CK 046A (PHẬT TỬ) - NHÓM PHẬT TỬ THANH HÓA XIN CÚNG DƯỜNG ĐẤT LÀM TRUNG TÂM AN DƯỠNG
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Phật tử
Thời gian: 02/01/2006
Thời lượng: [23:51]
(00:00) Phật tử: Ngày hôm nay con có một nguyện vọng lớn là con mong muốn từ lâu, mong muốn làm sao Thanh Hóa có một nơi tu hành để cho mọi người hướng về chân tâm có nơi nương tựa. Bản thân con tự nguyện với bàn tay, với khối óc của con thì con đã nhận được một khu đất. Hôm nay địa phương đã giao cho con khu đất đó khoảng mười lăm mẫu. Hôm nay con về đây, thứ nhất con xin thành kính bạch với Thầy, Thầy là bậc A La Hán Chính Đẳng Giác để cho chúng sinh nương tựa. Con xin thành tâm đảnh lễ Thầy!
Con xin bạch Thầy từ lâu đến nay, chúng con vô minh che lấp, chúng con đã tin theo con đường tu hành của tưởng giới, thì con được xem một thời giáo lý của Thầy đã công phu chú giải. Hôm nay con về đây, con xin Thầy cho phép con được quy y và thọ giới, đồng thời nguyện vọng của con muốn dâng khu đất đó cho Thầy để Thầy hoằng dương chánh pháp. Nam Mô Bổn Sư Thích Thông Lạc (3 lần).
Trưởng lão: Con cứ ngồi lên ghế đi con. Mấy con cứ ngồi lên ghế đi, Thầy cho phép mà. Mấy con có lòng muốn cúng dường dâng lên Thầy cái khu đất để sau này biến thành một cái khu an dưỡng cho mọi người được về nghỉ ngơi rồi học đạo đức, học cách thức tu tập từ cạn đến sâu của đạo Phật.
(02:09) Thầy nhận sự cúng dường của mấy con. Nhưng một mình Thầy thì không thể nào làm nó lấy hết được, thì mấy con ở ngoài đó mấy con dựa theo những phương án, những đồ án mà Thầy đã lập, từ đó mấy con dựa đó mấy con xin phép, vì mình muốn làm cái điều gì thì phải đi vào pháp luật của Nhà nước, giấy phép phải hẳn hòi. Sau đó mình mới làm được, còn Nhà nước chưa cho phép thì mình muốn cũng không được.
Mà nếu mà đứng dựa vào tôn giáo như Phật giáo thì cái Phật giáo đất nước của chúng ta thì nó đã có cái Giáo hội Phật giáo Việt Nam, dựa vào Giáo hội Phật giáo để mình xây dựng các Trung Tâm An Dưỡng thì mình bị sự chi phối của Phật giáo Đại thừa, thì mình sẽ không có phát triển được gì hết. Cho nên rất khó.
Vì vậy mà mình thành lập Trung Tâm An Dưỡng từ thiện lấy cái gốc từ thiện để cho mình giúp đỡ những người bất hạnh trong xã hội, những người khuyết tật người ta đã khổ đau là người ta bị khuyết tật, để đến được với Phật pháp, người ta sẽ học sẽ tu, người ta an ủi tinh thần, người ta không mặc cảm, không thấy khổ đau. Để giúp người ta sống một đời sống đạo đức không làm khổ mình.
Thì các con nếu xây dựng được quê hương các con có cái chỗ nương tựa của những người bất hạnh đó và những người già, trong khi già sống thường thường tâm trạng rất cô đơn vì con cái đi làm hết, rồi ông già bà già ở nhà trông coi nhà hoặc là coi cháu, nhiều khi trẻ con nó làm cho người già rất là vất vả khổ sở. Thấy cái trách nhiệm bổn phận bây giờ mình không làm được gì, phải trông cháu để cho chúng nó đi làm để đem lại sự sống.
Trong khi đó thì tuổi già còn một vài ngày quá ngắn mà không được an ủi, không được tu tập ở trong đạo Phật thì quá uổng, ít ra tới cuối cùng mình cũng biết, khi bỏ thân này mình cũng biết đường đi về mình về đâu mình biết, còn tái sinh luân hồi hay là chấm dứt tái sanh luân hồi. Thì các cụ bà cụ ông đều rõ được con đường đi của mình. Còn bây giờ thử nghĩ coi các cụ bà cụ ông khi chết không biết mình đi về đâu, tái sanh về đâu và mình làm con gì cũng chưa biết, có được sanh làm người hay không được sanh làm người cũng chưa biết. Mờ mịt! Đường trước đường sau không rõ. Cho nên nếu mà có đủ duyên thì Phật pháp sẽ được đến quê hương của mấy con, để đem lại cái con đường tu tập để giúp cho, sắp sửa chết là chúng ta biết chúng ta ở đâu rồi, như vậy mới là hạnh phúc, mới là không phí.
(05:00) Mà mấy con là những người quê hương ở đó, thương lấy những người bà con của mình xung quanh đó, tỉnh mình, quê hương của mình, mà đủ duyên được như vậy Thầy thấy không gì hạnh phúc bằng.
Nhưng các con phải gánh vác cái điều xin phép tắc, chứ Thầy ở đây mà Thầy ra xin phép, chắc người ta không biết Thầy là gì, người ta không cho phép đâu. Mà nếu các con xin phép được chắc được khu đất đó, mấy con sẽ theo cái đồ án mà Thầy đã vẽ thì mấy con sẽ cất khu an dưỡng cho người già, người trẻ, Tăng Ni ở chỗ nào để người ta đến an dưỡng, cái quyền an dưỡng thì chỗ nào người ta cũng được vào đó người ta an dưỡng.
Và khi an dưỡng như vậy, người ta sẽ được có những cái bài học đạo đức để dạy cho người ta sống không làm khổ mình. Thì sự an dưỡng quá là tốt đẹp, vừa là vật chất mà cũng là vừa tinh thần. Các con thấy không?
Vì vậy các con phải gánh vác điều đó. Thầy chấp nhận với tinh thần là nhận khu đất con cúng dường cái lòng tốt, nhưng con phải tiếp tục theo cái phương án của Thầy. Rồi mấy con sẽ hợp với nhau trong anh em huynh đệ ở ngoài đó, đồng tâm đồng sức thì mấy con sẽ làm nên việc và Thầy sẽ đến đó dạy, và không thì Thầy sẽ cho người tu ở đây xong họ sẽ về đó giúp đỡ mấy con. Mấy con sẽ phải cực khổ đấy, phải gánh vác vì sự đau khổ của người khác.
(06:24) Phật tử: Bạch Thầy, chúng con thấy khổ mà biết đường tu đó là đường an lạc ạ. Còn sướng với trần thế là con đường luân hồi phải đi tái sanh không biết bao giờ thoát khỏi, nên con xác định trước dù cực khổ bao nhiêu chúng con cũng sẵn sàng, nguyện chịu khổ để mong muốn làm sao cho tâm sẽ thoát khỏi đau khổ đó.
Nguyện vọng của con thì con muốn bạch với Thầy là xin Thầy chỉ giáo cho chúng con: Hiện nay con là chủ cái khu vườn đó, sau con chỉ có một số người giúp việc, nguyện vọng của con thì, con thì hiện nay chỉ sống một mình thôi, không có gia đình, không vợ không con. Nhưng mà rồi cái con đường tu của con từ lâu đến nay nó cũng chưa có gặp được chánh pháp cho nên là bị luẩn quẩn. Mong muốn của con thì con có một mong muốn duy nhất, mong muốn từ lâu là muốn cái khu đất đó là để sau này thành cái nơi chuyên tu cho những người hướng về chánh pháp để tu theo chánh pháp, mong cầu con đường giải thoát.
Hiện nay cái khu đó, bạch Thầy, thì con cũng hai bàn tay không dựng lên cái khu đó, lấy chỗ nọ đắp chỗ kia thì hiện nay con cũng còn vướng nợ mất mấy chục triệu, với cái tiền đầu tư ban đầu và tiền cây cối mượn người làm trồng trọt. Thì cái khu đó hiện nay con cũng làm được một số việc, toàn bộ là con đã trồng cây hoa hòe, và cũng làm một số cái nơi cho bà con lao động ở.
(08:04) Còn lại thì cái giấy tờ của con làm thì cũng chưa được hoàn thiện. Coi như địa phương ở đó đã bàn giao cho con rồi nhưng chưa làm được cái trích lục, trích lục đất hiện nay là chưa xong, vì xã có yêu cầu cho con nhưng họ nói nếu làm thay đổi mục đích sử dụng, từ đất nông nghiệp chuyển sang làm canh tác và chuyển sang làm trang trại thì phải có cái tiền để mà thay đổi mục đích sử dụng. Thì cũng bằng lớn, cho nên sức của con thì con không thể làm nổi việc đó.
Thì con bạch Thầy, xin Thầy từ bi chỉ dạy cho con cách thức làm như thế nào để có thể Thanh Hóa có một cái nơi để giúp cho mọi người về đó, điều kiện xa xôi cũng không vào đây thường xuyên được, thì có cái nơi ngay ở quê hương để tu tập.
Trưởng lão: Thầy nghe ở Thanh Hóa hay Nghệ Hà Tĩnh thì hình như ngoài đó có đang xây dựng cái khu An dưỡng từ thiện, xem xét về pháp lý, thì Thầy thấy trong cái vấn đề làm nó cũng không có khó đâu.
Khi mà mình đưa ra cái phương án, Nhà nước xem xét, tôi sử dụng đất đai làm công việc từ thiện như thế này giúp đỡ cho đồng bào ở tỉnh này như vậy đó, lợi ích như vậy đó. Thì Nhà nước họ sẽ hoàn toàn từ cái đất nông nghiệp nó chuyển thành đất xây dựng. Mà nếu mà con xả tiền từ đất nông nghiệp đến xây dựng, con phải trả một tiền lớn để mà đổi đất, nó không ít đâu, con chịu không nổi đâu.
Cho nên ở đây, mình làm việc từ thiện thì Nhà nước phải miễn thuế hoàn toàn, Nhà nước phải chấp nhận cho người ta chuyển thành đất xây dựng để trở thành những cơ sở từ thiện lợi ích cho đồng bào tại quê hương đó, tại tỉnh đó, đem lại sự hạnh phúc cho họ.
Thì buộc lòng người chính quyền ở đó họ phải làm thôi. Và đồng thời chúng ta hợp tác với Thương binh xã hội, chứ chúng ta đừng có tách rìa Nhà nước ra, mà chúng ta nắm tay với Nhà nước để chúng ta xây dựng làm lợi ích cho đất nước quê hương chúng ta, nhất là tỉnh chúng ta là đồng bào của chúng ta đang ở tỉnh đó.
Cũng như ở đây, cô Út cô cũng muốn biến chỗ này thành cái Trung Tâm An Dưỡng từ thiện của tỉnh Tây Ninh, để giúp đỡ cho dân Tây Ninh, cô không muốn cho chỗ này rời chỗ khác, ý cô Út ở đây thì cô muốn vậy đó. Cho nên cô muốn làm cái chuyện này.
Bây giờ ở ngoài đó mấy con muốn làm thì con trình bày với chính quyền, với Nhà nước. Người ta thấy lợi ích người ta cho phép thì mình làm, còn người ta không thấy lợi ích thì thôi mình không làm.
Làm cho lợi ích cho dân tại tỉnh đó thì cái trách nhiệm bổn phận của người lãnh đạo trong tỉnh đó họ có trách nhiệm làm cho dân họ phải sung túc, đầy đủ hơn, trách nhiệm của họ họ phải thấy, còn họ không thấy thì đó là cái duyên, chúng ta không ép. Con hiểu không?
(10:38) Mình phải liên hệ với Nhà nước hẳn hòi. Tôi làm đây là lợi ích cho tỉnh, cho dân ở trong tỉnh này, đem lại một cái sự lợi ích rất lớn vừa học đạo đức về tinh thần, vừa sống để an ủi được cái vật chất cơ thể của mọi người. Bởi vì trong Trung Tâm An Dưỡng có cái bệnh viện tư từ thiện, người nghèo người ta đến đây trị bệnh được, người ta không lấy tiền, người ta miễn phí mà.
Nhưng mà ở đâu mà có được số tiền này, cả một tỉnh này, cả nước người ta tập trung cái tài khoản này để làm từ thiện chứ không phải riêng một người hai người mà làm nổi. Bởi vì ở đây mình làm vì hạnh phúc, vì sự bất hạnh của xã hội, của mọi con người nghèo khổ.
Cho nên người ta sẵn sàng góp từng đồng từng cắc người ta làm việc tốt, ban lãnh đạo làm tốt không vì tiền bạc mà làm tốt vì an ủi nỗi bất hạnh thì lẽ đương nhiên là Nhà nước phải chấp nhận. Mà mình cộng tác với Thương binh xã hội nữa, thì không phải sao, con thấy không, đó là cái tốt. Phát triển tốt cho đất nước quê hương mình!
Thì chương trình nó như vậy đấy, mà nếu ở đâu mà chính quyền thấy được lợi ích này, tiếp tay với các con mà làm thì cái tỉnh đó sẽ mau tốt đẹp. Chứ mình đâu có làm chùa chiền gì mà sợ làm tôn giáo.
(11:49) Trưởng lão: Nhưng mà ở đây nó có khu, ý của con, con muốn đây trở thành khu chuyên tu, cái chùa hoặc tịnh xá để tu hành Tăng Ni. Không phải trong cái chùa tịnh xá trong đó có Phật tử có cư sĩ chứ đâu phải không, nhưng mà không lẽ ưu tiên cho những người tu, ngồi không ăn mà cư sĩ này không được một ngày thọ Bát Quan Trai.
Người cư sĩ chúng ta cũng có quyền tu chứ. Tu trong pháp của người cư sĩ chứ. Chứ không lẽ chúng ta đến đó phục vụ cho Tăng ở đó mà ngồi không ăn tu, còn mình không biết tu gì hết, cứ tối ngày cứ công quả không sao? Cho nên ở đây, thật sự ra người trong bốn giới đệ tử của Phật: Cư sĩ nam, cư sĩ nữ, Tăng, Ni, bốn giới đều được tu tập theo pháp Phật hết. Không có bỏ người nào.
Thì cái Trung Tâm An Dưỡng nó có cái khu dưỡng lão, cái khu cho những người già, cái khu cho những người trẻ, tức là cư sĩ. Còn cái khu cho Tăng cho Ni, vào trong khu an dưỡng này, Tăng Ni nó cũng rõ ràng. Thì nó là cái khu An dưỡng của người ta, là cái Tu viện của người ta chứ gì, nó đâu có riêng.
Cho nên cái Tu viện của Tăng, Tu viện của Ni, cái Tu viện của cư sĩ nam, và Tu viện cư sĩ nữ, có Tu viện của người ta chứ, người ta thọ Bát Quan Trai có đâu mà ở chung, cơ sở của người ta đàng hoàng hẳn hoi. Mà cái Trung Tâm An Dưỡng này nó thực hiện những cái cơ sở đó.
Không lẽ bây giờ cái Tu viện này là của Tăng Ni, người ta đến đây người ta có thất này. Con cư sĩ vô đây con đuổi người ta ra rồi con vô tu được sao. Mỗi người người ta ở một cái nhà nhỏ. Thì người cư sĩ cũng có quyền có cái khu tu của người cư sĩ chứ, mà người ta gọi cái tên là An dưỡng. Không phải mình đi tu không phải là an dưỡng sao? An dưỡng về cơ thể vật chất, an dưỡng về tinh thần.
(13:30) Đạo Phật mục đích là như vậy chứ có gì. Chứ đâu phải vô đó ngồi gõ mõ tụng kinh cầu khẩn gọi là tu. Con hiểu chưa? Bây giờ các con hiểu rồi. Cái mục đích là Trung Tâm An Dưỡng ra đời để có những cái chi nhánh của an dưỡng.
Còn ngoài đó mấy con xin không được, các con đừng lo. Nếu ở Thành phố Hồ Chí Minh này có Trung Tâm An Dưỡng, người ta sẽ đến đó, người ta trực tiếp với chính quyền địa phương đó, xin chi nhánh của an dưỡng trung tâm.
Chúng tôi làm lợi ích ở thành phố chúng tôi, làm lợi ích cho dân của thành phố. Bây giờ ở đây chúng tôi có một số người họ tha thiết cầu khẩn chúng tôi đến đây xin lập chi nhánh, các ông cứ coi đi, chúng tôi không có làm bậy. Bằng lòng thì đem lợi ích cho tỉnh các ông, mà không bằng lòng thì mấy ông chịu. Có vậy thôi.
Không bằng lòng thì tôi sẽ xin mấy ông hãy cho những người dân của mấy ông, ở tỉnh mấy ông, đến tạm vắng tạm trú đến chỗ chúng tôi tạm trú để người ta an dưỡng. Các ông có bằng lòng không. Dân mấy ông đi khỏi tỉnh mấy ông xấu hổ đó, có phải không?
Dân mà bỏ tỉnh đi, đi đến chỗ khác ở để an dưỡng, còn mấy ông ở đây, mấy ông không làm cái an dưỡng cho dân thì mấy ông quá tệ. Không, nói thẳng nói thật mà. Chứ đâu phải đây là cái chùa để phát triển tôn giáo đâu. Người ta phát triển đạo đức. Có phải không mấy con? Mấy ông không tin thì thôi, không làm thì thôi. Tỉnh mấy ông kệ mấy ông ráng chịu.
(14:46) Thôi bây giờ như vậy là xong rồi, không có gì đâu các con. Mấy con có lòng tốt, các con có quyết tâm, các con từ ngoài đó đến đây để tha thiết cúng dường Thầy. Thầy sẽ nhận. Thầy nhận tất cả lòng tốt của mấy con. Nhưng mấy con phải làm như Thầy, chứ không lẽ Thầy nhận, Thầy ra lãnh đất, bây giờ Thầy lãnh, chỗ này cũng lãnh đất Thầy làm ông địa chủ sao. Thầy đâu có làm địa chủ.
Thôi bây giờ đủ rồi. Mấy con còn thỉnh gì thầy nữa không thì các con thưa Thầy.
(15:15) Phật tử: Bạch Thầy, được gặp thầy Pháp Ngộ giới thiệu, hôm nay con được nhân duyên vô đây cũng đột ngột quá, chẳng có chuẩn bị được cái chi, chúng con đem tấm lòng dâng cúng Thầy. Rồi Thầy thương xót các con, Thầy cho con được thọ giới, con học theo Thầy.
Trưởng lão: Chừng nào con về, ngày mai về phải không? Nếu mà ngày mai mấy con về thì sáng mai Thầy thọ Tam Quy Ngũ Giới cho rồi mấy con về. Còn bữa nay mấy con ở lại một bữa được không?
Phật tử: Mô Phật, bạch Ngài, ý của con thì con muốn ở đây ba ngày, sau đó con xin Thầy bố thí cho con được thọ quy y Tam Bảo và bố thí cho con một số sách để con đưa về cho bà con ở ngoài đó.
Trưởng lão: Được rồi. Điều đó Thầy hoan hỷ.
Phật tử: Điều thứ hai nữa, chú này là người cùng quê, và cũng được nghe lời của Thầy giảng ở trong băng, cũng như trong sách. Nay chú muốn vào đây xin Thầy được phép quy y Tam Bảo, và nếu đủ duyên được thì cũng xin ở lại tại đây để tu hành lâu dài luôn.
Trưởng lão: À không, bây giờ muốn ở đây tu hành lâu dài luôn thì Thầy cho sống thử trong vài hôm xem giới luật có nổi không. Nổi thì ở lại tu, không thì về, chứ không ép. Vì đạo Phật có cái khuôn phép, đức hạnh rõ ràng, cái phạm hạnh của người tu mà. Mình sống được mình mới tu được, mình sống không được là mình không tu được.
Cho nên ở đây nói chung là nếu ở đây một hai ngày mà được thì ở thêm một hai ba tháng, nhưng mà trước khi phải có giấy tạm vắng tạm trú để cho mình, bởi vì mình là một người dân trong nước là phải chấp hành pháp luật Nhà nước, còn không có thì cứ về lo giấy tờ đàng hoàng vô đây ở bốn tháng, biệt trú được thì ở tu luôn, biệt trú không được thì về, Thầy không có rầy. Và đồng thời gia đình phải được thuận hòa thì mới được, còn gia đình không thuận thì không được.
Rồi, bắt đầu ngày mai Thầy sẽ, à ngày mai Thầy mắc cái lớp rồi, thì mấy con ở lại được dự thính nghe cái lớp tu học và buổi chiều chắc cũng còn cái lớp để Thầy dạy các cụ lớn tuổi để người ta tu tập thọ Bát Quan Trai. Thì Thầy cũng dành cho mấy con. Bởi vì bữa nay là cái lớp nữ rồi, không phải là lớp nam. Buổi chiều nay là còn cái lớp của nữ, cho nên mấy con nam đến trước hai giờ, chứ hai giờ đúng là mấy người nữ họ đến, vì vậy bây giờ mấy con đến trước để mà Thầy hướng dẫn.
Ngày mai thì có thể mấy con đến trước giờ Thầy sẽ làm lễ quy y cho mấy con, thì mấy con sẽ ghi tên, tuổi và địa chỉ, bây nhiêu đó được để mà Thầy ghi trong cái biệt phái, Thầy cho cái Pháp danh, mấy con cứ viết vô, rồi mấy con gửi Thầy.
(18:30) Phật tử: Bạch Thầy, hiện nay là theo như ý của con là con rất muốn được dâng cái khu đất đó cho Thầy, và con được vào đây để Thầy hướng dẫn con đường tu tại Tu viện, nhưng mà hiện nay cái khu đất đó thì nếu con đi vắng lâu thì nó cũng có nhiều những cái đưa đến chưa được. Con xin Thầy là con chỉ vào lễ Thầy, xong con quay ra, rồi qua Tết con sẽ, cứ mỗi một lượt con vào lại ra, đưa các Phật tử ngoài đó vào nữa, thuận duyên thôi.
Hôm nay cũng là đột xuất, cũng chưa chuẩn bị kịp được giấy chứng minh, trước chú đi làm, đi rừng, đi bè bị trôi mất đi rồi, từ khi đến giờ ở nhà không đi đâu cả cũng không có làm. Con định đi một mình, thì con mới sang, đủ duyên con sang bảo chú là chú nói ra đi luôn, nên con chưa chuẩn bị được gì.
(19:36) Trưởng lão: Thôi, bây giờ cứ về khoan đã. Cái duyên nó chưa đủ. Mà vả lại cái lớp học của Thầy thì Thầy đóng cửa lại rồi, cái khóa tu tháng này là tháng thứ ba rồi, hai tháng học rồi, mấy con có vô mấy con tu cũng không kịp, mà Thầy dạy trở lại thì làm sao Thầy dạy lại, người ta đi qua rồi.
Cho nên cái duyên không đủ, thôi mấy con về chuẩn bị năm sau đến đây, nếu có mở lớp thì mấy con sẽ được tu học, bắt đầu vào đầu tháng Mười năm sau thì có thể lớp đó bắt đầu mở. Mấy con nhớ.
Phật tử: Bạch Thầy nếu trường hợp chúng con mà vào không học được cái lớp chính thì vào dự thính được không ạ?
Trưởng lão: Dự thính thì nghe được chứ sao, nhưng mà có cái điều kiện là không có được hướng dẫn tu tập chính thức. Nghĩa là cái lớp hướng dẫn tu tập chính thức là mục đích người ta đào tạo, cho nên người ta rèn luyện người tu sĩ cho nó cụ thể, hẳn hòi từ cái tu tập cho đến cái học hỏi hiểu biết của cái người tu. Còn mấy con chỉ dự thính rồi về thôi, chứ con mấy con không có làm bài mà Thầy chấm bài của mấy con đâu.
Phật tử: Bạch Thầy thì hai người này con đã quen mười lăm mười sáu năm rồi. Dạ, còn thầy này thì tu trên núi xa lắm, con phải lặn lội leo trên núi mất ba bốn tiếng đồng hồ, cho nên bởi vậy riêng năm ngoái con mới gặp, con mới gieo duyên, các vị mới gặp được thì cái Pháp này thì thực sự ra cũng mới đối với các vị thôi.
Các vị hiểu về Đại thừa thôi. Về ăn một ngọ hay hành pháp thì cũng không có rành gì lắm, theo con nghĩ thì các vị chưa có được chính thức thì tham dự hoặc tu gieo duyên vài tuần để làm quen.
Với thứ hai nữa thì nơi Thanh Hóa thì Phật tử hiểu cái pháp của Thầy thì ít thôi, cho nên cần có một số người để họ có cái nòng cốt, để cho họ gieo duyên, rồi từ đó họ cùng nhau tu tập. Thì con cũng có cái ý như vậy.
Trưởng lão: Vậy đủ rồi. Giờ mấy con về, cho lớp nữ tới rồi. Sáng ngày mai 7 giờ ra đây dự thính cái lớp tu học Bát Chánh Đạo. Rồi mấy con về, Thầy ở đây Thầy tiếp mấy cô luôn, còn có mười lăm mười mấy phút nữa thôi. Thôi, mấy con xá Thầy thôi con, đừng có đảnh lễ Thầy.
HẾT BĂNG