LỚP NGŨ GIỚI NÂNG CAO 48
LỜI DI CHÚC CỦA THẦY
Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Ngày giảng: 04/05/2008
Người nghe: Tu sinh
Thời lượng: [47:02]
Tên cũ: Cần Thông Suốt - Bảy Tháng Chứng Đạo
Số lượng: 65 pháp âm
(00:00) Trưởng lão: Hôm nay Thầy về, Thầy thăm và cũng là để kiểm điểm lại cái thời gian nhiếp tâm của các con, coi nhiếp tâm được hay là chưa được?! Có người nào mà nhiếp tâm được thì tăng lên, và có người nào mà nhiếp tâm trọn vẹn được ba mươi phút thì tập an trú tâm. Vậy thì ở trong cái lớp của chúng ta, người nào mà nhiếp tâm trọn vẹn đúng ba mươi phút không vọng tưởng, không hôn trầm thì Thầy sẽ dạy tiếp tục an trú tâm. Thành ra các con biết cách thức mà nhiếp tâm bằng phương pháp, chứ không phải ức chế tâm.
Bởi vì ức chế tâm thì như mấy con biết rằng chúng ta hít thở biết hít thở; ngồi xuống, ngồi đó mà đếm một, hai, ba, bốn hay hoặc là biết hơi thở ra, hơi thở vô mà suốt ba mươi phút, đó là cách thức ức chế tâm, chứ không phải là nhiếp tâm. Cho nên cái nhiếp tâm nó có phương pháp, chứ không phải là thiếu phương pháp. Vì vậy mà cái khả năng, cái đặc tướng của chúng ta có người nhiếp được ba mươi phút, mà có người nhiếp không được ba mươi phút. Có người nhiếp được ba mươi phút, có người nhiếp không được ba mươi phút thì nhiếp một phút, tu tập một phút thôi.
(Minh Nhân chưa ra hả con? Thôi chờ chút xíu đi. Gọi Minh Nhân ra luôn con.)
Con đường tu tập theo Phật giáo thì nó có phương pháp, chứ không phải muốn tu đại mà tu. An trú nó cũng có phương pháp an trú, chứ không phải muốn an trú rồi ngồi đó, rồi nó an đâu. Nó không phải vậy đâu, nó có cái cách thức, nó dẫn tâm vào đạo. Cho nên đạo Phật nó cụ thể, rõ ràng, có pháp hành rất là rõ, chứ không phải lý thuyết suông, không phải nói suông, rồi tự mình nghĩ ra cách tu thế này, thế khác. Đó là cách thức mình đọc, rồi mình tự nghĩ ra.
(02:24) Chứ đạo Phật, Đức Phật dạy chúng ta có phương pháp đàng hoàng, có cách thức, có đường lối hẳn hoi từ thấp đến cao. Phải tu như thế nào đúng và tu như thế nào sai thì đạo Phật dạy rất cụ thể, kỹ lưỡng và rõ ràng.
Chứ không phải như kinh sách Đại Thừa dạy lý thuyết suông mơ hồ. Rồi từ ở trên cái chỗ mà lý thuyết suông mơ hồ đó, rồi chúng ta tự suy nghĩ ra pháp hành. Cho nên nó hoàn toàn, người thì nghĩ cách tu như thế này, kẻ thì nghĩ cách tu như thế khác, cho nên rốt cuộc là nó sai là như vậy.
Còn trái lại về Phật giáo thì Đức Phật dạy phải hành như vậy là phải làm như vậy, chứ không thể nào làm cách khác được. Không thể nghĩ cách khác được. Vì mình nghĩ cách khác, tức là mình đã sai đi cái pháp hành. Cho nên vì vậy mà xét qua, trong cái thời gian dài Phật giáo truyền thừa vào đất nước của chúng ta, thì hầu như là chúng ta cũng bị ảnh hưởng kiến giải của các vị tổ sư của Trung Hoa có truyền vào đất nước chúng ta. Rồi bên Miến Điện, bên Campuchia cũng có truyền thừa qua đất nước chúng ta những cái tu sai qua kiến giải của các vị tổ sư, mà không có dẫn dắt chúng ta đúng vào đường lối tu tập của đạo Phật.
Bởi vậy khi mà sai rồi, thì tự cái người dịch ra kinh họ cũng hiểu lệch lạc, họ cũng hiểu theo cái kiểu của kiến giải. Cho nên trong Mười tám cái đề mục của Định Niệm Hơi Thở: hai cái đề mục của hơi thở trong pháp Thân Hành Niệm và một bài pháp mà ông Xá Lợi Phất dạy cho La Hầu La về hơi thở thì chúng ta thấy cộng lại là mười chín cái đề mục của Định Niệm Hơi Thở. Mỗi một cái đề mục là một cái pháp tu về hơi thở, mà cái câu dùng để như lý của cái hơi thở đó mà tác ý, mà tu tập.
(Con cứ đi vào lớp đi con, con cứ đi vào đi)
(04:48) Thì các con thấy rằng đạo Phật rất là cụ thể, rõ ràng. Hơi thở thì ai cũng biết hít vô, thở ra, thế mà muốn tu tập nó phải có phương pháp chứ. Chứ làm gì hơi thở mà ai không biết? Nhưng mà biết, chứ không phải để mà ngồi đó mà hít thở suông. Cho nên các con lưu ý: Tại sao lại có những cái đề mục của hơi thở phải tu như vậy? Phải tác ý như vậy? Phải làm như vậy? Sao lại lạ lùng như vậy? Mà sao các tổ không triển khai cái đó, thấy sao? Đó là Phật dạy như thế nào?
Họ không đặt câu hỏi, mà họ chỉ biết hít thở mà thôi. Vì vậy mà ngay cả khi Đức Phật dạy như vậy, thì họ chỉ: “Hít thở, tôi biết hít thở”. Cho nên hôm nay Thầy triển khai để thấy cái ý của Đức Phật dạy chúng ta, từng cái bài pháp của hơi thở chứ không phải hơi thở chỉ có biết hít vô, thở ra. Cho nên hơi thở là cái hành động, là cái Thân Hành Nội. Mà cái Thân Hành Nội, để mà nương vào cái niệm của Thân Hành Nội thì luyện tập nó mới có đủ cái thần lực mà gọi là Tứ Thần Túc. Nhưng hiện giờ chúng ta chưa đủ cái trình độ để luyện tập cái hơi thở trở thành Tứ Thần Túc.
Chúng ta chỉ cái giai đoạn này, chúng ta chỉ dùng hơi thở để nhiếp tâm và an trú tâm mà thôi. Vậy mà nhiếp tâm và an trú tâm, nó phải trải qua mấy cái đề mục của hơi thở. Như các con thấy rằng cái đề mục mà an trú tâm và an trú thân nó cụ thể rõ ràng. Cụ thể rất rõ ràng: “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra.” Rõ ràng, nếu mà không có cái đề mục đó thì làm sao mà chúng ta biết rằng Phật giáo có những cái bài pháp để tu tập, để dẫn cái thân, tâm mình vào chỗ an ổn.
Rồi: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra.” Nhưng tại sao lại khi thân nó an ổn rồi, thì lại mới là an tịnh tâm? Còn bây giờ chúng ta cứ lo vô nhiếp tâm để cho an tịnh cái tâm trước, rồi mới an tịnh cái thân. Trái lại Đức Phật dạy chúng ta an tịnh cái thân rồi mới tới an tịnh cái tâm, theo thứ tự mà chúng ta tu tập. Cho nên đầu tiên thì vào, thì chúng ta thấy Đức Phật dạy: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra.” Đó là cách thức nhiếp tâm, rồi chúng ta chỉ biết hít thở ra vô mà thôi.
Vì trước kia Thầy dạy Thọ Bát Quan Trai là kết hợp giữa nhiếp tâm và an trú tâm, để cho tập nó quen đi với cái pháp, chứ chưa thật sự là đi sâu. Cho nên vì vậy mà Thầy dạy: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra.” Rồi hít vô, thở ra đếm một; hít vô, thở ra đếm hai; ba; bốn; năm, rồi tác ý vào bất động. Cho nên nó giữa cái pháp an trú tâm và cái pháp nhiếp tâm, nó kết hợp lại.
Còn nếu hiện giờ chúng ta là những người đi sâu, tu tập chuyên cần hơn, chuyên hơn, chuyên trên pháp hơn. Cho nên chúng ta tách lìa cái pháp An tâm và cái pháp Trú tâm phải khác, không thể giống nhau được.
(08:10) Vậy thì nhiếp tâm, thì chúng ta phải sử dụng tác ý từng hơi thở một, thì chúng ta tu tập trong một phút, rồi từ đó lên hai phút, ba phút, năm phút, mười phút cho đến ba mươi phút dừng lại, không nên nhiếp tâm nhiều hơn. Như vậy mấy con thấy tu tập rất có pháp môn, có pháp môn hẳn hoi. Dẫn Tâm vào Đạo, dẫn tâm vào hơi thở: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra.” Rồi hít vô, thở ra. Rồi tác ý nữa: “ Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra.” Bởi vì mình tu, thì mình đâu có sợ chịu cực khổ.
Mình tu, mình phải siêng năng vừa tác ý, vừa hít thở. Đó là mình dẫn từng cái hành động qua cái ý thức của mình bằng hơi thở của mình. Đó thì mấy con thấy rất rõ ràng, cụ thể. Và như vậy suốt ba mươi phút mà một người nhiệt tâm tu tập, thì trong ba mươi phút nhiếp tâm Thầy thấy không có khó khăn, không có mệt nhọc, chỉ mình siêng năng. Bởi vì mình biết pháp của Phật tu tập để làm chủ được sự sống chết của mình, làm chủ bốn sự đau khổ trên thân tâm của mình: Sanh, già, bệnh, chết. Là một lợi ích rất lớn cho đời người, cho cuộc sống của mình.
Đạo Phật nó lợi ích như vậy, thế mà tại sao chúng ta lại tu tập hời hợt quá vậy? Nó lợi ích cho bản thân của mình, chứ nó có lợi ích cho người nào đâu? Nó lợi ích cho mình thật sự, thì mình phải cố gắng tu tập. “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra.” Rồi hít vô, thở ra. Tập tu từ từ, chậm chạp, lưu ý, cẩn thận, nhẹ nhàng, không ức chế tâm. Bởi vì nhờ cái câu tác ý mà chúng ta không có ức chế.
Còn bây giờ mình cứ tập trung gom tâm cho mạnh để chúng ta biết hơi thở vô, hơi thở ra, đó là chúng ta ức chế tâm. Cho nên cái đó là cái hiểu sai của các Tổ, từ xưa đến nay dạy chúng ta qua kiến giải mà không qua bài pháp của Phật. Tại sao họ không đọc cái rèn luyện hơi thở? Tại sao Đức Phật dạy hơi thở như thế này? Tại sao lạ vậy? Họ không đặt câu hỏi để rồi họ tự kiến giải một cách cạn cợt. Vô đầu thấy hít vô, thở ra; nhưng mà tại sao lại khi an trú tâm, an trú thân lại phải có những cái câu như thế này? Dạy cái câu này như thế nào? Tại sao họ không đặt câu hỏi như vậy để họ biết cái pháp Phật cho nó rõ ràng, để dạy cho người sau? Tự mình đặt ra, rồi nhiếp tâm trong hơi thở, rồi Sổ tức, rồi Tùy tức, rồi Hoàn, Tịnh thì mấy con nghĩ cách nào mà hiểu như vậy mà gọi là Phật pháp được? Không đúng!
(11:02) Cho nên hôm nay Thầy dạy mấy con, mấy con cứ liệt kê lại những cái bài mà Đức Phật dạy trong kinh Nguyên Thủy. Có một phần những danh từ do Hòa Thượng Minh Châu cũng chưa phải là người tu chứng, cho nên Ngài dịch nó không có cái nghĩa của danh từ mà dùng để nơi đó dịch, nó chưa có rõ ràng. Nhưng một vài từ, năm, mười từ như vậy thôi. Bởi vì mình không có trách Hòa Thượng, tại vì Hòa Thượng là một học giả chứ không phải một hành giả, không phải là người có kinh nghiệm tu.
Cho nên do cái dịch, mà nếu mà có kinh nghiệm tu thì người ta quan sát từng cái từ để người ta dùng, người ta dịch cho nó đúng cái nghĩa, cái ý của Phật muốn dạy, cái điều đó phải là vậy. Cho nên Hòa Thượng cũng chỉ là một học giả, vì thế Hòa Thượng dịch như vậy cũng là khá lắm rồi. Chúng ta cũng có thể hiểu được. Còn những cái từ khác thì chúng ta, sau này có một số quý vị tu tập chứng đạo xong, chúng ta chỉnh lại thành bộ kinh Nguyên Thủy của Phật, để dịch ra tiếng Việt đúng là ngôn ngữ Việt Nam của chúng ta, ý nghĩ của người Việt Nam.
Sự thật ra thì cái bản dịch của tạng kinh Nguyên Thủy bằng tiếng Anh, rồi bằng tiếng Miến Điện. Nhưng chưa có một vị sư nào tu chứng, cho nên dịch những bản tiếng Anh vẫn còn sai, dịch những bản Miến Điện vẫn còn sai, chưa hẳn đúng. Cho nên Thầy đọc những cái cuốn sách của các sư Miến Điện, rồi một số người Việt của mình dịch ra, Thầy thấy các sư nói lung tung, lý thuyết, chưa có đi sâu vào pháp hành cụ thể. Cho nên Thầy biết rất rõ trên thế gian này người ta theo Phật giáo thì đông, nhưng mà người ta tu để mà làm chủ bốn sự đau khổ và chấm dứt luân hồi thì chưa có. Nếu có, người ta không có dịch và viết sách như vậy.
(13:12) Kinh sách mà các sư Nam Tông viết nhiều lắm mấy con. Đọc mệt! Chứ không phải là ít. Nhưng mà để đi sâu vào, để làm chủ được bốn sự đau khổ trên thân tâm của chúng ta, thì không có cuốn kinh sách nào rõ ràng. Mơ hồ! Đó, hôm nay Thầy nói vậy. Vì vậy hôm nay các con phải là những người, những người là mỗi ngọn đuốc soi sáng, dựng lại cái chân lý, cái nền tu học của Phật giáo để cho cả thế giới người ta soi.
Trong cái số của các con, mười người, hai chục người, ba chục người trước mặt Thầy. Mà người nào tu cũng làm chủ sanh già, bệnh, chết, chấm dứt luân hồi, chết tự tại trong sanh tử; muốn chết hồi nào chết, muốn sống hồi nào sống là một tiếng chuông vang dội, là một ánh sáng soi khắp thế giới, không riêng ở Việt Nam.
Sắp sửa Đại hội Phật giáo tại đất nước Việt Nam, Đại hội Phật giáo thế giới tại đất nước này. Nhưng vì chúng ta chưa có một người nào tu chứng, cho nên chúng ta chưa nói đâu. Đó là cái duyên chưa đủ, chứ đủ ở trong cái số mấy con đã có những người tu chứng.
Chúng ta đến dự Đại hội, chúng ta thẳng thừng nói trước Đại hội Phật giáo Thế giới: “Chúng tôi là những người con Phật, những người đệ tử Phật. Dù là người cư sĩ chúng tôi vẫn làm được cái hành động như Đức Phật ngày xưa đã làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi. Chúng tôi muốn chết hồi nào chết, muốn sống hồi nào sống như Đức Phật. Bằng phương pháp của Phật đã dạy, chúng tôi tịnh chỉ hơi thở bằng phương pháp Tứ thiền. Trong Đại hội này ai có tin hay không? Chúng tôi là những người ngồi đây trước mặt quý vị”.
Thì cái Đại hội Phật giáo này nó sẽ là vĩ đại vô cùng, nhưng bây giờ chúng ta chưa có làm được. Cho nên chúng ta chưa làm được, nhưng ngày đó chúng ta có người chúng ta. Bởi vì đại hội Phật giáo nó không phải có một lần này mà nó nhiều lần. Năm nay nó sẽ ở Việt Nam, nhưng mà năm tới nó sẽ ở nước khác. Nhưng mà Đại hội Phật giáo thì nếu chúng ta là người tu chứng, chúng ta có quyền tham dự trong Đại hội Phật giáo. Thầy tin rằng các con sẽ cố gắng tập, từ nhiếp tâm, an trú tâm để rồi đi vào Tứ Niệm Xứ luyện Tứ Thần Túc, thì không có khó khăn.
(15:43) Mấy con đã hiểu biết con đường hết rồi, Thầy đã dạy hết. Đó là cái ngõ mà Nhiếp tâm và An trú.
Còn một cái ngõ khác là chúng ta đi từ Tứ Chánh Cần mà đi vào. Đi từ ngả Tứ Chánh Cần đi vào Tứ Niệm Xứ. Tu không cần nhiếp tâm, an trú tâm, mà tâm vẫn bất động, vẫn thanh thản, an lạc, vô sự. Ngõ Tứ Chánh Cần chúng ta dùng tri kiến để xả tâm.
Nó có hai ngõ, chứ không phải một ngõ mấy con. Bởi vì một ngõ chúng ta đi theo con đường hơi thở mà chúng ta nhiếp tâm và an trú. Một ngõ chúng ta đi vào bằng tri kiến giải thoát, bằng ý thức của chúng ta.
Hằng ngày chúng ta ngồi chúng ta tác ý: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự!” Vì Bất Động, thanh thản, an lạc, vô sự đó là cái chân lý Diệt đế, mà trong bốn chân lý Đức Phật đã xác định nó là Diệt đế rồi. Chúng ta đã nhận ra được cái trạng thái Bất Động đó, cái trạng thái chân lý đó. Cho nên chúng ta bảo vệ cái chân lý đó bằng cách ngăn ác, diệt ác; sanh thiện, tăng trưởng thiện. Đó là Tứ Chánh Cần rõ ràng. Chúng ta tu có phương pháp hẳn hoi.
Nhưng mà muốn tu tập được cái pháp Tứ Chánh Cần, thì chúng ta phải biết phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý. Vì đó là sáu căn của chúng ta, vì đó là sáu thức của chúng ta, nó thường tiếp xúc sáu trần, cho nên nó dễ sanh ra động tâm, nó sanh ra điều này thế kia. Cho nên chúng ta luôn phòng hộ nó, giữ gìn bảo vệ nó. Lúc nào tiếp xúc thì phải giữ gìn khẩu nghiệp, phải giữ gìn thân nghiệp. Nghĩa là khi tiếp xúc với các pháp bên ngoài thì giữ gìn thân nghiệp và khẩu nghiệp để tránh đi những ác pháp sẽ tác động vào, mà ngăn và diệt không nổi. Cho nên chúng ta cần cẩn thận.
(17:34) Vì thế mà hôm nay có các sư, các thầy cũng như các cư sĩ các con đứng lớp dạy. Sau thời gian dạy thì các con sẽ thay Thầy sẽ chọn người thay thế, từng người này đến người khác để các con đi sâu hơn. Chứ không lý mình cứ đứng dạy lớp hoài là phải động tâm, thì làm sao gọi là tịnh tâm được? Cho nên trong cái thời gian các con đứng lớp dạy, để chúng ta triển khai cái thuyết giáo của chúng ta. Còn thân giáo chúng ta chưa hoàn tất thì chúng ta chưa nói đến thân giáo. Nhưng thuyết giáo chúng ta phải có cái sự hướng dẫn trình độ sư phạm, biết cách truyền đạt cái tư tưởng của mình, cái hiểu biết của mình cho qua những người khác, làm cho những người khác người ta thông suốt.
Đó là cách thức mà Thầy muốn đào luyện cho mấy con từ thuyết giáo cho đến thân giáo. Sau khi thuyết giáo thấy được thấm nhuần, biết cách thức truyền đạt được những điều mình muốn truyền đạt cho người khác, nói người ta hiểu tức là truyền đạt. Làm cho người ta hiểu được cái điều mình đã hiểu thì đó gọi là truyền đạt cái tư tưởng đó, cái hiểu biết đó cho người khác, người ta hiểu, gọi là truyền đạt. Chứ không phải làm giảng viên là ngon, là dữ tợn, là như là thầy thiên hạ, không phải. Mình truyền đạt cái hiểu biết của mình cho người khác.
Hai người bạn ngồi nói chuyện với nhau mà người bạn hiểu được mình, đó cũng là cách thức truyền đạt cái ý của mình cho người ta hiểu mình. Đó là cách thức truyền đạt mấy con. Cho nên hôm nay mấy con đứng lớp dạy một thời gian, mấy con biết cách truyền đạt thì sau này mấy con tu chứng, thì mấy con biết cách truyền đạt cái hành động tu chứng của mình cho người khác. Bởi vì xung quanh chúng ta còn rất nhiều người đau khổ nữa. Còn rất nhiều người đau khổ vì chưa có ai làm chủ được sanh, già, bệnh, chết. Cho nên họ còn bị đau khổ lắm!
(19:29) Chúng ta biết nỗ lực tu tập để làm chủ được những sự đau khổ của mình. Sau khi làm chủ được sự đau khổ của mình xong, mình hạnh phúc vô cùng thì thương những người chưa làm chủ. Cho nên chúng ta nguyện đem một đời, những thời gian còn lại, một đời còn lại để giúp đỡ cho những người còn đang đau khổ. Đấy mới là tinh thần từ bi, mới là Đức Hiếu Sinh của đạo Phật. Chứ không phải vì thế mà chúng ta tu xong rồi, chúng ta nhập diệt, chúng ta bỏ thân này ra đi. Ai đau khổ mặc ai. Đạo Phật không có đào tạo những con người quá ích kỷ như vậy mấy con.
Cho nên Thầy nhắc nhở mấy con, khi mà các con tu xong không nên vội vào Niết Bàn. Vì Thầy biết lớp này, Thầy sẽ dạy mấy con làm chủ được sự sống chết. Từ đó mấy con nhìn thấy đời khổ quá, không thể nào độ con người. Con người khó độ quá, mà độ người thì quá vất vả. Rồi, thôi tốt hơn là mình vào Niết Bàn an ổn, chứ không thể độ.
Không! Chúng ta phải can đảm, phải dũng mãnh trước khi chúng ta làm chủ được sự sống chết rồi. Chúng ta coi thường tất cả những sự khổ để vượt lên trên, để độ tất cả chúng sanh. Làm cho họ có duyên với mình, tạo cho họ chưa có duyên để họ có duyên, để chúng ta độ cho họ thoát khổ.
Tội nghiệp họ lắm mấy con, tội nghiệp chúng sanh lắm, họ khổ lắm! Họ điên đảo vô cùng! Họ sống trong cái khổ mà họ tưởng là hạnh phúc, họ chạy theo những hạnh phúc đó. Họ sống trong cái giả tạo mà họ tưởng rằng thật, họ chấp chặt, cái giả họ chấp quá chặt. Hiện giờ mấy con cứ nghĩ cái thân này là cái thân giả, cái thân nhân quả, thế mà mọi người cứ cho nó là của mình, là thật, là thường hằng. Ở trong đó còn có một cái linh hồn, còn có một Phật tánh Thường Lạc Ngã Tịnh. Thật sự ra chẳng có gì hết mấy con. Cho nên chúng ta lầm chấp mà chúng ta khổ.
(21:34) Vì vậy mà hôm nay khi tu xong mấy con đừng bỏ chúng sanh, đây cũng như lời di chúc của Thầy. Khi mấy con tu xong thì Thầy sẽ ra đi, Thầy để lại cái gánh nặng này cho mấy con. Không thể Thầy cứ sống mãi như thế này sao?! Hai mươi tám năm Thầy vất vả vô cùng, cực thiệt, Thầy cực lắm! Hôm nay có những sách vở, có dựng lại những cái đường lối tu tập, cái nền Đạo Đức Nhân bản - Nhân quả cho nhân loại là một vất vả vô cùng. Phải làm việc suốt ngày đêm, mệt nhọc vô cùng, phải ráng mấy con! Nhưng vì lòng thương yêu của Thầy không thể nào nỡ tâm bỏ chúng sanh.
Chứ Thầy ra đi lúc nào cũng dễ dàng lắm. Và khi ở Niết Bàn rồi thì không còn đau khổ, không còn phiền não, không còn có cái thân rầy rà, phiền toái. Nay nhức mỏi chân, mai nhức đầu, mốt cảm lạnh, không còn có nữa. Tất cả những bệnh tật không còn, ở trong trạng thái bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Hạnh phúc vô cùng. Mang thân này ngày phải ăn một bữa, phải nhai, phải nuốt những đồ bất tịnh. Thì mấy con nghĩ một người đã hiểu biết, đã tu như vậy, mà còn phải nhai nuốt những đồ bất tịnh thì có khổ không mấy con?
Mấy con chưa thật thấy nó bất tịnh, nên còn nhai còn nuốt để mà sống. Cho nên vì chúng sanh mà phải ở lại, phải nán lại cho đến tận cùng. Hôm nay mấy con cố gắng đem hết sức lực của mình tu tập, để chúng ta dựng lại Chánh pháp của Phật mấy con. Thầy rất ước mong và Thầy biết rằng sự tu tập cũng rất vả vô cùng, bởi vì chúng ta đi ngược lại dòng đời. Đời thì chạy theo lòng ham muốn, tham, sân, si. Còn chúng ta đi ngược lại dòng đời là chúng ta không còn tham, sân, si, ham muốn nữa. Cho nên rất vất vả.
(23:43) Ăn không dám ăn, ngày chỉ một bữa. Ngủ không dám ngủ, ngày chỉ mấy tiếng đồng hồ để nhiếp phục thân tâm của chúng ta, gò bó vào một cái khuôn khổ, vào một khuôn khổ giải thoát. Thầy cảm thông được sự cực khổ, sự gian khổ vô cùng của các con. Thầy rất hiểu, bởi vì con đường đó Thầy đã đi qua. Cho nên Thầy đi qua rồi, Thầy biết gian khổ vô cùng. Người ta ăn, người ta còn tìm món ngon vật lạ người ta ăn. Còn mình ăn chỉ có, không cần thiết ngon dở nữa mấy con. Đời không còn dục lạc cám dỗ chúng ta được. Cho nên chúng ta chịu nhiều gian khổ, đó là con đường đi ngược lại dòng đời.
Đạo Phật hướng dẫn chúng ta để làm chủ được bốn chỗ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi. Mà không đi ngược lại dòng đời thì làm sao làm chủ được mấy con? Không bao giờ làm chủ được. Cho nên Thầy biết cái công lao của mấy con nỗ lực mà tu để chứng đạo, không phải là công lao ít. Bằng một ý chí dũng mãnh, kiên cường. Nếu không có ý chí dũng mãnh, kiên cường thì mấy con không thể vượt qua, không thể làm chủ được bốn sự đau khổ trên thân tâm của mấy con. Đó là bằng chứng cụ thể, không thể nào khác hơn được.
Xưa Đức Phật sáu năm khổ hạnh, người như sắp chết. Thầy sống ở trên Hòn Sơn ăn toàn lá cây, không còn là con người nữa mấy con. Sống chỉ biết tu, chứ không còn biết ngon dở, không còn ham thích một cái điều gì trên thế gian này, như vậy mới có thể làm chủ được sự sống chết. Hôm nay Thầy tin rằng, thời gian Thầy dạy các con cách thức nhiếp tâm từ một phút đến ba mươi phút. Từ một phút nhiếp tâm cho có chất lượng. Thầy tin rằng mấy con sẽ làm được. Sẽ làm được với khả năng của mình. Rồi lần lượt mấy con sẽ làm được, với khả năng của mình được phi thường điều mấy con làm được.
(25:56) Rồi đến điều mà mấy con hiện giờ không làm được, nhưng ngày mai sẽ làm được. Phải cố gắng, cố gắng hơn nữa mấy con! Phải chịu cực khổ, cực khổ hơn nữa mấy con! Để rồi mấy con thấy được sự giải thoát hoàn toàn với sức tự lực của mấy con đã làm chủ được sự sống chết của mấy con. Đấy là một giá trị để trả lại sự công lao của mấy con tu tập, một giá trị vô cùng , không có một vật gì trên thế gian này đem lợi ích. Cho nên phải cố gắng mấy con, đừng chểnh mảng, đừng lơi lỏng. Chúng ta tu cho chúng ta, nhưng lại lợi ích cho cả thế giới. Chúng ta tu cho chúng ta, nhưng lợi ích cho bao nhiêu con người trên hành tinh này. Phải cố gắng.
Chúng ta tu cho chúng ta nhưng mình nhìn lại, ngọn đuốc sáng của đạo Phật, mà từ xưa đến nay 2551 năm đã bị chìm mất đi. Một nỗi đau của nhân loại, một phương pháp cứu loài người mà bị chôn lấp đi. Hôm nay chúng ta dựng lại là một điều hết sức nhọc nhằn.
(27:09) Quý thầy, mọi người, người ta biết, nhưng người ta không thể làm được, là vì danh lợi đã mờ mắt. Người ta biết cái sai, nhưng mà người ta chưa dám sửa sai. Một số quý thầy có hiểu biết, chứ không phải không hiểu biết. Khi mà đọc sách Thầy, họ hiểu biết con đường họ đang tu là sai, nhưng họ không dám xác định rằng họ tu sai. Họ biết họ sai, nhưng không dám xác định trước mọi người rằng mình tu pháp đó sai. Vì vậy hôm nay chúng ta hãy cố gắng làm cho mọi người, làm cho quý thầy, quý Hòa Thượng mạnh dạn lên, họ dám xác định rằng con đường của họ đang sai. Nếu chúng ta không làm một trụ cột vững vàng, thì chắc chắn muôn đời họ không dám nói điều này.
Trên thế gian này chỉ có Thầy mới dám nói các tổ sai, chứ chưa có ai dám nói. Bởi vì Thầy biết, Thầy đã làm chủ thật sự. Còn các tổ để lại kinh sách, Thầy biết các tổ chưa làm được, mới để lại những kinh sách như vậy.
Cho nên hôm nay cái duyên của mấy con được theo Thầy, thì mấy con thấy như là những cánh tay của Thầy. Hãy cùng nhau siết chặt, tập tu cho thật sự, để rồi chúng ta dựng lại Chánh pháp của Phật, đền đáp ơn Phật trong muôn một. Thầy được giải thoát hôm nay là nhờ Chánh pháp của Phật. Thì ngày mai các con sẽ được giải thoát là nhờ ơn Đức Phật và nhờ ơn Thầy đã triển khai các con mới hiểu. Cỡ không có Thầy thì các con làm sao hiểu được Phật Pháp? Vì thế mạnh mẽ tu tập. Các con thà chết, nhất định không phạm giới.
Nhớ điều này: hở ra một chút, đau bệnh một chút là mấy con đã phạm giới rồi. Ăn uống phi thời, do lý do mấy con uống thuốc, do lý do đi bệnh viện. Bác sĩ bảo phải ăn như vậy, uống như vậy, làm như vậy, thì mấy con trở lại mấy con phạm giới. Thầy rất là khó khăn, giới luật để giúp các con đi đến nơi đến chốn. Giới luật để giúp các con làm chủ được sanh, già, bệnh, chết. Giới luật là nền tảng vững chắc của đạo Phật. Cho nên chúng ta thà chết mà không phạm giới. Đau thà chết, nhất định là không ăn phi thời thì may ra chúng ta mới làm chủ được. Nhớ những lời này mấy con.
(29:35) Thầy thấy hầu hết là một số người đã biết Thầy, đã theo Thầy mà hở ra chút là phạm giới, mấy con. Phạm giới. Cho nên quyết tâm theo đạo Phật thì nhất định giới không phạm. Những giới mà không phạm, đó là mười giới Sa Di mấy con mới tập: Không ăn uống phi thời, không cất giữ tiền bạc, những điều này rất khó chứ không phải dễ. Cho nên chúng ta cố gắng mấy con. Đừng cất giữ tiền bạc. Dù mấy con có năm đồng, mười đồng, có tất cả điều đó gửi lại cho Tu viện, chúng ta sống đúng Giới Luật Phật, đừng giữ gìn. Tới chừng mấy con cần thiết, mấy con sẽ xin. Đi xin không xấu hổ chút nào, mấy con.
Cất giữ là phạm giới, là phạm vô là còn ỷ lại, chúng ta còn bản ngã. Cất giữ tiền, còn bản ngã mấy con, còn xả bỏ sạch xuống không còn bản ngã. Cho nên mục đích của đạo Phật là chúng ta không còn chấp ngã nữa. Hôm nay Thầy nhắc nhở để chúng ta bước qua một cái giai đoạn thực tu, thực chứng mấy con.
Và hôm nay Thầy sẽ vào đây tuyển chọn những người nào mà nhiếp tâm được ba mươi phút không niệm, theo đúng pháp Dẫn Tâm Vào Đạo, Như Lý Tác Ý. Thì các con sẽ chia ra thành cái lớp thứ hai, là mấy con sẽ tập tới cái giai đoạn An Trú Tâm.
(31:10) Mà nếu các con đã được an trú tâm trong ba mươi phút, chỉ đầu tiên mấy con tác ý một lần một, an trú trong hơi thở: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra.” Rồi mấy con tác ý câu thứ hai: “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra.” Rồi mấy con tác ý câu thứ ba: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra.” Rồi mấy con ngồi im lặng, để rồi từ đó tâm mấy con chỉ còn biết hơi thở ra vô với một sự an ổn rất là bình thường. Nhưng không còn niệm vọng tưởng, không còn một trạng thái thùy miên, hôn trầm suốt trong ba mươi phút.
Thời nào tu cũng được như vậy thì mấy con phải đứng qua một bên, để trở thành lớp thứ ba. Và người nào đạt được như vậy, Thầy xin mấy con đến khu vực của Thầy đang xây cất những ngôi nhà cho mấy con. Từ đó Thầy sẽ dạy mấy con tu tập Tứ Niệm Xứ. Bởi vì chỉ có pháp Tứ Niệm Xứ mới tăng lên. Từ ba mươi phút mấy con đã đạt được an trú, sẽ tăng lên một giờ, hai giờ, ba giờ, bốn giờ, năm giờ, một ngày, hai ngày, bảy ngày. Bởi vì trên Tứ Niệm Xứ mấy con nghe Đức Phật đã dạy bảy ngày, bảy tháng, bảy năm.
Nghĩa là luôn luôn tâm chúng ta bất động , chỉ biết: “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra.” Đó là một trạng thái tâm hoạt động trên Tứ Niệm Xứ. Mà trong Tứ Niệm Xứ gọi là ‘Trên thân quán thân để nhiếp phục tham ưu’, để tự nó nhiếp phục tất cả những tham ưu vi tế trong tâm của chúng ta. Chứ không phải có niệm mà quán để xả tâm nữa, vì có niệm quán xả tâm đó là pháp Tứ Chánh Cần. Còn Tứ Niệm Xứ tâm bất động nhưng vẫn khắc phục tham ưu, các con phải hiểu! Nếu tu sai pháp, sẽ lộn qua Tứ Chánh Cần thì đương nhiên là không hiểu pháp Tứ Niệm Xứ.
(33:37) Các con cứ đọc lại tất cả những kinh sách mà của các sư, các thầy tổ nói về pháp Tứ Niệm Xứ không đúng. Họ không hiểu. Còn quán, còn Minh Sát Tuệ để mà xả tâm thì điều đó không đúng. Cho nên thiền Minh Sát Tuệ là thiền không đúng Tứ Niệm Xứ. Thầy xác định, hôm nay lời nói Thầy còn mãi. Các con đưa đến các trường thiền của Miến Điện họ sẽ giật mình, họ thấy rằng một vị tổ sư của họ ngài Mahasi đã dạy sai, không đúng. Thầy chỉnh đốn là chỉnh đốn những cái phương pháp dạy sai, làm cho nhiều người tu tập không đúng, không làm chủ được sanh, già, bệnh, chết. Rất tội!
Bao nhiêu người, người ta đã theo các trường thiền này, mà người ta tu tập, mà người ta chẳng được gì. Chỉ lọt vào trạng thái Tưởng định mà thôi, rất là uổng công phu cho mọi người. Trong các trường thiền này, có rất nhiều người trên thế giới chứ không riêng là người Miến Điện. Có cả người Việt Nam về đó tu tập, có cả người Tây Phương về đó tu tập, rất uổng. Đất nước chúng ta, Thầy có hỏi thăm Ban tôn giáo, có một người ngoại quốc như người Mỹ, như người Phi Châu, như người Ấn Độ, hoặc là người Nhật Bổn, người Pháp, người Đức, họ muốn vào Tu viện Chơn Như để ở tập tu, Nhà nước có cho phép hay không? Thầy hỏi hết.
(35:08) Bởi vì có một người đã gửi thư trên mail xin Thầy- là người ngoại quốc- xin Thầy vào Tu viện để mà tu tập. Cho nên do cái nhân đó mà Thầy hỏi Ban tôn giáo tỉnh Tây Ninh. Ở trên đó trả lời: “Pháp luật của Nhà nước chưa có quy định cho một người ngoại quốc vào Việt Nam, được ở trong Tu Viện tu tập”. Chỉ có cho như thế này, chứ không thể hơn được. Bởi vì chưa có pháp luật để cho họ ở trong Tu viện tu. Họ chỉ ban ngày họ đến tu, ban đêm họ phải đến khách sạn ở mà thôi. Do đó thì Thầy trả lời: “Chờ khi nào đất nước Việt Nam có pháp luật nhà nước cho những người ngoại quốc vào Việt Nam được cư ngụ tại Tu viện, được tu tập tại Tu viện, thì chừng đó Thầy sẽ báo tin. Còn bây giờ chưa được”.
Thầy đã trả lời như vậy. Cho nên ở đây chúng ta là người Việt, chúng ta may mắn lắm mấy con, may mắn rất lớn! Cho nên chúng ta phải ráng nỗ lực tu tập. Rất tội! Có nhiều người muốn về đây tu tập. Bởi vì dù sao họ cũng đã hiểu được cái đúng, cái sai. Họ muốn làm chủ sự sống chết, họ muốn chấm dứt luân hồi. Con người trên hành tinh này ai cũng khổ vì thân tâm của chúng ta, ai cũng muốn giải thoát. Mà nếu có nơi nào mà dạy được điều này, thì chắc chắn người ta sẽ đến đó người ta học tập, người ta tập luyện người ta tu mấy con.
Chúng ta may mắn lắm, chúng ta phải cố gắng, cố gắng tu tập, thật sự nỗ lực để làm gương sáng. Chúng ta có duyên, thí dụ như các con có hộ chiếu, có hộ tịch ở ngoại quốc, sau này các con đã tu xong, thì các con đem cái kinh nghiệm của mình, lập trường Thiền tại nơi đất nước đó. Giúp đỡ những người ngoại quốc đó họ tu tập mấy con, tội lắm mấy con. Chứ Thầy nghĩ rằng cái nỗi khổ của con người thì chắc ai cũng biết, mà cái sự giải thoát thì ít có ai làm được. Mà bây giờ chúng ta làm được, thì cái nỗi khổ của con người xung quanh chúng ta, chúng ta phải đem hết sức mình để làm cho họ không còn khổ nữa, như mình đã tu tập được. Đó là cái tình thương của chúng ta đối với những người trên hành tinh sống của chúng ta.
(37:31) Vậy thì ở lớp chúng ta, hôm nay Thầy đến đây, các con những ai đã an trú tâm ba mươi phút đã đạt được, thì hôm nay mấy con sửa soạn y áo, túi sách của mấy con theo Thầy vô trong khu bên kia. Để Thầy sắp cho mấy con được ở gần Thầy hướng dẫn cho mấy con tu tập Tứ Niệm Xứ. Có ai được chưa? Rồi, con trình cho Thầy đi con.
Tu sinh: Thưa Thầy, con thì trong hai tuần lễ qua, con mới xin Thầy là từ lúc mà con tu mười lăm phút, rồi con lên ba mươi phút. Thì con tăng lên thì con thấy lúc đầu thì nó vẫn còn có cái vấn đề cũng khó khăn, thì sau thì con thấy là mỗi nhịp là nó đều là suôn sẻ hết, đều diệt được hết. Nhưng mà giờ nó vẫn còn chút ít niệm khởi, chứ nó không phải nó dứt hẳn, mà cái hôn trầm thì nó cũng chưa phải nó dứt hẳn. Mà bốn, năm ngày thì nó cũng đến nó đáo lại một lần, nó cũng gây khó khăn cho mình cũng không ít.
Nhưng mà cái đó thì con không sợ nữa, hiện giờ mình đã qua được cái trường lớp đó rồi, mình không còn ngán. Thì giờ là con chỉ còn có cái là bây giờ là cố gắng lo tu tập thôi! Là coi như là con tu mà nó đi thẳng trong ba giờ đồng hồ đó, thì con tu tập con đi kinh hành một giờ, hai giờ con ngồi, nhưng mà con thấy là hình như là con ngồi nó nhiều quá, nó cũng gần như là nó bị ức chế. Nó hơi nặng cái con người mình, thành thử con xả ra con đi kinh hành hai, con ngồi một, thì con thấy nó nhẹ mà nó dễ dàng cho mình đó.
(39:12) Trưởng lão: Được, con phải theo cái đặc tướng của mình. (Dạ) Mà khi đi kinh hành là cái mục đích của mình là phá hôn trầm, thùy miên. Cho nên trong cái đi là cái mục đích phá để làm cho mình tỉnh. Còn cái ngồi là lúc nào tỉnh mình ngồi mình tu. Bởi vì trong lúc này mình đang nhiếp tâm, chứ chưa phải an trú. Nhiếp tâm cho được hết niệm mới đến an trú. (Dạ) Mà các con lưu ý về cái phần này, Thầy dạy cho cách thức cho nó rõ hơn một chút xíu. Cách thức nhiếp tâm là chúng ta dụng cái phương pháp Như Lý Tác Ý để dẫn tâm từng hành động cho đến đúng ba mươi phút không còn một niệm, không còn hôn trầm nào hết.
Bất kỳ con ngồi mà nhiệt tâm mà nhiếp tâm bằng cái phương pháp Như Lý Tác Ý, mà khi nhiếp tâm thì các con ngồi thì không bao giờ có hôn trầm được. Bởi vì cái ý của mấy con luôn luôn tỉnh táo. Và nếu các con thấy nó lờ mờ, nó lười biếng, nó không muốn tác ý nữa là nó muốn lặng, nó bị hôn trầm. Thì do đó các con sẽ tác ý thành tiếng, chứ không có tác ý thầm. Mà có khi tác ý lớn tiếng nữa, để cho cái hôn trầm nó không còn tấn công con được. Đó là cách thức tu để nhiếp tâm. Mà bây giờ an trú, nó khó cái chỗ an trú, là vì cái hôn trầm, thùy miên nó dễ đánh vào cái chỗ an trú.
Bởi vì an trú con chỉ tác ý có một lần, chứ không phải tác ý nhiều lần. Cho nên ngồi chỉ biết cái đối tượng của nó, là cái cảm giác toàn thân ở trên cái hơi thở. Cho nên vì vậy mà nó an trú ở trong cái sự im lặng, cái sự thanh tịnh của nó, chỉ có một cái biết với cái hơi thở của nó mà thôi. Cho nên nó dễ lặng lắm. Bởi vì khi mà nó không còn niệm, nếu mà an trú mà còn niệm thì phải lui trở lại cái pháp nhiếp tâm. (Dạ) Mà pháp nhiếp tâm nó thuần thục rồi, thì nó sẽ không còn niệm. (Dạ) Nó không còn niệm là do cái nhu nhuyễn, cái thuần thục của cái tâm không khởi niệm trong khoảng ba mươi phút, là do cái pháp nhiếp tâm của con.
(41:20) Nhưng mà khi tu tập thuần thục rồi thì bước sang qua mà an trú tâm thì con cũng an trú trong cái khoảng thời gian một phút, rồi lần lượt tăng lên, dần lên. Chứ không phải là an trú một loạt để rồi có lúc thì có hiện ra một vài niệm, thì như vậy tu hoài dậm chân mất đi con. (Dạ) Cho nên vì vậy mà tu cho chắc ăn, tu cho chất lượng, chứ không khéo nó sẽ không chất lượng. Rồi tu…
Còn bây giờ thì nó có cái siêng năng hơn, nó không có cái lười biếng hơn. Con thấy bây giờ tu nó có cái chỗ mà tu tập nó có tinh tấn hơn. Nhưng mà có cái điều kiện là chất lượng trong sự tu tập để nhiếp tâm và an trú, nó chưa có chất lượng.
Tại vì nó còn niệm, còn hôn trầm xen. (Dạ) Mà con phải tu sao mà chất lượng từ ngay ban đầu, từ một phút cho có chất lượng thật chất lượng, cho đến khi ba mươi phút hoàn toàn. Không tu thì thôi, mà tu thì không niệm, không hôn trầm, không vọng tưởng. Thì từ cái thời gian ngắn cho đến cái thời gian dài đều đạt được cái chất lượng của nó là không vọng tưởng, là không hôn trầm, thì như vậy mới được.
Chứ còn không khéo, nó cứ có niệm xen ra xen vô, xen ra, xen vô trong khoảng thời gian dài ba mươi phút đó, như vậy tu hoài, nó cũng vẫn còn hoài. Coi vậy chứ nó giảm xuống đó một phần nào thôi, rồi chờ đợi cho đến khi mà nó giảm thật sự, thì như vậy rõ ràng là con tu Tứ Chánh Cần, chứ không phải là tu Tứ Niệm Xứ.
Nhưng mà Tứ Chánh Cần lại là ức chế tâm. Bởi vì có niệm thì các con thấy nó vừa chớp lên thì nó dừng mất, nó không có phải quán xét như cái người tu Tứ Chánh Cần. Cho nên cái niệm nó lóe lên rồi nó dừng, thì coi như là phương pháp đó nó trở thành ‘biết vọng liền buông’, nó sai đi con!
(43:12) Cho nên vì vậy mà Thầy biết rằng các con thấy nó còn niệm. Mà còn niệm, thì tức là các con có sức tỉnh, các con đã thấy cái niệm nó hiện ra rồi, nó xẹt ra rồi mà nó lại mất. Thôi không còn. Vì vậy cho nên mình trở về với cái hơi thở của mình, biết thở ra, thở vô, nhưng mà nó vẫn còn niệm. Cái đó là cái rất là khó cho mấy con sau này chưa biết cách làm chủ tâm.
Tu sinh: Dạ, đúng rồi đó Thầy. Thầy nói vậy đúng rồi. Thì theo con tu tập thì con thấy mỗi khi mà, một mặt có ngày thì nó tinh tấn, nó vui vẻ mình thì nó không có bị vướng khởi niệm nào hết. Còn nếu mà cái ngày nào mà nó làm như nó hơi hơi lười biếng là nó bị cái niệm khởi. (Đúng)
Rồi thứ hai nữa, nó có một cái điểm là coi như là khi mà mình ngày nào đó mà nó bị hơi hơi hôn trầm đó thì đương nhiên khi mà cái tâm mình, mình ngó từ chót lỗ mũi xuống đó thì nó hơi hơi hôn trầm thì nó cắt đứt ngang cái đường hơi thở mình vô ra.
Trưởng lão: Đúng vậy.
Tu sinh: Nó cắt cái đường hơi thở vô ra, thì tức là cái hôn trầm mình đâm ra nó ngắt đứt thì đương nhiên là mình đứt quãng coi như là cái ngày đó mình tu cũng không được.
Trưởng lão: Đúng vậy đó con. Cho nên Thầy bảo tu phải có chất lượng hẳn hoi, để mình tiến đi từng bước, từng bước, chậm nhưng mà chắc ăn.
Tu sinh: Nhưng mà nay thì con thấy có kinh nghiệm, thì bây giờ con thấy là nó có khả năng, nó tiến bước hơn nhiều. Tại vì cái đó lúc đầu thì mình chưa có biết được, mình phải chịu.
Trưởng lão: Thì bây giờ phải tập làm sao mà con đạt được cái chất lượng hoàn toàn, không hôn trầm, thùy miên. (Dạ) Thì chừng đó con sẽ báo cho Thầy, để Thầy kiểm tra lại, bắt đầu Thầy sẽ cho vào Tứ Niệm Xứ.
Tu sinh: Dạ, mô Phật. Thì hôm mà Thầy đi Nghệ An tới nay thì con trông Thầy về quá chừng. Tại vì con không biết là nguyên nhân mình tu tập thì nó có đúng pháp hay là nó sai pháp, để con hỏi Thầy cho kỹ lưỡng để rồi con tu tập cho nó dễ dàng hơn. Tại vì những cái pháp mình tu, thì mình tu nó đi là như vậy thật, nhưng mà cũng có Thầy mới chắc ăn. Chứ còn không có Thầy thì con nhận thấy rằng cái điểm mình, cái không có chắc ăn. Thành thử hôm nay con trông Thầy về, hôm nay Thầy về con mừng quá chừng.
(45:30) Trưởng lão: Phải rồi. Bởi vì Thầy hướng dẫn cho mấy con, nhưng mà qua cái đặc tướng, qua cái hiểu biết của mình. Nhiều khi mình thấy Thầy dạy vậy, coi như là mình cứ theo cái phương pháp đó mình tu tập, mà mình thấy nó sao mình tu tập nó hơi khó khăn? Mình mới nghĩ ra cách thức cho nó phù hợp với mình một chút, thì khi mà nghĩ ra thì phải trình lại cho Thầy, (Dạ, mô Phật) để Thầy biết cho nó phù hợp hay không? Mà nó phù hợp với pháp của Phật thì Thầy cho mấy con tiến tới mấy con tập để cho nhiếp tâm và an trú tâm.
Tu sinh: Dạ, Mô Phật, thì cái pháp con cũng ráng cố gắng, con mong Thầy về đây để con đền ơn Thầy đâu đó đàng hoàng, để rồi con làm tiếp tục, con tu tiếp nữa. Chừng nào mà con nhận thấy mình chắc ăn, mà chắc ăn cho một trăm phần trăm (Đúng vậy), thì con mới là trình Thầy là lên lớp kế tiếp. Chứ còn nếu mà tự nhiên khơi khơi vậy thì con cũng chưa dám. Bởi vì cái, bây giờ Thầy biết coi như hiện tại bây giờ đó là, tu tập thì khúc đầu thì nó không có bị niệm khởi, mà còn cái phút chót mình lơ đễnh một cái là bị nó nhào vô.
Đó, nó hay bị cái khúc sau chót đó. Cho nên từ cái chỗ này là con giờ phải Chánh Niệm Tỉnh Giác thì đương nhiên nó mới qua khỏi cái đó được. Còn nếu mà mình thiếu Chánh Niệm Tỉnh Giác là bị cái đó liền. Đó, cho nên giờ con phải cố gắng cái Chánh Niệm Tỉnh Giác thì con mới xin Thầy để cho con cố gắng. Dạ, Mô Phật.
Trưởng lão: Thôi rồi, con. Con về.
Trong cái thời gian mà Thầy đi Nghệ An, rồi Hà Nội, mà Thầy về, Thầy lo cho sư Giác Thường nhiều lắm mấy con. (47:02)
HẾT BĂNG