00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

CK 007A - (NAM) - TÂM VÔ LẬU - NHÂN QUẢ THẢO MỘC - CHÁNH NIỆM TỈNH-GIÁC - TƯỞNG - TỔ CHỨC MÔI TRƯỜNG TU TẬP

CK 007A - (NAM) - TÂM VÔ LẬU - NHÂN QUẢ THẢO MỘC - CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC - TƯỞNG - TỔ CHỨC MÔI TRƯỜNG TU TẬP

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu sinh

Thời gian: 11/2005

Thời lượng: [44:42]

1. NHÂN DUYÊN THẦY THAY ĐỔI LẠI CÁCH TỔ CHỨC LỚP HỌC

(00:00) Trưởng lão: Nó có những cái ô, nghĩa là quý thầy sẽ đến mà ngồi ngay giữa cái ô đó, cái ô đó người thợ hồ họ làm cái ô đó nó có kích thước của nó để có khoảng cách khi chúng ta ngồi. Cho nên khi nhìn vào lớp Thầy thuyết giảng hôm Phật tử đến nghe thuyết giảng thì mỗi người không có ngồi kiểu kẻ ngồi xít vô, kẻ ngồi ra vầy, thưa thưa nhau, mà ngồi ngay cái ô của cái gạch men người ta xây. Cho nên nhìn vào cái lớp học thật sự ra thì đây là Thầy không có đến Phật Quang nhưng mà Thầy đã nhìn qua cái hình ảnh và cái lối tổ chức của thầy Chơn Quang, rất là hay, rất chặt chẽ. Cho nên mỗi tu sĩ đều ngồi trong cái ô đó, cho nên thẳng hàng thẳng lối như là lính vậy đó, không có sai chút nào. Đó là cách thức tổ chức của người ta khéo, còn mình bây giờ ở đây thì muốn ngồi sao cũng được, thành ra người ta thấy tổ chức của mình quá luộm thuộm.

Do như vậy Thầy nghĩ rằng từ xưa đến giờ thì Thầy cũng không có chú ý về vấn đề mà tổ chức lớp học, mà chỉ thuyết giảng nói để về mà tu tập thôi. Nhưng trải qua thời gian thấy sự tu tập tự tu, nghe thuyết giảng rồi tự tu, thì kết quả tu tập nó quá ít. Nó không có đạt được cái chất lượng mà theo ý muốn của Thầy.

Thầy nghiên cứu kỹ thì Thầy thấy cái đường lối tu tập của đạo Phật nó là chương trình giáo dục đào tạo, chứ không phải là tự tu mà đạt được. Ngày xưa thì không có giấy, không có mực, cho nên đức Phật giảng rồi thì cái người xưa họ ngẫm đi ngẫm lại trong đầu theo cái lý mà Phật đã dạy. Cho nên rồi họ thấu suốt cái lý chân thật của các pháp, rồi do họ thấu được cái lý chân thật. Thầy thấy là, khi mà tư duy, quán xét, thì dường như là mấy con quá lộn xộn, không có đi vào cái sự tư duy cho nó có thứ tự của một cái đề tài.

(02:29) Cho nên hôm nay buộc lòng Thầy phải coi từng phần của nhân quả, vì hầu như Thầy đã đọc lại tất cả những bài mà các con viết, thì hầu như các con thường viết bài nhân quả tổng thể, nói về nhân quả chung chung, nói đủ thứ, nhưng mà nói chút chứ không sâu.

Cho nên buộc lòng Thầy, hiểu biết về cái sự mà tư duy ngẫm ở trong đầu đó nó không sâu đâu, nó chỉ cạn quá vì chút chút rồi ghép đó đưa Thầy. Một cái bài pháp nhân quả tổng thể, lúc thì nói về vũ trụ quan, lúc thì nói về nhân sinh quan, lúc thì nói về tư duy thảo mộc, lúc thì nói về thời tiết, mấy con hiểu chút chút chút chứ không sâu.

Cho nên hôm nay cái bài của chúng ta cho vào để xoáy mạnh vào cái đối tượng của nhân quả, để chúng ta hiểu sâu về cái nhân quả đó. Ví dụ nhân quả của thảo mộc thì mấy con lại nói về nhân quả thời tiết, chuyển đổi nhân quả. Ví dụ như cái hạt này mà muốn cho nó trở thành cái hạt giống tốt thì đó là nhân quả chuyển đổi, chứ đâu phải là nhân quả thảo mộc. Chuyển đổi cái nhân quả của nó, làm cho nó tốt hơn hoặc làm nó tệ hơn, xấu hơn. Đó là sự chuyển đổi của nhân quả.

Cho nên cái phần nào nó phải nói cho rõ ràng phần nấy, chúng ta hay nói lộn xộn thành ra đọc cái bài thấy như là chúng ta tổng hợp. Nhưng mà nhiều khi có những bài tổng hợp rất nông. Thật ra Thầy có biết do cái sự hiểu biết của mấy con đối với Phật pháp đó, hiểu chung chung, cho nên không có thâm sâu.

(04:40) Vì vậy mà hôm nay buộc lòng tu Định Vô Lậu chúng ta phải hiểu cái như thật và thâm sâu những phương pháp gọi là Định Vô Lậu đó, những điều kiện cần hiểu như thật và rất sâu. Để làm gì? Để vô lậu! Để chúng ta không còn phiền não đau khổ, mà chính vô lậu mới chứng quả A La Hán. Chứng quả A La Hán ở cái chỗ vô lậu chứ không phải chứng quả A La Hán ở chỗ Tam Minh Lục Thông. Nhưng mà khi tâm vô lậu thì nó có đủ Tứ Thần Túc cho nên Tam Minh Lục Thông nó phải có, chứ không phải chúng ta tu tập Tam Minh Lục Thông, mà chỉ vì chúng ta tu tập tâm vô lậu, mục đích là làm sao tâm vô lậu.

Cho nên chúng ta phải biết cái điều kiện này cần thiết mà cái hiểu biết để tâm vô lậu đó là tri kiến giải thoát, cái sự hiểu biết giải thoát chứ không phải thiền định.

Cho nên ở đây đức Phật nói Định Vô Lậu, chứ không phải nói thiền định giải thoát, cũng không nói Phật tánh giải thoát, cũng không nói Cực Lạc giải thoát, mà ở đây nói Định Vô Lậu và mục đích làm cho chúng ta hết lậu hoặc mà thôi. Đó là cái mục đích của đạo Phật, chúng ta hiểu được cái đích của nó, cái chân lý của nó để mà chúng ta đi vào cái sự thật.

2. CHUYỂN ĐỔI NHÂN QUẢ THẢO MỘC

(06:02) Cho nên bắt đầu chúng ta luận về nhân quả, thì đầu tiên cái mình tập, cụ thể nhất của nhân quả là chỉ có nhân quả thảo mộc nó cụ thể nhất. Rồi tới đây thì các con sẽ tiếp tục làm bài chuyển hóa nhân quả, cũng trên thảo mộc chuyển hóa nhân quả thảo mộc, nó đi từng phần.

Cái bài hiện giờ các con nói về nhân quả thảo mộc, nhân là hạt, quả là trái. Nói làm sao cho cụ thể rõ ràng người ta nhận ra được, đơn giản, ngắn gọn, đầy đủ. Đó là mấy con làm bài luận. Bởi vì nhân quả phải nói đúng, nói gọn, nói nhẹ, dễ hiểu để khi người ta đọc vào người ta thấy đây là nhân đây là quả, thì hiểu rõ. Mà đây là nhân quả của loài thảo mộc, rồi chúng ta chuyển đổi nhân quả, chuyển đổi nhân quả của loài thảo mộc.

Từ một cây cam chua chúng ta chuyển thành cây cam ngọt, từ một cái cây cam mà chúng ta muốn giữ cái giống của cây cam đó bằng cách, chúng ta chuyển đổi, cắt một cái cành của cây cam đó trồng ra, làm cho chúng ta giảm bớt cái thời gian. Tức là chúng ta tạo một cái duyên, cái duyên để cho cái cây cam đó nó nhanh hơn là gieo một cái hạt.

Cho nên một cái cành dây Lan, một cái cành cây chúng ta cắt chúng ta trồng, thì đó cũng là cái nhân, cái nhân của cái cành dây Lan, là cái nhân của cây. Chúng ta nói cái nhân của hạt cho đến cái nhân của sự chiết cành, cái nhân của sự cắt một cái cây, cắt một sợi dây ghim xuống, lên thành ra trái hoặc củ, đều là nhân.

(08:06) Và từ cái chỗ nhân là cái hạt mà lên, từ chỗ cái nhân bằng cái chiết một cái cành, đó là cái sự chuyển đổi nhân quả. Làm cho nhân quả đó nó nhẹ đi, làm cho nhân quả nó tốt hơn, nhân quả nó không còn cay đắng hơn, nó không còn chua chát hơn. Do đó chúng ta làm, do cái chuyển đổi đó bằng cái bàn tay, bằng cái trí óc của chúng ta làm cho nó trở thành tốt đẹp hơn.

Để rồi xong chúng ta nói về nhân quả con người, chúng ta cũng chuyển đổi cái nhân quả của chúng ta bằng cái trí óc, bằng cái sự hiểu biết của chúng ta để chuyển đổi được nhân quả.

Bởi vì xác định rằng, sự thật chúng ta chuyển đổi được nhân quả chứ không phải nhân quả cố định. Như từ hồi xưa đến giờ người ta nói định mệnh, thuyết đó sai, không đúng! Bởi vì rõ ràng là từ cái hạt cái cây, cái hạt nó lên, cái giống nó chua mà chúng ta biến dần nó chuyển đổi nó thành trái ngọt lành.

Cũng như cái người sống trong quả khổ, mà chúng ta chuyển lần cái quả khổ nó sẽ hết. Cũng như người đó hai mươi tuổi chết, chúng ta dùng nhân quả chúng ta chuyển người đó làm thiện thì người đó sẽ sống tám mươi tuổi. Chứ không phải cố định cái số mạng của người đó phải hai mươi tuổi là bắt buộc hai mươi tuổi.

Ở đây chúng ta nhìn cái sự thật, tư duy sự thật của nhân quả. Cho nên chúng ta phải thấy rõ được cái điều mà chúng ta muốn nói đây là nói sự thật và chứng minh khoa học sự thật, để chúng ta chuyển đổi nhân quả chứ không phải nhân quả là cố định. Bởi vì đó là những lập luận của ngươi xưa, người ta cho đó là thuyết định mệnh. Vì vậy mà thiên định, định cho mình cái số mệnh như vậy, mình phải trả như vậy chứ không còn cải được nữa, đó là chuyện sai. Cho nên cái câu chuyện mà vua Lưu Ly mà giết dòng họ Thích, điều đó là điều sai.

Ở đây Thầy nói như vậy các thầy các con đều nỗ lực làm bài đầy đủ, Thầy chịu khó chấm bài và trong mỗi bài Thầy đều có nhắc: "Bài viết nhân quả còn thiếu nhiều" nghĩa là những bài nào mà Thầy nói còn thiếu nhiều, thì lưu ý cái phần thiếu đó mình viết trở lại, nhiều lần viết, mình học nhiều lần vậy thấm nhuần được lý nhân quả.

(10:27) Trong bài này chỉ nói lên được có nhân quả chuyển đổi, nghĩa là cái người viết bài này chỉ có nói được cái nhân quả chuyển đổi mà thôi, còn tất cả những cái khác đều thiếu. Bây giờ tôi đưa cái hạt giống này, nơi cái đất mà khô cằn cỗi cho hạt giống này lên èo ọt và đồng thời nó không có ra hoa quả. Tôi đem hạt giống này vào đất màu mỡ, rồi bón phân chăm sóc nhổ cỏ cho nên cái cây này phát triển, nó cho hoa quả. Nhưng cây ớt nó vẫn cho quả cay, không thể nào mà trái ớt ngọt được. Chua thì nó cho trái cam chua.

Cho nên cái duyên hợp, tức là chúng ta nói nhân quả duyên hợp, cái chỗ đó chúng ta nói nhân quả duyên hợp. Còn nhân quả chuyển đổi là làm cho từ trái cam chua trở thành trái cam ngọt, đó là chuyển đổi. Còn nhân quả duyên hợp, nghĩa là chúng ta tạo cho nó hợp được cái duyên để nó lên thành cái cây nó nhanh nó chóng, đó mình phải phân biệt cho rõ được những điều đó.

Tại sau khi mình nói về nhân quả con người thì mình đem những cái này ra mình chứng minh nó cụ thể, đó là cái sự thật. Cho nên khi mà chúng ta ngẫm rõ ràng về cái nhân quả thì chúng ta thấy rằng, mình thông suốt cho nên tất cả mọi sự việc xảy ra trên cuộc đời này đều là nhân quả, cho nên chúng ta cứ bình an, sống thanh thản, không hề buồn lo, sợ hãi.

Cho nên cái sự học của chúng ta là cái sự rất quý làm cho tâm chúng ta vô lậu thật sự, nếu chúng ta không hiểu, mà hiểu một cách lờ mờ như thế này thì chúng ta chưa thâm sâu, chưa thâm sâu thì cái tâm chúng ta chưa xả sạch, do đó còn lậu hoặc.

Người tu ai cũng có cái hiểu, nhưng mà cái hiểu nó sơ sơ, cái hiểu tổng thể. Cho nên nó không đi sâu vào, vì thế mà tâm chúng ta chưa xả được.

3. THỜI KHÓA TU CỦA THẦY CHƠN THÀNH

(12:55) Còn về phần Chánh Niệm Tỉnh Giác, ở đây Thầy thấy thời khóa của thầy Chơn Thành, chắc chắn là không có người nào mà xếp vào cái thời khóa này mà tu được. Thầy biết ở đây không ai xếp vào cái thời khóa như thầy Chơn Thành được, nghĩa là buổi sáng từ bảy giờ đến tám giờ, rồi từ tám giờ đến chín giờ, chín giờ đến mười giờ. Cứ mỗi giờ đồng hồ vậy thầy có thể tu một pháp môn, hoặc là thầy tu Thân Hành Niệm - Tứ Niệm Xứ, rồi Thân Hành Niệm - Tứ Niệm Xứ. Tức là những pháp đó thầy trở đi trở lại, thay đổi trong từng giờ từng phút thầy tu, nhưng mà thầy tu suốt.

Nghĩa là bảy giờ đến tám giờ sáng, tám giờ đến chín giờ, cho đến mười giờ đến mười giờ rưỡi, mười giờ rưỡi đến mười một giờ thì thầy mới nghỉ, thầy tu tới mười một giờ thầy mới nghỉ. Từ đó thầy mới tu mười một giờ đến mười bốn giờ thì khoảng thời gian đó, mười một giờ thầy đi khất thực và đến mười bốn giờ thầy tịnh chỉ, thầy nghỉ có khoảng thời gian buổi trưa. Và buổi chiều bắt đầu từ mười bốn giờ tức là hai giờ, thầy tu cho đến mười tám mười chín giờ, à mười tám giờ.

Nghĩa là buổi chiều thầy tu cho tới mười tám giờ, từ mười tám giờ đến mười chín giờ thầy tịnh chỉ nghỉ ngơi, vệ sinh cá nhân của mình. Từ mười chín giờ buổi tối, thầy tu từ mười chín giờ đến hai mươi giờ ba mươi, đến hai mươi bốn giờ. Nghĩa là từ mười chín giờ thầy tu tới hai mươi bốn giờ, hai mươi hai giờ ba mươi phút đến hai mươi bốn giờ khoảng đó thầy ngồi, và đồng thời hai mươi bốn giờ thầy tu luôn thầy không có ngủ, thầy tu luôn hai mươi bốn giờ. Thầy tu tới một giờ cho đến năm giờ ba mươi, từ năm giờ ba mươi cho tới năm giờ ba mươi thì thầy nghỉ. Năm giờ ba mươi cho đến sáu giờ thầy thư giãn trong buổi sáng đi quét đi dọn dẹp, thì suốt đêm thầy tu luôn và buổi trưa thầy chỉ nghỉ lại từ mười một giờ cho đến mười bốn giờ thì đi khất thực, và thọ trai rồi nghỉ một chút xíu rồi từ đó buổi chiều bắt đầu từ mười bốn giờ thầy tu trở lại tức là hai giờ.

(15:50) Như vậy thì thời khóa của thầy Chơn Thành thì chắc chắn là mấy con không thể theo nổi, bởi vì thầy thức suốt đêm thầy tu, rồi buổi trưa trưa thầy nghỉ có mấy tiếng đồng hồ thọ trai thôi, và chiều thầy cũng nghỉ có ba mươi phút thôi. Nghĩa là năm giờ ba mươi cho đến sáu giờ, chỉ có ba mươi phút thầy thư giãn, mà vẫn thư giãn ở trong Định Sáng Suốt.

Trong buổi sáng tức là sáng ra là thầy đi quét sân vậy thôi, có chút đó thôi rồi thầy tiếp tục vào tu nữa. Buổi chiều cũng vậy, cũng chỉ có mười tám giờ đến mười chín giờ tức là chỉ có một tiếng đồng hồ nghỉ ngơi trong buổi chiều. Để rồi tới bảy giờ là thầy tu trở lại, bảy giờ tối thầy tu trở lại.

Bởi vì thời gian của thầy coi như là thầy tu thầy dụng pháp thầy tu coi như với cái sự Chánh Niệm Tỉnh Giác thầy tu coi như gần suốt hết cái thời gian, chỉ còn một chút ít thời gian nữa mà thôi. Ăn và đi tắm đi quét, buổi chiều thì xả nghỉ ngơi một chút rồi thầy tiếp tục tu trở lại. Cho nên thời gian của thầy coi như là ngủ nghỉ của thầy quá ít, thầy chỉ có buổi trưa chỉ có nghỉ một chút mà thôi còn toàn bộ thầy không có ngủ.

Như vậy thì các thầy đều không thể sắp vào cái thời khóa này được, cho nên cái lớp này chỉ có riêng mình thầy Chơn Thành tu mà thôi.

(17:24) Còn cái thời gian của mấy con sắp xếp từ buổi tối từ bảy giờ cho đến mười giờ. Theo cái thời gian đó thì mấy con tu tập, có người thì tu nổi nhưng mà có người thì tu không nổi. Tức là cái thời gian từ bảy giờ cho đến mười giờ mười, hai giờ thức dậy tiếp tục tu cho tới năm giờ buổi khuya, thì có người tu được mà có người rất là uể oải.

Do đó Thầy mong rằng cái lớp của mấy con được sắp xếp theo đúng cái đặc tướng của mình, để rồi lần lượt tu lên rồi cuối cùng mình chiếm trọn hai mươi bốn giờ trên hai mươi bốn giờ, để đẩy lui tất cả tham, sân, si của mình. Như các con biết Định Vô Lậu nó sẽ quét sạch những cái tham - sân của chúng ta, nhưng cái Định Chánh Niệm Tỉnh Giác nó trợ giúp nó quét tâm si của chúng ta, tức là hôn trầm thùy miên. Cho nên hai cái pháp tu hành nó đều nhắm vào mục đích quét tham - sân - si, quét tham - sân - si.

Nếu tu Định Vô Lậu không mà không có đi kinh hành, không có Chánh Niệm Tỉnh Giác, thì chắc chắn là chúng ta sẽ không thắng được tham - sân - si, vì Định Vô Lậu quét được tham - sân. Nếu mà khi chúng ta dùng Định Vô Lậu mà chúng ta không đủ sức tỉnh thì chúng ta bị hôn trầm thùy miên, do đó chúng ta không thể quét được tham - sân. Cho nên buộc lòng hai pháp này chúng ta nương tựa hai pháp này, mà chúng ta tiến tới tu thì chúng ta sẽ quét sạch tham - sân - si. Và khi quét sạch được tham, sân, si, thì đó là cái kết quả của cái người tu xong, không có gì mà khó khăn. Mục đích chúng ta là làm hết tham, sân, si là chúng ta đạt được đạo.

4. TRẠNG THÁI CỦA TƯỞNG

(19:10) Ở đây là cái thời khóa của thầy Chơn Thành ghi lại và để Thầy xem xét có người nào mà tu tập đúng, được như vậy, thì xếp vào cái lớp này. Và đồng thời có một thầy cũng thức rất là tốt, nhưng thầy bị lọt vào trong tưởng. Thầy cũng thức suốt đêm được, thầy cũng không có buồn ngủ nhưng thầy bị rơi vào trong tưởng do cái sự ức chế tâm của mình. Cho nên ý thức hoàn toàn bị lạc mà thầy bị rơi vào trong tưởng, cho nên vì vậy mà một thời gian Thầy cố gắng giúp đỡ cho thầy khắc phục được và thầy có thể theo lớp của thầy Chơn Thành được. Tức là trong Tu viện chúng ta có hai người, nhưng mà phải khắc phục cái trạng thái tưởng thì mới có thể theo được, chứ còn không khắc phục được trạng thái tưởng thì không theo được.

(20:00) Bởi vì sức tỉnh thức của chúng ta yếu thì chúng ta còn bị hôn trầm thùy miên, sức tỉnh thức cao thì chúng ta sẽ không bị hôn trầm thùy miên. Nhưng rất là quan trọng khi mà tập tỉnh thức mà nếu mà thấy không có còn buồn ngủ thì chúng ta coi chừng chúng ta sẽ rơi vào trong trạng thái tưởng. Vì trong trạng thái tưởng nó không ngủ, nhưng có cái điều kiện là chúng ta làm sao tỉnh thức ở trong ý thức của chúng ta chứ không phải tưởng, không phải tỉnh thức ở trong cái tưởng thức. Cho nên lưu ý phần này, nếu mà tỉnh thức trong tưởng thức, thì nó sẽ có những hiện tượng xảy ra.

Nó có những hiện tượng xảy ra chúng ta sẽ nhận thấy, cơ thể rung, lúc lắc, đó là những hiện tượng mà tưởng hành. Những hiện tượng thần sắc hiện ra, ánh sáng hiện ra, đó là sắc tưởng. Những hiện tượng hiện ra bằng hương tưởng, mùi thơm hoặc là mùi thối. Những hiện tượng của tưởng hiện ra bằng những âm thanh tiếng chuông tiếng mõ hoặc lời nói trong tai của chúng ta tức là thinh tưởng. Và ngay đó những pháp tưởng thực hiện và xúc tưởng hỷ lạc cũng xuất hiện, do người mà tu tập thấy các trạng thái tưởng hiện ra thì mau mau tác ý dừng lại, và đồng thời xả bỏ ngay khi nhiếp tâm vào trạng thái đó, xả bỏ đứng dậy ngay liền, xả ra không được ngồi lâu.

Các thầy nhớ kỹ khi bị trạng thái tưởng nếu mà tác ý thấy nó không hết, không dừng, thì lúc bây giờ chúng ta xả đứng dậy hoặc chúng ta tập thư giãn trở lại bình thường để không còn trạng thái đó nữa. Thì con đường tu chúng ta mới có lối đi ra ngoài, còn nếu không thì chúng ta sẽ bít lối vì tất cả những trạng thái tưởng bắt đầu nó xuất hiện: Sắc - thinh - hương - vị - xúc - pháp tưởng đó là 6 cái tưởng đầu tiên nó xuất hiện.

(22:21) Nếu không khéo, chúng ta không biết cách thì tiếp tục nó sẽ xuất hiện sáu loại tưởng nữa, và cuối cùng sáu cái loại tưởng cuối cùng nó sẽ xuất hiện đầy đủ, và vì vậy mà mười tám loại hỷ tưởng đã xuất hiện đầy đủ.

Cho nên do như vậy khi thấy xuất hiện một hiện tượng nào thì ngay đầu tiên chúng ta dừng lại, và tất cả những hiện tượng của tưởng mà xuất hiện đầy đủ của mười tám loại hỷ tưởng, thì nói chung là các con sẽ mất bình thường và mất bình thường đấy. Các con sẽ trở thành giống như người điên mà người ta thường gọi là tẩu hỏa nhập ma. Hoặc có khi các con cứ nói lảm nhảm một mình, hoặc có khi lúc cười hoặc có khi lúc khóc, hoặc có khi đi lầm lũi, hoặc có khi chui trong hốc, núp tối, núp trong xó, hoặc có khi chúng ta không còn biết nữa mà chúng ta có khi chúng ta vấn y áo nhiều lớp trong người, hoặc có khi ở trần không có mặc. Trở thành một người không còn bình thường, một người điên không còn có sự hiểu biết.

Cho nên mà khi tu tập sai, thì hiện tượng đó thường hay xảy ra. Như thầy, ở đây có một vị sư về đây tu tập, do sự nhiếp tâm sai đó, hầu hết là mọi người ở đây người ta cũng đều biết vị thầy đó, vị đó ở An Giang. Khi bị những tưởng như vậy đó cho nên sư thầy lột cả y áo, thầy ở trần ở truồng, cho nên làm Phật tử người ta rất là sợ, rất là ngại ngùng, mà trong khi đó Phật tử rất là đông.

(24:29) Cho nên trong vấn đề mà tu tập về Chánh Niệm Tỉnh Giác, thì chúng ta quan trọng vấn đề là thấy một trạng thái gì mà không bình thường, thì ngay đó phải báo cáo cho Thầy biết liền hoặc là chúng ta dùng pháp Như Lý Tác Ý mà tác ý xả cái trạng thái đó ra liền, không được cho nó là hay cho nó là hỷ lạc mà nuôi dưỡng nó thì không tốt.

Thấy thân mà ngồi lúc lắc thì chúng ta ngay đó phải tác ý liền đừng để lâu mà rất khó xả, tất cả những sự tu tập về Chánh Niệm Tỉnh Giác thì phải lưu ý tất cả những trạng thái tưởng khi xuất hiện. Và như vậy thì mấy thầy mới có khắc phục được mình, còn nếu không thì mấy thầy sẽ bị lạc.

Và do như vậy thấy thầy Chơn Thành thức khuya tu tập như vậy thì các thầy phải lưu ý, và chính bản thân thầy Chơn Thành cũng lưu ý nơi tu tập của mình.

Vì trạng thái thức mà tu tập được như vậy đó, mà dễ dàng cho tưởng xen vào, bởi vì lúc bấy giờ chúng ta nhiếp tâm là không có niệm khởi, tức là không có ý thức ở trong tâm chúng ta nữa. Nghĩa là hoàn toàn với sự bất động yên lặng, ý thức không hoạt động, tức là nó không nghĩ một điều gì hết thì tưởng thức nhờ cái chỗ mà ý thức không hoạt động thì tưởng thức dễ hoạt động.

Còn một con người ý thức hoạt động thì cái tưởng thức khó hoạt động. Vì vậy khi nó có nhiều cái trạng thái mà làm cho chúng ta bị lạc nẻo trong cái sự tu tập. Ví dụ như chúng ta ngồi, mà nó thấy có một sự an ổn rồi cái đầu cứ cúi xuống cúi xuống, gom mãi cho đến khi người chúng ta lưng khòm, cần cổ nó cong, mà chúng ta thấy cả một sự an lạc thì coi chừng đó là xúc tưởng hỷ lạc do cái tưởng chúng ta ngồi lâu dài và chúng ta thấy rõ ràng là mình đang tỉnh nhưng mà sự thật ra mình đang bị tưởng.

(26:38) Cũng như mình đi Thân Hành Niệm, mình đi mà cái đầu nó cúi xuống như thế này để nó gom vào, thì coi chừng nó có một trạng thái hỷ lạc. Trên bước đi chúng ta thấy nó thích thú và đi mãi mà không mỏi chân, đi càng đi càng thấy thích, thì đó là coi chừng là trạng thái xúc tưởng hỷ lạc khởi hiện. Bây giờ chúng ta xét lại mình thấy không có niệm là có một sự an lạc và cái đầu chúng ta cứ cúi xuống, khom xuống, khom xuống mãi, mà càng khom xuống chúng ta càng thấy hỷ lạc, thì coi chừng chúng ta cũng lạc vào tưởng đó.

Cho nên khéo léo, khi nào ngồi thì chúng ta phải thẳng không được ngồi cúi đầu. Vì cái cúi đầu và thụng lưng dễ bị tưởng nhập vào, dễ bị tưởng hoạt động, chúng ta lưu ý phần đó.

Cho nên cái người tu thiền mà ngồi trạng thái hẳn hòi mà không ngả qua, không cúi xuống, không nghiêng qua bên đây, không ưỡn ngực là người đó sẽ không bị tưởng. Ngồi trên một cái ghế hoặc là ngồi bình thường, chúng ta vẫn ngồi thẳng đừng khọm lưng như thế này. Khọm lưng là trạng thái xúc tưởng hỷ lạc, cho nên chúng ta ngồi thẳng thì nghe nó chưa quen thì nghe nó mệt nhọc, nghe nó khó chịu nhưng quen rồi nó cũng bình thường.

Còn trái lại chúng ta cứ tạo cái tưởng cho nó nhảy vào thì chúng ta cứ ngồi khọm lưng nghe an ổn, thì sự an ổn đó tưởng dễ nhập. Cho nên một cái người ngủ các con thấy nó mới chiêm bao, là do họ không biết cách cho nên vì vậy mà cái ngủ chúng ta dễ chiêm bao lắm. Còn biết cách ngủ như nằm kiết tường thì không chiêm bao, nằm kiểu bình thường như mọi người thì dễ bị chiêm bao.

(28:25) Do tưởng hoạt động cho nên nó mới chiêm bao, vì vậy mà chọn cách thức nằm mà Đức Phật chọn cho chúng ta sau này gọi là nằm kiết tường là nằm nghiêng.

Trong nằm nghiêng thì giới luật thì nó là cái oai nghi của một người nằm, nó có cái hạnh kín đáo. Và đồng thời trong khi mà ngủ mà ít chiêm bao thì nằm kiết tường rất là ít chiêm bao, các con cứ lưu ý phần này đi. Khi chiêm bao là các con nằm không kiết tường cho nên nó bị chiêm bao mà thôi.

Vì vậy chúng ta thức nhiều thì tốt nhưng coi chừng lạc trong tưởng thì không tốt, cho nên khi bị lạc một chút thì chúng ta sửa lại chỉnh lại thì chúng ta sẽ được tu tập tốt hơn.

5. KẾT HỢP TU ĐỊNH VÔ LẬU VÀ CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC

(29:17) Bây giờ về cái phần bài luận hôm nay thì mấy con cũng đã được Thầy giảng nhiều về bài luận của các con. Vậy thì chúng ta sẽ còn nhiều bài luận, vì làm nhiều những cái bài luận này tức là chúng ta tu Định Vô Lậu, có sự tư duy quán xét.

Nhưng các con khi mà trong cái giờ mà tu Định Vô Lậu đó, thì các con làm bài, và trong thời gian làm bài đó dòng tư tưởng chúng ta còn đang tiếp diễn thì đến cái giờ tu khác, tức là tới cái giờ mà chúng ta đi kinh hành thì chúng ta dừng lại cái giờ đi kinh hành để thực hiện hoàn toàn cái Định Vô Lậu mà chúng ta đang ngồi tư duy hiểu biết. Đừng có nghĩ cái giờ này là cái giờ đi kinh hành chúng ta phải dừng lại.

Theo Thầy thiết nghĩ, dừng lại như vậy làm cho dòng tư tưởng của chúng ta bị đoạn, bị cắt đoạn. Chúng ta bỏ giờ tu đi kinh hành mà tiếp tục tu Định Vô Lậu. Chừng nào chúng ta làm xong bài hoặc là dòng tư tưởng chúng ta muốn thì chúng ta dừng lại để chúng ta đi kinh hành, và khi đi kinh hành chúng ta tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác làm cho chúng ta trở lại với cái trạng thái bình thường, và sau đó đến giờ Định Vô Lậu chúng ta ngồi lại thì có những dòng tư tưởng rất là tốt đẹp, sáng suốt, tiếp tục làm những bài luận chúng ta rất hay, và rất sâu về nhân quả. Cho nên khi dòng tư tưởng đang bị diễn tiến thì chúng ta không nên cắt, đó là để chúng ta triển khai tri kiến giải thoát của chúng ta về nhân quả.

Còn trái lại dòng tư tưởng chúng ta hết, thay vì chúng ta tu ba mươi phút mà chúng ta mới tư duy có mười lăm phút trong Định Vô Lậu. Mà lại dòng tư tưởng hết rồi, thì ngay đó chúng ta có thể đứng dậy, và đi kinh hành Chánh Niệm Tỉnh Giác giữ tâm bất động, im lặng. Để một lúc sau tới giờ Định Vô Lậu chúng ta ngồi lại dòng tư tưởng chúng ta sống lại và sâu hơn để chúng ta thấy rõ ràng.

Như vậy biết cách thực hiện được những điều này thì chúng ta sẽ triển khai được tri kiến nhân quả vô lậu của chúng ta rất là rõ. Còn nếu không biết, chúng ta ép buộc nó phải làm cho hết hoặc là chúng ta không biết để mà tu tập tỉnh thức để bổ sung cho sự Tỉnh Giác chúng ta thiên vào vô lậu thì tâm ta không triển khai được tri kiến giải thoát.

(32:07) Nhớ những điều Thầy dạy các con sẽ làm và kết quả rất lớn. Khi chúng ta không suy nghĩ được chúng ta sẽ ngồi yên lặng để sự yên lặng trong tâm chúng ta được nghỉ ngơi. Sau khi được nghỉ ngơi yên lặng thì bắt đầu đầu óc chúng ta làm việc trở lại và rất là sáng suốt và thành tựu rất cao. Nhớ những điều Thầy nói bổ sung nhau cho hai pháp Chánh Niệm Tỉnh Giác và Định Vô Lậu, hai pháp này phải được trợ duyên nhau, trợ lực nhau trên con đường tu tập.

Cho nên vừa tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác mà vừa có thời gian tu tập Định Vô Lậu. Và cuối cùng hai pháp này sẽ đưa chúng ta đến chứng quả giải thoát hoàn toàn. Hay nói một cách khác hơn là chứng đạt chân lý, khi đạt tới sự thật là chúng ta hết đau khổ của kiếp làm người.

Vậy thì bây giờ thì Thầy sẽ phát bài này ra cho mọi người về đọc lại, nó sẽ kỹ lưỡng hơn để làm bài, bởi vì chỉ có làm như thế này mới triển khai được tri kiến giải thoát của chúng ta. Người nào làm những cái bài mới thì hãy đem nộp cho Thầy, để Thầy chịu khó Thầy sẽ đọc và Thầy chấm bài.

6. THẦY TRẢ BÀI LUẬN CHO TU SINH

(34:15) Mấy con thấy rằng sự hiểu về nhân quả của mình chưa xoáy sâu, và như vậy cố gắng mà tu tập để cho Định Vô Lậu nó càng sâu hơn, và nó biến thành tất cả những sự hiểu biết của chúng ta như thật. Qua bài thứ hai mấy con viết về Nhân Quả Thảo Mộc thì chắc có tiến bộ hơn.

Bây giờ đây chỉ còn có Thanh Trí là không có mặt mà thôi. Thanh Trí, Thanh Trí con! Còn ai không có bài không? Mấy con có người nào không có nhận bài?

Con có bài không con? Chưa có hả? Như vậy là Thầy nhớ là Thầy có chấm cái bài của con rồi, để lát nữa Thầy đưa, chắc có lẽ là bỏ sót ở trên bàn, chút nữa Thầy đưa cho con.

(35:25) Và đồng thời theo Thầy biết con có xin Thầy để thọ Tam Quy Ngũ Giới phải không con? Như vậy con ghi cái tên, tuổi và địa chỉ, Thầy sẽ làm cái lễ thọ Tam Quy Ngũ Giới cho. Trong cái bài của con đó, có cuối cùng con có dòng xin Thầy thọ Tam Quy Ngũ Giới, do đó có lẽ Thầy bỏ ở trong cái xấp đó cho nên không có ở đây. Con yên tâm chút nữa thì Thầy sẽ đưa lại cái bài đó cho con.

Qua những vấn đề mà giải thích để cho các con thấy chúng ta tu tập Định Vô Lậu. Chúng ta biết khởi sự bằng cái nào trước cái nào sau và tất cả các pháp, các pháp kế tới tiếp tới đây chúng ta có nhiều cái pháp để mà tu về Định Vô Lậu. Như Thầy đưa cái đề tài Quán Tư Duy hay là qua bài về “Thân vô thường”, cái thân vô thường của chúng ta.

Rồi Thầy cho bài nói về “Thảo mộc vô thường”, rồi Thầy cho một cái bài nói về “Vũ trụ vô thường”. Đi từng chút để mà chúng ta thấy sự vô thường của vạn pháp, chứ nó không thể nào cho cái bài chung các pháp vô thường là chỉ là chung. Nhưng chúng ta chia ra từng phần để mà chúng ta viết ra từng cái bài nhỏ, rồi chúng ta hợp lại thành bài “Các pháp vô thường” nó mới đi sâu. Còn nếu không thì chúng ta cứ bên đây thì chúng ta hiểu một chút, bên kia chúng ta hiểu một chút, kết hợp lại cái bài của chúng ta nó không có sâu. Do đó cái sự hiểu biết chúng ta quá cạn vì vậy mà phải bẻ vụn ra, bẻ vụn ra tất cả để chúng ta hiểu cho rõ ràng.

(37:20) Như Thầy cho một đề tài "Các pháp vô ngã", thì nếu mà nói chung như vậy thì mấy con rất khó mà Thầy nói cho mấy con cái bài nói về "Thân vô ngã", "Tâm vô ngã" hoặc "Thọ vô ngã". Tất cả những điều đó mấy con thấy rất nhiều điều mấy con cần phải làm những cái bài đó, bằng tri kiến và những chi tiết mà những đối tượng nhắm vào, là cái đề tài của mấy con nó phải cụ thể.

Cho nên triển khai tất cả những điều hiểu biết sâu sắc này, làm cho tri kiến của mấy con nó trở thành một sự hiểu biết giải thoát. Giúp cho chúng ta sự học, tu của Định Vô Lậu như vậy nó mới thiết thực, từ đó chúng ta mới có sự hiểu biết giải thoát.

Mà lớp Chánh Kiến đức Phật đã dạy ở trong lớp Chánh Kiến, tức là nhìn thấy mọi vật đúng đắn không còn sai nữa. Chánh Kiến là không còn thấy sai, do không còn thấy sai cho nên tâm chúng ta bất động, chứ không có gì cả hết, nó không có khó. Bởi vì Thầy nói nó không có khó, tại sao Thầy tu rồi Thầy thấy có gì đâu mà khó đâu, đâu có khó. Chỉ vì mình thấy đúng sự thật của mọi pháp xảy ra, thì tâm của mình nó đâu còn giận hờn phiền não, đâu còn ham muốn, tại vì mình thấy đúng. Còn bây giờ các con thấy nó lơ mơ chưa có đúng như thật, cho nên vì vậy tham nó vẫn còn tham, mà sân nó vẫn còn sân. Tại vì chưa thâm sâu, chưa thấy đúng. Buộc lòng phải triển khai lớp dạy cho mấy con để mấy con học tập, và đồng thời Thầy thấy suốt cái thời gian hai tiếng hoặc ba tiếng mấy con ngồi xếp bằng mà khom viết như thế này thì chắc chắn nó không đúng cách, không đúng cách.

7. TỔ CHỨC MÔI TRƯỜNG TU TẬP

(39:05) Ngày xưa đức Phật giảng bài pháp các thầy chỉ ngồi im lặng nghe, cho nên chúng ta giữ tư thế nó ngay thẳng. Còn trái lại bây giờ mấy con phải còn ghi chép, còn đọc hiểu thêm những cái gì thì mấy con muốn viết, ghi chép thì mấy con phải cúi xuống khòm lưng. Và nếu ngày nào cũng học tập tu như vậy thì một năm học chắc chắn mấy con thành người khòm hết ráo, hoàn toàn thành người khòm lưng hết, không thể nào.

Cho nên vì vậy theo Thầy thiết nghĩ, có những người Phật tử sau khi dự những ngày đầu tiên ở khóa học của chúng ta, thì người ta có gợi ý xin cúng dường Thầy những cái bàn để cho quý thầy và những Phật tử người ta đến nghe để người ta ngồi ghi chép lại, nó dễ dàng hơn. Và đồng thời ngồi xếp bằng mà khòm xuống mà ghi chép, thì rất là, coi như nó không đúng cái cách thức của sự học và tu của chúng ta. Cho nên ngồi nghe không thì chúng ta có thể ngồi xếp bằng được, nghe thuyết giảng được. Vậy mà có nhiều người ngồi còn thụng lưng chịu không nổi, chúng ta ngồi trên một cái bàn ghế thì chắc chắn nó thoải mái hơn, như học sinh từ năm này đến năm khác đi học mà chỗ ngồi như chúng ta thì chắc chắn là học không được.

Do như vậy chúng ta cũng linh động khéo léo để tạo cái duyên, để cho các Thầy học tu và đạt được cái kết quả với một sự bình thường, chứ đâu phải ngồi xếp bằng mới gọi là Phật, mới giải thoát đâu. Chúng ta gò bó một cách sai thì cũng rất là khổ sở, làm cho cơ thể chúng ta nó không được tự nhiên, đôi khi thành bệnh nữa.

(40:42) Do như vậy Thầy thấy đề nghị của Phật tử rất là hợp lý, thật sự ra Thầy nói đây là cái lớp học chứ không phải là cái buổi thuyết giảng suông, nói suông. Mà đây là lớp học, vừa học mà vừa tu, vừa thấm nhuần được tư tưởng của chúng ta, làm cho trí tuệ, tri kiến của chúng ta có sự hiểu biết thâm sâu.

Cho nên phải được trao đồi, phải được rèn luyện, đó là những điều kiện mà hôm nay chúng ta, mới có cái lớp học này, cho nên những sự tổ chức này đều biến thành - chúng ta có tám cái lớp học theo Bát Chánh Đạo hẳn hòi đàng hoàng.

Đó là chương trình giáo dục đào tạo như Thầy từng nói, cho nên chúng ta phải như thế nào để thành lớp học thật sự, chứ không phải như chúng ta ngồi nghe thuyết giảng. Ở đây là sự thật đang ngồi nghe thuyết giảng. Mà đang ngồi nghe thuyết giảng, chứ không phải là chúng ta để hiểu biết sơ sơ, chứ không phải chỗ thực tu thực tập của chúng ta. Cho nên lần lượt Thầy có ý kiến gợi ý cho Phật tử người ta giúp cho mình.

Vừa rồi qua bên phái nữ có một cô cũng xin, một cô cư sĩ họ cũng muốn xin Thầy, có một cô tu sĩ họ xin Thầy cho họ cúng dường những cái bàn ghế. Thì Thầy đã nói rằng có người Phật tử gợi ý rồi, để cái sự cúng dường đó cho cái người Phật tử, còn cái phần con muốn cúng dường bàn ghế cho các thầy hoặc là các con sẽ tu học đó. Thì nếu mà điều kiện thiếu thì Thầy sẽ xin con giúp đỡ, còn nếu mà đủ thì thôi.

(42:31) Cho nên vì vậy mà sự cúng dường đó còn nhiều cái vấn đề mà ở trong Tu viện chúng ta làm, như chẳng hạn là như các con đã thấy rằng những khi trời mưa, mà đứng trên cái đường mà chúng ta đi vào thất hoặc là đi kinh hành đó, thì nó bị lầy lội, đi nó bị lầy lội, nó khốn khó. Do đó sau cái cơn mưa rồi nó không còn mưa thì chúng ta đi nó bị lầy lội, buộc lòng chúng ta phải đi vòng vòng thất chứ không thể đi xa. Trong khi trời mưa thì chúng ta không đi ra ngoài rồi, nhưng mà tạnh mưa rồi thì chúng ta lại đi không được, các con thấy điều đó, bất tiện chứ. Như bây giờ hết mưa rồi, nhưng mà nó lại còn những ướt át làm cho chúng ta đi trên cái đường đó thành ra nó lầy lội. Nếu mà đi qua đi lại hoài thì con đường mà đi vào ở trong cái khuôn viên của chúng ta nó thành lầy lội.

Cho nên vì vậy mà các con, nếu mà cúng dường có nhiều điều kiện là chúng ta sẽ mua những cái vật, để chúng ta làm những con đường đi đó nó khô ráo, khi mưa rồi, chúng ta vẫn đi được một cách rất dễ dàng nó không bị lầy lội.

Đó là cách thực hiện trong những khu mà chúng ta ở, để chúng ta tập Chánh Niệm Tỉnh Giác để chúng ta đi kinh hành, như chúng ta đã biết rằng có bốn phương pháp đi kinh hành chứ không phải một phương pháp. Mà được đi ở ngoài trời rộng rãi thì rất là thoải mái dễ chịu hơn là chúng ta đi lúm túm ở trong phòng thất của chúng ta. Vì cái kích thước của cái phòng thất của chúng ta theo cái kích thước mà của Đức Phật ngày xưa, thì nó rất hẹp nó không có rộng.

Ở đây cô Út có nhiều khi cô tự nới ra làm cho nó rộng ra, chứ đúng cái thất thì nó cũng cỡ bằng cái thất của Thầy thôi chứ không hơn được, cái kích thước nó là như vậy.

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy