00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

CK 038C - ÁP DỤNG CÁC PHÁP VÔ THƯỜNG

CK 038C - ÁP DỤNG CÁC PHÁP VÔ THƯỜNG

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu sinh

Ngày giảng: 21/12/2005

Thời lượng: [45:07]

1- ÁP DỤNG TRI KIẾN HIỂU BIẾT ĐỂ XẢ TÂM

(00:00) Trưởng lão: Hôm nay, mấy con được nghe đó là các pháp vô thường nó cả luôn vũ trụ, mọi vật đều vô thường trong những hiện tượng mà xảy ra. Thì đó là những hiện tượng vô thường chứ không có gì hết.

Cho nên ở đây, cái bài của Nguyên Thanh viết là để chúng ta thấy các pháp trên thế gian này thật sự không có pháp nào là không vô thường. Mà vô thường là khổ mấy con. Vô thường là khổ!

Có một người đem lại câu hỏi trong "Văn Hóa Truyền Thống tập 1". Thì đức Phật hỏi La Hầu La "vô thường là khổ hay không khổ?" Thì La Hầu La trả lời là "khổ". Mà hễ là khổ thì các pháp đều là không phải là của ta.

Do câu đức Phật dạy ngắn gọn chúng ta biết tất cả các pháp đều vô thường. Nó đều vô thường thì không có cái gì là của ta nữa hết. Cho nên chúng ta lầm chấp, đừng có lầm chấp. Do lầm chấp chúng ta mới tranh chấp, mới ham nói chuyện, mới ham chuyện này chuyện kia. Nó đủ loại hơn thiệt với nhau, do đó tự mình làm khổ chính bản thân mình và người khác nữa. Cho nên khi mà chúng ta học đến chỗ các pháp vô thường thì chúng ta thấy rằng cuộc đời này không còn có nghĩa gì hết. Nghĩa là tất cả vạn vật xung quanh chúng ta, vừa là mọi sự sống của chúng ta không còn có nghĩa! Chỉ còn làm sao mà chúng ta ra khỏi cuộc đời này mà thôi. Đó là mục đích chúng ta tu.

Vì vậy mà hôm nay Thầy xin nhắc nhở lại. Tu nó không phải khó!

Thứ nhất thì chúng ta phải hiểu, hiểu bằng cái ý thức của chúng ta, bằng cái tri kiến của chúng ta. Cái sự hiểu đó mà nó làm chủ được tâm chúng ta bất động. Do cố gắng mà chúng ta đào luyện trong tri kiến chúng ta để chúng ta hiểu.

Như vậy nãy giờ chúng ta được nghe và chúng ta hiểu rằng từ cái bản thân của chúng ta cho đến tất cả mọi vật trên thế gian đều là vô thường hết. Chúng ta nghe rất rõ, từ cái hiện tượng xảy ra như động đất, sóng thần, lũ lụt, bão tố…​ Tất cả mọi cái đều là hiện tượng của vô thường chứ không có gì hết. Mà các pháp là vô thường như vậy!

(02:05) Cho nên chúng ta hiểu biết như thật. Như thật để chúng ta không còn lầm chấp nữa. Mà không còn lầm chấp nữa thì chúng ta phải nỗ lực tu tập. Tu tập thì chúng ta có hai phần rất rõ. Một phần thì chúng ta tu tập Chánh Niệm Tỉnh Thức mà Thầy cho các con rất là căn bản, căn bản nhất Thầy không cho mấy con phải tỉnh thức nhiều. Tức là mấy con nhiếp tâm và an trú tâm được 1 phút mà thôi. Một ngày nào đó tới cái giai đoạn mà khi Thầy kiểm nghiệm khi mà học Định Vô Lậu các con đã thâm sâu được, và áp dụng được mà Thầy thấy giới luật mấy con sống đúng hạnh thì Thầy kiểm lại cái nhiếp tâm và an trú tâm cho từng người một để thực hiện con đường tu tập Tứ Niệm Xứ sắp tới đây. Để làm gì? Để cho cái sự nhiếp tâm và an trú tâm chúng ta càng lúc càng tăng lên, thì cái sức Định Tỉnh tâm của chúng ta rất cụ thể rõ ràng mà không bị ức chế tâm.

(03:01) Nghĩa là chúng ta dùng Tứ Niệm Xứ để mà xả tâm, chứ không phải dùng Tứ Niệm Xứ mà ức chế tâm. Cho nên chúng ta dùng Tứ Niệm Xứ mà xả tâm thì chúng ta ngồi chơi chứ không có gì cả hết, nhưng mà từng tâm niệm của chúng ta đều thấy hiện đến từng tâm của chúng ta đều thấy cụ thể.

Và khi hiểu biết như vậy làm chúng ta không bị động tâm. Do đó mà chúng ta cố gắng mà khắc phục cho được bằng được những cái ác pháp đó. Thí dụ như hôn trầm, thùy miên cũng là pháp vô thường nó đến rồi nó đi. Tại sao khi mà chúng ta nỗ lực đi kinh hành một hơi lại mất đi? Thì thật sự ra hôn trầm thùy miên vẫn vô thường.

Mà nếu nó là vô thường thì xá gì mà chúng ta phải đầu hàng nó? Chúng ta phải khắc phục cho được. Và khắc phục cho được thì chúng ta phải nỗ lực tu tập cho đúng cách, đúng cách thì chúng ta mới nhiếp phục được nó.

2- NHIỆT TÂM TINH CẦN ĐỂ PHÁ HÔN TRẦM THÙY MIÊN VÀ CÁC NIỆM KHỞI

(03:51) Nếu chúng ta chưa có đủ sức mà chúng ta cố gắng khắc phục. Như thầy Minh Thiền thầy cố gắng khắc phục, tuổi thầy rất lớn nhưng mà thầy vẫn khắc phục được hôn trầm thùy miên. Nhưng cuối cùng thầy chỉ cố gắng thầy thức đi kinh hành để mà phá nó, nhưng không bằng chúng ta tập kỹ từng hành động. Khi chúng ta tập kỹ từng hành động thì hôn trầm không có. Cho nên sau cuối cùng thì thầy thực hiện được, mà thầy thức suốt cả đêm mà không buồn ngủ, là do thầy tập trung kỹ từng hành động, từng hơi thở, từng bước đi, từng hành động của thầy, cuối cùng thầy đã khắc phục.

Đây, thầy viết một bức tâm thư gửi qua cái kinh nghiệm tu hành của thầy. Trước kia thầy cũng cố gắng thầy khắc phục bằng cách đi kinh hành. Thầy đi đến chân thầy sưng phù lên hết, thầy phải dùng ngải dùng nghệ thầy bó cho nó xẹp lại. Và cuối cùng thầy cũng chưa có dám hỏi Thầy, nhưng mà thầy nghĩ rằng Thầy dạy bảo tu tập kỹ lưỡng từng hơi thở, từng bước đi thì thầy cố gắng thầy tập trung rất kỹ, và cuối cùng thầy đã khắc phục được hôn trầm thùy miên.

(05:08) Và kế đó thì thầy Phước Tồn khi đọc lại cái bài của thầy Minh Thiền, thì thầy Phước Tồn thấy mình còn thanh niên mà lại không nỗ lực thực hiện phá được. Cứ hễ mỗi lần có hôn trầm thùy miên thì cứ nghĩ rằng mình bị bệnh thôi mình nằm nghỉ nó khỏe để rồi mình có thời gian mình tu. Và cuối cùng thầy không khắc phục được cái hôn trầm thùy miên của thầy. Đến khi đọc cái bài của thầy Minh Thiền, thì thầy Phước Tồn đem hết sức lực của mình nỗ lực để khắc phục. Mấy bữa rày thì chưa có báo cáo tình hình như thế nào, nhưng chắc chắn là thầy cũng hết sức nỗ lực tu tập để khắc phục được cái hôn trầm thùy miên.

Như vậy trong khi đó, có nhiều khi chúng ta tự mình dối mình, tự mình lừa mình bằng cách lấy lý do là mình bị bệnh hoặc là già yếu mình không thắng được như thầy Minh Thiền. Thầy rất lớn tuổi, thầy già rồi chứ không phải là còn nhỏ tuổi đâu, thầy sáu mươi mấy tuổi chứ không có ít. Thầy con người bệnh tật nữa chứ không phải là mạnh khỏe. Cuối cùng thầy cũng vẫn thắng được đâu có gì khó khăn. Cho nên chúng ta đừng lấy một lý do gì khi mà giờ giấc chúng ta còn mà chúng ta đi ngủ trước là sai. Mà chúng ta hãy nỗ lực, khi mà như vậy đó chúng ta sẽ ra khỏi thất chúng ta đi kinh hành, hoặc là chúng ta tập kỹ từng bước đi, hoặc là tập kỹ từng hơi thở chúng ta, rất là kỹ lưỡng!

(06:37) Muốn tập kỹ như vậy thì pháp Như Lý Tác Ý, mình tác ý từng hành động để chúng ta tập trung rất kỹ thì hôn trầm sẽ phá. Mà Thầy đã dạy cái pháp Thân Hành Niệm, vì cái pháp Thân Hành Niệm mấy con tu mà mấy con cũng không kỹ lắm. Cho nên mình cũng tác ý mình tu nhưng mà tu không kỹ lưỡng, cho nên vì vậy mà có niệm khởi và cũng có hôn trầm thùy miên đánh vào.

Cho nên hôm nay, thì chúng ta muốn thắng được cái hôn trầm thùy miên hoặc là tất cả các niệm khởi thì tu tập từng hơi thở, từng bước đi, từng hành động của thân mà đức Phật gọi là “nhiệt tâm tinh cần”. Nhiệt tâm tinh cần từng hành động của chúng ta thì kết quả nó sẽ rất lớn!

3- NỖ LỰC GIỮ GÌN GIỚI LUẬT NGHIÊM CHỈNH

(07:20) Hôm nay thì chúng ta đã hiểu biết cách thức tu tập rồi. Thì bao nhiêu giờ khắc mà chúng ta tu tập thì hoàn toàn lấy pháp môn Tứ Niệm Xứ làm pháp môn chính. Còn Định Vô Lậu là hiện giờ chúng ta đang triển khai tri kiến chúng ta bằng sự hiểu biết để mà chúng ta dùng pháp đó mà quét đi tất cả những chướng ngại của tâm chúng ta khi mà có niệm khởi.

Và đồng thời Thầy khuyến cáo mấy con phải cố gắng giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh trở lại. Nếu người nào có sai phạm thì phải cố gắng khắc phục hơn đừng để vi phạm. Mà nỗ lực thực hiện tu, tu cho mình mà cho người. Thí dụ như mấy con ở trong thất mấy con nói chuyện nhau thì làm động người xung quanh người ta tu cũng không được.

Khi mà đã có cái kỷ luật mọi người đều tu tập mà mình nói chuyện thì người khác người ta thấy mình là người phạm kỷ luật cho nên người ta cũng không an trong tâm người ta. Cho nên vì vậy mà các con vừa tu cho mình vừa tu cho người khác nữa, cho nên mình cố gắng giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh. Nhất là cái hạnh độc cư để phòng hộ, để từng đó mình sống một mình cho nó quen để sau khi mình bước qua giai đoạn thứ hai mình không bị vấp phải nữa. Chứ còn mình cứ nói chuyện tới lui hoài thì sau này nó thành một cái thói quen, cho nên mình bỏ rất khó. Ngay bây giờ nó còn dễ đó mình tập đi, mình tập tới chừng đó nó quen thành thói quen độc cư. Sống có một mình mình thôi không còn sống với ai nữa hết, thì như vậy mình sẽ đi sâu vào mới được chứ còn không khéo không đi sâu.

(08:56) Bởi vì Thầy thường nhắc mấy con Thầy xin nhắc lại: Độc cư là bí quyết thành tựu của thiền định. Bởi vì muốn có Định Như Ý Túc, có Tứ Thần Túc thì ít nhất là độc cư phải trọn vẹn. Cho nên mấy con thấy độc cư trọn vẹn mà đức Phật đã nói: “Ta thành chánh giác là nhờ tâm không phóng dật”. Mình nói chuyện làm sao tâm mình không phóng dật? Mấy con hiểu không?

Khi mình tiếp duyên mình nói chuyện còn phóng dật. Mình ngồi một mình mình mà tâm nó còn khởi niệm này niệm kia nó còn phóng dật, huống hồ là mình nói chuyện nữa thì làm sao hết? Cho nên mấy con phải ráng cố gắng. Muốn đạt được cái mức tu tập này thì mấy con phải cố gắng như vậy mới được.

4- THẦY TRẢ LỜI VỀ VẤN ĐỀ XIN XUẤT GIA

(09:38) Ở đây, Thầy xin trả lời với một số người có tâm tha thiết muốn xuất gia. Mà từ lâu thì Thầy đang lo lắng cái vấn đề của mấy con. Bởi vì không những riêng mấy con xin Thầy xuất gia mà con có một số người xin Thầy xuất gia nữa, bên nữ. Và bên nam cũng rất đông chứ không phải, bởi vì họ muốn xuất gia tạo cái duyên để dễ dàng tu tập. Nhưng khi xuất gia mà theo Thầy, thì Thầy nghĩ rằng ít ra thì phải có một người nữ để lãnh chúng cho nó trọn vẹn. Nhưng bây giờ thứ nhất là Thầy chưa có người, như ngày xưa đức Phật đã chấp nhận cho bên phái nữ xuất gia thì bà Gotami là người lãnh chúng ở trong cái thời đó.

Còn bây giờ, mới đây thì các con biết rằng mọi người đang về đây tu tập Thầy có cho hai người nữ xuất gia đó là cô Diệu Minh và Nguyên Thanh. Nhưng mà cuối cùng thì Thầy rất lo là vì là đệ tử xuất gia của Thầy mà giới luật thì nó không đủ, rồi oai nghi tế hạnh nó không có. Vả lại nhất là cái chỗ ở của Ni cũng chưa có, bởi vì người Ni họ sẽ sống riêng biệt cái khu vực của Ni. Và đồng thời cái người cư sĩ về đây tu tập thì cũng phải sống riêng biệt cái khu của người cư sĩ. Mà ở đây thì chưa tổ chức hoàn chỉnh được những cái khu như vậy.

(11:17) Vả lại, thí dụ như mấy con những người lớn tuổi già thì mấy con được ở trong cái khu của những người già nữa. Chứ không có ở chung với những người tuổi trẻ nữa. Cho nên vì vậy đó mà nó có những cái khu riêng biệt. Nhưng vì không có đủ điều kiện, và cũng không có đủ duyên để mà tạo thành lập những cái điều kiện đó.

Cho nên Trung Tâm An Dưỡng từ thiện ra đời để nó chánh thức pháp lý. Nó có pháp lý để xây dựng từng khu nó cụ thể rõ ràng. Còn cái Tu viện chúng ta hiện giờ đó nếu mà sửa lại từng khu thì nó cũng đòi hỏi rất nhiều cái điều kiện cần thiết lắm. Bởi vì người già có nè, người trẻ có nè. Tất cả những cái này điều là được phân ra nó rõ ràng cụ thể. Nhưng Thầy chưa làm xong những cái nhiệm vụ như vậy được.

(12:05) Cho nên vì vậy mà sự chần chờ mong rằng các con yên tâm mà tu tập xả tâm. Và đồng thời giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh. Chứ không phải mấy con thấy như mấy con biệt trú trong bốn tháng, cố gắng biệt trú. Sau bốn tháng rồi thì xuất gia cho mấy con thì mấy con chạy đi nói chuyện tùm lum tà la. Không phải sự biệt trú để thử thách, để xem coi mình có chấp nhận mình sống được không. Sau bốn tháng cố gắng chấp nhận thì từ đó về sau đều chấp nhận giới luật hết, đều sống đúng hết.

Thì như vậy Thầy dù muốn dù không đi nữa Thầy cũng quan tâm vấn đề cái cơ sở của người nữ, để mấy con xuất gia mấy con sẽ được ở nơi đó mấy con tu hành trọn vẹn không còn ai, người cư sĩ nào có thể nói mấy con thế này thế khác. Bởi vì Thầy rất đau lòng khi một người xuất gia, mà trong người cư sĩ mà chưa xuất gia họ nói mấy con thế này thế khác thì Thầy không mong điều đó. Thầy chỉ mong rằng chỉ có Thầy là người khiển trách mấy con khi mấy con xuất gia, Thầy là một tu sĩ khiển trách cũng như Phật khiển trách tất cả chúng Tỳ kheo Tăng cũng như Ni. Rồi kế đó thì cái người mà lãnh chúng bên Ni, cũng như lãnh chúng bên Nam thì họ có những cái lỗi lầm gì đó họ sẽ đến họ trình Thầy để Thầy sẽ phán xét cái điều đó.

(13:26) Thí dụ như ông Mục Kiền Liên, ông Xá Lợi Phất có một vị Tỳ kheo đến trình với đức Phật rằng ông Xá Lợi Phất có cái tính ỷ lại như thế này, thế khác. Cho nên bộp tai ông hay mạ nhục vị Tỳ kheo đó. Thì khi đó được trình cho đức Phật thì đức Phật mới mời ông Xá Lợi Phất đến, và cái sự mà chứng tỏ cho cái việc làm của ông Xá Lợi Phất bằng cách này cách khác, chứ ông Xá Lợi Phất không có đứng tự giải quyết, mà chỉ có đức Phật giải quyết trong cái vấn đề này. Do như vậy chúng ta thấy qua cái kinh nghiệm của thời đức Phật, thì rõ ràng đức Phật đang chịu trách nhiệm rất lớn với chúng Tăng cũng như là chúng Ni. Miễn có cái gì là hoàn toàn có Phật phân xử, giải quyết tất cả mọi chuyện. Thì Thầy hôm nay cũng vậy, cho nên cái người mà lãnh chúng Ni cũng vậy có cái gì trình bày cho Thầy nghe thôi, rồi từng đó Thầy sẽ hướng dẫn, chỉ bảo, khuyến khích cho các con bên Ni cũng như là bên Nam.

(14:30) Cho nên hôm nay mấy con biết rằng, các con cứ nghĩ rằng bây giờ xuất gia là cạo tóc mấy con rồi thì mấy con mang y, mặc bát y như những người khất sĩ. Để rồi mấy con cũng ở như vậy. Thật sự ra thì người ta nhìn vào người ta thấy Thầy tổ chức rất là lộn xộn. Các con hiểu không? Lộn xộn lắm, Ni không ra Ni, mà cư sĩ không ra cư sĩ. Sao mà ở chung xô bồ, xô bộn như thế này.

Nói chung là một cái tổ chức nào đi nữa nó cũng phải có cái tổ chức cái cơ sở nó hẳn hòi, chứ không thể lộn xộn như vậy được. Cho nên cái ý của Thầy, thí dụ như khu Ni là khu toàn là người nữ Ni ở. Và cái khu già của người già thì người già ở. Có nhiều khi Thầy đến những cái chùa, cái Tu viện hầu hết họ cũng có sự không ngăn nắp đó. Cho nên ở đây Thầy muốn khi tổ chức thì ngăn nắp. Và những người đệ tử của Thầy được xuất gia của Thầy thì hoàn toàn phải sống đúng cách, đúng tổ chức chứ không thể nào sai được.

Cho nên các con hãy chờ đợi, Thầy đang lo rất nhiều mấy con, chứ không phải là chỉ có bây giờ dạy cái lớp học này thôi đâu. Mà còn lo, như các con đọc cái bức tâm thư chính của Thầy rồi các con biết Thầy đang lo điều đó. Chứ đâu phải là Thầy ngồi im đây mà bỏ mặc sao.

(15:53) Cho nên Thầy biết từng tâm niệm của mấy con đang muốn xuất gia với Thầy. Bởi vì xuất gia là nó có cái cánh cửa để khép mấy con. Để coi như là mấy con qua cầu mà rút cầu đó, không còn trở lại. Còn chiếc áo cư sĩ của mấy con tu được hay không được mấy con còn trở lại được. Chứ khi mà xuất gia cho mấy con rồi thì mấy con thấy bây giờ mình trở ra thì mình nói sao, đã xuất gia rồi mà mình không đi tới. Cho nên vì vậy mục đích mà để chúng ta đi tới là cái hình ảnh của người xuất gia, tới luôn đó. Mà ở đây chánh pháp của Thầy dạy mấy con là mấy con tu tới cuối cùng là mấy con chứng đạt cái chân lý rõ ràng, chứ không phải là đi tới mà cái kiểu để mà danh với lợi để làm trụ trì để mà hưởng thụ danh lợi trong cái ngôi chùa đâu. Không phải làm cái chuyện mê tín để mà sống bằng cái hưởng thụ như vậy đâu. Mà ở đây đi theo Thầy là đến đích cuối cùng, mấy con đã cạo bỏ râu tóc thì mấy con phải đến cái chỗ hoàn toàn làm chủ bốn sự đau khổ chứ không phải còn là một con người bình thường nữa đâu. Không phải là con người mà mang cái hình sắc của tu sĩ mà tâm trạng của mấy con là tâm trạng của phàm phu nữa đâu, không phải đâu! Ở đây, hoàn toàn là Thầy hướng dẫn phải đi đến tâm trạng của người giải thoát hoàn toàn.

(17:07) Cho nên không phải trong một ngày hai ngày, mà làm cái công việc rất là lo lắng. Cho nên vì vậy các con biết nó khó mọi mặt chứ không phải dễ. Vì pháp lý, nếu chúng ta là một người dân ở trong một nước mà chúng ta không chấp nhận pháp luật của nước đó thì không thể được. Chúng ta làm những cái điều mà không có pháp lý thì chúng ta không thể nào mà chúng ta sống trong cái nước đó được. Nước đó dù là pháp luật của họ như thế nào thì chúng ta phải chấp nhận vì chúng ta là người dân. Là một người dân ở trong nước đó, cho nên chúng ta không làm điều phi pháp. Vì vậy mà Thầy muốn làm một cái gì nó danh chánh ngôn thuận. Ở đây, cái Tu viện này được Nhà nước chấp nhận là cái Tu viện. Trong tỉnh Tây Ninh này tất cả các cái ngôi chùa đều được gọi là chùa, chỉ có Tu viện này, nơi đây, cái chùa này được gọi là Tu viện và Nhà nước chấp nhận nó là Tu viện.

(17:56) Cho nên hôm nay chúng ta về đây chúng ta ngồi mà chúng ta yên tu như thế này là tại vì Nhà nước chấp nhận pháp lý cho chúng ta hẳn hòi rằng là chúng ta là một cái Tu viện. Cho nên có nhiều người về tu tập. Mà giấy phép thì chúng ta không có, nhưng tự Nhà nước đã chấp nhận cho chúng ta, họ đã tự chấp nhận cho. Tại vì chính họ thấy chúng ta tu tập đúng, không làm sai. Cho nên sự tập hợp của chúng ta đông như thế này mà Nhà nước vẫn cho phép chúng ta thì điều đó là một cái điều mà rất khó chứ không phải dễ. Tự người ta tin mình, người lãnh đạo người ta tin mình chứ pháp lý thì Thầy không có. Nghĩa là người ta không có cho mình cái giấy đây chấp nhận đây là Tu viện, nhưng mà người ta đã tự thừa nhận vậy thôi. Thầy muốn rằng làm một cái việc gì phải có giấy tờ, giấy trắng mực đen hẳn hòi đàng hoàng, Nhà nước chấp nhận phải cho giấy. Chừng đó không ai còn nói mình được. Cho nên vì vậy mà Thầy rất lo, rất lo làm sao phải xin phép cho được. Do xin phép được rồi thì chừng đó chúng ta rất là bình an không còn lo lắng nữa. Và vì vậy sự tổ chức chúng ta đâu nó ra đó hẳn hòi.

(19:00) Đó thì mấy con biết Thầy đang lo nhiều lắm, cho nên mấy con phải bình tâm mà ráng giữ gìn giới luật cho nghiêm chỉnh. Đừng thấy mà Thầy bỏ quên mấy con đâu, Thầy biết mấy con, Thầy hiểu mấy con nhiều lắm. Cho nên mấy con phải cố gắng giữ gìn, tiếp tục giữ gìn giới.

Vì chính trong khoảng thời gian này là đôi mắt Thầy đang theo dõi từng người, người nào được xuất gia và người nào không được xuất gia. Thí dụ như bây giờ giới luật thì ăn, ngủ không phi thời và sống độc cư trọn vẹn. Biết nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng trong mọi hoàn cảnh, mọi ác pháp.

Hoàn cảnh nào, thí dụ như cái thất của các con bữa này nó không điện, con cũng tùy thuận được. Còn mấy con thấy cái thất của mình nó không điện cái chạy đi lăng xăng hỏi đèn, hỏi đuốc, hỏi này kia. Hoặc bữa này không có nước, thì mấy con lại chạy lăng xăng đi tìm cái này cái kia. Như vậy là mấy con không tùy thuận được hoàn cảnh. Vì vậy thì mấy con muốn xuất gia thì Thầy cũng không bao giờ mà xuất gia được. Bởi vì người tu sĩ mà theo Phật giáo nó tùy thuận mấy con, tùy thuận mọi hoàn cảnh.

(20:11) Đó thì hôm nay Thầy trả lời về cái bức thư đó. Còn riêng cô Tịnh Bản thì có cái ý như thế này xin để mà tạo cái giấy chứng minh cho mình. Thì Thầy xin cũng trả lời chung cho biết rằng, về cái vấn đề mà làm một cái chuyện không thật thì Thầy không làm được. Là tại vì cô đã nỗ lực tu nhưng mà Thầy chưa có làm lễ xuất gia. Cho nên bây giờ làm một cái giấy để cho Giáo hội chứng, thì đương nhiên là Thầy chưa có làm lễ gì hết thì Thầy làm cái điều kiện đó làm như dối trá, Thầy không chấp nhận. Mặc dù là con ở đây rất lâu tu tập, nhưng mà chưa có làm cái lễ xuất gia. Cho nên làm cái giấy cho mình để mà xuất gia như vậy là thì Thầy chưa có xuất gia cho con, mà lại làm cái giấy xuất gia thì không thể được. Con hiểu điều đó không? Không thể làm dối được.

Bây giờ thì trong cái hoàn cảnh của con thì tức là muốn làm đi nữa thì ít ra cũng phải làm lễ xuất gia hẳn hòi. Rồi phải đi học hạ, tức là con phải có một cái hạ, cũng như bây giờ trong cái mùa an cư kiết hạ ở đây Thầy sẽ đăng ký cho Giáo hội tỉnh ở đây, bây giờ có mấy người đã là xuất gia với Thầy, do đó người ta sẽ ghi tên danh sách. Sau đó thì Thầy đưa cái danh sách này xin Giáo hội chấp nhận cho những người này có giấy tờ để làm cái gì gì đó. Thì người ta sẽ chứng nhận cho mấy con hẳn hòi đàng hoàng .

(21:44) Đó, mình phải làm cho nó đúng cách, cho đúng pháp lý. Chứ còn khi không bây giờ đó bỏ tiền lo lót để người ta làm cái chuyện đó mà Thầy thì Thầy không có làm cái chuyện đó được. Bởi vì làm cái chuyện đó phi pháp nó không có đúng. Mà làm đúng, bây giờ Thầy xuất gia cho mấy con rồi, thì bắt đầu Thầy đăng ký cho Giáo hội ở Tu viện chúng tôi có xuất gia 5 người, 10 người, 20 người đã xin theo làm đệ tử xuất gia của tôi. Thì Thầy đăng ký cho Giáo hội, Giáo hội họ sẽ chấp nhận những cái tên tuổi này xong rồi thì họ làm giấy tờ cho mấy con. Và đồng thời khi mà có liên hệ qua Giáo hội điều gì thì họ sẽ làm cho giấy tờ cho mấy con đầy đủ ở trong pháp lý không có gì mà sai.

Còn bây giờ chưa có gì hết thì tức là nó chưa được mà thôi. Cũng như bây giờ cô Diệu Minh với Nguyên Thanh nè, Thầy cũng chưa có đăng ký giấy tờ cho Giáo hội nữa. Thì bây giờ xin phép Giáo hội như thế nào? Mặc dù là Thầy đã làm lễ xuất gia rồi. Nhưng mà chưa có đăng ký.

(22:45) Cho nên hôm nay Thầy nói thật sự ra làm cái gì phải làm cho rõ. Vì vậy mà bây giờ phải có cơ sở, xuất gia rồi có cơ sở hẳn hòi, dùng danh từ gọi là Ni bộ đó. Tức là bắt đầu thành hình cái bộ của Ni. Do đó thì mới là làm giấy tờ hợp lệ hẳn hòi đàng hoàng bao nhiêu người phải đăng ký rõ ràng với Giáo hội. Bởi vì Giáo hội là cái cơ quan tôn giáo, một nơi tôn giáo mà được Nhà nước chấp nhận pháp lý hẳn hòi. Cho nên họ có quyền cấp giấy tờ cho chúng ta đúng đắn, không còn ai trành tròn nói là chúng ta sai.

Cho nên ở đây Thầy chỉ cấp giấy phương trượng của mấy con mà xuất gia thôi. Cho nên mấy con biết rằng Thầy đang gặp cái khó khăn chứ không phải là không khó khăn. Có cơ sở hẳn hòi, Thầy không muốn rằng tu sĩ của Thầy nó lộn xộn, mà hể tu sĩ của Thầy xuất gia nam ra nam mà nữ ra nữ. Chứ còn bây giờ mấy con thấy, tất cả các tu sĩ về đây là ở các hệ phái khác họ về đây để tu tập. Dù là tu sĩ bên Khất sĩ, Nam tông hoặc Bắc tông đều là những tu sĩ ở các chùa khác về đây. Chứ chưa có một người nào. Những người đệ tử của Thầy thì hiện giờ có thầy Chơn Thông thầy đang học ở bên Miến Điện thôi chứ còn không có ai là đệ tử của Thầy cả hết.

(24:06) Đó thì các con biết, trong cái vấn đề hiện giờ đó thì nó là cái khó, cho nên để lần lượt rồi Thầy giải quyết, và đồng thời Thầy sẽ làm lễ xuất gia. Rồi đồng thời các con phải có chỗ ở. Cho nên Thầy có bàn với cô Út là nếu có điều kiện là chúng ta sẽ cất một số nhà ở ngoài đó để rồi những người xuất gia chúng ta sẽ cho ở một khu vực riêng bên nữ. Và người cư sĩ mà trẻ tuổi thì ở riêng một khu vực, và người già ở riêng một khu vực, ở đâu ra đó. Để chúng ta có sự quản lý chặt chẽ, hơn nữa là có sự tu tập cho nó yên tịnh. Do như vậy mấy con thấy là đang làm công việc rất nhiều. Trong vòng một năm hay là nửa năm nữa thì cái công việc này nó mới xong. Và luôn lúc nào cái lớp học chúng ta cũng đang tiến triển học tu thôi.

Bây giờ về cái vấn đề cô Tịnh Bản thì hôm nay Thầy báo như vậy là con biết rồi, để lần lượt rồi thì Thầy cũng sẽ lo cho chứ ngay bây giờ Thầy lo như vậy thì không hợp lí, nó phi pháp lắm, không được.

5- THẦY TRẢ LỜI VỀ VẤN ĐỀ NHÂN QUẢ

(25:13) Và đồng thời Thầy xin trả lời qua cái câu hỏi của Diệu Hiền. "Ngày trước con rất thích 2 quyển sách luận về nhân quả, nghiệp và kết quả của thầy Chân Quang. Bây giờ chúng con có học về nhân quả thì chúng con thấy thế này: Những điều thầy Chân Quang viết trong sách nhân quả là thầy chỉ nói ở ngoài vỏ cây, đó là một. Hai, những điều chúng con đang học là ở trong thịt cây, thân cây. Ba, chỉ có đôi mắt Tam Minh mới nhìn thấy suốt được trong lõi cây. Chúng con nhận xét như vậy có đúng không kính bạch Thầy? ”

Đúng là thầy Chân Quang viết sách luận về nhân quả thì nó chỉ có phần ở ngoài mà thôi, đúng là con thấy đúng đó. Và hôm nay các con học về nhân quả thì các con học đi sâu vào nhân quả cho nên mấy con mới hiểu. Bây giờ hỏi về thầy Chân Quang mà một người sinh ra một người thì chắc thầy đã nhận thấy điều đó. Nhưng mà một người mà sanh ra nhiều người chắc thầy Chân Quang chưa biết đâu. Cho nên nó còn ở ngoài vỏ chứ làm sao mà vô được.

Còn mấy con đã học về nhân quả, mấy con đã thấy nó rất cụ thể rõ ràng. Mà không thể ai bác mấy con rằng cái đó là mấy con hiểu sai được. Bởi vì nó chứng mình bằng nhân quả thảo mộc, cho nên nó cụ thể rõ ràng. Vì vậy mấy con đang đi sâu vào thịt cây và thân cây, lõi cây chứ không còn ở ngoài nữa. Để làm gì? Để cho có cái tri kiến hiểu biết như thật của con đó, để lúc nào con làm chủ được tâm của con hoàn toàn con không còn bị cái nghiệp và cái tâm nghiệp của con nó sẽ sai khiến con, nó lôi con được. Bởi vì con hiểu quá rõ.

(27:02) Mục đích của Thầy đào tạo đây để cho mấy con có tri kiến làm chủ tâm của con bất động, không có ác pháp nào mà làm động thân tâm con bằng cái tri kiến đó. Đó là cái học hôm nay, cho nên trước kia con đọc luận về nhân quả mà hôm nay con hiểu thì rất đúng không có sai đâu.

6- NHÂN DUYÊN GÌ MÀ TIN TƯỞNG, CUỒNG TÍN TU THEO PHÁP MÊ TÍN

(27:28) Còn cái câu thứ hai: “Kính bạch Thầy! Có một số rất đông người trong đó cũng có người có học thức, trí thức, tiến sĩ, kỹ sư, bác sĩ. v. v. Họ tu theo những pháp môn không đạt được giải thoát, hoặc theo những ông thầy có lối thực hành kỳ quặc, mê tín nhưng họ lại tin tưởng, cuồng tín, say mê. Vậy do duyên gì, nhân gì, quả gì mà họ không gặp hoặc chưa gặp được chánh Phật pháp? Và làm sao để chuyển hóa họ? Chúng con kính xin Thầy dạy cho chúng con được hiểu ở đây duyên gì? Nhân gì? ”.

Nghĩa là từ lâu tới giờ, từ kiếp trước, mặc dù hiện giờ họ là tiến sĩ, kỹ sư, bác sĩ…​ Nghĩa là hầu hết một cái số sách mà viết về thiền, viết về Thiền tông. Đời trước họ đã gieo một cái duyên đó, họ đã tu tập theo cái pháp đó cho nên đời nay họ sanh lên họ có trình độ kiến thức như tiến sĩ, kỹ sư, bác sĩ…​ cái trình độ kiến thức họ hiểu biết. Nhưng đối với họ, họ vẫn mê mờ trên những cái pháp vì cái nhân đời trước họ đã gieo cho nên đời nay họ vẫn thích cái pháp đó. Cho nên chúng ta nói gì thì nói họ cũng không nghe. Nhưng mà họ vẫn tin những cái pháp mà họ đã từng gieo trong cái đời trước.

Cũng như, thí dụ Thầy nói như thế này để mấy con thấy. Tại sao Thầy sinh ra mà Thầy lại thích ăn một bữa? Nó do cái duyên đời trước. Mà cuối cùng Thầy đi khắp tất cả các chùa tu về pháp môn bắt đầu Thầy ở nơi đây Trảng Bàng, lúc 8 tuổi Thầy đã xuất gia theo thầy. Chừng mười mấy tuổi Thầy được học bùa chú của ông thân Thầy. Nghĩa là bên Mật Tông. Rồi lần lượt theo các thầy tu Tịnh Độ, niệm Phật. Rồi Thiền tông với Hòa thượng Thanh Từ. Nhưng cuối cùng Thầy vẫn bỏ Thầy vẫn không thích, Thầy vẫn không chấp nhận, cuối cùng Thầy bỏ. Sau cùng Thầy trở về với pháp môn Nguyên Thuỷ, và đời sống Thầy lúc nào ở trong chùa Thầy vẫn thích ăn ngày 1 bữa. Các con thấy, Thầy vẫn thích ăn ngày 1 bữa.

(29:50) Thầy thấy các thầy ăn ngày hai, ba bữa, mặc dù lúc bấy giờ, giới luật người ta chỉ lúc nhỏ Thầy thọ Sa di thì người ta dạy Thầy 10 giới bắt Thầy học cái bộ giới trường hàng , tức là bộ giới nó có bốn bộ: Sa di, Oai nghi, Tỳ ni, Cảnh sắc. Nó bốn cuốn luật đó buộc lòng phải học. Học cũng như mà Thầy tụng Tâm Kinh Bát Nhã vậy, Thầy rất thuộc lào lào. Bắt vô đầu học ba cái giới luật đó với học cái chú Thủ Lăng Nghiêm. Nghĩa là phải học thuộc làu thôi, mà cái chú Thủ Lăng Nghiêm đọc nó rất khó thuộc chứ không phải dễ. Còn bốn cái bộ luật này thì Thầy học không khó. Nhưng mà nhỏ vô là học, học rồi còn đi khóa luật nữa. Thầy nói cái đời sống của Thầy vào tu, đi khóa luật là ở chùa đó mở cái trường kỳ hay trường hạ, như là kiết hạ đó gọi là trường hạ. Còn trường kỳ là mở cái đó để mà các thầy mà vô thi, coi như là người ta trắc nghiệm coi luật này kia mình có thuộc không. Để rồi từng đó người ta mới cho mình thọ Tỳ kheo, còn nếu không thì mình không thuộc người ta không cho. Gọi là khóa luật.

Mình đến đó mình đọc luật làu làu, làu làu vậy. Rồi cái ông Hòa thượng ông trắc nghiệm mình đó ông có cái con rồng như thế này nó có cái gù, ông gõ cái cộp ông bảo mình dừng lại đó. Ông gõ cái cộp là mình dừng lại, cái ông hỏi ngang, ông cũng thuộc lào cái bộ luật dữ lắm. Ông hỏi ngang, hỏi dọc cũng như là mình học cửu chương vậy đó. Không biết là tu sĩ mấy con có được đi khóa luật như vậy không, chứ riêng Thầy, Thầy đã đi cái khóa luật đó như vậy.

Ổng gõ cái cộp, đang đọc làu làu vậy gõ cái cộp cái dừng lại. Cái ông hỏi ngang vậy, mình trả lời ngay cái câu đó mình trả lời ngay liền thì chừng đó mình mới đậu, còn không thì cho mình rớt. Thì các con biết trắc nghiệm như vậy đó, mà phải học thuộc lào. Mà trong khi chừng 11, 12 tuổi mà đi đến khóa luật đó mà mình đậu rồi hầu hết Phật tử họ quý trọng mình ghê gớm lắm, họ coi như là mình thần tượng đó. Cho nên vì vậy mà trong khi Thầy tuổi còn nhỏ mà Thầy tu học như vậy thì bốn bộ luật Thầy rất thông suốt.

(31:57) Và thông suốt thì thông suốt nhưng mà không ai dạy mình ăn ngày 1 bữa, mặc dù giới không ăn phi thời thì có. Nhưng không ai nhắc nhở cho mình, nhưng cái bản chất của Thầy lại thích ăn ngày 1 bữa. Nhỏ mà thích ăn 1 bữa, còn quý thầy lớn thì ăn ba, bốn bữa mà còn ăn lặt vặt nữa, họ không bao giờ họ đem cái đó mà họ dạy cho mình nói rằng Phật cấm cái này kia họ không có nói cái điều đó cho mình đâu.

Nhưng mà điều kiện là luôn luôn lúc nào Thầy thấy sao mình sống ở chỗ nào cũng thích ăn ngày 1 bữa. Tại sao?

Thầy muốn nói như vậy mấy con biết, tại đời trước Thầy đã sống cái đó rồi. Cũng như bây giờ mấy con được khép vô đây mấy con sống mấy con thuần thục rồi. Bây giờ mấy con chết đi, mấy con sinh ra mấy con ăn ngày 1 bữa. Còn Thầy thí dụ sinh ra cha mẹ mớm bằng thịt bằng cá mà chà thành bông đó, mà nghe cái mùi đó là con nít mà biết cái gì. Mà nó vẫn ói mấy con. Đó là cái duyên của Thầy đã có từng ăn chay rồi chứ đâu phải là ăn mặn. Còn bây giờ các con thấy quý sư ở bên Nam tông họ ăn thịt ăn cá họ có ói người nào đâu. Đó, đó là những cái điều kiện là do cái duyên đời trước đã gieo.

(32:56) Cho nên dù là bác sĩ, kỹ sư có trình độ học thức đi nữa nhưng họ vẫn viết sai mấy con. Các con thấy như tiến sĩ gì đó mà viết cái bài sai, nói về thiền quá sai không hiểu gì hết. Ông cứ ngỡ tưởng, ông suy tư nghĩ tưởng vậy là đúng, ông không biết cái gì về thiền định hết, ông nói trật hết. Vì vậy mà những người mà tu theo những cái lối thực hành kỳ quặc, mê tín này kia bằng tưởng, bằng ảo tưởng mà họ vẫn không biết mấy con. Họ vẫn nghĩ rằng ở sau lưng cái đó là nó là tâm linh của họ, là cái gì huyền bí lắm. Cho nên họ cứ nỗ lực, họ thực hiện nhưng cuối cùng có ai đạt được những gì. Mặc dù đó là giới trí thức. Thầy thấy rõ giới trí thức cũng bị lầm các con.

Cho nên con hỏi Thầy: vậy do duyên gì? Nghĩa là do duyên đời trước họ đã gieo. Nhân gì? Tức là cái duyên họ đã gieo thì cái nhân đó thì cái quả hôm nay họ gặp cái pháp này họ thích. Cho nên nói là Kiến Kiết Sử, không phải trong một đời nay mà người ta mớm trong đầu mà ông ta ông chấp vậy đâu. Mà đã nhiều đời ông theo Đại thừa như thế nào cho nên bây giờ ai nói đến Đại thừa sai là họ lồng lộng họ tức lên liền. Chứ không phải dễ, đó là đời trước họ đã gieo. Cho nên cái Kiến Kiết Sử của họ nó trói chặt họ trong đời trước chứ không phải là trong đời nay. Đời nay nếu mà chúng ta nghe giảng kinh, thí dụ như bây giờ một đời nay chúng ta nghe giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm. Nói về Phật tánh, cái tánh thấy, tánh nghe, tánh biết đó. Mà đời trước chúng ta không gieo thì đời nay mà nghe có người nói đó là sai, không đúng. Thì cái ông này ông bỏ liền được liền. Con cái đời trước đã gieo rồi mà ông này nói sai, kinh này nói sai không đúng thì ông tức lồng lộng lên liền, bởi vì đời trước ông đã huân cái đó rồi.

(34:39) Cho nên Thầy biết rõ, cho nên vì vậy mà tùy theo duyên. Nhưng mà đời nay Thầy đã nói sai, là gieo ông cái duyên mới rồi đó. Bây giờ đó, khi mà ông tu tới cái mức độ nào bị lạc sai đi thì bắt đầu ông trực nhớ được cái lời nói đó, cái lời nói của Thầy là cái duyên gieo cho ông đó. Thì khi đó ông trực nhớ đi, ông bây giờ ông mới thấy đây là đúng, đó là bắt đầu ông có cái nhân ông tạo thành cái nhân mới rồi. Cái nhân mới để cho nó phá cái Kiến Kiết Sử của ổng. Đó là, do những kinh sách của Thầy viết ra Thầy không sợ vô ích. Miễn làm sao họ được đọc, họ nói Thầy viết sai họ nói gì kệ nói. Nhưng mà đó là cái duyên để tạo cho cái người đó, trong khi cái nhân họ đã gieo thành một cái nghiệp của họ ở trong cái phương pháp đó rồi, thì bây giờ họ chưa bỏ bây giờ đâu. Nhưng ít hôm họ sẽ bỏ, 1 tháng, 2 tháng, 1 năm, 2 năm hoặc 5 năm, 3 năm họ sẽ bỏ, chắc chắn là người đó sẽ có duyên. Cho nên các con biết bây giờ có nhiều người họ đọc kinh sách Thầy họ chóng mặt lận, nhưng mà rồi lần lượt họ sẽ tỉnh lần. Thầy tin rằng một cái chánh pháp nó sẽ giúp họ.

Cho nên do duyên gì, nhân gì, quả gì mà họ không gặp, chưa gặp được chánh pháp Phật? Và làm sao để chuyển hóa họ? Nghĩa là con nói làm sao để chuyển hóa họ. Kinh sách Thầy rồi sẽ chuyển hóa họ đó, chuyển hóa cái sai của họ từ lâu họ kiến chấp ở Đại thừa. Cho nên mấy con chưa huân ở trong đời trước mấy con nhiều cho nên mấy con đọc cái mấy con thấy đây đúng rồi. Các con hiểu không?

Còn mấy con mà huân ở đời trước mấy con đã tu như các vị Hòa thượng rồi thì bắt đầu mấy con chỉ còn nước ném cuốn sách Thầy xuống thôi, hoặc là đem đốt. Nghĩa là mấy con biết khi ở Trúc Lâm đó, có một thầy ở trên đó nói với Thầy. Ở trên đó sách của Thầy mà gửi cho Phật tử, nó gom góp mấy thùng vầy nè nó đem về nó đốt. Ở Trúc Lâm đó, Hòa thượng Thanh Từ cho đốt hết đó chứ không phải dễ đâu. Chứ mấy con tưởng…​ Cho nên vì vậy mà cái kiến chấp của người ta nó cũng ghê lắm, bởi vì người ta huân đời trước rồi.

(36:38) Cho nên qua câu hỏi của con thì muốn chuyển hóa họ làm sao? Thì kinh sách của Thầy nó sẽ chuyển, mặc dù họ đốt vậy chứ ở trong đầu họ cũng còn chưa mất đâu. Đó là cái duyên Thầy đã tạo trong đầu họ đó mấy con, lần lượt rồi họ sẽ trở thành người tốt. Thật sự ra mấy con thấy, khi nào mà lớp học của Thầy mà đào tạo những người chứng quả A La Hán, thì một cái duyên đó là chuyển hóa họ đó mấy con. Nghe nói Tu viện Chơn Như hôm nay 10 người chứng quả A La Hán, thì mấy con biết sao không? Bao nhiêu cái kiến chấp của họ nó đổ vỡ xuống liền tức khắc, nó phá hết. Đó là cái sự chuyển hóa. Cho nên con nói làm sao chuyển hóa họ? Mình ráng tu đi, thì chuyển hóa chứ có gì!

Hiện mấy con ở đây mấy con tu, Thầy nói thật sự mấy con sẽ tu chứng không có người nào mà không chứng đâu mấy con. Nhưng mà mấy con tin tưởng nơi Thầy, Thầy sẽ dẫn dắt mấy con tới nơi. Mấy con tu đúng, làm đúng thì mấy con sẽ đạt được.

Đầu tiên mấy con sẽ được cái tri kiến giải thoát không ác pháp nào làm dao động tâm mấy con hết. Mà khi tâm mấy con không dao động thì mấy con mới tu Tứ Niệm Xứ mới sung mãn được Tứ Niệm Xứ. Tâm mấy con còn dao động thì mấy con không thể tu Tứ Niệm Xứ được. Đó là cái giai đoạn thứ hai để cho mấy con thực hiện Tứ Niệm Xứ.

Giai đoạn thứ nhất mấy con tu Định Vô Lậu làm cho chướng ngại pháp không tác động được vào tâm con. Nhờ đó mấy con mới ở trạng thái đó mấy con mới thực hiện được Tứ Niệm Xứ. Khi Tứ Niệm Xứ sung mãn thì mấy con có Tứ Thần Túc. Từ đó mấy con dùng Tứ Thần Túc mà nhập các định, nhập các định xong thực hiện Tam Minh thì coi như mấy con chứng quả A La Hán hoàn toàn là một người tu chứng chứ không còn nữa. Tới đó, là mấy con đến đây mấy con không còn tu nữa mấy con nghỉ. Nghỉ mà chơi cho nó khỏe, chứ không phải nghỉ mà theo kiểu Thầy, nghỉ mà cực! Thầy vì bây giờ Thầy không dạy mấy con Thầy nghỉ Thầy chơi rất là khỏe. Thầy có lo gì nữa đâu, sống chết đối với Thầy không nghĩa lý gì đâu!

Nhưng mà các con biết các con quá khổ. Chúng sanh quá khổ, không thể nào mà Phật pháp để mai một như thế này nữa, phải dựng nó lại. Mà dựng lại thì các con hãy cùng Thầy bắt tay nhau nỗ lực. Các con có công tu, Thầy có công dạy để làm sáng lại Phật giáo, để làm lại đem sự lợi ích lớn cho loài người ở trên hành tinh này.

(38:48) Thật sự chúng ta tu thật, bởi vì Thầy làm chủ thật mà, Thầy biết Thầy làm chủ được mà. Thì mấy con phải làm chủ được mà, làm sao không làm được! Mấy con nhớ lời Thầy nói, là những lời bằng máu, nước mắt của Thầy, bằng sự thương yêu thật sự của Thầy đối với con người trên hành tinh này.

Cho nên mấy con ráng mấy con! Thầy chẳng biết làm sao, bởi vì cái sức ráng của mấy con chứ Thầy làm sao ráng giùm mấy con được. Nếu cỡ Thầy tu cho mấy con được Thầy sẽ tu giùm cho. Thầy cực khổ như thế nào Thầy cũng tu được. Nhưng, nghiệp của mỗi người đều riêng làm sao Thầy tu được. Chỉ có mấy con nỗ lực mới được mà thôi, nhớ những lời Thầy mấy con!

Cố gắng, cố gắng! trước là chúng ta đền đáp ơn Phật. đức Phật đã sáu năm khổ hạnh coi như mình chết rồi và cái thứ hai là mình làm ích lợi cho chúng sanh đem lại nên đạo đức cho con người. Thầy chỉ mong họ không cần đi sâu, không cần tu tập như chúng ta làm chủ sự sống chết. Mà chỉ cần sống đạo đức là hạnh phúc con người trên hành tinh này rồi. Thầy chỉ mong điều đó.

Và Thầy ước nguyện điều đó sẽ thực hiện được với con người trên hành tinh này. Đó là điều mong muốn Thầy rất lớn. Cho nên mấy con là những người mà phải làm gương, làm sáng tỏ lại thì chuyển hóa được những người khác mấy con.

7- THẤT TÌNH LỤC DỤC VÀ BÁT PHONG

(40:04) Còn một câu hỏi mà Thầy chưa trả lời con. Đó là cũng Diệu Hiền: “Thất tình có phải là 7 trạng thái tình cảm hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục. Còn lục dục và bát phong là gì? Xin Thầy dạy cho con làm bài về vô thường. ”

Thì trong từ điển thì nó có nói về lục dục. Như thất tình thì con nói trúng rồi hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục thì đúng rồi. Còn lục dục tức là ở trong từ điển thì nó đã chỉ dạy cho chúng ta thấy.

Một là sắc dục, sắc dục tức là tham dục đó mấy con.

Hai là hình mạo dục.

Ba là oai nghi tư thái dục.

Bốn là ngôn ngữ âm thanh dục.

Năm là tế hoạt dục.

Sáu là nhân tướng dục.

Đó là trong từ điển, thì những cái danh từ này rất là khó hiểu. Do đó, sắc dục tức là tham dục đó. Hình mạo dục, tức là sân dục đó mấy con. Oai nghi tư thế dục, tức là si dục đó hay là Vô minh dục đó. Ngôn ngữ âm thinh dục tức là mạn dục đó. Tế hoạt dục tức là nghi dục. Nhân tướng dục tức là tưởng dục hay là vô sắc dục. Đó là giải thích hai bên, một bên là từ điển, một bên là theo cái nghĩa tham, sân, si, mạn, nghi, tưởng đó thì nó mới đầy đủ những cái nghĩa của lục dục. Còn những cái sách khác thì nó cũng có phần giải thích khác, nhưng mà Thầy thấy ở đây nó tạm đủ cho chúng ta hiểu nó đúng là sáu cái dục của nó gọi là lục dục.

(42:03) Còn Bát phong thì ở trong từ điển dạy tiền bạc của cải tài sản là Lợi. Ai là thương cảm hay là thương thảm. Hủy là nói xấu. Dự là khen.

Hủy chứ không phải Hỷ con. Chữ Hủy là nói xấu.

Lợi, Ai, Hủy, Dự, Xưng, Cơ, Khổ, Lạc đó là bát phong.

Lợi là tiền tài, danh lợi, của cải, tài sản.

Ai là bi thảm, thương thảm.

Hủy là nói xấu.

Dự là khen.

Xưng là khen tặng.

Cơ là chê.

Khổ là hoạn nạn.

Lạc là vui sướng.

Đó là bát phong. Đó thì những cái điều đó sau này nó có cái đoạn để giải thích ở phần này rõ ràng và Thầy từ cái tập từ điển này cho đến cuốn từ điển khác nó có nhiều cái giải thích về cái thất tình, lục dục và bát phong. Có dịp Thầy sẽ giảng thêm cụ thể rõ hơn, hôm nay thì đại khái như vậy thôi. Để mấy con biết những cái tên nó như vậy thôi, chứ còn chưa có cái thời gian để mà giải thích dài.

(43:39) Bây giờ về cái phần những tập sách này Thầy đều có ghi cái lời ở trong này. Thí dụ như Diệu Tâm thì Thầy ghi: “Bài làm ý hành nhân quả đầy đủ, mẫu chuyện rất hay, áp dụng vào nhân quả cuộc đời tuyệt vời. Sau khi học nhân quả hãy dùng nó xả tâm ly dục, ly ác pháp để tâm được thanh thản, an lạc và vô sự”. Đó là những cái lời Thầy nhắc sau khi đọc cái bài của con rồi. Thì Thầy thấy những cái điều đó con vừa nói lên nhân quả, và cũng vừa để áp dụng vào đời sống của mình. Thì tất cả những cái này giúp cho tâm các con được thanh thản, an lạc, vô sự. Trong những bài này đều là Thầy có ghi ở trong đó, người nào Thầy cũng có ghi hết. Những cái lời để cho mấy con đọc những cái lời đó mà cố gắng thực hiện những cái điều mấy con viết, để mà làm tốt.

Còn cái phần hôm nay nữa. Là mấy con đã tu tập, mấy con thấy có cái sự kết quả như thế nào trong cái giờ này thì chúng ta cũng còn cái thời gian chút ít để chúng ta thưa hỏi thêm những gì cần thiết mấy con, để mà chúng ta tập cho đúng. Có nhiều cái mà chúng ta chưa đúng đó, chúng ta phải hỏi thêm để chúng ta tập cho đúng.

Vậy thì mấy con có cái gì hỏi không con?

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy