CK 063B - QUÁN THỰC PHẨM BẤT TỊNH - QUÁN HẠNH THIỂU DỤC TRI TÚC
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Tu sinh
Thời gian: 17/01/2006
Thời lượng: [57:18]
(00:00) Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch Thầy và kính thưa đại chúng!
Học trò Nguyên Thanh học lớp Chánh Kiến. Con xin đọc bài viết số 12 chủ đề là: Quán thực Phẩm Bất Tịnh và Quán Hạnh Thiểu Dục Tri Túc.
Nhưng bây giờ con chỉ đọc bài Quán Hạnh Thiểu Dục Tri Túc.
(00:35) Người đời phần nhiều thường đua chen, rong ruổi theo mọi ngách không biết bao nhiêu cho vừa. Người thiếu thốn ham muốn đã đành, nhưng người dư dả tiền bạc lấy thước mà đo thế mà vẫn còn ham muốn. Đã ham muốn thì không bao giờ thấy mình đầy đủ cả. Ngạn ngữ có câu: “Bể kia dễ lấp, túi tham khó đầy”. Thật đúng như thế. Lòng tham đã không đáy thì làm sao đầy được?
Để đối trị lòng tham lam, Phật khuyên chúng ta phải Thiểu dục và tri túc. Trong khế kinh có nói: “Tri túc, tri nhơn, tuy ngọa địa thượng, vi vu an lạc. Bất tri túc, tri nhơn, tuy sứ thiên đường, việc bất ưng ý” …. ” Nghĩa là: người biết đủ, dù nằm trên đất vẫn an lạc. Trái lại, người không biết đủ, dù ở cung trời cũng không vừa ý. Vậy, muốn được sung sướng, an vui, chúng ta cần phải quán hạnh Thiểu dục và tri túc.
(01:57) Quán Thực phẩm bất tịnh là mục đích diệt trừ tâm tham ăn. Vì thế, nó phải đi đôi với hạnh Thiểu dục và tri túc. Vậy, hạnh Thiểu dục, tri túc là gì? Thiểu dục là muốn ít, tri túc là biết đủ. Muốn ít là đối với cái chưa có mà vì nhu cầu mong muốn cho có. Như muốn có cái nhà ở vừa sạch, vừa che kín nắng mưa. Đằng đi cho mau, muốn có một phương tiện giao thông gì cho tiện lợi chỉ cốt đỡ mỏi chân, đỡ tốn thì giờ là được. Chứ không muốn một chiếc xe hơi lộng lẫy mấy trăm triệu, quá sức tài chánh của mình, hoặc khi đi khất thực về có gì ăn nấy. Ăn cốt để bụng chữa bệnh đói, mượn thực phẩm nuôi thân tứ đại này để lo tu tập, chứ không phải ngon dở, bổ dưỡng gì cả. Mặc dù cơm hẩm, canh rau quanh năm nhưng vẫn thấy lòng thơi thới, an vui, sung sướng.
(03:08) Người biết đủ, dù nằm trên đất vẫn an lạc. Trái lại, người không biết đủ, dù ở cung trời cũng không vừa ý. Biết đủ, gặp hoàn cảnh nào cũng đều an phận, tùy duyên. Đối với việc ăn, mặc và ở tự thấy mình có đủ dùng rồi, không tham cầu nhiều hơn nữa mà phải khổ sở về tinh thần.
(03:34) Tại sao đã quán thức ăn bất tịnh chúng ta lại phải quán thêm hạnh Thiểu dục, tri túc? Vì có hạnh Thiểu dục tri túc làm cho lòng tham của ta giảm bớt. Chỉ cần ta nghĩ đến rằng: Có chừng này đủ rồi là cái tham của ta giảm nhẹ bớt đi một phần nào đó. Cho nên, hạnh Thiểu dục tri túc phải luôn có mặt trong ta. Nó đối trị mọi tâm tham, nhất là tâm tham ăn rất có hiệu quả. Bạn chỉ cần khởi niệm là nó xuất hiện liền. Còn quán thực phẩm bất tịnh, bạn phải tập trung rất cao để sợ tướng hiện ra. Ví dụ: như ta đi khất thực về, thấy món ăn ngon, ta muốn xin thêm nữa. Ngay lúc đó, ta khởi niệm: “Ta phải biết đủ, ăn chừng này đủ rồi” là cái ý nó không bắt ta phải đi xin thêm. Ngay đó, cái tham ăn đã giảm bớt rồi. Do đó, quán thức ăn bất tịnh, thì phải có hạnh Thiểu dục, tri túc kèm theo một bên như trên đã nói. Hai phương pháp này đối trị với tâm tham ăn rất có hiệu quả.
(04:53) Người đời thường bị năm thứ tham muốn sau đây sai khiến:
1, Ham muốn tiền của: Người tham tiền của thì tiền kho, bạc đống, nhà ngang dãy dọc, đất ruộng cò bay thẳng cánh cũng chưa cho là vừa mà vẫn còn có muốn được làm giàu thêm nữa.
2, Ham muốn sắc đẹp: Người tham muốn sắc đẹp thì suốt đời rong ruổi đi tìm hoa. Thấy ai có nhan sắc thì mê mết, tìm cách này, cách khác để gần gũi cho kì được. Một khi đã thoả mãn thì lại ruồng bỏ người đẹp này để chạy theo người đẹp khác, luôn luôn bị vật dục sai khiến mất hết cả nhân cách.
3, Ham muốn danh vọng: Người tham muốn danh vọng thì suốt đời rong ruổi theo chức cả, quyền cao, tiếng hay, nhân tốt. Họ luồng cúi hết chỗ này đến chỗ khác để mong được cái địa vị cao sang. Họ lao tâm khổ trí tìm mọi cách để nắm giữ cho được cái hư danh.
4, Ham muốn ăn ngon: Người tham muốn ăn ngon thì suốt đời lân la bên cạnh những cao lương mĩ vị, quanh quất bên những tiệc bàn, tìm khoái khẩu trong những rượu ngon, vị lạ. Thế giới của họ thu hẹp lại trong những món ăn và những người bạc nhược.
5, Ham muốn ngủ nghỉ: Người ham muốn ngủ nghỉ, thì quá nửa đời mình lẩn quẩn trên chiếc giường. Ăn xong lại nghĩ chuyện đi nằm. Nằm là ngủ. Ngủ xong, lại muốn ngủ nữa. Mất cả tự chủ của mình.
Tóm lại: Khi đã ham muốn những thứ ấy, thì cuộc đời của những kẻ ham muốn kia chỉ còn thu hẹp lại trong sự ham muốn của mình và làm tôi mọi cho vật dụng mỗi ngày mỗi thêm chặt chẽ. Xét cho cùng thì những sự ham muốn trên, ngoài sự ham muốn danh vọng là do lòng kiêu căng, ngã mạn. Còn các thứ tham vọng khác đều do ngũ dục là động cơ chính cả.
(07:14) NGŨ DỤC LÀ: sắc dục, thanh dục, hương dục, vị dục và xúc dục.
1, Sắc dục là gì? Là nhãn căn đối với sắc trần sanh tâm ham muốn. Bên trong thì chánh báo hồn thân phần của người nam hay người nữ. Mày rồng, mắt phượng, môi đỏ, má hồng, cao to, phong độ. Bên ngoài thì y áo… Vật dụng của thế gian ngọc ngà, châu báu, đồ cổ, sắc màu lộng lẫy. Những món này đại đa số người vừa trông thấy liền sanh tâm tham ái.
2, Thanh dục là gì? Là tai nghe tiếng hay, tâm sanh say đắm như: tiếng ca, giọng hát, khúc lí, câu tình, âm điệu du dương … Khiêu gợi tâm dục của người đời sanh tâm đắm nhiễm.
3, Hương dục là gì? Là lỗ mũi khi đối với hương trần sanh tâm ham muốn như: dầu thơm ngào ngạt, phấn sáp nồng nàn, … Những món hương trần ấy khiến cho người ngửi đến thì sanh tâm ưa thích, đắm nhiễm, mơ tưởng, vẩn vơ, …
4 Vị dục là gì? Là khi lưỡi đối với mùi vị sanh tâm tham đắm như các mùi vị thơm ngon, bùi ngọt, chua chát, mặn lạt, mỡ, thịt, cá, tôm, chả, gói nem mì, những đồ cao lương mĩ vị. Vẫn biết nhân loại đối với sự ăn uống phải cần dùng nhiều món để nuôi sống mà làm việc. Thế nên, cả nhân loại, ai chẳng công nhận nó là điều cần yếu nhất. Nếu ăn uống kém thiếu thì thân thể phải ốm gầy. Nhưng nếu ta xét xem sự ăn uống như là uống thuốc để chữa bệnh đói khát mà thôi. Nếu quá tham món cao lương mĩ vị, chỉ biết lo sống để mà ăn thì con người có chi là cao thượng.
5, Xúc dục là gì? Là thân thể khi giao thiệp với xúc trần sanh tâm ham muốn. Vải thô sơ mặc vào mình biết nhám, lụa là mặc vào mình thì biết trơn láng, gỗ chạm vào mình thì biết cứng, bông đụng vào mình thì biết mềm,… Những vật gì mềm mại thì sanh tâm ưa thích, những vật gì cứng nhám thì sanh lòng ghét bỏ.
(09:49) Tóm lại: Ngũ dục làm hại cho loài người không thể kể xiết vì ngũ dục mà sanh ra lo, buồn, giận dữ. Vì ngũ dục mà sanh ra dối trá, gian tham. Vì ngũ dục sanh ra cạnh tranh xâu xé, nhân loại đưa nhau vào rừng tên mưa đạn. Đó là kết quả thảm khốc của con người quá tham không biết lập đức, lập hạnh Thiểu dục và tri túc.
(10:26) Những sự tham muốn quá độ làm cho lòng người xao xuyến, mất hết cả tự chủ và chỉ còn là nô lệ cho những thèm muốn của mình mà thôi.
Một khi đã bị lòng dục điều khiển thì con người gây không biết bao nhiêu tội lỗi, dám làm những chuyện hung ác mà chẳng gớm tay. Lại chính vì lòng tham muốn không ngằn mé mà mình không nhận biết nên đến khi muốn mà không được thì đổ lỗi cho người, nhân đó sinh ra cạnh tranh, xung đột, làm cho nhân loại chịu lắm điều tai hại. Lòng tham muốn quá độ làm cho con người tối mắt trước những sự phải trái, thúc đẩy người đời vào đường tội lỗi. Chẳng hạn, một kẻ không có năng lực, đạo đức mà muốn được giàu có lớn và quyền thế to thì có thể dùng những mưu mô gian xảo, đen tối, dã man để đạt ý muốn của mình. Hoặc giả cũng vì muốn được như ý bà vợ yêu quý mà có lắm ông chồng bị bắt buộc làm những việc trái với lương tâm cho đến tan thân, mất mạng.
(11:38) Tóm lại: Ngũ dục làm hại cho loài người không sao kể xiết. Vì ngũ dục mà sanh ra lo buồn, giận dữ. Vì ngũ dục mà sanh ra dối trá, gian tham. Vì ngũ dục mà sanh ra cạnh tranh, xâu xé, nhân loại đưa nhau vào làn tên, mưa đạn…
Trong hiện tại, lòng tham muốn quá độ, sự chạy đuổi theo ngũ dục đã làm tổn hại chẳng những cho mình và cho người mà trong tương lai chúng ta lại còn đưa con người vào chốn tam đồ, ác đạo. Nhất là vào vòng ngạ quỷ để phải chịu thiếu thốn cả hai phương diện vật chất lẫn tinh thần. Đó là kết quả thảm khốc của người quá tham lam, không biết hạnh Thiểu dục và tri túc.
(12:37) Phương pháp đối trị lòng tham muốn quá độ là phải lập hạnh Thiểu dục và tri túc. Túi tham đã không đáy thì càng tham lại thấy càng thiếu, càng khổ. Đức Phật dạy “Càng tham muốn, càng khổ sở”. Chúng ta đừng lầm tưởng rằng một khi lòng tham muốn được thoả mãn thì hết ham muốn. Hễ còn củi thì lửa còn cháy. Tham muốn được toại nguyện thì tham muốn lại càng to lên.
Tục ngữ thường nói “Được voi, đòi tiên” là thế. Người mà lửa tham vọng mong cầu nung nấu trong lòng, bao nhiêu cũng thấy mình còn thiếu thốn. Không thấy thiếu món này, lại thiếu món khác rồi thèm khát mãi, không lúc nào được toại chí. Mà không toại chí là đau khổ.
(13:32) Để đối trị lòng tham ăn vô độ, Đức Phật dạy quán thực phẩm bất tịnh để đối trị tâm thèm ăn và Phật cũng dạy chúng ta phải Tri túc, tức là biết đủ. Có bao nhiêu ta hưởng bấy nhiêu, tự cho mình không còn thiếu gì nữa, đừng nhìn lên những kẻ giàu có, sang trọng hơn mình, thế là biết đủ. Trong kinh nguyên giáo Phật dạy : “Này các thầy Tỳ kheo, nếu các ông muốn thoát khỏi sự khổ não, nên suy nghĩ hai chữ tri túc để biết đủ thì dù ở cảnh nào thì cũng yên vui”. Người không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Người không biết đủ thường bị năm thứ ham muốn kéo dắt làm người biết đủ thương hại. Một người trong tay thâu có tất cả của cải trong thế gian với người nghèo mà không tham muốn, hai người đều giàu như nhau. Chúng ta hãy chiêm nghiệm những lời dạy này, ý nghĩa ấy làm chủ đời ta, chính là lòng ta. Giàu, nghèo, sang, hèn chỉ là vấn đề phụ thuộc. Nếu ta biết kìm chế được dục vọng, tham muốn là ta giàu sang. Nếu ta không kìm chế được dục vọng tham muốn là ta nghèo hèn.
(14:58) Lòng ham muốn làm cho ta khổ sơ bao nhiêu thì hạnh Thiểu dục, tri túc làm ta sung sướng bấy nhiêu. Đó là lẽ đương nhiên. Nhờ ít tham dục nên con ma dục vọng, thèm ăn không làm sao xui khiến được mình. Nhờ biết đủ nên con quỷ tham lam, thèm ăn ngon chẳng có quyền hành sai xử mình nữa. Một khi con người không còn làm nô lệ cho vật chất đê hèn nữa thì lòng người bắt đầu tự do, giải thoát. Con người lúc ấy mới xứng danh là con người, mới có đủ nhân cách và không hổ thẹn với địa vị làm anh cả muôn loài. Chỉ khi ấy, con người mới có thể tự cho là mình có hạnh phúc được. Và dù cho thường ngày vẫn ăn cơm hẩm, canh rau, quanh năm cứ quần bô, áo vải cũng vẫn thấy trong lòng thơ thới, an vui, sung sướng.
Từ xưa đến nay, không có một vị giáo chủ nào tiền kiếp nào xứng danh với danh hiệu ấy mà lại không khinh thường vật chất, mà lại chạy theo danh vọng, tiền của, ăn sung, mặc sướng cả. Hơn nữa, nhờ hạnh Thiểu dục và tri túc mà gia đình và xã hội được an vui, hoà bình, không còn ai giành giật của cải danh vọng, miếng ngon, vật lạ của ai nữa. Cái lợi ích của Thiểu dục, tri túc thật không sao kể xiết được.
(16:29) Có người lại hỏi: Con người muốn tiến bộ cần phải nỗ lực, phấn đấu, cạnh tranh trong tất cả mọi trường hợp. Đạo Phật lại dạy quán thức ăn bất tịnh rồi lại sống theo hạnh Thiểu dục và tri túc. Như thế là chủ trương làm cho nhân loại thoái hoá chăng? Chúng tôi xin trả lời rằng: “Không”. Đạo Phật dạy quán thức ăn bất tịnh để thấy trên đời này mọi pháp đều sanh diệt vô thường. Con người không nên chấp chặt vào đó để mà khổ, để mà đau. Bản chất con người là tham lam vô độ nên đức Phật dạy phải quán thức ăn bất tịnh để xả bỏ lòng tham đắm với mùi vị ngon dở ấy. Sau khi đã thấu triệt hạnh Quán thức ăn bất tịnh, đức Phật dạy con người cần phải thiểu dục và tri túc, cốt yếu ngăn ngừa con đường truỵ lạc, chặn đứng lòng tham lam tà ác không bờ bến của chúng sanh đang sống trong cõi bờ vật dục chứ không phải chủ trương ngăn chặn sự phát triển con người trên đường lợi người, lợi vật, ích nước, ích dân.
Nhận thấy tai hại lớn lao của bệnh tham lam nên đức Phật đưa ra phương thuốc công hiệu là “Muốn ít và biết đủ” để điều trị căn bệnh ấy cho tận gốc. Phương thuốc này sẽ làm yếu dần tâm tham lam nên các mối dục vọng, tội ác dần dần tiêu diệt, chỉ còn lại tấm lòng từ bi, rộng rãi, bao la mà thôi. Một khi con người hết chạy theo dục vọng, hết đuổi bắt những hạnh phúc vật chất tạm bợ giả trá, cũng không đào bới thêm đau khổ của người khác để tìm hạnh phúc cho mình nữa thì lúc ấy, hạnh phúc chân thật liền đến với họ. Như thế nghĩa là hạnh Thiểu dục và tri túc bắt đầu hãm bớt tốc lực của lòng dục vọng tham lam. Kế đó, chặn đứng nó lại. Kế đến, buộc nó xoay chiều, đổi hướng, tinh tiến mãi trên đường lành. Vậy thì hạnh Muốn ít và biết đủ chẳng những không đưa con người vào đường khốn khó mà lại giúp cho sự tiến hoá chân thật của nhân loại. Vả lại, ngày nay, nhân loại đang chứng kiến một sự mất quân bình nguy hiểm giữa sự tiến hoá mau lẹ của vật chất và sự chậm tiến của tinh thần. Sự mất cân bằng ấy có thể đưa nhân loại đến hố diệt vong. Vậy, cần phải quân bình sự tiến hoá vật chất và tinh thần . Muốn thế, chẳng có phương pháp nào hơn là tuân theo Hạnh Thiểu dục và Tri túc. Con người nếu biết coi thường vật chất một tí biết … bớt dục vọng một tí thì mới tiến hoá thêm được về tinh thần. Sở dĩ ngày nay trên thế giới, đứng về phương diện vật chất khoa học, con người có tiến triển rất nhanh, còn về phương diện tinh thần, đạo đức, con người tiến rất chậm vì ít ai quan tâm, lưu ý đến nó mà chỉ chạy theo vật dụng. Hễ vật chất quá tí thì tinh thần phải lùi. Vật chất càng cao thì lòng tham càng nặng, càng sâu, càng lớn không biết đến lúc nào là cùng. Tai họa chiến tranh, sóng thần, núi lửa, động đất, lũ lụt, mưa axit, mưa đá… Ngày nay gieo rắc khắp nơi trên thế giới cũng là do lòng tham không đáy của con người bất tri túc mà ra.
Vậy quán thức ăn bất tịnh và thiểu dục tri túc là hai phương thuốc rất thần diệu cho căn bệnh trầm trọng của thế giới ngày nay, không ai có thể chối cãi được.
(20:25) Kẻ ngoài đời và người trong đạo muốn được hạnh phúc chân thật thì nên tu hạnh Quán thức ăn bất tịnh và hạnh Thiểu dục tri túc. Vì sự thật, những người không quá đòi hỏi về vật chất thì chẳng hề so sánh với bề trên. Do đó, không thấy mình yếu kém về vật chất nên ít khổ. Hơn nữa, họ so sánh với kẻ dưới thấy mình khá giả, đầy đủ hơn nên dễ mãn nguyện. Muốn tránh khỏi các tai hoạ trong gia đình và ngoài xã hội, mỗi người trên thế gian này đều phải giữ thủ thường, đừng vượt quá khả năng của mình. Thế giới năm châu hiện nay muốn có hòa bình, để mà giữ lạc thú hoà bình vĩnh viễn thì cũng không ngoài hai hạnh: quán hạnh Thực phẩm bất tịnh và quán hạnh Thiểu dục và tri túc.
Như vậy, tôi đã viết xong hai phần: Quán Thực phẩm bất tịnh và Quán hạnh Thiểu dục, tri túc.
(21:29) Chiều hôm qua, tôi nhận được một lá thư. Có một người muốn hỏi tôi chuyện Vân Du ra miền Bắc. Hỏi người miền Bắc có tốt với tôi không? Người ta có tu không? Hay tập trung lại bất cứ nơi đâu để nghe ngóng các thông tin rồi bàn chuyện tào lao. Tôi nghĩ rằng, ở chỗ nào cũng vậy, có người tốt kẻ xấu, có người này, người khác chứ làm sao có người toàn thiện được phải không các bạn? Cũng như bây giờ, chúng ta học về Nhân quả thảo mộc. Các bạn thấy mỗi loài thảo mộc có đặc tướng, đặc tính riêng biệt khác nhau thì người miền Bắc cũng vậy. Có người này, kẻ khác chứ. Nhưng quan trọng là ở mình, có đắm nhiễm và dính mắc vào cái nghịch cảnh đó hay không. Cho nên, hôm nay, luôn tiện viết bài này, tôi chia sẻ đến với các bạn cũng là câu trả lời của tôi gửi đến các bạn luôn nhé.
(22:43) Có nhiều người nói: năm vừa qua, tuổi tôi xấu nên xảy ra nhiều chuyện không tốt. Từ lâu, tôi nghĩ rằng tuổi không quan trọng, mà chính hành động và tư tưởng mới quan trọng. Nên tôi không để ý đến tuổi của mình. Mặc dù năm nay tôi 28 tuổi. Nhưng nhiều người đã tu theo Chánh pháp nguyên thuỷ rồi mà vẫn còn mê tín vào những chuyện xem ngày giờ tốt xấu, tuổi tác của mình. Có rất nhiều người lại cho đó là đúng sự thật. Nếu đúng thì chắc chắn mỗi năm chúng ta phải tốn tiền coi lịch đàng hoàng rồi cúng sao giải hạn giống như bên Đại thừa. Đó là điều chúng tôi không chấp nhận.
Cuộc đời mỗi chúng ta đều có khi thăng, khi trầm, có lúc được hanh thông, có khi gặp những điều bất hạnh. Nhưng đối với tôi, tôi không thấy có gì gọi là bất hạnh. Ở đời không thể nào chúng ta có một cuộc sống bình yên mãi mà phải có khi lên, khi xuống như vậy cuộc đời mới có ý nghĩa và giá trị. Như khi đi qua đèo Hải Vân ở Đà Nẵng, chúng ta không buồn ngủ là nhờ khi qua đèo chúng ta thường tình để nhìn cảnh đẹp. Cảnh đẹp ấy là do xuống dốc lên đèo. Đời chúng ta có hạnh đẹp cũng là nhờ khi thế này, khi thế khác. Nếu cứ bình thường hoài thì giống như đi đường bằng phẳng như ở miền Tây, xe chạy một lúc là buồn ngủ. Như vậy, không có gì gọi là bất hạnh hay xui rủi. Chẳng qua, nó là nhân duyên trong cuộc đời, trong tương đối phải như vậy. Lại chính những khi thăng trầm, chúng ta lại càng thấy rõ mình hơn. Khi thăng, chúng ta không tự hào, không ngạo mạn. Khi trầm, chúng ta không buồn, không khổ. Đó là có tiến trên đường tu. Trái lại, khi thăng thì hãnh diện, khi trầm thì than thở thì thật là mình chưa làm chủ tâm mình. Thế nên, những đổi thay là những cơ hội để người tu thấy mình, thấy rõ mình hơn, biết mình đã tiến được bước nào chưa. Nếu tiến được, đó là điều đáng mừng. Nếu không, đó là điều đáng xấu hổ trên đường tu tập.
(25:22) Hôm nay, viết về đề tài Quán thực phẩm bất tịnh và Quán thiểu dục, tri túc, tôi nêu lên vài câu chuyện nhỏ để các bạn thấy rõ sự việc tôi nói hôm nay. Cũng là muốn sang một năm mới, các bạn thấy năm xui xẻo vừa qua của tôi đã chấm dứt chưa. Thật ra, ai nói tôi xui rủi cũng được. Nhưng riêng tôi, tôi thấy đó là nhân quả của mình. Tôi lại thấy mỗi năm đều có những cái hay, cái dở theo nhau. Như năm vừa rồi, tôi ra Bắc. Đó cũng là duyên nhân quả. Chính những lúc đó, tôi mới biết được lòng người như thế nào. Kẻ nào chân, kẻ nào giả. Cái tu khó lắm các bạn ạ. Đụng chuyện mới biết người ta có tu hay không. Chứ bình thường làm sao mình thấy được lòng người. Cũng như khi đất nước loạn ly thì có kẻ trung thần xuất hiện. Khi đất nước bình an, vô sự thì khó thấy bậc trung thần. Khi đất nước rối ren, loạn lạc thì ai làm trung thần, ai làm gian thần có thể thấy được rất là dễ dàng.
Như thời Tống có hai triều Nam và Bắc. Lúc quốc gia hết sức phân loạn thì tên gian thần Tần Cối xuất hiện. Tần Cối giết Nhạc Phi. Nhưng Nhạc Phi thì lưu danh thiên cổ còn Tần Cối thì để tiếng xấu ngàn năm. Bởi vậy, lưu danh thiên cổ và di xú vạn niên đều là cái tên. Nhưng một là cái tên tốt, một là cái tên xấu. Cũng như đời Nam Tống có ông Văn Thiên Tường. Lúc quốc gia hết sức hỗn loạn thì ông là người hết sức trung thành với Tống. Từ đầu đến cuối, ông bảo vệ quốc gia, không chịu đầu hàng. Đó là một vị trung thần. Cho nên, lúc quốc gia hỗn loạn mới có thể thấy xuất hiện được những bậc trung thần.
(27:35) Bây giờ, Tu viện Chơn Như cũng vậy, khi có sóng gió mới biết được lòng dạ của từng con người. Chính trong lúc này mới thấy được kẻ nào là thực tu, có xả tâm, không dính mắc và kẻ nào không thực tu hay tâm còn ganh tỵ, hẹp hòi, nhỏ mọn, hơn thua, so đo, tính toán danh lợi. Họ đã dùng gươm giáo bằng lời nói để gây chia rẽ, phá hoại tăng đoàn. Chính những lúc ấy, tôi mới thấy rõ lòng người. Tôi nghĩ họ đến Tu viện để tu tập, tìm cầu giải thoát nhưng không phải vậy. Họ tu tập con đường danh lợi, ganh tỵ, hơn thua, nhỏ mọn, ích kỷ. Nên mới có Sóng gió Chơn Như. Sóng gió Chơn Như là một bước chuyển mình để gạn lọc những kẻ nào thật tu và những kẻ nào không thật tu. Nhờ Sóng gió Chơn Như, chúng ta mới biết được, hiểu rõ được lòng dạ sâu hiểm, ác độc của từng con người. dám tự xưng ta đây là đệ tử của Phật. Nhờ Sóng gió Chơn Như mà ngày hôm nay, chúng ta mới được ngồi đây. Ngày hôm nay, chúng ta mới được học lớp học đầu tiên mà sau 2549 năm mới được một bậc Thánh A La Hán - Trưởng Lão Thông Lạc khơi sáng ngọn đèn chánh tri kiến cho nhân loại. Sóng gió Chơn Như sẽ quét sạch những kẻ nào thêm một lần nữa muốn gây Sóng gió Chơn Như sẽ bị đẳng xuất, đuổi ra khỏi tăng đoàn nguyên thuỷ ngay lập tức và Tu viện Chơn Như sẽ sáng chói huy hoàng nhất được chánh pháp của Phật, của Trưởng lão Thông Lạc sẽ được trường tồn bất diệt. Càng gặp nhiều ác pháp, sóng dữ, các bạn mới thấy sức mạnh của Tu viện Chơn Như vĩ đại hơn bao giờ hết. Chánh pháp nguyên thuỷ sẽ mãi trường tồn, đạo đức nhân bản, nhân quả phải sáng chói huy hoàng. Không ai dập tắt nó được, nó sẽ được mọi người bảo vệ mãi mãi.
(29:48) Khi tôi ở miền Bắc, tôi học hỏi và có thêm tư liệu về cuộc đời rất nhiều. Tôi chứng kiến được bản chất của đời sống rất thực tế. Tôi luôn tri ân, biết ơn và đền ơn những người đã giúp đỡ cho tôi trong lúc khó khăn ở miền Bắc nhất là hai cô ở phố Khâm Thiên, Văn Chương và các cô ở khu Dương Định, Chương Đình, khu nhà …, Khi tôi có chuyện, các cô luôn ở bên tôi, chăm sóc và lo lắng như là những người mẹ hiền của tôi vậy. Tấm lòng của các cô thật cao quý và tôn kính biết bao. Sau đó, tôi cũng được bình an trở về tu viện.
Ở đời, không có một chiều, cần yếu là chúng ta không bi quan khi gặp những bất hạnh, cũng như không lạc quan khi thấy những việc tốt đến với mình. Chúng ta phải luôn thấy được mình trước hoàn cảnh thuận hay nghịch. Đó là chúng ta biết tu. Cái gì đúng là đúng, cái gì sai là sai. Cái gì tốt là tốt, cái gì xấu là xấu. Không thể che đậy tất cả mọi sự việc. Thời gian sẽ trả lời. Còn nếu bây giờ minh oan thế này, thế kia thì oán hận càng sinh và cũng làm thêm cho sự việc càng xấu và đen tối hơn. Phải không hỡi các bạn?
(31:16) Như vậy, tôi đã chia sẻ sơ lược chuyện cũ của cá nhân tôi trong năm vừa rồi. Đến nay, tôi đề cập đến chuyện xa hơn. Đó là chuyện của đức Phật. Các bạn nghe rồi lấy đó làm gương tu học. Nếu chúng ta chỉ một chiều thì đức Phật là một đấng đại hùng, đại lực, đại từ, đại bi, toàn năng, toàn trí. Cuộc đời của Ngài hoàn toàn không có chuyện gì đáng buồn, đáng vui cả. Đó là chúng ta lí tưởng hoá đời sống của đức Phật, chứ sự thật không phải như thế. Chúng ta phải nhìn đức Phật qua những hoàn cảnh thuận nghịch trong đời sống thực tế để xem Ngài xử sự như thế nào rồi từ đó chúng ta thu nhặt những kinh nghiệm, hun đúc ý chí và trở thành những con người cứng cỏi, thấy rõ được lẽ thật. Nếu không nhiều khi chúng ta hay than thân trách phận, nghĩ rằng đức Phật sao ra đời giáo hóa dễ quá, còn chúng ta sao gặp đủ mọi khó khăn.
Trước tiên tôi nói những chướng ngại của đức Phật qua cái nhìn phàm phu của chúng ta để chúng ta không có những lòng nản khác. Từ trước đến nay, đa số người học Phật nghĩ rằng đức Phật là một đấng tròn đầy tất cả công đức. Nhưng trên đường hoằng hoá của Ngài không phải không vấp phải chướng ngại.
Vậy hôm nay, chúng ta đi sâu vào vấn đề để tìm xem đức Phật gặp những chướng ngại nào trên đường hoằng hoá của Ngài. Tôi chia ra trước là chướng ngại bên ngoài, kế đó là chướng ngại bên trong.
(33:01) Nói đến chướng ngại bên ngoài, tôi nhớ có một bài trong kinh Tứ thập nhị chương ghi lại rằng trên đường giáo hoá, một hôm, vào buổi sáng, đức Phật một mình mang bát đi khất thực trong thôn. Rằng hôm ấy, có một Bà La Môn vì những vị đệ tử của ông đã theo đức Phật quy y quá đông. Nên khi thấy Phật ôm bát đi khất thực, ông liền đi theo sau Phật và gọi tên Phật chửi mãi. Đức Phật vẫn im lặng đi. Đức Phật im lặng chừng nào, ông càng tức chừng nấy. Đến đầu đường, ông chạy đến trước chặn Phật lại.
Ông hỏi:
Sa môn Cồ Đàm, Ngài có điếc không?
Đức Phật trả lời:
Không.
Ông không điếc, tại sao ông không nghe tôi chửi?
Đức Phật trả lời:
Có nghe.
Nghe sao không trả lời?
Đức Phật dùng ví dụ nói:
Giả như nhà ông có lễ lớn, sau buổi lễ thân nhân ra về, ông đem quà tặng, biếu, những người ấy không nhận thì quà đó thuộc về ai?
Người Bà La Môn đáp:
Tôi tặng người ta không nhận thì về tôi chứ về ai.
Phật bảo:
Cũng thế, ông chửi mà ta không nhận thì lời chửi đó đâu có dính dáng gì đến ta.
Người Bà La Môn đành im lặng trở về.
(34:27) Đó là trường hợp thứ nhất, đức Phật bị người ta chửi mà vẫn điềm đạm. Khi người ấy tức quá, nhịn không nổi, hỏi Ngài có biết không mà làm thinh thì Ngài đáp là Ngài nghe nhưng tại sao không cãi. Vì Ngài nghe mà không nhận cũng như người đem quà tặng chúng ta, nếu chúng ta không nhận thì của đó đâu có dính gì với chúng ta và quà đó vẫn còn nguyên là của họ. Như vậy, các bạn có thể lấy bài kinh này làm câu tác ý để tu học. Nếu có người chửi các bạn cứ lặng lẽ đi và khi họ hỏi tại sao không trả lời thì các bạn nói như thế nào?
Chúng tôi thấy đây là một bài kinh mà người tu chúng ta không bao giờ quên được. Một lần nữa, cũng trên đường giáo hoá, hôm ấy, đức Phật đi khất thực một mình, gặp một người Bà la môn khác cũng đi theo sau chửi Phật, chửi mãi nhưng đức Phật vẫn lặng lẽ đi, không đối đáp gì cả. Ông tức quá, đến đầu đường ông chặn Phật. Đức Phật dừng lại.
Cãi cọ một hồi, ông hỏi:
Sa môn Cồ Đàm thua tôi chưa?
Đức Phật trả lời:
Kẻ hơn thì thêm oán.
Người thua ngủ không yên.
Hơn thua hai điều xả.
Ấy được an ổn ngủ.
Như vậy, các bạn thấy nếu hỏi chúng ta thua chưa thì chúng ta nói thế nào. Có lẽ sẽ nói, tôi nhịn đó chứ không phải tôi thua đâu, ráng nhịn chứ trong lòng còn tức lắm. Nghĩa là có cơ hội sẽ trả thù. Trái lại, đức Phật bình tĩnh trả lời: Kẻ hơn thì thêm oán. Nghĩa là nếu mình hơn thì kẻ bị thua oán mình. Người thua ngủ không yên. Nếu nghĩ rằng mình thua thì tức, ngủ không yên. Các bạn nhớ lại khi nào cãi với ai mà chịu lép vế hai câu, một câu, khi về tức tối đó ngủ không được, cứ nhớ mà đáp câu này cho hay hơn. Nghĩ hết câu này đến câu khác, so sánh, suy tính nên rồi mất ngủ. Hơn thua hai điều xả. Bỏ cả hơn, cả thua. Cả hai điều xả hết. Ấy được an ổn ngủ. Tức là an ổn ngủ một giấc ngon lành.
Như vậy, sở dĩ chúng ta mất ăn, mất ngủ là tại vì gì ? Tại những hơn, thua, được, mất. Khi được cũng ngủ không yên, mất cũng ngủ không yên, không xong. Hơn người khi trở về vẫn còn hằn học nhớ mình nói câu đó hay, hành động đó giỏi. Còn lại nếu thua thì bực tức ngủ không được. Trái lại, đức Phật gác ra ngoài chuyện hơn thua nên Ngài đã an ổn, tự tại, không buồn, không bực. Bài kinh trên trong kinh A Hàm.
(37:28) Như vậy, các bạn đã thấy hai lần đức Phật bị Bà La Môn chửi, kêu tên chửi chứ không phải nói xa gần như chúng ta hiện nay. Thế mà, đức Phật vẫn thản nhiên mà còn nói nên những lời nói đạo lý mà người ta thức tỉnh. Như vậy, các bạn thấy đức Phật có bị chửi không? Một người chửi, hai người chửi. Khi bị chửi, đức Phật có buồn giận không? Đó là những hành động chúng ta phải nhớ mãi, phải lấy làm kim chỉ nam trên đường tu. Chứ nếu vừa nghe một lời chửi mắng đã nổi cáu lên, bỏ đi chắc trên đường tu không còn. Trên đường giáo hóa chúng ta không làm được gì cả. Đó là hai trường hợp Phật bị chửi.
(38:19) Tiếp đến là những chuyện vu cáo. Khi đức Phật ở tại Tịnh xá thuyết pháp, một hôm, giữa hội chúng đông đảo đại chúng Tăng Ni và Cư sĩ, bỗng có một cô gái dòng Bà La Môn tên Thiên Dáng Ma Nạt, có lẽ bị những người Bà la môn ghét và ganh tỵ với đức Phật mới xúi giục cô độn bụng to lên, rồi giữa đám đông, cô đứng lên vỗ bụng nói: Tôi đến đây nghe pháp. Ngài Cồ Đàm phạm tội tư thông với tôi nên hiện tôi đang mang thai. Kế đó, cô ta vỗ bụng và chửi mắng ầm ĩ. Các bạn nghĩ việc này thật quá sức tưởng tượng không? Vu cáo giữa đại chúng Tăng, Ni, Phật tử thì còn mặt mũi nào ngó ai. Thế mà, đức Phật vẫn điềm tĩnh không nói một lời. Cô gái vỗ bụng trong giây lát thì sợi dây đứt, những gì cô độn trong bụng rơi xuống hết. Ngay đó, mọi người đều thấy rõ lời vu cáo của cô ta. Việc này thật quá sức tưởng tượng của chúng ta. Trên đường tu tập và hoằng pháp hiện nay, chưa có ai gặp trường hợp như vậy.
Xong cũng chưa đặc biệt bằng trường hợp sau đây. Khi đức Phật về Tịnh xá Trúc Lâm, tất cả vua, quan và dân chúng đều tới để nghe ngài giảng dạy mỗi ngày. Do đó, có một số người Bà La Môn theo quy y với đức Phật. Vì thế, có một Bà La Môn tên là Tôn Đà Lợi rất tức giận muốn hại Phật. Ông cho con gái ông, cô gái cũng đẹp đi theo nghe giảng được vài lần rồi ông giết con gái, nửa đêm lén đem vào đất Tịnh xá Trúc Lâm, xong đào lỗ chôn. Đến sáng, ông đi thưa quan là con gái ông đi nghe giảng pháp ở Tịnh xá Trúc Lâm, nay bỗng dưng mất tích, không thấy về. Quan quân mới đi tìm, ông cũng đi theo, ông dẫn họ đi khắp tịnh xá. Đến một chỗ có dấu đất mới lấp, ông bảo họ đào lên thì thấy thây của con gái bị giết chôn tại đó. Ông liền lớn tiếng buộc đức Phật phạm hai tội: dâm và sát. Tức là tư thông với con gái ông rồi giết để phi tang.
Các bạn thấy câu chuyện không phải là thường. Giết con rồi lại tố cáo Phật phạm tội. Trong trường hợp này, không có gì minh chứng được nên đức Phật chỉ lặng thinh. Tịnh xá Trúc Lâm thuộc nước Ma Kiệt Đà. Vua nước Ma Kiệt Đà rất mến Phật nên ông cho người điều tra kĩ. Kết quả mới biết chính ông Bà La Môn giết con ông và đem chôn trong tịnh xá. Từ đó, mới minh oan cho đức Phật. Vậy, các bạn thấy Người gặp tai nạn nhiều hay ít. Những chuyện xảy ra thật quá sức tưởng tượng của chúng ta. Thế mà, Ngài vẫn an nhiên, không tranh cãi, không sợ sệt.
Trên đây là những chướng ngại bên ngoài.
(41:20) Kế tiếp, tôi kể tiếp những chướng ngại bên trong, tức là bên trong nội bộ. Tất cả các bạn đều biết Đề Bà Đạt Đa, anh em chú bác của Phật. Đề Bà Đạt Đa là con chú, Phật là con nhà bác. Đề Bà Đạt Đa xuất gia, ông có mộng làm Giáo chủ. Nhưng còn đức Phật thì ông không dám làm Giáo chủ được nên muốn hại đức Phật, ông mới xui Thái tử A Xà Thế cướp ngôi vua cha rồi thả voi giết Phật nhưng không được. Cuối cùng, một hôm đức Phật đi qua chân núi, ông ở trên núi xô đá lăn xuống, Phật bị dập một ngón chân nên ông phạm tội xúc phạm thân quyến. Lại thêm những chuyện như ông rủ chư tăng bỏ tăng đoàn đi theo ông. Nghĩa là ông tạo sự rối ren trong tăng chúng. Lúc đó, không còn được yên ổn để mà tu hành được nữa. Sau cùng, phải nhờ hai Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đi giải thích cho tăng chúng, họ mới trở về với Phật. Các bạn thấy thật là đáng buồn. Một người vừa là em chú bác. Đó là chỗ tinh thần. Vừa là tu hành cũng kha khá, không phải tu lơ mơ như chúng ta hiện giờ. Vậy mà muốn hại Phật, phá hoại đoàn tăng, làm điên đảo đại chúng.
(42:47) Đến người tiếp là Tỳ kheo Thiên Túc, theo đức Phật xuất gia một thời gian. Một hôm, ông đến Phạm Chí bà già nói lỗi với Phật, ông nói: Đại sư, tôi không theo Ngài Cồ Đàm nữa vì Ngài không nói cho tôi nghe những điều tôi cần nghe và Ngài cũng không thị hiện thần thông cho tôi thấy. Vì thế, tôi tin theo Đại sư. Ông lại kể tám lỗi của đức Phật cho ngoại đạo nghe". Nghe xong, đến một hôm, gặp đức Phật, ông ngoại đạo mới thuật lại cho đức Phật biết. Như vậy, các bạn thấy đệ tử Phật yêu cầu Phật phải tái thị hiện thần thông cho thấy. Phật không thị hiện thần thông liền chê Phật và bỏ đi theo ngoại đạo. Câu chuyện này xuất xứ từ kinh Trường A Hàm.
(43:37) Thêm một người nữa là Tỳ kheo Ma Tùng Tử, ông xuất gia theo Phật một thời gian, yêu cầu Phật phải khẳng định thế giới này là thường hay vô thường, sau khi nhập Niết bàn rồi, còn hay hết. Phật phải giải thích điều đó rõ ràng cho ông nghe, ông mới tu theo Phật. Nếu Phật không giải thích, ông sẽ hoàn tục. Đức Phật mới quở ông là ngu si và đức Phật dùng ví dụ mũi tên bắn vào người kinh Thí Dụ.
Đến trường hợp hai nhóm Tỳ kheo ở nước Âu Xá khi tranh đấu nhau. Khi đó, Phật dùng bài kệ để khuyên:
Nếu dùng tranh dứt
Tranh rốt cùng không thấy dứt.
Chỉ nhẫn hay dứt tranh.
Pháp ấy đáng tôn quý.
Phật dạy, nếu dùng tranh đấu để dứt trừ tranh đấu, rốt cục không thể dứt được. Chỉ nhẫn nhục mới hay dứt được sự tranh đấu. Pháp đó là pháp cao quý nhất. Các bạn nghĩ các thầy Tỳ kheo sẽ nói thế nào? Các Tỳ kheo thưa với đức Phật rằng. Thế tôn là pháp chủ, nay bên kia họ nói con, con đâu thể không nói lại được. Nghĩa là Ngài đừng có can thiệp, đừng có khuyên nữa. Họ chửi con thì con chửi lại. Các bạn thấy Phật có đầy đủ giới đức như vậy mà đệ tử Ngài có nghe Ngài một trăm phần trăm hay không? Hay là họ cãi nhau. Ngài khuyên cũng không được. Thế nên, đức Phật bỏ đi vô rừng, giải thể tăng đoàn, không dạy tu nữa. Bởi vì nói không ai chịu nghe lời Phật, chỉ ganh tỵ, hơn thua, nhỏ mọn, ích kỷ, tranh đấu nhau thì Phật phải bỏ đi thôi chứ.
Đó là tôi kể chưa hết. Tôi chỉ trích một số câu chuyện cho các bạn cùng nghe. Đến kết luận, đức Phật nói 4 câu kệ cho biết trong đời Ngài, Ngài đã chịu những gì.
Ta như voi giữa trận
Hứng chịu cung tên rơi
Chịu mọi sự phỉ báng
Ác giới rất nhiều người.
(Kinh pháp cú, phẩm 220)
Ngài nói, Ngài giống như con voi to ở giữa trận. Bên này, bên kia tên bắn rớt trúng, rồi mâu, giáo đâm trúng. Ngài chịu đủ tất cả sự phỉ báng từ những người thân và từ những người học trò của Ngài. Tại sao? Vì người thế gian ác giới nhiều quá. Bốn câu kệ nói lên cái thảm của Ngài, Ngài chịu đựng đủ mọi chuyện.
(46:07) Như vậy, các bạn thấy cuộc đời của Ngài không nhàn hạ như chúng ta tưởng. Ngài cũng chịu cay đắng, sóng gió dồn dập trăm bề. Đó là tôi vẫn thấy nhìn đức Phật với con mắt phàm phu. Con mắt phàm phu thấy Phật khổ mà thấy xót xa cho Phật.
Tôi nhớ có bài thơ chứng đạo của thiền sư, Ngài Huyền Giác đã nói: “Tùng tha báng nhậm tha phi. Bả hoả thiêu thiên đồ tự bì. Ngã văn kháp tự ẩm cam lộ. Tiêu dung đốn nhập bất tư nghì”. Hẳn ai cũng thuộc biết lầu bài này nhưng không biết mấy người thành được. Chỉ thuộc được lời nói chứ chưa thuộc được ở công hạnh. Tôi giải thích rằng “Tùng tha báng, nhậm tha phi”, tức là mặc người chê bai, mặc người chửi mắng. Tại sao mặc người chê bai, chửi mắng? Vì “Bả hỏa thiêu thiên đồ từ bì”. Sự chê bai, mắng chửi của họ giống như là cầm cây đuốc đốt thiêu bầu trời, cầm đuốc thiêu trời thì chừng nào trời cháy. Nếu chúng ta cầm lâu thì thế nào tay chúng ta bị cháy chứ trời không bao giờ cháy. Câu này thâm sâu làm sao. Chúng ta có bị mà bị ai mắng, ai chửi chúng ta liền vồ lấy lời mắng chửi đó để ăn thua. Thế thì chẳng khác nào người ta vừa cầm đuốc quơ, chúng ta liền đưa rơm lại cho cháy bừng rồi la lên.
(47:40) Trái lại, đức Phật hay Trưởng lão Thông Lạc mặc người chửi, mặc người mắng, tâm vẫn thản nhiên như bầu hư không, không động. Không động thì lời chửi mắng rớt lại về ai. Chỉ bao nhiêu đó cũng thấy việc tu hành của chúng ta cao hay thấp. Nhiều khi học đạo thuộc làu, nói thao thao. Nào là “Thân vô thường bất thân bất tịnh”. Nhưng gặp chuyện thì tham lam sân si còn đầy trong lòng. Đó là bệnh hoạn. Người thực tu phải theo gương đức Phật, gương của Trưởng lão Thông Lạc. Ai chửi cũng mặc, cứ chậm rãi mà đi. Đến cuối cùng thì khi họ hỏi thì trả lời một câu nhẹ nhàng mà đạo lí.
(48:21) Như vậy mới là người thực tu có buông xả. Nếu tất cả các bạn ở đây đều thuộc lòng và ứng dụng được hai câu này thì chắc chắn Tu viện Chơn Như đâu có sóng gió như vậy. Mặc ai khen, mặc ai chê. Song chúng ta không đón nhận thì giống như họ cầm lửa đốt trời. Trái lại, tâm chúng ta lại động thì giống như họ cầm lửa đốt, chúng ta cầm gỗ tới mồi nên chỉ một lúc sau thì hai người mặt đỏ ké. Ở thế gian đều như vậy cả. Thành ra, bên nào cũng khổ. Bên kia cầm lửa đốt trước rồi chúng ta cầm gỗ tới mồi. Thì hai bên đều cháy tiêu.
Như vậy mới thấy, đạo lí là dạy chúng ta làm sao cho bản thân mình không khổ và cứu khổ cho người. Người ta nóng cầm lửa đốt, chúng ta phải nguội để cho nó không cháy. Đốt không cháy, họ buồn, họ bỏ luôn, chúng ta không khổ. Trái lại, người mới cầm đuốc đốt, chúng ta đem mồi lại thêm. Rồi hai bên cùng cháy, cháy lan khắp cả. Chính vì thế mà khổ. Tu viện này phiền não chùa kia cũng phiền não, am cốc này cũng phiền não, am cốc kia cũng phiền não. Đó là vì mồi lửa sân hận với nhau không chịu dập tắt. Tôi thấy cần hiểu được ý nghĩa này thì đường tu của chúng ta tiến bộ biết bao nhiêu.
Đến hai câu sau thì rất là tuyệt vời: “Ngả văn kháp tự ẩm cam lộ. Tiêu dung đốn nhập bất tư nghì”. Nghĩa là tôi nghe giống như uống nước cam lồ. Tiêu dung vào chỗ không thể Niết bàn. Nghe chửi mà như uống nước cam lồ ngon ngọt. Các bạn có thể như vậy không? Tôi chỉ mong các bạn thuộc lòng hai câu trên, đừng đem mồi tới mồi lửa sân hận là được rồi chứ như uống nước cam lồ là quá cao. Chứ nước cam lồ vừa mát mẻ lại vừa ngọt ngào. Nghe người ta chửi mình mà cảm thấy mát mẻ, ngọt ngào. Chúng ta phải quán được như vậy mới xả được tâm sân hận của mình.
(50:30) Chiều hôm qua, tôi nghe chửi, tôi cũng quán như thế ấy. Nghĩa là chúng ta phải xem lời nói ác của người là công đức cho chúng ta. Người ta chê chúng ta, chửi chúng ta. Đó là chúng ta tăng trưởng công đức chứ không mất mát gì cả. Các bạn xem có phải không. Vì nếu bị người chửi mà chúng ta vẫn an nhiên, tâm không động thì người chung quanh sẽ đánh giá chúng ta như thế nào. À, cô ấy tu thật, cô ấy tu hay như vậy công đức rồi. Trái lại, nghe người ta mắng một câu, chúng ta tìm một câu khác nặng hơn đáp lại thì đó là công đức hay là gì? Đó là quá ác, vô cùng tội lỗi. Nghe lời nói ác mà chúng ta an nhiên, không hờn, không oán. Đó mới là công đức. Vậy, ai nói lời dữ với chúng ta tức là đem công đức đến cho chúng ta. Phải không hỡi các bạn.
Nếu các bạn thấy lời tôi nói phải thì chúng ta hãy cùng nhau cố gắng thực hành. Nếu xét lời nói ác là công đức thì người nói những lời ác ắt là hiện tri thức của chúng ta. Như đoạn trước, tôi nói: người ta chê bai, chửi mắng hay giúp đỡ đều làm cho chúng ta tiến tu, đều là hiện hữu tri thức chứ không có người xấu, người dở. Trong xã hội này mà ai cũng giúp cho chúng ta tiến tu cả. Chiều hôm qua, tôi nghe chửi, tôi đã quán như thế ấy các bạn ạ! Xin chia sẻ cùng các bạn.
Như thế, người tu nếu ai chửi một câu, đáp lại một câu. Đó là hay hay dở, được người khen hay chê. Trái lại, nếu người chửi mà chúng ta im lặng, không giận, không hờn thì người ta khen hay chê. Dĩ nhiên là người khen mình rồi.
Vậy chúng ta phải làm sao? Nên an nhiên, đừng giận, đừng nói như thế mới là thật tu và mới tăng trưởng công đức. Các bạn kiểm tra lại xem trong lúc tu tập hay làm Phật sự, tất cả chúng ta có gặp những điều như Đức Phật gặp chưa? Hình như chưa thì phải. Hiện giờ người ta tốt với chúng ta quá. Nếu có nói gì cũng nói bóng nói cạnh chút chút thôi chứ chưa có ai chửi thẳng vào mặt mình.
Trong đại chúng đây các bạn thấy có huynh đệ nào gọi tên mình chửi không? Chưa có. Chỉ nói cạnh chút chút thôi hoặc thấy bước đi dậm chân, dậm cẳng thình thịch mà đã có lòng muốn xăng tay áo rồi. Như vậy, tức giận đến mức nào, hẳn là bằng Trương Phi.
(53:04) Tóm lại: Tất cả chúng ta là người tu, dù là xuất gia hay tại gia đều muốn tăng trưởng công đức, tiêu diệt tội lỗi. Chính tội lỗi là cái chướng đưa chúng ta xuống ba điều ác. Còn công đức là duyên tốt, đưa chúng ta đến giải thoát. Hai việc quá rõ ràng. Một đưa lên, một kéo xuống. Có người nào tu mà nói tôi cầu xuống địa ngục không? Không. Nhất định là giải thoát. Vậy, điều nào kéo chúng ta xuống, nhất định là phải dừng. Như thế mới thực là người cầu giải thoát. Thường mỗi khi cất y áo đi khất thực, chúng ta đọc bài kệ. Tôi nhớ là câu Tỳ Ni Nhật Dụng, bài kệ:
Thiện tai giải thoát tục.
Lành thay chiếc áo giải thoát.
Tức là đi lên. Thế nhưng, ai đọc đến là nổi sân. Đó là đã phản bội với bản nguyện từ buổi ban đầu. Người tu là người đã nguyện bỏ hết cuộc đời thế tục, cầu giải thoát. Mỗi năm qua là mỗi năm thời gian dũa mòn mạng sống. Mạng sống đã mòn mà hạnh người không tăng những điều hay mà chứa thêm những điều dở. Như vậy, đời tu sẽ đi lùi chứ không tiến được. Tất cả chúng ta là đệ tử Phật thì phải học gương hạnh của Phật. Tôi thiết cần các bạn học đến mức bị người chửi mà điềm đạm trả lời như đức Phật. Đó cũng là hay quá rồi.
(54:36) Như vậy là tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ. Tôi nhắc lại gương hạnh của đức Phật rõ ràng đó. Nếu tất cả chúng ta quyết chí tu hành thì chúng ta phải nhớ để vươn lên noi theo con đường của Ngài, chứ đừng lùi lại đi lối khác. Đó là điều tôi thấy cần nhắc nhở không phải chỉ riêng cho các bạn mà mỗi bài viết của tôi là tôi đang tự nhắc nhở cho chính bản thân tôi đấy các bạn ạ.
Trên đường tu, lúc nào chúng ta cũng phải vươn lên chứ không dừng lại ở một chặng đường nào. Riêng tôi, lâu lâu kiểm lại thấy thiên hạ sân nhiều quá, tôi cũng giật mình. Người này mới nổi đốm lửa nhỏ xíu thôi, chưa phải là cây đuốc mà người khác đã vội đem mồi tới mồi liền. Nên lửa phiền não cháy rực hoài. Như vậy, con đường tu là lí tưởng, chúng ta đã chọn để tiến sao chúng ta lại phản bội nó, không giữ đúng như lời hứa ban đầu. Nhất là mỗi ngày các bạn ngồi thiền, câu tác ý không rời nhưng các bạn có rời lúc nào chưa hay là đến giờ ngồi thiền mới sử dụng câu tác ý. Khi xả thiền thì ném câu tác ý đâu mất. Đến khi gặp phiền não thì bị nó trói không cắt đứt được. Đó là tại quên câu tác ý, không dắt nó sẵn bên mình nên các bạn quên dặn mãi.
Thế nên, trên đường tu, không gì hơn là chúng ta hằng nhớ bản nguyện ban đầu và quyết chí khi chúng ta xuất gia. Chúng ta quyết tu thì phải quyết sửa những điều dở, xấu mà Phật và Trưởng lão Thông Lạc đã chê trách và phải hành những điều hay mà Phật và Trưởng lão Thông Lạc đã hành. Như vậy mới xứng đáng là đệ tử Phật, đệ tử của Trưởng lão, dù là xuất gia hay tại gia. Nếu không thì Trưởng lão dạy một đàng, chúng ta làm một ngả. Kết cục, Trưởng lão đi một đường, chúng ta đi một nẻo. Nếu đường Trưởng lão và Phật đi là đường giải thoát thì đường chúng ta đi là đường trầm luân. Như vậy, chúng ta tự làm khổ mình và cũng không lợi ích gì cho ai hết.
Hôm nay, có đủ duyên, tôi dẫn những câu chuyện của đức Phật để tất cả các bạn biết rõ rồi tất cả chúng ta cùng noi gương hạnh của Ngài mà ngày một tiến tu. Một ngày kia, các bạn sẽ nối bước theo đức Phật và Trưởng lão không sai một bước nào. Như thế mới thật là xứng đáng.
Ngày 14/01/2006
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
HẾT BĂNG