00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

CK 0160 - LÒNG THƯƠNG YÊU - GIẢI THOÁT BẰNG TRI KIẾN - SIÊNG NĂNG LÀM BÀI TRI KIẾN VỀ NHÂN QUẢ

CK 0160 - LÒNG THƯƠNG YÊU - GIẢI THOÁT BẰNG TRI KIẾN - SIÊNG NĂNG LÀM BÀI TRI KIẾN VỀ NHÂN QUẢ

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu sinh

Thời gian: 11/2005

Thời lượng: [21:18]

1. LÒNG THƯƠNG YÊU

(00:00) Trưởng Lão: Như cha, mẹ chúng ta phải không các con? Các cụ như cha, mẹ chúng ta, đủ duyên bỏ lại cuộc đời toàn sự khổ đau vào đây tu tập nên chúng ta phải thương. Chúng ta ước ao cha, mẹ của chúng ta được duyên phước vào đây tu tập, bỏ sự cung phụng của con cháu ngoài đời để vào đây tu tập thiệt là hạnh phúc, đi tìm con đường giải thoát.

Cho nên các cụ ở đây, các con thấy các cụ lớn tuổi đáng cha, mẹ, ông, bà của mình không? Thế mà còn vào đây tu tập, Thầy còn cho học tập thì các con biết Thầy thương yêu các cụ biết dường nào. Nỗi khổ cuộc đời chồng chất trên vai, trên đầu các vị, suốt cuộc đời quá khổ. Bây giờ hạnh phúc về đây, ngồi đây tu tập với Thầy thật là hạnh phúc lớn. Cho nên các con tu tập, Thầy ráng tìm cách phù hợp, phương pháp thiện xảo làm sao cho các con phá được hôn trầm. Khi mà Thầy đọc bức thư của một cụ gửi cho Thầy nói phá hôn trầm, Thầy rất thương yêu lắm!

Nên Thầy đọc cho các con nghe để thấy các người tu tập, về đây tu tập là chúng ta thương lắm, thương nhau lắm! Bởi vì chúng ta là những người đi tìm sự giải thoát, đi tìm sự làm chủ, làm chủ sự sống chết; người nào cũng khổ như nhau, già, trẻ, bé, lớn đều khổ như nhau cho nên chúng ta thương yêu nhau như anh em trong nhà một cha, một mẹ, chúng ta cố gắng.

Từ chỗ thực hiện lòng thương yêu đó chúng ta mới thương yêu người đời, chứ nếu chúng ta nhìn người đời ác chúng ta không thương yêu thì chúng ta sẽ có nỗi khổ tâm. Cho nên chúng ta cố gắng từ thương yêu, hiểu biết, thông cảm những nỗi khổ trong sự tu hành cho đến thương yêu những người đang không hiểu biết Phật pháp, đang sống trong ác pháp, họ dằn vặt, họ đau khổ, họ day dứt, đủ thứ; họ đang không hiểu nên mới khổ, chúng ta nên thương yêu họ, đừng ghét họ, mặc dù họ có nói gì chúng ta cũng nên thương họ, thương họ!

(02:23) Chúng ta lấy từ cuộc sống chúng ta hôm nay để rồi chúng ta thương mọi người; lấy từ cuộc sống tu hành giải thoát mà thương yêu những người đang sống có những mưu mô, những thủ đoạn gian ác lúc nào cũng có thể hễ hở một chút là có thể diệt chúng ta được; chúng ta nên thương yêu họ vì họ rất tội. Họ không phải là người đáng ghét, tại vì họ chưa hiểu đạo đức, chưa biết nên họ còn đang đau khổ nhiều, chúng ta nên thương yêu và tha thứ.

Thầy chỉ ước mong sao đệ tử của Thầy chỉ sống trong tình thương, lòng thương yêu. Mong lắm, các con! Cho nên Thầy lấy bài của thiền sinh này viết, cái câu mà thương yêu những cụ già, đúng là chúng ta thương yêu như vậy!

Rồi chúng ta thương yêu những người trẻ, những người trẻ bỏ những thú vui ngoài đời như các con hiện giờ, tuổi trẻ, lẽ ra phải hưởng thụ những thú vui ngoài đời, các con có thua gì ai đâu! Thế mà các con bỏ, vào đây có hưởng thụ gì đâu! Cho nên chúng ta xét, chúng ta suy nghĩ rất thương những người tuổi trẻ mà biết đi tìm con đường giải thoát, cho nên dục lạc đời đâu còn nữa.

Cho nên trong cuộc đời tu hành của chúng ta, chúng ta xét mà thương yêu nhau; đừng vì một chút gì mà chúng ta có những cái tâm phiền não, giận hờn nhau, mỗi lúc chúng ta có cái gì chúng ta nên thương. Cố gắng! Nếu mà chúng ta không thương vào được nhưng mà chúng ta cố gắng có dịp chúng ta giúp đỡ họ để mà vượt lên tu cho đúng.

(4:00) Ví dụ như chúng ta là những người tu sĩ, chúng ta không nên ganh tị; thấy người khác tu được mình đâm ra ganh tị thì không tốt; thấy người khác tu không được, tu dở quá, mình khinh chê cũng không được mấy con. Ai cũng tu tập quá khổ, dù được hay không được chúng ta cũng thương yêu nhau và tìm cách nếu chúng ta tu được, tìm cách giúp người bạn mình, những người em, người cháu, người thân, người bác, cha, mẹ mình để mọi người đều tu được giải thoát.

Thầy mong cái lớp học của chúng ta, từ đây chỉ có lòng thương mà không có lòng ghét; Thầy mong các con chỉ có lòng thương mà không có lòng ghét. Trước những cảnh đau khổ của người khác chúng ta biết thương. Chúng ta biết họ vô minh, họ đang ở trong sự không biết, họ mới khổ sở, họ tự dày xéo lên kiếp sống của họ, trên cuộc đời của họ, trên thân tâm của họ để họ khổ sở, đó là vô minh.

2. GIẢI THOÁT BẰNG TRI KIẾN

(04:57) Còn người không vô minh thì họ vui vẻ, họ thấy tất cả các pháp đều vô thường, có gì đâu mà khổ. Còn những người vô minh khổ lắm, cho nên người ta hiểu lầm lạc, nghĩ lầm lạc một chút người ta vẫn khổ.

Ví dụ như các con thấy như cô Út, cô ấy hiểu lầm lạc. Thầy thấy cô Út hay quên như cái ống khóa - cái chìa khóa - cô quên nên không mở được phải lấy kìm cắt ống khóa để mở cửa cho mọi người vô khất thực. Cho nên Thầy bảo chú (05:32) …​ theo cô Út lấy chìa khóa cho Thầy để không lát nữa cô bỏ quên rồi chạy đi tìm kiếm, mất thời giờ. Thay vì bây giờ cô mở xong rồi đưa Thầy cô lại không hiểu, nói Thầy đòi ống khóa, đòi chìa khóa cho nên cô đem trả cho Thầy mà cô buồn.

Thầy thấy mình cũng vô tình, chứ lẽ ra thì mình vì ống khóa một chút mà mới nói ra lời nói đó. Nhưng khi thấy cô như vậy Thầy thương chứ Thầy không có ghét. Tại cô Út không hiểu tưởng Thầy coi cái chìa, cái ống khóa trọng quá mới đi đòi, cô hiểu như vậy. Nhưng sự thật Thầy thương cổ mà cổ không hiểu, cổ nghĩ Thầy coi cổ không ra gì hết - cô nghĩ vậy - đến cái chìa khóa mà cũng đi đòi nữa, còn phải biểu người theo giữ nữa. Cái hiểu của cổ mà, cho nên cái hiểu đó làm cổ đau khổ.

(06:25) Thầy nguyện cuộc đời của Thầy, Thầy sẽ giúp cô Út thoát ra những cái tâm không hiểu đó, để cho cô được yên ổn, được yên vui. Theo Thầy thiết nghĩ cô Út nhiều công việc quá nên đầu óc của cô bận rộn quá cho nên hở có chuyện gì là cô nghĩ qua góc độ khác làm cho cô đau khổ. Đáng thương chứ không phải đáng ghét đâu các con!

Chúng ta là những người hiểu biết, chúng ta có sự hiểu biết, tỉnh táo không bị rối. Cho nên Thầy biết cô Út để chìa khóa mạnh xuống tức là cô…​! Nhưng làm cho cô nhẹ xuống Thầy rất vui. Nếu mà một người khác ở ngoài đời, người ta thấy cô Út để mạnh như vậy là dằn lên trên đầu Thầy, nếu nghĩ vậy Thầy sẽ tức lắm. Nhưng Thầy không nghĩ vậy đâu mà Thầy nghĩ Thầy thương cô Út nhiều.

Thầy lấy kinh nghiệm hiện tiền trước mắt các con đã thấy; cô Út là người rất cực khổ với các con, cô Út rất thương yêu các con nhưng vì tâm niệm của cô Út hiểu lệch cho nên làm cho cô khổ. Thầy mong rằng cái lớp học này mà được cô Út tham dự thì cô sẽ triển khai được tri kiến; khi mà Thầy hướng dẫn thì cổ sẽ không khổ đau.

Bởi vì con người giải thoát được đều là nhờ sự hiểu biết. Cho nên đức Phật nói “Tri Kiến Giải Thoát”; các con nghe đầu tiên đức Phật dạy Giới, Định, Tuệ rồi Tri kiến, tri kiến giải thoát - năm cây hương: Giới hương, định hương, dữ huệ hương, giải thoát, giải thoát tri kiến hương - các con nghe năm cây hương này không? Nhưng mà cái giải thoát cuối cùng của nó là Giải thoát tri kiến chứ. Dù là mình có Giới, Định, Tuệ nhưng mà mục đích là giải thoát bằng tri kiến, có đúng không các con? Cái bài niệm hương mình rõ ràng mà.

Như vậy rõ ràng là tri kiến làm chúng ta giải thoát mà cái bài học này có phải là tri kiến không các con? Hay là trí tuệ? Đâu có trí tuệ! Ý thức của chúng ta là tri kiến, cho nên Thầy triển khai tri kiến của các con.

Thầy muốn làm sao cho Cô Út có thời giờ được học như thế này để tri kiến được triển khai ra. Khi mà triển khai ra thì Cô Út không có nghĩ sai đâu!

Cũng như các con không được triển khai, các con còn phiền não. Chứ triển khai ra các con còn phiền não không? Các con đâu có nghĩ sai! Mà không nghĩ sai đó là Chánh Kiến. Bởi vì tà kiến mới khổ đau chứ Chánh Kiến đâu có khổ đau, đã chánh thì đâu còn giận, đã chánh thì đâu còn ghét ai! Mà nếu các con có tâm nghĩ người ta xấu thì các con là tà kiến chứ đâu có chánh được. Cho nên lớp Chánh Kiến của chúng ta thật tuyệt vời, vậy thì chúng ta phải tu học lớp này chứ!

(09:09) Nhưng mà người có duyên - các con thấy, bao người ngồi trước mặt Thầy, còn bao nhiêu người trên hành tinh này chưa được học lớp này? Họ kém duyên lắm cho nên chúng ta phải thương yêu họ nhiều.

Bây giờ trong Tu viện chúng ta, bao nhiêu người được học mà bao nhiêu người không được học, vậy chúng ta phải thương người chưa đủ duyên và Thầy nguyện tất cả chúng sanh trên hành tinh này, nguyện đem cuộc đời tu hành của Thầy thương yêu họ và cố gắng giúp họ, dù bất cứ là người nào Thầy sẽ đem tri kiến giải thoát cho họ. Đó là mục đích tối hậu trong năm cây hương tâm mà đức Phật dạy chúng ta hàng ngày để niệm hương; Hương đó là hương tâm chứ không phải là cây nhang để đốt.

Mà Giải thoát tri kiến hương là cây hương cuối cùng của đời người tu hành giải thoát chứ có nói thiền định đâu phải không? Giới hương, định hương, dữ huệ hương. Ba cái này nó nằm trước cuối cùng thì sử dụng có Giải thoát tri kiến hương. Các con nhớ!

Thầy nói đây, chúng ta không phải là những người che đậy, nói xấu ai nhưng chúng ta phải hiểu biết và thương yêu. Sự hiểu biết và thương yêu giúp đỡ chúng ta rất nhiều các con, giúp đỡ cho mình được giải thoát không còn cái ác pháp, không còn nhân ác.

Giúp đỡ cho người, mình tìm cách giúp đỡ bằng cách nào? Thứ nhất, mình chưa giúp được thì “im lặng như Thánh”, như hồi nãy cô Út gõ ở đây Thầy im lặng như Thánh, các con thấy không? Đó là thứ nhất. Cái thứ hai, bởi vì lúc bấy giờ mình nói ra lời gì cũng đều có sự buồn phiền không ít; cho nên biết cách, nhớ “im lặng như Thánh” là đệ nhất pháp.

(10:55) Kế đó mình tìm mọi cách chuyển hoá được khổ đau của người khác, đó là mình biết thương người. Đừng nên mình dồn họ vào bức tường, đừng nên dồn họ vào bức tường khổ đau. Nếu mình có quyền lực, mình có khả năng nhiều khi mình dồn người ta vào bức tường, mình diệt người ta chết trong đau khổ thì mình không phải là con người đạo đức đâu mấy con. Mình có thế, có khả năng, mình khôn ngoan hơn, khéo léo hơn, mình dồn họ vào bức tường để giết họ thì điều đó không nên. Mà mình phải cởi mở để giúp họ vượt thoát ra khỏi đau khổ của chính họ, đấy mới thật sự là con người của đạo Phật, mới thực sự là con người có đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình khổ người.

Những lời Thầy dạy các con là những bài học đạo đức thật sự, những tâm niệm chân thật từ lòng của một vị Thầy luôn luôn lúc nào cũng thương người. Và Thầy mong những người đệ tử của Thầy lúc nào cũng thực hiện được lòng thương yêu, lòng yêu thương ấy tức là tâm đại từ, đại bi của Phật giáo. Các con nhớ kỹ lời Thầy!

3. SIÊNG NĂNG LÀM BÀI TRI KIẾN VỀ NHÂN QUẢ

(12:08) Bây giờ cũng sắp sửa tới giờ chúng ta đi khất thực, chúng ta phải về nghỉ một chút. Hôm nay, lớp học của chúng ta tạm đủ cho một buổi. Rồi buổi chiều, Thầy còn tiếp tục lớp buổi chiều nữa, để cho xong ngày hôm nay cả hai lớp tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác.

Đồng thời Thầy cố gắng sửa bài cho các con, vừa học lớp này vừa trả bài để cho các con tiếp tục triển khai tri kiến của các con thêm và gợi ý thêm trên con đường…​ Đây là bài mà các con sắp làm tiếp tục đó là “Đường đi của nhân quả con người”. Cái bài này là bài quan trọng nhất trong cuộc đời tu hành của các con trong tri kiến giải thoát mà thấy các pháp trong vũ trụ này như thật.

(12:57) Học, hiểu như thế nào gọi là như thật thì các con phải ráng siêng năng. Các con hết giấy, Thầy cấp giấy vì giấy Phật tử đã cúng dường cho các con học; hết viết Thầy cấp viết cho các con. Các con đừng sợ không có bút, đừng sợ không giấy, lúc nào Thầy cũng sẵn sàng giúp các con triển khai tri kiến của các con.

Nếu không giấy, không bút các con tính nhẩm không đủ đâu. Tính nhẩm trong đầu, tư duy suy nghĩ trong đầu, quán trong đầu nó chỉ có một chút mà thôi, còn mình viết ra đây bằng chữ nghĩa hiện tiền: “Tôi hiểu như vậy, tôi biết như vậy, bây giờ tôi muốn thêm nữa mà tôi nhẩm lại cái hồi nãy mà tôi đã viết thì tôi biết đây là chưa có sâu sắc". Bao nhiêu đó nhẩm đi nhẩm lại mình thấy chưa có triển khai được tri kiến của mình.

Nhờ bài viết này càng lúc tôi triển khai càng sâu hơn nữa, càng hiểu biết sâu hơn nữa; mà hiểu biết càng nhiều càng sâu thì nó trở thành như thật, đơn giản lắm! Cho nên phải siêng năng, Thầy chịu khó với các con. Thậm chí trong một tuần lễ các con nộp bài, có nhiều người nộp bốn năm bài mà càng chấm bài nhiều của các con Thầy rất cực. Mặc dù Thầy cực thật, phải đọc các bài của các con - các con biết tập sách như thế này mà mỗi người Thầy phải đọc từ đầu chí cuối, cái đầu của Thầy nó làm việc như gió chứ lơ mơ chịu không nổi.

Cứ nhẩm lại bài người này cũng nói vậy, bài người kia cũng nói vậy. Phải chi có ý gì khác thì cũng thích thú đọc, còn này nhẩm đi nhẩm lại có bao nhiêu đó mà lại phải đọc cho kỹ, phải đi truy tìm coi sai chỗ nào? Các con hiểu chỗ đó! Cho nên các con càng làm bài nhiều thì Thầy mừng, đệ tử siêng năng!

Nhưng các con phải làm, phải có triển khai những cái mới mẻ, chứ các con làm bài này nó nhẩm lại bài kia, bài nào cũng giống nhau mà bắt Thầy đọc tội Thầy lắm! Phải triển khai thật sự để công tu tập của các con không phí, mà cái công của Thầy nhìn lại để giúp các con cũng không phí. Còn các con viết nhiều mà có bao nhiêu đó viết hoài.

Các con triển khai cái mới, các con viết thì Thầy khen học trò của Thầy tiến bộ mà các con không triển khai được: “Thôi cái bài này, đọc qua cái bài này nghe nó rụng rời. Nó không triển khai mà bắt mình đọc, cực lắm! Vừa đọc bài kia giờ đọc bài này cũng bao nhiêu đó không có mới gì hết. Hồi nãy làm bài cây mía rồi giờ cũng nói cây mía nữa thành ra tối ngày ăn cây mía không”. Các con hiểu điều đó chưa?

(15:31) Cho nên khi mà viết bài mới phải suy nghĩ có cái gì mới viết ra. Hồi nãy mình nói cây mía rồi giờ mình nói cây bông lau đi cho nó khác một chút hoặc là mình nói cây sặc, cây cỏ ống thì cũng được chứ! Các con hiểu điều đó? Như vậy là nó có sự thay đổi trong đó, tức là mình có sự truy tìm.

Có một thiền sinh ở đây nói: “Thầy ơi, con hết biết rồi! Nói về thảo mộc con hết biết rồi, con chạy vòng vòng, con nhìn cây này cây kia có cái gì chưa biết con viết vô”. Đó là sự truy tìm, để triển khai sự hiểu biết của các con. Mình nhìn lại coi hổm rày Thầy chưa thấy viết cây sứ, nó bị lọt sổ rồi, tại vì không chịu chạy đi tìm.

Có nhiều cái để chúng ta triển khai để chúng ta nói cái đặc tướng, đặc tính của nó, mỗi cái nó có…​ Và đồng thời chúng ta áp dụng vào đặc tướng, đặc tính của nhân quả con người cho sâu sắc hơn, áp dụng vào đời sống của mình để triển khai áp dụng hóa giải những ác pháp trong tâm của chúng ta cho nên chúng ta xả tâm nhờ nó dữ lắm.

Cho nên cái lớp này, Thầy nói mãn cái lớp này rồi, các con sẽ biết rằng đầu óc của các con; các con cầm cây bút viết ra cái gì là nó không sai, nó hơn bài của các ông thầy giáo dạy văn. Các con viết văn, người ta dạy cho các con tự triển khai ra viết chứ không phải là lặp lại cái mẫu mà ông thầy giải cái đề tài đó.

Các con cứ lặp lại cái mẫu đó thôi, còn khi nào làm biếng thì lấy bài mẫu chép vô thì như vậy là cuộc đời các con tiêu rồi, học văn mà cái kiểu chép bài, copy là thôi rồi. Còn cái này không được các con, các con viết như vậy theo kiểu của các con, các con hiểu như vậy các con viết như vậy rồi các con triển khai tìm hiểu các con viết ra thì nó biểu hiện lên cái sự tu tập của mấy con rất lớn.

(17:36) Cho nên qua cái bài học này Thầy biết người nào siêng, người nào lười biếng. Có người viết mấy chữ thôi, biểu làm thêm nữa thì cũng viết mấy chữ thôi. Đó kêu là học trò cúp cua, học trò làm biếng đó. Có người lại nghĩ như thế này: “Thôi mình tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác, mình vô Định cho chắc ăn. Viết chi cho nó mệt”. Nghĩ như vậy là các con đã sai lắm.

Bởi vì các con nghe: “Giới, Định, Tuệ”. Ba cây hương đầu tiên đâu có quan trọng, tới cuối cùng cây hương thứ năm “Tri kiến giải thoát” các con thấy, quan trọng ghê gớm! Cái chỗ giải thoát đâu phải ở trong Định. Trong Định các con như gốc cây mà các con giải thoát kiểu gì, như cục đá thì nó giải thoát gì. Còn giải thoát, người ta sống bình thường ở trong tri kiến người ta ai đụng tới nó được không; còn nếu không có tri kiến người ta đụng các con thử coi, các con khóc lóc um sùm, đau bệnh thì rên la đi bác sĩ không kịp.

Còn có tri kiến giải thoát, các con có hèn hạ đâu mà ngồi đó mà khóc. Từ chỗ đó mình thấy cái tri kiến của mình nó chủ động, nó điều khiển được tất cả cuộc sống của mình, nó làm chủ được sự sống cho nên các con nên quan tâm về những cái bài này lắm, cho nên cố gắng mà làm, cố gắng mà học.

Bây giờ các con sẽ nghỉ, rồi cái này buổi chiều Thầy sẽ trả bài lại cho các con.

(19:03) Tu sinh: Bạch Thầy! Chừng nào tụi con có tụ họp lại, thưa Thầy ?

Trưởng Lão: Ngày mai là bên nữ, ngày mốt các con tụ họp lại tu. Nghĩa là một ngày nghỉ, một ngày tu. Chiều nay Thầy soạn bài cho số bên nam nữa, là buổi chiều ngày nay là hết lớp nam rồi đó. Một ngày là hết lớp nam, rồi ngày mai bên nữ. Rồi Thầy sẽ sắp xếp. Bây giờ Thầy phân lớp rồi đó, Thầy sắp xếp cho các con rồi Thầy cho cái tuần nào đó Thầy mới dạy các con, các con cứ về tu. Còn bài luận này thì các con làm để nộp cho Thầy.

Tu sinh: Ngày mốt gặp nhau phải không, thưa Thầy?

Trưởng Lão: Ngày mốt là các con gặp hết, các lớp nam gặp hết, nghĩa là cả hai lớp nhập lại để Thầy giảng về Định Vô Lậu. Rồi sau đó người nào có giấy mời thì được mời riêng để Thầy chỉnh lại vấn đề tu tập nhiếp tâm sai hay đúng. Còn khi mà Thầy không mời thì các con cứ yên tâm mà tu. Rồi Thầy sắp xếp lớp người nhiếp tâm, an trú tâm cỡ nào. Đó là cái việc làm của Thầy để mà sắp lớp cho các con.

Bây giờ Thầy cho các con đi như vậy là Thầy xem xét rồi sau đó Thầy mới sắp lớp. Người nào có giấy mời tức là có nhiếp tâm sai hay là điều gì đó thì mới có mời, còn không sai thì các con cứ tu. Các con yên tâm chừng nào có giấy mời thì mới xanh mặt thôi! Lo tu tập thôi, không có thì cứ yên tâm. Nói chung là có giấy mời Thầy không có điều tra gì đâu chỉ bắt sửa lại.

Tu sinh: Bạch Thầy, sau nữa là sắp lớp lần nữa phải không, thưa Thầy?

Trưởng Lão: Ờ con, chưa xong! Bắt đầu các con về lớp. Các con đảnh lễ Phật đi rồi chúng ta sẽ lui.

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy