CK- 32C (NAM) - CHÁNH NIỆM TỈNH THỨC - VẤN ĐỀ NỘI VIỆN - ĐỘC CƯ ĐỂ RỐT RÁO ĐỊNH VÔ LẬU - NHIẾP TÂM AN TRÚ - TTAD
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Ngày giảng: 06/12/2005
Thời lượng: [44:25]
(00:00) Trưởng lão: Bây giờ tới cái lớp mà học Chánh Niệm Tỉnh Thức đây. Nãy giờ chúng ta nói mênh mông những chuyện ngoài lề. Nhưng mà cũng là để chúng ta được yên tâm, mấy con chỉ nỗ lực mấy con tu tập mà thôi, nên hãy yên tâm mấy con.
Cho nên, từ hơn một tháng nay mà chúng ta yên tâm tu tập được, vượt qua từng cái khó khăn, được bình an tu tập đó là cái tốt nhất rồi. Và tiếp tục từ đây về sau chúng ta còn những cái điều kiện tốt hơn nữa, và yên ổn hơn nữa.
Mỗi bước đi Thầy thấy nó lần lượt nó ổn định. Nhưng mà sự ổn định đó nó còn khéo léo thì cái sự ổn định đó nó càng ngày càng tốt hơn. Nếu mình vụng về một chút thì cũng là nguy hiểm đó chứ không phải không mấy con. Cho nên còn đang ở trên cái ngọn sóng chứ chưa phải là xuống cái ngọn sóng. Chừng nào thật bình an thì chừng đó Thầy sẽ báo cho mấy con yên ổn, còn bây giờ tất cả những tứ sự cần thiết thì mấy con cứ hỏi Thầy, Thầy chịu khó Thầy nghe ngóng, Thầy làm đủ thứ chuyện hết. Không phải riêng chấm bài vở các con, mà còn làm được đủ thứ chuyện và còn dạy cho mấy con tu tập. Thầy làm hết mọi chuyện. Một mình Thầy gánh vác hết để bảo đảm cho cái lớp học chúng ta được bình an. Để cho mấy con tu tập được yên ổn.
Chớ không phải là nó có sự bình an yên ổn đâu. Từ khi mà Thầy ra đi Thầy trở về, để mà mở mang cái lớp học Thầy đã quyết định, quyết định phải đào tạo cho con người. Bởi vì cái chuyện mà Thầy làm là phải Trung Tâm An dưỡng Từ thiện Chơn Lạc từ lâu, Thầy cố gắng để mà Thầy thực hiện. Nhưng mà Thầy không có quyết tâm lắm nó đi tới đâu thì mình tới đó thôi.
(01:43) Nhưng mà sau khi Thầy tiếp duyên thì Thầy triển khai cái chương trình này ra để mà quyết tâm làm cho bằng được cái Trung Tâm An dưỡng.
Chứ trước kia thì có thầy Chơn Tịnh ở đây là người đã trực tiếp biết Thầy đi ra ngoài Phước Hải, Long Hải để tổ chức ngoài đó lâu lắm rồi. Thầy Chơn Tịnh là người đưa Thầy tới lui, hai Thầy trò đi trên chiếc xe từ Trảng Bàng đi thành phố nghỉ lại một đêm, sáng hôm sau mới đi ra Phước Hải, Long Hải mấy con biết, Thầy trò dầm sương, dầm nắng, mưa gió đủ thứ… lúc thì xe chết, lúc thì giữa đường đủ cách, đủ loại khổ sở và vất vả. Thầy lo cái Trung tâm, cái cơ sở ở ngoài đó ghê gớm lắm.
Nhưng mà duyên nó không thành, thành ra Thầy trở về đây yên ổn mà để hướng dẫn mấy con tu tập và đồng thời đúng duyên Thầy viết ra những bộ sách. Từ đó về sau mới có những bộ sách, chứ trước kia thầy Chơn Tịnh ở đây chưa có sách vở gì hết.
Bây giờ đã có sách vở đầy đủ, đồng thời thì một thời gian ngắn nữa thì chúng ta có cái bộ giới luật, hai tập giới luật “Văn Hóa Truyền Thống” tập 1, tập 2. Được giấy phép, chúng ta được phổ biến rộng rãi về cái đức hạnh của đạo Phật đã dạy.
Đây là cái phước mấy con, cộng với cái phước là cái lớp học chúng ta đã hình thành một tháng nay rồi. Và sự tiến bộ của mấy con Thầy thấy nó cũng rõ rệt là trên cái tri kiến giải thoát của mấy con qua những cái bài viết của mấy con Thầy thấy có tiến bộ rất lớn. Có tiến bộ, nhưng cần phải học tập nhiều hơn nữa. Chứ không phải tiến bộ như vậy là đủ, mà cần phải học tập nhiều hơn. Mấy con cố gắng lắm, Thầy biết cái sức cố gắng của mấy con rất nhiều trên bước đường học Định Vô Lậu thì mới viết được những bài vở đó. Nếu mà không cố gắng mấy con không viết được như vậy, mấy con còn dễ tệ hơn nữa, mấy con rất cố gắng.
Có nhiều cái tiến bộ Thầy thấy rất rõ ràng, từ cái chỗ không biết mấy con tư duy, mấy con quán xét mấy con viết được. Từ cái chỗ sai này đi đến cái chỗ sai khác lần lượt Thầy hướng dẫn cách tư duy của mấy con đúng vào cái quỹ đạo để cho mấy con biết quán cho đúng cách.
Và từ đây về sau mấy con đã biết cách thì Thầy đỡ hơn nhiều, là mấy con biết cách để áp dụng cái tri kiến, sự giải thoát, quán xét của mấy con làm cho tri kiến các con càng ngày càng thông suốt hơn. Mà các con không có ngoài vấn đề mênh mông, cái hiểu biết của mấy con tư duy không phải ngoài mênh mông, ngoài cái sự sống của mấy con để mấy con được giải thoát, được tâm ly tham, sân, si, được lìa tâm dục.
(04:07) Cho nên bây giờ thì mấy con yên tâm mà nỗ lực tu những cái chuyện lặt vặt nhỏ không đáng đó là những ác pháp nhỏ mà thôi có gì mà phải kể. Bên các con còn có Thầy là một người đang giúp đỡ mấy con tận cùng để mấy con vượt qua được những cái khó khăn. Nhưng mấy con đừng lấy những ác pháp nhỏ mà làm cái tâm mình bị động. Mà chỉ xem đây là một sự thử thách để xem mình có xả tâm hay là không. Điều đó là một điều mấy con cần phải tư duy suy nghĩ kỹ. Đừng có lo lắng gì hết, mà phải nghĩ rằng Thầy với cô Út là một, để mà lo lắng cho chư Tăng tu học chứ không có gì. Đừng có nghĩ ngợi rồi làm cho mình thối chuyển trong sự tu tập thì không tốt. Mà phải nghĩ đây là cách thức để áp dụng vào đời sống của mình, để yên ổn tu tập. Mọi sự việc đều có Thầy mấy con, mấy con yên tâm.
Như Thầy nói như thế này, như các con thấy hôm qua là lớp học bên nữ cô Út không có cho đi đường này đâu, cô Út cho đi vòng ngoài kia vô đây học. Thì Thầy chỉ đến nói cô Út: “Con làm như vậy tội nghiệp mấy cô quá, phải đi xa quá. Con hãy cho mấy cô đi trong này, nhất là cô Huệ Ân mấy người già tội nghiệp đi xa quá, người ta sẽ mỏi chân!”
(05:20) Thì cô Út cũng nghe lời Thầy cho đi không có gì hết. Mấy con thấy không. Thì cô làm gì làm nhưng mà Thầy nói thì cô nghe chứ cô đâu có gì đâu. Tại vì cô muốn cho mấy cô đừng có đi vô trong này nữa mà đụng mấy thầy. Do đó cô mới cho đi ở ngoài mà đi vô thôi. Nhưng mà Thầy nói thì cô cũng nghe lời Thầy cô cũng có gì đâu.
Cho nên mấy con nhớ là Thầy với cô Út là một, khi mà cô làm thì theo ý của cô, nhưng mà điều kiện cô cũng nghĩ tốt. Nghĩ làm sao cho tránh cái tai tiếng này kia nghĩ tốt chứ phải nghĩ xấu đâu. Thầy cũng hiểu tâm trạng của cô cũng lo lắng chư Tăng và chúng bên nữ cho nó không có mang tiếng tai này kia. Cho nên cô cũng sợ. Bởi vì qua cái tâm lý tình cảm của người nữ họ cũng ngại ngùng lắm. Các con hiểu chưa?
Cho nên vì vậy mà họ lo lắng, lo lắng chính là cô Út cũng lo lắng cho cái Tu viện của mình thôi mấy con. Qua những cái hành động như vậy là Thầy biết chứ không có gì hết. Nhưng mà khi mà Thầy nói thì cô nghe, Thầy nói: "Có gì thì để Thầy chịu cho chứ đừng có nói, cô lo quá khổ! Tốt hơn thì con cứ để ở đây cho quý vị từ ở cái khu nữ họ đi qua đây học, không có sao đâu mà sợ". Đó là cách thức của Thầy mà.
Đó thì mấy con thấy từ cái chỗ mà cô lo, mình phải hiểu chứ không phải là cô làm khó dễ hay hoặc thế này khác, mà cô sợ. Cho nên từ đó mình phải hiểu, mình hiểu bao nhiêu thì lại thương bấy nhiêu. Các con hiểu không?
Chứ còn mình không hiểu thì mình sẽ thấy cô này kỳ cục quá. Phải không, mấy con hiểu? Ờ cô này như vậy là thế nào? Có nhiều người nói cô Út đày ải mấy cô quá trời. Trời đất ơi, đường đây không cho đi, cho đi xa lại, cô này cô ác quá!
Thì như vậy cái tâm mình suy nghĩ người khác ác thì như thế nào? Nhưng mình không nghĩ rằng cô lo lắng cái gì cô mới làm điều đó chứ, tại sao mình không hiểu được cái tâm lý đó? Có phải không mấy con?
Khi mình hiểu được tâm lý đó mình mới thương cô Út chớ. Chẳng hạn bây giờ cô làm hai phần, phần cho những người này phần cho người kia. Ai cho tôi thì cứ ăn, ai cho bên kia ăn bên kia. Có phải không? Cô thương chứ. Cô muốn cô là một người mẹ nuôi hết, nhưng tại vì có Thầy cho nên cô mới chia ra ờ cái này theo Thầy đi, cái này theo cô. Cô lo lắng lắm chớ con thấy, cô chịu cực khổ thức khuya dậy sớm mà cô không nề hà cái cực khổ của cô mà cô lo lắng cho chúng Tăng như một người mẹ nuôi con.
(07:35) Nhưng không được, tại vì Thầy nói: "Như vậy không được, con hãy tổ chức cho nó đoàn kết, chứ mà chia vậy không có được". Thì cô cũng nghe lời Thầy, có phải không?
Cô xin bây giờ khách vãng lai thì để cô nấu cơm cho những người đó chứ không lẽ bây giờ mình kêu, vả lại Phật tử cũng cúng dường cái này, thì cô cũng nói đúng chứ đâu nói sai. Cúng dường bây giờ mình bỏ sao, gạo thóc mình bỏ sao? Mình cũng nấu cho những người đó ăn cho đỡ cô Liên Châu một chút. Thì cô nói cái đó cũng phải chứ có gì.
Bởi vì, thật sự ra mình phải hiểu được cái tâm lý tình cảm của người đó người ta đang làm cái gì, người ta đang nghĩ cái gì mình phải hiểu. Còn nếu mình không hiểu, mình cứ thấy người ta làm chật không có đúng theo ý mình thì mình cho là người ta sai hết mà mình không hiểu cái lòng của người ta. Rồi từng đó mình quơ đũa cả nắm người này ác, người này thế này thế khác… coi như mình hất hủi ra ngoài. Thì như vậy là từ cái lòng tốt người ta sẽ trở thành cái lòng xấu. Mình đưa người ta đến chân tường, cái đau khổ.
Cho nên vì vậy mà mình phải hiểu. Đối với Thầy là một con người rất hiểu từng tâm lý mọi người, cho nên mấy con yên tâm Thầy rất thương em Thầy. Em Thầy tốt chứ không phải là người xấu đâu.
Cho nên nói về tiền bạc này kia đó, thì thật sự ra thì cô nói chung là cô không có nghĩ cái đời sống của cô đâu. Cô không cất cái nhà tư nhà riêng gì cho cô đâu. Cô dồn cô cũng lo cho Tu viện chúng ta hết, Thầy biết em Thầy rất rõ, cô không có lo gì hết.
Nhưng mà có nhiều người cứ nghĩ rằng sợ cô làm riêng làm tư này kia. Cô bỏ tiền ra thật sự cô mua đất, cô cũng đứng tên đứng này kia nọ, riêng Thầy Thầy không có đứng tên. Nhưng mà sự thật ra cô cũng lo cho cái Tu viện con thấy, cô trồng cao su này kia cũng lo kinh tế cho Tu viện, cho quý thầy thôi chớ cô có lo… bây giờ cô có con có tư riêng chỗ nào đâu mà lo? Để mà cô làm giàu cho con cho cái cô đâu? Có phải không, con thấy không?
Một đời của cô rất cực khổ, mà nữa để lại cho ai đâu. Để lại cho những người tu, Tu viện là để lại cho người tu chứ để cho ai? Cô đâu có con cháu riêng đâu!
(09:30) Cho nên những cái điều mà cô làm bây giờ Thầy nói cô có cất hàng vạn đống bạc đi nữa thì cô cũng phục vụ cho chúng Tăng tu. Cũng phục vụ cho Thầy thôi chứ không cách nào khác hơn hết. Cô không có làm gì riêng tư được hết, cô không cho ai được hết đâu.
Thầy hiểu rất rõ mà, bởi vì cô không có riêng tư gì chỗ nào được.
Nhưng mà cô thì cũng thích, thích cất, thích giữ, thích này kia… rồi cũng thích làm, nhưng mà làm cho người tu chứ không phải làm cho cô. Cô làm là làm cho người ta hết. Cho nên vì vậy mà mình rất thông cảm và rất hiểu cô. Chứ cô không có làm riêng tư.
Đó, đó là những cái mà Thầy nói hôm nay để cho mấy con thấy Thầy hiểu cô Út rất lớn. Cô muốn làm lắm, cô muốn giúp đỡ Thầy nhiều lắm. Nhưng mà điều kiện mà cô sợ nhất đó là sợ Thầy đi. Không, Thầy nói thật sự cho mấy con biết cô rất sợ Thầy đi Thầy bỏ, Thầy đi ở chỗ khác. Nhưng mà Thầy biết đúng là em Thầy rất sợ Thầy đi, Thầy đi bỏ không ở đây nữa.
(10:34) Cho nên những ngày mà Thầy đi, cô nói với Thầy rằng: “Con có lỗi lầm gì thì con xin sám hối Thầy!”. Cô nói với Thầy. Thầy biết, những cái điều mà cô làm gì thì Thầy coi như là thường không có gì mà lỗi lầm đối với Thầy hết, đó là cái duyên nhân quả. Nhưng mà cô có nói với Thầy. Khi mà Minh Tâm đưa Thầy về đây Thầy thăm mấy con rồi, thì chiều Thầy đi chứ Thầy không có ở đây, suốt một tháng Thầy không có ở đây ngày nào hết mấy con. Mấy con nhớ lúc đó không? Ờ Thầy về Thầy gặp mấy con Thầy nói chuyện tới chiều cái rồi bắt đầu cái xe Minh Tâm để ngoài đó Thầy trò lên xe đi. Rồi 3, 4 bữa Thầy trở về chứ Thầy không có ở luôn. Nhưng mà Thầy trở về như vậy mà Thầy giữ gìn được cái Tu viện cho đến hôm này mà Thầy mở lớp mấy con.
Cho nên cô Út cô rất thương Thầy, cô sợ mất Thầy lắm! Vì vậy mà Thầy về Thầy mở lớp, vì vậy bây giờ Thầy nói gì thì cô vẫn nghe lời Thầy chứ không phải không nghe. Nhưng mà tại cái tính của cô nó như vậy, mà cái tính tốt chứ không phải tính xấu. Tính thương, tính tự mình muốn giúp đỡ người khác bằng cách này bằng cách khác đem hết sức mình ra.
Các con thấy, cô rất thương các con đó chứ không phải là không. Nhưng mà khi mà trái trái thì cô nói đùa, nói đại không có tư vị ai hết. Tu sĩ cũng không tư vị, mà cư sĩ cũng không tư vị, nói thẳng tay. Nói cho đã miệng thôi, không sợ tội lỗi gì hết. Cho nên vì vậy đó, thành ra(…)
(12:06) Thật ra thì chúng ta hiểu ý chúng ta biết rằng, Thầy mong rằng một ngày nào đó cô Út bừng tỉnh ra, không có còn lo lắng nhiều nữa. Nhưng mà chắc chắn cũng còn phải lo thôi chứ không cách nào khác hơn. Nhưng mà đỡ bớt nhiều, để cô ngồi lại cô tu tập, được gần bên Thầy hướng dẫn từ đó cái ngôn ngữ cô trở thành ái ngữ.
Bởi vì từ khi mà Thầy tu cho đến khi mà Thầy làm đạo thì trong thời gian mà Thầy tu Thầy có hướng dẫn cô, sau khi làm xong công việc chia làm công việc ra thì… ít có khi nào mà cô được nói chuyện về đạo với Thầy. Cho nên ít có khi mà Thầy được dạy về những cái ngôn ngữ, ái ngữ như thế nào nó đúng. Ít có duyên tiếp chuyện.
Cho nên Thầy mong rằng một cái ngày nào đó mà cô được rảnh rang, công việc ở trong Tu viện nó giảm đi những cái khó khăn, cực nhọc thì Thầy và cô Út mới ngồi lại rồi Thầy sẽ nói lại cho cô biết rằng phải ngôn ngữ thế nào. Những sách vở Thầy viết cô không có đọc đâu. Nhưng mà cái người nào vạch lá tìm sâu chỗ nào đó như thế này, thế này thì cô đọc lại câu đó đó. Chứ cô không có đọc hết đâu.
Bây giờ chỗ này người đó viết như vậy vậy đó… Thầy thấy như thế nào?
Ờ Thầy nói đâu đưa Thầy đọc lại coi. Rồi Thầy đọc lại, Thầy nói thôi để Thầy sửa cho rồi thôi. Thầy làm cho vui vẻ hết mà, chứ không có gì. Nhưng mà ai mà đọc cuốn sách này mà vạch, cái câu này nói cô vầy vầy đó thì cô lật ra cô chỉ cho Thầy, Thầy nói thôi được rồi để đó Thầy chỉnh lại. Bởi vì mấy người này họ không hiểu con đâu. Họ viết vậy là tại họ chưa hiểu. Rồi Thầy sửa, có vậy thôi.
Các con biết, bởi vì đó là cái trợ giúp cho em mình bình an. Vì người ta dùng cái lời nói đó người ta có ý nói đến cái điều mà người ta nhìn qua cô Út bằng cái đặc tướng chứ họ không hiểu cái tính của cô Út. Họ hiểu qua cái tướng chứ không hiểu cái tính. Còn Thầy là người hiểu cái tính mà cái tướng thì Thầy biết rằng người ta dễ lầm.
Trong cái lòng tốt của cô Út nó hiện ra cái tướng bảo vệ cái sự tốt của mình muốn làm cái đó. Cho nên người ta thấy như là cô Út cái tướng của cô như sai. Nhưng mà thật ra người ta nói người ta không hiểu. Nhưng mà Thầy biết cái điều này, cho nên Thầy điều chỉnh.
Vì vậy cho nên tất cả những cái điều kiện mà xảy ra mấy con bình yên không có gì đâu mấy con.
(14:30) Bây giờ chúng ta tiếp tục chúng ta sẽ học những cái bài kế tiếp. Hiện giờ đó các bác mà lớn tuổi, Thầy sẽ xin ghi tên vì học Chánh Niệm Tỉnh Thức rồi. Thì cái lớp những người mà lớn tuổi. Bây giờ ở bên con ai ghi giùm Thầy, bây giờ Minh Nhân hả con. Bác tên gì đây?
Mấy con nhớ rằng trong khi cái lớp học này bắt đầu mấy con lớn tuổi rồi đó, có ai không con…
Con qua đây con làm việc này giùm Thầy. Con lấy tờ giấy này con ghi tên giùm Thầy mấy bác lớn tuổi lại giùm Thầy, để Thầy phân cái lớp này ra. Lớp lớn tuổi ở bên nam.
Còn cái ổ đĩa này là bài của Từ Quang trong này con. Một lát nữa Thầy sẽ gửi con, con sẽ mở con thấy Thầy hướng dẫn ở trong đó.
Thầy tin rằng một ngày nào đó khi mà mấy con tu xong rồi. Tức là mấy con chứng đạt được chân lý rồi, các con cố gắng sống độc cư. Ngày nào mà tu xong rồi Thầy sẽ mở một buổi họp, các thầy bây giờ sẽ ngồi lại tâm tình với nhau. Nghĩa là bây giờ đừng nói chuyện với nhau mà khi tu rồi mình mới tâm tình với nhau mình nói trải qua một thời gian tu ghê gớm lắm. Không nói chuyện chứ mình hoàn toàn mọi thầy mình đều có tình cảm nhau hết chứ không phải là mình không thương nhau đâu. Nhưng mà trên bước đường mình tu tập mình phải sống như vậy, làm như vậy, coi như mình không biết ai hết vậy đó. Thì mấy con sẽ nhắc lại trong cái thời gian mà tu, cái người bạn rất tình cảm với mình họ đến thất mình, đóng cửa cái rầm, mình làm tức, bây giờ đó mình làm bộ, tu khá rồi làm bộ. Để cho cái người bạn chửi mình. Mà mấy con làm được như vậy mới bảo vệ cái độc cư mấy con được đó chứ không khéo mấy con độc cư không nỗi đâu.
Sự thật ra mấy con cố gắng, độc cư nó là bí quyết thành công của sự tu tập của chúng ta mấy con. Bởi vì chính nó mới lắng, lọc được cái tâm của chúng ta. Bởi vì mình độc cư rồi mình mới nhìn thấy được cái tâm mình nó hiện ra. Và đồng thời cái Định Vô Lậu của mấy con mới quét nó đó. Đây là một giai đoạn Chánh Niệm Tỉnh Thức mà tu tập định tỉnh. Thì cái hành động mà mấy con sống một mình mấy con mới thấy được nó. Đây là cái kinh nghiệm bản thân của Thầy rồi, Thầy thấy được điều đó. Mà gạn lọc được tâm tư trong sạch thanh tịnh đều là nhờ độc cư. Còn nếu không độc cư thì mấy con không gạn lọc sạch đâu.
(17:21) Cho nên nó không lâu đâu mấy con. Thầy có 5, 6 tháng. Còn mấy con mà ngồi lại mà tu Thầy cho 1 năm là cao lắm, không có lâu đâu. Nghĩa là gạn lọc tâm tư của mình đi vào thanh tịnh hoàn toàn.
Bên đây thầy Pháp Châu lớn tuổi rồi. Con cũng sẽ qua cái phần bên đây đi con, qua bên các bác lớn tuổi. Con tu theo quý vị không biết nổi không. Sức khỏe con còn nhiều không con?
Thầy Pháp Châu: Dạ còn.
Trưởng lão: Còn hả? Nay con bao nhiêu tuổi rồi, lớn tuổi chưa?
Thầy Pháp Châu: 57 tuổi.
Trưởng lão: À thôi được, 57 tuổi tưởng sáu mươi trở lên thì thôi. Con chưa phải là lão lắm đâu. Được rồi như vậy là con ở bên quý thầy tu được. Ráng được không con? Đi kinh hành được không?
Thầy Pháp Châu: Dạ được.
Trưởng lão: À được rồi, vậy thì Thầy mừng.
(18:14) Thầy Chơn Thành thì khỏi nói rồi. Ông lão làng này thì kể ông tu cứng rồi không có sao hết. Cho nên bây giờ thì tiếp tục quý thanh niên mà thanh niên coi chừng tu không lại ông đó. Mấy con biết ông già đó ông cũng sáu mươi mấy tuổi rồi. Đó thầy Chơn Thành đó, ông lớn tuổi chớ mấy con tu thua ông chớ không bằng ông đâu.
Do như vậy thì Thầy không có cho ông qua bên đây đâu.
Còn bên đây là mấy con. Bắt đầu bây giờ Minh Trí nè, Minh Nhân nè, Minh Thiền nè, Thiện Trí nè, Nguyên Tịnh nè, Bác Phước nè, Thảo hay gì con?
Tu sinh Thảo: Dạ đúng rồi.
Trưởng lão: Thảo con. À làm ở bên đây phải không? Con năm nay được bao nhiêu tuổi rồi mà con qua cái số lão làng này đây?
Tu sinh Thảo: Dạ thưa 58.
Trưởng lão: À, thôi được rồi. Con sẽ qua bên đây được rồi.
Thầy sẽ hướng dẫn cách thức mấy con tu theo cái tuổi lớn tuổi của mấy con, sức yếu rồi. Thì mấy con sẽ học riêng một lớp để Thầy hướng dẫn cho mấy con tập Chánh Niệm Tỉnh Thức mấy con. Tùy theo mỗi người của mấy con mà Thầy hướng dẫn cách thức. Như đi kinh hành, hoặc ngồi lại tu hơi thở, hoặc ngồi lại mà tu Tứ Niệm Xứ - Tâm thanh thản, an lạc, vô sự.
Phần nhiều thì trong tuổi mấy con thì tu tập Tứ Niệm Xứ là nhiều nhất, cái tuổi của mấy con là tuổi ngồi chơi đó. Mà thành Phật đó chứ, ngồi chơi mà thành Phật cái đó là mới độc đáo của đạo Phật đó. Làm sao mà hướng dẫn cho mấy con được cái chỗ ngồi chơi mà làm Phật được, tức là ngồi chơi mà giải thoát, điều đó là điều quan trọng!
Cho nên những cái bài vở của mấy con trong khi Nguyên Tịnh nè, Thầy có quan sát cái bài của con. Minh Nhân nè, Minh Trí nè, Minh Thiền nè, Thiện Trí nè, coi vậy chứ mấy con viết bài đáng khen lắm mấy con. Mặc dù là nó chưa đúng lắm, nhưng mấy con viết nhân quả rõ ràng lắm, cụ thể lắm mấy con, chứ không phải không. Trí óc của mấy con còn minh mẫn lắm, chưa có lẫn lộn đâu. Cho nên Thầy thấy cần khuyến khích cho mấy con nhiều hơn nữa, nỗ lực tu hơn nữa để cho mấy con làm chủ.
Mặc dù như Minh Trí con hơi lãng lãng tai, nói lớn tiếng chứ nói nhỏ không nghe. Nhưng mà vẫn tu được, lãng tai chứ nhưng mà còn nghe chứ mà nếu hết nghe chắc hết tu đó con. Chứ không phải không đâu, bởi vì sáu căn nó còn mình mới tu được mà sáu căn nó mất đi là một điều khó tu. Cho nên vì vậy mà cố gắng tu con lớn tuổi rồi! Ráng mà bỏ quê hương vào đây tu là quá lắm rồi đó. Tu được rồi đem một tin mừng về quê mình.
(21:05) Bây giờ ở đây là có bảy người, ở bên nữ Thầy sẽ ghi chép lại coi bên nữ bao nhiêu. Rồi còn mấy con ở bên nam cũng như… cái lớp của mấy con, hiện giờ thì Pháp Ngộ con hãy ghi giùm Thầy con. Ghi giùm Thầy bên lớp nam. Con lấy tờ giấy con ghi hết cái lớp nam cho Thầy.
Hôm nào mà những cái bài làm mà đạt được cái tiêu chuẩn quán xét của nhân quả, Thầy sẽ cho mấy con đọc lại những cái bài của những người mà làm đúng tiêu chuẩn của nó. Mấy con sẽ đọc nghe cái cách thức Thầy diễn tả, Thầy diễn tả cách thức để mà xoáy sâu vào cái nhân quả, rồi nó có cái lời khuyên và những phương pháp áp dụng vào tâm mình để cho mình xả được tâm, bằng cách là cụ thể lắm.
Thí dụ như bây giờ các con có cái đối tượng nào đó làm tâm mấy con buồn phiền, tức giận. Thì lúc bây giờ mấy con đã từng áp dụng pháp Như Lý Tác Ý hay cách thức nào đó để khắc phục được cái tâm của mình làm cho cái tâm mình trở về bình an đó.
Thì lúc bây giờ khi viết cái bài này ra mấy con đem áp dụng vào cái đó để mà các con thấy rằng nhờ sự tư duy suy nghĩ đó mà làm cho tâm các con được bình an trước ác pháp đó, thì các con cũng đem áp dụng vào những cái bài viết của nhân quả này, nó lợi ích rất lớn cho mấy con. Cho nên nó là chuyển đổi nhân quả, nó làm từ ác, từ cái quả khổ của nó mà nó chuyển thành cái quả vui của nó, nó đem lại sự bình an. Thì mấy con nên viết những cái đoạn đó vào gọi là chuyển đổi nhân quả đó. Thì mấy con viết cái đó nó thực tế và cụ thể.
Trong khi mình viết những cái đoạn nào đó thì mình đều có cái kết luận của nó trong cái sự việc đó để cho thấy rằng mình biết cách áp dụng vào đời sống của mình để đem lại sự bình an cho chính mình. Tu tập như vậy, học tập như vậy nó mới có sự lợi ích thiết thực. Còn nếu không thì nó không có lợi ích.
Cho nên trong cái sự tu tập, Thầy nhắc nhở rất khéo léo, rất kỹ lưỡng để khi mình viết cái bài đó là mình áp dụng vào đời sống của mình mới thực tế. Chớ còn nếu không mình viết bài để hiểu biết, để chơi đó thì nó khác. Còn viết ở đây cho nó thấm nhuần, để làm cho chúng ta xả được ái ác pháp trong tâm của mình. Đem lại sự bình an cho mình.
Mấy con tuy lớn tuổi, nhưng mấy con viết bài cũng khá nhiều chứ không phải ít. Mỗi bài mấy con cũng mang đầy đủ cái tính chất của nhân quả.
(23:46) Cái bài hôm nay mấy con đang viết là Ái ngữ nhân quả. Cái lời nói mà nó nhẹ nhàng, nó ôn tồn, nhã nhặn, nó làm cho mát tai, mát ruột người khác. Đó là Ái ngữ nhân quả.
Mình sử dụng, rồi ngược lại những cái Ái ngữ nhân quả là cái lời nói làm chát chúa lỗ tai người ta, làm cho người ta tức bực đó là cái Ác ngữ. Còn cái Ái ngữ là những cái lời nói đem đến cái sự an vui, cái sự yên ổn, cái sự an ủi người khác làm cho người khác không còn đau khổ nữa đó là những lời Ái ngữ.
Mà rất nhiều! Về vấn đề này là mình viết để mình học, để mình sau này mình dùng cái lời nói của mình luôn luôn là lời nói ngọt ngào, nhẹ nhàng, không có lời nói làm cho người khác đau khổ đó là cái bài học này mấy con ghi lại những cái Ái ngữ. Mà từ lâu mình đã nghe những lời nói đó, những lời Ái ngữ. Cái lời khuyên lơn làm cho mình không có còn làm những điều ác nữa. Thì đó cũng là Ái ngữ mấy con.
Cho nên những cái điều kiện mà học về Ái ngữ để chuẩn bị cho chúng ta có những cái ngôn ngữ ôn tồn, nhã nhặn, hiền hòa, giúp cho người nghe được cái ngôn ngữ, lời nói chúng ta được sự an ổn, được hạnh phúc đó là mình sẽ viết cái Ái ngữ.
Mà Ái ngữ đây như hồi nãy Thầy có nói đó, Ái ngữ về Tà ngữ mà Ái ngữ về Chánh ngữ. Mình phân biệt được cái chỗ này thì mấy con viết mới được, còn nếu không phân biệt coi chừng mấy con lầm lộn.
Thí dụ như một cái lời Ái ngữ mà của thất tình lục dục nó là Tà ngữ đó. Ái ngữ mà Tà ngữ:
"Qua đình dở ngói xem đình
Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu!"
Đó là cái lời Ái ngữ chớ, các con thấy không? Nhưng mà đó là thất tình lục dục mấy con. Coi chừng mấy con sẽ lầm, tôi cũng nói Ái ngữ đó. Coi chừng nó là Ái ngữ của Tà ngữ, của thế gian. Nó gợi lại cái lòng thương yêu, đau khổ của một con người. Có đau khổ trong đó, thương mà thương kiểu đau khổ thì đó là Tà ngữ chứ làm sao. Còn Ái ngữ thương mà không có đau khổ trong đó thì nó gọi là Chánh ngữ.
(26:03) Bên nam chúng ta được 14 người học pháp. Bây giờ trong cái vấn đề mà tu tập về cái pháp Chánh Niệm Tỉnh Thức thì các con lưu ý như Thầy đã nói nó có ba cái phương pháp tu để chúng ta được Chánh Niệm Tỉnh Thức ở trong cái pháp, để đi đến chỗ định tỉnh, nhu nhuyến dễ sử dụng.
Nó có ba cái phương pháp:
Cái phương pháp thứ nhất: Là chúng ta tập trung dưới bước đi chúng ta, cảm nhận cái bước đi của chúng ta. Tức là tỉnh thức từng ở trong bước đi.
Vậy thì muốn tỉnh thức từng trong bước đi mà có chất lượng và có căn bản đó. Nhiếp tâm và an trú cho được trong bước đi đó thì chúng ta hãy tập 1 phút đầu tiên. Nghĩa là tập 1 phút đầu tiên.
Hầu như là Thầy thấy mấy con có ghi, những người nào mà tập được 5 phút, 10 phút, 20 phút điều đó điều tốt. Không có sao hết.
Nhưng mà chúng ta đi trở lại tập 1 phút đầu tiên để xem. Tu 1 phút rồi nghỉ 1 phút, rồi tu 1 phút, hoặc tu 1 phút nghỉ 2 phút rồi tu lại 1 phút. Vậy thì các con sẽ hỏi Thầy cái giờ nghỉ để làm gì?
(27:12) Cái giờ nghỉ để làm gì? Do giờ nghỉ chúng ta chẳng tu gì hết, mà chúng ta chỉ ngồi chơi. Nhưng không phải chúng ta ngồi chơi theo cái kiểu người bình thường, ngồi đó mà suy nghĩ chuyện đông, chuyện tây đó thì không đúng. Mà ngồi chơi để cho tâm thanh thản, an lạc, vô sự - thư giãn đó.
Do đó nó có lăng xăng nghĩ ngợi một điều gì thì chúng ta nhắc, trước khi mình xả nghỉ đó: "Thì tâm phải thư giãn, không được nghĩ ngợi, không được lăng xăng nghĩ nhớ điều này điều kia", phải nhắc nó trước. Khi nhắc xong rồi thì mấy con sẽ nghỉ, các con nhớ kỹ há!
Bắt đầu tu 1 phút nhiếp tâm, an trú trong bước đi tức là đi kinh hành. Mấy con đi từ trên này đi xuống tới dưới lên trên này là 1 phút thí dụ vậy. Khi 1 phút thì mấy con nghỉ. Mấy con kiểm điểm lại trong 1 phút tu mình thấy hoàn toàn mình nhiếp tâm và an trú tâm không có một niệm nào xen vô đó được. Hoàn toàn các con chỉ biết có bước đi mà thôi. Thì đó là cái sức đầu tiên của mấy con tu tập.
Rồi bắt đầu bây giờ mấy con thấy bây giờ nếu mình tu nghỉ 1 phút thì sợ tu lại không chất lượng, cho nên vì vậy mình nghỉ 2 phút. Còn nếu mà mình tu 1 phút mình nghỉ 1 phút rồi mình tu lại 1 phút thì điều đó mình thấy có chất lượng thì mình cứ tu như vậy, cứ nghỉ. Cứ tu 1 phút nghỉ 1 phút. Nghỉ xả hơi, mà khi nghỉ xả hơi thì mình tác ý: "Tâm thư giãn, tâm thanh thản, an lạc, vô sự. Thư giãn hết các cơ không tập trung đâu hết".
Mình nhắc nó rồi, thì bắt đầu từ khi mà mình ngồi nghỉ đó thì mình nhắc cái tâm của mình rồi, thì mình nương vào 1 phút mình nghỉ, mình xem cái đồng hồ coi thử coi 1 phút đi qua coi như thế nào. Thì Thầy tin rằng mấy con nhìn đồng hồ mà coi cây kim của nó để tới đúng giờ thì cái đầu mấy con không có suy nghĩ điều gì. Ngồi nghỉ mà nhìn đồng hồ coi thử 1 phút coi được không. Sau khi nghỉ xong 1 phút rồi, thì lúc bây giờ mấy con tu tập lại 1 phút. Nhiếp tâm và an trú tâm rất kỹ trong 1 phút. Và cứ như vậy buổi sáng các con tu 30 phút, rồi các con sẽ nghỉ 30 phút, rồi các con tu lại 30 phút mà mỗi lần tu thì 1 phút thôi.
(29:17) Và đồng thời thì suốt ở trong buổi sáng mấy con tu 3 lần 30 phút như vậy. Và buổi chiều cũng vậy, buổi tối cũng vậy, buổi khuya cũng vậy tu 30. Còn 30 phút kia để làm gì?
30 phút kia thì các con sẽ tu Định Vô Lậu. Đem bài vở ra ngồi tư duy suy nghĩ, đọc lại cái bài này coi mình viết vầy còn sơ sót cái gì không? Các con cứ đọc lại đừng có viết 1 lần, mà đọc lại. Thí dụ như bây giờ các con làm cái bài này rồi, Ái ngữ nhân quả. Mình đọc lại, mình đọc lại từ đầu chí cuối mình đọc xem coi coi còn có thiếu sót gì không. Coi cái câu này mình viết vậy nó còn cái gì không, đọc tới đây mình dừng lại. Như vậy chỗ này còn thiếu. Các con có quyền thêm mà đâu có sao đâu, các con thêm vô. Và đồng thời chỗ này mình thấy nó thừa quá, các con có quyền ngắt bỏ mà, đâu có sao đâu.
Cho nên vì vậy mấy con nên nhớ rằng khi mà mình trên cái máy vi tính thì nó dễ lắm. Khi mấy con đọc tới chỗ này mấy con thêm vô thì mấy con có chỗ thêm. Còn trong cái tờ giấy như thế này mấy con thêm vô rất khó. Cho nên vì vậy mấy con muốn thêm vô thì mấy con đánh 1 cái dấu, mấy con lấy tờ giấy khác. Chớ mấy con đừng có chép lại nó cực mấy con lắm. Lấy 1 tờ giấy khác mấy con đánh cái dấu y như vậy. Rồi bắt đầu mấy con thêm vô một cái đoạn đó. Đó là con để số 1, tới số 2 con thêm từng đoạn, từng đoạn như vậy. Cái chỗ nào thêm thì con cứ viết trong đó, rồi con đánh cái dấu.
Sau khi con đọc lại cái bài con, thì con lại thêm cái đó vô coi nó như thế nào. Và đồng thời coi tư duy, cái nhân quả này mình hiểu như vậy có đúng không? Đây là đặc tướng, đây là đặc tính nè, đây là duyên hợp, đây là duyên tan nè, coi có không có cái chỗ nào thiếu không. Cái duyên tan này Thầy nói còn thiếu, thêm vô. Đó cách thức hướng dẫn các con làm những cái bài như vậy.
Cho nên vì vậy trong khi đó thì lúc bây giờ đó tu 30 phút khuya, thì 30 phút này ngồi tư duy suy nghĩ đọc lại cái bài của mình, đọc nhiều lần và mấy con triển khai cái tri kiến. Bởi vì ở đây nói triển khai tri kiến mà. Cho nên mình móc moi trong đầu của mình ra coi mình còn chưa hiểu cái gì. Mà dựa theo cái dàn bài của Thầy đó, thì mấy con sẽ móc ra, móc hết ra thì nó thấy. Và bỗng dưng mấy con nhớ chuyện gì trong cái đời của mình, mình đem ra mình nói. Mình nói đây là cái cai sự thật của cuộc đời của mình, đó là những hành động ác hay hoặc thiện.
(31:33) Thiện thì mình nói, hoặc ác thì mình nói có sao đâu. Mình làm một điều thiện, mình an ủi cho 1 đứa bé: Ờ, hôm đó tôi đi đường, nhắc lại câu chuyện. Hôm đó tôi đi về Thành phố Hồ Chí Minh, thì bỗng dưng có 1 cái xe nó đụng, thì ngay trong khi tôi vừa đến đó thì có nhiều người đã bị thương, đã bị chết này kia nọ… thì có một em bé đó cũng ở trong cái xe đó mà mẹ đã chết rồi, do đó đứa bé nó khóc như vậy thì tôi thấy tôi rất xót xa tội nghiệp, cho nên tôi đến đó tôi giúp đỡ đứa bé như thế này, thế khác… bằng cách này, cách nọ. Hay hoặc là có sự kiện gì đó mà mấy con đã gặp trong đời của mấy con, trong cái hành động mà mấy con giúp đỡ, đó là hành động thiện.
Chẳng hạn như bây giờ mấy con đến thăm một trại trẻ mồ côi, hoặc là trại khuyết tật. Con có thấy các người mà khuyết tật như vậy con mới suy nghĩ do nhân gì quả gì mà các người khuyết tật như thế này? Mà phải khổ sở như thế này?
Mình mới nghĩ ra, bây giờ có cái người câm họ nói chuyện quá khó, họ ra dấu ra này kia để họ nhận ra những cái dấu đó mà họ hiểu, họ nói chuyện bằng dấu. Ờ mình thấy những người này chắc hồi xưa chắc cũng dữ tợn lắm cái miệng cũng bép xép dữ lắm. Cho nên bây giờ nó nói không được đó, nó vậy đó. Để cho nó khó khăn.
Mình suy nghĩ qua cái điều mình thấy để cho mình luận qua cái nhân quả. Để thấy nó là cái nhân quả. Các con thấy đó là nhiều cái sự kiện đó.
Rồi bây giờ mình thấy những cái điều kiện trường hợp vào bệnh viện mình thấy những bệnh nhân, thấy những bệnh nhân đó như thế nào đó. Thì mình nói đây là những cái ác pháp gì, qua cái nhân quả mình suy luận ra, mình tìm ra cái nhân quả đó. Để trước là nhắc nhở mình, sau là nhắc nhở người khác để cho mình thấy.
Đây là những cái điều mà trong cái thời gian mà mấy con ngồi nghỉ đó, ngồi nghỉ mà tu Định Vô Lậu bởi vì có hai pháp mà. Một pháp tu Chánh Niệm Tỉnh Thức, một pháp tu Định Vô Lậu. Thì hai cái này mấy con triển khai hết.
Cho nên cái này thì mấy con nhiếp tâm đi kinh hành, hoặc cái này nhiếp tâm trong hơi thở.
Thì trong khi đó mà 30 phút này con ngồi con tư duy đọc lại cái bài của con nếu thấy có gì thì mấy con thêm vô, mà không có thì thôi. Cứ như vậy thì càng lúc các con triển khai. Và tới cái giờ đó hết giờ đó thì con bắt đầu con tu lại cái pháp này, Chánh Niệm Tỉnh Thức. Và đồng thời hết giờ đó qua cái giờ này thì con đem cái bài ra con đọc lại. Và đồng thời con thấy sửa nhiều quá thôi mình chịu khó mình chép lại. Mình chép lại 1 lần nữa là mình thấm nhuần thêm một chút nữa mấy con.
(34:04) Cho nên vì vậy mà giấy thì rất hao, nhưng mà không sao đâu mấy con. Bởi vì Thầy sẽ xin Phật tử giúp đỡ cho mấy con tu. Sau khi mấy con tu xong rồi, mặc dù rất hao tiền và giấy mực của Phật tử. Nhưng mình đã đạt được thì công đức của mình tu hành đền đáp ơn Phật tử rất là lớn mấy con. Sau này mấy con đứng lớp mấy con dạy đạo đức người ta thì đem lại hạnh phúc người ta rất lớn. Thì cái công mà người ta tốn giấy, tốn mực chúng ta học tập ngày hôm nay để triển khai được cái tri kiến của chúng ta, thì cái công đức mà chúng ta nỗ lực tu tập như vậy thừa sức mà chúng ta đền đáp cái công ơn của họ, giúp đỡ cho họ. Chúng ta yên tâm đừng có ngại ngùng gì hết.
Và đồng thời mấy con viết rất kỹ như thế này Thầy rất mừng, vì mấy con đọc nhiều lần là thấm nhuần. Nhớ cái điều đó! Bởi vì mình đang tu mà, cái này tu Định Vô Lậu mà cái kia tu Chánh Niệm Tỉnh Thức mà.
Cho nên vì vậy mà bên đây thì tu từng chút đi lên, bên đây xả từng tâm niệm của chúng ta đi ra. Làm cho 2 bên nó song song nhau tới chừng đó tâm chúng ta hoàn toàn thanh tịnh, thì chúng ta sẽ chứng đạt chân lý không khó khăn đâu. Đó là cách thức mà Thầy hướng dẫn hôm nay, để chúng ta thực hiện con đường giải thoát của chúng ta.
Những cái bài vở mấy con làm nhớ kỹ mấy con cố gắng như vậy thì Thầy sẽ hướng dẫn mấy con đạt được kết quả tốt.
(35:26) Bây giờ trong cái lớp học của chúng ta, bên người già thì chúng ta được 7 người. Vậy thì bây giờ Thầy, cái lớp học này ngày mai, thôi bây giờ Thầy sẽ dạy cho mấy con luôn chớ để ngày mai Thầy mắc bận đi thành phố có công việc rồi. Ngày mốt thì Thầy mắc đi rồi. Bởi vì nó có nhiều công việc để triển khai cái Trung tâm An dưỡng. Cái phương án của Thầy bây giờ nó đã được chính quyền người ta chấp nhận cho thành lập cái Trung tâm An dưỡng.
Nhưng mà bây giờ, thành lập cái Trung tâm An dưỡng thì phương án thì Nhà nước người ta được đọc rồi. Bây giờ người ta đòi hỏi cái đồ án. Cái đồ án là vẽ trên khu đất mình cất bao nhiêu cái khu vực, khu an dưỡng cho người già, cái khu an dưỡng cho nam, nữ cư sĩ, cái khu an dưỡng cho Tăng Ni, rồi cái khu trường học, cái khu bệnh viện, rồi cái khu mà công nhân viên mà làm việc ở trong đó nữa, khu bãi xe nữa. Đó là tất cả những cái khu của trung tâm chúng ta. Do đó thì bây giờ mình phải vẽ cái đồ án.
(36:36) Vẽ đồ án, mấy con nhìn bản đồ mấy con thấy nhà cửa người ta vẽ, rồi cây cỏ đường xá ở trong đó như là mình nhìn cái bản đồ thành phố vậy đó, Nó phải vậy mới gọi là đồ án, chứ không phải đồ án mà vẽ như cái bản đồ mà mình vẽ bản đồ Việt Nam mà vẽ cái đất nước Việt Nam của mình cong cong, queo queo vầy không phải!
Cái đồ án của một cái cơ sở mà xây dựng đó, người ta vẽ nhà cửa rồi đường xá đồ ở trong đó, rồi cây cỏ người ta vẽ, cái người kiến trúc sư họ vẽ, kiến trúc sư trong đó là họ có họa sĩ trong đó nữa. Họa sĩ kiến trúc sư đó.
Vẽ chúng ta nhìn lên cái đồ án chúng ta thấy rõ ràng một cái khu vực ở trong đó nhà cửa, đường xá, tất cả những cái khu vực của chúng ta đều là những cái khu nhà cửa chúng ta đầy đủ trọn vẹn. Nơi đâu là khu giải trí, nơi đâu là cái thư viện, nơi đâu nó có đầy đủ ở trong đó hết.
Chớ không phải là nó đơn giản như chúng ta nghĩ như vẽ cái bản đồ thường đâu, không phải đâu. Nó vẽ cái đồ án, bởi vì cái đồ án cũng như cái phương án chúng ta đọc rồi chúng ta hiểu. Còn cái này nhìn vào cái hình mà chúng ta thấy được.
Do đó, coi như là Thầy đi xuống thành phố để gặp một số Phật tử, và gặp những cái ông kiến trúc sư để mà họ vẽ cái đồ án. Khi cái đồ án vẽ xong rồi thì nộp cái phương án và cái đồ án với giấy tờ chúng ta xong rồi thì nộp cho Nhà nước, Nhà nước sẽ cho mình cái giấy phép. Chừng đó thì cái nhóm Phật tử thành phố người ta sẽ làm công việc đó. Người ta điều khiển, Thầy chỉ có cái ngày giờ Thầy đến đó để Thầy dạy đạo đức cho người ta thôi. Nghĩa là trong cái tuần lễ 1 ngày, 2 ngày để cho những người già, cũng như những người Phật tử người ta tập trung ở đó học đạo đức, thì Thầy sẽ đến đó dạy.
(38:27) Thì ở đó có khu an dưỡng cho chư Tăng. Ví dụ như các con bây giờ đến đó các con sẽ làm giấy an dưỡng, cho nên các con vào trong cái khu đó thì mỗi người có cái nhà, cái thất. Hay hoặc là không biết họ xây cho mình từng cái hang không chừng. Nghĩa là khu an dưỡng của mình cũng là cái nơi tu học đó, nghĩa là cho mỗi người cái hang, cái hang ở trong cái dãy núi nào đó. Thì mấy con sẽ được những cái hang mấy con tu cũng như là cọp ở đó.
Không, thật sự mà! Nếu mà có điều kiện họ sẽ làm cho chúng ta khu an dưỡng cho chư Tăng mà. Bên Ni cũng vậy mấy con. Còn không người ta cất, cất như thế nào bằng tre lá hay hoặc là như thế nào để nó giữ gìn. Có nhiều người cũng có đề nghị là nên cất bằng tre lá cho nhẹ nhàng, nhà sàn đặng cho nó thông khí ở trên dưới như vậy.
Nhưng mà có người bàn bạc như thế này mình cất vậy thì lâu ngày nó bị hư. Mặc dù là rất là mỹ thuật, rất đẹp nhưng mà cũng bị hư. Tốt hơn là chúng ta cứ làm những cái hang mà làm sao cho nó thông hơi đó, mà nó kiên cố đời này qua đời khác. Mấy ông kiến trúc sư họ muốn xây dựng như thế nào các con biết không? Cái công trình của mấy ông để lại muôn đời đó, cho nên họ muốn họ kéo mấy cục đá lớn ở trên núi xuống họ làm cái công trình đó.
Nghĩa là mấy con thấy máy móc bây giờ nó trơ từng cục đá nó làm cho chúng ta từng cái hang đá rất đẹp mấy con. Cái sự xây dựng của họ nó rất khéo léo, họ làm cái hang của chúng ta có phòng vệ sinh đồ trong đó, nó gọn, nó vừa đủ cho chúng ta tu ở trong đó tu tập rất gọn. Mà thông hơi nữa chứ không phải là bít bùng như cái hang thiên nhiên. Nó khác lắm, những kiến trúc sư họ nói với Thầy. Tụi con mà làm những cái hang cho quý thầy tu thì hết chỗ chê rồi, nghĩa là ở đó là thoải mái dễ chịu. Nhưng mà tiền bạc cũng nhiều chớ ít làm không được.
(40:09) Nhưng mà tùy theo cái phước báu mấy con. Cái hang đó không phải là của riêng mình đâu. Bởi vì mấy con đến đó mấy con ở mấy con tu thôi, rồi mai mốt mấy con đến hang khác chứ bộ mấy con ở hoài chỗ đó. Nên nó không phải của mình đâu mấy con, nó là của chung mọi người.
Cho nên vì vậy mà chúng ta có quyền an dưỡng thời gian đó rồi chúng ta đến khu an dưỡng khác, chúng ta là du Tăng khất sĩ mà đâu có ở chết chỗ đó. Cho nên vì vậy mà, nếu mà đủ duyên thì mấy con sẽ có những khu ở đó, Phật tử họ sẽ làm.
Bởi vì Thầy nói người Phật tử họ làm cái gì cũng được hết. Mấy con cứ nhìn thấy các chùa Đại thừa hàng tỷ tỷ mà họ cất đầy ngập hết. Có phải của Phật tử không? Của Phật tử chứ ai! Còn mình làm cái này làm lợi ích rất lớn mấy con, họ sẽ làm cho chúng ta có những cái nơi ở tu tập.
Còn những cái ngôi nhà cho cư sĩ, họ cũng cất những cái khu cho cư sĩ, khu an dưỡng cho cư sĩ họ cất nhà. Họ phân ra, thí dụ như có hai vợ chồng thì họ cất nhà cho hai vợ chồng về an dưỡng chứ không phải. Có mấy đứa con ở cũng được nữa. Bởi vì cái khu đó mà cái khu của người vào đó mà, một cái làng của người cư sĩ ở trong đó.
Rồi tới giờ đó thì coi như là họ đến lớp họ học. Rồi trong khi cái Trung tâm An dưỡng vậy nó có những cái nhà máy sản xuất ở trong khu vực đó, để những công nhân viên đó con em họ có những trường học đi học và họ lao động họ làm luôn công việc ở trong đó. Đó, những cái người mà cần thiết họ có những cái sản xuất để làm kinh tế trong đó nữa mấy con, chứ không phải đơn giản đâu. Ở đây nó có nhiều cái việc làm ở trong cái Trung tâm an dưỡng lắm.
(41:38) Đó là cái mô hình chung của cái nền đạo đức, xây dựng cái nền đạo đức. Nó là cái thí điểm, để hướng dẫn cho những người công nhân viên làm ở trong đó và những người đến an dưỡng đều học đạo đức mấy con. Cái mô hình đạo đức để mà chúng ta thực hiện cái đạo đức của đạo Phật - sống không làm khổ mình khổ người. Trong đó đem lại hạnh phúc, đó là cái cảnh giới Thiên Đàng, Cực Lạc! Mà bàn tay chúng ta làm.
Cho nên người tu chúng ta hoàn toàn có ba y một bát rõ ràng mà. Cơm nước thì có giờ chúng ta sẽ ôm bát đi khất thực, có những cái câu lạc bộ có những nơi mà người ta cúng dường cho chúng Tăng, chúng ta cứ đến đó lãnh cơm về ăn thôi. Chẳng biết nấu nướng ở đâu, chẳng biết!
Còn bây giờ còn thấy cô Út ở đây nấu chứ còn kia thôi mấy con khỏi tìm thấy, không thấy nấu. Đi đến chỗ đó là có chỗ người ta phát cơm cho mấy con, mấy con đến lãnh cái khẩu phần mình về ăn thôi, rồi. Cuộc đời mấy con chỉ là giải thoát hoàn toàn không có vướng bận. Còn Phật tử cúng bánh, cúng trái, cúng đâu cúng tôi không biết, nhưng mà miễn bữa trưa đó có đủ ăn thôi. Đó là Phật tử cúng dường.
Cho nên là ngày mai là Thầy đi đến đó là có mục đích như vậy. Dự định vẽ cái đồ án, cái phương án của Trung tâm An dưỡng cụ thể.
Cho nên hôm nay thì mấy con sẽ cố gắng tu tập, Thầy mong rằng từ cái duyên này mà nó đi đến cái duyên khác. Thì ở đây chúng ta đào tạo con người được thì cái trung tâm ra đời thì có người đứng lớp dạy. Thì như vậy là nó hợp duyên, nó đúng lúc. Đào tạo được mà có chỗ để mà chúng ta hoạt động chứ, mà đào tạo được rồi bây giờ đi lại chùa Đại thừa thuyết giảng chúng đập cho mà chạy chứ ở đó!
Phải không, mấy con thấy? Dạy theo kiểu này, tui dạy Niệm Phật mà ông dạy người ta đi kinh hành kiểu này tôi đâu có đồng ý. Đó phải có cái chỗ nơi cho mấy con hoạt động để làm lợi ích cho mọi người. Đó là cái điều kiện mà nó phải hợp.
Chớ bây giờ Thầy đào tạo ra xong rồi thì mấy con cũng ngồi chơi đó thì như vậy thì thôi, đi đâu cũng bị gò bó hết không cho ai nói chuyện, cấm không cho mấy con thuyết giảng gì hết. Thì cái đào tạo mấy con thành quả A La Hán thì thôi bây giờ có nước thôi tôi đi vào Niết Bàn cho rồi chứ ngồi không đây chi mà ăn ngày có bữa chi cho cực! Có phải không? Thì cuối cùng mấy con cũng chỉ đi thôi. Chứ bây giờ mấy con cứ về chùa thầy tổ mình nói: "Mày lính tráng mày bậy bạ, mày lên Chơn Như về đây mày nói theo kiểu đó, tao đuổi mày ra khỏi chùa. Có phải không? Ai cho mấy con vô trong đó nói chuyện này.
Cho nên vì vậy Thầy nghĩ rằng mấy con phải có cái nơi chỗ để cho mấy con đem cái nền đạo đức của Phật giáo làm sáng tỏ. Chứ mấy con không có chỗ thì coi như là chẳng qua mấy con tu vì chỉ có làm lợi ích cho chính mình sao? Đâu có được. Phải không mấy con?
Nhớ! Mấy con ráng tu. Đó, vì vậy tuổi trẻ của mấy con đó là phải rất cần thiết. Hôm nay còn những điều gì mấy con hỏi Thầy không? Có ai hỏi điều gì nữa không con?
Còn không hỏi còn thì giờ thì chúng ta sẽ tập.
HẾT BĂNG