00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

PHÁP HÀNH 39 - TẦM QUAN TRỌNG CỦA HẠNH ĐỘC CƯ

PHÁP HÀNH 39 - TẦM QUAN TRỌNG CỦA HẠNH ĐỘC CƯ

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu sinh

Thời gian: 1998

Thời lượng: [46:50]

1- HƠI THỞ THAY ĐỔI TỪ NHỊ THIỀN ĐẾN TỨ THIỀN

(0:00) “Từ Nhị Thiền đến Tứ Thiền cấp độ hơi thở có giống nhau không? Có giống như hơi thở chậm, nhẹ bình thường mà chúng con đang tu không? Khi muốn nhập vào các định thì phải ra hơi thở, vậy ra hơi thở như thế nào?”

Đáp: “Từ Nhị Thiền đến Tứ Thiền cấp độ hơi thở có sự thay đổi chậm và nhẹ hơn hơi thở bình thường mà con đang sống.”

Nghĩa là cái hơi thở bình thường mình, cái hơi thở từ Nhị Thiền cho đến Tứ Thiền, coi như là Tứ Thiền nó ngưng, còn cái Tam Thiền thì nó còn ở trong cái hơi thở chậm và nhẹ của nó, nó không như cái hơi thở bình thường của mình.

“Tùy theo trạng thái khinh an của thân và tâm mà hơi thở thay đổi.”

Nghĩa là thân tâm mình nó khinh an nhiều hay là khinh an ít mà nó thay đổi cái hơi thở mình chậm, nhẹ. Nếu mà nó khinh an ít, thì nó gần như là hơi thở bình thường, mà nó khinh an nhiều thì cái hơi thở nó chậm nhẹ hơn, nó phơn phớt nhẹ hơn, thì nó thay đổi theo cái độ khinh an.

“Ra hơi thở để nhập các định khác là ra hơi thở của định mình đang nhập.”

Chỗ này các con hiểu, nghĩa là muốn ra cái hơi thở, bây giờ ở trong Sơ Thiền mà mình muốn nhập Nhị Thiền thì mình phải ra cái hơi thở của Sơ Thiền, rồi từng cái hơi thở Sơ Thiền đó, mình mới hướng tâm mình nhắc diệt Tầm Tứ để mình nhập Nhị Thiền, và mình hướng tâm hơi thở chậm và nhẹ hơn nữa.

Trình độ hơi thở nó chậm nhẹ xuống thì cái khinh an nó lại thay đổi, nó không như là ở chỗ Sơ Thiền, do đó đến một lúc thì nó đứng lại, thì cái trạng thái khinh an nó đứng lại chỗ đó thì do đó nó nhập Nhị Thiền, nó không tăng nữa, và hơi thở nó chậm đến chỗ đó, nó không có chậm hơn nữa, do đó nó nhập ở Nhị Thiền.

Và đồng thời thì lúc bấy giờ, nếu mà chúng ta ở trong hơi thở của Nhị Thiền, thì tức là chúng ta chưa nhập, mặc dù là nó hết Tầm Tứ nhưng chưa nhập Nhị Thiền. Khi nào chúng ta xả hơi thở thì chúng ta không còn chú ý hơi thở nữa, ở trong trạng thái khinh an của cái trạng thái không hơi thở, thì lúc bấy giờ mới gọi là nhập Nhị Thiền, diệt Tầm Tứ.

Mà muốn nhập Tam Thiền thì phải ra cái hơi thở của Nhị Thiền, rồi ở trong cái hơi thở của Nhị Thiền đó mà hướng tâm để mà xả ly mười tám cái loại hỷ tưởng. Khi mà xả ly được mười tám loại hỷ tưởng rồi, thì lúc bấy giờ tâm chúng ta nó nhập vào Tam Thiền, lúc bấy giờ hơi thở của Tam Thiền cũng không thấy nữa mới là nhập Tam Thiền, còn ở trong hơi thở của Tam Thiền thì chưa nhập Tam Thiền.

“Ví dụ: đang ở trong Sơ Thiền muốn nhập Nhị Thiền thì phải ra hơi thở của Sơ Thiền, dùng pháp hướng nhập Nhị Thiền. Đang ở trong Nhị Thiền phải ra khỏi trạng thái Nhị Thiền…​”

Tức là trạng thái khinh an của nó đó.

“…​ ở trong hơi thở của Nhị Thiền, hướng tâm nhập Tam Thiền. Muốn nhập Tứ Thiền thì phải ra hơi thở Tam Thiền rồi hướng tâm nhập Tứ Thiền.

Đang ở trong trạng thái Nhị Thiền, muốn ra hơi thở phải hướng tâm ra hơi thở…​.”

Nghĩa là mình đang ở trong trạng thái Nhị Thiền tức là mình không thấy hơi thở, thì mình phải nhắc tâm để cho tâm nó thấy biết hơi thở, thì tức là mình ra hơi thở.

“…​ rồi tâm bám vào hơi thở Nhị Thiền mà xả trạng thái Nhị Thiền, như vậy gọi là ra hơi thở.”

2- HIỆN TƯỢNG BÁO MỘNG NGƯỜI CHẾT DO TƯỞNG UẨN

(3:53) Hỏi: “Khi người chết hiện về báo mộng cho người thân biết mình đã chôn giấu một vật gì mà trong nhà không ai biết. Có người bảo đó là chết vào giờ linh mới về báo. Hiện tượng như vậy giải thích như thế nào? Xin Thầy chỉ dạy!”

“Ở đây không phải linh hồn người chết về báo mộng mà chính tưởng uẩn của người nào mạnh nhất sẽ giao cảm được những điều này mà thị hiện giấc mộng thần giao cách cảm.”

Đó là khi một cái người chết mà gọi là hiện về báo mộng cho mình, báo cho thấy bây giờ thí dụ như cha mình chết, mà ông chôn giấu tiền bạc ở đâu đó mình không biết, do đó thì một đêm đó mình nằm mộng mình thấy ổng về báo là: “Ba sẽ chôn giấu tiền bạc ở dưới cái chân giường, con nên đào ở dưới đó lên thì đó là tiền bạc của ba giấu đó”.

Thì do cái chỗ đó mà sáng hôm sau thì người con đào ngay cái chỗ chân giường đó mà lấy lên một cái hũ vàng. Thì như vậy rõ ràng là có cái linh hồn của người đó về, và có người bảo đó là chết nhằm cái giờ linh, cho nên mới về báo mộng như vậy. Còn nếu mà không có chết vào cái giờ linh thì không có báo mộng như vậy.

Cho nên ở đây thì chúng ta cũng phải hiểu rằng không có linh hồn người chết, vì chết rồi nó tan hoại hết, nó không còn có cái gì mà có thể báo mộng.

Nhưng vì ở trong nhà chúng ta mọi người không chiêm bao mà có một người chiêm bao, tức là cái tưởng uẩn của họ nó hoạt động mạnh hơn là mọi cái tưởng uẩn của người khác.

Vì cái ý thức của người nào mạnh hơn thì cái người đó khó mà hoạt động của tưởng uẩn, còn cái người này họ tưởng uẩn mạnh, cho nên khi mà cha mẹ họ chết rồi, họ thường giao cảm với, cái tưởng của họ giao cảm với cái khoảng không gian, trong cái khoảng không gian đó, thì coi như là họ tưởng như là cha mẹ họ còn sống chứ chưa có chết, do đó họ giao cảm những cái gì mà cha mẹ họ đã chôn giấu ở đâu thì họ thị hiện ra giấc mộng, rồi họ báo lại cho những người khác đào lên, hoặc là đến đó tìm thì thấy ra được.

Đó là do tưởng của chúng ta chớ không phải là do linh hồn người chết về báo. Đó là cái phần về thế giới siêu hình, mà người ta không ngờ rằng chỉ có cái tưởng của chúng ta mà thôi.

Cũng như bây giờ, ví dụ như bây giờ chúng ta đang ngồi đây, mà có một người mẹ chúng ta ở xa mà bây giờ đang bệnh, do cái tưởng của chúng ta mà giao cảm được cái nỗi khổ của mẹ mình đang bệnh khổ đó, do đó mình nằm chiêm bao mình thấy mẹ mình đau bệnh rất nặng.

Mà quả đúng vậy, nó có cái trường hợp như vậy, cho nên chúng ta thấy, lúc bấy giờ không có nghĩa là người mẹ mình về báo cho mình biết rằng mẹ mình đã bệnh đau như vậy, mà chính mình đã giao cảm, tưởng của mình đã giao cảm được.

Cũng như mình ở đây, mà người mẹ mình ở bên Mỹ mà chết, thì mình nằm mộng mình thấy mẹ mình về báo: Mẹ mình bị chết rồi, đã bệnh như vậy, chết rồi thì bắt đầu mình thức dậy, thì mình dường như là mình thấy như có một linh hồn báo cho mình biết rằng, mẹ mình về báo cho mình biết rằng chết.

Nhưng mà sự thật không phải, tưởng của mình giao cảm được với cái nỗi nhớ nhung của mình, cái lòng thương yêu của mình đối với mẹ, do đó mình giao cảm được cái chết của mẹ mình qua những cơn bệnh đó.

(7:25) Thì cũng như vậy, cái người chết đi, họ không có nói được. Trước khi chết cái lòng họ bị chôn giấu một cái tài vật gì đó, thì cái lòng đó, cái sự tiếc nuối đó, nó bàn bạc, nó làm cho cái người đó dùng cái tưởng mà họ đã giao cảm được cái chỗ mất mát đó, cái chỗ chôn giấu đó mà họ thể hiện qua giấc mộng, thì cái đó là cái phần về thế giới siêu hình.

Mà giải thích thì chúng ta chỉ giải thích cỡ tầm giống đó. Vì cái ý thức hiểu biết nó có hạn lượng, nó không thể nào vô hạn, chỉ khi nào mà chúng ta đạt đến được cái trí vô hạn, thì lúc bấy giờ cái này chúng ta khỏi cần giải thích mà chúng ta cũng rất là dễ hiểu.

3- TÙY THUẬN MÀ KHÔNG BỊ LÔI CUỐN VÀO VIỆC ÁC

(8:13) Hỏi: “Kính thưa Thầy! Khi đã biết tu, ăn chay, giữ giới của Phật hoàn toàn, nhưng mỗi khi có sự việc người nhà nhờ thái thịt, làm cá, và cả chiên, rán, xào, nấu, tuy rằng không ăn, không trực tiếp sát sanh, nhưng vì tùy thuận mà nhận làm thì điều này có phạm giới không? Có chịu nghiệp báo nhân quả về sau không?”

Đáp: “Biết ăn chay tức là biết tu tập tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả. Đã tu tập tâm từ bi mà còn thái thịt, làm cá, chiên, rán, xào, nấu thì mắt thấy, tay làm sự chết chóc đau khổ của chúng sanh, thì lòng dạ nào còn làm được!

Tuy không ăn thịt chúng sanh, nhưng thân hành động trực tiếp tạo sự đau khổ tội ác. Nói về giới người này đã phạm giới, nói về nghiệp báo người này phải chịu thọ nghiệp khổ như người khác!

Cho nên Thầy đã dạy, tùy thuận mà không bị lôi cuốn vào việc ác, còn bị lôi cuốn vào việc ác thì nhất định tìm cách tránh né hoặc nhất định không làm điều đó. Có người ăn ngày một bữa, sống đúng phạm hạnh, đến chùa khác ăn ngày ba bữa tùy thuận cho họ vui lòng, nhưng không ngờ đó là một điều phạm giới!

Phật Giáo dạy chúng ta tu hành cái đúng của Đạo Phật, nhất là đạo hạnh của một vị Tỳ Kheo thì dù có chết chớ không phá Phạm hạnh, thà chết chớ không làm phỉ báng Phật Pháp.”

Nghĩa là khi mà chúng ta tu hành, chúng ta biết được cái đạo hạnh của một vị tu sĩ như thế nào, cho nên chúng ta không tùy thuận.

Như bây giờ chúng ta ăn ngày một bữa nè, mà chúng ta đến chùa khác sợ mình ăn ngày một bữa rồi nó chọi với người khác, chọi ở chùa khác thì người ta sẽ tìm cách người ta ghét mình, thà là người ta giết mình nhưng nhất định là mình ăn một bữa là ăn một bữa, không có thể nào mà tùy theo họ được.

Cũng như là mình nghiêm trì với một cái điều kiện đức hạnh nào đó, mà họ lôi kéo mình để phạm cái giới đó, nhất định là mình, thà là họ giết mình chớ mình không có phạm giới.

Cũng như ở đây thầy Từ Minh về nói với Thầy như thế này: Nếu con mà giữ gìn ăn ngày một bữa thì chỉ trong vòng chốc lát mà ở Hương Đài thì người ta sẽ hất con ra khỏi đó không bao giờ cho con ở đó hết, cho nên con phải tùy thuận vui với họ như vậy, chứ trong thâm tâm của con thì vẫn ăn ngày một bữa!

Điều đó là một cái lý luận không đúng cách. Đối với Phật giáo, chúng ta thà chết chớ không phạm giới. Sống mà phạm giới thì thôi đừng tu hành theo đạo Phật mà làm gì. Cho nên có một câu chuyện như thế này:

(11:45) Có hai vị Tỳ Kheo ở xa muốn đến gặp Phật, vì từ lâu họ đã được các vị đệ tử của Ngài dạy cho tu hành, cho nên được cái duyên mà đi về để gặp Phật. Thì trên cái đường đi về, thì hai người phải qua một cái sa mạc. Trong khi qua cái sa mạc đó thì hết nước uống, do đó đến một cái vũng nước, ở trong đó nó có những cái loại côn trùng ở trong nước rất nhiều, mà hễ uống thì coi như là mình uống, mình giết hại côn trùng ở đó, mà không uống thì khát phải chết.

Một vị thì nhất định không uống, thà chết, thì cái vị không uống thà chết, thì cái vị đó bị khát quá mà chết, không thể đi đến gặp Phật. Còn cái vị kia nói thà là mình gặp Phật, chứ còn mình không uống thì mình chết thì mình không làm sao gặp Phật. Cho nên cái vị đó uống nước đó cho đỡ khát rồi mới đến gặp Phật.

Thì khi mà đến, thì Đức Phật nói: Cái người mà đã không phạm giới, đã gặp ta trước lâu rồi, còn nhà ngươi mà gặp ta mà phạm giới như vậy thì coi như không gặp ta.

Đó thì các con thấy cái giới luật của Phật nó như vậy đó, chớ không phải là với một cái tầm thường. Chúng ta tùy thuận nhưng không bị lôi cuốn vào cái pháp ác. Tùy thuận ở pháp thiện thì chúng ta làm, nhưng tùy thuận ở pháp ác thì chúng ta không làm.

4- GIẢI THOÁT CỦA CƯ SĨ VÀ TU SĨ KHÁC XA NHAU

(13:16) Hỏi: “Kính bạch Thầy! Thầy thường dạy chúng con muốn tu giải thoát không còn bị tái sanh luân hồi, thì người tu phải đạt đến Tứ Thiền, trí tuệ phải đến Tam Minh thì mới đoạn dứt lậu hoặc, mới làm chủ được sự sống chết, mới chấm dứt được sự tái sanh luân hồi.

Đối với người cư sĩ tại gia, Thầy chỉ dạy năm giới, sống đúng mười điều thiện và thể hiện đạo đức nhân quả không làm khổ mình, khổ người cũng được giải thoát.

Như vậy hai trạng thái giải thoát này có giống nhau và khác nhau như thế nào?”

Đáp: “Người cư sĩ giữ năm giới, hành Thập Thiện, sống nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả đó là giải thoát được tâm mình bằng thiện pháp, nên tâm hồn thanh thản, an lạc, lúc nào cũng yên vui, hạnh phúc, nhưng không thể làm chủ được sự sống chết của thân.

Người cư sĩ họ mới ly được ác pháp nhưng chưa lìa được dục lạc, dục thế gian, vì thế họ khó mà nhập định được. Họ phải tu tập ở giai đoạn ly dục của vị Tỳ Kheo thì mới có nhập được các loại định.”

Ở đây các con nên nhớ, cái người cư sĩ họ tu ở năm giới, ở Thập Thiện, và nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả thì giúp cho cái tâm của họ ly được ác pháp, chớ còn cái lòng ham muốn của họ nó vẫn còn chớ chưa hết, cái dục chưa hết đâu, cho nên họ không thể nào mà nhập các định được.

Họ phải tiếp tục tu để lòng ham muốn, vì họ còn ham muốn làm ra tiền, làm ra cuộc sống làm ra cái nọ kia nữa, nhưng họ làm ra bằng cách thiện pháp chớ không phải làm ra bằng ác pháp nữa.

“Người cư sĩ chỉ giải thoát được ác pháp nơi tâm, còn người tu sĩ thì giải thoát được thân tâm trọn vẹn. Họ chỉ giải thoát được ác pháp chứ không giải thoát được cái dục trong lòng ham muốn của họ. Cho nên hai cái giải thoát này nó khác xa, nó không giống nhau.”

5- NGƯỜI XUẤT GIA KHÔNG Ở CHUNG VỚI NGƯỜI TẠI GIA

(15:30) Hỏi: “Kính bạch Thầy! Khi có duyên sự cần thiết, người xuất gia có ở chung với người tại gia thời gian ngắn hạn hoặc dài hạn được không? Có bị phạm giới không?”

Đáp: “Người xuất gia không được ở chung với người tại gia, vì ở chung có nhiều duyên phiền phức, làm tổn thương giới hạnh, phạm tội Ba Dật Đề.

Ở chung ngắn hạn nhưng phải ngủ riêng, ăn riêng, vì người tu ăn có một bữa, không thể ăn chung với người khác được. Ở chung với người tại gia có nhiều duyên rất là phiền phức, làm cản trở đường tu, vì họ chẳng biết tu nên tạo ra chướng duyên, nghiệp ác v.v…​”

Đó là trong cái phần cái người tu của chúng ta rồi, mà biết tu mà chúng ta ở chung với cái người thế gian, thì đó là một cái chướng duyên rất lớn, họ làm những cái điều kiện mà chúng ta không thể nào an tâm mà tu hành.

Người mà biết tu rồi thì chỉ sống trầm lặng, sống một mình thì mới có thể tu được, mà sống mà có người này người kia là không bây giờ tu tới đâu hết, uổng công của chúng ta.

Trừ ra một người mà tu xong rồi thì người ta mới dám tiếp độ chúng sanh, còn tu chưa xong mà tiếp độ chúng sanh, thì chúng ta như người mù mà dẫn một đám mù mà đi, thì chúng ta đồng chết với nhau hết!

6- HOÀN CẢNH PHÙ HỢP MỚI SỐNG THEO ĐƯỢC PHẠM HẠNH

(16:58) Hỏi: “Kính bạch Thầy! Người xuất gia tu hành nhưng lại ở vào thời điểm gặp khó khăn, không thuận tiện cho việc tu tập, nên người đó phải trở về trụ xứ ẩn tu, không bằng chiếc áo nhà tu, vẫn giữ nếp sống đạo lý ly dục ly ác pháp, sống thiểu dục tri túc, phòng hộ sáu căn, giới luật nghiêm trì không sai phạm. Thường sống theo Phạm hạnh và làm lợi ích cho những người xung quanh. Luôn vui sống trong đạo đức nhân quả, không làm khổ mình, khổ người thì người đó có được giải thoát sanh tử luân hồi hay không?”

Đáp: “Sự tu hành là một điều khó, phải có hoàn cảnh thuận tiện, phù hợp cho pháp môn tu thì mới đạt được ước nguyện. Nếu hoàn cảnh không thuận tiện thì khó mà thực hiện Phạm hạnh. Phạm hạnh mà không thực hiện được thì Thiền Định làm sao nhập được?

Sống ẩn sĩ đúng cách Phạm hạnh, nhưng dù chiếc áo nào cũng được giải thoát chấm dứt sanh tử luân hồi, chỉ ngại sống không đúng Phạm hạnh, duyên thế gian lôi kéo, khiến cho thân tâm dao động, con đường tu cách trở!”

Nghĩa là tuy mình nói như vậy, chứ mà tạo ra được cái môi trường, cái hoàn cảnh sống cho phù hợp để mà tu, thực hiện được Phạm hạnh không phải là một cái chuyện dễ, rất khó.

7- CÚNG BÁI THIÊN LONG BÁT BỘ THEO ĐẠI THỪA

(18:27) Hỏi: “Kính bạch Thầy! Hiện nay ở các chùa thường có lệ cúng chim đại bàng trước giờ thọ thực, vậy ý nghĩa như thế nào? Đức Phật có dạy trước khi ăn cúng chim đại bàng không?”

Đáp: “Trong kinh điển phát triển…​”

Tức là kinh điển Đại Thừa.

“…​ cho chim đại bàng là bậc đại nhân ví như Đức Phật. Kim Sí Điểu là một trong tám bộ chúng. Tám bộ chúng gồm có: 1- Thiên chúng, 2- Long chúng, 3- Dạ Xoa, 4- Càn Thát Bà, 5- A Tu La, 6- Kim Sí Điểu, 7- Phi nhân, 8- Đại mãng xà.

Tám bộ chúng này có Thiên Long Thần hơn hết, nên đặt lên hàng đầu gọi là Thiên Long Bát Bộ.”

Thường thường chúng ta nghe nói Thiên Long Bát Bộ gia hộ hay hoặc này kia đó, ở trong chùa có thờ Thiên Long Bát Bộ đó, đó là tám cái loại này này.

“Theo kinh Đại Thừa dạy thì Thiên Long Bát Bộ luôn luôn hộ trì Phật pháp, hộ trì người tu. Do sự hộ trì này nên trong các chùa Đại Thừa, trước khi thọ thực cúng chim đại bàng, vì chim đại bàng hộ trì và giúp đỡ người tu hành.

Trên đây chỉ là một sự tưởng tượng của các nhà Đại Thừa. Phật đã chẳng dạy “các con tự thắp đuốc lên mà đi”, cớ sao lại có Thiên Long Bát Bộ và nhất là Kim Sí Điểu hộ trì chúng ta tu hành? Điều này không đúng với tinh thần tự chủ của Đạo Phật.

Làm gì có Chư Thiên, Long chúng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Kim Sí Điểu, Phi Nhân, Đại Mãng Xà gia hộ và giúp đỡ chúng ta được? Nhân quả do chúng ta làm thì chúng ta phải gánh chịu, chớ không thể nào có người khác gia hộ chúng ta được. Đó là những loại kinh tha lực, với những bọn ma quỷ này làm gì gia hộ bảo vệ cho chúng ta được?

Trong Kinh Nguyên Thủy Đức Phật dạy: “bọn này thường đến phá phách các vị Tỳ Kheo đang tu tập”. Chỉ có những người mê tín lạc hậu mới tin vào điều này, cúng bái Kim Sí Điểu.”

Thì các con thấy, Bát Bộ Thiên Long mà Thiên Long Bát Bộ, mà thường thường người ta hay nói ở trong các chùa Đại Thừa, thì do đó là tám cái loại này này. Mà tám cái loại này là tám cái loại độc ác nhất.

Thiên Long, Thiên chúng thì tức là cảnh giới trời, Chư Thiên rồi, thì nó là hiền rồi, Long chúng tức là cái loại rồng, Dạ Xoa là Quỷ Dạ Xoa đó, Càn Thát là quỷ Càn Thát đó, A Tu La là quỷ A Tu La, Kim Sí Điểu là loại chim, Phi nhân là loại mà không có giống người nhưng mà rất ác đó, Đại mãng xà là cái loại rắn độc, rắn dữ, rắn lớn đó, thì tất cả những cái loại này, tám cái thứ này gọi là Bát Bộ đó, tám cái chủng loại này rất là ác độc, đối với người tu của chúng ta đều là phá chớ không phải là hộ.

Nhưng mà bên Đại Thừa lấy cái chỗ này mà họ cho rằng người nào phá mình, thì đó mình mới lấy cái chỗ đó để mình tu tập, để cho mình được giải thoát. Nhưng mà ở trong cái kinh Nguyên Thủy thì như Thầy đã nói, như A Tu La thường đến phá các vị tu sĩ.

Thí dụ như một vị tu sĩ nam thì A Tu La nó biến ra một cái hình người nữ rất đẹp, nó đến nó trêu ghẹo cái vị đó, còn nếu là một vị tu sĩ nữ thì nó biến ra một cái hình người nam rất đẹp, nó đến nó trêu ghẹo người tu sĩ nữ.

Cho nên đó là những cái ma, những cái loại phá chớ không phải là những ủng hộ. Thế mà trong kinh Đại Thừa thì coi như là nó ủng hộ.

Và Kim Sí Điểu là một trong tám cái Bát Bộ này, là một cái loại chim mà trong kinh điển Đại Thừa, nó bay lên trên trời, cánh nó che mát rợp trời, nó nhìn xuống dưới thế gian này, nó thấy ai mà tâm còn tham sân si chưa hết, thì nó dùng cái thần thông nó làm cho cái người đó hết tham, sân, si để đạt được sự giải thoát.

Cái người nào mà chưa chứng quả A La Hán thì nó trợ giúp cho chứng quả A La Hán, nó làm cho những cái người đó được giải thoát hoàn toàn. Vì thế mà trước cái bữa ăn chúng ta thường hay cúng chim Đại Bàng, đó là cái kiểu của các nhà Đại Thừa.

Nhưng mà trong kinh Nguyên Thủy thì cho những cái loài này là những cái loài ma, những cái loài mà làm cho cuộc đời tu hành chúng ta rất là vất vả, khổ sở.

Đó thì hôm nay, thì các con muốn theo Đại Thừa, thì cứ trước bữa ăn thì nên cúng chim đại bàng, còn muốn tu theo Nguyên Thủy, thì cái thứ này là coi như là cái thứ mà chúng ta tránh xa, chớ không có quyến rũ nó, cúng bái.

8- LÀM THIỆN KHÔNG KHÉO THÀNH LÀM ÁC

(23:23) Hỏi: “Kính bạch Thầy! Trong kinh sách Đại Thừa làm phúc hay làm thiện cứu giúp người bệnh khổ, tai nạn thì chính bản thân mình cũng được tiêu tai giải nạn. Nhưng con chưa hiểu biết ở trường hợp nào, Thầy dạy không khéo làm phúc thiện mà phải gánh chịu nghiệp báo thay cho người, điều này con chưa hiểu. Xin Thầy chỉ giáo!”

Đáp: “Con đã học nhân quả, bệnh tật, tai nạn khổ ách đều do chính nhân ác mà ra. Họ đã làm ác, họ phải gặt quả khổ, đó là luật công bằng nhất của nhân quả, mà không có một đấng vạn năng nào có thể cứu họ được, giúp họ được, huống là chúng ta làm phúc làm thiện, cứu giúp người bệnh khổ, tai nạn thì chính bản thân mình cũng được tiêu tai giải hạn!”

Đó là cái câu ở trong kinh thường hay dạy chúng ta làm những cái điều mà làm phước làm này kia, đó là cái câu có đúng như cái điều kiện mà chúng ta đã hiểu biết đúng Phật Pháp hay không?

“Làm phúc làm thiện không phải là gieo nhân lành sao?”

Nghĩa là làm phúc làm thiện giúp người ta bệnh tật, khổ, thì đó là làm thiện rồi.

“Mà đã gieo nhân lành thì chuyển được quả khổ nơi bản thân mình.”

Nghĩa là mình làm được những cái điều lành đó thì nó chuyển được cái quả khổ. Nhưng mà cái người mà làm những cái điều lành đó, mà nói rằng sẽ được những cái, chính bản thân mình cũng được tiêu tai giải nạn thì không phải, nó chuyển cái quả khổ chớ nó không được! Mà mình cầu mong thì chắc chắn là không được. Vì có mục đích làm thiện mình vượt thoát những cái tai nạn hay bệnh tật, thì cái đó là không bao giờ có được.

“Làm phúc làm thiện với người mà lại làm ác với tất cả loài vật, giết hại chúng sanh, ăn thịt chúng sanh thì có phúc thiện không? Làm phúc làm thiện cứu giúp người bệnh khổ tai nạn, là để cầu danh làm từ thiện, cầu lợi gạt người khác thì phỏng có thiện không?

Trong kinh điển Nguyên Thủy Đức Phật dạy: “Cứu giúp người nghèo khổ là làm cho người nghèo khổ hơn”.”

Đó trong kinh sách Nguyên Thủy thì chúng ta thấy Phật xác định cái này rất rõ, vì nhân quả mà.

“Cứu giúp người nghèo khổ là làm cho người nghèo khổ hơn. Như ông Ca Diếp đến khất thực bà lão ăn xin để giúp bà thoát cảnh nghèo khổ.”

Đó là một cái câu chuyện ở trong kinh Nguyên Thủy, ông Ca Diếp ổng đến ông xin cái già bà ăn mày, xin bà, miễn là bà bố thí cho ông ta một cái gì đó thì bà thoát ra cảnh nghèo khổ. Còn nếu mà ông cho bà một cái gì thì để cho bà sống thêm trong một ngày, hai ngày, thì bà nghèo khổ lại nghèo khổ hơn.

“Do có duyên trong nhân quả, ta mới gặp người bệnh tật, khổ nạn, nghèo cùng để giúp đỡ nhau, để trả duyên nhân quả đời trước, để gieo nhân thiện đời sau, chớ không phải làm phúc để được phúc như trong kinh Đại Thừa dạy.”

Nghĩa là mình ở đây, với cái đôi mắt của mình làm một cái việc thiện, mà làm việc thiện với nó ý nghĩa gì, chớ không phải làm phúc làm thiện để được chính bản thân mình được tiêu tai giải nạn, thì cái chuyện mà đi làm như vậy thì nó không đúng cái tư cách của nhân quả.

“Vì có duyên nhân quả ta mới gặp người bệnh tật, khổ nạn.”

Chẳng hạn bây giờ mình gặp cái người đó tức là mình có duyên, chớ còn bây giờ mình đi tìm cái người bệnh tật, khổ nạn thì thiếu gì? Mình xuống nhà thương thì bệnh tật cả đống, mình muốn gặp nhiều lắm, rồi mình muốn giúp đỡ họ bao nhiêu cũng được hết.

Nhưng đó là mình đi tìm cái người khổ nạn đó, thì đi tìm như vậy thì mình coi chừng, mình giúp cho họ, họ thoát ra cái cảnh khổ của họ thì mình phải gánh cái tai nạn cho họ, bởi vì mình đi tìm cái nhân quả của người khác để mình gánh.

Cũng như bây giờ có một người đó họ gánh một cái gánh đá rất nặng, thì mình nói thôi để mình làm phước, mình đi tìm những cái người mà gánh nặng này để mình gánh cho họ, thì mình đi đến cái chỗ mà người ta làm hồ mà họ đẩy đá, họ gánh đá đó, mình kê vai vô mình gánh, rồi tiền thì họ lấy còn mình thì gánh dùm.

Mình làm phước như vậy, thì rốt cuộc về cái thân của mình bị bệnh tật, thì tiền mình không có uống thuốc, mà gì mình cũng không có hết, mà người ta lấy tiền người ta sài, thì như vậy có phải là mình làm phước để đem lại cái họa cho mình hay không?

Đó là cái sai. Ở đây mình phải nhìn với cái sự nhân quả, là khi nó vô tình mình gặp cái người đó bệnh tật, hoặc là khổ nạn của họ, hoặc là cảnh nghèo đói của họ, mình sẵn sàng giúp đỡ họ, là vì cái nhân quả của đời trước cho nên hôm nay khiến cho sự ngẫu nhiên mình gặp họ, chớ không phải mình đi tìm họ.

Còn cỡ mà con đi tìm họ mà để cứu khổ cái thế gian này, chắc chắn là con có đem cả trăm vạn cái thân của con mà con trải ra mà giúp cho họ để cho họ hết khổ, chắc chắn là trăm vạn cái thân của con nó tới chết nó cũng không hết cái khổ của chúng sanh nữa! Đó là cái nhân quả của người ta mà, mà con lại gánh những biết bao nhiêu cái sự khổ cho bản thân con không?

Cho nên ở đây phải hiểu cho rõ ràng. Mục đích của mình giúp, là vì cái nhân duyên mình với người đó có cho nên mình mới gặp người đó. Gặp người đó trong cái cảnh khổ của họ, mình không thể làm ngơ vì đó là cái duyên nhân quả, do cái duyên nhân quả đó mình mới trả cái nợ nhân quả của đời trước, vì vậy mà đời trước họ giúp mình những cái duyên gì mà đời nay khiến mình gặp họ. Do đó mình trả cái duyên nhân quả của đời trước.

Và nếu mà họ không có cái duyên nhân quả của đời trước với mình, nhưng mà họ có cái duyên mà đã gặp mình trong cảnh khổ của họ, thì đây là mình gieo cái nhân thiện của đời sau, của hiện tại và đời sau cho mình, chớ không phải làm phúc để được phúc như trong kinh Đại Thừa dạy.

Đó, phải hiểu cho đúng Phật giáo thì như vậy trong cái việc làm thiện của các con mới đúng.

“Nhìn thực tế trong xã hội, ta đã gặp nhiều người làm lành, làm phúc mà mong cầu lành phúc đến với mình thì lại chẳng bao giờ có. Do sự làm lành, làm phúc không đúng cách mà phải gánh chịu nghiệp báo thay cho người khác là vậy. Bởi vậy muốn làm một việc thiện thì ta phải cân nhắc kỹ lưỡng, không khéo trở thành làm ác mà quả khổ trở về ta.”

Bởi vì nhân quả của họ gánh chịu, mà mình đi tìm cái nhân quả của họ để cho mình thay mình thế, mình vào đó để cho họ thoát khổ, thì mình phải lãnh chịu cái khổ đó chớ làm sao mình hết được!

“Phật dạy “làm một điều gì phải có trí tuệ”, làm thiện theo xu hướng, theo phong trào thì chẳng thiện chút nào.”

Nghĩa là mình nghe người ta, người ta lại rủ mình: Bây giờ phải đi chùa hay hoặc là cúng dường thế này, mình cũng nghe theo mình làm, đó là theo xu hướng, theo phong trào của họ, thấy người ta đi làm việc đó rồi mình cũng đi làm.

Bây giờ mọi người, người ta đi làm việc từ thiện người ta họp nhau người ta cũng rủ mình: Bây giờ đó, có cái chỗ nhà cháy này kia, người ta đói khổ màn trời, chiếu đất, bây giờ mình họp nhau để cho mình đi làm cái việc từ thiện này, thì lúc bấy giờ mình theo cái phong trào đó mình làm, chứ thực sự trong thâm tâm của mình chưa phải có một chút thiện nào hết. Đó thì đó là mình làm việc theo cái phong trào.

“Làm thiện phải do tự tâm của mình thương xót người mà làm, thương xót người và vật mà làm.”

Đó thì các con hiểu trong cái chỗ làm thiện của mình nó phải có cái đúng cách của nó, chớ còn không đúng cách của nó thì cái làm thiện đó nó trở thành đem cái họa cho mình đó.

Cho nên ở đây vấn đề thứ nhất là mình hiểu rằng: cái nhân duyên tại sao tui lại gặp cái người này lại khổ trong cái cảnh này, tui sẵn sàng giúp, đây có lẽ là cái nhân quả của đời trước, cho nên tui phải làm để mà trả cái nhân quả.

Thứ hai nếu mà cái duyên mà gặp nhau như thế này, thì nếu mà tôi không có nhân quả vay nợ của người này, thì chắc chắn là tôi phải gieo cái điều thiện cho cái hiện tại và mai sau của tôi, cho nên tôi sẵn sàng giúp, nhưng tôi không đi tìm kiếm những cái người mà đang, tự họ đang tạo những cái nhân ác, họ phải gặt lấy cái quả khổ, mà tôi đi tìm kiếm để mà tôi giải khổ, thì xã hội này, thế gian này, tôi không bao giờ giải khổ hết cho mọi người này được.

Đó là phải hiểu đúng như vậy.(31:52) Đó thì hôm nay thầy giảng như vậy để cho các con hiểu, để biết cách làm thiện cho đúng cách, chớ không khéo nó không, cái sự hiểu biết của mình sai thì mình làm thiện cũng sai, mà sự hiểu biết làm đúng thì nó sẽ làm đúng.

Nhiều khi chúng ta làm cái đường, nhưng vì chúng ta làm cái đường đó để mà chúng ta cầu danh hay hoặc là để chúng ta do cái tai tiếng mà làm cái đường này, được cái thiện như thế này để chúng ta làm ăn một cái chuyện khác.

Người ta bỏ ra một đồng người ta làm thiện, để người ta lấy cái danh tiếng thiện đó mà người ta làm ăn, người ta lấy cả triệu đồng cái chỗ nơi khác, đó là cách thức khéo léo của một cái người gọi là mượn thiện mà làm ăn cái chuyện lớn.

Thì trong cái việc mà làm thiện rất là khó chớ không phải dễ, đòi hỏi chúng ta phải thật tâm biết thương người hay không. Cho nên thực hiện phải là tâm từ bi mới đúng, còn nếu mà không có thực hiện được tâm từ bi mà làm thiện, coi chừng chỉ là danh mà thôi.

Chúng ta nghe người ta nói cái ông đó làm vậy vậy vậy là thiện, ông đó tốt, nhưng mà sự thật ra, chỉ mình thích người ta khen mình như vậy mà mình đi làm chớ không phải là vì mình thương người ta mình làm!

9- ĐỂ TÂM TUÔN TRÀO MỚI LY DỤC LY ÁC PHÁP ĐƯỢC

(32:55) Hải Tâm hỏi Thầy.

Hỏi: “Thưa Thầy! Con tu Định Vô Lậu câu hữu:

1. Tứ Bất Hoại Tịnh.

2. Định Chánh Niệm Tỉnh Giác.

3. Dùng quán, hướng, xả.

4. Sống hạnh độc cư.

Sống độc cư rất khó, con chưa khép chặt được tâm con nên nó không tuôn trào, nếu không tuôn trào thì suốt cuộc đời con cũng không ly dục ly ác pháp được, có phải vậy không thưa Thầy?

Và con tu Định Vô Lậu như vậy có đủ chưa hay phải câu hữu với Tứ Vô Lượng Tâm, Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ, và nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả?”

Đáp: “Sống độc cư đúng cách thì tâm mới tuôn trào, tâm có tuôn trào thì tâm mới ly dục ly ác pháp nên tâm chưa có tuôn trào thì tâm chưa ly dục ly ác pháp. Vậy phải sống đúng hạnh độc cư, ít giao du, ít nói chuyện phiếm, như bốn mươi hai bài kệ Phật đã dạy độc cư.

Tâm ở trạng thái bình thường, độc cư thì con tu Định Vô Lậu câu hữu Tứ Bất Hoại Tịnh, định Chánh Niệm Tỉnh Giác, dùng pháp quán, hướng, xả thì vừa đủ.”

Nghĩa là cái tâm trạng của con lúc bấy giờ ở cái trạng thái bình thường, thì con tu như những cái mà con mà đã nêu trên, bốn cái điều kiện nêu, từ độc cư, từ Tứ Bất Hoại Tịnh, định Chánh Niệm Tỉnh Giác và dùng các pháp quán, hướng, xả để mà tu, thì đó là cái dạng của tâm bình thường, cái tâm nó không có một cái gì mà dao động đó, thì mình tu như vậy là rất tốt.

(34:32) “Tâm ở trạng thái không bình thường, nó có những chướng duyên…​”

Tức là nó có những sự kiện gì, thì chúng ta không thể tu ở trong những cái pháp đó như vậy được.

“Thì con phải câu hữu Tứ Vô Lượng Tâm, Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ và nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả. Như vậy con tu Định Vô Lậu mới trọn vẹn.”

Mới toàn vẹn đó. Đó thì phải hiểu, ở đây chỗ này thì chúng ta phải biết phân biệt được. Bởi vì con nêu ra một cái số để mà xác định cho cái phần thứ nhất ở trạng thái bình thường, và phần thứ hai là ở trạng thái không bình thường. Do hai cái phần này thì chúng ta mới thấy được cái đường tu cụ thể rõ ràng hơn.

(35:16) Nếu mà không phân biệt rõ ràng như vậy thì chúng ta thấy nó tu lộn xộn ghê gớm lắm, nó nhiều thứ pháp mà không biết cái chỗ nào tu cái gì.

Bởi vì khi mà tâm của chúng ta mà gặp những cái duyên sự gì bất toại nguyện làm cho tâm chúng ta phiền não, thì chúng ta phải nhìn đời bằng cái đôi mắt nhân quả để xả cái tâm chúng ta mới nổi. Chớ còn nếu mà không nhìn bằng nhân quả thì chúng ta xả không nổi đâu, chúng ta có quán, có nói “tâm như cục đất” chúng ta cũng không xả được đâu!

10- SỐNG THIẾU ĐỘC CƯ THÌ TU TẬP CHỈ HOÀI CÔNG VÔ ÍCH

(35:42) Hỏi: “Nếu con sống đúng hạnh độc cư, ăn và ngủ đúng giờ giấc nghiêm chỉnh, theo con hiểu trong hạnh độc cư ăn và ngủ đã có các pháp phòng hộ sáu căn, thiểu dục tri túc, bốn loại thiền định, Tứ Vô Lượng Tâm, Tứ Diệu Đế, Tứ Chánh Cần v.v…​

Như vậy có đủ để con ly dục ly ác pháp diệt ngã xả tâm không thưa Thầy?”

Đáp: “Nếu muốn giữ trọn vẹn độc cư ăn và ngủ thì hằng giờ, hằng phút, hằng giây con phải thực hiện các pháp thầy đã dạy. Nhưng phải lập thành một chương trình tu tập như thế nào cho phù hợp với khả năng của mình thì mới giữ được hạnh độc cư.”

Hạnh độc cư không có dễ dàng, vì vậy mà mình muốn giữ được hạnh độc cư thì phải có những cái pháp hành, chớ không phải đơn giản một số nào đó mà được.

“Giữ được hạnh độc cư trọn vẹn thì con mới diệt ngã xả tâm ly dục, ly ác pháp được.”

Hỏi: “Thưa Thầy! Người tu theo đạo Phật sống đúng giới luật, thực hiện đầy đủ các pháp, nhưng sống chưa đúng hạnh độc cư thì có đạt được mục đích giải thoát không thưa Thầy?”

Đáp: “Một người tu theo đạo Phật mà sống thiếu độc cư thì người đó không thể giữ gìn giới luật trọn vẹn, các pháp hành tu tập chỉ hoài công vô ích. Con đã chẳng nghe Thầy thường bảo “Độc cư là bí quyết thành công của thiền định”. Thiếu hạnh độc cư thì tu hành chẳng đến đâu, chỉ có hình thức mà thôi.

Cho nên Đức Phật dạy “Người tu sĩ phải sống trầm lặng, ca ngợi hạnh sống trầm lặng, vui thích trong đời sống trầm lặng”.”

Các con nhớ những cái bài pháp mà Thầy đã dạy cái này rồi, chỉ có cái này nó mới độc cư được, mà độc cư được thì mới có làm chủ được sự sống chết của mình, còn lơ mơ thì không bao giờ được đâu.

“Dù người đó giữ gìn giới luật nghiêm túc và tu đầy đủ các pháp mà không sống đúng hạnh độc cư thì không bao giờ đạt được cứu cánh giải thoát.”

(38:01) Hỏi: “Thưa Thầy! Người không giữ đúng hạnh độc cư chỉ lo tu Tứ Chánh Cần, Tứ Vô Lượng Tâm, Tứ Niệm Xứ, Tứ Bất Hoại Tịnh v.v…​ thì tâm có tuôn trào, có hết lậu hoặc không?”

Đáp: “Không! Nhờ sống độc cư tâm mới tuôn trào, tâm có tuôn trào thì mới dùng các pháp tu tập xả ly nó. Do xả ly nó mới hết lậu hoặc, diệt ngã, xả tâm, ly dục ly ác pháp.”

11- TU CHỨNG THÌ KHÔNG CÒN THAM SÂN SI

(38:31) Hỏi: “Thưa Thầy! Tu chứng thì không còn tham, sân, si, nhưng sao có người lại bảo nó vẫn còn trong tâm, nhưng nó khởi lên là người ta diệt liền? Kính xin Thầy giải thích cho con được rõ!”

Đáp: “Người tu chứng thì tâm không còn tham, sân, si nữa. Người tu chứng mà tâm còn tham, sân, si là chưa chứng. Đó là lối che đậy của giáo lý Đại Thừa.

Con không nghe Phật dạy sao “Tâm có tham tôi biết tâm tôi có tham, tâm không tham tôi biết tâm tôi không tham” v.v…​ Nếu biết tâm không tham là biết tâm không tham là biết tâm giải thoát, nếu biết tâm có tham là biết tâm chưa giải thoát. Lời Phật dạy cụ thể rõ ràng không có mù mờ.

Tâm tham sân khởi lên liền biết, diệt liền, đó là người tu chưa chứng còn đang trên đường tu tập, mới diệt được tham, sân, si thô còn vi tế chưa diệt hết. Người này còn phải tu nhiều hơn nữa vì vi tế rất khó tu, khó hết, mà các nhà Đại Thừa gọi là Bồ Tát còn tạp khí.”

12- LỐI LÝ LUẬN GIAN XẢO 84 NGÀN PHÁP MÔN

(39:50) Hỏi:Thưa Thầy! Trong kinh sách Đại Thừa thường dạy: Đạo Phật có 84 ngàn pháp môn! Có đúng như vậy không thưa Thầy?”

Đáp: “Đó là lối khéo léo của các nhà Đại Thừa để đưa vào Phật giáo các pháp môn của ngoại đạo mà mọi người đều công nhận là của Phật Giáo, thì không còn ai cãi được.

Con thử đem hết kinh sách của Đại Thừa ra kê khai các pháp thì cũng chỉ có trăm pháp là cao nhất, có đâu đến 84 ngàn pháp môn? Các nhà Đại Thừa khôn mà không ngoan là chỗ này, làm cho người sau lật tẩy bộ mặt gian xảo của ngoại đạo muốn diệt Phật giáo tận gốc.”

13- DIỆT TẬN ĐỊNH LÀ ĐỊNH CAO NHẤT CỦA ĐẠO PHẬT

(40:43) Hỏi: “Thưa Thầy! Định nào cao nhất của Đạo Phật?”

Đáp: “Định cao nhất của Đạo Phật là Định Diệt Tận Định. Diệt Tận Định khẩu hành, thân hành và ys hành đều tịnh chỉ hoàn toàn, tất cả các hành động trong thân đều ngưng nghỉ.”

14- PHÁ ÂM THANH KHI BÁM CHẶT TỤ ĐIỂM ĐƯỢC MỘT GIỜ

(41:09) Hỏi: “Thưa Thầy! Định Niệm Hơi Thở con vẫn bám chặt tụ điểm, nương theo hơi thở chậm và nhẹ ra vô chú ý từng hơi thở.

Một, thỉnh thoảng con hướng tâm nhắc phá âm thanh để tạo sức tỉnh thêm, không rơi vào trạng thái an, như vậy có được không thưa Thầy?

Đáp: “Được. Nhưng con phải tăng lên một giờ không cần câu hữu với Định Vô Lậu và các định khác.”

15- PHẢI NHIỆT TÂM TINH CẦN, GIỮ TRỌN HẠNH ĐỘC CƯ

(41:37) Hỏi: “Thưa Thầy! Con tu Định Vô Lậu câu hữu định Chánh Niệm Tỉnh Giác, quán xét tư duy khi tâm con khởi dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu.

Con cũng thường quán xét về nhân quả, dùng pháp hướng để xả tâm lìa lậu hoặc, con tu như vậy có được không thưa Thầy?”

(41:56) “Được! Phải nhiệt tâm tinh cần tu tập, và nhất là giữ trọn hạnh độc cư thì kết quả mới nhanh chóng.”

(42:03) Hỏi: “Thưa Thầy! Về thời khóa con chia như vậy có đúng không?

Một ngày con chia làm bốn thời, thời nào con cũng tu Định Niệm Hơi Thở trước, xả nghỉ mười phút đi kinh hành, tu tiếp Định Vô Lậu rồi đến tu định Chánh Niệm Tỉnh Giác câu hữu với Định Vô Lậu, và thường nhắc tâm: “Tâm như cục đất, không thương, không ghét, không giận, không ham muốn gì hết! Tâm phải bất động trước các đối tượng, trước mọi sự việc v.v…​”

Thời cuối buổi tối, sau cùng một giờ con tự kiểm điểm lại xem một ngày tu tập có đúng hay sai, cần dứt bỏ và cần tu tập những gì để con hướng tâm nhiều hơn nữa, và con không quên rằng lúc nào con cũng phải sống độc cư dù đi đâu, dù làm việc gì!”

Đáp: “Thời khóa của con đã sắp xếp như vậy để tu là phù hợp với khả năng, nhưng phải cố gắng và nhiệt tâm quyết tử mới giữ trọn vẹn thời khóa này. Nhất là hạnh độc cư phải cố gắng nhiều hơn mới giữ trọn. Tu tập để được làm chủ sanh tử chấm dứt luân hồi là một việc làm vĩ đại, không có việc làm nào trên thế gian này sánh được.”

16- TẦM QUAN TRỌNG CỦA HẠNH ĐỘC CƯ

(43:30) Đến đây là Thầy đã trả lời hết những cái câu hỏi của các con, của cô Diệu Quang để giúp cho phần các con hiểu thêm phần giáo lý, là cô Diệu Quang đã giúp rất nhiều. Và cái phần kinh nghiệm tu tập thì các con đã hỏi Thầy để giúp cho các con rút tỉa được những cái, sắp xếp được những cái thời khóa mà tu tập cho nó tốt hơn.

Và trên cái bước đường tu tập thì như các con đã biết rằng. Thầy nhắc đi nhắc lại rất nhiều cho các con là cái hạnh độc cư, nó là bí quyết thành công của con đường tu tập để giải thoát. Mười năm trong thất mà Thầy giữ hạnh độc cư, cho đến mức độ mà trước làn tên mũi đạn mà Thầy không phá hạnh độc cư của mình, thì các con đủ biết rằng cái hạnh độc cư nó quan trọng đến mức nào.

Do vì vậy mà Thầy nghĩ trong thời nay khó có người mà thực hiện được cái hạnh độc cư. Và nhìn chung thì các con biết rằng, trong chúng tu chúng ta cũng có những người mà giữ độc cư, nhưng mà chỉ được năm bảy phần chớ không thể trọn vẹn hết mười phần.

Cũng như một trăm phần trăm thì người ta giữ được chừng bấy chục phần trăm là cao lắm, ít có người mà trọn vẹn được một trăm phần trăm. Nếu mà người nào mà giữ được trọn vẹn được một trăm phần trăm, thì người đó sẽ hoàn toàn là họ sẽ giải thoát, giải thoát hoàn toàn và rất nhanh chóng.

Môi trường để tạo cho các con tu tập mà các con chỉ giữ được một tháng độc cư không nói chuyện, không tiếp duyên, sống cho mình, sống trầm lặng một mình mình, thì cái thời gian đó cao lắm là các con cố gắng dữ lắm tầm một tháng, chớ còn không thì chưa hẳn là được một tháng.

Nếu mà các con thấy một tháng mà các con lại tiếp duyên, lại tạo ra cái cảnh động cho tâm của con mà phá mất hạnh độc cư thì lúc bấy giờ các con lại bắt đầu tu trở lại nữa, và cứ như vậy mà thời gian các con bị mất rất nhiều.

Thay vì làm chung với nhau mà không hề có một lời nói với nhau, làm chung với nhau mà không hề để tâm nghe chuyện người khác, thì đó gọi là độc cư.

Người nào nói gì nói, mà mình không cần nghe câu chuyện của người khác, mình tìm cách mình tránh xa, để cái lỗ tai của mình, nó ở gần nó hay nghe cho nên mình tìm cách mình tránh xa, và cái sự tránh xa đó nó giúp cho các con tu nhanh chóng hơn. Chứ còn các con mà cứ ở gần, cái lỗ tai nó bắt buộc nghe, và nó nghe tức là làm cho các con mất độc cư, tức là bị động tâm.

Cho nên muốn giải thoát để mà tâm ly dục, ly ác pháp, để thực hiện được thiền định mau chóng thì chỉ có hạnh độc cư mới giúp cho các con được mà thôi!

Mà giữ làm sao trọn vẹn, sống làm sao trầm lặng một mình, sống làm sao mà sung sướng ở trong đời sống trầm lặng một mình, đừng có tiếp duyên ở ngoài. Mặc dù các con sống chung nhau, làm việc chung nhau mà sống độc cư được thì cái đó là cái cao quý nhất.

Ngày xưa ba vị Tôn Giả đã sống chung nhau trong một cái thất, mà họ đã giữ độc cư trọn vẹn suốt ba năm, họ đã thành tựu tất cả các loại thiền định. Thầy tin rằng nếu mà các con giữ đúng được hạnh độc cư thì không bao lâu các con cũng hoàn tất.

(Xem tiếp ở Pháp hành 40)

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy