sidebar
Thời gian:  12/09/2022  Người trích dẫn:  Ban Biên Tập
  • Tư liệu câu 5 bài 31: Sự Hy Sinh Cao Cả với ĐỨC HY SINH HIẾU SINH MỘT HƯỚNG (sách Đức Hiếu Sinh tập 2)
1

Người mẹ tốt bụng đem những thực phẩm ăn chiều của gia đình mình cho những người khác đang đói khổ hơn mình. Một hành động tuy nhỏ như vậy nhưng cũng nói lên đức hy sinh tuyệt vời. Người mẹ và các con của bà đều vui mừng. Vui mừng vì cái vui của người khác. Trên đời này, cái vui cho mình chưa bao giờ là cái vui trọn vẹn, còn cái vui của mình, của người và của tất cả chúng sinh là cái vui vĩnh viễn. Cái vui vĩnh viễn là cái vui trong đạo đức ly tham, đạo đức hiếu sinh và đạo đức bố thí. Trong ba đạo đức này, chúng ta chỉ cần sống trong một đạo đức cũng đủ đem lại niềm vui cho mình, cho người và cho tất cả các loài chúng sinh.

(Giáo án Rèn Nhân Cách Lớp Ngũ Giới: Đức Ly Tham - Tập 1 - Trang 96)
2

bây giờ quý thầy được nghe Thầy dạy hành những hạnh lành như nhẫn nhục, bố thí, cúng dường, xả bỏ tâm ác, xa lìa tâm ham muốn dục lạc tội lỗi. Đó là quý thầy có đủ nhân duyên mới được nghe dạy những lời lành này. Rồi từ đó, quý thầy cố gắng tránh những việc ác, làm những việc lành. Nhờ gieo những hành động tốt này, mà quý thầy được sinh làm người kế tiếp.

(1993-ĐƯỢC THÂN NGƯỜI LÀ KHÓ - Thời gian 11:30)
3

Còn con người hiện giờ được sinh ra, là do nhân thiện của những con vật hiền lành như bò, trâu, nai, hươu v.v…​ Từ trong một kiếp chúng sanh hiền lành sống bằng cỏ, bằng lá cây, không cắn hại và giết hại lẫn nhau. Và nhiều khi vô tình đã xả mình giúp người khác, vật khác, có khi hy sinh mình để cho người khác, vật khác sống. Những nhân thiện vô tình này đã đưa chúng sanh đó có được thân người.

(1993-ĐƯỢC THÂN NGƯỜI LÀ KHÓ - Thời gian 11:30)
4

Mình sẵn sàng mình hy sinh, mình ăn cháo mà tất cả chúng sinh đều được no là mình mừng rồi, đó là cái tâm niệm tốt của mình. Mà thật sự mình tốt thật chứ không phải mình giả vờ, thật sự thì con sẽ thấy con không bao giờ con đói.

(20080531 - PHẬT TỬ QUẢNG BÌNH - CẦN THƠ - LÀM CHỦ SANH TỬ - Thời gian 01:18:34)
5

Mình bố thí, mình dũng cảm, mình hy sinh một cái gì của mình thì đều là nó phải nằm ở trong cái Đức Hiếu Sinh, cái lòng thương của mình. Thiếu cái lòng thương thì cái đó nó trở thành danh với lợi. Như nhà từ thiện vì thương người mà làm từ thiện thì nó mới thật là từ thiện. Mà mình làm để mà vì cái làm ăn của mình, vì cái nghề nghiệp, mượn cái danh từ thiện để mình làm ăn cho nó dễ, thì cái này nó không từ thiện.

(20080707-ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH - Thời gian 00:00)
6

Một tấm gương dũng cảm dám hy sinh bố thí thân mạng của mình để cho mọi người thoát chết. Những người làm được những điều này đều là những người sống với một tâm hồn cao thượng hiếu sinh bố thí thân mạng. Một hành động dũng cảm gan dạ mà ít có người làm được. Bởi vậy, những ai làm được điều này chúng ta đều nên kính phục và tôn trọng lòng dũng cảm đức hiếu sinh cao thượng bố thí vĩ đại.

(Giáo án Rèn Nhân Cách Lớp Ngũ Giới: Đức Hiếu Sinh - Tập 3 - Trang 299)
7

Người dám hy sinh như vậy là người có một tình yêu thương rộng lớn, thấy sự sống của mọi người rất quan trọng. Chỉ có những người xem tiền bạc, châu báu là trên hết, nên mới giết người cướp của mà chẳng chút lòng thương xót. Ngược lại, những người biết quý trọng sự sống trên đời này, xem như không có một vật gì quý báu hơn, thì mới dám hy sinh thân mạng sống của mình, chỉ vì có một ước mong là làm sao cho mọi người được sống bình an, yên vui. Chính vì sự sống bình an, yên vui của mọi người thì mình mới có sự sống yên vui, an ổn chân thật cho mình.

(Giáo án Rèn Nhân Cách Lớp Ngũ Giới: Đức Hiếu Sinh - Tập 3 - Trang 297)
8

Một người có tâm hồn cao thượng là người luôn sống với đức hiếu sinh. Khi sống với đức hiếu sinh thì họ luôn luôn sẵn sàng dám hy sinh thân mạng mình cho sự sống của người khác, dù gặp bao nhiêu gian khổ họ cũng không bao giờ chùn bước hoặc từ nan trước những sự khó khăn và gian khổ.

(Giáo án Rèn Nhân Cách Lớp Ngũ Giới: Đức Hiếu Sinh - Tập 3 - Trang 296)
9

Chúng ta làm người cần phải tập những gương hạnh hiếu sinh bố thí cao thượng này để xứng đáng là một con người.

(Giáo án Rèn Nhân Cách Lớp Ngũ Giới: Đức Hiếu Sinh - Tập 3 - Trang 299)
10

Ở đây có nhiều người cho rằng: “Hy sinh không phải là đức hiếu sinh, vì hy sinh là làm khổ mình”. Sự hiểu biết đức hiếu sinh như vậy là hiểu biết về hình thức, còn nông cạn, chứ họ chưa hiểu đức hiếu sinh về tinh thần. Hiểu biết đức hiếu sinh về tinh thần mới thâm sâu. Một người dám hy sinh cứu người khác để mình chịu chết hay chịu khổ thì tinh thần của họ rất hân hoan vui sướng vì đã làm một việc nghĩa vĩ đại. Như vậy họ có khổ không? Cái khổ của cơ thể chỉ như hạt cát đối với tinh thần. Phải không quý vị? Khi tinh thần hân hoan vui sướng thì cái khổ của cơ thể đâu còn nữa, cho nên đức hy sinh mang đầy đủ đức hiếu sinh là đúng.

(Giáo án Rèn Nhân Cách Lớp Ngũ Giới: Đức Hiếu Sinh - Tập 3 - Trang 142)
11

Câu chuyện đức hiếu sinh của cháu bé trai tuy đơn sơ, nhưng nói lên được đức hy sinh để thực hiện lòng yêu thương đứa em gái bé bỏng của mình. Câu chuyện đáng nói ở đây là một câu bé năm tuổi mà lòng thương em của mình, người lớn đầy đủ trí tuệ tư duy chưa chắc dám hy sinh mạng sống để cứu những người thân ruột thịt của mình.

(Giáo án Rèn Nhân Cách Lớp Ngũ Giới: Đức Hiếu Sinh - Tập 3 - Trang 141)
12

Đức hy sinh là một hành động thực hiện lòng yêu thương của mình đối với người khác. Một nhà từ thiện vì lòng yêu thương những người bất hạnh trong xã hội nên đã đem của cải tài sản ra giúp đỡ cho người khác trong cơn hoạn nạn nghèo đói. Bỏ công sức của mình ra giúp đỡ cho người khác cũng là đức hy sinh. Đức hy sinh trong đức bố thí, người không có đức hy sinh thì không dám bố thí. Bởi vậy, trong đức bố thí vẫn đầy đủ đức hy sinh, nhưng trong đức hy sinh vẫn có đầy đủ đức bố thí.

(Giáo án Rèn Nhân Cách Lớp Ngũ Giới: Đức Hiếu Sinh - Tập 3 - Trang 154)
13

các anh công an phải đương đầu với những hung thủ một mất một còn, cho nên có nhiều người công an phải hy sinh vì nhân dân, vì nước để giữ gìn trật tự an ninh, thật đáng ca ngợi đức hy sinh cao cả ấy của những người thi hành giữ gìn an ninh. Một hình ảnh đau thương khi các anh công an hy sinh để lại một vợ hai con đứng trước áo quan của các anh, làm sao ai không xúc động đau thương. Đọc tin tức hy sinh của các anh công an và hình ảnh đăng trên báo chí khiến cho chúng tôi không cầm giữ được những giọt nước mắt thương đau.

(Giáo án Rèn Nhân Cách Lớp Ngũ Giới: Đức Ly Tham - Tập 1 - Trang 168)
14

Có người cho rằng, đức bố thí thân mạng để cứu người là không có đức hiếu sinh, vì đức hiếu sinh không làm khổ mình mà hy sinh thân mạng là làm khổ mình. Ý nghĩ này chúng tôi đã trả lời qua đức hy sinh, vì bố thí thân mạng là hy sinh thân mạng mình, cho nên đức bố thí thân mạng là đức hy sinh. Vậy quý vị hãy đọc lại đức hy sinh thì sẽ rõ. Trong đức hy sinh có mang theo một mục đích to lớn vì tổ quốc, vì sự sống của người khác, chứ không phải vì danh vì lợi tầm thường của thế gian, biết chỉ phục vụ cho cá nhân mình thì ở đây không có nghĩa là đức hy sinh.

(Giáo án Rèn Nhân Cách Lớp Ngũ Giới: Đức Hiếu Sinh - Tập 3 - Trang 147)
15

Đâu có ai nghĩ rằng đức bố thí lại là đức hy sinh cao cả vô cùng. Cô bé Enveni bố thí thân mạng để cho hai mẹ con người kia sống sum họp trên chiếc tàu cứu hộ, còn riêng mình, vị thuyền trưởng và con tàu từ từ chìm xuống đáy biển. Thật là cao thượng thay đức bố thí thân mạng cứu người. Cho nên đức bố thí từ một lời nói, một hành động, một bát cơm, một đồng bạc đến thân mạng của mình để giúp người khác thật là hành động bố thí vĩ đại. Thật đáng mọi người ca ngợi và mãi mãi nhớ công ơn bố thí ấy khó quên.

(Giáo án Rèn Nhân Cách Lớp Ngũ Giới: Đức Hiếu Sinh - Tập 3 - Trang 146)
16

Chúng tôi nhớ lại lúc còn bé, bố chúng tôi có thuật lại một câu chuyện rất xúc động nói về một người anh cả sống với các em bằng đức hy sinh ly tham, nhờ đó cả gia đình đoàn tụ thương yêu và đoàn kết nhau như nước với sữa. Cho nên đức ly tham rất tuyệt vời. Có một gia đình kia cha mẹ mất sớm, để lại cho ba anh em một gia tài giàu có nhất vùng. Từ khi cha mẹ chết, ba anh em đều chung sống trong một gia đình thương yêu và đùm bọc lẫn nhau. Cho đến khi người em thứ ba lấy vợ thì mới có sự phân chia tài sản làm ba phần bằng nhau. Trong gia tài của người cha để lại cho các con, có một cây danh mộc cổ thụ hơn mấy trăm năm rất quý. Ba anh em đồng hẹn ngày để chặt cây ấy, rồi chia làm ba phần bằng nhau. Đến ngày hẹn, cả ba anh em đều có mặt dưới cội cây. Lúc bấy giờ, người anh cả ôm cây mà khóc và nói các em: Nếu ba anh em chúng ta chặt cây này xuống chia ra làm ba phần thì cây ấy chết mất, những di tích của ông bà cha mẹ để lại cho chúng ta đâu còn nữa. Phải không các em? Anh thà chịu nghèo đói, các em hãy chia phần ăn của anh ra làm hai cho hai em, còn anh sống sao cũng được, nhưng xin các em đừng chặt cây này. Vì chặt cây này cũng giống như ba anh em chúng ta vậy. Cho nên anh nghĩ đến đây anh thương các em lắm! Khi cha mẹ chết, chúng ta cùng nương tựa nhau mà sống. Đến bây giờ chúng ta chặt cây này chia ra thì còn gì nữa các em: “Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết, các em có hiểu điều này không?”. Khi người anh cả nói đến đây, hai người em chạy đến bên người anh cả ôm nhau mà khóc. Đấy là hành động đạo đức ly tham đoàn kết của ba anh em nhà này, quý vị có biết không?

(Giáo án Rèn Nhân Cách Lớp Ngũ Giới: Đức Ly Tham - Tập 1 - Trang 50)
17

dám xông pha vào chỗ chết để cứu người đó là đức hy sinh. Dám nhận cái chết về mình để người khác được sống. Cậu bé Duy Duyệt nhường chỗ trên tàu cứu hộ để cháu gái Maria về đoàn tụ với gia đình. Cháu gái Enveni nhường chỗ trên tàu cứu hộ cho hai mẹ con cô Lyskey sum hợp. Cháu Cricot chạy ôm bà chịu lưỡi dao oan nghiệt của bọn cướp. Cháu Encrico đứng lên nhận lỗi thay cho bạn mình, v.v…​ Tất cả những gương hạnh trên đây đều là những người sống với đức hy sinh.

(Giáo án Rèn Nhân Cách Lớp Ngũ Giới: Đức Hiếu Sinh - Tập 3 - Trang 155)
18

Vì sự sống của người khác mà chúng ta dám xông vào chỗ chết để cứu họ, không kể đến mạng sống của mình, đó là đức hy sinh. Đức hy sinh cao thượng hơn tất cả các đức hạnh khác.

(Giáo án Rèn Nhân Cách Lớp Ngũ Giới: Đức Hiếu Sinh - Tập 3 - Trang 155)
19

Một người lính xông pha vào trận mạc chiến đấu với giặc để bảo vệ tổ quốc, chẳng may anh đã chết giữa sa trường, đó là đức hy sinh mình vì tổ quốc. Một cháu bé chăn trâu bên bờ sông đã hy sinh mình cứu sống 13 người chết đuối trên chiếc tàu đò, và cứu thoát người cuối cùng thì sức cùng lực kiệt, cháu bị nước cuốn trôi đi và đã chết trên dòng sông. Đó là đức hy sinh mình cứu người.

(Giáo án Rèn Nhân Cách Lớp Ngũ Giới: Đức Hiếu Sinh - Tập 3 - Trang 154)
20

Nếu con người không có đức hiếu sinh thì không bao giờ có đức hy sinh. Đức hy sinh không có thì không làm sao có đức bố thí”. Cho nên, nói về đạo đức là nói đến một chuỗi then chuyền đạo đức. Ở đây nên hiểu đức hiếu sinh là gốc, từ gốc mới sinh ra đức hy sinh và đức bố thí

(Giáo án Rèn Nhân Cách Lớp Ngũ Giới: Đức Hiếu Sinh - Tập 3 - Trang 154)
21

BÀN TAY NGUYỆN CẦU Vào thế kỷ thứ 15, tại một ngôi làng nhỏ gần Nuremberg có một gia đình rất đông con. 18 đứa! Để kiếm đủ thức ăn đem về hằng ngày cho lũ trẻ, ông bố - một người thợ kim hoàn - đã phải làm việc vất vả gần 18 tiếng mỗi ngày và chẳng từ một bất kỳ công việc gì mà người trong làng thuê ông. Mặc dù sống trong cảnh cùng quẫn, hai người con lớn Albrecht và Albert vẫn ấp ủ một ước mơ đẹp đẽ: cả hai đều muốn theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật, nhưng thật đáng buồn vì người cha sẽ chẳng bao giờ kiếm đủ tiền để gửi họ đến học viện ở Nuremberg. Sau nhiều đêm dài cùng bàn bạc trên chiếc giường chật chội, hai anh em nghĩ ra được một cách: họ sẽ gieo đồng xu, người thua sẽ xuống làm việc trong hầm mỏ gần nhà kiếm tiền nuôi người kia suốt thời gian ở học viện, và sau 4 năm người được học trước sẽ phải lo tiền học cho người còn lại, cho dù đó là tiền lời bán tranh, hay nếu cần là tiền lương của công nhân hầm mỏ. Họ cùng nhau gieo đồng xu. Albrecht thắng và lên đường đến Nuremberg. Albert bắt đầu chuỗi ngày làm việc vất vả nhọc nhằn trong hầm mỏ và suốt bốn năm đều đặn gửi cho anh khoản tiền lương ít ỏi. Tại học viện, tranh của Albrecht được đánh giá như một bước đột phá. Những bức khắc, gỗ chạm, sơn dầu của anh vượt xa các giáo sư lâu năm. Đến lúc tốt nghiệp, Albrecht đã có thể kiếm được những món tiền lớn nhờ bán tranh. Khi Albrecht trở về làng, gia đình Durer tổ chức một bữa tiệc lớn ăn mừng sự thành công của chàng họa sĩ trẻ. Sau bữa ăn dài thịnh soạn đầy tiếng cười và tiếng nhạc, Albrecht đứng lên nâng cốc về phía người em trai ở cuối bàn bày tỏ lòng biết ơn những năm tháng hy sinh thầm lặng để anh vun đắp cho hoài bão nghệ thuật: “Và bây giờ, Albert, em trai yêu quý của anh - Albrecht trìu mến nói - đã đến lúc em biến ước mơ của mình thành hiện thực. Hãy đến Nuremberg, anh sẽ lo tiền học cho em”. Tất cả mọi người đều quay về phía cuối bàn nơi góc phòng. Albert ngồi đó, nước mắt ràn rụa trên gương mặt gầy gò xanh xao, chỉ có thể nghẹn ngào: “Không…​ không…​ không…​”. Cuối cùng Albert lau nước mắt đứng dậy, nhìn khắp lượt những người anh yêu thương rồi đưa tay ôm mặt khẽ nói: Ôi không anh ơi, đã muộn mất rồi. Em không thể đến Nuremberg được nữa. Hãy nhìn xem, những tháng năm dưới hầm mỏ đã tàn phá đôi tay em. Mỗi ngón tay đều đã dập nát không dưới một lần, và gần đây tay phải em lại bị chứng thấp khớp hành hạ, đến nỗi không thể cầm ly chúc mừng anh thì làm sao có thể cầm cọ vẽ những đường nét tinh tế trên khung vải trắng. Anh ơi, đã quá muộn rồi…​ Lịch sử đã lùi vào quá khứ hơn 450 năm. Giờ đây, hàng trăm tác phẩm của Albrecht Durer được trưng bày trong nhiều viện bảo tàng lớn trên thế giới, nhưng điều lạ lùng là phần lớn người ta biết đến tranh ông, thậm chí treo trong nhà bản sao của chỉ một tác phẩm duy nhất. Người ta kể lại rằng vào một ngày nọ, để tỏ lòng biết ơn đức hy sinh cao cả của người em trai, Albrecht đã kiên trì tái hiện từng đường nét của đôi bàn tay không còn lành lặn áp vào nhau, với những ngón tay xương gầy hướng lên trời. Ông gọi bức tranh của mình đơn giản chỉ là “Hands”, nhưng cả thế giới ngay lập tức đón nhận kiệt tác nghệ thuật này và đặt tên cho món quà tình yêu ấy là “The praying hands”. Nếu có dịp bạn được thấy bản sao của tác phẩm xúc động này, hãy dành ít phút lắng hồn mình để tự nhủ rằng: tác phẩm nghệ thuật ấy được kết tinh từ bàn tay không phải chỉ của một người họa sĩ.

22

Bài kiểm tra nhớ đời Khi tôi đang còn học năm thứ hai trường nữ hộ sinh, một ngày nọ, vị giáo sư già cho chúng tôi làm bài kiểm tra. Việc đầu tiên của tôi là lướt mắt qua toàn bộ các câu hỏi. Không có câu nào quá khó, vì tôi vốn là cô học trò thông minh! Duy chỉ có câu hỏi cuối cùng làm tôi bật ngửa người: Chị hãy cho biết tên của bà lao công trong trường ta? Trời đất ạ! Bà lao công thì có liên quan gì tới chuyện đỡ đẻ và chăm sóc sản phụ kia chứ? Ngày nào tôi chẳng gặp bà. Bà ấy già lắm rồi, chẳng biết là 60 hay đã 70 tuổi. Mặt nhăn nheo, dáng vẻ khắc khổ, bà hầu như không bao giờ nói tiếng nào, suốt ngày chỉ cắm cúi cầm giẻ, cầm chổi lau nhà. Nhiều khi cả bọn chúng tôi vừa bô bô tán chuyện vừa đi trên hành lang, không thèm tránh lối cho bà lão đang còng lưng lau sàn nhà. Trông bà lão vội vàng né sang một bên, có lúc lòng tôi cũng cảm thấy hơi nao nao. Một lần nọ, mải chạy, một cô bạn tôi vấp té đánh đổ bịch sữa đang uống dở ra sàn. Bà lão tội nghiệp vội lắp bắp: "Các cô để đấy cho già. Các cô vội, cứ làm việc của mình đi. Đây là việc của già mà!". Chỉ có thế thôi thì làm sao tôi biết họ và tên của bà? Mà có biết cũng chẳng để làm gì. Bà ấy chẳng qua chỉ như cái bóng âm thầm bên lề cuộc sống sôi động đang cuốn hút lũ sinh viên ồn ào chúng tôi. Tôi quyết định để trống câu trả lời. Cũng không có gì là quan trọng. Miễn tôi trả lời xuất sắc những câu hỏi liên quan tới chuyên môn là được. Vài ngày sau, vị giáo sư trả lại bài kiểm tra. Ông chậm rãi nói: "Đa số các em đều viết được. Nhưng tôi lo ngại rằng nếu cứ cái đà này khi tốt nghiệp lớp ta sẽ cho ra trường toàn là những…​ người máy. Đó sẽ là một thảm họa!". Phía dưới, lũ học trò chúng tôi lao xao, không hiểu thầy muốn nói gì. "Nghề của các em là chăm sóc, giúp đỡ những người phụ nữ trong những giờ phút đau đớn nhất và cũng là hạnh phúc nhất trong đời. Các em là thiên thần hộ mệnh cho những sinh linh mới. Nỗi đau của họ cũng phải là nỗi đau của chính các em. Nghề nghiệp của các em cần những con người nhạy cảm, biết quan tâm, nâng đỡ số phận của mọi người, dù họ là mệnh phụ phu nhân, một ngôi sao hay chỉ là một bà quét rác. Một bà lão cần mẫn phục vụ các em năm này qua năm khác mà các em cũng không thèm biết tên, không biết hoàn cảnh của bà ấy là một điều đáng để các em cần suy nghĩ. Vì thế, thầy cho rằng toàn bộ số bài kiểm tra của lớp ta đều không đạt yêu cầu". Một bài học nhớ đời đối với tôi! Sau này, tôi dò hỏi và biết được tên của bà lão là Dorothy. Bà đã làm việc ở đây gần nửa thế kỷ, từ lúc còn con gái. Hai người con trai của bà đã hy sinh trong chiến tranh. Bà ấy có quyền nghỉ hưu nhưng vẫn xin ở lại làm việc không lương.