00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

PHÁP HÀNH 04 - CÂU HỮU KẾT HỢP CÁC PHÁP TU

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu sinh

Thời gian: 1998

Thời lượng: [47:39]

1- PHÁP ĐẦU TIÊN LÀ TỨ CHÁNH CẦN, PHÁP CUỐI CÙNG LÀ TAM MINH

(Tiếp theo Pháp hành 03)

(00:00) Pháp mà tu tập đầu tiên, pháp mà để tìm hiểu Phật pháp là Tứ Diệu Đế, mà pháp cuối cùng đó là Tam Minh. Còn pháp tu đầu tiên là pháp Tứ Chánh Cần, còn pháp tu cuối cùng là Tam Minh.

“Nếu người tu sĩ đạo Phật chưa xong Tam Minh thì còn tu tập nữa.”

Nghĩa là khi mình thực hiện Tam Minh chưa được, như bây giờ, mình nhập vào Bốn Thiền, tức là Thiền thứ tư, thân và tâm nó định với nhau thành một khối rồi, mà mình hướng tâm về Túc Mạng Minh. Mình hướng về cái đời gần nhất mà mình chưa hiểu biết được cái đời gần nhất của mình, rồi cái đời thứ 2, thứ 3, thứ 4, thứ 5, cho đến nhiều đời, vô lượng đời của mình mà mình chưa có thấy biết, thì Túc Mạng Minh mình chưa xong, thì mình còn phải tu cho xong.

Và khi mà đến Thiên Nhãn Minh thì nó ngồi tại đây, mà mình hướng tâm thì nơi đâu mình cũng thấy được hết. Mà Đức Phật có ví dụ như là mình đứng ở trên một cái lầu ở giữa cái ngã ba, giữa cái ngã tư đường, xe cộ, người qua kẻ lại, mình đứng trên đó mình nhìn xuống, thì mình thấy mọi người qua lại, không có người nào mà mình không thấy. Và như vậy tức là Thiên Nhãn Minh.

Còn Lậu Tận Minh, mà hướng tâm về Lậu Tận Minh thì tất cả những cái lậu hoặc, cái gốc của lậu hoặc nó sanh ra tham, sân, si, phiền não, Ngũ Triền Cái, Thất Kiết Sử, nó sanh ra những cái đó, thì bây giờ nó đoạn dứt, mình đều thấy rất rõ.

Mà không những thấy mình đã đoạn dứt rất rõ, và thấy chúng sanh đang sống ở trong cái gốc lậu hoặc đó rất là cụ thể, rõ ràng. Người thì ít, người thì nhiều như thế nào, thì chúng ta thấy rất rõ ràng. Do thấy rõ ràng như vậy cho nên nó mới đoạn dứt được cái lậu hoặc, cho nên cái đó gọi là Lậu Tận Minh.

Do cái chỗ tu tập cái pháp cuối cùng này, thì đương nhiên là cái người tu sĩ đó sẽ không còn tu tập nữa. Tới đây là cái người đó đã thực hiện được Tam Minh xong rồi, thì cái người đó nghỉ, bây giờ đi chơi chớ còn không có tu nữa. Nghĩa là tối là ngủ, chơi chớ còn không có tu tập gì nữa hết. Hoặc là ngồi thiền chơi vậy chớ còn cũng không có cái chỗ tu tập nữa.

Cho nên nói nhập thất, hay hoặc nói này kia, hay hoặc là ngồi thiền hay hoặc đi kinh hành như Đức Phật ngày xưa, chẳng qua là cái thói quen của mình như vậy thôi, chớ sự thật ra thì không phải còn tu tập nữa. Khi mà có được Tam Minh là mình đã làm chủ được sự sống chết, làm chủ được cái tâm của mình, không còn tái sanh luân hồi nữa, cho nên đó là cái pháp cuối cùng, tu tập cái pháp cuối cùng.

Và cái pháp đầu tiên, Thầy nhắc lại là Tứ Chánh Cần, còn cái pháp Tứ Diệu Đế chỉ chẳng qua là một cái sự hiểu biết cho thông suốt được cái chân lý của đạo Phật, từ cái khổ, nguyên nhân khổ, và cái Niết Bàn, cái cảnh giới, cái trạng thái tâm hết khổ, và cái con đường Bát Chánh Đạo, là tám cái nẻo để mà đoạn dứt được cái nguyên nhân khổ đó.

Cho nên cái Tứ Diệu Đế để dẫn dắt, để chỉ rõ cho chúng ta hiểu biết nó tường tận, chớ không phải là cái pháp tu, mà là cái pháp để hiểu biết thấu suốt được cái cuộc đời chúng ta như thế nào, và hiểu biết được cái lối để mà chúng ta tu tập, để mà đoạn dứt cái tâm ham muốn của chúng ta, tâm tham của chúng ta.

Cho nên cái pháp đó là cái pháp để hiểu biết mà thôi, người nào hiểu biết mà xả ngay, bỏ ngay cuộc đời, thì ngay đó không còn tham sân si nữa, thì người đó tu rất mau. Còn người mà hiểu biết mà chưa có xả bỏ được thì lần lượt sẽ tu tập Tứ Chánh Cần để dứt trừ các pháp ác, đoạn dứt các pháp ác mà tăng trưởng các thiện pháp. Đó là cái pháp tu đầu tiên, và cái pháp tu cuối cùng là Tam Minh.

2- TRỢ GIÚP CHO VIÊN MÃN TÂM GIẢI THOÁT NÊN GỌI LÀ PHÁP TRỢ ĐẠO

(4:10) “Pháp môn của Đức Phật có tên là trợ đạo, có nghĩa là trợ giúp cho viên mãn được đạo, vì thế có chỗ giống nhau nhưng lại khác.”

Nghĩa là cái pháp môn của Phật nó giúp cho cái tâm được giải thoát, thân thọ tâm pháp của chúng ta giải thoát, cho nên nó trợ giúp các pháp khác, nó làm cho cái tâm chúng ta được mau giải thoát. Cho nên các pháp đó gọi là 37 Phẩm Trợ Đạo, trợ làm cho bốn cái chỗ thân, thọ, tâm, pháp của chúng ta được sớm thanh tịnh, được viên mãn, được giải thoát hoàn toàn.

Cho nên gọi là trợ đạo, cái pháp nó trợ cho cái tâm của mình, mà cái tâm giải thoát của mình đó là cái đạo, cái tâm thanh tịnh của mình đó là cái đạo. Mà nó trợ giúp cho cái tâm của chúng ta, cái thân của chúng ta, cái thọ của chúng ta, và các pháp được thanh tịnh, được sớm được mau thanh tịnh, thì các pháp tu tập đó như vậy gọi là trợ đạo.

(5:17) Mà các pháp trợ đạo thì nó trợ cho cái đạo thanh tịnh, thì có chỗ thì nó giống nhau, nhưng nó khác nhau. Nó giống nhau vì pháp nó trợ lực cho cái pháp kia, nó giúp cho các pháp kia, pháp kia nó giúp cho pháp này, do đó nó trợ cái pháp này, nó giúp cho pháp kia.

Cũng như thí dụ như chúng ta tu cái Định Chánh Niệm Tỉnh Giác, thì nó trợ giúp cho cái Tứ Chánh Cần, làm cho nó ngăn chặn các pháp ác, đó là nó trợ giúp đó, nó trợ giúp cho Tứ Chánh Cần. Cho nên nó trợ giúp cho cái pháp khác, pháp khác nó làm cho cái tâm của chúng ta, cái thân tâm của chúng ta nó thanh tịnh đi, nó không còn tham sân si, nó không còn ác pháp nữa, đó gọi là trợ.

Thí dụ như cái pháp Định Vô Lậu, thì nó trợ giúp cho Tứ Chánh Cần đoạn dứt được cái ác pháp liền. Pháp nó sanh rồi, bây giờ nó đang tăng trưởng nè, do đó nhờ cái Định Vô Lậu chúng ta quán xét, cho nên chúng ta đoạn dứt nó liền, do đó nó trợ giúp cho Tứ Chánh Cần đoạn được cái ác pháp liền. Nếu không có cái pháp Định Vô Lậu, thì nó khó mà có thể dứt trừ được cái ác pháp. Nó cứ tăng trưởng lên, càng lúc nó càng lớn càng mạnh lên, nó làm cho chúng ta sân giận, phiền não, tham muốn, dữ tợn lên nữa, nó không có muốn lìa những cái vật chất ham muốn.

Thí dụ như bây giờ chúng ta có một chiếc xe Honda, giờ chúng ta thấy chiếc xe Dream họ đẹp, tốt quá, chạy nhanh hơn, thì chúng ta lại khởi cái tâm ham muốn. Mà nếu mà không có cái Định Vô Lậu, nó làm cho chúng ta quán xét để hiểu, thì cái tâm ham muốn nó tăng trưởng lên, nó ham muốn, nó bắt chúng ta phải chạy làm cái này, làm cái kia, hay hoặc ăn trộm cắp để lấy tiền rồi, hay hoặc đi ăn cắp cái xe của người ta để mình có cái xe. Do đó nó đẩy cho mình đi tới cái chỗ ác pháp, nó làm mình rất là khổ đau. Cho nên mình nhờ cái Định Vô Lậu đó mình quán xét, mình ngăn chặn, mình đoạn dứt nó liền, làm cho cái tâm ham muốn của mình chấm dứt lại.

Đó thì trong các pháp mà tu tập như vậy, thì những cái pháp đó gọi là trợ đạo, trợ giúp cho các pháp khác, cho nên nó có cái chỗ tu, nó có cái chỗ giống nhau, nhưng nó có cái chỗ khác nhau. Nhưng mà nó trợ giúp nhau thì nó là giống nhau, nhưng mà cái hành pháp của nó, cái pháp mà nó hành thì nó khác nhau.

Vì pháp này trợ lực cho pháp kia, pháp kia trợ lực cho pháp này, cho nên nó giống nhau là ở chỗ đó. Giống nhau là pháp nào nó cũng nhắm vào đoạn diệt ác pháp. Nghĩa là chúng ta phải thấy cái chung của nó là các pháp Phật, nó nhắm vào cái pháp nào nó cũng đoạn diệt cái ác pháp hết.

Thí dụ như Tứ Chánh Cần nhắc chúng ta phải cần hằng ngày phải cần đoạn dứt các ác pháp, không cho sanh khởi, thì cái pháp Định Vô Lậu nó cũng đoạn dứt cái ác pháp, nó xa lìa cái lòng ham muốn ác pháp đó. Rồi Định Chánh Niệm Tỉnh Giác nó giữ cho cái tâm của mình luôn luôn lúc nào cũng ở trong hành động mà không có khởi một cái ác pháp nào, không có khởi một cái niệm ác nào ở trong tâm chúng ta.

Thì như vậy nó, các pháp của Phật đều là nhắm vào nó đoạn diệt ác pháp, nó đoạn dứt cái ác pháp, nó không có cho cái ác pháp mà tăng trưởng, hay hoặc là sanh khởi ở trong tâm của chúng ta. Mà khi mà ác pháp nó được đoạn trừ, được đoạn dứt, nó không có ở trong tâm chúng ta nó không sanh khởi, thì cái thiện pháp nó sẽ sanh khởi, và nếu mà chúng ta giữ gìn không có cho ác pháp xen vào, thì cái thiện pháp đó nó tăng trưởng.

Cho nên các pháp nó giống nhau là ở chỗ nó nhắm vào đoạn diệt các ác pháp, viễn li, từ bỏ, xa lìa các ác pháp. Cho nên khi mà nó giúp cho chúng ta xa lìa được ác pháp, thì ta thường hằng vui sống, giữ gìn và bảo vệ, phòng hộ, che chở cho thiện pháp. Cho nên lúc bấy giờ, một người biết tu thì luôn luôn người ta vui sống với cái thiện pháp và giữ gìn, hộ trì, bảo vệ nó, che chở cho cái thiện pháp nó được còn hoài. Còn nếu nếu mà chúng ta không có che chở, không có hộ trì, không có phòng hộ, không có giữ gìn, thì thiện pháp nó sẽ bị ác pháp nó sanh khởi và nó sẽ tăng trưởng lên, nó làm cho chúng ta khổ đau.

3- TU PHÁP NÀO THÌ GIẢI THOÁT TRÊN PHÁP ĐÓ

(9:26) Đó là những cái phần mà mình tu tập phải thấy được các pháp như vậy. Còn khác nhau thì ở chỗ thực hành. Như bây giờ cái pháp Chánh Niệm Tỉnh Giác để mà trợ giúp cho cái Tứ Chánh Cần, thì Chánh Niệm Tỉnh Giác nó phải tập trung ở trong các hành động của chúng ta để cho nó không có cho pháp ác nó sanh khởi ra được.

Cũng như cái nó khác nhau, thí dụ như bây giờ cái Chánh Niệm Tỉnh Giác thì nó tập trung ở trong cái hành động đi, hoặc là tay chân chúng ta làm những cái công việc, cái hành động của nó, của thân của chúng ta hay của tâm của chúng ta. Còn cái Định Vô Lậu thì nó cũng trợ giúp cho cái Tứ Chánh Cần, nhưng nó lại quán xét cái pháp, cái niệm ác đó, để rồi nó xả, nó buông cái niệm ác, nó đoạn dứt cái niệm ác đó đi. Thì cái hành động nó quán xét thì nó không có ở trong cái hành động đi kinh hành, hoặc là hành động quét sân, hoặc là mọi cái công việc làm hằng ngày chúng ta tập trung trong hành động làm của thân thì nó khác rồi.

Cho nên nó khác nhau là nó khác nhau ở thực hành, mà nó giống nhau là nó giống nhau ở cái chỗ mà đoạn diệt cái ác pháp. Quý Thầy hiểu rõ như vậy, các con phải hiểu rõ như vậy, thì chúng ta biết rằng các pháp Phật giống nhau chỗ nào và khác nhau ở chỗ nào.

Cho nên mỗi pháp đều có tên riêng, do cái chỗ mà hành động tu tập nó khác nhau như vậy, cho nên nó phải có cái tên riêng. Thí dụ như Chánh Niệm Tỉnh Giác Định, thì Chánh Niệm Tỉnh Giác Định thì nó tỉnh giác ở trong chỗ nào? Ở trong hành động. Mà cái Định Vô Lậu thì nó phải là ở trong cái chỗ quán xét để cho lậu hoặc nó không còn, thì nó khác nhau. Cho nên cái tên của nó, nó chứng tỏ là cái hành động của nó khác với cái tên của một cái pháp khác.

Cho nên nó có mỗi cái tên của nó để chỉ rõ cái hành trình tu tập của chúng ta, kết quả mang lại thân thọ tâm pháp của chúng ta được làm chủ và giải thoát hoàn toàn, theo kết quả giải thoát của từng pháp môn. Nghĩa là chúng ta giải thoát của theo từng pháp môn, nghĩa là chúng ta tu cái pháp nào thì nó có sự giải thoát ngay tại ở trên cái pháp đó.

Thí dụ như bây giờ chúng ta ngăn chặn các pháp ác nè, bằng cái pháp Định Chánh Niệm Tỉnh Giác, thì chúng ta đi kinh hành từ đây nè, ra tới cổng chùa, rồi chúng ta đi vào nè, mà chúng ta giữ gìn không có cho các ác pháp nó khởi lên được, do đó ngay đó thì chúng ta nhận thấy nó có sự giải thoát ở từng cái chỗ tu tập của các pháp đó.

Bây giờ chúng ta, do một cái niệm nào đó khởi lên mà chúng ta muốn đoạn diệt cái niệm ác pháp đó, do đó chúng ta dùng cái Định Vô Lậu rồi chúng ta quán xét, chúng ta làm cho cái tri kiến giải thoát, cái sự hiểu biết của mình nó tăng trưởng nó lớn mạnh ra, nó làm cho chúng ta xả được cái ác pháp đó, đoạn dứt đựợc cái ác pháp đó, nó không còn ray rứt ở trong lòng của chúng ta nữa.

Thì khi mà chúng ta xả nó được vậy, thì chúng ta thấy rõ ràng là cái kết quả nó mang đến cái sự giải thoát từng cái pháp môn của chúng ta tu tập đó.

Chớ không phải là ở trong cái Chánh Niệm Tỉnh Giác đó mà nó giải thoát cho cái tâm chúng ta đang ở trong cái ác pháp, nó làm cho tâm chúng ray rứt được, là khi mà chúng ta dùng Chánh Niệm Tỉnh Giác. Trái lại chúng ta dùng cái Định Vô Lậu thì ngay cái pháp ác nó đang tăng trưởng, nó đang làm khổ đau tâm hồn chúng ta, thì chúng ta quán xét, thì chúng ta xả nó ra được.

(12:49) Đó thì xét thấy như vậy thì chúng ta biết rằng khi cái pháp nào mà chúng ta tu, thì ngay đó chúng ta có những cái kết quả của cái pháp đó liền, chớ không phải là không có, phải chờ năm, bảy ngày, hay hoặc một tháng, hai tháng mới có.

Cũng như bây giờ chúng ta tu cái định Nhị Thiền, diệt Tầm Tứ, thì do định sanh hỷ lạc, thì cái hỷ lạc đó thì ngay đó là cái chỗ mà dô cái định nó sinh ra, nó làm cho chúng ta thấy an lạc, và cái thân của chúng ta thấy nó nhẹ nhàng, thơi thới, nó thoải mái, nó dễ chịu, nó không còn có cái chỗ mà khổ sở và khó khăn.

Cũng như cái Sơ Thiền, do cái chỗ mà chúng ta ly dục ly ác pháp, nghĩa là toàn bộ tham, sân, si, mạn, nghi, và Thất Kiết Sử mà chúng ta đã đoạn dứt được, thì các lúc bấy giờ các ác pháp đó nó đã viễn ly, nó lìa ra rồi. Cho nên từ cái chỗ ly dục ly ác pháp đó thì nó sanh cái hỷ lạc, nó làm chúng ta có cái chỗ an lạc cho cái thân và tâm của chúng ta, trong đó cái thọ nó không còn đánh chúng ta được nữa.

Cho nên nó có những cái kết quả như vậy đó, nó mang đến những cái kết quả như vậy trong từng giây, từng phút mà chúng ta tu tập, chớ không là phải tu 5, 7 ngày nó mới có được những cái đó, không phải đâu. Khi mà chúng ta đã giữ gìn được cái tâm của mình ở trong cái chỗ mà ly dục ly ác pháp, thì chúng ta đã thấy được cái trạng thái ly dục ly ác pháp, cái hỷ lạc đó, cái trạng thái giải thoát đó.

4- CÁCH THỨC TU TẬP PHÁP NÀO RA PHÁP NẤY, KHÔNG ĐƯỢC LỘN XỘN

(14:22) Cách thức tu tập pháp nào ra pháp nấy, nghĩa là tu tập pháp nào thì phải cho ra pháp nấy chớ có lộn xộn, pháp này mà xiên qua pháp khác.

Thí dụ như bây giờ chúng ta vừa đi kinh hành tu tập ở trong cái Chánh Niệm Tỉnh Thức ở trong hành động thân của chúng ta, thì trong khi vừa đi tỉnh thức ở trong cái hành động đó thì chúng ta lại quán xét bằng cái Định Vô Lậu, thì như vậy chúng ta đặt một cái niệm ở trong đó suy tư như vậy, đó là sai, không có đúng. Pháp nào nó phải ra pháp nấy, không thể nó lộn xộn.

Mà khi có một cái, như chúng ta học biết đó, nó có những cái pháp trợ cho pháp khác, như cái Định Niệm Hơi Thở nó là cái pháp nó trợ duyên cho các pháp để tu tập các pháp, thì cái Định Niệm Hơi Thở nó mới giúp cho chúng ta thực hiện các pháp khác. chớ còn nếu mà cái Chánh Niệm Tỉnh Giác thì nó không phải giúp cho chúng ta cái Định Vô Lậu được, mà chính cái Định Niệm Hơi Thở nó có thể giúp cho chúng ta ở trong cái Chánh Niệm Tỉnh Giác được, là vì nó là trợ pháp.

Cũng như, thí dụ như chúng ta học sinh ngữ, về pháp ngữ, thì chúng ta biết rằng cái động từ avoir nó là trợ động từ, nhờ nó mà chúng ta chia các động từ khác được. Đó thì cái Định Niệm Hơi Thở nó cũng như vậy, nó trợ pháp, nhờ nó mà chúng ta tu tập các pháp khác được thành tựu.

Chẳng hạn bây giờ chúng ta vừa đi kinh hành, thay vì chúng ta tập trung trong bước đi chúng ta, thì chúng ta lại nương vào hơi thở, vừa đi mà vừa nương vào hơi thở. Thì cái đó nó trợ cho chúng ta đang đi để giúp cho sức tỉnh của chúng ta, sau đó chúng ta thấy có cái sự tỉnh ở trong cái hơi thở rồi, chúng ta mới xả hơi thở, thì chúng ta quay trở lại cái bước đi. Thì lúc bấy giờ tâm chúng ta tập trung ở trong bước đi, nhờ cái hướng tâm của cái hơi thở, nương vào cái hơi thở để mà giúp cho sức tỉnh, để mà chúng ta biết cái bước đi của chúng ta rất rõ ràng. Đó gọi là trợ pháp.

Còn về sinh ngữ học, về Pháp ngữ thì nó gọi là, cái động từ đó thì gọi là trợ động từ, thì như vậy chúng ta thấy nó, những cái trợ pháp và trợ động từ nó gần giống nhau, để mà trong cái sự tu tập của chúng ta.

Cách thức tu tập pháp nào phải ra pháp nấy, không có giống nhau. Nghĩa là các pháp cũng không có giống nhau, pháp này nó không giống pháp khác, nhưng mà ở trong Phật pháp thì nó có thể nó câu hữu, nó câu hữu pháp này với pháp khác, để cho nó thực hiện, nhưng mà nó câu hữu nhiều nhất là nó, là chỉ có Định Niệm Hơi Thở là nó câu hữu với các pháp khác để nó hoàn thành được các pháp khác ở trong cái Định Niệm Hơi Thở.

Vì cái mục đích của Định Niệm Hơi Thở nó không dẫn chúng ta đi đến đâu được hết, mà nó chỉ dẫn chúng ta đi đến cái chỗ để trợ giúp cho các pháp khác mà thành tựu. Thí dụ như bây giờ chúng ta muốn nhập được cái Diệt Thọ Tưởng Định thì chúng ta cũng phải nương vào cái hơi thở, cái Định Niệm Hơi Thở, rồi chúng ta dùng pháp hướng, chúng ta nhắc cho đến khi mà ý hành của chúng ta ngưng hoạt động hoàn toàn, thì lúc bấy giờ chúng ta đã nhập Diệt Thọ Tưởng Định, chớ không phải là gì.

Nếu mà bây giờ, thí dụ như bây giờ chúng ta nương vào cái hơi thở, nhờ cái Định Niệm Hơi Thở, chúng ta nương vào ở trong hơi thở, tâm chúng ta bám chặt trong hơi thở đó, rồi chúng ta lại nhắc, lại hướng tâm, lại nhắc “Tịnh chỉ hơi thở, hơi thở phải ngưng đi, các hành ở trong thân ngưng đi!” Đó là thân hành phải ngưng.

(17:25) Do cái thân hành nó ngưng thì chúng ta nhập Tứ Thiền, nhờ cái hơi thở mà chúng ta nương vào đó để mà chúng ta nhập được Tứ Thiền, cho nên cái hơi thở gọi là cái pháp trợ duyên cho các pháp khác.

Cho nên sau này thì lần lượt Thầy dạy về cái giới hành, thì Thầy sẽ dạy về cái pháp Định Niệm Hơi Thở, nó trợ duyên để chúng ta biết cách nương vào hơi thở mà tu tập. Cho nên từ lâu tới giờ, thì hầu hết là các con muốn được tu tập, được rèn luyện từng cái hơi thở rất nhiều, ổn định hơi thở, tập hơi thở chậm, dài, ngắn, rồi tạo tụ điểm cũng bằng hơi thở của mình bằng mọi cách. Đến giờ này thì bắt đầu dạy về giới hành, thì hơi thở mới thấy là một cái quan trọng cho cái bước đường tu tập vì nó là trợ pháp cho tất cả các pháp ở trong Phật pháp.

Ở đây có nghĩa là Thầy trả lời chung cho sự giống nhau và khác nhau của các pháp. Còn trả lời riêng mỗi pháp, giống nhau khác nhau từng pháp này đối với pháp khác, có pháp thì giống nhau, với pháp này, pháp kia nó giống nhau từng pháp, thì khi nào mà Thầy có cái dịp mà Thầy giảng rộng ra, hoặc là soạn viết thành sách thì mới giảng từng pháp.

Còn bây giờ thì chúng ta nó không có thì giờ bởi vì Thầy dự định rằng Thầy sẽ cố gắng Thầy giảng cái thời gian ngắn nhất làm sao cho các pháp hành này, để cho mấy con được học tập trong một tháng cho nó xong, để rồi thì mấy con còn biết bao nhiêu công việc để tu tập và cũng còn biết bao nhiêu trở về trụ xứ để mà lo tu tập. Biết được cái pháp hành rồi thì dù ở đâu thì các con cũng sẽ tu rất tốt, chứ không có gì hết. Sợ khi mình không biết, mình tu sai, mình mới đi lạc vào những cái con đường sai mà thôi.

Bây giờ thì Thầy chỉ trả lời chung cho biết rằng là các pháp thì nó giống nhau khác nhau vậy thôi, chớ còn sau này thì lần lượt Thầy giảng tới về Định Niệm Hơi Thở, rồi về Định Vô Lậu thì lúc bấy giờ nó câu hữu với cái pháp nào như thế nào, thì Thầy sẽ dạy cái riêng cái chung của nó cho nó rõ ràng. Còn bây giờ thì chúng ta lướt qua để chúng ta còn phải học nhiều cái điều kiện khác nữa, chớ không có thì giờ mà chúng ta học hết.

5- ĐỊNH CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC CẦN TU TRƯỚC TIÊN

(19:46) Về phần tu định, bây giờ cô Út hồi nãy hỏi có 16 loại định đó, thì bây giờ thầy mới nhắc lại:

Về phần tu định, 16 loại định thì định Chánh Niệm Tỉnh Giác là tu trước tiên, chớ không phải là cái Định Niệm Hơi Thở là tu trước tiên đâu. Cái Chánh Niệm Tỉnh Giác là tu trước tiên đó. Và cái định Diệt Thọ Tưởng Định là cái định tu sau cùng, đó thì các con thấy chưa. Chớ không phải chúng ta từ lâu, từ hồi nào đến giờ chúng ta tu sai, tu nó không đúng cách, cho nên chúng ta lấy cái trước làm cái sau, mà lấy cái sau làm cái trước.

Cho nên về pháp chúng ta tu tập thì Tứ Chánh Cần tu trước, mà về định thì chúng ta tu cái định Chánh Niệm Tỉnh Giác tu trước, bởi vì cái định Chánh Niệm Tỉnh Giác nó ngăn chặn không có cho các pháp ác sanh, đó thì cho nên nó hợp với cái Tứ Chánh Cần. Còn nếu mà không có cái pháp mà nó hợp với Tứ Chánh Cần thì làm sao mà nó ngăn chặn được các ác pháp sanh. Cho nên nó là Chánh Niệm Tỉnh Giác, nó ngăn chặn nó không cho sanh, đó. Thì về thiền định thì chúng ta phải thấy rằng định Chánh Niệm Tỉnh Giác là phải tu trước và định Diệt Thọ Tưởng Định là tu sau cùng.

6- CÁC PHÁP TU ĐỀU CÂU HỮU KẾT HỢP VỚI NHAU, KHÔNG TU RIÊNG RẼ

(21:06) Trong các thiền định của Phật, loại thiền định nào cũng có sự kết hợp với các pháp môn khác, nghĩa là nó câu hữu với các pháp môn khác. Thí dụ như Chánh Niệm Tỉnh Giác nó câu hữu với cái Tứ Chánh Cần thì nó ngăn chặn các pháp ác, chúng ta thấy rất rõ. Đó như vậy, Thầy giảng như vậy các con suy ngẫm các con thấy Thầy giảng có sai không? Nó rất cụ thể, nó rất rõ ràng, nó phải câu hữu.

Tức là cái danh từ câu hữu là trong kinh, chớ đó là cái danh từ kết hợp. Nghĩa là chúng ta lấy cái định Chánh Niệm Tỉnh Giác đó mà chúng ta kết hợp với cái Tứ Chánh Cần, thì chúng ta biết rằng cái Tứ Chánh Cần nó sẽ dứt các ác pháp, nó không có cho sanh khởi các ác pháp, nó không cho các ác pháp sanh khởi.

Đó thì chúng ta thấy quá rõ ràng và cụ thể, chớ không phải còn cái mơ hồ như các vị mà giảng thiếu kinh nghiệm mà giảng không ra cái chỗ này. Cho nên ở đây nó cụ thể lắm.

Trong các thiền định của Phật, loại thiền định nào cũng có sự kết hợp với các pháp môn, câu hữu, không có định nào mà tu riêng rẽ. Nghĩa là cô Út hỏi có thứ Thiền Định nào mà tu riêng rẽ không? Cho nên vì vậy mà Thầy trả lời rằng nó câu hữu, nó kết hợp, nó tu chung với các pháp khác, chớ nó không có riêng rẽ nó tu độc lập mình nó.

Từ lâu thì các con cứ nghĩ rằng mình ngồi mình hít thở hít thở, mình chỉ biết như vậy đó, mình biết hơi thở ra, hơi thở vô vậy, đó là tu riêng rẽ, đó là sai đó các con. Cái mục đích mà nếu mà chúng ta giữ được cái hơi thở, nó không khởi một cái niệm nào ở trong đầu chúng ta đó, nó hoàn toàn nó diệt được các Tầm ấy, thì lúc bấy giờ chúng ta biết rằng đó là chúng ta đã câu hữu với cái Tứ Chánh Cần rồi, để mà chúng ta ngăn chặn các pháp ác ở trong hơi thở.

Thì hiểu rõ như vậy thì chúng ta biết nó phải có cái sự câu hữu kết hợp với cái pháp kia. Chớ giờ nó tu hơi thở mà nó hít thở hít thở mà nó không vọng tưởng, vậy thì cái kết quả nó đem lại cái gì đây? Cho nên chúng ta thở riết mà chúng ta không biết nó kết quả, chúng ta cứ ngỡ rằng nó hết vọng tưởng là nó vào định à? Định gì?

Nó phải nhằm có cái mục đích giải thoát thân tâm của chúng ta chớ, còn cái này nó hít thở như vậy, rồi bắt đầu cứ ngồi như vậy hoài như vậy, cứ hít thở hít thở từ ngày này sang ngày khác, không vọng tưởng rồi nó, bây giờ nó kết quả cái gì đây? Chúng ta không thấy. Nghĩa là nó ngăn chặn không cho các ác pháp sanh ra cho nên tâm chúng ta được giải thoát, thân chúng ta giải thoát chứ gì? Nó rõ ràng cụ thể, nó có cái nghĩa giải thoát của nó trong nó.

Còn cái này nó không có cái nghĩa giải thoát gì hết, mà chúng ta cứ chỗng khu mà hít thở, hít thở, rồi đếm 1,2,3,4. Có người ngồi 2, 3 tiếng đồng hồ ngồi hít thở mà không biết cái giải thoát, vậy giải thoát cái gì. “Tôi tu thiền định hơi thở tôi vậy!” Hay hoặc cái người niệm Phật, niệm riết để cho cái tâm nó nhất niệm ở trong hơi thở. Mà cái giải thoát này là giải thoát cái gì, hay là chờ chết để Đức Phật Di Đà rước mình về cõi cực lạc? Chuyện đó là chuyện mơ hồ rồi, cho nên nó không đúng rồi.

Vì vậy cho nên chúng ta phải biết rằng, khi mà chúng ta tu tập là phải kết quả nào? Là các ác pháp ngăn chặn không cho sanh. Mà nếu mà có một niệm thì nó đã sanh cái pháp ác rồi, dù là cái niệm gì mà nó sanh trong đầu chúng ta, trong lúc đó mà chúng ta nương vào hơi thở vậy mà nó sanh ra, thì đó là ác pháp rồi. Mà ác pháp thì tức là chúng ta không ngăn chặn thì làm sao giải thoát? Làm sao giải thoát được thân tâm của chúng ta?

Mà đã có một niệm sanh khởi thì tức là cái niệm đó là cái nhân quả rồi. Mà hễ nhân quả thì tức là nó đã, làm sao mà chúng ta đoạn dứt được cái chỗ mà tái sanh luân hồi? Đó chúng ta thấy rất rõ. Cho nên cái tu Phật chúng ta phải hiểu được cái quả của nó như thế nào, chớ người nói “Tui tu tui chẳng có quả gì hết!” thì tu cái gì? Cho nên chẳng có cần biết mình tu chứng cái gì, quả cái gì. Đâu phải!

Tôi tu tôi giải thoát, tôi biết tâm tôi không tham tôi biết không tham, mà không sân tôi biết không sân. Chớ này mình tu mà mình cũng chẳng biết tham, sân, si gì. Mình cũng không biết cái ác pháp nó còn hay là hết mình cũng chẳng biết, cứ ngồi hít thở hoài đó mà không biết mình giải thoát cái gì mà hít thở. Đó là cái tu ngu si, cái tu không trí tuệ.

(24:46) Còn ở đây đạo Phật dạy chúng ta câu hữu, dùng cái Định Niệm Hơi Thở mà câu hữu, để mà chúng ta ngăn chặn được cái pháp đó thì nó có ý nghĩa của nó. Rồi bây giờ chúng ta, thí dụ như dùng cái Định Niệm Hơi Thở mà câu hữu với Nhị Thiền là diệt Tầm Tứ, thì tức là chúng ta đang ở trong cái chỗ hoàn toàn không có ác pháp chứ gì? Nó rõ ràng.

Mà bây giờ mà nếu mà dùng cái Định Niệm Hơi Thở, tức là cái hơi thở chúng ta mà ly các loại hỷ của chúng ta, hỷ tưởng của chúng ta, thì tức là chúng ta nhập Tam Thiền chứ gì. Mà dùng cái hơi thở để mà chúng ta tịnh chỉ các hành của hơi thở, ngưng hoạt động hoàn toàn, thì đó là chúng ta nhập Tứ Thiền vì cái quả của nó sẽ đưa chúng ta nhập Tứ Thiền. Mà nhập Tứ Thiền là nó mục đích nó sẽ đoạn dứt cái gì? Thất Kiết Sử hay là Ngũ Triền Cái hay là gì ở trong đó chớ? Nó làm cho thân tâm chúng ta được giải thoát chớ?

Cho nên mỗi một cái thiền định như vậy nó đều nói lên được cái đoạn dứt cái gì, Hạ Phần Kiết Sử hay là Thượng Phần Kiết Sử hay là Ngũ Triền Cái. Nó cho chúng ta biết được cái chuyện mà chúng ta làm đó nó đạt được cái gì, nó kết quả được cái ác pháp, nó ly, nó đoạn dứt như thế nào, thì lúc bấy giờ chúng ta mới nhập được cái thiền định đó. Còn bây giờ chúng ta nhập thiền định mà chúng ta không biết là dứt các ác pháp như thế nào thì cái đó là tu ngu si.

Đó thì bắt đầu chúng ta thấy rằng, nghĩa là chúng ta tu thiền định, mà đối với thiền định của đạo Phật thì nó không có cái định nào riêng rẽ. Còn bây giờ chúng ta cứ hít thở mà biết cái hơi thở ra vô, mà nó không biết cái kết quả của nó là ở chỗ mức nào đó, thì như vậy là cái người đó tu cái thiền định riêng rẽ, nó không có cái câu hữu kết hợp.

7- ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ LÀ ĐỊNH TRỢ DUYÊN

(26:17) Định Niệm Hơi Thở là một loại thiền định trợ duyên. Đó bây giờ Thầy mới, bởi vì cô Út có hỏi Thầy: “Kính bạch Thầy, trong 16 loại định, định nào tu trước, định nào tu sau, định nào kết hợp với định nào để tu một lượt, định nào tu riêng một mình?” Đó có sự hỏi tu riêng một mình đó.

Cho nên ở đây Thầy mới xác định là không có cái định nào mà tu riêng một mình.

Rồi: “Định nào làm trợ duyên cho các định khác?“ Đó, bây giờ định nào mà làm trợ duyên, nếu mà không có hỏi câu này thì Thầy không có trả lời cái chỗ này. Cho nên vì vậy mà hỏi định nào làm trợ duyên, cho nên Thầy trả lời Định Niệm Hơi Thở là là một loại thiền định trợ duyên cho các thiền định khác.

Giống như động từ avoir, nhờ nó mà chia các loại động từ khác. Thì trong Pháp ngữ, thì các thầy cũng có học, các thầy biết đó, là chúng ta học avoir với être thì nó là hai cái động từ để mà chia cho các động từ khác, gọi là trợ động từ.

Còn ở đây chúng ta học Định Niệm Hơi Thở với Định Chánh Niệm Tỉnh Giác, nhất là Định Niệm Hơi Thở là cái định mà nó trợ cho tu tập để giúp cho các định khác mà thành tựu viên mãn. Còn cái Định Chánh Niệm Tỉnh Giác nó chỉ giúp một phần nhỏ mà thôi. Cho nên phải nói rằng cái Định Niệm Hơi Thở là cái định trợ duyên rất lớn cho các pháp ở trong cái sự tu tập của chúng ta. Chớ nó không có riêng rẽ một mình nó, vì nó riêng rẽ một mình nó không có mang kết quả gì được hết. Định Niệm Hơi Thở rất quan trọng đối với các loại thiền định. Nghĩa là các loại thiền định muốn đạt được thì cái Định Niệm Hơi Thở là cái định niệm rất là quan trọng.

Cho nên chúng ta mà muốn tu tập thì chúng ta phải rèn luyện cái Định Niệm Hơi Thở, tập luyện cái Định Niệm Hơi Thở rất là kỹ lưỡng. Do cái sự tập luyện kỹ lưỡng của cái Định Niệm Hơi Thở thì sau này chúng ta dễ dàng tu tập lắm. Cho nên hầu hết là Thầy đã rèn luyện một thời gian rất dài với cái Định Niệm Hơi Thở, cho nên bây giờ dạy thì các con thấy Thầy không có nói về Định Niệm Hơi Thở. Nhưng mà nhờ cái căn bản mà các con đã rèn luyện được cái Định Niệm Hơi Thở đó, mà bây giờ các con sẽ tu nó dễ dàng lắm.

Như ngày nào, các con cũng thấy rằng như cô Diệu Thảo nè, cô Diệu Tịnh nè, mấy cô này về đây mà tu về Định Niệm Hơi Thở, mà diệt Tầm Tứ, coi như là diệt cái Tầm của mình đừng có cho cái vọng tưởng xen vào, thì suốt 3, 4 năm trời không phải là một chuyện dễ của mấy cô đâu, nhưng mà hôm nay, từ 20 phút hay 30 phút mà không có một vọng tưởng xen vào. Thì các con thấy rằng, cái phần thứ nhất là chúng ta phải nhìn thấy là cái tâm chúng ta có xả được một phần rồi đó. Và kế đó là cái thuần ở trong cái hơi thở, cho nên chúng ta biết áp dụng đúng pháp là đúng cái pháp hướng, để nó trợ duyên nó làm cho cái Tầm Tứ chúng ta nó không sanh khởi ra.

(29:08) Và bây giờ Thầy lại dạy về Tứ Chánh Cần để cho biết được cái kết quả của cái sự tu của các pháp này, nó giúp cho chúng ta ly các pháp ác, đoạn dứt các pháp ác để tăng trưởng các pháp thiện. Đó là cách thức rất là rõ ràng và cụ thể.

8- HIỂU ĐÚNG VỀ THÂN HÀNH NIỆM

(29:22) Hôm nay Thầy dạy về cái phần Thân Hành Niệm. Nhưng mà trong bài kinh Thân Hành Niệm này, thì Thầy thấy rằng cái bài kinh mà Phật dạy về Thân Hành Niệm, thì cái bài kinh đó nó nhiều cái mà, thay vì nói về Thân Hành Niệm thì cái hành động của thân, thì trong cái bài kinh đó nó lộn xộn như thế này nè. Nó có nói thân rồi nói tâm, Tâm Hành Niệm.

Thí dụ như nó nói về Thân Hành Niệm, mà nếu mà nói Thân Hành Niệm thì nói cái hành động của chúng ta, đi, đứng, kinh hành, mang y mặc bát, đó là cái Thân Hành Niệm rồi. Rồi bây giờ nói đến cái chỗ hơi thở thì nó cũng là Thân Hành Niệm rồi. Rồi bắt đầu mà nói đến các cái thọ thì nó cũng gọi là Thân Hành Niệm, thì nó là sai.

Hoặc là nó nói đến cái tâm của nó, tâm tôi có tham tôi biết tham, tâm của tôi có sân tôi biết sân, đó là Tâm Hành Niệm chớ không phải là Thân Hành Niệm. Cho nên trong cái bài kinh này, tuy rằng cái bài kinh nguyên thủy nhưng mà nó không đúng cái cách của cái Thân Hành Niệm, nhưng mà nó lấy cái tên rằng Thân Hành Niệm, thì như vậy là Thầy không chấp nhận cho cái bài kinh đó là đúng.

9- VÌ NGU SI NÊN MÃI ĐẮM ĐUỐI TRONG LUÂN HỒI ĐAU KHỔ

(30:52) Vì vậy mà Thầy thấy hiện bây giờ, thì Thầy sẽ nhắc đến một vài cái pháp thiện và pháp ác, để cho qua những cái bài Kinh Pháp Cú, để cho các Thầy rút tỉa những cái ác, và cái thiện của con đường mà tu ở Tứ Chánh Cần cho rõ ràng hơn. Rồi sau đó Thầy sẽ dạy về cái Thân Hành Niệm, để chúng ta biết rằng từ cái chỗ đó mà chúng ta ngăn chặn được các pháp ác.

Bởi vậy nói về Tứ Chánh Cần thì phải nói về ác với thiện, và cái hành động để ngăn chặn được các pháp ác, và tăng trưởng các pháp thiện, để mà chúng ta hiểu, để mà chúng ta biết cách tu tập.

(31:40) Ở đây, cái đầu tiên là cái pháp ác đầu tiên, là chúng ta phải học về cái ngu của chúng ta. Tức là trong cái ý của chúng ta nó có ba cái pháp ác đó, ba cái pháp ác đó là tham, sân, si. Mà si tức là cái ngu của mình.

Cho nên ở đây trong cái câu Kinh Pháp Cú dạy: “Đêm rất dài với kẻ mất ngủ, đường rất xa với kẻ lữ hành mỏi mệt, cũng thế, vòng luân hồi sẽ nối tiếp vô tận với kẻ ngu si, không minh đạt chánh pháp”.

Nghĩa là ở đây cái câu Pháp Cú của Phật dạy, cái người mất ngủ thì thấy đêm nó trằn trọc, đêm nó dài nó không có, nó lâu sáng quá. Mà cái người đi đường mà mỏi mệt rồi, thì thấy con đường nó xa vời vợi. Còn mình còn khỏe thì con đường xa mình không thấy xa đâu.

Mà mình không phải là người mất ngủ, mình là người mà nằm xuống mà ngủ, thì sao mà thấy cái đêm nó ngắn quá, mới nằm xuống là đã là sáng rồi, không có để cho mình ngủ được nữa, cho nên đêm nó ngắn. Còn cái người mất ngủ cứ nằm trằn trọc mà ngủ không được, mong cho nó sáng, mà nó không sáng, đêm nó dài.

Thì cái vòng luân hồi nó sẽ nối tiếp vô tận mãi với cái người ngu không có thấy được nó, cho nên cứ đắm đuối chạy, ham mê theo cái dục lạc của thế gian, ham mê cái này, ham mê cái kia, chớ chúng ta chưa biết rằng cái luân hồi kiếp này nó sang kiếp khác, nó cứ lôi cuốn chúng ta mãi vô ở cái chỗ mà vô tận của cái luân hồi đó.

Chúng ta không thấy, cũng như cái người mà không thấy cái đêm dài, cũng như không thấy cái đường xa, khi cái người đó chưa có mỏi mệt, chưa có mất ngủ.

Những người phàm phu ngoài đời họ là những người chưa mất ngủ, cho nên còn ham ngủ, cho nên thấy đêm ngắn, những người ở ngoài đời họ chưa thấy cái đường xa, cho nên họ chưa phải là người mỏi mệt, chưa biết khổ. Còn chúng ta là những người hiểu và biết khổ, cho nên chúng ta mới thấy rằng mỗi một kiếp người mà luân hồi nối tiếp nhau cái sự đau khổ này, nó vô tận như vậy.

Cho nên đó là cái ngu của mình, cái ngu không thấy, cho nên không thấy, cho nên vì vậy mà chúng ta không vui lòng, không hăng hái, không tinh tấn mà ngăn chặn các pháp ác, để cho tâm chúng ta luôn luôn mãi sanh cái ham muốn cái này cái kia, cái nọ, chạy theo những cái ăn, cái uống, cái ngủ, cái nghỉ, cái vui sướng của cuộc đời, chạy theo những cái đó.

(34:04) Cho nên đó là cái ngu của chúng ta, không có thấy rằng cái nối tiếp cái sự luân hồi đau khổ mỗi kiếp người không có sung sướng gì hết. Đó là cái ngu.

Cho nên hằng ngày mà chúng ta tu tập, chúng ta thấy được cái khổ sở này, thì chúng ta không có còn sung sướng gì mà chạy theo cái dục lạc của thế gian, ham thích cái thế gian nữa. Miếng ăn chúng ta cũng không thấy ngon nữa, cho nên chúng ta không có thèm cái này hoặc cái khác, không có thèm một cái gì hết, mà chúng ta chỉ còn lo làm sao chấm dứt được sự luân hồi.

Vì chấm dứt được nó nó mới hết khổ, mà không chấm dứt được nó thì đời này cũng khổ, đời sau cũng khổ, dù chúng ta có vua chúa, giàu sang cách gì đi nữa thì chúng ta cũng khổ, chúng ta có đầy đủ cái vật chất thế gian này thì chúng ta vẫn khổ, không bao giờ mà chúng ta hết khổ. Đừng nói người giàu đầy đủ là sung sướng đâu, không sung sướng. Mà đừng bảo rằng người nghèo không có hột cơm ăn là sung sướng đâu, cũng không sung sướng đâu. Người nào cũng khổ ở trong cái vòng luân hồi của nó.

Biết rõ như vậy, tức là chúng ta mau mau, ngăn chặn các pháp ác. Mà các pháp ác đó đâu có gì mà khó mà không ngăn chặn. Chúng ta có pháp tu tức là Chánh Niệm Tỉnh Giác Định, Định Niệm Hơi Thở, Định Vô Lậu, là chúng ta đã đoạn trừ được các pháp ác đó liền. Thế mà chúng ta không siêng năng, không tinh tấn để tu tập để chấm dứt cái vòng luân hồi này, cái vòng mà do chúng ta ngu si, mà cứ đắm đuối, cứ để cho pháp ác sanh khởi sanh khở trong tâm chúng ta mãi. Phiền não, đau khổ, ham muốn, nhớ thương, tất cả những cái này nó làm cho chúng ta đau khổ triền miên, bất tận.

Đó thì hôm nay, đầu tiên nói về cái sự đau khổ của cuộc đời, mà chúng ta ngu si chúng ta không biết, do đó mà chúng ta không chịu ngăn chặn các pháp ác trong tâm của chúng ta.

Cái câu Pháp Cú thứ hai ở đây nhắc về cái ái kiết sử: “Đây là con ta, đây là tài sản của ta. Kẻ phàm phu thường lo nghĩ như thế, nhưng chẳng biết chính ta còn không thiệt có, huống là con ta hay tài sản của ta”.

Đó là cái câu Pháp Cú Phật dạy như vậy. Nghĩa là chúng ta thấy con mình mình thương nè, cha mẹ mình nè, tài sản mình nè, cái gì cũng lo nghĩ cái này, cái nọ, cái kia, lo mà làm cho có của, có cải, có nhà có cửa, có xe có cộ, rồi ăn, rồi uống này kia, tưởng là cái đó là thiệt có, nhưng chính thân ta còn không giữ được, huống hồ là những vật đó, để mà có làm gì, có rồi cũng phải bỏ mà thôi, chứ có làm gì?

Chúng ta đem cái sức ra làm của cái tài sản bao nhiêu thì ngày nào đó chúng ta cũng bỏ, không có mang theo được gì. Thế mà những cái chuyện mà chúng ta ngu si như vậy, để mà chúng ta không nỗ lực thực hiện, ngăn chặn các pháp ác đó, ngăn chặn những cái tình thương đó, ngăn chặn những cái mà làm chúng ta không ra khỏi luân hồi này.

Đó thì ở đây, câu thứ hai để nhắc nhở cái sự tu tập của chúng ta, phải nỗ lực hằng ngày, phải siêng năng từng phút, từng giây để ngăn chặn các pháp ác đừng cho tăng trưởng, luôn luôn giữ gìn sống trong thanh thản, trong an ổn của cái thiện pháp.

10- NGƯỜI CÓ TRÍ TUỆ THÌ LUÔN NỖ LỰC NGĂN ÁC DIỆT ÁC

(37:18) Câu kế của Kinh Pháp Cú: “Người ngu suốt đời gần gũi người trí vẫn chẳng hiểu Chánh Pháp, ví như cái muỗng múc thuốc thang luôn mà chẳng bao giờ biết được mùi vị của thuốc thang”.

Chẳng hạn các con gần được Thầy, nhắc đi nhắc lại như thế này, mà các con không chịu buông xả, không chịu ngăn chặn các pháp ác, không chịu đoạn dứt các pháp ác, mà cứ sống theo cái dục lạc thế gian, sống nhớ sống nghĩ, sống thương sống ghét, sống ham thích cái này cái nọ cái kia, thì cũng như là, ví như cái muỗng mà múc thuốc, cái muỗng múc thuốc nhưng nó chẳng biết cái mùi vị của thuốc thang như thế nào hết à!

Gần bên Thầy mà chẳng có được cái mùi vị giải thoát nào hết thì cũng như cái muỗng mà múc thuốc, cuối cùng là cái muỗng nó cũng chẳng biết cái vị thuốc đó là thuốc trị cái gì nữa, nõ cũng chẳng biết nữa. Gần Chánh Pháp mà không thực hiện được Chánh Pháp giải thoát, thì cũng ví như cái muỗng mà múc thuốc để mà bán thuốc cho người ta chớ còn nó chẳng có gì hết, đó thì thì rất uổng cuộc đời cho các thầy và các con.

Câu Pháp Cú kế: “Người trí dù chỉ gần gũi người trí trong khoảnh khắc cũng hiểu ngay được Chánh Pháp, chẳng khác gì cái lưỡi mới tiếp xúc với thuốc thang, đã biết ngay mùi vị của thuốc thang.”

Đó Đức Phật ví dụ, hồi nãy là cái muỗng múc thuốc, bây giờ là cái lưỡi chúng ta muốn nếm thuốc.

Cho nên khi mà cái người trí, cái người mà có trí thông minh người ta gần cái bậc trí, bậc tu hành, người ta chỉ nghe cái lời của một vị mà tu hành giải thoát, người ta nói ra rồi, thì ngay đó người ta nhận ra được Chánh Pháp liền. Cho nên người ta biết được cái mùi vị của thuốc đó liền, vậy mà ví như cái lưỡi của chúng ta, bỏ miếng thuốc đó vô thì biết cái mùi vị thuốc đó ngon, ngọt, cay đắng như thế nào, biết liền. Còn cái người ngu, thì họ như cái muỗng, chớ không phải là cái lưỡi.

(39:14) Cho nên cái người trí thì họ là cái lưỡi, cho nên từ đó họ bỏ hết, họ nỗ lực họ thực hiện, các cái pháp ác ngăn chặn không cho sanh khởi, không cho tăng trưởng. Còn cái người ngu thì cứ luôn để cho nó tăng trưởng, tăng trưởng mãi mãi mãi tăng trưởng hoài, thì đó là người ngu chớ không phải người trí. Người ngu thì không phải ví như cái lưỡi được, mà ví như cái muỗng múc thuốc mà thôi.

Đó là những cái mà để chúng ta thấy được chúng ta là người khôn hay là người ngu, hay là người mê hay người sáng. Một người mà sáng thì luôn luôn ngăn chặn các pháp ác, thực hiện cái pháp. Bởi vì những cái pháp này nó đâu phải là những cái pháp khó khăn, nó đâu có làm chúng ta phải điên khùng, mà chúng ta ngăn chặn được là thấy có giải thoát hoàn toàn, thấy tâm hồn có thanh thản an lạc liền tức khắc.

Còn cái người ngu thì luôn luôn cứ để cho ác pháp xen lẫn, khởi ham muốn cái này, cái kia, cái nọ, chạy theo những cái dục lạc của thế gian, đó là cái người ngu, cho nên nó là chỉ là cái muỗng múc thuốc chớ không phải là cái lưỡi nếm thuốc.

Đó là những cái pháp mà Phật đã nhắc nhở chúng ta để thực hiện cái Tứ Chánh Cần, để nhắc nhở chúng ta để thực hiện sự giải thoát của tâm hồn của mình, thân tâm của mình.

Câu kế nữa, “Khi ác nghiệp chưa thành thục, thì người ngu tưởng như đường mật, nhưng khi ác nghiệp đã thành thục, thì họ nhất định phải chịu khổ, đắng cay”.

Đó thì cái câu này, bây giờ đó, cái ác nghiệp nó chưa thành thục, cho nên chúng ta thấy những cái ham muốn cái này cái kia, ham muốn xe cộ, ham muốn ăn uống, ham muốn cái này cái kia, ham muốn đủ loại vật chất ở trên thế gian này, thì chúng ta thấy nó như đường mật, nó vui lắm, nó sung sướng lắm. Thấy người ta cười giỡn, người ta bài bạc, thấy người ta hút sách, thấy người ta đi tới, đi lui, thì mình mừng lắm, mình thấy mình vui theo.

Nhưng không ngờ đó là cái ngu của mình, tưởng nó như đường mật, nhưng mà thật sự ra khi mà ác nghiệp nó đến rồi, thì lúc bấy giờ nhất định là cái người ngu đó phải chịu thọ khổ đắng cay. Đời không có ai mà tránh khỏi những cái sự mà nhìn cái dục lạc của thế gian là đường mật, mà thoát khổ đâu. Người nào mà chạy theo cái dục lạc của thế gian, chạy theo những cái vật chất của thế gian, thì người đó phải chịu nhiều đắng cay.

Còn cái người nào mà không có chạy theo vật chất của thế gian, không thấy rằng cái dục lạc của thế gian là đường mật, thì người đó thoát khổ. Đó thì, hôm nay, những cái câu kinh Pháp Cú để nhắc nhở chúng ta tu tập trong các cái pháp của Phật, tức là Tứ Chánh Cần để nhắc nhở chúng ta biết cái thiện pháp, cái ác pháp mà ngăn chặn.

(41:52) Một câu Pháp Cú kế nữa: “Một đàng đưa tới thế gian, một đàng đưa tới Niết Bàn, hàng tì kheo đệ tử Phật hãy biết rõ như thế, chớ nên tham đắm thế lợi, nên chuyên chú vào đạo giải thoát.”

Ở đây, cái câu Pháp Cú này khuyên lơn chúng ta hai cái nẻo rất rõ ràng mà trong Đường Về Xứ Phật Thầy đã vạch ra thấy rõ, đời phải ra đời, đạo phải ra đạo. Đường đời phải như thế nào mà đường đạo phải như thế nào. Còn cái này, đạo nó chẳng ra đạo, mà đời nó chẳng ra đời. Chúng ta đã quyết tâm chọn lấy đường đời, để đi hướng đi về nẻo Niết Bàn, chớ không phải đi về dục lạc của thế gian nữa. Và đi về nẻo Niết Bàn thì chúng ta phải sống như thế nào cho đúng cách, phải tu tập như thế nào để đạt được.

Và hôm nay các con và quý thầy cũng đã rõ ràng con đường mà chúng ta hướng về nẻo Niết Bàn là phải, chúng ta phải thực hiện Tứ Chánh Cần. Phải không? Chúng ta đã thực hiện Tứ Chánh Cần thì con đường mà đi vào nẻo Niết Bàn thì tức là chúng ta sẽ đạt được kết quả ngay liền tức khắc, chớ không phải là không ngay liền.

Đó thì, hôm nay thì các thầy thấy rất rõ con đường mà đưa đến Niết Bàn là con đường mà chúng ta đang tu, đang thực hiện. Thì cái pháp mà chúng ta đang tu tập đầu tiên đó là Tứ Chánh Cần. Hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, chúng ta ngăn chặn nó, không cho ác pháp sanh khởi, không cho tăng trưởng, thì đó là chúng ta đã tu tập thiền định. Mà thiền định thì sẽ đưa chúng ta đến chỗ chấm dứt sanh tử, chấm dứt luân hồi.

Hôm nay nghe rõ các pháp hành như vậy, thì Thầy mong rằng các con bên nữ, cũng như là các thầy bên nam, hãy nỗ lực thực hiện cho kỳ được, chấm dứt, không có thấy đời là thương, là ghét, là giận, là hờn gì nữa hết, mà phải thấy đời là một cái hình thức nhân quả, vay nợ trả nhau mà thôi.

Cho nên cái câu Pháp Cú hồi nãy, mình thấy rằng, đây là con của mình, đây là tài sản của mình, cái đó là cái khổ đau nhất, cái đó là cái không sáng suốt, cái còn bị chấp đắm, không sáng suốt. Mà mình hãy nhìn tất cả không phải gì cả hết, mà là nhân quả mà thôi, Thầy thường thường nhắc nhở các thầy rất nhiều, nó là nhân quả. Cho nên, chúng ta phải thấy nhân quả.

Chúng ta tu Tứ Vô Lượng Tâm cho nên chúng ta không làm ngơ trước sự đau khổ của người khác, trong đó có những người thân của mình. Chúng ta không làm ngơ trước sự đau khổ của người khác, nhưng chúng ta không có để đó là của cải của mình, tài sản của mình, đó là con của mình, đó là cha mẹ của mình, thì nó sẽ không được giải thoát hoàn toàn theo đạo Phật.

11- GIẢI THOÁT LÀ DỨT HẾT CÁC SỰ RÀNG BUỘC

(44:57) Cho nên ở đây con đường mà đưa đến Niết Bàn là con đường phải đoạn dứt Thất Kiết Sử, bảy cái kiết sử thì ái kiết sử phải đoạn dứt, và cái tâm tham, cái ác pháp mà ở trong ác pháp tham, sân, si, thì cái tâm tham ái này, cái tâm tham dục này nó nằm rất trọn vẹn ở trong tất cả mọi cái ác pháp. Thương ghét cũng là ác pháp, chớ không phải nói thương là thiện pháp, mà ghét là ác pháp, cho nên phải rõ được như vậy.

Và qua những lời dạy Pháp Cú này, chúng ta mới cố gắng mà nỗ lực thực hiện cho kỳ được, làm cho được, để mà được giải thoát.

“Người đã giải thoát hết thảy, là đã dứt hết thảy buộc ràng, là người đi đường đến đích, chẳng còn chi lo sợ.“

Nghĩa cái người mà gọi là giải thoát, là cái người dứt hết các sự buộc ràng, tức là Thất Kiết Sử, thì như vậy mới có thể mà gọi là giải thoát. Chớ không phải giải thoát là chúng ta ngồi thiền nhập định, có thần thông, phép tắc gọi là giải thoát đâu, không phải đâu. Mà giải thoát…​

(46:06) Muốn dứt hết các ràng buộc đó thì chúng ta phải tu Tứ Chánh Cần. Bởi vì chúng ta biết rằng các cái sự ràng buộc đó đều là ác pháp, nó không phải là thiện pháp. Cho nên chúng ta tu tập Tứ Chánh Cần là luôn luôn lúc nào chúng ta cũng giữ gìn ở trong pháp Chánh Niệm Tỉnh Giác, để cho các pháp ác không sanh khởi, và khi nó đã sanh khởi thì chúng ta mau mau dùng Định Vô Lậu để mà quét sạch nó ra, đập nó xuống, không có cho nó tăng trưởng.

Đó là chúng ta có những pháp tu tập như vậy đó. Có những cái pháp có giá trị để tu tập, để giữ cho tâm chúng ta luôn luôn được giải thoát hoàn toàn, được thanh thản được an lạc, nó không có một chút gì lo sợ một chút gì thương ghét, một chút gì giận hờn trong đó nữa. Đó là chính các con phải nỗ lực thực hiện các pháp này.

Thầy nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, phải nỗ lực thực hiện. Đây là pháp đầu tiên để chúng ta đi vào thiền định, cũng là pháp đầu tiên để thực hiện con đường giải thoát. Bắt đầu vào, bắt tay vào là chúng ta đã thấy ngay có sự giải thoát liền. Nghĩa là không tu thôi, tu là có giải thoát liền ngay tức khắc.

Cho nên phải mạnh dạn, phải nỗ lực, phải thực hiện cho kì được, chớ không thể nào mà tu sơ sơ được, tu ít được, mà tu hết sức mình, để sớm chừng nào tốt chừng nấy, Vì các con còn phải cứu giúp biết bao nhiêu người đang chết đuối, đang sắp sửa chết đuối ở trong Phật pháp này.

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy