ áp dụng cho sức tỉnh thức. Từ cái căn bản của mấy con nhiếp tâm tức là chế ngự tâm mình trong 1 phút. Các con tu hôm rài cứ 1 phút, 1 phút mấy con thấy có chất lượng phải không? Có chất lượng.

Nhưng, đừng đi tới. Chờ, các con chờ khi mà Thầy dạy mấy con tới cái thân vô thường, các pháp vô thường. Các con cũng phải làm bài như thế này nè, chứ không phải là các con thiếu làm bài. Mấy con phải làm bài mấy con, chứ đừng nói tôi dốt tôi không làm bài đâu.

Sự thật ra các con thấy sư Pháp Châu, sư viết mấy chữ hà mà giờ một cái trang giấy như thế này nó nhiều quá cho nên sư viết 3, 4 chữ thôi. Nhưng mà Thầy rất khen, đầy đủ ý thôi, nói được nhân quả thôi. Cho nên có nhiều khi sư đưa cái câu chuyện ở trong chùa sư thôi. Nhưng mà sư nói được, Thầy đâu cần nhiều. Nhưng mà nói được nhân quả tức là mình biết cách mình xả tâm chớ.

(12:39) Cho nên Thầy rất khích lệ. Ở đây có nhiều người viết văn chưa thành văn đâu. Nhưng mà chỉ nói lên được cái mình thấy, hiểu, biết cái sự kiện đó xảy ra. Nhưng mà Thầy thấy điều kiện đó Thầy sẽ giúp đỡ và giúp đỡ họ sẽ từ đó…​ Từ lúc đầu mà sư Pháp Châu các con biết, sư viết có mấy chữ thôi sư không biết viết gì được hết. Mà Thầy khích lệ, Thầy cứ viết này đầy đủ, quán đầy đủ, trọn vẹn, sắc sảo như vậy là sư thấy mình cũng làm được đây chớ, cho nên bắt đầu sư viết khá hơn chút nữa, khá hơn chút nữa. Đến bây giờ cái bài sư viết Thầy thấy khá tiến bộ. Thầy có khen không hà, mà cuối cùng sư làm được, các con thấy chưa. Mà nếu mà Thầy chê, thì chắc chắn là sư nói thôi cái kiểu này chắc là tui chết rồi. Có phải không mấy con?

Các con thấy cái ông Châu Lợi Bàn Đặc, ông anh không có tâm lý, có phải không? Ông đọc 4 câu kệ không thuộc: “ Mày tu hành cái gì! Có 4 câu kệ mà đọc hoài không thuộc, đi về đi. Cái thứ ngu dốt như thế này mà đòi đi theo Phật tu cái thứ gì!

Cái ông này ông thấy ông khổ quá rồi, mà ham tu theo Phật ham tu rồi. Cho nên vì vậy mà ông anh chửi mắng cho nước rồi đâu có làm sao, ngồi trong cái thất của mình mà khóc. Đức Phật mới đi ngang qua, đức Phật là người tâm lý mấy con, mới kêu vào thất đức Phật dạy.

Thầy thấy sư Pháp Châu là người đáng thương mấy con, cho nên Thầy khích lệ, không bao giờ mà Thầy chê cái bài của sư Pháp Châu. Nhưng cuối cùng Thầy đã nâng đỡ sư Pháp Châu lên được cái tri kiến của mình triển khai từng bước lên.

Các con thấy một cái người mà hướng dẫn đạo người ta không có để đệ tử người ta chết ở trong cái tự ti mặc cảm coi như mình không làm người ta. Người ta giúp đỡ mọi mọi mặt, đều là giúp đỡ.

Chẳng hạn bây giờ các con thấy, các con nói: Sao con nhiếp tâm trong 30 giây mà cũng có vọng tưởng nữa?

Thì Thầy khích lệ: Bây giờ lo xả tâm đi, thì nó sẽ được chứ gì. Bây giờ nhiếp vô, an trú vô1 phut1, 30 giây không được thì khoan dừng lại đi, thì từ từ hãy nhiếp.

Thì trong mấy con mấy con thấy có nhiều người cũng bất mãn sao mình khó nhiếp quá như vậy chắc mình tu không vô chứ gì? Thầy nói đâu cần thiết điều đó đâu! Chỉ ráng, ráng nỗ lực thực hiện như Thầy dạy, cuối cùng Thầy sẽ dẫn dắt mấy con tới nơi tới chốn chứ gì.

(15:05) Đây mấy con thấy như Mật Hạnh chẳng hạn, nó viết bài đưa cho Thầy. Nếu mà Thầy sửa thì cái bài hay lắm, cái ý thì có đó. Nhưng mà viết thành cái bài văn mà cho hay thì viết không được đâu. Các con hiểu chưa?

Cho nên vì vậy đó mỗi lần mà viết cái gì đó thì cái dòng tư tưởng mình chạy theo sao mình cứ viết, Thầy có nhắc nhở vậy thôi. Nhưng mà Thầy thấy viết đúng là cái viết để mà xả tâm, chứ không phải viết để mà văn chương, Thì Thầy khen, cố gắng làm nữa đi con. Cuối cùng thì sẽ có ngày mà trở lại Tu viện tu tập hẳn hòi đàng hoàng thì chắc chắn không thua ai đâu. Các con hiểu không? Đó là cái khích lệ của Thầy đối với người đệ tử để mà giúp họ tiến bước để tìm cái sự giải thoát, chứ không phải là trở thành nhà văn gì cả hết.

Rồi sao này cái duyên đủ rồi, mấy con có đủ Tam Minh rồi thì cái khả năng mấy con đủ mấy con viết cái gì cũng được hết. Còn bây giờ thì cần thiết để hiểu biết.

Các con thấy như cô Diệu Vân cô viết rất hay và đầy đủ, nhẹ nhàng. Nhưng mà là một cái người đã từng có học, rồi từng đi chỗ này chỗ kia học hỏi, cho nên viết có đầy đủ. Nhưng trong khi đó mà nếu không được sự chỉ bảo cụ thể rõ ràng thì đâu làm được như thế này một cách thực tế như thế này.

(16:27) Nếu không thì cũng như những cái bài đầu của mấy con thì bên đây chung qua bên kia, bên kia chung…​ thôi quán tùm lum đủ thứ hết, nó không có đi vào một cái đề tài như thế nào được.

Đó thì mấy con thấy, vì vậy mà từ cái chỗ mà mình không hiểu cách thức để tu Định Vô Lậu mà Thầy hướng dẫn cho đến hôm nay, đọc lại những cái bài Thầy thấy ờ các con bây giờ mới viết là Định Vô Lậu, mới làm được Định Vô Lậu, mới tu cách đúng Định Vô Lậu.

Chứ hồi ngày đầu tiên mấy con, bảo viết nói thảo mộc thôi mấy con nói tùm lum ở trong đó hết, trời đất ơi! Bên đây chút, bên kia chút, xen vô, xen ra đủ thứ.

Như vậy là quán mênh mông, cũng là nhân quả nhưng nhân quả mênh mông. Cái nhúm chút, hốt cái này chút, hốt cái kia chút làm như là mấy người bán hàng xén đủ thứ đồ trong hết.

Thành ra bây giờ đó Thầy thấy đúng là Thầy hướng dẫn mấy con đi vào biết cách thức tu Định Vô Lậu, chứ ngày xưa nói Định Vô Lậu là người ta nói thiền quán rồi mấy con tự quán thôi chứ gì. Ông thầy ông dạy quán bất tịnh, rồi quán vô thường, rồi quán nhân quả, quán Thập Nhị Nhân Duyên, quán ái kiết sử…​ Ôi thôi! Đứa nào cũng quán tùm lum hết. Cứ ông thầy ông giảng cái nghĩa đó rồi bắt đầu bây giờ mình cứ quán à. Có phải không mấy con thấy, nó không phải đâu.

Xoáy vào cái đề tài của nó, mà xoáy vào đề tài của nó tức là mình xoáy vào cái chân thật, cái cụ thể để cái niềm tin mình đối với cái pháp đó, cái ác pháp đến mình dập nó tan nát hết. Tại vì mình tin như thật, pháp của Phật phải như thật mà!

Mà không hiểu biết như thật mà cứ nói lung tung như thế này thì làm sao mà gọi là như thật? Mà không như thật sao giải thoát được?

(18:00) Đó là cái sự mà tu học của chúng ta hôm nay. Cho nên chúng ta phải thương nhau các con coi như là cùng nhau ở trong một cái lớp học như thế này. Các con là con một nhà chung nhau, người nào cũng biết thương nhau, đừng có người này nghĩ người kia thế này thế khác mấy con. Đừng nghĩ! Dù là người lớn tuổi mình nhỏ tuổi hơn là người lớn tuổi là anh, là chú, là bác của mình. Còn mình nhỏ nữa là con, là cháu, là em, là út ở trong đại gia đình này. Cho nên chúng ta thương nhau mấy con!

Đạo Phật lấy Tâm Từ Bi mà thương nhau, lấy cái lòng từ bi mà thương nhau, thương nhau rộng lớn lắm mấy con. Cho nên mấy con nhớ những cái điều mà mấy con chưa hiểu thì hôm nay mấy con hiểu. Những điều mấy con chưa thương yêu thì mấy con hãy thương yêu. Đừng vì một cái lý do gì mà mình lại ghét với nhau thì không hay, xả bỏ hết đi! Đời có gì đâu!

Chỉ có tình thương mới còn vĩnh viễn, chỉ có tình thương mới đem lại cái nền đạo đức, hạnh phúc an vui cho mình cho người. Cho nên Thầy mong điều này lắm, vì chúng ta học Định Vô Lậu duy nhất chỉ có thương yêu mà thôi.

Thương đến cây cỏ nữa mấy con, các con sẽ đọc đến bài của Diệu Vân, nó nói đến từ cây cỏ, ngày xưa không hiểu ngày xưa không hiểu nhưng bây giờ hiểu rồi từng cây cỏ đều thương yêu. Mà chính thương yêu tất cả sự sống thì lại chính là thương yêu mình! Không làm khổ mình!

(19:27) Nhớ kỹ, những điều mà Thầy dạy áp dụng cho cụ thể rõ ràng. Mỗi lần học là mỗi lần biết cách thức áp dụng. Chứ không phải học suông, học bằng miệng lưỡi mà học để áp dụng vào đời sống của chúng ta.

Bất kỳ một sự vì trái ý nghịch lòng thì ngay đó chúng ta khởi thương yêu cái người đã làm chúng ta bất toại nguyện, nghịch lòng nên thương người đó mấy con. Người đó đang ở trong ác pháp, đang khổ mấy con. Chúng ta hãy thương người đó, đừng ghét người đó mấy con. Tất cả chúng ta đều là anh em cùng chung nhau một cha mẹ nhân quả. Thì chúng ta chỉ cần thương nhau là đủ rồi mấy con, thì chúng ta sẽ chuyển biến nhân quả của chúng ta sẽ trở thành tốt.

Vì thế đạo Phật là đạo Tứ Vô Lượng Tâm: Tâm Từ, Tâm Bi, Tâm Hỷ, Tâm Xả. Do cái chỗ mà đứng trên vị trí của đạo Phật lấy Tâm Từ, Tâm Bi mà sống với nhau. Thì chúng ta sẽ có Tâm Hỷ và Tâm Xả. Nếu không có Từ Bi thì không làm sao mà có Hỷ Xả. Có từ bi mới hỷ xả được.

(20:24) Cho nên ở đây, chúng ta có nhiều huynh đệ tự ti mặc cảm. Chắc có lẽ là tôi tu không nổi nữa, tôi thấy tôi bất mãn quá! Tôi thấy tôi tu không nổi, không vô nữa. Là vì bây giờ đi từng căn bản, ngày xưa thì tôi nghĩ rằng những cái vấn đề mà tư duy quán xét này tôi nghĩ rằng tôi làm được. Nhưng bây giờ kê vô rồi tôi thấy sao tôi làm không được. Làm nó trật tới trật lui, trật tới trật lui.

Sự thật ra mà đúng là nếu mà Thầy phê bình từng cái bài của mấy con đó. Thì cái chỗ nào mà mấy con quán sai lầm, đưa ra nhiều điều mênh mông quá thì ngay đó đều là bị gạch, là cho là sai hết.

Nhưng, Thầy biết rằng lần lượt mấy con sẽ đi đến một cách cô đọng hơn. Như vừa rồi Thầy vừa đọc cái bài nhân quả của thầy Từ Quang. Cái bài hôm trước thì nó khác, hôm nay thì nó khác.

Hôm nay xoáy vô liền, thí dụ nhân quả thân hành thì xoáy vô ngay liền, rồi trả lời ngay điều đó liền chứ không có nói vòng vo, không có luận mênh mông. Coi như là trực khởi một cái đề tài ngay liền để trả lời nhân quả của nó. Rồi dựa vào cái sườn của Thập Thiện trong thân hành, khẩu hành, ý hành; dựa vào đó mình diễn tả, rồi có những chuyện đời mà mình đã thấy áp dụng vào mẫu chuyện để khéo nhắc nhở, để đưa ra cái đặc tính, đặc tướng của nó. Đó là cách khéo léo của mấy con. Hiện giờ thì Thầy thấy mấy con tu tập có tiến bộ về cái vấn đề Định Vô Lậu.

(22:04) Còn về cái Chánh Niệm Tỉnh Giác, hôm nay Thầy không cho mấy con đọc những cái bài là vì chúng ta không có thời gian. Lẽ ra thì ngày mai Thầy sẽ dạy cho bên nữ nữa. Là vì Thầy không phải dạy mà Thầy cho cái ngày, cái giờ là buổi sáng và buổi chiều. Buổi sáng là 7 giờ, buổi chiều có người nào mà tu tập có gì khó khăn là lên thưa hỏi Thầy. Nhưng ngày mai Thầy mắc đi công việc về thành phố để đến một cái khu đất đó để vẽ cái đồ án để thành lập khu an dưỡng từ thiện.

Cho nên Thầy mắc về thành phố cho nên ngày mai Thầy không…​ Và ngày mốt thì nếu mà có điều kiện thì Thầy ở lại, ngày mốt thì Thầy cũng chưa về được. Thì đương nhiên là Thầy đang lo công việc cho nó xong. Thì mấy con cũng không có thưa hỏi Thầy nhưng mà mấy con sẽ tu tập cho đúng.

Vì vậy mà Thầy muốn nhắc cái điều này để làm gì? Để mấy con biết cách tu tập Chánh Niệm Tỉnh Thức, làm sao cho mình tu tập tỉnh thức.

4- ÁP DỤNG TƯ DUY NHÂN QUẢ VÀO ĐỜI SỐNG TU TẬP

(23:08) Mấy bữa rày thì mấy con đã tu tập như vậy rồi, thì mấy con cũng biết rằng tu 1 phút. Vậy thì hôm nay cái sự tu tập 1 phút của mấy con mấy con dừng lại chỗ này rồi mấy con sẽ áp dụng vào cái Tứ Niệm Xứ, tức là ngồi chơi thanh thản thôi, rồi mấy con xem từng niệm của mấy con. Bây giờ áp dụng qua để kết hợp với cái Định Vô Lậu mấy con kết hợp lại. Rồi mấy con sẽ thấy từng cái niệm ở trong tâm mấy con khởi ra.

Hoặc ngay cái cảm thọ của mấy con. Mấy con xét, cái cảm thọ này là do cái nhân gì? Cái quả gì mà sanh ra đây? Các con xét lại.

Thí dụ như bây giờ mấy con thấy đau nhức cái đầu nè, thì lúc bây giờ mấy con xét lại. Bây giờ mình đã học nhân quả rồi, chứ không phải cảm thọ là mấy con nói: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra” để rồi mới đẩy lui cái bệnh của mấy con ra khỏi cái thân của mấy con. Thì cần gì mà phải nói nữa. Thì cái niệm thọ nó vẫn còn chứ làm sao hết đâu. Phải không?

Cho nên vì vậy mình xét cái nhân quả để cho mình giữ gìn bảo vệ cái tâm của mình từ đây về sau không có hành động đó nữa. Để cái thân này không có bệnh đau đó nữa.

Thí dụ như bây giờ đó ăn cơm rồi, mà sao bây giờ mới ăn cơm rồi mà sao đau bụng quá vậy? Mấy con xét cái nhân quả gì đây? Hồi nãy có háo táo ăn cái gì đây mà nó đau bụng đây? Thì mấy con phải xét nhân quả chớ. Nếu mà không có cái chuyện mà ăn, chắc ăn gì mà nó đau bụng liền bây giờ đây thì nó như thế nào? Thì ít ra mấy con phải xét hồi khi mình ăn là nhân, thì bây giờ cái quả là đau bụng. Hồi đó không biết ăn láo táo ăn cái gì đây? Coi thử coi ăn con gián, con chuột, con gì? Nó đã rơi ở trong cái món đồ ăn của mình mà nhắm con mắt mà nuốt đại đây nè nó mới bị vậy.

Cho nên vì vậy bây giờ mới xét lại coi hồi nãy, nhớ hồi nãy ăn cái gì? Thì mới có đau bụng đây chứ không lẽ đau bụng, sao lại mới nuốt vô cái bây giờ đau bụng rồi?

(25:03) Thì phải suy tư, phải nghĩ cái nhân quả mấy con. Đã mình học nhân quả thì phải áp dụng vô nhân quả xét nó chứ.

Chứ đừng nói chi mà cái niệm trong đầu của mấy con mà đây là cái thân thọ của mấy con cũng là cái nhân quả nữa. Bởi vì mình học nhân quả là áp dụng nhân quả. Chứ mấy con đừng có xem thường nhân quả!

Nó quan trọng lắm mấy con, một chút xíu nào đó thì mấy con thấy bây giờ cái thân đau là cái quả. Vậy thì cái nhân nào mà cái quả này? Đó mấy con phải hiểu!

Vậy thì bây giờ tạo cái nhân nào để cho cái quả này hết? À bây giờ tạo cái nhân để cho nó hết cái cảm thọ này, thì mấy con cũng phải có sự tư duy nhân quả chứ. Tôi muốn cái cảm thọ này hết tôi phải tạo cái gì? Ờ lấy dầu thoa, có phải không? Mấy con thấy, Thầy nói bây giờ lấy dầu thoa, lấy thuốc uống cũng là cái nhân chứ. Để cho cái quả nó không còn chứ. Chứ đừng nói chi mà chúng ta lại tạo một cái nhân.

Ờ, bây giờ đây là cái quả của chúng ta rồi bây giờ muốn chuyển cái quả làm sao đây? Làm sao? Bây giờ thì chúng ta phải nương theo cái pháp của Phật dạy để nhiếp phục nó. Thì bây giờ chúng ta phải như thế nào?

Ờ, bắt đầu chúng ta nghĩ bây giờ đó mình phải tạo cái nhân, trong cái đầu óc các con thấy đầu óc mình phải suy nghĩ chứ gì. Mình suy nghĩ ý hành chứ gì, các con thấy rõ ràng chứ gì. Mà ý hành mình khởi, thì cái nhân của nó chứ gì.

Ờ, bây giờ tôi phải nương vào cánh tay nè để đưa nè đẩy cái bệnh này ra nè, không có được để cho nó đau nhức trong thân nữa nè. Thì tôi ờ bây giờ: “Thọ là vô thường nhe, cái đầu này không có đau nữa nha! An tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay ra, an tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay vô”. “An tịnh thân hành tôi biết rồi đưa tay ra” rồi mấy con đưa ra. “An tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay vô” cứ mình nhiếp, đau nhức cái đầu thây kệ nó tao chẳng biết, mày đi đi chứ còn ở đây…​ Mình làm một lần tác ý đầu thôi, sau đó thì các con cứ “an tịnh…​” đưa ra, đưa vô. Mỗi hành động thì cứ nhắc, bởi vì mình nhắc như vậy để liên tục như vậy và tâm mình nhiếp được trong cái cánh tay của mình rồi thì cái đầu nó sẽ giảm đi. Tức là cái nhân, cái nhân đưa tay ra, cái nhân tác ý thì cái quả của nó sẽ không còn đau cái đầu. Có đúng nhân quả không mấy con? Đó mấy con thấy áp dụng nhân quả liền mà.

Mình học nhân quả là áp dụng nhân quả, mà áp dụng nhân quả tức là Định Vô Lậu chứ gì. Cách thức mà chúng ta làm cái hành động này đó là tu tập Định Vô Lậu.

(27:19) Hôm nay Thầy dạy mấy con áp dụng nè, có phải không? Áp dụng để chúng ta được giải thoát mấy con. Còn không biết áp dụng mấy con được giải thoát không? Mấy con có biết nhân quả gì đâu! Rồi bây giờ lấy thuốc mấy con uống mấy con cũng chưa biết nó là nhân quả gì nữa.

Mấy con đi lại lấy thuốc là nhân, có phải không? Uống vô là nhân, thì cái bệnh hết là quả. Có phải không? Mấy con thấy rõ ràng nhân quả nó liên tục mà, đời sống của mấy con là nhân quả không chứ còn cái gì nữa mà không nhân quả. Thế mà chúng ta tu cái gì đây? Có phải không? Khi học nhân quả rồi thì mấy con biết hành động nào của mấy con cũng nhân quả hết.

Vì thì bây giờ trong đầu của mấy con có một khởi niệm. Bây giờ khởi niệm bây giờ nhớ, hôm rài tới nay mình lên Tu viện Chơn Như nè 7 tháng rồi. Giờ nhớ mẹ mình quá trời, để nói Thầy để về thăm một chút rồi mình lên mình tu. Chứ giờ không biết bà sao, mà nghe nói hình như bà bệnh đi nhà thương đây nữa. Nghe trong bụng nó xốn xang như vậy. Thì bắt đầu bây giờ cái niệm đó mình phải biết đây là Ái kiết sử, nhân quả! Mình phải quán về nhân quả. Cha mẹ là nhân quả, có nhân quả mới sanh ra, chứ không nhân quả làm sao mà mình gặp cha mẹ mình? Tương ưng với cha mẹ mình mới làm con người ta chứ. Có phải không mấy con?

Mà nhân quả phỏng chừng bây giờ mình về, mà mình cứu mẹ mình được không. Nếu mà mẹ mình bị cái nhân quả bệnh đau như vậy thì mình phỏng mình làm được gì đây? Mình về mình đau thế được không mấy con, hay mình đứng đó mình ngó con mắt? Mình lấy con mắt mình ngó mẹ mình rên. Các con, cái vấn đề đó nó rõ ràng thôi.

Bây giờ các con thấy thương cha mẹ mình đó, bây giờ cha mẹ mình đi nhà thương nằm rồi đó. Bà lăn lộn, bà rên la trên giường đó. Rồi mấy con về thăm mấy con đứng đó rồi bà hết đau không? Hay là mình nỗ lực mình tu, mà mình ngồi đây mình ước nguyện cho mẹ mình được giảm những cơn khổ đó. Cái nào lợi ích mấy con?

Đức Phật có nói 17 cái điều lợi ích, có 17 cái điều lợi ích của Giới Luật. Vậy thì khi mình được tin cha mẹ mình là một cái chùm nhân quả rồi Ái kiết sử. Không bao giờ người con mà không thương cha mẹ khi biết cha mẹ mình bệnh đau, nói chung là những người thân trong gia đình mình là chùm nhân quả.

(29:27) Vậy thì khi mình được nghe, thì mình phải sử dụng nhân quả để mình chuyển biến chứ gì. Vậy thì tạo cái nhân mình phải giữ gìn Giới Luật nghiêm chỉnh, ước nguyện cho mẹ mình thoát cái nhân quả khổ đau đó. Có phải là đúng không?

Cho nên vừa là tu cho mình, mà vừa nói lên được cái hiếu hạnh đối với cha mẹ. Còn mình về đây mình đứng lớ xớ còn tốn cơm bà nữa, còn tốn cơm gia đình nữa. Có phải không? Mà mình có làm gì được, có tiền làm cái gì được đâu? Con thấy không?

Cái thương của mình là cái thương quá cạn, không đúng! Và mình ước ao mẹ mình cũng một ngày nào đó được cái pháp để mà giải được những cái nhân quả khổ, cái bệnh khổ.

Đó thì mấy con thấy áp dụng vào đời sống liền tức khắc, mỗi mỗi đều mấy con sẽ áp dụng. Cái bài học nhân quả là cái bài học thiết thực cuộc đời chúng ta, vì chúng ta sanh từ nhân quả sống trong nhân quả mà.

Cho nên cái gì chúng ta cũng áp dụng vào được nhân quả. Mà áp dụng vào được nhân quả thì mấy con làm cái hành động đó rồi mấy con an ổn, Phật dạy có 17 điều lợi ích. Thì giữ giới nó sẽ đem được những cái lợi ích đó cho mình ước nguyện cho người thân mình, cho bản thân mình, cho người nào đều là ước nguyện đó được thành tựu viên mãn.

Như vậy chúng ta biết cách rồi, và như vậy khi đó chúng ta đã làm một cái điều đó rồi tâm chúng ta có an không? An! Bởi vì mình thấy đối với mẹ mình mình đã đem hết cái lòng thương, cái lòng hiếu hạnh đối với mẹ mà mình quyết tâm mình giữ gìn Giới. Mà mình giữ gìn Giới lại nghiêm chỉnh, mà nghiêm chỉnh cho mình, mà cái hành động nghiêm chỉnh đó lại cái chùm nhân quả của mình ước nguyện cho mẹ mình được toại nguyện, được mạnh khỏe.

(31:00) Thì đây mình có làm sai lời Phật dạy không? Không làm sai đâu mấy con, không làm sai. Mà ông Phật là cái người nói thật, không bao giờ nói dối. Bởi vì lời của Phật là Chân Lý mà làm sao nói sai được!

Chỉ có những người không phải Phật mới nói sai thôi, chứ còn ông Phật không nói sai. Ông đưa ra cái bài pháp đầu tiên là bốn cái Chân Lý, bốn cái sự thật của cuộc đời.

Thì như vậy là từ đây về sau mà ông Phật nói cái gì mà không chân lý đâu? Bao giờ nói cái gì cũng là đúng sự thật không sai!

Cho nên hôm nay, mấy con thấy đức Phật nói nhân quả. Thầy triển khai nhân quả mấy con có thấy cái chỗ nào là không sự thật không?

Đó bây giờ thí dụ như đầu tiên nếu không triển khai ra, mà nói một người sanh ra nhiều người mấy con có tin không? Mà không tin thì nó không sự thật. Mà bây giờ dẫn chứng cho mấy con thấy nhân quả thảo mộc, thì mấy con có tin không?

Bời vì cây cỏ cũng đều sống trong nhân quả, thì chúng ta là một sự sống trong nhân quả, là một vật sống trong cái nhân quả này thì nó phải giống nhau chứ làm sao khác nhau được. Cho nên ai dám bác chúng ta rằng một người sanh ra nhiều người ai dám bác chúng ta đó là sai! Không người nào dám nói chúng ta sai hết.

Bởi vì chúng ta có chứng cứ hẳn hòi, có chỉ điểm hẳn hòi cho chúng ta thấy là nhân quả chứ không phải là chúng ta muốn nói đùa, nói đại được. Chúng ta nói cái chuyện mà mơ hồ được, mà chúng ta nói có bằng chứng.

Đó là cách thức mà hôm nay chúng ta học tu nó cụ thể và rõ ràng như vậy. Cho nên cố gắng, và cố gắng hơn và biết cách thức áp dụng. Và áp dụng như vậy để làm gì?

Các con sẽ thử cứ ngồi chơi như thế này để rồi từng tâm niệm, từng cảm thọ trên thân của mình áp dụng vào nhân quả, áp dụng vào cái bài học, triển khai cái tri kiến của mấy con, mấy con tư duy, mấy con suy nghĩ, đồng thời mấy con có cái pháp Như Lý Tác Ý. Mấy con tu như vậy thôi có gì đâu, Thầy có bảo mấy con nhiếp 2 phút, 3 phút, 5 phút, 10 phút kế tiếp nữa đâu. Chưa bảo đâu!

(33:03) Rồi bắt đầu Thầy sẽ bảo mấy con nhiếp lên, khi nào mấy con áp dụng được nhân quả vào đời sống của mấy con. Thì mấy con sẽ tăng lên, thì tăng lên mấy con sẽ thấy cái nhiếp tâm và an trú tâm mấy con thấy được. Mà rất là nhẹ nhàng không còn khó khăn, mà lúc nào mấy con nhiếp là vô, nhiếp là vô không bao giờ mà bữa nay được lát nữa không được. Không bao giờ có chuyện đó đâu! Nghĩa là mình nhiếp tâm và an trú tâm một cách rất cụ thể rõ ràng không bao giờ nó có cái…​

Nhưng mà khi mình nhiếp tâm và an trú tâm được kéo dài khoảng 30 phút với cái sự xả tâm của mấy con thì tâm của mấy con sẽ định tỉnh và nhu nhuyến dễ sử dụng. Lúc bây giờ 12 tiếng đồng hồ đâu còn khó khăn.

Cho nên có nhiều người ráng ngồi tu Tứ Niệm Xứ cố gắng để giữ tâm mình cho đừng có niệm khởi. Trời ơi, 12 tiếng đồng hồ chắc khó quá trời!

Hiện giờ mấy con cứ nghĩ đi bây giờ ngồi đây thanh thản, an lạc, vô sự nè trong 1 phút, rồi mấy con ráng cố gắng để giữ gìn cho nó 1 giờ là vã mồ hôi hột hết sức rồi. Mà thêm 1, 2 tiếng đồng hồ nữa thì chắc không bao giờ tu được. Và như vậy suốt đời mấy con không bao giờ mấy con tu tới mà cái tâm thanh thản được 12 tiếng đồng hồ, Nhất Dạ Hiền như Phật dạy.

Còn cái chỗ mà Thầy dạy mấy con từ cái chỗ mà mấy con dùng cái tri kiến xả từng cái tâm niệm của mấy con, mấy con sẽ tự nhiên nó sẽ vào thì nó kéo dài, bởi vì đó là cái chân lí nó hiện tiền, cái trạng thái giải thoát nó hiện tiền. Cho nên chúng ta tu đâu có mệt nhọc, đâu có khó khăn. Cho nên đức Phật nói đâu có mệt nhọc, đâu có khó khăn đâu!

Nhưng chúng tu đúng cách, chúng ta xả tâm, chúng ta ly dục ly ác pháp, chúng ta xả tâm có phương pháp đàng hoàng. Chớ đâu phải chúng ta ức chế tâm đâu mà lại khó.

Các con thấy mình ngồi để cho kéo dài được 1, 2 giờ cho hết vọng tưởng trời, ghê gớm quá, khó quá! Có phải không, mấy con thấy rất khó! Mà kéo dài 12 tiếng đồng hồ trời đất ơi, chắc không ai làm nỗi đâu!

Các con cứ nhìn đi cái sức của mình tu tập như vậy mà bây giờ kéo 12 tiếng đồng hồ, mà với cái tâm tham, sân, si này mấy con kéo đi! Cũng như mấy con kéo hòn núi Tu Di vậy chứ ở đó kéo nổi!

Cái thời gian có 12 tiếng đồng hồ hà, không có lâu. Nhưng mà kéo không nổi, sao mà lúc gục tới lúc gục lui, lúc khi niệm này lúc niệm khác? Ngồi hơi thì mỏi mệt? Trời đất ơi! Sao nó không yên, tu như thế này sao gọi là thanh thản, an lạc, vô sự được???

Coi như cái sức của mình làm không được. Có phải không mấy con cứ suy ngẫm đi. Cứ cái thời gian 12 tiếng Nhất Dạ Hiền - một đêm làm Thánh hiền chứ gì, đức Phật nói. Nhưng mà mình xét lại trời ơi, tôi làm không nổi! Cái kiểu này chắc tôi làm không nỗi đâu. 2 tiếng đồng hồ là gần lòi con mắt tôi rồi. Nghĩa là cố gắng hết sức mình đó.

(35:40) Các con thấy không? Nhưng mà cái này nó không có phải khó. Mà sao đức Phật nói không có khó khăn, không có mệt nhọc? Vậy không có khó khăn, không có mệt nhọc là chỗ nào đây? Mình đi truy tìm lại cái chỗ không có khó khăn, không có mệt nhọc thử coi tại sao đức Phật nói dễ quá vậy? Có phải không?

Bây giờ chúng ta tìm ra được cái chỗ chúng ta thấy nó đâu có khó khăn gì. Tại vì chúng ta xả cái tâm ly dục ly ác pháp thì cái trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự tự nó nó có chứ. Có ai mà ép buộc, có ai mà ráng trì kéo nó đâu mà khó? Các con có thấy trì kéo nó, có cố gắng giữ nó đâu? Mà mấy con cố gắng trì kéo giữ thì mấy con lại lọt vô tưởng. Nó mới chết mấy con! Còn cái này người ta không cố gắng trì kéo, người ta không cố gắng giữ nó gì hết. Mà người ta cứ xả.

Đó bây giờ mấy con thấy, bây giờ Thầy nói về nhân quả rồi mấy con áp dụng vô mấy con xả coi. Có lợi không? Mấy con biết từng cái hành động mình là cái nhân rồi từ cái quả nó đến cái kết quả như thế nào, thế nào. Ờ rõ ràng quá mà. Tôi biết sử dụng quá mà, tôi biết áp dụng quá mà cho nên từng tâm niệm, từng cảm thọ trên thân tôi tôi sẽ xả hết, tôi ly hết mà đức Phật bảo ly dục ly ác pháp chứ gì. Mà mình ly dục ly ác pháp thì nó đã ly dục ly ác pháp xong thì rồi chứ còn gì? Hết rồi!

Thì bây giờ đâu có cái thời gian mà 12 tiếng đồng hồ đâu có khó khăn, đâu có mệt nhọc mấy con. Bởi vì xả hết nó còn đâu ở trỏng nữa mà nó lòi ra. Các con đã quét sạch, nhà trống bóc không còn cọng rác. Ba cái ván nhện mấy con đã quét tiêu hết rồi còn cái gì nữa ở đây mà nói gọi là khó khăn? Cho nên nó đâu có mệt nhọc, đâu có khó khăn. Thì mấy con thấy nó không có khó đâu.

(37:14) Cho nên cái sự mà hướng dẫn của Thầy, Thầy nghĩ rằng mấy con tu không khó. Mà người nào tu cũng được hết. Đây, bây giờ mấy con thấy như là mấy bác già. Thầy nói cũng chứng quả A La Hán nữa. Mấy con đừng có nghĩ rằng tôi già chắc tôi sức yếu tôi đi không nổi, chắc tôi đi pháp Thân Hành Niệm chắc không nỗi, chắc có lẽ là tôi không chứng đạo. Không phải đâu, đâu có cần cái điều đó mấy con.

Tới chừng đó mấy con sẽ tu, nghĩa là mấy con ôm bình bát đi ra khất thực mấy con đi quắc thước không có bao giờ mấy con có cái trạng thái yếu đuối, mà run rẩy, đi mà bây giờ bưng cái bát đi mà bưng về không nổi, không phải đâu! Sức lực của mấy con tăng lên liền tức khắc.

Thầy nói, khi mà tâm của mình, thân của mình nó bình an nó trong sạch rồi cái cơ thể, cái tế bào nó tươi nhuận, nó sung mãn vô cùng. Cho nên đức Phật nói sung mãn Tứ Niệm Xứ mấy con là thân - thọ - tâm của chúng ta nó sung mãn. Lúc bây giờ cái cơ thể già của các cụ, các bác hoàn toàn không còn yếu đuối nữa, Thầy nói nó sung mãn Tứ Niệm Xứ.

Còn bây giờ đó chưa sung mãn, cho nên mình ngồi hơi nó mỏi quá, mỏi lưng quá. Ngồi hơi sao nghe nó mệt quá! Đó là cái cơ thể nó suy yếu, nó không có sung mãn, nó suy yếu.

Như vậy thì bắt đầu bây giờ các con về vấn đề mà thưa hỏi về vấn đề mà tập tu, về nhiếp tâm và an trú tâm có người nào có những cái điều kiện cần hỏi thì thưa hỏi. Mấy con hỏi kỹ mấy con tu mới đúng, mấy con hỏi không kỹ là mấy con tu sai đó nha. Thầy nói bây giờ ai có muốn hỏi thì cứ hỏi Thầy.

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy