- Những điều Phật tử cần lưu ý tu tập theo lời Trưởng lão căn dặn rất chi tiết.
Người muốn đi tu mà duyên nghiệp cứ buộc ràng, không thể bỏ đi được, có ba nguyên nhân chính: 1- Nợ nhân quả quá nặng. 2- Thất kiết sử quá dầy. 3- Ngũ triền cái ngăn che. Đó là ba nguyên nhân khiến cho người muốn đi tu theo đạo Phật rất khó vượt qua, đó cũng là ba mạng lưới bao vây kiếp con người, mãi mãi trôi lăn trong biển sanh tử, luân hồi và nhiều khổ đau trong nhiều đời nhiều kiếp. Chỉ có người trí hiểu biết và còn phải có đủ nghị lực, can đảm, gan dạ, mới vượt ra khỏi, mới biết được những sợi dây xích kiết sử tuy vô hình nhưng nó chắc hơn những sợi dây lòi tói.
(Đường Về Xứ Phật - Tập II - Trang 306)Bây giờ quý vị ăn ngày ba bữa đã thành thói quen mà bắt buộc quý vị ăn ngày một bữa, tức là quý vị đã bị ức chế thân tâm rồi đó, quý vị sẽ bị bệnh và khổ đau. Đức Phật dạy: Các cư sĩ muốn tu thì nên tu tập Thọ Bát Quan Trai. Một tháng chỉ 1 ngày, 1 ngày đó thật sự mình có ức chế thân tâm, nhưng chỉ ức chế thân tâm cho nó quen dần. Tập dần cho nó quen, chứ chưa tu tập gì hết mà vội xuất gia, thì mình sẽ bị ức chế thân tâm trong giới luật. Và như vậy mình sẽ bị bệnh, không bao giờ mình tránh khỏi. Xuất gia tu hành để cầu giải thoát, cớ sao mình lại tạo cho mình thêm khổ, chứ có giải thoát gì đâu.
(Đường Về Xứ Phật - Tập IV - Trang 190)Nếu là tu pháp xả tâm mà tu không đúng cách thức xả tâm khi ở một mình thì lại bị ức chế tâm mà không biết, trường hợp như quý Thầy và quý Cô và quý cư sĩ thích sống độc cư mà độc cư không trọn vẹn, độc cư không đúng cách, khi độc cư không trọn vẹn, không đúng cách trở thành ích kỉ, lười biếng, ăn không ngồi rồi, tưởng là mình tu tập xả tâm, nhưng không ngờ lại ức chế tâm. Các con nên lưu ý điều này trên bước đường tu tập, khi tâm còn phóng dật mà vội khép mình độc cư một trăm phần trăm thì đó là ức chế tâm. Cho nên, có nhiều người nhập thất chuyên ngồi thiền, hoặc niệm Phật, hoặc niệm chú, tưởng thực hành như vậy là sẽ nhập định và khi có thiền định thì sẽ có trí tuệ, nhưng không ngờ sống một mình tu như vậy là ức chế tâm, ức chế tâm là rơi vào tưởng tuệ, do tưởng tuệ phát sanh nên bản ngã càng lớn, bản ngã càng lớn thì tâm tham, sân, si càng nhiều, như vậy là tu sai pháp của đức Phật lọt vào tà pháp của ngoại đạo.
(Đường Về Xứ Phật - Tập II - Trang 125)Trong các pháp tu tập nhiếp tâm, an trú tâm của giai đoạn 1, có pháp Định Niệm Hơi Thở thì các con phải hết sức thận trọng. Nó là pháp tu tập trên thân hành nội, nên rất nguy hiểm nếu tu tập không đúng. Nếu các con không ở tại Tu Viện Chơn Như, thì tốt nhất không nên tu tập hơi thở, vì không có vị thầy hướng dẫn, kiểm tra sự tu tập của các con. Đối với các pháp tu tập trên thân hành ngoại như đi Kinh Hành hay đi Thân Hành Niệm, các con cũng chỉ nên tu tập tối đa là 6 tháng, không nên tu tập kéo dài thời gian cả năm. Nhất là tu tập một pháp trong nhiều năm là sai, là dính mắc vào pháp tu. Tu như vậy rất dễ lọt vào tưởng nên rất khó tiến tu sau này. Các con nên nhớ, chỉ tu tập nhiếp tâm và an trú tâm kéo dài nhiều nhất là 6 tháng, đối với người phật tử tại gia. Thay vì người chuyên tu họ tu tập một ngày 4 thời; mỗi thời tu tập 3 tiếng, thì người tu tập tại gia nên thu xếp mỗi ngày tu tập 1 hoặc 2 thời; mỗi thời tu tập từ 30 phút đến 1 tiếng, không nên tu nhiều. Các con nếu muốn tu tập làm chủ được các nỗi khổ đau trên thân tâm thì phải tu tập có căn bản giai đoạn 1 của người cư sĩ. Còn nếu các con tu tập cho lấy có, tu thử hay tu chơi thì chỉ uổng phí công sức và thời gian mà thôi.
(Những Bức Tâm Thư - Tập 3 - Trang 225)Lao động chân tay nhiều sanh ra hôn trầm: người tu tập không nên lao động nhiều và lao động quá sức. Nên nhớ là lao động để mà tu, chớ không phải lao động để hết công việc. Tu tập là sự lao động rất lớn về trí, nếu lao động cơ thể quá nhiều, không thể nào tránh khỏi hôn trầm. Người cư sĩ phải biết giữ gìn sức khỏe, không nên phí phạm sức khỏe trong các cuộc vui chơi trác táng, thức khuya, trà, rượu, thuốc hút, v.v…
(Pháp Tu Của Phật Làm Chủ Sinh - Già - Bệnh - Chết - Trang 132)Đức Phật đã hiểu rõ hoàn cảnh của người cư sĩ không thể nào xuất gia tu hành ngay liền được, nên Ngài đã chỉ dạy cho cư sĩ trong mỗi tháng nên tu tập một hoặc hai ngày “Thọ Bát Quan Trai”, tức là tập sống đúng như Phật và chúng Thánh Tăng, trong ngày ấy giữ gìn tám giới thanh tịnh và ôm pháp tu tập, tức là không lìa pháp nghĩa là ngày ấy lấy pháp ngăn ác diệt ác pháp, sống thiện tăng trưởng thiện pháp, vì thế ngày ấy phải sống trầm lặng độc cư không được nói chuyện tào lao, nói chuyện Phật pháp, nghe băng, luận đạo v.v.. Ngày ấy được xem là ngày làm Phật, làm Thánh Tăng, làm Thánh Ni, làm bậc Hiền Thánh trong đạo Phật; ngày ấy được xem như là một ngày quan trọng nhất của đời người, vì ngày ấy là ngày giải thoát sanh tử và chấm dứt luân hồi muôn đời muôn kiếp. Cho nên, các con hãy xem ngày thọ Bát Quan Trai là một ngày cao thượng và cao đẹp nhất của đời sống làm người của các con. Một ngày sống toàn thiện cho chính bản thân các con, cho mọi người và mọi loài chúng sanh.
(Đường Về Xứ Phật - Tập IX - Trang 132)BA GIỚI ĐỨC NÒNG CỐT Của Người Cư Sĩ 1- Nhẫn Nhục Nhẫn nhục là một đức tính hòa hợp rất tốt, người cư sĩ cần nên tu tập rèn luyện để cùng sống trong gia đình và xã hội mà thân tâm được sống yên vui. 2- Tuỳ Thuận Tùy thuận là một đức tính hòa hợp trong gia đình và xã hội, khiến mình và mọi người được an vui, thanh thản. Vì vậy cần phải cố gắng giữ gìn, tu tập và rèn luyện. 3- Bằng Lòng Bằng lòng là một đức tính buông xả rất tốt mà người cư sĩ cần phải giữ gìn, tu tập và rèn luyện, để cho cuộc sống có thân tâm bình an, thanh thản.
(Những Chặng đường Tu Học Của Người Cư Sĩ - Trang 131)Đạo lộ của Phật đã vạch ra rất rõ ràng, có ba giai đoạn tu tập: 1- Giai đoạn tu tập cho người cư sĩ, thọ Tam quy ngũ giới, Thập thiện, sống và làm việc sống đúng đạo đức nhân quả. 2- Giai đoạn chuyển tiếp thọ Bát quan trai giới, tu tập tỉnh thức trong việc làm hằng ngày dùng tuệ tri nhân quả nhẫn nhục, tuỳ thuận, bằng lòng để xả tâm. Đó là người cư sĩ tu tập Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ để khắc phục tâm tham ưu ở đời và giai đoạn này gọi là “Chánh Niệm Tỉnh Thức”. Sự tu tập này trong những ngày thọ Bát quan trai. 3- Giai đoạn tu tập của người tu sĩ, ly gia, cắt ái, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, sống không gia đình, không nhà cửa, tu tập Tứ Niệm Xứ, Tứ Thánh Định và Tam Minh. Với chiếc áo của người cư sĩ tu tập chỉ làm chủ được cuộc sống (sanh), chứ không thể làm chủ tự tại sống, chết và chấm dứt luân hồi được. Làm chủ sanh, tức là làm chủ được cuộc sống, làm chủ được cuộc sống, tức là luôn luôn hành động thân, miệng, ý đều thiện không làm khổ mình, khổ người. Người cư sĩ còn sống tại gia tu tập chỉ được tâm hồn thanh thản, an lạc mà thôi không thể đi xa hơn nữa được. Tuy đã xa lìa tham, sân, si, mạn, nghi nhưng chưa đoạn dứt và thất kiết sử còn trói buộc (7 sợi dây đang trói chặt và sai sử) chưa bứt ra được, nên khó mà tiến tới giải thoát hoàn toàn, tức là khó tiến vào thiền định sâu mầu. Tuy mang hình thức người cư sĩ mà đời sống và tình cảm của người này phải sống y như người tu sĩ xuất gia, tức là sống đúng giới hạnh và giới đức của người ly gia cắt ái. Xa lìa các nghề nghiệp thế gian, không làm việc gì cả, nhờ người thân giúp đỡ ngày một bữa cơm, hằng ngày tinh tấn chuyên cần tu tập ba giai đoạn rốt ráo của đạo lộ mà đức Phật đã vạch ra (Bát Chánh Đạo) thì người cư sĩ này sẽ làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi như người tu sĩ xuất gia chân chánh.
(Đường Về Xứ Phật - Tập V - Trang 187)- 3 giai đoạn của người tu hành
Con có duyên với Phật pháp, nhưng tánh con yếu đuối không thể vượt qua bức tường nhân quả, vì thế con nên tu trong chiếc áo của người cư sĩ: Tu tập xả ly năm triền cái bằng đức nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng. Luôn luôn trau dồi thân tâm trong mọi hành động thân, khẩu, ý bằng “Tứ Vô Lượng Tâm”: Đức hạnh Từ, Bi, Hỷ, Xả. Dứt bỏ 10 điều ác và cố tăng trưởng 10 điều lành. Cần phải thông hiểu và nghiên cứu tường tận đạo đức nhân bản nhân quả không làm khổ mình, khổ người. Hằng ngày phải nhớ dùng pháp hướng tâm như lý tác ý: “Tâm như đất, tham, sân, si phải đoạn diệt sạch” Người cư sĩ cần tu năm pháp môn này, thân tâm được an vui và hạnh phúc trong cuộc sống, chẳng có đối tượng, hoàn cảnh, sự việc nào làm dao động tâm được, đó chính là nguồn giải thoát của đạo Phật trong mọi người cư sĩ, con hãy cố gắng lên! Cố gắng lên tu tập con ạ! Khi tu tập xả tâm như vậy, tức là con tu tập đạo đức làm người không làm khổ mình, khổ người, không làm khổ mình, khổ người là con đã trả vay nghiệp nhân quả của tiền kiếp, trả vay nhân quả của tiền kiếp tức là con bứt bỏ thất kiết sử, khi bứt bỏ thất kiết sử thì con không còn phóng dật
(Đường Về Xứ Phật - Tập II - Trang 307)Giáo lý của đức Phật đã vạch ra con đường tu hành rất rõ ràng, lấy nhân quả làm nòng cốt đối tượng cho sự tu tập, vì thế thay đổi nghề nghiệp ác là hành động đầu tiên trau dồi thân tâm thiện (Chánh Nghiệp) kế đến, chúng ta lần lượt tu tập những hạnh bố thí cúng dường, để xả bỏ lòng ích kỷ hẹp hòi, để xa lìa lòng ham muốn nhiều của mình và hàng ngày còn trau dồi đức nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng trong mỗi đối tượng, mỗi hoàn cảnh, mọi sự việc. Chính những sự tu tập này, đã mang đến cho quý vị và gia đình một sự an vui hạnh phúc tuyệt vời. Người cư sĩ chỉ cần tu tập bấy nhiêu đây, cũng đủ đem lại một cuộc sống an lành hạnh phúc mà hầu hết mọi người trên thế gian này đều mơ ước, chỉ có những người chưa biết an phận thì con đường tu tập này không phù hợp.
(Đường Về Xứ Phật - Tập I - Trang 107)Đường lối tu tập của đạo Phật và cách thức rèn luyện thân tâm rất rõ ràng, tuần tự, giai đoạn I trước tiên quý vị cần phải thông hiểu đường lối, phương pháp, cách thức rèn luyện, trau dồi như thế nào? Để diệt trừ thói hư tật xấu, không làm các ác pháp luôn tăng trưởng thiện pháp, lập hạnh bố thí cúng dường, tạo phước báo lâu dài, xả bỏ lòng xan tham, ích kỷ để tâm được rộng lớn, lập đức nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng để tâm hồn lúc nào cũng hân hoan thanh thản, không biết hờn giận phiền não với ai, không biết tham muốn tài sản của ai, vui sống với gia đình làm gương tốt cho mọi người: “không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh”. Vai trò người cư sĩ đệ tử của đức Phật chỉ tu như vậy, đừng nên tu hơn nữa, tại sao vậy? Vì có tu cao hơn cũng chẳng đi tới đâu, nếu không đoạn dứt ái kiết sử.
(Đường Về Xứ Phật - Tập I - Trang 119)Đạo Phật có lớp tu thấp, có lớp tu cao, được chia ra làm tám lớp gọi là Bát Chánh Đạo. Người cư sĩ tu theo lớp của người cư sĩ, còn người tu sĩ khi xuất gia trở thành tu sĩ thì phải trải qua tu cho xong lớp đạo đức của người cư sĩ, nếu không tu tập đạo đức như vậy thì sẽ mất căn bản. Bằng chứng, hiện giờ các vị Tỳ kheo Tăng cũng như tỳ kheo Ni thường phạm giới cấm tức là thiếu đạo đức làm Người, làm Thánh, nên con đường tu hành chẳng ra gì, đời chẳng ra đời, đạo chẳng ra đạo, mà còn trở thành một người hành nghề lừa đảo, nghề mê tín.
(Đường Về Xứ Phật - Tập I - Trang 120)- Người tu sĩ tu chưa được, còn phạm giới là do thiếu căn bản, chưa học và chưa có đạo đức làm người.
Để chuẩn bị lên lớp tu sĩ thì quý vị phải sắp xếp buông xả vật chất cho thật sạch, tình cảm phải dứt khoát, không còn để dây dưa mà phải đoạn cho dứt, xem như mình đã chết rồi. Có như vậy, mới vượt thoát cuộc sống thế gian, mới trở thành người đệ tử xuất gia chân chánh của đạo Phật. Nơi đây, là giai đoạn rất quan trọng cho cuộc đời tu hành của mỗi người, có dứt khoát được tình cảm, có xa lìa được tài sản thì mới nhập được chánh định, bằng không chỉ là tu tập có hình thức, chẳng bao giờ nếm được mùi vị của giải thoát.
(Đường Về Xứ Phật - Tập I - Trang 121)Quyết tìm đường giải thoát ra khỏi kiếp sống trần lao gian khổ, mà không dứt bỏ tình cảm thì làm sao thoát ra khỏi trần lao được. Nếu quý vị, giải quyết tâm mình không ổn thì quý vị nên giữ chiếc áo cư sĩ mà tu thiện pháp, đừng có mơ tưởng đến Thiền định, Thiền định chỉ dành riêng cho những người biết buông xả, buông xả sạch.
(Đường Về Xứ Phật - Tập I - Trang 119)Từ cuộc sống Đời bước sang cuộc sống Đạo toàn bộ đều thay đổi khác hẳn, vì thế người muốn tu giải thoát mà không chuẩn bị sẵn sàng sẽ bị một cơn sốc nặng, từ đó về sau cuộc sống “Đời chẳng ra đời, Đạo chẳng ra đạo” sự tu hành cũng chẳng đi tới đâu, phí uổng một đời người chẳng ích lợi gì cho mình, cho người.
(Đường Về Xứ Phật - Tập I - Trang 121)Đến với đạo Phật, là để trở thành người tu sĩ xuất gia thì đời sống vật chất thiếu thốn mọi mặt, gần như không còn gì hết. Nếu người nào không có quyết tâm, không thấu rõ đời sống con người là khổ, khổ thật sự thì khó mà chấp nhận đời sống Đạo. Đời sống Đạo phải hoàn toàn đoạn lìa, không còn mang một chút gì của đời trong tâm hồn thì sự tu hành mới dễ dàng. Đừng ngồi đây mà lo đời nghĩ nhớ cái này, cái kia hoặc lo toan thứ này thứ nọ.
(Đường Về Xứ Phật - Tập I - Trang 133)Đối với Phật tử, họ chỉ là cái nhân để cho quý Thầy tạo cái duyên tu hành cho họ về sau, chớ đừng khuyến khích họ xuất gia tu hành ngay liền bây giờ hoặc bày vẽ kêu gọi họ cúng dường, làm từ thiện, xây chùa, xây tháp, hoặc trai tăng tứ sự v.v.. Đó là biến họ trở thành sự trói buộc quý Thầy. Cũng vì chuyện cúng dường, xây chùa tháp làm từ thiện v.v.. mà quý Thầy đã ngã quỵ trên đường tu hành của mình, quý Thầy đã trở thành những người phục vụ cho nhu cầu tinh thần của cư sĩ, chứ không còn là một vị tu sĩ chân chánh.
(Đường Về Xứ Phật - Tập I - Trang 134)- Các quý thầy lưu ý không khuyên Phật tử xuất gia.