00:00
00:00
Mục lụcA+A-Lưu sáchTìm trong sách
Ẩn Mục lụcPhóng toThu nhỏInLưu sáchTìm trong sách

Phiên bản điện tử dành riêng cho Thư viện Chơn Như:
https://thuvienchonnhu.net

Quý bạn đọc muốn thỉnh sách giấy vui lòng liên hệ
Ban kinh sách của Tu viện Chơn Như:
Điện thoại: (0276) 389 2911 - 0965 79 55 89
(Sách chỉ kính biếu, không bán!)

Ước mong mọi người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh.

Chuyển ngữ: Nhóm Phật tử & Tu sinh Chơn Như

20120525 - PHẬT TỬ SA ĐÉC - BUÔNG XUỐNG ĐỂ GIẢI THOÁT - TRIỂN KHAI TRI KIẾN

PHẬT TỬ SA ĐÉC - BUÔNG XUỐNG ĐỂ GIẢI THOÁT - TRIỂN KHAI TRI KIẾN

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Phật tử

Thời gian: 25/05/2012

Thời lượng: [27:25]

Tên cũ: 20120525-Thầy thăm cty cơ khí Phước Lụa-Sa Đéc

1- BUÔNG XUỐNG TẤT CẢ SẼ ĐƯỢC GIẢI THOÁT

(00:04) Phật tử 1: Dạ con thưa Trưởng lão, được cái nhân duyên lành, hôm nay Trưởng lão đến với công ty của chúng con. Trước mắt, thì chúng con là Phật tử được đi theo con đường giáo hóa của đức Phật Thích Ca Mâu Ni được cái sự xiển dương của Trưởng lão. Đệ tử vô cùng được cái là hân hạnh và may mắn, hôm nay được cái sự giá lâm của Trưởng lão đến cái công ty của chúng con.

Trưởng lão: Đó là một cái điều rất là may mắn, Phật pháp đến với mọi người đem cái điều tốt, điều lành. Hôm nay có đủ duyên, Thầy đại diện cho Phật giáo, làm cái người mà đã quyết tâm tu, cho nên vì vậy mà cái duyên nó đủ Thầy mới có đến đây thăm được. Chứ còn không đủ làm sao mà thăm. Thôi các con yên tâm đi, các con thực hành…​

(01:10) Phật tử 1: Con xin thưa Trưởng lão. Hôm nay, con vẫn đủ cái duyên lành, được cái phước báu ba đời gặp được cho Trưởng lão, thông hiểu cho cái pháp của đức Phật Thích Ca Như Lai đã để lại. Hiện nay con mong muốn rằng có một cái thư viện ở tại quốc lộ 80, để thỉnh kinh, sách, đĩa của đức Trưởng lão về cho anh em ở bản xứ được theo học và được cái sự giải thoát.

Trưởng lão: Quý quá! Con sẽ cho một cái địa chỉ, Thầy sẽ gửi kinh sách do Thầy sáng tác ra, để gửi về đây cho anh em, chị em ở đây, sẽ theo đó mà tu học, thì Thầy thấy cũng là một cái duyên phước ở đây cho chúng sanh ở đây cũng lớn lắm đó. Thôi yên tâm đi các con. Các con Thầy thấy cũng như Thầy vậy thôi, ráng mà khi mà đọc kinh sách của Thầy rồi, biết con đường tu của đạo Phật đã đi như vậy thì mình ráng giữ một phần trăm thôi, thì mấy con cũng thấy giải thoát rồi. Bởi vì: “Các pháp ác không nên làm, mà nên làm các pháp thiện”, thì mười điều ác mà mình không làm chín điều thì mình sẽ được thấy sự an ổn rồi. Huống hồ là mình làm trọn vẹn mười điều luôn thì coi như là mình giải thoát chứ sao.

(02:56) Phật tử 1: Thưa Trưởng lão, hôm nay đệ tử được cái nhân duyên lành, thọ học các pháp của đức Trưởng lão, là được cái may mắn hiểu biết ở trong cái lời truyền pháp của đức Trưởng lão, đệ tử rất là hân hạnh, vui mừng cũng như là mình được một cái thành quả mà to lớn hơn là cái của thế gian sự nghiệp. Đệ tử rất là mừng, đệ tử không biết nói gì hơn được cái sự hiện diện của Trưởng lão ở tại công ty của Cơ khí Phước Lụa. Đó là điều phước báu của tất cả chúng sanh ở tại cái bản xứ này.

Trưởng lão: Nói vậy là ở đây mà thành lập một cái thư viện, Thầy thấy quá hợp, quá tốt. Có những kinh sách đó mình cho mọi người, người ta đọc thì để thấy nó càng ngày người ta càng thông hiểu được Phật pháp, thì sự giải thoát cho mọi người rất là hạnh phúc. Nhất là đạo đức: “Sống không làm khổ mình, khổ người”, thì càng rất là hạnh phúc cho dân tộc của chúng ta. Một dân tộc cần phải có đạo đức, mà không có đạo đức thì dân tộc đó khổ đau nhiều. Mà hôm nay đủ duyên, mấy con mời Thầy về đây thăm, thì đó là cũng là cái đại nhân duyên lớn lắm đó.

Thôi mấy con kiếm ghế rồi ngồi đi. Các con ngồi đi.

Bữa nay không mời mà sao các con đủ mặt ở đây hết trơn hết trọi vậy? Thầy dạy mấy con làm sao, mà chắc nữa mấy con quên hết rồi chứ gì!? Tâm bất động mà có mặt ở đây thì nó động rồi. Cho nên nhớ: “Tâm bất động thì nó thanh thản, an lạc, vô sự”. Mà tâm bất động thì nó sẽ ở cái chỗ mà sống một mình, chứ không ở sống hai, ba người được. Mấy con thấy chưa? Cho nên thấy mặt mấy con, Thầy biết tâm động dữ lắm rồi. Thấy bây giờ cái người mà không tu, người ta cũng biết tâm mấy con động chứ đừng nói Thầy. Phải không?

(05:36) Phật tử 1: Con xin thưa hỏi Trưởng lão một điều. Hiện nay, con đã dàn xếp cái công ty con được ổn định rồi.

Trưởng lão: Vậy hả?

Phật tử 1: Vợ thì coi như là các con đều lớn hết, chỉ còn một cháu út là nó đã hoàn thành, cũng học kỹ sư đi ra trường năm nay là bốn năm. Cái nguyện con thì trước sau cũng phải ba y một bát đi theo Trưởng lão. Con nguyện là sẽ dàn xếp công ty cho nó ổn định. Hiện nay còn một trại ở địa xứ này, con làm một cái thư viện nhỏ để là thỉnh kinh điển của đức Trưởng lão về đây, truyền pháp cho các anh em ở xứ bản, để họ được cái phước báu, mà họ đi theo con đường giải thoát của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, mà Trưởng lão đã chia sẻ lại và hướng dẫn lại. Con rất là mừng.

(06:30) Trưởng lão: Được rồi! Điều đó là cái nhân duyên lớn của Phật pháp. Mà nếu mà con bỏ mà tu còn ba y một bát nữa thì Thầy thấy quá tuyệt.

Các con biết không? Đời khổ lắm mấy con. Mấy con tưởng đâu, ngoài đời có chồng, có vợ là hạnh phúc lắm. Hễ càng chồng chất thêm, thì con cái cháu chít nó càng khổ thêm. Cho nên buông xuống đi, buông xuống tất cả thì mấy con sẽ được giải thoát. Buông xuống bằng cách nào? Chỉ có Phật pháp mới buông xuống mà thôi. Chứ nếu không có Phật pháp, biết đường đâu mà buông. Cho nên, nói buông chứ coi chừng mấy con ôm vô đó không đó. Thì đó là mấy con sẽ thấy cái khổ.

Cho nên hôm nay có đủ duyên, mà Thầy về đây, một lời, hai lời, Thầy khéo nhắc nhở, chứ còn nếu được ở gần Thầy và được nghe Thầy dạy bảo từng chút để tu tập thì chắc chắn rằng sự tu tập của mấy con sẽ mau hơn. Nhưng vì tuổi Thầy lớn rồi, cho nên Thầy cần phải có nghỉ ngơi nhiều hơn một chút, để duy trì cái mạng mạch của Phật pháp, để truyền thừa cho cái người thừa kế, để khi một mai Thầy có ra đi người thừa kế đó sẽ thay Thầy lãnh đạo để cho Phật pháp còn trường tồn mãi mãi trên thế gian này. Chứ nếu không có người thừa kế sẽ mất đi.

(08:06) Các con biết đức Phật ra đời, mà trong một cái thời gian quá dài hơn hai ngàn mấy trăm năm, mà Phật giáo bị chìm mất đi. Người ta chỉ biết Phật giáo qua những tà giáo của ngoại đạo, tới chừng Thầy mới lật ngược lên, để cho họ thấy Phật giáo là như vậy, chứ không phải là như các ông hiểu. Cho nên do đó mới có những cái sự bút chiến. Nhưng Thầy nói rằng, người ta tranh cãi với Thầy, chứ Thầy không tranh cãi với ai. Cứ trong kinh sách của Phật thì Thầy nói mà thôi.

Cho nên hôm nay, mấy con đủ duyên nghe lời Thầy hãy buông xuống hết đi mấy con. Buông xuống, bỏ xuống mà lo nỗ lực tu tập. Cái gì không biết thì cần phải thưa hỏi cho biết. Còn cái gì biết rồi thì nỗ lực mà tập. Tập chưa thấm nhuần thì hỏi Thầy, Thầy dạy cho thấm nhuần. Như vậy mới thật sự giải thoát, chứ thôi cứ khư khư mà ôm cái mình tu sai, mà mình cứ nghĩ rằng mình tu đúng, thì coi chừng nó đi lạc đường mất đi mấy con.

Bởi vì chính cái kiến giải của mình nó làm lệch lạc rất nhiều Phật giáo đời sau của chúng ta. Vì mình kiến giải ra, mình nghĩ theo mình là Phật, hiểu như vậy. Nhưng mà người ta hiểu Phật qua kinh nghiệm sự giải thoát. Người ta mới dám nói ra. Như chính bản thân Thầy, qua kinh nghiệm giải thoát của mình, làm chủ bốn sự đau khổ sanh, già, bệnh, chết. Thầy là chủ nó rồi, Thầy mới dám nói, chứ chưa làm chủ đâu có dám nói.

Cho nên Thầy nói ai mà bình luận Đường Về Xứ Phật, thì người đó phải làm chủ bốn sự đau khổ sanh, già, bệnh, chết mới dám bình luận bộ sách này, còn không thì không được bình luận. Thầy khẳng định như vậy rồi mà.

2- CẦN THƯA HỎI KỸ ĐỂ TU TẬP CHO ĐÚNG

(10:09) Trưởng lão: Về hôm nay, những gì mấy con muốn nói ra đều là qua kinh nghiệm tu tập của mấy con. Nó cụ thể, nó thực tế hơn, để cho mấy con thực hiện, một ngày nó phải tiến bước như thế nào, chứ không khéo mình cứ nghĩ tu vậy đúng, mình nghĩ cái tưởng của mình nghĩ ra chứ sự thật ra nó chưa có đúng đâu.

Biết có đúng không, phải hỏi kỹ người ta lại, bữa nay người ta chưa trả lời mình bền chí một lần mình hỏi người ta chưa trả lời mình, hai lần, ba lần tới một trăm lần, một ngàn lần, người ta coi thử coi mình có bền chí hay không. Còn mình hỏi một, hai lần cái thôi không am, thấy người ta không trả lời tức là người ta đang thử thách mình. Các con không hiểu điều đó, cho nên mấy con nói: “Như vậy Thầy bỏ mình, Thầy không nói thôi mình hiểu sao mình tu vậy. Không! Người nào dạy sao đó mình tu vậy thôi, không cần hỏi”. Thì cái đó là mấy con sai rồi mấy con.

Khi mà không trả lời là coi chừng người ta thử thách mình đó. Để coi thử coi cái sự bền chí của mình như thế nào. Có bền chí thì mình mới làm nên việc, ở ngoài đời, cái công việc gì mà làm nên công việc đều là phải có bền chí, đều có ý chí. Chứ còn nếu mà không có ý chí thì khó mà làm nên sự việc. Cho nên sự tu tập, nó cũng như vậy, mấy con.

(11:38) Thì mấy con ngày hôm nay có đủ duyên, mấy con được nghe lời Thầy giảng nói vậy, thì mấy con hãy nhớ ghi khắc kỹ ở trong lòng của mình, để rồi sau đó những cái gì cần tu tập thì phải thưa hỏi rồi mới tu tập. Những gì chưa cần tu tập thì đừng có hỏi lung tung, hỏi lung tung Thầy không có trả lời đâu.

Bởi vì hỏi như vậy để nghe chơi, để nghe đi ra nói láo. Mà nói cho mấy con nghe để cho mấy con học những lời nói của Thầy, đụng đâu đi ra nói đó. Có nhiều người tu không ra gì hết mà nói vanh vách, thì đó là cái sai không đúng mấy con. Các con lưu ý những cái điều đó, người ta không nói lời nào mà người ta ôm pháp, người ta tu, chính người đó mới thật sự là người tu giải thoát.

Mấy con còn hỏi Thầy gì nữa không? Một lần gặp Thầy cũng khó lắm chứ, không phải dễ đâu.

(12:43) Phật tử 1: Con bạch Thầy! Khi mà con tâm được thanh tịnh, đã chứng ngộ được cái vô thường và cái luật nhân quả rồi, để được cái nhân quả và cái nhân duyên nó đến với mình rồi. Khi mà con đi sâu vào tu cái pháp môn Tứ Niệm Xứ thì bản thân con nó được nhẹ nhàng và nó biết tất cả các pháp đến với mình, mà tự động mình hóa giải được. Mình chứng ngộ trên cái tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, thấy cái thân nó khỏe, nó nhẹ nhàng và nó hỷ lạc. Có phải là đi đúng pháp không?

Trưởng lão: Chưa! Bởi vì cái trí tuệ của con nó chưa có triển khai đúng mức. Cái trí tuệ triển khai đúng mức đó, ngày mai xảy ra chuyện gì, ngày nay không biết ngày mai. Như vậy mà mình phải triển khai cái trí tuệ. Cái trí tuệ bây giờ thay vì, thường thường thiền Đông Độ dạy có mỗi niệm nào mà khởi lên, đều chúng ta ức chế nó, không có cho nó khởi niệm lên.

Còn lại trái lại tu theo đạo Phật mỗi một niệm mà khởi lên chúng ta triển khai cái niệm đó ra, thành ra một sự hiểu biết chúng ta rộng mênh mông. Hễ càng có niệm bao nhiêu thì cái trí tuệ chúng ta càng nở bành trướng rộng bấy nhiêu. Thì như vậy, chúng ta là người triển khai trí tuệ để từ cái trí tuệ đó nó sẽ thấy cái ác, cái thiện mà nó không sống trong cái ác, mà toàn sống trong thiện thì nó là giải thoát hoàn toàn. Mới đúng pháp.

(14:20) Phật tử 1: Bạch Trưởng lão! Bản thân con hiện nay cơ bản đã hoàn tất được cái chướng ngại pháp của tham, sân, si. Khi trước thì coi như, cái công việc của thế gian, mình gom vô cho mình, còn bây giờ con cảm nhận được cái vô thường, hôm nay sống nhưng mà ngày mai nó không biết còn hay không. Cái lời di chúc của đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Trưởng lão đã triển khai là cái bốn cái câu thơ, mà đệ tử lúc nào cũng ôn nhắc mình, nó có vô thường của cái hơi thở, là bốn câu thơ nó là như thế này:

“Buông xuống đi, hãy buông xuống đi!

Chớ giữ làm chi, có ích gì.

Thở ra chẳng lại, còn chi nữa?

Vạn pháp vô thường, buông xuống đi!”

Đệ tử đã chiêm nghiệm được cái bốn cái câu trong bài thơ của bát cú, để thấy từ cái ngày hiểu được các pháp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Trưởng lão đã triển khai giảng giải và vui vẻ mà hạnh phúc vô cùng.

Trưởng lão: Đúng! Nhớ những câu thơ đó thì các con sẽ thấy buông nó dễ dàng hơn, đụng chuyện gì mấy con cũng bỏ xuống được hết rất dễ. Nhớ ghi khắc, nhớ những câu kệ như vậy, đó là những câu kệ tâm đắc nhất để mà mấy con tu tập đó.

Phật tử 1: Kính thưa Trưởng lão và các Tôn túc, các quý vị, các vị sư hôm nay được cái nhân duyên lành thỉnh Trưởng lão về đây, phước báu ba đời của dòng họ đệ tử và cũng nhân viên của trong công ty. Hiện nay công ty của Phước Thiện chế tạo ngành lau bóng gạo xuất khẩu được đứng hàng thứ tư của đất nước Việt Nam. Nhưng mà đệ cũng nhìn thấy rằng, tất cả không có gì tồn tại được hết cho nên đệ tử sẵn sàng nhường cái ngôi vị này lại cho các cái đứa con của đệ trông, để nó quản lý trong tương lai.

Trưởng lão: Ừ. Giỏi lắm đó. Như vậy mới được.

3- CẦN TRIỂN KHAI TRI KIẾN HIỂU BIẾT

(16:41) Phật tử 1: Quyết một lòng là đi theo Phật pháp, mà cái duyên lành nhất là Phước Thiện đã gặp được Trưởng lão. Đó là phước báu ba đời, đệ tử cũng trôi lăn trong cái đường tìm đạo nhưng mà cái duyên lành, cái phước báu được gặp Trưởng lão triển khai, là đệ đã gặp vào liền, hiểu liền, nhanh rất là nhanh. Thời gian rất là ngắn nhưng mà đệ đã nắm được những cái yếu chỉ của Trưởng lão đã truyền đạt, cho nên đệ tử rất là mừng, mà vui, mà tự động sống nó hạnh phúc, mà nó nhiều khi không đói nữa.

Trưởng lão: Cái duyên nó tới đúng rồi.

Phật tử 1: Dạ không đói.

Trưởng lão: Cho nên nhớ kỹ những điều này, tâm tâm, niệm niệm những điều này, để rồi một ngày nào đó, quyết định, nhất định sống ba y một bát, sống một mình, nỗ lực tu hành cho đạt được như Phật, như Thầy.

Nó không khó đâu mấy con, vô Thầy bắt đầu, Thầy triển khai cái tri kiến của mấy con, cái trí tuệ của mấy con. Đầu nó trí tuệ nó hiểu biết rồi, tất cả các pháp ác nó không làm, mà nó triển khai các pháp thiện. Thì ngay đó, mấy con giải thoát rồi. Chứ nó đâu có ức chế, đâu có ngồi nó gom cái ý thức của mấy con lại, làm cho nó khô cằn, khô cỗi đâu mà khó khăn, không có khó khăn.

Cho nên đối với đạo Phật, đạo Phật xuất hiện, đạo Phật là đạo của con người mà chứ không phải đạo của ngoại đạo. Cho nên có duyên mấy con thấy lần lượt, mấy con xếp duyên lại cho nó gọn ghẽ, vợ con đâu đó ra đó. Bởi vì cái trách nhiệm, bổn phận đạo đức của mình đối gia đình phải làm cho xong. Xong rồi còn chi nữa bỏ xuống hết, lo mà nỗ lực thực hiện tu hành. Thầy chỉ khuyên như vậy đó thôi.

Phật tử 1: Con đội ơn Trưởng lão đã chỉ dạy.

(18:46) Trưởng lão: Thôi con đứng dậy con. Đứng dậy con. Coi trong mấy con có ai hỏi gì nữa không con? Thầy thấy có nhiều mặt cũng quen lắm đó.

Có cái gì không hiểu thì nên ghi nhớ cái không hiểu coi cỡ sức mình hiểu đó có đúng hay sai. Phải thưa hỏi cho kỹ mấy con. Tu nó không khó mà nó khó là vì do mình tu sai, do mình hiểu sai, chứ không phải là khó tu. Nói tâm bất động ai nói cũng được nhưng mà làm cho được tâm bất động là do vì mình do vì mình tu sai, hiểu sai chứ không phải tâm mình không có bất động.

Ai cũng biết nói tâm bất động, tâm bất động thì mình ngồi lại để tự nhiên coi bất động, thì rõ ràng có chứ đâu phải là không có đâu. Có thật. Nhưng mà kéo dài ra đó thì làm sao mà kéo dài được? Đó chính đó là những cái mà cần phải tu tập, cần phải thưa hỏi kỹ. Coi nó hợp với đặc tướng mình như thế nào, cách thức như thế nào để cho tâm mình hoàn toàn bất động trước các ác pháp. Lúc bấy giờ là mình giải thoát chứ đâu, như Phật rồi còn gì mà tu nữa. Ngồi chơi thôi, không còn làm gì nữa hết, hạnh phúc vô cùng. Chứ để không mấy con tu suốt đời của mấy con đó. Rồi thôi nhé mấy con. Xong rồi, được rồi. Có ai hỏi không? Thôi cứ ngồi đi con.

4- ĐỨNG TRƯỚC CÁC ĐỐI TƯỢNG ĐANG ĐỘNG MÀ TÂM BẤT ĐỘNG LÀ CÁCH THỨC TU

(20:41) Phật tử 2: Bạch Thầy, con là Nguyễn Thị Lài. Từ lâu xin phép Thầy được trở về cất cái thất tu hành. Trong thời gian cất cái thất thì, dạ thưa Thầy con quán rất nhiều vô lậu để tâm con buông xuống, quán về những cái gia cảnh xung quanh mình và hoàn cảnh của mình, các con của mình nữa. Nhờ con quán nhiều vô lậu như vậy tâm con nó buông xuống. Giờ cái tâm nó buông xuống vậy được, thì con không còn chạy theo cái ham muốn nữa. Cho nên con thấy tâm con nó có quay vào, nó biết mình tập tỉnh thức. Nhưng mà con nhớ trong cuốn tập Thầy dạy, cái câu thơ mà Thầy nói là:

“Vạn cảnh đang lay động

Tùy cảnh tâm an vui

Nhờ cảnh tâm vô trụ

Chẳng buồn cũng chẳng vui.”

Có nghĩa là bên ngoài nó động bao nhiêu mà tâm mình không dính mắc, không trụ vô nó là hãy giải tâm giải thoát.

Trưởng lão: Đúng vậy! Nhưng mà cách thức để mà làm cho cái tâm mình đứng trước các đối tượng đang động mà tâm mình bất động đó là cách thức tu đó.

Phật tử 2: Dạ. Cách thức tu đó là con tác ý xả.

Trưởng lão: Con tác ý xả chưa thấm. Con quán vô lậu cũng chưa thấm. Hằng ngày con phải sống cho đúng, thí dụ như một niệm mà khởi trong con niệm nó…​ Cái trí tuệ của con biết đó là niệm ác, còn cái niệm mà thiện thì bắt đầu con triển khai cái niệm thiện, con sống con tăng trưởng cái niệm thiện lên, còn cái niệm ác nhất định con không bao giờ có thể mà sống với cái niệm ác, dù chút xíu của cái niệm đó, nhất định là con cũng không được dính mắc. Con phải có sự quyết tâm như vậy, cứng rắn như vậy, ý chí như vậy thì con mới thành tựu. Chứ không khéo mình sẽ nói suông mà mình không có diệt hết được cái từng cái tâm niệm mình còn.

Phật tử 2: Trong thời gian đó, con không có tu pháp gì hết, con chỉ tu pháp xả. Con tu tác ý để xả.

Trưởng lão: Con tác ý nó một lần rồi nó chưa đâu. Nó phải đi trước để mà triển khai cái tri cái kiến của mình được, để rồi nó xả được rồi đó, sau đó nó tiếp tục tác ý để xả, tác ý không đó để xả. Còn cái kia đó mình tác ý nhằm quán xét từng cái niệm của mình để mình xả trước, để triển khai cái tri kiến của mình cho nó rộng rãi, bao la. Khi nó rộng rãi bao la rồi, mỗi mỗi cái pháp nó đụng vô mình nó quét ra liền. Đó là đụng cái trí tuệ con nó rớt ra liền. Nó ra liền.

(23:33) Phật tử 2: Trong thời gian nào, thì con có thể mà đi tới cái chỗ nào tu hành Thầy?

Trưởng lão: Con phải sống một mình độc cư chứ không được sống hai, ba người. Nghĩa là tránh tiếp duyên nói chuyện này, chuyện kia mà nói là, coi như là tự mình phá hư cái đạo tâm của mình mất. Cho nên không tiếp duyên ai, mình biết cái tâm mình tu tới đây rồi, hoàn toàn sống chỉ có một mình, con sống như con tê ngưu một sừng.

Phật tử 2: Kính bạch Thầy! Trong giờ phút đó cái tâm mình nó thong thả nó an vui như vậy thì lại hành động, những cái việc làm của mình, nó đều biết rõ. Nhưng mà con không dám để cho nó biết, cái thân con không phải không biết luôn cả xung quanh, để con đừng có ức chế nó. Như vậy có đúng không Thầy?

Trưởng lão: Không được, con không biết rõ xung quanh con. Con biết toàn diện hết. Con triển khai cái tri kiến của con, biết phủ trùm tất cả mọi cái. Khi cái tri kiến đưa ra một cái ý kiến gì, một cái niệm gì đó thì con hiểu biết tường tận nguồn gốc của cái niệm đó chứ đừng có dừng ngang, nó không có được, triển khai cho nó rộng lớn lên, cái trí tuệ của con cho nó mở rộng lớn lên. Khi mà các pháp nó đụng đến là con hiểu biết rộng lớn ra, cái nào xả mà cái nào không xả, cái nào sống mà cái nào không sống, biết liền. Chừng đó con mới học thêm, chỉ tu tập thêm những cái pháp khác hơn.

Phật tử 2: Kính bạch Thầy, như vậy thì bây giờ con ở là tại thất con tu theo tiếp theo cái pháp Thầy chỉ dạy. Khi nào con thấy rằng con đã có một chút xíu nào tiến bộ, con xin gặp Thầy.

Trưởng lão: Khi nào mà con thấy được cái trí tuệ của mình, mỗi cái niệm ở trong đầu của con, dù nhỏ dù lớn hiện ra, con đều hiểu thông suốt hết của nó rồi thì chừng đó thưa hỏi, Thầy dạy pháp khác tu tập. Chứ bây giờ chưa có được. Cho nên phải còn triển khai cái tri kiến giải thoát chứ. Đạo Phật là đạo trí tuệ mà, cho nên mình không triển khai trí tuệ, làm cho trí tuệ nó cùn nhụt đi. Nhớ kỹ nó con!

Con ngồi xuống đi.

Phật tử 3: Thầy cho con xin hỏi.

Trưởng lão: Ừ.

(25:53) Phật tử 3: Thầy cho con xin hỏi. Là lúc Thầy dạy chúng con tu tâm bất động, nghĩa là khi mình ngồi là cái đầu lúc nào cũng phải suy tư chứ không phải là nghĩ Thầy?

Trưởng lão: Nghĩ với suy tư nó chỉ là một con, mình suy nghĩ ở trong cái đầu của mình đó, suy tư nó chỉ, tuy rằng danh từ thì mình nói nó có hai nhưng mà sự thật ra nó chỉ là một, cái nghĩa của nó là một thôi.

Phật tử 3: Lúc nào cũng triển khai tri kiến phải không Thầy? Chứ không lúc nào mình ngồi không.

Trưởng lão: Không có ngồi không mà mình triển khai cái tri kiến của mình. Khi nó có niệm thì mình đưa cái niệm đó ra để mình triển khai, còn nó không niệm thì mình ngồi không. Khi nào mà con thấy không có niệm thì thôi.

Phật tử 3: Khi nào mà không có niệm thì ngồi không chứ không có khởi niệm gì hết?

Trưởng lão: Không khởi.

Phật tử 3: Còn lúc nào nó khởi niệm thì…​

Trưởng lão: Còn lúc nào khởi niệm nó khởi niệm, tự con nó khởi niệm, chứ nó không chịu không đâu. Nó sẽ có niệm nó khởi ra, nội cái mà con triển khai cái niệm, tự nó phóng ra nó cũng là mệt con rồi. Mà con triển khai nó đầy đủ thì nó lặn mất đó.

Phật tử 4: Con xin bạch Thầy.

Trưởng lão: Ừ. Con hỏi gì đó con?

Phật tử 4: Thưa Thầy bây giờ hết giờ rồi.

Trưởng lão: Hết giờ rồi hả con? Thôi bây giờ hết giờ rồi Thầy xin phép mấy con. Thôi để Thầy đứng dậy Thầy chào mấy con.

HẾT BĂNG


Trích dẫn - Ghi chú - Copy