CK 023A (NỮ) - THÔNG SUỐT NHƯ THẬT MỚI XẢ TÂM ĐƯỢC - NHÂN QUẢ THÂN HÀNH
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Tu sinh
Thời gian: 11/2005
Thời lượng: [48:54]
(00:00) Hôm nay chúng ta tiếp tục học về Định Vô Lậu, quán xét về nhân quả, đường đi nhân quả, và nhân quả thân hành của chúng ta.
Trước khi học bài có một vài ý của quý thầy cũng như của quý cô có những vài ý mà xin Thầy như thế này. Bên Tăng thì có một vị, bên Ni thì cũng có một người xin Thầy để được ở trong thất, mình ngồi mình quét tâm, mình quét mình xả cái tâm của mình, hơn là cho vào mà học tập như thế này thì là rất động. Đây là những cái quan niệm đúng, sai thì để Thầy phân tích để thấy được.
Có nhiều người chấp cho rằng, hiện giờ chúng ta tu mà chúng ta viết bài, làm bài thì nó rất động. Mà do đó thì muốn ở trong thất mình tu cho yên tịnh để tâm mình nó bất động, và nếu có niệm nào đó thì mình quét tâm của mình thì tốt hơn là mình đi ra làm bài.
(01:22) Ví dụ cái người đó mà muốn ở trên Tứ Niệm Xứ mà quét tâm, thì người đó phải có một cây chổi, cũng như chúng ta muốn quét sân thì chúng ta phải có cây chổi mới quét sân, mà nếu không có cây chổi thì chúng ta không thể quét sân được. Cũng như muốn quét nhà thì chúng ta cũng phải có cây chổi mới quét nhà, muốn lau cái nhà thì ít ra chúng ta cũng phải có một vật gì để lau chứ không thể nói suông được.
Vì vậy cho nên đức Phật trước kia mới dạy chúng ta tu Tứ Niệm Xứ thì phải trải qua 6 giai đoạn học, tu tập để rồi mới tu Tứ Niệm Xứ. Chúng ta thấy lớp Tứ Niệm Xứ là lớp Chánh Niệm, và Chánh Niệm thì lớp thứ bảy. Cho nên muốn ngồi mà quét tâm để giữ tâm thanh thản, an lạc, vô sự, thì phải trải qua một cái thời gian là 6 cái lớp học của Bát Chánh Đạo.
Như vậy là 6 lớp học đó đức Phật đã trang bị chúng ta có cây chổi để quét cho được cái tâm của chúng ta, tức là quét bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp có chướng ngại. Như vậy khi mà chúng ta chưa có chổi thì chúng ta biết lấy gì quét, hay là chúng ta ngồi để mà ức chế tâm, để cho tâm không niệm khởi, mà chúng ta quét bằng cách nào? Như thế nào? Cái lối quét nó có phương pháp, có cách thức chớ không thể nói suông được.
Chẳng hạn bây giờ Thầy ngồi đây Thầy quét tâm, tu Tứ Niệm Xứ, Thầy không cần học hành, Thầy không cần tu Định Vô Lậu, Thầy không cần quán xét. Thầy quyết định là Thầy sẽ quét tâm Thầy bằng cái pháp như Như Lý Tác Ý. Khi Thầy ngồi Thầy giữ tâm thanh thản của Thầy, có một niệm khởi, bây giờ một cái niệm khởi đó thì Thầy nói rằng: ”Đây là nhân quả, hãy đi đi!” Hoặc là một cái niệm thọ, cái cảm giác ở trên thân Thầy bị đau, Thầy bảo: “Thọ là vô thường, đi đi!” Thì Thầy quét như vậy là quét nó có hết hay không? Hay là chúng ta bị ức chế.
(03:44) Cho nên trước khi mà quét được như vậy đó, khi mà nói: “Thọ là vô thường, thọ phải đi đi!” Thì ít ra chúng ta phải thông suốt được cái lý của các pháp vô thường. Thì thọ là một pháp trong các pháp vô thường, mà khi chúng ta chưa học tập vô thường thì phỏng chừng chúng ta tác ý cái vô thường đó, nó có đi hay hoặc là nó bị ức chế. Khi muốn xả một cái pháp nào đó thì cái pháp đó chúng ta phải thông suốt như thật chúng ta mới xả được, còn chưa thông suốt như thật, chỉ hiểu sơ sơ là cũng bị ức chế.
Cho nên cái lớp Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn là toàn bộ để giúp cho chúng ta có một cái tri kiến hiểu biết rất là rõ ràng cụ thể trên con đường đi của sự tu tập của chúng ta.
Cho nên đến Tứ Niệm Xứ là hộ trì chân lý, tức là giữ gìn cái tâm thanh thản, an lạc, vô sự của mình. Giữ gìn cái chân lý thì ít ra chúng ta phải có cây chổi mới quét được, mà cây chổi đó nó phải trải qua 6 cái giai đoạn để tạo thành một cây chổi ngồi đó nó quét mới đi.
Thí dụ như tâm chúng ta khởi một niệm, niệm đó hiện ra chúng ta hiểu biết nó rất rõ ràng như thật thì chúng ta tác ý: “Thọ là vô thường ta không sợ ngươi đâu, ngươi hãy đi đi”. Tại vì chúng ta đã hiểu cho nên cái lời tác ý của chúng ta nó có cái nội lực, nó làm cho tâm chúng ta bình an mà không bị tác động của niệm đó, gọi là ngồi quét tâm.
(05:48) Bây giờ chúng ta không tu tập Chánh Niệm Tỉnh Thức thì khi thân chúng ta đau nhức như nhức đầu, đau bụng mà nếu chúng ta nhiếp tâm và an trú tâm không được thì chúng ta tác ý: “Thọ là vô thường hãy đi đi”, thì phỏng chừng cái cảm thọ đó có đi được hay không? Hay có còn, hay đang tiếp tục đau nhức trên thân chúng ta. Đó là những cái hiểu lầm lạc của những người này, đã chịu ảnh hưởng sự tu tập của Đại Thừa, của các pháp của ngoại đạo, luôn nghĩ rằng mình tu tập là phải sống yên lặng, rồi giữ tâm bất động không khởi niệm. Như vậy chúng ta chưa đủ sức để mà giữ tâm, chưa đủ sức mà quét tâm, thì chúng ta không thể nào mà giữ gìn được, bảo vệ được cái chân lý của chúng ta thanh thản, an lạc, vô sự.
Nhưng có thầy lại nói với Thầy như thế này: “Chớ ông Châu Lợi Bàn Đặc ông có học hành gì đâu, ông có làm bài gì đâu, ông chỉ ngồi ông quét tâm thì ông cũng chứng quả A La Hán, ông là cái người u tối, đọc bốn câu kệ không thuộc nhưng mà ông vẫn chứng quả A La Hán”.
Con đường đi của đạo Phật thì chúng ta biết rằng đức Phật tu khổ hạnh 6 năm theo pháp của ngoại đạo, gần như muốn chết. Nhưng mà khi tìm ra được đường đi thì đức Phật tu không bao lâu mà chứng đạo, trong 49 ngày thì chứng đạo, còn 6 năm khổ hạnh gần như muốn chết mà không chứng đạo. Thì khi mà tìm ra được lối đi cho nên khi chứng đạo thì Ngài đã nói lên bốn chân lý, bốn cái sự thật để chúng ta hiểu biết cái đường đi, cái đường lối tu tập như thế nào để cái thời gian chúng ta không bị mất. Đã có con đường đi đúng đắn tại sao chúng ta lại không học mà chúng ta lại lầm lạc trên sự hiểu biết.
(08:12) Thật sự ra Thầy cũng chỉ muốn an ủi cho người già, là dạy họ giữ tâm thanh thản, an lạc, vô sự nhờ phương pháp tác ý. Nhưng thật sự đó là một cái điều kiện an ủi cho những người già để người ta có chỗ bám người ta tu mà thôi. Nhưng sự thật Thầy biết rằng không khéo họ cũng vẫn bị ức chế tâm, họ chịu đựng chứ chưa hẳn đã là xả tâm. Cho nên cái kết quả của họ chỉ giữ được bất động tâm trong ức chế thanh thản, an lạc, vô sự mà không thể đi đến chỗ có đủ sức định lực để làm chủ sự sống chết của mình được. Chỉ an ủi họ để cuối cùng họ được thanh thản, an lạc trong khi họ chết vào Niết Bàn mà thôi. Chứ không thể nào khác hơn được vì không đủ căn bản, tiêu chuẩn để quét sạch tâm tham, sân, si của chúng ta.
(9:11) Mà ở đây có một thiền sinh xin Thầy: “Con xin Thầy cho con tu pháp quét tâm, hằng ngày và hiện tại con đang tu tỉnh thức phá ngủ, đây là điều phải gian nan, trường kỳ thì mới thức nổi theo đúng quy định".
Sự thật ra thì mọi người cũng nghĩ rằng phải phá cho sạch hôn trầm, thùy miên. Đối với thân con người chúng ta còn đang tu chưa phải đủ sức tỉnh thức mà phá hôn trầm, thùy miên là vất vả và cũng không bao giờ mà phá hôn trầm, thùy miên hết. Chỉ khi nào chúng ta ly dục ly ác pháp, tức là tâm chúng ta hết tham, sân, si, thanh tịnh thì chân lý tự hiện bày, thì lúc bây giờ tự nó tỉnh thức chứ chúng ta phá không hết.
Mà các con thấy như thầy Chơn Thành hiện giờ thức suốt đêm được, ngày chỉ ngủ 3 tiếng nhưng hở ra là bị hôn trầm, thùy miên đánh gục liền ngay tức khắc. Nghĩa là trong ban đêm cũng như ban ngày thường xuyên cảnh giác, đi kinh hành nhiều, không dám nằm, mà hễ nằm xuống thì ngay trong vòng 5 phút, 10 phút là bị ngủ ngay liền tức khắc không thể nào tránh khỏi. Mặc dù là đã rất cảnh giác tu tập nhưng cuối cùng vẫn không hết hôn trầm, thùy miên. Nghĩa là còn một tướng hôn trầm thùy miên thì không bao giờ hết. Cho nên nghe nói thì chúng ta thấy rằng tưởng là hết.
(10:51) Như hồi hôm này thì hồi khuya tới 11, 12h Thầy đi thăm thầy Thiện Thảo, thầy cũng đang thức để mà đấu tranh với hôn trầm, thùy miên của mình. Nhưng Thầy đến đó thì lúc bây giờ Thầy thấy thầy đang ngồi ở trên một cái ghế như thế này rồi thầy gục xuống vầy, Thầy đến gần Thầy thấy rõ ràng là đang ngủ, thức không được. Như vậy rõ ràng thức để làm gì cho khổ mà vẫn bị hôn trầm, thùy miên đánh gục như vậy. Cuối cùng khi chúng ta tỉnh thức là phải không có một bóng dáng buồn ngủ, còn đằng này ráng cố gắng chống cự, nhưng nó đến mình vừa ngồi là nó vừa đánh vô, như vậy rõ ràng là hôn trầm, thùy miên còn. Còn như vậy để rồi chúng ta tập luyện một cách không có trí tuệ thông minh như vậy, thì nó phí sức nó uổng công, rồi nhiều khi nó lại bị mất ngủ, rồi nó lại bệnh đau. Khi mà thân bệnh đau thì là một điều khó tu, không phải dễ, nó không đơn giản.
(12:01) Cho nên những cái điều mà hiểu lầm lạc như thế này thì thầy rất tội, nhưng biết làm sao hơn khi người ta quyết tâm, để rồi xem những người ấy như thế nào? Nhưng Thầy rất lo là vì cố gắng mà tỉnh thức được ở trong cái phá như vậy mà không lo dùng cái tri kiến giải thoát của mình để tu tập, để xả tâm mình thì chắc chắn những người này sẽ không đạt được mà còn rơi vào bệnh tưởng, có khi thức nhiều quá và đồng thời nó sẽ rơi vào trong tưởng khi bị ức chế không niệm, thì lúc bây giờ có thể trở thành điên khùng.
Đó là một điều mà Thầy đang lo lắng cho những người này, nếu họ không điên khùng thì họ cũng chẳng đi tới đâu, nghĩa là họ cũng chẳng giải quyết được sự sanh tử luân hồi của họ, đó là những điều lo lắng trong cái số tu sĩ hiện trước mặt của Thầy. Bởi vì một người tu sai mà có thể người khác chưa hiểu biết tưởng là người này tu vậy rất hay. Rồi chúng ta cũng đồng ý theo cái điều tu tập đó rồi cố gắng, người nào cũng tập trung cố gắng thức, như vậy đều là điều không đúng. Đạo Phật không có dạy chúng ta để thực hiện sự cố gắng như vậy để làm khổ mình. Sự thật ra mấy con thấy thức như vậy là tự làm khổ mình rất nhiều.
(13:33) Đạo Phật nói không làm khổ mình, khổ người. Từng bài học Định Vô Lậu từng áp dụng vào đời sống của mình để đem lại sự ích lợi cho chúng ta. Nhiều khi chúng ta viết bài tức là chúng ta tư duy suy nghĩ về nhân quả để cho tâm chúng ta vô lậu, nhiều khi chúng ta người nào cũng viết, cũng có cái ý nhân quả trong đó nhưng trọn vẹn để nói lên được sự giải thoát của nhân quả thì chúng ta chưa biết áp dụng đúng. Cho nên có những bài viết áp dụng vào được cái nhân quả của bản thân chúng ta, nhưng dù sao thì các con cũng nhớ rằng mình biết nhân quả thì mình phải biết, phải dựa vào cái đặc tướng của nhân quả.
Cái tướng của nhân quả ở đây chúng ta, như cái thân người thì người mập, người cao, người lớn, người ốm, người thế này người thế khác có nhiều cái tướng. Nhưng mà cái đặc tướng của nhân quả nói về thân hành, còn cái đó là đặc tướng về con người của chúng ta, còn đặc tướng cái thân hành. Bởi vì ở đây Thầy nói nhân quả thân hành là cái hành động của thân chúng ta, cái hành động, cái tướng của thân hành. Một người thì nhẹ nhàng, cái hành động nhẹ nhàng, một người thì cái hành động thô tháo, cái tướng thô tháo, cái tướng nhẹ nhàng, một người thì cái lời nói la lối hét ầm ĩ, đó là cái tướng của nó.
Do vì vậy mà chúng ta nói cái tướng của thân hành, cái tướng của khẩu hành, cái tướng của ý hành, rồi cái đặc tính của cái thân hành, đó là cái phần. Chớ không phải ở đây chúng ta nói cái tướng của con người, nhiều khi chúng ta lại lầm. Bên kia thì thảo mộc thì chúng ta nói cái cây này nó như vậy, cây khác nó như thế thì cái hình dáng cái tướng, rồi cái hình dáng cái trái, cái quả nó khác nhau nó không giống nhau.
(15:47) Thì ở đây cũng vậy con người chúng ta cũng có cái tướng người lùn, người cao, người thấp, nhưng ở đây chúng ta muốn nói cái tướng của thân hành, bởi vì cái bài chúng ta viết mà, nói về thân hành. Cho nên chúng ta không có nói về cái tướng của con người mà chúng ta nói cái tướng của thân hành, rồi cái tính của thân hành đó, các con nhớ không? Cái tính của thân hành đó, rồi chúng ta mới nói cái duyên hợp của thân hành đó.
(16:15) Duyên hợp là có nhiều duyên hợp lại nó mới tạo thành cái ác pháp đó, tạo thành cái hành động giết, nó có nhiều cái duyên. Nếu mà không có cái đám giỗ thì chắc chắn người ta không có giết mấy con gà, phải không? Nếu nhà có đám giỗ hoặc có khách, người ta mới bắt gà người ta giết. Do cái duyên đó nó mới tạo ra cái nhân ác đó, nó có cái duyên cho nên gọi là duyên hợp.
Duyên hợp rồi thì nó duyên tan, khi đó con gà bị chết rồi những cái hành động uống rượu say sưa, chửi mắng, nó tạo ra những cái ác, rồi nó xảy ra những cái điều kiện nó có thể tan hoại. Nó làm cho cái gia đình đó buồn khổ bằng cách này, bằng cách khác, trong cuộc sống chúng ta và bản thân chúng ta lãnh lấy những cái hậu quả đau khổ rồi tan hoại.
Thì ở đây cái nhân quả nó muôn mặt, cho nên chúng ta nói được góc độ này thì thiếu góc độ khác. Cho nên dựa vào cái đặc tướng, đặc tính, duyên hợp, duyên tan, chuyển đổi nhân quả, mà chúng ta viết, đưa ra một cái mẩu chuyện, cái mẩu chuyện đó, trên mẩu chuyện đó chúng ta viết, chúng ta suy luận theo đặc tướng, đặc tính, duyên hợp, duyên tan và chuyển đổi nhân quả. Và cuối cùng thì chúng ta áp dụng vào bản thân của mình, áp dụng vào cho tốt để nhắc nhở mình, mà chính nhắc nhở mình đừng làm cái nhân quả đó tức là nhắc nhở mọi người.
(17:48) Thì hôm nay có một cái bài viết của Diệu Hiền, ở đây Thầy thấy nó nêu lên những câu chuyện và đồng thời trong đó nó có duyên hợp và duyên tan. Có nhiều bài viết cũng rất hay nhưng mà tượng trưng cho chúng ta đọc một bài, ở đây tuy bài này nó chưa đủ nhưng nó có cụ thể một chút. Thầy mong các con đọc cái bài này để nghe rồi chúng ta lấy đó mà chúng ta viết, còn nhiều bài viết rất hay, đưa ra mẩu chuyện rất là súc tích những câu chuyện của nhân quả rất hay. Nhưng chúng ta không có thì giờ để đọc hết, có nhiều bài viết rất hay còn có nhiều bài thì chưa có đạt được cái ý của nhân quả.
Cho nên chúng ta nghe để mà chúng ta cố gắng mà làm cho đúng, hầu hết là chúng ta làm bài được góc độ này thì thiếu góc độ khác. Cho nên Thầy muốn rằng chúng ta khi mà quán xét nhân quả, thì muốn cho chúng ta nói hết những cái điều kiện xảy ra, hoàn toàn cho thật hết cái lý của nhân quả. Để làm gì? Để cho chúng ta thấu suốt được cái lý nhân quả.
Vì vậy mà cái lớp học của chúng ta hôm nay nói về nhân quả thì chúng ta hoàn toàn có cái đôi mắt nhân quả. Mọi sự kiện xảy ra buồn vui, chúng ta đều thấy đó là nhân quả, có gì mà chúng ta phải buồn, có gì mà chúng ta phải vui, mà khi buồn, khi giận, khi vui đều là có cái nhân để tiếp tục tái sanh. Cho có những cái quả của những con người khác của loài vật khác để chịu đựng những cái nhân quả.
(19:38) Vậy thì là bây giờ Thầy nhờ một người nào hay hoặc Diệu Hiền hãy đọc cái bài của con giùm Thầy cho mọi người nghe. Tuy rằng nó chưa được đủ lắm nhưng mà đọc để chúng ta thấy được cái ý của chúng ta mà tiếp tục mọi người cố gắng làm. Có những bài viết cũng rất là đầy đủ, nhưng nhiều quá chúng ta đọc sơ xong, để rồi chúng ta còn…
Tu sinh: Thưa Thầy con mang xuống đọc ạ!
Trưởng lão: Được con đem về mà con đọc đi, thấy được chưa con?
Tu sinh: Dạ thấy.
Trưởng lão: Con đem về đó ngồi đọc đi con.
Tu sinh: Thưa Thầy, có cái micro phía sau đó Thầy.
Trưởng lão: Vậy hả, có cái Micro đó con, con đọc đi con.
Tu sinh Diệu Hiền: Dạ kính bạch Thầy!
Trong cuộc sống xã hội loài người của chúng ta ai ai cũng đều có một gia đình riêng, một cuộc sống riêng, từ suy nghĩ tư tưởng, nghề nghiệp, hình tướng, sắc da, giọng nói tiếng cười, đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống, nói nín v.v. Thảy thảy đều không ai giống nhau. Duy nhất chỉ có một điều giống nhau là ai cũng muốn mình mạnh khỏe, sống lâu, an vui hạnh phúc nhưng mà được mấy ai toại nguyện, tại sao vậy? Tại vì họ sống trong nhân quả nhưng không chịu tin nhân quả, nhiều lắm là họ chỉ biết làm ác gặp ác, làm thiện gặp thiện, nhưng họ không biết trong con người chúng ta chỗ nào làm ác, chỗ nào làm thiện, nhân quả ra sao? Đường đi nhân quả ở đâu?
(21:21) Xin thưa! Trong con người chúng ta có 10 điều ác và 10 điều thiện. 10 điều thiện ác nằm ở ba nơi trong con người chúng ta đó là thân, khẩu, ý và thân, khẩu, ý chính là đường đi nhân quả của con người chúng ta. Chúng ta nói và hành động, hành động thuộc về thân hành. Trong mỗi con người chúng ta ai ai cũng đều có một từ trường, từ trường ác và thiện, ác và thiện này đều nằm trong nhân quả.
Nếu một từ trường ác tức là một hành động xấu ác phóng xuất ra thì là một nhân ác phóng xuất ra, trong quả có nhân, ở một nơi nào đó có từ trường ác tương ưng với từ trường ác này nó sẽ cho ra quả ác. Cái quả ác đó sẽ thọ lãnh các đau khổ của nhân ác này gây ra, mà nếu đã là quả thì nó không phải là một quả mà có rất nhiều quả, một nhân có nhiều quả.
Trong nhân ác đau khổ này nếu gặp hợp duyên thì sẽ tiếp tục sinh ra hàng trăm, hàng ngàn quả ác, còn nếu nó không gặp duyên hợp thì nó sẽ theo duyên tan của nó. Một con người tạo ác họ có biết đâu trong khi họ đang còn sống mà những nhân quả thiện ác của họ đang tiếp nhau tái sanh liên tục.
Thí dụ một câu chuyện.
(23:03) Anh Ba muốn ăn thịt gà, anh bắt một con gà cắt cổ nhổ lông rồi làm thịt cho gia đình ăn. Con gà bị cắt cổ giãy giụa rất đau đớn, đây là một điều ác. Ý anh ba muốn ăn là nhân và hành động cắt cổ, nhổ lông rồi ăn là quả. Cái quả ác của anh Ba đã có từ trường ác phóng xuất ra, từ trường ác này là nhân sẽ gặp một từ trường ác tương ưng thì nó sẽ cho ra quả. Tức là nó sẽ gặp nhau để sinh làm con gà, con gà này là quả ác của anh Ba sinh ra để trả nợ nhổ lông, cắt cổ nhưng không phải sinh ra làm một con gà mà là nhiều con gà.
Trước nữa không phải con gà mà là trứng gà, một con gà sinh nhiều trứng gà, trứng gà này nếu bị người lấy đi làm thực phẩm ăn chín uống sống, thì coi như nhân ác đau khổ này bị duyên tan. Nếu số trứng gà này thí dụ 15 trứng được ấp ủ thì sẽ cho ra 15 con gà con, gà con này bị xe cán, người đạp, chuột tha, mèo bắt thì bị duyên tan. Nếu lớn lên đầy đủ 15 con gà này gặp người này thích ăn nối tiếp, thì sẽ có rất nhiều từ trường ác phóng xuất ra để gặp từ trường ác tương ưng mà tiếp tục quả nhân, nhân quả đau khổ.
Rất nhiều từ trường ác là vì 15 con gà đâu phải 15 người ăn mà có rất nhiều người ăn. Anh Ba ăn con gà đâu biết rằng cái nhân quả ác đau khổ của anh đang từng ngày sinh sôi, chớ đâu phải anh ăn con gà rồi chờ anh chết thành con gà để đền mạng đâu. Nếu như anh Ba dừng cái ý muốn ăn và không giết thì sẽ không có 15 con gà, tạm ví dụ 15 con gà chứ cả gia đình ăn thì cũng có hơn. Nếu nói như tạo con gà mà đừng có ai muốn ăn thích giết thì nhân quả sẽ dừng lại ở đây, tự 15 con gà sẽ theo duyên tan của nó.
(25:14) Chúng ta đừng đổ cho có cung có cầu, có cầu có cung, mà thực ra tại vì sự thích ăn ngon như chúng ta mà thôi. Nếu chúng ta không ăn thì không có nhân sinh ra, nếu chúng ta ăn thì nhân sẽ sinh ra, cứ một con gà sinh nhiều con gà mà cuộc sống này, hỡi ôi! Một ngày có biết bao là con gà nói riêng rồi các loài vật khác nói chung như trâu, bò, heo, dê, vịt, chim, tôm, cua, bò, ốc, cá v.v. Cho nên nếu chúng ta càng sát sanh bao nhiêu thì loài vật đó càng nhiều bấy nhiêu. Mà chúng là ai? Là nhân quả của chúng ta đó, nó sẽ trả cái quả run sợ, hoảng loạn, đau khổ, khổ sở trước khi chết.
Trong gia đình chúng con có một người em trai chuyên thích chơi đá gà, cứ nhìn em con và đám bạn nó hàng ngày bên lồng gà, cho gà ăn uống rồi ôm ấp, ve vuốt, chải chuốt từng sợi lông và thoa nghệ, trồng cựa rồi kéo nhau ôm đi đá. Mà làm cho má con đau lòng lắm, bà bực tức lớn tiếng rầy la chúng nó thì nó thì phải ráng nuôi chỗ khác.
Rồi cái cảnh hai con gà to khỏe đứng xù lông kênh mỏ rồi sát nhau đá dữ dội, bên ngoài một dòng người đứng chen nhau trêu cười cỗ vũ. Hai con gà vần nhau được kéo ra và sát lại và sát nhau đá lại nhiều lần, trong hai con đã có vết thương và cánh lông tơi tả, một lát sau một con gà gục xuống nó ráng gượng đứng lên đau đớn chạy vòng vòng như tìm nơi trốn núp, nhưng chỗ nào đây? Chỉ toàn là chân người và tiếng reo hò thích thú, phía sau là tên đồng loại khôn ngoan đuổi theo, xoay mệt gần chết, đây là một cảnh tượng ác, đau khổ và nhẫn tâm vô cùng.
Tan cuộc, mọi người tan ra, một người buồn hiu ôm xác con gà về, một người vui cười ôm con gà độ hớn hở đi về tiếp tục săn sóc tỉa lông vuốt cánh. Má con sau này không còn la rầy em con được nữa, bà chỉ khóc và năn nỉ khuyên lơn: “Con nên bỏ nghiệp đá gà”, dần dần sau này nó không nuôi gà đó nữa.
(28:00) Một lần nọ con xem truyền hình chương trình thời sự nói về các chú xe honda ôm giành khách và gây sự với tài xế xe buýt, có lẽ phóng viên đứng quay từ xa cảnh tượng là thật 100%. Một số thanh niên khoảng bốn, năm người tài xế xe ôm đang cầm cây gậy đánh tới tấp và một thanh niên đang nằm lăn dưới đất. Anh này chỉ lấy hai tay ôm đầu, giấu mặt, cong mình hứng những cây phang gậy bổ, anh muốn bò lên chạy trốn nhưng sức còn đâu, xung quanh anh có người nhưng ai lại dám nhảy vào can thiệp, chỉ lấy mắt mà nhìn.
Nhìn tài xế xe buýt nằm quằn quại, đau đớn. con xót xa nghĩ lại cuộc đấu gà sao mà nó giống nhau quá. Lúc trước chúng con hay nói với em trai: “Chơi đá gà tội lắm, em thấy không? Con gà gần chết chạy trốn mà không trốn được, không ai tới cứu. Mai mốt em bị quả báo, bị người ta đánh mà không ai dám can”. Bây giờ đây con nghe Thầy dạy về nhân quả con ghê sợ quá, cảnh tượng bác tài xe buýt bị đánh biết đâu là nhân quả của một cuộc đấu gà nào đó ngày xưa, chúng con nghĩ nếu lúc đó có ai vào can ra chắc anh ta mừng lắm.
(29:35) Chúng con nhớ trước đây báo chí truyền hình hay nói về những con người hung hăng thích gây sự, chia từng nhóm thanh toán lẫn nhau, giết người không một chút run tay thương xót, kết quả thì xong một người. Vì một người chết, một người đi tù, để lại hai gia đình cha mẹ già, người vợ và đàn con thơ dại đau khổ buồn rầu, thương nhớ. Gia đình người sống phải lo bồi thường, ma chay chôn cất, hàng tháng phải đi thăm nuôi người gây tội ác. Nếu hai người vợ may mắn giỏi giang thì đàn con bớt khổ, nếu cuộc sống khó khăn thì đàn trẻ ra sao? Chúng có được học hành hay phải đi bán vé số mần thêm tiếp mẹ, hoặc theo đám bụi đời lăn lóc.
(30:38) Chỉ vì một hành động ác giết người thôi mà gây ra biết bao là đau khổ, rồi quả ác đó sẽ phóng xuất ra gặp từ trường tương ưng, từ trường tương ưng là từ trường có tham, sân, si khi đau hoặc yên lành. Rồi đời sẽ chuẩn bị chào đón những đứa bé mang sẵn quả sân hận, hận thù, hung hăng, chém giết. Những kế hoạch hóa gia đình, điều hòa kinh nguyệt, nạo phá thai là những duyên tan của chúng. Những đứa bé gặp được hợp duyên thì nhân quả tiếp tục.
Bây giờ báo chí đài truyền hình truyền thông lên tiếng báo động hiện nay có rất nhiều trẻ em thanh thiếu niên hư hỏng sống hung hăng, đập đánh, chém giết nhau để trở thành tội phạm khi chưa đến tuổi vị thành niên. Phải chăng những trẻ em thanh thiếu niên này là nhân quả của những bậc đàn anh đàn chị đang còn ngồi thọ án trong tù với tội danh giết người mà những tội phạm và số trẻ em này, thanh thiếu niên này theo người đời nhìn thấy thì họ nào có quan hệ dính dáng chi đâu.
Cho nên đây là những hành động ác tạo ra những điều đau khổ cho mình và cho người. Nếu chúng ta muốn không đau khổ thì chúng ta không nên tạo những gì ác làm cho chúng sanh đau khổ. Đừng nên giết hại mạng sống con người, con vật thì sẽ không ai làm hại chúng ta được.
Dạ mô phật hết ạ!
(32:21) Trưởng lão: Tiếp đây là một cái bài nữa, cái bài này thì chỉ nêu nhiều cái mẩu chuyện về nhân quả thân hành. Đây là nêu lên những cái mẩu chuyện để chúng ta biết nhiều cái thứ chuyện mà có thể chúng ta đưa ra thành nhân quả. Và nếu chúng ta khéo léo, khéo một chút đưa lên cái mẩu chuyện, nó làm chúng ta rất xúc động để thấy con đường đi của nhân quả đối xử với con người rất là công bằng. Vì chúng ta làm ác thì có bao nhiêu người phải thọ lãnh những cái quả ác đó, như cái nhân ác thì cái quả nó cũng xấu đi. Vì vậy mà Thầy muốn những cái bài viết của mấy con nêu nhiều cái sự thật của trong cái xã hội chúng ta xảy ra để nói lên cái nhân quả của nó.
Hôm nay cái bài này là của Nguyên Thanh nêu lên nhiều cái mẩu chuyện xảy ra như báo chí truyền thanh, truyền hình để làm cái mẫu cho chúng ta thấy khi viết bài luận về nhân quả con người, thì nó phải đem một cái sự thật ra mà viết. Vậy thì Nguyên Thanh lên đọc cái bài của con để cho mọi người thấy những cái mẩu chuyện mà nêu ra, và cái đồng thời trong những mẩu chuyện này nó thiếu cái sự lý luận về cái nhân, cái duyên hợp, duyên tan, và chuyển biến cái nhân quả đó. Nhưng ở đây chúng ta lấy cái mẩu chuyện, để mà chúng ta biết đó là mẩu chuyện của nhân quả.
Nguyên Thanh có đây không con? Con lên đọc những cái bài của con viết về trên nhân quả mà con đã ghi ra nhiều cái mẩu chuyện. Các con thấy một xấp mẩu chuyện như thế này nó không ít, mẩu chuyện của nhân quả.
(34:00) Tu sinh Nguyên Thanh: Dạ kính thưa Thầy!
Chủ đề nhân quả thân hành con người
Con người vào đời với thân nghiệp nên chỉ thường hay bệnh tật hoặc tai nạn này, tai nạn kia cho nên thường mang cái tâm tư đau khổ, luôn luôn giận hờn, thương ghét, sợ hãi … Vì vậy, chúng ta hãy cùng nhau quán xét lại nó, tức là suy nghĩ về thân tâm hoàn cảnh và tất cả mọi sự, mọi vật đang hiện hữu xung quanh chúng ta để cho những tri kiến sắc bén đó làm thay đổi nhân quả thân hành của chúng ta.
Vậy nhân quả thân hành là gì?
Nhân quả thân hành của con người là những hành động của thân chúng ta đã tạo ra nhân thiện, nhân ác gặt lấy những quả khổ hay quả vui trong kiếp sống hiện tại, quá khứ và tương lai.
Những mẩu chuyện về nhân quả thân hành
Chúng tôi xin nêu lên những câu chuyện nhân quả thân hành về con người. Những câu chuyện này có thật trong đời sống của chúng ta, những câu chuyện này sẽ giúp cho các bạn hiểu rõ hơn về đường đi nhân quả của thân hành.
Câu chuyện thứ nhất: Trả nợ tình bằng bom tranh.
(35:24) Tuy mới quen nhau sơ sơ nhưng chàng trai thường có những đòi hỏi vượt quá mức bình thường, cô gái không chấp nhận nên từng bước mối tình của họ trở nên đổ vỡ. Để trả thù việc cô gái cự tuyệt tình cảm của mình, lại không có ý trả tiền đã mượn, gã si tình bèn nghĩ cách chế tạo bom tranh và bí mật gửi tặng người mình yêu!
Cô gái hớn hở khi nhận được món quà lãng mạn, vội cắm bức tranh lên ngắm nghía, một tiếng nổ lớn bất ngờ phát ra từ bức tranh làm hai người bị thương, thiêu rụi một số đồ đạc trong nhà. Lần đầu tiên hiện tượng bom tranh xuất hiện ở thành phố Hồ Chí Minh.
Cô gái bị phỏng rất nặng ở mặt và cổ, còn một bé trai 2 tuổi bị phỏng da mặt và cánh tay. Nghe tiếng nổ bất thường, bà con chung quanh đã dùng bình chữa cháy khống chế ngọn lửa nên bà “Hỏa” chỉ thiêu rụi một số vật dụng trong nhà, chưa kịp cháy lan sang những căn nhà khác.
Sau khi Công an điều tra vụ án đã bắt được thủ phạm sinh năm 1970 và làm sáng tỏ vụ án. Ngày 18/9/2003, Viện Kiểm Sát Nhân Dân Quận 6 đã phê chuẩn lệnh bắt tạm giam về tội cố ý gây thương tích. Tòa xử án 10 năm tù giam.
Qua câu chuyện trên đã cho chúng ta thấy rõ nhân nào quả nấy. Từ ý nghĩ ác đưa đến hành động làm cho biết bao người đau khổ vì mù quáng trong tình yêu. Ham muốn tình dục đã làm cho chàng trai mê mờ không còn làm chủ được cơn giận dữ đã đưa tới hành động giết người mình yêu một cách thương tâm.
Cô gái sẽ bị mù suốt đời và nỗi oán hận trong trái tim cô gái sẽ theo cô mãi mãi, vết thương da thịt có thể lành nhưng vết thương lòng sẽ còn đó. Nếu cô gái hiểu được nhân quả thân hành của con người, thì chúng tôi hy vọng rằng nỗi đau đớn của cô gái sẽ giảm bớt đi một phần nào trong cuộc đời bất hạnh của mình.
(37:43) Câu chuyện đã cho chúng ta thấy rõ mỗi một hành động ác sẽ làm khổ mình khổ người. Và từ những hành động ác này sẽ phát sanh vô số những hành động ác khác và nó sẽ tái sanh luân hồi liên tục. Nếu chúng ta không muốn nó, nếu chúng ta muốn nó không tái sanh những hành động ác này, thì chúng ta phải có Chánh kiến tư duy về những hành động ác này. Khi nó mới xuất hiện thì phải ngăn diệt nó và phải từ bỏ cái ý nghĩ ác đó, nếu không cái quả là sẽ ở tù 10 năm trời như chàng trai si tình kia. Cái nhân là anh ta làm quả bom tranh và quả là anh ta ở tù 10 năm. Còn cô gái bất hạnh kia thì bị mù đôi mắt suốt đời. Thật đáng thương vậy!
Nhân quả thân hành con người cho chúng ta thấy về phương diện vật chất cũng như tinh thần, hễ có nhân thì thế nào cũng có quả, và quả lại là nhân hiện tại thành quả khác. Nhân quả đắp đổi cho nhau và tiếp nối mãi không dứt.
Những câu chuyện trên đây cũng không cần phải nói nhiều, các bạn cũng thừa biết rằng hằng ngày tâm chúng ta bị cảnh tượng nhân và quả ấy diễn ra không ngớt. Mỗi một tờ báo hằng ngày ra, chúng ta thấy đây là bài học nhân quả của thân hành.
Trước vành móng ngựa kẻ này bị 2 năm tù vì tội ăn trộm, kẻ kia giết người cướp của bị xử tử hình, kẻ nọ say mê cờ bạc cũng bị tịch thu gia sản. Cô kia ngoại tình bị chồng tạt axit v.v. Nói một cách tổng quát về phương diện vật chất cũng như tinh thần người ta gieo thứ gì thì gặt thứ ấy. Tất cả những hành động của thân chúng ta sẽ tạo lên quả và tiếp tục sanh ra vô số điều thiện và ác. Vì thế mỗi hành động trên thân, chúng ta phải có tri kiến để ngăn và diệt các ác pháp từ trong tâm khởi lên, như vậy mới chuyển hóa được nhân quả thân hành của mình.
(39:52) Những câu chuyện mà chúng tôi vừa trình bày ở trên, nhắc nhở cho chúng ta thấy rõ đường đi của nhân quả thân hành của con người rất rõ ràng và chi tiết. Nó giúp cho chúng ta rèn luyện con người trở thành người tốt của xã hội hiện nay và mai sau. Giúp tâm tánh con người điềm đạm, khiêm hạ, giản dị có nhân cách và đủ sức nhẫn nại vượt qua thử thách gay go của đời sống. Chuyển cảnh khổ đau thành cảnh an vui, no ấm và đưa con người đến cảnh thuận duyên mãi mãi.
Nhân quả thân hành giúp chúng ta thấy sâu và rõ hơn đường hướng đi của nó, giúp cho cuộc sống chúng ta trở thành một cuộc sống đạo đức chân thật, làm gương tốt cho mọi người soi. Giúp cho chúng ta không thành kẻ hung ác, sát nhân, trộm cướp, nhờ thế tâm hồn chúng ta không còn lo sợ tù tội thế gian và đọa ba đường ác. Và đây là con đường nhân quả của thân hành của loài người.
Tất cả mọi người nếu ai không biết giữ gìn nhân quả trên thân hành của mình thì sẽ đi vào con đường nhân quả ác, thọ lấy khổ đau hết đời này đến đời khác. Cho nên, người tu tập hiểu rõ, biết rõ mà không chịu thực hành thì sẽ đau khổ mà thôi, còn người nào hiểu biết rõ và ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày của mình trên thân hành thì là người đầy đủ hạnh phúc nhất trần gian.
(41:21) Trưởng lão: Bây giờ các con đã nghe được những cái bài viết tuy rằng nó chưa có đầy đủ lắm, phải ráng cố gắng viết đầy đủ hơn dựa theo những cái điều mà Thầy đã ghi ở trong cái bài. Là mình dựa theo cái đặc tướng, đặc tính, duyên hợp, duyên tan, chuyển đổi của nhân quả. Mà thay vì là thảo mộc nhưng mà con người chúng ta mỗi hành động nó đều có đặc tướng, đặc tính hết.
Do đó mà chúng ta dựa vào những cái điều này mà chúng ta triển khai ra cái sự hiểu biết của chúng ta, để viết thành một cái bài luận về nhân quả nó rất là đầy đủ về cái thân hành hoặc khẩu hành hoặc ý hành, nó rất đầy đủ. Mà nó có xoáy vào cái đề tài chúng ta muốn nhắc nhở và để chuyển biến và áp dụng vào đời sống của chúng ta nữa.
Và sau cùng thì chúng ta sẽ làm một cái bài, bài viết về nhân quả của chúng ta hiện đang tu hành nó có những cái nhân. Cái thân hành của chúng ta là sát hại chúng sanh, rồi tham lam trộm cắp, rồi tà dâm, dâm dục thì như vậy là chúng ta xét qua thân hành chúng ta là những người đang tu còn những tâm niệm đó hay không? Còn những hành động đó hay không?
Vì vậy mà chúng ta cảnh giác chúng ta, xong rồi chúng ta xét lại mình, khi mình nói cái chuyện của xã hội, của mọi người nó thô đến cái vi tế trong tâm của chúng ta. Khi chúng ta còn tham đắm, còn tham lam trộm cắp, khi mà chúng ta còn tham ngủ, tức là chúng ta còn si mê đó, thì tất cả những cái điều đó nó nằm qua cái thân hành của chúng ta. Vì vậy mà chúng ta suy nghĩ để mình cố gắng khắc phục những gì mà còn tham sân si. Khi làm trong nhân quả đâu phải làm cái bài để cho có, mà làm để áp vào đời sống của chúng ta.
Cho nên đi từ nhân quả mẩu chuyện sự thật của xã hội rồi đưa đến cái sự thật của cuộc đời mình, ngay cả từng cái tâm niệm. Cái tâm niệm của chúng ta tham sân si, rồi cái hành động tham, sân, si nó thể hiện qua.
Ví dụ như cái lần mà chúng ta sát sanh mà chúng ta nói bây giờ mình không có cầm dao giết con vật, không ăn thịt nó rồi nhưng mà nhiều khi chúng ta đạp chết một con ốc, một cái con kiến mà chúng ta không hề có khởi chút lòng thương yêu chúng sanh, thì đó cũng là mang tội sát sanh chứ sao.
(43:38) Cho nên vì vậy mà cái người tu chúng ta phải xét lại, chúng ta không trắc ẩn trước sự chết của một con vật mà khi đi nó đạp dưới chân chúng ta, chúng ta bỏ đi suông qua. Sự thật ở đây, ở trong đây chúng ta có nhiều người thực hiện được tâm từ của chúng ta khi đạp một con ốc thì chúng ta xót xa vô cùng, chúng ta để con ốc trong lòng bàn tay mà tâm chúng ta nghe đau đớn. Còn có nhiều người đạp cái rốp vẫn đi ngang bỏ luôn, đạp một con cuốn chiếu quằn quại người ta vẫn đi qua, bỏ qua với một cái tâm như thường đó là còn cái tâm ác chứ chưa phải là tâm thiện. Chúng ta phải biết, chúng ta không có cầm cái dao hoặc là cố gắng đập con kiến hoặc là giết con cuốn chiếu chết, nhưng mà sự vô tình mà chúng ta không đau xót trong lòng chúng ta thì cũng còn tâm ác chứ chưa phải.
Nên vì vậy chúng ta xét qua để chúng ta thực hiện được cái lòng chúng ta thật sự là hiếu sinh, thương sự sống của muôn loài. Rồi bắt đầu cái tâm mà của chúng ta còn hở một chút tham, thấy cái vật, thí dụ như bây giờ đời sống chúng ta ba y một bát thôi, có người mà đem đến cho chúng ta những vật này vật kia, chúng ta thôi để dành thì điều đó cũng vẫn còn tham mấy con, tham mới giữ lại mấy con.
Thì các con cứ xét, xét nét từ cái tâm niệm, từ cái hành động nhân quả mà chúng ta đã học, rồi chúng ta áp dụng vào đời sống của chúng ta để chúng ta buông xả. Các pháp đều vô thường có vật gì đâu là của mình đâu mà giữ làm gì, hết thì mình không còn thì mình đi xin có gì đâu, cũng như hôm nay chúng ta xin ăn có gì đâu mà xấu hổ. Cho nên cuộc đời của chúng ta là cuộc đời một là ra khỏi cái kiếp làm người không còn tái sanh luân hồi nữa.
(45:11) Vì vậy mà cái sự quyết tâm của chúng ta sống trọn vẹn ba y một bát để chúng ta xả cho sạch, nhờ xả sạch đó mà chúng ta mới có đủ đạo lực làm chủ sự sống chết chấm dứt luân hồi. Nếu chúng ta còn giữ dù một chút mà thôi, dù một cái khăn mà thôi, dù một vật dụng nhỏ mà thôi, dù còn thấy món ăn đó thích thì chúng ta còn chưa hẳn là chúng ta làm chủ sự sống chết của chúng ta.
Cho nên hôm nay Thầy nhắc nhở mấy con làm bài luận về nhân quả, chúng ta nêu nhiều mẩu chuyện và đây chúng ta tượng trưng đọc cho chúng ta thấy hai bài luận về nhân quả nhưng chưa đủ. Mấy con hãy cố gắng làm để mà xác định từ cái nhân quả của mẩu chuyện nó đưa vào cái nhân quả của con người nó có cái sự liên hệ với nhau. Cho nên cái bài học nhân quả chúng ta còn làm nhiều nữa, để chúng ta nhắc nhở mình, để áp dụng vào đời sống mình.
Cho nên mình càng thấm nhuần được thì sự kiện ác pháp bên ngoài, mọi hoàn cảnh xảy đến chúng ta đều là do nhân quả hết. Và vì vậy mà đôi mắt nhân quả chúng ta và tri kiến hiểu biết của nhân quả chúng ta sẽ ngăn chặn và không làm cho chúng ta đau khổ, các lậu hoặc, các ác pháp bên ngoài không tác động vào thân tâm chúng ta được bằng sự thấu suốt được nhân quả như thật. Vì vậy mà Thầy mong rằng cái lớp học chúng ta càng học chúng ta càng thấm nhuần, mà càng thấm nhuần thì chúng ta càng ngăn chặn được ác pháp bên ngoài tác động vào thân tâm của chúng ta.
(46:47) Bây giờ có những phần mà Thầy giải quyết. Có một người đến xin Thầy để mà trị bệnh, cách thức để trị bệnh vì hiện giờ con bị về hơi thở mà nó ngăn ngại thì con không nên tu tập hơi thở, không nên nương vào hơi thở mà để đuổi bệnh, ở đây là cô Liễu Ngọc, Liễu Ngọc là người nào con? Liễu Ngọc là ai đó? Con hả con?
Tu sinh: Dạ!
Trưởng lão: Con đang bị bệnh, thì hiện giờ con cũng lớn tuổi rồi thì không thể nào nương vào cái, lẽ ra thì con sẽ nương vào cánh tay đưa ra đưa vô thay thế cho hơi thở để rồi đuổi bệnh. Cái thứ hai nữa con nương vào cái tâm thanh thản an lạc vô sự nhắc: “Tâm thanh thản, an lạc, vô sự”, cảm thọ, cái bệnh của con, “cảm thọ là vô thường”, cái bệnh đau gì đó con nói tên của bệnh đau đi: “Hãy rời khỏi thân tâm, ta ước nguyện rằng thân ta chuyển được nhân quả khổ này để tiếp tục tu hành giải thoát”. Con ước nguyện nó và con đuổi nó thì cứ mỗi lần mà tu tập trước khi tu một cái pháp nào đó, thì con làm cái hành động đó, tức là con tác ý cái câu đó cho xong rồi thì con mới tiếp tục con tu. Sau khi tu mà sắp sửa xả ra nghỉ, xả nghỉ đó, thì con cũng giữ cái tâm mình thanh thản và tác ý cái bệnh của con để đuổi nó đi.
Thì một thời gian sau cái bệnh con nó sẽ hết, nó không còn có làm cho con khổ sở nữa, đó là cái vấn đề trị bệnh cho con. Mang cái thân bệnh, năm điều khó mà thân có bệnh là một điều khó tu. Cho nên vì vậy mà ráng cố gắng mà đuổi cái bệnh, đừng dao động, đừng sợ hãi, vì nhân quả mà mình phải gánh chịu những sự đau khổ, sợ hãi đó. Cho nên giữ tâm bất động thì chuyển được nhân quả mà tâm còn động thì không chuyển được nhân quả, tức là không chuyển được bệnh của con, không sợ hãi để giữ tâm bất động và không sợ hãi thì mới chuyển được bệnh còn sợ hãi thì không chuyển nổi bệnh.
HẾT BĂNG