00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

CK 030A (NỮ) - CHÁNH NIỆM TỈNH THỨC - VƯỢT LÊN SÓNG GIÓ

CK 030A (NỮ) - CHÁNH NIỆM TỈNH THỨC - VƯỢT LÊN SÓNG GIÓ

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Ngày giảng: 04/12/2005

Thời lượng: [40:26]

1- MỤC ĐÍCH TU TẬP LÀ TRIỂN KHAI TRI KIẾN XẢ TÂM

(00:08) Trưởng lão: Hôm nay, cái lớp học chúng ta bắt đầu chúng ta học tu tập Chánh Niệm Tỉnh Thức.

Cố gắng tu từng phút, từng giây. Đừng vội vàng, tập cho có căn bản. Biết cách áp dụng xả tâm trong Định Vô Lậu. Trong những bài viết, người viết ở góc độ này để áp dụng vào đời sống. Người viết ở góc độ kia để áp dụng vào đời sống. Thì Thầy thấy cái bài học về đạo đức nhân quả - Chánh kiến thì chúng ta cố gắng áp dụng. Những bài viết, có nhiều bài viết rất hay! Nhưng biết cách áp dụng thì chúng ta sẽ được giải thoát rất là cụ thể.

Trong đời sống chúng ta vô tình, chúng ta chưa có hữu ý để biết cách áp dụng vào đời sống Định Vô Lậu bằng Tri Kiến Giải Thoát. Vô tình, nhưng chúng ta vì cái sự sống của chúng ta được an vui cho nên chúng ta tự động có áp dụng. Mà bây giờ chúng ta đã biết cách thức áp dụng thì chúng ta lại càng triệt để hơn. Do đó, tâm chúng ta được bình an.

Nếu chúng ta học mà chúng ta chỉ viết bài suông mà không biết áp dụng vào đời sống thì chẳng ích lợi gì, giống như một con chim học nói mà thôi!

(01:37) Cho nên chúng ta biết cách áp dụng, học để áp dụng vào đời sống để tâm được vô lậu, tức là tâm được giải thoát, tâm được bình an. Mà nếu học mà không biết áp dụng thì rất uổng cái công của chúng ta học! Cho nên học những cái bài về nhân quả thì Thầy thấy mấy con viết có nhiều bài rất là xuất sắc, rồi sau này những cái bài đó được Thầy xin lại để chúng ta gom góp lại làm một cái bài mà do công lao của mấy con tu học, cũng để nhắc nhở cho những người sau này người ta đọc, người ta biết cách người ta áp dụng nhân quả vào đời sống của họ, để họ được giải thoát như hiện giờ các con đã học với Thầy. Bởi vì, Thầy ngày nào sự vô thường thì Thầy cũng sẽ ra đi, và kế đó mấy con cũng sẽ ra đi. Nhưng những lời mà mấy con viết hôm nay học tập thì ngày mai nó vẫn còn lại cho con cháu của chúng ta, cho những con người mai hậu.

Cho nên những gì mấy con viết thì mấy con cố gắng suy tư, Thầy biết mấy con rất cố gắng, mài miệt để cho: Thứ nhất là để xả tâm mình. Thứ hai là để nói lên được cái điều của mình học mà Thầy đã hướng dẫn cho.

(03:07) Có người viết rất nhiều, nhưng có người dòng tư tưởng quá ít. Cho nên viết đơn giản. Nhưng dù sao những điều mấy con viết đều đầy đủ ý nghĩ của nhân quả chứ không thiếu. Nhưng vì dòng tư tưởng quá ít cho nên diễn tả không đủ sức, vì thế mà áp dụng vào đời sống rất là khó khăn. Mà đức Phật gọi là liệt tuệ.

Chúng ta cũng biết nhân quả, nhưng nói cho sâu sắc, nói cho rõ ràng cụ thể từng đặc tính, đặc tướng duyên hợp, duyên tan. Thì chúng ta chưa có đủ khả năng viết, thì những người mà chưa đủ khả năng viết thì mấy con hãy cố gắng đừng vì viết không được mà thối chuyển tâm. Bởi vì từ cái không hiểu mình sẽ cố gắng hiểu, từ cái viết không được mình sẽ viết được. Từ cái sự tư duy không ra mình sẽ tư duy ra. Vì bên các con còn có Thầy.

Các con thấy mình dở, mình thường xuyên mình đến thưa hỏi Thầy để cho mình hiểu biết.

Thí dụ như Nguyên Thanh về đây trễ, vì vậy mà thường xuyên thưa hỏi Thầy, hôm nay thì Nguyên Thanh viết bài Thầy thấy dựa vào cái sườn bài thì Nguyên Thanh viết không có lạc, không có nói mông lung. Dựa vào cái sườn mà viết, vì vậy cho nên một lúc nữa Thầy sẽ cho đọc để chúng ta tìm hiểu cách thức để mà chúng ta viết không sai. Nhờ Nguyên Thanh chịu khó thưa hỏi, chứ cỡ sức mà không chịu khó thưa hỏi thì chắc chắn cũng viết không có đúng theo cái dàn bài, cái sườn của nhân quả.

Cho nên ở đây, chúng ta cố gắng mà thực hiện vì một lúc nữa 9 giờ Thầy mắc đi họp rồi. Cho nên Thầy dạy 9 giờ, và buổi chiều mấy con sẽ được học buổi chiều nữa để mà Thầy hướng dẫn cách thức tập nhiếp tâm và an trú tâm. Cách thức như thế nào để cho đạt được, và cách thức xả tâm như thế nào chứ không khéo mấy con không biết cách. Rồi mấy con nhiếp tâm và an trú tâm lại là ức chế tâm.

Cho nên từ lâu thì mấy con đã tu tập bằng cách nhiếp tâm và an trú tâm cách thức chế ngự tâm hơn là xả tâm. Cho nên thường bị lọt trong trạng thái của tưởng. Hôm nay, tất cả những sự tu tập đều được thay đổi, là tại vì sau cái thời gian kiểm điểm lại sự tu tập của mấy con thì thấy rằng mấy con đang tu sai chứ không phải đúng. Dù là có người nhiếp tâm suốt cả đêm, cả ngày không ngủ nhưng vẫn thấy sai chưa phải đúng.

Vì vậy mà hiện giờ, như mấy con cũng biết như thầy Chơn Thành thức suốt đêm không ngủ, rồi ban ngày chỉ có trưa ăn cơm xong rồi nghỉ lại 30 phút mà thôi. Rồi tiếp tục tu, như vậy mà suốt đêm ngày như vậy vẫn thấy một cái trạng thái an lạc, khinh an. Cho nên tu tập rất dễ dàng nhưng vẫn sai mấy con, chưa đúng!

Do đó, cho nên vì vậy hiện giờ thầy đi vào cái con đường Định Vô Lậu quán xét viết bài thì thầy mới phát giác ra được cái chỗ xả tâm của mình còn quá kém. Chỉ có ức chế tâm thì đi vào trạng thái hỷ lạc khinh an làm cho mình thấy thích thú trong cái sự nhiếp tâm, thích tu tập bằng cái sự an lạc đó. Cho nên đó cũng là một cái sai chứ không phải cái đúng.

(06:47) Mục đích của đạo Phật là như thế nào? Mục đích của đạo Phật là ly dục ly ác pháp, là tu tập ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện.

Ở đây, cái thiện của đạo Phật là cái thiện vô lậu chứ không phải là cái thiện hữu lậu. Cho nên chúng ta không khéo chúng ta lại lầm lạc rồi chúng ta ức chế tâm mình. Chúng ta phải dùng cái tri kiến của mình, sự hiểu biết của mình mà xả được cái tâm. Chứ không phải dùng cái sự ức chế tâm không niệm khởi mà xả thì như vậy chúng ta đã lầm lạc, quá sai!

Vì vậy, cuối cùng nhìn lại tất cả những người tu theo đạo Phật hiện giờ do ức chế bằng cách này hoặc bằng cách khác mà không có cái hướng xả tâm, vì vậy mà cuối cùng chẳng có ai làm chủ được bốn sự đau khổ sanh, già, bệnh, chết. Cho nên hôm nay ở đây cái lớp học đầu tiên để triển khai cái tri kiến giải thoát giúp cho chúng ta ở trong cái Chánh Tri Kiến. Nhìn mọi vật bằng Chánh Kiến chứ không bằng Tà Kiến. Vì vậy giúp chúng ta được giải thoát, được bất động tâm, được sự an ổn, thanh thản, an lạc và vô sự.

Cho nên hôm nay mấy con cố gắng, cố gắng tiếp tục lớp học này đừng bỏ. Đừng bỏ dở mấy con phải tiếp tục, nhưng cố gắng. Nghe lời Thầy dạy, cố gắng độc cư, sống trầm lặng một mình để từ đó mình suy tư qua nội tâm của mình mà mình cố gắng mình xả.

Trong khóa tu học này Thầy tin rằng mấy con nếu cố gắng mà nỗ lực tu tập, thì trong khóa tu học này chúng ta sẽ có nhiều người chứng đạt được chân lý giải thoát. Sống với tâm thanh thản, an lạc, vô sự mà không có ác pháp nào tác động được thân tâm của mấy con. Và mấy con có khả năng làm chủ được sống chết của mình. Nếu mấy con cố gắng thực hiện đúng lời Thầy dạy.

Còn mấy con nói chuyện, mấy con tiếp duyên ra ngoài, mấy con để ý những người khác thế này, thế khác …​ hãy tu tập là lo cho mình, đừng lo cho người khác, đừng nghĩ thiên hạ. Ai ai tu tập được thì người ấy nhờ, còn tu không được thì thôi. Chứ riêng con mà mấy con lưu ý người này, lưu ý đến người kia tu học như thế này, tu học như thế kia …​ thì cuộc đời mấy con tu tập cũng chỉ uổng phí mà thôi!

(08:59) Nhân quả, như mấy con đã biết trùng trùng duyên khởi. Ngày hôm nay chúng ta ngồi đây yên ổn mà tu tập trong lớp học này. Nhưng ngày mai chúng ta có biết nó sẽ ra sao? Nếu chúng ta không giữ im lặng như Thánh thì lớp học chúng ta có được bình an không?

Nếu một người một tiếng như thế này, một người một tiếng như thế kia thì lớp học chúng ta sẽ tan vỡ. Vì Thầy nói rằng nếu bình an thì ở đây Thầy hướng dẫn cho mấy con, mà không bình an thì Thầy ra đi, Thầy không bao giờ còn nuối tiếc một cái gì trên thế gian này cả!

Vì thương người! cho nên Thầy cố gắng đào tạo mấy con trở thành người giải thoát. Đầy đủ gương hạnh để hướng dẫn người sau, để giúp họ có nền đạo đức - sống không làm khổ mình, khổ người. Chứ riêng Thầy, quá nhọc nhằn, quá khổ sở! Thầy chỉ có một ước ao lớn là làm sao con người trên hành tinh này biết được đạo đức của đức Phật. Để sống không làm khổ mình, khổ người. Ước ao của Thầy quá lớn, mà phước chúng sanh quá nhỏ, cho nên Thầy phải chịu cực khổ. Thầy đang ngồi trên ngọn sóng, nếu không khéo thì bị sóng dập các con có biết không?

Khi các con động tâm một chút xíu là ngọn sóng bùng vỡ, thì lúc bây giờ Thầy có đủ sức chèo lái con đường, lái cái lớp tu học của chúng ta được bình an nữa không? Nếu tay chèo, tay lái không đủ thì chắc chắn bao nhiêu người ngồi trước mặt Thầy nhận chìm xuống đáy biển, không còn một người nào mà sống sót!

(10:38) Cho nên, mấy con hãy im lặng như Thánh, phải bình tâm mà lắng nghe những lời Thầy dạy mà cố gắng tu tập thì sóng gió ba đào vẫn im không còn động nữa. Chứ còn không khéo thì chúng ta sẽ không có lớp học như thế này nữa. Và mãi mãi muôn đời không ai dựng lại lớp học này! Thầy biết rằng đức Phật đã để lại cái giáo pháp, để bốn cái chân lý cho con người, để lại giáo trình tu học, tám lớp học, ba cấp rõ ràng. Nhưng thời đức Phật chưa triển khai được, tin rằng thời đức Phật chưa triển khai được. Tại sao vậy?

Tại vì lúc bây giờ dân trí còn thấp lắm, còn thấp lắm. Khoa học chưa lên, người ta sống trong tưởng nhiều. tưởng Thần, Thánh, Quỷ, Ma; tưởng Thần Sông, Thần Núi; tưởng đủ loại trong thời đức Phật. Là trong thời còn bộ lạc, con người còn mê tín rất nhiều. Cho nên không thể dựng lại nhưng đức Phật đã cố gắng hết mình. Qua những bài kinh Nguyên Thủy đức Phật đập phá tất cả thế giới siêu hình, nhưng làm sao nỗi? Không làm sao nỗi! Và lớp học cũng không thành hình được. Vì chương trình giáo dục của thời bấy giờ rất là khó!

Đọc lại kinh sách Nguyên Thủy đức Phật lặp đi, lặp lại trong một bài kinh rất nhiều, mà chúng ta đọc bài kinh này thấy trùng lắp với bài kinh kia, chúng ta ngỡ đó là đức Phật nhắc đi, nhắc lại. Còn bây giờ chúng ta có viết, có giấy, có mực, có chữ viết rõ ràng người nào cũng có thể cầm cây bút viết được những ý nghĩ của mình. Còn ngày xưa đức Phật dạy người ta chỉ lặp đi, lặp lại trong đầu óc làm sao triển khai hết những sự hiểu biết. Cho nên lớp học không thành hình được.

Còn bây giờ lớp học thành hình là tại vì chúng ta có đủ phương tiện để mà thực hiện được lớp học đạo đức. Cho nên giai đoạn của chúng ta là giai đoạn đầy đủ phước báu, nhưng con người không thọ hưởng phước báu nên tạo nhiều duyên quá khổ đau. Tại vì chạy theo dục lạc thế gian tâm ham muốn ngút ngàn cho nên chúng ta khó mà yên lặng học đạo đức.

(12:50) Đến đây Thầy mong rằng các con phải bình tĩnh trước hoàn cảnh nào, trước sự việc gì các con cố gắng yên tâm đừng để dao động, tâm bất động im lặng như Thánh. Để rồi từ trên những đợt sóng mà chúng ta vượt ra từ đó chúng ta mới tu tập đạt thành kết quả. Từ kết quả của mấy con chứng đạt được mỗi người đi mỗi phương đem đạo đức của Phật giáo truyền dạy cho mọi người, đem lại hạnh phúc cho mọi người. Mấy con phải cố gắng!

Càng cố gắng hơn nữa, thì mấy con mới thấy đời mình sự hiện hữu của mình có lợi ích chứ không phải vô lợi ích. Các con cố gắng! Người có duyên mà được dự học lớp này thì mấy con là người có duyên phước rất lớn. Dù tuổi các con trên 80 tuổi, dù tuổi các con hôm nay dù có nhỏ nhất đi nữa các con cũng đã hiểu biết chứ chưa phải là không hiểu biết. Ở đây không có trẻ con mà đều là tuổi lớn cả. Cho nên phải cố gắng, cố gắng mà học tập!

Bài đầu tiên được đọc là Diệu Vân, con hãy đọc bài của con để các bạn rút tỉa từng kinh nghiệm áp dụng, bài này có ý nghĩa áp dụng vào đời sống của mình. Vậy con hãy đọc giùm Thầy cái bài của con.

Các con nên nhớ khi mà nghe đọc rồi các con mới rút tỉa kinh nghiệm, để áp dụng vào đời sống của mình, để thấy được cái bài của người viết mà hầu hết trong này các con đều viết có ý nghĩa mấy con. Nhưng vì chúng ta không có thời gian để đọc hết những cái bài này. Thầy chỉ cho một vài người đọc để nói lên sự suy tư của mình để áp dụng vào đời sống của mình cho đạt được những sự giải thoát mà thôi. Để biết cách áp dụng, con hãy đọc đi.

2- BÀI LUẬN VỀ ĐƯỜNG ĐI NHÂN QUẢ KHẨU HÀNH CỦA TU SINH

(14:56) Tu sinh Diệu Vân: Kính bạch Sư Ông! Luận đường đi nhân quả khẩu hành của con người.

Bài số 1.

Người ta thường nói: “Mở miệng mắc quai”. Nhìn vào bản thân và cuộc sống xung quanh con hiểu rõ hơn, thấm thía hơn ở cái miệng gây ra nghiệp của mình. Từ khi con hiểu về nhân quả con tư duy ra để mọi người cùng ngẫm nghĩ, để giữ gìn cái miệng của mình đừng phạm thêm nghiệp mới nữa. Mỗi lần đi cùng vào các vị thiện nguyện khám độc bệnh ở vùng sâu, vùng xa. Con không hiểu nhân chi mà tạo ra lắm trẻ sứt môi, hở hàm ếch?

Con thấy mình may mắn khi có cái miệng không bị méo, không môi mỏng hay môi dày. Người ta nói: “Môi mỏng nhiều chuyện, còn môi dày thì thâm”. Lâu lâu có vài nha sĩ tình nguyện, nên chúng con tổ chức khám răng miệng cho người Dân tộc. Sau đó còn tặng ca và bàn chải cho họ. Đa số đều bị bệnh răng miệng như: nha chu, miệng hôi, răng lệch, răng hô, sún răng, răng đen, răng vàng, sâu răng, răng mẻ rất nhiều.

Con biết mỗi khi bị đau răng miệng khổ sở lắm. Ngay bản thân con hôm nào nói nhiều là ngày hôm sau bị nổi mụn lở miệng hay khàn tiếng liền, nó làm cho con ăn không ngon, nói không nỗi giúp cho con bớt nói lại. Lúc này con mới đồng cảm với những người câm, ngọng nghịu, cà lắm. Chỉ có cái miệng thôi mà đặc tướng đủ kiểu. Có người mở miệng ra là nói sang sảng, âm lượng chối tai. Có người thì nói lí nhí không nghe được gì nhưng phải nói ra còn nói không được.

Có người con trai thì nói giọng the thé như con gái. Có người con gái thì nói giọng khàn như con trai. Có người nói không thấy răng, có người nói toét cả mồm thấy cả lưỡi và cuống họng. Có người ăn nhồm nhoàm, ăn ngấu nghiến. Có người cười toét miệng, có người cười nghiêm khắc, có người cười khà khà.

Có người mở miệng là chửi mắng, la hét, cục cằn, thô lỗ. Có người nói lời nào ra cũng khó nghe. Có người nói dối, nói lưỡi đôi chiều, nói thêu dệt, nói lời hung ác.

Mở miệng ra có người toàn than vãn, xin xỏ, chì chiết, nhắc ơn, tấn nghĩa, nói móc người này người kia, …​ nói khích bác, nói sau lưng. Nói về người thứ ba không có mặt nhiều khi đang nói người đó xuất hiện thì im hẳn. Có người khi mở miệng ra toàn nói những lời kênh kiệu, cao ngạo, miệt thị người khác.

(17:48) Có người khi mở miệng ra nói liên tục bất tật toàn chuyện tầm phào mất thời gian người nghe mà không đem lại lợi ích gì cho họ. Chẳng hạn như chị nọ cứ đi theo kể lại chuyện tai nạn giao thông làm chết con chó cho bà hàng xóm nghe dài lê thê, mà nhà bà chẳng nuôi con chó nào mà bà cũng chẳng quan tâm tới chó. Nhưng bà không dám nói sợ mất lòng đành ráng nghe cho hết.

Tất cả những đặc tính đó làm cho người ta tiếp xúc cảm thấy mệt mỏi, lo lắng, sợ hãi, đau khổ, nghi ngờ, mất lòng tin, khó chịu, phẫn nộ, hổ thẹn, mặc cảm, có khi gây thiệt hại cho chính mình như gậy ông đập lưng ông vậy. Và cũng thiệt hại cho mọi người đều là ác pháp cả.

Còn ngược lại, nếu người mở miệng ra mà nói toàn lời Chánh Ngữ, ôn tồn, nhã nhặn, lời hòa giải, nhỏ nhẹ, khuyên lơn, an ủi. Ăn uống thì từ tốn, không để người khác thấy răng lợi bên trong, cười thì cũng nhẹ nhàng không toét miệng thô kệch. Tất cả đều trở nên thiện pháp khiến người ta cảm thấy đẹp đẽ, đáng kính, tôn trọng và muốn học tập theo vì đem lại niềm tin đạo đức cho cuộc đời tươi đẹp.

Vài duyên hợp bẩm sinh phải nhờ bác sĩ, nha sĩ chuyển đổi cho duyên tan. Sứt môi, hở hàm ếch phải nhờ duyên bác sĩ mổ, thì sau khi có một cái miệng bình thường phải biết quý trọng cái miệng mình hơn. Nếu không tập thiện pháp để giữ gìn cái miệng thì cũng giống như ngửa mặt phun nước miếng lên trời, nước miếng rơi lại trong miệng mình.

(19:44) Các bệnh về răng miệng phải nhờ nha sĩ như viêm nhiễm. Nhưng sau đó phải tinh tấn vệ sinh răng miệng đàng hoàng, siêng năng hơn mới không gặp lại ác pháp nữa.

Còn tất cả các ác pháp và thiện pháp khác thì do chính con người khi tiếp xúc điều kiện môi trường tự nhiên, địa lý, xã hội và bắt chước tập tành nên. Duyên sanh do chính mình rồi duyên diệt cũng vậy, cũng tự mình ý thức được mà thôi, mà từ bỏ, mà chuyển đổi.

Câu chuyện hai cha con ở nước ngoài cũng minh họa cho ta điều này.

Người cha có chiếc xe hơi, hằng ngày chở cậu con trai đi học. Khi cậu con đến 18 tuổi, cha cậu cho cậu tập dần lái xe để chuẩn bị mua xe cho cậu. Và từ đó ông kèm con trai bằng cách cho cậu chở đi làm rồi lái xe đến trường học. Chiều từ trường ghé qua chỗ cha đón cha về. Từ nhà đến chỗ làm ông lái xe một tiếng, còn chỗ làm đến trường cậu con mất mười phút. Hôm ấy, cậu con được nghỉ hai tiết cuối vì thầy giáo bệnh, mọi người trong lớp kéo nhau đi xem bộ phim mới ra ở rạp hát gần trường.

Cậu con cũng đi vì chưa tới giờ đón cha. Cậu tính thời gian người ta đi chiếu phim cũng vừa kịp giờ đón cha. Nhưng vì phim mới ra xếp hàng mua vé thời gian giải lao không giống như cậu tính được. Nên khi xem xong phim đã trễ giờ đón cha. Cậu vội vã đến chỗ làm cha, nửa đường thấy cha đang đi bộ về mồ hôi nhễ nhại, nét mặt buồn rầu. Cậu lại nghĩ chắc cha giận lắm. Nếu mình nói đi xem phim chắc cha giận hơn nữa rồi không đưa xe cho mình nữa. Nếu mà mỗi người đều có xe riêng thì đâu xảy ra tình trạng này. Thôi mình cứ bịa đại một chuyện hợp lý cho yên. Để có xe mới rồi thì không xảy ra chuyện này nữa.

Nghĩ xong, cậu bèn dừng xe cạnh cha xuống xe xin lỗi cha và nói rằng:

- Vì xe hư phải đưa đến gara sửa nên đến đón cha trễ.

Cha cậu không nói gì, cậu mừng thầm trong bụng vì việc nói dối trót lọt. Nhưng khi cậu mời cha lên xe thì cha nói:

- Con về trước đi cha muốn đi bộ.

Nghe thế, nhưng chàng này cũng không dám về. Vì nếu đi bộ thì tối mịt mới tới nhà. Nên tuy ngạc nhiên trước câu nói của cha, nhưng chàng vẫn nhìn cha mà lái xe bên cạnh hy vọng cha đổi ý sẽ lên xe về. Đi rất lâu và cha vẫn thản nhiên không tiếng gì, chịu không nổi vội xuống xe và nói:

- Con đã xin lỗi rồi mà cha vẫn còn giận, sao cha không chịu lên xe hả cha?

Cha nhìn cậu đáp:

- Cha không giận con mà cha giận chính cha. Cha muốn đi bộ để suy nghĩ xem mình đã làm gì để con trai không đủ lòng tin mà nói thật với cha mình.

Cậu con vội đáp:

- Con nói thật mà!

Cha cậu nhìn cậu lắc nhẹ đầu:

- Con biết không, khi thấy con đến trễ cha lo xe đã có trục trặc gì và đoán con đã đem đến gara nên cha gọi điện đến gara và được họ nói là con không hề đem xe đến sửa. Cha càng lo không biết có tai nạn gì xảy ra cho con không. Giờ nhìn thấy con không sao là tốt rồi. Thôi con lái xe về trước cho cẩn thận, đừng lo gì cho cha cả. Để cha đi bộ suy nghĩ phần cha.

Nghe xong cậu rất ăn năn, hối hận. Không còn nói gì được nữa chỉ còn biết nghe lời cha lái xe về thôi. Đêm đó chàng ra cửa ngồi chờ dáng cha lầm lũi về trong giá lạnh và quyết tâm từ nay về sau có chết cũng không nói nữa!

(23:51) Nhờ sống chân thật và không nói dối từ đó mà chàng vô cùng thành đạt, và được mọi người tin yêu. Cha thì đã qua đời, giờ chàng đã có xe đời mới, nhưng chàng không bao giờ quên dáng cha cùng bài học ngàn vàng về chiếc xe hơi đầu tiên ngày hôm đó. Nó là nền tảng cho tất cả những gì cậu có ngày hôm nay. Cậu vô cùng biết ơn cha mình. Có khi người ta nói dối về một sai phạm mà không đủ dũng cảm thú nhận như chàng trai kia, nhưng khi nhận ra lỗi lầm và sửa đổi thì cuộc đời cũng đổi khác.

Chàng trai may mắn vì biết lấy ra sai lầm làm bài học mà sửa đổi. Có những người nói dối rồi không có cơ hội quay đầu lại. Những lần đi thông dịch từ thiện cho những buổi họp kín của những người cai nghiện ẩn danh, con thật ngỡ ngàng xót xa cho những người chỉ vì những lời nói dối mà rơi vào cảnh nghiện ngập mười mấy năm trời, có khi vào tù ra khám không biết bao nhiêu lần cũng chỉ vì khởi sự từ lời nói dối ban đầu.

Không nói thật ra được, là vì không có cơ hội nói thật ra nên họ cùng đường bí lối mới quay lại với ma túy. Chứ thật ra ai đã nghiện ngập cũng ngán nó lắm. Nhưng vì không còn ai thực sự tin họ, và họ không biết làm gì hơn để xóa bỏ lỗi lầm trong quá khứ đã ám ảnh họ dai dẳng. Nên họ cứ lún sâu ma túy, vì nó cho họ một cảm giác tự tin, an toàn khi họ dùng. Đây là lời tâm sự của phần lớn người dùng ma túy. Họ nói khi dùng nó họ đỡ lo hơn những lỗi lầm, họ thấy mình ở thế giới khác sảng khoái hơn, tách biệt khỏi phiền muộn lo âu của thế giới này. Riết rồi nó như là miếng trầu mở đầu câu chuyện vậy. Cứ như mà không dùng nó thì không thể làm được việc gì ra hồn, vì cứ thiếu thiếu thiếu sao ấy. Đó là thời gian đầu, thời gian sau thì nó như cơm bữa, không cho ăn rồi nó vật vã ra, rồi nó hành hạ họ vô cùng. Họ sẵn sàng làm bất cứ thứ gì hèn hạ nhất, ê chề và nhục nhã nhất để có nó.

Hãy nghe chị T, và chồng chị là người nước ngoài cũng là những con nghiện nặng may mắn thoát được trong khi đám bạn họ chết hết vì ma túy. Nên họ quyết định dùng kinh nghiệm bản thân để cứu người không thể tự cai được. Họ đã dành ra một ngày trong tuần để họp những con nghiện lại tại một ngôi biệt thự của mình trên đường Phạm Ngọc Thạch để giúp đỡ mọi người với chương trình 12 bước cai nghiện đã cứu sống họ. Con thật là cảm kích trước tấm chân tình sự giúp đỡ của họ. Chị tâm sự, từ 13 tuổi tới 27 tuổi vướng phải ma túy thì ngày nào chị cũng thấy mình mở mắt ra trên vũng ói của mình. Mười mấy năm trời đó không có gì khác nhau, trời cho chị cái miệng chỉ để ói thôi sao?

Nhưng chị không kiềm chế được mỗi khi chất trắng ở trước mặt mình, như người bệnh nặng thấy thuốc vậy. Chị cho cơn nghiện là bệnh lý, rồi một ngày chị được cứu nhờ một người phụ nữ Mỹ. Sau này chị coi như mẹ nuôi, nhưng thật ra người này cũng là người nghiện. Nhưng đang ở bước thứ 11 là giúp đỡ những người nghiện khác khi mình đã khỏi.

(27:30) Bà ta dùng cách hứa lèo với chị mỗi khi chị cần thuốc thì bà ta nói xong việc này thì bà mua thuốc cho, rồi hết việc này tới việc khác bà luôn có lý do trì hoãn. Tới khi bà chúc mừng chị một năm trong sạch thì chị mới biết là mình bị thất hứa một năm, rồi chị khóc lên vì sung sướng, vì không còn làm nô lệ cho ma túy nữa. Vì chị trước đây cứ nghĩ, cứ cho rằng mình không thể thiếu nó được.

Và rồi chồng chị từ khi thoát ma túy đã kinh doanh phát đạt và tình nguyện tiếp nối chương trình 12 bước. Những người đến với buổi họp thì không được uống rượu vì chồng chị đã nhiều lần cai nghiện thành công nên vui quá liên hoan chúc mừng bạn bè uống rượu cụng ly rồi đều nghiện lại hết.

Đến đây, bạn không thể nói dối là bạn không dùng ma túy hay không uống rượu được. Bạn có thể qua mặt con là thông dịch nhưng những người nghiện khác biết liền, họ sẽ lật tẩy bạn ra vì họ thấy bất công, trong khi họ khó khăn chống lại việc sử dụng nó để đến đây họp. Còn bạn thì dùng mà nói không có, vì nếu bạn có uống rượu hay dùng ma túy thì bạn phải nín lặng suốt buổi họp không được phát biểu. Những người nào không dùng thì được chia sẻ, tâm sự, nói lên niềm vui nỗi buồn, sự chống đối lại cám dỗ.

Ở chương trình có bước thứ tư là bạn được nói hết cõi lòng những sai phạm trong quá khứ mà nó làm bạn ray rứt. Chẳng hạn như lường gạt người thân, dối cha, dối mẹ một vụ trộm cắp v.v …​ Rồi bước năm là bạn sẽ được một người cai nghiện thành công như vợ chồng chị T ở bước thứ 11 giúp bạn sửa chữa lại sai lầm đó. Như dẫn bạn về xin lỗi, trả lại món đồ đã trộm v.v …​

Những người dùng rượu, ma túy nín lặng trong buổi họp một thời gian tự nhiên thích nói hơn là sử dụng ma túy, họ bắt đầu chán ma túy. Vì nếu họ không dùng nó họ sẽ có người lắng nghe và giúp đỡ rồi họ quyết tâm bỏ. Đây là số ít người may mắn hơn cả chục ngàn người nghiện khác. Con thấy một cái miệng trước đây dùng để ói giờ nói ra những lời lợi ích cho bao người thật đáng trân trọng.

(29:50) Nhưng, cũng có khi người ta nói dối vì muốn đạt được mục đích mà không ai ủng hộ như bé H.

Một em bé nghèo ham tu quá mà gia đình ngăn cản quyết liệt, nên mỗi lần đi nhập thất đều nói dối là đi làm từ thiện với con, mà con thì không hay biết gì. Cho nên em gặp phải người thầy chỗ em nhập thất không giữ giới, nói em có vong theo rồi đã có con với vong đó rồi. Rồi em nhập thất nhịn đói thanh lọc thân tâm gì đó 2 tuần, ông thầy trục vong ra rồi đỡ để cho đứa con vô hình được chôn ở thất chùa. Thế là em phải thường xuyên bị kẹt vì cứ ngỡ rằng con mình đang ở chùa đó. Con không hiểu sao em nó tin nổi vì em nó có ăn nằm với ai đâu mà có con? Mà có con với vong mới lạ! Nhưng đó là nhân quả của em. Khi con hay chuyện ra chứng kiến mới thấy.

Không phải một mình em mà rất nhiều người ham tu khác cư sĩ có, tu sĩ có đều bị kẹt như thế. Con vất vả lắm mới thuyết phục em ra khỏi chỗ đó. Vì người thầy đó nói năng và đánh tâm lý rất bài bản, nếu con không vững chắc thì con cũng chìm luôn ở đó, vì thầy cũng nói con có vong theo và đã có con, kêu con ở lại để thầy trục ra.

Con nói: Không chồng mà có con thì sướng hơn, vì con muốn đẻ một đứa cho nó đi tu, thôi để con cho nó lớn đẻ ra cho nó xuất gia luôn.

Khi lôi em ra khỏi chỗ đó con chỉ khuyên: Em phải thật thà, phải nói thật thôi, nói từ trái tim. Em thấy không, vì nhân dối gian với gia đình mà em gặp phải thầy cũng lừa gạt, rồi em cứ tiếp tục khởi sự đi tu bằng nói dối thì em khó gặp Chánh Pháp lắm. Em thấy chị không, đi đâu làm gì gia đình cũng biết rõ, nắm rõ. Thứ nhất là để người thân không lo lắng là mình thể hiện tình thương. Thứ hai là mình gieo duyên với họ cho họ biết rõ con đường và thế giới của mình để họ tự khám phá và chấp nhận. Em đã khóc khi nghe con khuyên, rồi em thực tập như con nói. Giờ em điện thoại báo em rất hạnh phúc khi nói thật, thấy nó nhẹ cõi lòng và thấy được tình thương gia đình.

Nhưng mà con thấy khi được tình thương gia đình thì bị vướng trong nó cũng khó mà tu. Bằng chứng là khi con rủ em lên Tu viện thì em nói nói là bàn với gia đình rồi gia đình đang đặt hết niềm tin vào em, mọi người đang chăm sóc ngọt ngào với em hết sức chu đáo tử tế, em không thể đi bây giờ được. Thôi đành vậy!

(32:30) Riêng bản thân con, con thấy mình chỉ nói dối vì luôn muốn làm vui lòng người. Thiệt hại mình chút đỉnh không sao. Chẳng hạn như con thấy người nào đó cần thứ gì mà con chỉ có một, nhưng con muốn họ nhận con đành nói dối là con còn nhiều lắm ở nhà để họ đừng ngại mà vui vẻ lấy. Vì con nghĩ khi người ta cần mình mới có cơ hội cho, còn khi mình dư cả đống mà người ta không cần thì mình cho cũng bằng thừa. Dẫu sao con thấy mình cũng không nên nói dối, nên con nguyện sao cho con đừng rơi vào tình trạng phải nói dối.

Rồi con được ở trong Tu Viện, được bảo hộ bởi ba hạnh: Ăn, ngủ, độc cư nên giờ này con không lo việc nói dối nữa. Chư Phật đã gia hộ, gìn giữ cho con rồi. Vì biết cái tật ưa muốn làm đẹp lòng mọi người của con mà rất dễ dẫn con đến sai phạm tạo nghiệp mới.

Đức Phật có dạy: “Con người là thừa tự của nhân quả, sinh ra trong nhân quả và chết đi cũng trong nhân quả”. Và nếu muốn biết nhân quá khứ hãy nhìn quả hiện tại mà ta gặp phải. Hãy nhìn những gì ta đang làm đây mà biết quả tương lai. Con nhìn lại bản thân thấy trong cuộc sống mình luôn phải chứng kiến cảnh dối gian, thất hứa, nói thêm nói bớt, nói lật lọng, nói vu oan, nói những lời hung ác. Thì con biết chắc chắn 100 phần trăm là trong quá khứ con đã từng tham gia tất cả những việc đó rồi, không việc gì mà con không có mặt nên giờ này con phải chứng kiến đầy đủ, thật là nhiều chuyện quá!

Hồi còn đi học, cứ mỗi ba tháng hè là về quê ngoại chơi ở nhà các cậu. Ở nhà cậu Tư thì chứng kiến cảnh cậu Tư la mắng mỗi khi đi làm về. Nên các con cậu vì sợ mà trở nên dối gian, mỗi khi nghe tiếng xe cậu về là tất bật chỉnh trang mọi thứ như ý cậu, và thông báo cho nhau biết để ba về để mọi việc được nhất quán vô nề nếp, tất khuất trước khi cậu bước vào nhà. Để khi cậu hỏi mọi việc ở nhà thế nào thì mọi người cùng nói tốt đẹp cả. Nếu ai không muốn đồng nói dối thì thoát ra khỏi nhà, nên đã có anh họ thoát ra rồi vượt biên, sau này qua Úc lãnh cậu qua nên tạo nên duyên diệt. Nhưng hậu quả là tật nói dối vẫn tồn tại trong những người con ở gần cậu khi xưa.

Con không muốn những cảnh dối gian tác động vào mình nên lên nhà cậu Năm lánh nạn, chờ má về rước lên thành phố. Ai ngờ lên nhà cậu Năm thì chứng kiến cảnh cậu nói những lời hung ác với dì Bảy, khiến dì đau khổ bỏ nhà đi vượt biên. Lúc đó cậu rất ân hận vì không có tin tức gì hàng tháng trời, cũng may là dì thoát qua Úc sau thời gian dài điên loạn ở đảo. Lúc này cậu Năm mới hết ăn năn, nhưng tánh ưa mắng chửi người khác đau lòng luôn ở ngay cửa miệng cậu. Khiến các con cậu lần lượt xa lánh và đều vượt biên kẻ bên Đức, người bên Mỹ.

(35:55) Ngay cả mợ Năm cũng không dám ở gần, một người con của cậu vì lời nói hung ác của cậu phải tự tử nhưng được cứu sống. Cậu tuy tốt bụng, nhưng do đi học tập cải tạo về ấm ức chuyện chi mà suốt ngày quát tháo chửi mắng làm khổ vợ con em út. Cũng may là sau vụ tự tử của cậu con trai như duyên diệt những lời hung ác, cậu dường như không dám nói nặng nữa vì sợ anh họ con tự tử lại.

Con thấy những người chửi mắng hả hê cái miệng thì sau đó đều lo lắng, ân hận, bất an tâm thần. Họ cũng khổ như người bị mắng chửi vậy chứ sướng ít gì đâu! Con đã thấy cậu khóc khi anh họ tự tử đó thôi. Cũng may là chuyện nào cũng có lối thoát, nếu gia đình êm ấm thì mấy con cậu đâu đi vượt biên. Cũng như dì không bị cậu nói lời hung ác thì giờ này cũng không ở Úc xa xôi đó.

Trong duyên diệt đã có duyên sanh rồi, cũng như trong quả có hạt vậy. Thời đó mỗi khi bị chửi mắng người ta còn thoát ra bằng cách đi vượt biên sau này còn đem lại nhiều lợi ích lớn cho gia đình. Còn bây giờ mà thoát ra thì thành kẻ đường phố hoặc mại dâm, hoặc xì ke ma túy. Người nào hên lắm thì lấy đại người chồng nước ngoài rồi về phục vụ còn hơn phải nghe lời mắng chửi trong gia đình.

Không thể tưởng nổi chỉ một lời nói thôi mà đẩy cả cuộc đời người khác đi mút chỉ. Hoặc vô cùng sướng, hoặc vô cùng khổ. Cho nên, “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Anh họ con sau khi tự tử không chết đã tâm sự, phải chi ba anh đừng nói những lời nặng nề đó thì anh đâu muốn chết.

Còn bé T, một đứa trẻ đường phố nghiện ma túy. Con đã gửi đi cai dứt hẳn, nhưng khi quay về ban thuốc lá ở khu Phạm Ngũ Lão thì bị lại. Con nói em đã thất hứa, em bảo: Phải chi ngày nào em cũng được nghe lời đạo đức từ chị thì chắc em kiềm chế nỗi, chứ em ngủ ngoài đường lâu lâu chị ra nói vài điều đạo đức làm em cũng cắn rứt lương tâm lắm. Nhưng cả tuần không thấy chị mà thuốc nó cứ giơ trước mắt em làm sao chịu nổi!

Chắc tại nhân người xưa con ưa nói: Ghét mấy người thất hứa. Mà nhân gian có câu: “Ghét của nào trời trao của ấy”. Nó cũng là nhân quả thôi. Giờ con gặp toàn người thất hứa. Mỗi lần lỡ lời là hối hận. Một lời nói ra là bốn ngựa chạy theo không kịp, mất thời gian để hàn gắn, để lấy lại niềm tin. Do vậy mà: “Lời nói không mất tiền mua lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

(38:48) Trước khi nói hãy uốn lưỡi bảy lần. Khi thăm trẻ câm điếc, thấy mọi người nói bằng tay vất vả, phải chăng vì trước đây đã không uốn lưỡi bảy lần trước khi nói nên giờ uốn mãi mà không nói ra lời.

Bản thân con trước đây luôn thắng trong các cuộc lý luận, sau đó đều không thấy vui vì nhận ra rằng cái mớ ngôn từ mà mình khiến người khác tâm phục khẩu phục đó hoàn toàn không phải của mình, mà do mình ăn cắp nhai lại nước miếng người khác. Thật không vững chắc, người ta đuối lý vì người ta chưa biết tới, rồi từ từ người ta cũng biết thôi. Biết trước người khác một chút có gì hay ho đâu. Nó là cái nhân cho con tịnh khẩu một thời gian. Im lặng là vàng, nói là bạc. Nhưng rồi con thấy có lúc cần phải nói để sách tấn, để hòa giải và để tránh hiểu lầm. Nhưng con chuyển đổi lại bình thường và nói những gì cần nói giúp mình phát sinh trí tuệ, không làm khổ người, khổ mình. Và thời gian đó con chỉ thực tập hai câu xin lỗi và cảm ơn cho nhuần nhuyễn.

Động lưỡi, dở tay đều tạo nghiệp. Mà nghiệp là hội đủ nhân - duyên - quả. Nên phải ăn nói đúng lúc, đúng thời, đúng chuyện mới giúp cho mình hoàn thiện được học ăn, học nói, học gói, học mở. Để luôn giữ gìn cái miệng từ tiếng nói, tiếng cười, cái ăn, cái uống để không tạo khẩu nghiệp.

Con xin hết!

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy