CK 047C (NAM) - NHÂN QUẢ Ý HÀNH (TỪ QUANG) - CÁCH TU TỨ NIỆM XỨ - VẤN ĐẠO NHÂN QUẢ VŨ TRỤ
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Tu sinh (nam)
Thời gian: 02/01/2006
Thời lượng: [52:14]
(00:00) Trưởng lão: Bây giờ các con đọc tiếp thêm bài này nữa, thấy được cái Thập Thiện cũng hay hay, chúng ta góp phần để hiểu biết về Định Vô Lậu. Thầy đã trích 1 đoạn do thầy Từ Quang đã viết 1 bài trong ổ đĩa này, Thầy đã trích in ra, Thầy in ra.
Thầy Từ Quang, con đọc đoạn này, cái mẩu chuyện ở trong tịnh xá chùa Đức Huệ.
Tu sinh Từ Quang: Con xin phép đọc bài ở trong bài quán về pháp hành.
“HÌNH ẢNH TRONG ĐỜI SỐNG
Một mẩu chuyện có thật, được đăng trong nguyệt san… về 1 Lạt-ma Tây Tạng - ông còn sống hiện nay.
Ông được đức Đạt-lai Lạt-ma khuyến khích không mặc sắc phục giới tu sĩ Tây Tạng mà vẫn mặc thế phục để hoạt động trong lãnh vực nghề nghiệp cao cấp của thế gian - đó là nghề kinh doanh kim hoàng và sáng chế mẫu mã nữ trang kim cương, đá quý.
Bốn năm trước, lúc đọc bài này, tôi rất ngạc nhiên vì sao một Lạt-ma trong trí tôi là một người phải bỏ hết sinh hoạt đa đoan và thế sự để chấp nhận sống đời sống cách ly - lo tu trì giáo pháp Phật; dù có hoạt động gì thì cũng phải lấy cuộc sống tu sĩ làm căn gốc; và như vậy, không thể lăn vào hoạt động thương trường vì thương trường là chiến trường của lợi danh, làm sao tu học được vì vẫn còn là 1 Lạt-ma - tu sĩ Phật giáo.
(02:13) Ông tâm tình rằng trong vai trò của ông hằng ngày vẫn làm đúng nghĩa vụ của một Lạt-ma - Nghĩa là tu trì và hành thiền đúng cuộc sống trong Tu viện của ông - và phần đời sống của một chủ nhân công ty kinh doanh quốc tế với hơn 150 công ty con khắp nhiều thành phố trên thế giới, bảo đảm cuộc sống ổn định cho trên 5 ngàn công nhân.
Ông đã áp dụng nếp sống đạo đức vào kinh doanh đối với khách hàng cũng như đối với công nhân; các công nhân mỗi sáng, đúng giờ làm việc giống như mỗi hãng, sở thì họ phải vào thiền đường tọa thiền (02:50)… Giá các mặt hàng cũ thì ổn định và bằng nhau với tất cả các hãng; giá các mặt hàng mới thì không quá cao để dễ được chấp nhận.
Ông nói: "Có trường hợp nhận đơn đặt hàng với số lượng rất lớn, thế mà đến ngày giao hàng thì nhận được thông tin huỷ bỏ hợp đồng". Ông vẫn vui vẻ chấp nhận, chẳng lớn tiếng phàn nàn mà còn trả lại tiền đặt cọc nhận hàng. May mắn là những trường hợp như thế không mấy khi xảy ra; lạ thay, chỉ một thời gian ngắn, số hàng đó được bán ra mà tiền lời nhiều hơn nhờ giá thị trường tăng lên.
Từ ngày công ty bắt đầu hoạt động, chỉ có dưới 10 công nhân của một ít cửa hàng mà nay con số tổng kinh doanh hàng năm trên dưới của công ty là hàng trăm tỷ đô la. Số tiền lời được trích ra yểm trợ cho những chương trình từ thiện cho người Tây Tạng khắp nơi.
Vì là tổng giám đốc công ty lớn nên thường xuyên tham dự các buổi tiếp tân; tổ chức các buổi triển lãm trưng bày, giới thiệu mặt hàng. Chính trong dịp này, ông phải đối phó với tâm sắc dục khủng khiếp của con người phàm tục của ông.
Hại thay, nghề của ông phải thường xuyên giao tiếp với nữ nhân mà là những nữ nhân giàu có, tài sản to lớn, chức quyền; trang sức đẹp đẽ, thân hình hấp dẫn, quyến rũ trong y phục thời thượng, hợp thời trang. Ông nói quá khó khăn để giữ tâm bình thản trước cám dỗ, nhất là với những nữ nhân cố tình quyến rũ ông. Ông đã áp dụng bài học tu trong kinh - quán sắc bất tịnh, quán thân vô thường, quán bộ xương - nhưng những con người hấp dẫn, đẹp đẽ, thơm tho đập mạnh vào tâm trí; khó khăn lắm, lý trí mới thắng được bản năng.
Nhiều lần ông xin đức Đạt-lai Lạt-ma được từ chức để trở về cuộc sống tu hành thanh tịnh nhưng đâu có người đầy đủ tư cách và khả năng làm việc để thay ông. May thay, đến nay ông vẫn giữ được giới thân thanh tịnh và vẫn đảm đương công ty. Đáng phục và đáng noi gương chăng?
Lạt-ma như vị này là mẫu người tiêu biểu của đường lối đem đạo đức vào đời hay đời đạo song tu.
(05:04) Qua mẩu chuyện về vị Lạt-ma này, ta rút ra những nhận xét sau:
1/ Sự thành công có như hiện nay, phải trải qua thời gian dài phấn đấu cật lực của một người không có hành nghề mài cắt kim cương - 1 nghề không mấy phổ thông. Toàn bộ thời giờ cá nhân được đầu tư vào cửa hàng - khổ đau, bản thân cực khổ hàng ngày điều hành công ty”.
2/ Khổ tâm, khổ trí tính toán vì doanh vụ được phát triển ngày càng rộng. Phải biết phán đoán và sử dụng đúng người có đủ khả năng lãnh đạo công ty - chi nhánh; phải đào tạo tay nghề cho họ; chọn đúng địa phương để phát triển công ty con.
"LÒNG THAM LÀ KHỔ ĐAU TÂM TRÍ, LÀ BẢN ÁC TRONG CUỘC SỐNG".
3/ Thương trường là chiến trường - thành công của 1 công ty nào thì cũng được xây dựng trên sự phá sản của không ít công ty khác:
“Nhất tướng công thành vạn cốt khô" - thị trường cạnh tranh thì không tránh khỏi tạo nghiệp ác.
4/ Lòng tham phát triển doanh vụ, không vắng bóng trong tâm vị Lạt-ma - 1 khía cạnh đau khổ tâm.
5/ Càng có danh vọng thì dễ bị các cám dỗ về sắc dục, về tiệc tùng ăn uống - 2 tâm này không rời nhau, đâu thể được chấp nhận trong đức hạnh của người tu Phật!
6/ Trong thương trường, khó giữ được đức hạnh chân thật trong lời nói cũng như việc làm vì phải sử dụng kỹ thuật của sự giao tế, xã giao.
7/ Nhận xét trong cái nhìn Chánh Kiến, vị Lạt-ma đang đứng ở vai trò người cư sĩ gương mẫu chứ không phải là vị chân tu - thân giữ giới đức chứ chưa phòng hộ đúng ý căn, lòng vẫn còn nhiều toan tính tham sân.
8/ Trong ảnh hưởng của đường lối "đời - đạo song tu", những mẫu khó phân biệt Tăng - Ni hay cư sĩ - vị Lạt-ma này làm quần chúng khó có Chánh Kiến để được giải thoát khổ đau, luân hồi của đạo Phật.
9/ Biết bao nhiêu người cho rằng mẫu người như vị Lạt-ma đáng được chiêm ngưỡng, đáng được noi gương - sự thật thì mẫu người này bị lợi dụng hy sinh thời giờ quý báu, tâm, tài không công cho những tập đoàn mang danh tôn giáo.
(07:17) Trái lại, trong chương trình tổ chức Khu An Dưỡng của đức Trưởng Lão, một khi thành hình đưa vào hoạt động - không thể thiếu những người đầy đủ đức hạnh, không tham lợi danh, theo đạo đức nhân bản - nhân quả vì tương lai của một xã hội Cực Lạc cho con người ngay tại địa cầu.
Cho dù sự điều hành nằm trong tay một tập thể thì tập thể đó cũng phải là tập họp những người có những tiêu chuẩn đạo đức. Với thực tế chứng minh, sở dĩ ổn định được lòng tin của quần chúng bốn phương để họ hoan hỷ đóng góp tài chánh, vận dụng của tổ từ thiện gia đình.
Nếu lòng tin được củng cố bền vững qua đức hạnh nghiêm minh của ban lãnh đạo thì tất cả mọi khó khăn nào cũng đều được vượt qua. Càng hay nữa, khi những ban lãnh đạo được điều hành do những vị chứng được vô lậu, tâm giải thoát qua sự đào tạo trong lớp Bát Chánh Đạo hiện nay, tại Tu viện Chơn Như, thì hẳn là quần chúng bốn phương chấp nhận đóng góp nhiều trong khả năng để Khu An Dưỡng đầy đủ phương tiện tài chánh mà lớn mạnh
Chính những Tu sinh hiện nay của lớp Bát Chánh Đạo là niềm hy vọng lớn của Khu An Dưỡng. Với đức hạnh bất động tâm với các ác pháp trong thế gian và ác pháp của bản thân, họ sẽ là tinh thần của cơ cấu tổ chức Khu An Dưỡng tương lai ở khắp nơi trong nước và hải ngoại.
Nếu mọi người vì lợi ích của xã hội, không phải của tôn giáo hạn hẹp; cũng không do quyền lợi cá nhân hay phe nhóm mà hy sinh thời gian, đem hết trí tuệ, tài năng ngày đêm làm việc tạo an vui, mang hạnh phúc cho người thì đâu cần đi tìm Thiên Đường, Cực Lạc ở cõi nào nữa - địa cầu này chính là các cõi đó!
(09:04) Có 1 câu chuyện vui kể rằng: “Một hôm, các quỷ sứ ở Địa Ngục được Thiên Đình mời lên thăm viếng cõi Trời. Sau khi thưởng thức tất cả những cảnh tú mỹ diệu xong, chúng quỷ được mời ăn tiệc; thức ăn trông rất thơm ngon, chỉ ở cõi Trời mới có. Các quỷ ngồi vào bàn, cầm đũa lên thì đôi đũa dài tới hai thước, bàn ăn chỉ rộng tám tấc, ghế ngồi cách nhau nửa thước; nên dù xoay trở cách nào các đôi đũa cũng va đụng nhau làm thức ăn rơi vãi, không đưa vào miệng được. Luật ở Thiên Đình không thể dùng tay bốc thức ăn vì nó sẽ biến mất và bữa ăn chỉ kéo dài trong 20 phút, hết giờ thì thức ăn, chén bát tự biến cho nên chúng quỷ không ăn được.
Bọn chúng nghĩ bị Thiên Đình chơi khăm - để rình xem các thiên sứ ăn như thế nào? Mới biết rằng, các thiên sứ không tự ăn mà được thiên sứ ngồi đối diện gắp thức ăn bằng đôi đũa dài đó, đút cho; thiên sứ không lo cho bản thân mà chăm lo, săn sóc người khác; như vậy mà toàn thể thiên sứ đều vui vẻ, thân thương, chăm sóc cho nhau thật sự.
Một khi mọi người trần thế xả bỏ vị kỷ - thay bằng vị tha, chân thật; lấy sự an vui, hạnh phúc của người, làm nguồn sống cho mình thì con người trở thành thiên sứ, quả đất là Thiên Đình.
Để xây dựng một Thiên Đường tại thế thì người nào thấy mình có lòng tham muốn nhiều - cho dù thành công hay thất bại đều là nỗi bất hạnh làm mình đau khổ".
Vậy nên, hằng ngày làm ra nhiều câu tác ý, thích hợp trong từng trường hợp:
Ví dụ: Ham muốn vật chất thì tác ý: “Vật chất là vật tạm bợ, chúng phải hư, phải cũ, ta nên biết đủ với những gì ta có, không nên quá mong cầu ngoài khả năng”. Làm việc với thái độ bình thản, tuỳ duyên nhưng vẫn cầu tiến mà không quá quan tâm; cũng không phải là thờ ơ, lãnh đạm với chức vụ, với nghề nghiệp; nâng cao tay nghề, phải đi học để biết sử dụng máy mới, kỹ thuật tối tân hiện đại.
Người được có sắc đẹp tâm hồn, mới đáng quý vì nó được bền lâu, thời gian khó ảnh hưởng làm phai lạt; chứ sắc đẹp thể chất rất dễ bị biến đổi, tàn hoại trong thời gian ngắn ngủi. Hãy nhớ, biết bao nhiêu người đẹp sắc nước hương trời, nổi tiếng một thời nay còn đâu!
(11:34) Bao nhiêu người muốn có tài, muốn có vài điểm đẹp trên thân như ở mũi, ở mắt, ở ngực, ở hông đều phải chịu đau giải phẫu, chỉnh sửa nhưng đâu kéo được dài lâu; chẳng những thế, mà còn chuốc lấy biết bao bệnh do dị ứng với những vật lý, với những vật thể chỉnh hình. Cho nên thường tác ý: “Sắc đẹp rất phù du - chạy đuổi theo, tham đắm nó là ngu muội! Không nên tốn thời giờ và tiền bạc, sức khỏe vào nó!".
Danh vọng đến với những người có tài năng, nhưng chữ tài liền với chữ tai, thì hãy coi chừng!
“Cái vòng danh lợi cong cong
Kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào”.
Danh vọng phù du như 1 giấc chiêm bao - sáng lên như voi, chiều đã xuống như chó. Vậy thì phải biết tác ý: “Danh vọng là khổ đau, danh vọng là bàn tay thép bọc nhung có ngày ta phải bị chết vì nó. Hãy tránh xa danh vọng!".
Tuy nhiên, sống trong đời thì phải thích hợp với đời. Có nghĩa là chức vụ, trách nhiệm với đời ta vẫn phải chu toàn nhưng không vì vậy mà tham quyền cố vị; khi nào tiến biết tiến; thoái về thì biết phải thoái về, rũ áo, phủi tay không tiếc nuối! Chứ không phải thái độ lảng tránh, trốn tránh, yếm thế lìa đời theo tư tưởng thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm:
“Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ”.
Hay của ai đó:
“Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo".
Mà phải sống như Nguyễn Công Trứ:
“Xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài tan".
Làm tròn trách vụ với đời, trả nợ cơm áo cho xã hội; nhưng khi dứt bỏ thế sự, tìm đường tu giải thoát luân hồi thì phải sống theo hình ảnh:
“Vào rừng không đụng lá
Xuống nước không dậy sóng
Sống âm thầm lẳng lặng
Lặng lẽ giữa chỗ đông người
Theo hạnh độc cư trầm lặng”.
(13:24) Trong ý niệm về năng lượng, khi ý thức hoạt động sẽ phát sinh năng lượng ít: “ Ý làm chủ, ý tạo tác”; tuỳ theo thiện ý hay ác ý mà năng lượng được tạo thành - toả ra có ảnh hưởng tốt hay xấu lên hệ thần kinh chúng sanh. Từ đó chúng sanh suy nghĩ, hành động trong tương tác của từ trường năng lượng; rồi đến lượt chúng cũng phóng xuất năng lượng ý thức vào không gian. Cho nên, khi chúng sanh suy tư hay hành động - thật ra đã bị chi phối bởi môi trường mà không hay; thường nghĩ tưởng là hoàn toàn tự chủ, độc lập. Hệ quả là vào thời điểm suy tư, môi trường đang có nhiều năng lượng thiện, càng hướng tăng thêm thiện tánh cho tư tưởng thiện, và giảm bớt ác tính nếu tư tưởng là bất thiện.
Tương tự như thế, đối với suy tư bất thiện như là năng lượng trong môi trường là bất thiện hay làm tăng thêm bất thiện tính của tư tưởng bất thiện và giảm thiện tánh của tư tưởng thiện. Điều này giải thích được hiện tượng trong xã hội, vào một thời điểm nào đó.
Ví dụ: một cuộc biểu tình, đòi chính quyền thỏa mãn một quyền lợi gì. Nếu đoàn biểu tình hô hào với khẩu hiệu trong tinh thần bất bạo động thì cuộc biểu tình được êm thấm; còn nếu những khẩu hiệu có tính gây căng thẳng được hô hào thì bạo động rất dễ bùng phát - chẳng khác gì củi khô, chỉ cần một mồi lửa ném vào là ngọn lửa sẽ phựt lên ngay - một ai đó dẫn đầu bạo động thì cả đoàn biểu tình sẽ theo ngay.
Tập thể lãnh đạo quốc gia, xã hội có tinh thần hiếu chiến thì tập thể đó sẽ đưa toàn dân vào cuộc chiến và nhân dân xứ đó cũng chấp nhận chiến tranh là việc đáng làm; vì năng lượng của tinh thần chiến tranh sẽ được nuôi dưỡng trong môi trường, ảnh hưởng tư tưởng của mọi người.
(15:09) Giai đoạn Thánh Gandhi cùng toàn dân Ấn Độ đấu tranh bất bạo động, giành độc lập thành công cho thấy tư tưởng bất bạo động tác động mạnh trong suy nghĩ và hành động của người dân Ấn khắp đất nước. Một vị chân tu đắc đạo (thì ) năng lực giải thoát hùng hậu của vị này phóng năng lượng chân thiện - tức là năng lượng Niết Bàn vào môi trường sẽ thúc đẩy giúp cho những người khác vượt qua những chướng ngại trong công trình tu học của vị đó và vị đó đạt kết quả cuối cùng dễ hơn. Cho nên trong nội lực đúng mức của cá nhân, nếu có được hỗ trợ năng lượng của bậc thầy chứng đắc thì những người đệ tử sẽ vượt thoát được bao nhiêu chướng ngại trên đường tu học để đạt được cứu cánh mục đích.
Theo trực tiếp tôi nghe được, trong năm 1980 tại Việt Nam Thầy Thông Lạc chứng đắc Thánh quả A La Hán; thầy Lương Sĩ Hằng, năng lực vượt cao; thầy Lương Minh Đáng đạt trình độ bậc thầy nhân điện. Chắc chắn, cộng vô thành quả của nhiều người khác nữa mà tôi không có duyên được biết, đã hưởng được lợi từ năng lượng thiện Niết Bàn. Mà cũng từ năm 1980 - do ảnh hưởng của năng lượng tâm linh siêu việt của vị A La Hán, nhiều hiện tượng tâm linh đặc biệt đã xảy ra nhiều nơi trong đất nước ta.
“Ý làm chủ, ý tạo tác” - vậy thì nếu tất cả mọi người đều thanh lọc tâm ý, không để tâm ý nhiễm ô những tư tưởng bất thiện; không nuôi dưỡng bạo hành, bạo động; diệt trừ ba ý hành bất thiện: tham - sân - si; làm các hành động thiện giúp đời, giúp người; nuôi dưỡng, tăng trưởng ba ý hành thiện: không tham - không sân - không si, thì tất cả mọi người đều phóng xuất năng lượng thiện vào không gian vũ trụ. Do bởi năng lượng thiện bao trùm từng cá nhân, toàn xã hội, làm cho thời tiết điều hoà, thiên tai - gió bão không có, nước ngập lụt không có; lửa cháy rừng, nắng khô hạn, núi lửa phun không có; đất chùi, động đất không xảy ra - trong khi cây cỏ bốn mùa xanh tươi, hoa trái đầy cành, đầy cây; nạn người giết người, sát hại chúng sanh không còn. Đó có phải là Thiên Đường tại thế, địa cầu Cực Lạc chăng!
Con xin hết!.
(17:44) Trưởng lão: Còn một bài nữa nói về thân vô thường của Thanh Quang, Thầy muốn đọc nhưng mà sợ bây giờ không còn thì giờ. Bây giờ còn 8 phút là 9 giờ rồi, thời gian còn ít quá! Còn thì đọc bài này để thấy thân vô thường qua bài luận của thầy Thanh Quang nhưng hết giờ rồi mấy con!
Trong sự tu tập, chúng ta càng tư duy, quán xét thì càng thấu suốt được cái lý như thật của các pháp vô thường của nhân quả thì từ tâm của chúng ta nó xa lìa các ác pháp rất nhiều. Và đồng thời hiện giờ, chúng ta sẽ bước qua giai đoạn là cố gắng thực hiện những điều chúng ta đã học, đã triển khai được tri kiến, để giúp cho sự tu tập của chúng ta có kết quả và nhanh chóng.
Qua tháng thứ ba này thì chúng ta còn 5 tháng là đủ 7 tháng, Thầy mong rằng chúng ta áp dụng Định Vô Lậu vào Tứ Niệm Xứ thì trong 5 tháng chúng ta sẽ đạt được Bất Động Tâm.
Mục đích của chúng ta là đạt cho được Bất Động Tâm, tức là đạt được chân lý giải thoát. Người tu tập, chỉ mong đạt đạo. Mà đạo là gì? Là chân lý giải thoát của chúng ta, tức là chân lý tâm thanh thản - an lạc - vô sự. Như vậy, trong Tứ Niệm Xứ gọi là sung mãn Tứ Niệm Xứ, mà chỉ có 12 tiếng đồng hồ mà thôi!
Các thầy với các Phật tử nhớ kỹ, chúng ta tu tập không có nhiều! Chỉ có trạng thái thanh thản - an lạc - vô sự trong 4 chỗ Thân - Thọ - Tâm - Pháp (của) chúng ta không bị chướng ngại pháp; lúc nào, giờ nào, cho đến suốt 12 tiếng đồng hồ tâm thanh thản - an lạc - vô sự thì chúng ta đã đạt được chân lý.
Vì lúc bây giờ, chân lý chúng ta hiện tiền, lúc nào cũng trước mặt, lúc nào chúng ta cũng sống trong chân lý đó - chỉ có 12 tiếng đồng hồ!
(19:46) Và Thầy nghĩ rằng, khi chúng ta đem pháp Định Vô Lậu - nhờ tri kiến chúng ta xả tất cả các niệm và các chướng ngại pháp trên Thân - Thọ - Tâm - Pháp của chúng ta. Thì trong 5 tháng, từ đây cho đến hết 5 tháng là đến tháng Tư sang năm - vì Thầy lấy tháng Mười âm lịch thì đến tháng Tư sang năm âm lịch thì chúng ta sẽ đúng 7 tháng. Thì coi như bây giờ chúng ta còn 5 tháng, tới tháng Tư là chúng ta cố gắng khắc phục trong khoảng thời gian tu tập Tứ Niệm Xứ.
Tu đúng, hành đúng, xả đúng, làm tất cả những điều mà Thầy dạy cho đúng! Đừng có nghĩ theo cái kiểu của mình rồi tu - mà các thầy sẽ đi sai! Mà đi sai thì thời gian các thầy sẽ rất lâu! Rất lâu mà không có cái gọi là chứng đắc được và có thể nói rằng từ đời này sang đời khác cũng chưa chứng đắc, bởi vì tu sai!
Còn tu đúng theo sự hướng dẫn đúng thì Thầy tin rằng trong 5 tháng thì các thầy sẽ đạt được kết quả rất tốt! Bởi vì như Thầy đã biết, đức Phật ngày xưa sau khi xả bỏ tất cả các pháp của ngoại đạo, các pháp khổ hạnh Ngài đến cội bồ đề ngồi lại 49 ngày - thành đạo; 49 ngày - Ngài xả tâm mà ly dục, ly ác pháp với Tứ Niệm Xứ. Cho nên sau đó, Ngài đã biết được cái khoảng thời gian mà xác định trên pháp Tứ Niệm Xứ cho chúng ta biết - Ngài nói 7 ngày. Thì trong 49 ngày, Ngài đã thành tựu. Ngài nói bảy tháng nhưng chỉ có một tháng mấy là Ngài chứng đạo!
Còn chúng ta đã học Định Vô Lậu, đã thực hiện Tứ Niệm Xứ thì chúng ta có kéo dài như thế nào đi nữa thì 5 tháng - chúng ta cũng đạt được!
Còn riêng Thầy, sau khi bỏ tất cả các pháp như Tịnh Độ, Thiền tông, Mật Tông - Thầy bỏ tất cả các pháp, Thầy trở về pháp môn Nguyên Thuỷ - ngồi tu tâm như cục đất, ly dục, ly ác pháp; cuối cùng 6 tháng Thầy đã thấy được nội lực của mình - làm chủ được sự sống chết!
Thầy nghĩ rằng cái thời gian mà 6 tháng, với thời gian 7 tháng - mà Thầy, đức Phật không được hướng dẫn. Còn quý thầy - hiện giờ đã được người hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, bằng phương pháp tu tập cụ thể, triển khai trí tuệ rõ ràng - do đó, sao quý thầy không chứng đạt được? Chắc chắn là quý thầy chứng đạt!
Nếu quý thầy biết rằng, cuộc đời - tất cả các pháp đều là do nhân quả mình gây ra, và biết tất cả các pháp đều là vô thường, không có vật gì là của mình thì đừng nên tiếc một cái gì trên thế gian này nữa; chỉ còn chọn lấy sự giải thoát mà thôi; chỉ chọn lấy con đường ra khỏi quy luật của nhân quả; chỉ chọn lấy con đường không còn tái sanh luân hồi nữa để chấm sự đau khổ của mỗi kiếp người!
(22:47) Thầy mong rằng điều kiện tiên quyết và đồng thời phải làm cho bằng được: từ đây cho đến tháng Tư, nghĩa là tới đó thì chúng ta xả tâm hoàn toàn thanh tịnh, Thầy ước mong điều đó, rất là ước mong!
Vì Thầy nghĩ rằng, năm nay Thầy đã 80 tuổi rồi, bằng tuổi Phật; lẽ ra thì Thầy phải ra đi, nhưng vì đạo đức nhân bản - nhân quả chưa xây dựng được, Trung Tâm An Dưỡng Từ Thiện mới bước đầu chứ chưa thành hình và tài khoản chi phí cho Trung Tâm An Dưỡng chưa tập họp được đầy đủ để chúng ta chi vào cái sự hướng dẫn xây dựng nền đạo đức nhân bản. Cho nên, Thầy còn nấn ná ở lại đây để giúp cho quý thầy. Thứ nhất, là đào tạo cho quý thầy là những người đứng lớp dạy đạo đức khi Trung Tâm An Dưỡng Từ Thiện ra đời - nó không phải ra đời trong 1 tỉnh, mà khắp cả nơi.
Thí dụ Trung Tâm An Dưỡng ra đời được thì tất cả các tỉnh đều là chi nhánh - mỗi chi nhánh phải có 1 người thực hiện được đức hạnh, tu được chứng đạo hẵn hòi - đến đó để mà hướng dẫn quần chúng đạo đức. Thì Thầy rất là ước mong!
Vì vậy mà cái lớp này, Thầy đào tạo - mong rằng các thầy sẽ là những người đứng lớp dạy trong các Khu An Dưỡng Từ Thiện - đó là cái điều ước mong!
Và vì vậy mà Thầy tin rằng cái phương pháp của Phật thật sự, sẽ giúp quý thầy đạt được kết quả thật sự chứ không phải là còn mơ hồ! Đừng nghĩ tưởng rằng: “Chắc có lẽ là lâu!” - không phải đâu!
Không lẽ chúng ta đã hiểu biết cái điều đó là ác pháp mà chúng ta cứ ôm ấp trong lòng để chịu khổ sao? Cũng như chúng ta biết sân là khổ, tham là khổ, si là khổ, dục là khổ mà chúng ta cứ mãi ôm ấp sao? Mỗi lần - chúng ta đều quyết tâm xả bỏ, ngăn chặn, diệt trừ thì làm sao suốt 5 tháng mà không diệt nổi, làm sao mà không xả nổi? Mà phải đúng cách!
(24:58) Thầy sẽ dạy quý thầy - ở đâu để mà tu đúng Tứ Niệm Xứ, ở đâu để mà xả được tâm tham - sân - si của mình, ở chỗ nào, vị trí nào mà không bị ức chế, mà không bị lạc đường? Thầy sẽ dạy!
Bắt đầu chiều nay, lẽ ra thì những người già đến trước, những người trẻ đến sau - hôm qua, Thầy cho các cô lớn tuổi đến trước để ngày thứ Tư các cô trẻ đến sau nhưng vì sau khi kiểm tra các cô trong buổi chiều hôm qua thì Thầy thấy rõ ràng có một số các cô trẻ, và cũng có những người già đến đây kiểm tra đều tu sai hết, nhiếp tâm trong Tứ Niệm Xứ đều sai hết!
Sau thời gian kiểm nghiệm - nửa tiếng đồng hồ đã thấy cái sai rõ ràng! Do đó, cái sự tu sai như vậy làm sao đạt được? Vì vậy, buộc lòng chiều nay tất cả các Tu sinh của chúng ta trong lớp này - vừa người lớn tuổi, vừa người trẻ tuổi đều đến đây để được Thầy xem xét lại Tứ Niệm Xứ, coi tu sai ở mực nào, ở chỗ nào Thầy sẽ hướng dẫn lại!
Nếu người tu đúng thì được tiếp tục tu mà người tu không đúng được hướng dẫn lại cách thức để chúng ta trên thân quán thân, trên tâm quán tâm, trên thọ quán thọ, trên các pháp quán các pháp.
Cách thức áp dụng như thế nào? Khi thân có chướng ngại áp dụng như thế nào? Khi đứng chỗ nào áp dụng nó? Khi tâm chúng ta có chướng ngại pháp - phải đứng vị trí nào, phải dùng tri kiến gì để phá nó? Và khi các pháp bên ngoài tác động vào, làm cho thân tâm chúng ta bị động thì chúng ta đứng vị trí nào, dùng pháp nào ngăn chặn - không cho các pháp ác ở bên ngoài tác động vào để bảo vệ chân lý của chúng ta? Cho nên, chúng ta đọc lại "Những Lời Phật Dạy - trong tập 4" - đức Phật đã dạy: “Chân lý được hộ trì - hay là hộ trì chân lý - hay là bảo vệ chân lý”. Vậy thì chân lý của chúng ta là trạng thái tâm thanh thản - an lạc - vô sự.
(27:10) Chúng ta thường nghe nói tu Tứ Niệm Xứ - mà không hiểu trạng thái của Tứ Niệm Xứ! Chúng ta thường đọc trong kinh Tứ Niệm Xứ đức Phật dạy chúng ta quán Định Niệm Hơi Thở, quán Thân Bất Tịnh, quán Xương Trắng, quán Thân Hành Niệm rồi Trên Tứ Niệm Xứ thì nhắc chúng ta quán Thân - Thọ - Tâm - Pháp để khắc phục tham ưu trên đó.
Nói như vậy nhưng không chỉ cho chúng ta biết cái trạng thái nào là trạng thái đúng. Hôm nay, Thầy đã vạch cho chúng ta biết cái trạng thái của Tứ Niệm Xứ là thanh thản - an lạc - vô sự. Nhờ biết trạng thái đó - nhưng mà biết trạng thái đó rồi chúng ta lại bị ức chế trên trạng thái đó, đó là 1 cái nỗi khổ!
Cho nên khi mà nhận ra được trạng thái đó - gọi là giác ngộ trạng thái đó, mà Thầy đã chỉ cho quý thầy. Và bây giờ đứng ở vị trí để mà chúng ta thực hiện Tứ Niệm Xứ, làm cho suốt 12 tiếng đồng hồ - “Nhất dạ hiền", mà không còn một niệm ác tác động trên bốn chỗ Thân - Thọ - Tâm - Pháp thì chúng ta sẽ đạt được đạo!
(28:12) Cách thức tu - thời gian không dài, thế mà chúng ta tu như thế nào để đạt được? Từ lâu tới giờ các con có nghĩ 12 tiếng đồng hồ quá khó, khó vô cùng khó! Tại sao mình ngồi, chỉ trong vòng 1 tiếng, 2 tiếng được nhưng mà nhiều hơn lại không được? Đó là cái sự - hôm nay Thầy hướng dẫn tất cả mọi người, tất cả quý thầy cũng như quý cư sĩ tu tập - sẽ đạt được chất lượng cao để xả tâm. Trong 5 tháng này, phải quyết định chúng ta làm xong!
Và 5 tháng - khi xong rồi thì quý thầy là nỗi mừng của Thầy, là 1 nỗi - cho loài người có hạnh phúc! Vì quý thầy là những người đứng ra làm công việc xây dựng nền đạo đức của Phật giáo, cho nên phải cố gắng, phải cố gắng, tu không phải dễ, phải cố gắng! Chỉ có cố gắng của chúng ta, mà phải là cố gắng đúng, cố gắng sai là thành bệnh, nhất là tu sai pháp!
Hầu như Thầy đã kiểm nghiệm bên nữ và Thầy đã thấy tu sai! Tu sai thì cần phải sửa lại hết, chứ không phải thấy sai rồi chúng ta bất mãn, rồi chúng ta bỏ - không tu; chúng ta thấy sai phải chỉnh sửa lại!
Vì mỗi người đều tự lấp tâm mình ở trên trạng thái vô hình, vô cảm nhận của người khác; thế mà Thầy biết được sự sai, bởi vì cái tướng của các vị tu sai là nó lộ ra, nó không thể nào mà giấu ẻm ở trong tâm của quý vị được!
Thí dụ như, ngồi nhìn chăm chăm vào 1 điểm là biết vị đó tu sai; mà ngồi tu nhắm mắt là sẽ biết người đó tu sai; nghĩa là tất cả những cái - mà qua cái tướng trạng. Ngồi một lúc để mà nhìn, quan sát 4 chỗ Thân - Thọ - Tâm - Pháp, mà nhúc nhích đầu, nhúc nhích cổ hoặc là một lúc kéo chân, một lúc kéo tay - điều đó là quý vị đang tu sai!
Để rồi, Thầy sẽ chấn chỉnh vào buổi chiều hôm nay; sẽ kiểm nghiệm lại 30 phút, rồi sau đó tiếp tục kiểm nghiệm 1 giờ, rồi kiểm nghiệm 2 giờ, rồi kiểm nghiệm 3 giờ, suốt 1 buổi các thầy tu 3 tiếng đồng hồ Thầy ngồi kiểm nghiệm.
Quý thầy ngồi im lặng tu tập theo đúng pháp môn Tứ Niệm Xứ; có niệm thì dùng Định Vô Lậu quán xét - đuổi; có thân cảm thọ - dùng cái nhiếp tâm và an trú của mình để đuổi cái cảm thọ đó; và nếu các pháp bên ngoài tác động thì dùng pháp hộ trì 6 căn - giữ gìn, bảo vệ 6 căn, không cho 6 căn chạy theo bên ngoài. Đó là cách thức để hộ trì chân lý - bảo vệ chân lý của chúng ta.
Như vậy, buổi chiều nay Thầy sẽ kiểm nghiệm và hướng dẫn cho quý thầy cụ thể, rõ ràng, biết cách để tu tập cho đúng.
Thì thời gian tu tập đúng - chỉ có còn 5 tháng, không lâu! Không phải chúng ta tu đời này qua đời khác, không phải chúng ta tu tháng này qua tháng khác mà phải tu đúng cách và đúng cách - thời gian sẽ thu ngắn lại.
(31:20) Bây giờ, Thầy sẽ trả lời câu hỏi của sư Pháp Ngộ:
1/ Hai câu tác ý: “Tâm ta như cục đất, ly tham - sân - si hết đi; tham - sân - si là đau khổ, hãy ly cho thật sạch!” và “Tâm ta như cục đất, ly dục - ly ác pháp!” - 2 câu này, có phải nương vào hơi thở mà tác ý không?
Hai câu này, không cần phải nương vào hơi thở tác ý! Nghĩa là chúng ta tác ý tự nhiên chứ không phải vừa thở vừa tác ý, không phải! Tác ý rồi, rồi chúng ta mới tiếp tục tác ý. Chiều nay, Thầy sẽ kiểm nghiệm rồi Thầy chỉ cho cách thức tác ý.
Trước khi chúng ta muốn tu tập Tứ Niệm Xứ để giữ tâm thanh thản thì chúng ta phải tác ý như thế nào?
Tâm chúng ta còn tham - sân - si quá nhiều, mà muốn tu tập nó thì chúng ta tác ý như 2 câu tác ý này: “Tâm như cục đất ly tham - sân - si hết đi!" hay hoặc là "Tâm như đất, ly tham - sân - si hết!". Đó, chúng ta tác ý như vậy!
Rồi mới tác ý tiếp: “Tâm thanh thản - an lạc - vô sự". Rồi chúng ta ngồi thanh thản - an lạc - vô sự như thế nào, tâm ở chỗ nào để quan sát 4 chỗ Thân - Thọ - Tâm - Pháp. Đó là những phương pháp. Buổi chiều nay, kiểm nghiệm lại quý thầy để rồi hướng dẫn.
Đó, Thầy trả lời! Chứ không phải là chúng ta ở trên hơi thở mà tác ý, nghĩa là không ở trên hơi thở. Cho nên câu hỏi: “Câu này có phải nương vào hơi thở mà tác ý không?”. Không! Không nương vào hơi thở!
2/ Còn câu: “Tâm ta thanh thản - an lạc -vô sự" thì không có nương vào hơi thở mà chỉ tác ý thôi
Đúng vậy! Trong khi tác ý ba câu này, câu thứ nhất: "Tâm như cục đất, ly tham - sân - si hết!" hoặc là: "Tâm như cục đất, ly tham - sân - si!" hoặc là: "Tâm thanh thản - an lạc - vô sự!" ba câu này tiếp tục tác ý luôn một loạt, hoặc là tuỳ theo đặc tướng của mỗi người mà tác ý thêm vài câu nữa cho phù hợp. Để rồi chúng ta sẽ không tác ý nữa, và cứ im lặng để mà quan sát bốn chỗ Thân - Thọ - Tâm - Pháp; có chướng ngại thì đuổi, mà không có chướng ngại thì thôi; chứ không phải cứ một chút tác, một chút tác ý - không phải như vậy nữa!
Ở đây, bước qua cái giai đoạn này tu - không phải là còn tu tập một cái lớp học chung chung nữa, mà đi sâu vào con đường xả tâm ly dục, ly ác pháp; thì để Thầy sẽ dạy tới.
Vì câu hỏi này, nó có liên quan đến sự kiểm tra về pháp Tứ Niệm Xứ; cho nên Thầy nhắc cho kỹ là những gì tác ý trước - sau như thế nào, không phải tác ý trong hơi thở; và hơi thở lúc bấy giờ ở đâu? Buổi chiều Thầy sẽ chỉ.
“Và chúng ta đứng ở chỗ nào trên hơi thở mà không bị ức chế tâm, rồi quan sát trên bốn chỗ Thân - Thọ - Tâm - Pháp, có đúng như vậy không? Kính bạch Thầy, xin Thầy chỉ dạy cho con được rõ!”.
Câu này, buổi chiều Thầy sẽ kiểm nghiệm, rồi Thầy sẽ chỉ dạy cái này rất rõ; coi chúng ta đứng ở chỗ nào mà chúng ta quan sát bốn chỗ Thân - Thọ - Tâm - Pháp.
(34:23) “Quả đất này thì nó cũng là 1 pháp, nó vận hành theo định luật như là Thành - Trụ - Hoại - Không. Khi nó vận hành như vậy, có nhân quả không?”.
Sự thật ra, nếu mà nó không đi theo quy luật nhân quả thì quả đất bị đảo lộn và nhào lộn. Bởi vì cái quy luật nhân quả nó điều hành cả vũ trụ - tất cả các hành tinh. Cho nên Trái Đất của chúng ta nó phải đi theo quỹ đạo của Mặt Trời - thì nó phải đi như vậy; và Mặt Trăng phải đi theo quỹ đạo của Trái Đất của chúng ta - thì nó phải đi như vậy thôi, không thể nào khác hơn! Đó là cái hành của nhân quả. Cho nên đức Phật nói: “Vô minh sanh hành - hành sanh thức”, nó mới sanh ra các duyên hợp - mới tạo thành môi trường sống.
Như vậy là nó phải đi theo quy luật của nhân quả - từ nhân quả sanh ra. Cho nên, dù là hành tinh chết - nó vẫn bị sự chi phối, bị sự điều hành của nhân quả. Như Cung Trăng hiện giờ, các nhà thám hiểm lên đó thấy nó là cái hành tinh chết - nó không có sự sống trên đó, nhưng nó phải đi theo quỹ đạo. Vì sự vô thường của vũ trụ - hôm nay, Cung Trăng là hành tinh chết nhưng 1 triệu năm sau nó sẽ là hành tinh sống, nó sẽ có môi trường sống trên đó. Nghĩa là từ từ, Trái Đất này có thể nó sẽ biến dần, biến dần môi trường sống này thành môi trường chết thì Cung Trăng sẽ trở cái môi trường sống - nó thay đổi.
Bởi vì nó vô thường, Trái Đất chúng ta hiện giờ nó là môi trường sống nhưng đến 1 tỷ năm, 2 tỷ năm - nó cũng là môi trường chết, thì Cung Trăng sẽ là môi trường sống và các hành tinh chết nó sẽ là môi trường sống. Chúng ta đừng nghĩ rằng nó không bị quy luật của nhân quả - nó đang đi vào trong cái luật của nhân quả! Cho nên tất cả đều là "Thành - Trụ - Hoại - Không" - nó đi vào chỗ đó.
(36:25) Cho nên chúng ta nói, hiện - tuổi của chúng ta bảy, tám chục tuổi, một trăm tuổi - cái thời gian quá ngắn đối với cái hành tinh của chúng ta, đối với các hành tinh trên vũ trụ này - nó quá ngắn. Nghĩa là người ta cả tỷ, tỷ năm, còn mình sống mới có mấy năm mà chết hà! Như vậy, mình làm sao hiểu nổi sự thay đổi của nó!
Rõ ràng, vừa rồi chúng ta nghe những tin tức động đất, thiên tai, hoả hoạn, sóng thần - đó là cái sự vô thường của hành tinh chúng ta - nó thay đổi, thay đổi. Rồi đâu phải nó nằm yên, nó còn thay đổi nữa - nếu mà chúng ta phóng ra từ trường ác ở trên hành tinh, mãi mãi đưa ra những cái từ trường ác làm cho môi trường sống của chúng ta càng ô nhiễm thì nó xảy ra những điều kiện vô thường của nó. Còn nếu nó thải ra những từ trường thiện thì nó đem lại sự hoà bình, ôn hoà của hành tinh - chúng ta an ổn. Mà Thầy nói từ trường của nó thì chúng ta phải hiểu biết cái năng lực vũ trụ ghê gớm lắm!
Đó, thì: “Khi nó vận hành như vậy có nhân quả không?” - có, nó vận hành, hễ khi có hành là có nhân quả! Nhưng vì nhân quả của con người thì chúng ta thấy nó hành ở thân - khẩu - ý của chúng ta; còn nhân quả của vũ trụ, nó hành - không phải ở trong thân hành, khẩu hành của chúng ta; nhưng mà nó ảnh hưởng đến thân hành, khẩu hành của chúng ta - phóng xuất ra những từ trường. Nó có sự liên hệ của sự vận hành của vũ trụ, cho nên nó đều đi vào nhân quả của vũ trụ hết.
(38:05) Thí dụ “Khi nó tan hoại nó có theo định luật của nhân quả không?”.
Khi nó tan hoại - Thầy đã nói trên Cung Trăng hiện giờ nó là môi trường chết, còn bây giờ ở hành tinh chúng ta là môi trường sống. Nhưng 1 tỷ năm - 2 tỷ năm sau thì hành tinh của chúng ta sẽ là hành tinh chết - nó không còn có cây cỏ nữa, nó chỉ còn có mảnh đá không à, hoặc là nó tan hoại thành cát bụi; nó đâu còn mãi đâu vì tất cả đều là vô thường hết, nó không còn giữ đâu! Và đồng thời thì có những hành tinh khác.
Nhưng mà, nó làm sao mà cái quy luật của nó - nếu mà bây giờ Trái Đất của chúng ta tan hoại là sẽ đổ nhào tất cả mọi cái hành tinh. Thay vì Trái Đất của chúng ta nè, hành tinh của chúng ta đang đi theo quỹ đạo của Mặt Trời, Mặt Trăng đi theo quỹ đạo của chúng ta, rồi cả Thái Dương Hệ chúng ta nó đi trên không gian, nó đi theo quỹ đạo của Thái Dương Hệ của nó chứ đâu phải là chỉ có chúng ta đi trong cái Thái Dương Hệ chúng ta. Bao nhiêu Thái Dương Hệ chứ không phải chỉ có 1 Thái Dương Hệ!
Mấy con hãy tu tập có Tam Minh đi rồi quan sát - làm nhà thiên văn; còn bây giờ hỏi Thầy, Thầy nói như nói dóc vậy - vì các con có thấy được không, có phải không? Bây giờ Thầy nói bằng cái Thầy thấy, nhưng mà cái thấy của Thầy đâu phải là cái thấy của mấy con! Đối với mấy con thì Thầy nói láo rồi - nhưng mà Thầy nói thật với Thầy, với chư Phật đã có Tam Minh, nhưng với mấy con là thành Thầy nói láo vì không chứng minh được cái điều đó: “Nói gì mà trời đất ơi, gì mà tôi có thấy ở đâu? Ngồi đây mà tôi thấy, Mặt Trăng là phải tối mới thấy chứ còn ban ngày làm sao thấy! Nói cái chuyện gì đâu trên trời không hà!”.
Vì vậy mà - do con hỏi cái điều đó! Thật sự ra, nó có quy luật của nó rồi, nó vận hành theo cái quy luật của nhân quả - Thầy nói cả vũ trụ chứ nó không riêng gì đâu hết!
(40:00) Nếu mà thí dụ như bây giờ con nói - bây giờ cái môi trường sống chúng ta, ở trong hành tinh chúng ta là có quy luật của nhân quả mà Cung Trăng không có quy luật nhân quả thì ông nội chúng ta đem phi thuyền lên đó, nó chết queo trên đó liền tức khắc chứ ở đó! Nó quên mất quy luật nhân quả rồi làm sao phi thuyền chúng ta lên đến đó được. Cái sự vận hành mà cái phi thuyền chúng ta đang đi trong không khí của chúng ta là bầu khí quyển đó mà nó vượt qua bên kia, nó đi được là phải có sự vận hành chung của quy luật nhân quả chứ nếu mà nó đi vào cái quy luật khác, kiểu mà qua đó, nó chết sạch hết! Nó không còn ở bên đó đâu!
Nó đi chung nên chúng ta đi khám phá được! Nếu nó rời ra thì không có máy móc nào mà chúng ta thăm dò vũ trụ đâu! Nó đi chung trong quy luật nhân quả nên chúng ta mới thăm dò được mấy con, mấy con phải hiểu điều đó! Nó có chung - nó mới tương ưng - nó mới làm được cái chuyện đó! Bây giờ này, hành tinh chúng ta nó không có chung - nó không tương ưng thì chúng ta khó mà hiểu, khó mà làm được; nó tương ưng - nó mới được chứ không phải dễ! Cho nên nó nằm chung trong cái quy luật, nó có sự tương ưng nhau - tương ưng nhân quả.
Cho nên ở đây, nói với 1 người mà có Tam Minh - mà nói với 1 người vô Tam Minh thì thiệt là khó nói quá! Không biết cái danh từ nào mà Thầy nói?
“Theo con thiết nghĩ, nó cũng theo quy luật nhân quả và định luật tự nhiên của các pháp là thành - trụ - hoại - không, sanh - già - bệnh - chết. Như vậy, quả đất này hoại cũng sẽ sanh ra nhiều quả đất khác? Kính bạch Thầy, chỉ dạy cho chúng con được rõ!”.
Vậy chứ bây giờ con thấy nó tan nát quả đất này thì nó phải thay đổi cả vũ trụ! một Trái Đất này mà hoại thì tất cả các hành tinh này nó đều hoại; nhưng nó hoại thì nó chạy đi đâu? Các con có hiểu không? Cũng như bây giờ cái thân này chết - nó chạy đâu mấy con? Thì nó chạy - nó tương ưng, nó tái sanh ở chỗ nào đó, nó thành cái người khác, chứ không lẽ cứ thành Thầy hoài sao, phải không?
(42:03) Bây giờ Thầy nói từ cái hành động của mấy con thôi, mà qua cái nhân quả của thảo mộc - thì mấy con thấy một trái đu đủ nó có nhiều hạt, có nhiều cái hạt trong lúc cây đu đủ mẹ còn sống đó, thì những hạt đó còn lên bao nhiêu cây nữa chứ! Thầy còn sống đây, nhưng mà Thầy chết - nó còn lên nữa chứ! Như một cây mít - cây mẹ chết, nó vẫn có trái cuối cùng để mọc lên bao nhiêu cây nữa, chứ đâu phải một cây! Chứ đâu phải nói - Thầy còn sống nó lên, rồi Thầy chết nó không lên đâu, nó lên luôn luôn chứ!
Cho nên vì vậy mà hành tinh này hoại diệt thì tất cả các hành tinh khác trên vũ trụ này đều đổ nhào hết - nó thay đổi toàn bộ chứ không có hành tinh nào mà còn hết đâu! Mà bây giờ nó đổ nhào hết thì nó có cái gì mấy con biết không? Thì nó có một cái vũ trụ khác chứ mất đi đâu!
Cũng như bây giờ Thầy mất thì nó có một con người khác chứ làm sao mất! Các con hiểu không? Như vậy mấy con đừng có nghĩ! Nó mất hành tinh này thì sẽ có cái khác chứ, nhưng không lẽ là Trái Đất hoài? không lẽ mấy con kêu nó Trái Đất hoài a?
Cũng như bây giờ, Thầy chết rồi, thì bây giờ có một thằng nhỏ mới sanh ra - các con cũng kêu Thầy là thằng đó hay sao? Các con hiểu chỗ Thầy nói không? Nó có cái tên khác, cũng như bây giờ mình đặt tên là Trái Đất chứ hồi trước tiên nó có tên Trái Đất sao? Nó tên gì đó mình không biết! Con người mình hay đặt tên quá! Đặt tên để phân biệt, kêu cho dễ thôi! Ông A, ông B, ông C để biết rõ ông A này có cái mặt như vậy, ông B có cái mặt như vậy - thì trên hành tinh này, mình cũng đặt tên cho cây cỏ chứ cây cỏ nó có biết tên nó bao giờ đâu!
(44:02) “Khi con đang tu Chánh Niệm Tĩnh Giác Định, lúc ngồi thư giãn thì có trạng thái tâm thanh thản - an lạc - vô sự rất tốt, có thể kéo dài được 5 phút hoặc 10 phút hay có thể hơn. Vậy con có nên duy trì nó không - tức là ngưng tu Chánh Niệm Tĩnh Giác Định? Vì trong thời gian tu Chánh Niệm Tĩnh Giác Định, khi đến thời gian tu Định Sáng Suốt thì trong trạng thái thanh thản - an lạc - vô sự ít được, và có được thì không có được dài thời gian. Xin Thầy dạy cho con được rõ!”.
Sự thật ra, con tu Chánh Niệm Tĩnh Giác mà lại là cái trạng thái thanh thản - an lạc - vô sự, tức là Tứ Niệm Xứ xuất hiện ra chứ gì? Ở đây - con tu lộn xộn rồi! Bây giờ đó, Thầy nói rằng, khi mình đứng ở trên vị trí để tu tập Tứ Niệm Xứ thì cái trạng thái thanh thản - an lạc - vô sự phải xuất hiện thôi, không chạy đi đâu khỏi hết; bởi vì mình làm chủ - mình điều khiển đưa vô. Còn đằng này, con tu Chánh Niệm Tĩnh Giác mà trạng thái Tứ Niệm Xứ lại xuất hiện - "chơi cái kiểu này" ngược ngạo quá vậy, có phải không? Chưa được, như vậy chưa có đúng đâu!
Để rồi - tiếp tục tu tập nó sẽ đi vào đúng chứ còn như vậy - như bây giờ đang tu Chánh Niệm Tĩnh Giác mà Tứ Niệm Xứ xuất hiện: “Thôi bây giờ tôi tu Tứ Niệm Xứ”.
Tu sinh: Mà lúc nào nó cũng vậy, bạch Thầy!
Trưởng lão: Bởi vậy cho nên nó không phải vậy đâu, để rồi Thầy sẽ dạy! Cái trạng thái thanh thản - an lạc - vô sự của con đó là tự nhiên rồi, chưa tu cái này mà nó xuất hiện cái đó là nó tự nhiên rồi.
Nhưng không phải đâu! Tâm chúng ta còn tham - sân - si nhiều lắm rồi! Chúng ta ở trên Tứ Niệm Xứ quán sát - cho nên chúng ta không cần trạng thái đó đâu! Con hiểu không? Để cho sau khi chúng ta quét sạch hết rồi thì cái đó nó hiện ra, bắt đầu nó sống với con, nghĩa là chân lý sống với con rồi - tức là chứng đạt chân lý.
Còn bây giờ, khi tôi tu Tứ Niệm Xứ, à không, Tu Thân Hành Niệm (Chánh Niệm Tĩnh Giác) mà nó xuất hiện cái Tứ Niệm Xứ này bất thình lình, thì rồi một chút nữa nó mất hết. Phải tu Tứ Niệm Xứ rồi nó mới xuất hiện chứ! Chứ còn tôi tu Tứ Niệm Xứ mà nó không xuất hiện Tứ Niệm Xứ, mà phải tu Chánh Niệm Tỉnh Thức nó mới có. Kiểu này nó ngược ngạo quá vậy, đâu được! Con nên nhớ, để Thầy dạy cho kỹ lại!
Cho nên Thầy biết mấy con sẽ lộn xộn rồi, rối trật tự trên pháp tu rồi, chưa có được! Cho nên phải tu tập lại mới được các con!
(46:23) Sư Pháp Ngộ hỏi: “Vừa qua, Giáo hội Phật giáo Trung ương có tổ chức khóa giáo lý cho trên 1000 Phật tử học tập giáo lý tại chùa Bằng ở Hà Nội - các Phật tử từ Hà Tĩnh đổ ra. Do thầy trưởng Ban Hoằng pháp Trung ương - Thầy Thích Trí Quảng chủ trì; Ban giám khảo - trưởng ban là Đại đức Thích Thanh Vân ở Ban trị sự ở Hải Dương. Sắp tới đây, Giáo hội sẽ tổ chức lớp học giáo lý cho toàn thể Phật tử trong cả nước với mục đích: hiểu biết về giáo lý của đức Phật rõ ràng, sâu sắc hơn, đúng chánh pháp - tránh và hạn chế, bỏ đi những điều mê tín lâu đời bị lầm chấp trong dân gian mà các Phật tử đã vướng phải. Như vậy, những lời Thầy dạy đã ảnh hưởng ít nhiều đối với các vị chức sắc lãnh đạo trong Phật giáo. Nhưng đó chỉ là nâng lên trình độ hiểu biết về những lời của đức Phật dạy. Còn về sự thực hành - sống đạo đức trong cuộc sống hàng ngày thì sao? Còn về các Hòa thượng đang hành pháp mê tín thì như thế nào? Kính xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ!”
Vấn đề tổ chức để giảm bớt sự mê tín thì điều đó là điều tốt của Giáo hội, không có sao hết! Còn về các pháp thực hành thì hầu như là các vị chưa có biết cách thức thực hành. Cũng như bây giờ, nói chung, nhìn trong cái lớp chúng ta mà nói về thực hành thì mấy con đang thực hành sai chứ chưa có đúng! Cho nên bây giờ, để Thầy hướng dẫn cách thức để tu tập cho đúng pháp chứ không khéo là sai! Do đó thì mình đang tu tập sai đây mà - được Thầy hướng dẫn mà còn sai, huống hồ là họ chưa biết gì hết; tức là họ nhiếp tâm - điên họ nữa là khác, chứ đâu có làm sao đúng được!
Còn về đạo đức thì họ chỉ đọc sách Thầy chứ họ chưa biết đạo đức nhân bản - nhân quả ra sao nữa! Họ chỉ nghe, chỉ đọc, họ hiểu hiểu; nhưng mà từ chỗ triển khai cho chúng ta biết, từ chỗ học nhân quả và các pháp vô thường và đồng thời dựng lên cái đạo đức nhân bản thì chúng ta mới lần đi sâu, chúng ta từ đó biết cách.
Các con đã đọc sách Đạo Đức Làm Người của Thầy rồi, nhưng mà các con đọc để mà hiểu chứ không có đọc lưu ý cái sự trình bày, cái sự viết ra đạo đức đó, các con chưa có nhìn thấy; cho nên vì vậy mà khi mà viết đạo đức - mấy con viết lộn xộn quá! Có phải không?
(49:06) Cho nên ở đây, khi mà chúng ta chỉ đọc để hiểu đạo đức đó thôi - qua cái sự nắm bắt để hiểu. Còn cái sự trình bày để mà viết đạo đức chính bản thân mình, để trình bày đạo đức nhân bản - nhân quả thì bây giờ chúng ta mới được học. Để chúng ta ghi chép cho đúng cách, để thực hiện được nơi tâm mình và để giúp cho người sau - người ta có sách đạo đức đó để người ta biết.
Cho nên ở đây, mỗi người là một tác giả viết về đạo đức; một cái đề tài đạo đức nhưng người viết thế này, người viết thế khác, chứ không giống nhau đâu! Bởi vì mẩu chuyện trong cuộc sống chúng ta rất nhiều, sự việc xảy ra rất nhiều nhưng vì cái sự thiếu đạo đức mà làm đau khổ chúng ta. Có đạo đức - nó làm chúng ta được an ổn, điều đó rõ ràng!
Cho nên mọi chuyện, sự kiện xảy ra như thầy Chơn Thành vừa rồi viết đạo đức, mấy con thấy nó ngoài cái vấn đề mà chúng ta nghĩ rằng - đứng ở trong cái đường đi nhân quả của Thập Thiện thì các con thấy lạ lùng - "Trời ơi! Sao thầy lại viết đạo đức Trách Nhiệm này, nó ở chỗ nào đây?" Nhưng mà sự thật nó nằm ở chỗ nào đây?
Rõ ràng là nó nằm ở trong thân hành rồi, có phải không mấy con? Cái đạo đức thân hành nó vô cùng, chứ đâu phải là nói không ăn trộm, không giết hại chúng sanh, rồi không tà dâm là nó đủ đâu! Bao nhiêu đó đâu có đủ - thân hành chúng ta nó vô cùng!
Thầy đi làm nghề thầy giáo thì có đạo đức của thầy giáo chứ, thầy đi làm nghề bác sĩ thì có đạo đức của bác sĩ, thầy đi làm nghề luật sư thì có đạo đức của luật sư; thầy sống trong gia đình, thầy đối xử với vợ con như thế nào - nó có đạo đức của nó chứ! Thầy cú đầu, đánh con thầy cái bốp thử coi - như vậy có đạo đức không? Các con hiểu không? Những hành động đó, chúng ta đều có thể diễn tả ra đạo đức làm người - nó rộng rãi lắm chứ nó không phải hẹp!
Mà bây giờ chỉ nói không tham lam - trộm cắp, không giết hại chúng sanh, không tà dâm là nó đủ rồi đâu! Mấy con nói như vậy nó còn thiếu - “Trời đất ơi! Vợ tôi chửi tôi gần chết đây!”. Làm sao để mà nói chuyện đó, có phải không? Cái gì mà chúng ta dạy đạo đức cho vợ mình đừng có ăn hiếp chồng - như vậy mới đúng chứ!
Như vậy mấy con còn viết rất nhiều, cho nên Thầy bảo 1000 trang - mấy con còn chưa đủ, mấy con còn phải viết nhiều! Nhiệm vụ của mấy con học lớp này là học lớp đạo đức - học cho mình mà học cho người nữa! Thì cái nhiệm vụ mấy con phải viết chứ - chứ không lẽ Thầy cứ ngồi viết cho các con đọc sao?
Cho nên cái mà mình viết ra nó mới thực tế mấy con, thực tế áp dụng! Và đồng thời Thầy chỉ là người gợi ý, các con chưa đặt được cái tên của nó thì Thầy sẽ giúp mấy con đặt được cái tên, có gì đâu! Cho nên vì vậy mà Thầy sẽ giúp đỡ cho mấy con rất nhiều trên cái vấn đề mà soạn thảo và viết bộ sách Đạo Đức Gia Cang (Đạo Đức Gia Đình).
Càng viết, các con càng tu Định Vô Lậu càng cụ thể, rõ ràng - đem đến sự hạnh phúc cho mấy con rất lớn! Và đồng thời, mấy con sẽ đạt được chân lý của nó bằng tri kiến giải thoát đó!
Mục đích tu tập của đạo Phật rất rõ ràng mà, đâu có gì mà khó khăn đâu! Tại chúng ta chưa biết cách, chưa biết tu cho nên chúng ta thường làm sai, tu sai mà thôi, chứ còn biết rồi thì đâu có khó!
HẾT BĂNG