CK 028A (CHUNG) - PHẬT TỬ TÁC BẠCH CÚNG DƯỜNG - CẢM NGHĨ MỘT THÁNG HỌC LỚP CHÁNH KIẾN
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Tu sinh (chung)
Thời gian: 02/12/2005
Thời lượng: [53:28]
(00:00) Tu sinh: Hôm nay có chị Liên Châu tác bạch cúng dường Thầy!
Trưởng lão: Ờ, được rồi con!
Hôm nay là cái lớp học của chúng ta đã tròn 1 tháng học. Qua 1 tháng học, hôm nay tới cái giai đoạn chúng ta học Chánh Niệm Tĩnh Giác - học nhiếp tâm và an trú tâm. Đây cũng là cái phần rất quan trọng trong con đường tu học để đạt được sự giải thoát!
Thầy mong rằng các con phải cố gắng và còn cố gắng hơn nữa trên cái lớp học, rất là vất vả và cực khổ; nhưng bù đắp lại cái sự vất vả, cực khổ đó - mấy con sẽ đạt được sự giải thoát hoàn toàn mà Thầy rất tin tưởng! Vì con đường của đạo Phật là cái chương trình giáo dục - đào tạo, cho nên trong 1 tháng qua mấy con đã cố gắng học tập, rèn luyện mình để thấm nhuần được sự giải thoát của đạo Phật.
Cho nên hôm nay thì Thầy xin nhắc lại, nghĩa là trước tiên ở trong cái lớp học này thì chúng ta cố gắng khắc phục mình, giữ gìn hạnh độc cư - đó là cái thứ nhất để chúng ta đi sâu vào trong 1 năm. Nếu 1 năm mà chúng ta giữ gìn đúng thì chắc chắn là chúng ta sẽ đạt được chân lý!
Đó là điều tiên quyết mà Thầy nói rằng không phải chúng ta học tu suốt cả đời chúng ta, cũng không phải có cái thời gian nhiều đời, nhiều kiếp. Mà trong giáo lý của đạo Phật đã xác định cho chúng ta biết được cái thời gian đó là 7 ngày, 7 tháng, 7 năm.
Ở đây, chúng ta đã biến nó thành 1 cái lớp học đào tạo - giáo dục thì Thầy nghĩ rằng nó không còn phải 7 ngày, 7 tháng, 7 năm nữa. Mà nếu trong 1 năm mà chúng ta chuyên cần tu tập, thấy đúng như thật thì tâm chúng ta sẽ vô lậu.
Do cái chỗ chúng ta vô lậu - đó là chứng đạt sự giải thoát chứ không phải ngồi thiền 7 - 8 ngày, nhập định 1 tháng, 2 tháng, hoặc có thần thông phép tắc, bay trên trời, phóng hào quang, biến hóa, tàng hình mới gọi là chứng đạo.
Mục đích của đạo Phật ở đây không phải chứng đạo cái kiểu đó! Mà chứng đạo của đạo Phật là tâm bất động - sống không làm khổ mình, khổ người. Cho nên quý vị nên lưu ý, trong khi chúng ta tu học để chúng ta biết được cái sự chứng đạo của chúng ta.
Cho nên nhiều người cố gắng để thiền định, để mong mình nhập được định mới gọi là chứng đạo. Dù các vị có ngồi thiền 5 - 7 ngày mà xả thiền ra, khi người khác nói cái lời nói làm cho quý vị bất toại nguyện thì điều đó quý vị cũng chưa được giải thoát!
(03:07) Ở đây, có những bài mà được đọc là để khích lệ cho những người đó đang gặp những khó khăn; chứ không phải để ca ngợi người đó, khen tặng người đó; mà giúp họ - khích lệ cái sự tu tập của họ.
Ở đây, Thầy cho đọc những bài đó là để khích lệ, để cho họ cố gắng vượt qua những hoàn cảnh khó khăn. Ở đây làm bài để tu học cho mình thấm nhuần được cái lý nhân quả thật sâu; để tránh làm những điều ác, sống những điều thiện chứ không phải tu học để cầu danh cầu lợi.
Cho nên, khi bài được đọc hoặc bài không được đọc - điều kiện Thầy đã biết mấy con cố gắng hết mình sự tu học của các con. Thầy biết rằng khi cho 1 đề tài mấy con làm nhiều lần, nhiều bài, cặm cụi, cố gắng để triển khai cái tri kiến của mình. Nhiều khi có cái mấy con sắp xếp chưa ổn định, chưa theo dàn bài đúng của đường đi của nhân quả. Cho nên Thầy có gợi ý cho mấy con theo cái dàn bài mà đức Phật đã vạch ra rất rõ ràng đó là hành thập thiện - Mười Điều Lành.
Mười Điều Lành tức là đường đi nhân quả của con người. Nếu mà chúng ta không dựa vào đó thì chúng ta sẽ viết sai, viết thành nó lạc đề, viết nó mông lung; nó nói cũng nhân quả nhưng mà nó mông lung, nó không xoáy vào cái đề tài chính.
Cho nên ở đây, chúng ta đã có đức Phật đã dàn dựng cho chúng ta 1 cái dàn bài để chúng ta đi vào nhân quả. Nhờ đó mà chúng ta hiểu được cái hành động thiện - hành động ác của thân, khẩu, ý của chúng ta mà cố gắng khắc phục; mà đức Phật thường dạy: “Ngăn ác, Diệt ác - Sanh thiện, Tăng trưởng thiện”.
Đấy là chúng ta phải hiểu biết nhân quả nào ác mà nhân quả nào thiện; do đó chúng ta mới ngăn, chặn và diệt nó; còn niệm thiện thì chúng ta tăng trưởng. Đó là cách thức phải hiểu, nếu không hiểu thì biết gì thiện mà biết gì ác?
Cho nên ở đây, lớp học đầu tiên, ngày đầu tiên chúng ta vào học đó là học nhân quả. Nhưng muốn cụ thể thì chúng ta phải học nhân quả thảo mộc; còn nếu không, thì không thể nào có được những cái bài học.
(05:39) Vì vậy hôm nay, trước tiên chúng ta sống được ở trong cái lớp học mà bình an như thế này thì chúng ta phải nhớ công ơn của mọi người. Công ơn nơi đây - Nhà nước người ta giúp đỡ cho mình được yên ổn tu hành; nơi đây là nhờ của đàn na thí chủ, mình mới sống ngày 1 bữa mà mình tu hành.
Nhớ công ơn ấy - cho nên vì vậy, trước khi chúng ta nhắc đến sự học tập, nói đến sự cảm niệm của chúng ta trong lớp học này, thì Thầy mong rằng các vị Phật tử hiện có mặt đây trong cái buổi lễ hôm nay là đã trải qua 1 tháng tu học; tiếp đến 1 tháng kế tới chúng ta học Chánh Niệm Tĩnh Giác.
Vậy trước khi bước vào cái lớp học Chánh Niệm Tĩnh Giác thì quý Phật tử đã có lòng cúng dường cho chư Tăng, cho cư sĩ về đây tu học có những cảm nghĩ gì, xin đến đây trình cho Thầy! Mong quý Phật tử, ai có cảm nghĩ gì thì hãy đến trình cho Thầy!
Mà nếu các con cảm nghĩ gì lớp học thì các con cứ đến trình cho Thầy qua cái lớp học này, mấy con đã thành tâm cúng dường cho chư Tăng, cho quý cư sĩ được học tập.
(07:37) Phật tử: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nam Mô Bổn Sư Trưởng lão Thích Thông Lạc Như Lai Phật!
Hôm nay, tại đạo tràng Tu viện Chơn Như, hàng Phật tử chúng con kính dâng niềm tôn kính cúng dường mười phương chư Phật và hiện tiền chư Tôn đức, kính dâng lời tác bạch!
Kính bạch chư Tôn đức! Phật tử chúng con ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hôm nay. chúng con rất có phước duyên được về Tu viện Chơn Như. Trước là đảnh lễ chư Phật, chư Tôn đức để gieo hạt giống phước điền trong ngôi Tam Bảo. Chúng con xin chư Tôn đức, từ bi - hoan hỷ chứng minh nạp thọ để chúng con làm tròn bổn phận mệnh hộ của 1 người Phật tử tại gia, với tất cả tâm tình tha thiết gửi trọn niềm tôn kính đối với chư Tôn đức.
Hôm nay, đầy đủ phước duyên lành chúng con xin thành tâm đóng góp chút tịnh tài, tịnh vật để bổ sung thêm cho bữa ngọ trai mỗi ngày. Kính cúng dường hiện tiền Chư tôn đức và các vị Chư tôn trong khóa học lớp Bát Chánh Đạo tràng này.
Nguyện hồng ân Tam Bảo gia hộ Chư tôn đức pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu. Mãi là bậc thầy khả kính, luôn dìu dắt chúng con trên lộ trình giải thoát.
Nguyện đem phước báu này hồi hướng cho cha mẹ, thân bằng quyến thuộc chúng con được thân tâm thường lạc, phước thọ tăng long. Đồng cầu nguyện cho các giới chúng sanh đều trọn thành Phật đạo.
Ngưỡng mong trên chư Tôn hiền đức, từ bi - hoan hỷ chứng minh nạp thọ và còn ban bố cho chúng con những pháp từ vô giá. Chúng con xin tạc dạ ghi tâm, đầu thành đảnh lễ cúng dường Tam Bảo.
Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát!
(10:02) Trưởng lão: Con, Thầy xin hoan hỷ nhận sự cúng dường của mấy con để giúp chư Tăng với cư sĩ về đây tu học. Thầy mong lớp học này thành tựu để đền đáp công ơn của quý Phật tử đã xứng đáng bỏ từng giọt mồ hôi, nước mắt để giúp cho chư Tăng, các cư sĩ tu học thành công.
Trước khi mấy con trở về Thành phố, Thầy xin gửi lời thăm và chúc các Phật tử được mạnh khỏe, nỗ lực giúp Thầy xây dựng đạo Phật sống lại những lớp học như thế này. Đem lại nền đạo đức cho muôn người - sống không làm khổ mình, khổ người. Thầy mong ước điều đó, mong các con sẽ trợ giúp Thầy!
(11:25) Thanh Quang có cảm nghĩ gì cái lớp học trong 1 tháng qua? Những gì mà mình đã tu học và chúng ở đây mọi người tu học như thế nào, con có cảm nghĩ gì thì con hãy nói lên cảm nghĩ của mình trong 1 tháng tu học.
Thầy Thanh Quang: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nam Mô Bổn Sư Thích Thông Lạc - chứng quả A La Hán!
Kính bạch quý chư Tăng, Ni và quý cư sĩ!
Hôm nay, ngày mùng Hai - tháng Mười - Quý Dậu. Đến hôm qua, lớp Chánh Kiến vừa tròn 1 tháng - lớp học đầu tiên của Tu viện Chơn Như và cũng là lớp đầu tiên của hành tinh này sau hơn 25 thế kỷ từ khi đức Phật nhập diệt.
Không còn những ngày thấp thỏm, chờ mong, hồi hộp của buổi ban đầu; nhưng vẫn dư âm náo nức, sự phấn chấn trong lòng mỗi tu sinh. 62 Tăng, Ni và cư sĩ chúng con ngồi đây, vẫn cảm nhận hằng ngày sự quan tâm, cổ vũ, hy vọng, tin yêu của hàng vạn Phật tử bốn phương trong nước và ngoài nước tu theo chánh pháp Nguyên Thủy.
Bốn tuần đi qua thật là nhanh, ngoảnh nhìn lại chúng con thấy thỏa bao điều mới lạ, hấp dẫn, thiết thực không ngờ. Chúng con đã thực hiện 6 bài luận với 6 chủ đề: Nhân Quả Thảo Mộc, Nhân Quả Duyên Hợp, Đường Đi Nhân Quả Con Người, Nhân Quả Thân Hành, Nhân Quả Khẩu Hành, Nhân Quả Ý Hành.
Thật ra, đây là 6 bài văn nghị luận rất khó! Nó gồm cả bình luận, phân tích, chứng minh, lại cả kể chuyện tường tận. Đề bài thật ngắn gọn, cô đọng nhưng lĩnh vực lại mênh mông - nó là toàn bộ những gì hoạt động đời sống con người.
Rõ ràng, văn nghị luận nhưng cách học chưa từng thấy ở bất cứ trường lớp nào trên đời. Đó là cách: Thầy cho đề tài, trò tự triển khai tri kiến chấp tác thực hiện được đời sống trên cơ sở giáo lý bấy lâu đã học.
Bài luận ở nhà trường viết xong, chấm điểm là xong; bài ở đây viết rồi - viết nữa, viết chưa đủ - viết lại. Viết chưa hết ý - viết tiếp. Có tu sinh, 1 bài viết 3, 4 lần - 10, 20, 30 trang giấy. Viết mà giống như người đẽo gỗ, gạc cây; gạc bao giờ hết giác còn lại độc lõi mới thôi. Thế nên, tiếng là mỗi người 6 bài nhưng thật ra thành trên dưới chục bài - tùy theo cách gạc đẽo của mỗi tu sinh.
(14:09) Bốn tuần qua, kể cả viết lần nháp và chính thức, nhiều người viết gần 300 trang giấy; cá biệt, có người 1 bài viết gần 9 tập vở 96 trang; viết đến mức, 2 ngày hết sạch 1 ruột bút bi. Có người cặm cụi viết đến sáng rõ, bỏ cả quét dọn để kịp nộp bài; có người viết đến mờ mắt, bao nhiêu lần đọc xong không vừa ý lại xé; có những người viết đến quên cả giờ lên lớp, đã 8 giờ vẫn ngồi gò lưng trên đất, tay bóp trán, mắt chăm chăm trên trang giấy, mồ hôi lấm tấm - đúng là viết đến cùn bút! Ngay như con, con tự thấy viết bút bi quá tốn, xin nhiều ngại - con chuyển sang viết bút mực; gần tháng nay, cạn nửa lon mực Cửu Long, viết bài và ghi 5 quyển vở. Con chắc mọi tu sinh cũng vậy!
Không có sự học nào, học ở đâu lại say mê, miệt mài và lạ lùng đến như vậy! Và cũng không có lớp học nào trên đời lại kỳ lạ - có cả những người trình độ Đại học cùng với lớp 3, lớp 4 cả những người tuổi ngoài 80, bên cạnh người trẻ măng vừa qua tuổi học trò.
Nhưng lạ thay, qua các kỳ sát hạch, thật sự chẳng có ai kém phải cắp sách ra về. Ngược lại, cũng chẳng có ai dư sức, tất cả ai ai cũng đều cố gắng hết mình, đều tiến bộ hẳn lên, thật là xúc động!
Trong hàng tứ chúng, có những cư sĩ đã 70 - 80 tuổi, có người ngoài 80; lẽ ra giờ này ở nhà đang trên chăn, dưới đệm, con cháu nội - ngoại săn sóc từng bước đi, lắng nghe từng tiếng ho, hơi thở, kính dâng hoa quý, trái thơm. Nhưng các vị đã bỏ hết lại đằng sau dù là phòng lạnh, lò sưởi, sâm nhung, quế cụ - 1 mình về đây 1 thất; cũng ngày 1 bữa khất thực; chống gối đếm từng bước chân đủ 3 tiếng, 4 thời cũng ngồi còm cọm chậm rãi nắn từng con chữ để thành hàng chục, hàng trăm trang bài tập.
Điều gì khiến các bậc cao niên làm được như vậy? Sức mạnh và sự phi thường ấy từ đâu sinh ra? Nếu không phải là con đường giải thoát khổ đau? Không phải là mong học đạo đức để trọn sự làm người thì mọi vàng bạc, châu báu thế gian cái gì có thể đánh đổi?
(16:52) Lại những tu sinh trẻ măng - vừa được bứng ra khỏi vườn ươm, chưa vào nghề, đang tuổi ăn, tuổi ngủ, tuổi vui chơi của thời kỳ đất nước thanh bình mở cửa. Song, họ dám từ bỏ mọi ngọt ngào cám dỗ, dứt khoát bước đi; bỏ lại sau lưng bao níu kéo của người thân, bạn bè để mãi mãi trên thân chỉ 1 màu mộc mạc, thanh khiết; 1 bữa ngọ trai, 1 mình, 1 thất, 1 con đường độc bộ - độc hành. 1 là chứng đạo hoặc 1 trắng tay và tất cả đều hết!
Nhận ra sự vô thường và khổ đau của kiếp người, thấm được chân lý mà đức Phật đã chỉ dạy nên mới có những điều bình thường mà phi thường ấy; mới có sự tu tập suốt thâu đêm 12 tiếng đồng hồ; những cuộc vật lộn hôn trầm, té ngã lại bò dậy đứng lên đi; những cơn thọ đánh tưởng đến đứt gân, sụn gối; viết bài Định Vô Lậu có lúc căng muốn nổ mắt lại chuyển sang đi kinh hành.
Phải ôm chặt tâm mà nhiếp gằn nhau với từng niệm trên mỗi 1 bước đi để cố giữ từng phút chỉ tiêu an trú đã hứa với Thầy.
Ai biết những mảnh giấy mình tự gương lấy mình, bỏ thói hư thầm ước trong túi áo? Ái thấy những dòng chữ ngắn gọn đanh thép: “Chứng đạo hay là chết khổ!”, dán trước cửa thất ra vào?
Với ý chí nỗ lực, can đảm, ngoan cường đó lại có Thầy ở bên trong từng bước đi, hơi thở. Cho nên 1 tháng qua, 62 tu sinh chúng con đã thấy mình tiến bộ hẳn lên. Dần dần biết tư duy ngày 1 sâu sắc; vừa mở rộng, vừa viết thẳng vào vấn đề khai thác đến hết ý; lại tập cách lập luận chặt chẽ diễn đạt để dễ hiểu, gọn gàng. Phương pháp học thật là mới lạ, thần kỳ. Chỉ có cách học như vậy mới là thật học!
Học tới nơi, tới chốn; đến chỗ mở rộng tri kiến khai sáng trí tuệ thấm nhuần chân lý, giữ tâm bất động trước các pháp. Đúng là học đến đâu, đầu óc bừng tỉnh đến đó, sáng lạng hẳn lên.
(19:19) Có những tu sinh, bài đầu không biết viết thế nào, đề tài mênh mông mà chỉ viết vỏn vẹn 2 trang giấy. Nhưng chỉ 2 - 3 tuần sau, họ đã vượt lên 4 trang, được Thầy phê "Đủ ý, có nhiều tiến bộ!". Cả lớp chẳng còn ai thuộc vào loại liệt tuệ, khó tu. Có những người không ngờ viết nổi 5, 7 chục trang và được Thầy đánh giá là hay, hấp dẫn.
Mới 4 tuần thôi nhưng rõ ràng - tri kiến về nhân quả có bước tiến rõ. Bước đầu, biết nhìn mọi việc trong nhân quả, xong dần dần yên tĩnh, ít hồi hộp lúc buồn vui. Đúng là không thể học ở đâu, học kiểu gì để có kết quả tiến bộ nhanh như vậy. Sự thật ấy là rõ ràng!
Dẫu mới chỉ 1 tháng, nhưng kết quả ban đầu ấy đã lấp lánh dấu hiệu của 1 mùa vàng tất yếu. Có được kết quả đó vì chúng con có Thầy ở bên. Bất kể ngày đêm, chúng con có Thầy trong từng bước đi, hơi thở. Từng ngày hết bên Ni - lại Tăng, Thầy liên tục nói, nói không biết nghỉ, dồn hết tâm trí cho chúng con. Thầy thầm lặng theo dõi mỗi người như mẹ hiền theo dõi đứa con ốm yếu của mẹ.
Sự nghiệp chấn hưng Phật giáo - Thầy như người thuyền trưởng với con tàu giữa phong ba, bao trở lực khó khăn chỉ mình Thầy chịu. Thầy biết, bên cạnh đó lại là đống bài tập; mỗi 1 lần, hàng ngàn trang chép tay khó đọc. Thầy phải rà từng ý, bút đỏ lại cặm cụi chỉ cặn kẽ chỗ thiếu sót ở mỗi người.
Gương hạnh của Thầy - sống lòng yêu thương, lo toan Thầy dành cho chúng con không thể bằng lời để diễn tả! Hàng ngày, có nơi ăn chốn ở yên ổn, có đủ đồ tứ sự cần thiết; chúng con thấm thía công ơn của những người ngày đêm tất bật, không hề biết nghỉ ngơi, tất cả vì sự học tập của chúng con.
(21:38) Chúng con biết ơn đàn na thí chủ, cư sĩ Phật tử các nơi, cũng như Thành phố Hồ Chí Minh đã hoan hỷ cúng dường chánh pháp, lo cho chúng con mọi sự chu đáo từng bữa ngọ trai hằng ngày. Từ tấm khăn, quyển vở, bàn ngồi viết cho từng người. Ơn nặng, tình sâu ấy chúng con chỉ còn biết gắng học cho đến đích mới phần nào ngày mai có thể đáp đền!
Bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của mỗi người - thời gian qua cũng bộc lộ những điều chúng con phải khắc phục. Đó là sự cố gắng có lúc đến mức thái quá, những biểu hiện nôn nóng, muốn đốt cháy giai đoạn; muốn nhanh chóng thanh toán hôn trầm, xin tu tập suốt đêm, tự tập thêm giờ, tập quá sức nên bị ức chế sẽ rơi vào tưởng. Như câu tục ngữ vẫn nói: “Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”.
Tu tập không phải là cuộc đọ sức 1 sớm, 1 chiều, 1 cuộc quyết chiến là xong; mà là sự bền bỉ, âm thầm quay vào trong, đi từng bước cơ bản vững chắc. Người xưa đã dạy: “Dục tốc, bất đạt!”.
Trước mắt chúng con, mọi người phải nỗ lực ở cấp độ mới, để giữ gìn giới luật; bởi giới luật là hàng đầu của sự tu tập. Thời đức Phật có 500 vị chứng quả A La Hán, trong đó 90 vị chứng Tam Minh, 90 vị chứng Thiền Định, còn lại tất cả đều chứng về Giới Luật - thế mới biết vai trò của giới luật đến chừng nào.
Chúng con phải giữ cho tốt hạnh độc cư - đó là chìa khóa để bước vào thiền định! Phải gắng sức nhiếp tâm cho bằng được, theo chỉ tiêu tiến dần lên từng phút trong an trú. Mọi người phải tự điều chỉnh hành vi của mình để hướng tới giữ oai nghi, Thánh hạnh - xứng đáng là tu sinh Chơn Như.
Thời kỳ tới, tập trung vào tập Chánh Niệm Tĩnh Giác, từng hơi thở, bước đi phải tập kỹ lưỡng cơ bản; tiến đến đâu được đến đó để làm cơ sở cho mục tiêu 30 phút nhiếp tâm không có vọng.
Con đường trước mắt còn dài, còn bao khó khăn bất trắc. Bên cạnh những duyên lành, nhân thiện, thì cũng còn bao sóng gió ác pháp sẽ đến với Tu Viện và chúng con. Nhưng nhìn lên đã có Thầy, mọi người làm đúng lời Thầy dạy, nắm giữ bất động tâm trước mọi ác pháp - chúng con tin mọi việc đều sẽ vượt qua!
(24:24) Chúng con tin vào Thầy, tin ở kết quả của lớp học Chánh Kiến lịch sử này như tin quy luật muôn đời - có nhân, tất có quả. Nhân đó từ phước báu đã hàng ngàn năm của chúng sinh, từ nhiều nhiều năm qua Thầy đã ấp ủ; chúng con chỉ còn có đường quyết chí tu học.
Muốn làm người đúng như con người thì phải học đạo đức làm người; đạo đức làm người là đạo đức nhân bản - nhân quả. Con đường ấy - đấng cứu tinh của nhân loại, đức Phật Thích Ca Mâu Ni cách đây 2500 năm, Ngài đã đi đã thành tựu. Với lòng xót thương vô cùng, vô tận nỗi khổ đau của con người, Ngài đã ân tình chỉ dạy con đường thoát khổ. Hôm nay đức Thầy đang âm thầm vượt qua bao khó khăn trở ngại, triển khai từng đường đi nước bước để đưa con người đến chỗ đức Phật hằng mong mà trước kia Ngài chưa có thể làm được.
Không đi trên con đường 8 nẻo mà đức Phật đã khẳng định: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tin Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định - mọi nẻo khác, dù kiểu gì cũng đều đến vực thẳm!
Hơn 2500 năm qua đã minh chứng điều đó, máu và nước mắt của nhiều thế hệ đã nói điều đó! Chúng con chỉ còn con đường quyết chí tu học, quên mình để giữ đạo.
Chứng đạo mới đền đáp lòng mong mỏi và công ơn của Thầy; chứng đạo mới cứu được mình, độ được người; chứng đạo mới khỏi phụ lòng đàn na tín thí, công ơn cha mẹ và Tổ quốc, nhân dân, chính quyền; khỏi uổng 1 kiếp đã sinh làm người, đã gặp chánh pháp, gặp thiện tri thức. Có vậy mới là học trò của Thầy, của Tu viện Chơn Như. Chúng con xin gắng sức để sống sao cho xứng đáng!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nam Mô Bổn Sư Trưởng lão Thích Thông Lạc hoan hỷ chứng minh!
Xin quý chư Tăng, Ni và quý cư sĩ đại xá những lời chưa thấu đáo!
(26:50) Trưởng lão: Bên nữ, có ai có cảm nghĩ về cái lớp học chúng ta trong 1 tháng không mấy con? Bên nữ, mấy con có sự cảm nghĩ gì?
Tu sinh: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nam Mô Bổn Sư Trưởng lão Thích Thông Lạc!
Trước tiên, chúng con kính dâng lên lời biết ơn đấng từ phụ Thích Ca Mâu Ni Phật đã để lại giáo pháp quý giá nhất cho loài người.
Chúng con kính dâng lên lời biết ơn đức Thầy Thích Thông Lạc, là người thực hành giáo pháp ấy và đã được chứng đạt chân lý. Nay Thầy đem triển khai lại cho chúng con bằng lớp học giáo dục - đào tạo vô lậu.
Chúng con xin cám ơn các đấng sanh thành - giáo dưỡng trong nhiều đời, nhiều kiếp và kiếp hiện tại.
Chúng con xin cám ơn các cấp chính quyền địa phương đã trợ duyên, giúp đỡ cho tu sinh về đây dự lớp học.
Và chúng con cũng xin biết ơn tất cả chư Phật tử đã có tâm lo lắng tứ sự đầy đủ để chúng con yên tâm tu học.
May mắn thay trong cuộc đời ngắn ngủi, vô thường, đầy khổ đau này chúng con lại gặp được chánh pháp do đức Thầy Trưởng lão Thích Thông Lạc đã chứng đạt chân lý, làm chủ sanh - già - bệnh - chết. Thầy đã dựng lại chánh pháp, chấn hưng Phật giáo đã bị chôn vùi hơn 25 thế kỷ qua. Thầy đã và đang từng bước lập lại nền đạo đức nhân bản - nhân quả, đem lại sự lợi ích cho con người trên hành tinh này.
(28:27) Hôm nay, trước chư vị Tăng - Ni cùng quý Phật tử, kính xin Thầy cho phép chúng con được trình bày cảm tưởng trong những ngày tham dự lớp học giáo dục - đào tạo vô lậu.
Kính bạch Thầy! Đầu tiên lên lớp học, chúng con biết bao háo hức, vui mừng như đón chào 1 ngày thiêng liêng cao quý nhất trong đời vì lớp học này là 1 quá trình chuyển đổi, lột xác để tất cả được chuyển phàm làm Thánh.
Ngày đầu tiên chúng con được nghe Thầy triển khai bài học lớp Chánh Kiến trong Bát Chánh Đạo, những pháp âm vang lên làm rúng động tâm hồn của từng Phật tử. Trong pháp hội trang nghiêm - tưởng chừng như bánh xe chuyển pháp luân thời đức Phật còn tại thế. Những hình ảnh và âm vang ấy nó sẽ theo chúng con suốt thời gian học và mãi mãi.
Đây cũng là lớp học đầu tiên trên thế gian này kể từ khi đức Phật nhập diệt đến nay, trong lịch sử loài người chưa ai làm được!
Thật vậy, Thầy đã gióng lên hồi chuông làm rung chuyển đất trời và đánh thức loài người từ những ngàn năm được ru ngủ trong giáo lý tưởng giải của Đại thừa Bà La Môn giáo, nay được hồi sinh bừng sáng.
Lớp học của Thầy khai mở là tiếng sấm vang giòn giã tiến đến loài người và chuyển hóa lòng người bằng ánh sáng chân lý trí tuệ và tình thương.
Bước vào lớp học, Thầy đã trang bị cho chúng con có đôi mắt trí tuệ bằng phương pháp hiểu biết sâu rộng về nhân quả, để cho Chánh Kiến nhìn rõ như thật các pháp. Thế gian vô thường, đau khổ, hệ lụy, đầy nguy hiểm là những dục vọng tầm thường mà chúng con phải xa lánh.
(30:14) Sau 1 thời gian ngắn, chúng con đã cố gắng năng nổ tu tập đúng lời Thầy dạy; từng bước chân theo Thầy trực tiếp hướng dẫn và đã có kết quả liền trong từng phút, từng giây. Nghĩa là Thầy đã cho chúng con tư duy, quán xét cặn kẽ để có trí hiểu biết nhìn thấu suốt quy luật qua nhân quả.
Thầy triển khai tới đâu, chúng con khai mở sáng suốt đến đó; chúng con đã biết quán xét và nhạy bén từng niệm khởi; nếu niệm thiện thì được tăng trưởng, niệm ác liền tiêu diệt.
Hằng ngày, Thầy luôn hun đúc, thúc đẩy, khơi dậy tiềm năng suối nguồn trí tuệ tùy theo đặc tướng của từng Phật tử. Nhờ vậy lớp học mới mở 1 thời gian ngắn mà chúng con thấy được đường đi nhân quả của con người qua hành động thiện - ác và tất cả mọi vật trong vũ trụ đều nằm trong quy luật nhân quả. Hiểu rõ nhân quả là sự phản ảnh trung thực hành động thiện - ác của con người do thân, khẩu, ý tạo ra.
Nhờ vậy, chúng ta mới có thể vượt qua mọi ác pháp, phiền não, khổ đau của nghiệp lực để dẫn tâm sống toàn thiện và bất động, xả sạch mọi dục lậu - đó là con đường giải thoát mà chúng ta đang đi và sẽ tới.
Thầy luôn là 1 động cơ ý thức nhắc nhở chúng con hãy cố lên, quyết tâm, gan dạ, luôn bền bỉ, ý chí, nghị lực để chiến thắng sanh tử làm chủ nghiệp lực. Vì Thầy đã làm được thì các con cũng sẽ làm được!
Thật đúng vậy, bằng chứng cụ thể là có nhiều người đạt được tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Có nhiều người bị bệnh nan y không chữa trị được, thế mà về đây giữ đúng giới luật, ôm pháp thực hành tuyệt đối không uống thuốc - thời gian bệnh hết, tâm được an vui hạnh phúc. Vì giới luật là nền tảng đạo đức nhân bản - nhân quả và giới luật cũng là chiếc phao vượt qua biển khổ đến bờ giải thoát.
Khóa học này, Thầy đã đem lại cho chúng con niềm tin và hạnh phúc. Tâm hồn thanh thản, phóng khởi, tự tin là chúng con sẽ theo kịp và tiến dần theo lộ trình Thầy đã hướng dẫn. Và sự tin tưởng hơn - là trong lớp học này, sẽ có nhiều vị đạt được tâm vô lậu, thành tựu viên mãn đạo quả.
(32:37) Kính bạch Thầy! Viết tới đây, sao tự nhiên tâm con quá xúc động, không cầm lòng được! Nghĩ đến Thầy - ngày ít ăn, đêm không ngủ; bao nhiêu tâm huyết trút cạn cho chúng con, theo dõi từng đặc tướng của con một. Thầy vui khi thấy các con siêng tu tinh tấn, và Thầy rất buồn khi biết các con phạm giới, nhất là phạm giới độc cư. Vì Thầy thường dạy: "Độc cư là bí quyết thành công trên đường tu tập".
Còn Thầy thì sao? Thầy không quan tâm đến sức khỏe của mình, mặc dù Thầy đã gần 80 tuổi rồi; sức Thầy càng yếu, thân Thầy gầy thêm; chúng con là những đứa con vắt cạn kiệt từng giọt mồ hôi, từng nắm thịt, từng hơi thở của Thầy.
Hình dáng Thầy trải dài trên đường về tịnh thất - chúng con thấy lòng nhói đau, quặn thắt, khiến lòng chúng con đây gào thét; lúc nào chúng con cũng muốn làm vui lòng Thầy dù chỉ 1 ngày.
Nhưng rồi nghiệp lực chúng con quá nặng, không làm chủ được, nhân quả bao đời vay trả - trả vay, lôi kéo chằng chịt hướng đi.
Thầy đứng đó, bờ bên kia vẫn sừng sững tự tại với thời gian, luôn đưa tay sẵn sàng kéo lôi từng con một. Nhưng rồi thời gian trôi đi, trôi mãi mà chưa có con nào được khỏi bến mê. Ôi! Đạo lộ thênh thang mà sao chúng con bước đi chệnh choạng. Thầy đã mỏi mòn nhưng không nản lòng, vì bổn nguyện, vì từ bi, vì thương tất cả chúng sanh lặn hụp chơi vơi mà Thầy phải kéo dài cuộc sống ở ta bà ác trượt này.
(34:16) Nếu Thầy sớm rời bỏ thế gian thì thế giới loài người sẽ mất đi nền đạo đức nhân bản - nhân quả; luôn trầm luân trong sanh tử luân hồi, trong tăm tối vô minh. Thầy đã đem sự sống, hiến dâng cho muôn loài vạn vật, chỉ giữ lại cho mình 1 bộ xương khô.
Những lời chúng con bộc bạch về Thầy có quá không? Có thêu dệt, ca ngợi không đúng sự thật không?
Không! Đây là những điều trung thực nhất, nhưng đối với việc làm và lòng yêu thương chúng sanh vô bờ bến của Thầy thì những gì nói lên được chỉ là giọt nước trong đại dương, là hạt cát trong sa mạc.
Nỗi trăn trở lo toan để làm sao mạng mạch suối nguồn chân lý đến được từng người, từng nhà, từng đất nước trên hành tinh này; để mọi người đều được thoát khỏi biển khổ sanh tử luân hồi - đó là tâm nguyện của Thầy.
Thầy đâu cần nói lên những lời thừa thãi này, mà chỉ cần chúng con tinh tấn tu hành, giữ gìn giới luật nghiêm minh, xả tâm tốt, ly dục, ly ác pháp, làm chủ nghiệp lực, thoát ly sanh tử luân hồi - đó là món quà duy nhất mà Thầy mong muốn chúng con dâng lên cúng dường.
(35:30) Khi nghe Thầy mở lớp học giáo dục - đào tạo vô lậu, không những chúng con mà còn biết bao tu sinh của các hàng Nguyên Thủy trên khắp mọi miền đất nước; cũng như ở hải ngoại - hàng trăm, hàng ngàn, ai cũng muốn được về đây tham dự lớp học với sự hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi trực tiếp của Thầy nhưng chưa sắp xếp gia đình và công việc để theo kịp học lớp này.
Xin các bạn hãy yên tâm, với tâm nguyện ấy các bạn hãy hướng về Chơn Như để cùng theo dõi các buổi học, do đài FM phát sóng hoặc qua mạng, qua băng để cùng nhau học tập và thực hành cho đến ngày viên mãn.
Giờ đây, trước pháp hội Chơn Như, chúng con hứa nguyện bền gan, vững chí, quyết xả tâm này, giữ tròn giới luật, hành pháp chân chuyên, sớm đạt được Bất Động Tâm Định để đền đáp công ơn trời bể của Thầy, cô Út Diệu Quang, và đàn na thí chủ đã lo lắng cho chúng con!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nam Mô Bổn Sư Trưởng lão Thích Thông Lạc!
Chúng con đồng kính bái!
(36:41) Trưởng lão: Nãy giờ là Tu sĩ có cảm nghĩ, bây giờ tới phần của cư sĩ mấy con.
Ờ, cái bài cảm nghĩ về lớp Bát Chánh Đạo, của thiền sinh Tuệ Hạnh. Tuệ Hạnh lên đọc cái bài của con!
Tu sinh Tuệ Hạnh: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nam Mô Bổn Sư Thích Thông Lạc!
Sau khi Tu viện Chơn Như gặp cảnh sóng gió, Thầy trò lưu lạc khắp nơi, tưởng như không có còn có dịp hội ngộ. Nhưng đây là bước chuyển mình để lớp Bát Chánh Đạo được mở ra. Con là 1 trong những tu sinh được may mắn tham dự học lớp học này.
Lần đầu tiên, Thầy cho quán Định Vô Lậu để triển khai tri kiến giải thoát, kế tiếp Thầy dạy nhiếp tâm là phương pháp rèn luyện nghị lực trong từng phút.
Hầu hết các tu sinh về đây, ai nấy cũng đều nỗ lực tu tập hết mình. Nhìn Thầy tuổi đã 80, dìu dắt đàn con đang tu tập từng giai đoạn cực khổ biết là bao, nhưng Thầy chẳng 1 lời than thở. Pháp Thầy dạy rõ ràng, cụ thể, hễ ai quyết tâm tu thì sẽ chứng đạt chân lý.
Trải qua biết bao gian lao thử thách, Thầy phải âm thầm chịu đựng cả 1 lực lượng hùng mạnh của Đại thừa và những người học trò vô ơn, bội nghĩa khi Thầy bị dập tan nát trên mạng internet.
Ngày nay, đủ duyên lành nên chương trình giáo dục và đào tạo những bậc Thánh Vô Lậu không mấy khó khăn.
Con nguyện đem hết khả năng tu tập của mình để sớm chứng đạt chân lý; làm chủ bốn sự đau khổ của kiếp người đó là: sanh, già, bệnh, chết - hầu cứu giúp chúng sanh thoát khổ.
Nhìn những cụ già tuổi ngoài 80, từ phương Bắc khăn gói vào Nam để tham dự lớp học này thật là đáng quý. Con mong sao các cụ sớm tu có kết quả giải thoát để làm chủ sự sống chết và tự mình đẩy lui bệnh tật đau khổ trên thân.
(38:54) Nhìn những người tu đang lạc lối bên Đại thừa đang mang bệnh khổ, phải vào nằm viện điều trị, con thấy quá xót xa!
Thì ra chúng sanh khổ đến thế ư? Phật pháp tu không khó, chỉ vì giới luật họ không nghiêm mà thôi. Học đạo đức nhân bản - nhân quả mà không biết áp dụng vào đời sống con người thì muôn đời tu không giải thoát! Có áp dụng vào đời sống ta mới xả được tâm tham, sân, si, mạn, nghi - đó là năm màn ngăn che của ngũ triền cái, biến ta trở thành con người vô minh.
Con nguyện từ nay phải nỗ lực tu tập, phá tan màn vô minh đó thì con đường đạo mới hoàn toàn giải thoát!
Con nguyện đi chu du tứ hải để giúp Thầy hoằng khai đạo pháp. Và ước nguyện sau cùng, được trở về Long Thành, nơi cô Liên Châu thành lập Hội Từ Thiện - mở lớp Bát Chánh Đạo tại đó để con thực hiện tâm nguyện của mình, giúp người dân Thành phố biết được nền đạo đức nhân bản - nhân quả thật sự.
Muốn được như vậy thì trước tiên con phải là người có đạo đức - 1 đạo đức thật sự để chứng minh bằng con đường tu tập giải thoát hoàn toàn - đó là con đã đền đáp được công ơn Thầy trong muôn một!
Con hy vọng rằng nền đạo đức nhân bản - nhân quả sẽ được tồn tại trên hành tinh này vĩnh viễn, cho thế hệ hôm nay và cả thế hệ mai sau!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nam Mô Bổn Sư Thích Thông Lạc!
(40:25) Trưởng lão: Đây, 1 bài cảm nghĩ của 1 thiền sinh ở trong Tu Viện. Thầy Chơn Tịnh, con hãy vào đọc đi!
Thanh Quang vào đọc giùm cho thầy Chơn Tịnh!
Thầy Thanh Quang: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Kính bạch Thầy! Từ ngày khai giảng lớp học đến này đã tròn 1 tháng, nhờ công ơn Thầy hướng dẫn, vạch rõ con đường chánh pháp là con đường Bát Chánh Đạo. Con tự xét thấy đã có nhiều tiến bộ, tâm thường an vui; xóa được nhiều tà kiến sai lầm trước kia; tham, sân, si giảm dần. Nhờ công ơn Thầy triển khai giáo lý nhân quả - tri kiến giải thoát đã bắt đầu xuất hiện nơi con.
Tình yêu mến Thầy, mến yêu đạo pháp lớn dần trong con từng ngày, từng giờ, từng phút. Lòng đầy cảm xúc, con xin viết lên vài lời:
Cắn chặt răng ngăn từng tiếng nấc,
Khóc tại tim không khóc bằng lời.
Thương sao những kẻ tu hành
Ngơ ngơ ngác ngác tìm đâu pháp lành?
Lòng tha thiết tầm cầu thoát khổ
Cảm ứng đạo giao nan tư nghì
Tiếc thay ai ngó xuống trần
Giờ hàng Thích tử giỏi còn hơn ta!
Thương đời sau không nghe được pháp
Chuyên thuyết kinh ban nỗi nhọc nhằn
Bây giờ chê cũ, chê xưa
Đành tâm sao nỡ chê bai Tiểu thừa!
Tứ Thiền Hữu Sắc dìm tận đáy
Bốn thiền Tưởng tâng bốc mây xanh
Đảnh lễ tiền bối ngàn xưa
Truyền trao con cháu hành theo lệ đạo
Hiếu tử truyền thừa dòng họ Thích
Hiếm khi uông đúc sống cùng nhau
Hoằng dương chánh pháp rạng ngời
Những gì thân giáo chứng minh hùng hồn.
Thầy làm được, các con làm được!
Lời sách tấn giản đơn khí thế
Tuôn trào nhiệt huyết sục sôi
Ngàn hoa đua nở nơi nơi rộn ràng.
Chư Phật ba đời chuyển pháp luân
Bát Chánh Đạo con đường duy nhất
Giúp người đạo đức vẹn toàn
Làm chủ sanh tử hạ sơn độ người.
Hãy qua bờ bên kia,
Hãy lên bờ trên,
Hãy lên bờ cao thượng
Hỡi quý vị Phật tử!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
(43:36) Trưởng lão: Bây giờ đến 1 người tu sĩ cảm thán về nhân quả sau cái bài học của chúng ta trong 1 tháng. Bài này của Diệu Hiền. Con đến đọc cái bài này!
Tu sinh Diệu Hiền: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nam Mô Bổn Sư Thánh Tăng A La Hán Trưởng lão Chơn Như!
Cảm thán của chúng con về bài học nhân quả con người:
Mùng Một, tháng Mười Thầy khai giảng,
Mở lớp Bát Chánh Đạo đầu tiên
Chúng con, những kẻ đại phước duyên
Được học trong tình thương cao cả.
Thầy dạy chúng con về nhân quả
Ngày mỗi ngày, mới lạ vô cùng
Nào duyên tan, duyên khởi trùng trùng
Rồi duyên hợp nghe qua bất tận.
Buổi đầu tiên con còn ngờ ngợ
Người tái sanh không phải 1 người
Mà 1 người sanh có nhiều người
Để trả nợ quả nhân ác nghiệp.
Con nghe qua trong lòng xao xuyến
Từ xưa nay ai biết điều này!
Ngỡ chết rồi mới được đầu thai
Làm con thú, con người tùy nghiệp.
Bài học đầu tiên là Chánh Kiến
Thầy dạy Định Vô Lậu đầu tay
Làm luận văn nói chuyện loài cây
Lại nữa, nhân quả loài thảo mộc.
Chúng con ví như là con cóc
Bao kiếp đời ngồi dưới đáy giếng sâu
Nói nhân quả chứ hiểu gì đâu
Thật cạn cợt không thông hiểu lý.
Thầy để tự chúng con suy nghĩ
Tự triển khai tri kiến của mình
Thầy từng chút gợi ý, gợi hình
Là dạy Định gọi là Vô Lậu.
Ôi! nhân quả thật là khó thấu
Bài văn làm không chỉ 1 lần
Từng người, Thầy chỉ dạy từng phần
Cứ làm tới, làm lui lặn chụp.
Đến khi bài luận văn kết thúc
Là chúng con hiểu được bao điều
Loài thảo mộc giống loại quá nhiều
Cảm thấy chung quá trình nhân quả.
Gieo nhân rồi thành cây, thành lá
Nhờ nhân duyên mưa - nắng hợp thời
Rồi đơm bông, kết trái cho đời
Bị cay đắng, ngọt bùi, khô giá.
Nhân khác nhau, quả kia cũng khác
Mà vấn đề đáng nói là điều
1 nhân mà sinh quả thật nhiều
1 quả lại nhiều nhân trong ấy
(46:23) Ví dụ như quả đu đủ vậy
Trong ruột nó lắm hạt, nhiều nhân
Số hạt này nếu gặp đất phân
Gặp thời tiết nắng - mưa duyên tốt
Lên thành cây ấy vậy như thật
Rồi 1 cây nhiều trái sinh ra
1 nhân sinh nhiều quả đó mà
Rồi 1 quả nhiều nhân như vậy.
Nhưng trong số hạt đu đủ ấy
Đâu phải là lên hết thành cây
Cũng có hạt rơi rớt đâu đây
Hạt lép, hạt khéo tô hương phấn
Thiếu điều kiện chúng không thành cây nổi
Như thiếu nước, thiếu đất, thiếu phân
Thiếu tay người vun bón chuyên cần
Nhân quả hoại, duyên tan là vậy
Tạm tóm gọn để mà rõ thấy
Cứ quả nhân, nhân quả bao la
Xong bài này Thầy lại cho ra
Đề tài tiếp cũng là nhân quả
Nghe Thầy dạy con kinh hãi quá!
Về đường đi nhân quả con người
Những khổ đau bất hạnh trong đời
Là do chính chúng ta tạo ác.
Từng ý nghĩ, nói làm, tạo tác
Thành quả ác là quả khổ đau
Quả ác, nhiều nhân ác theo sau
Thành ra những từ trường phóng xuất
Rồi nó gặp từ trường tương ứng
Những quả ác đau khổ bắt đầu
Sẽ hình thành trả nợ khổ đau
Rồi cứ thế quả nhân tiếp tục.
Nếu nhân ác từ trường phóng xuất
Mà nó không gặp sự tương ưng
Không hợp duyên nó sẽ tạm dừng
Quả đau khổ cũng ngừng sinh sản.
Anh ba, thường khi cùng bè bạn
Gặp mặt nhau bài tiệc rượu chè
Gỏi thịt gà món nhắm tuyệt nha!
Đãi nhau vậy ngỏ tình thân mật
Để ngon miệng sát sanh hại vật
Tội con gà giãy giụa kêu la!
Nhưng lòng người nào có xót xa
Giữ chặt cánh, nhổ lông, phơi cổ
Khứa vài dao máu tràn tuôn đổ
Cái chén nhỏ hứng sẵn dưới đây
Máu cạn rồi thì chén cũng đầy
Biến thành món tiết canh ăn sống.
Buông cánh cổ con gà bất động
Bỗng nhảy lên vài cái cuối cùng
Có lẽ là trước lúc mạng chung
Oán hận lắm lòng người độc ác!
Hành động đó hóa thành nghiệp sát
Quả khổ đau ngơ ngác thơ ngây
Những từ trường ác phóng ra ngoài
Gặp từ trường tương ưng thích hợp
Quả khổ đau bắt đầu nhen nhóm
Để chuẩn bị trả nợ khổ đau
Cứ thế mà luôn tiếp tục nhau
Nhân sinh quả, quả sinh nhân tiếp.
(49:11) Nhân quả ác con gà bị giết
Những từ trường gặp được tương ưng
Nhiều con gà đã được sanh cùng
Để trả nợ nhổ lông cắt cổ
1 quả khổ có nhiều nhân khổ
Số gà này tiếp tục bị ăn
Thế là từ trường ác gia tăng
Vay 1 phải trả mười hơn thế
Anh ba, cùng bạn bè hữu hễ
Đâu biết nhân quả ác của mình
Ở đằng kia chuẩn bị nở sinh
Nhiều con gà để mà trả nợ
Ôi! Cuộc sống không ai khiếp sợ
Trong 1 ngày giết biết nhiêu gà!
Nào tiệc tùng, hỏi cưới, đám ma
Đám đầy tháng, thôi nôi, đám giỗ
Những nhân ác của bao quả khổ
Từ trường ác đặc kín không gian!
Từ trường tương ưng cũng sẵn sàng
Trong nhà phải hàng ngàn hàng vạn.
Gà công nghiệp nuôi dành để bán
Trăm ngàn con chung 1 cái chuồng
Đâu ra ngoài ở 1 chỗ luôn
Thật chật chội bẩn dơ tù túng!
Đến ngày trả nợ chung của chúng
Bùng nổ lên những trận cúm gà
Hàng những ngàn con bị người ta
Lớp giết, lớp đốt, rồi chôn sống
Những cảnh tượng đau lòng thảm khốc
Tại vì đâu ai đã gây ra?
Xin thưa rằng: Tất cả chúng ta!
Những ai đã sát sanh hại mạng
Là nguyên nhân gây ra đại nạn
Còn tham ăn, còn quả sát sanh
Nhân quả ác cứ mãi hình thành
Thế giới mãi ngập tràn đau khổ!
Và cũng 1 trong những số
Những con vật bị giết từng ngày
Trâu, bò, dê, heo, chó, rắn, nai
Tôm, cua, cá, ngao, sò, ốc, hến
Nếu chúng còn bị ăn, bị chết
Là chúng còn sinh sản cả bầy
Ngày mai đây trên thế giới này
Biết còn đến dịch con gì nữa?!
Nếu thế giới biết mau mau sửa
Dừng tham ăn, dừng nghiệp sát sanh
Khởi từ bi lòng chẳng nỡ đành
Nhìn con vật vì mình mà chết
Nếu ai cũng dừng tay lại hết
Không sát sanh giết hại loài nào
Mỗi ngày nhờ trái quả, cải rau
Ăn qua buổi để mà tạm sống
Thì thế gian không còn ác độc
Trong khổ đau lo sợ bất an
Những hận thù hóa cát tiêu tan
Thế gian sẽ dứt trừ đau khổ
Người giết con vật còn không nỡ
Thì làm sao người giết được người?
Những chiến tranh đẫm máu đẩy lùi
Hết tàn ác giết người khủng bố
Quả ác có nhân theo ác có
Quả thiện sanh nhân cũng theo sanh
Nhân quả theo như bóng với hình
Hình đã dứt, bóng không tồn tại
Tuyệt vời quá những lời Thầy dạy!
Cho chúng con sáng mắt, sáng lòng
Nhân quả loài thảo mộc hãy trông
Soi nhân quả con người không khác
Thực tế là vậy không lầm lạc
Ôi! Quả nhân ác nghiệp trùng trùng
Con xót xa ghê sợ vô cùng
Sâu sắc quá đường đi nhân quả
Con bỗng muốn ước ao tất cả
Những người trên khắp trái đất này
Đều được nghe lời dạy của Thầy
Học, trí, hiểu tin sâu nhân quả
Rồi họ biết sợ vay, sợ trả
Không dám làm 1 ác nhỏ nào
Quả thiện lành chung sức cùng nhau
Xây dựng 1 Thiên Đàng, Cực Lạc
Con ước nguyện sau này sinh sản
Nhiều lớp Bát Chánh Đạo ra đời
Để con người sống đúng con người
Sống thanh thản, lạc an, vô sự.
Mười điều thiện mọi người gìn giữ
Và chánh Phật pháp được lan truyền
Cứu giúp người mê muội đảo điên!
Con xin kính mừng ngày đầy tháng của lớp Bát Chánh Đạo.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Tu đúng chánh pháp là giải thoát.
HẾT BĂNG