00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

CK 027C (NỮ) - VẤN ĐẠO TƯỞNG - NHIẾP TÂM, AN TRÚ TÂM - Ý THỨC LỰC - NHÂN-QUẢ KHẨU HÀNH - ĐỊNH VÀ DỤNG - NHÂN QUẢ

CK 027C (NỮ) - VẤN ĐẠO TƯỞNG - NHIẾP TÂM, AN TRÚ TÂM - Ý THỨC LỰC - NHÂN QUẢ KHẨU HÀNH - ĐỊNH VÀ DỤNG - NHÂN QUẢ

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu sinh (nữ)

Thời gian: 30/11/2005

Thời lượng: [51:17]

1. VẤN ĐẠO TƯỞNG

(00:00) Trưởng lão: Rồi có ai hỏi không con?…​ Con hỏi đi con!

Tu sinh: Dạ bạch Thầy, con muốn hỏi pháp tu đó! Trong khi đang tu thì có cái niệm khởi lên thì mình xả được, còn như cái hình ảnh thì cái đó làm sao xả thưa Thầy?

Trưởng lão: Cái đó con tác ý “Đây là tưởng, sắc tưởng, đi! Chỗ này không có chỗ mà hình ảnh mày vô đây!”. Bất kỳ con thấy hình ảnh nào nó đều bị tưởng hết hà con. Nhưng mà đây là tưởng, sắc tưởng, cho nên mình tác ý xả liền. Còn cái niệm do ý thức tức là do tham, sân, si thì đặt cái niệm đó ra quán - mổ xẻ nó ra bằng Định Vô Lậu. Cho nên mình rất kỹ lưỡng đó con!

Tu sinh: Mình tác ý lúc đó luôn hả Thầy?

Trưởng lão: Mình tác ý ngay liền: “Tưởng - đi đi! Tao không chấp nhận mày cái hình ảnh này đâu!”. Mình tác ý cho mạnh rồi mình an trú trên tâm mình coi nó còn không, còn tác ý nữa, tác ý chừng nào đi thì thôi. Để sử dụng phá đi những cái sắc tưởng, cái thinh tưởng, tất cả những cái trạng thái tưởng nữa. Bởi vì mình ngồi im thì nó có tưởng nó hiện.

Tu sinh: Ví dụ như con đang đi thì con nhớ tới má con hoặc con nhớ tới hình ảnh Thầy đang ngồi dạy ở đây thì lúc đó con tác ý sao thưa Thầy?

Trưởng lão: Cũng là cái sắc tưởng đó con! Cũng như bây giờ con đang đi kinh hành nhưng mà lại thấy cái hình Thầy nó hiện ra đang ngồi thuyết giảng, đang dạy; thì bảo “Sắc tưởng đi đi! Ở đây không phải là cái chỗ phòng học đâu, ở đây không phải là cái Tổ đường đâu nha! Ở đây là đi kinh hành, mày hãy đi!”. Con đuổi ngay nó đi, không chấp nhận nó.

Thì cái đó là cái sắc tưởng; cái hình tưởng qua ý thức Tưởng của chúng ta nó huân vô rồi cái Tưởng Uẩn của chúng ta nó xuất phát ra. Đang đi mà nó hiện ra cái hình ảnh đó, chứ không phải là con nằm chiêm bao đâu!

Rồi, con hỏi Thầy gì?

2. KIỂM TRA TRẠNG THÁI THANH THẢN, AN LẠC, VÔ SỰ

(01:43) Diệu Vân: Dạ con có ba câu hỏi. Thứ nhất, con muốn biết là con ghi cái gì? Cái bài ngày hôm nay là có ba chỗ nương để an trú tâm thanh thản, vô sự. Thứ nhất là nương hơi thở là Định Niệm Hơi Thở; thứ hai, nương bước chân là đi kinh hành; và thứ ba là nương Định Sáng Suốt để giữ tâm thanh thản, an lạc, vô sự. Có đúng không Sư ông?

Trưởng lão: Đúng đó, ba chỗ đó con!

Diệu Vân: Còn dùng Định Vô Lậu để xả cái tâm niệm phân biệt thiện - ác để tâm định tỉnh, nhu nhuyễn, dễ sử dụng là cái này bài ngày hôm nay Sư ông nói là con không biết con ghi lại có đúng không?

Trưởng lão: Đúng đó con! Cái bài đó Thầy bảo - khéo léo 1 chút nữa thì con chỉnh lại 1 chút nữa thì nó thành ra cái bài dạy đạo đức về nhân quả.

Tu sinh: Dạ không! Con muốn hỏi về pháp hành đó. Thì có nghĩa là có 1 lúc là con ngồi không, con không có niệm gì hết nhưng mà khi mà con không có niệm đó, thì con lại sợ - sợ, giống như sợ mất gì đó. Con nói là: “Thở mà cũng không biết thở; mình không biết mình đang thở, mình không biết mình đang làm gì, cứ ngồi không vậy đó”. Thì sợ cho nên là quay vô hơi thở, rồi quay vô hơi thở thì 1 lát mới nhớ Sư ông nói là không có được nương hơi thở, rồi cái xả hơi thở ra rồi không biết lấy cái gì? Đi ra nương hết cái này tới cái kia thì như vậy là…​?

(03:11) Trưởng lão: Bây giờ con nương vào cái phương pháp Như Lý Tác Ý của con thôi. Bây giờ nó không biết hơi thở mà nó ngồi trống không như thế này thì con tác ý: “tâm thanh thản, an lạc, vô sự”. Cái tác ý của con để nhắc lại cái trạng thái mà bất động của nó thôi; thì nó nhắc, cái bắt đầu nó quan sát cái thanh thản, an lạc, vô sự - như vậy là nó không mất đâu! Chứ không khéo nó lọt trong cái "không", rồi con cũng thấy như mình đang tỉnh, mình không thấy gì, nhưng mà nó làm như mê.

Thành ra ở chỗ này, cho nên vì vậy mà con đi tìm lại coi cái hơi thở nó còn biết không? Mà nó biết hơi thở - nhiều khi nó biết hơi thở mà biết trong tưởng đó con!

Cho nên do cái chỗ mà ngồi lặng lẽ mà nó "không" đó - coi chừng nó rớt trong "không". Mà hễ rớt trong "không" thì nó không tác ý được; còn nó còn tác ý được thì nó không phải "không" - mà nó tác ý được, à bây giờ "tâm thanh thản, an lạc, vô sự".

Con nhớ, khi nào nó bị lặng lẽ mà nó không có 1 niệm gì hết hoàn toàn mình thấy, mình biết mà không biết mình đang ở trong tưởng biết hay hoặc ý thức mình biết - do đó mình tác ý thử. Tức là tác ý là ý thức chứ gì! Mình tác ý thì là đúng rồi. Còn ở trong tưởng - mà nó đang bị ở trong tưởng thì nó cũng có khi tác ý nữa con, chứ không phải không; nhưng mà mình tác ý mình nhận xét qua cái mình biết rõ.

Diệu Vân: Thưa Sư ông! Có lúc giữ tâm thanh thản, an lạc, vô sự những cái giờ nghỉ; chẳng hạn như là nghỉ ngơi thì con thấy: “sướng quá, thanh thản, an lạc vô sự quá!”, rồi tự nhiên nó nói giờ phải nghỉ, mà trong khi đó con lại muốn tu. Như vậy là tu phi thời không Sư ông?

Trưởng lão: Cái giờ giấc mình đã sắp xếp rồi mà nếu mà cái giờ nghỉ mà mình chưa nghỉ mà muốn tu thì coi như tu phi thời đó - còn tâm tham!

3. CÁCH XƯNG HÔ KHI VIẾT

(04:55) Diệu Vân: Còn cái bài làm Định Vô Lậu đó Sư ông, Sư ông giúp cho con là nói làm sao con cảm thấy cái bài làm của con không có nhất quán trong cái xưng hô. Chẳng hạn như: khi thì con xưng hô ta, khi thì con xưng hô con, khi thì xưng hô bạn, khi thì xưng hô tôi - thì con phải dùng như thế nào để cho.

Trưởng lão: Coi như thì nó thành ra cái bài học đó con, thì con sẽ nhất quán nó đó. Thì ở trong này khi nói với mọi người thì mình xưng "con" là tốt nhất, bởi vì mình coi như mình còn là 1 con người đang học.

Sau khi mình đã trở thành 1 người viết sách Đạo Đức thì mình không có được xưng con mà mình xưng “chúng tôi” mình nói: “Chúng tôi nói cái điều này, chúng tôi nói điều kia” rồi mình gọi họ là các bạn, những người mà họ nghe, họ đọc hoặc là chính mình mình nói với mình, mà cái người mà mình nói với mình đó - ở trong mình, mình nghe đó thì đó cũng là bạn của mình.

Diệu Vân: Chẳng hạn như những cái cảm nghĩ thì con xưng ta với bạn nhưng mà đôi lúc con muốn nói với Sư ông thì con lại xưng con, có nghĩa là nó không phải lúc.

Trưởng lão: Cái đó là tùy (thôi) con, cái đó là cái tuỳ, tuỳ khi mình nói với 1 cái người nào đó thì mình xưng con. Còn không thì mình nói, mình xưng con hết cho nó dễ, coi như là tôi nhỏ hết. Bây giờ thì coi như xưng con thì nó hợp!

Diệu Vân: Vậy là bây giờ trong cái bài là phải xưng con hết. Dạ rồi, rồi! Tại vì làm thì không phải lúc nào cũng làm luông tuồng cho nên nó bị ngắt ra Sư ông khi mà còn giờ mình tu nữa. Cho nên bây giờ con phải làm tiếp cái gì ạ?

Trưởng lão: Bây giờ con sẽ làm tiếp về cái bài Nhân Quả Khẩu Hành vì Nhân Quả Khẩu Hành nó quan trọng lắm!

Diệu Vân: Con đã có làm ở trong đây rồi!

Trưởng lão: Nó ít, không đủ, còn thiếu nhiều lắm!

Diệu Vân: Con cảm ơn Sư ông!

4. NHIẾP TÂM - AN TRÚ TÂM

(06:50) Trưởng lão: Rồi con hỏi Thầy gì con?

Tu sinh: Bạch Thầy! Con chỉ có an trú được 30 giây, sau đó bệnh tim của con nó cứ hay nhói nhói. Bây giờ con cũng không biết làm sao mà để xả?

Trưởng lão: Thầy sẽ dạy cách con khi mà tu tập tới đây, Thầy sẽ dạy cách con để xả cái vấn đề đó. Con không cần nhiếp tâm ở đâu hết mà con chỉ cần giữ tâm thanh thản, an lạc, vô sự này thôi; nhắc tâm thanh thản, an lạc, vô sự rồi con ngồi chơi thôi.

Nhưng mà nó im lặng nó được mấy giây, nó được mấy phút, trong khi nó có cái niệm khởi ra thì do đó con ghi cái đó để Thầy biết. Nó có ba chỗ an trú mà con, mà con an trú chỗ nào cũng không được là tại vì cơ thể của con nó bị bệnh, cho nên chỉ còn an trú trong cái sự bất động đó thôi - bất động của cái tâm con thôi. Con nên lấy cái chỗ đó mà con tu!

Cho nên các cụ già lớn tuổi rồi đó, các con mà lớn tuổi rồi thì các con không có nhiếp ở trong hơi thở đâu, không có nhiếp trong bước đi mà nhiếp tâm, an trú ở trong cái tâm thanh thản, an lạc, vô sự của mấy con - đó là cái chính của người lớn tuổi! Người mà bị bệnh nhiếp tâm mà bị chướng ngại cũng không có nhiếp được!

5. Ý THỨC LỰC LÀ ĐÒN BẨY, AN TRÚ LÀ ĐIỂM TỰA CHẮC CHẮN

(08:08) Trưởng lão: Có gì con?

Tu sinh: Mô Phật! Kính bạch Thầy! Trường hợp của con đó, thì thí dụ như con thấy có nhiều vị mà nhiếp tâm rất là tốt - có thể là 30 phút, 40 phút an trú; còn nhưng mà lại về bệnh trạng thì tác ý đuổi thì nó lại cũng khó đi. Còn như con không có an trú được nhưng mà sao cái bệnh gì nó đến với con thì thường thì con không có tin đó, mà bệnh đến thì con nói chơi chơi vậy thôi vì con nghĩ mình không có đạo lực, nó không có bớt. Nhưng mà con nói là hồi đó dù cái bệnh nó nặng, con sốt - cảm là con có thể là uống thuốc 10 ngày, 15 ngày chưa bớt. Bây giờ bắt đầu nó bệnh thì con nói nó lại bớt.

Rồi có những cái con không tin có đạo lực gì đâu! Chẳng qua chắc nó bệnh nhẹ hoặc không bệnh. Rồi có những cái như là khó tiêu, khó tan mà con tác ý thử vậy mà nó cũng đi, mà trong lúc con không có định lực gì hết!

Trưởng lão: Rồi! con muốn hỏi tại sao mà cái pháp Như Lý Tác Ý của con nó có hiệu quả chứ gì? nhưng mà con chưa có được sự an trú mà tại sao nó hiệu quả? Nếu mà con được có sự an trú nữa thì cái hiệu quả nó còn cao hơn nữa! Tức là con từ cái chỗ đó nó do cái tín lực của con, cái lòng tin của con ở trên cái pháp Như Lý Tác Ý mà nó tạo thành cái lực của ý thức lực thôi, còn cái an trú đó nó mới là cái điểm tựa, còn cái pháp tác ý nó có cái lực nhưng mà cái lực của nó nó không có điểm tựa thì nó không có bẩy nổi những cái nghiệp của nó được - nó không bẩy hết được cái nghiệp, nó hết đó rồi nó trở đi trở lại. Còn con có an trú - con bẩy nó bay đi luôn, nó sẽ hết luôn!

Cho nên vì vậy mà có 1 người, người ta nói: Nếu mà cho họ 1 điểm tựa - họ bẩy cả vũ trụ. Đó, con hiểu không?

(10:05) Bây giờ, đức Phật cho chúng ta cây đòn bẩy là cái pháp Như Lý Tác Ý rồi; mà bây giờ bẩy những cái điều mà sơ sơ, con không có điểm tựa mà con lấy cây đòn bẩy con dích nó vậy nó bay lên, phải không? Cái đó là cái tín lực, cái tín lực con tin ở cái pháp Như Lý Tác Ý. Còn con có điểm tựa thì con để vật nặng ở đầu này, mà ở giữa này nó có điểm tựa, con ở đầu này con ấn nhẹ 1 cái nó bay mất, phải không? Còn này con dích, con không an trú được tức là con dùng cái đòn bẩy của con, con dích nó.

Đó là cách thức con tác ý nó đi ra mà con không có tựa, con dích nó thôi; mà cái sức lực của con dích đó, thì hiện bây giờ cái tín lực của con nó nhiều thì nó dích được; mà tín lực con ít, nó dích không bay, bởi vì con tựa vào cái lòng tin của mình.

Do đó cái điểm tựa nó là cái chỗ tựa chắc chắn! Cũng như cây đòn bẩy như thế này thì bây giờ 1 cái vật, cũng như cái tờ giấy này mà Thầy kê cái chỗ này, bật nó bay lên, nó nhờ cánh tay Thầy nó tựa - cái pháp Như Lý Tác Ý nó bật bay lên.

Vậy cho nên cái điểm tựa nó rất cần! Vì con chưa có an trú được, con chỉ cầm cái này con dích nó vậy thôi, nó thiếu cái lực mạnh lắm! Nhưng mà điều kiện là nó tạm đỡ vậy thôi chứ còn đi sâu nữa con dích không được đâu!

Thí dụ như bây giờ con không có điểm tựa: tức là tâm không định tỉnh thì nó không nhu nhuyễn, dễ sử dụng. Cho nên con không bao giờ mà con bảo hơi thở con tịnh chỉ được, con hiểu không?

Cho nên vì vậy mà người ta phải an trú để mà người ta định tỉnh được. Từ đó người ta mới bẩy cái hơi thở được, người ta bảo “Tịnh chỉ, ngưng!”, thì nó ngưng, con hiểu không? Bởi vì nó có cái lực của nó; còn con không có, con dích cái hơi thở không có bay đâu! Nó cứ thở hoài mà nằm đó mà chịu chết!

Tu sinh: Kính bạch Thầy, là ý con muốn nói là ví dụ qua đây, có những cái đó nó làm cho mình có 1 niềm tin rất là vững. Ví dụ như là trước kia con cũng nghe rồi con cũng tin, tin theo pháp của Phật, pháp của Thầy nhưng mà mình nghĩ mình sẽ không có làm được việc đó hoặc không thể làm được nhưng mà nhiều cái thì con làm thử, có những cái con không có thể nào tưởng tượng được mà nó cũng sẽ được, nó cũng thành công.

Do đó, cái pháp nó làm cho mình có 1 cái niềm tin rất là vững và tự nhiên làm cho mình an ổn. Ví dụ như bây giờ như bản thân con, bây giờ như về bệnh hoạn có những cái con bẩy đó, thì như Thầy dạy nãy - có những cái mà con không thể nào tin là mình có thể bẩy được nhưng mà vẫn bẩy được. Thành ra vấn đề về bệnh hoạn con không có sợ gì nữa hết trơn!

(12:39) Trưởng lão: Thì con thấy, hầu hết có 1 số người vô đây, Thầy chỉ ngay cái cách thức mà họ bẩy cái bệnh ra thôi chứ họ đâu có an trú được đâu. Thường thường cư sĩ vào đây, vì họ đang đau khổ, họ đang bệnh tật cho nên Thầy dạy cách thức cho họ dùng cái pháp Như Lý Tác Ý mà đuổi thôi.

Sau này lần lượt rồi có cái duyên nó mới tập an trú; càng có cái chỗ an trú nữa thì nó càng vững chắc hơn nữa, chứ không có gì đâu! Nhưng mà nó có cái hiệu quả như vậy cho nên vì vậy mà người ta thấy pháp của Phật nó có kết quả.

Cho nên mấy con không vào đây thôi; nhưng mà vào đây, mấy con chưa an trú được đâu nhưng mà điều kiện là an trú khó lắm chứ không phải không. Do như vậy mà vẫn dùng cái pháp Như Lý Tác Ý vẫn có hiệu quả chứ không phải không hiệu quả.

(13:27) Diệu Vân: Dạ thưa, kính bạch Sư ông! một khi mà mình ngồi, mình muốn an trú, mình câu hữu quá nhiều thì có sai không? Tại vì khi con ngồi yên thì một lát con câu hữu Định Niệm Hơi Thở, một lát thì con lại câu hữu biết nương cánh tay đưa ra - đưa vô, con thấy khoẻ nhưng mà con không dám giữ lâu, một lát sau con lại chuyển sang cái khác, trong khoảng 30 phút như vậy mà con câu hữu quá nhiều thì có bị gì không Thầy?

Trưởng lão: Không con, không có bị gì hết! Bởi vì con đang tu ở trên thân hành rồi, con câu hữu với thân hành. Thí dụ như con câu hữu với hơi thở, bởi vì con lấy niệm hơi thở, con lấy niệm tay con, con đi kinh hành con câu hữu, tất cả mọi cái đó đều là niệm của thân hành. Thành ra nó kết hợp để cho mình thay đổi để cho mình nhiếp phục, mình an trú tâm của mình. Còn bây giờ con cứ để hơi thở không không vầy nhiều khi nó lâu quá nó sẽ bị rối loạn hơi thở.

Diệu Vân: Còn khi mà bước đi thì chẳng hạn như con đi bước thứ 2 thì con câu hữu luôn cả Thân Hành Niệm, cả bước 1, cả bước 3 vô luôn cùng 1 cái bước 2 thì có bị sai không?

Trưởng lão: Không con, mình kết hợp để cho mình tu nó đạt được cái chất lượng theo ý mình muốn. Đó là cách thức thiện xảo, cách thức thiện xảo của các pháp. Mình thiện xảo là mình câu hữu đó con, câu hữu là kết hợp lại đó; để cho mình tự chủ để mình ôm cái pháp vào để mình nắm vững, để mình làm chủ đó. Tức là mình biết cách câu hữu. Cho nên đạo Phật là phải có thiện xảo con!

6. NHÂN QUẢ THÂN HÀNH

(14:59) Tu sinh: Mô Phật! Kính bạch Thầy! Con muốn hỏi nhân quả thân hành có ba điều, mà hai điều kia con không nắm được, con chỉ nắm được có một điều thôi! Con có cần làm hết cả ba điều đó không thưa Thầy?

Trưởng lão: Đúng rồi, ba cái điều ở trong cái thân hành đó con - sát sanh, trộm cắp, tà dâm - mình phải nói hết ba cái điều đó!

Tu sinh: Con chỉ viết có một điều, còn hai điều kia con không tường tận, con không viết được thưa Thầy!

Trưởng lão: Con không biết, thí dụ như bây giờ trong thân hành thì nó có ba điều, mà giờ con viết có cái điều là sát sanh mà con cứ viết cái điều trộm cắp thôi, còn cái điều tà dâm thì con không biết thì con không có viết. Nhưng mà con nghĩ rằng, con cũng hiểu rằng khi con cũng nói sơ qua khi mình không rõ đó thì mình không có nêu, về vấn đề mà mình không biết mình không có nêu; nhưng mà mình cũng nghĩ rằng cái vấn đề mà vợ chồng, mà nếu mà tà dâm thì nó gây ra vấn đề gia đình đau khổ - mình nhắc đến nhân quả đó mà!

Thí dụ coi như một ông chồng, ông có vợ, ông không bỏ mà ông đi kiếm người khác rồi bà vợ này bắt được, bà ghen. Do đó cho nên bà tức giận - gia đình mới xào xáo.

Do đó, ông chồng tà dâm này đã tạo nên điều kiện - nhân quả tà dâm này sẽ đưa đi đến cái gia đình đó đau khổ. Ít ra xung quanh con, con cũng thấy nhiều gia đình mà vợ con ghen hoặc là chồng ghen rồi nó đưa đến những cái tai họa rất lớn cho gia đình. Thì con chỉ kể sơ qua về các điều đó để nói được nhân quả của cái nhân quả tà dâm.

Con phải nói hết ba điều vì nhân quả thân hành của chúng ta, cái gì - phải nói hết! Rồi cái khẩu hành - cái gì, phải nói hết! Như vậy nó mới được con.

(17:01) Tu sinh: Thưa Thầy! Khẩu hành: đặc tướng - đặc tính - duyên hợp - duyên tan cũng phải nói hết không Thầy?

Trưởng lão: Mình nói đặc tính - đặc tướng của nó con, cũng y như là thảo mộc vậy. Cho nên khéo léo thì mình diễn tả từng chút, từng chút. Nhiều khi mấy con nói đặc tính - đặc tướng mấy con nói chung chung, nhưng người ta đọc người ta cũng biết nó là đặc tướng - đặc tính của nó như thế nào. Mấy con nói trong đó nó có ở trong đó hết.

Nhưng mà khi mà mấy con viết mà rành, thí dụ như cái hành động ăn trộm nó có cái đặc tướng của nó, rồi cái đặc tính của nó. Khi mà con nói cái hành động của cái người ăn trộm thì con sẽ nói về cái đặc tính hoặc là đặc tướng.

Đặc tướng là hành động nó làm cái gì, cái gì đó - cái tướng của nó, thì con nói ra cách thức của nó đang làm ra cái tướng của nó. Rồi cái hành động cái đặc tính của nó, nó sẽ đem đến những cái tính chất gì, như đau khổ hay hoặc là lo lắng?

Thí dụ như cái thằng ăn trộm nó thấy người ta dựng cái xe đó, nó muốn lấy thì trong bụng nó hồi hộp; hồi hộp - đó là cái tính của nó, cái tính ăn trộm nó hồi hộp. Do những cái điều đó, mấy con diễn tả những cái nhân quả đó nó làm cho họ như vậy đó! Thì mình nói lên đặc tính - đặc tướng.

Rồi cái duyên hợp nó hợp như thế nào mới lấy được - không hợp như thế nào thì không lấy được.

Rồi là duyên tan của nó, khi mà mình vừa chớp cái thì bị người ta đuổi theo người ta bắt mình; hoặc ngay đó, người ta nắm tay người ta cột mình liền. Đó là cái duyên tan của cái hành động làm ác - đi ăn trộm. Thì tất cả những cái này nó duyên tan - duyên hợp rất rõ ràng, cụ thể.

Rồi mình kết luận, mình đem cái nhân quả đó để mình nói cái đó nó lợi ích hoặc là không lợi ích; và mình cũng có lời khuyên để cho mình ngăn chừa, để mình nói cho người khác mà cũng là nói với mình để đừng có tham đắm.

Rồi mình đưa ra những cái đề tài khác, 1 cái câu chuyện khác về cái tâm tham mà về bản thân của mình. Chứ mình xét ở bên ngoài thì trộm cắp tham lam nhưng mà trong thân mình coi chừng mình vẫn còn tham. Thí dụ như cái ăn, cái ngủ hoặc cái gì đó nó cũng vẫn còn tham đó thì nó cũng đi đến cái chỗ mà tham lam, trộm cắp.

Do đó mình xét cho đủ nét để mà nói lên được cái tâm niệm mình, chứ không được nói sơ sơ thì nó không thấu suốt. Nói cho nó tận tường; mổ xẻ cho nó kỹ lưỡng, hẳn hòi từng chút để nó lòi ra tất cả những cái nhân quả của nó hết để cho mình thấu suốt nó. Thì khi 1 cái ác pháp nó đến là mình thông suốt hết, mình không bị nghi ngờ, mình thấy đâu nó rõ ràng đó.

7. NHÂN QUẢ KHẨU HÀNH

(19:36) Tu sinh: Bạch Thầy! Còn cái khẩu hành thì đặc tướng của nó và đặc tính của nó như thế nào, con chưa biết?

Trưởng lão: Đặc tướng thì con thấy cái người mà họ la lớn thì cái đặc tướng của họ la lớn quá trời! Con thấy không, nó la lớn tiếng. Bây giờ thí dụ như nó chửi lộn nên nó la quá trời, thì con thấy cái đặc tướng của cái người la lớn tiếng, thì đó là cái tướng của nó.

Và đồng thời trước khi la đó, con thấy cái thân hành của nó múa may bằng cách này cách kia, đó là cái tướng của nó, nó hiện cái tướng của nó ra. Thì cái ngôn ngữ mà nó la lớn tiếng hoặc là cái ngôn ngữ đó nó thô lỗ - tất cả những tướng của nó hiện ra như thế nào, con diễn tả cái tướng của nó. Còn cái tính của nó là nó hung dữ. Cái tính của nó không có nghe nó ngọt ngào - tính hung dữ của ngôn ngữ.

Còn cái lời nói ái ngữ và chính ngữ của nó - nó êm dịu, nó làm chúng ta nghe nó bùi tai, nghe nó an ổn, nghe nó nhẹ nhàng, nghe nó thích - đó là cái tính của nó.

Mấy con còn hỏi gì nữa không con?

Tu sinh: Thưa Thầy! Con không hiểu cái Thân Ngũ Uẩn là sao thưa Thầy, có phải là: Sắc - Thọ - Tưởng - Hành - Thức phải không thưa Thầy?

Trưởng lão: Đúng rồi, mai mốt đây rồi quán tới nó, không có bỏ nó đâu! Thân Ngũ Uẩn - mai mốt, tới chừng đó sẽ học tới cái bài về quán Thân Ngũ Uẩn, nó cũng nằm thuộc về Vô Lậu đó!

Nếu mà không xét được cái Thân Ngũ Uẩn thì mấy con sẽ khó lắm, khó làm chủ cái thân của con lắm! Cho nên mình biết cái phần Thân Ngũ Uẩn, phần nào làm cái gì, làm cái gì thì mình mới biết mình quán được nó.

Thí dụ như nói về Sắc uẩn nó sẽ làm cái gì, cái Hành của nó nó sẽ làm gì, mà cái Tưởng uẩn nó sẽ làm cái việc gì và cái Thức uẩn nó sẽ làm cái việc gì? Còn cái Hành với cái Thọ là cái hoạt động của 3 cái uẩn này. Cho nên tới đây chúng ta sẽ học cái bài quán Thân Ngũ Uẩn, nó không có bỏ sót đâu!

Mấy con còn hỏi gì nữa không?

(21:48) Tu sinh: Khẩu hành, ý hành ạ!

Trưởng lão: Cái khẩu hành nó cũng không trừu tượng lắm đâu con! Bây giờ con làm đến bài khẩu hành rồi phải không?

Khẩu hành thì nó có bốn cái nghiệp của nó, tức là bốn cái sự xuất phát của nó, đó là: lời nói dối, lời nói dối nhiều lắm mấy con, viết nhiều lắm đó! Nếu nói về khẩu hành thì con nên nghiên cứu về cái bài "mười giới Thánh Sa di" đó, tức là nói về La Hầu La mà đức Phật dạy về cái nói dối. Con nghiên cứu về cái phần đó con sẽ viết ra.

Rồi về khẩu hành mà nói lật lọng nè, nói thêu dệt, nói lời hung dữ. Con thấy mấy người mà la lối này kia đó là nói lời hung dữ; rồi chửi bới người này, người kia đó là nói lời hung dữ.

Con sẽ đưa ra 1 cái mẩu chuyện rồi con truy ra, rồi con thấy cái nhân quả. Thì cái người mà la lối đó, cái người đó họ phải có cái gì trước cái khổ của họ, cái nhân quả của họ do đó họ mới la lối được, chứ khi không như Thầy giờ mà bắt Thầy la lối sao Thầy la được!

Cho nên nó có cái quả gì làm cho họ mới la được chứ khi không thì không có. Cho nên thí dụ như mấy người uống rượu say họ hay la lối này kia đồ đó, họ hay chửi mắng vợ con là do rượu kích thích họ nhớ lại những cái chuyện này, chuyện kia mà họ tức bực, họ la mắng; chứ còn nếu mà không có tức bực, không có giận thì không có la đâu!

Cho nên có cái sự kiện gì đó, cái nhân, cái quả gì đó mà tạo cho họ mới có cái ngôn ngữ la lối đó. Chẳng hạn như là suy nghĩ ở trong đầu của mình, cái ý của mình mình suy nghĩ, có cái niệm mình suy nghĩ, mình suy nghĩ tới cái chỗ đó mình thấy "Vợ con mình sao làm bậy bạ quá!", cái nó tức quá! Cái bà vợ đi chợ về cái nó kiếm chuyện 1 hơi nó la lối, nó chửi, nó đánh đập bà vợ gần chết.

Bởi vì nó suy nghĩ, có cái nguyên nhân nào đó nó mới có cái sự suy nghĩ, nó mới tức bực, nó mới có la lối được. Do đó, cái lời nói hung dữ, cái lời nói dữ tợn thì nó nằm ở trong cái khẩu nghiệp; nó đem đến cái nhân - cái quả làm cho gia đình đó khổ đau, tan nát.

Còn cái lật lọng là nói qua, nói lại. Còn thêu dệt là nói thêm, bớt. Thì đó, tất cả những điều kiện đó thì mấy con đưa ra những cái mẩu chuyện đó để nói lên những cái nhân quả của nó. Về ngôn ngữ - nhiều lắm mấy con, rất là nhiều! Cố gắng! Nếu mà mấy con không chịu cố gắng triển khai cái đầu của mấy con ra thì mấy con nói có chút à, nói có chút cái hết trơn không biết đâu mà nói nữa!

(24:25) Tu sinh: Con thưa Thầy! Trong cái bài này có đặc tính, đặc tướng như thế nào thưa Thầy?

Trưởng lão: Đặc tính, đặc tướng của ngôn ngữ hả con? Nếu khéo mà con nêu được đặc tướng, đặc tính của ngôn ngữ được thì hay; còn không thì con cũng nói, người ta cũng ngầm người ta biết con nói cái đó đặc tướng đó, mà con nói cái đó người ta biết cái đặc tính rồi; ngầm người ta đọc người ta hiểu.

Còn những người khác người ta không có hiểu thì người ta đọc thấy cái này cũng nói cũng có nhân quả đó thôi chứ người ta không hiểu nó đặc tướng, đặc tính.

Còn mấy con muốn chắc ăn thì mấy con bây giờ mấy con để cái chữ lớn, để cái tựa nó: "Đặc Tính” thì con sẽ nói về cái tính không của nó; rồi con nói đặc tướng. Còn con khéo thì con không có để nó thì tức là con đọc, cái người người ta biết thì người ta biết con nói cái này là đặc tướng.

Cho nên, khi mà Thầy gạch cái lằn đỏ vậy đó, Thầy để là đặc tướng hay đặc tính thì cái chỗ đó là con nói về đặc tướng, đặc tính. Còn nếu mà không, thì mình đọc suông cái bài đó thì mình không lưu ý nó thì mình không thấy đặc tướng, đặc tính nó.

Cho nên nhiều khi con chỉ lướt qua cái đặc tính nó 1 chút thôi hoặc đặc tướng nó 1 chút thôi thì Thầy không có gạch thôi. Nhưng mà ở trong đó nó có 1 cái đoạn, 1 cái lời ngắn gọn ở trong đó có nói về cái tính, cái tướng của nó nữa. Con hiểu không?

8. ĐỊNH VÀ DỤNG

(25:36) Tu sinh: Con bạch Thầy là Thầy nói cho con rõ thêm có mấy cái chữ trong Thập Thiện con chưa được rõ lắm! Ví dụ như “vạn hữu đều là định và dụng” thì cái nghĩa của chữ "định" ở đây là như thế nào? Cái thứ 2 là “từ tịch đến chiếu” thì "tịch chiếu" là thế nào?

Trưởng lão: Định và dụng, thì con thấy chữ "dụng" ở đây có nghĩa là động. Thí dụ như cây cỏ ở đây đang yên tĩnh là "định", mà có cơn gió thoáng qua thì nó động; nó định - nó động đó. Ở đây "định" là yên lặng, "động" là rung động.

Tịch Chiếu - bây giờ con thấy mình yên lặng vậy chứ mình biết, nó không có mờ mịt là "tịch chiếu", thì con thấy bây giờ sự yên lặng của nó chứ nó sáng sủa chứ nó không có tối tăm. Nói về cây cỏ hiện giờ đó, là ban ngày các con thấy nó yên lặng đó, nó không có rung động nhưng mà nó vẫn sáng chứ nó không tối. Con hiểu không? Nó tịch chiếu là chỗ đó! Bây giờ nó đương yên lặng là nó tịch, mà nó chiếu nghĩa là nó đang sáng chứ không có tối.

Còn bây giờ ban đêm nó yên lặng: "đêm nay sao yên lặng quá!", nhưng mà nó tối, nó không sáng. Do đó thì nói chữ "tịch chiếu" là nói theo ngôn ngữ của Thiền tông. Coi như Thầy ngồi yên lặng nhưng vẫn sáng suốt thì gọi là Chiếu. Đó là những cái từ trong kinh sách Thiền tông.

9. CỨU VẬT - VẬT TRẢ ƠN, CỨU NHÂN - NHÂN TRẢ OÁN

(27:18) Tu sinh: Con kính bạch Thầy! Thưa Thầy, câu nói trong dân gian đó là: “Giúp vật - vật trả ơn, giúp nhân - nhân trả oán”, có phản nhân quả không hay nó tạo cái nhân gì mà, bị cái gì mà giúp, bị phản?

Trưởng lão: Nó cũng thuộc về nhân quả con! Bởi vì đây là nhân quả, con thấy bây giờ đó, con nuôi 1 con vật như 1 con rắn hay 1 con chó đi, này kia…​, nhưng mà con gặp tai nạn hay gì đó con thấy như 1 con ngựa thôi, nhưng mà khi người chiến sĩ họ đi ra trận họ chết, con ngựa nó vẫn chở cái người chiến sĩ đó về, con nuôi nó, nó trả ơn.

Bây giờ con nuôi 1 con chó đi, mà khi con có tai nạn gì, con chó nó chạy về nhà nó kêu cứu, đó là nuôi vật - vật trả ơn; còn nuôi nhân - nhân trả oán, nó đều là nhân quả. Con có cái duyên gì con mới nuôi con chó đó chứ; cô Út có cái nợ gì cô Út mới nuôi con chó đó chứ, còn không - khi không mà cô nuôi sao? Nó phải có nhân quả chứ! Con hiểu không? Do đó, nhiều khi cô Út cô chịu cực khổ với nó là cô phải trả cái nợ với nó đó - đó là nhân quả con!

Rồi về cái con vật đó, thì thường thường "nuôi vật - vật trả ơn", thì nó có nhiều cái câu chuyện nuôi con vật - con vật nó biết ơn, nó trả ơn chủ nó. Con thấy những con chó người ta nuôi mà Thầy thấy có những mẫu chuyện nói về con chó nó cứu chủ nó, nhiều khi nó cứu chủ nó mà nó chịu chết đó. Đọc những cái câu chuyện đó mình thấy xúc động thật, mình thấy con vật mà nó hy sinh nó cứu chủ nó, cuối cùng con chó đó chết nhưng mà chủ nó sống. Đó là "nuôi vật - vật trả ơn".

Còn “nuôi nhân - nhân trả oán” - thấy người nghèo khổ quá, tội nghiệp, thôi mình đưa họ về nhà mình, mình giúp đỡ nhưng mà cuối cùng mình giúp đỡ nó thì trái lại - mình ngủ quên cái nó vô nó lấy đồ mình đi mất! Mấy cái chuyện này xã hội có xảy ra mà mấy con, nó có chứ đâu phải không!

Cho nên vì vậy, nó có những cái mẩu chuyện nhưng mà mình phải nhìn trong nhân quả. Trước kia mình cũng lấy đồ người ta cho nên bây giờ nó lại đây nó làm bộ nghèo hoặc là nó nghèo thật, rồi mình mới khởi cái lòng thương của mình; chứ tại sao mấy người nghèo kia mình không đưa vô nhà mình nuôi mà lại nuôi thằng này? - "Thấy thằng này sao thương quá!". Nhưng mà không ngờ, nuôi ít bữa cái nó chờ mình ngủ quên cái nó lấy đồ đạc mình đi hết, lấy tiền hết trơn: "Trời đất ơi, bây giờ đâu biết nó ở đâu mà tìm?". Con thấy không? Đây là mình thật sự mình thương nó mình nuôi.

(29:42) Con nhớ cái câu chuyện trong báo như thế này, cái ông đó là bán cái xe phở, đẩy xe phở đi bán; nhưng mà ở bến xe An Đông thì nó có nhiều hành khách. Thì có 1 chú thanh niên đó thì xuống xe rồi, không biết đi vô Thành phố này để làm gì? Chắc kiếm nghề nghiệp. Thì chắc có lẽ là đến ăn tô phở rồi cũng tâm sự nói, thì ông này ông thấy ông thương, ông tội nghiệp - thấy thương, tội nghiệp là cái nhân quả rồi đó mấy con!

Thì ông nói: "Thôi, bây giờ em không có nghề nghiệp, em đến nhà của chú ở đi, rồi đẩy xe bán phở giùm cho chú đi!" . Thì cái ông này là dân phòng, cho nên cái đêm mà ông đi gác, còn có vợ ông ở nhà thôi. Trời ơi, nó giết vợ ông, nó lấy tiền sạch! Tới chừng nó trốn mất. Ông về, vợ ông chết queo!

Con thấy cả 1 vấn đề - nó dám giết cả người ơn! Vậy thì "Nuôi vật - vật trả ơn, nuôi nhân - nhân trả oán" chứ đâu phải…​! Và sự thật - ở đó là nhân quả đó mấy con! Phải thấy qua cái góc độ nhân quả rồi mình mới biết - ghê gớm! Thì nó mới khiến vậy chứ còn cỡ không có nhân quả thì làm sao ông rước nó về nhà? Rước về nhà để mà trả cái nhân quả của đời trước đó!

Cho nên, mình nói câu nói là tại vì người ta thấy sao nuôi con vật nó còn biết ơn hơn là nuôi con người? Cho nên người ta quá dè dặt đối với người chứ gì! Cái câu nói của người xưa nói vậy đó là tại vì họ không thấy nhân quả.

Nhưng mà chúng ta biết nhân quả rồi thì chúng ta thấy đó là cái tự nhiên thôi! Nhưng mà vì người ta thấy nuôi người sao nó hay trả oán? Đúng vậy - nuôi người nó trả oán! Nội chuyện mình ở trong nhà, mình nuôi riết rồi bắt đầu cái gì - trời ơi, nó ra nó nói hết ráo hết trơn hết trọi, trời ơi! Có phải trả oán không mấy con?

Đó là cái điều kiện hẳn nhiên mà! Bởi vì nó ở trong nhà mình nó biết sao sao đó; cái tới chừng nó ghét mình chút cái nó đi ra rồi - trời ơi, không có cái gì mà nó chừa, mà còn nói thêm nữa chứ! Cho nên thấy rõ ràng là trả oán chứ đâu phải trả ơn! Mà từ bát cơm, cái này kia mình đã giúp đỡ cho nó mà giờ nó trả như vậy thì mấy con thấy có tức không?

Đó, như vậy đời xưa người ta nói nhưng mà người ta không thấy được nhân quả, người ta mới nói câu nói đó! Chứ người ta thấy nhân quả người ta không nói câu nói đó đâu; không có nói: "Nuôi vật - vật trả ơn, nuôi nhân - nhân trả oán" đâu!

Bởi vì nhân quả rồi! Dù muốn dù không đi nữa - cái nhân quả cũng phải trả thôi không có tránh khỏi!

Đó, thì ở trong cái câu hỏi của con dường như Thầy có ghi để trả lời mà. Thầy trả tập vở của con mà Thầy chưa trả lời. Vậy thì bây giờ coi ai mà có muốn hỏi gì thì cứ hỏi, Thầy trả lời!

10. NHÂN QUẢ

(32:17) Tu sinh: Con bạch Thầy ạ! Nếu như người ta nói là hiểu theo luật nhân quả, bây giờ ví dụ như là: người này đâm vào người kia bị chết; thế thì nếu mình hiểu theo luật nhân quả thì cái anh này, cái quả của anh đến đấy là chết; thôi thì trả quả, ta không cần kiện tụng, không làm gì nữa! Nếu mà hiểu được nhân quả thì ta biết được cái nhân quả thế thôi không cần bắt đền, không cần…​ thế thì bên đời ngoài người ta bảo như thế thì không được!

Sự thật ra ở khu con có cái ông này ông cũng giàu lắm. Ông về hưu, ông không có con nhưng mà ông có đứa cháu đến để đi học ở đấy. Nhưng mà có 1 cái anh ở Bắc Ninh - Bắc Giang gì đấy; anh về anh làm, xong anh nói hoàn cảnh của anh khó khăn thì ông này ông nhận làm con nuôi. Ông nhận làm con nuôi thì ở với ông được 1 thời gian nửa năm thì anh này anh thuê nhà, anh ở chỗ khác, thì anh ấy mới đi đi lại lại. Thì hôm này có mời ông bố đến cái chỗ ở trọ, hai ông con mới uống rượu thế nào cái xong lúc về nhà thì anh này anh giết ông này. Giết xong, rồi đào ngay cái trong nhà cái xong rồi chôn cái ông xuống đấy; thế lại lấy cái chìa khoá của ông đấy về nhà bảo thằng cháu đưa xe máy, lấy hết đồ đạc của ông ấy còn lại, rồi đi về quê. Rồi 3 ngày sau, cái thằng cháu nó tưởng đi với ông kia. Đến lúc mà xung quanh hàng xóm người ta nghe cái mùi nó xông lên quá mà cái ông này ông đi mất, cái người chủ nhà người ta mới báo công an - đào ra thấy cái ông này.

Con nghĩ là nếu như mà hiểu về nhân quả thì cái ông này là đến cái ngày phải trả cái nợ, nhưng mà cái người giết kia thì mình không cần phải kiện nữa. Thế thì nó có trái cái gì không?

(34:01) Trưởng lão: Không trái, đối với pháp luật hiện hành thì trái nhưng mà đối với nhân quả thì không trái! Cho nên cái mà chuyển nhân quả đó thì cái gia đình những người mà còn sống của ông này đừng nên kiện thưa, mà bãi nại; dù có tội hẳn hòi, đàng hoàng - bãi nại, đừng có để cho ông này bị giết. Thì tức là mình chuyển được cái nhân quả của ông này thì ông này sẽ không còn cái nhân quả nữa; thay vì ông ta cũng đã giết - trong cái đời nào đó ông đã giết người cho nên bây giờ sanh ra cái môi trường đó để gặp cái người này để giết ông ta. Cho nên nhân quả mà!

Cho nên vì vậy, cái gia đình - những người thân của ông ta - biết nhân quả rồi, thì chúng ta sẽ bãi nại. Bởi vì công an nó bắt mà mình bãi nại thì nó giảm tội: tử hình đó thì nó giảm cho mình ở tù chung thân, ông này không chết.

Nhưng có điều, cái tội ác của ông - ông giết người thì ông phải trả quả chứ đâu phải trốn! Chứ đâu phải con bãi nại rồi cái cho ông đi về tự do được đâu! Ít ra thì bãi nại, các con không có kiện thưa ông ta cho nên toà nó giảm cái án tử hình, mà còn cái án tù nó không tha đâu! Bởi vì cái luật mà, cái luật giết người rồi!

Cho nên, vì vậy không có trốn khỏi cái tội giết người đâu! Cái đó là cái ác rồi, chứ không phải là nói mình làm bởi vì cái hành động đó (hành động trong quá khứ của ông nhà giàu), mặc dù là ông kia đang trả nhưng mà mình tạo cái nhân ác của mình thì mình phải thọ lãnh cái quả.

(35:17) Mà nếu trong cái đời nay như vậy, cái từ trường mà hồi cầm cây dao đó - nó sẽ sanh ra 1 cái con người để chịu cái quả bị người ta đâm giết lại đó! Nó không phải không đâu!

Tu sinh: Dạ thưa Thầy! Nếu mà cái cái gia đình ấy vẫn cứ kiện tụng tiếp thì cái quả của cái ông này vẫn chưa hết phải không ạ?

Trưởng lão: Vẫn chưa hết, chưa chuyển đó con! Cũng như bây giờ người ta chửi mình mà mình không giận là mình chuyển; còn mình giận - thì mình giận cũng như người ta thưa kiện thì cái quả nó không chuyển đâu, nó còn tiếp diễn đó! Nó tiếp diễn thù hận - hận thù nó sẽ tăng lên nhân quả nữa.

Tu sinh: Thưa Thầy! Có một trường hợp ở ngay cạnh nhà con có cụ già ấy, cụ ấy thì không nghèo lắm nhưng mà cụ có 5 phân vàng tức là chưa đầy 1 chỉ. Thế mà cụ ấy chỉ có từ nhà mà ra đến chợ chỉ độ khoảng chưa được nửa cây; thế mà bị người ta giật, người ta cướp, người ta đẩy té đập đầu nằm rồi cũng chết.

Nhưng sao lúc đấy con thấy có những người vàng người ta đeo từ tay chân mà người ta chả bao giờ người ta bị ăn cắp. Thì con nghĩ đấy cũng là cái nhân quả của cụ này - trước kia cụ cũng phải lấy cắp của người ta hoặc là đi cướp giật người ta - dù rất là ít, không đáng bao nhiêu nhưng mà vẫn bị cướp giật.

Còn cái người mà người ta không có cái nhân quả ăn cướp, ăn giật của ai cho nên người ta giàu có mà không ai đụng đến; cái đấy con nghĩ là cũng thuộc nhân quả kiếp trước của người kia không có.

Trưởng lão: Đúng rồi, dù sao đi nữa cũng có cái nhân quả đó con! Bởi vì mình đang sống trong nhân quả mà, hàng ngày mình sống trong nhân quả mà! Rồi cái từ trường cũng là nhân quả; rồi ba cái hành động trong thân của mình: thân - khẩu - ý của chúng ta cũng đều là nhân quả. Từ cái ăn, nói, nín của chúng ta đều là nhân quả hết. Chúng ta sống ở trong nhân quả mà vì vậy không có thể nào chúng ta tránh khỏi nhân quả.

Cho nên mình thấy nhân quả là thấy đúng như thật! Nhưng mà vì nó có những cái điều kiện nó mù mờ quá, mà chúng ta có thể cái tri kiến của chúng ta không hiểu. Nhờ một cái người khác người ta giải thích, người ta dựng lại cho mình thấy nó cụ thể.

(37:11) Thí dụ như Thầy nói một cái người mà sanh ra nhiều người thì khó ai tin. Nhưng mà nói một cái quả nó có nhiều hạt thì người ta thấy, người ta tin. Và nó sẽ ra nhiều cây, rồi nó sanh ra nhiều trái - thì cái đó người ta dễ tin hơn.

Nhưng mà dựa vào cái căn cứ đó để cho mình xác định được cái nhân quả con người thì nó rõ ràng hơn, nó cụ thể hơn. Cho nên vì vậy bây giờ không tin thì mình nhìn cây cỏ thì mình cũng đã thấy nó là cái quy luật của nhân quả như vậy mà!

Thì mình đang sống ở trong nhân quả thì cây cỏ cũng đang sống trong nhân quả chứ đâu phải nó ngoài nhân quả mà nó sống như vậy đâu! Cho nên nó đâu có khác nhau.

Cho nên vì vậy mà chúng ta biết mọi sự động dụng - cái ác, cái thiện của chúng ta trong cuộc đời chúng ta đều là có nhân quả hết, không có trật đâu! Mình cứ suy luận. Cho nên Phật nói: "Cứ thấy cái nhân hiện tại này, thấy cái quả hiện tại này mà suy đoán được cái nhân quả khứ và cái tương lai của mình như thế nào". Cứ nhìn cái hiện tại mà biết à!

Tu sinh: Thưa Thầy! Con nghĩ rằng là ví dụ như con đang sống như này thì tất cả cái nghiệp con bị cái gì thì con nói là cái nghiệp con phải trả. Nhưng mà khi cái thân con đã chết đi rồi, tức là chết đi không còn cái gì nữa, như có những người đã chết đi rồi mà người ta còn khai quật lên, người ta mổ xẻ thì bảo là cái nghiệp. Thế thì con bảo chết đi rồi thì sao là cái nghiệp?

Trưởng lão: Nhân quả, cái nghiệp của nó chứ đâu phải của con nữa đâu mà con nói! Bây giờ con chết rồi, người ta móc lên, người ta mổ xẻ con - cái đó là cái nghiệp, con bị cái nghiệp mổ xẻ chứ đâu phải là cái con bị mổ xẻ đâu!

Con còn sống, con bị mổ xẻ thì con biết đau đớn chứ còn con chết rồi thì cái nghiệp của con mà nó mổ xẻ cái thân con như thế nào. Bây giờ, có cái người đó bị giết chết đi; rồi họ đem họ chôn, họ lấp đi; nhưng mà tới khi mà người ta phát giác ra được, công an nó đưa pháp y đến, nó mổ xẻ ra coi ông này bị đánh đập như thế nào, giết bằng cỡ nào?

Đó, nó là nhân quả đàng hoàng mà! Thành ra ông này chết ngắt rồi mà nó cũng vẫn mổ xẻ ông ta à, nó không có tha ông đâu! Bởi vì cái nhân quả của ông ta tạo cái kiểu đó thì bây giờ dù ông có chết đi nữa, cái nhân quả ông phải trả thôi - cái thân ông là thân nhân quả mà, chứ có phải ông đâu!

Con cứ nghĩ ông cho nên ông không chịu trả - đâu phải! Cái thân nhân quả nó trả - mình là nhân quả mà, chứ mình có gì của mình!

Con hỏi đi con!

Diệu Vân: Dạ, trong bài làm của con thì con có liên hệ 1 người chết sinh ra nhiều người khi đang còn sống; với lại sinh sản vô tính thì nó có đúng không Sư ông?

Trưởng lão: Đúng con! Con làm bài đó đúng!

11. Ý MUỐN CŨNG LÀ NHÂN

(39:42) Tu sinh: Dạ cho con hỏi! Lúc ở ngoài đời thì con hay đến chùa làm công quả đó Thầy. Con nghe Phật tử nói là hễ ai mà thỉnh được y sư hay là thỉnh bát của sư mà rửa thì cái phước đức lớn lắm! Thành ra dù có thế nào con cũng ráng ở lại con thỉnh.

Rồi có lần quý sư mới hỏi con là: “Cô bé kia đi rửa bát, rửa im ru hay là có ước nguyện gì hay không?”. Rồi con từ từ con nói: “Con khi con rửa bát sư, con ước gì con được ôm bát như sư; khi con gập y sư, con ướccon được mặc y như sư!”.

Thưa Thầy! Với sư thì không có giữ giới hạnh nghiêm túc lắm! Con thì cái lời nói lúc đó nó…​ nhưng mà tại sao nó lại kết thành, nó lại tạo thêm 1 cái nhân duyên, nó tạo ra quả như ngày nay vậy Thầy?

Trưởng lão: Đó là do nhân ở trong ý của con, con làm chuyện đó con ước muốn sẽ được mặc y, con ước muốn con sẽ có cái bát như quý sư vậy. Cái ước muốn đó, mặc dù các sư, các thầy giới luật không nghiêm chỉnh nhưng cái y - bát là hình ảnh của Phật mà, cái hình ảnh đó của Phật chứ đâu phải là của quý sư đâu, nó đâu có riêng! Nhưng mà vì quý sư đang mặc, đang sử dụng cái bát đó, nhưng giới luật của các sư không có nghiêm túc thì các sư chịu lấy cái hậu quả đó.

Còn riêng con, con ước muốn cái hình sắc này thì do đó con có duyên thì con cứ mang sẽ tốt chứ sao. Tại vì nhân quả, mình ước muốn thì đương nhiên. Nhưng mà cái này nó có tròn hay không, cái này nó có thể đến để thực hiện được hay không, đó là phải còn cái duyên nó đủ cái duyên hợp lại mới thành đó con, chứ không phải dễ đâu!

Bây giờ thí dụ như con có cái duyên con tu tập, rồi tu tập được từng cái kết quả này đến kết quả kia thì tới chừng đó con mới thấy là mình hoàn toàn giải thoát thì tức là mình sẽ ôm y - bát đó, xứng đáng mà! Cái giới hạnh mình nghiêm chỉnh mình thấy như vậy là mình xứng đáng rồi!

Hoặc là tu 1 thời gian sau đó mình ước nguyện là bây giờ con thấy cuộc đời con cần xuất gia để ôm y bát. Hôm nay con thấy con chưa xuất gia nhưng con đã ôm y - bát rồi còn gì!

Cái nhân trong cái đầu của con bây giờ nó đã thể hiện qua cái vấn đề mà con đi khất thực rồi còn gì đâu! Con thấy chưa? Thấy cái nhân ghê gớm không? Chỉ mình đi rửa bát thôi, đi giặt y người ta thôi mà rốt cuộc rồi bây giờ mình có y - bát thì quá hay rồi còn gì nữa!

Tại vì đó là cái tâm nguyện, cái ước muốn của mình, cái nhân của cái ý mà con - cái ý nó gieo cái nhân đó!

12. CÕI TRỜI TRONG KINH HÀNH THẬP THIỆN

(42:20) Diệu Vân: Thưa Sư ông! Trong cái kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo - trong cái Hành Thập Thiện, cuốn sách của Sư ông có cái kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo: Sư ông nói: "Đạo Phật là thực tế, nói cái gì là phải thấy, phải hiểu!". Nhưng mà con thấy trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo nó đưa ra nhiều cái gợi cho người ta cái sự ham muốn và có những cái mà chẳng hạn như cõi Trời, cõi Người - những cái mà con thấy nó làm cho người ta ham muốn, thúc đẩy người ta tới cái lòng tham mà nó tăng lên chứ không phải là giống như là khi mà mình nói là tu để mà ly tham - sân - si.

Nhưng khi mình có cái đó, tự nhiên mình đọc cái đó, con người nào đọc thấy cái đó thì đều ham hết, ham mà thực hiện hết. Thì như vậy thì sao? Còn những cái trong kinh, giống như là làm vua không bị khất tài sản thì đời hôm nay có những cái đó (không mà nó không thích). Vậy thì?…​

Trưởng lão: Bây giờ Thầy nói như thế này để thấy: cuốn kinh Hành Thập Thiện là cuốn Thầy viết cho 1 cái người bị bệnh để rồi họ thực hiện. Nhưng mà trong cái thời - trong cái lúc mà Thầy viết cuốn kinh này - cái cuốn Hành Thập Thiện là cái cuốn kinh đầu tiên mà Thầy viết; buộc lòng trước cái cảnh đau bệnh của cái người khác mà Thầy viết cái hành Thập Thiện để cho họ sống trong cái thiện để mà họ chuyển được cái quả khổ họ thôi!

Cho nên, lúc bây giờ là lúc đang không có dám nói 1 cái điều gì là không có cõi Trời hết! Mà buộc lòng Thầy phải nói như vậy, con hiểu không? Nó có cái sự hoà hợp với Đại thừa, với Thiền tông. Chứ nếu mà không đó, thì lúc bây giờ Thầy lộ cái mặt sớm quá chắc chắn là Thầy không ngồi yên rồi! Đó, con hiểu chưa?

Do đó, cái bộ sách mà đầu tiên mà Thầy viết đó là Hành Thập Thiện - viết trong cái lòng thương yêu của 1 người đang bệnh. Thì coi như cái câu chuyện mà xảy ra thì ở trong đó Thầy có nhắc cái lời nói đầu rồi mà! Con của ông bà Kim Chưởng - là 1 cái bầu hát, cho nên khi mà đến gặp Thầy đó, thì nói cái đứa con của ông bà bị bệnh đau như vậy, nó đang học ở trong trường cái nó bị bệnh phong như vậy đó, thì nó rất là xấu hổ cho nên nó không có đi học được nữa!

(44:33) Do đó mà Thầy mới thấy tội nghiệp, cái tuổi trẻ như vậy - cái cô Kim Ngân đó - bị bệnh đau như vậy. Cho nên 1 đêm đó Thầy mới ngồi soạn thảo cái tập sách cho sáng hôm sau ông bà về và đứa con của ông bà về. Thầy dặn, Thầy nhắc nhở nó là: con phải thực hiện trong những cái điều lành ở trong Thập Thiện này! Cứ theo cái Hành Thập Thiện này để mà cứu con thoát ra khỏi cái bệnh này!

Do đó thì Thầy dặn nó: "Những người bạn của con, người nào mà thân đó thì con hãy cho họ đọc và khuyên họ - muốn thương con thì nên giữ một cái điều lành ở trong mười cái điều lành này. Nghĩa là ăn chay hay hoặc cái gì đó, làm được cái gì đó thì cứ làm được một cái điều lành ở trong đó! Thì lúc bây giờ đó sẽ ước nguyện cho con (người đó, người bạn con đó, thương con đó) ước nguyện cho con cái bệnh con mau lành để con được đi học thôi".

Thì trong khi Thầy viết cuốn đó Thầy dặn vậy thôi! Do cái cuốn sách này thì Thầy viết Thầy sợ khi nó được đưa ra, những cái người khác mà người ta đọc, người ta thấy nếu mà Thầy viết không có cõi Trời đó - mà cõi Trời là trạng thái của chúng ta đó! Thì chắc chắn là nó sẽ bị có sự chống đối.

Trong khi đó Thầy đang núp sau lưng Hoà thượng Thanh Từ để cố gắng đưa cái giới luật cho huynh đệ Thầy để mà sống giới luật. Cho nên vì vậy mà Thầy thấy trong cái giai đoạn đó thì không được. Mà ông bà Kim Chưởng là đệ tử của Hoà thượng Thanh Từ. Con hiểu không?

Cho nên cái cuốn sách đó, Thầy phải nói như vậy! Nhưng mà hiện giờ đó, cũng như bây giờ các con thấy trong cái Đường Về Xứ Phật, nhiều khi có những cái câu mà Thầy nói mà lúc thời điểm đó phải nói như vậy chứ không phải nói như bây giờ.

Còn thời này, bây giờ nói được là vì người ta đã hiểu Thầy nhiều rồi cho nên Thầy đứng độc lập 1 mình được. Còn hồi đó không được đâu, Thầy chưa có đứng độc lập được, Thầy chưa có cái số người đệ tử mà những người mà theo Thầy đều là tu thử, bán tin bán nghi chứ chưa hẳn họ đã tin tưởng Thầy!

Còn bây giờ sách vở Thầy nó đã đủ hết rồi, cho nên Thầy nói thẳng ra - thì coi như là Thầy có cái chỗ đứng vững rồi, còn trước kia thì nó không được! Mà muốn giúp người mà mình không đứng vững đó, thì người ta sẽ đốn ngã mình liền tức khắc! Nó rất khó!

Cho nên buộc lòng mà Thầy nói trong cái Hành Thập Thiện là mấy con phải nói thời điểm mà Thầy viết cái đó là thời điểm viết cho Đại thừa chứ không phải là viết cho Nguyên Thuỷ!

13. TỰ THẮP ĐUỐC MÀ ĐI - THEO Ý NGHĨA THIỀN TÔNG

(46:44) Tu sinh: Con có ý kiến hỏi Thầy 1 chút ạ! Bạch Thầy là con mới phương xa mà đến đây thì là cô Út có nói con ra đây để nghe, mà con chưa có duyên để mà vào đây để nghe Thầy giảng như các vị ở đây. Nhưng mà con được nghe câu chuyện là có 1 ông ông bị ngã xuống hố, mà ông đi đường ông kêu là: "Ông ơi, cứu tôi với". Thì cái ông đi trước không cứu, ông ấy nói là: "Ông cố mà leo lên, chứ trước đây tôi cũng té xuống dưới nhưng mà tôi cũng cố tôi leo lên được. Thì bây giờ ông cố, ông leo lên!" .

Nhưng mà cái ông bị ngã xuống hố đấy thì lại không cố lên, mà thấy người đi sau thì lại bắt đầu là kêu: “Ông bà ơi! cứu tôi với!”, thì cái người đi sau, người ta thấy tội nghiệp quá người ta mới cứu lên. Thì cái này con xin hỏi Thầy là cái người đi sau - chắc là người ta có duyên với cái người té xuống hố thì người ta cứu phải không Thầy?

Trưởng lão: Đúng đó con!

Tu sinh: Còn cái người đi trước là người ta cho cái người này là tự mình làm cái điều gì đấy mà mình lên, không nên cầu cứu ai hết! Có nghĩa là như vậy tự mình thắp đuốc mà đi chứ đừng ỷ lại vào người khác! Thì theo ý con, như vậy có đúng không Thầy?

Trưởng lão: Con nghĩ qua cái ý nghĩ đó là con nghĩ qua cái Thiền tông rồi - tự mình phải cứu mình đó, qua cái ý nghĩ đó. Nhưng mà ở đây, không phải con - đây là nhân quả mà! Khi mà cái ông này ông té xuống dưới đó, 2 cái ông này ít ra là cũng đồng thời đi trên con đường mà ông này đi trước, ông này lọt xuống dưới; thì ông này kêu thì ông kia nghe mà!

Nhưng mà đứng trước nhân quả thì khi mình nghe được như vậy là có cái duyên với nhau. Mà cái ông này ông không có cứu ông này, để cho cái người đi sau kêu cái người đi sau, người đi sau cứu; tức là ông này có cái duyên được cứu do cái người sau, mà cái duyên với người trước thì không có.

Đứng ở trên nhân quả mà nói thì đó là nó cụ thể, nó thiết thực. Còn nói cái kia là như mình nói: " Bây giờ tự cứu!" , sự thật ra bây giờ cái ông này lọt mà sức ông yếu quá chắc ông cứu không có nổi đâu! Cũng như bây giờ mấy con, nếu mà không có Thầy thì mấy con tự cứu được không? Con hiểu không?

Bây giờ nếu mà mấy con nói: " Thôi mấy con cứ tự cứu đi!" Theo kiểu nói mà tự lực đi thì bây giờ đó, kinh sách đó, cứ đọc mà tự cứu đi! Thì bây giờ mấy con cứu được chưa? Cần gì mà Thầy phải giải thích!

Cho nên vì vậy mà nó không tự cứu được đâu con! Nếu mà không có ông Phật mà đưa ra Bốn Chân Lý và giáo pháp của Phật mình tự cứu được không? Không tự cứu được đâu!

Cho nên vì vậy mà đứng trong góc độ trong nhân quả đó, thì mình thấy cái duyên nhân quả của cái ông đi trước này, không cứu ông này là cái duyên nhân quả - nhân quả ông không có duyên; cho nên vì vậy ông không có cảm động, ông không có thấy cái khổ của người lọt xuống dưới đó mà đang tha thiết, coi như là nếu không ai cứu thì chỉ có chết dưới thôi!

Mà ông không có thấy cái khổ đau đó, ông cứ nghĩ rằng người ta cũng như ông. Nhưng mà không ngờ, lúc mà ông lọt hố ông mới có 20 tuổi à, cỡ 30 là cao thôi. Còn bây giờ cái ông già này ông lọt là ông 80 tuổi rồi, ông trèo lên được cái hố này chắc ông chết! Con hiểu không?

Đó là những cái điều kiện mình phải xác định được cái nhân quả - cái nhân duyên con! Mà cái ông này thản nhiên mà ông bỏ đi: "Thôi ông tự leo lên đi! Tôi hồi đó cũng vậy, tôi cũng leo lên!" - ông này thản nhiên được!

Trong khi dù là một chút xíu đi nữa, mà cái người người ta kêu mình cứu đó, là mình biết cái sức người ta lên không được rồi, cho nên vì vậy mình phải cứu! Còn cái người sau là có nhân duyên rồi cho nên cái người này họ cứu được!

Tu sinh: Dạ con cám ơn Thầy!

Tu sinh: Bạch Thầy, hết giờ ạ!

Trưởng lão: Vậy hả con? Hết giờ rồi, thôi, đi!

Diệu Vân: Dạ thưa Sư ông! Vậy con làm bài con có phải dựa vào kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo làm?

Trưởng lão: Đúng rồi con! Con nên dựa vào cái kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo! Đó là cái đường đi của nhân quả mà! Mình triển khai ra rộng chừng nào thì tốt chừng nấy!

Diệu Vân: Nhưng mà có nhiều cái con thấy không có thuận với cái thời buổi thực tế!

Trưởng lão: Coi như là những cái không thuận thì con dựa vào cái thân hành, khẩu hành, ý hành của nó thôi! Còn mấy cái kia đừng có đem ra mà nói, nó không có thực tế con! Bởi vì cái thời điểm của nó, nó không thực tế là vậy! Nhưng mà mình lấy cái đường đi của nó là thân hành, khẩu hành, ý hành của nó, 10 cái điều ác của nó.

Thôi bây giờ nghỉ!

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy