00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

PHÁP HÀNH 03 - THIỆN TRONG ĐẠO PHẬT LÀ KHÔNG THAM SÂN SI

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu sinh

Thời gian: 1998

Thời lượng: [31:16]

1- TU TẬP PHẢI ĐI TỪNG BƯỚC TỪ DỄ ĐẾN KHÓ

(00:00) Cho nên từ cái ngày mà tu qua rồi, thì nó xả thiền ra, thì ăn cơm rồi, thì cái buổi trưa nó ngồi lại, nó ghi chép lại trong một cái ngày đêm nó tu tập, nó có những cái câu hỏi rất là đặc biệt. Và đồng thời Thầy cũng trả lời khuyến khích trong một tuần lễ nó tu tập, trong một tuần lễ nó tập như nào.

Cho nên hầu hết là các Thầy đều là, các con đều là bỏ tập nhật kí thời khóa chớ riêng Minh Tông thì còn giữ gìn mãi mãi. Từ cái ngày mà đặt thành cái nhật kí thời khóa tu tập tới bây giờ nó chưa có bỏ, lúc nào nó cũng ghi. Vì vậy mà những cái mà nó hỏi Thầy và những cái kinh nghiệm, rút tỉa được từ cái kinh nghiệm của nó.

Sau này thì Thầy cũng đặt những cái câu hỏi để mà trả lời tất cả những cái kinh nghiệm của nó, để nó thành ra một cái vấn đạo, để giúp cho cái người mà đi tới một cái giai đoạn mà tu tập cao hơn, như nó vậy, thì nó dễ hiểu hơn, nó dễ biết cách hơn.

Vậy cho nên cái phần này để dành riêng. Còn bây giờ nếu mà các con được đọc thì các con sẽ bị tưởng mất đi, cho nên chưa có cho các con đọc những cái câu hỏi này.

Bởi vì những cái này nhằm khi các con chưa tới cái giai đoạn đó, như bây giờ chưa hết vọng tưởng, còn vọng tưởng, chưa có làm chủ được cái ngủ mà vội làm chủ được cái tỉnh thức ở trong giấc ngủ phá mộng tưởng, thì như vậy mà đã theo những cái điều kiện mà nó thực hiện mà nói ra như thế này, thì các con bị ảnh hưởng tưởng hết, nó phải đi từng bước.

2- DẸP BỎ ÁC PHÁP ĐỂ GIỮ TÂM YÊN LẶNG VÀ TỈNH THỨC

(1:29) Cho nên nó có những cái dễ mà cũng có những cái khó, mà cái khó đó thì mình phải đi từng bước thì nó mới dễ. Còn mình đi, mình nghe cái đó như vậy, cái bắt đầu cái mình làm liền, cũng như thí dụ như bây giờ cô Diệu Hảo, đang ở trong một cái tâm nó yên lặng, nó mới đạt được cái yên lặng, thì lẽ ra dùng cái yên lặng này để mà càng quét sạch cái tâm, giữ gìn cái thiện pháp của mình, tập tỉnh thức cao hơn, khoan phá âm thanh đã, thì nó hay hơn!

Trái lại thì, cô thấy nó vừa được yên lặng nó không có Tầm Tứ chớ gì, trong yên lặng đó thì cô vội cô phá âm thanh, thì trong khi cái tâm của cô nó chưa có sạch cái lậu hoặc, nó còn các pháp ở bên ngoài đập từng giây, từng phút, nó chưa có yên.

Nghĩa là, ở đâu người ta kéo đến cái nơi của cô, nó tạo thành một cái động, mà bây giờ cô ở đây, cô nỗ lực cô tu là nhờ cái sự trói buộc kiềm chế trong ba tháng hạ này. chớ nếu mà cỡ không thì cô cũng không yên mà ngồi đây được, cô phải về chớ không thể nào mà ngồi đây được,

Thế mà, đó là những cái pháp ở ngoài nó đập phá mình như vậy, thế mà cô phải nỗ lực hơn để mà xả ly được pháp, thì cái sự vắng lặng này nó sẽ là cái sự vắng lặng chân chính. Còn bây giờ mình dùng ức chế để vắng lặng, dùng bám cho thật chặt để mà vắng lặng, thì phải là vừa xả mà vừa bám, nó cả một cái sức dữ lắm.

Còn bắt đầu bây giờ chúng ta được yên lặng rồi, thì dùng cái yên lặng này, chúng ta nỗ lực hàng ngày, chúng ta tu yên lặng thì chúng ta phải tập tỉnh thức thêm, để mà xả ly, nghĩa là xả ly cái hoàn cảnh, cái ác pháp nó đến đập chúng ta. Thì xả được các pháp, bởi vì mình tu được cái thân cái tâm của mình yên tịnh rồi, thì bây giờ phải tu các pháp thanh tịnh chớ, để cho các pháp ngoài nó đừng có đánh mình nữa. Các con thấy không, nếu mà các pháp ngoài nó cứ đánh mình hoài thì nó mất thanh tịnh.

Cho nên các pháp ngoài phải ngăn chặn liền, không có cho nó đến phá nữa. Phải đập nó xuống hết để cho cái thân và tâm với thọ của mình nó được yên tịnh, để mình thực hiện, mà các pháp nó cứ đánh hoài, nó đánh hoài mình tu không được.

Cho nên khi mà thân, thọ, bây giờ tâm mình ngồi đây nè, nhiếp hơi thở nè, không vọng tưởng nè, nó yên lặng nè, đó thì mình biết rằng nó có sự yên lặng của thân và tâm của mình.

Bởi vì mình ngồi là cái thân mình yên lặng rồi, nó không dao động cái thân mình biết rồi, trong ba mươi phút mà, rồi bắt đầu cái tâm của mình không có niệm nào hết là nó yên lặng rồi. Như vậy là thân yên lặng và tâm yên lặng trong ba mươi phút. Mà bây giờ các pháp cứ đánh vô, mặc dù mình ngồi mà các pháp đánh vô thì cái hoàn cảnh mà tỉnh thức nó có xảy được trong tâm của mình tỉnh thức không?

Hay hoặc là mình đang lo, nó lo tức là không tỉnh thức, không Chánh Niệm rồi. Nó đang nghĩ ngợi cái này cái kia nó không Chánh Niệm rồi. Mà muốn nó Chánh Niệm thì phải phá cái lo lắng đó đi, nó đang ở trong cái Chánh Niệm. Còn nếu mà còn cái lo lắng thì cái Chánh Niệm nó không còn. Mà nó không còn thì bây giờ mình có phá cái âm thanh đi nữa, thì nó cũng không có phá nổi.

Cho nên bây giờ nó được yên lặng của thân tâm rồi tiến tới tu tập yên lặng của pháp. Đập xuống các pháp hết, pháp thương, pháp ghét, pháp giận, pháp hờn pháp gì cũng đập xuống hết, đập các pháp hết không có cho xâm chiếm vào tâm mình nữa. Thì đó mình mới thấy thân, thọ, tâm, pháp thanh tịnh. Thì bắt đầu Tứ Niệm Xứ này mới đi vào Tứ Thánh Định mới được. Phải không?

Thân, thọ, tâm, pháp thanh tịnh, tức là mình mới đi vào Tứ Thánh Định, thì như vậy gọi là ly dục, ly ác pháp.

3- NĂNG LỰC CỦA CÂU PHÁP HƯỚNG KHI TÂM ĐÃ THANH TỊNH.

(4:49) Thì khi mà thân, thọ, tâm, pháp mà thanh tịnh tức là ly dục, ly ác pháp rồi, thì như vậy chúng ta mới đạt được cái Thiền đầu tiên là Sơ Thiền. Tiếp tục cái Nhị Thiền là phải tịnh chỉ Tầm Tứ. Mà tịnh chỉ Tầm Tứ kiểu mà chúng ta ức chế là không được, mà chỉ có ra lệnh hướng tâm: “Tầm Tứ phải diệt, phải tịnh chỉ!”, thì ngồi đây, bắt đầu cái tịnh, cái tâm thức phải biết rõ hơi thở, mà “Tầm tứ phải diệt!”, thì bắt đầu ngồi lại nó không có một niệm vọng tưởng xen vô hết.

Mình ra lệnh à, chớ không phải là mình nhiếp gì hết, mình ngồi đó thản nhiên không có tập trung cái gì hết, không có gồng hai cái vai này lên, không có căng cái mặt lên. Cho nên mình ngồi rất nhẹ nhàng, thư giãn, mà không có tập trung…​, chỉ ra lệnh của mình ngồi vậy cái hơi thở nó cứ theo mình mà nó ra vô ra vô ra vô.

Mình bảo hơi thở nhẹ, chậm thì nó nhẹ, chậm theo. Mình không có thở chậm nhẹ, mà bảo nó tự nhiên nó chậm nhẹ. Mình thấy cái chỗ mà mình điều khiển cái hơi thở chậm nhẹ nó khác, mà bảo nó chậm nhẹ nó là khác.

Khi tu tới đây, các con mới thấy được cái chỗ nó hay là cái chỗ này. Mình bảo nó khác mà mình làm chậm nhẹ, có khi mình bảo rồi mình thở chậm nhẹ, có, nhưng mà cái mình làm chậm nhẹ đó nó không hay đâu, nó có cái vận dụng ở trong đó nó làm cho mình mệt nhọc.

Còn mình bảo nó rồi mình ngồi vậy tự nó nó thở chậm nhẹ, mình biết cái hơi thở sao mà biết nghe lời, nó làm chậm nhẹ chớ không cần phải mình làm! Đó là lúc cái tâm thanh tịnh rồi đó, bảo cái gì nó nghe cái nấy.

(6:04) Cho nên mình bảo cái thân bay là nó phải bay, Thầy nói như vậy. Thì bắt đầu bây giờ mình bảo phải cái tâm này phải tỉnh thức nè, không có mộng mị, không có chiêm bao nè, không có ngủ. “Cái thân này ngủ đi!” Ra lệnh vậy cái thân nó ngủ mà cái tâm nó thức, chớ không phải cần mình tập nhiều nữa. Mình chỉ ra lệnh thôi, miễn cái thân này, mình làm cho các pháp thanh tịnh, đừng có tập, đừng có phá mình nữa, thì cái chuyện đó quá dễ chớ gì.

Thầy nói thật sự Thầy ở trong thất, cái kinh nghiệm này Thầy có. Thầy chỉ nói với mẹ Thầy là từ đây về sau đừng có cho ai vào thất Thầy hết, đừng có ai hỏi Thầy hết, hoàn toàn, ở ngoài chết hay làm gì cứ làm, đừng có hỏi Thầy, Thầy dặn mẹ Thầy vậy. Thì cho nên ai đến hỏi Thầy hay hoặc làm cái gì, thậm chí cô Út cũng không hỏi Thầy được! Thì con biết như vậy là xả hết các pháp, làm cho cái pháp thanh tịnh mà. Để không người ta hỏi mình là nó không có thanh tịnh được.

Tu tập như vậy nó mới tu nổi, ngăn chặn như vậy nó mới ngăn chặn chớ, chớ không để các pháp nó đến nó đập mình hoài. Mà đập hoài thì cái tâm mình tu lâu, nó mất thì giờ mình nhiều. Mất thì giờ mình nhiều lắm, rất cực. Đó, thì trên bước đường Thầy nhắc nhở các con phải hiểu rõ vậy.

Mà khi cứ ra lệnh, ra lệnh, thì các con ra lệnh bữa nay các con chưa xong, ngày mai ra lệnh cái nó làm! Nó làm à. Bữa nay ra lệnh làm như là nó mới quá nó chưa biết, nó chưa biết đúng tên đúng họ nó. Nhưng mà tự mình mình ra lệnh cái sao thấy nó làm không được, mình thay đổi câu hướng, mình nói sao đúng tên nó cái bắt đầu nó vô à.

Hồi đầu mình chưa có biết, mình nói nó trật, trật tên trật họ nó hay sao, thành ra nó không chịu quay, chừng mình nói đúng tên họ nó rồi cái bắt đầu nó làm vô. À như vậy là tại mình nói trật, cho nên mình suy nghĩ, cái bắt đầu mình nói, nói cái trúng, trúng cái nó quay vô, trúng quay vô, bảo cái nó nghe lời.

Mà nó nghe lời, tới chừng bảo “Tịnh chỉ hơi thở!”, cái nó tịnh chỉ hơi thở. Trời ơi sướng quá chứ gì, có tu gì đâu, cứ ra lệnh, ra lệnh, cái bắt đầu nó vô thiền định. Rồi bắt đầu mình ra lệnh nó bay nó bay, ra lệnh nó làm hai, ba người ngồi cả đống với nhau ở trỏng.

Mình ngồi ban đêm một mình mình muốn ngồi cả đầy thất ở trỏng, ngộ ta! Sao mà có mình mình mà bây giờ nó ngồi ba bốn ông như vậy, cái thất của mình nhỏ xíu mà ngồi chật hết! Mình nhìn mặt ông nào cũng giống ông nào hết, như vậy Thầy thấy sao ông nào cũng giống Thầy hết, sao mà ngồi giống ông La Hán vậy, ông nào cũng ngồi thiền hết. Như vậy mình thấy sao nó hay quá vậy?

(8:26) Mà bảo cái tâm thì nó làm cái tâm, mà bảo cái thân thì nó làm cái thân, chớ không phải là cái thân nó khác, mà cái tâm nó khác. Đó thì, Thầy nói như vậy, mình chỉ mình ngồi mình làm những chuyện như vậy, mình thấy trời ơi thiệt là, đạo lực thiệt chứ không phải là tầm thường.

Đó, hôm nay Thầy nói như vậy, không có nghĩa là chúng ta ham thích cái đó như Thầy nhắc hồi nãy, mà chúng ta phải làm chủ được cái sinh tử. Nỗ lực, đừng có ham những chuyện vu vơ, cái chuyện tầm thường ở thế gian, nó không có lợi ích gì hết, nó làm khổ cho mình thêm. Càng bước chân ham thích cái chuyện đời là càng khổ mình thêm. Cho nên chúng ta phải xả, xả thiệt là xả tận cùng, để rồi chúng ta phải nỗ lực tất cả những cái này.

4- NỖ LỰC TU XONG TỨ CHÁNH CẦN ĐỂ CHUYỂN SANG TỨ NIỆM XỨ

(09:02) Đó, thì đến đây Thầy xin chấm dứt, để rồi các con về nỗ lực thực hiện. Nghe nhiều mà không thực hiện không bằng nghe ít mà thực hiện. Chẳng hạn bây giờ mà Thầy dạy Tứ Chánh Cần bấy nhiêu đó thôi, các con cứ nỗ lực tu tập bấy nhiêu đó, thì trong sáu tháng các con cũng sẽ làm được cái chuyện này.

Không cần phải nói nhiều nữa, không cần mà dạy Tứ Niệm Xứ thêm nữa cái gì nữa, bấy nhiêu cũng đủ lắm rồi đó. Nhưng dù sao đi nữa Tứ Niệm Xứ nó còn những cái chỗ để mà các con…​

Lẽ ra thì Thầy dạy bấy nhiêu rồi các con nỗ lực tu. Một tuần lễ sau khi dạy Tứ Chánh Cần này, một tuần lễ các con sẽ báo. Mà báo được kết quả rồi thì cái người nào mà được nghe Tứ Niệm Xứ Thầy sẽ cho nghe, mà người nào mà không được nghe Thầy không cho nghe. Bởi vì người đó nghe mà không có chịu thực hành thì nghe thêm nữa làm gì, phải không?

Chừng nào mà Thầy nghe báo cáo “Thầy, bây giờ con đang học Tứ Chánh Cần, con đã tu như vậy vậy đó”, thì Thầy nghe thấy đúng, Thầy dạy Tứ Niệm Xứ cho nghe.

Mà nếu mà không có thực hiện được, thì nghe thêm nữa nó làm thêm cho mình tích lũy cái sự hiểu biết thêm chớ có lợi ích gì đâu. Nghe để tu, chớ không phải nghe mà để nghe, hay hoặc là để tích lũy cái sự hiểu biết đó, thì cái đó là cái sai. Nghe để thực hiện sự giải thoát.

Cho nên trong một tuần lễ, thay vì một tuần lễ qua rồi mà các con đã đạt được, thì biết đâu chừng trong chúng đây, các con trong tuần lễ mà tâm thiện nó kéo dài tuần lễ, các con ra lệnh mà nó bay được thì nó còn mau hơn nữa. Thầy nói là ba tháng chớ không biết chừng nỗ lực mà thực hiện trong một tuần lễ.

Bởi vì Phật nói bảy ngày mà. Chỉ có cần bảy ngày mà được thì các con sẽ thực hiện được Tứ Như Ý Túc mà, chớ đâu phải là đợi lâu đâu. Mà giờ nếu mà bảy ngày không được thì sáu ngày, sáu ngày không được thì năm ngày, cứ lui dần lại một ngày một đêm.

Bây giờ Thầy nói rồi, một đêm từ bảy giờ chiều này, mà cho tới sáng mà các con thức, tu hành mà nó hăng hái nó không có buồn ngủ, thì biết rằng nó đã đúng là Tứ Chánh Cần rồi, nó siêng năng dữ tợn rồi, nó không ham ngủ nữa. Do đó là sáng hôm sau các con bay lên trời được.

5- ĐỊNH ĐỂ NGĂN ÁC PHÁP VÀ ĐỊNH ĐỂ ĐOẠN DỨT ÁC PHÁP

(10:53) Hôm nay, Thầy tiếp tục cái bài học Tứ Chánh Cần, thì chúng ta thấy rằng cái bài học Tứ Chánh Cần nó chưa có hết, cho nên chúng ta biết rằng các pháp ác để mà ngăn chặn. Như Thầy có nói sơ thì chúng ta biết rằng nó dùng cái Chánh Niệm Tỉnh Giác Định để mà ngăn chặn các pháp ác hay hoặc dùng cái Định Niệm Hơi Thở để ngăn chặn các pháp ác. Nhưng dùng cái Định Vô Lậu thì đoạn dứt các pháp ác.

Vậy thì hôm nay Thầy sẽ triển khai về cái Chánh Niệm Tỉnh Giác Định để ngăn chặn các pháp ác, để thực hiện Tứ Chánh Cần cho rốt ráo, cho thành tựu được cái Tứ Chánh Cần, làm cho tâm của mình còn toàn thiện, còn một sự giải thoát mà không có bị phiền não, tham, sân, si nữa, không có bị ác pháp sanh khởi và tăng trưởng.

6- THIỆN PHÁP CỦA ĐẠO PHẬT LÀ KHÔNG THAM SÂN SI

(11:56) Cho nên trong cái vấn đề tu tập, rất là quan trọng khi mà học về cái giới hành, tức là cái phần mà luyện tập, tu tập và trau dồi, là cái phần rất quan trọng. Cho nên hôm nay, thì mấy con là những người mà đủ duyên, được nghe cái giới hành, được nghe các pháp hành của Phật.

Tức là Thầy không dạy ngoài cái vấn đề của các pháp hành, nhưng cái sự dạy của Thầy thì Thầy cũng không bảo là các con phải tin ngay lời Thầy, nhưng mà lấy một cái cái trí tuệ của các con mà suy ngẫm, suy ngẫm coi Thầy có nói đúng hay là không đúng. Bởi vì từ lâu tới giờ người ta dạy pháp thiện và pháp ác, thì người ta hiểu theo cái kiến giải của mọi người.

Cho nên hiện giờ Thầy cũng không bắt buộc là các con cũng như là quý thầy tin ngay liền ở Thầy, nhưng mà sự thực hiện cái tâm của mình nó có mang đến cái kết quả của sự giải thoát của cái pháp Tứ Chánh Cần này không? Bởi vì trong Tứ Chánh Cần, thì như các con cũng đã biết, các pháp ác chưa sanh thì không cho sanh, mà đã sanh thì cố gắng mà đoạn diệt, không có để cho nó kéo dài ở trong tâm của mình.

Và các pháp ác thì như Thầy đã dạy, thì các con thấy nó rất rõ ràng, thì ai cũng dạy các pháp ác thì cũng thấy cũng như vậy. Nhưng đến các pháp thiện, thì hầu như người ta dạy lại có khác hơn Thầy, cái nhìn nó có khác hơn Thầy.

Cho nên khi mà nói đến thiện, thì hầu hết là Thầy triển khai ở cái chỗ ác của cái ý hơn là ở chỗ cái ác của thân và khẩu, cái ác nó của ý. Mà cái ác của ý thì chúng ta biết tham, sân, si. Nếu có tham thì mới có sân, mà không tham thì không có sân. Mà có tham sân thì nó mới có si, còn nếu không có tham sân thì không có si, không có mê muội. Như vậy thì Thầy triển khai cái pháp ác đầu tiên của ba cái pháp ác ở trong ý của chúng ta, đó là tham.

Cho nên, muốn mà thực hiện cho rõ ràng cái điều kiện này, Thầy nói thí dụ như mình khởi thương nhớ đối với cha mẹ, thì do đó là đối với cái lòng hiếu thảo thì thương nhớ cha mẹ là thiện chớ sao lại ác! Nhưng đối với Thầy thì cho đó là ác pháp, thì các con hãy suy ngẫm cái lời nói của Thầy có đúng hay là không đúng?

Bởi vì đây nó ngược lại cái lời nói của các Thầy khác giảng, và nó cũng không đúng với những cái điều mà người ta nghĩ ở trong các tôn giáo khác, thí dụ như đạo Khổng, Lão Tử, mà khi mình nhớ cha nhớ mẹ mình, mình biến ra những cái hành động hay hoặc là mình cung phụng, mình trợ giúp cho cha mẹ mình bằng cách này cách khác, thì đó là thiện chớ không thể ác. Nhưng trái lại, khi mà thực hiện ở trên Tứ Chánh Cần, mà theo cái điều mà Thầy dạy, mà nhớ thương cha mẹ, điều đó điều ác.

Bởi vì mình làm sao để cho mình được giải thoát hoàn toàn ra khỏi sanh tử luân hồi, mà mình phải, mình mới trợ giúp cái người mà sinh thành dưỡng dục của mình, là cha mẹ mình. Còn bây giờ mình nhớ, mình thương, thì nó làm cho mình bị trói buộc, nó không thể ra khỏi các pháp ác đó, nó làm cho tâm mình ray rứt khổ sở, do cái lòng hiếu hạnh của mình bằng cách này, bằng cách khác. Thì những cái bằng cách đó nó không đúng tính cách hiếu hạnh của đạo Phật.

Vì mỗi một cái tôn giáo nó có cái hiếu của nó, nó không giống nhau đâu. Đối với đạo Phật thì cái hiếu của nó làm sao cho cha mẹ của mình, cái người mà đại bố thí cho mình đo, cho mình được cái thân xác này để mình tu tập đó, thì cái người đó là cái người ơn, ơn rất lớn đối với mình. Cho nên mình muốn đền đáp cái ơn đó, không có nghĩa là phải nuôi dưỡng người đó bằng cách này bằng cách khác, mà phải thực hiện sự giải thoát của mình cho xong, rồi đem cái kinh nghiệm giải thoát đó dạy lại cho người, giúp cho người cũng thoát ra khỏi cái cảnh khổ đau của kiếp người nữa, thì như vậy gọi là cái ơn chí hiếu.

Còn hiện giờ chúng ta, cái hiếu của chúng ta bằng cách là cung phụng, trợ giúp cho cha mẹ mình bằng cách này bằng cách khác, để cho cái cuộc sống trong cái hiện tại này được thảnh thơi, được một chút an ổn nào đó, thì cái đó chỉ là một cái cạn cợt của cái sự hiếu chớ không phải sâu sắc.

(16:26) Mà chính cái chỗ đó lại là nó thuộc về kiết sử, nó làm cho chúng ta bị trói buộc cái bổn phận làm con, bổn phận làm cha như thế nào, làm mẹ như thế nào. Đó là nó bị trói buộc ở trong một cái bổn phận mà không thoát ra. Cho nên ở đây, về cái phần mà thiện thì các con phải suy ngẫm rất kĩ, Thầy thì dạy khác mà mọi người đều có dạy khác.

Rồi còn về Tứ Niệm Xứ, bốn cái chỗ mà để chúng ta tu tập làm cho nó thanh tịnh đó, thì người ta đương nhiên người ta coi như là bốn chỗ đó để mà thực hiện một cái gì giải thoát ngoài bốn cái chỗ đó. Còn ở đây, bốn cái chỗ đó thì Thầy lại, cái hiểu biết, cái kiến giải của Thầy, thì nó nhằm là thực hiện bốn cái chỗ đó cho thanh tịnh, làm bốn cái chỗ đó nó không còn bị tham sân si phiền não, bị kiết sử trói buộc nữa, cho nên nó lại khác những cái phần khác như vậy.

Vì vậy mà trên cái bước đường giảng về cái giới hành, nó có nhiều cái sự đụng chạm với các bậc tôn túc, các bậc Hòa thượng và các vị tu sĩ Phật giáo từ mấy ngàn năm chớ không phải ít. Nghĩa là đạo Phật có 2500 năm, thì 100 năm trong thời Đức Phật, sau đó thì người ta lần lượt người ta đã làm lệch lạc con đường của Phật giáo, và người ta hiểu sai lệch con đường Phật giáo, như cả thiện và ác người ta lại hiểu sai lệch.

Bởi vì trong Thập Thiện thì Đức Phật có dạy chúng ta thấy rất rõ, không tham sân si, nó thuộc về ý. Mà không tham sân si tức là thiện pháp, mà có tham, có sân, có si thì đó là ác pháp. Thì ở đây chúng ta thấy tâm chúng ta không có tham, không ham muốn gì hết, không thương, không ghét ai hết thì đó là thiện. Mà có ham muốn thì đó là không có thiện, có thương nhớ thì đó là không thiện, cho nên nó còn ở trong cái tham ái, tham dục, thì nó không thiện.

Cho nên ở đây cái mục đích của đạo Phật dạy chúng ta biết cái thiện ác của nó, nó vượt ra ngoài cái nhân quả. Còn cái kia, thì thiện ác nó nằm ở trong cái nhân quả, nhân quả tức là nằm ở trong cái đối đãi. Đó, cho nên ở đây chúng ta thấy khi mà không ác thì tức là toàn là thiện, do đó hiểu được như vậy thì chúng ta mới thấy là các pháp hành của Đức Phật áp dụng vào thì nó sẽ có kết quả giải thoát cho từng cá nhân của mỗi người tu tập.

(18:48) Muốn được vậy thì Thầy mong rằng các con suy ngẫm rất kĩ, bởi vì ở đây có cái sự dạy của Thầy nó có khác người. Cho nên khi đó mình phải suy nghĩ chớ đừng có tin ở Thầy. Bởi vì những cái này đều là do những kinh nghiệm bản thân tu hành của Thầy, từ cái trí tuệ nó phát ra sự hiểu biết của giáo lý của đạo Phật như vậy.

Cho nên Thầy dạy thì các thầy, nếu mà thực hiện thì có sự giải thoát ngay liền như Đức Phật nói “Pháp của ta không có thời gian, đến rồi sẽ thấy ngay liền!” Đúng vậy, Thầy cũng dạy đúng như lời Phật đã xác định đạo, cái giáo pháp của Phật là như vậy.

7- XÁC ĐỊNH RÕ LỘ TRÌNH TU TẬP, TRÁNH LỘN XỘN PHÁP TU

(19:43) Cho nên trước tiên vào vấn đề để mà chúng ta tiếp tục tu tập, ngăn chặn các pháp ác không cho sanh thì bằng cái pháp gì, thì Thầy sẽ trả lời những cái câu hỏi của cô Út trước tiên mà Thầy đã, hôm rồi Thầy chưa có trả lời hết. Hôm nay Thầy trả lời được một phần nào, và đồng thời thì chúng ta sẽ học về cái pháp hành, các pháp hành nào để mà chúng ta ngăn chặn các pháp ác.

Vậy thì trước tiên Thầy sẽ đọc lại những cái lời nói để nó không làm rối loạn cái sự tu tập của các thầy và các cô, các con, là vì Thầy dạy trong các bài pháp của Phật, còn cô Út thì dạy ngay từ kinh nghiệm bản thân của mình, chỉ mong lo xả tâm của mình để cho tâm diệt trừ cái lòng ham muốn và các ác pháp, ngay chỗ kinh nghiệm mà xả, không phải ở những cái bài pháp, bài kinh của Phật.

Còn Thầy thì giảng từ ở trong những bài kinh, bài pháp của Phật mà ra, và trong đó chêm vào những cái kiến giải của mình, những cái mà mình tu tập qua kinh nghiệm mình thấy được, để nói lên giúp cho các con tu tập, cũng như các thầy để cho mau có kết quả và thời gian thu ngắn lại, để rồi chúng ta còn làm những lợi ích khác cho kẻ khác.

Cũng như sắp tới đây thì Thầy sẽ đưa danh sách của quý con vào ở trong cái ban Giáo dục Tăng Ni. Tuy rằng nó sẽ nằm ở trong cái danh sách của Giáo dục Tăng Ni để cho nó có chứng pháp lý hẳn hòi đàng hoàng. Nếu mà người ta chấp nhận thì mình sẽ có pháp lý, mình sẽ đi thuyết giảng, đem cái kinh nghiệm, đem cái sự thực tu, thực tập của mình, bên nam vậy, cũng như bên nữ như vậy.

Cho nên chúng ta chuẩn bị tất cả mọi hướng, nó đều, khi mà nó được tốt thì chúng ta sẵn sàng có cái điều kiện để mà chúng ta hướng dẫn người tu tập tốt.

Cho nên ở đây phần nhiều là những cái lời cô Út dạy, giảng, hỏi Thầy để giúp cho các con không có rối loạn khi mà Thầy giảng cái pháp hành này. Đương nhiên là thấy mình phải tu tập cái gì nó càng ngày càng rõ hơn, và từ lâu tới bây giờ chúng ta tu nó không phải là không lợi ích, nghĩa là nó đang tu những cái pháp đó để giúp cho chúng ta con đường thăng tiến lên chớ không phải là tu sai.

(22:10) Nhiều khi nghe, năm rồi Thầy giảng cái Giáo án đường lối tu tập của đạo Phật, sau khi nghe xong rồi thì hầu hết là một số người thì không biết cái pháp nào mà tu hết, nhiều quá, nhiều quá nghe lộn xộn. Cho nên năm nay chuẩn bị qua cái giới hành thì cô Út đã chuẩn bị những cái câu hỏi để hỏi, làm cho giải tỏa được cái ý nó lộn xộn, nó không biết cái pháp tu tập.

Và Thầy cũng cẩn thận hơn là không có giảng quá nhiều, mà không dẫn dắt cái người thực hành đi từng bước của nó, để biết rằng mình đã tu từ lâu tới những cái gì, để rồi tiếp tục mình sẽ tu những cái gì, từ cái dễ đến cái khó như thế nào.

8- BA HẠNH ĂN - NGỦ - ĐỘC CƯ LÀ NỀN TẢNG GIỚI LUẬT VÀ THIỀN ĐỊNH

(23:00) Bây giờ thì Thầy xin bắt đầu. Qua câu hỏi đầu tiên, như Thầy đã đọc trong cái ngày hôm kia để giảng rồi nhưng bây giờ xin lặp lại để chúng ta không có nhầm lẫn.

Về phần vấn đạo thì cô Út hỏi: “Bạch Thầy, hành giả bắt đầu tu thiền định của đạo Phật phải tu pháp nào trước?”

Đó thì, cái câu hỏi như vậy, thì trong khi đó cô dồn lại một câu hỏi đó cô hỏi rất nhiều, cho nên Thầy trả lời từng phần. Đáp cái câu hỏi thứ nhất mà cô Út vừa hỏi đó, thì Thầy đáp:

“Đầu tiên muốn tu thiền của đạo Phật thì phải sống đúng giới luật. Mà muốn sống đúng giới luật thì phải sống thiểu dục tri túc, phòng hộ sáu căn. Muốn sống đời sống thiểu dục tri túc và phòng hộ sáu căn cho trọn vẹn, thì lấy ba hạnh ăn, ngủ, độc cư làm tiêu chuẩn kỷ luật, khép mình trong khuôn khổ của nó.

Đó là những pháp đầu tiên tu tập về thiền định của đạo Phật. Đạo Phật lấy thân, thọ, tâm và pháp thanh tịnh, tức là loại trừ mười điều ác và tăng trưởng mười điều thiện, tức là đoạn trừ tâm tâm tham sân si đó.”

Đó thì cái câu mà trả lời cho cô Út hỏi Thầy ấy, thì các con nhớ rằng mình thường ở đây, mình lấy cái chỗ ăn ngủ độc cư của mình, mình làm cái tiêu chuẩn để mình khép mình ở trong cái khuôn khổ mà tu tập thiền định.

Do cái chỗ mà tu tập như vậy đó, thì cái giới luật nó mới thanh tịnh được. Mà từ cái giới luật mà nó thanh tịnh thì chúng ta mới có thể tu các cái pháp khác mới được, chớ còn nếu mà giới luật chưa thanh tịnh, ăn chưa được, mà ngủ chưa được, mà độc cư chưa xong, thì chúng ta sẽ tu nó mất cái thì giờ rất nhiều.

Cho nên chúng ta phải tập luyện và khép mình ở trong cái khuôn khổ đó để mà thực hiện cho được cái cuộc sống, cái cuộc sống đúng ba cái hạnh đó.

(25:34) Cho nên trong cái sự tu tập, thì như các con biết rằng những cái điều kiện mà nêu lên của Thầy mà dạy các con đó, ăn, ngủ và độc cư đó, đó là ba cái đầu tiên của người tu sĩ cần phải sống đúng ba cái hạnh đó. Và nếu mà sống đúng ba cái hạnh đó thì các con sẽ thực hiện được giới luật, thực hiện được cái đời sống đúng giới luật, nó không có vi phạm nữa.

Bởi vì độc cư các con không tiếp duyên và sống ăn ngày một bữa, và ít ngủ, thì nó làm cho các con sẽ thuần thục được cái chỗ, cái khép mình trong khuôn khổ đó, thì các con sẽ thấy rằng trên thân, thọ, tâm, pháp của mình bắt đầu nó có nhiều cái sự thanh tịnh, nó có nhiều cái sự tăng trưởng của các pháp thiện hơn là các pháp ác.

9- PHÁP ĐẦU TIÊN LÀ TỨ CHÁNH CẦN, PHÁP CUỐI CÙNG LÀ TAM MINH

(26:20) Bây giờ thì cô Út hỏi tiếp Thầy:

“37 Phẩm Trợ Đạo, từ Bát Chánh Đạo, Thập Thiện Đạo, Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ, Tứ Thánh Định, Thất Giác Chi, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, đến Ngũ Uẩn, Thập Nhị Nhân Duyên, Tam Minh v.v, thiền định của đạo Phật rất nhiều không biết tu loại nào trước, loại nào sau, vậy kính mong Thầy chỉ dạy chúng con để dễ tu tập!

Thiền định gồm có:

1- Định Vô Lậu

2- Định Sáng Suốt

3- Định Chánh Niệm Tỉnh Giác

4- Định Niệm Hơi Thở

5- Định Sơ Thiền

6- Định Nhị Thiền

7- Định Tam Thiền

8- Định Tứ Thiền

9- Định Vô Tướng

10- Định Bất Động Tâm

11- Định Bất Động Thân

12- Định Không Vô Biên Xứ

13- Định Thức Vô Biên Xứ

14- Định Vô Sở Hữu Xứ

15- Định Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ

16- Định Diệt Thọ Tưởng Định.

Kính bạch Thầy 16 loại thiền định, định nào tu trước, định nào tu sau, định nào kết hợp với định nào để dễ, để đồng tu một lượt, định nào tu riêng một mình, định nào làm trợ duyên cho các định khác. Cúi mong Thầy từ bi chỉ giáo cho chúng con để chúng con tu tập từ lớp thấp đến lớp cao mới có căn bản.

Còn 37 Phẩm Trợ Đạo từ Bát Chánh Đạo đến Tam Minh, dạy chúng con phải tu pháp nào trước, pháp nào sau, mỗi pháp có phần khác nhau, giống nhau như thế nào, và khi thực hành tu tập có tu giống nhau không, xin Thầy hoan hỉ chỉ dạy cho chúng con biết.”

(28:08) Đó là cái phần câu hỏi của cô Út như vậy. Thì cái phần đáp của Thầy, vừa rồi thì Thầy trả lời rằng mình muốn sống đúng cái giới luật của Phật mình phải sống trong cái đời sống ăn, ngủ, độc cư, thì mình mới có thể sống đúng đời sống giới luật được, như Thầy trả lời rồi.

Bây giờ thì đến trả lời từng phần câu hỏi của cô Út đây:

“37 Phẩm Trợ Đạo từ Bát Chánh Đạo đến Tam Minh thì Tứ Diệu Đế là pháp đầu tiên cần phải thông hiểu.”

Các con nên nhớ rằng ở trong 37 Phẩm Trợ Đạo thì Tứ Diệu Đế là cái pháp đầu tiên mà cái người tu sĩ đạo Phật cần phải thông hiểu nó trước tiên, nghĩa là phải hiểu nó.

Bởi vì chúng ta có hiểu cái Tứ Diệu Đế thì chúng ta mới hiểu được cuộc đời đau khổ, cuộc đời toàn là khổ, cuộc đời là nước mắt, cuộc đời là bể khổ, là trầm luân, cho nên chúng ta mới dứt áo, dứt gia đình, dứt cuộc sống mà đi vào trong nơi tu hành, chịu đời sống Phạm Hạnh rất là gian khổ, vì chúng ta hiểu đời là khổ.

Nếu mà chúng ta chưa có thông suốt được cái pháp đầu tiên của Phật, tức là Tứ Diệu Đế thì chắc chắn chúng ta không thể nào thực hiện được cái đời sống Phạm Hạnh theo một tu sĩ nổi.

“Nên Đức Phật chuyển pháp luân lần đầu tiên tại Vườn Lộc Uyển là pháp Tứ Diệu Đế.”

Đó thì các con nghe pháp đầu tiên mà Đức Phật đã nói, pháp đầu tiên ấy, tại Vườn Nai, thì lúc bấy giờ Đức Phật thuyết pháp đầu tiên, mở miệng ra nói pháp của chính mình đã tu tập giải thoát, thì Đức Phật thuyết Tứ Diệu Đế. Cho nên ở đây là Thầy cũng thấy rằng Tứ Diệu Đế là một pháp đầu tiên để mà chúng ta cần phải thông hiểu chớ chưa phải tu tập đâu.

Pháp Tứ Diệu Đế chưa phải tu tập, bởi vì có nhiều người thấy tưởng đời là đẹp lắm, cho nên tưởng đời là hạnh phúc lắm, cho nên còn tha thiết, ham thích đời. Nhưng sự thật đời là một đống lửa, là lửa đang cháy, nó sẽ đốt và thiêu hủy chúng ta từng phút từng giây, nhưng mà có nhiều người thì không thấy nó cho nên còn ham đời, chớ biết được đời là khổ thì ngay đó người ta không còn thích thú gì đời cả hết, người ta lo người ta mau mau mà người ta dẹp đi, để người ta tiến tới cái chỗ giải thoát hoàn toàn.

(30:344) Vì cái ngả đời và cái ngả đạo, hai cái ngả này nó riêng rẽ nó không giống nhau, như Thầy đã dạy trong cái Đường Về Xứ Phật tập một.

“Cho nên pháp đầu tiên là Tứ Diệu Đế, còn pháp tu đầu tiên lại là Tứ Chánh Cần.”

Đó thì các con thấy chưa, cái pháp để mà hiểu đầu tiên, để mà hiểu biết đầu tiên đó là cái pháp Tứ Diệu Đế. Còn cái pháp mà tu tập đầu tiên, khi mà hiểu rồi thì chúng ta tu tập cái pháp nào, đó là chúng ta tu tập cái pháp Tứ Chánh Cần.

“Pháp tu cuối cùng của Đạo Phật là Tam Minh.”

Bởi vì cô Út hỏi cái pháp nào tu trước…​

(Xem tiếp ở Pháp hành 04)

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy