00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

CK 028C (CHUNG) - ÁI NGỮ THƠ VĂN THẤT TÌNH LỤC DỤC - ÁI NGỮ CHÁNH NGỮ - NHIẾP TÂM, AN TRÚ - ĐỘC CƯ - MỘT NGƯỜI PHẠM GIỚI LÀM NGƯỜI KHÁC PHẠM THEO

CK 028C (CHUNG) - ÁI NGỮ THƠ VĂN THẤT TÌNH LỤC DỤC - ÁI NGỮ CHÁNH NGỮ - NHIẾP TÂM, AN TRÚ - ĐỘC CƯ - MỘT NGƯỜI PHẠM GIỚI LÀM NGƯỜI KHÁC PHẠM THEO

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu sinh (chung)

Thời gian: 02/12/2005

Thời lượng: [45:15]

1. ÁI NGỮ THƠ VĂN THẤT TÌNH LỤC DỤC

(00:00) Trưởng lão: Hôm nay, quý thầy và các Phật tử nghe bài nói về cái khẩu hành của chúng ta - nhân quả khẩu hành. Hôm nay, chúng ta đã hiểu rằng tiêu chuẩn mà Phật đã dạy thì khẩu hành có 4 điều ác, ráng khắc phục 4 cái điều ác đó để trở thành 4 cái điều thiện của khẩu hành, vì nó rất quan trọng!

Cho nên kế tiếp, đây là 1 bài viết dựa theo đường lối của đức Phật đã dạy trong kinh Thập Thiện, cho nên nó không có đi lạc, nhưng nó chưa phải là xuất sắc lắm! Còn nhiều bài viết rất xuất sắc, nhưng ở đây không có thời gian mà chúng ta đọc để nghe.

Do đó, chúng ta cố gắng dựa vào cái sườn đúng như vậy để các con nói lên đặc tướng - đặc tính, vừa nói lên cái duyên hợp - duyên tan của nhân quả do khẩu hành của chúng ta. Và cuối cùng thì chúng ta có những lời nhắc nhở, khuyên răn chúng ta để cố gắng khắc phục mình không nói lời ác, không dùng lời ác nữa.

Đó là chúng ta lần lượt quán xét và thấm sâu những lời dạy mà đức Phật đã dạy chúng ta trong kinh Hành Thập Thiện. Bây giờ trước cái lời ác thì mình có lời êm dịu; cái lời êm dịu chính gọi là chánh ngữ hay là ái ngữ.

Trong văn chương mà chúng ta từng học, có nhiều thơ văn nói về lời ái ngữ. Vậy thì có 1 thiền sinh đã ghi lại trong văn chương những lời ái ngữ. Chúng ta dựa vào đó để sau này chúng ta làm cái bài Ái Ngữ Nhân Quả để chúng ta biết, chứ không khéo chúng ta không biết mà dùng lời ái ngữ như thế nào là lời ái ngữ.

Mình nghe nói những danh từ cô đọng như lời nói ôn tồn, nhã nhặn, ngọt ngào mà mình không biết lời nói nhã nhặn, ngọt ngào, ôn tồn như thế nào thì chúng ta hãy đọc lại những lời nói trong văn chương mà tất cả nhà văn - nhà thơ người ta đã nói lời nói như vậy, đó gọi là lời nói ái ngữ.

Việt Thảo, hãy đọc lên cái bài của con đã trích trong những đoạn văn chương để nói lên lời ái ngữ. Con hãy đến đọc cái bài của con!

(02:29) Phật tử Việt Thảo: Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Kính bạch Thầy và quý Phật tử! Đây là 1 trong những tác phẩm văn chương mà con đã trích ra, qua đó thể hiện lời nói ái ngữ, lời nói êm dịu.

ÁI NGỮ VĂN CHƯƠNG

1- Lời Nói Thật Thà:

Đó là những lời nói xuất phát từ tấm lòng nhân đạo, từ niềm khát khao mong muốn của Hồ Chủ Tịch:

“Cả 1 đời con, chỉ có 1 niềm mong ước là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được ấm no, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn - áo mặc, ai cũng được học hành”. (03:12)…​

Đó là những lời khuyên chân thành, lời động viên sách tấn học trò đừng quá mê chơi mà sao lãng việc học hành của cụ Bùi Hữu Nghĩa:

“Ăn ngủ ham chi hỡi các trò,

Có công đi học phải toan lo.

Chơi bời hoa nguyệt đừng mơ tưởng,

Học vấn vàng thau phải đắn đo.

Dẫu có ruộng vườn năm bảy mẫu,

Chi bằng kinh sử một vài pho.

Trời xanh đâu phụ người ham học,

Bảng đỗ đề danh mới đáng trò”.

Đó là những lời người vợ nói với chồng đồng cam cộng khổ:

“Chàng ơi cho thiếp đi cùng

Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam”.

"Vì chàng thiếp phải mò cua

Những như thân thiếp thì mua mấy đồng".

Đó là lời của người con gái nói với chị em mình về tình yêu thương chân thật của mình đối với chồng, 1 người chồng nghèo khổ:

“Chồng em áo rách em thương

Chồng người áo gấm, xông hương mặc người”.

Đó là nỗi nhớ da diết của người con xa xứ mỗi lần trông về quê mẹ:

“Đêm đêm ra đứng ngõ sau, trông về nơi mẹ ruột đau chín chiều”.

Đó là lời cầu nguyện của người con để tỏ lòng hiếu thảo của mình đối với cha mẹ:

“Đêm đêm thắp ngọn đèn trời

Cầu cho cha mẹ sống đời với con!”

(04:55) 2- Lời Nói Ôn Tồn, Nhã Nhặn

Đó là những lời khen tặng, lời khuyên các em thiếu nhi trong thư của Bác Hồ gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, như sau:

Bác Hồ khuyên học sinh: “Bác rất vui lòng biết rằng: cháu nào cũng siêng học, siêng làm, biết ăn ở sạch sẽ, biết giữ kỷ luật, lễ phép, thế là tốt lắm!

Bác khuyên các cháu gắng sức thêm. Việc gì có ích cho Tổ quốc thì các cháu nên gắng sức làm. Tuổi các cháu còn nhỏ thì các cháu làm những công việc nhỏ, nhiều công việc nhỏ cộng lại thành công việc to. Bác mong tất cả các cháu làm việc và học hành cho xứng đáng là nhi đồng của nước Việt Nam…​

Bác hôn tất cả các cháu.

Bác Hồ”.

Đó là những lời người xưa nhắc nhở con cháu phải thương nhớ công ơn to lớn của tổ tiên, ông bà, cha mẹ:

“Con người có tổ có tông

Như cây có cội như sông có nguồn

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ tổ mùng Mười tháng Ba”

“Ơn cha nặng lắm ai ơi,

Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

3- Lời Nói Cảm Thông Đến Tâm Mọi Người

Đó là lời nói cảm thông cho sự vất vả của phu làm đường mà Bác Hồ gửi gắm đến mọi người qua 4 câu thơ:

“Dãi nắng, dầm mưa chẳng nghỉ ngơi,

Phu đường vất vả lắm ai ơi!

Ngựa xe, hành khách thường qua lại,

Biết cảm ơn anh được mấy người?”

Đó là nỗi xúc động của nhà thơ Trần Đăng Khoa trước công việc quét rác làm sạch đường phố thầm lặng của chị lao công qua bài thơ Tiếng Chổi Tre:

“Những đêm hè

Khi ve ve

Đã ngủ

Tôi lắng nghe

Trên đường Trần Phú

Tiếng chổi tre

Xao xác

Hàng me

Tiếng chổi tre

Đêm hè

Quét rác…​

Những đêm đông

Khi cơn giông

Vừa tắt

Tôi đứng trông

Trên đường lặng ngắt

Chị lao công

Như sắt

Như đồng

Chị lao công

Đêm đông

Quét rác…​”

Đó là sự cảm thông của ông cụ bị đau chân, và sự giúp đỡ tận tình của người cháu qua bài thơ “Thương Ông”:

“Ông bị đau chân

Nó sưng nó tấy

Đi phải chống gậy

Khập khiễng, khập khà

Bước lên thềm nhà

Nhấc chân quá khó

Thấy ông nhăn nhó

Việt chơi ngoài sân

Lon ton lại gần,

Âu yếm, nhanh nhảu:

“Ông vịn vai cháu,

Cháu đỡ ông lên.”

Ông bước lên thềm

Trong lòng sung sướng

Quẳng gậy, cúi xuống

Quên cả đớn đau

Ôm cháu xoa đầu:

“Hoan hô thằng bé!

Bé thế mà khoẻ

Vì nó thương ông”.

(07:47) Đó là sự cảm thông cho những nỗi nhọc nhằn của mẹ khi ru con ngủ qua bài thơ mang tựa đề "Mẹ" - trích trong Tập Đọc Lớp 1:

“Lặng rồi cả tiếng con ve,

Con ve cũng mệt vì hè nắng oi.

Nhà em vẫn tiếng ạ ời,

Kẽo cà tiếng võng mẹ ngồi mẹ ru.

Lời ru có gió mùa thu,

Bàn tay mẹ quạt mẹ đưa gió về.

Những ngôi sao thức ngoài kia,

Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con.

Đêm nay con ngủ giấc tròn,

Mẹ là ngọn gió của con suốt đời”.

Đó là lời cảm thông cho sự vất vả, gian lao của vợ, kiếm tiền lo cho gia đình mà nhà thơ Trần Tế Xương đã gửi gắm qua bài thơ "Thương Vợ":

“Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Một duyên hai nợ, âu đành phận

Năm nắng mười mưa, dám quản công

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc!

Có chồng hờ hững cũng như không!”

Đó là Đoạn Trường Tâm Thanh, tiếng kêu đứt ruột của Nguyễn Du trong “Truyện Kiều”, trước số phận cay đắng của người phụ nữ trong thời xã hội phong kiến:

“Đau đớn thay phận đàn bà

Biết sinh ra thế biết là tại đâu

Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.

Đó là sự cảm thông cho nỗi vất vả của người nông dân ngoài đồng ruộng:

“Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần

Ở đây một hạt cơm rơi

Ngoài kia bao hạt mồ hôi thấm đồng”.

4- Lời Nói Hoà Hợp

Đó là lời anh chị em trong nhà phải thương yêu nhau, giúp đỡ nhau, đừng tranh cãi nhau:

"Chị em như chuối nhiều tàu

Tấm lành che tấm rách, đừng nói nhau nặng lời".

“Anh em nào phải người xa

Cùng chung bác mẹ một nhà cùng thân

Yêu nhau như thể tay chân

Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”.

Đó là những lời hàn gắn tình nghĩa vợ chồng những lúc giận nhau, ghen tuông nhau:

“Vợ chồng là nghĩa cả đời,

Ai ơi chớ nghĩ những lời thiệt hơn”.

“Ớt nào mà ớt chẳng cay

Gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng”.

“Đồng vợ đồng chồng,

Tát biển đông cũng cạn”.

Đó là lời kêu gọi thiết tha của Nguyễn Trải - Người thương người thì nên đùm bọc nhau trong lúc khó khăn:

"Miếng khi đói, gói khi no

Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng".

Đó là lời khuyên người dân trong nước nên yêu thương hòa hợp nhau, đừng chia rẽ nhau:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung 1 giàn”.

(10:38) 5- Lời Nói Đẹp Tai

Đó là những lời tỏ tình tế nhị giữa chàng trai và cô gái khi mới quen nhau:

“Bây giờ mận mới hỏi đào

Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?

Mận hỏi thì đào xin thưa

Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào”.

"Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng

Tre non đủ lá đan sàng nên chăng?

Đan sàng thiếp hãy xin vâng

Tre non đủ lá chưa đan nên sàng?"

Đó là những lời của người chồng rất thương vợ, thương luôn cả khuyết điểm của người vợ:

“Lỗ mũi mười tám gánh lông,

Chồng yêu, chồng bảo râu rồng trời cho.

Đêm nằm thì ngáy o o,

Chồng yêu, chồng bảo ngáy cho vui nhà.

Đi chợ thì hay ăn quà,

Chồng yêu, chồng bảo về nhà đỡ cơm.

Trên đầu những rác cùng rơm,

Chồng yêu, chồng bảo hoa thơm rắc đầu”.

Đó là lời ca ngợi sự hy sinh anh dũng của chị Võ Thị Sáu - bằng một nhà thơ thể hiện qua bài "Chị Võ Thị Sáu" - trích trong sách Tập Đọc Lớp 1:

“Chị Võ Thị Sáu:

Người con gái trẻ măng

Giặc đem ra bãi bắn

Đi giữa hai hàng lính

Vẫn ung dung mỉm cười

Ngắt một đoá hoa tươi

Chị gài lên mái tóc

Đầu ngẩng cao bất khuất

Ngay trong lúc hy sinh.

Bây giờ dưới gốc dương

Chị nằm nghe biển hát”.

Đó là những lời Bác Hồ nói với anh chiến sỹ về nỗi trăn trở, lo lắng cho quân đội của mình đến nỗi nóng ruột không ngủ được qua bài "Đêm Nay Bác Không Ngủ" của Minh Huệ:

“Bác thương đoàn dân công

Đêm nay ngủ ngoài rừng

Rải lá cây làm chiếu

Manh áo phủ làm chăn…​

Trời thì mưa lâm thâm

Làm sao cho khỏi ướt

Càng thương càng nóng ruột

Mong trời sáng mau mau”.

Đó là những lời bộc bạch nỗi nhớ thương của Tố Hữu cũng như với quân đội Việt Nam đối với người dân Việt Bắc:

“Ta về, mình có nhớ ta

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng 1 mình

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung”.

(12:55) Đó là những lời người nông dân thủ thỉ với con trâu, xem con trâu như người bạn thân thiết của mình:

“Trâu ơi ta bảo trâu này:

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.

Cấy cày vốn nghiệp nông gia,

Ta đây trâu đấy, ai mà quản công!

Bao giờ cây lúa còn bông,

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”.

Đó là những lời van xin con người hãy tha mạng sống của cò mẹ trong bài ca dao "Con Cò":

“Con cò mà đi ăn đêm,

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.

Ông ơi, ông vớt tôi nao,

Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng.

Có xáo thì xáo nước trong,

Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”.

Đó là những tiếng thở than về thân phận phụ nữ của mình khi sống trong một xã hội phong kiến, gợi niềm thương cảm cho người nghe:

"Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai."

“Thân em như hạt mưa sa

Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày”.

“Thân em như giếng giữa đàng,

Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.”

"Thân em như miếng cau khô

Người khôn tham mỏng, người thô tham dày".

"Thân em như hạt đầu Đình

Muốn bay không cất nổi mình mà bay".

Thưa Thầy, xin hết!

(14:09) Trưởng lão: Hôm nay, mấy con nghe những cái lời ái ngữ. Nhưng ở đây, nó là cái lời của thơ văn nói lên cái thất tình lục dục của con người, nói lên lòng yêu thương nhưng mà nó đem lại sự đau khổ! Cho nên ở đây, chúng ta dùng lời ái ngữ là chánh ngữ, chứ đừng dùng lời ái ngữ như những câu ca dao, lời thơ văn của những nhà văn thơ.

Cho nên ở đây, khéo léo khi dùng ái ngữ thì chúng ta nên dùng chánh ngữ mới đúng nghĩa của nó; còn nếu mà chúng ta dùng ái ngữ theo kiểu của thơ văn từ xưa đến giờ thì không đúng! Bởi vì chúng ta là những người tu sĩ, những người biết buông xả - không thể gợi lòng ham muốn, lòng yêu thương trong tình dục; mà chúng ta gợi lên những cái lòng buông xả. Ái ngữ của chúng ta là an ủi, là tâm Từ - tâm Bi, là lòng thương yêu rộng lớn vô cùng. Như vậy mới thật sự là lời ái ngữ!

Cho nên, hôm nay chúng ta nghe qua những lời tâm thư này, chúng ta biết rất là ái ngữ nhưng ái ngữ trong thất tình lục dục, không đúng là con đường ái ngữ của chúng ta. Vì vậy mà bắt đầu chúng ta sẽ học ái ngữ nhân quả thì cái lời nói của chúng ta sẽ khéo léo; không khéo chúng ta sẽ hiểu lầm rồi chúng ta đưa lời này, lời kia vào đó thì nó sẽ sai.

Đây là cái bài để chúng ta hiểu qua cái lời ái ngữ - nhưng đây là ái ngữ của thế gian chứ không phải lời ái ngữ trong đạo để giải thoát. Cho nên chúng ta khéo léo dùng ái ngữ; mà người ta hiểu “ái” là yêu là thương, còn “ái” của chúng ta là tâm Từ - Bi - Hỷ - Xả, tâm rộng lớn thương yêu của chúng ta, cho nên nó thuộc về chánh ngữ.

Vì vậy, bắt đầu quý thầy cũng như quý Phật tử sẽ làm 1 bài ái ngữ nhân quả thì phải nhớ tránh những điều ái ngữ của thất tình lục dục như trong văn chương của văn học.

Cho nên cố gắng làm sao để viết cho đúng, không khéo rồi chúng ta sẽ bị lầm, lầm trích qua những cái lời thơ văn này. Đây là những ái ngữ thế gian, chứ không phải ái ngữ của người tu sĩ!

2. ÁI NGỮ CHÁNH NGỮ

(16:45) Trưởng lão: Đó là Thầy muốn đưa cái bài này ra đọc để chúng ta so sánh, để chúng ta tìm được cái ái ngữ của tâm Từ - Bi - Hỷ - Xả của đạo Phật, chứ không khéo thì chúng ta sẽ lầm!

Nghe lời nói ngọt ngào, mà ngọt ngào như thế nào để đem lại hạnh phúc cho mình, cho người - ngọt ngào như thế nào để đem lại khổ đau cho mình, cho người? Cho nên, lời nói ngọt ngào ấy là lời nói ái ngữ, mà lời nói ái ngữ phải là chánh ngữ chứ không được tà ngữ! Còn lời nói mà ru chúng ta vào cái tâm ham muốn, tâm dục thì đó là tà ngữ chứ không phải chánh ngữ; cũng là lời nói ái ngữ, nhưng là ái ngữ tà ngữ. Chúng ta phải biết phân biệt được điều này khi viết về nhân quả ái ngữ.

Đó là điều Thầy muốn nhắc nhở trước khi chúng ta bước chân vào làm bài nói về ái ngữ mà chúng ta sẽ không còn khuyết điểm, nếu không nhắc nhở thì Thầy tin rằng bước vào ái ngữ nhân quả thì các con sẽ lầm lạc! Như vừa rồi, nói đến ái ngữ thì ở trong chúng ta có người nghĩ rằng ái ngữ tức là lời nói yêu thương như những lời văn này; còn lời nói yêu thương của chúng ta trong đạo Phật, trong đường giải thoát là lời nói chánh ngữ.

Cho nên đạo Phật có lớp Chánh Ngữ - nó rèn luyện chúng ta cái chánh ngữ, chứ không phải rèn luyện chúng ta cái ái ngữ của tà ngữ. Chánh Ngữ thì có ái ngữ của chánh ngữ, mà tà ngữ thì có cái ái ngữ của tà ngữ.

(18:19) Như đọc những lời văn chương của các cụ, những tác giả thơ văn thì chúng ta đã thấy được cái điều ái ngữ đó là tà ngữ hay là chánh ngữ - chúng ta biết rất rõ! Vậy thì khi sử dụng viết bài triển khai tri kiến về ái ngữ - lời nói của chúng ta là ái ngữ phải đúng chánh ngữ. Thì lúc bây giờ, Thầy mới chấm bài của mấy con là đúng; còn nếu mà mấy con viết sai là mấy con dù cái lời nói rất ngọt ngào, ôn tồn, êm dịu nhưng nó sai cái ý nghĩa của chánh ngữ thì buộc lòng Thầy phải sửa mấy con.

Mấy con phải cố gắng nhớ kỹ lời này để chúng ta bắt đầu đi vào ái ngữ! Vì chúng ta đã học về nhân quả khẩu nghiệp - khẩu hành thì chúng ta phải biết cho rõ về cái ngôn ngữ của chúng ta muốn nói.

Sau khi chúng ta thấm nhuần, mở miệng ra là nói lời ái ngữ đúng chánh ngữ, chứ không phải ái ngữ trong tà ngữ, nhớ kỹ những điều mà Thầy nói! Vì sắp sửa tới đây, mấy con sẽ học đến Chánh Ngữ.

Và bây giờ, Thầy xin trả lại tất cả những bài của các con đã viết. Trong này rất nhiều bài hay nhưng không được đọc vì không có thời gian. Có những bài Thầy đã kiểm duyệt vì nói không đúng; có những bài Thầy cho đọc, Thầy cũng đã kiểm duyệt, cho nên Thầy thấy rằng cái sai - cái đúng mà để nói lên cho mấy con biết để làm bài không có sai. Còn nếu không có bài sai - bài đúng thì mấy con sẽ làm sai!

Cho nên vì vậy, như những bài vừa đọc, về phần học chúng ta cũng chỉ đại khái cho chúng ta nhìn thấy những cái đúng, như chúng ta theo cái đường nhân quả mà chúng ta lập luận sao cho nó đúng cách để cái bài của chúng ta xoáy vào đề tài chính. Để làm chúng ta có cái sự hiểu biết giải thoát, làm chúng ta sống đúng đạo đức không làm khổ mình, khổ người qua đường đi nhân bản - nhân quả.

3. TỈNH THỨC CỦA ĐẠI THỪA LÀ ỨC CHẾ

(20:35) Điều mà giúp cho chúng ta được sống trong đường đi nhân bản - nhân quả này là để chuẩn bị cho chúng ta có cái hiểu để chúng ta tập tỉnh thức. Để khi có từng niệm khởi ra, để mà chúng ta thực hiện được cái tâm Xả của chúng ta; để giúp tâm chúng ta được thanh thản, an lạc, vô sự - không có chướng ngại pháp, không có ác pháp, không có niệm khởi, để giúp chúng ta an tịnh mà không bị ức chế tâm.

Đây là con đường phải đi đúng, phải tu tập đúng! Bởi vì từ xưa đến giờ, các kinh sách Đại thừa đã dạy chúng ta tu tập tỉnh thức bằng tất cả trong cái thân hành của chúng ta nhưng lại làm cho chúng ta bị ức chế. Ức chế do không biết cách thức xả tâm, cho nên chúng ta bị ức chế tâm chúng ta.

Do chúng ta tu tập trong thân hành như hơi thở, như bước đi kinh hành, như đưa tay, như làm tất cả công việc trong hành động của thân chúng ta - tu trong các công việc làm. Nhưng mà vì tu như vậy nên chúng ta đã bị ức chế.

Chúng ta nghĩ rằng mình tập trung được trong thân hành của mình, tức là nhiếp tâm được trong đó không có niệm khởi, tức là an trú trong đó, nhưng mà cuối cùng chúng ta lại bị ức chế - cho nên sai! Còn ở đây chúng ta không bị ức chế.

Cho nên Thầy nói với quý thầy, với quý Phật tử là khi mà nhiếp tâm 1 phút, mình không cần nhiều, mình nhiếp tâm 1 phút rồi mình an trú trong 1 phút đó không có 1 niệm khởi. Cái giai đoạn đầu tiên mà căn bản để chúng ta đi vào cái sự tỉnh thức.

4. GIAI ĐOẠN NHIẾP TÂM ĐỂ XẢ TÂM

(22:09) Đây là 1 cái lớp tỉnh thức, cho nên cái lớp tỉnh thức thì chúng ta phải biết cách, chứ còn nếu không biết cách thì chúng ta sẽ bị ức chế!

Do bây giờ cái lớp tỉnh thức - khả năng của chúng ta đầu tiên thì chúng ta chỉ nhiếp được 1 phút. Người nào mà nhiếp kỹ thì chúng ta mới được 1 phút; còn nếu mà nhiếp không kỹ thì 1 phút chưa hẳn đã đạt được, chưa hẳn các con đã hiểu đúng cách để mà tu tập. Cho nên khi mà nhiếp tâm để an trú cho được tâm mình thì sức của mấy con bây giờ cố gắng tu tập được 1 phút là Thầy mừng rồi.

Thì lúc bây giờ chúng ta mới tăng lên 1 phút, 1 phút đó không phải là chỗ ức chế, mà 1 phút đó để có niệm. Từ cái niệm đó chúng ta mới áp dụng qua bài học Định Vô Lậu, tức là tri kiến giải thoát.

Hiện giờ chúng ta đã học nhân quả của thân hành, nhân quả của khẩu hành, nhân quả của ý hành của chúng ta. Chúng ta học đường đi nhân quả của con người, chúng ta mới áp dụng tất cả mọi niệm khởi ra trong tâm chúng ta vào nhân quả để chúng ta chuyển biến nó, thay đổi nó, chuyển nó trở thành thiện pháp trong tâm chúng ta - gọi là xả tâm.

Và như vậy, mỗi lần chúng ta tu 2 phút để nhiếp tâm và an trú mà có niệm thì chúng ta dùng Định Vô Lậu này chúng ta quán xét mà xả cái niệm, cho nên chúng ta không bị ức chế. Và từ đó cái niệm nó bị xả - tức là nó ly dục, ly ác pháp. Mà ly dục, ly ác pháp thì chúng ta đạt được 2 phút tự nhiên mà rất an tịnh.

Đó là cách thức tu tập của chúng ta hôm nay về vấn đề tập định tỉnh, nhu nhuyễn, dễ sử dụng. Nếu có định tỉnh, nhu nhuyễn, dễ sử dụng thì chúng ta mới sử dụng được; còn không có nhu nhuyễn, dễ sử dụng thì chúng ta không sử dụng được! Cho nên sự tu tập chúng ta phải lưu ý phần này!

Vì vậy mọi người ở đây, bên nam và bên nữ, hôm nay Thầy gom lại để chúng ta học chung cho cái lớp học của chúng ta, để không khéo thì Thầy mất thì giờ - bữa nay dạy bên nam, ngày mai dạy bên nữ. Cho nên, muốn cho thời gian được rảnh rỗi nhiều thì gom lại chúng ta học.

5. NHIẾP TÂM TRONG TƯỞNG DO THIẾU GIỚI LUẬT

(24:28) Vậy thì hôm nay là cái lớp học để tập nhiếp tâm - định tỉnh, để giúp cho tâm nhu nhuyễn, dễ sử dụng sau này.

Bắt đầu ở đây, Thầy thấy có người ghi là 5 phút, có người 10 phút, có người 20 phút, có người 30 phút, thậm chí có người ghi 1 giờ nhiếp tâm và an trú tâm. Thật ra thì tất cả những người từ 20 phút trở lên - chắc chắn họ nhiếp tâm trong trạng thái của tưởng chứ không bao giờ mà có thể nhiếp tâm trong sự xả tâm!

Tại sao mà Thầy biết như vậy? Tại vì nhìn qua giới luật - họ còn vi phạm; nhìn qua đời sống của họ - họ còn tham, sân, si - chưa phải hết; nghĩa là họ còn hôn trầm, thùy miên mà chưa phải hết. Cho nên khi chưa phải hết thì tức là họ bị ức chế tâm mà đi vào được nhiếp tâm và an trú tâm không niệm khởi - nhưng cái trạng thái đó là trạng thái sai, không đúng!

6. NHIẾP TÂM - AN TRÚ TÂM

(25:24) Cho nên, hiện giờ chúng ta hãy trở về 1 phút để rồi chúng ta ngồi chúng ta nương vào hơi thở hoặc bước đi. Nếu chúng ta không đủ duyên thì chúng ta nương vào trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự - không có đối tượng, chúng ta sẽ thực hiện được. Nghĩa là chúng ta thực hiện được cái trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự rất dễ dàng và không bị ức chế tâm.

Còn người nào nhiếp tâm được trong hơi thở, trong bước đi thì các con hãy nhiếp tâm trong đó vì nó có đối tượng - dễ dàng hơn.

Còn cái thanh thản, an lạc, vô sự - không có đối tượng, vì cái đối tượng của nó là 1 trạng thái cho nên nó trừu tượng, nó khó có đối tượng để nhiếp tâm mình.

Nhưng Thầy khuyên rằng quý vị lớn tuổi không nên tu hơi thở, không nên tu đi kinh hành; chỉ đi kinh hành khi chúng ta buồn ngủ mà thôi, chứ không phải để nhiếp tâm. Vì các cụ lớn tuổi rồi, nhiếp tâm thì thần kinh yếu lắm, không đủ sức nhiếp tâm như vậy mà chúng ta nên giữ tâm thanh thản, an lạc, vô sự.

Lớp các cụ già thì được phân riêng ra, trong đó có chú Phụng xin Thầy theo lớp các cụ già vì sự nhiếp tâm không hợp trong hơi thở và bước đi, cho nên xin Thầy. Riêng trong lớp người già thì có thêm chú Phụng. Còn những người khác, nếu nhiếp được trong hơi thở thì lấy hơi thở làm cái chuẩn, làm cái đối tượng để nhiếp tâm.

(27:12) Và bắt đầu từ đây về sau, chúng ta tu 1 phút, không được người nào tu hơn 2 phút! Vì Thầy đã xét rất rõ, chúng ta hiện giờ có nhiếp được nữa thì chẳng qua cũng nhiếp vào tưởng mà thôi! Vì vốn tâm chúng ta chưa ly dục, ly ác pháp; nghĩa là hoàn toàn chúng ta xét lại cái tâm chúng ta còn tham, sân, si chứ chưa có sạch. Do chưa có sạch mà tại sao đạt được đến chỗ nhiếp tâm được 30 phút hoặc 1 - 2 giờ, có phải là do chúng ta bị ức chế không? Do chúng ta ức chế như vậy là chúng ta đã sai!

Cho nên trong sự tu tập hôm nay, cái lớp này thì trong cái thời gian sắp tới Thầy sẽ gọi kiểm tra lại từng người, gọi 3 người, 4 người, chứ Thầy không gọi cả lớp.

Trong tháng này, Thầy sẽ chỉnh đốn lại cái lớp Chánh Niệm Tĩnh Giác để mấy con biết cách tu tập. Cũng như tháng vừa rồi, Thầy đã chỉnh đốn lại cái Định Vô Lậu để các con biết cách thức tư duy, quán xét cho đúng cách để đi vào cái Định Vô Lậu thực sự.

Tháng này, Thầy hướng dẫn mấy con cách nhiếp tâm và an trú tâm bằng ý thức, chứ không phải bằng tưởng thức nữa! Đó là cách thức hướng dẫn cho mấy con cụ thể trên bước đường tu tập để đạt được trong 1 - 2 năm. Nhưng mà cái khóa mà dạy tu thì Thầy nghĩ rằng Thầy sẽ hướng dẫn mấy con trong 1 năm. Bắt đầu tới tháng Mười năm sau, cũng vào giờ này thì các con là những người phải đạt được sự giải thoát hoàn toàn, chứng đạt được chân lý!

Chúng ta không cần phải tu lâu, mà chúng ta cần có sự siêng năng tập luyện, thì thời gian tu sẽ ngắn lại trong 1 khóa tu. Sang năm chúng ta chứng minh rằng mình sẽ được giải thoát hoàn toàn. Như lời đức Phật đã dạy: “Bờ bên đây, bờ bên kia”. Khi mà chúng ta đã hiểu rồi thì chúng ta luôn luôn ở bờ bên kia, chứ không được ở bờ bên đây!

Tại sao vậy? Tại vì chúng ta hiểu - chúng ta hiểu tức là chúng ta minh. Còn cái người vô minh người ta mới ở bên đây; còn mình đã hiểu rồi, mà hiểu nhân quả là 1 pháp môn rất cụ thể, thực tế. Cho nên chúng ta đâu phải là người dại mà ở bờ bên đây!

7. ĐỘC CƯ

(29:34) Cho nên ở đây, Thầy nói như thế này để cho mấy con biết rằng - khi mà tu như vậy thì hạnh độc cư phải cho trọn vẹn! Nếu từ đây về sau mà Thầy thấy mấy con nói chuyện, không giữ gìn đúng hạnh của người tu - đi tới, đi lui từ thất này qua thất kia, buộc lòng Thầy phải cho mấy con dự thính chứ không thể ghi danh trong cái lớp thực tu này. Phải đảm bảo chắc chắn!

Các con tụ tập, các con nói chuyện; các con nói chuyện này, chuyện kia để làm gì? Để làm động mình, động người! Thầy đã từng nói khi đi ngang qua thất người khác, mình cúi mặt, không dám ngó vào thất người ta mới thật sự, còn đằng này tu 1 hơi rồi rảnh rang, rồi bắt đầu nghỉ để đi dạo chơi.

Mấy con biết rằng cái lớp độc cư này, khi nghe được lời dạy của Thầy xong - về tu thì có thời giờ đâu mà mở băng nghe! Mà mấy con nghe mãi như vậy là nghe ca hát - Thầy trở thành 1 người ca hát cho mấy con nghe, chứ không phải là tu.

Khi nghe rồi, chúng ta biết bây giờ mình tu cái gì, làm cái gì; phải rõ ràng cái đang làm, đang tu thì cần gì phải nghe lại băng nữa! Mà nghe băng tức là chúng ta không đúng - nghe ca hát thì giới luật đã cấm rồi!

Mình cứ nghe hoài thì để mình thấm nhuần lời Thầy chứ gì? Nhưng sự thật không phải đâu! Nó làm cho chúng ta bị động tâm mà không nhiếp được tâm. Đó là những điều cần thiết, chúng ta xả hết!

8. KHÔNG NÊN NGHE BĂNG ĐỂ TU

(31:01) Ngày xưa thời đức Phật không có cho chúng ta có băng, có máy móc để mà nghe đi nghe lại. Đức Phật thuyết giảng rồi, mặc tình đó mà về tu; mà tu không được thì hôm sau đức Phật lại nhắc nhở, khuyến khích tu.

Cho nên chúng ta đọc trong kinh Nguyên Thủy, nhiều lúc chúng ta đọc cái bài đó đức Phật đã dạy rồi, bây giờ lại dạy lại, lặp đi lặp lại rất nhiều lần, tại sao vậy? Tại vì thời đó đức Phật thấy phải nhắc đi nhắc lại họ nhiều lần tại vì họ chưa thấm nhuần được.

Còn bây giờ Thầy cũng vậy, nhắc đi nhắc lại rất nhiều! Chúng ta đọc trong kinh sách Nguyên Thủy thấy lời đức Phật nhắc đi nhắc lại 1 bài pháp đó; rồi bài pháp kia, có người khác hỏi cũng nói bấy nhiêu đó, nói đi nói lại, là tại sao? Tại vì người ta nghe mà không có hiểu!

Khi mà chúng ta đọc 1 bài kinh Nguyên Thủy, chúng ta không hiểu đâu! Chúng ta phải đọc cả bộ kinh! Tại sao vậy? Tại vì đức Phật giảng cái bài kinh đó thì có 1 người hiểu, họ đã tu được; nhưng có người không hiểu - cho nên bài kinh tiếp theo nó giải thích cho cái hành động đó để chúng ta hiểu.

Cho nên chúng ta đọc 1 bài kinh, chúng ta thấy kỳ, Phật nói: “Ly dục, ly ác pháp - nhập Sơ Thiền; diệt tầm tứ - nhập Nhị Thiền; ly hỷ trú xả - nhập Tam Thiền; xả khổ, xả lạc - nhập Tứ Thiền”. Đức Phật nói vậy, giờ mình biết tu làm sao? Phật không nói gì tới Định Vô Lậu hay đi kinh hành. Vậy thì mình đọc, mình biết cách nào mà tu đây?

Do đó, nếu mình đọc chỉ 1 bài kinh thì chắc chắn mình không biết! Cho nên đọc bài khác thì đức Phật nói: "Ly dục, ly ác pháp là do tri kiến giải thoát, do sống đúng giới luật…​". Do tu tập như thế nào, có phương pháp hẳn hòi thì chúng ta mới thực hiện được. Chứ bây giờ nói ly dục, ly ác pháp thì tôi biết ly cách nào đây? Khi mình không biết thì làm sao mình xả và ly được?

Thí dụ bây giờ tôi còn thèm ăn, còn đói bụng, thì để ly tâm tham ăn thì cách thức như thế nào? Thì phải tu cái Định Vô Lậu. Quán cái gì? Chúng ta phải quán thực phẩm bất tịnh cho nó hết thèm ăn.

Nếu mà mình không biết cách thức đó làm sao quán, làm sao nhiếp được? Cho nên đức Phật đã dạy chúng ta bài bản rõ ràng, nhưng khi chúng ta đọc chỉ 1 bài kinh thì chúng ta đâu biết đó là quán bất tịnh.

Cho nên chúng ta phải đọc toàn bộ kinh sách thì chúng ta mới hiểu. Đó là cách thức để mà hôm nay chúng ta triển khai lớp học là như vậy.

9. MỘT NGƯỜI PHẠM GIỚI LÀM NGƯỜI KHÁC PHẠM THEO

(33:57) Cho nên Thầy nghĩ rằng cái lớp học chúng ta mà siêng năng, cần mẫn như quý thầy, quý cư sĩ hiện nay thì trong 1 năm chúng ta chắc chắn phải đạt được sự giải thoát, đạt được chân lý; không ai mà không giải thoát hết! Ngồi trước mặt Thầy toàn là những bậc A La Hán chứ không phải là những người phàm phu; vì mấy con bỏ hết sự dục lạc của thế gian, vào đây ngồi để sống 1 mình ở trong 1 cái thất nghèo nàn, chỉ còn ba y - một bát.

Người nào để lại những món ăn là người đó sai - người đó tu không được! Người nào mà sống không độc cư được, đi nói chuyện thì người đó cũng tu sai! Và những người đó được Thầy loại ra khỏi cái lớp học của chúng ta, chỉ còn được tham dự mà thôi!

Các con biết Thầy phải đọc hết những bài của mấy con cả xấp giấy như thế này, Thầy chịu cực khổ như vậy mà cuối năm mấy con không đỗ đạt được thì công của Thầy như thế nào mấy con có biết không? Nó quá nhiều! Mà để cho mấy con nói chuyện, để cho mấy con ăn uống phi thời, để cho mấy con ngủ phi thời thì như vậy làm sao mấy con đạt được!

Cho nên cái kỷ luật phải gắt gao! Thà là ở trong lớp tu của chúng ta còn 1 người mà chứng đạo, còn hơn là nhiều người mà không chứng đạo! Được 1 người hơn là được nhiều người mà không được những gì!

Mà 1 người phạm giới - 1 người đã sai giới là làm tất cả những người khác sai giới! Cho nên Thầy nói thật sự ra, Thầy biết cách thức để hướng dẫn cho quý thầy tu chứng đạo; nhưng nếu quý vị làm sai là quý vị không bao giờ chứng đạo được!

Cũng như bây giờ quý vị thấy cái gì đó quý vị nhờ người khác giúp mình hoặc này kia; hoặc là xúm nhau nói chuyện - nói người này, nói người kia, nói người nọ; như vậy quý vị ở trong lớp học tu này làm cho Thầy mất công chứ gì! Có lợi ích gì cho quý vị đâu, quý vị sẽ không được giải thoát hoàn toàn!

10. KHÉP MÌNH TRONG KHUÔN KHỔ ĐỂ GIÚP MÌNH VÀ NGƯỜI TU TẬP

(35:55) Cho nên ở đây, bên nữ thì mấy con cũng thỉnh thoảng tập hợp nói chuyện. Nói chuyện làm gì? Chẳng hạn như bây giờ cô Út có chuyện gì, cô đến cô nói gì - mặc! Mình chỉ lo mình tu, không được nói chuyện, không được nghe những cái lời của người khác nói!

Ở trong này, lúc này mình phải độc cư trọn vẹn để tiến tới sự tu tập giải thoát; chứ không phải để mà đi nói chuyện, để mà nghe ngóng người này…​ Người nào tu được là người ta nhờ; người nào tu không được thì kệ họ - họ làm gì thì kệ họ; chúng ta chẳng cần biết họ mà chúng ta chỉ lo cho chúng ta mà thôi! Ở đây, chúng ta phải giải thoát cho chính mình!

Giặc sanh tử có tha chúng ta được không? Nó không có tha 1 người nào hết! Mà chúng ta hiện giờ, Thầy mở lớp này để chúng ta làm chủ được giặc sanh tử, chiến đấu với giặc sanh tử. Thế mà chúng ta không chiến đấu; để mà chúng ta giãn ra hoài thì làm sao chúng ta thắng được giặc sanh tử?

Cho nên cái khó của lớp học của chúng ta là hôm nay Thầy thấy mấy con thật sự ra mấy con có tha thiết tu, nhưng cái nghiệp đời của mấy con quá nặng mà mấy con không chịu khép mình trong khuôn khổ kỷ luật! Mà càng khép mình trong khuôn khổ kỷ luật thì vừa giúp mình tu được vừa giúp người khác tu được!

Chúng ta đi ngang thất phải nhớ: Đừng ngó vào thất người ta để làm động người ta! Đó là cách thức tu, mình phải giữ hạnh mình nghiêm chỉnh - Ai làm gì mặc; không được nói người này, không được nói người kia! Các con nhớ! Mình nói người ta là mình động, mà mình nói người ta - là sai! Bởi vì chỉ có: “Im lặng như Thánh” - không nói ai! Ai tu được thì nhờ - ai tu không được thì chịu! Mình có thân của mình - mình có sự đau khổ; mà mình có sự đau khổ thì mình phải lo cứu mình cho thoát khổ, tại sao mình không lo mà mình lo cho người ta làm gì?

Cho nên bỏ xuống hết! Từ đây, từ ngày hôm nay, bắt đầu tháng thứ 2 - nếu người nào mà còn nói chuyện thì Thầy bắt được thì coi như là bị loại trừ ra khỏi lớp học của Thầy, Thầy không chấp nhận nữa!

11. PHÁP BẤT VỊ THÂN ĐỂ ĐÀO TẠO NGƯỜI TU TẬP

(37:53) Và từ đây về sau mấy con sẽ biết rằng Thầy sẽ rất là căng thẳng! Muốn đào tạo 1 cái người - mà kỷ luật không xong thì mình không đào tạo được gì hết đâu! Mấy con nhớ kỹ, Thầy không có vị tình 1 người nào - bất kì 1 người nào, Thầy không có vị tình - nghĩa là “Pháp bất vị thân!”

Đứng ở trên cái cương vị để đào tạo mà còn vị người ta, 1 người mà vị tình người này thì lớp học còn ai nữa không? Bây giờ: "Cái người đó mình thấy cũng tội, thôi kệ bỏ qua đi!" Thì Thầy bỏ qua là Thầy đã bỏ qua hết cái lớp này!

Các con ráng tu tập! Nhờ cái sự mà nghiêm chỉnh giới luật thì không có 1 pháp ác nào mà làm động Tu viện của chúng ta hết! Còn tự mấy con đã tự làm động - mấy con nói chuyện nhau; mấy con nghĩ này, nghĩ khác ngoài cái vấn đề mấy con tu tập, thì tự mấy con đã phá hoại cái lớp học; và từ đó Thầy sẽ bỏ đi!

Thầy hứa với mấy con mà! Đào tạo - Thầy rất vất vả! Mà đào tạo cho ai đây? Đào tạo cho thế hệ những người sau - mấy con thừa kế Thầy làm công chuyện xây dựng đạo đức của đạo Phật; làm sống lại đạo đức nhân bản - nhân quả cho loài người.

Đó là trách nhiệm của mấy con phải học, phải tu, phải làm cho đúng! Chứ gương hạnh của mấy con không đúng - thì mấy con ra làm thầy ai? Khi mấy con nói đạo đức, mấy con dạy đạo đức không làm khổ mình, khổ người - mà mấy con rỉ tai, nói chuyện này, chuyện kia thì đó là đạo đức của mấy con sao?

Cho nên từ đây, bắt đầu qua tháng thứ 2 này. Tháng thứ nhất, Thầy còn tha lỗi mấy con rất nhiều; Thầy rất phiền, Thầy nói rất nhiều, thế mà mấy con còn phạm. Nhưng đến tháng thứ 2, người nào phạm mà Thầy tận mặt bắt được thì mấy con đừng có trách Thầy là sao không thương, không từ bi!

Nếu Thầy thương có 1 cá nhân con thì bao nhiêu người khác trong lớp học này sẽ ra sao? Họ bỏ hết cuộc đời vào đây để họ quyết tìm con đường giải thoát. Thế mà Thầy vì thương các con 1 chút, 1 người, mà cả cái lớp học này bao nhiêu người, hơn 60 người sẽ ra sao đây?

Cho nên từ đây về sau mấy con nhớ, người nào mà nói chuyện với nhau…​ Nơi thất nào thì ở thất đấy tu, trên con đường mà đi kinh hành thì đi kinh hành, không được băng qua, băng lại làm động người, làm động mình thì Thầy không chấp nhận - mấy con hãy trở về xứ sở của mình, đừng làm bận tâm Thầy!

Thầy đem hết sức lực của mình để mong đào tạo cho mấy con được, thế mà mấy con không tu được thì nên về, hơn là ở đây để làm cực khổ Thầy. Đó là cái quyết định của Thầy!

12. THẦY TRÒ CÙNG NỖ LỰC ĐỂ DỰNG LẠI CHÁNH PHÁP PHẬT

(40:38) Hôm nay Thầy đến đây, Thầy khuyên mấy con xong rồi thì các con được nghe, được ghi nhận những lời này. Thầy mong rằng Thầy sẽ đào tạo các con trong 1 năm, mấy con sẽ đạt được kết quả. Đó là mấy con nỗ lực, và Thầy cũng đem hết sức lực của mình để hướng dẫn dạy bảo mấy con để mấy con thành tựu sớm chừng nào tốt chừng nấy.

Thầy tin rằng trong 1 năm mà cả thầy trò đều nỗ lực thì chúng ta sẽ thành tựu, Thầy không dạy 7 năm đâu mấy con! Tuy rằng đức Phật đã xác định phương pháp Tứ Niệm Xứ - 7 ngày, 7 tháng, 7 năm; Thầy thì không thể dạy mấy con trong 7 tháng được nhưng Thầy tin rằng trong 1 năm Thầy có thể tốt nghiệp cái lớp này, và trong đó có người đã hoàn thành được sự tu tập!

Còn nếu không, mà Thầy thấy rằng mấy con không giữ gìn giới thì Thầy sẽ tự rút lui và Thầy bỏ tất cả, Thầy không thèm viết sách nữa! Cuộc đời Thầy chẳng có gì, danh cũng không có, lợi cũng không có, Thầy chẳng ham gì hết đâu!

Thầy sẽ bỏ đi và con người ở thế gian này ra sao - đó là nhân quả của họ, chứ không phải là của Thầy! Phước báo của họ chưa đủ duyên để mà thọ hưởng được cái đạo đức nhân bản - nhân quả; thì đó là phước báo của chúng sanh chứ không phải Thầy làm cho họ khổ; mà chính họ không đủ để thọ hưởng phước báo thì Thầy cần gì mà phải ở đây nữa?

Các con về đây nỗ lực tu tập là một số người tượng trưng cho bao nhiêu người trên thế gian này; chứ không phải là mấy con đến đây chỉ lo cho mấy con, mà đây là cái tượng trưng để nói lên con người có phước hay là không có phước! Nếu một số người này, tượng trưng cho số người trên hành tinh này mà thiếu phước thì con người trên hành tinh này không đủ phước!

Và không đủ phước thì Thầy ở đây có làm gì? Thầy sẽ ra đi và vĩnh viễn. Thầy nói thật sự, ra đi và vĩnh viễn - Thầy đi vào cái cảnh giới an ổn hơn, ở thế gian này quá khổ! Mỗi phút, mỗi giây làm cho tâm của Thầy rất bận tâm để đương đầu và đối phó, Thầy thấy khổ sở vô cùng! Vì thương chúng sanh mà phải gánh chịu rất nhiều!

13. GIẢI THOÁT BẰNG TRI KIẾN

(42:57) Muốn dựng lại chánh pháp của Phật thật là đau khổ! Biết bao nhiêu người nhắm vào Thầy để mà nói xấu Thầy đủ điều, đập Thầy tan nát. Thầy biết rất rõ, họ muốn giữ lại cái sai của đạo Phật để làm lệch lạc con đường của đạo Phật, cho nên họ mới đập Thầy. Còn Thầy dạy đúng để làm chủ được sự sống chết, làm chủ được con người! Mà nếu mấy con không thực hiện, không làm đúng lời Thầy dạy thì Thầy đi là vừa.

Cho nên ở đây những người ngồi trước mặt Thầy, những người theo Thầy là Thầy biết mấy con bỏ hết cuộc đời của mấy con rồi; đến đây mấy con phải thực hiện những lời Thầy dạy để 1 năm sau chứng minh cho chúng ta biết rằng được huấn luyện đào tạo chúng ta trở thành những con người đạo đức thực sự không làm khổ mình, khổ người.

Chúng ta sẽ ở bờ bên kia, không còn ở bờ bên đây nữa - đó là cái quyết định! Còn mấy con cãi, mấy con muốn tu cách nào thì tu, Thầy sẽ loại trừ mấy con ra.

Thầy nói như thế này, như Thiện Thảo ngồi thiền nhập định, thức suốt đêm, chống lại hôn trầm, nhưng không đúng cách - Thầy sẽ loại trừ ra khỏi lớp học của Thầy. Bởi vì lớp học của Thầy lấy tri kiến làm sự giải thoát - lấy Định Vô Lậu mà ly dục, ly ác pháp để trở thành định tỉnh, nhu nhuyễn, dễ sử dụng chứ không phải ngồi ức chế tâm.

Cho nên thầy Chơn Thành thầy sống, thầy xả tâm thầy; thầy phá hôn trầm, thùy miên; thầy cũng thức suốt đêm. Nhưng Thầy mở lớp học, thầy (Chơn Thành) không bỏ giờ học của Thầy, nỗ lực thực hiện những điều mà Thầy đã dạy.

Cho nên từ tri kiến khai triển - thầy thấy cái này quá lợi ích! Thầy (Chơn Thành) đến tâm sự với Thầy: “Con không ngờ sự tu tập - con tưởng rằng mình cứ nhiếp tâm để đi đến cứu cánh; không ngờ Thầy triển khai con mới thấy, đây mới thực sự là sự giải thoát!”.

Đó, thì hôm nay Thầy nói như vậy để các con thấy!

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy